Saturday 29 March 2014

Người anh hùng đánh giặc từ năm 12 tuổi (Hoa Nguyên & Hương Lam - Người Đưa Tin)


(Nguoiduatin.vn) - Chúng sử dụng những đứa trẻ Việt Nam để tạo hình ảnh một quân đội nhân đạo, những đứa trẻ bị bắt cóc được giới thiệu là "trẻ mồ côi". Mục đích của chúng là sẽ xây dựng, đào tạo những đứa trẻ này thành "những chiến binh Việt Nam" nếu ý đồ thôn tính Đông Dương thành công.

Vào những năm 1940, trong đoàn quân của quân đội phát xít Nhật di chuyển từ miền Trung vào miền Nam Việt Nam trong đó có cậu bé 10 tuổi quê ở Nghệ An, Phan Văn Điền. Đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang sống lây lất, đói rách cùng bà nội trên đường di tản tìm cái ăn của nạn đói năm 1945 thì bị lính Nhật cho đi "chơi xa" trên một chuyến xe quân sự. Đứa trẻ đó không hề biết rằng đã trở thành một phần trong âm mưu của phát xít Nhật khi đó: Bắt cóc trẻ con Việt Nam để đào tạo thành lính để sau này làm tay sai cho chúng cai trị chính Việt Nam.
Ông Phan Văn Điền hiện nay.
Chuyến "đi chơi" định mệnh
Năm 1940, quân Nhật bắt đầu tiến chiếm Đông Dương qua ngõ Trung Hoa - Việt Nam bằng từng đoàn Công - voa hùng hậu (Công-voa là quân đội của Nhật Hoàng trong thế chiến thứ 2 -P.V). Trước sức mạnh của quân Nhật, quân đội Pháp đang chiếm đóng ở Lạng Sơn thất thủ, được thể, đội quân viễn chinh Nhật tiến sâu vào nội địa Việt Nam. Toàn quyền Pháp tại Đông Dương tê liệt không thể kháng cự. Nhật hạ lệnh cho Pháp phải cống nộp lương thực cho Nhật. Và, để có đủ điều kiện lương thực cống nộp cho Nhật, quân Pháp ra sức vơ vét, tận thu tài nguyên trên đất Việt Nam làm bùng phát nạn đói kinh hoàng năm 1945 khiến một phần mười dân số chết vì đói.
Trốn nạn đói Ất Dậu năm đó, một cậu bé 10 tuổi mồ côi cha mẹ, bám tay bà nội và ông bác ruột rời quê Cửa Lò (Nghệ An) xuôi về Diễn Châu để tìm cái ăn. Trên đường chạy đói, người chết nằm ngổn ngang chưa được chôn còn người sống thì lay lắt như những bóng ma cứ vật vờ mò mẫm, tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể cho vào miệng. Hình ảnh tang thương ấy nhanh chóng đập vào mắt cậu bé Phan Văn Điền. Trong tâm trí non nớt khi ấy, những gã Tây đen, Tây trắng nhởn nhơ khắp nơi là thủ phạm của nỗi cơ cực, chết chóc này. Chúng chính là những bọn quỷ mắt xanh thường có trong mỗi câu chuyện cổ tích bà ru ngủ những đêm trằn trọc vì đói.
Tới một cái chân cầu, người bác gửi hai bà cháu vào một cái bè cùng một số công nhân rồi đi biền biệt. Chỗ ở mới tạm gọi là cái nhà để hai bà cháu trú nắng trú mưa và là nơi ngủ sau một ngày đi tìm cái ăn về. Cháu 10 tuổi cứ sáng ra là dắt bà đi men theo những đường ray tàu lửa để lượm than vụn sau đó đem về đổi lấy khoai lang, cơm độn sống qua ngày.
Thời gian sau, quân đội Nhật chính thức hất cẳng bọn Pháp ra khỏi Việt Nam. Mấy ngày sau đó, quân lính Nhật có mặt khắp nơi, máy bay quân đồng minh Anh - Mỹ quần đảo liên tục trên bầu trời Vinh, tìm kiếm những nơi có Nhật đóng quân để trút bom. "Nhà" của hai bà cháu bơ vơ, côi cút cũng bị bom đánh cho tan tành, may là hôm ấy bà và cháu đang đi "kiếm ăn" ở một cái lò vôi cách xa "nhà" mấy chục mét nên thoát nạn. Tiếng súng lắng dịu được mấy ngày, cuộc sống của hai bà cháu trở nên chật vật, lao đao hơn vì thiếu hụt cái ăn. Nhiều người thấy cảnh bà già, trẻ nhỏ thương tình cho miếng khoai, rau trái cứu vớt sự sống của hai bà cháu.
