Monday, 23 December 2024

Các từ xà bông / xà phòng từ đâu mà ra?

Bản nháp (đã sửa chữa mười ba lần) tạm lưu ở đây. Xin các bạn đọc và góp ý giùm để sửa tiếp vài lần nữa. Cảm ơn rất nhiều.

Sunday, 1 December 2024

Bi kịch ở đâu?

Học Viện Quốc Gia Nghệ Thuật Sân Khấu và Điện Ảnh (National Academy of Theatre and Film Arts) ở Sofia (Bun-ga-ri) có hai chuyên ngành bậc tiến sĩ là Sân Khấu Học và Nghệ Thuật Sân Khấu (mã số 05.08.01) và Điện Ảnh Học, Điện Ảnh và Truyền Hình (mã số 05.08.03). Văn bằng tiến sĩ số 24248 cấp ngày 15 tháng 8 năm 1996 thuộc mã ngành nào? Dĩ nhiên mã ngành có thể thay đổi vì ranh giới giữa các ngành có thể biến động, nhưng luận án ở NATFA không thể không có mã ngành.

Nghiên cứu sinh ở NATFA phải học tập, nghiên cứu và trình bày luận án bằng tiếng Bun. NATFA không có chương trình nghiên cứu sinh bằng tiếng Anh và cũng không có chế độ đào tạo cá nhân hay hàm thụ. Bạch Tuyết đã có mặt ở NATFA trong thời kỳ nào ? Chị học tiếng Bun đến trình độ nào ? Có thể đi shop bằng tiếng Bun được không ? Và ai viết bản luận án được cấp bằng số 24248? 

Theo báo Pháp Luật (và nhiều báo khác):

Vì đồng bảo vệ luận án ở cả Viện Sân khấu và Điện ảnh quốc gia Sofia nên Viện này đã trao bằng Tiến sĩ (số 24248) vào ngày 15-8-1996 cho NS Bạch Tuyết.

Theo phía NS Bạch Tuyết, ngày 31- 10 -1995, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Bungaria có công văn báo cáo cho Bộ Văn hóa Thể thao và Thành ủy TP.HCM xác nhận NS Bạch Tuyết đã bảo vệ luận án nói trên và được các thành viên của Học viện Hàn lâm Kịch nghệ Anh (và Sofia, Bungaria) đánh giá cao.

Đồng bảo vệmột khái niệm rất lạ, chỉ Bạch Tuyết mới nghĩ ra được. Không nghiên cứu sinh nào vác một công trình đi bảo vệ hết chỗ này sang chỗ khác. Đó là gian lận. Làm sao tác giả và giám khảo có thể chỉ ra cái mới trong luận án nếu nội dung đó đã được công bố ở một nơi khác?

Khi giữa hai cơ sở đào tạo có thỏa thuận đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh chỉ cần bảo vệ luận án ở một nơi (nhưng vẫn tuân thủ mọi quy định hành chính ở cả hai nơi) và nhận bằng ở cả hai nơi. Trong trường hợp trường RADA và trường NATFA có thỏa thuận đồng hướng dẫn thì luận án đã bảo vệ thành công ở RADA bằng tiếng Anh đương nhiên được công nhận kết quả ở NATFA. Đồng bảo vệ (lại) để làm gì? Nhưng, có hay không một thỏa thuận như vậy giữa RADA và NATFA lại là một câu chuyện khác. Cả trăm năm nay RADA chưa từng đào tạo tiến sĩ thì thỏa thuận làm gì cho rách việc? Bây giờ hỏi Bạch Tuyết số hiệu của bằng tiến sĩ RADA chắc bà lại đẩy người đại diện ra tuyên bố:
Từ một bài viết của một cá nhân để xảy ra vụ việc ồn ào như trên, chúng tôi cũng đành chịu, không biết giải thích gì thêm. Chúng tôi đã cung cấp giấy tờ, bằng chứng, còn việc tin hay không là của dư luận" - đại diện NSND Bạch Tuyết nói.

