Saturday 27 July 2013

Thục Điểu muốn trả thù Thông Reo



Báo giới quốc ngữ ngoài Bắc có một tờ tên là Đông phương. Trong bộ biên tập Đông phương lại có một người tên là Thục Điểu. Nếu như tôi không lầm, thì Thục Điểu nầy chẳng phải là con chim nước Thục, mà là cái oan hồn mới hiện lên của Thiết Khẩu Nhi ở Phổ thông ngày trước(*). Tôi lại xin giới thiệu thêm với độc giả rằng Thục Điểu ở báo Đông phương cũng có cái địa vị tương đương như Tân Việt ở Thần chung như Thông Reo ở Trung lập mình vậy.
Còn nhớ hồi ở báo Phổ thông, có một bữa kia, không rõ vì sao mà Thục Điểu lại hào hứng - (có lẽ là vì đương lúc ngồi ăn kem ở bờ hồ chăng?) ra tài nhả ngọc phun châu mà sửa một bài thơ vịnh cảnh mặt trời mọc trên bờ hồ thì phải. Nguyên văn sao thì không nhớ, nhưng Thục Điểu thì sửa câu phá lại như thế nầy: Hào quang muôn đạo chói trời đông, nghĩa là khi mới mọc, mặt trời chói tia sáng ra nhiều lắm, chớ không gì lạ. Thế nhưng chói trời đông, Thục Điểu không viết chói, mà lại nhè viết là trói trời đông! Khi số báo ấy gởi vào trong nầy, Thông Reo xem thấy tức cười quá, không thể nín được, bèn viết một bài mà hỏi cay rằng bộ ông Trời ở ngoài Hà Nội ổng cũng theo cọng sản nữa sao mà báo Phổ thông đăng tin rằng ổng mới bị trói, bị bắt hè?(**). Coi đến bài ấy dám chắc dẫu là người khinh đời như Thục Điểu là cũng không thể không bựt buồn cười; nhưng cười thì cười, chớ trong bụng anh ta cũng xốn. Nghĩ đường đường một ông chủ bút của một tờ báo lớn ở đất văn vật nghìn năm, ai bảo lại đi nhè ông trời mà trói làm chi cho chúng kiêu ngạo?! Xốn thật! Bởi vậy từ ấy nhẫn nay, Thục Điểu vẫn hằm hằm hễ trông cho có dịp là trị Thông Reo mới nghe. Ngày nào anh ta cũng dở tờ Trung lập ra tìm tòi những cái lỗi về mặt chữ, nhưng theo như lời anh ta đã thú nhận, thì "Trung lập là tờ báo chữ in ít phốt nhứt các báo Đông Dương, nên tìm mãi từ ngày Phổ thông còn sống cho đến bữa thứ sáu 17 Avril vừa rồi, anh ta mới gặp được một chữ bậy của Trung lập, là chữ Thể tháo.
Nguyên hai chữ thể tháo là lấy trong chữ Nho ra, mà theo như vần chữ Nho, thì phải đọc là thể thao mới đúng. Thục Điểu mừng quýnh mới vịn đó mà kiêu ngạo lại Thông Reo rằng thuở giờ bác vẫn chủ trương cái thuyết viết quốc ngữ phải viết cho đúng, như trước thuật bác bảo phải viết trứ thuật, sao nay thấy trong báo Trung lập là tờ báo có bác dự vào, hai chữ thể thao lại nhè viết ra thể tháo chèm bẻm, như vậy thì bác chẳng thấy nó chướng mắt lắm ru? Mà nếu đã chướng mắt, thì sao bác chẳng bảo Trung lập làm ơn nhổ giùm cái đinh cắm trong con mắt bác, tức là cái dấu sắc ở trên chữ thao đi?…
Trước hết, tôi phải nhìn nhận rằng cái giọng nói kiêu ngạo, mỉa mai của Thục Điểu gần nay thiệt đã tiến bộ và ở Trung lập đây chúng tôi vẫn biết thưởng thức những lời nói chơi của anh ta nhiều lắm. Vả lại, về hai chữ thể thao mà Thục Điểu nói đó, thì ai là người có học nho cũng phải chịu là phải, chớ không còn chối đi đường trời mô. Bởi vậy, riêng phần ông Thông Reo thì đối với những chữ như thế đành rằng ông lấy làm khó chịu lắm chớ chẳng phải không. Nhưng vì những lẽ gì mà báo Trung lập không thể nhổ giùm cái đinh trong con mắt ông Thông Reo được, để sau nầy tôi sẽ nói chuyện thêm với bác Thục Điểu.

 
Phiêu linh(*)
Trung lập, Sài Gòn, s.6426 (28.4.1931)
(*) Thục Điểu và Thiết Khẩu Nhi là hai bút danh của Ngô Tất Tố.
(**) Bài ấy ở mục "Những điều nghe thấy", Trung lập, 12/2/1931.
(*) Phiêu Linh có lẽ là bút danh của Bùi Thế Mỹ; bài này có thể do Bùi Thế Mỹ viết, vì lúc này Bùi Thế Mỹ là Chủ bút Trung lập, và vì bài đụng tới va chạm mới của các đồng nghiệp cũ là Ngô Tất Tố và Phan Khôi (thời kỳ họ cùng viết ở Đông Pháp thời báo và Thần chung, 1927-1930).

Báo Trung lập đã nhổ đi một cái đinh ở trước mắt ông Phan Khôi



Nói vậy, đừng ai tưởng là trước đây báo Trung lập vẫn đóng đinh vào mắt ông Phan Khôi, mà bây giờ mới nhổ đi cho ổng.
Số là ông Phan Khôi lâu nay rất chuộng khoa học, vô luận là cái gì, ổng đều muốn lấy phương pháp khoa học làm chuẩn đích.
Về cách viết chữ quốc ngữ thì ông chủ trương viết phải cho đúng, vần xuôi đáng tr. thì tr., đáng ch. thì ch., vần ngược đáng n. thì n., đáng ng. thì ng. v.v… không được lộn chữ nọ ra chữ kia.
Chủ trương như vậy, theo tôi, là phải lắm. Nếu mấy chữ đó mà viết không đúng thì có khi sai hẳn nghĩa của nó đi ai còn hiểu được.
Vì ổng chủ trương như vậy, cho nên thấy ai viết chữ quốc ngữ không đúng thì ổng hết sức công kích. Năm ngoái, khi còn mồ ma báo Phổ thông, trong một số nọ có câu thơ "hào quang muôn đạo chói trời đông" chữ "chói" lầm ra chữ "trói", ổng đã viết một bài chế diễu, đầu đề là "bắt được một cộng sản ở Bờ Hồ, Trời là thủ phạm" (Bài này ký tên là Thông Reo, người ta nói Thông Reo tức là ông Phan Khôi). Chế diễu như vậy cũng có lẽ phải, nếu chói sáng mà đánh ra trói buộc thì có nghĩa lý gì nữa.
Về chữ Hán thì ổng chủ trương theo đúng âm của tự điển. Như chữ "trứ thuật", cả xứ Bắc kỳ đọc là "trước thuật", nhưng ổng thì muốn đọc đúng nguyên âm của nó, nên độ trước, cũng ở báo Phổ thông trong một bài nọ, có nói đến hai chữ đó, thì ổng chua rõ là "trứ thuật chứ không phải là trước thuật".
Chủ trương như vậy lại cũng phải. Chữ Hán phần nhiều cũng một chữ mà âm khác thì nghĩa cũng khác, nếu đọc không đúng âm, có khi sẽ hiểu không đúng nghĩa.
Gần nay, ổng viết bài cho báo Trung lập, nói cho phải, có lẽ báo ấy là tờ báo in ít "phốt" nhất các báo Đông Dương, đó là ảnh hưởng của ông hay công phu của ai thì mình chưa rõ. Tuy vậy, trước đây báo ấy cũng có cái phốt to tướng, ấy là chữ "thể thao" mà vẫn luôn luôn viết là "thể tháo". Theo tự điển tháo là tiết tháo là danh từ (nom), thao là thao diễn, là động từ (verbe), thể thao là luyện tập thân thể, thì nó là "thao" mới phải, sao lại là "tháo"? Cái lầm đó là lầm chung của các báo Nam kỳ chớ không phải riêng gì một báo Trung lập, nhưng Trung lập là báo có ông Phan Khôi viết vào, mà cũng bị phốt thì cái dấu sắc ở trên chữ thao đó, đối với ông Phan Khôi, chẳng khác gì cái đinh trước mắt vậy.
Mấy số gần đây, đã thấy Trung lập bỏ cái dấu sắc ở cái chữ thể tháo đó, ấy là nhổ đi một cái đanh ở trước mắt ông Phan Khôi.

