Sunday 14 July 2013

Nghiên cứu tên riêng trong các truyền thuyết thời kỳ dựng nước (Trần Quốc Vượng)




Nghiên cứu tên riêng trong các truyền thuyết thời kỳ dựng nước


thoi ki giu nuoc

TỪ VIỆC NGHIÊN CỨU MỘT SỐ TÊN RIÊNG TRONG CÁC TRUYỀN THUYẾT NÓI VỀ THỜI KỲ DỰNG NƯỚC

Trần Quốc Vượng
Trên tập san Nghiên cứu Văn học số 3-1962, kết luận bài nghiên cứu dài “Qua việc nghiên cứu các danh từ riêng trong một số truyện cổ tích“, Đinh Gia Khánh viết: “Vấn đề danh từ riêng trong truyện cổ tích có liên quan đến những vấn đề nguồn gốc của truyện, vấn đề kết cấu của truyện, vấn đề hình tượng của truyện… Khi nghiên cứu truyện cổ tích dân gian, cần quan tâm đến vấn đề danh từ riêng trong đó, vì việc đi sâu vào vấn đề này không phải là không bổ ích, trái lại nhờ đó mà ta có thể giải quyết được một số vấn đề khác”. Gần đây trongNghiên cứu Lịch sử số 102 (9-1967) Hoàng Thị Châu đã áp dụng phương pháp ngôn ngữ học để “Tìm hiểu từ “phụ đạo” trong truyền thuyết về Hùng Vương” (được ghi trong Lĩnh Nam chích quái). Trong bài nghiên cứu nhỏ này, chúng tôi sẽ nghiên cứu một số tên riêng trong các truyền thuyết nói về thời Hùng Vương – An Dương Vương – thời kỳ dựng nước của lịch sử Việt Nam – đặng rút ra một vài kết luận về quá trình phát triển của truyền thống lịch sử và về tiếng Việt cổ.
I. Truyện Lý Ông Trọng
Sách Việt điện u linh chép rằng: Vương họ Lý tên là Ông Trọng, người huyện Từ Liêm (xem bản dịch Nxb. Văn hóa Hà Nội 1960 tr. 28). Lĩnh Nam chích quái chép: “Cuối đời Hùng Vương có người ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ, họ Lý tên Thân (Bản dịch Nxb. Văn hóa Hà Nội 1960 tr. 50) và sau khi kể chuyện Lý Thân, sách này chép thêm: “Tần Thủy Hoàng lấy làm lạ mới đúc đồng làm tượng, đặt hiệu là Ông Trọng”. Sách Từ Nguyên lại chép: “Nguyễn Ông Trọng, đời Tần, người Hải Nam”.
Về họ tên nhân vật của truyện, như vậy có hai sách (Việt Nam) chép họ là Lý, một sách (Trung Quốc) chép họ là Nguyễn. Chắc Từ Nguyên đã căn cứ vào một tài liệu của ta viết về đời Trần vì, như mọi người đều biết, nhà Trần đã bắt dân chúng đổi họ Lý ra họ Nguyễn[1]. Song một nhân vật đời Hùng Vương có họ là Lý cũng có một điều đáng ngờ vì tên những người Việt cổ mà sử sách đã ghi (Dịch Hu Tống, Đô Kê, Đô Lương, Trưng Trắc, Thi Sách…) không mang những họ Lý, Trần, Lê, Nguyễn… như ngày nay. “Họ” hiểu theo nghĩa hiện đại là một điều khá mới, thường thành hình từ một danh từ chung chỉ nguyên quan, nghè nghiệp hay một tính từ chỉ đặc điểm bên ngoài hay tính cách[2]. Chúng ta nên nhớ rằng ở đầu thời kỳ chúng ta quen gọi là Bắc Thuộc, sử sách phong kiến thường gọi dân nước ta là dân Lý (Lãi, Lão…) và thường tự tiện gán cho người nước ta họ Lý; hoặc cũng có thể họ gọi nhân vật này theo phương thức chỉ nguyên quán: Lý Ông Trọng nghĩa là ông Trọng người Lý. Còn tên nhân vật, hai sách cho Ông Trọng là tên, một sách cho Ông Trọng là tên hiệu (tên thực là Thân). Đinh Gia Khánh trong bài nghiên cứu nói trên quả quyết rằng: “nhận vật lịch sử có tên thật là Lý Thân, nhưng ngày nay người ta chỉ nhớ cái biệt hiệu Ông Trọng”. Ông Trọng có phải là nhân vật lịch sử không, hay trước sau chỉ là một nhân vật truyền thuyết cũng còn là vấn đề phải bàn; cũng như việc cho Ông Trọng là biệt hiệu chứ không phải là tên thực theo ý tôi là một kết luận vội vã. Nhân dân làng Trèm (quê hương và là nơi có đền Lý Ông Trọng) chỉ gọi là Lý Ông Trọng chứ không gọi là Lý Thân. Việt điện u linh viết trước Lĩnh Nam chích quái cũng không chép tên Lý Thân. Vả lại. theo ý tôi, Ông Trọng là một cái tên “Việt Nam” hơn và có lẽ nên viết là Ông Trọng mới đúng: giai đoạn dân gian thường có những tên giản dị kiểu như thế: ông Đổng, ông Gióng, ông Đùng (bà Đà). Truyền thuyết Mường, một nhánh bà con gần gũi của người Việt, cũng dùng những tên như vậy, ví dụ trong bài mo Đẻ đất đẻ nước ta gặp các tên: Đá Cài Đá Cần, Dạ Dẩn, Dạ Dâm, Dạ Rủ… mà có nhà nghiên cứu trước đây đã tưởng là những tên đôi, kỳ thực đá (hay tá)[3] tiếng Mường nghĩa là ông (tỏ ý kính trọng), dạ tiếng Mường nghĩa là bà (tỏ ý kính trọng)[4].
Tên người xin bàn qua như vậy, bây giờ tôi xin chuyển sang bàn về tên đất. Ông Trọng thường được gọi là đức thánh Trèm. Ở làng Trèm hiện còn đền thờ ông và nhân dân ở đó coi ông là người cùng làng. Trèm thuộc huyện Từ Liêm, sách vở xưa chép ông Trọng người Từ Liêm. Tên Từ Liêm xuất hiện lần đầu tiên trong sử sách ở thế kỷ IX, trong sách Nguyên hòa quận huyện chỉ (806-820, đời Đường) và trong các sách địa lý viết về đời Đường khác nhưCựu Đường thư, Tân Đường thư… Theo các sách trên, huyện Từ Liêm được đặt từ năm 621 và con sông chảy qua huyện đó (tức sông Nhuệ) cũng được gọi là sông Từ Liêm. Sách An Nam chí lược (của Lê Trắc đời Trần thế kỷ XIV) và Việt Kiệu Thư (của Lý Văn Phượng đời Minh – chép theo sách trước) cho rằng sở dĩ có tên Từ Liêm là vì tiên tổ nhà Lý đời đời ở đất ấy, có tiếng là nhân từ, liêm khiết. Kỳ thực đó là một cách giải thích vô căn cứ, hay nói theo thuật ngữ ngôn ngữ học, đó là một hiện tượng từ nguyên học dân gian[5], nghĩa là một cách giải thích bằng lối suy diễn, tạo ra một truyền thuyết mới nhằm giải thích một tên riêng mà người thời sau không còn hiểu cái gốc gác ban đầu của nó.
Thực ra tên Từ Liêm chỉ là một trong vô số trường hợp dùng từ chữ Hán hay Hán Việt phiên âm một địa danh vốn là từ “nôm” (tức từ Việt cổ) với những hiện tượng biến âm hay thêm bớt âm có tính quy luật kèm theo quá trình này. Ta biết rằng âm “tr” uốn lưỡi là một dạng thức mới (không sớm hơn thế kỷ XVII) của tl hay bl (Xem A.de Rhodes Diction-narium Annamiticum lusitanum et latium 1651). Dạng cũ (trước thế kỷ XVII) của tiếng Trèm phải là tlem (hay blem), “Từ Liêm” ắt là cách phiên âm tên “trèm” ở dạng cũ đó. Tiếng Hán ở thế kỷ IX (cũng như tiếng Hán hiện đại) không có tổ hợp phụ âm kiểu tl, bl cùng âm tiết. Do đó, tổ hợptl tất phải được tách ra hai âm tiết và phụ âm t được phiên âm bằng một âm tiết có t đứng đầu “từ”. Điều này lại phù hợp với xu hướng chung, song âm tiết của các địa danh Trung Quốc khác với xu hướng chung của các địa danh Việt cổ vốn đơn âm tiết (có kèm theo một từ chỉ đơn vị địa lý có nghĩa là “làng” “sông” “núi” “chợ”…).
II. Truyện Trầu cau
Lĩnh Nam chích quái chép truyện Trầu cau nói rằng: “Thời thượng cổ có một vị quan lang sức vóc cao lớn, nhà vua ban tên là Cao cho nên lấy Cao làm họ. Cao hạ sinh được hai người co trai, con cả tên là Tân, con thứ tên là Lang. Hai anh em theo học đạo sỹ Lưu Huyền. Tân lấy con gái họ Lưu. Sau khi chết Lang biến thành cây cau, Tân biến thành hòn đá và người con gái họ Lưu biến thành giây trầu không.
Ở đây ta không bàn đến việc người chép truyện cho rằng thời thượng cổ (thời Hùng Vương) nước ta đã có đạo sĩ và Đạo giáo, đó là một sự nhầm lẫn hiển nhiên về thời điểm. Đến như họ tên các nhân vật của truyện cũng có vấn đề. Âm “cao” từa tựa âm “cau”, “tân”, “lang” ghép lại thì có nghĩa là cây cau, vợ người anh thuộc họ Lưu, mà phù lưu thì có nghĩa là “cây trầu không”. (Đinh Gia Khánh, tài liệu đã dẫn).
Tân lang cũng như phù lưu là hai từ Hán chỉ cau và trầu. Hai tên ấy xuất hiện trong sử sách từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên và được ghi lại trong các sách Dị vật chí (của Dương Phù đời Đông Hán), Nam phương thảo mộc trạng (của Kế Hàm đời Tấn), Giao châu ký, Quảng Châu ký (của Bùi Uyên đời Tấn), Ngô lục Thục ký, Tề dân yếu thuật (của Giả Tư Nghiệp đời Hậu Ngụy) v.v… Theo các sách đó trầu cau là một đặc sản của phương Nam, của miền đất nước ta. Và việc ăn trầu cau, việc dùng trầu cau trong hôn nhân cũng như dùng trầu cau để tiếp đãi khách khứa (“khách đến chơi trước tiên phải mời trầu, nếu không mời người ta oán giận nhau”)… đã là một phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc ta. Vậy đặt phong tục đó xuất hiện từ thời Hùng Vương là một điều hợp lý. Cau và trầu là những loại cây đặc sản của phương Nam, còn phương Bắc thì bấy giờ chưa có. Người Bắc nhìn thấy cây cau cho là một cây quý lạ lắm. Du Ích Kỳ người quận Dụ Chương (Giang Tây Trung Quốc) đời Ngô, trong khi du lịch phương Nam có viết thư cho Hàn Khang Bá rằng: “trong khi Nam du, duy có cây cau (tân lang) là đáng xem hơn cả, quả rất phi thường, cây cũng đặc biệt kỳ lạ. Nhưng tính không dạn sương, không thể đem trồng ở miền Bắc” (Nam phương thảo mộc trạng). Vậy một vấn đề đặt ra là: Tân Lang và tên Phù Lưu chỉ hai cây không có ở phương Bắc, là danh từ do người Hán mới đặt ra hay là tên phiên âm theo địa phương khi ấy? Tôi cho đay là hai từ phiên âm theo tiếng địa phương, cụ thể là tiếng Việt cổ ở đầu Công nguyên (và trước đó). Người Mường hiện tại dùng từ nang để chỉ “cau”. Người Mã Lai, người Chàm (ngữ hệ malayopolynésien) cũng gọi cau là pinang (từ song âm tiết). Người Êđê gọi cau là mơ-nang.
Trong tiếng Việt hiện đại có từ nang, tuy không dùng độc lập nhưng có ý nghĩa xuất hiện rõ rệt trong tổ hợp mo nang (tức “mo cau”) và trong tổ hợp cau nang (tương đương với loại xe cộ, tre pheo, áo xống, gà qué v.v…) nghĩa là có ý nghĩa tương đồng rõ rệt với cau. Tân lang (pin-lang) có lẽ là cách phiên âm từ nang này (trong đó n được thay bằng một phụ âm rất gần gũi với nó là l). Ta thấy n và l đều là hai âm vang đầu lưỡi, âm hưởng rất giống nhau và dễ chuyển thành nhau (so sánh tiếng Mường: Kăl, băl và tiếng Thanh hóa cắn (gáy) bắn (bay), cũng xem cách phát âm của một số diễn viên tuồng cổ : “song thât” (song thân). Trong nhiều phương ngôn của tiếng Việt hiện đại, hai âm n và l vẫn bị lẫn lộn hoặc đồng nhất hóa với nhau. Trần Phu, sứ nhà Nguyên sang kinh đô Thăng Long năm 1291 còn ghi lại trong Sứ Giao chân tập là người Việt khi ấy gọi nước (thủy) là “lược”, tức là một từ có vận mẫu ước và thành mẫul. Vậy nang có thể có dạng cũ là lang và từ Hán “tân lang” chỉ là phiên âm của từ // – lang của tiếng Việt cổ đầu Công nguyên với một tiền tố (prefixe) (ký hiệu là //-) có thể là p. Tóm lại từ chỉ “cau’ trong tiếng Việt cổ đầu Công nguyên trở về trước có thể là //-lang (hay //-nang) là một từ có hai âm tiết.