Ông gì đó đã nói rằng một người nghệ sĩ tài danh mà trình độ học vấn không tương đương với cái văn bằng mình mơ ước thì sự chông chênh ấy thật sự là một bi kịch. Đúng quá. 


Saturday, 30 November 2024

Có phải là mục hạ vô nhân không?

Bạch Tuyết nổ chuyện viết luận án tiến sĩ ở đây. Ngay trong mấy phút đầu của video, Bạch Tuyết đã nhắc đến tựa luận án bằng tiếng Anh (dịch ra tiếng Việt là Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á...) và tên trường Royal Academy of Dramatic Arts (RADA). Bà không tường thuật chi tiết chuyện bảo vệ luận án ở Anh, nhưng bà nói rõ rằng hội đồng chấm luận án ở Bun-ga-ri có những mười bốn vị tiến sĩ (không có tên họ nào đáng nhớ). Đặc biệt đáng lưu ý là các giáo sư ở cả hai trường đều mù tịt về lĩnh vực mà bà nghiên cứu và viết luận án. Bà không tiết lộ cho cử tọa biết luận án ở Bun-ga-ri viết bằng tiếng gì và được trình bày bằng tiếng gì.


Người học tiến sĩ thường kiếm chỗ nào có uy tín trong lĩnh vực cần nghiên cứu, có chuyên gia (đầu ngành càng quý) hướng dẫn, có sách vở tham khảo... Nhiều khi mình chỉ cần khoe cái tên ông thầy dạy mình hay ông thầy ngồi hội đồng cho mình là người ta đủ hiểu rồi, chưa cần hỏi tới luận án của mình nói cái gì. Bà Bạch Tuyết không chọn những chỗ như thế. Lạ không?

Người học tiến sĩ thường thu hẹp đề tài đến mức không thể thu hẹp hơn nữa. Phạm vi đề tài cần rất hẹp để nghiên cứu sinh có thể xử lý đủ sâu trong thời hạn quy định. Tên đề tài mà bà Bạch Tuyết nêu trong video là tên của một lĩnh vực đủ cho nhiều người nghiên cứu trong nhiều kiếp. Thế mà cũng được công nhận là đề tài luận án. Sợ không?


À, hồi năm 95, trường RADA không có bậc tiến sĩ. Trường chỉ mới bắt đầu đào tạo bậc cao học (MA) từ năm 2010 và hiện giờ cũng chưa có bậc tiến sĩ. Không có thầy nào dạy tiến sĩ nhưng có một trò bậc tiến sĩ. Người duy nhất trong lịch sử cả trăm năm của nhà trường. Và lại là người Việt Nam. Đáng tự hào không?

Friday, 29 November 2024

Sao Bạch Tuyết chỉ trưng ra ba tờ giấy ấy?

Trên mạng đang lưu truyền mấy tờ giấy này, được cho là bằng chứng không thể tranh cãi về bằng tiến sĩ nghệ thuật học của Bạch Tuyết. Ba tờ giấy này không dùng được vào việc gì cả.

Tờ giấy số 1 được cấp cho một nhân vật nào đó tên Nguyen Thi Bach Tuyet. Không có dấu hiệu nào cho thấy đó là Bạch Tuyết cải lương chi bảo, sinh ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, ở nơi ấy. Các ông bà fan cuồng của Bạch Tuyết gào rằng Tây nó thế, rằng mỗi trường có cái đặc thù của nó, muốn ghi sao là quyền của nó. Khổ nỗi Tây nó không mập mờ chuyện quyền lợi và nghĩa vụ. Trường nào cấp một văn bằng cho bất cứ ai tên Nguyen Thi Bach Tuyet đều có thể dùng được? Và văn bằng nào (từ tiểu học trở lên) không kèm với một tệp hồ sơ dày cộp để chống gian lận?