May là ngày đó, vùng này người ta trồng nhiều bông vải, cứ mỗi vụ thu hoạch, chủ ruộng thuê mướn nhân công bao gồm người lớn và trẻ con. Nhờ lanh lợi, Điền kiếm được một chân cán bông vải và thù lao cuối ngày là một ô khoai lang và làn cơm trộn đem về. Suốt thời gian dài, nhờ những ngày công của Điền mà hai bà cháu có thể duy trì sự sống.
Bọn Nhật tràn vào khắp nơi, chẳng mấy chốc mà chúng quen mặt những đứa trẻ hay chạy nhảy tung tăng ở đây. Phan Văn Điền cũng trở thành "người bạn nhỏ" của chúng. Mỗi khi cần gì là chúng sai cậu đi mua, chiến lợi phẩm sau mỗi buổi "làm bạn" với người Nhật là một làn cơm trắng tinh. Dần dần, Điền trở cũng bập bẹ được đôi từ tiếng Nhật. Một hôm, thấy những người lính đang tất bật thu dọn đồ đạc để chuyển bị rời khỏi đây, chúng hỏi Điền có muốn đi chơi không. Nghe thấy bảo được đi chơi quả là một thứ gì đó vừa thích thú lại vừa tò mò. Điền chạy nhanh về nhà xin phép bà. Bà chưa kịp hỏi thì đã thấy đứa cháu khuất sau ngọn cây. Từ trên xe, Điền nhìn thấy bà chạy với theo gọi thảm thiết: "Cháu ơi! về với bà đi cháu ơi". Điền khi ấy cũng vừa la vừa đòi xuống xe nhưng một người Nhật đã kịp thời ôm lại. Và đó cũng là lời cuối cùng Điền được nhìn thấy hình ảnh người bà. Chuyến "đi chơi" ấy dài hàng ngàn cây số đến một nơi hoàn toàn xa lạ.
Quân đội phát xít Nhật đang tiến vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
"Tên lính Nhật" cứng đầu
Đoàn xe khởi hành trong cái nắng gió Lào hanh hao, hướng về phía Nam chạy miệt mài ngày đêm, xuyên qua những bãi xác người chết đói, xuyên qua những đoàn bộ binh Nhật đeo kiếm trễ bên hông. Phan Văn Điền không ngờ rằng, ông đang ngồi trên chuyến công - voa mở đường xâm lược xuyên Đông Dương của quân đội Nhật Hoàng. Và một cậu bé như ông cũng không thể biết được rằng, đó là một trong những chuyến xe chạy trên sự kiện đệ nhị thế chiến của lịch sử. Toàn lãnh thổ Việt Nam, không khí kháng chiến chống ngoại bang xâm lược bùng nổ khắp nơi.
Ngồi trên xe cùng Điền khi ấy cũng có 5 đứa trẻ trạc tuổi Điền, không biết chúng bị bắt từ tỉnh nào đến nhưng tất cả đều mang dáng vẻ lấm lem, còi cọc của đói ăn, thiếu mặc. Những ngày đoàn xe dừng chân nghỉ ngơi, Phan Văn Điền bắt đầu cảm thấy nhớ bà nội da diết, cậu khóc lóc đòi về nhưng mỗi lần như vậy đều nhận được sự im lặng hay lời hăm dọa. Một lần, được sai đi ra quán tạp hóa mua đồ cho lính Nhật, Điền non nớt kể hoàn cảnh của mình và nhờ ông chủ tạp hóa đưa mình về với bà. Chủ quán từ chối nhưng hứa sẽ giúp viết thư về cho bà. Điền đọc nội dung thư cho người chủ quán ghi: "Bà ơi! Cháu rất nhớ bà. Cháu đã bỏ bà đi chơi, bỏ bà một mình. Cháu hứa sẽ về với bà. Bà thứ lỗi cho cháu nhé". Không hiểu lá thư có đến được tới tay bà không nhưng trong lòng Điền cảm thấy ấm áp, an tâm hơn.
Xe chạy mải miết nhiều ngày, qua những cánh đồng ngút ngàn khói trắng của tàn tích bom đạn, qua những làng mạc đất trắng, khô cằn và những con người lơ thơ, dật dờ trước gió. Vài ngày sau, đoàn xe đến Sài Gòn, những chú nhóc tuy không ở trong biên chế quân đội nhưng vẫn được phát quân phục và lương 20 đồng một tháng. Đó là một trong những chiêu thức của quân đội Nhật Hoàng. Chúng sử dụng những đứa trẻ Việt Nam để tạo hình ảnh một quân đội nhân đạo, những đứa trẻ bị bắt cóc được giới thiệu là "trẻ mồ côi". Mục đích của chúng là sẽ xây dựng, đào tạo những đứa trẻ này thành "những chiến binh Việt Nam" nếu ý đồ thôn tính Đông Dương thành công.
