Sunday 23 February 2014

CHÍNH SÁCH "BÊN MIỆNG HỐ CHIẾN TRANH" CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM SAU THÁNG 2 - 1979 (Nguyễn Thị Mai Hoa - Văn Hóa Nghệ An)



CHÍNH SÁCH "BÊN MIỆNG HỐ CHIẾN TRANH" CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM SAU THÁNG 2 - 1979

  •   NGUYỄN THỊ MAI HOA
  • Thứ hai, 17 Tháng 2 2014 06:59
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc đối với Việt Nam sau tháng 2 - 1979
Sau một thời gian cân nhắc, chuẩn bị kỹ càng mọi phương diện, ngày 17-2-1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, đưa60 vạn quân cùng với gần 800 xe bọc thép, xe tăng, trọng pháo và máy bay các loại đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Trong giờ phút nguy nan, toàn thể dân tộc đã đồng lòng, cùng một ý chí, một quyết tâm giáng trả, bảo vệ biên cương đất nước. Trung Quốc đã phải rút quân, song cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, mà chuyển sang một trạng thái mới, không kém phần nguy hiểm – nửa có hòa bình, nửa có chiến tranh.
1- Trì hoãn và đàm phán không thực chất
Ngược dòng lịch sử, không phải chỉ đến sau khi xung đột biên giới phía Bắc (2-1979) nổ ra, phía Việt Nam mới chú trọng giải quyết vấn đề biên giới. Các cuộc đàm phán về biên giới đã được thực hiện từ trước đó, nhằm giải quyết những xung đột nhỏ. Cuộc đàm phán đầu tiên về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc được tiến hành từ  ngày 15-8-1974 đến  ngày 22-11-1974, cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Cuộc đàm phán thứ hai về biên giới, lãnh thổ giữa hai nước diễn ra ở Bắc Kinh (từ ngày 10-1977 đến ngày 6-1978) cũng ở cấp Thứ trưởng ngoại giao[1]. Các cuộc đàm phán không đạt được thỏa thuận nào, ngoài việc dàn xếp gác lại khu vực tranh chấp ở giữa vịnh Bắc Bộ cho đến khi cùng đạt được thỏa thuận. Sau khi cuộc đàm phán của hai bên tạm dừng, các vụ việc căng thẳng ở biên giới ngày càng gia tăng và như trình bày ở trên, tháng 2-1979, cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc diễn ra, xung đột biên giới Việt - Trung đã lên tới đỉnh điểm.
Sau khi chiến tranh biên giới năm 1979 kết thúc, đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc được nối lại. Trước khi bước vào đàm phán với Trung Quốc, Nhà nước Việt Nam có chủ trương về một đợt đấu tranh ngoại giao mới. Nhận định rằng, Trung Quốc có thể dùng đàm phán ngoại giao và trì hoãn đàm phán để che đậy cho những bước đi tiếp theo, Việt Nam xác định sách lược thích hợp là phải kéo bằng được Trung Quốc ngồi vào đàm phán, chủ trương: Một mặt, tiến hành các bước thúc đẩy đàm phán, tranh thủ dư luận quốc tế, tìm ra chỗ yếu, làm sâu thêm các mâu thuẫn, kéo Trung Quốc xuống thang từng bước; mặt khác, khẩn trương tăng cường lực lượng về mọi mặt, sẵn sàng đánh bại mọi bước phiêu lưu quân sự mới[2]. Bên cạnh đó, lường định những tình huống có thể xảy ra, các cấp lãnh đạo chiến lược Việt Nam dự báo rằng, có một khả năng thứ hai: Trung Quốc không chịu ngồi vào bàn đàm phán. Trong trường hợp đó, vẫn phải tỏ ra thiện chí, tích cực tranh thủ dư luận thế giới, để Trung Quốc tự bộc lộ bản chất và các toan tính[3].
Cuối cùng, cuộc đàm phán Việt –Trung lần ba diễn ra vào năm 1979 với hai vòng đàm phán[4]Trong vòng đàm phán thứ nhất, lập trường hai bên tóm tắt như sau: Phía Việt Nam cho rằng, trước hết cần giải quyết các vấn đề cấp bách để vãn hồi hòa bình, tạo không khí thuận lợi để giải quyết những vấn đề khác. Đoàn Việt Nam đưa ra đề nghị về "Những nguyên tắc và nội dung chủ yếu cho một giải pháp về những vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc", với phương án ba điểm để giải quyết vấn đề biên giới: Chấm dứt chiến sự, phi quân sự hóa biên giới; khôi phục giao thông, vận tải bình thường; một giải pháp cho bất cứ vấn đề lãnh thổ nào trên "cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử mà các Hiệp định Trung - Pháp năm 1887 và 1895 đã thiết lập"[5].Phía Trung Quốc kiên quyết từ chối những đề nghị của Việt Nam, đưa ra đề nghị tám điểm của mình, bác bỏ việc phi quân sự hóa biên giới, đề nghị giải quyết các vấn đề lãnh thổ trên "cơ sở những công ước Trung - Pháp"[6], chứ không phải trên cơ sở đường ranh giới thực tế do các Hiệp định đó đưa lại. Trung Quốc cũng đòi Việt Nam thừa nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc"[7]; Việt Nam phải rút quân ra khỏi Trường Sa, thay đổi chính sách với Lào và Campuchia, giải quyết vấn đề Campuchia. Như một bộ phận của giải pháp cho vấn đề biên giới, Trung Quốc đưa tiếp vấn đề Hoa kiều ở Việt Nam (nhận lại những người Hoa đã ra đi) và quan hệ Việt Nam với các nước khác: "Không bên nào sẽ tham gia bất cứ khối quân sự nào chống bên kia, cung cấp căn cứ quân sự hoặc dùng lãnh thổ và các căn cứ các nước khác chống lại phía bên kia"; "Việt Nam không tìm kiếm bá quyền ở Đông Dương hay ở bất cứ nơi nào"[8] làm điều kiện để tiến hành thương lượng.
Vòng đàm phán thứ hai được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8-6-1979. Đoàn đại biểu Việt Nam đưa "Dự thảo thỏa thuận" về việc hai bên cam kết không tiến hành các hoạt động thám báo và trinh sát dưới mọi hình thức trên lãnh thổ của nhau; không tiến hành bất cứ hoạt động tiến công, khiêu khích vũ trang nào, không nổ súng từ lãnh thổ bên này sang bên kia, cả trên bộ, trên không, trên biển; không có bất cứ hành động gì uy hiếp an ninh của nhau. Việt Nam cũng đưa ra những quan điểm của mình về "chống bá quyền" với ba nội dung chính: 1- Không bành trướng lãnh thổ dưới bất cứ hình thức nào, chấm dứt ngay việc chiếm đoạt đất đai của nước kia, không xâm lược, không dùng vũ lực để "trừng phạt" hoặc để "dạy bài học"; 2- Không can thiệp vào quan hệ của một nước với nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không áp đặt tư tưởng, quan điểm, đường lối của mình cho nước khác; 3- Không liên minh với các thế lực phản động khác chống lại hòa bình, độc lập dân tộc[9]. Nhìn chung, trong vòng đàm phán này, Trung Quốc chủ yếu chỉ trích Việt Nam về việc “buộc” Trung Quốc phải thực hiện “chiến tranh tự vệ” (?!), đề cập đến một số vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước và lập trường tại khu vực, không tập trung giải quyết thực chất vấn đề biên giới.
Qua hai vòng đàm phán, bộc lộ rõ thêm hàng loạt vấn đề:
Thứ nhất,Việt Nam muốn tập trung vào bàn bạc, giải quyết những vấn đề liên quan đến xung đột vũ trang giữa hai nước và tìm cách giảm căng thẳng ở biên giới chung, còn Trung Quốc đưa ra phạm vi thảo luận quá cách biệt (sự hiện diện của Việt Nam tại Campuchia, chấp nhận sự trở lại của người Hoa, công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... là những điều phi lý, xâm hại đến chủ quyền quốc gia dân tộc của Việt Nam). Chính vì thế, kết quả đạt được là hạn hẹp, chỉ dừng lại ở mức độ bước đầu bàn bạc về những biện pháp đảm bảo hoà bình, ổn định trên vùng biên giới, về thoả thuận không bên nào đóng quân trên các điểm cao biên giới, lùi quân đội về phía sau, thỏa thuận giải quyết việc trao trả người của hai bên bị bắt.
Thứ hai,phía Trung Quốc lưu ý rằng, cuộc xung đột biên giới trên bộ không thể chấm dứt nếu như Việt Nam không chịu từ bỏ chủ quyền trên các nơi sở hữu ở biển Đông, rút khỏi Campuchia, chấm dứt liên minh với Liên Xô, không thamgia liên minh quân sự, hoặc cho nước ngoài sử dụng căn cứ quân sự của mình, hoặc sử dụng lãnh thổ và căn cứ ở nước khác…Thái độ áp đặt của Trung Quốc đối với Việt Nam đã rõ,nhất là khi Trung Quốc lấy quan hệ của Việt Nam với các nước khác làm một bộ phận của giải pháp biên giới.
Thứ ba,Trung Quốc chủ yếu coi các cuộc đàm phán là diễn đàn để thăm dò thái độ, thể hiện lập trường, quan điểm trên nhiều vấn đề khác nhau, chưa tập trung đàm phán thực chất và trực tiếp vào các vấn đề biên giới, các vấn đề biên giới có được đề cập thì cố tạo ra những quan điểm khá cách biệt, vì thế,các cuộc thương lượng bị bế tắc ngay từ đầu. Trong những cuộc thương lượng, có thể thấy rõ một điều: Giải quyết tranh chấp biên giới thực chất là một “dền dứ” chính trị.
Đầu năm 1980, Trung Quốc đơn phương đình chỉ vòng ba, không nối lại đàm phán. Việt Nam liên tiếp gửi công hàm yêu cầu họp tiếp vòng ba, nhưng Trung Quốc làm ngơ. Trong những năm 1979-1982,  Việt Nam nhiều lần đề nghị nối lại các cuộc đàm phán đã bị Trung Quốc đơn phương bỏ dở, nhưng Trung Quốc vẫn một mực khước từ[10]. Sở dĩ Trung Quốc chưa muốn nối lại đàm phán là vì giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam chưa phải là mối quan tâm thực sự của Trung Quốc lúc này và diễn biến quan hệ Việt - Trung không chỉ là câu chuyện giữa hai nước, mà còn bị chi phối bởi tình hình, các diễn biến ở Campuchia – một vấn đề khá “nhạy cảm” ở khu vực và trong nhiều mối quan hệ quốc tế liên quan. Trung Quốc chờ đợi để Khơme Đỏ giành được một thế nào đó ở Campuchia, còn Việt Nam phải dàn lực cả trên hai hướng biên giới, rơi vào thế cô lập về ngoại giao, khó khăn về chính trị, sa lầy trong khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong lúc đó, Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm và thắt chặtthêm các quan hệ liên minh ở Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những mục tiêu lâu dài ở khu vực, nhất là tại thời điểm đó, Trung Quốc nhận định tình hình thế giới, khu vực đang chuyển biến theo một xu thế có lợi cho mình.
Những năm 1982, 1983 và 1984, tại diễn đàn đàm phán bình thường hóa quan hệ Xô – Trung ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Trung Quốc nêu vấn đề quân đội Việt Nam ở Campuchia, đề nghị Liên Xô phải đôn thúc Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia, coi việc Liên Xô tiếp tục ủng hộ quân đội Việt Nam tại Campuchia là trở ngại lớn nhất cho việc bình thường hóa quan hệ Trung - Xô. Điều này cho thấy, Trung Quốc muốn thông qua Liên Xô buộc Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia, dính lứu Việt Nam vào vấn đề cải thiện quan hệ Trung – Xô. Giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam chưa phải là mục tiêu thực sự của Trung Quốc. Nói cách khác, từ chối và trì trệ trong các cuộc đàm phán, tranh thủ các nước ASEAN, hướng tâm lý các nước ASEAN vào việc chống Việt Nam, Trung Quốc muốn làm cho Việt Nam bị cô lập thêm trong khu vực và trên thế giới bằng cách cầm chân những nhà lãnh đạo Việt Nam vào những cuộc đàm phán không kết quả.
2- Xâm lấn và gây rối trên bộ
Trong khi đàm phán đang trì trệ, Trung Quốc liên tục mở những cuộc tiến công, xâm nhập, pháo kích vào lãnh thổ Việt Nam. Trong những năm 80 (XX), tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc liên tục ở trong tình trạng căng thẳng, có chiến sự với mức độ thấp hơn chiến tranh. Theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ trong năm 1980, đã phát hiện 300 lần các toán vũ trang Trung Quốc xâm nhập biên giới, hoạt động phục kích 88 vụ, tấn công 60 vụ, trinh sát, thám báo 136 vụ, xâm nhập khác 17 vụ, gây nhiều thiệt hại cho phía Việt Nam[11]. Địa bàn xâm nhập tập trung là một số xã vùng cao thuộc 14/248 huyện biên giới như Phong Thổ (Lai Châu), Mường Khương ( Hoàng Liên Sơn), Đồng Văn (Hà Tuyên), Trùng Khánh (Cao Bằng)[12]
 Ngày 5-6-1981, Trung Quốc bắn hàng nghìn quả đạn pháo sang nhiều khu vực thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, sau đó dùng lực lượng đánh chiếm khu vực bình độ 400 ở phía Nam, cột mốc 26, thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ngày 7-6-1981, Trung Quốc tiếp tục đánh chiếm một số điểm cao thuộc tỉnh Hà Tuyên. Tổng kết lại, về chiến tranh lấn chiếm ở biên giới, tính từ tháng 3-1979 đến hết tháng 9-1983, Trung Quốc đã cho lực lượng vũ trang xâm nhập biên giới Việt Nam 48.974 vụ, trong đó xâm nhập biên giới trên bộ 7.322 vụ có nổ súng, khiêu khích; xâm nhập vùng biển 28.967 vụ; xâm nhập vùng trời biên giới 12.705 vụ (với hơn 2.000 tốp máy bay). Trung Quốc bắn pháo thường xuyên vào các vùng dân cư, có khi hàng nghìn quả đạn, tiếp tục lấn chiếm đất đai (chiếm dải bình nguyên 400 thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho đến năm 1997 vẫn chưa rút),tổ chức hàng chục vụ xâm canh, xâm cư, các hoạt động di dịch, đập phá cột mốc, dựng bia, chôn mộ trong đất Việt Nam. Thậm chí, ngày 1-2-1984, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang cùng đoàn cán bộ cao cấp đã đến thăm cao điểm 400 (mà Trung Quốc đặt tên là Pakhason) để uý lạo quân đội, thể hiện mục đích chiếm giữ đất đai lấn chiếm được đến cùng. Cũng tính đến tháng 3-1983, Trung Quốc còn chiếm giữ 89 điểm của Việt Nam[13].
Các cuộc tấn công, lấn chiếm của Trung Quốc càng dồn dập hơn vào năm 1984. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Sa Lực Mân Lực công khai nói rằng, ngày 28-5-1984, quân Trung Quốc đã cho “hàng vạn khẩu pháo đồng loạt nổ vào một điểm (mà tác giả gọi là Lão Sơn), thuộc xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên[14]. Các cuộc tiến công trong năm 1984, như hãng AFP nhận xét (27-4-1984): Trung Quốc chủ trương tạo ra tình hình căng thẳng tại biên giới như là một phương tiện gây sức ép, nhằm buộc Việt Nam phải thay đổi chính sách. Đây chính là cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống Việt Nam, cái mà tác giả cuốn “Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc” Sa Lực Mân Lực gọi là “cuộc chiến đấu giằng co trong hơn 1.800 ngày”[15]. Các nhà quan sát nước ngoài ghi nhận từ tháng 7-1980 đến tháng 8-1987, dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã xảy ra 6 cuộc chạm trán nảy lửa vào các tháng 7-1980, tháng 5-1981, tháng 4-1983, tháng 6-1985, tháng 12-1986 và tháng 1-1987[16]. Theo tuyên bố của Ngoại Trưởng Trung Quốc Ngô Ngọc Khiêm trong buổi họp báo ở Xinhgapo ngày 29-1-1985, trong năm 1985, Trung Quốc đã điều thêm tám sư đoàn bộ binh cùng gần hai mươi sư đoàn đã đóng chốt từ trước, áp sát dọc biên giới Việt – Trung; đồng thời, triển khai hơn 650 máy bay chiến đấu, ném bom tại các sân bay gần biên giới[17]. Còn theo Báo Nhật Bản Sankei Shibunm ra ngày 14-1-1985, Trung Quốc đã đưa số máy bay đến gần biên giới Việt - Trung lên gần 1.000 chiếc. Đài BBC ngày 6-2-1985 cho biết: Trung Quốc có 400.000 quân đóng dọc biên giới Việt – Trung. Tạp chíNghiên cứu vấn đề quốc tế của Trung Quốc số 2-1982 đã lý giải mục đích của việc bố trí một lực lượng lớn quân đội ở sát biên giới với Việt Nam “là để kìm giữ một phần binh lực của Việt Nam ở tuyến biên giới phía Bắc, do đó làm lợi cho cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân Campuchia”[18]. Cũng cần nhấn mạnh là trong mùa khô 1984-1985, quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch đánh thẳng vào vùng đất thánh và xoá sạch các căn cứ của ba phái Khơme cắm sâu vào đất Thái Lan, nên những năm 1984-1985, biên giới Việt - Trung liên tục căng thẳng và có sự dàn thế trận của quân đội Trung Quốc.