 
Thục điểu(*)
Đông phương, Hà Nội, s.410 (17.4.1931)
(*) Thục Điểu là bút danh của Ngô Tất Tố; bài báo này là do ông Cao Đắc Điểm sưu tầm và cung cấp. Xin cảm ơn ông Điểm (L.N.A.).

Friday 26 July 2013

Có dấu huyền hay không?




Lân bàngláng diềng/giềng ; lân bangnước láng diềng/giềng. (Thanh Nghị, 1967b:808, Nguyễn Như Ý, 1999:994). Bang Hán Việt () là nước ; bàng Hán Việt () là bên cạnh.
Cẩm nang sinh hoạt đạo đức gia đình của linh mục Đan Vinh (nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2009) có lẽ bị lỗi mo-rát ở trang 16:
Ngoài ra họ cũng cần phải sống hòa hợp với các gia đình lân bang hàng xóm nữa.

Thursday 25 July 2013

Hồ Chí Minh – người góp công mở đầu hiện đại hóa tiếng Việt (Bùi Khánh Thế - Chính Phủ)


(Chinhphu.vn) - Trong di sản ngôn ngữ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc,Thường thức chính trị thuộc số những tác phẩm là cột mốc đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Ngôn ngữ của những tác phẩm ấy còn ghi dấu những đóng góp của tác giả vào tiến trình “hiện đại hoá ngôn ngữ” toàn dân.
  
Theo hướng nghiên cứu và học tập di sản ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS TS Bùi Khánh Thế Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM đã so sánh 3 tác phẩm tiêu biểu của Người nhằm góp phần làm rõ công lao của Bác vào “sự mở đầu và quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam”.
Những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh Toàn tập (xuất bản lần thứ 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000) được các cơ quan in riêng thành sách nhỏ, có 3 cuốn thuộc cùng một thể loại được chọn riêng để khảo sát, đó là: Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Thường thức chính trị.
Cả ba tác phẩm trên đều có chung một tính chất là tài liệu huấn luyện. Đó là những sách giáo khoa về khoa học chính trị.
Đường Cách mệnh (cuốn này bản in năm 1927 viết là  Đường Kách mệnh) gồm những bài giảng cho các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc (1925 – 1927), sau đó năm 1927 được Bộ Tuyên truyền Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ấn hành.
Sửa đổi lối làm việc được coi là văn kiện quan trọng về xây dựng Đảng. Cuốn này có ghi “viết xong tháng 10/1947”, được NXB Sự thật ấn hành lần đầu tiên năm 1948 và được đưa vào tập 5, Hồ Chí Minh toàn tập “theo sách xuất bản lần thứ 7, năm 1959”.
Thường thức chính trị gồm 50 bài viết đăng trên báo Cứu quốc năm 1953 và 1954 được NXB Sự thật tập hợp lại và in thành sách để cung cấp tài liệu học tập và tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân.
Vì đối tượng của tài liệu học tập được xác định rõ ràng cũng như mục tiêu của việc học tập là rất cụ thể, nên các văn kiện này không chỉ phong phú và được nâng cao nhiều về mặt nội dung nhận thức, mà còn được trình bày với những ngôn từ được tinh lọc, tiết kiệm và dễ hiểu, thể hiện sự nghiêm khắc khi cần, nhưng luôn luôn tỏ rõ thái độ bao dung, chân tình.
Cùng một thể loại, ba tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một số đặc điểm chung về ngôn ngữ và đồng thời mỗi tác phẩm cũng có những đặc điểm riêng nhất định.
Đặc điểm chung về ngôn ngữ trong 3 tác phẩm này phản ánh hầu như tất cả những điều mà nhiều tác giả đã nhận xét khi viết về phong cách ngôn ngữ của Bác Hồ: “Cách diễn đạt giản đơn, sáng tỏ, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ và sâu sắc” (Phạm Văn Đồng); "thể hiện tính quần chúng, sự phong phú, nhưng luôn luôn chọn cách thể hiện giản dị, dễ hiểu; “cốt cho nội dung tư tưởng tình cảm trong lời nói, câu văn có hiệu lực cao đối với nhận thức và hành động” của người nghe, người đọc (Hoàng Tuệ), đồng thời cũng “sáng tạo những từ ngữ mới, diễn đạt mới” khi cần (Nguyễn Kim Thản); tạo nên “các ngữ cảnh, văn cảnh mới mẻ khác nhau với những từ ngữ thông dụng” (Phạm Huy Thông)…
Chính nhờ vậy mà khi đọc ba tác phẩm này cũng như toàn bộ văn phẩm của Hồ Chí Minh, chúng ta cảm nhận rõ ràng tất cả đều “cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp”, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định.
Để phù hợp với nội dung từng tác phẩm cũng như đối tượng mà tác phẩm hướng đến, mỗi tác phẩm lại có những đặc điểm riêng nhất định về mặt ngôn ngữ. Thể hiện rõ hơn cả là phong cách ngôn ngữ trình bày: dùng cách giới thiệu, giải thích và dùng cách hỏi – đáp.
Về mặt này Đường Cách mệnh thiên về cách hỏi – đáp, còn Sửa đổi lối làm việc trình bày các vấn đề chủ yếu theo cách giới thiệu, giải thích. Ví dụ, cuốn Đường Cách mệnh có tới 14/15 mục ghi dưới dạng nêu tên vấn đề sẽ được giới thiệu, chẳng hạn: cách mệnh, quốc tế…Tuy nhiên tất cả các tiểu mục trong từng mục đều được trình bày theo cách hỏi – đáp.
Sửa đổi lối làm việc cũng có 32 lần hỏi – đáp và 4 câu hỏi tu từ, như “Nhưng thử hỏi cán bộ và Đảng viên ta đã mấy người biết rõ lí luận và biết áp dụng, và chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa? Đã mấy người hiểu “biện chứng” là cái gì”?
Giữa cách trình bày trong hai tác phẩm vừa được đối chiếu thì cách trình bày trong Thường thức chính trị ở vào vị trí trung gian (vừa đặt câu hỏi, vừa theo cách trình bày).
 
