Saturday 18 May 2013

Đặc điểm ngữ âm phương ngữ Nghệ-Tĩnh với việc nghiên-cứu lịch sử tiếng Việt (Nguyễn Hoài Nguyên)

1. Dẫn nhập
Các kết quả nghiên cứu lịch sử tiếng Việt cho thấy các nhà ngữ học đã tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau. Có thể xuất phát từ mảng từ Hán- Việt để tìm hiểu diễn biến của hệ thống âm đầu tiếng Việt như H. Maspero (1912), Nguyễn Tài Cẩn(1977, 1995). Có thể tiếp cận từ tiếng tiền Việt- Mường đến tiếng Việt hiện đại như A.Haudricourt(1953, 1954), M.Ferlus(1975, 1981, 1995), Phạm Đức Dương (1979, 1983), Trần Trí Dõi (1987, 1991, 2005). Có thể xuất phát từ các thư tịch cổ, trước hết là các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm như Lê Quán(1973), Vương Lộc(1989, 1995), Nguyễn Ngọc San(1985, 2003). Cũng có thể xuất phát từ các ngôn ngữ họ hàng với tiếng Việt như tiếng Mường, tiếng Thổ, tiếng Cuối, tiếng Chứt…và các ngôn ngữ Môn-khmer khác như cách làm của H.Maspero(1912),A.Haudricourt(1953,1954),M.Ferlus(1981),N.K.Xokolovskaja(1976, 1978). Có thể xuôi dòng lịch sử: từ nguyên sơ, tức là từ ngôn ngữ tiền Việt- Mường đến tiếng Việt hiện đại theo cách của H.Maspero(1912), M.Ferlus(1981), Trần Trí Dõi(2005). Cũng có thể ngược dòng lịch sử, từ hiện đại trở về nguyên sơ như cách của Nguyễn Tài Cẩn(1995), Nguyễn Ngọc San(2003). Cùng với những hướng tiếp cận trên, có thể nghiên cứu lịch sử tiếng Việt từ góc độ phương ngữ học.
Phương ngữ học Việt đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử phát triển tiếng Việt qua những nghiên cứu, đối chiếu các hiện tượng ngôn ngữ giữa các vùng, các miền đất nước. Sự tồn tại và đang hành chức của một phương ngữ và giữa các phương ngữ có một mối liên hệ về lịch sử bởi vì Lịch sử tiếng Việt tìm thấy trên bản đồ phương ngữ sự ánh xạ trong không gian của sự diễn biến của nó trong thời gian [3, tr. 28]. Dĩ nhiên, cái hình ảnh lịch sử qua không gian chỉ là một khái niệm tương đối thể hiện những đặc điểm nào đó của các thời kì khác nhau của một ngôn ngữ chứ không phải thể hiện một cách trọn vẹn các giai đoạn khác nhau ấy. Nhưng trong điều kiện tư liệu quá ít ỏi thì những yếu tố bảo lưu còn vương lại ở những mảnh biến thể địa phương của tiếng Việt đương đại cũng có thể cho phép người nghiên cứu tái lập những dạng ngôn ngữ ở các thời điểm phát triển đã có trong diễn trình tiếng Việt. Vậy là, trong các phương ngữ Việt, phương ngữ Nghệ Tĩnh(PNNT) là một trong vài phương ngữ hiếm hoi còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ, thậm chí rất cổ của tiếng Việt ở các giai đoạn trước đây. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã xác nhận điều đó: Trong các vùng phương ngữ Việt, vùng phương ngữ Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên có một vị trí đặc biệt: đây là vùng hiện còn giữ rất nhiều nét cổ. Có thể coi đây là một kho tàng cứ liệu có thể giúp ích được rất nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt giai đoạn khá xa xưa( cách đây năm trăm năm trở lên) [1, tr. 14]. Bài viết này nêu vài suy nghĩ về lịch sử ngữ âm tiếng Việt từ các đặc điểm ngữ âm PNNT.
2. Vị trí của phương ngữ Nghệ Tĩnh trong các vùng phương ngữ Việt
Việc xác định các vùng phương ngữ Việt đã có lịch sử một thế kỉ nếu tính từ những khảo sát của L.Cadiere(1902). Tuy cuộc tranh luận về vấn đề phân vùng phương ngữ chưa có tiếng nói thống nhất nhưng vẫn phải chấp nhận một cách phân định các vùng phương ngữ để xác định PNNT thuộc vùng phương ngữ nào. Chúng tôi ủng hộ giải pháp của Hoàng Thị Châu [3] phân chia tiếng Việt thành ba vùng phương ngữ gồm phương ngữ Bắc(PNB), phương ngữ Trung(PNT) và phương ngữ Nam(PNN); theo đó, PNNT là một phương ngữ tiểu vùng cùng với phương ngữ Thanh Hóa( PNTH) và phương ngữ Bình Trị Thiên( PNBTT) thuộc vùng PNT. Nếu thừa nhận tính chất cổ là nét đặc trưng của vùng PNT thì trung tâm là tiểu vùng nào? Dựa vào các đặc trưng ngữ âm PNNT, tiến hành so sánh đối chiếu với PNTH, PNBTT và các phương ngữ khác, chúng tôi cho rằng PNNT thể hiện đầy đủ tính chất trung tâm, tiêu biểu cho vùng PNT. Điều đó phù hợp với những nhận định của Vương Hữu Lễ( 1974), Hoàng Thị Châu(1989, 2004), Nguyễn Tài Cẩn(1995) nhưng các tác giả chưa có điều kiện chứng minh.
So với cái mã chung là tiếng Việt văn hóa(TVVH) vẫn có những sự khác biệt làm nên tiếng nói của từng vùng cụ thể mà mỗi người nói tiếng Việt đều có thể cảm nhận được. Nói đến PNNT, người các địa phương khác dễ nhận ra bộ mặt ngữ âm qua cách định danh giọng Nghệ gắn với nét đặc trưng trầm, nặng, trọ trẹ được thể hiện trong ba bộ phận cấu thành âm tiết Nghệ Tĩnh là âm đầu, phần vần và thanh điệu.
Hệ thống âm đầu PNNT có 23 đơn vị vì còn bảo lưu âm đầu /p/ hiện nay không tồn tại trong TVVH và các phương ngữ khác. Theo Phan Ngọc( 1953), âm /p/ đã từng tồn tại trong tiếng Việt thế kỉ X( bằng chứng trong tiếng Mường có /p/) nhưng mất đi vào khoảng thế kỉ XII. Khác với PNB, PNNT có ba phụ âm quặt lưỡi / ƫ, ʂ, ʐ / có mặt trên toàn địa bàn. Các phụ âm có cấu âm quặt lưỡi được hình thành trong tiếng Việt thế kỉ XVII( được A.de.Rhodes ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La) được bảo tồn nguyên vẹn trong khi đó PNB mất hẳn các âm quặt lưỡi, còn PNN chỉ có / ƫ/ và /ʐ/ vì theo Huỳnh Công Tín( 1999), âm /ʂ/ đã nhập với /s/. Trong PNBTT, theo Võ Xuân Trang [10], ba phụ âm quặt lưỡi không có mặt trong 30/ 94 điểm điều tra; còn trong PNTH, trừ một vài thổ ngữ ở nông thôn, nhìn chung tình hình giống như PNB. So với PNB và PNN, PNNT vẫn giữ nguyên vẹn dãy các phụ âm tắc bật hơi / p’, t’, k’/ đối lập với các phụ âm không bật hơi / p, t, k / của tiếng Việt thế kỉ XVII trở về trước( được ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La). Trong TVVH và các phương ngữ khác, dãy phụ âm tắc bật hơi này chỉ còn lại /t’/( th), còn /p’/ > / f/( ph), /k’/ > /x/( kh) kết quả của quá trình xát hóa. ở PNTH, dãy bật hơi cũng chỉ còn lại /t’/, còn PNBTT tồn tại /p’/ nhưng chỉ có ở một thổ ngữ/ xin xem Võ Xuân Trang [10]/.
Trong phát âm, PNNT còn lưu giữ nhiều nét ngữ âm rất cổ của tiếng Việt thế kỉ XV- XVII. Một số thổ ngữ Nghệ Tĩnh như Nghi Ân, Nghi Đức(Nghi Lộc), Thanh Yên(Thanh Chương), Đức An, Đức Lập(Đức Thọ), Cương Gián(Nghi Xuân) còn tồn tại thấp thoáng các âm đầu tiền thanh hầu hóa [?b, ?d] của tiếng Việt cổ. Những dấu vết về tổ hợp phụ âm như [tl], cách cấu âm tắc, hữu thanh/ vô thanh ngạc hóa mạnh [dj], [bj], [cj] vốn có trong tiếng Việt thế kỉ XVII vẫn tồn tại trong nhiều thổ ngữ Nghệ Tĩnh. Trong cách phát âm của PNNT, [dj] tương ứng với [z]( d), [bj] tương ứng với [v], [cj] tương ứng với [z]( gi) trong TVVH. Những cách phát âm này không tìm thấy trong PNTH và các phương ngữ khác nhưng vẫn tồn tại trong một số thổ ngữ Quảng Bình thuộc PNBTT. Miêu tả một cách phát âm cụ thể, chẳng hạn, âm /z/( d) trong TVVH được người Nghệ Tĩnh phát âm [dj]. Cách phát âm này lưu giữ dấu vết của tiếng Việt trung đại mà A.de Rhoder ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La: dea(da), deải( dải), deạy(dạy), dẹam(dạm)…. Các tác giả Nguyễn Tài Cẩn(1995), M.Ferlus(1985), Vương Lộc(1995) đều thừa nhận de là biến thể của d và đã miêu tả như một âm tắc đầu lưỡi. Trong những nghiên cứu gần đây, Nguyễn Văn Lợi(2005) cho đó là phụ âm tắc, hữu thanh thở, tác giả ghi bằng kí hiệu [dh], còn Đoàn Văn Phúc(2005) lại khẳng định đây là cách phát âm tắc, đầu lưỡi tiền thanh hầu hóa, ghi bằng kí hiệu /d/. Thế nhưng, quan sát cách phát âm của người Nghệ Tĩnh(đặc biệt ở những người già) chúng tôi nhận thấy có hiện tượng thanh môn mở, đầu lưỡi đưa lên lợi tiếp ngạc tạo cảm giác lưỡi căng do bị kéo lùi về phía sau, luồng hơi đi qua thanh môn làm dây thanh rung mạnh. Đây là cách cấu âm của một phụ âm tắc, hữu thanh, ngạc hóa mạnh; vị trí cấu âm đầu lưỡi- lợi tiếp ngạc [dj]. Chúng tôi đã thu thập được 50 từ mà phần đầu âm tiết có cách cấu âm như đã miêu tả.
Từ thực tế phát âm, chúng tôi nhận thấy PNNT đã phản ánh một cách khá trọn vẹn các đặc trưng có ở phần đầu âm tiết của PNT. Xu hướng cấu âm của người Nghệ Tĩnh tiêu biểu cho lối cấu âm của PNT, đó là cách cấu âm nghiêng về chọn một bộ vị thích hợp cho phát âm phần đầu âm tiết, tức là các phụ âm. Thói quen cấu âm của người Nghệ Tĩnh là tận dụng tối đa phần gốc lưỡi. Các âm có chỗ cản tính từ răng đến gốc lưỡi có xu hướng nhích về phía sau làm cho phần cuối của khoang hầu, kèm theo đó là phần cuối của khoang miệng bị thu hẹp lại một cách đáng kể. Lối cấu âm này chỉ có ở vùng PNT, khác hẳn lối cấu âm của vùng PNB, ở đó gốc lưỡi hầu như ít hoạt động. Lối cấu âm của người Nghệ Tĩnh làm cho âm tiết bị phủ một màu tối, trầm đục hơn so với việc tận dụng tối đa khoang trước của miệng của người miền Bắc. Có lẽ do thói quen cấu âm lấy khoang sau của miệng làm trung tâm nên người Nghệ Tĩnh mới bảo lưu trọn vẹn ba âm quặt lưỡi cũng như việc thể hiện rõ ràng các âm tắc bật hơi so với các phương ngữ trong vùng.
Hệ thống vần PNNT cũng mang đặc trưng của vùng PNT. Khác với PNB, PNNT có sự phân biệt các vần ɯw(ưu)/ iw(iu), ɯɤw(ươu)/ iew( iêu), tận dụng tối đa các vần ɯn(ưn)/ ɯt(ưt), bảo lưu một lối tiếp hợp lỏng giữa đỉnh vần và kết vần như e:η(êêng)/ e:k(êêk), ɛ:η(eng)/ ɛ:k(ec), u:η( uung)/ u:k(uuc), o:η(ôông)/ o:k(ôôc), ɔ:η(oong)/ ɔ:k(ooc) và cả ɤ:η(ơng)/ ɤ:k(ơc), i:η(ing)/ i:k(ic). Khác với PNN, phần vần PNNT gần như giữ được trọn vẹn các yếu tố phụ âm tính ở kết vần. Các yếu tố phụ âm tính làm nhiệm vụ kết vần trong sự kết hợp với các yếu tố nguyên âm tính không chịu một sự tác động chặt chẽ như ở PNB hay một phần như ở PNN mà chúng vẫn còn là một sự sao phỏng không hoàn toàn các phụ âm có ở phần đầu âm tiết. Điều đó nói lên rằng những bộ vị cơ bản của phụ âm có ở phần đầu âm tiết đã được giữ nguyên khi sao phỏng ở phần cuối âm tiết và yếu tố nguyên âm tính đỉnh vần không có sự đối lập về trường độ. Do đó, nếu trong TVVH và các phương ngữ khác số lượng vần có trong thực tế ít hơn rất nhiều so với sự hình dung lí thuyết thì vần PNNT có số lượng tối đa(159 vần). Các vần ɯn(ưn), ɤw(ơu), ɤη(ơng) và cặp vần ɯm(ưm)/ ɯp( ưp) vừa có trong hệ thống vừa có trong thực tế phát âm. Các vần ɤw, ɤη có giá trị âm vị học vì chúng có tư cách là những đơn vị cấu tạo vỏ âm tiết làm thành từ thực tế như phơu, phơu bở, (rú) Bờng. Nhìn chung, phần vần PNNT có đặc điểm của lối cấu âm vùng PNT nhưng thể hiện một cách cực đoan và đa dạng hơn PNTH và PNBTT. Từ thực tế phát âm, có thể xác định những đặc trưng mang tính chủ đạo ở vần PNNT là: xét từ phía đỉnh vần, có thể nhận thấy các nguyên âm đỉnh vần trong TVVH có độ nâng lưỡi cao thì PNNT có độ nâng lưỡi thấp( đôi khi có hiện tượng ngược lại). Như vậy, khẩu độ của nguyên âm đỉnh vần trong PNNT theo hướng mở và trầm, kể cả các nguyên âm chuyển sắc. Nếu có các tiếp hợp giữa đỉnh vần và kết vần thì PNNT có xu hướng tiếp hợp lỏng.
