Thursday 29 August 2013

Có thâm nhiên là có cái gì?



Thâm niênlâu năm (Lê Văn Đức, 1971b:1528). Thời bao cấp chỉ tính thâm niên cho người đi làm công nhân viên nhà nước. Vì vậy thâm niên được định nghĩa trong từ điển là khoảng thời gian (tính bằng năm) làm việc liên tục trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là liên tục trong một nghề (Nguyễn Kim Thản, 2005:1497 ; Hoàng Phê, 2006:921). Nhưng cũng vì vậy nhiều người, nếu không dính dáng đến nhà nước, không biết thâm niên là cái gì (cả đời không nghe nói đến chuyện thâm niên).
Hậu quả là hôm nay người ta có thể hồn nhiên viết có thâm nhiên mà không biết là sai. Hôm nay (29/07/2013) Google cho biết có số trang đúng chính tả (có thâm niên) là 8.560.000. Chỉ  21.000 trang viết sai có thâm nhiên. Tất cả đều là trang Web trong nước. Trong số đó phần nhiều là báo mạng danh tiếng (VnExpress, Dân Trí, Người Lao Động...). Không có trang tiếng Việt nào ở hải ngoại viết sai trong trường hợp này. Lạ không?

Wednesday 28 August 2013

Chủ tịch Hồ Chí Minh sao có thể không hiểu thủy vũ là gì?



Năm 1959 chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm tuyến đảo Đông Bắc.
()
Thủy vũ, liệt xa, hỏa xa, xa trường, xa viễn... đều là từ ngữ mượn của Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sao có thể hiểu thủy vũnhảy múa dưới nước? Chẳng qua là Người thấy từ đó không phù hợp, cần có từ  ngữ khác cho nó mới, nó phù hợp. Từ ngữ của dân tộc ta không thiếu đâu.
Thủy vũ do Trung Quốc viện trợ, cố vấn Trung Quốc dạy cách sử dụng.
()
Bác Hồ  không thích từ thủy vũ nên từ này về sau được thay bằng vũ khí dưới nước chứ năm năm trước đó hải quân Việt Nam sang Trung Quốc chỉ có thể học thủy vũ và sử dụng từ thủy vũ ít ra là cho đến khi Bác ra thăm các đảo Đông Bắc.

Cũng trong năm 1955 hàng ngàn công nhân Trung Quốc tham gia thi công tuyến đường sắt Hà Nội – Hữu Nghị Quan. Chỉ trong vòng bốn tháng, họ đã làm xong 167 km đường ray. Ngày 28/2/1955 chuyến tàu tốc hành đầu tiên nối Hà Nội – Bắc Kinh – Mạc Tư Khoa – Bá Linh rời ga Hà Nội. Trung Quốc. Trung Quốc cũng giúp Việt Nam làm tuyến đuờng sắt Hà Nội – Vân Nam dài 386 km với 713 cây cầu) (Fall, 1960:122). Đó là lý do vì sao thuật ngữ đường sắt Việt Nam thời ấy toàn lấy từ tiếng Trung Quốc, khiến Bác Hồ phải bực mình.

Lệ thuộc ra mặt không phải là điều hay ho gì.

Tuesday 27 August 2013

Những hành vi độc hại của một khuynh hướng tư tưởng sai lầm (Trần Hữu Phước - Sài Gòn Giải Phóng)

CHÍNH TRỊ


Kể chuyện làm phim “Việt Nam” của Roman Karmen (Thanh Hằng - Công An Nhân Dân)