Thế còn tiếng “phù lưu” có phải là phiên âm của tiếng trầu (giầu), không? Trên miền Bắc Việt Nam hiện nay có nhiều tên đất (tên làng) gồm một tên Hán Việt và một tên nôm: làng Phù Lưu – Tế (Hà Đông cũ) có tên nôm là làng Giầu, làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh cũ) cũng có tên nôm là làng Giầu (chợ làng đó gọi là chợ Giầu, gần Đình Bảng). Từ giầu hay trầu theo từ điển A. de Rhodes, 1651 và cuốn Histoire du royaume Toquin cũng của A. de Rhodes, trong tiếng Việt thế kỷ XVII ghi là “blầu” (blầu cau); chữ nôm ghi là “lâu” theo cách phát âm Hán Việt hiện đại. Vào khoảng trước sau thế kỷ XV, từ blâu ắt phải có dạng bliu hayblu (xem các phương ngôn cổ ở Bắc phần Trung Bộ: chin (chân), nhít (nhất), tru (trâu), chí (chấy) v.v… Mặt khác cách phát âm lưu với vần ưu là một cách phát âm hiện đại chỉ có thấy trong một số từ Hán Việt. Đường âm của vận mẫu những từ này là ju (hay iw). Vậy yếu tố lưutrong phù lưu trước kia phải có dạng lju (hay liw)[6].
Còn về yếu tố phù, có thể sử dụng kết luận sau đây của Hoàng Thị Châu trong khi nghiên cứu từ “phụ đạo” trong truyền thuyết về Hùng Vương: “Kết quả phân tích ngôn ngữ học cho phép chúng ta khẳng định mối liên hệ giữa từ phụ đạo trong truyền thuyết về Hùng Vương với các tên gọi Pơtao, mơtao, patao, bađao, tạo (phìa tạo), đạo chỉ chức thủ lĩnh ở một số dân tộc ít người ở Việt Nam”. Theo tôi, kết luận đó là hợp lý, tuy Hoàng Thị Châu còn chưa khôi phục được nguyên hình từ gốc (prototype) của từ “phụ đạo”. Tiếng Hán hiện nay có phụ âm xát môi vô thanh ph mà tiếng Hán cổ phát âm là b’j ví dụ từ “phiền” buồn từ điển phân tích tiếng Hán của B. Karlgreh ghi là (b’jion), “phàm” buồm ghi là “b’jiwom) v.v…
Phụ âm Hán cổ b’j đã chuyển thành phụ âm /f/ trong các từ Hán Việt và trong tiếng Hán hiện đại. Mặt khác nó đã chuyển thành /b/ (hay ít hơn, thành /v/) trong những từ Việt gốc Hán không phải là từ Hán Việt (nghĩa là những từ vay mượn của tiếng Hán theo con đường “bình dân”, hội thoại không phải là “bác học” (sách vở”. Do đó ta thấy có sự tương ứng đều đặn (có tính quy luật) giữa âm /f/ Hán Việt với âm /b/ nôm: (phàm – buồm, phiền – buồn, phòng – buồng, phóng – buông, phược – buộc, (quả) phụ – (góa) bụa v.v…[7].
Như vậy giá trị cũ của yếu tố phù là bu (b’ju theo B. Karlgreh) và tên Phù lưu (nguyên dạng du – ‘lju hay bu-liw) là một cách phiên âm khá trung thành của tên trầu (ở dạng blui). Sự khác nhau đáng kể duy nhất (sự có mặt của nguyên âm u sau b trong tiếng Hán) nảy sinh một cách tất yếu do đặc điểm của cấu trúc âm tiết trong hai ngôn ngữ. Dù sao chăng nữa thì phù(bu) cũng là âm tiết thích hợp nhất đối với việc phiên âm b. Ta thấy có hiện tượng tương tự trong địa danh Phù Nam mà người Trung Quốc dùng để gọi đất cũ của người Khơme. Trong bài nghiên cứu về nước Phù Nam (BEFEO) P.Pellio căn cứ vào các sách cổ Phù Nam ký của Khang Thái (đời Ngô, thế kỷ thứ III), Phù Nam của Trúc Chi v.v… đã đi đến kết luận: Phù Nam là phiên âm tiếng Khơ-me cổ Bnam (Pnom = núi) như Pnom Penh ngày nay.
Sự tương ứng ưu – âu trong các từ Hán Việt và các từ “nôm” tương ứng hiện đại xác nhận thêm cách phục hồi trên: ngưu (lang) – (chàng) Ngâu, sưu – xâu, Hán-Việt cửu và Quảng Châu: cẩu.
Việc nghiên cứu tên tên riêng trong truyện Trầu cau cho phép ta phát hiện ra một số từ Việt cổ ở đầu Công nguyên (và có thể trước đó nữa), những từ đó hoặc là song âm tiết gồm một tiền tố có lẽ có ý nghĩa phân loại và một căn tố có mang trọng âm, hoặc là những từ có tổ hợp phụ âm đầu tl, bl. Về mặt văn học dân gian, nó cho ta biết người chép truyện ngày sau - biết chữ Hán song không còn hiểu mối quan hệ giữa từ Việt cổ và từ Hán gốc Việt – đã thêm vào câu chuyện cổ một số tình tiết mới căn cứ vào kết cấu cũ của truyện và hiện trạng xã hội dương thời.
III. Truyện người anh hùng làng Gióng
Trong thời gian gần đây, Cao Huy Đỉnh cũng như Vũ Tuấn Sán đã tập hợp được nhiều tài liệu mới và quý về sự tích người anh hùng làng Gióng. Cao Huy Đỉnh tìm ra ông “Đổng cha”, bố của ông Đổng con hay thánh Gióng. (Tạp chí Văn học số 7-1967 và Truyền thống thủ đô số 6-1968). Sách Lĩnh Nam chích quái trong bài tựa của Vũ Quỳnh (1492), trong bài hậu tự của Kiều Phú (1493) và trong truyện, gọi người anh hùng của chúng ta là Đổng Thiên Vương (trang 31) nhưng cũng họi là Phù Đổng thiên vương (trang 33). Cũng sách đó (trang 32-33) gọi quê hương người anh hùng là làng Phù Đổng. Thiên nam ngữ lục gọi là Kẻ Đổng. Trong dân gian ngày nay, các tên Phù Đổng, Kẻ Đổng, Gióng (làng Gióng, Gióng – mốt và trước đây còn có tên tổng Gióng tức tổng Phù Đông thuộc huyện Tiên Du) đều thông dụng. Có mối liên quan gì giữa ba tên đó về ngữ âm cũng như về ngữ nghĩa? Trước hết hãy xét về mặt ngữ âm học. Không riêng gì tên Phù Đổng, mà cả một vùng Bắc sông Đuống quanh Phù Đổng có rất nhiều tên làng (tên Hán Việt) bắt đầu bằng âm “phù”: Phù Ninh, Phù Dực, Phù Chẩn, Phù Lập… Bên trên khi nghiên cứu chữ Phù lưu cũng như chữ Phù nam, chúng ta đã thấy rằng “phù” là phiên âm của tiền tố b hay phụ âm đầu của tổ hợp bl. Trong tiếng Việt (và Khơ-me) cổ ở một thời kỳ mà trong tiếng Việt không chỉ có những từ đơn âm tiết mà còn có những từ song âm tiết hay có một tổ hợp phụ âm đầu. Phù Lập có tên nôm là Sộp. Chữ nôm ghi các từ ngày nay có phụ âm đầu S bằng từ có phụ âm I. Trong nhiều phương ngôn tiếng Mường, những từ có phụ âm đầu S của tiếng Việt có từ tương ứng bắt đầu bằng tổ hợp phụ âm đầu fl, chẳng hạn trong phương ngôn Hung (một nhánh) của người Mường: Sau (v) – flau (4).
Vậy Phù Lập là phiên ngôn của tiếng nôm Sộp ở thời kỳ mà tiếng nôm ấy phát âm làflôpu hay blôp. Phù Chẩn tên nôm là làng Cháy. Truyền thuyết nói về ngựa sắt của ông Gióng thét ra lửa, cháy cả một bãi rộng nay là làng Cháy, cạnh Phù Đổng. Đây là lối giải thích theo từ nguyên học dân gian như phần trên đã nói. Ch là biến âm của trtr là biến âm của blay là biến âm của ănăn hay ân của phương ngôn Thanh Hóa: (tàu bay – tàu băn, cày cấy – cần cấn) hayâl của tiếng Mường (bay – bâl…). Vậy từ thế kỷ XVII về trước, tên làng đó không thể phát âm là cháy mà là Blăn. Từ Phù Chẩn là phiên âm của từ này.
Phù Ninh tên nôm là làng Nành. Nành là tên rất tường gặp trong tên đất, tên đền, chùa (làng Nành, đền Nành, chùa bà Nành…) ở Bắc Việt Nam. Cũng ở đây gặp khá nhiều tên đất có âm tiết sau là ninh: Gia Ninh, Quân Ninh, Vũ Ninh, Căn Ninh (huyện thời Ngô thế kỷ thứ III), Phù Ninh (huyện và làng)… Hẳn từ thế kỷ thứ XVII trở về trước, tên nôm còn có tiền tố b. Nay đã mất. Đay cũng là trường hợp của từ Phù diễn, được ghi nhiều lần trong Thiền Uyển tập anh (thời Trần), Tùy thư (thế kỷ VII) ghi là Ô-diên, nay là Diễn (Cầu Diễn, Phú Diễn, Đức Diễn… thuộc Từ Liêm Hà Nội).
Gióng – Cao Huy Đỉnh viết là Dóng. Hiện nay ít người phân biệt được là d và gi. Thế kỷ thứ XVII về trước “gióng” đọc là “bjóng” (xem từ điển A. de Rhodes: blầu – giầu, blanh – gianh, blo – gio, blun – giun…)
Âm Phù trong “Phù Đổng” hẳn nhiên là phiên âm tiền tố b mà về sau mất đi từ Phù Đổng chỉ còn lại âm Đổng. Còn Đổng và Dóng thì dễ chuyển hóa sang nhau là vì hai phụ âm đ và d đều là những phụ âm đầu luỡi hữu thanh, một cái là âm tắc, cái kia là âm xát.
Quá trình chuyển từ “tắc” sang “xát” là một hiện tượng biến âm khá phổ biến trong nhiều ngôn ngữ và đã lộ rõ tác dụng trong tiếng Hán, tiếng Việt – Mường và tiếng Việt.
Tên Phù Đổng được ghi đầu tiên trong Thiền Uyển tập anh và Việt điện u linh (đời Trần) nhưng nói là dẫn từ Báo cực truyện (có lẽ ở thời Lý). Theo Thiền Uyển tập anh, năm 820 (đời Đường) sư Vô Ngôn Thông tu ở chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng (xin nhớ hương từ Lý Trần trở về trước to hơn làng, tương đương tổng, thậm chí huyện ngày nay) trước đó thiền sư Cảm Thành đã tu ở đó. Vậy tên Phù Đổng ít ra đã có từ đời Đường và là phiên âm (theo Đường âm, thời đó tiếng Hán vẫn còn phụ âm đầu d và đ, nay đã mất) một tên nôm blóng hayblống (blỏng hay blổng). Sự dị biệt giữa hai thanh “hỏi” và “sắc“ có thể được coi là không đáng kể, vì hai thanh này vốn rất gần gũi nhau (đều là thanh trắc uốn lên và đều thuộc loại “phù”. Các từ có thanh sắc trong tiếng Việt hiện đại đều mang thanh hỏi trong tiếng Mường (theo cách miêu tả và phiên âm của phần đông các nhà ngôn ngữ học).
Tên quê hương và tên người anh hùng truyền thuyết trong trường hợp này là một. Vậy tên đất đẻ ra tên người hay tên người đẻ ra tên đất? Thật khó mà khẳng định, tuy trên văn bản và theo logíc tự nhiên thì tên đất có trước tên người.
Căn cứ vào kết cấu và môtíp thần thoại, Cao Huy Đỉnh đã liên hệ tên Đổng với các tên Đùng, Tùng, Dông chỉ sấm sét, mưa hè. Đó là một giả thuyết đáng lưu ý, tuy nhiên nếu nói vì có thần thoại ông Đổng (cha) nên làng Dóng mang tên là Kẻ Đổng thì chưa có gì chắc chắn. Còn cách giải thích rằng “cậu bé sinh ra đã ba năm không biết cười không biết nói, cả ngày chỉ nằm trên thúng tre treo trên gióng, do đó mà thành tên” (Vũ Tuấn Sán)thì rõ ràng là một cách giải thích suy diễn, theo từ nguyên học thông tục. Theo ngữ âm học lịch sử thì phụ âm đầu d trong tiếng Việt hình thành trong khoảng thế kỷ XV-XVII (H.Maspéro).