Thuộc số di sản ngôn ngữ mà Hồ Chí Minh để lại cho kho tàng tiếng Việt có một bộ phận quan trọng là các thuật ngữ thuộc những lĩnh vực khoa học khác nhau. Khảo sát 3 văn bản thuộc thể loại tài liệu giáo khoa và phổ biến khoa học này chúng ta có thể nhận ra hệ thống thuật ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là khoa học chính trị và triết học.
Ví dụ trong Thường thức chính trị có hàng trăm thuật ngữ chưa có trong Đường Cách mệnh, phần lớn những thuật ngữ đã hình thành trong tiếng Việt vào thời kì trong và sau Cách mạng tháng Tám 1945: tư liệu sản xuất, chế độ bóc lột, khủng hoảng kinh tế, tư bản độc quyền, tư bản mại bản…
Điều cần được nhấn mạnh là trong tác phẩm của Bác những thuật ngữ chính trị xã hội phần lớn là các kết hợp thuật ngữ vốn có để tạo nên những khái niệm có tác dụng mở rộng sự hiểu biết cho người đọc, người nghe.
Hướng đến đối tượng có ý thức giác ngộ chính trị và trình độ hiểu biết chính trị cao, Sửa đổi lối làm việc có tỉ lệ thuật ngữ được dùng nhiều hơn hẳn so với hai tác phẩm kia. Trung bình mỗi trang của cuốn này có khoảng từ 8-10 thuật ngữ.
Có những thuật ngữ Bác đặt thành câu hỏi để giải thích cặn kẽ cho cán bộ, đảng viên như: Biện chứng là cái gì?, Trí thức là gì? Có những thuật ngữ là từ ngữ có vẻ quen thuộc, nhưng trong văn bản cần được hiểu cụ thể trong mối quan hệ biện chứng với nhau hoặc phải được hiểu theo tinh thần một Đảng viên, một cán bộ muốn phấn đấu tự hoàn thiện bản thân để có thể trở thành “người cách mạng chân chính”.
Chẳng hạn Bác viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo”. Bác cũng chỉ rõ: “Muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả… lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ… khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt… ngày càng nhiều thêm”. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Và tiếp theo Bác giải thích vắn tắt về năm đức tính ấy. Rồi Bác kết lại “Đó là đạo đức cách mạng”.
Trong các tác phẩm hướng đến đối tượng đông đảo hơn, Bác có cách hành văn gợi nhiều cách tư  duy hình tượng, cụ thể, so sánh, gắn với cuộc sống đời thường.
Mở đầu Đường Cách mệnh Bác dùng hình ảnh từ một câu tục ngữ Trung Quốc mà cũng quen thuộc với người Việt: “Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức” để dẫn tới lời khuyên: “Huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân dân, nếu không hết sức thì làm sao được”. Tiếp theo là hai câu tục ngữ Việt để nâng ý chí: “Người thấy khó thì ngã lòng” vì “không hiểu rằng nước chảy đá mòn và có công mài sắt có ngày nên kim”.
Giới thiệu về các cuộc cách mạng thế giới để người dân thường không chỉ biết được diễn biến của từng cuộc cách mạng và rút ra mặt hạn chế, mặt mạnh của mỗi cuộc cách mạng đó, không phải là dễ. Nhưng người trình bày đã giảng giải theo lối kể chuyện thông thường, dẫn chứng các con số, các sự kiện cụ thể và so sánh các mặt lợi hại để người đọc, người nghe tự rút ra kết luận. Đó cũng là cách Bác giới thiệu và giải thích về các tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng quốc tế.
Chuyển sang Thường thức chính trị, một tác phẩm gần cùng loại vớiĐường Cách mệnh nhưng nội dung được mở rộng, phong phú và đối tượng tiếp nhận có trình độ nhận thức chính trị được nâng cao hơn do hoàn cảnh lịch sử đất nước đã khác trước, nên cách trình bày cũng thay đổi.
Một vài tục ngữ, thành ngữ quen thuộc được dùng không phải để lấy một lẽ thường, chứng minh cho một lập luận trừu tượng, mà nhằm thay cho một động từ, một định ngữ hay trạng ngữ thường dùng để cho hành động, đặc tính trở nên linh hoạt, có hình ảnh hơn. Ví dụ: “Có một số người không lao động thì lại ngồi mát ăn bát vàng”… 
Trình bày những vấn đề cơ bản mà mỗi người công dân của nước Việt Nam độc lập cần biết như chế độ chính trị, giai cấp, dân chủ tập trung, thành phần kinh tế và chính sách kinh tế… qua 50 bài viết trên báo vào thời điểm năm 1953, phong cách của Thường thức chính trị rất linh hoạt. Có những vấn đề còn được trình bày bằng cách giải đáp các câu hỏi, nhưng phần lớn đã được trình bày theo hình thức giảng giải, làm sáng tỏ trọn vẹn một vấn đề và đặt các vấn đề nối tiếp nhau thành một hệ thống chung.
Chẳng hạn đó là hệ thống các vấn đề về sự xâm lược của đế quốc Pháp, con đường giải phóng, động lực cách mạng, giai cấp lãnh đạo cách mạng, cách mạng và kháng chiến… Thực chất đây là loạt bài giảng về cách mạng Việt Nam, mang sắc thái của phong cách giáo khoa được trình bày phần lớn bằng các từ ngữ thường ngày mà người Việt Nam ở thời điểm lịch sử này đã khá quen thuộc.
Thực ra, cách diễn đạt những vấn đề chính trị phức tạp bằng lối nói giản dị, bình dân, theo phong cách giáo khoa của tác phẩm này chính là sự tiếp tục ở dạng phổ thông hơn phong cách ngôn từ đã từng thể hiện trong Sửa đổi lối làm việc. Bởi vì, tuy về mặt thể loại Thường thức chính trị gần với Đường Cách mệnh, nhưng về mặt thời gian lại được viết sau Sửa đổi lối làm việc và phát triển cũng như vận dụng cách trình bày sao cho thích hợp với đối tượng tiếp nhận tác phẩm.
  
Được viết và công bố sauĐường Cách mệnh gần 1/4 thế kỉ đã có rất nhiều thay đổi về mặt lịch sử - xã hội, số lượng thuật ngữ trongSửa đổi lối làm việc gia tăng, phản ánh các sự kiện, các cách nhìn đối với những thay đổi, những sự kiện mới mẻ vốn là điều hợp quy luật. Đáng chú ý hơn là sự phát triển về mặt biện pháp sử dụng ngôn từ của chính tác giả qua các tác phẩm cùng thể loại.Đường Cách mệnh cũng như Sửa đổi lối làm việcđều có đề cập đến Đảng.
Trong Đường Kách mệnh, nghĩa của thuật ngữ "Đảng" được giải thích súc tích chỉ với mấy nghĩa tố sau đây: 1. Chức năng của tổ chức này trong nước và đối với mọi nơi khác; 2. Quan hệ hữu cơ giữa Đảng với cách mệnh; 3. Quan hệ giữa Đảng với chủ nghĩa, tức học thuyết chính trị của Đảng.
Từ Đảng được dùng 20 lần ở chương Lịch sử cách mệnh Nga với mục đích giới thiệu quá trình hình thành Đảng Cộng sản Nga và vai trò của Đảng này trong việc tổ chức, lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Mười. Thuật ngữ Đảng còn được dùng 12 lần để giới thiệu các Quốc tế (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam) và những tổ chức quần chúng có liên hệ.
Trong Sửa đổi lối làm việc người đọc không còn gặp những từ ngữ có cách dùng theo lối nói khẩu ngữ thông thường như dân tình “xục rục”, “chộn rộn” (tức biến động), “tước lục” (tước đoạt), “tước bác”/ “bác tước” (bóc lột), “giắc dai” (kéo dài)… mà nhiều cách dùng có sắc thái khẩu ngữ được thay bằng từ ngữ thuộc văn viết, mang tính thuật ngữ hơn. Chẳng hạn: “cách mệnh đến nơi” → cách mạng triệt để; “giựt lấy chính quyền” → giành chính quyền; “cơ quan sinh sản” → cơ sở sản xuất …
Nhiều tổ hợp từ gồm các thành tố cấu tạo gốc Hán trong Đường Cách mệnh dùng theo trật tự tiếng Hán, đến Sửa đổi lối làm việc đều chuyển sang kết cấu thuận cú pháp tiếng Việt: dân tộc cách mệnh → cách mạng dân tộc; thế giới cách mệnh → cách mạng thế giới; vô sản giai cấp → giai cấp vô sản; công đoàn chủ nghĩa → chủ nghĩa công đoàn; chính trị áp bức → áp bức về chính trị…
Phần lớn các chương trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc thực sự là những văn bản được trình bày theo phong cách giáo khoa, bàn về một vấn đề hoàn chỉnh: Tư cách và đạo đức cách mạng (III); Vấn đề cán bộ (IV); Cách lãnh đạo (V); Chống thói ba hoa (VI).
Trong di sản ngôn ngữ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc,Thường thức chính trị  thuộc số những tác phẩm là cột mốc đánh dấu một sự kiện lịch sử hoặc một giai đoạn quan trọng trong quá trình đấu tranh cho nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Ngôn ngữ của những tác phẩm ấy một mặt cho thấy bước phát triển của tiếng Việt do phản ánh thực tế xã hội lúc bấy giờ và mặt khác còn ghi dấu những đóng góp của tác giả vào tiến trình “hiện đại hoá ngôn ngữ” toàn dân.
Bùi Khánh Thế 
 GS.TS Ngữ văn, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM

Wednesday 24 July 2013

Nguyễn Kim Thản - Chân dung một người khai phá (Phạm Văn Tình - Ngôn Ngữ)


Nguyễn Kim Thản - Chân dung một người khai phá

• Phạm Văn Tình
PGS. Nguyễn Kim Thản kể với tôi, lúc đầu cuộc đời ông không hề có duyên nợ gì với Ngôn ngữ hay Văn chương cả. Ông vốn là một cán bộ làm công tác Đảng, làm tới chức Bí thư huyện uỷ huyện Kim Thành – Hải Dương, rồi Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Hải Dương... Nhớ lại chuyện đó ông hay nói đùa: "Nếu mình cứ tiếp tục con đường này dễ có khi bây giờ mình vào Trung ương rồi cũng nên. Lúc đó các cậu muốn gặp tớ cũng khó đấy!".
[ PGS. Nguyễn Kim Thản ]
Kể cũng lạ cho bước đường công danh sự nghiệp của ông. Có ai ngờ từ một cán bộ hành chính công chức, ông lại trở thành một trong những nhà ngôn ngữ học đầu ngành. Chính nhờ có sự phân công của Đảng, ông được cử đi học Ngữ văn và sau đó làm chuyên gia Việt Nam giảng dạy tại các trường đại học ở Bắc Kinh – Trung Quốc (1950 – 1957). Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1956, sau một năm (1957), Nguyễn Kim Thản về Khoa Văn, làm cán bộ giảng dạy. Lúc đó, ông đã 30 tuổi. Bấy giờ, tuổi ấy mà mới bước vào giảng đường đại học là hơi muộn, nhưng với Nguyễn Kim Thản (và nhiều nhà khoa học khác) lại là quá sớm. Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó do GS. Hoàng Xuân Nhị làm Chủ nhiệm chưa có chuyên ngành Ngôn ngữ học. Người ta chỉ biết đến cái tên Tổng hợp Văn như một ngành duy nhất dành riêng cho Văn học (sau đó có mở thêm lớp Hán – Nôm). Ngôn ngữ học là một cái gì đó còn rất xa vời. Nguyễn Kim Thản được cử làm Tổ trưởng Bộ môn Ngôn ngữ mà giáo viên "dưới quyền" cũng chỉ có mấy thầy. Nguyễn Kim Thản dạy Ngữ pháp, Nguyễn Văn Tu dạy Từ vựng, Lưu Vân Lăng dạy Dẫn luận ngôn ngữ học, Cao Xuân Hạo dạy Ngữ âm...
Sinh viên có xu hướng theo nghiệp thầy cũng có vẻn vẹn chục người. Trong số đó, sau này có người ra trường về quê dạy cấp III (Nguyễn Chúc), có người sang làm văn hoá - nghệ thuật (GS. Lê Anh Trà, Viện Văn hoá Nghệ thuật, đã mất), có người đi đâu không rõ (Kiều Hữu Thể)... duy hiện tại còn 3 trò "bám trụ" đến cùng và đã trở thành các nhà ngôn ngữ học hàng đầu ở các lĩnh vực: GS.TS Hoàng Trọng Phiến (Ngữ pháp học), GS.TS Đoàn Thiện Thuật (Ngữ âm học), PGS. Đào Thản (Từ vựng học). GS. Hoàng Trọng Phiến hồi tưởng lại những ngày đáng nhớ tại giảng đường 19 Lê Thánh Tông (cơ sở của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ). Thầy và trò tuổi gần suýt soát nhau, hoàn cảnh nghèo khó như nhau. Thầy Nguyễn Kim Thản sáng sáng với chiếc xe đạp cà tàng, lọc cọc đạp tận từ phố Cao Bá Quát đến (cả gia đình ông 4 người phải ở thuê trong một căn phòng 16m2). Sinh viên học giáo trình viết tay là chủ yếu, còn nếu được đánh giấy nến in rônêô thành tập thì rất hiếm. Cuốn giáo trình in tipô đầu tiên ra đời năm 1960 do công rất lớn của vị Tổ trưởng Bộ môn Nguyễn Kim Thản. Đó là cuốn "Khái luận ngôn ngữ học" (viết chung cùng với Lưu Vân Lăng, Nguyễn Văn Tu). Cuốn sách mang đậm tư tưởng của các nhà ngôn ngữ học nước ngoài, như A.A. Reformatskij, V.V. Vinogradov... (Liên Xô); Lã Phúc Tương, Cao Danh Khải, Vương Lực, Lê Cẩm Hi... (Trung Quốc). Đó chính là giáo trình ngôn ngữ học đầu tiên mang dấu ấn của thầy trò tổ Ngôn ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Hơn 4 năm giảng dạy ở Khoa Văn học (1957–1961) đã ghi lại dấu ấn đậm nét của thầy Nguyễn Kim Thản: nề nếp, tận tuỵ, ham học hiếm thấy và rất nghiêm túc trong khoa học. Thầy Thản luôn luôn hướng dẫn và yêu cầu học trò thể hiện thái độ học tập, khả năng tư duy khoa học bằng các buổi seminar liên tục, rất sôi nổi và thú vị. Sinh viên đã trau dồi và trưởng thành lên rất nhiều. Cái nôi của ngành Ngôn ngữ học bắt đầu manh nha và lớn lên từ đây. Tới năm 1963, thầy Nguyễn Tài Cẩn (vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ) từ Liên Xô về nước đã tiếp nhận cương vị tổ trưởng do thầy Thản để lại. Nhớ lại những năm tháng đó, thầy Cẩn đã đưa ra một nhận xét chí lí về người tiền nhiệm của mình: "Nguyễn Kim Thản là nhà ngôn ngữ rất đặc biệt. Ông là một trong số ít những người từ lĩnh vực chính trị chuyển sang làm khoa học mà lại rất thành công".
Trong thời kì chống Pháp, ngay từ khi còn học ở Trung Quốc, Nguyễn Kim Thản nóng lòng muốn về Việt Nam để góp sức mình cho cuộc kháng chiến, nhất là khi biết tin ngay tại chiến khu Việt Bắc, Ban Văn – Sử – Địa (tiền thân của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, rồi Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia sau này) đã được thành lập theo quyết định của Trung ương. "Nghe tin Ban Văn – Sử – Địa thành lập mình vui lắm, nhất là ban này do ông Trần Huy Liệu phụ trách. Chà! Ông này thì quả là một kho tri thức. Mà toàn là tự học thôi nhé. Có lần ông Trần Huy Liệu kể với mình, hồi ông bị tù ở Côn Đảo, ông đặt ra nhiệm vụ mỗi ngày học thuộc 120 từ trong "Từ điển Larousse" [cuốn từ điển nổi tiếng của Pháp - PVT]. Thế mà ông làm được mới tài... Quả là Lê Quý Đôn tái thế". Khi còn ở nước ngoài, ông đã nhiều lần gửi bài cho Tạp chí Văn – Sử – Địa và vì vậy, khi trở về nước, GS. Trần Huy Liệu thiết tha mời ông cộng tác. Thời kì ấy, cuộc sống khó khăn thiếu thốn đủ điều. Hoà bình lập lại chưa được bao lâu, đất nước còn bao điều phải lo. GS. Trần Huy Liệu thật thà tâm sự: "Tôi rất muốn anh về cộng tác. Nhưng nói thật, anh về đây thì phải tự lo liệu lấy chỗ ăn ở đấy. Chúng tôi chưa lo được đâu...".