Sống ở thành phố sôi động, náo nhiệt luôn có những trò chơi thú vị, dần dà nỗi nhớ bà trong Điền bị khuất lấp. Bản năng sinh tồn của đứa trẻ mồ côi đã tạo cho Điền biết cách xử lý khôn khéo trong ứng xử hàng ngày, biết cách phân tích từng vấn đề để không làm mất lòng bọn Nhật. Một hôm, khi vừa ra khỏi doanh trại, một quang cảnh náo nhiệt xảy ra trước mắt Điền, một đoàn người nối thành hàng dài cầm lá cờ đỏ sao vàng hô vang các khẩu hiệu: "Hồ Chí Minh muôn năm, Việt Nam độc lập, tự chủ. Đả đảo thực dân Pháp". Không khí sôi sục, náo loạn toàn bộ khu vực đã khiến cậu lính nhóc hòa vào dòng người lúc nào không hay và theo phản xạ có điều kiện, Điền cũng hô theo đoàn người kia.
Đi theo hò reo cả buổi, khàn cả tiếng nhưng Điền cảm thấy vui và phấn khích trong người, có lẽ đây là lần đầu tiên Phan Văn Điền có cảm giác niềm vui thật sự. Đó là lần đầu tiên ý thức về Tổ quốc Việt Nam hình thành trong đầu Điền, tuy chưa rõ nét lắm nhưng cũng đủ để biết đất nước mình có một lá cờ Tổ quốc khác với lá cờ ba màu của Pháp hoặc lá cờ mặt trời của Nhật. Liên tục những ngày sau đó, đám nhóc "lính Nhật" tiếp tục tham gia hô hào cùng đoàn người đủ mọi thành phần kia. Bài học về Tổ quốc, về Bác Hồ về bọn xâm lược bắt đầu với Điền trong hoàn cảnh như thế.
Hoa Nguyên - Hương Lam


***

Người anh hùng đánh giặc từ năm 12 tuổi

Sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản năm 1945 khiến Nhật Hoàng phải đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện, quân đội phát xít Nhật ở khắp nơi rệu rã. Chuyến đi chơi xa đưa Phan Văn Điền dạt về Vũng Tàu theo quân thất sủng của Nhật Hoàng. Khi Nhật rút quân về nước, các chú nhóc bị bắt cóc đến đây trở nên bơ vơ. Cậu bé họ Phan may mắn được làm con nuôi của một cơ sở cách mạng. Từ đây, cuộc đời đứa trẻ mồ côi chính thức bước sang một trang mới.

Tham gia cách mạng
Trong số những đứa trẻ bị quân Nhật bỏ lại ở Vũng Tàu thì Phan Văn Điền là nhỏ tuổi và nhỏ người nhất vì thế mà được ông chủ tiệm tạp hóa quen tên Châm nhận làm con nuôi. Mặc dù là con nuôi nhưng ông bà Châm thương như con ruột, Điền được cho đi học, được sống trong sự thương yêu đùm bọc của cả gia đình này. Cha nuôi đổi tên cậu thành Đinh Văn Phú theo họ của ông để hợp thức hóa danh phận. Lần đầu tiên trong đời, Phú được mặc chiếc áo dài đen, chân mang giày hàm ếch, đầu đội nón kết, tay cắp cặp đến trường học chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ.
Ông Phan Văn Điền.
Cha nuôi của Phú vốn là dân Hải Phòng, đã từng rời quê hương theo tàu viễn dương lênh đênh trên biển cả nhiều năm trời đi khắp thế giới. Trong một chuyến ghé vào cảng Vũng Tàu, ông gặp người con gái đã níu chân ông lại để xây dựng một mái ấm gia đình nho nhỏ trên đất liền. Ông chuyển sang làm nghề bán buôn và mở tiệm tạp hóa nhỏ sinh sống. Ông chính là cơ sở nòng cốt của phong trào Việt Minh tại Vũng Tàu.
Thỉnh thoảng, cậu bé Phú thường thấy một số người hay qua lại nhà cha nuôi, họ họp trong một cái phòng kín nhiều giờ liền khiến cho cậu bé tò mò thường lén đến vách ghé sát tai nghe lỏm. Một lần, đang say sưa nghe thì bị một người bạn của cha nuôi bắt quả tang lôi vào phòng. Nhưng các chú bác không hề la rầy Phú mà còn dạy cho cậu hiểu thế nào là cách mạng. Đó là lần thứ hai kể từ khi lưu lạc, Phú được tiếp xúc với hai chữ cách mạng.