  1. I.       Truyền thuyết An Dương Vương và thành Cổ Loa
Trên tạp chí Nghiên cứu Văn học (1-1965) tôi đã bàn về tên riêng Mỵ Châu của truyền thuyết và lịch sử, nêu ra lối đặt tên người của người Việt cổ khác với lối đặt tên người kiểu Hán. Hôm nay xin bàn về tên đất Cổ Loa.
Nhà sử học Đào Duy Anh căn cứ vào công trình nghiên cứu của Từ Tùng Thạch (xemViệt giang lưu vực nhân dân sử) về những địa danh mở đầu bằng chữ “cổ” đã có lý khi bác thuyết truyền thống cho rằng “Cổ Loa thành” là thành Loa cổ. Ông vẫn giữ ý kiến hco rằng Loa là một từ Hán, nghĩa là ốc. Loa thành là cái thành mà tập truyền cho là được xây theo hình xoáy trôn ốc (Đất nước Việt Nam qua các đời Nxb. Khoa học Hà Nội 1964). Theo Lĩnh Nam chích quái (truyện Rùa vàng) thì: “thành này trải rộng nghìn trượng, quanh co như hình ốc nên gọi là Loa thành”.
Những tên đất có tiền tố “kẻ” vốn rất phổ biến ở Việt Nam. Nhưng Kẻ Loa (theo giả thuyết của Đào Duy Anh) là tên duy nhất có tiền tố kẻ cấu tạo với một từ căn Hán Việt. Tính chất lệ ngoại của tên đất giả dịch này đã hoàn toàn đủ cho ta nghi ngờ tính xác đáng của một lối phục hồi không nhất quán như thế. Hơn nữa Đào Duy Anh dựa vào chỗ Cựu Đường thư địa lý chí  Thái bình hoàn vũ ký (Sách địa lý học về đời Đường) chỉ chép là “An Dương Vương thành” và tên Cổ Loa đến thế kỷ XV mới xuất hiện trong sách An Nam chí nguyên, từ đó ông cho rằng Cổ Loa là tên do người đời Tống đặt cho thành ấy. Và Lê Văn Hòe trong bài Góp ý với ông Đào Duy Anh về vấn đề Loa thành (Nghiên cứu lịc sử, số 86) đã có lý khi ông không chịu tin rằng ở đời Tống, trong khi nước ta đã độc lập mà người Tống lại đặt tên cho thành Việt Nam, và người Việt Nam lại chịu nhận một cái tên do người nước ngoài đặt và giữ mãi nó cho đến ngày nay. Nhưng Lê Văn Hòe lại tin theo tập truyền, quay về với chủ trương “cổ loa” là Loa thành xưa và cho đó là tên thời thuộc Minh (1407-1427) do bọn xâm lược Minh đặt cho thành trì chúng xây dựng trên nền cũ Loa thành.
Theo tôi, nếu cứ suy nghĩ quanh quẩn về tên đất dựa vào mặt chữ Hán như vậy sẽ không tài nào hiểu nổi gốc gác tên đất Cổ Loa (cũng như nhiều tên đất khác) và qua đó hiểu được quá trình phát sinh và phát triển của truyền thuyết về thành Cổ Loa. Tôi đi tìm một hướng nghiên cứu khác.
Cổ Loa là một địa danh mới xuất hiện từ thế kỷ XV trở về sau, bắt đầu từ Dư địa chí của Nguyễn Trãi (nhưng Nguyễn Trãi không hề nói rằng vì thành đó quanh co như hình ốc nên gọi là Loa thành). Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, An Nam chí của Cao Hùng Trưng,Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng – là những sách sử – và Lĩnh Nam chích quái – là sách ghi truyện dân gian. Còn trong tất cả các scahs từ thế kỷ XIV trở về trước, bắt đầu từ Thủy kinh chú (thế kỷ thứ VI) qua Đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký đến An Nam chí lược (thế kỷ XIV) ghi chép truyện An Dương Vương đều chỉ dùng từ chung “thành cũ của An Dương Vương” và nhất là dùng từ “Việt Vương thành” (thành của vua Việt). Riêng An Nam chí lược (mục tích cổ) hé mở cho ta biết một cái tên dân gian của thành này: “Việt Vương thành” tục gọi là thành Khả Lũ.
Cùng với xuất hiện tên Cổ Loa ở thế kỷ XV cũng xuất hiện truyền thuyết “thành xây hình xoáy ốc” khiến ta ngờ rằng truyền thuyết này mới được đặt ra và được chép thêm vào gốc truyện cũ, nhằm giải thích tên đất Cổ Loa. Đó là lối giải thích theo từ nguyên học thông tụcmà ta vẫn thường gặp. Thật ra nếu không bị ám ảnh bởi truyền thuyết và quan sát di tích hiện tại của thành Cổ Loa một cách khách quan, ta không hề thấy thành Cổ Loa được xây dựng theo hình xoáy trôn ốc tuy lũy thành có chạy quanh co (vì phải theo điều kiện địa hình). Tất nhiên cái hình dáng quanh co của thành cũng chỉ là một cứ liệu mà người ta dựa vào để hư cấu ra truyền thuyết trên.
Ngoài tên Khả Lũ, Cổ Loa đất này còn mang một tên nữa: “trang Kim Lũ”. Tên này thấy trong bản ngọc phả đền An Dương Vương do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ I (1572). Ngọc Phả cho biết Cổ Loa là trại Phong Khê (tên huyện đời Hán – TQV) sau đổi là trang Kim Lũ, sau đổi là trang Cổ Loa. Trang là một đơn vị xã hội thời Lý Trần và đầu đời Lê. Có lẽ tên Kim Lũ cũng được lưu hành trong khoảng thời gian đó.
Giữa ba tên này có mối liên quan gì với nhau không? Cả ba tên “Hán Việt” này, nhất là âm tố sau, phát âm na ná giống nhau khiến ta ngờ rằng chúng đều bắt nguồn từ một tên thứ tư, mà là một tên nôm. Huyện Thanh Trì cũng có làng Kim Lũ, tên nôm là làng Lủ. Kim Lũ là phiên âm của Lủ được thêm chữ Kim ở đầu tên cho văn vẻ và có nghĩa lý. Đây cũng là một nguyên tắc rất căn bản của việc chuyển tên làng Việt Nam, vốn là tên nôm từ đơn âm tiết, sang tên Hán Việt từ song âm tiết. Tỉnh Hà Nam cũ có làng Ngọc Lũ (nơi phát hiện được trống đồng Ngọc Lũ nổi tiếng thế giới), tên nôm là làng Chủ. “Chủ” (cũng như trủ) từ thế kỷ XVII trở về trước được phát âm là //-lủ với một tiền tố b, t, k, p, g… Còn chữ “ngọc” cũng như chữ “kim” chỉ là một chữ mới thêm vào trong quá trình chuyển từ nôm sang tên Hán Việt. Chữ nôm khi các ghi các từ có phụ âm đầu tr đều ghi âm bằng chữ Hán có phụ âm l:
trăm có âm lâm
trâu có âm lâu
trai có âm lai… v.v…
Như vậy chứng tỏ rằng các tiếng “trăm”, “trâu”, “trai”… ít nhất từ thế kỷ XVII vốn phát âm là tlam, tlâu, blai… hoặc tlai. (Xem A. de Rhodes và H. Maspéro: sách đã dẫn). Vì các từ trăm, trâu, trai rõ ràng là hài thanh với các chữ Hán có phụ âm l chứ không hài thanh với các từ Hán có phụ âm tr.
Trở lại tên “Cổ Loa”, vì nó đã đi sau vào lịch sử, thấm sâu vào tâm lý tình cảm của nhân dân cho nên tên nôm của làng Cổ Loa đã bị phai mờ. Chỉ sau hai năm (1966-1967) đã đi hỏi nhân dân, đặc biệt là các cụ phụ lão Cổ Loa và vùng chung quanh, chúng tôi mới phát hiện được tên nôm của làng này.
Cổ Loa ngày trước là một trung tâm hành hương lớn. Đến ngày hội hàng năm, dân ở các vùng xa gần đều trẩy về đây. Các cụ già hành hương đến đây còn nhớ lại lời dặn của cha ông là tới kỳ hội làng cần phải đi lễ ở Chạ Chủ (hay Kẻ Chủ). Ta có thể thấy rõ ngay rằng tên Chủ này tương ứng với “Kim Lũ” hay “Khả Lũ” cũng hoàn toàn giống như tên làng Chủ tương ứng với Ngọc Lũ. Thế nhưng Chạ là gì? Trong tiếng Việt hiện đại, Chạ chỉ xuất hiện trong một vài thành ngữ như chung chạ (ăn chung ở chạ), lang chạ (nằm lang ngủ chạ). Yếu tố chạ này được xử lý như một bộ phận từ ghép đẳng lập (ngang hàng) tương đối độc lập (nó có thể tách ra khi bổ nghĩa cho một từ ghép đẳng lập khác như ăn ở: ăn ở chung chạ – ăn chung ở chạ, theo mẫu của từ ghép đẳng lập gồm hai yếu tố cùng nghĩa hoặc cùng phạm trù ngữ nghĩa. Như vậy Chạhẳn trước là một từ độc lập như han (trong hỏi han) mà ta thấy được dùng độc lập trong tiếng Việt ở thế kỷ XV. Cách sử dụng độc lập này còn có thể thấy rõ trong tên chùa Ba Chạ, một ngôi chùa vốn của ba làng Mạch Tràng, Xép và Sằn hiện nay còn giữ lại cái nền và cái tên gọi cũ – và trong bài giáo trò của Từ Đạo Hạnh đời Lý được Lương Thế Vinh (thế kỷ XV) ghi lại trong cuốn Hý phường phả lục[8] (tờ…a,b).
Trình làng trình trạ
Thượng hạ tây đông
Tư cảnh hòa chung
Nghe tôi giáo trống
Trường không phong động
Cũng bởi trống tôi
Làng đã vào ngồi
Tôi xin diễn tích.
Cách dùng độc lập này cũng thấy có trong các bài giáo trò múa rối[9]: “cầu cho chạbằng an được mùa”.
Những văn cảnh này cho thấy chạ là một danh từ chỉ một đơn vị xã hội tương đương với làng hay xã, tức là chỉ cái khối cộng đồng (chung – chạ) mà ngày nay ta gọi là công xã nông thôn. Chạ Chủ tức là cái công xã ngôn thôn tên là Chủ, hay xưa hơn, là klủ (xem chú thích nói về tên cây trám (klam), Klủ chính là nguyên hình từ gốc của cả ba từ Khả Lũ, Kim Lũ, Cổ Loa[10].
Truyền thuyết dân gian kể về những yếu tố phá hoại công cuộc xây thành của An Dương Vương ngoài việc cung cấp thêm một số chi tiết thú vị như tinh con gái vua Hùng đêm đêm biến thành con lợn sề, dũi đất phá thành còn nói đến bến đò Lo, sông Sọ, sông Sau. Dân gian giải thích rằng gọi là sông Sọ vì dưới sông có rất nhiều sọ người bị yêu quái giết hại vứt xác xuống nước, gọi là bến đò Lo vì xưa kia qua đò vào chạng vạng tối rất lo ”yêu quái hiện lên làm hại”… Vượt lên trên lối giải thích theo nguyên từ dân gian ấy, ta thử tìm hiểu mấy địa danh đó. Sọ là tên dân gian vùng Đông Anh, Đa Phúc chỉ sông Cà Lồ. Dân gian Hà Bắc gọi sông Cà Lồ là sông Trọ (Chọ). Tên Hán Việt của sông này là sông Phù Lỗ và nay còn địa điểm Phù Lỗ bên bờ sông. Tỉnh Phúc Yên cũ có tên là tỉnh Phù Lỗ, Lo (đò Lo), Cà Lồ, Sọ, Trọ (Chọ), Phù Lỗ có liên quan gì với nhau? Ta rất dễ dàng giải thích những điều đó căn cứ vào những tài liệu ngữ âm học lịch sử đã nhiều lần nhắc đến ở trên: Trọ (Chọ ) từ thế kỷ XVII trở về trước phát âm là //-lọ, hoặc blọ hoặc klọ. Phù Lỗ chính là phiên âm của Blo. Tên Phù Lỗ xuất hiện trong sử sách thời Lý Trần (Lĩnh Nam chích quái). Tên quận Bình Lỗ (xem Thiền uyển tập anh và Việt điện u linh cũng bắt nguồn từ (blo) chứ không phải có nghĩa là “dẹp giặc” như thường giải thích xưa nay. Cà Lồ là biến âm của (Klo). Còn sọ? Những từ tiếng Việt có phụ âm đầu S đều có những từ tương ứng trong nhiều phương ngôn tiếng Mường có tổ hợp phụ âm đầu /kl/xl/(khl)[11]. Tổ hợp phụ âm đầu /kl/ trong quá trình biến hóa có thể trở thành S (sọ) có thể chuyển thành tr (trọ) (chính vì vậy mà có thể gọi là gà sống hay gà trống). Còn sông Sau của dân gian là sông Cầu. Cầu và Sau có liên quan gì với nhau? Điều này phải tìm gốc gác trong nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme: Ví dụ:
Việt
Khơ-me
Môn
Ba-na
Stieng
Kha
Cháu (con cháu)
Chim
Chây (chí)
sai
kau
kau
sâu
sâu


