Thursday 27 February 2014

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài (Nguyễn Tấn Hùng - Tạp Chí Triết Học)

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Nguyễn Tấn Hùng - Phó giáo sư, tiến sĩ, Đại học Đà Nẵng.10:20' AM-Thứ ba, 27/08/2013
Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất; việc phiên dịch các thuật ngữ thì một số thiếu chính xác, một số sai cơ bản, một số khác tuy không sai nhưng cũng cần phải tìm hiểu mới có thể sử dụng đúng được.
Các thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội trong tiếng Việt tuyệt đại đa số có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, chủ yếu được dịch trực tiếp từ các thứ tiếng: Hy Lạp (H), Latinh (L), Anh (A), Pháp (P), Đức (Đ), Nga (N), hoặc gián tiếp thông qua tiếng Trung Quốc (TQ). Tuy nhiên, việc dịch các thuật ngữ này nhiều khi không chính xác, cách phiên âm không thống nhất, do đó dẫn đến những hiểu lầm hoặc giải thích không đúng. Mặt khác, đa số cán bộ nghiên cứu và giảng dạy các môn lý luận triết học, chính trị, xã hội của chúng ta, do ít am hiểu ngoại ngữ nên không thấy có vấn đề gì trong việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của mình và cũng không có thói quen tìm hiểu kỹ nguồn gốc của chúng trước khi sử dụng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra một số trường hợp không thống nhất và bất cập về cách phiên âm, dịch nghĩa các thuật ngữ.
1. Cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất
Tên các quốc gia, địa phương trên thế giới mà chúng ta hiện đang sử dụng được phiên âm bằng hai cách: 1) đọc theo phiên âm Hán - Việt từ cách phiên âm của người Trung Quốc; và 2) phiên âm trực tiếp từ tiếng nước ngoài. Nhiều thuật ngữ trước đây được phiên âm theo cách thứ nhất nay đã chuyển sang cách thứ hai. Thí dụ: Mã Khắc Tư nay là Các Mác (Karl Marx), Mã Lai - Malayxia (Malaysia), Phi Luật Tân - Philippin (Philippines), Gia Nã Đại - Canađa (Canada:), Mễ Tây Cơ - Mêhicô (Mexico), v.v.. Tuy nhiên, cũng còn nhiều thuật ngữ đã dùng quen nên khó thay đổi, chẳng hạn: nước Anh (A: England) (thật ra, tên gọi chính thức của quốc gia này là United Kingdom (Vương quốc thống nhất) gồm 4 nước, trong đó có nước Anh) ; Luân Đôn (L: London); Đức (Đ: Deutschland); Tây Ban Nha (TBN: Espana); Bồ Đào Nha (B: Portuguesa), v.v.. Cách gọi này tuy quen thuộc nhưng lại gây không ít khó khăn cho những người đi học tập, tham quan ở những nơi nói trên.
Có một số tên người có nguồn gốc từ hai cách phiên âm khác nhau. Thí dụ “Bụt” và “Phật” trong tiếng Việt tuy cùng một nghĩa nhưng có hai nguồn gốc phiên âm khác nhau. “Bụt” được phiêm âm trực tiếp từ tiếng Ấn Độ “Buddha”; còn “Phật” cũng từ “Buddha” nhưng được phiên âm sang tiếng Trung Quốc và đọc theo ngữ âm Hán - Việt là “Phật Đà” rồi sau đó được rút gọn thành “Phật”. Các từ “Kitô” và “Cơ Đốc” cũng có nguồn gốc tương tự như vậy. “Kitô” được phiên âm trực tiếp từ tiếng Hy Lạp "Χριστός” (đọc là Khristós, tiếng Latinh là Christus, tiếng Pháp, Anh là Christ). Kitô là tước hiệu, không phải là họ, Giêxu (Jesus) mới là tên. “Cơ Đốc” cũng từ nguồn gốc đó, nhưng được phiên âm sang tiếng TQ rồi được đọc theo âm Hán - Việt. Rất tiếc là nhiều người đã nghĩ Cơ Đốc giáo và Kitô giáo là hai tôn giáo khác nhau. Ngoài ra, “Thiên Chúa giáo”, “Hồi giáo” là những cách gọi sai của chúng ta. Kitô giáo, Cơ Đốc giáo là tên gọi chung (có thể là Công giáo hay Tin Lành); còn Công giáo, Tin Lành, Chính thống giáo là tên những giáo phái của Kitô giáo, sau đã tách ra thành những tôn giáo độc lập. “Hồi giáo” (tôn giáo của người Hồi) là cách gọi của người Trung Quốc, gọi theo tên một bộ tộc theo tôn giáo này; thật ra, tôn giáo này có tên là Islam.
Cũng do việc phiên âm từ các thứ tiếng khác nhau, nên đã xảy ra trường hợp nhầm lẫn, một tác giả được biên soạn thành hai mục từ khác nhau, với hai tên khác nhau. Chẳng hạn, Tômát Aquin trong “Từ điển Triết học” của Cung Kim Tiến. Để hiểu nguồn gốc của sai lầm này, chúng ta hãy trở lại với cách gọi tên các danh nhân phương Tây. Từ Hy Lạp Cổ đại đến thời Trung cổ, các danh nhân chỉ được gọi trực tiếp bằng tên (không có họ), để tránh sự nhầm lẫn giữa nhiều người có cùng tên, người ta thêm địa danh quê hương, chẳng hạn Talet ở Milê (Thales of Miletus), Hêraclit ở Êphesơ (Heraclitus of Ephesus), Zênôn ở Elê (Zeno of Elea) để phân biệt với Zênôn ở Xiti (Zeno of Citium), Điôgien ở Laect (Diogenes Laertius) để phân biệt với Điôgien ở Xinôp (Diogenes of Sinope). Tômát - nhà triết học kinh viện Kitô giáo Trung cổ, sinh ở Aquino, Italia nên gọi là Tômat Aquin hay Tômat Aquinô; trong tiếng Anh, tên nhà thần học này là Thomas Aquinas (hayThomas of Aquin, Thomas of Aquino). Trong phần lớn các tài liệu tiếng Việt hiện nay, tên của nhà thần học này được phiên âm từ tiếng Pháp: Thomas d'Aquin (cũng có nghĩa là Tômat ở Aquin) đọc là Tôma Đacanh. Trong tiếng Nga, nhà triết học này được phiên âm là Фома Акви́нский (đọc là Phôma Akvinski, cũng có nghĩa là Tômát ở Aquin), có lẽ vì thế mà Từ điển Triết học Cung Kim Tiến đã nhầm và biên soạn thành hai tác giả (hai mục từ) khác nhau là “Tôma ở Ácvinô” (từ tiếng Nga Фома Акви́нский) và “Tômat Đacanh” (từ tiếng Pháp Thomas d'Aquin) (1).
2. Về việc phiên dịch các thuật ngữ: một số thiếu chính xác, một số sai cơ bản, một số khác tuy không sai nhưng cũng cần phải tìm hiểu thì mới sử dụng đúng được.
- Một số thuật ngữ dịch tuy phản ánh được nội hàm của khái niệm gốc, nhưng không sát với thuật ngữ gốc của nó. Nguyên nhân của tình trạng này là do khi dịch một khái niệm, người ta chỉ cố gắng đảm bảo nội hàm, còn về tên thuật ngữ thì lại đi tìm một tên khác, miễn là diễn đạt được nội hàm đó. Thí dụ:
Thuyết “Tam quyền phân lập” là một học thuyết chính trị do nhà triết học chính trị Pháp Saclơ Môngtexkiơ (Charles Montesquieu, 1689 - 1755) đưa ra. Trong tiếng Pháp, thuyết này có tên “Séparation des pouvoirs” (A: Separation of powers), nếu dịch sát về thuật ngữ thì phải là “sự chia tách các quyền lực” chứ không phải là “tam quyền phân lập”. Tuy từ dịch này không sai so với nội hàm của khái niệm, nhưng người sử dụng cũng cần phải biết xuất xứ của nó.
“Chủ nghĩa thực dụng” (Pragmatism) là một trào lưu triết học đã và đang thịnh hành ở Mỹ. Thuật ngữ “pragmatism” (A) hay “pragmatisme (P) xuất phát từ “pragma” (số nhiều: pragmat) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hành động”. Từ “pragma” là nguồn gốc của các từ practice (A), pratique (P), практика (N) dịch ra tiếng Việt là “thực hành” hay “thực tiễn”. Như vậy, “pragmatism” nếu dịch sát nghĩa phải là “chủ nghĩa hành động”, “triết học thực tiễn” chứ không phải là “chủ nghĩa thực dụng” như cách nói hiện nay. Thuật ngữ “chủ nghĩa thực dụng” trong tiếng Việt tuy cách dịch không sai so với thực chất của trào lưu triết học này (lấy công dụng, lợi ích, hiệu quả thực tế làm thước đo cho tất cả), nhưng nó lại được hiểu lệch theo một nghĩa xấu vốn không có trong thuật ngữ gốc của nó.
- Một số thuật ngữ dịch sai cả về tên và nội hàm của khái niệm.
Không chỉ có thuật ngữ “chủ nghĩa duy tâm”, “chủ nghĩa duy vật”, mà có nhiều thuật ngữ khác cũng được thêm từ “duy” vốn không có trong tiếng nước ngoài, thí dụ “chủ nghĩa duy thực”, “chủ nghĩa duy danh”, “chủ nghĩa duy năng”, “chủ nghĩa duy linh”, “chủ nghĩa duy ý chí”,… Chữ “duy” ở đây làm cho người ta hiểu sai là “chỉ có”, thí dụ, hiểu nhầm chủ nghĩa duy vật cho rằng “chỉ có vật chất”, chủ nghĩa duy tâm cho rằng “chỉ có ý thức”… Thực ra, các trào lưu này không tuyệt đối hóa sự tồn tại của một trong hai nhân tố, mà chỉ nhấn mạnh vai trò quyết định của một trong hai nhân tố đó mà thôi.
Thuật ngữ “chủ nghĩa duy tâm” còn sai cả từ và nghĩa nữa. Các từ idealism (A), idéalisme (P), idealismus (Đ) xuất phát từ tiếng Hy Lạp “ιδεα” được dịch sang tiếng Anh là “idea”, “form”; tiếng Việt là “ý niệm”. Platôn - nhà triết học duy tâm khách quan cho rằng “ý niệm” là một thực thể tinh thần có trước, độc lập với sự vật cảm tính. Hêghen cũng kế thừa tư tưởng đó. Còn những nhà duy tâm chủ quan, như Đêvit Hium (David Hume, 1711 - 1776), thì lại cho rằng sự vật chỉ là “tập hợp các cảm giác” hay “tập hợp các ý niệm” (collection of ideas) của con người. Đáng lẽ “idealism” phải được dịch là “chủ nghĩa ý niệm”. Thuật ngữ Hán - Việt, “tâm” tuy cũng có nghĩa là ý thức, tư duy, nhưng chỉ nói về tư duy của con người mà thôi (chỉ có thể áp dụng cho chủ nghĩa duy tâm chủ quan); trái lại, thuật ngữ “ý niệm” (idea) trong từ “idealism” theo quan niệm của các nhà triết học duy tâm khách quan thì lại tồn tại độc lập, ngoài con người.
“Chủ nghĩa kinh nghiệm” (empiricism) là khuynh hướng triết học thịnh hành ở nước Anh với Francis Bacon, John Locke, George Berkeley, David Hume trong thế kỷ XVII đến các nhà triết học thuộc chủ nghĩa thực chứng trong các thế kỷ XIX và XX. Thuật ngữ này tuy rất quen thuộc, song thế nào là “kinh nghiệm” thì ít người hiểu đúng, vì từ “kinh nghiệm” trong tiếng Việt và tiếng nước ngoài (εμπειρισμός (H) experientia (L), experience (A, P) không đồng nghĩa với nhau. “Kinh nghiệm” trong tiếng Việt thường được hiểu là những tri thức thu được trong hoạt động thực tiễn. Do đó, chủ nghĩa kinh nghiệm được người Việt hiểu như là khuynh hướng tư tưởng coi kinh nghiệm thực tiễn là tất cả, coi thường lý luận. Tuy nhiên, trong triết học phương Tây, “εμπειρισμός”, “experience” trước hết được hiểu là tất cả những tri thức cảm tính, tức tất cả những gì do quan sát được bằng giác quan đem lại. Như vậy, “chủ nghĩa kinh nghiệm” ở phương Tây là trào lưu triết học chỉ thừa nhận những tri thức có nguồn gốc từ cảm tính hoặc có liên hệ trực tiếp với cảm tính; nó phủ nhận những tri thức do suy lý gián tiếp, phản đối phương pháp tư duy tư biện. Chủ nghĩa kinh nghiệm có thể là duy vật hoặc duy tâm. Đối với các nhà triết học duy tâm chủ quan, các nhà triết học thực chứng và thực dụng thì kinh nghiệm là tất cả, không phân biệt khách quan, chủ quan. Theo họ, vũ trụ, mặt trời, mặt trăng… đều nằm trong kinh nghiệm.