Một năm sau, cha nuôi đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Phú bị mẹ nuôi ngày ngày la mắng, đánh đập nên xin các chú cho đi theo làm cách mạng. Với lợi thế là con nít, bọn Pháp không để ý nên Phú thoải mái ra vào các tụ điểm, các nơi sang trọng mà người Pháp thường tụ tập đông đúc. Trong vai một đứa trẻ đi đánh giày, bán vé số, Phú luôn dắt theo hai trái lựu đạn gặp đám đông quân lính Pháp là rút chốt cho nổ, lợi dụng sự nhốn nháo của mọi người, cậu lẩn trốn dễ dàng. Chỉ trong thời gian ngắn, một cậu nhóc đánh giày tiêu diệt được hàng trăm tên binh lính, sĩ quan Pháp ở Vũng Tàu. Năm đó Phú vừa tròn 12 tuổi.
Ông Phan Văn Điền đã nhiều lần được tặng thưởng các danh hiệu cao quý.
Thử sức làm gián điệp
Được tổ chức tín nhiệm giao thêm nhiều trọng trách quan trọng khác, Đinh Văn Phú được đổi tên thành Đinh Hùng Dũng với một vỏ bọc hoàn toàn mới. Một sứ mệnh khác hiểm nguy hơn, can trường hơn đối với Đinh Hùng Dũng là phải giả làm đứa trẻ chăn trâu để thâm nhập vào lãnh địa đồn trú quân của địch. Đồng nghĩa với vai trò tình báo, Dũng làm sao lọt vào tầm ngắm của tên đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn để làm giao liên với ban lãnh đạo kháng chiến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, trong thời gian đó, Dũng sẽ tìm cách vẽ được sơ đồ ở các đồn xung quanh căn cứ của ta.
Một buổi sáng, toán lính tuần canh trong đồn phát hiện một chú bé 12 tuổi đang dắt hai con trâu ăn cỏ nhởn nhơ khu vực gần đồn. Một tên hạ sĩ chạy tới quát lớn: "Ở đâu? Tại sao chăn trâu ở đây? Có biết đây là vùng cấm của thiếu úy Chẩn không?". Chú bé chăn trâu vừa sợ hãi vừa thưa: "Em không biết đây là vùng cấm. Em chỉ biết cỏ ởã đây rất ngon nên cho trâu vào ăn no nếu trâu đói là em bị chủ cho ăn đòn". Giằng co mãi, cuối cùng tên sĩ quan phải dẫn chú nhóc về đồn vì chú quá cứng đầu, không chịu dắt trâu đi. Vừa gặp chú bé, tên trưởng đồn tát một cái nảy lửa vào mặt cậu bé. Dũng vừa khóc vừa nói: "Em là đứa trẻ mồ côi đi chăn trâu mướn cho người ta, chủ đánh đập bỏ đói hoài nên em đánh liều vào đây xin anh cho em đi lính". Tên đồn trưởng động lòng trắc ẩn, hắn ra lệnh cho lính thu xếp cho cậu một chỗ ở để hàng ngày pha trà, rót nước và làm các việc sai vặt cho đồn trưởng.
Từ hôm đó, chú bé chăn trâu trở thành thành viên trong đồn, đúng với chỉ đạo của tổ chức giao cho. Do chịu khó làm việc lại ngoan ngoãn nghe lời người lớn sai bảo nên chẳng mấy chốc mà Dũng được lòng đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn. Đi đâu, hắn chũng dắt theo Dũng kể cả những lần đi họp chiến lược với các đồn khác mà không một mảy may nghi ngờ. Là tên sai nhóc của thiếu úy Chẩn, Dũng có một vỏ bọc tương đối hoàn hảo, cậu có đầy đủ điều kiện để quan sát, theo dõi và nắm bắt tình hình toàn bộ đồn giặc. Mọi thông tin mật thu được, Dũng bí mật chuyển ra cái "hòm thư" ở gốc cây rồi từ đó, thư sẽ bay tới tay các đồng chí lãnh đạo.
Nhận thấy tên Chẩn là môt người có cảm tình với cách mạng nên các đồng chí lãnh đạo yêu cầu Dũng làm giao liên để lãnh đạo gặp Chẩn. Tình hình đang êm ái, Chẩn đã có ý định về với cách mạng thì bọn mật vụ ngửi thấy mùi phản bội của Chẩn. Ngay lập tức, thiếu úy Chẩn bị triệu tập về sở chỉ huy một tháng và khi quay trở lại thì bàn giao đồn cho tên khác nắm giữ. Chẩn bị giải về Bộ Tư lệnh đóng ở Tây Ninh. Không nỡ để đứa em nuôi nheo nhóc, côi cút nên Chẩn đã xin cho cậu đi cùng. Hai người bị giải về giam tại phòng của Bộ Tư lệnh quân đội Cao Đài sau đó thì bị tra tấn cho một trận tơi bời.