kai

kuy



ka

sem



Sih sa

sim
     Như vậy trong các ngôn ngữ Môn-Khơme các phụ âm và k và ch đều có thể chuyển hóa lẫn nhau.
     Bài nghiên cứu nhỏ này đã áp dụng một cách tổng hợp các phương pháp và tài liệu sử học, ngôn ngữ học, văn học dân gian… để nghiên cứu một số tên riêng trong các truyền thuyết dân gian. Có thể rút ra mấy kết luận sau đây:
     1. Về văn học dân gian: Truyền thuyết dân gian có quá trình phát sinh và phát triển của nó. Trên nền tẳng một kết cấu ban đầu thô sơ, trong quá trình phát triển của xã hội, truyện lưu hành truyền miệng trong dân gian được phát triển thêm những tình tiết mới. Khi truyền thuyết được ghi lại thành văn, bằng chữ Hán thì nhà Nho lại sửa chữa, thêm bớt. Rồi câu chuyện đã được “tái tạo” này một lần nữa lại dân gian hóa. Trong kho tàng truyền thuyết, có thể tách ra một loại truyền thuyết nhằm giải thích một số tên riêng (tên đất, tên người), giải thích theo lối suy diễn, nói theo thuật ngữ ngôn ngữ học là giải thích theo từ nguyên học dân gian hay từ nguyên học thông tục.
     2. Về sử học: Truyền thuyết không phải là lịch sử mà chỉ lấy lịch sử làm nền chi hư cấu. Nhà làm sử cần và có thể sử dụng tài liệu truyền thuyết song phải hết sức thận trọng. Nhà làm sử cũng như nhà nghiên cứu văn học dân gian phải làm sáng tỏ lịch sử phát triển của truyền thuyết dân gian. Phải có ý thức phê phán đối với những tri thức truyền thuyết mới nảy sinh về sau. Tài liệu truyền thuyết cũng như bất cứ tài liệu nào khác, và hơn bất cứ tài liệu nào khác, nếu không phân tích cặn kẽ thì không sử dụng được vào khoa học.
      3. Về ngôn ngữ học: Tên riêng trong truyền thuyết là một nguồn tài liệu quý đối với ngôn ngữ học lịch sử, nhất là trong điều kiện thiếu di tích văn tự như đối với các giai đoạn lịch sử như trước thế kỷ X ở nước ta – nếu những tên riêng ấy được xác minh thêm bằng những cứ liệu văn tự có niên đại chính xác và những sự kiện lịch sử – địa lý xác thực.
      Một số sự kiện dẫn trên cho ta thấy rằng có nhiều trường hợp những từ “ngoại lai” chính là những từ Việt được người ngoại quốc vay mượn. Điều này chứng minh một cách chắc chắn tác dụng quyết định của các cứ liệu “ngôn ngữ chi ngoại” (extra linguistiques), đối với ngôn ngữ học lịch sử hay ít nhất là đối với việc tìm tòi nguồn gốc của từ ngữ.
      Việc khôi phục dần dần, ít nhất là vốn từ vựng cơ bản và hệ thống ngữ âm tiếng Việt cổ trước thế kỷ X là việc có thể làm được.
       Kết luận cuối cùng có thể rút ra: Trong nghiên cứu khoa học, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, của nhiều nhà khoa học thuộc những lĩnh vực khác nhau. Nếu như đã có sự phối hợp chặt chẽ như vậy thì bài này chắc hẳn đã có thể đưa ra một số điều khẳng định dứt khoát hơn là những giả thiết (nhiều khi có tính chất nước đôi) mà tôi dành trình bày cả ra để các nhà chuyên môn có thể lựa chọn trên những cơ sở đầy đủ hơn.
       Nhân bàn đến danh từ riêng trong các truyền thuyết có liên quan đến thời Hùng Vương chúng tôi thấy cũng cần nói thêm rằng:
       1. Tiếp tục nghiên cứu theo phương hướng đó, nghĩa là một mặt dựa vào ngữ âm học lịch sử, một mặt nghiên cứu các tài liệu lịch sử thành văn có niên đại chính xác trong đó có ghi lại một số từ Hán gốc Việt (xưa nay người ta chỉ nói đến từ Việt gốc Hán), ta có thể phát hiện được nhiều từ Việt cổ trước thế kỷ thứ X, đây là một công việc thích thú và rất quan trọng vì cho đến nay, các nhà ngôn ngữ hcoj chỉ nắm được từ hội tiếng Việt cổ sau thế kỷ X (dựa vào chữ nôm, cuốn hoa di tịch ngữ, thơ quốc âm Nguyễn Trãi, từ điển A.Rhodes… ). Nhằm bước đầu cung cấp cho các nhà ngôn ngữ học Việt Nam một số tài liệu tham khảo về từ Việt cổ trước thế kỷ thứ X, tôi xin phép nêu ra dưới đây một số từ chỉ cây cỏ rút từ cuốn Nam phương thảo mộc trạng (Báo cáo tình hình cây cỏ phương Nam) thế kỷ thứ III và Tề dân yếu thuật thế kỷ IV-VI. Hai cuốn này lại dãn nhiều tài liệu từ thế kỷ I-III.
1. “Già” = cà (cà “ông Đổng hái cà” Dóng ăn bảy nông cơm ba nong cà).
Căn cứ vào Hoa di dịch ngữ trước thế kỷ XV tiếng Việt cổ chưa có phụ âm đầu lưỡi ngạc, xát hữu thanh /j/ (biểu hiện bằng gi). Hoa di dịch ngữ phiên âm là /kya/. Đến thế kỷ XVII từ điển A. de Rhodes mới ghi phụ âm j (gi) (cà: Nam phương thảo mộc trạng ghi rõ là cây cỏ của vùng Giao Quảng). Cà đầu công nguyên phát âm là /ka/.
2. “Tô phang” (âm Hán Việt): ở Cửu Chân (Thanh Nghệ) dùng nhuộm vải, tức là cây vang. Trên ta đã biết âm b’j Cổ Hán ngữ (f Hán Việt) chuyển sang v hoặc chuyển sang b (Việt). Nhưng ngữ âm học lịch sử cho biết phụ âm v chỉ xuất hiện sau thế kỷ XVII (từ điển A. de Rhodes: bua – vua). Vậy ở đầu công nguyên tiếng Việt cổ là ///-ban/, ///-bang// với một tiền tố t (tơ) nay đã mất.
3. “Da” = dừa. Dừa cũng như cau là loại cây phương Bắc không có, Nam phương thảo mộc trạng  quyển hạ nói đến việc uống nước dừa, làm rượu bằng nước dừa uống say của người Việt và người Chàm và ghi lại một truyền thuyết về quả dừa như sau: “Quả dửa tục gọi là đầu vua Việt. Xưa vua Lâm Ấp có oán thù với vua Việt, đã sai hiệp khách hành thích vua Việt, cắt lấy đầu treo lên cây, đầu đó sau hóa ra quả dừa. Vua Lâm Ấp nổi giận sai bổ ra lấy gáo dừa làm đồ uống rượu. Người Nam cho đến nay vẫn bắt chước làm như vậy. Lúc bị cắt đầu, vua Việt đang say mèm, vì vậy nước dừa uống say như rượu”. Âm tố ưa tiếng Việt cổ phát âm là a (lửa) lả, (nưa) – nút – Na. (Xem Truyền kỳ mạn lục) mưa (Việt ) – kơ ma (stieng).
Vậy da là âm cổ của dừa. Theo ngữ âm học lịch sử trước thế kỷ XV tiếng Việt chưa xuất hiện phụ âm /z/ (d). Cũng như phương ngôn Nam Bộ, tiếng Việt cổ trước thế kỷ XV phát âm “Da” là (ya) (y là bán nguyên âm khép trước).
4. “Quất” = quít / kwit/ cũng như
5. cam (kam) là loại quả đặc sản của phương Nam, cho đến thế kỷ thứ III vẫn là đối tượng cống nạp cho phong kiến phương Bắc. Quất được chép trong thiên Vũ cống và Chu thư(tác phẩm thời chiến quốc) là những sản vật quý của phương Nam truyền sang phương Bắc trước tiên (xem Vân đài loại ngữ). Vậy “quất” chỉ là phiên âm của “quít” chứ không thể là ngược lại.
Quít (kwit) là một từ thấy có ở trong tiếng Khơme và tiếng Khạ (ngữ hệ Môn-Khơme).
“Cảm lãm” = Trám. Trong di chỉ thời đại đồng thau Việt Nam, Đồng đậu Vĩnh Phúc đã tìm thấy hạt trám. Tề dân yếu thuật viết: “Cảm lãm quả to như trứng gà, Giao Châu dùng nhắm rượu”. Nam phương thảo mộc trạng viết: “Thời Ngô (Giao Châu) hàng năm cống để ban cho các bề tôi hầu cận, bản triều (Tấn) từ sau thời Thái Khang cũng làm như vậy. Rõ ràng trám là một loại đặc sản của phương Nam và “cảm lãm” chỉ là phiên âm tiếng Việt cổ. Giữa “cảm lãm” và “trám” có những trạm chuyển biến mà hiện nay chưa tìm thấy di tích xác đáng. Tuy nhiên, những trạm chuyển biến này có thể được phục hồi căn cứ vào những tính quy luật biến âm chung của tiếng Việt. Ở đây có thể nêu hai giả thiết: 1/ trong tiếng Việt ở thế kỷ III (thời củaNam phương thảo mộc trạng) từ chỉ “trám” có dạng “kam lam” trong đó kam là tiền tố không có trọng âm. Về sau tiền tố này rút gọn lại thành một phụ âm k và từ đó có dạng klam (thanh điệu không rõ là thanh điệu gì, nhưng chắc chắn không phải thanh “ngã” như trong âm Hán Việt vì ở đầu công nguyên tiếng Việt chưa có thanh này). Tổ hợp phụ âm kl vốn không thấy có trong tiếng Việt ở thế kỷ XVII, nhưng lại có trong tiếng Mường đã cho phụ âm “tr” của tiếng Việt hiện đại, hẳn là thông qua trạm tl ở thế kỷ XVII. 2/ Ngay từ thế kỷ III từ này đã có dạng klam. Sở dĩ người Trung Quốc phiên âm thành “cảm lãm” thứ nhất là vì trong tiếng Hán không có tổ hợp kl và do đó k được phiên âm thành một âm tiết (xem phần trên trang 4) lẽ ra âm tiết này cũng có thể là cổ, là khả, là kim, là kỳ v.v… Nhưng “cảm” phù hợp với xu hướng láy lại vận mẫu của căn tố có trọng âm: âm sắc của phụ âm đầu /k/ vốn chịu ảnh hưởng của âm sắc nguyên âm vận mẫu (cách cấu âm bổ sung của phụ âm).
7. “Phiếu”: Được ghi trong các sách Dị vật chí (thế kỷ I), Trúc phả (của Đái Khải Chiđời Tấn thế kỷ III) được coi như một “biệt danh” gọi tre gai của người nước ta và được mô tả như một loại tre to như cán giáo mà cứng rắn “người Giao Chỉ” vót nhọn dùng mà mâu rất tốt. Đoạn văn này không những cho ta biết hình ảnh “gậy tầm vông vạt nhọn” của người nước ta từ đầu công nguyên mà còn cho ta biết nguyên hình của từ pheo chỉ tre trong tiếng Mường và còn lưu lại ở tiếng Việt hiện đại trong từ tre treo. Điều rất lý thú là bên cạnh từ pheo, sáchTrúc phả, bộ sách nghiên cứu về tre rất sớm và rất công phu – tác giả có đến miền đất ta vừa tự mình xem xét vừa thăm hỏi nhiều cụ già về các loại tre – đã ghi được cả từ “măng” (tiếng Hán “duẩn” măng - Trúc phả ghi chữ manh bên cạnh chữ duẩn). Hiện tại xin hãy tạm nêu một số tiếng Việt cổ như vậy. Tương lai nghiên cứu tiếp, số lượng từ Việt cổ sẽ còn được biết nhiều hơn nữa.
      II. Bài mo lớn “Đẻ đất đẻ nước” là một tập hợp của nhiều thần thoại và truyền thuyết Mường dưới hình thức là thơ. Ta thấy nhân vật YIT YANG (hay GIT GIANG = DỊT DÀNG) người đầu tiên xưng BUA (vua) ở Ke chợ (Kẻ chợ) và được xem là con trai của cô nàng KIT (kít) và DẠ CÂN (hay Tá Cân – Đá Cần = ông Cần) người anh hùng văn hóa của thần thoại Mường (Đá Cân và cô nàng Kít là hai anh em ruột). Người Mường thường đồng nhất BUA YIT YANG với Hùng Vương (xem J. Cuisinier Les Mường, Paris 1946 trang 447-118) hoặc An Dương Vương (xem Quách Điêu Hòa Bình quan lang sử lược) YIT YANG hay DIT DANG tiếng Mường nghĩa là gì? Bản thân tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác về dân tộc Mường đã dò hỏi rất nhiều người Mường ở nhiều địa điểm khác nhau và đều được trả lời là: không biết. Gần đây suy nghĩ xung quanh hai tiếng YIT YANG này, tôi thấy có đủ căn cứ để ước đoán rằng YIT YANG là một dạng cổ của từ Việt Mường (vua Việt). Đối với một người đã quen thuộc với sự tương ứng đều đặn “v (Việt) – b (Mường), một dạng thức Mường YIT YANG của Việt Vương có thể có vẻ kỳ lạ, lẽ ra phải là bit bang hay một cái gì tương tự như vậy. Tuy nhiên sự tương ứng có tính quy luật của vận mẫu it-ang-iết ương là một sự kiện có quá nhiều sức cám dỗ, khiến ta khó từ bỏ ức đoán này. Dù sao cũng cần lưu ý rằng từ yit yang tồn tại có tính cách một thần danh trong một bài mo, nghĩa là một từ mang rất nhiều tính chất ma thuật, mà những từ ngữ mang tính chất này, nếu không pahir là những từ có nghĩa rõ ràng đối với một người bản ngữ thì không thể biến âm như những từ bình thường được bởi những người bản ngữ chăm chú giữ gìn nguyên vẹn giữ âm của nó, sợ rằng cái ma lực họ gán cho cái nguyên dạng ấy sẽ mất đi khi từ liên quan biến âm. Có lẽ do đó mà cái tên “Việt Vương” của người Mường đã giữ một dạng cổ hơn hẳn các từ khác. Nếu chấp nhận giả thiết này ta sẽ dễ dàng giải thích được sự có mặt của hai phụ âm y ở đầu hai từ: ở đây tiếng Mường đã giữ một dạng từ rất gần với âm Hán cổ/ yut wyang/[12] chứ không gần với tiếng Hán Việt hiện đại (Việt Vương). Việc người Mường không hiểu nghĩa hai tiếng YIT YANG, coi nó như một thần danh, xác nhận giả thiết trên. Giả thiết này có thể coi là hoàn toàn vững vàng vì ta có đủ tài liệu cho thấy rằng hai tiếng này có một diện mạo âm bất thường đối với tất cả phương ngôn Mường có dùng nó. Và diện mạo ấy không có sự dị biệt đáng kể từ phương ngôn này đến phương ngôn khác. Tính chất ma thuật và bất biến của hai tiếng đó có thể coi là hoàn toàn xác thực.
      Có “lời nói thêm” này vì đối tượng nghiên cứu của bài là những tên riêng trong truyền thuyết dân gian nói về thời kỳ dựng nước – tức thời đại Hùng Vương và An Dương Vương. Mà theo sự nghiên cứu của tôi, dưới thời Hùng Vương, Việt Mường là một chứ chưa phân thành hai dân tộc.
Nguồn: Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB. Văn học, H., 2003.

[1] Việt sử lược, Nxb. Văn Sử Địa, H., 1960, tr.50.
[2] Xem A.Dauzat, Les nomss de personnes. Origine et évolutio, Pari, 1925, tr.19-23.
[3] /đ/và/t/ là một cặp phụ âm tắc, đầu lưỡi, /t/ vô thanh và /đ/hữu thanh.
[4] Ở Nam – Nguyễn, Tùng Thiện (Sơn Tây cũ) có một gò đất tương truyền là mộ bà Man Thiện, mẹ hai Bà Trưng, dân gian gọi là mả dạ. Có người giải thích là chỗ đó gò đất cao, khô ráo, hay phơi rơm rạ nên có tên thế. Kỳ thực “dạ” là một tiếng Việt cổ chỉ một bà già được kính trọng.
[5] Ở đây có một phần tiếp theo tôi tạm dùng thuật ngữ này theo một nghĩa có phần ước định “ngôn ngữ chi ngoại“. Từ nguyên học dân gian trong ngôn ngữ là một hiện tượng tuy bắt nguồn từ một cách giải thích sai về ngôn ngữ học lịch đại nhưng lại có tính chất quy phạm trong một trạng thái ngôn ngữ, nó có tác dụng quyết định đối với các hình thái ngôn ngữ và phải được nhà ngôn ngữ học đồng đại thừa nhận là đúng, vì nó phản ánh cách hiểu chủ quan của người bản ngữ là cách hiểu duy nhất đúng với hệ thống ngôn ngữ đang họat động (muốn nói và hiểu đúng, người bản ngữ phải chấp nhận từ nguyên học dân gian chứ không cần và không được chú ý đến từ nguyên học khoa học. Ngược lại nhà ngôn ngữ học lịch sử phải gạt bỏ tứ từ nguyên học đó vì nó không phản ánh nguồn gốc thực của từ ngữ mà chỉ phản ánh cách hiểu chủ quan của người bản ngữ vốn chỉ có giá trị đối với hoạt động đồng đại của ngôn ngữ.)
1. Cũng xin chú ý rằng theo André G. Haudricourt (De I’orgine des tons en Vietnamien Journal Asiatique, T. CCXLII 1945 fase I PP, 69-82) thì khoảng đầu Công nguyên tiếng Việt cũng như tiếng Thái, tiếng Hán… không có thanh điệu.
2. Xem H. Maspéro Études sur la phonétique historique de la langue Annamite. B.E.F.E.O.T.XII, 1912, tr. 37.
1. Sách này in năm Cảnh Thống nguyên niên (1501) là một tài liệu rất quý về lịch sử chèo. Đồng chí Hà Văn Cầu đã cho tôi mượn đọc.
1. Do đồng chí Nguyễn Huy Hồng (đoàn Rối trung ương) sưu tầm được ở Thái Nguyên, Sách chữ nôm.
2. Ở đây cũng như rất nhiều trường hợp khác, ta thấy trong hai âm tiết Hán dùng để phiên âm tên nôm cổ, âm tiết thứ hai mô phỏng trung thành cái vận mẫu làm gốc cho tên nôm hiện đại, và do đó giữa các cách phiên âm khác nhau (do nhiều tác giả ở nhiều thời đại khác nhau) có sự thống nhất tương đối, còn ở âm tiết thứ nhất thường chỉ bó hẹp trong phụ âm đầu, còn vận mẫu thì bất kỳ. Điều đó là một bằng cứ chắc chắn để ức đoán rằng: hoặc d, tên nôm cổ chỉ có một âm tiết (mà vận mãn được phiên âm trong âm tiết thứ hai) bắt đầu bằng một tổ hợp phụ âm trong đó phụ âm thứ nhất có thể là một tiền tố hay là di tích của một tiền tố, hoặc nếu không, tên nôm gồm hai âm tiết, trong đó âm tiết thứ hai (từ căn) mang trọng âm, còn âm tiết thứ nhất không có trọng âm phát âm rất nhẹ với một nguyên âm không rõ âm sắc (một nguyên âm trung hòa kiểu “ơ” chẳng hạn).
Về âm hưởng của từ Loa dạng cũ là (lwo) hay cổ hơn nữa là (lwu). Quá trình biến âm của từ Hán Việt “Loa” đã làm cho nó khác khá nhiều với nguyên hình, tuy nó vẫn giữ tính chất “hợp khẩu” của thanh mẫu gốc. Ở dạng hiện đại nó có thanh bằng (phủ bình) nhưng ở dạng cổ nó vốn có thanh khác, hay nói đúng hơn nó có một âm tắc thanh hầu ở cuối và phụ âm này (nếu ta tin A.G.Haudricourt) chính là tiền thân của một số thanh “trắc” hiện đại. Nói chung quá trình diễn biến lịch sử đã đưa đến hệ thống thanh điệu hiện đại cần phải nghiên cứu rất nhiều.
1.Xem Hoàng Thị Châu. Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông. Thông báo khoa học (văn học – ngôn ngữ) tập II, Nxb. Giáo dục Hà Nội, 1966, trang 94-106.
1. /U/ chỉ âm /i/ tròn môi (u tiếng Pháp); /y/ âm xát mặt lưỡi (d tiếng Nam Bộ).

Saturday 13 July 2013

Tướng Việt Nam Cộng Hòa đeo ga lông bao giờ?


Ga lông là một cách phiên âm của galon tiếng Pháp. Trong tiếng Pháp từ này chỉ những cái vạch màu trên cấp hiệu của quân nhân từ hạ sĩ đến đại tá.
Từ galon vào tiếng Việt còn có các dạng khác là lon, loon, loong. Nhưng nghĩa của lon hiện nay đã khác xa nghĩa gốc. Trong khi đó ga lông nói chung vẫn chỉ cấp bậc của riêng quân nhân Pháp từ hạ sĩ đến đại tá  (Lê Ngọc Trụ, 1993:564). Vì lý do đó, từ điển phổ thông có thể có từ lon mà không có ga lông.
Tuy nhiên, khi đùa giỡn, người ta có thể hiểu ga lônglon sĩ quan:
Muốn la to tiếng lấy lính Ga-lông
Chuẩn tướng Việt Nam Cộng Hòa đeo 1 sao, không đeo ga lông, nhưng vẫn có người viết ga lông chuẩn tướng, ý muốn nói cấp bậc chuẩn tướng.

Friday 12 July 2013

Tướng nào đeo lon?