“Chủ nghĩa duy lý” (rationalism có gốc từ tiếng Latinh ratio - lý trí, lý tính, reason (A), raison (P)) là trào lưu triết học đối lập với chủ nghĩa kinh nghiệm. Chủ nghĩa duy lý là khuynh hướng triết học coi lý trí là cơ sở của tồn tại, nguồn gốc và tiêu chuẩn kiểm tra chủ yếu của tri thức; đồng thời cho rằng, bằng lý trí và phương pháp suy luận diễn dịch, con người có thể nhận thức được tất cả, không cần đến kinh nghiệm. Đối lập với trào lưu chủ nghĩa duy lý còn có trào lưu “chủ nghĩa phi lý” (phi lý tính hay phi duy lý - irrationalism) phủ nhận vai trò của lý trí, lý tính. Chủ nghĩa hiện sinh là một điển hình. Nó cho rằng tất cả đều là phi lý. Cái phi lý là cái không có bản chất, quy luật, nguyên nhân, quan hệ… và do vậy, không thể dùng lý trí để nhận thức, mà chỉ có thể cảm nhận bằng cảm giác, cảm xúc mà thôi. Đừng nhầm lẫn “phi lý” (absurd) với “vô lý” (illogical). Cái vô lý là cái không hợp lôgíc, nghĩa là có thể nhận thức được bằng lý trí, nên mới biết được nó không hợp với lôgíc khách quan. Còn cái phi lý là cái không thể nhận thức được bằng lý trí, nên không thể nói gì về nó cả. Theo nhà triết học hiện sinh Pháp - Albert Camus, hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống… là những cái phi lý, chúng ta chỉ có thể cảm nhận chúng mà không thể giải thích được chúng.
“Chủ nghĩa thực chứng” là gì? Nó là trào lưu triết học thịnh hành ở các nước, như Anh, Mỹ trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thuật ngữ “chủ nghĩa thực chứng” (Positivsm, Positivisme trong tiếng Anh, Pháp) xuất phát từ positivus (L) (positivepositif trong tiếng A,P) có nghĩa là xác thực, rõ ràng.Positive - negative là một cặp từ được dùng ở nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn như dương - âm (cực dương hay cực âm của một nguồn điện). Cặp từ này cũng có nghĩa là khẳng định (nói có) - phủ định (nói không) trong các phán đoán. Thí dụ, trong kết quả xét nghiệm một loại vi rút nếu được ghi là negative (dịch là âm tính) có nghĩa là không có virút đó. Cặp từ này còn có nghĩa là tích cực - tiêu cực. Riêng từ “positive” trong khoa học, triết học, thí dụ “positive knowledge”, “positive thinking”, có nghĩa là xác thực, rõ ràng. Positivism được dịch là “chủ nghĩa thực chứng” vì đây là một trào lưu triết học không thừa nhận lối tư duy tư biện và những tư tưởng tư biện; nó chỉ thừa nhận những tri thức thực chứng, tức là những tri thức xác thực, đã được chứng thực. Tuy nhiên, hạn chế của trào lưu này là chỉ giới hạn việc chứng thực các mệnh đề lý luận bằng kinh nghiệm cảm tính (quan sát, thực nghiệm).
“Chủ nghĩa hiện sinh” là gì? Thuật ngữ này rất quen thuộc nhưng ít người hiểu đúng thực chất của nó, ngay cả những người nghiên cứu và giảng dạy triết học, vì thuật ngữ này trong tiếng Việt không đồng nhất với thuật ngữ gốc. “Hiện sinh” trong tiếng Việt có nghĩa là “đang sống”, nhưng thuật ngữ gốc của nó không có nghĩa như vậy. Thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh” (Existentialism (A), Existentialisme (P) xuất phát từ gốc từ Latinh “existentia”, nghĩa thông thường là “tồn tại”. Đây là trào lưu triết học phi lý tính, phát triển mạnh ở Đức và Pháp từ những năm 20 của thế kỷ XX. Thật ra, trong ngôn ngữ thường ngày, being và existence (A) hayêtre và existence (P) đều có chung một nghĩa là “tồn tại”, chẳng hạn, “being and thinking” (tồn tại và tư duy) “the existence of God” (sự tồn tại của Thượng đế). Tuy nhiên, các nhà triết học hiện sinh lại phân biệt hai khái niệm này. Theo họ, être (P); being (A); Sein (Đ) (dịch ra tiếng Việt là “tồn tại”) chỉ đơn giản là “có mặt ở đó”, nhưng không có ý thức nên vô nghĩa, không đáng quan tâm. Chỉ có existence (A&P); Dasein (Đ) (được dịch ra tiếng Việt là “hiện sinh” hay “hiện hữu”) là một thứ tồn tại đặc biệt - tồn tại có ý thức, mới là cái đáng quan tâm. Tuy nhiên, ý thức mà họ nói ở đây không phải là lý trí hay ý thức khoa học, mà là một thứxúc cảm chủ quan (sự lo âu, trăn trở, đau khổ, tự do, nổi loạn…) ở cá nhân riêng lẻ của con người “hiện sinh” và cảm nhận chủ quan mà con người hiện sinh gán cho đồ vật mà thôi. Nhà hiện sinh Pháp - Jean Paul Sartre (1905 - 1980) đưa ra luận điểm nổi tiếng “L'existence précède l'essence” (“hiện sinh có trước bản chất”, nhưng nhiều tài liệu nhầm là “tồn tại có trước bản chất”) nghĩa là con người sinh ra không có một bản chất vốn có nào cả; chỉ khi nào con người “hiện sinh”, tức là có ý thức về bản thân mình, tự do lựa chọn cho mình trở thành một cái gì thì anh ta mới có được một bản chất nào đó. Đồ vật chỉ đơn giản là tồn tại, nó chỉ “hiện sinh” khi con người hiện sinh đem lại cho nó một ý nghĩa nào đó. Nhà hiện sinh Pháp - Simone de Beauvoir (1908 - 1986) có câu nói nổi tiếng “On ne nait pas femme, on le devient” (Người ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ) cũng được hiểu theo cách tương tự như vậy. Như vậy, chủ nghĩa hiện sinh là trào lưu triết học chỉ quan tâm đến sự “hiện sinh”, một thứ tồn tại đặc biệt, chứ không phải là tồn tại nói chung.
Thuật ngữ “chủ nghĩa cộng sản” được dịch từ các thứ tiếng phương Tây (communism (A), communisme (P), Kommunismus (Đ), коммунизм (N). Các thuật ngữ này không hề có từ “sản” mà chỉ gần gũi với từ “chung” (common), “cộng đồng” (community). Không phải ngẫu nhiên mà một tác giả đã giải thích: “communism = common + ism”. Việc dịch thuật ngữ này thành “chủ nghĩa cộng sản” là sai cả về ngữ nghĩa và thực chất của khái niệm. Communism nếu dịch chính xác phải là “chủ nghĩa cộng đồng”, chứ không thể là “chủ nghĩa cộng sản” được. Từ “chủ nghĩa cộng sản” tạo ra một ấn tượng sai lầm rằng xã hội tương lai mà chúng ta phấn đấu xây dựng phải là một xã hội mà mọi tài sản đều là của chung. Mặc dù, sau này, người ta đã cải chính rằng không phải mọi tài sản mà chỉ có tư liệu sản xuất là của chung, nhưng như vậy cũng không phản ánh được thực chất của chủ nghĩa cộng sản. Khái niệm “communism” phản ánh mục đích phấn đấu là cộng đồng xã hội, ưu tiên của cộng đồng xã hội so với cá nhân; còn tư liệu sản xuất chung chỉ là con đường để thực hiện mục đích, chứ không phải là mục đích.
Các thuật ngữ “conservatism”, “conservative party” được dịch sang tiếng Việt là “chủ nghĩa bảo thủ”, “đảng bảo thủ”. Các thuật ngữ này xuất phát từ động từ “conserve” (A) hay conserver (P) có nghĩa là giữ gìn, bảo tồn, bảo toàn. Cách dịch này sang tiếng Việt tuy không sai (“bảo thủ” có nghĩa là “bảo vệ, giữ gìn”), nhưng vì trong tiếng Việt, từ “bảo thủ” thường được dùng với một nghĩa xấu, do đó người ta thường hiểu sai khuynh hướng chính trị này. Thực ra, đây là một khuynh hướng triết học chính trị chủ trương giữ gìn, bảo tồn những giá trị, những thể chế (chính trị, văn hóa, đạo đức, tôn giáo, v.v.) đã qua thử thách trong lịch sử. Khi sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa bảo thủ”, vì không hiểu nguồn gốc của nó, nên nhiều người thắc mắc tại sao trong nhiều nước tiên tiến, đảng “bảo thủ” lại có thể được quần chúng ủng hộ, như Đảng Bảo thủ Anh đã nhiều lần nắm được ghế thủ tướng; Đảng Bảo thủ Canađa hiện nay đang nắm chính quyền ở nước này từ năm 2006 đến nay.
Không chỉ các thuật ngữ được dịch từ các tiếng phương Tây, mà ngay cả một số thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Nga, tiếng Trung Quốc cũng không phải đã được hiểu đúng.
Tác phẩm của V.I.Lênin “Империализм, как высшая стадия капитализма” được dịch ra tiếng Việt là: “Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”. Đúng ra phải dịch là: “Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản”. Cần lưu ý, hai thuật ngữ “tột cùng” và “cao nhất” không hoàn toàn trùng khớp với nhau về ngữ nghĩa. “Tột cùng” còn có nghĩa là cuối cùng; còn “cao nhất” chưa hẳn là cuối cùng (vì còn có quá trình đi xuống, suy vong nữa rồi mới chấm dứt). Thuật ngữ “умирающий капитализм” được dịch ra tiếng Việt là “chủ nghĩa tư bản giẫy chết” cũng không hoàn toàn sát nghĩa. умирающий (động tính từ của động từ умирать) có nghĩa là đang chết. “Đang chết” diễn đạt một quá trình lâu dài, chết dần dần; còn “giẫy chết” cho ta ý niệm về một cái chết diễn ra rất nhanh chóng.
Câu nói của Khổng Tử: “Tính tương cận, tập tương viễn” thường được giải thích là: Tính người vốn sinh ra là gần nhau nhưng do nhiễm những thói quen, tập quán xấu ngoài xã hội, nên vì thế mà tính người trở nên xa nhau. Ta thử đối chiếu với cách dịch câu nói này trong một giáo trình triết học ở Mỹ: “By nature, men are nearly alike; by practice, they get to be wide apart" (Về bản tính, con người gần giống nhau; bằng sự rèn luyện mà họ trở nên xa nhau) (2). Tính người (human nature) phải được hiểu là bản tính tự nhiên của con người, chứ không phải là ý thức hay nhân cách, vì khi mới sinh ra, con người chưa có được những yếu tố này. “Nature” là tự nhiên khác với “culture” (văn hóa, giáo dục). Bản tính tự nhiên của con người xuất phát từ bản năng động vật, tức yếu tố “con” ở trong con người (bản năng ăn uống, tự vệ, sinh dục …) đòi hỏi phải được thỏa mãn cho cá nhân một cách tối đa, bất chấp lợi ích của người khác (từ đó sinh ra tính tham lam, ích kỷ, lánh nặng tìm nhẹ, v.v.). Tuy nhiên, nhờ lớn lên và rèn luyện trong môi trường văn hóa mà con người kìm chế được những bản năng này và phát triển những phẩm chất xã hội. Nhưng, những phẩm chất xã hội ở mỗi người là không giống nhau vì việc rèn luyện của mỗi người là khác nhau.
Bài thơ “Dạ bán” (Nửa đêm) trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh có hai câu: “Thiện, ác nguyên lai vô định tính, Đa do giáo dục đích nguyên nhân”,được Nam Trân giải thích: “Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”. Cách giải thích này đúng, nhưng khi dịch ra thơ, để đảm bảo vần điệu, Nam Trân dịch: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên” (3). Thật ra, thiện, ác dịch là hiền, dữ thì không chuẩn. Vì thiện, ác là thuộc về đạo đức; còn hiền, dữ là thuộc về cá tính; “hiền” chưa hẳn là “thiện”, “dữ” chưa hẳn là ác.
Qua một số ví dụ nêu trên, chúng tôi cho rằng, để hiểu được thực chất và vận dụng đúng các thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, chúng ta không có cách nào khác là phải truy tìm ngôn ngữ gốc của chúng. Mặt khác, chúng tôi đề nghị Nhà nước nên có những quy định thống nhất về cách phiên âm tên người, tên địa phương và cách dịch các thuật ngữ triết học, chính trị, xã hội tương đối thông dụng.
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Cung Kim Tiến. Từ điển triết học. Nxb Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.1200 -1201.
(2) Douglas J. Soccio, Archetypes of Wisdom: An Introduction to Philosophy, Wadsworth Publishing, Ohio, 2006. Giáo trình này cũng được Trường Đại học Towson sử dụng trong chương trình đào tạo quốc tế ở Việt Nam.
(3) Xem: Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.283.