Đổi tên lần thứ ba
Phạm Ngọc Chẩn có người anh là trung tá chỉ huy lực lượng Cơ Thánh Vệ bảo vệ tòa thánh Cao Đài nên vừa nghe tin em mình bị bắt, bằng thế lực và địa vị của anh trai mình, thiếu úy Chẩn và cậu nhóc nhanh chóng được thả ra. Được tự do, lại được gia đình Chẩn đưa về ở cho đi học, Dũng hạnh phúc vô cùng. Đinh Hùng Dũng được đổi thành Phạm Công Phú, vậy là vừa được một cái vỏ bọc hoàn hảo lại vừa được ăn sung mặc sướng, học hành tử tế. Cuộc sống vương giả, sung túc trong ngôi nhà của vị chỉ huy Cơ Thánh Vệ khiến Phú có điều kiện chuyên tâm học hành nên cậu học rất giỏi. Tuy nhiên, lúc nào cậu cũng thấp thỏm vì đã mất liên lạc với chiến khu, nỗi nhớ các chú các bác càng trở nên da diết, Phú vùi tất cả vào những bài học thâu đêm.
Sự giày vò càng lúc càng sôi sục, Phú thấy mình thật trống trải, thừa thãi khi không còn ai để cậu báo cáo tình hình, truyền tin bí mật. Một lần, đang tha thẩn dưới sân trường, bỗng có một bạn học nữ đến ngồi cạnh Phú hỏi chuyện. Không ngờ, cô bạn ấy lại chính là giao liên đưa Phú trở về với tổ chức. Trong chiến tranh có những điều thật kì lạ, từ những đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường như Phú đã biết hóa thân, biết hoạt động bài bản như người lớn. Từ ngày bắt liên lạc được với tổ chức, Phú như người trên mây, cậu sung sướng, hạnh phúc và hăng say vừa học tập vừa do thám tình hình. Thời gian này, nhiều đội du kích ở miền Nam ra đời, Phú là một viên đạn trong cơn mưa đạn của quân ta bắn thẳng vào kẻ thù. Hàng ngày, cậu đi học, ban đêm cùng đồng đội len lỏi vào khắp nơi để rải truyền đơn, xử tử những tên Việt gian bán nước những tên cò Pháp có nợ máu với nhân dân.
Tháng 3/1950, Mỹ bắt đầu thò "cái đuôi" sang xâm lược Việt Nam với danh nghĩa hỗ trợ cho Pháp. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân nổ ra khắp nơi, nơi nào cũng sục sôi lòng yêu nước. Nội bộ Cao Đài trở nên rối ren, chúng nghi kỵ lẫn nhau dẫn đến nhiều cuộc thanh toán những phe phái trong Cao Đài diễn ra đẫm máu. Giữa lúc ấy, Phạm Công Phú bị lộ, tổ chức phải rút cậu ra căn cứ ở tạm nhà một đồng chí cơ sở. Năm 1954, Pháp thua đau ở Điện Biên Phủ buộc lòng phải ngồi vào đàm phán kí hiệp định Genève. Đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền, nhiều cán bộ cách mạng được đưa ra Bắc tập kết, một số còn lại có kinh nghiệm bám trụ địa bàn để đối phó âm mưu thâm độc của kẻ thù trong đó có cậu thanh niên Phạm Công Phú - Phan Văn Điền.

 
Sau hai lần ám sát hụt Tổng thống họ Ngô, Hà Minh Trí cứ như người ngồi trên đống lửa, anh bứt rứt tâm can vì chưa có cơ hội trực tiếp kết liễu tên Tổng thống đang có nhiều nợ máu với nhân dân.
Lần thứ ba nhận nhiệm vụ ám sát Ngô Đình Diệm trên Buôn Mê Thuột, anh quyết tâm thực hiện cho bằng được. Vậy nhưng phát súng của anh nhắm thẳng vào Ngô Đình Diệm đã bị người khác chịu thay. Dù Ngô Đình Diệm không chết, nhưng cả cục diện chính trị đã thay đổi.