Tên tướng giặc Đờ Cat-t-ri
Họ “Đờ” cũng giống Si-nhi một phường
Nghĩa là nói phét ra tuồng
Đến khi ”đờ” mặt “đờ” mồm mới thôi
Lúc hống hách trổ tài làm tướng
Mõm Cat-t-ri nói sướng lỗ mồm:
“Cat-t-ri còn, Điện Biên còn!”
(Cha cha! Oai quá! kép tuồng vẽ râu)
Thằng Na-va mượn màu son phấn
Vẽ cho Đờ ra trận múa may:
Điện Biên giữ chắc lắm thay!
Là nhờ thao lược của “Ngài Cat-t-ri!”
Mỹ khôn khéo bèn đi gõ mõ
Khua chuông lên cho nở mũi Đờ,
Phát thanh báo chí sủa to:
“Điện Biên có Cát vững như tường đồng!
Thế là mũi Cát phồng nắm đấm
Hét inh tai mười dặm chiến trường
Quan năm đang chức tầm thường
Được thăng thiếu tướng, nở nang mặt mày.
Tiếc một nỗi dịp may như thế
Không được bày buổi lễ linh đình
Mà từ trên tít mây xanh
Mỹ ném lon xuống rơi quanh đống bùn!
Đờ đi nhặt cái lon thiếu tướng
Mò cả đêm, những tưởng cụt đầu.
Súng ta bắn, Cát âu sầu:
“Kiếp này xin nhặt, kiếp sau xin chừa.”
Từ hôm đó lon vừa gài kỹ
Thì Cát nằm bẹp dí trong hầm
Trổ tài thao lược nướng quân
Để cho xứng với cái ân quan thầy
Càng hò hét múa may quay lộn
Càng thua đau thua đớn là thua
Đến hôm tắc tị nước cờ
Tướng tài đờ mặt vội giơ tay hàng.
Lon thiếu tướng vàng vàng đỏ đỏ
Nằm trên vai nhăn nhó khóc rằng:
“Đờ còn đây sống nhe răng
Sao Điện Biên mất hỡi thằng Cát-t-ri?”
Lúc ta hỏi “lẽ gì bại trận”
Đờ bèn thưa “thành khẩn” lắm thay:
“Tôi như con thú bị vây
Các ông săn giỏi, tôi nay phải hàng.”
Lời nói tự ruột gan Đờ Cát
Càng tỏ ra tướng Pháp đớn hèn
Nhưng còn một điểm Đờ quên:
Ai làm cho Pháp trở nên thú rừng?
Ai xui Cát khom lưng vào rọ
Để Cát nằm nhăn nhó kêu giời?
Cái lon rẻ thối xu đôi
Ai ném cho Cát đeo vai yêng hùng?
Đó, cả lũ thú rừng độc ác
Cùng một loài hèn nhát tham ăn
Đó là đế quốc thực dân,
Là Mỹ là Pháp, tiên nhân họ Đờ!
Ta đã săn một lô thú dữ
Ta còn săn cả lũ chúng mày
Tướng nào rồi cũng bị vây
“Đờ” gì rồi cũng giơ tay… "đờ” mồm!

Chiến dịch Điện Biên Phủ 
 (Hoàng Cầm, 1957, “Con thú bị săn”, Sách Tết 1957, Nhà xuất bản Minh Đức, Hà Nội. Bản điện tử do Talawas thực hiện)

Lon là một từ gốc Pháp: galon là những cái vạch màu trên cấp hiệu của quân nhân Pháp từ hạ sĩ đến đại tá. Tướng Pháp đeo sao, không đeo lon. Thiếu tướng lục quân đeo hai sao. Trung tướng đeo ba sao.


Từ lon xuất hiện trong tiếng Việt cách đây gần 100 năm:
Cuối tháng chạp và tháng tư Tây, học-đường lại tuyển những tay học-trò giỏi để làm trợ-giáo giúp các huấn-luyện-viên; trợ-giáo chia làm hai hạng, hạng nhất và hạng nhì, hạng nhì thời đeo một lon (galon) đỏ, hạng nhất thời hai lon đỏ.
(Nam Phong Tạp Chí số 15, 1918:179)

Nghĩa gốc của từ lon còn được sử dụng trong sắc lệnh 33/SL ngày 22 tháng 3 năm 1946 của chủ tịch chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa:
Điều thứ 10: Cấp hiệu thì bậc binh, sĩ và chuẩn uý đeo ở cánh tay áo bên trái, bậc uý, tá, tướng đeo ở hai cầu vai. Cấp hiệu khác nhau như sau này:
Bậc Cấp Cấp hiệu
I- Binh: Binh nhì không có
Binh nhất (biểu tượng) đỏ trên nền vàng tươi
Hạ sĩ (biểu tượng) đỏ trên nền vàng tươi
II- Sĩ Trung sĩ (biểu tượng) đỏ trên nền vàng tươi
Thượng sĩ (biểu tượng) đỏ trên nền vàng tươi
Chuẩn uý (biểu tượng) vàng trên nền đỏ
Thiếu uý 1 lon vàng trên nền đỏ
III- Uý Trung uý 2 lon vàng trên nền đỏ
Đại uý 3 lon vàng trên nền đỏ
Thiếu tá 1 lon vàng và 1 sao vàng trên nền đỏ
IV- Tá Trung tá 2 lon vàng và 1 sao vàng trên nền đỏ
Đại tá 3 lon vàng và 1 sao vàng trên nền đỏ
Thiếu tướng 1 sao vàng trên nền đỏ
V- Tướng Trung tướng 2 sao vàng trên nền đỏ
Đại tướng 3 sao vàng trên nền đỏ

Người Việt vốn rất quen với lon là cái khoanh tròn đeo ở tay áo quan binh (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:312), không mấy khi được nhìn thấy sao cấp tướng. Vào đầu năm 1945, Pháp có hơn ba vạn quân ở Đông Dương nhưng số tướng Pháp có thể đếm được trên đầu ngón tay: Jean Decoux, Émile Lemonnier, Camille Ange Gabriel Sabattier, Marcel Alessandri, Eugène Mordant...
Vì cấp tướng là ngoại lệ không đáng kể nên nói đến lon là người ta nghĩ đến cấp bậc của quan binh nói chung, không cứ phải giới hạn từ hạ sĩ đến đại tá. Đây là lý do tại sao Hoàng Cầm cho thiếu tướng Đờ-cát đeo lon và nhà báo An Ninh Thế Giới gắn lon trung tướng cho Vĩnh Lộc.


Hiện nay từ lon không còn liên hệ gì với cái vạch màu trên cấp hiệu nữa, nhưng người ta vẫn có thể dùng từ này với sắc thái suồng sã, thân mật để chỉ mọi cấp bậc trong quân đội từ binh nhì đến nguyên soái:
"Trong đội có 3 cầu thủ đeo quân hàm thiếu uý. Đó là Nguyễn Thái Bình, Phan Văn Đại , Đinh Đức Nam, lương các cầu thủ này mỗi tháng hơn 1,3 triệu đồng. Còn lại anh em toàn binh nhất, binh nhì. Tuyển thủ quốc gia như Trương Đình Luật cũng chỉ đeo lon binh nhì phụ cấp mỗi tháng 270.000 đồng".

(Hải Hưng, “Những anh binh nhất, binh nhì đá bóng”, VTC News, 97/03/2007)

Thursday 11 July 2013

Quân Phục, Cấp Hiệu, Huy Hiệu, Huy Chương từ Quân Đội Quốc Gia đến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Nguyễn Đình Phúc)


Quân Phục, Cấp Hiệu, Huy Hiệu, Huy Chương
 từ Quân Đội Quốc Gia đến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nguyễn Đình Phúc



                
Sau 30 tháng 4, 1975, chủ quyền đất nước mất vào tay Cộng Sản (Việt Cộng và CS Nga, Hoa), Chánh Quyền và Quân Lực VNCH không còn nữa. Ngày nay dù phải xa quê hương, hoàn cảnh đổi khác nhưng lý tưởng, chánh nghĩa người chiến sĩ một đời theo đuổi vẫn còn đó, Tổ Quốc- Danh Dự - Trách Nhiệm vẫn còn đó, Quê Hương- Dân Tộc vẫn còn đó. Con đường tranh đãu hôm nay dù mang một hình thái khác xưa nhưng mục tiêu vẫn nhằm tranh đãu cho nền Độc Lập, Dân Chủ, Tự Do thực sự, cho Hạnh Phúc, Thịnh Vượng muôn đời của toàn dân. Một điều khẳng định: chúng ta không bao giờ quên được Tổ Quốc, Đồng Bào vì khi vừa nghe tin những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay mới đây Ải Bắc, Bản Giốc... vừa bị ‘bạo quyền cắt đất cầu phong’ hay những tài nguyên thiên nhiên bị cướp đoạt, dâng hiến... tức khắc tim ta nghẹn ngào, muốn đứng vùng lên... Điều này chứng tỏ chúng ta vẫn mãi mãi là chiến sĩ VNCH.

            Ngày mai, khi công cuộc tranh đãu dành lại được chủ quyền từ tay CS cho toàn dân, nền đệ tam Cộng Hòa được thiết lập, Quân Lực VNCH được tái tổ chức thì câu chuyện về quân phục, cấp hiệu, phù hiệu... hôm nay chẳng là câu chuyện phiếm, cũng một trong trăm ngàn tài liệu cần đến.

            Từ hơn hai ngàn năm trước, Đức Khổng Tử đã nói đến tầm quan trọng của nhung phục, đại ý Ngài dậy: ‘người tráng sĩ tự mình chưa đủ oai dũng khi lên yên chiến mã nếu như thiếu nhung y, giáp trụ, thiếu cờ hiệu, cờ lệnh...’ Bài viết xin được các chiến hữu, độc giả bổ sung, tha thứ vì hầu như hoàn toàn dựa vào trí nhớ giới hạn, nhận xét cá nhân. Chỉ xin được xem như câu chuyện ‘lính kể lính nghe’ trong những ngày bị cấm trại, cấm quân hay phép cuối tuần bị ‘cháy’.

            Ngay khi Hiệp Ước Vịnh Hạ Long (ngày 5 tháng 6, 1948) được ký kết giữa đại diện chánh phủ Pháp và Việt Nam dưới sự chứng kiến của Quốc Trưởng Bảo Đại, chánh quyền Quốc Gia ra đời. Nước Việt Nam được Độc Lập, Thống Nhất nhưng vẫn còn nằm trong Liên Hiệp Pháp (LHP). Quân Đội Quốc Gia ngay sau đó được thành lập nhưng thực tế mới chỉ là một lực lượng quân sự, bán quân sự chiến đấu chống Việt Minh (CS) bên cạnh quân đội LHP. Cho đến những năm đầu thập niên 50, Bộ Tổng Tham Mưu (TTM) Quân Đội Quốc Gia vẫn còn nhiều Sĩ Quan (SQ) Pháp làm việc, nhiều đơn vị do SQ, HSQ Pháp chỉ huy, quyền chỉ huy tối cao còn thuộc Bộ Tổng Tư Lệnh Pháp và những Secteur, Sous-secteur (tiểu khu, chi khu chiến) của Pháp tại địa phương. Sau đó một số khu vực mới lần lần được trao trách nhiệm lại cho Quân Đội Quốc Gia (QĐQG) như những thí điểm. Thời gian đó, tất cả văn thư, danh xưng còn dùng Pháp ngữ từ État Major Général cho đến S.P (secteur postal) thay vì Bộ TTM hay K.B.C. Trong hoàn cảnh như vậy nên quân phục, cấp hiệu, phù hiệu... tương tợ như quân đi Pháp. Trên toàn lãnh thổ có 4 quân khu: Đệ Nhất Quân Khu (miền Nam), Đệ Nhị (miền Trung), Đệ Tam (miền Bắc), Đệ Tứ (Hoàng Triều Cương Thổ/ Sơn Cước). Lực lượng chính yếu gồm các tiểu đoàn B.V.N (Bataillon Vietnamien), tiểu đoàn Nhẩy Dù... Bên cạnh, chánh quyền địa phương cấp Phần, đứng đầu bởi vị Thủ Hiến có tư cách pháp nhân riêng, ngân sách riêng, quân đi riêng như Bảo Chính Đoàn (Bắc), Việt Binh Đoàn (Trung), Vệ Binh Hàng Tỉnh (Nam), Vệ Binh Sơn Cước, Ngự Lâm Quân, và những lực lượng giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên...
Quân Phục

 

            Quân phục gồm lễ phục, quân phục làm việc, ra phố và chiến phục. Vào những năm đầu, quân phục chưa qui củ, luộm thuộm vì ngay cả quân phục quân đội Pháp cũng không hơn. Nhiều quân nhân mặc chemise vàng, quần trận (loại có túi rộng ngang đầu gối). Đến khi QĐQG chính thức thành lập (giữa 1950, thời Thủ Tướng Trần Văn Hữu và Tổng Trưởng Quốc Phòng Phan Huy Quát), quân phục mới được qui định tề chỉnh hơn. Lễ phục SQ ngoài mầu trắng, có mầu xanh đậm (mùa lạnh), mũ casquette. Lễ phục mầu nào thì phần trên mũ phù hợp theo (trắng, xanh, không kể mầu đỏ dành cho Hiến Binh). Quân phục làm việc tại các phòng sở, ra khỏi doanh trại (số 2) ‘gabardine’ hay ka-ki, ‘béret’ cùng màu vàng xám (trừ Nhẩy Dù đỏ, Thiết Giáp đen). Khi hành quân đều mặc đồ trận (treillis) mầu xanh ‘olive’, riêng Nhẩy Dù thêm áo ‘sô’ (saut) trông rất oai hùng.

            Tới thời đệ nhất Cộng Hòa đại lễ phục SQ rất chỉnh tề, áo trắng dài, cổ cao, cúc (nút) vàng, thắt lưng đen, ‘casquette’ trắng, quần sậm, có sọc như các quân trường, có cả dạ phục. Còn tiểu lễ, quân phục số 2 mầu vàng, chiến phục gọn ghẽ hơn xưa. Nhớ lại sau hiệp định đình chiến 54, quân nhân ra phố mặc đồ tác chiến sẽ bị tuần cảnh bắt giữ ngay. Nhưng thời gian sau, chiến tranh trở lại quân phục vàng lần lần vắng bóng ngoại trừ SV hay khóa sinh quân trường. Chuyện trang phục của chúng ta ngày trước có nhiều điều rất trái mắt do sự tùy tiện nhất là từ cấp tướng lãnh. Một đại tướng vì gốc Dù nên mặc đại lễ thay vì đi ‘casquette’, ông vẫn ‘sính’ đi ‘beret’ đỏ. Một vị lãnh đạo quốc gia, vì gốc phi công ‘anh dũng muôn đời’ nên cứ diện phi bào với hai sao để cho tướng 3, 4 sao phải nghiêm chào. Thêm một tướng biệt phái sang hành chánh thường mặc đồng phục bốn túi kiểu cán bộ, gặp tổng thống hay thủ tướng lại móc ngay 3 sao trong túi đeo lên ve áo thoải mái cứ như móc hộp quẹt zippo. Có một đô đốc, quần lại thích túm (gom) ống trông không giống một ai trong quân chủng... Vẽ lại vài ba hình ảnh mục đích cho bài viết thêm vui thôi vì thời phong kiến đã có câu ‘luật không áp dụng với người tôn’ nên nhằm nhò gì chuyện nhỏ, các vị tùy tiện có chi đâu.

            Riêng về quân phục, chúng ta phải học ở quân đội HK: ‘ngoài qui định, từ thống tướng tới binh sĩ, không ai đeo thừa, mang thiếu một qui định gì so với đồng ngũ, đồng cấp’. Sự đồng nhất triệt để tới cả mức gọng kính cận, đồng hồ đeo tay cũng không khác nhau. Chắc các chiến hữu còn nhớ chuyện một vị tướng HK, ông đã đeo một huy chương trên đó có thêm ngôi sao nhỏ bị người chê sai, người bênh vực đúng nhưng ông vẫn tự sát vì sự kiện này. Tất nhiên qui tắc nào cũng có ngoại lệ hay linh động vì mục đích chung nào đó. Chẳng hạn trên chiến phục ngay cấp hiệu cũng phải mang cách thức ngụy trang, nhưng trong dịp quốc khánh, kỷ niệm quân lực... các đơn vị mặc chiến phục diễn hành vẫn đeo đầy đủ cấp hiệu, dây biểu chương, huy chương thòng... để thêm oai dũng khác ngày thường. Khi mới thành lập, chúng ta còn đi giầy đinh (có đinh ở đưới) gọi giầy ‘săng đá’ (do chữ Pháp soldat - quân nhân), bước đi gây tiếng cồm cộp. Những toán hầu kỳ, chào kính còn mang ‘ghệt’ (guêtre) trắng bằng da hay vải bố để túm ống quần lại cho gọn, đẹp. Hành quân dùng giầy bố. Sau này dùng giầy ‘sô’ (botte de saut) cột dây, có nhiều loại khác nhau. Những quân nhân nhân nào diện còn cắt ống giầy gắn ‘fermeture’, nhưng khi đổi giầy có thể bị phạt vì làm hư quân trang. Giống như một Quận kiêm Chi Khu Trưởng vì nhu cầu an ninh đã sơn xe Jeep mầu dân sự, khi đổi xe đã phải phạt và đền tiền sơn lại như mầu nguyên thủy. Những năm sau này, thêm nhiều quân binh chủng được thành lập nên ngoài chiến phục của bộ binh, có nhiều kiểu và mầu sắc đặc thù riêng rất oai hùng như phi bào (KQ), quân phục trắng (HQ), Dù, TQLC, BDQ... Đây cũng là một trong những nét khác biệt của từng mầu cờ sắc áo. Sau 75 trong tù cải tạo, anh em chúng ta nhiều khi vẫn được mặc hoặc chính VC phát quân phục của chúng ta nhưng bắt phá bỏ túi, thay đổi kiểu nhưng tuyệt nhiên không cho mặc hay phát các đồ bông. Sau này mới hiểu chúng vẫn rất ‘rét’, bị ám ảnh khi thấy hình bóng các thiên thần mũ đỏ, cọp biển... chẳng khác nào theo Bảo Ninh trong Nỗi Buồn Chiến Tranh: ‘nhiều cán binh sống sót về lại miền Bắc không dám đứng dưới quạt trần vì còn ngỡ cánh quạt trực thăng săn đuổi.’