Năm 1963, sau khi kết thúc thời gian giảng dạy tại Lêningrat (Liên Xô), ông được phân về Viện Văn học (do GS. Đặng Thai Mai làm Viện trưởng), làm ở Tổ Ngôn ngữ học, một bộ phận của Viện. Chính từ đây ông đã hoàn thiện và cho công bố công trình ngôn ngữ học đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông: "Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt" (Nxb Khoa học, tập 1: 1963, 436 trang; tập 2: 1964, 292 trang, Nxb Giáo dục tái bản 1977, 638 trang). Đây quả là một công trình đồ sộ về dung lượng nhưng điều quan trọng là qua cuốn sách này, ông đã nghiên cứu và miêu tả một cách hệ thống nhất mọi vấn đề liên quan tới tiếng Việt, như: từ, từ loại, cú pháp... Điều kì lạ là đã hơn bốn chục năm trôi qua mà những tư tưởng học thuật của công trình vẫn còn rất nhiều điều bổ ích đối với giới ngôn ngữ học. Đành rằng nhiều quan điểm học thuật của ông chịu ảnh hưởng khá nhiều của ngữ pháp châu Âu, nhất là ngữ pháp tiếng Pháp, nhưng tính hệ thống cũng như cách thức miêu tả chặt chẽ của tác giả đã giúp ích cho những người nghiên cứu sau này về phương pháp luận nói chung. Các phương pháp tiếp cận cũng như các kết luận học thuật của cuốn sách vẫn giữ được một sức sống lâu bền. Với một hoàn cảnh khó khăn nhiều bề về cuộc sống vật chất, tư liệu khoa học, không khí nghiên cứu lúc bấy giờ... thì việc công bố một công trình như vậy quả là sự nỗ lực phi thường, đáng khâm phục.
Nhưng rồi chiến tranh phá hoại của Mĩ nổ ra ở miền Bắc. Ông cùng đồng nghiệp ở Uỷ ban Khoa học Xã hội khăn gói sơ tán lên vùng rừng núi Hiệp Hoà – Hà Bắc và cùng ăn cơm sắn, cùng lên nương trồng lúa, trồng khoai... với đồng bào. Dĩ nhiên là vẫn phải đảm đương công việc chuyên môn đang canh cánh bên lòng. Đó là việc biên soạn cho xong cuốn bộ "Từ điển tiếng Việt" và "Ngữ pháp tiếng Việt", hai công trình quan trọng làm nền móng cho việc dạy–học tiếng Việt ở nước Việt Nam thời kì mới – điều mà trước đây chưa hề được nghĩ tới chứ chưa nói tới chuyện làm một việc gì, dù nhỏ. Chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó trực tiếp chỉ thị cho giới ngôn ngữ học phải thực hiện ngay nhiệm vụ này. Khi nhớ lại, PGS. Nguyễn Kim Thản bồi hồi xúc động kể:"Quả là một nhiệm vụ đầy trọng trách. Nhưng nói thật với các bạn, lúc đó bọn mình lo lắm. Vừa lo cho cuộc sống, cho cuộc chiến đấu sống còn của dân tộc, vừa phải bắt tay vào làm nghiên cứu biên soạn với hai bàn tay trắng. Sách vở, bút mực còn thiếu thì nói sao làm tốt được. Rồi đào hầm chống bom, dựng lán, làm mọi việc cùng nhân dân... Có hôm máy bay Mĩ ném bom gần chỗ bọn mình, lán cháy đỏ rực... Đêm cũng không dám thắp đèn sợ lộ. Ấy thế mà mọi người vẫn tìm ra cách có ánh sáng để làm việc ban đêm". Ông cười và đọc cho chúng tôi nghe bài vè mà hồi đó anh em tổng kết về đặc điểm của các nhà ngôn ngữ theo các chuyên ngành khác nhau: "Hăng say ngữ pháp (làm ngữ pháp rất khó, phải mạnh dạn mới dám làm), ba láp tu từ (mấy vị tu từ học rất láu lỉnh, hay pha trò), lừ đừ dân tộc (anh em làm ngôn ngữ dân tộc rất kín đáo, ít lời), lộc cộc ngữ âm (tổ ngữ âm thường phải mang theo máy móc ghi âm lỉnh kỉnh), lâm râm từ điển (mấy anh làm từ điển hay ngồi một chỗ lẩm bẩm như cầu nguyện để tìm ra định nghĩa sao cho thích hợp)". Trong những tháng ngày gian khó ấy, ông đã cùng anh em hoàn tất các công trình ngôn ngữ, trong đó có bộ "Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên), "Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam" (Vũ Ngọc Phan),... vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Trong cuộc đời hoạt động khoa học học của mình, PGS. Nguyễn Kim Thản là người duy nhất hai lần làm Tổng biên tập đầu tiên cho hai tạp chí cùng chuyên ngành: Ngôn ngữ và Ngôn ngữ & Đời sống. Cách đây 37 năm (1969), sau một thời gian chuẩn bị, Viện Ngôn ngữ học quyết định cho ra mắt tờ Tạp chí Ngôn ngữ, một diễn đàn chung cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam còn non trẻ. Đây là nỗ lực to lớn của những nhà ngôn ngữ học đầu đàn, như Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Tuệ, Hoàng Phê, Nguyễn Tài Cẩn, Đỗ Hữu Châu, Đái Xuân Ninh, Cù Đình Tú, Tạ Phong Châu... Trên thực tế, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã thực sự hình thành và có những bước tiến mạnh mẽ từ những năm 60 thế kỉ trước mà những người đi tiên phong là PGS. Nguyễn Kim Thản, GS. Nguyễn Tài Cẩn... Bằng tài năng, sức lực và tâm huyết của mình, ông đã có nhiều đóng góp đáng kể cho giới ngôn ngữ. Theo lời PGS. Nguyễn Kim Thản, Tạp chí Ngôn ngữ đang chuẩn bị ra số đầu tiên (9/1969) thì Bác Hồ mất. Thật là một cái tang lớn chung cho toàn dân tộc, nhưng với những người làm công tác ngôn ngữ thì còn là một nỗi niềm thương tiếc vô cùng lớn lao. Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vốn là những người rất quan tâm tới tiếng Việt và việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Vì vậy, anh em trong Viện muốn Bác chia sẻ niềm vui của mình khi tạp chí ra số đầu. Thế nhưng, báo chưa kịp ra thì Bác đã ra đi vĩnh viễn. Nhớ lại chuyện này, ông ngậm ngùi nói: "Thật đau buồn, số tạp chí đầu tiên lại là số đăng tin Bác Hồ mất và Di chúc của Bác. Đây là điều ân hận và nuối tiếc lớn nhất của chúng mình. Thật đau xót biết bao khi nguyện vọng tặng Bác số đầu của tạp chí không bao giờ thực hiện được...". Tạp chí Ngôn ngữ, số đầu tiên in rất dày dặn (108 trang, khổ 16x24cm) với hàng loạt bài của các nhà ngôn ngữ đầu ngành. Tổng biên tập Nguyễn Kim Thản đã có bài nghiên cứu công phu, đặt vấn đề về việc tập trung biên soạn một quyển ngữ pháp tiếng Việt phổ thông - một nhu cầu, một nhiệm vụ luôn canh cánh bên lòng của ông và của bao người. Nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho là đồng thời phải biên soạn các bộ sách ở các lĩnh vực xã hội chính yếu: lịch sử Việt Nam, địa lí Việt Nam, từ điển tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt... Đó là những bộ sách làm nên quốc hồn, quốc tuý đối với một dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra những chân trời mới cho khoa học, nhưng cũng đòi hỏi tiếng Việt phải phát triển ngang tầm thời đại. Cuộc sống đòi hỏi các nhà ngôn ngữ bao điều vừa to lớn, vừa quan trọng, vừa cấp bách...