Mặt đối mặt
Nhiều nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Ngô Đình Diệm sẽ bay lên Buôn Mê Thuột dự hội chợ triển lãm kinh tế Cao nguyên và cắt băng khánh thành trong thời gian tới. Ngay lập tức, Hà Minh Trí lên phương án ám sát vào dịp này, anh báo cáo với lãnh đạo đề ra kế hoạnh thực hiện. Lúc đầu, lãnh đạo còn băn khoăn vì đường xá xa xôi cách trở lại không am hiểu về địa hình trên đó, một mình Trí rất khó thực hiện. Sau khi được anh phân tích kế hoạch, đường đi nước bước hợp lý, khả năng thành công cao và hơn nữa anh đã có sẵn hai cơ sở đang có chỗ đứng vững chắc trong chính quyền ngụy đóng ở Buôn Mê Thuột, họ sẽ giúp anh điều nghiên. Nghe anh phân tích hợp lý, lãnh đạo chấp nhận.
Hà Minh Trí bị bắt tại chỗ sau khi ám sát Ngô Đình Diệm (ảnh tư liệu).
Một mình Hà Minh Trí từ Tây Ninh lên Buôn Mê Thuột hai lần nghiên cứu quan sát địa thế, nắm chắc địa hình cho ngày hành động. Một cơ sở của anh là cô gái tên Nhung làm văn thư trong Công dân vụ của Ngụy quyền. Từ danh phận của mình, Nhung không gặp khó khăn gì trong việc ra vào, nắm thông tin, diễn biến vì bên cô là nơi duyệt bản kế hoạch chương trình hội chợ. Cơ sở thứ hai là hai anh lính trong trung đoàn 60, là lực lượng Cao Đài liên minh thuộc người của Diệm được anh cài vào đó cũng giúp tìm thông tin cho anh.
Ngày chia tay Minh Trí lên Buôn Mê Thuột thực hiện nhiệm vụ là những giây phút cảm động nhất của các đồng chí lãnh đạo. Những cái bắt tay, những vòng ôm hôn nồng ấm dành cho anh, những kỳ vọng, hy vọng ngàn lần qua ánh mắt. Theo kế hoạch, anh sẽ có mặt tại Buôn Mê Thuột trước giờ khai mạc hội chợ khoảng một tiếng đồng hồ. Một đồng chí nữ được phân công mang súng đi theo anh đến nhà trọ tại Buôn Mê. Họ sẽ đi cùng đường từ Tây Ninh tới Sài Gòn nhưng giả không quen biết nhau, cô gái để súng trong va li còn Minh Trí sẽ đi tay không nếu có bị phát hiện thì một mình cô gái chịu để Trí rút về thực hiện kế hoạch. Khẩu súng dùng ám sát Ngô Đình Diệm là khẩu MAT 49, một loại súng tốt, khả năng bắn nhanh một lúc được nhiều đạn.
Vận chuyển vũ khí tới nơi an toàn, cô gái được lệnh rút về Tây Ninh ngay để mình Trí ở lại hành động. Trí đóng vai một tên mật thám của cậu Út Cẩn (em út Ngô Đình Diệm) đi ra đi vào khu vực xung quanh hội chợ quan sát. Mang tiếng là hội chợ nhưng chỉ có những quan chức trong chính quyền Diệm có giấy mời mới được vô dự còn tất cả người dân muốn xem chỉ đứng từ xa ngó vào. Xung quanh hội chợ, bọn cảnh sát, an ninh, mật thám dày đặc hầu như không có nơi nào chúng bỏ qua. Mặc dù khách mời có vé hẳn hoi nhưng bước vào cổng vẫn bị bọn cảnh sát khám xét khắp người. Tình hình này thì không thể vào được cổng hội chợ được vì trong người anh đang có súng. Chỉ cần sờ thấy là chúng bắt anh ngay, chưa hành động đã thất bại rồi.
Anh đi lòng vòng xung quanh tường rào hội chợ thì phát hiện một cái lỗ vừa đủ một người chui lọt nằm ngay sát trụ sở của trung đoàn 60 nên cảnh sát chủ quan không canh gác, cái lỗ này là chỗ bí mật của bọn trẻ con bán cà rem thường chui. Trí chui theo những đứa trẻ bán cà rem kia vào tới nơi thì cũng là lúc đoàn xe tháp tùng Ngô Tổng thống vào tới cổng. Anh chọn một nơi đối diện, gần với tầm ngắm tới Diệm nhất. Bên trong hội chợ lúc này, khách tham dự thì ít mà mật vụ, an ninh và cảnh sát thì nhiều. Chúng đứng thành hàng rào vây kín xung quanh nơi ngài Tổng thống ngồi. Để tiếp cận mục tiêu gần nhất, thuận lợi nhất, Trí đã đứng ngay nơi bọn an ninh bảo vệ đang đứng.