Thứ Hai, 18/03/2013 - 9:05 AM
Gần 10 năm trước, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, người dân Việt Nam đã được tái ngộ những thước phim vô cùng quí giá của bộ phim tài liệu nghệ thuật “Việt Nam” của đạo diễn: Roman Karmen, nhà quay phim tài liệu - thời sự kiệt xuất của Liên Xô.
Gói gọn trong 70 phút phim, mà R. Karmen đã rất tài tình khi giới thiệu về Việt Nam, một đất nước văn hiến với những con người kiên cường, bất khuất. Cho đến nay, bộ phim vẫn còn nguyên giá trị, cả về nội dung lẫn hình thức, với những hình ảnh vô cùng quí báu của Việt Nam một thời, cho thấy tầm vóc anh hùng của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên phủ. (Nhiều người đã được xem bộ phim này, nhưng là bản đen trắng với cái tên "Việt Nam trên đường thắng lợi").
Cùng với các nhà làm phim người Nga, bộ phim còn có các nhà làm phim Việt Nam phối hợp thực hiện: Mai Lộc, Hồng Nghi, Quang Huy, Tiến Lợi và nhà văn Nguyễn Đình Thi với vai trò cố vấn văn học. Cho đến nay, hầu hết những người tham gia vào bộ phim đều đã mất.
Nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi, cho biết: Trong số những người cùng với các nghệ sĩ người Nga rong ruổi nhiều tháng trời ở nhiều miền đất nước, góp phần làm nên bộ phim lịch sử này, có NSND Nguyễn Khắc Lợi, khi đó là phụ quay của một nhóm. Chúng tôi đã tìm đến đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi, ông đã ở tuổi 82, nhưng người đạo diễn vốn đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho điện ảnh CAND, một nhân chứng quan trọng của bộ phim “Việt Nam” vẫn rất minh mẫn, khi cùng chúng tôi ngược dòng ký ức.
Theo lời NSND Nguyễn Khắc Lợi, năm 1954, R. Karmen và đoàn làm phim Liên Xô đã đến Việt Nam, giúp Việt Nam ghi lại những giờ phút hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, tái hiện một giai đoạn lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà làm phim người Nga. Họ chia làm 3 nhóm, trước khi hội tụ về Hà Nội quay cảnh đại quân ta tiếp quản Thủ đô: R. Karmen làm phim ở chiến khu Việt Bắc, gặp gỡ và quay cảnh về các lãnh tụ Việt Nam. Nhóm do ông Isurin phụ trách, chuyên về cuộc sống của nhân dân Việt Nam, đến Nghệ An, còn nhóm của Mukhin, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi và quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi, chuyên quay về quân sự, lên Điện Biên và nhiều tỉnh khác.
Chặng đường từ Thái Nguyên lên Sơn La vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhóm chủ yếu đi ban đêm để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Giao thông bị phá hủy, nên hầu như mọi người phải đi bộ.
Cảnh trong phim “Việt Nam” của Roman Karmen.
Dẫu đã gặt hái không ít thành công trong điện ảnh, từng được thưởng thức nhiều bộ phim tài liệu của các nước, mà NSND Nguyễn Khắc Lợi vẫn phải ngưỡng mộ trước cách làm phim đầy sáng tạo của R. Karmen: Dù là phim tài liệu, nhưng không phải cảnh nào cũng thật, mà được dàn dựng. Nhưng quan trọng là, cách dàn cảnh và xử lý giữa các cảnh thật - giả của ông rất tài tình, để khán giả xem và tin. Đó là những cảnh quay mà đến hôm nay, vẫn khiến mọi người xúc động, như trận chiến giữa ta và địch ở Điện Biên Phủ, cảnh kéo pháo, cảnh quân ta mang máy móc rời Thủ đô đi kháng chiến v.v…
Để có những thước phim quí giá này, không chỉ những người làm phim vất vả, gian truân, mà những người lính tham gia cũng phải chịu hy sinh. Cảnh bộ đội ta kéo pháo ở Điện Biên trong phim, được R. Karmen cho dàn dựng và quay tại Tuyên Quang. NSND Nguyễn Khắc Lợi nhớ lại: Để lột tả cảnh bộ đội ta kéo pháo lên Điện Biên vất vả, lại giữa làn bom đạn của kẻ thù, Mukhin bố trí bên cạnh đoàn quân một số người lính trú sau bụi cây làm nhiệm vụ ném thủ pháo. Khi bộ đội đã kéo pháo, phim đã quay, mà thủ pháo vẫn không nổ.
Thì ra, khi đó chưa có kíp điện tử, phải dùng dây cháy chậm, nên lẽ ra phải đốt dây rồi mới ném, nhưng mấy anh lính chưa đốt đã vội ném. Sau 2 lần, Trung đội trưởng liền bảo mấy cậu lính ra để mình làm thay. Anh rút bật lửa, đốt dây cháy chậm, không ngờ, dây cháy chậm cắt quá ngắn, nên đã nổ ngay khi anh chưa kịp ném, khiến cả đống thủ pháo trước mặt cùng nổ tung. Người Trung đội trưởng đã hy sinh cho những thước phim quý giá…
Tháng 10/1954, trước khi ta tiếp quản Thủ đô vài ngày, cả 3 nhóm làm phim “Việt Nam” đều kéo về Hà Nội. NSND Nguyễn Khắc Lợi tự hào: Về Hà Nội sớm, nên nhóm của Mukhin may mắn ghi lại được hình ảnh quân đội Pháp rút khỏi Thủ đô ở cầu Long Biên, nơi có một đoàn quốc tế giám sát. Hình ảnh này hơn mọi lời bình về sự thảm bại của Pháp.
Bộ phim “Việt Nam” có lẽ là duy nhất đã ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội năm 1954.
Ở Nghệ An, để có cảnh quay một con hổ sống, các lãnh đạo địa phương rất bối rối. Nhưng Isurin nói rằng: Các anh cần tin vào nhân dân, họ sẽ làm được điều đó. Thế mà đúng. Những người dân báo tin có hổ về, rồi tổ chức vây chặt con hổ trên đồi, cắm nứa vót nhọn xung quanh, để con hổ phải nằm im chịu trận. Đợi 2 ngày sau, khi con hổ khát nước, người dân lại mở một lối nhỏ để con hổ xuống suối uống nước. Cảnh quay con hổ đắt giá trong phim đã được chính những người dân “dàn dựng” như thế.
Tài tình của R. Karmen là đã đan xen giữa cảnh thật với cảnh dựng, nhưng đều dựa trên sự thật lịch sử: Cảnh bắt sống tướng Đờ-cát được dựng lại ở núi rừng Tuyên Quang, nhưng đi kèm đó là cảnh quân Pháp kéo cờ hàng ở Điện Biên phủ là phim tư liệu thật. Hình ảnh đầy ý nghĩa của đoàn tù binh Pháp được R. Karmen bố trí quay ở khu vực Trại giam Lý Bá Sơ (Tuyên Quang), nhưng cái thật chính là hàng dài tù binh với cận cảnh những gương mặt vô hồn vì khiếp đảm. Và đó là câu trả lời đanh thép mà R. Karmen đưa ra: Họ chiến đấu không có lý tưởng, vì chỉ là những người lính đánh thuê cho một cuộc chiến phi nghĩa.
NSND Nguyễn Khắc Lợi.