Tờ giấy số 2 và số 3 còn ngáo hơn và cũng chẳng có một giá trị nào với các cơ quan có thẩm quyền về bằng cấp.
Các ông bà fan cuồng của Bạch Tuyết lại gào rằng Bạch Tuyết không cần cơ quan nào công nhận. Chỉ là nói phét cho sang thôi, kiểu nho còn xanh lắm, ta đây đếch thèm. Thôi thì, nói phét cũng chẳng chết ai. Có điều tiến sĩ không ở đâu công nhận (ngoại trừ sứ quán, thành ủy và Wikipedia) là tiến sĩ gì?


 


 

Friday, 11 October 2024

Câu phức trong phiếu điều tra

Trích luận án của Vương Tấn Việt (aka Thích Chân Quang) năm 2021, trang 189:

Câu 1. Điều 15 Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Công dân có trách nhiệm thực thi Nghĩa vụ đối
với Nhà nước và xã hội”, “Quyền công dân không tách rời Nghĩa vụ công dân.” Quý vị đã
biết đến những quy định này chưa? (Chỉ chọn 01 phương án trả lời)
1.
73,75% Biết rất rõ, vì đây là quy định rất cơ bản, thông dụng
2.
21,68% Biết mơ hồ, chỉ nghĩ rằng mình có Quyền thì phải có Nghĩa vụ mới công bằng
3.
3,89% Chưa từng nghe, vì từ trước đến giờ cứ nghĩ rằng Quyền mới thiêng liêng
4.
0,68% Ý kiến khác

Việt à,
Nếu biết rất rõ vì nghĩ rằng mình có quyền thì phải có nghĩa vụ mới công bằng thì sao? Nếu chưa từng nghe chỉ vì chưa từng nghe thì quẹt vào đâu? Người có học không viết câu hỏi điều tra kiểu ấy nghe Việt.
Bây giờ mình hỏi Việt thế này:

Việt có biết luận án của Việt do ai viết không? (Chỉ chọn 01 phương án trả lời)

1. Biết rất rõ, vì ai cũng biết là học tắt thì biết cái gì mà viết. 

2. Biết mơ hồ, vì thầy hướng dẫn không nói cho Việt biết ai viết.

3. Chưa từng biết, vì bộ giáo dục điều tra chưa ra ai viết.

4. Ý kiến khác.

Việt trả lời được thì mình khen Việt giỏi.

Saturday, 10 August 2024

Về tên gọi môn học Ngữ văn cũng như mô hình CT và SGK mà chúng ta đang triển khai (Bùi Mạnh Hùng)

 Cách đây mấy hôm, anh Thái Hạo, nguyên là một nhà giáo dạy Ngữ văn và hiện là một cây bút được rất nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, có nêu một ý kiến quan trọng trên trang FB của anh ấy: Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt.