Cùng với các hoạt động quân sự thấp hơn chiến tranh, Trung Quốc tăng cường các hoạt động gây rối nội bộ, mua chuộc người của các dân tộc thiểu số, trong đó có người Hoa, tiến công chính trị, phá hoại kinh tế, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý[19]. Trung Quốcráo riết thực hiện chiến lược phá hoại toàn diện và lâu dài với nhiều thủ đoạn, làm cho tình hình ở các vùng giáp biên thường xuyên không yên ổn[20],phá hoại một cách toàn diện tư tưởng, chính trị, kinh tế, quốc phòng[21]. Kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt này rất phức tạp, Trung Quốc đánh phá bằng nhiều mưu mô, trên nhiều lĩnh vực, từ nhiều hướng, trên nhiều địa bàn, bằng nhiều lực lượng, nhiều hình thức, kết hợp đánh từ trong ra, ngoài vào, tiến hành bao vây, phong toả kinh tế từ bên ngoài, tiến hành phá hoại máy móc, đốt cháy kho tàng... gây thiệt hại cho sản xuất. Trung Quốc tổ chức buôn lậu, đầu cơ tích trữ, phá hoại tiền tệ, lũng đoạn thị trường, ra sức lợi dụng những sơ hở, thiết sót trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội để làm nghiêm trọng thêm những khó khăn về kinh tế, đời sống Việt Nam[22]. Trung Quốc thường khiêu khích vũ trang, sử dụng hoạt động lấn chiếm, phá hoại phòng tuyến bảo vệ biên giới, tung gián điệp, thám báo, biệt kích vào nội địa, kích động chia rẽ dân tộc, xây dựng cơ sở vũ trang, gây phỉ, tiến tới lấn chiếm một vùng tập trung đồng bào dân tộc ít người, lập những cái gọi là “một khu tự trị”, hoặc “một nước tự trị”[23]. Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (11-1981), Lê Duẩn phát biểu: “Nước ta đang ở trong tình hình vừa có hoà bình vừa có chiến tranh. Hội nghị lần thứ IV của Trung ương Đảng năm 1978 đã nhận định như vậy. Hiện nay và trong nhiều năm sắp tới, tình hình nước ta cũng sẽ là như vậy (…) Bắc Kinh đe doạ độc lập chủ quyền của nước ta từ bốn mặt. Và trong những điều kiện nhất định, không loại trừ khả năng địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn”[24]. Đặc biệt, từ cuối năm 1980, Trung Quốc câu kết Fulro, với tàn quân Pôn Pốt, lập căn cứ ở Đông Bắc Campuchia, lập hành lang Tây Nguyên- Campuchia –Thái Lan, phá hoại công cuộc xây dựng Tây Nguyên và một vài nơi thuộc vùng núi Nghĩa Bình, Phú Khánh[25].
3- Gây sức ép từ hướng biển
Trong các ngày 22-2-1980, 27-2-1980 và 2-3-1980 tại vùng biển Tây  Nam quần đảo Hoàng Sa, tầu Hải quân Trung Quốc đã tổ chức bắt cóc một số thuyền đánh cá của ngư dân hai tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Nghĩa Bình[26].Từ năm 1979 đến năm 1982, diễn ra các sự kiện cho thấy những tính toán lâu dài trong chiến lược biển Đông của Trung Quốc: 1- Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc công bố một thông cáo quy định "bốn vùng nguy hiểm" ở Tây Nam đảo Hải Nam, trong đó có vùng trời của quần đảo Hoàng Sa và buộc máy bay dân dụng của các nước khác phải bay qua đây vào những giờ doTrung Quốc quy định, 2- Công bố một bản quy định cho máy bay dân dụng nước ngoài bay vào không phận của Trung Quốc, tính cả không phận quần đảo Hoàng Sa (7-1979); 3- Thành lập lữ đoàn Hải quân đầu tiên ở đảo Hải Nam (12-1979);4- Máy bay ném bom H-6 của Hải quân Trung Quốc thực hiện cuộc tuần tra trên không đầu tiên ở quần đảo Trường Sa (1-1980); 5- Đưa Sở chỉ huy của hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu xuống Trạm Giang và trang bị cho hạm đội những trang bị hiện đại nhất để xây dựng, mở rộng hàng loạt các cảng quân sự, trạm tên lửa ở đảo Hải Nam; 6- Hoàn tất các công trình phòng thủ trên Hoàng Sa, cho nhiều tàu ngư lôi và hàng trăm tầu cá Trung Quốc đường đột tiến vào vùng lãnh hải của Việt Nam tại vịnh Bắc Bộ (1981); 7- Năm 1982, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Trung Quốc Dương Đắc Chí viếng thăm quần đảo Hoàng Sa và tàu hải quân của Trung Quốc, Việt Nam đã đụng độ[27]ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa[28].
Ngày 15-4-1987, Trung Quốc đã ra tuyên bố lên án quân đội Việt Nam “chiếm đóng” đảo đá Ba Tiêu thuộc quần đảo Trường Sa(?!). Bản Tuyên bố nói rằng, mục đích của Việt Nam khi triển khai quân đội một cách bất hợp pháp ở đảo Ba Tiêu là để chiếm hữu thềm lục địa gần đó và mở đường cho việc khai thác dầu trong tương lai.Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏiBa Tiêu và chín hòn đảo khác,bảo lưu quyền thu hồi các đảo này vào một thời điểm thích hợp. Thậm chí, Trung Quốc còn tuyên bố mạnh mẽ: “Chừng nào mà quân đội Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốcvẫn còn thống nhất hành động trong việc chống lại kẻ thù, thì hoàn toàn có thể ngăn chặn hành động bành trướng tàn bạo của Việt Nam và thậm chí còn giáng trả nặng nề”[29].Từ ngày 15-5 đến ngày 6-6-1987, Hải quân Trung Quốc diễn tập lớn và tổ chức các cuộc nghiên cứu hải dương học ở khu vực quần đảo Trường Sa. Động thái này làm phức tạp hơn tình hình đã vốn phức tạp và nhằm chứng tỏ rằng Hải quân Trung Quốc có khả năng thực hiện những cuộc hành quân hỗn hợp ở cả vùng biển gần lục địa, biển khơi và Trung Quốc có thể làm điều Trung Quốc muốn.
Sang năm 1988, Trung Quốc tiếp tục trì hoãn các cuộc gặp gỡ, có những hành động ở biển Đông làm căng thẳng thêm tình hình. Tháng 1-1988, một lực lượng lớn tầu chiến của Trung Quốc hoạt động xâm chiếm tại bãi đá Chữ Thập và Châu Viên[30], xây nhà, cắm cờ Trung Quốc trên hai đảo này, làm bàn đạp để mở rộng các hành động lấn chiếm trên quần đảo. Ngày 26-2-1987, lực lượng của Trung Quốc đã đổ bộ lên hai đảo san hô trong quần đảo. Ngày 20-2-1988, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã huy động nhiều tàu chiến hoạt động ở lãnh hải Trường Sa của Việt Nam. Tình trạng chung đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng.
Tham vọng của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sađã lên đến một mức độ mới – Trung Quốc gây ra cuộc hải chiến đẫm máu vào tháng 3-1988 gần cụm đảo Sinh Tồn, khiến 3 tàu vận tải của Việt Nam bị bắn chìm, 20 người hy sinh và 74 người khác bị mất tích[31]. Nhận xét về cuộc đụng độ, Giáo sư Luật học Gerardo Martin C.Valero viết: "Đó là cuộc đụng độ hải quân trầm trọng nhất ở khu vực Trường Sa kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai"[32]. Xung đột này xảy ra vào thời điểm "vấn đề Campuchia" đang đi vào giải quyết, trùng hợp với những căng thẳng ở Campuchia. Đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc không chỉ triển khai thực hiện chiến lược mở rộng lãnh hải, mà còn nhằm giải tỏaáp lực cho lực lượng Polpot đang bị bao vây ở Campuchia. Nhà nghiên cứu Quách Minh, Hiệp hội Khoa học xã hội Quảng Tây viết về mục tiêu của cuộc tấn công này như sau: “Thứ nhất, tuyên cáo quần đảo Nam Sa (Trường Sa - TG) là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc, Trung Quốc có quyền bảo vệ, bất cứ thế lực nào đều không thể muốn làm gì thì làm trong lãnh hải thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc; Thứ hai, tỏ rõ Trung Quốc có thực lực bảo vệ biên giới trên biển và hải đảo, cho dù quần đảo Nam Sa cách đại lục Trung Quốc tương đối xa, nhưng lực lượng Hải quân Trung Quốc vẫn cónăng lực bảo vệ”[33]. Tác giả này cũng thừa nhận rằng, sau xung đột ngày 14-3-1988, "khu vực hoạt động của tàu thuyền Hải quân Trung Quốc được mở rộng, thậm chí có thể phủ khắp các đảo đá ngầm mà Việt Nam chiếm đóng"[34].
Tính trong năm 1988, Trung Quốc tấn công chiếm 6 điểm trên quần đảo Trường Sa, xây dựng hệ thống dàn khoan khung sắt với những thiết bị vệ tinh và thông tin, ra sức củng cố những điểm này làm bàn đạp cho những bước tiến mới. Không lâu sau “cuộc hải chiến”, tháng 5-1988, tờ Nhật báo Quân đội nhân dân - tiếng nói chính thức của quân đội Trung Quốc đã có bài viết, trong đó tuyên bố: Hiện nay Hải quân Trung Quốc có thể bảo vệ lãnh hải gần bờ Trung Quốc, cả chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và biển khơi xa lục địa hàng trăm hải lý. Bằng tuyên bố này, Trung Quốc đã tỏ cho các nước láng giềng xung quanh biển Đông biết quyết tâm cao của mình là có khả năng chiếm đóng các đảo trong quần đảo Trường Sa mà các nước này đang có tranh chấp chủ quyền.
Trước những hành động xâm chiếm trái phép của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã liên tục gửi công hàm phản đối đến Bắc Kinh (ngày 17 và 23, 26 tháng 3-1988), đề nghị Trung Quốc cử đại diện đàm phán, thương lượng để giải quyết những bấtđồng liên quan đến quần đảo Trường Sa, cũng như những vấn đề tranh chấp khác về biên giới và quần đảo Hoàng Sa; đề nghị Trung Quốc trong khi chờgiải quyết tranh chấp, hai bên không dùng vũ lực và tránh mọi đụng độ để tình hình không phát triển xấu thêm. Việt Nam cũng thông báo cho Liên Hợp Quốc về tình hình này. Song phía Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm giữ các nơi đã chiếm được và khước từ thương lượng, giữ quan điểm về "chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với quần đảo Nam Sa” (Trường Sa-TG).
Ngày 13-4-1988 (tròn một tháng sau cuộc hải chiến khốc liệt với Việt Nam ở quần đảo Trường Sa), Quốc hội Trung Quốc khóaVI đã phê chuẩn thành lập Khu hành chính Hải Nam[35], có địa giới hành chính rộng lớn trên biển Đông, bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tháng 4-1988, Trung Quốc đặt lại tên cho các đảo, đá, bãi cạn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sáp nhập hai quần đảo vào địa phận Hải Nam - Trung Quốc. Tuy việc thành lập tỉnh là công việc nội bộ của Trung Quốc, Hải Nam được "chuyển cấp" theo một trình tự hợp hiến, đúng với luật pháp Trung Quốc, nhưng Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì không thể coi là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việc làm này của Trung Quốc là nhằm đặt toàn bộ vùng biển Đông và tất cả các đảo ở đó dưới sự kiểm soát của mình, mở rộng tuyến phòng thủ chiến lược phía Nam tới quần đảo Trường Sa ở cực Nam biển Đông - đây là việc làm bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác. Việt Nam đã ngay lập tức lên tiếng phản đối việc thành lập đặc khu Hải Nam của Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên truyền chính sách mở cửa của Hải Nam là nhằm phát triển kinh tế, thực chất, Hải Nam đang dần dần được biến thành một cơ sở kinh tế, căn cứ quân sự hùng mạnh. Điều đó trở thành một yếu tố làm bất ổn định đối với sự phát triển chính trị- ngoại giao tại khu vực. Xét thời điểm xảy ra những sự kiện liên quan đến biển Đông của Trung Quốc, thì những nỗ lực vươn mạnh trên biển của Trung Quốc được đẩy mạnh vào cuối những năm 80 (XX) – đây là thời điểm được Trung Quốc tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, không hề ngẫu nhiên. Lúc này, Việt Nam đang bị bao vây, cấm vận, bị cô lập trong quan hệ ngoại giao và sự cô lập gia tăng sau "sự kiện Campuchia". Việt Nam chưa có những liên kết chặt chẽ với ASEAN, đang phải bận tâm với nhiều khó khăn, tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, trong tranh chấp, vì thế, Trung Quốc sẽ dễ đạt được nhữngthỏathuận có lợi. Valencia Mark.J đã có lý khi nhận xét rằng, "Trung Quốc đang cố tình khiêu khích Việt Nam vào một cuộc chiến để xua đuổi các nhà đầu tư khỏi Việt Nam và ngăn cản mức tăng trưởng kinh tế cạnh tranh của Việt Nam"[36].
Một bước tiến mới của Trung Quốc là từ tháng 1-1989 đến tháng 9-1990, Trung Quốc liên tục có các hành động như: Đặt bia chủ quyền trên các đảo đã chiếm được; tập trận, khảo sát khoa học… trong lãnh hải quần đảo Trường Sa[37]. Đây là những hành động mà Trung Quốc thực hiện ráo riết, tranh thủ tình hình đàm phán còn chưa ngã ngũ, một mặt, nhằm khẳng định "chủ quyền" của mình trên biển Đông (?!); mặt khác, khẳng định chiến lược mở rộng ra biển Đông không thay đổi của mình. Như vậy, sở dĩ Trung Quốc còn chần chừ, chưa muốn đi vào đàm phán và giải quyết vấn đề lãnh hải một cách thực chất với Việt Nam, bởi Trung Quốc đang tận dụng mọi cơ hội tạo chỗ đứng trên trên biển Đông.
4- Đôi điều suy ngẫm…
Từ sau chiến tranh biên giới năm 1979, dù đã rút quân và tuyên bố sẵn sàng giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, song trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh nhiều mặt chống phá Việt Nam, tập trung vào bốn vấn đề chính: 1- Bao vây, cô lập về kinh tế, chính trị, ngoại giao; 2- Gây sức ép quân sự trên đất liền và vùng biển; 3- Tăng cường chiến tranh tâm lý, chiến tranh hàng hoá; 4- Đẩy mạnh các hoạt động tình báo.
Các hoạt động kể trên của Trung Quốc kéo dài, gây nên tình trạng căng thẳng thường xuyên, có chiến sự với mức độ thấp hơn chiến tranh ở biên giới phía Bắc và ở vùng lãnh hải của Việt Nam – đó là “chính sách bên miệng hố chiến tranh” đẩy Việt Nam phải duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu -  đây không chỉ một gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia vốn đã rất khó khăn, mà còn gây nên sự mất ổn định, khiến Việt Nam khó lòng tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Hành động đó của Trung Quốc là nhằm làm cho Việt Nam bị chảy máu thêm trong khi Việt Nam đang đứng trước những bất lợi[38].
Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” với bốn mũi nhọn nhằm vào Việt Nam của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc là quốc gia có khả năng tính toán, tìm kiếm những cơ hội để thực hiện chính sách của mình theo những đường díc dắc. Trung Quốc luôn có khả năng đưa kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng, có độ bao quát để kiềm tỏa một quốc gia nào đó. Tồn tại bên cạnh một quốc gia như vậy, Việt Nam không có con đường nào khác là phải tự mạnh lên, bởi lợi ích quốc gia dân tộc được đảm bảo ở mức độ nào, tùy thuộc vào đất nước mạnh hay yếu; thành công hay hạn chế trong quan hệ giữa các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào thực lực mỗi nước.Nói một cách thẳng thắn, trong quan hệ mọi mặt với Trung Quốc về chính trị, kinh tế, văn hóa… do thực lực của Việt Nam còn yếu, nên đối diện với Trung Quốc, Việt Nam chẳng những khó có thể đạt được những lợi ích ngang bằng, mà còn thường bị thuathiệt. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, khi quan hệ hai nước tiếp tục căng thẳng, đối đầu, trong lúc "vấn đề Campuchia" còn đang là một rắc rối của Việt Nam, Việt Nam bị bao vây, cấm vận và cô đơn trong quan hệ đối ngoại, lẻ loi trên trường quốc tế, Trung Quốc tiếp tục lấn lướt Việt Nam hơn 10 năm, bất chấp mọi luật lệ. Phải chăng vì lúc này Trung Quốc nhận thấy Việt Nam đang còn yếu, khó về quân sự, nghèo về kinh tế, đơn độc về chính trị? Do thế và lực còn yếu, Việt Nam khó lòng đương đầu với Trung Quốc trong các xung đột, tranh chấp, dễ Trung Quốc chèn ép?
Thực lực của một quốc gia được hiểu là sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, địa vị, ảnh hưởng quốc tế…, Nói gọn lại, đó là ba thanh tố: An ninh, phát triển và vị thế quốc tế.Cần nhìn thẳng vào sự thật là bước vào những năm cuối của thế kỷ XX, trước cuộc chạy đua quyết liệt của các nước nhằm tìm ra lợi thế so sánh tối ưu của mình, chiếm lĩnh các đỉnh cao về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, hội nhập với thế giới, Việt Nam đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội. Không thể để hào quang quá khứ che lấp một sự thật nghiệt ngã: Việt Nam còn nghèo và chậm phát triển. Không chỉ lúc bấy giờ, mà cả hiện nay, để thoát ra khỏi tình trạng đó, giải quyết tận gốc những “điểm nghẽn” cản trở phát triển của đất nước là yêu cầu bức xúc của thực tiễn, đòi hỏi phải có một đường hướng phát triển khoa học với nội dung cốt lõi VÌ DÂN –DĨ DÂN VI BẢN làm nền tảng cho những hành động, giải pháp phù hợp, quyết liệt. Mấu chốt của mọi mấu chốt nằm ở chỗ sau khi và trên cơ sở một đường hướng như vậy đã được xác lập, phải xây dựng/tổ chức cho được cơ chế và hệ thống quản trị xã hội thông minh, lành mạnh, trí tuệ làmnền, làm cội, làm rường cột, phản ánh bản chất của một chính phủ/nhà nướcthân dân, yêu dân, trọng dân một cách thực chất. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới tránh được nguy cơ tụt hậu, không đánh mất cơ hội phát triển, mới có sự đồng thuận xã hội để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và quan trọng nhất, để tồn tại và vươn lên ngang hàng với các quốc gia tiến bộ, văn minh.