                Ngoài ra mũ của chúng ta cũng thay đổi rất nhiều. Xưa kia, mũ ‘béret’ kaki vải rất rộng (miền Bắc gọi mũ bánh đa), hoặc đen, phía gáy có tua vàng đỏ. Mũ ‘calot’ xám, đen, trên đỉnh xẻ đôi có hai mầu xanh đỏ lớn hơn KQ. Mùa nắng đi ‘chapeau de brousse’ mũ vải cứng rộng vành (hơi giống quân nhân Úc), một bên vành mũ bấm gọn lên để khỏi vướng khi vác súng. Sang thời cộng hòa, ‘béret’ xám đi theo quân phục số 2. Trên mũ có huy hiệu tròn khác mầu tùy mỗi hàng binh sĩ, HSQ,SQ. Sau đảo chính 63, thường mặc ‘tréllis’ nên mũ vải lúc đầu cứng (như képi), sau như ‘casquette’ có múi, nhiều Tướng Tá ‘làm dáng’ tay mũ cũng gắn nhành dương liễu như ‘casquette’ đại lễ. Mũ sắt hai lớp dù nặng nhưng rất an toàn, có lưới gài lá ngụy trang nhưng lại dễ bị vướng, móc. Bao bằng vải rằn ri hay vẽ lên như BĐQ cũng tiện. Bảng tên được gắn liền trên chiến phục hay đeo bên nắp túi áo phải quân phục số 2, không kể cấp hiệu, phù hiệu được mang đầy đủ trên quân phục như sẽ đề cập phần sau. Chỉ riêng việc này đã làm mất tính bí mật quân sự. Địch dễ dàng nhận diện hay trên xác tử sĩ để lại chiến trường đủ tình trạng quân vụ (đơn vị, cấp bậc...) ngoài những cáo phó, chia buồn, góp vui đầy trên báo chí. Ngoài cổng doanh trại ghi đủ hệ thống thống thuộc, đơn vị đồn trú. Trong khi VC đến khi chiếm trọn miền Nam, trước cổng cũng chỉ có tấm bảng ‘doanh trại quân đội nhân dân’. Như vậy bài học vỡ lòng ‘che dấu, ẩn nấp’ để ‘ta thấy địch, địch không thấy ta’ trở thành hài hước.
Cấp Hiệu
                                      
* Gắn huy chương trên hiệu kỳ đơn vị.

           



 

                Cấp hiệu là qui ước có hình thức tuy nhỏ, đơn giản nhưng biểu lộ quyền chỉ huy tuyệt đối với thuộc cấp. ‘Huynh đệ chi binh’ là mối tương quan trong đời quân ngũ, nhưng trong hệ thống quân giai, chỉ khác một vạch, mầu sắc bạc vàng đủ cho thuộc cấp phải nghiêm cứng người, đủ để tuân lệnh nhẩy vào lửa đạn.
Từ khi thành lập quân đội QG, cấp hiệu được gọi bằng ‘lon’ (galon trong Pháp ngữ) hoàn toàn như quân đội Pháp cho tới thời CH được thay thế hơi theo kiểu Mỹ. Nhiều buổi tổ chức đốt bỏ cấp hiệu cũ, cùng thời với việc đốt bỏ những bộ bài, bàn đèn á phiện, sách báo khiêu dâm... Đây là sự kiện thiếu tế nhị trong chánh sách ngoại giao tiếp theo việc đoạn giao với Pháp. Trước đó, hoàn toàn như Pháp nên cấp hiệu đều dùng vạch vàng thẳng trên ‘lon’ SQ, ngoại trừ thiết giáp binh (kỵ binh) dùng vạch trắng. Từ ‘adjudant’ (ông ‘ách’) đều vạch thẳng ngân tuyến, kim tuyến có sợi chỉ đỏ chạy dọc, ‘aspirant’ (chuẩn úy) 2 sợi chỉ đen ngang, lên tới hết cấp tá vẫn dùng vạch. Tiếng Việt, lúc đó chúng ta thường gọi quan Một quan Hai... Tới quan Tư, vạch thứ tư cách xa để phân biệt từ cấp này là SQ cao cấp (officier supérieur), dưới đó chỉ là SQ cấp thấp (officier subalterne).Trên quan Tư có quan Năm khoanh trắng (lieutenant colonel) với 5 vạch (3 vàng, 2 trắng) và quan Năm khoanh vàng (colonel) 5 vạch đều vàng. Cấp Tướng mang sao (từ 2 sao trở lên). HSQ và binh sĩ mang vạch hình chữ V ngược vàng, đỏ nơi cánh tay.

                Người viết không rõ các danh xưng Tá, Úy do ai trong Bộ QP hay TTM đặt ra, riêng danh xưng các cấp Hạ Sĩ, Trung Sĩ, Thượng Sĩ xuất xứ từ lực lượng Bảo Chính Đoàn (Bắc Việt) đặt ra trước cùng lúc với các Hoa Mai của cấp SQ Bảo Chính Đoàn trong khi SQ chánh qui vẫn còn đeo ‘lon’ hoàn toàn như SQ Pháp. Xin được mở dấu ngoặc nói thêm về cấp hiệu của BCĐ/BV. Bảo Chính Đoàn là lực lượng quân sự cấp Phần, trực thuc Thủ Hiến. Ngay khi thành lập cấp chỉ huy hoàn toàn Việt Nam, không có một SQ hay HSQ Pháp nào. Tư Lệnh Phó BCĐ (có lúc gọi Phó Giám Đốc) là Đốc Quân Đoàn Chí Khoan (sau này là Đại Tá, Phụ Tá Tổng Trưởng Phát Triển Sắc Tộc). Ông Đoàn Chí Khoan có thể coi như người soạn thảo sơ đồ tổ chức BCĐ, tất nhiên có phần quân phục, cấp hiệu, phù hiệu. Có thể ông được ảnh hưởng tổ chức quân đội Trung Hoa (QDĐ) và tổ chức hành chánh nên dùng các danh xưng Đốc Quân và Phó Đốc Quân cho SQ cấp Tá và Úy. Mỗi cấp có ba hạng: Phó Đốc Quân hạng ba, hạng hai và hạng nhất. (tương đương Thiếu, Trung, Đại Úy), và Đốc Quân cũng có 3 hạng. Trên hết là Chánh Đốc Quân (như cấp Tướng, nhưng chưa có ai được phong). Tư Lệnh BCĐ đầu tiên là Đốc Quân hạng 2 Hoàng Văn Tỷ (sau này là một trong 6 đại tá đầu tiên của QĐQG), Tư Lệnh Phó là Đốc Quân hạng 3 Đoàn Chí Khoan, Giám Đốc trường SQ/BCĐ là Đốc Quân hạng 3 Linh Quang Viên (sau thăng Trung Tướng QLVNCH).

                Đốc Quân và Phó Đốc Quân đều đeo hoa Mai bạc (hạng 3 một bông... hạng nhất 3 bông) nằm trên vạch ngân tuyến. Cấp Đốc Quân thêm hai sợi ngân tuyến chạy kèm song song hai bên. Kể cả hàng binh (Bảo Chính Viên) trở lên đều đeo trên vai, nhưng là sợi ngân tuyến, theo hinh chữ V. Điểm đặc biệt là danh xưng Hạ Sĩ, Trung Sĩ và Thượng Sĩ được đặt ngay thời đó và sau này vẫn còn được dùng. Riêng danh xưng Đốc Quân, Phó Đốc Quân không được duy trì vì không thuận tiện (nếu chỉ gọi Đốc Quân sẽ không rõ
 cấp bậc, gọi thêm hạng lại quá nhiêu khê).

                Nhân đây, xin nói về truyền thống, ý nghĩa cấp hiệu. Từ xưa có 3 quân binh chủng đeo cấp hiệu theo truyền thống quốc tế vì thường có tầm hoạt ngoài lãnh thổ, phải theo nhiều luật lệ hàng hải, hàng không gồm hải quân, không quân, thiết giáp binh và lực lượng cảnh sát. Không hiểu lý do nào, khi qui định lại cấp hiệu theo kiểu Mỹ chỉ riêng hải quân được giữ lại. Trái lại Cảnh Sát đổi cấp hiệu theo như quân đội. Trước đây Ngành CS đã có tổ chức qui củ với những ngạch trật như Thanh Tra, Quận Trưởng, Biên Tập Viên, Chánh Phó Thẩm Sát Viên... đến khi Tướng Phong sang chỉ huy, mang theo rất nhiều SQ và có lẽ để tiện việc sắp đặt chức vụ, đã dùng theo cấp bực QLVNCH, bỏ qui chế, cấp hiệu cũ, không quan tâm đến thời gian huấn luyện, thâm niên công vụ. Một Biên Tập Viên cùng trình độ văn hóa và thời gian thụ huấn như một chuẩn úy bộ binh nhưng khi tốt nghiệp mang ngay cấp Đại Úy CSQG. Ngoài ra dù mang cấp bậc như quân đội, CSQG cũng không có thẩm quyền gì với quân nhân lại tạo cho dư luận, CS dễ chỉ trích ‘quân phiệt’, ‘cảnh sát trị’ trong khi chính bộ máy kìm kẹp, phá hoại của VC có tới cấp Bộ Công An.

                Sau năm 1955, trước khi cấp hiệu các lực lượng quân sự địa phương chính quy hóa, Bảo An Đoàn mang cấp hiệu riêng như BCĐ Bắc Việt trước kia. Vì thiếu thống nhất nên dễ ngộ nhận nhất là khi xuất ngoại. Thiếu Úy Bảo An đeo bông hoa thị bạc 6 cánh, trông vừa giống hoa mai, vừa giống sao, lại thêm hai nhánh lúa ôm hai bên trông như hai nhánh thiên tuế. Khi du học, du hành quan sát sĩ quan đồng minh kể cả cấp Tá cũng như huấn luyện viên, một điều ‘Yes, Sir’ hai điều cũng ‘Yes, General’ với Thiếu Úy và còn chào kính ‘túi bụi’ vì nghĩ thầm ít gì cũng Chuẩn... Tướng.

                Trở lại cấp hiệu SQ thời đệ nhất cộng hòa, cấp Tá mang mai bạc lớn hơn, Úy mai vàng, nhưng từ xa khó nhận ra, nên sau này thêm hàng lá thiên tuế kèm theo mai bạc cấp Tá. Cũng từ thời Tướng Nguyễn Khánh, lập thêm cấp Chuẩn Tướng (một sao) vì muốn cho Hội Đồng Tướng Lãnh đông hơn, nhiều hậu thuẫn, tạo thành lớp ‘tướng trẻ’ dễ dàng khống chế lớp ‘tướng không trẻ’ hoặc dễ áp lực cho đi ‘đại sứ’. Đó là thời ‘loạn tướng’. Đề cập đến ‘loạn tướng’ thiết nghĩ phải nói đến qui chế Tướng Lãnh một cách đúng truyền thống quốc tế. Khi đã bước lên hàng Tướng, cấp bậc có tính cách trọn đời ngay cả khi đã bỏ binh quyền, đời quân ngũ. Vì vậy không có thể gọi là Cựu Trung Tướng, Cựu Thiếu Tướng... mà là Trung Tướng NVT, cựu Tổng Thống VNCH, Thiếu Tướng NCK, cựu Phó Tổng
 Thống.... Hoặc khi họ đáo hạn tuổi giải ngũ, dời bỏ binh quyền cũng vẫn dùng cấp bậc Tướng Lãnh, chỉ thêm chữ Hồi Hưu như General Westmoreland (Ret). Quân đi vẫn phải đãi ngộ Tướng Lãnh với đầy đủ qui chế, nghi lễ: lương bổng, quân phục, cấp hiệu, tướng kỳ, tùy viên, hộ tống, chào kính... ngoại trừ binh quyền.

                Ngoài ra, tưởng cũng nên nhắc đến một số cấp hiệu, phù hiệu của các lực lượng đồng minh tham chiến tại VN trước kia. Ngoài những gì theo truyền thống quốc tế như mỏ neo với hải quân, cánh bay không quân, chữ thập quân y... có những đặc thù riêng như khối Liên Hiệp Anh (Úc, Tân Tây Lan...) với vương miện (Crown), Thái Lan trọng bảo tháp (Phật), dành cho hàng Tướng, sao cho cấp Tá, Úy.
Nhiều người khen quân quân phục HK đẹp, qui củ nhưng cấp hiệu không ý nghĩa. Thật ra, HK lấy biểu hiệu từ thấp lên cao: cấp Thiếu và Trung Úy đeo vạch vàng, trắng và Đại Úy 2 vạch trắng là kim loại còn nằm sâu dưới đất. Lên cấp Tá trên cao hơn với lá vàng, trắng. Đại Tá đeo hình chim đại bàng, tung cánh trời cao, đầu đàn... (thường dùng danh hiệu đại bàng). Ngôi sao sáng hàng Tướng Lãnh mang biểu hiệu cao tột đỉnh, dẫn đạo, chỉ huy.

                Ngược lại thời gian mang cấp hiệu theo kiểu Pháp kể cả lúc sau này, cấp hiệu đeo trong đại lễ phải đầy đủ, tiểu lễ và thường ngày đeo giản lược trên vai áo. Hàng Trung Sĩ trở xuống đeo hinh chữ V ngược nơi tay áo. Có tài liệu cho đó là tượng trưng cấp chỉ huy gánh vác trọng trách (SQ, HSQ cao cấp), còn hàng HSQ cấp thấp tuy chỉ huy nhưng thẩm quyền nhỏ hẹp. Cấp hiệu thời đó không đeo trên ve áo như sau này, trái lại quân đi Pháp còn qui định những tướng lãnh cao cấp lại được phong thêm các cấp hiệu binh nhất, hạ sĩ, trung sĩ danh dự mang trên ve áo hay tay áo. Như Đại tướng De Lattre, được đeo thêm cấp hạ sĩ nhất danh dự, Trung tướng Cogny thêm cấp hạ sĩ. Đây là qui định chính thức như chức Huyện, Phủ hàm thời trước, không như cách vui chơi khi có người gọi một ca sĩ là hạ sĩ danh dự. Chúng ta có một danh từ chỉ chức vụ rất đặc thù là chức Tư Lệnh cho cấp chỉ huy các đại đơn vị (commandant en chef/ commander-in-chief) thay vì Chỉ Huy Trưởng. Nguyên nghĩa ‘tư lệnh’ nói lên sự toàn quyền ban phát lệnh thay vì chỉ chuyển lệnh từ cấp trên xuống như cấp chỉ huy trưởng.Huy Hiệu, Huy Chương     
               Huy hiệu, phù hiệu mang trên quân phục chỉ rõ đơn vị trực thuộc. Nhiều khi còn dùng thêm khăn quàng trong các buổi lễ để rực rỡ cho mầu cờ sắc áo, hoặc các ‘nơ’ màu để dễ nhận bạn. Thời phôi thai, quân đội mới có đến cấp tiểu đoàn, nên phù hiệu đeo dưới nắp túi ngực phải, bằng kim loại chế tạo từ Pháp. Ngoài ra còn được làm nhỏ để gắn trên bút nịt, vật dụng tùy thân (hộp quẹt, hộp thuốc...). Các quân trường Võ Khoa Thủ Đức, Liên Quân Đà Lạt... cũng có phù hiệu riêng, nhiều khi đeo ngay trên cầu vai (épaulette). Sau này khi thành lập được các đại đơn vị, binh chủng... phù hiệu bằng vải đeo cánh tay trái trên cao, đằng trước ngực dành đeo phù hiệu đơn vị nhỏ. Trên quân phục, chúng ta còn đeo thêm các bằng chuyên môn... như bằng Rừng Núi Sình Lầy, bằng Dù, cánh Bay...