Nhớ về những ngày đầu tiên bước chân vào điện ảnh, đã được làm việc cùng những nghệ sĩ danh tiếng của nước ngoài, NSND Nguyễn Khắc Lợi chia sẻ: Điều mà tôi quan sát và học được từ R. Karmen qua chuyến làm phim “Việt Nam” chính là phải tôn trọng sự thật và phản ánh tất cả những gì sự thật có. Nếu được phép hư cấu, cũng vẫn phải dựa trên nền sự thật, mới có sức thuyết phục để khán giả tin vào tác phẩm.
Ông cho quay dựa trên ý đồ có sẵn, nhưng điều rất quan trọng là việc dựng phim đã nêu bật được ý đồ của tác giả. Về sau, tôi học và làm về phim truyện, nhưng tôi vẫn ấn tượng về cách làm phim của R. Karmen, nên phim của tôi thường không theo bố cục, từ cái nọ sang cái kia, mà làm như đời thực, để khán giả thấy cuộc sống trong tác phẩm chứ không phải là bố cục. Và tính nghệ thuật, tính chân thực, giàu sức biểu cảm mà tôi ấn tượng ở phim, còn là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam cuộn bay trước khi xòe tung ở ngay phút mở đầu bộ phim - sự sáng tạo rất Roman Karmen!

Đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết Đại gia (Nguyễn Vinh - Sài Gòn Tiếp Thị)


SGTT.VN - Ông Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books), đơn vị liên kết với NXB Lao động đầu tư in hai tập tiểu thuyết Đại gia (tác giả Thiên Sơn) vừa gửi thông báo đến các đối tác phát hành trong nước đề nghị ngưng phát hành, gỡ bỏ quảng cáo và thu hồi tác phẩm trên về kho Alpha Books.
Bìa bộ tiểu thuyết gồm hai cuốn của nhà văn Thiên Sơn.
Trước đó, công văn số 2896 / CXB – QLXB ngày 31.7.2013 do ông Chu Văn Hòa, cục trưởng cục Xuất bản ký, gửi đến NXB Lao Động và Alpha Books, đã đề nghị hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”, “chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách trên” và yêu cầu “có văn bản gửi về cục Xuất bản trước ngày 25.8.2013”.
Theo công văn trên, sau khi “kiểm tra nội dung” bộ tiểu thuyết Đại gia (gồm 2 tập: Tam giác ngầm và Quyền lực đen), cục Xuất bản đưa ra ý kiến: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.
Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”
Hai tập tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn dày hơn 1.100 trang, được in với số lượng 1.000 bản theo quyết định xuất bản của giám đốc NXB Lao động số 77/QĐLK-LĐ ngày 28.5.2013; sách in xong và nộp lưu chiểu quý 3/2013.
Theo nhận định của nhà văn Võ Thị Hảo được trích dẫn trên bìa 4 của hai tập sách: “Tác giả đã đau đớn để nhận biết, để đồng hành, để cập nhật với nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực đen. Một khát vọng cháy bỏng muốn hành động để sự bóp méo này, ung hoại này được cắt bỏ và những vết thương lành lại”.
Tác giả Thiên Sơn, tên thật Nguyễn Xuân Hoàng, sinh năm 1972 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, là hội viên Hội nhà văn VN, hiện công tác tại Tạp chí Điện Ảnh Việt Nam. Trước tiểu thuyết Đại gia, ông đã có 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết đã được xuất bản và từng dành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn VN (2006-2010) với tiểu thuyết Dòng sông chết.
TIN, ẢNH: NGUYỄN VINH

Tiểu thuyết ‘Đại gia’ bị ngừng phát hành vì 'cường điệu quá mức' (Hoàng Anh - VnExpress)