[1]Gồm 4 vòng đàm phán; Trưởng đoàn phía Việt Nam là Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền, Trưởng đoàn phía Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Niệm Long.
[2]Ban Bí thư: Thông tri số 80, ngày 5-4-1979, Về đợt đấu tranh ngoại giao mới của ta, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[3]Ban Bí thư: Thông tri số 80, ngày 5-4-1979, Tlđd.
[4]Từ ngày 18- 4-1979 đến ngày 18-5-1979 , Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán tại Hà Nội với với 5 phiên họp toàn thể; vòng hai được tiến hành tại Bắc Kinh từ ngày 8-6-1979  đến ngày 6-3-1980 với 10 phiên họp toàn thể.
[5]Đề nghị ba điểm của phía Việt Nam và đề nghị tám điểm của phía Trung Quốc, Báo Nhân dân, ngày 16-5-1979.
[6]Đề nghị ba điểm của phía Việt Nam và đề nghị tám điểm của phía Trung Quốc, Tlđd.
[7]Đề nghị ba điểm của phía Việt Nam và đề nghị tám điểm của phía Trung Quốc, Tlđd.
[8]Đề nghị ba điểm của phía Việt Nam và đề nghị tám điểm của phía Trung Quốc, Tlđd.
[9]Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, t.2, tr.194-196.
[10]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V,, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, t.1, tr. 154.
[11]Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng: Sơ kết hoạt động xâm nhập, phá hoại của địch ở biên giới phía Bắc và công tác đánh địch của ta, Tài liệu không công bố, Lưu tại thư viện Quân đội, tr.4
[12]Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng: Sơ kết hoạt động xâm nhập, phá hoại của địch ở biên giới phía Bắc…Tlđd, tr.4
[13]Bác bỏ tin thêu dệtBáo Nhân dân, ngày 24-3-1983.
[14]Sa lực Mân Lực: 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Bản dịch của Cục nghiên cứu, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1992, tr.44.
[15]Sa lực Mân Lực: 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Tlđd, tr.45.
[16]Ramses Amer:  Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Kuals Lumpur, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, 1991, tr.58.
[17]Nguyễn Thành Lê: Một tiêu điểm của cuộc chiến tranh tư tưởng phản cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.55.
[18]Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Sở nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc, số 2/1981, Bản dịch, Lưu tại thư viện Quân đội,  tr.26.
[19]Đảng Cộng sản  Việt Nam:Nghị quyết số 36, ngày 24-2-1981 của Bộ Chính trị “Về nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng”,Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[20]Ban Bí thư: Chỉ thị số112, ngày 29-6-1981, Củng cố toàn diện, vững chắc vùng biên giới phía Bắc, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[21]Ban Bí thư:  Chỉ thị số 119, ngày 19-10-1981, Về nâng cao cảnh giác, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của địch, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[22]Nghị quyết số 03 của Bộ Chính trị, ngày 25-10-1982, Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết đập tan âm mưu kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng, bá quyền Trung Quốc câu kết với đế quốc Mỹ, tối mật, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng, ĐVBQ 757.
[23]Nghị quyết số 03 của Bộ Chính trị, ngày 25-10-1982, Tlđd.
[24]Bài phát biểu của Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (11-1981), Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[25]Ban Bí thư: Thông báo số 25, ngày 27-6-1981 Tiếp tục giải quyết vấn đề Fulro kết hợp với phát triển kinh tế- văn hoá ở Tây Nguyên, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[26]Ban Bí thư: Thông tri số 111, ngày 11-4-1980,  Về việc đối phó với âm mưu của Hải quân Trung Quốc bắt cóc ngư dân ta, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[27]Phía Trung Quốc thông báo đã bắt giữ một tàu thuỷ Việt Nam, vì đã “xông vào vùng nước thuộc lãnh thổ Trung Quốc".
[28]Greg Austin: Biên giới trên biển của Trung Quốc: Luật quốc tế - lực lượng quân sự và sự phát triển của quốc gia, Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.73.
[29]Dẫn theo Jonk Chao:Biển Nam Trung Hoa: Những vấn đề biên giới liên quan tới các quần đảo Nam Sa và Tây Sa, Bản dịch, Lưu tại thư viện Quân đội, tr. 69.
[30]Là hai bãi san hô còn lập lờ mặt nước thuộc quần đảo Trường Sa.
[31]Sáng ngày 14-3-1988, Trung Quốc huy động một biên đội tầu chiến gồm 6 chiếc, có trang bị tên lửa và pháo 100 ly tấn công 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở cụm đảo Sinh Tồn. Khi các tàu cứu hộ của Việt Nam mang cờ chữ thập đỏ đến cứu các tàu bị bắn chìm, thì bị tàu chiến Trung Quốc ngăn cản, bao vây. Sau khi thực hiện hành động vũ lực trên, Trung Quốc đã chiếm thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho xây "đài quan sát biển", mà thực chất là "tiền đồn an ninh biển" (marine observatory) trên một trong những nhóm đá có tranh chấp chủ quyền.
[32]Quần đảo Trường Sa: Liệu có còn thích hợp khi tranh cãi về vấn đề chủ quyền, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý quốc tế, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.5.
[33]Quách Minh (chủ biên):Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua, Bản dịch, Lưu tại Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 1990, tr.200.
[34]Quách Minh (chủ biên):Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua, Tlđd, tr.201.
[35]Bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trực thuộc tỉnh Quảng Đông.
[36]Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A, "Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa", Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.679.
[37]Tháng 1-1989, Hải quân Trung Quốc tổ chức một hội nghị về quần đảo Trường Sa. Cũng trong tháng 1-1989,Trung Quốc đặt bia chủ quyền lên các bãi đã chiếm được từ năm 1988, thể hiện một bước tiến mới. Tháng 2-1989, một đoàn đại biểu ba Tổng cục (Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) của Quân đội Trung Quốc đã đến thăm các đảo mà Trung Quốc chiếm được trong quần đảo Trường Sa. Tháng 3-1989, một Bộ Chỉ huy đặc biệt được thành lập ở Quân chủng Hải quân để giải quyết những vấn đề có liên quan đến quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 5-1989, Hải quân Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận lớn (gồm cả ba hạm đội, máybay Hải quân, lính thuỷ đánh bộ) ở một khu vực nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Các nhiệm vụ triển khai gồm chiến tranh trên biển, chiến đấu trên không, chiến đấu chống tầu ngầm và đổ bộ. Liên tục từ tháng 5 đến tháng 9-1989, Trung Quốc tổ chức huấn luyện đội 15 chiếc tàu thuộc Hạm đội biển Đông về tập trận bao vây, chống bao vây, tiếp tế xa và tàu ngầm. Ngày 9-3-1990, Trung Quốc kết thúc đợt khảo sát khoa học ở quần đảo Trường Sa đã bắt đầu từ ba năm trước đó và 10 ngày sau cho nhiều tàu đánh cá từ Quảng Châu đến đánh cá ở Trường Sa.
[38]Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, t.2, tr.199. 

Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh" (Thế Anh - Tuổi Trẻ)


Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh"

16/01/2010 03:20 (GMT + 7)
TT  Phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp Janine, con gái của “Việt Minh” Nguyễn Văn Thành tại Nga. Chị đã kể lại câu chuyện kỳ lạ của cha mình, người từng là Hồng quân Liên Xô, từng là tù binh của phát xít Đức, bị sung vào đoàn lính lê dương của Pháp đến Việt Nam và trở thành một “Việt Minh”.

Platon Alexandrovich, người lính Nga tham gia tiểu đoàn 307 dưới cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành. Qua ký ức con gái ông ở Matxcơva, đó là câu chuyện kỳ lạ của một con người từng là Hồng quân Liên Xô, từng là tù binh của phát xít Đức, rồi lại bị sung vào đoàn lính lê dương của Pháp để đến VN và trở thành một “Việt Minh”. Đó là chuyện của khát vọng hòa bình và lòng yêu thương.
Kỳ 1: Ký ức nơi miền tuyết trắng
Matxcơva dưới cái rét -20OC. Janine đón tôi ở bến ga điện ngầm. Trên tay cô là bó hoa hơi úa vì gió tuyết. Cô ôm chầm lấy tôi rồi nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Chào anh, người đồng hương Việt Nam của tôi!”. Janine đưa tôi về nhà, một căn hộ nhỏ nằm ở ven ô, nơi ấy chỉ có mình cô và những kỷ vật của cha...
“Tôi là con của Việt Minh”
Janine pha ấm chè đen loại ngon mời khách theo đúng phong tục Nga nhưng miệng thì líu lo tiếng Việt: “Tôi nhớ Việt Nam lắm, nhớ mùi sầu riêng ở Bến Tre”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị mỉm cười: “Anh quên tôi là dân Nam bộ hả? Tôi là con của Việt Minh mà...”.
“Tôi sinh năm 1949 tại Bến Tre, mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Mai, một phụ nữ Việt lai Pháp. Tôi còn nhớ Bến Tre quê tôi với những hàng dừa dài và đẹp, mẹ tôi thường lấy gáo dừa múc nước gội đầu. Tóc mẹ đen và dài lắm... Tôi còn nhớ những tiếng súng đùng đoàng giữa đêm giao chiến. Hay những khi trong làng có đám ma, tôi và bọn trẻ cùng lứa kéo nhau ra xem... Còn ba tôi là chiến sĩ Việt Minh, là bộ đội trong tiểu đoàn 307” - Janine nhớ lại tuổi thơ của mình ở Bến Tre.
Tuổi thơ của Janine cũng chịu nhiều đau thương và chia cắt như tất cả những đứa trẻ người Việt sinh ra trong chiến tranh lúc đó. Khi Janine được khoảng hai tuổi thì bố bị địch phát hiện, buộc ông phải chuyển về Trà Vinh hoạt động bí mật. Thời cuộc loạn lạc, bố lại là một ông Tây theo Việt Minh rày đây mai đó nên mẹ cô nối duyên với một thương lái người Hoa. Janine nhớ lại những ngày chia ly đó: “Dù bố dượng rất tốt với tôi nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ đến bố. Mỗi đêm nghe tiếng súng nổ bên kia sông là tôi lại lo cho bố!”.
Mãi đến khi hiệp ước đình chiến năm 1954 được ký kết Janine mới được gặp lại cha. Cô nhớ lại: “Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng cuối năm trời mát dịu. Ngoại và mẹ chở tôi trên chiếc xuồng ba lá ra vùng giải phóng để gặp bố. Mẹ và bố chẳng nói chuyện với nhau nhiều, chỉ thấy bố tôi rất buồn... Trước lúc hai người chia tay, ngoại bế tôi trao cho bố rồi nói: Con ẵm theo nó cho đỡ buồn! Từ đấy tôi sống với bố và các chú, các bác trong tiểu đoàn 307”.
Trong những dòng nhật ký của đời mình, Janine viết: “Tôi có hai tên: Nguyễn Hồng Minh do má Mai và bà ngoại đặt để ghi vào giấy tờ hồi tôi mới sinh ở Bến Tre. Và ở quê cha, trong giấy tờ chính thức tên tôi là Strjinskaya Anhie Platon. Nhưng từ bé đến bây giờ, người thân và bạn bè vẫn thường gọi tôi là Janine. Janine cũng là cái tên của các bác, các chú ở tiểu đoàn 307 quen gọi. Bây giờ, mỗi khi có dịp gặp lại các chú vẫn gọi tôi là Janine. Với tôi, cái tên Janine gợi nhớ nhiều kỷ niệm về quê mẹ ở Việt Nam, nó làm tôi ý thức rằng tôi là một đứa con của Việt Minh”.
Ở với bố và các đồng đội của bố tại vùng giải phóng một thời gian, đến tháng 4-1955 Janine cùng bố ra Hà Nội, sống một thời gian ở một cơ sở của Trung ương Đảng bên bờ hồ Tây. Trong dịp này cô được gặp Bác Hồ. Cô nhớ lại: “Tôi và bố được ăn tối cùng Bác. Bác rất ngạc nhiên về cuộc đời bố tôi, về một đứa con lai nói đặc sệt giọng Nam bộ như tôi”.
Những kỷ vật vô giá
Không lâu sau đó, khi Janine vừa tròn 5 tuổi thì cô cùng bố trở về Liên Xô. Dù ở nước Nga xa xôi nhưng trong lòng cô luôn mơ được một lần trở lại Việt Nam, được về xứ dừa quê mẹ. Nhưng giấc mơ đó đối với cô mãi đến 33 năm sau mới thực hiện được. Đó là năm 1988, Janine một mình quyết định trở lại Việt Nam tìm mẹ, tìm ngoại. Nhưng lần trở về đó cô đã không gặp cả hai, mẹ và ngoại đã ra đi...
Trong khoảnh khắc đau đớn đó cô đã viết: “Không hiểu sao đối với tôi mọi cuộc hành trình đều không có tính cách ra đi mà chỉ là trở về. Cách đây gần 33 năm (tính đến năm 1988, lúc Janine trở lại VN), khi tôi 5 tuổi - tôi rời khỏi Việt Nam, không phải ra đi mà cùng ba tôi trở về nước Nga. Và bây giờ, sau gần 33 năm từ Matxcơva không phải để đến mà trở về quê ngoại Bến Tre. Nhưng tiếc thay ngoại và mẹ không còn... Lòng tôi đau vô bờ bến!”.
Im lặng một hồi lâu, Janine lôi tấm ảnh của bố ra rồi nói: “Bố tôi mất ngày 26-3-2003, trước sinh nhật ông hai ngày. Trước lúc lâm bệnh nặng, ông đem hết những dòng hồi ký, những lá thư của đồng đội cũ, những bức ảnh hồi còn chiến đấu, những kỷ vật của tiểu đoàn 307 trao hết cho tôi. Trước lúc nhắm mắt ông còn dặn tôi: “Đừng bao giờ quên con là đứa con của Việt Minh. Hãy giữ lấy những kỷ vật này như là máu thịt của bố”.
Lúc này tôi mới giật mình nhận ra trong căn phòng nhỏ của Janine toàn là những kỷ vật gắn liền với Việt Nam. Ở một góc tường là hình bố cô, ông Platon Alexandrovich trong bộ đồ bộ đội bên một khẩu súng cối 60mm. Kế bên là bức tranh sơn mài tả cảnh sinh hoạt của người dân Nam bộ từ thế kỷ trước.
Treo trang trọng ngay giữa phòng là chiếc cặp lồng màu xanh của lính có khắc những dòng chữ nguệch ngoạc: “Chúng tôi: Hùng, Hoàng, Xinh, Hiếu... tặng bạn làm kỷ niệm khi về nước”. Janine nói lúc còn sống, ông gói ghém chiếc cặp lồng này một cách cẩn thận rồi khóa kín trong tủ. Chỉ những khi nhớ đồng đội hay kỷ niệm ngày thành lập tiểu đoàn 307 ông mới lôi nó ra lau chùi, ngắm nghía... Bây giờ, vì nhớ bố, nhớ Việt Nam nên cô treo nó ở nơi dễ thấy nhất cho vơi nỗi buồn!
Lôi những xấp album đã ngả màu thời gian, Janine lật từng trang rồi giới thiệu với tôi: “Đây là nhà của mẹ Mai và bố Thành lúc ở Bến Tre, đây là hình tôi bên lu nước lúc mới 2 tuổi. Còn đây là hình bố tôi cùng đồng đội trong tiểu đoàn 307...”. Cứ thế Janine say sưa lôi hết tập album này đến những kỷ vật khác ra khoe... Cuộc đời phiêu bạt qua những cuộc chiến của Platon Alexandrovich dần hiện về qua lời kể của người con.
THẾ ANH