                Quân đội có nhiều hình thức tuyên dương, ban thưởng cho toàn đơn vị, cá nhân như các dây biểu chương, huy chương. Trước kia, chúng ta chỉ có Croix de guerre, Médaille d’honneur... của Pháp, nhiều loại được lãnh phụ cấp hàng tam-cá-nguyệt. Sang thời chính thể QG, Quốc Trưởng ban thưởng Bảo Quốc Huân Chương là huy chương cao trọng nhất với năm hạng, trên mặt Bảo Quốc chạm nổi hàng chữ Tổ Quốc Tri Ân. Thể thức cấp thưởng rất khó khăn đòi hỏi những chiến công hiển hách, thành tích lớn lao đối với tổ quốc, dân tộc. Nghi thức trao gắn rất long trọng, quân nhạc cử điệp khúc quốc thiều, người được ân thưởng tay nâng huân chương để nguyên thủ quốc gia chào kính. Nếu phạm trọng tội, trước khi truy tố phải có sắc lệnh thu hồi. Nếu khinh tội có thể được miễn tố hoặc giảm khinh. Đối với hạng nhất, nếu tôi nhớ không lầm chỉ có 3 người sinh thời được ban thưởng là Bảo Long, Hoàng Thái Tử kiêm Tư Lệnh danh dự Ngự Lâm Quân. Kế là Đại Tướng De Lattre, Cao Ủy kiêm Tổng Tư Lệnh quân đi LHP tại Đông Dương, nhờ chiến thắng Vĩnh Phúc Yên 1951. Sau này Thống Tướng Lê Văn Tỵ khi gần mất mới được phong Thống Tướng và ân thưởng đệ nhất đẳng. Đại Tướng Đỗ Cao Trí chỉ được truy thăng Đại Tướng và truy tặng đệ nhất đẳng sau khi tử trận. Anh Dũng Bội Tinh, chạm chữ Quốc Gia Lao Tường với nhành dương liễu và sao vàng, bạc, đồng do sự khác biệt giữa SQ, HSQ, BS về chiến công và phạm vi tuyên dương trước quân đội hay chỉ trước cấp Lữ Đoàn, Sư Đoàn. Ngoài ra, sau này cùng với sự lớn mạnh của quân đội, chiến trận gia tăng rất nhiều huy chương thuộc các quân binh chủng được ban thưởng. Quân Công, Quân Phong, Quân Vụ Bội Tinh, Lục Quân Huân Chương, Hải Vụ, Phi Vụ, Chiến Thương... chưa kể huy chương của nhiều quốc gia, quân lực đồng minh cũng trao tặng.
Riêng về dây biểu chương có ba hạng mang tên mầu: Anh Dũng, Quân Công, Bảo
 Quốc và trên hết là dây biểu chương mầu Tam Hợp. Để được tưởng thưởng mầu Tam Hợp đòi hỏi toàn thể đại đơn vị phải lập chiến công và ít nhất phải được tuyên dương công trạng cấp quân đội từ 3 lần trở lên.

                Huy chương khi được ban thưởng, ngoài văn thư có một bằng treo, không kể huy chương (thòng, ngắn). Khi mang huy chương cũng phải tuân theo các cách thức qui định. Huy chương cao hơn phải đeo từ trong phía ngực trái ra ngoài, hàng trên xuống dưới. Riêng Bảo Quốc Huân Chương, đệ ngũ và tứ đẳng dù thấp nhất trong Bảo Quốc nhưng vẫn phải xếp trên cùng, đệ tam đeo dây vòng qua cổ, đệ nhị một bên cạnh sườn và đệ nhất vắt ngang vai. Trong tiểu lễ, huy chương mang dưới dạng đơn giản (chỉ có phần cuống). Với dạ phục mang huy chương thòng nhưng thu nhỏ. Các dây biểu chương cũng thu lại bằng như một huy chương ngắn, đóng khung vàng, đeo riêng trên cùng. Ngoài ra trên Quân Kỳ các quân, binh chủng, đại đơn vị, cũng sẽ gắn các dây biểu chương và huy chương đã được ban thưởng. Với huy chương của các quốc gia đồng minh, phải có sự chấp thuận trước hoặc phải được hợp thức, quân nhân đương sự mới được mang.
Các cấp hiệu, huy hiệu, phù hiệu... vì không được tuyển chọn kỹ lưỡng nên thường hay thay đổi, gây tốn kém cho quân nhân, chỉ có lợi cho các nhà sản xuất, buôn bán như Phước Hùng, An Thành...
Nghi Thức Chào Kính
   * Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh chào Quốc,
Quân Kỳ (Quân phục TQLC, dây Biểu Chương, chào súng kiểu mới).



* Nghênh đón Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh (đệ I Cộng Hòa) do Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng, Tướng TTMT, Tướng Chỉ Huy buổi lễ.
 
                                            

  * Quốc Khánh thời ‘loạn tướng’, đại lễ phục rất tùy tiện.

                Nhập ngũ bài học đầu tiên là cấp hiệu và chào kính. Có nhiều cách thức chào kính như: chào tay, chào súng, gươm và nhiều cách khác tùy điều kiện, hoàn cảnh và cũng thay đổi theo thời gian. Theo một số tài liệu, chào tay phát xuất từ xa xưa ở Tây phương. Khi gặp Vua Chúa, quan quyền thần dân, thuộc hạ phải dơ tay phải lên che mắt để không được thấy, cùng bày tỏ cung kính và tay không võ khí. Cách thức này chẳng khác sự phủ phục trước Thiên Tử ở Đông phương. Đến giữa thập niên 50, số SQ cũng còn rất ít. Ngay tại Bộ TTM, một thiếu úy ra vào cổng chính, lính gác đã phải đứng nghiêm, từ trung úy phải chào súng. Nếu nhiều như sau này, chắc binh sĩ không đủ thời gian đem súng xuống. Tại các đơn vị, từ cấp đại đội trưởng (thiếu hoặc trung úy) mỗi khi ra vào cổng, toán binh sĩ trực đã phải dàn chào dưới sự chỉ huy của đốc canh. 

Thời trước, binh sĩ chào súng theo kiểu Pháp: súng dọc thân mình phía phải, tay phải đỡ đế súng, bàn tay trái khép để trước súng, lòng bàn tay úp xuống mặt đất. Với tiểu liên, nòng súng quay sang trái. Riêng Bảo Chính Đoàn (BV), súng vác vai, tay trái đặt ngang báng. Sau này cơ bản thao diễn theo kiểu Mỹ, súng để trước, giữa thân mình. Với Garant M1, biểu xích ngang thắt lưng, M16 loa che lửa ngang tầm mắt. Nếu mang vai, tay trái giữ dây súng, tay phải chào tay. Diễn hành súng vác thì bộ máy cò sát vai (ngược lại kiểu xưa, ngửa lên trời), mặt ngước về thượng cấp. Trước kia khi gặp cấp trên, nếu hai tay mang xách, hoặc ngồi xe hai bánh, thuộc cấp chào kính bằng cách ‘hất mặt’ về cấp chỉ huy. Vào CLB, nhà ăn, chào tay một lần, bỏ mũ, sau đó dù trình diện cấp trên cũng chỉ đứng nghiêm (không chào nữa).

                Khi SQ vào phòng, quân nhân cao cấp nhất thấy trước sẽ hô: ‘phắc’ hay ‘vào hàng phắc’ đối với từ cấp trung tá (đơn vị trưởng) trở lên. Khi thượng cấp dời khỏi phòng chỉ hô ‘nghiêm’. Khi hô ‘vào hàng phắc’ đúng ra, ai phải về vị trí nấy (xạ thủ về trước súng, âm thoại về trước máy...). Nhân đây xin kể lại chuyện một lần chào kiếm trong lễ mãn khóa của sinh viên Thủ Đức dưới sự chủ tọa của Quốc Trưởng PKS. Như thông lệ, Thủ Khoa sau khi hô động lệnh chào súng cho toàn Khóa xong, đằng sau quay rồi tuốt gươm chào. Bài bản đúng chỉ có vậy. Không ngờ Quốc Trưởng chắc thấy buổi lễ diễn ra quá đẹp dưới mắt Cụ, nhà lãnh đạo gốc dân sự, chưa quen nghi lễ quân cách nên bước ngay xuống, dơ tay bắt tay sinh viên thủ khoa. Phần này không dự liệu nên anh thủ khoa hốt hoảng vã mồ hôi, nhất là nhìn tay Quốc Trưởng đã đưa ra. Anh không biết xử trí ra sao, hấp tấp chuyền kiếm sang tay trái, lấy tay phải đón bắt tay Quốc Trưởng, trong khi tay trái cầm cây kiếm quờ quạng. Sau buổi lễ, anh được lãnh ngay lệnh phạt gia tăng từ ĐĐT lên tới Tướng CHT với lý do: ‘chào kính nguyên thủ sai qui cách’ (phải tra kiếm vào bao rồi mới được bắt tay).

Chuyện sau không diễn ra một lần mà tái diễn hoặc tùy tiện mỗi người. Nhiều SQ cao cấp khi được biệt phái sang chỉ huy tỉnh, quận vào các dịp cúng tế tại đình, miếu đã rất lúng túng hoặc hành xử sai qui cách. Có ông đứng vái, có ông lại lên gối, xuống gối trong bộ quân phục đầy huy chương, biểu chương...có ông tránh tham dự để khỏi ngượng ngùng. Người viết thường được hỏi về thái độ thích nghi và đã cố giải thích: ‘với quân nhân, cao trọng nhất là Tổ Quốc, qua biểu tượng quốc kỳ, chúng ta cũng chỉ chào theo quân cách. Quân đội không dự trù có trường hợp quân nhân giữ nhiệm vụ hành chánh phải đến nơi tôn nghiêm. Các SQ tỉnh, quận trưởng, cho dù với tư cách thượng khách, khi được mời lên chiêm bái, chỉ cần đứng thế nghiêm là đủ (không bái lậy, khoanh tay, chắp tay vì các động tác này không hề có theo quân cách). Việc cử hành lễ hoàn toàn là quyền hạn và trách nhiệm của ban hương chức. Nếu muốn bầy tỏ cung cách nào khác hơn, hãy mặc thường hay quốc phục.’ Không biết ý kiến các niên trưởng ra sao?

                Chuyện về quân phục, cấp hiệu, huy hiệu... rất dài, phức tạp. Đủ thẩm quyền, phương tiện phải là Bộ Quốc Phòng, TTM hay toàn thể chiến hữu chứ đâu phải do một anh lính ‘tốt đen’. Tuy vậy đã là lính từng biết hô lớn câu ‘tan hàng! cố gắng!’ nên cuộc đời ‘cố gắng’ đã quen, chẳng ngại ngần hay dở, đúng sai cứ miệt mài ngồi bên bàn máy. Nhìn lại quân phục, cấp hiệu, phù hiệu hay nói rộng hơn chiến lược, chiến thuật của ta suốt 25 năm ảnh hưởng Pháp rồi đến Hoa Kỳ. Điều này sao tránh vì chúng ta phải nhận viện trợ, yểm trợ của đồng minh trong cuộc chiến tự vệ, sinh tồn.

                Ngày mai, khi chủ quyền, đất nước về lại nhân dân qua đấu tranh thì mọi điều lớn nhỏ hoàn toàn do ta. Chỉ riêng chuyện quân phục, cấp hiệu, phù hiệu... chẳng theo kiểu Tây kiểu Mỹ mà do mình chọn từ chiến công, hình ảnh ngàn năm giữ nước. Nào cọc sắt Bạch Đằng, mũi khoan Yết Kiêu (hải quân, người nhái), ngựa sắt Phù Đổng (thiết kỵ), lò đúc Cao Thắng (quân cụ), nỏ thần An Dương Vương (pháo binh), Loa thành (công binh), lá khô thấm mật Nguyễn Trãi (tâm lý chiến)... kể sao cho hết. Người viết, một khinh binh VNCH, trong tư thế nghiêm chào tay. Chào quốc kỳ tượng trưng cho Tổ Quốc, chào Quân kỳ, cấp hiệu, phù hiệu, huy chương tượng trưng cho Quân Đội. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh anh hùng liệt sĩ, chiến hữu đã hy sinh. Sau cùng, tay nâng bài viết trân trọng trao đến chiến hữu, độc giả.

Nguyễn Đình Phúc
           

* Người viết chân thành cáo lỗi đã không có điều kiện để xin phép tác giả những tấm hình in trong bài. Mong rằng với mục đích tôn vinh tập thể quân đội, xin được thông cảm, miễn thứ.

Wednesday 10 July 2013

Ai đem măng cụt vào đất này?




Người biết tiếng Pháp thường nghĩ rằng măng cụt là từ gốc Pháp (Phạm Văn Tình, Nguyễn Đức Tuấn). Người Pháp gọi quả măng cụt là mangouste. Nhưng ngoài sự trùng hợp về âm thanh đó ra, không có bằng cớ cho thấy là người Việt nào đó biết tiếng Pháp đã phiên âm mangouste thành măng cụt.
Trương Vĩnh Ký có thể là người có công lớn trong việc phổ biến trái măng cụt (và từ măng cụt) ở miền Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là từ măng cụt được phiên âm từ tiếng Pháp. 

 Từ măng cụt đã được ghi nhận năm 1838 trong Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị của Taberd (2004:297), dịch sang tiếng La Tinh là garcinia mangoustana. Như vậy măng cụt phải xuất hiện trong tiếng Việt và người Việt đã phải khá quen thuộc với thứ trái cây này từ trước cả khi Trương Vĩnh Ký chào đời (tháng 12 năm 1837). Theo Eveillard (1887:10), cây măng cụt đó nguyên bỡi bên Phố mới mà ra: đức giám mục d’Adran, đem cây ấy qua bên nầy, trồng tại Lái thiêu gần Sài gòn. Phố mới là Xinh-ga-po / Tân Gia Ba ; giám mục d’Adran (évêque d’Adran) là đức cha Bá Đa Lộc / Pigneau de Béhaine (1741-1799).