Theo Cục xuất bản, tác phẩm "đề cập đến một số vấn đề nhạy cảm với tính chất cường điệu quá mức", trong khi tác giả cho rằng, anh chỉ hư cấu mà hư cấu là đặc quyền của tiểu thuyết.
Phát hành cuối tháng 7, bộ tiểu thuyết "Đại gia" gồm hai cuốn - "Tam giác ngầm" và "Quyền lực đen" - của nhà văn Thiên Sơn (tên thật là Nguyễn Xuân Hoàng) lập tức bị yêu cầu ngừng phát hành để thẩm định lại.
Trong công văn của Cục Xuất bản gửi tới NXB Lao Động và Công ty Cổ phần sách Alpha - hai đơn vị liên kết phát hành - ngày 1/8, nêu: "Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối quan hệ 'làm ăn' kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cao cấp của nhà nước và những thủ đoạn mánh khóe, trong công tác tổ chức cán bộ. Qua tác phẩm, người đọc thấy một 'tam giác ngầm' mà ở đó quyền lực, tiền bạc và gái gú cấu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.
Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề 'nhạy cảm' hiện nay với tính chất cường điệu quá mức cùng với những nhận định, đánh giá chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội". 
dai-gia5-1377507629.jpg
Bìa tập 1 tiểu thuyết "Đại gia" và nhà văn Thiên Sơn.
Nhà văn Thiên Sơn - tác giả tiểu thuyết “Đại gia” - cho biết, bộ sách được anh khởi viết cuối năm 2008, hoàn thành tháng 6/2011 và in cuối tháng 7 năm nay. Nội dung cuốn sách là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu của tác giả, về mối quan hệ giữa người đẹp - đại gia, giới quan chức, về những quan hệ làm ăn có những thế lực ngầm chống đỡ phía sau. Phản ứng trước ý kiến "cường điệu quá mức" như trong công văn của Cục, tác giả Thiên Sơn cho rằng, nghệ thuật phải hướng đến cái độc đáo, phi thường và không thể đồng nhất với sự cường điệu. "Hư cấu là công việc của nhà văn và đối với văn chương, việc hư cấu là không giới hạn. Tác phẩm của tôi có đề cập những đề tài nóng của xã hội: vấn đề tham nhũng, quyền lực ngầm... nhưng trong công cuộc chống tham nhũng của cả xã hội hiện tại thì đó là vấn đề thức thời, hợp lý và không có gì sai trái", anh nói.
Nhà văn mong những người thẩm định tác phẩm hãy đọc một cách sáng tạo, đừng soi mói, đối chiếu văn chương với hiện thực để quy kết.
Công văn của Cục đề nghị tác phẩm phải được thẩm định lại. Tác giả bộ sách cho rằng, buổi thẩm định nên được công khai và để cho những người có trình độ văn chương ở các cơ quan văn học lớn như Hội Nhà văn, Viện Văn học đánh giá. Tác giả cũng đề xuất mở một cuộc điều tra độc giả, nếu cần thiết, để biết nhận định của họ, liệu có "ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội" như ý kiến của Cục hay không. Theo anh, con số những bạn đọc ủng hộ tác phẩm trên mạng xã hội khá đông, khiến anh cảm thấy vui hơn là buồn.
Tác giả cũng cho rằng, phía Cục khi ký quyết định đã không thực sự đọc kỹ tiểu thuyết của anh. Tập một của "Đại gia" có tên "Tam giác ngầm" nhưng trong công văn của Cục lại có chỗ đề "Tam giác vàng".
Phía Nhà xuất bản Lao động - bà Võ Thị Kim Thanh - cho biết, họ đã gửi công văn tới Cục xuất bản đề xuất cách xử trí và đang chờ quyết định từ phía Cục.
Hoàng Anh

Thực hiện nghiêm chỉnh những điều đảng viên không được làm (Trần Hữu Phước - Tạp Chí Cộng Sản)


17:0' 7/8/2012

TCCS - Được rèn luyện và thử thách trong cách mạng dân tộc dân chủ, trong chiến tranh, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước, Đảng ta chẳng những có đường lối đúng mà còn xây dựng được lớp lớp cán bộ đảng viên làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Điều lệ Đảng đã quy định đầy đủ và chặt chẽ mọi tiêu chuẩn và yêu cầu cơ bản cần thiết bắt buộc mọi đảng viên phải tuân thủ và chấp hành. Thế nhưng, tại sao trong Đảng hiện nay vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém chưa được ngăn chặn, đẩy lùi? Giải thích thực trạng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đó chính là do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục,lãnh đạo, quản lý; do sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính của một số cán bộ, đảng viên”.


Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn, xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ là xây dựng một nền kinh tế mới, một xã hội mới, mà còn là xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa, đem lại giá trị chân chính cho con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, trở thành chủ thể tự giác trong sự sáng tạo lịch sử. Tuy nhiên, việc cải tạo con người, thay đổi ý thức của con người không thể là một quá trình tự phát. Đường lối đúng tự nó chưa đủ để loại trừ mọi sai lầm, hư hỏng của cán bộ, đảng viên, bởi vì đúng, sai, tốt, xấu, tích cực, tiêu cực của đảng viên còn phụ thuộc nhiều nhân tố ngoài đường lối, phụ thuộc vào cả bản thân người đảng viên. Chính vì lẽ ấy, Đảng ta coi công tác xây dựng Đảng là một vấn đề tổng hợp, là sự thống nhất biện chứng giữa giáo dục tư tưởng chính trị và giáo dục đạo đức, coi việc xây dựng thế giới quan khoa học và xây dựng tiêu chuẩn đạo đức cách mạng cho đảng viên là nhiệm vụ trung tâm. Việc ban hành Quyết định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011, của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm” xuất phát trên cơ sở tư duy lý luận và sự định hướng đúng đắn đó.
Trong 19 điều đảng viên không được làm, trước hết cần nhấn mạnh 3 điều đầu tiên nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên; nhằm tạo hành lang an toàn và hệ thống “miễn dịch” ở trong Đảng. Bởi, người đảng viên phải nghiêm túc thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, không được nói và làm trái với nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, không được viết và tán phát những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gieo rắc “nọc độc” tư tưởng trong quần chúng và gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cuối những năm 80 - đầu những năm 90 thế kỷ XX nhắc chúng ta không bao giờ quên một điều cay đắng: một Đảng Cộng sản cầm quyền đã tự triệt tiêu mình do xa rời và từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chấp nhận “trọn gói” trào lưu tư tưởng của giai cấp tư sản phương Tây và tư tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ, đã rơi vào sự hỗn loạn về tư tưởng và đường lối, đã đánh mất trụ cột tinh thần và năng lực tập hợp tư tưởng, đánh mất tính nhạy bén về chính trị và năng lực phân biệt phải trái, đúng sai, mất hết khí phách và bản lĩnh.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào hạ tuần tháng 9-2000, Giáo sư, Viện sĩ A-lếch-xan-đơ Li-lốp, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bun-ga-ri, đã nói rõ: “Ở Liên Xô và ở nước chúng tôi, rất nhiều người nói rằng Goóc-ba-chốp là một kẻ phản bội. Trong thời kỳ đó, ở Liên Xô và ở Bun-ga-ri quả thật là có rất nhiều kẻ phản bội. Mà những kẻ phản bội lại thuộc giới lãnh đạo cấp cao, có những kẻ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên là bộ trưởng. Có lẽ trong lịch sử chưa có thời kỳ nào lại xảy ra hiện tượng phản bội nhiều như vậy”.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu là chiến lược “diễn biến hòa bình” của phương Tây và chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, tư tưởng đầu hàng phản bội của những người lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô. Cái thứ nhất là nguyên nhân bên ngoài, cái thứ hai là nguyên nhân bên trong, tất nhiên nguyên nhân bên trong là chủ yếu. Nếu bên trong không có những “con ngựa thành Tơ-roa” thì nhất định trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga không thể xảy ra một “cơn địa chấn” bi thảm về chính trị vào mùa Thu năm 1991. Chúng ta nhớ tình hình ở Cu-ba lúc bấy giờ còn nguy hiểm hơn nhiều so với Liên Xô và Đông Âu. Nhưng một Cu-ba kiên định, không lay chuyển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đến nay vẫn hiên ngang đứng vững, trở thành pháo đài chiến đấu kiên cố của các nước Mỹ La-tinh. Điều đó có nghĩa là mưu đồ thực hiện “diễn biến hòa bình”, xuất khẩu “phản cách mạng”, kích động dư luận núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị trong các nước xã hội chủ nghĩa là một biện pháp thâm độc không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch. Nhưng có chấp nhận cấp giấy nhập cảnh, cấp “hộ chiếu đỏ” để