Wednesday 26 February 2014

Đơ Bê là gì?



Tiểu thuyết viết về cuộc kháng chiến chín năm hay nhắc đến đơ bê:
Orion cầm máy điện thoại và gọi sang văn phòng của viên sĩ quan Đơ bê Giô dép Mai:
(Tô Đức Chiêu, 2008:78)
Từ đó Thanh Tùng gia nhập làng báo, hắn bộ hắn bộ quân phục, không lái xe Jeep, không dùng cái tên nhà binh Đại úy “Đơ Bê” hắn lấy bút hiệu Mão Đen. 
(Nhị Hồ - Điệp viên giữa sa mạc lửa – chương 13)
Đơ Bê là cách phát âm tiếng Pháp của 2B, tức deuxième bureau, nghĩa là phòng hai hay phòng nhì, bộ phận chuyên trách quân báo trong cơ quan tham mưu Pháp


Với thằng Thiêm, bọn “Đơ-bê Zốt” đã nhẵn mặt, nhưng khi nghe được tin báo thì đã muộn, không xoay chuyển được tình thế nữa, chúng liền cho câu pháo lên để trả thù.
Đơ-bê Zốt (2B/ZOT) là phòng nhì khu chiến Bắc Kỳ (Zone Opérationnelle du Tonkin).

Tuesday 25 February 2014

Albert Clavier đã trúng đòn nghiệp vụ của Việt Minh như thế nào?



Albert Clavier đến Sài Gòn đầu năm 1947. Sau mấy tuần ở trại Galliéni, anh được đưa ra Hải Phòng, từ đây cùng với đơn vị của mình (trung đoàn 3 pháo binh thuộc địa Ma-rốc – 3e RACM) lên đóng ở Lạng Sơn. Albert giữ nhiệm vụ văn thư, kế toán cho một pháo đội, không tham gia các cuộc chém giết cũng không rượu chè, trai gái như nhiều bạn đồng ngũ. Tự nhiên trở thành một kẻ cô độc giữa đám lính tráng, anh quay ra kết bạn với một số người Việt trong khu vực đóng quân. Những người này nói được tiếng Pháp lại có chức có phận nên André không mảy may nghi ngờ điều gì.

Những người bạn Việt (Minh) và Albert dần dần hiểu rõ về nhau. Theo lời kể của chính Albert (do Claude Collin, 2004 ghi lại) thì:
Lúc ấy tôi ở Việt Nam cũng được hơn một năm rồi. Tôi đã chuẩn bị trở về Pháp, gặp lại gia đình, gặp lại Solange. Lúc tôi nói chuyện với Bat, anh yêu cầu tôi chưa nên đi ngay: “Bọn mình cần những người như cậu tố cáo những việc mà cậu đã chứng kiến. Khoan rời Việt Nam, hãy ở lại thêm ít lâu nữa!” Tôi đã cân nhắc rất, rất là lâu vì thật sự là tôi rất muốn về Pháp, nhưng sau cùng tôi quyết định hoãn ngày hồi hương. Lúc đó có thể xin gia hạn hai lần, mỗi lần sáu tháng. Để cho Solange khỏi thắc mắc, tôi bịa ra lý do tiền bạc, bảo rằng bằng cách đó có thể để dành thêm được nhiều hơn, tôi đang kiếm được tiền, lương lính cũng được kha khá.

Vẫn theo lời đương sự:
Trong suốt thời gian ấy, tôi gặp Bat thường xuyên hơn và cung cấp cho anh một số thông tin. Tôi vẽ lại bản đồ một số cứ điểm phòng thủ ở Lạng Sơn. Tôi đi chơi với anh, chụp ảnh (gọi là) làm kỷ niệm, nhưng hậu cảnh luôn luôn là một địa điểm mà người của anh quan tâm.

Đó là hoạt động gián điệp. Nhưng có vẻ như Albert vẫn không thấy mình đã trở thành một kẻ phản bội:
Ngoài việc đó ra, anh ấy chẳng bao giờ hỏi tôi về lịch trình các đoàn công-voa để Việt Minh có thể tấn công. Mà dù có hỏi, tôi cũng không cung cấp những thông tin như thế. Tôi không thể làm thế. Cũng như khi chạy sang Việt Minh rồi, chưa bao giờ có chuyện tôi cầm vũ khí chống lại đồng bào mình. Lúc ấy tôi vẫn nghĩ là mình sắp về Pháp.
Thật là chữ trinh còn một chút này...