Hà Minh Trí được đăng trên các báo Sài Gòn thời đó sau khi ám sát tổng thống.
Phát súng lịch sử
Buổi sáng ngày 22/2/1957, cờ xí, tiếng hô hào rầm rầm chào đón ngài Tổng thống. Lần đầu tiên, Trí được tận mắt nhìn thấy gương mặt bóng loáng, cái đầu chải bật ra phía sau ngạo nghễ của Ngô Đình Diệm. Y bước bệ vệ vào hàng ghế cao nhất trước lễ đài, Trí nhìn thấy rõ cái bộ mặt tàn ác ấy, trong anh càng dậy lên lòng căm thù tột độ. Bấy giờ, anh không còn cảm giác mình đang đứng ngay sát một tên an ninh nữa, ngay lúc này, anh chỉ muốn rút súng ra nhả hết băng đạn vào cái đầu độc ác kia nhưng anh chợt nhớ lại mệnh lệnh của chỉ huy, chỉ được bắn mục tiêu cố định nên anh kiên trì chờ đợi.
Ngô Đình Diệm đứng đối diện với tầm ngắm của Trí khi y đang trong tư thế nghiêm trang chào cờ. Quân nhạc trỗi lên, Ngô Đình Diệm và tất cả mọi người đứng thẳng, mắt hướng về phía lá cờ ba que. Thời khắc lịch sử đã đến, Trí hơi chếch người về sau, bước sang bên trái để nâng khẩu súng lên, trong đường ngắm, chân dung Diệm nằm gọn trên đầu ruồi. Anh nín thở, lòng tin rằng 22 viên đạn trong khẩu súng sẽ bay về phía Diệm. Nòng súng đã chĩa thẳng vào ngực trái của Diệm, không một tiếng động vì mọi người đang nghiêm trang chào cờ, anh siết cò, một tiếng nổ "đùng" xé tan bầu không khí lặng im của hội trường.
Tuy nhiên, viên đạn đã hạ gục tên bộ trưởng nông nghiệp Đỗ Quang Công háo danh đang đứng sát bên Diệm để được có mặt trên mặt báo cùng Tổng thống. Còn Diệm thì đỏ bừng mặt, đứng chết lặng tại chỗ, y quay mặt ra sửng sốt nhìn thẳng vào Hà Minh Trí. Có lẽ trong đầu y tự hỏi, tại sao lực lượng bảo vệ đông đảo như thế mà vẫn có người ám sát y. Lần này, Diệm đã thoát viên đạn duy nhất đó nhờ tên bộ trưởng đỡ cho. Mọi người trong hội trường nháo nhào bỏ chạy, Trí tiếp tục lên đạn giơ súng lên bắn tiếp mục tiêu thì bị một rừng cảnh sát, an ninh đè bẹp, một cơn mưa đòn rơi xuống người anh, ngực anh thấy nằng nặng, mắt anh mờ đi rồi ngất lịm.
Ông Hà Minh Trí bây giờ.
Trong cuốn phim "phát súng trên Cao nguyên", đạo diễn đã cho Hà Minh Trí chạy thoát ra ngoài rồi phóng lên xe mô tô tẩu thoát, bọn lính và cảnh sát cũng phóng lên xe ô tô đuổi theo gay cấn. Còn thực tế khi ấy, với thân mình nhỏ thó, đứng mới đến cổ tên cảnh sát ngụy, chân tay ngoằn ngoèo trồi lên những khúc xương cứng chắc của con nhà võ, Trí có mọc cánh cũng không thể thoát được.
Nửa mê nửa tỉnh, Trí biết mình bị kéo lê trên nền đất xi măng, khi tỉnh dậy, Trí đang ngồi ngật ngưỡng trên chiếc ghế hỏi cung, toàn thân tê dại, đầu mềm nhũn, máu khô nhem nhuốc khắp cơ thể. Trí hé đôi mắt sưng húp, thâm quầng máu tụ nhìn một dàn lãnh đạo của Diệm gồm Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến và Phạm Ngọc Thảo (Phạm Ngọc Thảo là tình báo của cách mạng nhưng khi ấy Trí chưa hề biết).
Phạm Ngọc Thảo là người hỏi cung đầu tiên: "Ai tổ chức cho mày giết Tổng thống?". Trí nhớ ngay đến lời dặn của các anh lãnh đạo: Nếu bị bắt không được khai cho ta mà hãy khai cho phía địch nhằm li dán nội bộ đang lục đục của chúng. Và, lời khai của người ám sát Ngô Đình Diệm đã có tác dụng to lớn vào chính thời điểm đó, phát súng ngày ấy không giết được họ Ngô nhưng nó làm thay đổi toàn bộ cục diện chính trị của chế độ Việt Nam Cộng hòa dẫn đến cái chết thảm của hai anh em Diệm, Nhu sau 6 năm sau.