"Trước hết là phổ cập, trên cơ sở phổ cập mà nâng cao" – PGS. Nguyễn Kim Thản luôn nhắc đi nhắc lại lời căn dặn của Bác khi tập trung xây dựng tờ Tạp chí Ngôn ngữ. Ông lấy đây là nơi tập hợp các ý kiến, các trí tuệ, các thành tựu ngôn ngữ học nước nhà, từ đó mà tiếp tục thực thi các nhiệm vụ trọng tâm. Và thật không ngờ, tờ Ngôn ngữ trở thành một trong những tờ tạp chí chuyên ngành có uy tín khoa học cao trong lĩnh vực khoa học xã hội. Giờ đây, mọi người vẫn ngạc nhiên và khâm phục các bài viết của tạp chí đã ra đời từ hàng chục năm nay, của bao nhiêu thế hệ, trong những tháng ngày gian khổ. Năm 1999, Tạp chí đã kỉ niệm 30 năm ngày thành lập với công trình "Tổng mục lục 1969 - 1999" gồm hơn 1.300 bài viết của hàng trăm tác giả, hệ thống theo các hướng nghiên cứu khác nhau. Quả là một thành tựu to lớn, đáng tự hào mà trong đó, mọi người không thể nào quên công sức của PGS. Nguyễn Kim Thản – vị Tổng biên tập đầu tiên.
Điều thú vị là, đến năm 1992, PGS. Nguyễn Kim Thản lại trở thành vị tổng biên tập đầu tiên của một tờ tạp chí ngôn ngữ khác: Ngôn ngữ và Đời sống (trực thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam). Hội Ngôn ngữ đã thành lập từ năm 1990, nhưng vẫn chưa ra được một tờ tạp chí của riêng mình. Vì Hội là một tổ chức tự nguyện, điều kiện kinh phí rất khó khăn. Lúc đó, Hội rất cần một người có đủ uy tín và năng lực để đứng ra lo việc ra tạp chí. Xin phép ra thì dễ đấy, nhưng ra rồi thì lấy gì duy trì để nó tồn tại. Trụ sở, lực lượng biên tập, tiền in ấn, phát hành... Chưa có ai có kinh nghiệm về việc này cả. Sau bao ngày tháng tìm tòi, cân nhắc, cuối cùng Hội đành phải gõ cửa nhờ PGS. Nguyễn Kim Thản (lúc này đã nghỉ hưu mấy năm rồi) đứng ra "lãnh ấn tiên phong". Tưởng là có thể an trí tuổi già, ai dè "cái nghiệp" vẫn chưa "buông tha", PGS. Nguyễn Kim Thản lại cùng anh em lo dựng lại cơ nghiệp từ đầu, đúng là hoàn toàn bắt đầu từ con số không.
Tạp chí đầu tiên không có trụ sở. Ngay cả đến Hội Ngôn ngữ cũng không có nổi một căn phòng nhỏ để trực tạm chứ nói gì đến Tạp chí. Hội chỉ có một hòm thư liên lạc duy nhất là 53 Nguyễn Du – trụ sở của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam. Rồi sau Hội thuê tạm một phòng ở 25 Hàn Thuyên, nhưng trực tuần có hai buổi. Chúng tôi, những cán bộ "biên chế ngoài" (tức là ăn lương cơ quan khác làm việc cho Hội), được điều động làm cho Tạp chí tuỳ theo công việc. Họp hành cũng tuỳ hứng, rỗi thì họp, không thì lại quay về cơ quan chính để làm. PGS. Nguyễn Kim Thản thường nói đùa: "Các cậu là các biên tập ‘chui’! Chỉ có tớ là Tổng biên tập chính danh thôi đấy!". Làm việc thì chủ yếu ở nhà riêng. Hôm thì ở nhà này, mai nhà khác. May mắn nhờ ai đó có cơ quan rộng cho mượn tạm một buổi thì quá "hên". Có chỗ ngồi, có nước nôi, có khi có cả rượu uống... đàng hoàng. Điện thoại tha hồ gọi. Tuy nhiên, nơi làm việc thường xuyên nhất vẫn là nhà Tổng biên tập, vì ở đó tiện nhất. Hơn nữa, PGS. Nguyễn Kim Thản lại không có phương tiện như người khác. Lúc nào cũng cái xe đạp lọc cọc thì đi đâu cũng ngại, và rồi anh em lại phải đợi chờ. Vì vậy mà anh em thông cảm, cố gắng quá bộ đến nhà ông để ông khỏi phải đi. Tôi nhớ nhiều lần, khi tôi đến, ông nhất quyết không để cho tôi gửi xe, sợ tốn tiền. Ông nhờ bà xuống tận sân đứng trông để tôi lên làm việc. Có hôm phải làm việc lâu khiến tôi rất áy náy. Nhưng ông gạt đi: "Cậu cứ làm cho xong đi. Bà ấy nhà mình quen việc này rồi, đừng ngại. Mỗi tuần đến mấy lần thế này mà gửi xe thì tốn tiền lắm...". Tôi thật chẳng còn biết nói thế nào, đành phải cố gắng làm việc cho nhanh để bà Thu (vợ ông) khỏi chờ lâu. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống ra đời cũng rất chật vật. Số đầu tiên Hội chỉ có thể cấp kinh phí 2 triệu đồng (in cỡ 13x19cm, 1000 bản). Nhưng khi ra đời, ngay lập tức nó đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, nhất là các bậc cao niên, các giáo viên, học sinh. PGS. Nguyễn Kim Thản đã định hướng rất rõ tính chất phổ cập tri thức của tờ tạp chí này. Ông nói: "Ngành mình đã có một tờ Ngôn ngữ rồi, ta lại ra một tờ nữa thì phải khác đi về tôn chỉ mục đích. Mình sẽ không viết những gì "hàn lâm" quá, phải tập trung vào những vấn đề có tính thời sự ngôn ngữ, như cách dùng một vài từ mới, chính tả, viết hoa, viết tắt... Hơn nữa, bài viết sao cho ngắn gọn, dễ hiểu mà phải vui. Người ta cứ ăn mãi một món thì cũng chán. Nên có các tranh vui, nụ cười ngôn ngữ cho dí dỏm, hài hước. Các cậu nên nhớ tờ Ngôn ngữ và Đời sống của chúng ta mang tính magazine (báo) hơn là review (tạp chí)". Đây là những định hướng rất quan trọng đối với bước đường đi tới của tạp chí sau này.
Sau khi ra số thử nghiệm (1992), PGS. Nguyễn Kim Thản bắt tay ngay vào việc cho ra báo định kì bằng việc cho ra tiếp 2 số đặc san (1993). Đầu năm 1994, mọi việc chuẩn bị xin phép Bộ Văn hoá Thông tin cho ra tạp chí chính thức đã hoàn tất. Có thể nói, phải qua khá nhiều trăn trở, nhiều cuộc họp, nhiều cuộc tiếp xúc, việc Hội Ngôn ngữ cho ra mắt Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống vào tháng 6/1994 là một thành công lớn, một cái mốc trong việc truyền bá các hoạt động của Hội. Sự kiện này làm nhiều người ngạc nhiên, ngay cả một số hội viên của Hội. Thực tế thì còn rất nhiều hội trong Liên hiệp Các hội Khoa học và Kĩ thuật thành lập lâu rồi mà vẫn chưa ra được tạp chí, mặc dù điều kiện vật chất của họ khá hơn nhiều...
Công việc đang tiến triển với nhiều triển vọng. Tạp chí từ 3 tháng 1 số đã bắt đầu ra định kì 2 tháng 1 số. Bài vở, nội dung khá dần dần. Và hình thức cũng khá lên. Độc giả chưa nhiều nhưng cũng đã tăng dần lên. Đại hội lần thứ II của Hội Ngôn ngữ học đã đánh giá cao sự nỗ lực của Tạp chí. Hội quyết định bầu PGS. Nguyễn Kim Thản vào Thường vụ Ban Chấp hành khoá mới, đảm trách toàn bộ công tác Tạp chí (dự kiến sẽ tăng 1 tháng 1 số). Nhưng thật không ngờ... 15h20’ ngày 18/10/1995, khi đang chuẩn bị cho nội dung số tạp chí cuối năm, PGS. Nguyễn Kim Thản đã đột ngột ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim bất ngờ. Bất ngờ hơn cả là thời kì này ông tỏ ra sung sức và sức khoẻ khá hơn nhiều so với trước (có lẽ vì thế mà ông đã có phần chủ quan). Cú đột quỵ có thể do nhiều lí do, nhưng phần nào cũng là do một tuần làm việc quá sức của ông... Thế là vị Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống đã ra đi. Ông ra đi với bao điều dang dở...