Hệ thống thanh điệu Nghệ Tĩnh là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng làm nên đặc trưng giọng Nghệ. Đặc trưng nổi bật là PNNT chỉ có 5 thanh, trong đó thanh ngã và thanh nặng tương ứng với thanh nặng trong TVVH. Cũng là hệ thống 5 thanh nhưng ở PNTH và PNBTT, thanh ngã nhập với thanh hỏi như PNN. Qua phân tích ngữ âm và xác lập hệ thanh Nghệ Tĩnh có thể thấy rằng hệ thanh điệu Nghệ Tĩnh mang màu sắc tiêu biểu cho vùng PNT. Các thanh điệu được thể hiện trong vùng âm vực hẹp nên không có dấu hiệu khu biệt rõ ràng. Đường nét các thanh quá nghèo nàn và có xu hướng hỗn nhập các thanh như ngã với nặng, hỏi với nặng, sắc với hỏi…thể hiện một tình trạng rối loạn trong hệ thống thanh điệu. Phải chăng, lối cấu âm của người Nghệ Tĩnh không tận dụng các khoang cộng hưởng vùng miệng như người miền Bắc(toàn thân lưỡi nghiêng về phía trước) làm hẹp phần thoát của khoang hầu(do toàn thân lưỡi dồn về phía sau) nên đã hạn chế sự thể hiện các đặc trưng điệu tính có ở các nét ngữ âm của hệ thống thanh điệu?
Trở lên là những nét đặc trưng của sắc thái ngữ âm tạo nên sự khác biệt giữa PNNT với TVVH và các phương ngữ khác, khẳng định PNNT là trung tâm của vùng PNT, lưu giữ được nhiều dấu vết khá xa xưa của tiếng Việt, nhờ nó mà tính chất cổ của vùng PNT được khẳng định. Bởi vậy, PNNT có một vị trí nhất định trong phản ánh không gian của tiến trình phát triển theo thời gian của tiếng Việt, là một chứng tích trong việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
3. Vài suy nghĩ về lịch sử ngữ âm tiếng Việt từ những đặc trưng ngữ âm phương ngữ Nghệ Tĩnh
Mối quan hệ giữa phương ngữ học với lịch sử tiếng Việt mà cụ thể ở đây là các tư liệu đang có ở PNNT có giá trị gì cho việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt? Trước hết, với lối cấu âm tiêu biểu cho PNT cùng với hệ thống âm đầu PNNT cho phép ta hình dung các xu hướng biến đổi của hệ thống âm đầu tiếng Việt ít nhất từ thế kỉ XVII đến nay. Qua phân tích và miêu tả chúng tôi khẳng định rằng PNNT gần như bảo tồn nguyên vẹn hệ thống âm đầu tiếng Việt thế kỉ XVII. Từ tư liệu âm đầu PNNT, bằng phương pháp so sánh đối chiếu có thể hình dung ở một mức độ nhất định các xu hướng biến đổi của hệ thống âm đầu tiếng Việt từ thế kỉ XVII đến nay.
Qua những mô tả về hệ thống âm đầu PNNT phần nào giúp chúng ta hình dung có một cơ chế cấu âm các phụ âm dùng phần gốc lưỡi hay phần sau của mặt lưỡi, phải chăng đó là một cơ chế cấu âm cổ đang bảo lưu trong PNNT? Sự tồn tại dãy các phụ âm tắc bật hơi gợi ý về một quá trình bật hơi hóa: p > p’, t > t’, k > k’ xẩy ra trong tiếng Việt, theo Vương Lộc [5] nó đã hình thành từ thế kỉ XV- XVI. Dựa vào hệ thống âm đầu PNNT có thể hình dung từ thế kỉ XVII đến nay, hệ thống âm đầu tiếng Việt có bốn xu hướng biến đổi sau đây:
- Xu hướng hữu thanh hóa
Hàng loạt phụ âm vô thanh đã biến đổi thành phụ âm hữu thanh trong các phương ngữ hiện nay. Quá trình hữu thanh hóa kết thúc sớm hơn đối với âm môi và có phần muộn hơn đối với âm đầu lưỡi. Bằng chứng, sang thế kỉ XVIII, trong Từ điển Việt- La(1772) và Sách sổ sang chép các việc(1822) không còn các âm đầu môi vô thanh nhưng đến thế kỉ XIX, trong Đại Nam quấc âm tự vị vẫn còn các âm gốc lưỡi vô thanh chưa hoàn thành quá trình hữu thanh hóa. Ta có: p, p’ > v; k, k’ > ɣ, ƫ > z hoặc j( z ở PNB, còn j ở PNN).
- Xu hướng xát hóa
Các phụ âm tắc vô thanh/ hữu thanh biến đổi thành các phụ âm xát vô thanh/ hữu thanh tương ứng. Quá trình xát hóa xẩy ra trước thế kỉ XVII nhưng đến thế kỉ XVII quá trình này vẫn chưa hoàn thành, phải sang thế kỉ XVIII mới kết thúc. Cách phát âm các âm đầu TVVH / v, z, ɣ / trong PNNT góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc các phụ âm xát tiếng Việt. Đó là quá trình p, p’ và b, bj > v; dj và cj > z; k, k’, g > x, ɣ.
- Xu hướng biến mất các âm quặt lưỡi
Từ thế kỉ XVII đến nay, các âm quặt lưỡi bị biến mất, đặc biết là âm / ƫ /. Các âm quặt lưỡi biến đổi thành các âm mặt lưỡi phẳng hoặc âm đầu lưỡi phẳng, cấu âm đơn giản hơn. Quá trình này xẩy ra vào cuối thế kỉ XIX ở vùng PNB. Đó là ʂ > s, ʐ > z, j; ƫ > c, z, j. Các âm quặt lưỡi được bảo tồn nguyên vẹn trong PNNT.
- Xu hướng đơn hóa các tổ hợp phụ âm
Qua cách phát âm của người Nghệ Tĩnh, có thể hình dung các tổ hợp âm đầu tl, bl, ml diễn biến rất phức tạp. Từ chúng đến các phụ âm tương ứng như ngày nay thường có các phụ âm trung gian. Đó là bl, tl > ƫ > c, z, t; ml > ɲ, l.
Các đặc trưng ở phần vần PNNT cũng là những cứ liệu có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử phần vần tiếng Việt. Như đã trình bày, PNNT có các nguyên âm dài [e], [ɛ], [o], [ɔ] trong các vần êng/ êc, eng/ ec, ôông/ ôôc, oong/ ooc. Cách phát âm mà đỉnh vần và kết vần có dạng tiếp hợp lỏng ở PNNT chính là cách phát âm của tiếng Việt trong lịch sử. Các vần êng/ êc, eng/ ec, ôông/ ôôc, oong/ ooc từ xa xưa người Việt cũng phát âm như người Mường. Các vần được ghi lại là anh/ ach, ong/ oc xuất hiện sau; chúng là kết quả biến đổi ngữ âm trong PNB, xẩy ra sau thế kỉ XVII nhưng chắc phải đến cuối thế kỉ XVIII mới hoàn thành vì trong Từ điển Việt- La(1772), Sách sổ sang chép các việc(1822) chúng còn xuất hiện. Trong PNN, các vần trên cũng gần như biến mất, chỉ còn từ méc(= mách). Như vậy, dựa vào các vần có nguyên âm dài trong PNNT cho phép ta hình dung sự biến đổi của vần tiếng Việt trong lịch sử: êng/ êc > ênh êch, eng/ ec > anh/ ach, uung/ uuc > ung/ uc, ôông/ ôôc > ông/ ôc, oong/ ooc > ong/ oc.
Cuối cùng là giá trị của cứ liệu PNNT cho việc nghiên cứu thanh điệu tiếng Việt. Đặc điểm nổi trội của PNNT là sự hòa nhập hai thanh ngã và nặng trong TVVH thành một thanh tương tự như một thanh đi xuống, ngắn nhưng không xuất hiện hiện tượng tắc họng kèm theo. Ngoài ra, hai thanh hỏi và sắc của TVVH cũng được thể hiện thành một thanh đi lên, hai thanh ngang và huyền cũng được thể diện thành một thanh hơi đi xuống. Vậy là, cùng với việc thể hiện đến mức rất phong phú các màu sắc, cung bậc của các yếu tố nguyên âm đỉnh vần, sự thể hiện một cách nghèo nàn các thanh điệu có trong PNNT dường như gợi ý rằng có một thế bù trừ giữa cấu chất của vần và sự thể hiện thanh điệu. Nếu cho rằng thanh điệu Việt có nguồn gốc từ các yếu tố chiết đoạn thì rõ ràng khi nói đến điều kiện để xuất hiện thanh điệu Việt, nhìn từ góc độ PNNT có thể thấy các đặc điểm điệu tính có trong hệ thanh Việt ngoài các nhân tố có từ âm đầu còn có sự góp sức khá quan trọng của các nguyên âm đỉnh vần. Sự chuyển sắc của các nguyên âm từ độ nâng thấp hơn đến độ nâng cao hơn trong một dòng đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc làm cho âm tiết bị trầm xuống, thuộc về âm vực thấp trong việc hình thành thanh điệu.
4. Kết luận
Phương ngữ Nghệ Tĩnh dù có những khác biệt so với các phương ngữ khác như đã trình bày ở trên song vẫn là một biến thể và dạng tồn tại của tiếng Việt trong sự phát triển lịch sử của nó. Song với diện mạo như hiện nay, chúng ta không thể có một PNNT nguyên vẹn như cổ xưa mà chỉ là một phương ngữ trong sự bảo lưu, tiềm tàng của nó. Vì vậy, khi nghiên cứu PNNT, trước hết cần quan tâm đúng mức đến tiến trình phát triển của tiếng Việt trong lịch sử mà PNNT là một chứng tích, đồng thời phải quan tâm đến tính đa dạng vốn có của tiếng Việt trên các vùng đất nước.
Từ những cách phát âm của người Nghệ Tĩnh giúp ta hình dung một lối cấu âm khá cổ của người Việt- lối cấu âm tập trung phần gốc lưỡi và họng. Chính đặc điểm của lối cấu âm này tạo nên: a/ một danh sách âm đầu đầy đủ nhất mà tình trạng phương ngữ Việt đương đại có thể bảo lưu được, b/ sự nối kết chưa hoàn toàn chặt chẽ giữa nguyên âm đỉnh vần với yếu tố kết vần nảy sinh đối lập về trường độ của nguyên âm đỉnh vần và một dạng tiếp hợp lỏng giữa đỉnh vần với kết vần, c/ lối cấu âm làm hẹp phần thoát của khoang hầu đã hạn chế tối đa sự thể hiện các đặc trưng điệu tính có ở nét ngữ âm của hệ thanh điệu. Những nét đặc trưng ngữ âm của PNNT đã góp thêm nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu phương ngữ Việt cũng như tiến trình phát triển của hệ thống ngữ âm tiếng Việt trong lịch sử.
Tài liệu tham khảo
  1. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 1995.
  2. Nguyễn Tài Cẩn, Bàn thêm về quá trình xát hóa âm đầu tiếng Việt, Kỉ yếu hội thảo quốc tế lần thứ 5 về ngôn ngữ học và ngôn ngữ liên á, tập 1, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H. 2004.
  3. Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H. 2004.
  4. Phạm Văn Hảo, Mấy phụ âm đặc biệt trong thổ ngữ Quảng Trạch, Quảng Bình, Ngữ học trẻ 2004, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2004.
  5. Vương Lộc, An Nam dịch ngữ, giới thiệu và chú giải, Trung tâm từ điển học- Nxb Đà Nẵng, H. 1995.
  6. Nguyễn Văn Lợi, Phụ âm tắc hữu thanh thở và vấn đề các phụ âm xát tiếng Việt(trên tư liệu phương ngữ BTB), Bản đánh máy, 2005.
  7. Nguyễn Hoài Nguyên, Xác định vị trí phương ngữ Nghệ Tĩnh trong các phương ngữ Việt, Ngữ học trẻ 2004, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2004, tr.106- 109.
  8. Nguyễn Hoài Nguyên, Phương ngữ Bắc Trung Bộ với vấn đề các phụ âm xát trong tiếng Việt, Ngữ học trẻ 2006, Hội ngôn ngữ học Việt nam, H. 2006, tr.84- 91.
  9. Đoàn Văn Phúc, Vài đặc điểm âm đầu và thanh điệu các thổ ngữ An Lộc, Thịnh Lộc với nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, Ngữ học trẻ 2005, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2006, tr.80- 85.
  10. Võ Xuân Trang, Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb Khoa học xã hội, H.1997.