Việt Minh quyết định ra đòn nghiệp vụ để anh chàng hết lừng khừng.
Cuối năm 1949, quân Mao Trạch Đông tiến đến sát biên giới Trung – Việt. Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội quyết định tái phối trí các đơn vị pháo binh. Pháo đội của tôi phải rời Lạng Sơn, đi Tiên Yên. Ít hôm trước ngày tôi lên đường, Bat cho người nhắn tôi có việc gấp. Tôi thuộc hạng có lon có chậu, đi ra ngoài trại không vấn đề gì. Gặp Bat tôi thấy anh có vẻ lo lắng. Anh sợ rằng tôi có thể đã bị lộ.
Không có tội gì thì sợ lộ cái gì?

Một điệp viên của Bat bị phòng nhì Pháp bắt cùng với một bức thư có nhắc đến tôi, dĩ nhiên chỉ là tên giả. Nhưng Bat nghĩ là phòng nhì sẽ lần ra tới tôi. Anh nói thẳng là các bạn của anh đã sẵn sàng đưa tôi ra vùng Việt Minh.

Albert xin được suy nghĩ, cân nhắc một đêm. Sau cùng viễn cảnh phải ra tòa án binh lãnh  mười hai viên kẹo đồng vượt lên mọi lẽ thiệt hơn, Albert đồng ý ra đi, chỉ yêu cầu Việt Minh dàn dựng thành một vụ bắt cóc để người thân ở Pháp không gặp phiền toái.
Nếu việc đi lại với Việt Minh bị phòng nhì Pháp phát giác thì màn kịch này hóa ra thừa. Nhưng nếu không sợ phòng nhì tóm thì việc gì phải trốn chạy? Điều đó cho thấy đến lúc dứt áo ra đi, Albert Clavier vẫn chưa hết lừng khừng. Tuy nhiên Việt Minh cũng làm theo yêu cầu của anh và suốt một thời gian dài Albert được quân đội Pháp xem là thất tung. Mãi cho đến cuối năm 1950, khi Albert tham gia quản lý số tù binh Pháp bị Việt Minh bắt trong chiến dịch Biên Giới, thân phận của anh mới bị bộc lộ. Trong số tù binh có hai sĩ quan vượt ngục thành công, về tố cáo với Hà Nội. Ngày 27/12/1950 tòa án quân sự miền Bắc Đông Dương kết án tử hình Albert Clavier vì tội đào ngũ sang phía địch.

Tư liệu về Albert CLAVIER, người Pháp, Thiếu tá QĐND Việt Nam (Triệu Xuân Info)

Những bài báo
14.03.2011
Tư liệu
Albert CLAVIER, người Pháp, Thiếu tá QĐND Việt Nam vừa từ trần!
Ở một làng quê hẻo lánh, ven vùng phủ sóng điện thoại, liên lạc bằng điện thoại di động rất khó. Cũng may vào mạng internet dễ hơn. Sáng nay, tôi nhận được đôi dòng ngắn của nhà thơ Dương Tường gửi từ Hà Nội: Albert Clavier ra đi 21g55 ngày 9 tháng ba.


Chắc Albert Clavier từ trần ở nhà dưỡng lão gần nhà ở Saint-Laurent-le-Pont (tỉnh Isère), ở tuổi 84. Hè năm ngoái, cũng với bà Dominique de Miscault, nghệ sĩ nhiếp ảnh, chúng tôi đã lái xe 600 km đến thăm ông. Lần trước, tôi được gặp ông lần đầu tiên, là nhờ đi cùng với anh Dương Tường, người bạn cố tri của Albert Clavier.


Để hiểu tình bạn giữa hai người, tôi xin mời độc giả đọc lại bài Như Edith Piaf hát mà Dương Tường đã viết cho số Xuân Diễn Đàn 2009.


Con người và cuộc đời của ông, tôi đã có dịp phác họa nhân đọc hồi kí De l'Indochine coloniale au Vietnam libre / Je ne regrette rien (nhà xuất bản Les Indes Savantes, Paris, 2008) -- Je ne regrette rien là bàỉ ca nổi tiếng của Edith Piaf, nên nhà thơ Dương Tường đã nhắc trong bài viết kể trên.


Trong bài điểm sách, tôi đã nói đến ba cuộc đời của người chiến sĩ già: (1) 1927-1947: ra đời và lớn lên ở vùng sơn cước Vercors, 13 tuổi phải bỏ học đi chăn bò, làm tá điền, rồi tham gia kháng chiến, vào Đảng cộng sản; (2) 1947-1964: nhập ngũ, vào quân đội của nước Pháp mới giải phóng, nhưng lại bị đưa sang Đông Dương làm công việc bẩn thỉu của quân đội nazi, Clavier đào ngũ, tham gia kháng chiến (bị tòa án binh kết án tử hình vắng mặt); sau Hiệp định Genève về Hà Nội, làm báo, rồi rời Việt Nam vì bất đồng ý kiến trong cuộc đối đầu Trung-Xô; (3) 1964-1995: sống ở Budapest trước khi về Pháp nghỉ hưu, bắt đầu làm việc cho Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới rồi trở thành nhà kinh doanh.


Cuộc đời đầy ắp ấy tưởng đã chấm dứt với những năm tháng làm ông ngoại, khi con gái ông (France - Thiên Nga) mang con từ Hà Nội sang đoàn tụ. Nhưng hè năm ngoái, đến thăm Albert Clavier ở nhà dưỡng lão, tôi được chứng kiến cuộc đời thứ tư của ông. Bị xuất huyết não, ông không đi lại được, đã vào nhà dưỡng lão. Nhưng khi tôi đưa Dương Tường xuống thăm ông thì Clavier đã trở về nhà, vì không chịu nổi không khí tinh thần của nhà dưỡng lão -- điều này, tôi hiểu được, sau mấy năm chăm lo cho Georges Boudarel ở ba nhà dưỡng lão Pantin, Paris, Les Lilas. Cuộc trở về cũng chỉ là tạm bợ, vì khi chúng tôi đến nhà, ông ở trên lầu, phải ném chìa khóa qua cửa sổ để chúng tôi mở cửa vào nhà. Ông không thể xuống cầu thang, và nhận thấy phải chấp nhận trở lại nhà dưỡng lão, khi nào họ có chỗ cho ông!


Tháng 6.2010, cùng với Dominique de Miscault, chúng tôi lái xe xuống thăm ông ở nhà dưỡng lão. Trên đường, tôi rất lo, không biết làm sao ông chấp nhận được cuộc sống và không khí một cộng đồng mà hơn 80% những cụ già không còn tự chủ về vật chất và nhiều khi tinh thần. Mừng sao, chúng tôi thấy ông vẫn tinh anh, nhạy bén, tuy ngồi xuống, đứng dậy, đi lại hết sức khó khăn. Sau một phút chào hỏi, chúng tôi khám phá được bí quyết: vào nhà dưỡng lão được ít ngày, ông được bầu làm chủ tịch ban đại diện "lão trại viên". Và hàng ngày, Clavier đối thoại, đấu tranh với ban giám đốc để cải thiện đời sống trong nhà dưỡng lão. Chỉ vào cái máy truyền hình màn ảnh phẳng ngự trị ở cuối phòng khách kiêm phòng ăn, ông mỉm cười khoe: "Phải đấu với tay giám đốc cả tuần mới chịu đặt cái máy này để mọi người ngồi xem giải Euro, thay vì ngồi ru rú một mình trong phòng". Cuộc đấu tranh mà ông đang tiến hành đầu tháng sáu là thuyết phục giám đốc chấp nhận tổ chức sự "giao lưu" giữa nhà dưỡng lão và các trường mẫu giáo, trường tiểu học gần đó. Điều này không có gì mới, nhiều nơi đã bắt đầu, đem lại kết quả thỏa đáng cho cả tuổi già lẫn trẻ nhỏ, phá rào cái "ghetto" mà xã hội Âu Châu đã dựng nên để giam kín người già, loại trừ tuổi già ra khỏi xã hội. Clavier than với chúng tôi: "Tay giám đốc này bảo thủ lắm".


Hôm nay, Clavier không còn nữa. Tôi không biết trước khi mất, ông đã thuyết phục được "tay bảo thủ" đó chưa. Chỉ biết, con người ấy, ở tuổi ngoài tám mươi, thanh thản như một nhà hiền triết, vẫn mỗi ngày, tiếp tục những cuộc chiến đấu nho nhỏ. Vì người. Vì nhân phẩm con người.





Nguyễn Ngọc Giao





Đọc hồi kí ALBERT CLAVIER: Từ Đông Dương thuộc địa


đến nước Việt Nam tự do. De l'Indochine coloniale au Vietnam libre


Je ne regrette rien. Ed. Les Indes Savantes, Paris, 2008


Nguyễn Ngọc Giao


Hồi kí của một người đã sống ba cuộc đời, sau bao đắng cay, vẫn coi Việt Nam là "tổ quốc thứ hai"


Mùa xuân 1964, cách nhau vài ngày hay vài tuần, có ba người Pháp rời Hà Nội từ sân bay Gia Lâm hay nhà ga Hàng Cỏ đi châu Âu. Họ không phải là du khách (năm ấy, miền Bắc Việt Nam không có du khách). Họ cũng không phải là khách Pháp đến Việt Nam rồi về, như một vài nhà ngoại giao Pháp hay đại diện Đảng cộng sản (chẳng hạn, ông François Billoux, uỷ viên Bộ chính trị, đến Hà Nội cuối tháng 4.1964). Họ cũng không phải là những tù binh hay hàng binh Pháp từ thời 9 năm kháng chiến (những người ấy đã rời Việt Nam mười năm về trước, sau Hiệp định Genève 1954). Ba người ấy là Georges Boudarel, Albert Clavier và Jean Tarago. Họ đã đến Việt Nam từ cuối những năm 1940 như một quân nhân (Clavier, hạ sĩ quan và Tarago, đại uý) hay một viên chức (Boudarel, giáo sư triết học ở Lycée Marie Curie). Là những người cộng sản, họ quyết định đứng sang hàng ngũ Việt Minh, chống lại cuộc chiến tranh thực dân. Đối với họ, đó là sự chọn lựa phù hợp với tinh thần “quốc tế vô sản”, và cũng là trung thành với lí tưởng “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của Cách mạng Pháp và của "Cộng hoà Pháp".