Tuesday 23 July 2013

Trứng la cốc là gì?




Món ăn Tây gọi là œuf à la coque đã từng có tên tiếng Việt là món trứng nửa sống nửa chín hay trứng bán sinh bán thục (Bon & Dronet, 1889:134 ; Paul Gouzien, 1897:58 ; P. Crépin, 1900:94). Tên gọi này mô tả đúng bản chất của món ăn nhưng nay chẳng ai dùng nữa. Ra nhà hàng gọi trứng nửa sống nửa chín là đã quê một cục rồi. Nói Cho tôi cái trứng bán sinh bán thục chắc họ tưởng mình từ trên trời rơi xuống. Muốn người ta dọn ra đúng món mình muốn, hãy gọi trứng la cốc / la coóc / la cót / la coót.
Thứ nhì đến trứng gà, muốn dùng cách nào cũng được, hoặc ăn chín, hoặc ăn sống, hoặc ăn nửa chín nửa sống (gọi là trứng “la-cốc”).
Thượng-Chi (1921:97) - Nam Phong Tạp Chí số 44 

Monday 22 July 2013

Nude chỉ đẹp khi đúng lúc, đúng chỗ (Trần Ngọc Thêm - Tuổi Trẻ Phỏng Vấn)


"Nude chỉ đẹp khi đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, đúng loại hình"
* Thưa giáo sư, phản ứng không ủng hộ của cộng đồng với ảnh nude của người mẫu Việt có thể lý giải thế nào?
- Chúng ta nên bắt đầu từ chuyện nude trong lịch sử các nền văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
Trong mọi nền văn hóa, nude luôn là hiện tượng đặc biệt vì việc che đậy cơ thể - nhất là che đậy các bộ phận nhạy cảm - là một dấu hiệu phân biệt con người với động vật. Nhưng nếu hiểu rằng vì bộ phận sinh dục xấu nên phải che thì lại rất sai lầm. Việc che thân khởi đầu là giữ ấm cho cơ thể đã kéo theo chức năng bảo vệ cơ quan sinh dục như bộ phận quan trọng nhất. Xét ở góc độ cá thể, nhu cầu ăn là quan trọng nhất, nhưng xét ở góc độ giống loài thì nhu cầu duy trì nòi giống xếp hàng đầu nên cơ quan sinh dục là quan trọng nhất.
Chính nhờ che bộ phận sinh dục mà con người chủ động được hoạt động tình dục của mình, tạo nên tình yêu thiêng liêng, biến con người trở nên vượt trội hẳn so với động vật. Nói vậy để thấy rằng nude (trần truồng) là khoe cái đẹp, cái quýnhưng điều quan trọng nằm ở chỗ cái đẹp, quý sẽ chỉ đẹp, quý khi nó được bảo vệ và khoe đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, đúng loại hình.
Các truyền thống văn hóa khác nhau có triết lý rất khác nhau về nude và cái đẹp. Văn hóa phương Tây coi trọng hình thức nên có truyền thống nude lâu đời trong các loại hình điêu khắc, hội họa, sau này thêm nhiếp ảnh, điện ảnh. Văn hóa Đông Nam Á truyền thống ở xứ nóng nên vốn cũng rất mở, thoáng. Trên Tây Nguyên đến nay vẫn còn những tộc người phụ nữ để ngực trần, nam nữ chỉ che cơ quan sinh dục.
Chỉ từ khi tiếp nhận mạnh Nho giáo (thời Hậu Lê, thế kỷ 15 trở về sau) thì việc “kín cổng cao tường” mới được đề cao. Vậy mà dưới thời Nguyễn, quan niệm: “Đàn ông đóng khố đuôi lươn/ Đàn bà yếm trắng hở lườn mới xinh” vẫn lưu truyền rộng rãi trong dân gian Việt. Nhưng mặc có kín đáo hơn thì người Việt vẫn “nude” - “nude” trong văn hoá ngôn từ. Kho tàng ca dao tục ngữ, truyện tiếu lâm Việt Nam đầy “nude”. Thơ của Hồ Xuân Hương đầy “nude”. Thơ của Nguyễn Du: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên” cũng là “nude”!
Song, do mạch tâm lý của người Việt Nam luôn thiên về âm tính, cộng thêm ảnh hưởng của Nho giáo, nên trên bình diện văn hoá chính thống, sự kín đáo chính thức được xem là giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc.
Từ khi đất nước mở cửa và hội nhập (cuối những năm 1980 trở lại đây), văn hóa phương Tây thâm nhập mạnh mẽ và đối chọi với văn hoá truyền thống. Tranh ảnh, phim ảnh nước ngoài và Việt Nam với những cảnh nude càng ngày càng trở nên bình thường hơn.
Chính trong bối cảnh đó mà một số ít thanh niên đã “đi tiên phong” trong việc công khai “khoe” thân thể của chính mình. Song, do văn hoá truyền thống vẫn chiếm ưu thế nên dễ hiểu là phần đông người Việt vẫn không chấp nhận chuyện “hở hang”. Số ít “đối nghịch” tất sẽ bị số đông lên án.
* Theo giáo sư, ranh giới nào cho ảnh nude nghệ thuật và ảnh nude dung tục?
- Nghệ thuật bao giờ cũng hướng thượng, hướng về tinh thần, khiến tâm hồn con người trở nên lãng mạn, bay bổng. Dung tục bao giờ cũng hướng hạ, dẫn con người xuống cõi vật chất thô thiển, tầm thường. Cho nên điều quan trọng không phải là tấm ảnh có nude hay không, mà là tấm ảnh tạo ra ấn tượng, cảm xúc gì cho người xem, hướng người xem đến điều gì?
Một tấm ảnh mà nhân vật có mặc đồ vẫn có thể gợi dục một cách dung tục khi nó hướng sự chú ý của người xem đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, nghĩ đến chuyện làm tình. Trong khi ở một tấm ảnh nude nghệ thuật, nhân vật tuy không mặc gì nhưng vẫn có thể không phô bày những chỗ kín một cách sống sượng mà hướng người xem tới việc cảm nhận được nét đẹp của cơ thể con người - món quà tuyệt vời nhất của tạo hóa.
Tất nhiên, ranh giới này không phải là cái gì tuyệt đối, nó mang tính mức độ; vì vậy thưởng thức giá trị của một tấm ảnh nude nghệ thuật còn tùy thuộc vào bản lĩnh và trình độ mỗi người.
Cần phải nói thêm rằng, thật ra, ngay các phim ảnh khiêu dâm, kích dục cũng đừng nên cực đoan mà xem là cái gì phi đạo đức, vô giá trị hoàn toàn. Chỉ có điều, chúng được làm ra để phục vụ cho những đối tượng cụ thể, trong một phạm vi hẹp (ví dụ như những người phụ nữ lãnh cảm, những người đàn ông yếu sinh lý).
* Khi bị chỉ trích, các người mẫu chụp ảnh nude “phản pháo” rằng lỗi là do người xem không biết thưởng thức nghệ thuật và chụp nude là “chuyên môn” của họ. Thái độ này có phải là cách “tự vệ” nên có của người làm nghệ thuật?
Về chuyện “chuyên môn”: Hiện nay ảnh nude không chỉ xuất hiện ở giới người mẫu mà có ở cả giới ca sĩ, diễn viên. Phải công bằng mà thừa nhận rằng do “công cụ hành nghề” của người mẫu chính là cơ thể họ nên nói rằng chụp nude là công việc “chuyên môn” của họ là không sai.
Song những ca sĩ, diễn viên tài năng trung bình (không kiêm người mẫu) mà cố tình đưa ảnh nude ra để tạo scandal nhằm làm nổi tên tuổi của mình thì rõ ràng là đã làm một việc không chính danh (dùng thể xác để thay thế tài năng) và việc bị lên án là không oan.