Là vua hay là nữ hoàng?



Một số người Việt tự cho là thông tuệ, tỏ ra rất tâm đắc với câu Bộ binh là nữ hoàng của chiến trường. Họ tưởng người Pháp phải khâm phục người mình lắm vì mình biết được cả bản gốc tiếng Pháp từ thời Napoléon ở truồng.
Vào thời Phục Hưng ở châu Âu chưa có không quân, chưa có tên lửa hạt nhân, xe tăng không có, hiệu lực của hỏa pháo còn hạn chế nên bộ binh là lực lượng giữ vai trò quyết định chiến trường, là xương sống của quân đội. Người Pháp gọi cho văn vẻ, tôn xưng bộ binh là reine des batailles vì bộ binh tiếng Pháp là infanterie, một từ giống cái. Chỉ có thể nói L’infanterie est la reine des batailles, chứ không thể dùng từ roi (giống đực, nghĩa là ông vua). Đây là một vấn đề do ngữ pháp tiếng Pháp quy định, không phải vì bộ binh là vua bà. Người Việt nào đó khi dịch reine des batailles đã không dùng từ hoàng hậu vì chẳng thấy ai là vợ ai ở đây, nhưng vẫn cứ gọi bộ binh là nữ hoàng. Gọi bộ binh là vua chiến trường thì có gì sai? Gọi bộ binh là nữ hoàng thì có gì hay ho hơn?

Friday 17 May 2013

Trưởng nam hay trưởng nữ?


Trưởng nam hay trưởng nữ?
Người Công Giáo thường gọi nước Pháp là trưởng nữ của Giáo Hội. Danh xưng này là kết quả dịch sao phỏng từ tiếng Pháp fille aînée de l’Église, được ghi nhận lần đầu trong một bài diễn văn của linh mục Henri-Dominique Lacordaire (14/02/1841). Nguyên do là Clovis đệ nhất được xem (sự thật không phải như vậy) là vị vua man tộc đầu tiên rửa tội theo Công Giáo và các vua Pháp được xem là hậu duệ trực tiếp của Clovis đệ nhất nên danh xưng fils aîné de l’Église (dịch sát là trưởng nam của Giáo Hội) được dùng để chỉ vua Pháp trong mối quan hệ “huyết thống tinh thần” với Giáo Hội. Trong tiếng Pháp roi (vua) là một từ giống đực nên khi đặt vua ở vai con của Giáo Hội phải dùng từ fils giống đực (nói chung nghĩa là con và không phải lúc nào cũng chỉ con trai). Tương tự nước Pháp trong tiếng Pháp được gọi là la France, một từ giống cái nên muốn đặt nước Pháp ở vai con của Giáo Hội, người Pháp phải viết la France, fille aînée de l’Église.
Đây là một vấn đề thuần túy ngữ pháp tiếng Pháp, khi được sao chép nguyên xi sang tiếng Việt, danh xưng trưởng nữ của Giáo Hội tự nhiên gây ra nhiều thắc mắc không đáng có:
-Giáo Hội có con trai không? Nếu có, trưởng nam là nước nào ? Nhưng sao trưởng nam lại là vua Pháp mà không là một nước nào quan trọng tương đương nước Pháp?
-Thứ nữ của Giáo Hội là (những) nước nào?
-Quý nữ của Giáo Hội là nước nào? v.v. và v.v.
Nam hay nữ không phải là chuyện quan yếu. Không ai dịch Le silence des agneaux thành sự im lặng của bầy cừu đực Dieu le FilsĐức Chúa Con, không phải Chúa Con TraiHà cớ gì nước Pháp cứ phải là con gái?

HỌC GIẢ PHAN NGỌC Nhà “bách khoa” cuối cùng của một thế hệ (Nguyên Hòa)