**

Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh" - Kỳ 2: Bi kịch của chiến tranh

17/01/2010 03:00 (GMT + 7)
TT - Năm 1940 Platon Alexandrovich vào Hồng quân Liên Xô. Số phận đưa ông từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác.

Platon (bìa phải) trên tàu Kilinski của Ba Lan - Ảnh do Janine cung cấp
Trong hồi ký của mình, ông viết: “Tôi đã trải qua đủ các cung bậc của đời lính, có khi phải đối diện với cái chết nơi chiến trận, có khi nhục nhã kiếp tù binh, có khi phải cầm súng để bắn vào lý tưởng thời trai trẻ mà không hề hay biết. Để rồi cuối cùng tôi nhận ra chiến tranh, áp bức - đó là điều tồi tệ nhất của nhân loại!”.
Bị bắt làm tù binh của Đức quốc xã
Platon Alexandrovich sinh năm 1922 tại thành phố Kharkov. Đó là thành phố lớn thứ hai của Ukraine sau thủ đô Kiev, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của Liên Xô cũ, nơi có nhiều trường đại học lớn, lâu đời và danh tiếng.
Dường như ngay từ lúc sinh ra, trong ông đã tiềm ẩn một sự luân lạc của dòng máu mẹ cha. Cha ông là một người Nga nhưng được sinh ra và lớn lên ở Pháp. Mẹ ông là một phụ nữ Ba Lan hiền dịu, họ kết duyên rồi về định cư ở Ukraine. Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1940 Platon Alexandrovich nhập ngũ để bảo vệ thành phố Kharkov thân yêu.
Khi cuộc chiến giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức nổ ra, ông cũng như bao thanh niên Liên Xô lúc bấy giờ đành gác lại những khát vọng của tuổi trẻ để lao vào chiến trận lúc tổ quốc lâm nguy.
Ông ghi lại những ngày đó trong dòng hồi ký của mình: “Tất cả chúng tôi đều rất trẻ, sau những trận đánh chúng tôi lại ngồi bên nhau nói về những dự định tương lai. Chúng tôi luôn tin hòa bình sẽ đến sớm, nhưng cũng hiểu cái giá của hòa bình sẽ phải trả bằng máu và mất mát. Đồng đội tôi nhiều người đã ngã xuống giữa mùa đông giá rét khi miếng bánh mì đen chưa kịp ăn xong, có người phải lùi về hậu phương với những vết thương thê thảm hơn cả cái chết. Sự tàn bạo của phát xít càng thôi thúc chúng tôi tiến lên, bởi chúng tôi biết rằng mình chiến đấu không chỉ cho người Nga, người Ukraine mà là chiến đấu cho cả nhân loại, chiến đấu để chống lại sự tàn bạo của Hitler”.
Sau nhiều trận đánh sinh tử chống lại quân Đức trên mảnh đất Kharkov, Platon Alexandrovich vài lần bị thương nhưng ông từ chối trở về hậu phương an dưỡng mà ở lại chiến trường cùng đồng đội. Cuối năm 1941 chiến trận trở nên ác liệt hơn, lực lượng Đức quốc xã tiến đánh Kharkov gồm 20 sư đoàn và hai lữ đoàn. Cuối cùng Kharkov rơi vào tay quân Đức. Tháng 5-1942 Platon Alexandrovich bị quân Đức bắt làm tù binh, số phận ông bắt đầu lênh đênh...
Trong những trại tù binh của Đức, Platon Alexandrovich từng trải qua những cảnh khủng khiếp, bị tra tấn dã man, bị bỏ rơi gần như chết đói. Nhiều khi ông phải nhặt miếng bánh mì còn dính máu của đồng đội vừa mới tắt thở để có sức chống chọi với giá rét, đòn roi.
Janine, con gái ông, kể: “Đến những ngày cuối đời mà nỗi ám ảnh trong trại tập trung Đức quốc xã vẫn còn hiện về trong những giấc mơ của bố tôi. Nhiều đêm nằm trong chăn mà ông cứ co mình run lên bần bật, ấy là lúc ký ức những ngày đói rét của một tù binh hiện về hành hạ ông. Ông thường nói với tôi việc không phải chết trong trại tù binh của Đức quốc xã đã là một điều thần kỳ. Ông hay kể về chiến tranh để dạy tôi biết quý trọng hòa bình, ông thường nhắc đến những ngày bị cầm tù để tôi biết quý trọng sự tự do...”.
Trở thành lính lê dương
Chiến tranh kết thúc, chưa kịp vui mừng vì tự do, hòa bình thì số phận lại đẩy Platon Alexandrovich xa hơn với tổ quốc, trở thành một người xa lạ với chính mình. Những ngày còn sống, nếu ai hỏi về câu chuyện trở thành lính lê dương của mình thì ông chỉ nói một cách ngắn gọn: “Từ tù binh Đức quốc xã, tôi bị sung vào lính lê dương”. Nhưng thực tế hoàn toàn khác, điều mà ông chẳng nói với ai ngoài người con gái Janine yêu quý.
Ngồi vuốt ve tấm hình thời còn trẻ của Platon Alexandrovich, Janine kể lại bí mật của bố mình trở thành lính lê dương: “Sau khi Đức quốc xã bị đánh bại, bố tôi cũng như những tù binh khác đến từ nhiều nước khắp châu Âu được trả tự do. Ông đang tìm cách trở về nước Nga thì sự cố xảy ra. Vốn là thời gian bị giam cầm ở trại tập trung của Đức quốc xã, do biết chút tiếng Pháp học từ ông nội nên bố tôi thường chuyện trò với tay cai ngục người Đức nói tiếng Pháp. Từ chỗ chuyện trò, tay cai ngục có vẻ thiện cảm với bố tôi nên đồng đội ông nghi ngờ ông là gián điệp.
Trên đường từ Đức trở về Liên Xô, ông được một người bạn thân khuyên nên trốn khỏi đoàn tù binh, nếu không có thể bị cầm tù sau khi trở về. Chờ khi trời tối bố tôi trốn khỏi đoàn, lẫn trong những cánh rừng gần biên giới Đức. Ông đi mà chẳng biết rồi sẽ đi về đâu.
Ông cứ chạy mãi vào rừng, lâu lâu ngoái đầu nhìn lại xem đồng đội có đuổi theo không. Phía trước lại lo sợ tàn quân của phát xít Đức sát hại. Ông lả đi vì kiệt sức, vì những vết thương tra tấn chưa lành hẳn, vì đói và khát... rồi ông lịm đi bên ngôi làng nhỏ, tỉnh lại mới biết mình đã lạc qua nước Pháp. Rồi ông bị người dân địa phương bắt giao cho chính quyền, bị sung vào đội quân lê dương”.
Sau khi bị sung vào đội quân lê dương, Platon Alexandrovich được đưa lên tàu chở đến những nước thuộc địa của Pháp, cầm súng bắn lại những người mà người Pháp lúc đó gọi là “phiến quân”. Lênh đênh trên biển hàng tháng trời, đi từ châu Phi đến châu Á, Platon Alexandrovich vẫn không thể hình dung con đường tương lai của đời mình.
Ông sống nhưng dường như không phải là chính mình, sự day dứt đó sau này được ông ghi lại: “Thật sự tôi đã rất sợ tiếng súng, sợ chiến tranh, vậy mà số phận đen đủi lại bắt tôi phải tiếp tục ôm súng. Lúc này đây tôi chỉ có một giấc mơ là được trở về Liên Xô, được ăn một bữa cơm gia đình cùng mẹ cha, được cùng bạn gái dạo chơi dưới rừng cây nhuốm sắc vàng thu, nhưng điều đó thật xa vời... Tiếng sóng dưới mạn tàu hoàn toàn xa lạ đối với tôi, những mảnh đất tôi đến chỉ có thù hận và chết chóc.
Nếu như trước đây tôi hiểu lý do khi cầm súng chống lại Đức quốc xã thì lúc này đây tôi chẳng biết mình đang chiến đấu vì điều gì. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải mình đang tìm sự sống trên xác chết của người khác? Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của đời tôi! Điều đó càng làm tôi đau đớn hơn khi sau này biết rằng quãng thời gian làm lính lê dương là lúc cầm súng bắn vào những lý tưởng thời trai trẻ của chính mình...”.
Trong khi số phận Platon Alexandrovich đang bị đẩy đưa theo đoàn quân viễn chinh của Pháp thì tại quê nhà, bố mẹ ông cắn răng tin rằng con trai của họ đã bỏ xác ngoài chiến trận. Còn Platon Alexandrovich sau những ngày tháng lênh đênh ông được đưa đến Việt Nam.
THẾ ANH
______________________
Platon Alexandrovich đến VN năm 1946, cầm súng bắn lại những “phiến quân” người Việt. Nhưng sau những trận càn, ông nhận ra người nằm xuống là những nông dân hiền lành, yêu Tổ quốc và khát khao công lý...



***


18/01/2010 00:45 (GMT + 7)


Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh" - Kỳ 3:  Con đường chính nghĩa

TT - Sau những ngày tháng lênh đênh, sống trong khủng hoảng tại các nước thuộc địa Pháp, tháng 4-1946 Platon Alexandrovich được đưa đến VN. Đến Sài Gòn, Platon được điều động lái xe trong một trung đội thông tin, nơi có cả lính Pháp và lính thuộc địa. Sau đó ông được điều về Thủ Đức, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre để trấn áp quân “phiến loạn”. Platon chưa bao giờ biết đến VN.