Về năng lực thưởng thức nghệ thuật của người xem: Chức năng của người làm nghệ thuật là sáng tạo để phục vụ công chúng, vì vậy khi đưa tác phẩm của mình đến công chúng cần phải hiểu rõ tâm lý, nguyện vọng của họ.
"Điều quan trọng là các cơ quan chức năng và giới truyền thông phải làm sao để định hướng cho xã hội không trì trệ bảo thủ, nhưng cũng đồng thời đừng chạy theo những gì chỉ thuộc về hình thức, những “bong bóng xà phòng” vốn không phải là giá trị nhân cách con người" - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
Người tham gia sáng tạo ảnh nude cần có kiến thức về mỹ học để hiểu được cái đẹp trong các lĩnh vực, về sự khác biệt giữa cái đẹp tinh thần và cái đẹp thể chất, về sự khác biệt trong quan niệm về cái đẹp ở các vùng, các loại hình văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, họ cũng cần có kiến thức nền về văn hóa, có đủ độ nhạy cảm, độ tinh tế để phân biệt được ranh giới mỏng manh giữa cái đẹp nghệ thuật và cái dung tục, kích dục.
Ảnh nude là sản phẩm dành cho một nhóm công chúng nhất định. Người chê ảnh nude, ngay cả ảnh nude nghệ thuật, không nhất thiết là người có trình độ thấp, mà đơn giản là đó không phải cái “gu” của họ. Nếu người làm nghệ thuật công bố ảnh nude không đúng đối tượng rồi quay ra chê bai công chúng kém văn hóa, không đủ tầm để thưởng thức nghệ thuật thì rõ ràng là trình độ, thái độ, quan niệm của người làm nghệ thuật cũng có vấn đề.
Cần tránh sự “lệch pha” giữa tác phẩm và công chúng
* Theo giáo sư, truyền thông có trách nhiệm gì trong câu chuyện ảnh nude của giới giải trí?
 - Cũng có người cho rằng, báo chí đăng tải ảnh hở hang để thu hút khách, còn người xem chỉ để mua vui phút chốc. Thật ra, không có gì là giải trí đơn thuần, chức năng giải trí của báo chí không bao giờ tách rời khỏi chức năng giáo dục.
Khi người xem đọc những câu chuyện giải trí về tấm gương nỗ lực trau dồi nghề nghiệp thì bạn cũng sẽ có động lực cố gắng trong cuộc sống, còn khi xem những chuyện vụn vặt đời tư thì bạn cũng dễ sa vào những vụn vặt, suy nghĩ của bạn dễ trở nên tầm thường.
* Một số bậc phụ huynh lo lắng ảnh nude dung tục của giới nghệ sĩ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của lớp trẻ, giáo sư nghĩ gì về điều này?
- Phụ huynh lo lắng điều ấy là có cơ sở. Những bộ ảnh nude khi đăng tải không đúng nơi, phục vụ không đúng đối tượng chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy không mong đợi. Nghệ thuật là khôn cùng, nhưng những người làm công tác quản lý văn hóa lẽ ra cần xây dựng một hệ thống phân loại tác phẩm nghệ thuật và những quy định mang tính pháp luật về độ tuổi, về thời gian trong ngày để thưởng thức từng loại sản phẩm nghệ thuật.
Bộ máy quản lý xã hội hiện nay có phần chú trọng nhiều đến chính trị, kinh tế hơn là văn hóa, trong khi yếu tố quan trọng nhất trong xã hội luôn phải là yếu tố văn hóa, con người. Con người có văn hóa lành mạnh sẽ tạo ra một nền kinh tế và chính trị lành mạnh.
Người xem nói chung và gia đình nói riêng cũng có một phần lỗi nếu để con em bị tác động xấu bởi ảnh nude. Xã hội Việt Nam truyền thống tồn tại dựa vào cộng đồng, con người trở nên lệ thuộc. Còn xã hội đương đại với tính mở của nó đòi hỏi người đọc, người xem phải có bản lĩnh, biết lựa chọn, biết cái gì không hợp với mình thì đừng xem.
Phụ huynh phải dạy cho con em biết tự chịu trách nhiệm với mỗi hành động của mình, cần giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm để trẻ tỉnh táo khi đối diện với những vấn đề liên quan đến tình dục.
* Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi!
Khởi động từ ngày 10-6 với bài viết Sao "khoe thân": nghệ thuật hay gợi dục?, diễn đàn về sự xuất hiện tràn lan hình ảnh "mát mẻ" của người nổi tiếng thật sự thu hút sự chú ý và đóng góp ý kiến của bạn đọc.
Có thể cảm nhận rõ ràng phản ứng khá giận dữ của rất đông bạn đọc trước hiện tượng một số sao Việt đang hào hứng với việc "khoe" và "cởi" để tạo ra những bộ ảnh nude, bán nude "không có lợi lộc gì cho ai" và gây tác hại đến thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ, với dự báo chung là nhiều bạn trẻ sẽ theo đó mà lầm lẫn rằng càng "khoe" nhiều thì càng dễ nổi tiếng, thành công.  
Nhưng cũng có một "lực lượng" độc giả cho rằng chính khán giả Việt đã quá bảo thủ, thiếu hiểu biết về ảnh nude nghệ thuật nên chụp mũ và phán xét các sao, thiếu tôn trọng công việc chuyên môn của giới nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu.   
Hai người mẫu từng có những bộ ảnh nude gây xôn xao cộng đồng là Ngô Tiến Đoàn và Nguyễn Thanh Hằng cũng tham gia chia sẻ những suy nghĩ khi thực hiện các bộ ảnh và nhấn mạnh rằng đó chỉ là công việc, mong nghệ thuật được công chúng nhìn nhận.
Diễn đàn cũng nhận được sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, văn hóa, nghệ sĩ nhiếp ảnh...cung cấp cái nhìn đa dạng về truyền thống văn hóa Việt Nam, lịch sử nude, những giới hạn văn hóa, đạo đức mà sao Việt cần vượt qua hay dừng lại để giữ được hình ảnh đẹp của mình trong con mắt của công chúng.
Điều quan trọng là TTO muốn thông qua diễn đàn để ngày càng rút ngắn những cách biệt giữa tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ với cảm nhận của công chúng. Khi công chúng lên tiếng tức là muốn đóng góp những thiện ý tốt đẹp để góp phần xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam ngày càng sáng tạo, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc Việt.
Khi công chúng lên tiếng tức là muốn gửi những cảm xúc tốt đẹp, hướng thiện mong những người làm nghệ thuật sẽ ngày càng hoàn thiện tài năng và tư cách làm nghề. Đồng thời những chia sẻ của người trong cuộc cũng là để công chúng chia sẻ, hiểu rõ và có cái nhìn bao dung hơn với công việc vốn rất nhiều thử thách của giới nghệ sĩ.
Diễn đàn đã bắt đầu và tiếp diễn một cách sôi nổi, đầy tinh thần trách nhiệm nhờ sự tham gia nghiêm túc của đông đảo bạn đọc. Tuổi Trẻ Online chân thành cảm ơn sự đồng hành của bạn đọc với diễn đàn. Xin hẹn gặp lại trong những "bàn tròn online" tiếp theo.