Học giả Phan Ngọc




NGUYỄN HOÀ

NVTPHCM- Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tôi đã biết tới tiếng tăm của Phan Ngọc qua thầy cô và bạn bè ở Khoa Văn hoá quần chúng, Đại học Văn hoá Hà Nội - nơi tôi được quân đội cử theo học. Chỉ với 4 tiết giảng về hằng số văn hoá Việt Nam, ông đã làm cho tôi ngỡ ngàng, đúng là “danh bất hư truyền”, và hình như từ đó, 4 tiết bài giảng của ông cùng các bài giảng của GS Trần Đình Hượu, PGS Từ Chi, học giả Đoàn Văn Chúc... đã nhen nhóm trong tôi một mối lương duyên đối với khoa học - điều mà ngày đeo ba lô từ biên giới phía Bắc trở về, tôi vẫn chưa hình dung ra. Năm 1987, sau khi công bố trên báo Văn Nghệ một bài viết để bảo vệ một số luận điểm trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, phải đến 5 năm sau tôi mới dám tìm đến nhà ông, phần vì tự thấy vốn liếng chữ nghĩa của mình còn quá mỏng mảnh, phần vì e ngại sẽ bị hiểu như là muốn cầu thân (!). Cũng từ đó tôi gắn bó với ông, không chỉ như với một người thấy, mà còn như với một người cha. Song một “thằng học trò - con trai” như tôi kể ra cũng có phần ương bướng, vì có lần ông hỏi: “Lâu nay tôi coi anh như học trò, như con tôi, thế anh học được cái gì ở tôi?”, tôi trả lời: “Con chỉ học Thầy mỗi cái phương pháp thôi”, ông hỏi tiếp: “Tại sao chỉ có phương pháp?”, tôi cười hì hì mà rằng: “Con coi phương pháp học được ở Thầy là cái xương sống, còn tri thức con phải tích luỹ là phần thịt da. Cơ thể có xương sống mà thịt da bủng beo thì vô nghĩa”. Nghe tôi nói vậy, ông cười.
Sinh năm 1925, trong một gia đình giàu truyền thống Nho học - cha ông là cụ Phan Võ, một nhà Hán học nổi tiếng từng làm Thượng thư dưới triều Nguyễn, thời kỳ đầu Phan Ngọc học chữ Hán chỉ để khỏi phật ý người thân, còn hoạn lộ của ông sẽ là thênh thang nếu ông đi theo con đường đã được gia đình hoạch định sẵn, đó là vào trường Luật. Thế nhưng, cậu tú Phan Ngọc - người học giỏi nổi tiếng nhất nhì ở đất Nghệ An hồi trước năm 1945, lại nuôi một chí hướng khác, ông vào trường Y và sau đó nhập ngũ làm lính ở sư đoàn 304, rồi về làm việc từ Bộ Văn hoá đến Đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học KHXH-NV Hà Nội), sau đó là Viện Đông Nam Á (Viện Khoa học Xã hội - Nhân văn Quốc gia) cho tới khi nghỉ hưu. Về các công trình khoa học, xin sẽ đề cập sau, song về ngoại ngữ thì có thể nói rằng sau Trương Vĩnh Ký, thì PGS Phan Ngọc là một người hiếm hoi ở Việt Nam có một vốn liếng ngoại ngữ không dễ mấy ai có được. Từ khả năng tự học đáng kinh ngạc, dưới bút danh Phan Ngọc hoặc Nhữ Thanh, ông đã dịch Mỹ học Hegeltừ nguyên bản tiếng Đức; Spartacustừ nguyên bản tiếng Ý; Chiến tranh và hoà bình từ nguyên bản tiếng Nga; Sử ký (Tư Mã Thiên), Chuyện làng Nho,Hàn Phi Tử từ nguyên bản chữ Hán; David Coperfield và Trần trụi giữa bầy sói từ nguyên bản tiếng Anh... Cách đây vài năm, ông đã xuất bản một cuốnTừ điển Anh-Việt với hơn 100.000 mục từ và đang soạn tiếp Từ điển Việt - Anh với số mục từ tương đương. Dường như có cái gì đó như là năng khiếu, bẩm sinh trong việc học tiếng nước ngoài của Phan Ngọc, điều này được ông giải thích một cách giản dị: “Tôi đã tìm ra cái mẹo của cách học”. Tuy nhiên, điều đáng nói là không giống như nhiều người trong chúng ta đang học ngoại ngữ như đi tìm một sinh kế, PGS Phan Ngọc đã vượt qua giới hạn dùng ngôn ngữ như công cụ môi giới văn hoá mà ông dùng ngôn ngữ để trực tiếp khảo sát văn hoá các dân tộc, các khoa học xã hội mũi nhọn đang phát triển trên thế giới theo cả chiều rộng cùng chiều sâu. Theo tôi, chức danh Phó Giáo sư ngành Ngôn ngữ học chưa phản ánh đầy đủ năng lực thực tế của Phan Ngọc. Đọc các công trình, nghe các bài giảng và qua tiếp xúc, có thể nhận thấy ông còn là nhà triết học, nhà Hán học, nhà mỹ học, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn học... Những lĩnh vực ông nghiên cứu không dừng lại ở các hiểu biết thông thường mà luôn nhất quán theo phương châm “cách vật, trí tri” (biết đến tận cùng sự vật, biết đến tận cùng sự biết). Theo tôi, một số trí thức lớn cùng thời với ông và được lưu danh tên tuổi ở Việt Nam đều có xu hướng như vậy, sự uyên bác của họ như mang dáng dấp của những nhà “bách khoa”. Phải chăng sau khi tiếp xúc với văn hoá - văn minh phương Tây, họ không còn bằng lòng với “bể học” phương Đông, mà họ muốn tìm hiểu kỹ lưỡng về cái thế giới tri thức rộng lớn và khác lạ mới mở ra trước mắt cộng đồng? Và phải chăng đối với họ, vấn đề không chỉ là phương pháp khoa học, là phương thức tư duy kiểu mới... mà còn là sự khám phá nền tảng vật chất - tinh thần đã khai sinh ra các sản phẩm đó, vì thế mà phẩm chất khoa học và đòi hỏi về tính “bách khoa” trở nên cần thiết, để rồi sau khi nắm vững hệ thống tri thức ấy, họ mới chuyên tâm đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu chuyên biệt của mình? Thời gian trôi đi, thế hệ trí thức như Phan Ngọc vơi mỏng dần, có lẽ chỉ còn lại mình ông, người mà cốt cách “ông đồ” và tri thức hiện đại đã phối kết với nhau như là hiện thân của sự nghiệp khoa học ông đã và đang theo đuổi để chứng minh người Việt Nam với bản sắc văn hoá của mình hoàn toàn có đủ khả năng hội nhập, đuổi kịp và đứng vững trong nền văn minh công nghiệp, văn minh tin học.
“Mục đích của đời tôi là chỉ tìm phương pháp làm việc có lợi ích cho nhân dân nước tôi” - năm 1993 Phan Ngọc đã viết như vậy trên tạp chí Văn Học, và quả thật là ông đã dành tất cả tâm sức cho mục đích. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, chiến tranh khốc liệt trên cả hai miền, vậy mà không mấy ai biết trên cái gác xép chặt chội ở số nhà 57, phố Bùi Thị Xuân - Hà Nội lại có vị học giả đang cặm cụi, nghiền ngẫm suy tư để trả lời câu hỏi: sau chiến tranh, nước Việt Nam phải phát triển văn hoá như thế nào trong một thế giới hiện đại? 30 năm sau, câu trả lời ông tìm ra từ ngày ấy mới được công bố; vì theo ông công cuộc đổi mới khởi đầu từ Đại hội Đảng VI cho ông những điều kiện cần thiết. Nhìn vào danh mục các vấn đề nghiên cứu của PGS Phan Ngọc, hắn là sẽ có người nghi ngờ chất lượng khoa học của chúng nếu không tìm hiểu cơ chế làm việc của ông. PGS Phan Ngọc tự đặt ra yêu cầu rất nghiêm ngặt rằng bản thân phải đạt tới một sự thức nhận về đối tượng và về phương pháp làm việc. Ông cho rằng: “Nếu không thực hiện được sự thức nhận ấy - dù người nghiên cứu có tài giỏi, uyên bác đến đâu, anh ta có làm việc nghiêm túc, công phu đến đâu - công trình của anh ta vẫn cứ thiếu chính xác”. Từ sự thức nhận, ông nghiên cứu văn hóa - lĩnh vực cực kỳ đa dạng với phương thức tiếp cận đa ngành, liên ngành và luôn luôn cố gắng nắm bắt một cách cập nhật tri thức về những lĩnh vực khác nhau của văn hóa. Các tri thức địa - văn hoá, lịch sử học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân chủng học... được ông vận dụng một cách hệ thống, phù hợp và hiệu quả. Cá tính sáng tạo đầy bản lĩnh của ông được bảo đảm bằng một trí tuệ uyên bác, một phương pháp làm việc nghiêm túc, lập luận chặt chẽ, kết hợp uyển chuyển, linh hoạt giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý trí và trái tim mỹ cảm, giữa quan điểm Mác-xít và phẩm cách một nhà Nho. Tuy nhiều năm không trực tiếp công tác tại một trường đại học, song với việc tham gia giảng dạy và các công trình nghiên cứu của ông đã có ảnh hưởng trong nhiều thế hệ nhà khoa học và các sinh viên. Về phần mình tôi thấy, từ thực tế lịch sử phát triển khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam, tình huống có một nhà khoa học đã xây dựng được một lý thuyết nghiên cứu riêng, xác lập một hướng nghiên cứu riêng, có luận điểm riêng… và sau họ là sự hình thành những thế hệ học trò “nối nghiệp” là rất hiếm hoi. Có lẽ cả thế kỷ XX chỉ có thể kể ra tên tuổi của các học giả như Cao Xuân Huy, Trần Đình Hượu, Từ Chi… hiện tại dường như chỉ còn một vài người như Phan Ngọc, Nguyễn Tài Cẩn… và cần lưu ý rằng, các công trình của họ chủ yếu ra đời vào thời điểm mà khái niệm “đầu tư” còn hết sức xa lạ! Hiện tượng đó dường như là kết quả của thói quen tiếp nhận và ứng dụng hình thành đã lâu đời (ít nhất cũng từ ngày tiếp xúc với Nho giáo và đôi khi, còn là sự tiếp nhận hời hợt và ứng dụng cẩu thả!). Đến lượt các thế hệ hậu sinh, dù có muốn thì cuộc mưu sinh, và cả sự chắp vá - manh mún - thực dụng nữa, đã không giúp hình thành nên một bản lĩnh khoa học để mỗi người dám dấn thân và hết mình. Trong hoàn cảnh đó, những con người như PGS Phan Ngọc thật sự là tấm gương để những người làm khoa học soi vào và tự răn mình.       