Platon (đứng, bìa trái) cùng các chiến sĩ Việt minh ở miền Tây -Ảnh do Janine cung cấp

Trong những đêm lạc lõng bồng súng canh trong đồn, linh cảm của một chiến sĩ Hồng quân mách bảo cho ông rằng những tiếng súng phát ra sau những rặng dừa kia không phải là quân phiến loạn ở thuộc địa Pháp.
Quyết định lương tâm
Platon Alexandrovich sinh ngày 28-3-1922 tại thành phố Kharkov, Ukraine. Tham gia Hồng quân Liên Xô chống lại phát xít Đức năm 1940, sau đó bị bắt làm tù binh ba năm rồi sung vào lính lê dương đưa đến VN. Từ 1947 ông theo Việt minh và được kết nạp vào Đảng Lao động VN. Từ 1955 ông về Liên Xô làm ở ban Việt ngữ đài phát thanh Matxcơva. Ông qua đời năm 2003.
Một ngày kia, trong mớ chiến lợi phẩm quân lê dương Pháp thu về có một tập tài liệu và mấy tấm ảnh. Sau này ông kể lại trên một tờ báo Nga: “Thoáng thấy mấy tấm hình bọn chúng giơ cao, tôi suýt nữa bật đứng nghiêm chào như thói quen ở Liên Xô. Đó là ảnh Lênin. Ngay lập tức tôi hiểu VN đứng về phía nào. Những tấm ảnh đã cứu linh hồn tôi”.
Tại Vĩnh Long, ông đã bắt liên lạc với một số người hoạt động bí mật trong thành phố, nhưng chưa nhận được tín hiệu trả lời thì họ đã bị mật thám bắt. Ông viết: “Dù biết con đường trở lại với chính nghĩa rất gian nan nhưng tôi vẫn không hề nản. Đau đớn nhất của tôi lúc đó là đã nhìn thấy ánh dương từ bên kia sông, sau những rặng dừa nhưng trong lúc chờ thời cơ tôi vẫn phải cầm súng bắn về phía đó theo lệnh của người Pháp”.
Giữa năm 1947, cơ hội thật sự đã đến với Platon khi ông được điều về lái xe bồn chở nước. Hằng ngày ông chở những tù binh người Việt đến lấy nước ở trạm bơm cách trường hạ sĩ quan khoảng 1km. Ông thường giấu khẩu phần ăn của mình mang theo phân phát cho tù binh, phụ họ xách nước, trò chuyện như những người bạn. Thấy ông tốt bụng, một tù binh hỏi: “Tại sao ông tốt với chúng tôi như vậy?”.
Ông trả lời: “Vì tôi cũng đã từng là tù binh như các anh. Các anh là tù binh của Pháp, còn tôi từng là tù binh của Đức. Tất cả chúng ta đều là con người nên cần phải đối xử với nhau như những con người thực thụ. Chúng ta chỉ là nạn nhân của chiến tranh, lòng tham và áp bức... Tôi ghét điều đó!”.
Platon Alexandrovich không ngờ rằng câu chuyện giữa ông và những tù binh Việt đã gây chú ý cho một chiến sĩ Việt minh tên Sô hoạt động bí mật ở trạm bơm. Những ngày tiếp theo, người chiến sĩ tên Sô bắn đi những tín hiệu và dường như Platon cũng bắt được. Một lần thấy Sô đứng gần, nhân lúc mọi người đang xách nước thì ông lột chiếc mũ cátkét trắng của quân lê dương đang đội trên đầu ném mạnh xuống đất.
Sô hỏi ông: “Nóng quá hả?”. Platon đáp như vô tình: “Không, tại nó làm đầu tôi đau. Tôi sẵn sàng thoát khỏi nó”. Rồi ông lôi từ trong túi ra chiếc mũ calô, chỉ cho Sô xem ngôi sao đỏ đính kèm trên mũ, nói tiếp: “Tôi thích cái này hơn. Tôi là cựu tù binh, người Liên Xô”.
Bước thăm dò đã xong, trường hợp của Platon được Sô thông báo về chỉ huy. Vài ngày sau họ gặp nhau. Ông ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ đó: “Đêm đó trời tối như bưng, tôi trốn khỏi trại lính và mang theo một bao tải súng đạn đến nơi đã hẹn. Khi đến gần những bụi cây lúp xúp gần bìa rừng thì có người nhào ra nắm lấy tay tôi kéo vào sâu trong rừng. Đó là đêm 17-8-1947. Tôi đã tìm thấy rạng đông giữa đêm đen. Có thể nói đó là quyết định lương tâm mà tôi không thể nào cưỡng lại được!”. Trong đêm đó, giữa rừng sâu, Platon được kết nạp vào hàng ngũ Việt minh.
Xứ dừa máu thịt
Những ngày đầu trở thành Việt minh đầy gian khó. Trước đó, trong hàng ngũ lính lê dương Pháp chưa bao giờ ông phải vừa cầm súng, vừa lặn lội tìm cái ăn. Bánh mì, bơ sữa biến mất, thay vào là mắm muối, rau dưa. Ông tập tành chèo xuồng ba lá, kết lá dừa lợp nhà. Thấy các má mò cua bắt ốc, ông cũng nhào xuống phụ. Thấy các anh trong xóm gánh lúa, ông cũng nhào vô gánh...
Dần dà, ông được thương như con cái trong nhà, các má đặt cho ông tên mới là Hai Thành. Ai có nải chuối ngon, nhà ai nấu bánh cũng chừa phần cho ông. Janine, con gái ông kể lại: “Bố Thành cứ nhắc mãi ngày đầu ăn mắm do các má nấu, cái mũi bố như điếc đi nhưng không dám bịt lại vì sợ các má buồn.
Vậy mà sau vài lần bố lại nghiện luôn món mắm ăn với bông điên điển. Rồi ba khía, sầu riêng... đều là món khoái khẩu của bố. Sau khi về nước, bố vẫn thường nhắc đến những món đó. Có người bạn biết được, mỗi lần qua Nga đều mang cho bố ít ba khía nhưng bố nói vẫn không ngon bằng ba khía của các má làm...”.
Ở Bến Tre, Hai Thành mặc quân phục sĩ quan Pháp, đeo lon quan hai cùng đồng đội cải trang, đi xe jeep tiến hành những cuộc đánh úp chiếm đồn bót, cướp vũ khí. Gần một năm kiểu cải trang đó bị quân Pháp phát hiện, ông được đưa về trung đoàn 99 Bến Tre rồi được chuyển sang tiểu đoàn 307.
Hai Thành đã cùng đồng đội chèo xuồng, lội ruộng, băng đồng xuôi ngược từ Tháp Mười tới mũi Cà Mau. Hình ảnh của ông được một đồng đội nhớ lại: “Sau giờ đánh Pháp, anh lại lùi về cắm câu soi cá, bắt chuột, cũng mắm muối tương chao, cũng áo cổ vuông, quần đùi túi hàm ếch, cũng rút xuống lỗ trâu đằm rít hơi thuốc trong đêm hành quân...”.
Thương ông côi cút phải xa gia đình, xa quê hương, bản xứ, các má vun đắp cho Hai Thành kết duyên với cô gái xinh đẹp xứ dừa. Một đám cưới giản dị giữa một ông Tây và cô gái miệt vườn diễn ra trong vùng giải phóng năm 1948. Một năm sau Janine ra đời. Bến Tre bị chiếm đóng khắp nơi, Hai Thành buộc phải chuyển về Trà Vinh hoạt động. Đó cũng là lý do dẫn đến sự tan vỡ gia đình riêng của ông.
Ông ghi lại: “Được tin vợ đi lấy chồng khác tôi đã chết lặng. Tôi sầu muộn mấy tháng, nhưng nhờ có bạn bè tốt, cuộc đời có mục đích rõ ràng nên đã vượt qua. Tôi không hề trách cứ vợ tôi, ngược lại cảm ơn cô ấy đã cho tôi một đứa con. Nhờ có Janine mà tôi đỡ nhớ các má và xứ dừa khi về nước Nga xa xôi... Mỗi khi nhớ những hàng dừa rũ bóng bình yên bên sông là tôi lại ngồi im nhìn ngắm Janine. Có thể con tôi không biết, nhưng nó là hình ảnh quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi đã từng có một gia đình...”.
THẾ ANH
___________________
Trước khi rời VN, ông chọn một vườn cau đứng chụp một tấm hình đầy lưu luyến. Tấm hình ấy như một vóc dáng quê hương thứ hai mà trọn cuộc đời Platon đã thề sẽ giữ thủy chung son sắt.

Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh" (Kỳ cuối)

Kỳ cuối: Cha - con và câu chuyện “nhịp cầu”
Tháng 4-1955, Platon Alexandrovich và cô con gái Janine ra Hà Nội rồi trở về nước Nga sau 15 năm trời luân lạc. Từ đấy ông chuyển sang làm báo, dùng ngòi bút, sự trải nghiệm của đời mình để nối nhịp cầu Nga - Việt, truyền đi những thông điệp hòa bình...

391450
Tấm ảnh kỷ niệm chụp trước khi Platon rời VN
Hãy nói tiếng Việt và hướng về nơi ấy...
Giải thích về sự lựa chọn xin vào làm việc ở ban tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva, Platon viết như sau:
Tôi chọn nghề báo để có cơ hội chia sẻ với mọi người những trải nghiệm đáng sợ của một người lính đã đi qua nhiều cuộc chiến. Có hai lý do chính để tôi chọn nghề này. Thứ nhất, với 15 năm binh nghiệp, lúc đứng về chính nghĩa, lúc bị đẩy về bên kia, tôi đủ hiểu súng ống, chiến tranh là điều không nên có ở bất cứ nơi nào. Tôi muốn dùng ngòi bút để truyền đi thông điệp đó. Thứ hai, tôi chọn về làm ở ban tiếng Việt là vì quê hương thứ hai của tôi, vì đứa con gái mang nửa dòng máu Việt, đó là Janine”.
Ở ban tiếng Việt Đài phát thanh Matxcơva, Platon Alexandrovich là một trong số ít phát thanh viên nói giọng Nam bộ khá chuẩn. Cứ mỗi lần có cán bộ miền Nam nào sang Nga là ông lại tìm đến để nói tiếng Việt. Nhiều cựu sinh viên Việt Nam khi trở lại Nga, gặp ông đều tranh thủ ôn lại vốn tiếng Nga nhưng ông không chịu: “Hãy nói với tôi bằng tiếng Việt. Hãy kể cho tôi về Việt Nam, về các má và xứ dừa quê ngoại Janine”.
Để đứa con gái hiểu hơn về quê ngoại, ông dạy cho Janine tiếng Việt. Rồi khi Janine lớn lên, ông lại hướng con gái mình vào làm cùng ban tiếng Việt Đài phát thanh Matxcơva.
Janine nhớ lời cha dạy khi mới vào nghề: “Cha không muốn con quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đó là lý do cha muốn con vào làm ở đây. Có thể cha sai, nhưng lương tâm của một người cha không cho phép để con mình quên mất nguồn cội. Con hãy học tiếng Việt, hãy nói tiếng Việt và hãy hướng về nơi ấy như là quê hương của mình”.
Đưa những xấp bản thảo bằng tiếng Việt lúc mới chập chững bước vào nghề, Janine kể: “Lúc ở nhà, bố thường nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt. Bố sửa cho tôi từng con chữ, từng cái dấu... Ông vừa là một người cha mẫu mực, vừa là một người thầy nghiêm khắc, một đồng nghiệp tin cậy. Có lần, khi đọc xong bản thảo của tôi, ông đỏ mặt rồi vò ném ngay vào giỏ rác. Đó là lần tôi viết sai địa danh “Bến Tre” thành “Bến Che”.
Với ông, mảnh đất này như là máu thịt, là thánh địa của linh hồn. Vì thế, không được hiểu sai, không được viết sai dù chỉ là một cái dấu”. Để con giỏi tiếng Việt hơn, dù khó khăn nhưng Platon vẫn cố gắng thu xếp cho con về Hà Nội học thêm tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là lý do Janine nói tiếng Việt chuẩn theo giọng Bắc.
Nói về điều này cô cũng có cách lý giải khá thú vị: “Gia đình tôi có nét giống như số phận của nhiều gia đình người miền Nam tập kết ra Bắc: bố nói giọng Nam bộ còn con nói giọng Bắc. Nhiều người thường nói đùa gia đình của bố Thành là dân tập kết...”.
Dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống tiểu đoàn 307 (1988), tỉnh Bến Tre đã mời ông trở lại Việt Nam. Cuộc hội ngộ giữa những cựu binh có nhiều nước mắt, nhiều tiếng cười. Sau khi cùng nhau hát vang “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang...”, các đồng đội hỏi ông có nguyện vọng gì ở Bến Tre? Vẫn mộc mạc, chân tình như thời ở chiến khu, ông nói: “Cho tôi được ăn một bữa cơm với ba khía và rau lang luộc chấm chao cùng các má ở chiến khu!”.