Cụ thể, anh Thái Hạo cho rằng, lâu nay trong dạy, học và thi cử, tiếng Việt đã bị xem thường và bỏ qua. Đây là một tai họa. Nó dẫn đến thực tế rằng đa số HS (và cả GV) không biết viết (và nói) tiếng Việt một cách thông thạo và hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, theo anh, môn Tiếng Việt (Việt ngữ/ Quốc ngữ) cần được dạy xuyên suốt chương trình (CT) phổ thông và đánh giá năng lực tiếng Việt trên phương diện quốc gia (ví dụ như đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT). Còn Văn học/ Văn chương thì nên đối xử như đang đối xử với Âm nhạc, Mỹ thuật,... Tách môn Văn học ra khỏi Ngữ văn, lúc này, nó sẽ được những HS có năng khiếu hoặc có đam mê hoặc có nhu cầu chọn học để thỏa chí hoặc để theo đuổi nghề nghiệp.
Anh Thái Hạo là người có nhiều trải nghiệm về lĩnh vực dạy học Ngữ văn, viết văn rất có nghề và đặc biệt là rất sắc sảo trong việc phân tích, đánh giá nhiều vấn đề về giáo dục, văn hóa, xã hội,…. Do vậy, ý kiến đề xuất trên của anh Thái Hạo được hàng ngàn người bấm like, hàng trăm ý kiến thể hiện sự đồng tình. Với tư cách là “người trong cuộc”, tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp, bạn bè và những ai quan tâm một số ý kiến về vấn đề được anh Thái Hạo nêu ra. Việc trao đổi này nhằm đáp ứng mong muốn của anh Thái Hạo là “thấy một cuộc thảo luận sâu rộng về vấn đề này, với sự tham gia của nhiều thầy cô và chuyên gia”. Vấn đề được bàn có thể coi là hệ trọng. Nếu chấp nhận giải pháp mà anh đề xuất thì môn Ngữ văn ở Việt Nam sẽ thay đổi hoàn toàn, có thể tốt hẳn lên hoặc kém hẳn đi. Nên nó xứng đáng được quan tâm và trao đổi thấu đáo.
Trước hết nói về tên gọi. Đúng như anh Thái Hạo nói trong một ý kiến trao đổi ngắn với tôi trên trang FB của anh ấy, cái môn mà ta gọi là Ngữ văn thì nhiều nước gọi bằng tên gọi tiếng mẹ đẻ. Ta có thể dẫn ra một số ví dụ như: Tiếng Anh (Anh, Australia, Canada, New Zealand), Tiếng Pháp (Pháp), Tiếng Đức (Đức), Tiếng Nhật (Nhật Bản),... Một số nước khác gọi bằng những cái tên tương tự, ví dụ Hàn Quốc gọi là Quốc ngữ, Hoa Kỳ gọi là Language Arts (đôi khi gọi đầy đủ hơn là Language Arts and Literature), có thể tạm hiểu là Kĩ năng ngôn ngữ (một số người dịch là Ngôn ngữ nghệ thuật, không biết vì sao lại có sự nhầm lẫn như vậy!). CT và SGK 2018 của chúng ta lần này thiết kế theo mô hình CT và SGK của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Anh,... (Tôi không có điều kiện nghiên cứu kinh nghiệm của Pháp vì không biết tiếng Pháp và được biết gần đây Pháp không có đổi mới gì đáng kể về CT và SGK). Thật ra, khi xây dựng CT Ngữ văn 2018, phương án gọi tên môn học này là Tiếng Việt (bên cạnh một số tên khác như Quốc ngữ, Quốc văn, Việt văn,…) thay cho tên Ngữ văn đã từng được đặt ra, nhưng phương án đó bị gạt đi nhanh chóng, vì chắc chắn sẽ bị phản đối do nhiều người nghĩ rằng môn Văn bị loại bỏ. Công cuộc đổi mới CT và SGK không tạo được sự đồng thuận chỉ vì cái tên môn học thì rất “thất sách”. Có thể CT mới chết từ trong trứng nước chỉ vì cái tên mới của môn học. Vì vậy, tên gọi Ngữ văn đã được giữ nguyên như chúng ta thấy.
Thứ hai là nói về cách tiếp cận. Không phải ngẫu nhiên mà các nước phát triển đều thiết kế CT và SGK theo cách tích hợp như CT và SGK Ngữ văn 2018 của Việt Nam. Nói chính xác là chúng ta học hỏi kinh nghiệm của họ. Nếu tách Tiếng Việt và Văn học thành hai môn riêng biệt thì Việt Nam sẽ "không giống ai" trong thế giới tiến bộ mà lại rất giống với ta đã cách đây mấy chục năm. Việt Nam từng có hai môn riêng biệt như thế (có một khác biệt đáng kể là có cả môn Tập làm văn). Nhiều người cứ chỉ trích GS. Nguyễn Đăng Mạnh và GS. Trần Đình Sử đã làm hỏng môn học này vì gộp Văn và Tiếng Việt vào một môn chung là Ngữ văn. Nghĩ vậy là chưa hiểu thực tế xây dựng CT, biên soạn SGK và dạy học Ngữ văn ở Việt Nam và oan cho các ông. Chất lượng của môn học này trong nhà trường phổ thông không phải vì cái tên. Việc tích hợp hai “mảng” Tiếng Việt và Văn học là tất yếu, còn cái tên là Ngữ văn hay Tiếng Việt không làm thay đổi bản chất của môn học. CT Ngữ văn được triển khai như hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển CT trên thế giới; cho đến nay tôi chưa thấy có cách nào khác tốt hơn. Các nội dung anh Thái Hạo hình dung cho môn Tiếng Việt (nếu được tách thành môn độc lập) như dạy về nghĩa và cách dùng từ ngữ (Hán Việt, tục ngữ, thành ngữ,...); dạy về cách viết câu, viết đoạn, viết các loại văn bản; dạy về cách đọc các loại văn bản khác nhau (hành chính, chính luận, nghệ thuật,...); dạy về cách bình luận, tranh luận, bút chiến, hùng biện,... thì đều đã có trong CT Ngữ văn 2018. Theo CT Ngữ văn mới này, hoạt động thực hành đọc, viết, nói và nghe được triển khai dựa trên nguồn ngữ liệu đa dạng, có văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin (nghĩa là đủ các loại văn bản thông dụng mà con người tiếp xúc hằng ngày). Việc đọc tác phẩm văn học không chỉ giúp HS phát triển năng lực thẩm mỹ (chẳng lẽ có những người không cần đến năng lực này?), giáo dục cho các em nhiều phẩm chất quan trọng (tình yêu gia đình, lòng nhân ái, niềm trắc ẩn đối với tha nhân,...) mà còn giúp HS học hỏi được cách sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế; giúp HS mở rộng vốn sống, trải nghiệm để các em có cái để viết, để trao đổi, tranh biện,...; qua đó phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Khó mà kể hết những tác dụng của việc học văn học. Nhưng chỉ chừng ấy thôi thì cũng đủ để khẳng định rằng, không thể coi Văn học chỉ là môn tự chọn, là môn năng khiếu hay môn có vị trí "ngang bằng" với Âm nhạc, Mỹ thuật,... được. Tách Tiếng Việt thành môn riêng còn có nguy cơ dạy nhiều kiến thức ngôn ngữ học, biến môn học này thành một món rất hàn lâm. Còn nếu đưa một phần Văn học vào đây thì có khác gì cách xây dựng CT 2018 như hiện nay đâu? Lại có thêm câu hỏi đặt ra: Vậy thì phần văn học nào thì đưa vào môn Tiếng Việt (bắt buộc), phần văn học nào thì làm thành nội dung của môn Văn học (tự chọn)? Lưu ý là CT Ngữ văn 2018 cũng đã có hệ thống chuyên đề (3 chuyên đề/năm) cho HS lựa chọn, trong đó có tám chuyên đề về văn học dành cho HS có năng khiếu, sở thích hay định hướng nghề nghiệp có liên quan đến môn Ngữ văn.
Tôi đồng tình với đánh giá sau của anh Thái Hạo: Trong thi cử, tiếng Việt đã bị xem thường và bỏ qua khi đánh giá chất lượng của bài thi, bằng chứng là tỉ lệ điểm dành cho kĩ năng diễn đạt của HS trong các bài thi theo đáp án chấm bài của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các sở lâu nay là không đáng kể. Nói rằng cách ứng xử đó đối với tiếng Việt góp phần dẫn đến tình trạng sử dụng tiếng Việt yếu kém đến mức “thảm họa” như hiện nay cũng không sai. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề không phải là tách Tiếng Việt thành môn riêng như anh đề xuất.
Tiện thể, xin chia sẻ một ý nhỏ: Có người cho rằng Tiếng Việt là môn khoa học còn Văn học là môn nghệ thuật. Nói như vậy là hiểu chưa đúng về vai trò, vị trí của môn học này ở phổ thông. Chỉ có Việt ngữ học (học ở đại học) mới là môn khoa học. Chỉ có sáng tác văn chương (có thể học ở trường viết văn) mới thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Còn môn Ngữ văn (hiểu nôm na là gồm Tiếng Việt và Văn học) ở phổ thông trước hết là môn học công cụ giúp HS phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, đúng tính chất là môn học công cụ như anh Thái Hạo kì vọng. Thành công của việc đổi mới CT và SGK Ngữ văn lần này tùy thuộc vào rất nhiều thứ, nhưng riêng cách tiếp cận về CT và SGK mà chúng ta lựa chọn thì có thể khẳng định là đúng đắn. Dĩ nhiên, cách tiếp cận đúng đắn không đảm bảo sản phẩm chắc chắn sẽ tốt. Cụ thể, CT và các bộ SGK Ngữ văn kì này tốt hay chưa tốt cần chờ thêm thời gian, không ai dám quả quyết trước điều gì.
Vấn đề này nói cho hết nhẽ thì cần có một cuộc hội thảo như anh Thái Hạo mong muốn (thật ra đã từng có những cuộc trao đổi rộng rãi). Tuy vậy, hi vọng những gì tôi nêu ở trên sẽ là thông tin hữu ích cho những ai quan tâm và bàn luận về tên gọi môn học Ngữ văn cũng như mô hình CT và SGK mà chúng ta đang triển khai.
(Facebook của tác giả: https://www.facebook.com/hung.bui.3975012)