Trong các công trình nghiên cứu của ông, PGS Phan Ngọc sử dụng thao tác luận (operationalist - một phương pháp nghiên cứu ở Việt Nam ít người biết và sử dụng) để làm việc và ông kiên trì với công cụ đó một cách nhất quán. Con người thức nhận (prise de conscience) Phan Ngọc không tiếp cận sự vật - hiện tượng theo lối miêu tả, ông tiếp cận từ cách đặt vấn đề: Tại sao có hiện tượng ấy? Tại sao cái hiện tượng ấy có thể tồn tại và diễn biến qua lịch sử? Nói cách khác là ông đi tìm lý do tồn tại của sự vật - hiện tượng. Về thao tác, ông thường quy hiện tượng ra thành một chùm quan hệ rồi tìm trong đó quan hệ nào có thể trực tiếp tác động để qua đó góp phần đổi mới cuộc sống. Nghiên cứu Nho giáo, ông đi tìm cái bất biến trong cái khả biến và từ chùm các quan hệ nội tại của Nho giáo, Phan Ngọc rút ra kết luận: quan hệ giữa Khổng Tử và học thuyết chân truyền của ông mới thật sự là quan hệ cơ bản nhất của Nho giáo; còn các Nho gia hậu sinh đã làm nên Hán nho, Tống nho, Minh nho... đã không còn giữ được Khổng giáo chân truyền, nói cách khác, luận thuyết của các Nho gia hậu sinh là cái khả biến nảy sinh từ cái bất biến của Khổng Tử. Nhận xét về ý nghĩa xã hội của Nho giáo nói chung, PGS Phan Ngọc viết: “Đạo Khổng tôn thờ đẳng cấp, nó phục vụ một xã hội chia thành những đẳng cấp khác nhau. Nó không phải là một chủ nghĩa nhân đạo dù cho bên ngoài nó nói toàn là nhân nghĩa, đạo lý. Nó không chấp nhận sự bình đẳng giữa cá nhân với cá nhân”. Từ nhận xét ấy ông cho rằng: “Muốn đổi mới một xã hội Khổng giáo, người ta phải bắt đầu từ việc xây dựng một xã hội bình đẳng, không dựa trên một thứ bậc có sẵn, mà phải dựa trên từng cá nhân với tư cách người lao động, trên một pháp luật bảo đảm quyền lao động và bắt buộc phải lao động, trên sự xoá bỏ mọi đặc quyền khác chấp nhận sự bình đẳng của cá nhân trước pháp luật”.
Nhìn nhận lịch sử - văn hoá trong tính liên tục của nó, Phan Ngọc chứng minh quá trình tiếp thu văn hoá Hán của nước Việt Nam sau thế kỷ X là một kiểu lựa chọn đúng, vì có như thế người Việt Nam mới có thể xây dựng được sự thống nhất chính trị - văn hoá sao cho có thể đủ sức đương đầu với các thế lực phong kiến phương Bắc. Ông luận chứng bản sắc văn hóa dân tộc là một kiểu lựa chọn từ quan hệ qua lại giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại, và chính sự lựa chọn này đã làm ra cái riêng, cái bản sắc của văn hoá mỗi cộng đồng. Để chứng minh Nho giáo ở Việt Nam mang chứa nhiều đặc điểm khác biệt so với Nho giáo Trung Hoa, ông đưa ra khái niệm “độ khúc xạ trong giao lưu văn hóa” - khái niệm khúc xạ hiện đã và đang được sử dụng khá phổ biến trong giới nghiên cứu văn hoá, có lẽ bởi nó vừa chuyển tải những nội hàm lý luận - thực tiễn có tính khoa học, vừa đảm bảo tính hữu lý khi người nghiên cứu cần phải giải mã một sự vật - hiện tượng văn hoá đã nảy sinh như là sản phẩm tất yếu của quá trình tiếp biến giữa các quan hệ “nội sinh” và “ngoại sinh” có tính bản chất… Là người nghiên cứu cẩn trọng và nghiêm túc, Phan Ngọc luôn ý thức về tính chính xác của các khái niệm khoa học, và khi chưa thoả mãn với các khái niệm đang tồn tại, ông chủ động xây dựng các khái niệm mới đồng thời chú ý giới thuyết về chúng sao cho vừa có thể phản ánh tốt nhất về đối tượng và tương ứng với trình độ nhận thức của thời đại, vừa giúp người đọc hiểu cặn kẽ về cách thức tiếp cận của tác giả. Có thể kể ra các khái niệm như: vượt gộp được ông giới thuyết: “Tôi dùng chữ “vượt gộp” để dịch khái niệm Aufheben của Đức hay dépassement của Pháp.Vượt gộp có nghĩa là tiếp thu được cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở một cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Nó có nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành. Như vậy vượt gộp không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới”; về thức nhận, Phan Ngọc viết: “Tôi tự nhận là người làm việc thức nhận(prise de conscience), tức là suy nghĩ về các nguyên nhân dẫn tới sự suy nghĩ”... Theo dõi sinh hoạt khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam hàng chục năm nay, trong phạm vi khảo sát của mình, tôi nhận thấy các nhà khoa học có phong cách làm việc như PGS Phan Ngọc thật sự là không có nhiều. 
Biên độ các vấn đề nghiên cứu của PGS Phan Ngọc rất rộng rãi. Ông quan tâm tới Nguyễn Trãi, tới Nguyễn Đình Chiểu, tới văn hóa cố đô Huế. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một say mê của ông, ông nghiên cứu Hồ Chí Minh một cách trân trọng, sâu sắc, có các lý giải riêng. Với văn hoá Việt Nam, ông có các công trình như Bản sắc văn hoá Việt NamMột cách tiếp cận văn hoá,Thử xét văn hoá - văn học bằng ngôn ngữ họcCách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học... Bằng phong cách học, ông nghiên cứu Truyện Kiều để tìm ra cống hiến nghệ thuật thiên tài của Nguyễn Du “trứơc đó không ai làm được và sau đó khó có ai làm được”. Ông quan tâm tới cách chữa lỗi chính tả cho học sinh. Ông viết các công trình Cách lựa chọn của sáu nền văn hoá(Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, Đông Nam Á, Pháp), Đạo giáo ở Trung Quốc và ảnh hưởng ở Việt Nam. Cùng Phạm Đức Dương ông xuất bản cuốnTiếp xúc ngôn ngữ Đông Nam Á, cùng Lê Ngọc Cầu ông viết Nội dung xã hội và mỹ học tuồng Đồ. Ông nghiên cứu và xuất bản Đỗ Phủ - nhà thơ dân đenvà mới cho ra đời Thi thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ. Ông bàn chuyện dịch Đạo đức kinh và đã dịch - xuất bản cuốn Đạo đức kinh dễ hiểu. Ông còn dịch và xuất bản những công trình nghiên cứu lớn như Hình thái học của nghệ thuật (M.Kagan), Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc (B.L.Riftin)... Danh mục các công trình này tự chúng đã cho thấy học giả và dịch giả Phan Ngọc có một phạm vi khảo sát rất rộng rãi với một nền tảng lý thuyết và kiến văn mà tình huống phát triển của các khoa học ngày càng phân nhánh và chuyên sâu như ngày nay khiến người ta không dễ trang bị. Nên không ngẫu nhiên, từ ngày mở cửa, PGS Phan Ngọc đã được mời tới giảng dạy tại một số trường đại học ở Pháp, Niu Dilân, Hồng Kông và Sinhgapo.   
Một lần tôi bày tỏ với ông nỗi thắc mắc: từ lai lịch thì có thể lý giải việc Thầy trau dồi tri thức về phương Đông ra sao, nhưng thật tình con không hiểu Thầy thâu nhận tri thức phương Tây vào lúc nào? Ông kể: thời kháng chiến chống Pháp, trên chiến khu Việt Bắc, GS Trần Đức Thảo và ông cùng ở trong một chiếc lán giữa rừng sâu, mỗi người một cái sạp tre. Trước khi đi ngủ, không dầu không đèn, hai anh em thường nằm dài chuyện vãn với nhau. Chuyện mãi cũng chán, một hôm GS Trần Đức Thảo bảo với Phan Ngọc: tớ nghe nói cậu biết nhiều về phương Đông, từ nay trở đi, trước khi đi ngủ cậu trình bày cho tớ nghe được không. Phan Ngọc trả lời, như thế thì phải “có đi có lại”, tối nay em nói về phương Đông, tối mai anh lại nói về phương Tây cho em nghe. Hai người nhất trí, và các bài giảng cho nhau nghe giữa GS Trần Đức Thảo và Phan Ngọc đã diễn ra trong bóng tối như vậy trong gần 2 năm trời. Nghe ông kể xong, tôi chỉ còn biết bày tỏ lòng kính trọng vì xem ra thời nay, điều kiện của chúng tôi hơn thời của các ông rất nhiều, nhưng ý chí thì lại kém các ông nhiều bậc!
Tính đến năm 2006 này, PGS Phan Ngọc tròn 81 tuổi và mỗi lần tới mừng thọ ông, tôi đều không muốn Thầy của mình già đi. Mà thực tế thì ông vẫn chưa già, vẫn nguyên vẹn nhiệt huyết và sự say sưa như gần 15 năm trước tôi đã biết. Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, có lúc tưởng chừng sẽ gục ngã, vậy mà thầy Phan Ngọc của tôi vẫn trụ vững, và bằng nỗ lực không mệt mỏi, ông đã từng bước tự khẳng định mình với bản lĩnh của một trí thức lớn cả vệ trí tuệ và nhân cách. Cái gác xép bé tý xíu của Thầy tôi ở phố Bùi Thị Xuân ngày trước nay đã được thay thế bằng một “thư phòng” rộng rãi, sáng sủa, chất đầy sách vở trên tầng 6 của chung cư CT1A khu Mỹ Đình 2. Hàng ngày, ngoài giờ nghỉ ngơi, dự hội thảo, đi giảng bài hoặc gặp gỡ các nhà khoa học, PGS Phan Ngọc lại cặm cụi bên máy vi tính, và những dòng chữ như là kết quả từ các suy tư của một vị học giả lại hiện lên. Gặp những lúc như thế, tôi chỉ im lặng ngồi xa để nhìn, vì tôi không muốn làm gián đoạn luồng suy nghĩ của một con người mà tôi tin là nhà “bách khoa” cuối cùng của một thế hệ các nhà khoa học ở Việt Nam. Và tôi lại chờ đợi để được đọc những dòng ông viết!    
10.2006
Nguồn: VHNA 