cho các thế lực phản động vào thực hiện sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “xuất khẩu phản cách mạng” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và triệt tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước mình hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ngoài nguyên nhân do một số lãnh đạo cấp cao của đảng rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội hữu khuynh, mắc sai lầm lớn về đường lối, phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa, còn có một nguyên nhân rất cơ bản là các đảng cộng sản ở đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi... Những vết xe đổ đó là bài học nhãn tiền, có tác dụng cảnh báo rất đắt giá đối với chúng ta. Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc… Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm…”.
Mười sáu điều quy định ở phần sau của Quyết định số 47-QĐ/TW “Về những điều đảng viên không được làm” có thể ví như những “biệt dược” giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa về phẩm chất đạo đức và lối sống. Sở dĩ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm và đón nhận với một tình cảm hổ hởi, vui mừng là vì Đảng đã đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng giải pháp để tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vạch rõ: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống xa cách người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức L. Phoi-ơ-bắc đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”.
Quả là như vậy. Giờ đây, sự phân hóa giàu nghèo không chỉ có trong xã hội, mà còn có cả trong nội bộ Đảng. Dinh cơ, tài sản và cuộc sống của một số gia đình cán bộ lãnh đạo đương chức hoặc đã thôi chức so với của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động có sự cách biệt quá xa!
Lâu nay trong tâm trạng của đội ngũ cán bộ lão thành và các cựu chiến binh đã từng day dứt với nỗi băn khoăn: Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc của Nhà nước, lại thụ động chịu sự tác động mạnh bởi mặt trái của cơ chế thị trường và mở cửa hội nhập. Đừng quên rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị phát triển thuận chiều với sự suy thoái về đạo đức và lối sống. Và, ngược lại. Đọc thiên hồi ký của Va-le-ri Phu-kin (người đã từng làm trợ lý cho Goóc-ba-chốp) viết về Goóc-ba-chốp khiến chúng ta không khỏi giật mình. V. Phu-kin viết: Goóc-ba-chốp được rất nhiều tiền thưởng, tặng phẩm, nhuận bút của nước ngoài. Trong tài khoản của cá nhân ông ta lúc bấy giờ đã có 1 triệu USD. Trở về từ lần đi thăm Hàn Quốc Goóc-ba-chốp rút ra từ trong ví da của mình một lá thư kèm theo hơn 10 vạn USD do Ro Tae Wu tặng. Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản ở khu vực các nước Đông Âu đã mất đi rất nhiều hình ảnh toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, chí công vô tư trong công chúng. Sự sụp đổ của chính quyền Xê-au-xê-xcu ở Ru-ma-ni cũng là hệ quả của tệ chuyên quyền, độc đoán, xa rời quần chúng, đặc quyền, đặc lợi trong Đảng Cộng sản nước này.
*
Nội dung của Quy định về 19 điều đảng viên không được làm là giải pháp kết hợp đồng bộ, tổng hợp giữa những nhiệm vụ “xây và chống”, “chống và xây”; nhằm phòng, chống sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ đảng viên. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thống nhất cao về ý chí và quyết tâm, nỗ lực nhiệt tình và đóng góp công sức vào việc tổ chức thực hiện với thái độ nhận thức và phương pháp tư duy đúng đắn. Cố nhiên, đây là nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng và là công tác xây dựng con người, nên việc thực hiện không dễ dàng và đơn giản. Nhưng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Với quyết tâm cao của toàn Đảng, được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân và toàn quân, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về 19 điều đảng viên không được làm nhất định sẽ góp phần tạo ra bước chuyển biến có tính đột phá trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang là “Đảng của Bác Hồ”./.
Trần Hữu PhướcPhó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn bảo tồn và tôn tạo các khu di tích lịch sử cách mạng