Đối với chính quyền và quân đội Pháp thời ấy, đó tất nhiên là hành động «phản quốc»: cả ba đã bị toà án quân sự tuyên án tử hình vắng mặt.


Năm 1964, mười năm sau khi tiếng súng chấm dứt trên chiến trường Đông Dương (và cũng đã chấm dứt được 2 năm ở Algérie). Nhưng cái án tử hình vẫn treo lửng lơ trên đầu, họ không trở về quê hương được. Boudarel sẽ ở Praha, làm việc cho Liên đoàn các công đoàn thế giới (FSM) cho đến năm 1967, khi tổng thống De Gaulle kí sắc lệnh ân xá cho “tất cả những tội phạm trong hai cuộc giao tranh ở Đông Dương và Algérie” (đây là cách hoà giải với phe cực hữu đòi giữ “Algérie thuộc Pháp” đến cùng, và từng tổ chức phiến loạn, thậm chí âm mưu ám sát ông). Tarago lưu vong ở Đông Berlin. Còn Clavier ở Budapest, bước đầu làm việc cho FMJD (Liên đoàn Thế giới Thanh niên Dân chủ).


Ngày nay, Boudarel và Tarago đã từ trần. Clavier là chứng nhân cuối cùng của một cuộc “phiêu lưu” nhân bản trong một thời đại đầy “âm thanh và cuồng nộ”. Hồi kí “Từ Đông Dương thuộc địa đến nước Việt Nam tự do” kể lại cuộc đời của Albert Clavier.


*


Thực ra, có thể nói Clavier đã sống ít nhất ba cuộc đời.


Cuộc đời thứ nhất: từ 1927 đến 1947. Hai mươi năm thôi, nhưng chàng trai Albert dường như đã trải qua những thử thách quá tải cho một kiếp người bình thường: sinh ra trong một sơn thôn vùng Vercors (sau này sẽ là căn cứ kháng chiến), cha là một cố nông, đi làm thợ, chết ở tuổi 70 lúc Albert 5 tuổi, mẹ ở vậy, làm vú, nuôi 5 đứa con. Albert là con út, học khá, được các anh chị bỏ học sớm, đi làm, để cho em út cắp sách đến trường, say mê đọc Những người cùng khổ của Victor Hugo. Cho đến năm 13 tuổi, phải bỏ học, đi làm thuê. Trước đó một năm, vào Đảng cộng sản (do người anh Henri giới thiệu) ít lâu trước khi đảng này bị cấm (1939). Thế chiến bùng nổ, Pháp bị Đức quốc xã chiếm, anh Henri tham gia kháng chiến, bị bắt, đi đày Buchenwald. Kati, người bạn gái đầu tiên của Albert, gốc Do Thái, bị bọn “dân vệ” bắt đi, biệt tích... Nước Pháp được giải phóng, không khí hồ hởi, nhưng đời sống chật vật, chàng trai 17-18 tuổi theo bạn đầu quân, một phần vì không biết làm gì, một phần vì muốn phiêu lưu. Thế là vào “pháo binh thuộc địa”. Nhưng cái gọi là “biến cố Đông Dương” đã bùng nổ. Anh Henri từ Buchenwald trở về, da bọc xương, mắng thằng em trai: “Mày định sang đó lập lại thuộc địa sao ?”. Mấy lần Albert trốn trại bỏ ngũ để tránh lệnh sang Đông Dương, đều bị tóm trở lại, phạt tù, cuối cùng, một đêm tháng 3.1947, bị đưa lên tàu đậu bến Marseille: “Ta đi thăm Hồ Chí Minh. Bao nhiêu 'congai' đang đợi kìa!”.


Cuộc đời thứ nhì: 1947-1964.


Ở trên đã nói Albert là “cộng sản” từ năm 12 tuổi. Nhưng vừa “vào đảng” thì đảng bị cấm. Những năm nước Pháp bị chiếm đóng, ở một vùng hẻo lánh, “sinh hoạt chính trị” không thể có gì. Lớn lên, nước Pháp giải phóng, thì đầu quân. Cho nên, sau hai năm rưỡi ở trong quân đội Pháp, vào một ngày cuối tháng chạp 1949 ở Lạng Sơn, quyết định bỏ ngũ, ra vùng tự do tham gia kháng chiến Việt Nam – một chọn lựa cá nhân, không mấy dễ dàng – là kết cục của cả một quá trình quan sát, trăn trở, đắn đo, không xuất phát từ động cơ “ý thức hệ” hay do chỉ thị (Đảng Cộng sản Pháp không hề, trong chiến tranh Đông Dương, cũng như sau này trong chiến tranh Algérie, kêu gọi đào ngũ), mà một phần do hoàn cảnh khách quan (mối liên hệ với kháng chiến Việt Nam có nguy cơ bị bại lộ), và cơ bản do trải nghiệm cá nhân thôi thúc: “Tôi xấu hổ phải chứng kiến những gì mà bọn nazi trước đây đã gây ra ở Vercors nay đang tái diễn tại đây. Những lúc đó tôi cảm thấy nhục vì mình là người Pháp.” (tr.58).


Một năm làm công tác địch vận ở Lạng Sơn, sau chiến thắng biên giới (cuối năm 1950), Albert được đưa về ATK (An toàn khu, “thủ đô” kháng chiến) làm biên tập viên kiêm xướng ngôn viên chương trình tiếng Pháp của đài “Tiếng Nói Việt Nam”. Đầu 1953 đến Hiệp định Genève, chuyển sang Cục địch vận (thuộc Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam), trông coi một trại “hàng binh”.


Phục viên với quân hàm thiếu tá, Albert chuyển sang một nghề mới: nhà báo kiêm nhiếp ảnh (báo tiếng Pháp Le Vietnam en marche. Là người nước ngoài, Albert không phải tham gia cải cách ruộng đất (1955-56), nhưng tình hình bắt đầu ngột ngạt với cuộc xung đột Xô-Trung. Trong một lớp học “chống chủ nghĩa xét lại” nhân ký kết Hiệp định ngừng thử vũ khí hạt nhân (1962), ông Lê Duẩn đích thân tới “trình bày hơn ba tiếng đồng hồ, rồi hỏi có ai thắc mắc gì không. Không nghe lời can của các đồng nghiệp ngồi xung quanh, tôi hỏi, với tư cách là đảng viên Đảng cộng sản Pháp (mà, thông qua phóng viên thường trú của báo L'Humanité tại Hà Nội, tôi biết là ủng hộ hiệp định này) thì tôi phải làm như thế nào, thế là Lê Duẩn làm một tràng lên án Đảng Cộng sản Liên Xô và ĐCS Pháp, thậm chí còn kết tội Maurice Thorez là phản bội giai cấp công nhân Pháp... Phẫn nộ trước những lời lẽ đó, tôi đứng dậy bỏ ra ngoài hội trường, dưới mắt nhìn thiện cảm của một vài đồng nghiệp trong toà soạn” (có lẽ nên nói thêm: Albert lúc đó hai con, con gái đặt tên là France, con trai Maurice!!!)(tr. 131). Ngay sáng hôm sau, Albert được chuyển sang Ban Tây Ban Nha (anh không biết một chữ Tây Ban Nha!!!).


Thế là, cũng như G. Boudarel và J. Tarago, mùa xuân năm 1964, Albert Clavier rời Hà Nội. Với bản án tử hình (tháng 12.1950) treo trên đầu, ông được Đảng cộng sản Hung (theo yêu cầu của ĐCS Pháp) đưa về Budapest.


Cuộc đời thứ ba: nhà kinh doanh


4 năm đầu ở Budapest, Albert Clavier làm việc ở Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới (FMJD), một tổ chức tập hợp các tổ chức thanh niên “tiến bộ” (thân Cộng). Đây là những tổ chức “mặt trận” còn rơi rớt từ thời Quốc tế Cộng sản. Nó sẽ bị nghiền nát dưới dây xích của đoàn xe tăng Liên Xô tiến vào Praha (tháng 8.1968): tại văn phòng FMJD, Albert tán thành một quyết nghị do đại biểu Liên Xô chủ xướng (không lên án việc Liên Xô can thiệp ở Tiệp Khắc), để sáng hôm sau, mới biết thái độ “không đồng tình” của ĐCS Pháp! Bốn năm xa Việt Nam, vị cay đắng chưa tan, nhưng anh là người tích cực tổ chức những hoạt động của FMJD ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.


Tới cuối năm 1968, cuộc đời thứ ba của Albert Clavier mới thực sự bắt đầu: từ phụ tá giám đốc cho một công ti kinh tài nhỏ của ĐCS Pháp, Clavier nhanh chóng trở thành người trách nhiệm chính phụ trách xuất khẩu thiết bị nông nghiệp sang các nước Đông Âu cho tập đoàn Interagra (của nhà “tỉ phú đỏ” J.-B. Doumeng). Văn phòng của ông sẽ đặt ở Budapest cho đến ngày các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu sụp đổ. Trong hai thập niên 70 và 80, nhà kinh doanh Albert Clavier đóng một vai trò chủ chốt trong mậu dịch Pháp-Hung, có quan hệ chặt chẽ với sứ quán Pháp ở Budapest (họ chỉ chính thức quen nhau khi Clavier và hai đồng chí Boudarel, Tarago được ân xá năm 1967). Trong lý lịch của nhà kinh doanh, có lẽ nên ghi một điểm son tiêu biểu: bữa điểm tâm “lễ tân” tại sứ quán Pháp với tổng thống François Mitterrand cùng với đại diện các đại công ti Rhone-Poulenc, Matra, Ngân hàng BNP: “Ăn điểm tâm với Tổng thống Pháp! Xa rồi, cái ga-mèn ăn xúp của thằng bé chăn bò 12 tuổi” (tr.185).