Thursday 16 May 2013

Tố Hữu (Xuân Sách)





Bài viết của cố nhà văn Xuân Sách do con trai ông, anh Ngô Nhật Đăng gửi tới Phongdiep.net. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Xuân Sách

Tố Hữu

Ông Tố Hữu là người ngồi ở ngôi cao trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng và Nhà  nước,với Văn nghệ thì ông là đại thủ  lĩnh,không có gì phải bàn cãi.Về thơ  ông là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng hiện thực XHCN như những nhà phê bình có tên tuổi khẳng định.Về nghệ thuật thơ cũng vậy “Thì treo giải nhất chịu nhường cho ai”như một nhà thơ lão làng đã viết.Câu thơ : “Mường Thanh,Hồng Cúm,Him Lam/Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng” theo phân tích của nhà thơ nọ là hai câu thơ mẫu mực vừa kinh điển vừa hiện đại.Ai dám cãi hoa mơ không trắng vườn cam không vàng.Các cán bộ đi thuyết giảng ai cũng thuộc và trích dẫn vài câu thơ của Tố Hữu để tăng phần hấp dẫn của bài nói.

Tôi đã một lần bị một đồng chí chính trị viên dưới đơn vị gửi thư lên Tổng cục chính trị phê phán là đi nói chuyện thơ cho bộ đội mà chỉ trích thơ Chế Lan Viên chứ không trích thơ Tố Hữu.Bài thi Văn Trung học và Đại học năm nào mà chẳng có đề về thơ Tố Hữu,nó đã trở thành quen thuộc như sổ gạo của từng nhà.Tôi cũng biết vào những năm “Nhân văn Giai phẩm” có một nhà thơ bộ đội viết bài phê bình thơ Tố Hữu có câu “thơ Tố Hữu như cốc siro pha loãng…”.Như thế thì nhiều phen “lên bờ xuống ruộng” là phải.Cũng chẳng biết kêu ai,chẳng ai nói cho biết mình phạm tội gì.Anh có viết một vở kịch tên là “Mưa bóng mây”.Tôi đùa :

-Ông cứ  coi mọi tai nạn là mưa bóng mây đi,dù nó  là mưa đá.
Tôi cũng nghe kể hồi còn trên chiến khu Việt bắc một lần Tố Hữu định đọc thơ cho Văn Cao nghe,nhưng ông nhạc sỹ gạt đi “Thơ cậu như  ca dao hò vè có gì mà đọc”tôi nhớ  lại lời ông bác mỗi khi mắng con cháu tội lười biếng hoặc mắc lỗi “Chết là phải”

Vì thế  khi làm thơ chân dung nhà văn tôi phải nghĩ  tới Tố Hữu làm thế nào bài thơ phải xứng tầm với ông.Có thể nói đó là bài thơ tôi viết đi viết lại nhiều lần mà chưa ưng ý.Hơn nữa viết về ai ngoài đọc kỹ tác phẩm tôi đều tìm cách tiếp xúc để biết kỹ hơn tính cách của họ.Tôi từng hầu chuyện nhiều bậc đàn anh,bằng cách này cách khác và học hỏi được nhiều điều.Nhưng Tố Hữu thì không.Tôi biết ông,thấy ông thì nhiều lần trong những buổi họp hành về văn nghệ.Tôi nhớ một lần ông tới Tạp chí nói chuyện về tập “Cửa mở”của Việt Phương.Ông lim dim mắt cao giọng “Đó là tập thơ ba lăng nhăng ,tư tưởng ba lăng nhăng”.Tôi cũng không thể như nhà văn nọ nổi tiếng “đãng trí”nhưng lại nhớ rất kỹ ngày sinh Tố Hữu hàng năm tới ngày đó đều đến nhà tặng nhà thơ lớn một bông hoa hồng.Tôi cũng không thể lấy cớ có tác phẩm mới in mang đến tặng đại thủ lĩnh.

Tôi nhớ  đời một chuyện,một hôm cùng ông bạn vàng đạp xe dọc  đường Phan Đình Phùng có ngôi biệt thự có  “Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt”.Ông bạn bỗng hỏi tôi :
-Này! Có  bao giờ cậu nghĩ sẽ đến lúc ở  trong ngôi nhà như thế này không?
-Cậu tưởng mình nằm mê chắc.Ba mươi tuổi mới là thằng Trung úy quèn,bao giờ mới lên Tướng, họa có mà đảo chính.

Không ngờ  trong buổi họp chi bộ sau đó,ông bạn vàng của tôi mang câu chuyện đó ra trình làng và nói thêm :
-Tôi biết  đồng chí Sách nói đùa,nhưng đùa như thế  là xuất phát từ tư tưởng thiếu lành mạnh.
May mà  tôi chưa bị ghép vào tội có tư tưởng phản  động.

Vậy thì  làm sao tôi dám vào ngôi nhà đó.Nhưng rồi tôi cũng hoàn thành được bài thơ vào năm 1973, khi Tố Hữu có bài thơ “Máu và hoa” lấy cảm xúc từ sự kiện Hiệp định Paris.Tôi nhớ sau khi đọc bài thơ đó tôi cứ lẩm bẩm máu và hoa…máu và hoa,rồi bật ra cảm hứng viết “Máu ở chiến trường hoa ở đây”.

  Hàng năm mỗi khi Tết đến tất cả các báo đều đăng thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch và  thơ Tố Hữu,các báo đều đăng một bài ấy.Theo quy ước thì các tác giả không được gửi một bài đăng ở nhiều báo vào cùng thời gian.Ai làm thế sẽ bị cắt nhuận bút và bị phê bình.Nhưng Tố Hữu là ngoại lệ ai cũng thấy thế là phải,thơ hay đăng càng nhiều càng tốt.Thơ hay trả nhuận bút cao bao nhiêu cũng không xứng.Một bài thơ lúc đó nhuận bút từ 8 đến 10 đồng ở báo Trung ương.Cỡ Huy Cận,Xuân Diệu,Chế Lan Viên…có thể từ 12 đến 15 đồng.Như thế cũng là tươm,vì theo Nguyễn Tuân  lấy giá bát phở chín làm bản vị ,ba hào một bát thì một bài thơ cũng cỡ vài ba chục bát, đủ ấm bụng điểm tâm sáng cả tháng trời.Tôi được biết tờ báo nọ phải đưa ra ban biên tập bàn bạc khi trả nhuận bút cho Tố Hữu,cuối cùng thống nhất : tiền là 500 đồng cộng một cành đào và một cặp gà trống thiến.Câu này là tôi nghe lại không biết có đúng không,khi nhận nhuận bút nhà thơ nói :

-Nhuận bút trả như ri,các nhà thơ ta sống khỏe hí.
  Các bài thơ chân dung tôi viết xong đều được anh em đem truyền khẩu hoặc tôi đọc trước mặt người được viết,riêng bài Tố Hữu mãi đến năm Chân dung nhà văn ra đời mới xuất hiện công khai.Khi viết xong bài thơ tôi hiểu không thể truyền bá ra ngoài được,cũng phải biết trời biết đất chứ còn làm sao bây giờ.Có một nhà văn gửi một bản tường trình lên đại thủ lĩnh tố cáo tôi làm thơ bôi xấu nhà văn,rồi trích một số bài,nhưng nếu không có bài về Tố Hữu thì không đủ sức nặng,ông ấy liền mấy câu ở vỉa hè nhại bài Bầm ơi “Bầm ơi có rét không bầm/Vonga con cưỡi gà hầm con ăn.”Nhưng khi đọc xong Tố Hữu nói :

- Xuân Sách viết về các nhà văn như thế này thì  không thể viết về tôi  như vầy.Tôi chờ.
Và tôi cũng phải chờ.Một lần nhà văn Đặng Thai Mai gọi tôi đến nhà riêng.Cụ bảo tôi đọc bài thơ về Tố Hữu cho cụ nghe.Thấy tôi chần chừ cụ bảo “Cậu sợ tôi phản cậu hay sao?”
- Thưa bác,cháu  đâu dám nghĩ về bác như thế có điều cháu nghe lời ông Hàn Phi rằng vua là con rồng có  thể gần thậm chí có thể cưỡi lên mình nhưng tuyệt đối không được sờ vào cái vuốt dưới cằm.Cháu muốn giữ cái đầu để hoàn thành tập thơ đã.

- Thế  là phải,nhưng đọc riêng cho tôi nghe thôi.
Tôi lại múa mép ;
- Đạo trí  giả của những người như bác có cái hay trong bụng không thể không truyền cho người khác,cho phép cháu khoe một chút,bài này hay.
Chúng tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ.Cụ gác cằm lên  đầu gối nghe xong cười khùng khục mắng yêu tôi :
- Thằng tiểu quỷ.

Mùa hè  năm 1982 tôi lên Tam Đảo nghỉ vài hôm,hồi đó khách vắng lắm.Một buổi chiều tôi đang đi dạo dưới rặng thông thì nhìn thấy nhà thơ Tố Hữu đang đi về phía tôi,tôi nghĩ ông không biết tôi nên cứ lẳng lặng đi qua.Không ngờ ông gọi :
-Xuân Sách đó à?
-Thưa vâng chào anh
- Sách lên  đây để viết hay sao?
-Dạ  không ,tôi được cơ quan cho đi nghỉ mát mấy hôm.
-Ra rứa.Còn mình lên đây có việc.

Tất nhiên là tôi không hỏi ông việc gì.Ông quàng tay lên vai tôi nói nhẹ nhàng :
- Bên Công an họ thu thập được những bài ca dao,đồng dao,chuyện tiếu lâm thời bây giờ,có đến gần 200 trang đánh máy.Mình lên đây để đọc cho yên tĩnh.
- Thưa anh,anh thấy thế nào?
Và tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn bất ngờ  :
 “Cực kỳ phản động,cực kỳ hay”

Có hai ông Tố Hữu trong câu nói này.Tôi nghĩ vậy và  chợt nghĩ giá như lúc này tôi đọc bài thơ viết về ông mà ông cũng phán một câu như vậy thì tôi yên lòng.Xưa nay nhiều nho sỹ nhờ có câu thơ,vế đối hay mà thoát chết đó sao.
Thời gian sau khi tập Chân dung ra đời,có lần ông vào Vũng Tàu.Anh em văn nghệ đến chào,trong lúc vui chuyện có  người hỏi :
- Thưa bác,bác nghĩ gì về bài thơ chân dung Xuân Sách viết về bác?
-Có chi mô,nhà thơ cười nhỏ nhẹ,lão ấy  đùa dai thôi mà.
Một lần ra Nha Trang gặp gỡ các bạn văn,có người kể  rằng hôm gặp Tố Hữu cũng hỏi ông một câu như  vậy.Ông suy tư một lát rồi trả lời :

- Anh Xuân Sách viết đúng về tôi. 
Tôi nhớ lần tôi cùng Nguyễn Minh Châu đi chiến trường,một lần ở miền tây Thừa Thiên,trời mưa không dứt suốt ngày.Tôi đọc thơ : 
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất trắng trời Thừa Thiên
Châu hỏi :
- Thơ  ai mà hay vậy ?
- Thơ  Tố Hữu
-Ông ấy làm thơ giỏi hơn làm quan,ngược lại thì tốt.

Phongdiep.net

Wednesday 15 May 2013

Đặng Thai Mai - Hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Sư phạm Hà Nội (Nguyễn Văn Hoàn)


Đặng Thai Mai - Hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Sư phạm Hà Nội

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Giáo sư Đặng Thai Mai đã trải qua nhiều lĩnh vực hoạt động, nhưng công việc ông làm lâu hơn cả là giáo dục.


Tượng chân dung GS Đặng Thai Mai tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Giáo sư Đặng Thai Mai sinh ngày 24/12/1902 tại làng Lương Điền (nay thuộc xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Xuất thân từ một gia đình yêu nước, Đặng Thai Mai đã sớm trải qua thử thách khắc nghiệt của số phận: mới lên 6 tuổi đã phải theo bà nội và mẹ xuống trại giam Hà Tĩnh thăm bố; cái trại giam tồi tàn này không cách xa bao nhiêu dinh Đốc học quen thuộc mà trước đó không lâu cậu đã sống với bố là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, quyền Đốc học Hà Tĩnh. Nhân việc đàn áp phong trào chống thuế ở Trung Kỳ (1908), chính quyền thực dân Pháp bắt Đặng Nguyên Cẩn (lúc đó đang làm Đốc học tỉnh Bình Thuận) giải ra Hà Tĩnh, kết án tù chung thân về tội “mưu phản bằng cách truyền bá tân học”.
Năm Đặng Thai Mai 12 tuổi thì ông nội đã 75 tuổi, vì tội ủng hộ Việt Nam Quang phục hội, phải đi tù 3 năm, trở về nhà được 10 ngày thì mất. Đó là cử nhân Đặng Thai Giai, khi đang làm Tri huyện Yên Định thì các quan tỉnh Thanh Hóa mở cửa thành quy hàng quân Pháp, ông liền bỏ quan về quê.
Trong cảnh chia ly nhà tan nước mất đó, may còn có bà nội, một người phụ nữ kiên cường, ra sức chèo chống. Đối với Đặng Thai Mai, bà nội vừa là mẹ vừa là thầy học. Bà đã tổ chức lớp học tại nhà, tìm thầy dạy cho cháu học theo chương trình giáo dục duy tân của Đông Kinh nghĩa thục, đặc biệt, bà luôn giáo dục cháu phải can đảm, cứng cỏi trong cuộc sống. Chính bà đã nêu gương cho cháu việc điềm tĩnh “đấu lý” với “các vị khách không mời mà đến” như các hào lý, bang biện, Tây đồn… thường đến nhà tra vấn, hoạnh họe, dọa dẫm.

Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc Quách Mạt Nhược tiếp GS Đặng Thai Mai tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 24/6/1963.
Hoàn cảnh đặc biệt đó của gia đình, cộng với truyền thống hiếu học của quê hương Nghệ - Tĩnh, lại có tư chất thông minh và trí nhớ phi thường, Đặng Thai Mai ngay từ tuổi thiếu niên đã tỏ ra xuất sắc trong học tập. Sau khi đã đọc hết các sách quốc ngữ của thư viện gia đình khá phong phú mà ông nội đặt tên là “Tam thai sơn phòng tàng thư”, Đặng Thai Mai mon men đến tủ sách chữ Hán và ngạc nhiên tự nhận thấy sau 5 năm dùi mài Luận ngữ, Mạnh Tử… đã có thể đọc trót lọt các truyện Trung Quốc như Tam quốc, Thủy hử, Thuyết Đường… rồi lân la đọc đến tân thư của các tên tuổi mới lạ rất nổi tiếng ở nước ta thời đó như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu…
Từ năm 1915 đến năm 1928, Đặng Thai Mai từ giã lớp học tại gia ở quê nhà hẻo lánh để lần lượt vào học các trường công: Tiểu học Vinh, Cao đẳng Tiểu học Vinh, Cao đẳng Sư phạm Đông Dương Hà Nội. Một chân trời mới dần dần mở rộng trước mắt Đặng Thai Mai: chân trời mới về kiến thức văn hóa và về kinh nghiệm trường đời. May mắn là ông đã gặp được những thầy giáo uyên bác, mô phạm như Lê Thước, Lê Ấm, Lâm Quang Thọ, Bùi Kỷ…, truyền thụ cho ông lòng yêu quý văn chương dân tộc và say mê văn học phương Tây, trước hết là văn học Pháp.
Về sau, khi đã trưởng thành, ông thường phê phán nhà trường Pháp - Việt chỉ nhằm đào tạo những kẻ thừa hành thụ động nhưng ông vẫn biểu lộ sự hàm ơn sâu sắc đối với một số giáo sư người Pháp ở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội như Giáo sư Milon, Giáo sư Houlié đã dạy cho ông phương pháp phân tích một tác phẩm văn học và khơi gợi cho ông những hướng tìm tòi, nghiên cứu mới. Ông cũng gặp được nhiều bạn bè tốt như Nguyễn Sĩ Sách, Trần Phú, Trần Mộng Bạch, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tùng Mậu, Đào Duy Anh, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Ông cũng được tiếp xúc với một vài nhà cách mạng tiền bối thuộc hàng cha chú như Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân.
Những năm ông theo học Cao đẳng Sư phạm (1925-1928) thì Hà Nội đang sôi nổi các phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh. Ông đã tham gia thành lập hội Phục Việt, sau đổi là Tân Việt cách mạng. Tân Việt tan vỡ, ông bị kết án một năm tù treo.
Một học sinh, sau này là GS Trần Đình Gián, kể lại: “Thầy Mai mãi mãi để lại trong tôi một kỷ niệm sâu sắc. Một buổi sáng ở trường Quốc học Huế, thầy giảng bài thì mật thám ập đến bắt. Thầy chỉ gật đầu chào chúng tôi, rồi vẫn với phong thái nghiêm nghị thường ngày, thầy bước lên xe của mật thám”.

Từ phải qua: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy.
Một học sinh khác, Vũ Thuần Nho, sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nhớ lại: “Năm học 1930-1931, tôi học môn Việt văn với thầy Mai của trường Quốc học Huế. Suốt đời tôi không bao giờ quên bài luận của thầy. Đề tài về câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
.
Anh em chúng tôi trong lớp, những người đã vào Hội học sinh đỏ, đều thấu hiểu thầy muốn gợi lên cho mình suy nghĩ về đồng bào, lòng yêu nước. Nhưng bài luận ấy đã không được thầy chấm và trả lại. Vì chúng tôi bị bắt.
Bỗng một buổi sáng, đứng sau song sắt phòng giam nhà tù Phủ Doãn (Huế), nhìn ra sân, tôi thấy thầy đang đứng ở đó. Thầy cũng bị bắt sau chúng tôi một tuần lễ. Chúng tôi thương thầy bị đày, qua một số thường phạm, chúng tôi nhờ chuyển lời hỏi thăm sức khoẻ của thầy và bày tỏ nguyện vọng sẽ được tiếp tục học với thầy. Chỉ khoảng 15-20 ngày sau, chúng tôi nhận được một gói tài liệu buộc thật chặt: một tập thơ Victor Hugo của Nhà xuất bản Hachette. Chúng tôi đọc thuộc và học thuộc lòng bài này đến bài khác. Nhớ và đọc mãi câu: “Ceux qui vivent ce sont ceux qui luttent”. (Tạm dịch: Những người sống là những người đấu tranh)
Năm 1928, Đặng Thai Mai tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, được bổ dụng làm giáo sư một trường trung học có tiếng hồi đó: trường Quốc học Huế.
Nhưng rồi ở quê hương, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, thực dân Pháp khủng bố trắng trợn, ném bom xuống cả các đoàn biểu tình của nông dân. Ở Huế, Đặng Thai Mai phụ trách công tác Cứu tế đỏ, liền bị bắt.
Đặng Thai Mai phải ngồi tù một năm và bị cách chức giáo sư. Năm 1932, ông ra Hà Nội dạy học ở trường tư thục Gia Long. Năm 1935, ông cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám thành lập trường Thăng Long. Trường tư thục nổi tiếng này đã là cái nôi nhen nhóm lòng yêu nước trong học sinh và chuẩn bị cán bộ tương lai cho đất nước Việt Nam độc lập.
Năm 1937, sau khi Mặt trận Bình dân thắng lợi ở Pháp thì ở Việt Nam Mặt trận Dân chủ Đông Dương thành lập. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng thoát khỏi nhà tù đế quốc ra hoạt động công khai.
Đặng Thai Mai khổ công học tập từ nhỏ nên đã có một căn bản kiến thức vững chắc, nhưng trong thâm tâm sâu kín ông vẫn ấp ủ một tâm nguyện: Nếu chưa có tự do tư tưởng thì chưa viết lách gì! Thế rồi, gần 40 tuổi, ông mới bắt đầu cầm bút; những bài báo đầu tay được viết bằng tiếng Pháp, in trên các báo của Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản ở Hà Nội, như Lao Động (Le Travail), Tập Hợp (Rassemblement), Tiến Lên (En Avant), Tiếng Nói Chúng Ta (Notre Voix).
Năm 1938, ông tham gia thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, hoạt động bên cạnh những nhân sĩ nổi tiếng như Vương Kiêm Toàn, học giả Nguyễn Văn Tố, cộng tác viên khoa học của Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp và Phó bảng Bùi Kỷ, thầy học của ông ở Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

GS Đặng Thai Mai (phải) và GS Ngữ học Xécđúcsenko (Liên Xô) tại Hà Nội.
Năm 1939, một người bạn thân của ông là Phan Thanh, đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, chẳng may đột ngột từ trần, Đảng liền giới thiệu Đặng Thai Mai thay thế, mặc dầu ông chưa phải là đảng viên; phải đến tháng 9/1946 ông mới được kết nạp vào Đảng và người giới thiệu là người bạn cùng quê - Hồ Tùng Mậu.
Nhân dịp này, tuần báo Tiếng Nói Chúng Ta của Đảng Cộng sản Đông Dương số 24, ngày 28/7/1939 đã giới thiệu ông như sau: “Đặng Thai Mai thích nhắc lại câu nói của Thomas Mann: Tôi sinh ra để cho sự thanh nhàn hơn là sự tử vì đạo. Không phải ông dám so sánh mình với tác giả cuốn Cảnh báo Châu Âumà sự vĩ đại vượt quá mọi bộ óc lớn nhất của thời đại chúng ta, nhưng có thể, dù đã tính đến sự chênh lệch về tỉ lệ, ông vẫn thấy giữa số phận của Thomas Mann và của mình ít nhiều giống nhau, ông sinh ra là để dành cho việc học tập, cho học trò và con cái nhưng tình thế đất nước đã đẩy ông vào đấu trường chính trị”… “Con người có vẻ ngoài hiền lành, mảnh khảnh đó lại không biết đến sự sợ hãi, ít nhất là đối với ông. Với điều đó, ông thật đúng là người con của xứ Nghệ, nhưng may mắn sao ông lại được điều hòa bởi chủ nghĩa nhân văn phương Tây”.
Những năm 1944-1945, Đặng Thai Mai bị đau nặng, phải nghỉ dạy học và dưỡng bệnh ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Dựa vào tinh thần của Đề cương văn hóa (1943) của Đảng, ông đã viết cuốn Văn học khái luận, xuất bản năm 1944. Đây là cuốn sách lý luận văn học đầu tiên ở nước ta đề cập đến một số vấn đề cơ bản của văn học nghệ thuật theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin như quan hệ giữa chính trị và văn học, giữa nội dung và hình thức, điển hình và cá tính, giữa tính dân tộc và tính quốc tế của văn học…
Cũng trong thời gian này, ông đã dịch các tác phẩm của Lỗ Tấn, Tào Ngu và giới thiệu văn học hiện đại của Trung Quốc vào nước ta. Từ nhỏ, Đặng Thai Mai đã làm quen với văn học Trung Quốc nhưng đó là văn học Trung Quốc của Hán phú, Đường thi. Lần đầu tiên nghe đến những tên tuổi mới như Trần Độc Tú, Mao Thuẫn, Quách Mạt Nhược, Lỗ Tấn…
Đặng Thai Mai cảm thấy một lỗ hổng rất lớn trong kiến thức của mình về văn học Trung Quốc. Đặng Thai Mai cũng học chữ Hán của Tứ Thư, Ngũ Kinh; để có thể dịch được những câu văn châm biếm, thâm trầm của Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai đã phải học bạch thoại với một nghệ sĩ Trung Quốc “chạy loạn” sang nước ta.
Với chủ trương kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc, kiến quốc cần có nhân tài, ngày 10/10/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 45 thành lập một Ban Đại học mới, đó là Ban Đại học Văn khoa bên cạnh các ban Y khoa, Khoa học, Chính trị Xã hội và Mỹ thuật. Nhiệm vụ của ban này nhằm đào tạo giáo sư bậc trung học và chuyên viên khảo cứu về khoa học xã hội - nhân văn như Triết lý, Xã hội, Văn chương, Sử ký, Địa dư. Nghị định ngày 7/11/1945 của Bộ Quốc gia Giáo dục đã cử Đặng Thai Mai đang giữ chức Tổng thanh tra học vụ bậc trung học kiêm chức Giám đốc Ban Văn khoa trường đại học(1).
Cũng trong thời gian này, Đặng Thai Mai được cử vào Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch và trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 ông đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 2/3/1946 của Quốc hội khóa I (1946-1960), Hồ Chủ tịch đã tiến cử ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ liên hiệp kháng chiến với lời giới thiệu như sau: Đặng Thai Mai là “một người đã lâu năm hoạt động trong công cuộc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng, nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ”(2).