Saturday, 2 March 2024

Không phải bắt nạt thì là gì?

Làm dữ quá nên người ta sợ chứ sao? Hay ho gì mà tự hào?

Cái xì líp các KOL đang mặc có phải là quần lót không? Các KOL đang mặc xi líp hay quần lót? Có thể trên người các vị không mặc gì cả nên các vị không biết.

 

Cây láp, trục láp, trục lấp, trục láitrục truyền động có gì khác nhau? Xin đừng bảo rằng trục láp của các cụ thời Pháp khác trục lái của mình thời nay. Đã cây lại còn láp (P. l'arbre), đã láp lại còn trục. Chặt bớt thành trục lái, trục truyền động cho nó trong sáng nhỉ! Trục lái vẫn còn một nửa hơi Tàu. Trục truyền động rặt Tàu là Tàu. Chỉ có cây lái là thuần Việt mà chưa ai dám nói thế. Buồn ơi là buồn.

Nên gọi dây ký ninh hay dây thần thông hay dây cóc? Các KOL không biết hay các KOL chưa rảnh để lôi ra đấu tố? Đấu tố mà không giết được doanh nghiệp nào thì cũng chẳng nên phí sức nhỉ? Hãy đợi ai đó kinh doanh dây ký ninh rồi xông đến bắt họ đổi dây ký ninh thành dây cóc thì mới sướng.


Người Pháp phân biệt rất rành mạch soutien-gorgecorset mà bao nhiêu năm nay nhiều người Việt cứ gọi xu-chiêng là coóc xê. Sao mấy người Việt đó không bắt chước các cụ xi líp ra xi líp, quần lót ra quần lót, xu chiêng ra xu chiêng và coóc xê ra coóc xê? Có áo vú, áo ngực, nịt vú, nịt ngực rồi còn mượn thêm tiếng Tây làm gì? Khi nào các KOL sẽ xem xét vấn đề bức thiết này để các nhà tạo mẫu và chị em còn biết phải bán cái gì, mua cái gì và mặc cái gì khi ra đường? À, sơ chiên, xơ chiên, xu chiên, xu chiêng, xú chiêng, xu cheng, xú cheng ... phải viết sao cho đúng, cho hay và trong sáng?

 

À, a xít mạnh có phải là cường toan trước 1975 không? Ai chẳng biết toan chính là a-xít? Người thay toan bằng a-xít có phải là một anh dốt không?