391451
Janine (thứ hai từ phải sang) bên mộ mẹ, trong lần trở về thăm quê ngoại năm 1988 - Ảnh do gia đình cung cấp

“Trước chiến tranh là hòa bình!”
Janine nhớ lại những ngày cuối đời của bố:
Bố thường thức dậy lúc nửa đêm, châm trà ngồi trầm tư một mình. Những lúc như thế ông thường kể cho tôi nghe chuyện những người Do Thái bị người Đức sát hại dã man mà ông chứng kiến. Ông kể cho tôi nghe về những đứa trẻ khóc thét bên xác cha ở xứ dừa, về những bà má nhìn con chết mà không dám khóc... Bố luôn nhắc tôi rằng trước chiến tranh là hòa bình! Đừng bao giờ tìm hòa bình sau chiến tranh, hãy nhớ trước đó hòa bình đã hiện hữu. Chiến tranh là kết cục của lòng thù hận, lòng tham...”.
Platon Alexandrovich dạy con gái lúc mới tập tành cầm bút: “Con hãy đứng về những người yếu thế, những người bị áp bức nhưng cũng đừng thù hận những người trót lỡ lầm...”. Người vợ ở Bến Tre đã rời bỏ ông khi ông rút về hoạt động bí mật, nhưng ông vẫn giữ những tấm hình thời son trẻ của bà đến tận ngày ông qua đời. Ông luôn nói với Janine những điều tốt đẹp về mẹ, xem quá khứ như là một nỗi buồn của chiến tranh, loạn lạc.
Năm 1988, có dịp trở lại Việt Nam, ông kính cẩn đặt lên mộ mẹ vợ và vợ những bó hoa tươi do chính mình mua rồi nói với Janine: “Nếu con biết tha thứ, cuộc đời sẽ bớt đi những gánh nặng muộn phiền”.
Ông ghi lại những suy nghĩ của mình: “Thật lòng mà nói tôi không hề căm ghét người Đức, tôi cũng không thù hận người Pháp. Điều duy nhất tôi căm thù là chiến tranh, là áp bức! Nếu có dịp, tôi sẽ bắt tay với những người đã hành hạ tôi lúc còn là tù binh, tôi sẽ ôm những cựu lính lê dương để nói với họ: tiếc rằng tôi và anh không biết nhau trước khi chiến tranh xảy ra, lúc ấy là hòa bình!”.
Trước khi chia tay, Janine đưa tấm hình của bố chụp trước khi về Nga cho tôi xem, đó là bức hình Platon đứng bên hàng cau với vẻ đầy lưu luyến. Chị nói: “Tôi sẽ đưa con và các cháu trở lại xứ dừa để nói với chúng rằng nơi ấy là một phần máu thịt của chúng. Kể cho chúng nghe về chiến tranh, kể về ông ngoại để chúng hiểu cái giá của hòa bình...”. Đó cũng là ước mơ cuối đời của “Việt Minh” Platon Alexandrovich!
(hết)

Lịch sử vẻ vang của Tiểu đoàn 307 (kỳ 11) (Lê Thị Hiếu Dân - Cà Mau)

Lịch sử vẻ vang của Tiểu đoàn 307 (kỳ 11) 
Cập nhật ngày: 06/01/2011
Trong hàng ngũ cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 307 có một cựu chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, quê ở Kiev. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, trận Khar-cốp của cuộc vệ quốc, Platôn bị bắt làm tù binh. Phát xít Đức giam cầm, đọa đày anh hết trại tù binh này đến trại tù binh khác. 
Cuối cùng, trước giờ thua trận, phát xít Đức ngấm ngầm chuyển tù binh sang cho Anh. Cùng phường xâm lược với nhau, Anh giao số tù binh này cho Pháp để bổ sung vào đội quân Lê Dương xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Thế là thay vì được trở về quê hương Xô Viết, Platôn cay đắng bị đẩy xuống tàu sang Đông Dương.
Đường về Tổ quốc của Platôn bị đẩy lệch đi đến nửa vòng trái đất, nhưng dòng máu Hồng quân và trái tim Xô Viết không loạn nhịp. Khi nghe tiếng súng kháng Pháp của nhân dân Việt Nam, anh đã hiểu ý nghĩa cuộc đấu tranh chống áp bức của kẻ thù xâm lược, đó chính là cuộc kháng chiến chính nghĩa. 
Thế là Platôn vượt dòng sông Cái Cối đến vùng kháng chiến. Platôn tham gia Ban công tác số 1 thị xã Bến Tre với cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành. Platôn thường cùng với anh em đột nhập vào thị xã hoạt động, cải trang thành sĩ quan Pháp thành lính Partisan, vào đồn giả bộ kiểm tra, tước vũ khí, bắt trói lính, chiếm lấy đồn mà bọn địch không ngờ được.
 
 Platôn Nguyễn Văn Thành (hàng đứng, thứ ba từ phải sang) với anh em đại đội trợ chiến Tiểu đoàn 307.                                                                                                                      Ảnh tư liệu
Với nguyện vọng của Platôn, anh được Bộ Tư lệnh Khu 8 đưa vào Trung đoàn Cửu Long, sau đó về Tiểu đoàn 307. Từ Tiểu đội phó anh được đề bạt Tiểu đội trưởng rồi Trung đội phó, Đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 307. Platôn tham gia chiến đấu trong hầu hết các trận đánh của tiểu đoàn.
Bước chân anh cùng đơn vị hành quân băng đồng vượt suối khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ Đồng Tháp Mười đến Mũi Cà Mau. Platôn sử dụng súng lớn 12 ly 7, cối 60. Trong trận Long Sơn - chiến dịch Trà Vinh, anh dùng súng 30 ly do binh công xưởng tự tạo, bắn sập đồn Long Sơn. Trong trận đánh đồn Bảy Ngàn, khẩu 12 ly 7 của anh đối lửa với khẩu Lewis của địch, kiềm chế hỏa lực địch trên lồng cu và buộc tên Remy phải bỏ khẩu Lewis xuống đầu hàng.
Chiến tích ưu tú của Platôn trong Tiểu đoàn 307 đã đưa anh đứng vào hàng ngũ Đảng Lao động Việt Nam. Nhưng do tình hình chiến sự ác liệt nên lễ kết nạp anh rất đơn sơ. Phải chờ đến khi tập kết ra Bắc, Trung ương mới chính thức làm lễ kết nạp anh lần thứ hai tại Thủ đô Hà Nội.
Những năm tháng sống với Tiểu đoàn 307, Platôn đã hòa đồng với anh em trong đơn vị, cùng anh em đi cắm câu, thả lưới, giậm cù bắt chuột, cũng mắm muối tương chao, áo cổ vuông, quần đùi hàm ếch, cũng hút thuốc tàn ở lỗ chân trâu trong đêm hành quân bí mật. 
Bà con vùng Cái Cối đã vun vén cho cuộc hôn nhân của Platôn với chị Nguyễn Thị Mai, một hoa khôi của xã. Ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa nước đã ấp ủ hạnh phúc của vợ chồng anh và kết quả là cháu Janine ra đời. Bế con được mấy ngày, Platôn phải theo đơn vị hành quân.
Mãi đến ngày đình chiến, bà ngoại cháu mới bế Janine xuống tàu đưa cho cha cháu cùng đi tập kết ra Bắc. Ra Hà Nội, Janine (còn có tên Việt là Hồng Minh) được cùng với các cháu thiếu nhi Liên Xô con của cán bộ ở đại sứ quán vào Bắc Bộ phủ thăm Bác Hồ. Bác Hồ cho kẹo và hỏi thăm cháu bằng tiếng Nga, Janine không hiểu, cô bảo mẫu thưa chuyện của Platôn cho Bác nghe, Bác Hồ vô cùng xúc động khi biết có một người Nga chiến đấu trong hàng ngũ Việt Nam ở chiến trường Nam Bộ.
Mười bốn năm kể từ trại tập trung và quân đội Lê Dương bỏ sang hàng ngũ Việt Nam, Platôn đã trở về quê hương bằng con đường vòng thông minh. Sống và làm việc ở Maxcơva, Platôn vẫn tha thiết nhớ về Việt Nam và Tiểu đoàn 307 mà anh đã nhiều năm gắn bó để chiến đấu cho chính nghĩa. Platôn đã nuôi con gái bằng tấm lòng Việt Nam với cái tên Hồng Minh trìu mến.
Năm 1987, sau 33 năm rời Việt Nam, Hồng Minh trở về quê ngoại thì em được biết bà ngoại và mẹ đều qua đời. Trong niềm đau xót, Hồng Minh được bù lại bằng tình thương mến của các bác, các chú ở Tiểu đoàn 307, nơi Platôn đã sinh ra em. Họa sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ tặng Hồng Minh bức tranh cha Platôn Nguyễn Văn Thành đang bế em lúc em 5 tuổi. Janine - Hồng Minh đã làm cuộc hành trình về thăm Bến Tre quê ngoại.
Lịch sử bài hát Tiểu đoàn 307
Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang
Cửu Long giang sóng trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
Tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy...
Đó là một đoạn trong bài hát Tiểu đoàn 307, một bài hát mà trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân Nam Bộ đã đặt ra để ca ngợi bộ đội cách mạng của mình. Trải qua cuộc kháng chiến lâu dài, chống Pháp, chống Mỹ dẫn đến thắng lợi lịch sử vẻ vang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bài hát Tiểu đoàn 307 vẫn còn vang vọng mãi trong lòng người Việt Nam yêu nước. Bộ đội hát, nhân dân hát... và mỗi khi hát lên, âm vang sôi nổi giục giã lòng người. Có lẽ nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương là người hát bài Tiểu đoàn 307 thành công nhất.
Tiểu đoàn 307 được thành lập năm 1948. Bài hát ra đời sau đó một năm. Trong đó, với hai chiến công vang dội ở Mộc Hóa, tỉnh Tân An và La Bang, tỉnh Trà Vinh, mỗi trận diệt một tiểu đoàn địch, đã làm quân thù khiếp đảm, nhân dân cảm phục. 
Nhà thơ Nguyễn Bính lúc đó công tác ở vùng tiểu đoàn hoạt động, dựa vào những ý tưởng lưu truyền trong nhân dân mà viết thành thơ, sau đó nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành bài "Tiểu đoàn 307". Năm 1952 bài hát đã được giải thưởng âm nhạc, văn nghệ Cửu Long.
Bài hát ra đời, tiểu đoàn không hay biết nhưng khi đồng chí cán bộ chính trị ghi được đem về, bài hát lập tức được phổ biến trong đơn vị và lan ra khắp vùng đóng quân. Lúc đó tiểu đoàn đóng trên bờ sông Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa. 
Lời ca hùng tráng từ đó vang lên khắp xóm làng. Khi đơn vị sinh hoạt tập trung, khi bộ đội chung vui với dân, khi tiểu đoàn xuất quân chiến đấu hay khi chiến thắng trở về thì âm thanh sôi nổi hào hùng ấy lại vang lên, tràn ngập trên mặt sông, vườn cây, ruộng lúa.
Tiểu đoàn 307 rất được nhân dân thương yêu đùm bọc. Hình ảnh các chiến sĩ tiểu đoàn qua thực tế và bài hát đã in sâu vào tâm thức của nhân dân qua bao thế hệ. Nhớ chiến sĩ tiểu đoàn bà con hát bài 307, nghe bài hát 307 bà con lại nhớ tiểu đoàn.
Do bài hát được viết bằng máu của chiến sĩ và tình thương yêu của nhân dân đối với tiểu đoàn nên bài hát càng ngày càng có sức cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần chiến đấu chẳng những cho Tiểu đoàn 307 mà còn cho chiến sĩ giải phóng nói chung./.
Lê Thị Hiếu Dân

Tráng ca 307 - Kỳ 3: Một người Nga ở 307 (Nguyễn Kế Nghiệp - Tuổi Trẻ)