*


Ngày hôm nay, cậu bé chăn bò đã bước sang bát tuần, sống an nhiên cuộc đời làm ông ngoại, gần người con gái sinh ở Hà Nội, có một cái tên Pháp rất đẹp (France) và một cái tên Việt Nam cũng rất đẹp (Hồ Thiên Nga, nguyên diễn viên ballet đã từng múa vở Lac des cygnes / Swan Lake của Tchaikovsky!), sau nửa thế kỉ bão tố.


Số phận Clavier “may mắn” hơn hai đồng chí kia: Tarago dường như đã chết trong một hoàn cảnh khá bi đát; Boudarel (từ trần cuối năm 2003) năm 1991 bất hạnh trở thành vật tế thần cho đám khuyển ưng của một chính khách lưu manh vào đúng thời điểm khối cộng sản sụp đổ (1991).


Chúng ta may mắn được đọc những trang hồi kí trung thực của Albert Clavier. Trung thực vì con người này không có gì phải hối tiếc những việc đã làm. Trung thực vì ông là người trực tính, yêu ghét phân minh, có phần cố chấp: thí dụ điển hình là quan hệ giữa Clavier và Boudarel, cùng hội cùng thuyền, nhưng Clavier đã có định kiến là Boudarel “theo đuôi” ĐCS Việt Nam, rốt cuộc tuy hai người rời khỏi Việt Nam trong cùng một hoàn cảnh (1964), trở lại Pháp (năm 1967) trong cùng một chuyến vượt biên không giấy tờ từ Thuỵ Sĩ về Grenoble, nhưng định kiến vẫn còn nguyên. Song cũng chính vì thế mà chứng từ của Clavier đáng tin cậy, mặc dầu, cũng như mọi chứng từ cá nhân, nó cũng là đối tượng nghiên cứu của sử học, chứ không phải là một bức tranh lịch sử khách quan.


Sau bao thăng trầm, tác giả vẫn có một trí nhớ tốt về nhân danh, địa danh và bối cảnh sự việc (sai lầm duy nhất mà tôi thấy, nhỏ thôi:  gọi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là... Tôn Thất Tùng).


Cuối cùng, tôi nghĩ cũng cần “ra ngoài đề” một chút để nói đôi điều về “nghị quyết 9” (12.1963) và vụ “xét lại chống đảng”, vì hai sự kiện này liên quan trực tiếp tới sự ra đi của Albert Clavier:


Gần 50 năm sau, chúng ta vẫn chưa có chắc chắn văn bản chính xác của nghị quyết 9 (theo những nguồn tin đáng tin cậy, thì văn bản sau này đã được công bố là một văn bản được viết lại); sự thật về quá trình cuộc đấu tranh nội bộ trong thời gian 1960-63 này, đến nay, vẫn chưa có những công trình nghiên cứu nghiêm túc nào. Một cách nhìn khá phổ biến là: bề ngoài, ĐCSVN không đứng về phe nào trong cuộc đấu khẩu và bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc (để vẫn tranh thủ được sự ủng hộ của cả đôi bên); nhưng về thực chất, Hà Nội rất gần, nếu không nói là “ngả sang” Bắc Kinh.


Theo ý tôi, sự thật phức tạp hơn. Đúng là ở thời điểm 1963-64, quan điểm của ĐCS VN về chính sách của Mĩ gần Trung Quốc hơn là gần Liên Xô. Nhưng từ Cách mạng văn hoá, và nhất là về sau, thì ngược lại, mà không thể nói là lập trường của ĐCS VN trong vấn đề chiến tranh chống Mĩ (vấn đề cốt tử, quyết định mọi vấn đề khác) đã thay đổi.


Với khoảng lùi của thời gian, bây giờ thấy rõ: thái độ của Hà Nội đối với Moskva và Bắc Kinh được quyết định bởi ý chí giải phóng miền Nam, chứ không phải ngược lại. Cho nên, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt (như ca Hoàng Văn Hoan), cách phân loại “thân Liên Xô”, “thân Trung Quốc” trong nội bộ ĐCS VN là một sai lầm (rất phổ biến). Sai lầm này có nguyên nhân của nó: người ta nhầm lẫn xu hướng “mao-ít” với thái độ thân Trung Quốc. Và đúng là từ năm 1950, chủ nghĩa Mao đã tràn lan sang Việt Nam với những hậu quả ngày nay còn thấy tác hại (chỉnh phong, chỉnh huấn, thanh lọc, cải cách ruộng đất, chuyên và hồng...). Nhìn chung, đại đa số đảng viên cộng sản ở Việt Nam “không mao ít cũng mao… nhiều”. Và ở thời điểm cuối năm 1963, ở đỉnh cao của cuộc xung đột Trung Xô, quyết định giải phóng miền Nam (nghị quyết 15 năm 1959) đương nhiên dẫn tới “nghị quyết 9”.


Với nghị quyết này, một số uỷ viên trung ương như Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Đặng Kim Giang đã bị vô hiệu hoá, họ không bị bắt giam nhưng bị cô lập hoá, canh chừng chặt chẽ. Và trong đảng, học tập về nghị quyết 9 cũng có nghĩa là o ép, vô hiệu hoá các “phần tử xét lại”, đặc biệt là những phần tử trí thức chống lại chủ nghĩa Mao.


Vụ đàn áp “nhóm xét lại chống đảng” với các vụ bắt bớ, đàn áp thẳng tay, chỉ bắt đầu vào mùa hè năm 1967, tức là vào chiều hôm trước của sự xích lại gần Liên Xô. Tháng 11.1967, ông Lê Duẩn đã đọc một diễn văn dài nhân dịp kỉ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười, với câu nói nổi tiếng đại ý: đối với người cộng sản Việt Nam, Liên Xô là tổ quốc thứ nhì. Như vậy, đây là một cuộc đàn áp một công đôi việc: (1) khép miệng những người, hơn ba năm trước đó, đã lên tiếng chống chủ nghĩa Mao và chủ trương phải giữ quan hệ tốt với Liên Xô; (2) siết chặt sự trấn áp về tư tưởng để chuẩn bị cuộc tiến công 1968.


Đó là những nguyên nhân “chính trị quốc gia” quen thuộc trong lịch sử các chế độ chuyên chế. Kèm đó, là những động cơ “đời thường” gắn với tham vọng cá nhân: (1) một trong những mục đích của việc bắt người mùa hè năm 1967 (đặc biệt là việc bắt giam hai đại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng cục 2, và Lê Minh Nghĩa, cục trưởng cục tác chiến trong Bộ tham mưu QDND), là ép cung họ tố giác đại tướng Võ Nguyên Giáp có liên hệ với Liên Xô; 1967 mở đầu một quá trình tiệm tiến của cặp Lê Duẩn – Lê Đức Thọ nhằm loại trừ tướng Giáp; (2) hầu hết những nhà cách mạng lão thành bị tù 6-9 năm trong vụ này đều đã từng ở tù Sơn La, cùng sinh hoạt chi bộ với Lê Đức Thọ; giới thân cận các vị này tin rằng việc họ bị bắt có một nguyên nhân: ông “Sáu Búa” muốn thủ tiêu những chứng nhân về thời ông ở trong tù, đặc biệt là việc ông phản đối chính sách mặt trận dân tộc (thành lập Việt Minh) của chủ tịch Hồ Chí Minh.


Trở lại hồi kí của Clavier, đặc biệt về “sự cố” anh đã bước ra khỏi phòng họp khi nghe Lê Duẩn lên án Maurice Thorez “phản bội giai cấp công nhân”. Không khí căng thẳng này giữa những người cộng sản Pháp và Việt Nam, chúng ta đã cảm thấy trong một chứng từ khác: Charles Fourniau, nhà sử học, ở thời điểm 1964, là phóng viên thường trú của báo L'Humanité tại Hà Nội (Le Vietnam que j'ai vu, Les Indes Savantes, 2003). Nếu phải nói tóm tắt: cũng như Liên Xô, ĐCS Pháp (những người đã trả giá rất cao trong cuộc Chiến tranh Thế giới 1939-45) lo sợ rằng chiến tranh Việt Nam (dù ở xa) có thể châm ngòi nổ cho Chiến tranh Thế giới lần thứ ba (điều này giải thích tại sao, cho đến cuối năm 1967, khẩu hiệu của ĐCS và Phong trào hoà bình Pháp trong các cuộc biểu tình trước sau chỉ là “Paix au Vietnam”); phía Việt Nam thì coi thái độ chần chừ, “bàn ra” (năm 1957, không hề hỏi ý kiến Hà Nội, ông K đã đề nghị kết nạp VNDCCH và VNCH vào Liên Hợp Quốc!) là một sự phản bội. Cuối năm 1967, đầu năm 1968 (với cuộc tấn công Tết Mậu Thân), mới rõ khả năng Việt Nam có thể thắng Mĩ mà không đe doạ hoà bình thế giới, từ đó, quan hệ mới trở thành tốt đẹp như trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (mặc dù, trong giai đoạn 1945-47, còn có nhiều điều phải nói, nhưng đó lại là chuyện khác...).


ũng may là Clavier trở thành người ngoài cuộc sau màn đầu của kịch bản “chống xét lại”. Nếu ở thêm đến năm 1967, không chừng anh được phong chức “gián điệp”, như nhà Việt học Maurice Durand đã được Tố Hữu tấn phong “gián điệp 2eme Bureau” giật dây “bọn Nhân văn Giai phẩm” năm 1956 (trong hồi kí xuất bản cuối đời, Tố Hữu còn tỉnh bơ viết như vậy, tuy không nêu đích danh M. Durand).