Giả sử các nhà truyền giáo là những người giới thiệu măng cụt cho người Việt (từ nhiều năm) trước 1838, khó có thể tin rằng họ dựa vào từ mangouste của tiếng Pháp để đặt tên Việt cho thứ trái cây này:
Từ mangouste xuất hiện trên sách vở tiếng Pháp lần đầu năm 1798 (Macartney, 1798, Voy. dans l'intér. de la Chine et de la Tartarie, t. 1, p. 362 ds König, p. 139) và được định nghĩa là fruit du mangoustan, tức là quả của cây mangoustan. Từ mangoustan có tiền thân trong tiếng Pháp là mangostan. Từ mangostan này có khi chỉ cây măng cụt (trong Lodewijcksz, 1598, Premier livre de l'histoire de la navigation aux Indes orientales par les Hollandois, fo38 rods Arv., p. 315), có khi chỉ quả măng cụt (trong Lodewijcksz, 1598, Premier livre de l'histoire de la navigation aux Indes orientales par les Hollandois, fo38 rods Arv., p. 314). Các nhà từ nguyên học Pháp đã xác định được rằng gốc của mangoustanmangostae của tiếng Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16 và người Bồ Đào Nha mượn của tiếng Mã Lai (manggoestan).

Từ điển của Viện Hàn Lâm xuất bản năm 1835 không có từ mangouste. Đối với người Pháp thời đó mà nói, mangouste vẫn còn mang âm hưởng xa lạ, chưa được coi là là một từ tiếng Pháp chân chính, thực thụ. Thương nhân và nhà truyền giáo người Pháp lang thang ở Đông Nam Á có thể biết từ mangouste nhưng người Pháp bình thường không biết từ này, không biết đó là thứ gì. Như vậy các giáo sĩ, nếu quả thật họ là những người đầu tiên chỉ cho người Việt biết trái măng cụt là gì, không thể ý thức rằng họ đang dùng một từ tiếng Pháp hay tiếng Bồ để gọi tên thứ trái đó. Cùng lắm họ chỉ có thể biết rằng họ đang dùng một từ mà nhiều người trong vùng Đông Nam Á  (Mã Lai, Pháp, Bồ...) dùng chung, trừ người An Nam (!) vì phải đợi đến khi có mặt các giáo sĩ người phương Tây, người An Nam mới đi lại, buôn bán với Mã Lai (!).

Mặt khác, hơn hai nghìn trường hợp từ Việt có âm đầu [k] mượn tiếng Pháp cũng có âm đầu là [k]: ca <  cas, ca dèn < caserne, côn < cône, < coup, cốt lết < côtelette...). Nói chung người Việt không có vấn đề gì khi bắt chước âm [g] của tiếng Pháp vì vậy âm đầu [g] tiếng Pháp sẽ được  bảo lưu khi chuyển qua tiếng Việt: gare > ga, garde > gác, gomme > gôm.  Chỉ có một vài trường hợp âm [g] tiếng Pháp chuyển thành âm [k] tiếng Việt và đều song song tồn tại với dạng bắt đầu bằng âm [g]: cà mèn / gà mèn < gamelle), bánh ca-tô / ga-tô (gâteau). Người Việt nếu mượn từ mangouste của tiếng Pháp hầu như chắc chắn sẽ gọi đó là trái măng gút hay măng gụt chứ khó có thể gọi là măng cụt.

Âm [k] này khiến ta phải nghĩ đến sự tiếp xúc giữa người Việt và những người gặp khó khăn nhất định với âm [g] như người Trung Hoa chẳng hạn. Măng cụt  trong tiếng Hán có nhiều tên gọi. Một trong những cái tên đó là mãng cát thị (莽吉柿). Lê Văn Đức (1970b:893) cũng ghi nhận một cái tên Hán Việt khác là mã cật
Tiếng Mã Lai hiện nay gọi măng cụt là manggis / manggistan. Một quyển từ điển xuất bản đầu thế kỷ 20 của Wilkinson (1901-1903:647 và 651) chú manggista là từ ngữ văn học cổ điển, manggis là từ địa phương Riau và Johore, masta (phương ngữ Kedah), mesta (phương ngữ bắc). Tuy nhiên, vài năm sau đó, trong bản giản yếu của quyển từ điển này, Wilkinson (1908:506) ghi cả manggis, manggista, manggustan và không chú thích gì, xem như cả ba dạng tương đương nhau. De Clercg (1909:1592) ghi nhận manggis (tiếng Mã Lai, Java và Bali), manggistan (tiếng Mã Lai), manggus (Lampung), manggusta (tiếng Mã Lai, Bali, Bima), manggustan (tiếng Mã Lai Melaka). Waruno Mahdi (2007:142-143) cho rằng dạng manggustan này là tiếng Mã Lai Melaka vay mượn ngược từ tiếng Bồ. Trương Vĩnh Ký ắt phải biết từ này khi du học ở Mã Lai. Các thương nhân người Hoa đi đi lại lại giữa các nước trong vùng Đông Nam Á cũng phải biết. So với các nhà truyền giáo phương Tây thì thương nhân người Trung Hoa hẳn phải có vai trò năng động hơn trong việc làm cầu nối giữa miền Nam nước ta với miệt dưới. Do đó có nhiều khả năng từ măng cụt vào nước ta bằng cách theo chân thương nhân người Hoa hơn là qua miệng các ông giáo sĩ.

Có thể còn một con đường nữa để măng cụt vào nước ta. Từ điển Huình Tịnh Paulus Của (1896b:17) giảng măng cụtbứa xiêm. Tiếng Thái Lan gọi thứ trái này là mạngkhud (มังคุด). Người bán hàng ngoài đường bây giờ có thể bán đủ thứ nho Mỹ, bắp Ấn Độ, dứa Thái Lan... mà ta không thể biết thật sự nguồn gốc từ đâu. Nhưng hơn trăm năm trước bứa xiêm có lẽ là bứa Thái Lan thật.

Tuesday 9 July 2013

Các từ mã tà và ma tà ở đâu mà ra?




Nguyễn Dư cho rằng mã tà khác với ma tà. Nguồn gốc hai từ đương nhiên là khác:
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có từ Mã tiếu (Chữ tiếu còn có âm đọc là tiêu, là tiệu),nghĩa là lính cỡi ngựa hoặc đi chân, chuyên làm việc cảnh giới, dò kiếm xem xét. Có nhiều khả năng là mã tiếu (mã tiêu, mã tiệu) đã được người Việt đọc trại thành mã-tà.
Đó là giả thuyết không mấy vững chắc về nguồn gốc của mã tà: tiếu đổi thành thật là khó quá, như chuyện tiếu lâm uốn lưỡi cách nào cũng không thể thành chuyện tà lâm vậy!

Còn ma tà, vẫn theo Nguyễn Dư, nếu chỉ lính cảnh sát cầm ma trắc đi xét nhà dân thì gốc Pháp là matraque:
Đời ôi nhiều nỗi bợn nhơ :
Ma tà có chú hay quơ hay quào,
Giận ai gươm súng phao vào,
Báo quan nhà nghịch, vây rào xét coi...
                     (Vương Hồng Sển, sđd)
Ma-tà của bài thơ đúng là lính cảnh sát ở Sàigòn, đi khám xét nhà dân chúng. Ma-tà này dường như có họ hàng với matraque (chiếc dùi cui) ?

Nhưng ma tà nếu chỉ lính coi tù thì gốc Pháp là maton:
" Từ ra ngoài đảo đã sáu, bảy năm không khi nào ra cửa thành khám ngục mà được đi một mình, hễ ra cửa một bước là có ma-tà mang súng đi theo sau. Đến lúc ra làm việc giấy ở phòng Gác-điêng sếp thì ra vào trong " banh " có hơi thơ, không ai dẫn. Song chỉ được đi lại, ra vào ở kho chứa đồ, phòng gác của Gác-điêng và bóp lon-ton (...) " (Vương Đình Quang,Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Văn Học, 1965, tr. 102).
Tiếng Pháp gọi lính canh tù là maton. Maton được Việt hoá thành ma-tà. Đoạn văn còn nhiều từ gốc Pháp khác: gác-điêng (gardien), sếp (chef), banh (bagne), gác (garde), bóp (poste), lon-ton (planton).
Theo cách truy tìm từ nguyên này, nếu ma tà làm ca sáng ắt phải có gốc pháp là matin (buổi sáng)!

Có lẽ cảnh sát ngày xưa hay đánh nguời bằng dùi cui / ma trắc (matraque) nên thuyết cho rằng ma tà bắt nguồn từ matraque của tiếng Pháp được rất nhiều người tin theo:
 Đi làm, từ những việc khổ sai nhẹ, cuốc cỏ, trồng cây, xay lúa, giã gạo, đến những công việc nặng: đào kênh, xẻ núi, đắp đường, cũng như sinh hoạt hàng ngày trong lao trước sau giờ hàn dịch, sáng ra, tối lại điểm danh, ra đi, về buồng, lĩnh phần cơm nước rối sắp hàng trở vào phòng giam, mỗi bước đi, mỗi động tác đều tiến hành dưới cặp mắt cú vọ, dưới ngọn « cà đùi » (cadouille) và tiếng chửi mắng của lũ « la dăng » (agents), lũ « ma tà » (matraques), tức bọn lính gác. ĐặngThai Mai (2004b:635-636)
Từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:1010) cũng chú thích mã tà là từ gốc Pháp matraqueur.

Huình Tịnh Paulus Của Paulus (1896b:1) cho biết ma tàlính canh tuần (tiếng Malais, kêu theo đã quen). Vương Trung Hiếu đồng ý rằng trong tiếng Mã Lai có mata-mata đúng là cảnh sát, nhưng không tin đó là nguồn gốc của mã tà / ma tà trong tiếng Việt:
Xét về hình thức và nghĩa của từ, chúng ta dễ có cảm tưởng rằng người Việt đã mượn chữ mata-mata để phiên âm thành “mã tà”. Tuy nhiên, chúng tôi thắc mắc là, tiếng Malaysia và Indonesia có vai trò gì trong lịch sử nước ta, tại sao để người Việt lại dựa vào chữ này để nói về cảnh sát thời Pháp thuộc? Nếu cho rằng người Malaysia và Indonesia gia nhập lực lượng lính Lê Dương Pháp (Légion étrangère) rồi đến nước ta nên người Việt đã mượn từ mata-mata cũng không phải, vì trong danh sách các quốc gia tham gia Lê Dương Pháp trong giai đoạn 1831-1961 (*) có tổng cộng khoảng 600.000 người, những người lính này gọi là légionnaire, nhưng không hề có người Malaysia và Indonesia. Mặt khác, mata-mata có 4 âm tiết, trong khi đó mã tà chỉ có 2 âm tiết, liệu mã tà có khả năng phiên âm từ chữ mata-mata hay không?. Có quan điểm cho rằng “mã tà” là tiếng phiên âm từ chữ “matraque” (dùi cui) trong tiếng Pháp. Do cảnh sát thường sử dụng dùi cui nên người ta mượn chữ matraque để phiên âm thành “ma tà” rồi thành “mã tà”. Cụm từ “bọn mã tà” có thể hiểu là “bọn sử dụng dùi cui”, tức cảnh sát. Xem ra giả  thuyết này khá hợp lý, vì “mã tà” có  hai âm tiết, phiên âm từ tiếng “matraque” cũng có hai âm tiết. Nhìn chung, hiện tượng tiếng nước ngoài được phiên âm thành tiếng Việt với số lượng âm tiết bằng nhau là khá phổ biến. Thí dụ: ô tô, cà phê, mít tinh hay cao su
Không có lính lê dương ở Việt Nam lúc Nguyễn Đình Chiểu viết văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nên không cần phải tra danh tính người Mã Lai hay Nam Dương tham gia đội quân lê dương làm gì. Nhưng trong liên quân Pháp – Tây Ban Nha có lính Tagal. Ở thời điểm đó (năm 1861) và nơi đó (chiến trường Sài Gòn), tiếng Mã Lai có một vai trò quan trọng mà ngày nay ta khó hình dung được vì đã quên mất sự giao lưu mật thiết giữa miền Nam nước ta với miệt dưới trong khi chẳng ai thắc mắc gì về chuyện tiếng Việt đang tiếp nhận video, shop, computer, laptop, netbook... của một xứ còn ở xa ta hơn nhiều.

Nguyễn Dư, để phản bác thuyết nguồn gốc Mã Lai của mã tà và/hoặc ma tà cũng, nêu những thắc mắc phi lịch sử tương tự như VươngTrung Hiếu:
Trận Cần Giuộc xảy ra vào cuối năm 1861. Có thể phỏng đoán rằng Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế vào khoảng cuối năm 1861 hay đầu năm 1862. Cho tới thời điểm này (1862), nước ta không có liên lạc ngoại giao với nước Mã Lai (Mã Lai bị Bồ Đào Nha chiếm năm 1511, bị Hà Lan chiếm năm 1641, bị Anh cai trị năm 1867). Không có bằng chứng gì để nói rằng ta phải mượn một tiếng Mã Lai để gọi người lính cơ, lính lệ hay lính vệ của mình.

Nhưng không cứ phải lập quan hệ ngoại giao giữa nhà nước với nhà nước thì từ ngữ mới nhập khẩu được. Từ ngữ theo sự vật, khái niệm mà vào thôi. Thương gia, nhà văn, nhà dịch thuật, tay thông ngôn, người nhập cư lậu... cũng làm được việc này, không phải đợi đến nhà nước.

Người Việt cũng không mượn một tiếng Mã Lai để gọi người lính cơ, lính lệ hay lính vệ của mình. Từ Mã Lai đó đã được mượn trước để chỉ cảnh sát (người Việt) rồi cái tên đó tiếp tục được dùng khi đám cảnh sát đổi sang tên khác, tổ chức lại thành cơ, đội... Vào năm 1861 người Việt vẫn gọi lính cơ của mình là lính cơ (của mình), không gọi là mã tà (của giặc):
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

Nguyễn Dư còn thắc mắc chuyện Nước Pháp đã có sẵn một loạt cò, cẩm (commissaire), phú lít (police), sen đầm (gendarme), cũng chẳng cần phải mượn tiếng Mã Lai để gọi lính cảnh sát của mình tại một nước... chưa phải là thuộc địa!

Phú lít, sen đầm là những loại cảnh sát khác, sẽ xuất hiện ở những thời điểm khác và sẽ được gọi bằng tiếng Pháp là policegendarme trước khi vào tiếng Việt thành phú lítsen đầm. Nhưng vì cứ khăng khăng nghĩ cảnh sát Tây phải là police và/hay gendarme nên Nguyễn Dư khẳng định:
- Mã-tà không phải là lính cảnh sát.
Có đội quân nào, đặc biệt là quân đội Pháp, lại cho cảnh sát ra trận ? Để giữ trật tự hay... ghi giấy phạt à? Đấy là chưa nói cảnh sát của Pháp phải biết đọc, biết viết...lạp-bô (rapport). Năm 1861, nước ta có được mấy người biết đọc, biết viết chữ Pháp hay chữ quốc ngữ để làm lính cảnh sát cho Pháp?

Vào năm 1861 ở Nam Kỳ, để lính chính quy Pháp rảnh tay xông ra trận mạc, người Pháp chỉ mượn đỡ mấy anh bản xứ coi tù, gác nhà việc... Đó thường là việc của cảnh sát nên gọi là police cũng được, nhưng chắc khó hiểu hơn từ mata. Bây giờ mata khó hiểu hơn police nhưng không phải xưa nay vẫn vậy. Người Pháp ở Nam Kỳ từ sau năm 1861 vẫn dùng từ này thoải mái vì Tây, Ta, Hoa, Mã, Chà... đều dùng. Mã tà không cần biết chữ vì hồi đó có ai biên giấy phạt ai đâu. Ăn cơm chúa, múa tối ngày. Mã tà phải ra trận vì thỉnh thoảng các quan cai trị phải đi truy bắt nghĩa quân hoặc bị nghĩa quân tấn công như các ông chi khu thời Việt Nam Cộng Hòa dẫn địa phương quân dưới quyền mình đi lùng Việt Cộng vậy. Mã tà thời 1861 là một thứ địa phương quân (dân quân thì đúng hơn) kiêm cảnh sát không cần biết chữ.