Thành Nga (hàng đứng, thứ ba từ phải sang) với anh em đại đội trợ chiến tiểu đoàn 307 - Ảnh tư liệu
TT - Cuối năm 1951, sau nhiều chiến công hiển hách và đà phát triển mạnh, tiểu đoàn 307 thành lập thêm một đại đội trợ chiến, chuyên sử dụng súng lớn để phá thành, bắn tàu và máy bay. Trong số cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn để hình thành đại đội này có một "ông Tây" tóc vàng, mắt xanh, cao tới 1,9m, nói tiếng Việt giọng Nam bộ.
Anh tên Nguyễn Văn Thành, đến từ trung đoàn 99 Bến Tre. Trước nữa thì anh tên Platon Alexandrovich, người Nga. Từ đó, 307 có Thành Nga.
Con đường vòng
Câu chuyện đẩy đưa Thành Nga đến với 307 thật ly kỳ. Thế chiến thứ hai xảy ra, như mọi thanh niên Nga, Platon gia nhập Hồng quân Liên Xô, nguyện hi sinh thân mình cho chiến tranh vệ quốc. Trong một trận đánh, Platon bị quân Đức bắt làm tù binh. Trải qua nhiều trại tù, Platon bị bắt làm lao dịch, rồi bị đưa vào đội quân phát xít tấn công nước Pháp. Quân Đức bại trận, số tù binh được bàn giao cho quân đồng minh, quân đồng minh giao luôn cho quân đội Pháp. Platon lại một lần nữa bị bắt buộc đổi quân phục, bị biến thành quân lê dương và bị đưa sang VN, về đồn Cái Cối, Bến Tre.
Platon chưa bao giờ biết VN. Cầm khẩu súng đứng lạc lõng trong đồn, lý tưởng vệ quốc, tinh thần quốc tế vô sản của một chiến sĩ Hồng quân trong Platon mách bảo những tiếng súng phát ra sau những lũy tre kia không phải là quân phiến loạn ở thuộc địa Pháp. Platon để tâm tìm hiểu và một ngày kia, trong mớ chiến lợi phẩm quân lê dương Pháp thu về có một tập tài liệu và mấy tấm ảnh. Thành Nga vẫn còn xúc động khi kể cho chúng tôi nghe giây phút ấy: "Thoáng thấy mấy tấm hình bọn chúng giơ cao, tôi suýt nữa bật đứng nghiêm và hô ua-ra như thói quen ở Liên Xô. Đó là ảnh Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông và một người mà sau này tôi biết là Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, tôi hiểu VN đứng về phía nào, những người lính phía bên kia là ai. Những tấm ảnh đã cứu linh hồn tôi và đó là việc duy nhất tôi phải cảm ơn quân Pháp".
Từ đó Platon tìm cách lân la đến gần những người Việt. Anh tận dụng mọi cơ hội, chọn một quán nước để "ngồi đồng", biểu lộ tâm tư bất mãn, chán nản của mình. Nhưng cả tháng vẫn không thấy tín hiệu khả quan, Platon sốt ruột đánh liều, anh lấy mảnh giấy viết một câu tiếng Pháp: "Tôi muốn liên lạc với Việt Minh" để lên bàn trước khi rời quán. Mảnh giấy lập tức được bà con chuyển đến ban công tác thành Bến Tre.
Một cuộc thăm dò công khai nhưng âm thầm được tiến hành. Ngày nào Platon cũng đến đúng chiếc bàn ấy chờ. Ban công tác nhận định tay lính này quả là có thiện ý móc nối. Một lần nữa Platon viết mấy chữ vào mảnh giấy, cô chủ quán đến lau bàn rồi cầm nó đi luôn. Platon sững người vì bất ngờ và vui mừng. Anh ra về, cố ý đi qua cô chủ. Cô nói khẽ, rất nhanh: "Sáng mai ông đến sớm, cà phê ngon hơn". Cuộc tiếp xúc với Việt Minh sáng hôm sau diễn ra chóng vánh. Thêm một tuần lễ chuẩn bị, nhân một cuộc đi càn, Platon vác một khẩu súng máy và một bao đạn, theo hướng dẫn của giao liên đi sâu vào vùng giải phóng.
Platon đã trở thành Việt Minh, thành Thành Nga. Anh tận dụng lợi thế của mình mặc quân phục sĩ quan Pháp, đeo lon quan hai cùng đồng đội cải trang, đi xe jeep tiến hành những cuộc đánh úp chiếm đồn bót, đoạt vũ khí nhanh gọn, đối phương trở tay không kịp. Gần một năm kiểu cải trang đó mới bị quân Pháp phát hiện là do tên lính đào ngũ. Thành Nga được đưa về trung đoàn 99 Bến Tre rồi được chuyển sang tiểu đoàn 307, là một đại đội phó sử dụng súng 12 ly 7 và cối 60 rất dũng cảm.
Năm 1952, Thành Nga được kết nạp vào Đảng Lao động VN.
Xứ dừa thành quê ngoại
Janine (giữa) và các cựu binh tiểu đoàn 307 tại Bến Tre năm 1987 - Ảnh tư liệu
Thành Nga đã cùng anh em 307 chèo xuồng, lội ruộng, băng đồng xuôi ngược từ Tháp Mười tới mũi Cà Mau. Anh trầm tĩnh, ít nói, nghiêm túc, hiền lành và hòa hợp, cũng cắm câu soi cá, cũng giậm cù bắt chuột, cũng mắm muối tương chao, cũng áo cổ vuông, quần đùi túi hàm ếch, cũng rút xuống lỗ chân trâu rít hơi thuốc trong đêm hành quân...
 Các má, các chị miền Tây cũng thương Thành Nga như thương tất cả các anh bộ đội khác, có phần còn ưu ái hơn cái đứa côi cút phải xa gia đình, xa quê hương, bản xứ. Các má vun đắp cho Thành Nga kết duyên với cô gái xinh đẹp nhất làng, chính là cô chủ quán nước hôm nào đã đem đến bước ngoặt cho đời anh. Dưới mái lá hạnh phúc, một cô con gái ra đời, ghi tên là Nguyễn Hồng Minh và gọi là Janine.
Đến ngày đình chiến, Thành Nga được lệnh tập kết. Anh bâng khuâng trước một cuộc ra đi nữa, xa nơi anh đã coi là quê hương thứ hai thì bà ngoại bế Janine xuống tận điểm tập kết ở Chắc Băng, Cà Mau trao vào tay. "Kẻo nó đi bơ vơ, tội nghiệp", bà chỉ nói đơn giản vậy nhưng mối dây nối với VN của Thành Nga sẽ không bao giờ đứt. Ra Hà Nội, một lần Janine 5 tuổi được theo thiếu nhi Liên Xô con các cán bộ đại sứ quán vào thăm Bác Hồ. Bác bế cháu lên nói chuyện bằng tiếng Nga, Janine không hiểu mà lại líu lo tiếng Việt. Bác Hồ vô cùng xúc động khi biết có một người Nga tham gia kháng chiến ở Nam bộ.
Về nước, Thành Nga vào làm biên tập viên chương trình tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva. Cán bộ miền Nam nào sang Nga, Thành Nga cũng tìm đến để nói tiếng Việt và để hát "Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy...". Anh dạy con gái tiếng Việt và Janine sau này cũng làm công việc như cha. Thành Nga bảo con về Hà Nội tu nghiệp thêm tiếng Việt ở ĐH Tổng hợp Hà Nội và tìm đường về quê ngoại, tìm các đồng đội xưa ở 307. Janine đã tìm được ban liên lạc tiểu đoàn 307, đã được các chú đưa về sông Cái Cối, bà ngoại và mẹ của Janine đã mất nhưng tình thương yêu mà bà con Bến Tre đã dành cho cô bé hai dòng máu thuở nào thì vẫn ắp đầy. Janine cúi lạy bên mộ bà và mẹ, bảo rằng từ nay cô có thêm một chốn để trở về.
Dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống 307 năm 1988, tỉnh Bến Tre đã mời Thành Nga trở về VN. Cuộc hội ngộ giữa những người cựu binh có nhiều nước mắt, nhiều tiếng cười. Sau khi cùng nhau hát vang "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang...", các đồng đội hỏi Thành Nga có ước muốn gì ở Bến Tre để cùng nhau thực hiện, anh bảo có hai điều: một là thăm mộ mẹ và vợ, hai là được ăn một bữa cơm với ba khía và rau lang luộc chấm chao.
NGUYỄN KẾ NGHIỆP
(nguyên trung đội trưởng bộ binh tiểu đoàn 307)
--------
Đầu những năm 1960, ở Hà Nội có một người được mệnh danh là Paven VN, trở thành tấm gương sống động của “thép đã tôi” trong mắt bao chiến sĩ, thanh niên thời ấy. Trước đó, anh là tiểu đoàn trưởng anh dũng thứ ba của tiểu đoàn 307.
Kỳ tới: Tay mềm mại bút hoa

Saturday 22 February 2014

Bán lữ đoàn lê dương số 13 sang Đông Dương làm gì?



Bán lữ đoàn lê dương số 13 nguyên là bán lữ đoàn lê dương dã chiến số 13 (13e demi-brigade de marche de la Légion étrangère - 13e DBMLE), được thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1940 để tham gia đạo quân Anh pháp trong chiến dịch Phần Lan. Khi Pháp đầu hàng Đức, đơn vị này chạy thoát được sang Anh. Vấn đề đặt ra cho 1619 người. sĩ quan và binh lính tại hàng ngày 28/6/1940 là lựa chọn xem phải theo ai, tham gia kháng chiến (bất hợp pháp) hay về với chính phủ (hợp pháp).

Ngày 1/7/1940 tiểu đoàn 1 (khoảng 900 người) quyết định ở lại Anh, lập ra bán lữ đoàn lê dương dã chiến số 14 (14e DBMLE, 25 sĩ quan, 102 hạ sĩ quan và 702 binh sĩ) tham gia kháng chiến. Đây là tập thể lớn nhất đi theo kháng chiến đầu tiên. Trong khi đó tiểu đoàn 2 (khoảng 800 quân) kéo sang Ma-rốc với danh nghĩa của 13eDBMLE, quy thuận chính phủ Pháp (thân Đức).

Ngày 4/11/1940 13e DBMLE được giải thể. Bộ phận ở Anh bèn bỏ phiên hiệu 14e DBMLE và lấy lại phiên hiệu và truyền thống của 13e DBLE.

Trong Thế Chiến thứ 2, 13e DBLE lập được nhiều thành tích. Đặc biệt trong trận Bir-Hakem (từ 26/5/1942 đến 11/6/1942), 13e DBLE nằm trong đội hình của lữ đoàn 1 Pháp Tự Do (1re Brigade Française Libre) có công chặn đứng các cuộc tấn công của liên quân Đức Ý, tạo điều kiện cho quân Anh triệt thoái an toàn. Ngày 6/4/1945 13e DBLE được thưởng huân chương Giải Phóng (Croix de la Libération).

Sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, chính phủ Pháp quyết định gửi 13e DBLE sang Đông Dương trong thành phần đạo quân viễn chinh tái chiếm thuộc địa cũ. Ngày 6/2/1946 13e DBLE đổ bộ ở Sài Gòn, đóng quân ở phía bắc thành phố, tạo lập tam giác liên hoàn Gia Định – Thủ Đức - Hóc Môn. Tuy nhiên, từ khi  bắt đầu hành quân, các tiểu đoàn của 13e DBLE thường bị xé lẻ, đưa đi nhiều chiến trường khác nhau: tiểu đoàn 1 ở Cam-puchia, tiểu đoàn 2 ở Trung Bộ (Huế và Đà Nẵng), tiểu đoàn 3 ở Nam Bộ. cuộc hành quân. Đến năm 1950, 13e DBLE mới tập trung trở lại, biên chế tăng thêm một tiểu đoàn để làm nhiệm vụ càn quét Đồng Tháp Mười.

Ngày 31/1/1953, tiểu đoàn 4 được giải thể, tiểu đoàn 3 trở thành tiểu đoàn lưu động, ra tận Bắc Bộ. Cuối năm này toàn bộ 13e DBLE được đưa ra Bắc. Trừ tiểu đoàn 2 ở lại đồng bằng sông Hồng, hai tiểu đoàn kia phải lên Điện Biên Phủ: tiểu đoàn 3 (thiếu tá Paul Pégot) trấn giữ cứ điểm Béatrice (Him Lam), tiểu đoàn 1 (thiếu tá de Brinon, sau là thiếu tá Robert Coutant) giữ Claudine.

Ngày 13/3/1954 Việt Minh tấn công Điện Biên Phủ, mở màn bằng trận diệt Him Lam. Số sống sót của tiểu đoàn 3 gom lại chưa đủ một đại đội. Hậu cứ dưới đồng bằng đang tổ chức tái lập tiểu đoàn 3 thì ngày 7/5/1956 Điện Biên Phủ thất thủ, tiểu đoàn 1 bị xóa sổ luôn.

Ngày 15/5/1955 bán lữ đoàn lê dương số 13 là đơn vị quân Pháp cuối cùng rời Đông Dương. Tổng cộng 80 sĩ quan, 307 hạ sĩ quan và 2334 binh sĩ đã bỏ mạng vì cuộc chiến tranh Đông Dương.

Friday 21 February 2014

Hồi tỵ là gì?



Hồi tỵ (chữ Hán : ) là tránh đi – Ví như một người bổ đi làm quan thủ-hiến ở một địa-phuơng, nếu có một người bà con đã làm thuộc-liêu ở chỗ đó thì người ấy phải tránh đổi đi chỗ  khác, thế gọi là hồi-tỵ. (Đào Duy Anh, 2005:347)

Gustave Hue (1937:389) dịch là se retirer, s’abstenir, chính là tránh đi.

Quy định hồi tỵ thì có nhiều, mỗi thời mỗi khác, nhưng nguyên tắc chi phối chỉ có một. Đó là tránh để  xảy ra xung đột lợi ích (tiếng Anh là conflict of interest). Ví dụ như giữa mình và thằng ấy có quan hệ thân thiết kiểu Tôi và gia đình anh Ngọ đã có quen biết từ lâu mà cấp trên lại giao cho mình làm trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm của nó thì phải hồi tỵ ngay. Càng không thể cho nó đến nhà riêng rồi ân cần bảo nó rằng chỗ anh em chú cứ yên tâm để anh lo Mà cho dù không thân đến mức ấy nhưng đã gặp riêng nó rồi thì cũng phải hồi tỵ cho nó lành, khỏi cần ai giải oan.