Những cay đắng từng trải, Albert Clavier không quên. Anh đã kể lại, trung thực và chừng mực. “Tôi không tiếc gì cả”, anh viết trên tiêu đề cuốn hồi kí, như Edith Piaf đã rút ruột cất tiếng ca năm nào. Không tiếc gì, sau ba cuộc đời bão tố, vui buồn xen kẽ, nhưng, như anh đã tâm sự với nhà thơ Dương Tường: “Không một lời nào có thể diễn tả niềm vui của tao được gặp lại mày. Năm tháng qua đi nhưng kỉ niệm vẫn còn lại, những kỉ niệm tốt và những kỉ niệm xấu. Nhưng người ta thường chỉ giữ những kỉ niệm tốt, người ta nói thế! Đối với tao, những kỉ niệm tốt đó là mười sáu năm sát cánh với nhân dân của mày, đất nước của mày mà tao tôn thờ, mà tao coi như tổ quốc thứ hai của tao, những năm sống trong chiến khu chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập dân tộc… Phải, tao không hối tiếc gì hết. Nếu cần làm lại, tao vẫn sẽ làm lại như cũ…” (xem bài viết của Dương Tường trong trang Văn số Xuân Kỷ Sửu của Diễn Đàn).


Nguyễn Ngọc Giao





Gặp lại Albert Clavier


Dương Tường


Như Edith Piaf hát


Tháng 11/2008, tôi có dịp trở lại Pháp lần thứ tư. Chuyến đi này, ngoài việc dự sinh nhật đầy hai năm bé Võ Tiểu Lang, con gái nhà thơ Võ Văn Thận và Mme Lý Hồng Ngọc, với tư cách là cha đỡ đầu, tôi còn có một mục đích khác: thăm người bạn cố tri Albert Clavier. Câu chuyện hai người bạn già chúng tôi tìm lại được nhau sau hơn bốn mươi năm biệt vô âm tín hàm chứa nhiều điều mang dấu ấn của một thời đầy biến động.


Tôi quen Albert Clavier như bạn đồng nghiệp vào cuối năm 1955, một năm sau khi Hiệp nghị Genève lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tôi từ Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 chuyển ngành về làm phóng viên – biên tập ở Thông tấn xã Việt Nam, còn anh từ Cục Địch vận chuyển về báo Vietnam en marche với chiếc lon thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc Albert trở thành một trong những người “lính da trắng của Hồ Chí Minh1” dường như là một điều tự nhiên. Xuất thân từ một gia đình nghèo, rất sớm, từ tuổi 12, được sự giác ngộ của người anh trai Henri, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Albert đã tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phát-xít trong thời kì Đức chiếm đóng. Năm 1947, anh bị lùa vào quân dịch, điều sang Việt Nam cùng Đạo quân viễn chinh Pháp. Với xác tín chính trị được củng cố qua đấu tranh, anh cảm thấy cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống xâm lược Pháp cũng giống như cuộc kháng chiến chống Đức quốc-xã của nhân dân Pháp năm xưa. Bắt liên lạc được với một cán bộ hoạt động địch hậu, anh được đưa ra vùng tự do, nhận nhiệm vụ kêu gọi binh sĩ Pháp trong các trận công đồn và cuối cùng, phụ trách trại hồi chính cho đến khi trại giải tán vào tháng 7/1954. Các tù, hàng binh được hồi hương theo điều khoản trao trả tù binh của Hiệp nghị Genève 1954. Albert không thuộc số đó: anh bị toà án quân sự Pháp tại Hà Nội kết án tử hình vắng mặt ngày 27 tháng 12 năm 1950 vì tội “đào ngũ sang hàng ngũ địch”.





Vậy là Albert ở lại Việt Nam và trở thành nhà báo. Cùng chuyển từ trại hồi chính về làm báo, còn có Boudarel và Tarago, một cựu đại uý trong quân đội Pháp, đã từng tham gia cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Tôi thân với Albert hơn vì hai chúng tôi cùng phụ trách đưa tin về những hoạt động văn hoá - xã hội, thường gặp nhau gần như hằng ngày. Thời kì khó khăn của chúng tôi bắt đầu từ năm 1962, khi xảy ra xung đột quan điểm giữa Liên Xô và Trung Quốc, cụ thể hơn, khi BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 9 xác định lập trường đứng về phía Trung Quốc lên án “chủ nghĩa xét lại Khroutchtchev”. Cả Albert và tôi đều bị liệt vào danh sách “xét lại”. Tôi “dính” vào vụ đám tang Dương Bạch Mai, một trưởng lão cách mạng kiên quyết chống đường lối thân Trung Quốc. Cái chết của ông sau một cơn đột quỵ giữa một phiên họp Quốc hội ngay trước khi ông sắp đọc một tham luận mà người ta đoán là sẽ “nẩy lửa”, đến nay vẫn còn là một nghi án. Tôi đại diện cho một số bạn bè văn nghệ sĩ và nhà báo, mang tới một vòng hoa lớn toàn hồng thắm với chiếc băng ghi dòng chữ “Tinh thần người cộng sản chân chính Dương Bạch Mai bất diệt” vào phút cuối của nghi lễ viếng. Tấm băng đã bị xé bỏ ngay khi được chuyển ra ngoài. Hôm đó, khi chiếc xích-lô chở tôi tới trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cuối đường Tràng Thi, nơi tổ chức tang lễ, chính Albert là người giúp tôi một tay khiêng vòng hoa xuống xe và thúc tôi: “Dépêche-toi, la cérémonie commence déjà!” Tôi bị liệt vào “sổ đen” từ đấy. Đợt học tập “quán triệt” Nghị quyết 9, Albert được dự lớp của cán bộ trung, cao cấp. Trong một buổi lên lớp tại hội trường, do Tổng bí thư (đúng ra, lúc đó là Bí thư thứ nhất) Lê Duẩn đích thân giảng, khi nghe ông kịch liệt công kích Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Pháp, phê phán Maurice Thorez “phản bội giai cấp công nhân”, anh đã đứng dậy bỏ ra về, một cử chỉ mà chúng tôi, dù có bất bình đến đâu, cũng không ai dám làm. Ngay hôm sau, người ta chuyển Albert từ biên tập tiếng Pháp sang biên tập tiếng Tây Ban Nha, thứ ngôn ngữ mà anh hoàn toàn mù tịt! Sau cái đận ấy, chúng tôi hầu như không gặp nhau nữa, vì vào thời điểm này (và còn kéo lâu nữa), mọi tiếp xúc với người nước ngoài, kể cả những người đã công tác lâu năm trong cơ quan Nhà nước, đều bị xem là khả nghi. Giữa năm 1964, tôi được biết nhờ Đảng Cộng sản Pháp làm trung gian, Albert cùng Boudarel và Tarago được đưa sang làm việc ở Đông Âu. Từ đó, tôi bặt tin anh…


Thế rồi, hơn bốn mươi năm sau, do một tình cờ may mắn, cả Albert và tôi cùng có mặt trong số 7 (tháng 5/2005) của tạp chí Carnets du Việt Nam, anh trong một bài phỏng vấn và tôi với bài giới thiệu tổng quan về mĩ thuật đương đại Việt Nam. Eureka! Thì ra Albert đã về Pháp từ 1967 sau lệnh ân xá năm 1966! Tôi nhờ bạn bè bên đó tìm giúp địa chỉ và viết thư cho anh. Như vậy chúng tôi nối lại được liên lạc với nhau, chỉ còn làm sao gặp được nhau, tay bắt mặt mừng! Tình trạng sức khoẻ không cho phép Albert làm một chuyến đi dài cả chục ngàn cây số. Vậy tôi phải là người chủ động tìm đến anh. Tháng 6/2006, được một học bổng của Trung tâm quốc gia Sách (Centre national du Livre) dành cho dịch giả văn học, tôi có dịp thực hiện ý định ấy thì anh lại đang nằm viện. Vợ chồng một người bạn ở Lyon, anh Nguyễn Dư và chị Cúc, đã nhiệt tình lái xe hơn trăm cây số đưa tôi đến bệnh viện chuyên khoa phổi vùng Grenoble, nơi Albert nằm điều trị.





*


Từ trái sang phải: Dương Tường, France Thiên Nga, Albert Clavier


Đưa tôi từ Lyon đến Grenoble lần này là Dominique Foulon, biên tập viên tạp chí Carnets du Việt Nam, người mấy năm trước đã thực hiện cuộc phỏng vấn Albert, và Chánh Mouniama, người Pháp gốc Huế, phụ trách giao dịch và quan hệ công cộng của tạp chí. Lần này thì không phải đến bệnh viện, chúng tôi tới thẳng ngôi nhà hai tầng số 211 Đại lộ Victor Hugo, Saint-Laurent-du-Pont (Isère). Albert ở tầng lầu, tầng dưới anh để cho France mở một tiệm ăn nhỏ lấy tên cháu ngoại anh là Việt Trang. France (tên Việt là Thiên Nga) sinh năm 1962 tại Hà Nội, là con gái đầu của anh với người vợ đầu Việt Nam mà anh buộc phải li hôn sau khi sinh thêm cho anh một con trai. Ít hôm trước khi đến, tôi phone cho Albert, anh mừng rỡ báo tin tập hồi kí của anh (trong đó có vài trang nhắc đến tôi) vừa ra mắt độc giả. Anh đã bỏ phong bì một bản, định gửi đường bưu điện cho tôi, nhưng giờ giữ lại để trao tận tay. Khi tôi bước vào phòng anh, nó đã nằm sẵn trên bàn, vẫn nguyên trong phong bì ghi địa chỉ của tôi ở Hà Nội. Cuốn sách dày ngót 270 trang mang tên De l’Indochine Coloniale au Vietnam – Je ne regrette rien (Từ Đông Dương thuộc địa đến nước Việt Nam tự do – Tôi không hối tiếc gì hết)(*). Lời đề tặng tôi đầy kín cả trang bìa giả, chữ vẫn đều tăm tắp, đẹp theo kiểu cổ, lại có cả một tái bút: “Quel bonheur ce coup de fil du 12/11! Je vais enfin te revoir. J’attends ce jour avec impatience. (Hạnh phúc biết mấy, cú điện thoại của mày hôm 12/11! Cuối cùng, tao lại sắp được gặp mày. Tao nóng lòng chờ ngày ấy)”. Hình như vẫn chưa đủ, đêm 22/11, tức là trước hôm tôi hẹn đến, anh còn thức viết cho tôi một bức thư dài…


Albert bây giờ đã là một ông lão ngoài tám mươi, râu tóc bạc phơ. Một tháng trước đó, anh lại phải nhập viện vì một tai biến não, có lúc đã bị liệt nửa người. Hiện anh về nhà điều trị ngoại trú, hằng ngày tập đi quanh phòng.


Chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ, những ngày tháng hoạn nạn, những kỉ niệm vui, buồn. Anh chỉ cho tôi tấm Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Việt Nam trao tặng hồi tháng 10/2004. “Nhưng, anh trầm giọng nói với tôi, nó không thể thay thế những Huân chương Kháng chiến và Chiến thắng mà tao đã đánh mất trong những năm phiêu bạt sau này, những tặng thưởng cho thành tích kháng chiến của tao trong lòng nhân dân và đất nước Việt Nam, tổ quốc thứ hai của tao. Đó chính là cuộc đời tao.” Gần như suốt buổi, anh cứ nắm chặt tay tôi…


Chiều xuống, chúng tôi chia tay. Khi xe chúng tôi đi được khoảng 300 – 400m, tôi ngoái lại vẫn thấy Albert đứng ở cửa sổ phòng mình nhìn theo. Trong trí tôi, hiện lên những dòng thư anh viết cho tôi đêm trước: “Không một lời nào có thể diễn tả niềm vui của tao được gặp lại mày. Năm tháng qua đi nhưng kỉ niệm vẫn còn lại, những kỉ niệm tốt và những kỉ niệm xấu. Nhưng người ta thường chỉ giữ những kỉ niệm tốt, người ta nói thế! Đối với tao, những kỉ niệm tốt đó là mười sáu năm sát cánh với nhân dân của mày, đất nước của mày mà tao tôn thờ, mà tao coi như tổ quốc thứ hai của tao, những năm sống trong chiến khu chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập dân tộc… Phải, tao không hối tiếc gì hết. Nếu cần làm lại, tao vẫn sẽ làm lại như cũ…”


Ừ, Albert, tao cũng vậy. Nếu cần làm lại, tao sẽ làm lại nguyên như cũ. Chúng mình, mày và tao, chẳng có gì phải hối tiếc. Và tao cũng nói như mày: tôi không hối tiếc gì hết.


Je ne regrette rien.


Như Edith Piaf hát.


DƯƠNG TƯỜNG


1 Theo cách gọi của Jacques Doyon, tác giả cuốn Les Soldats blancs d’Ho Chi Minh.Les transfuges anti-fascistes et les communistes français dans le camp du Việt-Minh, nxb Fayard 1973.


Nguồn: diendan.org

Monday 24 February 2014

Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những câu chuyện về Platôn Nguyễn Văn Thành (Thành Nga)


Có nhiều câu chuyện về Platôn Nguyễn Văn Thành (Thành Nga) do chính những người thân thiết của ông kể lại trực tiếp (bạn chiến đấu (Nguyễn Kế Nghiệp), bạn văn (Tô Hoài) hay gián tiếp (con gái Janine). Platôn hẳn đã nếm trải nhiều đắng cay từ khi rơi vào tay quân Đức năm 1942. Người chấp bút có lẽ vì tế nhị, không muốn xát thêm muối vào vết thương, tùy tiện nghĩ ra đủ cách lướt qua một giai đoạn mà họ nghĩ chẳng có liên quan gì với người Việt. Nhưng chính vì sự tùy tiện đó mà các câu chuyện về Platôn Nguyễn Văn Thành bộc lộ nhiều chi tiết mâu thuẫn lẫn nhau và hết sức thú vị:

Câu dưới đây chấm phẩy tù mù:

Không sao hiểu được quan hệ giữa hai địa danh Khacốp (Liên Xô) và Đan Mạch. Cũng không thể hiểu được chuyện tù binh trong tay Đức tự nhiên bị động viên vào đội quân lê-dương của Pháp. Platôn là công dân của Pháp hay sao mà bị Pháp hốt đi nghĩa vụ quân sự?  
Chuyện trước giờ thua trận, phát xít Đức ngấm ngầm chuyển tù binh sang choAnh. Cùng phường xâm lược với nhau, Anh giao số tù binh này cho Pháp để bổ sungvào đội quân Lê Dương nghe có vẻ hợp lý hơn nhưng thuần túy là sản phẩm của trí tưởng tượng. Đúng là Pháp đã mộ được nhiều lính lê dương từ các trại tù binh nhưng người muốn đăng lính lê dương phải tự nguyện điền đơn, ký hợp đồng chứ không phải Đức đá ai qua cho Anh, Anh đá qua cho Pháp là người đó thành lính lê dương. Chi tiết này cũng mâu thuẫn với chuyện Platôn bỏ trốn trên đường bị giải về Liên Xô rồi bị người dân địa phương bắt giao cho chính quyền, bị sung vào đội quân lê dương (lại bị sung vào đội quân lê dương mà không phải là điền đơn tình nguyện).

Có vẻ như những người kể chuyện thấy cần phải nhấn mạnh việc Platôn bị cưỡng ép cầm súng đi đánh Việt Nam. Có thể là đúng là Platôn không thích cầm súng đánh nhau với ai. Ông vào lính lê dương chẳng qua chỉ đế trốn sự truy bắt của Liên Xô. Nhưng không có ai cưỡng ép ông đầu quân. Người ta chỉ cưỡng ép ông trở về Liên Xô thôi.
Platôn đã đắc tội thế nào với đồng bào, đồng chí khiến ông không còn đường quay lại tổ quốc? Sự thật có phải, theo như lời kể của con gái ông, là ông chỉ thực tập tiếng Pháp với tên cai ngục người Đức, làm cho đồng đội hiểu lầm? Tô Hoài kể khác:

Platôn có tham gia lính ngụy không? Trong số những câu chuyện về Platôn Nguyễn Văn Thành, câu chuyện của Tô Hoài có lẽ không được tròn trịa mấy, nhưng đáng tin nhất, gần với sự thật nhất:


Nguyễn Kế Nghiệp, người đồng ngũ của Platôn ở tiểu đoàn 307, kể một cách khác, ở đâu đó giữa một cực là Tô Hoài và cực kia là sự hoang tưởng:



Nhiều tác giả cho rằng Platôn đến Sài Gòn vào tháng 4-1946. Cuối năm 1946 một phái bộ quân sự Xô Viết đến Sài Gòn,bắt được 15 cựu tù binh Liên Xô trong hàng ngũ quân lê dương. Chúng ta không biết bằng cách nào Platôn lại một lần nữa thoát khỏi tay đồng bào, đồng chí cũ của ông. Những người kể chuyện cũng không nói rõ ông đã tìm cách liên hệ với Việt Minh từ lúc nào, trước, trong hay sau khi phái bộ quân sự Xô Viết đến Việt Nam / đi khỏi Việt Nam. Không trả lời được những câu hỏi này, chúng ta chưa thể tin là ông chuyển sang hàng ngũ Việt Minh vì giác ngộ lý tưởng cao đẹp của những người kháng chiến hay chỉ vì muốn cao chạy xa bay hơn nữa.

Giấy trắng mực đen khẳng định chắc chắn:

Hai đoạn dưới đây được cho là lời phát biểu của chính Platôn Nguyễn Văn Thành về khoảnh khắc giác ngộ trong tâm hồn người lính lê dương gốc Liên Xô:




Trước tháng 8-1947 (thời điểm Platôn vượt thoát sang phía Việt Minh), việc quân Pháp tịch thu được ảnh của đủ bộ tam sên Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông ở chỗ Việt Minh quả là một việc hãn hữu vô song. Tìm thấy chỉ mỗi ảnh của Lênin thôi cũng đã là sự lạ, mặc dù đỡ xạo hơn một chút. Những sự việc như vậy, nếu có xảy ra trong muôn một, đương nhiên phải khiến cho Platôn hiểu được những người ở phía bên kia là ai. Hiểu được rồi vẫn nhào qua thì trốn sang tận Đông Dương để làm gì?



Theo các chi tiết đăng trên Trang Thông Tin Điện Tử của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bến Tre, Platôn đã tìm cách liên lạc với Việt Minh từ hồi còn ở Vĩnh Long nhưng không thành.


Qua lời kể của Janine (con gái), sự kiện (các) tấm ảnh được dời trở lại trước Vĩnh Long:

Một ngày kia, trong mớ chiến lợi phẩmquân lê dương Pháp thu về có một tập tài liệu và mấy tấm ảnh. Sau này ông kể lại trên một tờ báo Nga: “Thoáng thấy mấy tấm hình bọn chúng giơ cao, tôi suýt nữa bật đứng nghiêm chào như thói quen ở Liên Xô. Đó là ảnh Lênin. Ngay lập tức tôi hiểu VN đứng về phía nào. Những tấm ảnh đã cứu linh hồn tôi”.
Tại Vĩnh Long, ông đã bắt liên lạc với một số người hoạt động bí mật trong thành phố, nhưng chưa nhận được tín hiệu trả lời thì họ đã bị mật thám bắt. 


Con đường dẫn Platôn đến với Việt Minh nhờ vậy hợp lý hơn, dễ hình dung hơn, thuận tiện hơn cho giả thuyết giác ngộ lý tưởng cao đẹp. Duy có sự tồn tại của mấy tấm ảnh là bất khả kiểm chứng.



Platôn có trúng mỹ nhân kế của Việt Minh không? Người phụ nữ móc nối với anh ở Bến Tre (Colette Nguyễn Thị Mai) đã trở thành vợ anh sau khi anh chạy sang Việt Minh.


Một năm sau Janine ra đời. Bến Tre bị chiếm đóng khắp nơi, Hai Thành chuyển về Trà Vinh hoạt động. Và vợ Hai Thành đi lấy chồng khác. Chấm dứt chóng vánh một cuộc tình (không) nghĩa.

Cô Mai đi đường của cô Mai. Ông Platôn hết lối để quay về. Ông có đau không?


Mục đích dĩ nhiên trở nên rõ ràng khi ta chỉ còn một đường mà đi.