 

Không nhất thiết phải vay mượn tiếng nước ngoài để tạo từ ngữ mới nhưng có vay mượn cũng chẳng sao cả. Các KOL, nếu học tiếng Pháp đủ trình độ B, hẳn phải biết gare fluviale, gare maritime, gare routière, gare aérienne, aérogare, héligare, astrogare... Từ những năm 70 của thế kỷ trước Nguyễn Tuân đã sao phỏng P. gare aérienne thành ga bay. Ông Nguyễn Tuân ba rọi hay ông ấy có may mắn nói và viết tiếng Việt trước khi các KOL nứt đất chào đời? Công ty gì đấy ở Sài Gòn ba rọi hay họ kém may mắn, trót sinh nhầm thế kỷ?

 

Nói thẳng ra, đúng sai không phải là vấn đề. Hay dở càng không phải là vấn đề. Có từ ngữ rồi rồi có thêm vài chục từ ngữ nữa cũng không phải là vấn đề. Có quần lót rồi vẫn mượn xì líp được, có thằng điên nào nhảy lên Facebook làm giặc không?

Nhờ mạng xã hội tiếp tay, các KOL có thể khua khoắng đám đông, lồng lộn sỉ vả, đấu tố người yếu thế. Người ta nhũn nhặn nghe quý vị chửi vì người ta biết đồng tiền dính liền khúc ruột. Không ai muốn đôi co với Chí Phèo để ảnh hưởng công chuyện làm ăn của người ta. Người ta chưa quên đám đông thời Cải Cách Ruộng Đất hung dữ thế nào một khi đã lên cơn cuồng loạn.

Đám đông thời nay sang trọng hơn đám khố rách áo ôm Cải Cách Ruộng Đất ở chỗ họ dám gào Các nhà ngôn ngữ học ơi ời, bận ngủ hở? Cháy nhà ở đâu mà gọi cảnh sát? Gọi như hò đò mà cảnh sát vẫn không đến. Quanh đi quẩn lại chỉ nhìn thấy các bạn Tiếng Việt là tôi, tôi là tiếng Việt; cảng cá thì được, cảng hàng không thì không.

 

Bắt nạt tư nhân kinh doanh ga tàu thuỷ dễ lắm ai ơi. Sau vụ này quý vị cứ thừa thắng xông vào bất cứ tiệm phở nào đang đắt khách ở Sài Gòn mà săm soi biển hiệu, xét nét thực đơn của người ta để cho bát phở được trong sáng. Chỉ xin quý vị chớ có dại mà động đến các thế lực đang ngồi trên đầu quý vị.

Có thể các vị chưa biết ô tô (P. voiture automobile) chính là xe hơi (do Trung Quốc gọi là khí xa), từng có lúc được gọi là xe tu bin, là ô tô mã binh ô tô mô binh (lại do tiếng Pháp là voiture automobile). Có lẽ nể cụ Hồ quá nên không ai dám bẻ hành bẻ tỏi. Giờ biết rồi, lại đang phấn khởi tột độ, quý vị thử bắt bẻ cụ Hồ xem có ai bị vả gãy răng không.

À, cục Hàng Không Việt Nam cũng không ngán các vị đâu nhé. Thử một lần đi rạch mặt ăn vạ với ga hàng không của nhà nước xem người ta có nghe mình không. Các vị không chịu ra/vào ga hàng không thì không lên/xuống tàu bay được.
Thế thôi.

Các vị đã quen sống trong một xã hội quen nhân danh cộng đồng để bắt nạt người không thể và/hoặc không muốn chống trả. Người có tí đỉnh đầu óc dễ dàng nhận ra sự bất công khi bản thân là nạn nhân. Có điều ngần ấy đầu óc không đủ để giúp quý vị sáng suốt nhận ra mình đang bất công và tàn ác với người khác bằng chính những thủ đoạn mà mình vẫn lên án.