GS Đặng Thai Mai (trái) và GS Trần Văn Giàu.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đặng Thai Mai được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Thanh Hóa (1947-1948), Giáo sư Đại học Văn khoa Liên khu IV (1950), Giám đốc Sở Giáo dục và Giám đốc trường Dự bị Đại học và Sư phạm Cao cấp Liên khu IV (1952-1953).
Năm 1954, sau khi đi dưỡng bệnh ở Nam Ninh (Trung Quốc) về, Đặng Thai Mai được cử làm Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Văn khoa (1954-1956), trụ sở ở phố Lê Thánh Tông, Hà Nội. Năm 1956, với việc thành lập Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm, Đặng Thai Mai được cử làm Chủ nhiệm khoa Văn chung cho cả hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm cho đến năm 1959 thì chuyển sang làm Viện trưởng Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Đặng Thai Mai đã trải qua nhiều lĩnh vực hoạt động, nhưng công việc ông làm lâu hơn cả là giáo dục. Ông đã dạy từ trường công qua trường tư dưới thời Pháp thuộc, sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông chuyên dạy về văn học ở cấp đại học, nhưng ở cương vị nào và dù có thời gian sức khỏe không được tốt, bao giờ ông cũng tận tâm tận lực làm trọn thiên chức một thầy giáo. Trong Điếu văn vĩnh biệt ông, nhà thơ Huy Cận nói: Đặng Thai Mai dạy học với tấm lòng say mê của “một nhà truyền giáo”.
Đặng Thai Mai rất say mê văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Trung Quốc, văn học Pháp, văn hóa phục hưng, về Shakespear, Don Quichotte, Lỗ Tấn… nhưng có thể nói, tâm huyết của ông vẫn để ở văn học Việt Nam. Ông nói với học sinh: Tôi học văn học nước ngoài để trở về với văn học Việt Nam, để hiểu đúng văn học dân tộc ta.
Ông đã nghiên cứu văn học Lý - Trần, Nguyễn Trãi, Chinh phụ ngâm, Nguyễn Đình Chiểu, Ngục trung nhật ký, thơ Tố Hữu và đặc biệt có thể nói ông đã gửi vào hai công trình nghiên cứu Văn thơ Phan Bội Châu vàVăn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900-1925) không chỉ là trí tuệ mà cả trái tim của mình, không chỉ là những kỷ niệm đau buồn mà cả niềm tin và hy vọng liên quan đến một giai đoạn bi tráng của quê hương, đất nước và cả gia đình ông.
Trong phạm vi nghiên cứu, viết lách, ông cũng rất “khó tính” với bản thân mình, cũng như luôn luôn có yêu cầu cao và nghiêm khắc với học trò. Ông thật xứng đáng với các phần thưởng cao quý mang tên người mà suốt đời ông ngưỡng mộ: Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội - nhân văn.
------------------------
Chú thích:
(1) Việt Nam Dân quốc Công báo số 4, ngày 20/10/1945.
(2) Việt Nam Dân quốc Công báo số 9, ngày 17/11/1945.
Theo Nguyễn Văn Hoàn
Tạp chí Hồn Việt

Tuesday 14 May 2013

TRẦN ĐỨC THẢO Nhà triết học (Trần Văn Giàu)



20.12.2010-22:45

Nhà triết học


TRẦN VĂN GIÀU 
            
       NVTPHCM- “Mình không có truyền thống triết học, nếu có thể nói có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo”.

    Tôi gặp anh Trần Đức Thảo hồi kháng chiến chống pháp ở Việt Bắc, lúc đó anh từ Pháp về Việt Bắc. Anh về, không đòi hỏi gì, giao việc gì thì làm việc nấy; có điều là trong kháng chiến đối với một nhà triết học như anh Thảo cũng khó giao việc. Ở chiến khu lúc bấy giờ không có thư viện, không có trường đại học, không có chỗ tập hợp người trí thức, nên khó bố trí anh Thảo làm việc, chớ không phải người ta không bố trí. Bố trí anh Thảo ở Ban Văn sử địa của anh Trần Huy Liệu tốt hơn các chỗ khác, nhưng tôi thấy cũng không đúng chỗ của anh lắm. Mà công việc nghiên cứu Truyện Kiều chẳng hạn, không phải việc của anh Thảo. Việc của anh Thảo lớn hơn, rộng hơn. Được cái là anh Thảo sống gần dân, gần với anh em kháng chiến, chịu đựng gian khổ và cố gắng nghiên cứu. Phải chi hồi đó có trường đại học hay trung tâm nghiên cứu nào thì anh Thảo phát huy được nhiều hơn.
     Sau khi về Hà Nội, anh Thảo làm việc cùng với tôi. Lúc đó ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội mà anh Thảo là khoa trưởng Khoa Sử. Cũng là được nhiều hơn hồi kháng chiến, nhưng cũng không phải chỗ của một nhà triết học. Giá như thời đó có một nơi nào làm lịch sử tư tưởng Việt Nam như sau này thì anh Thảo sẽ đóng góp được nhiều hơn. Còn làm khoa trưởng Khoa Sử phải lên lớp, duyệt bài, nó không phải nghề của anh Thảo. Nghề của anh là phải nghĩ xa hơn cái thực tế lịch sử trước mắt. Cho nên anh không có điều kiện phát huy. Nhưng điều đáng chú ý hơn hết là một người bằng cấp tuy không phải lớn mà chính ra là đại trí thức. Một con người còn trẻ lắm mà có ý kiến riêng của mình, một con người đã đối đầu thắng lợi trong cuộc tranh luận với Jane Paul Sartre ở Pháp. Điều đó làm tôi rất thú vị. Tranh luận như thế nào tôi không rõ, nhưng nói chuyện tranh luận với J-P. Sartre đã là hay rồi. Lúc bấy giờ J-P.Sartre là nhà triết học nổi nhất ở Pháp, một người hiện sinh chủ nghĩa (existentialisme). Điều đó chứng tỏ tính chất đấu tranh tư tưởng của anh Thảo. Anh Thảo là một người thích đấu tranh tư tưởng. Anh không phải là một người vâng theo mà là một người biết suy ngẫm trong mọi vấn đề. Điều đó đối với anh em mình có khi hơi khó chịu nhưng đối với phương Tây, đối với những người nghiên cứu triết học Đức và nghiên cứu chủ nghĩa phê phán của Kant thì thấy rất đúng và rất cần. Tôi hoan nghênh cái chủ nghĩa phê phán (critisisme) đó, nó mới hơn cái nếp của mình. 
     Nhưng đã không có việc cho anh Thảo làm. Tôi nghĩ giá mà anh Thảo làm cái việc tôi làm từ năm 1960 đến nay, về lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tôi không phải là người khiêm tốn lắm đâu, trái lại là khác, nhưng tôi nghĩ anh Thảo làm có lẽ anh sẽ đi xa hơn tôi. Không sợ thiếu thực tiễn, chỉ sợ thiếu tư duy và sáng kiến mà điều đó thì anh Thảo có. Giá lúc đó đặt cho anh ấy một đề tài nghiên cứu như lịch sử tư tưởng Việt Nam thì rất là thú vị. Anh Thảo có thể có ý kiến khác, nhưng không sao, bởi vì anh cũng ở trong vòng của chủ nghĩa duy vật lịch sử chứ không ra ngoài. 
     Có người tưởng anh Thảo về nước để tìm công danh. Không phải đâu. Anh Thảo không muốn “làm quan”, anh muốn viết những tác phẩm sâu sắc hơn là làm một “ông quan”. Tác phong của anh Thảo là tác phong của một người nghiên cứu. Điều tôi muốn nói là trong vụ Nhân văn, anh Thảo do cái critisisme (chủ nghĩa phê phán) nó dẫn anh đi quá đà, chớ việc anh lên tiếng về việc này việc kia không có gì cấm kỵ. Nhưng có người muốn đưa anh lên, lợi dụng tên tuổi anh, rồi gây thành nhóm, đó là điều không nên. Còn việc sau đó đưa anh lên Sơn Tây hay ở hội nghị này hội nghị kia làm quá sai. Anh Thảo không phải là đảng viên cộng sản, mà lúc ở Pháp, khác với nhiều trí thức tên tuổi khác, anh rất có lập trường, vậy là hay lắm rồi. Sự cư xử thiếu tế nhị, thiếu thuyết phục đối với một trí thức không phải là đảng viên như anh - mà đối với trí thức đảng viên thì cũng không thể làm như vậy - một trí thức từ nước ngoài tìm về với kháng chiến, theo tôi là điều đáng phải nghiêm khắc coi lại. 
    Nói về phương diện tư tưởng triết học thì anh Thảo là người suy nghĩ sâu sắc, có những vấn đề anh đóng góp cho châu Âu chứ không phải chỉ đóng góp cho xứ mình mà thôi. Khuynh hướng của anh Thảo nói về con người theo tôi căn bản là đúng, chỉ có lệch chăng là nó giống với triết học cổ điển Đức mà hồi Marx, Engels viết Tuyên ngôn Cộng sản chê nó trừu tượng quá, cái đó là một cái tật của triết học Đức, nhưng dù sao nó cũng là một khuynh hướng của Hegel có đầu đuôi, hệ thống, cho nên tôi tán đồng cái cố gắng của anh Thảo đi vào con người. Nhưng nếu tôi ở gần anh nhiều thì tôi ủng hộ anh đi vào con người không phải trừu tượng, mà đi vào con người Việt Nam. Nếu đi vào con người Việt Nam thì anh làm khảo cứu hơn nhiều người, kể cả hơn tôi. Chứ còn hướng nghiên cứu về con người là đúng. 
   Cuối cùng tôi muốn nói khi anh Thảo ở Sơn Tây về, đáng lẽ anh oán lắm, nhưng ảnh noblesse xứng đáng ghê lắm. Anh tiếp tục nghiên cứu triết học, không oán hờn, không chấp nhất; khi qua châu Âu ảnh bênh vực đường lối của Đảng. Đó là một trong những người có thể đại biểu cho trí thức Việt Nam. 
    Tôi có thêm một đề nghị cụ thể: Trong nhà của anh Thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều sách, nhiều bản thảo; nên khắc con dấu đóng tên Trần Đức Thảo và gửi vào thư viện. Nên đặt ra một Giải thưởng Trần Đức Thảotrao cho những công trình nghiên cứu triết học. Mình không có truyền thống triết học, nếu có thể nói có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo. Anh em tôn trọng anh ấy là phải. Nhưng cái vần đề chính là trọng người thật chứ không phải hình thức…

Ngô Thị Giếng Ngọc ghi
Nguồn: Văn Nghệ-2.6.1993