**
 
Lời khai của Hà Minh Trí đã đánh trúng điểm yếu của chính quyền Ngô Đình Diệm, có tác dụng gián tiếp đến cuộc đảo chính của tướng lĩnh trong quân đội lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô sau này. Để giữ lời khai và nhân chứng, kẻ thù không giết anh, nhưng chúng đã dùng anh để thử nghiệm tất thảy những cuộc tra tấn hết sức dã man mà chỉ có ở thời trung cổ. Chúng muốn anh phải trả giá cho phát súng ám sát Tổng thống.
Phía sau phát súng
Tuân thủ đúng mệnh lệnh của tổ chức trước khi hành động, Hà Minh Trí đã khai thiếu tướng Mai Hữu Xuân - tổng giám đốc Nha An ninh Quân đội và lực lượng Cao Đài liên minh đứng sau vụ này. Mai Hữu Xuân vốn là một phần tử thân Pháp. Sau khi Pháp rút, Diệm đã dùng Xuân bởi thành tích tàn sát dân trong chiến dịch Bình Xuyên do Diệm chủ trương. Lực lượng Cao Đài liên minh đang nghi kị người của Diệm đã bắn chết một lãnh đạo bên ấy. Hai lực lượng này đều tỏ rõ sự chống đối Diệm ra mặt nên lời khai của anh là để cho bọn chúng đánh giết lẫn nhau.
Niềm vui mỗi ngày của Mười Thương hiện nay là chăm sóc cây cảnh.
Vừa nghe xong lời khai của Trí, Ngô Đình Nhu ra lệnh cho tất cả những người có mặt tại phòng hỏi cung phải giữ bí mật tuyệt đối. Bọn chúng chỉ hỏi anh một câu duy nhất rồi bước ra như đã hiểu một điều gì đó sâu xa trong lời khai ấy. Trí bị giải sang Ty cảnh sát bắt đầu những màn tra tấn dã man như thời trung cổ. Anh cũng chuẩn bị tinh thần để bước vào trận chiến khốc liệt này. Trận chiến mà ta và kẻ thù cận kề nhau, đối diện nhau ở giữa là một ranh giới mỏng manh thắng bại. Vũ khí của kẻ thù là những màn tra tấn "thừa sống thiếu chết" còn bên này, người chiến sĩ cộng sản chống lại bằng tinh thần và thể xác. Chúng đánh anh chết đi sống lại. Vừa đánh, chúng vừa tra hỏi. Tất cả những nhân vật, giáo phái có liên quan đến lời khai của anh đều được gọi đến đối chất, nhưng bằng tài phán đoán, thông minh, anh tự tin đối phó với các chiêu trò của kẻ thù...
Vài ngày sau, chúng áp giải người ám sát Ngô Tổng thống về Sài Gòn trên một chiếc máy bay quân sự. Về tới Sài Gòn, Trí bị đẩy vào phòng biệt giam. Buổi ra mắt tại nơi giam mới, anh được "làm quen" bằng trò chích dây điện vào hai vành tai khiến mắt nổ đom đóm, toàn thân tê dại. Tiếp đến là trò đè anh nằm ngửa, đắp khăn lên mặt rồi đổ xà phòng cho đến vừa ngưỡng chết ngạt thì dừng lại giậm chân lên bụng cho ói nước ra. Hết tốp tra tấn này mệt lại đổi tốp tra tấn khác cứ liên tục, không kể ngày lẫn đêm. Chúng đánh rất dã man khiến anh lay lắt giữa ranh giới sự sống và cái chết.
Trí không sợ chết, nhưng anh sợ những lúc lay lắt ấy, đầu óc mê muội sẽ nói ra sự thật. Để giữ vững lời khai, giữ vững tinh thần nên xen giữa cơn mê, anh lẩm bẩm đọc lời khai của mình cho thật thuộc, thật quen. Bị tra tấn liên miên, Trí không còn biết khái niệm về thời gian nữa, cứ mỗi lần lơ ngơ nghe tiếng gà gáy là anh ráng bấm móng tay lên góc tường để ghi nhận một ngày mới sắp đến. Trí có thói quen ca hát, ngày trước học ở trường Đạo, anh là một cây văn nghệ nổi tiếng... Nay ở trong nhà giam, dù đau đớn đến mấy, anh cũng "tập thể dục buổi sáng" bằng một bài hát cách mạng để chuẩn bị cho một ngày chiến đấu.
Mỗi lần thẩm vấn, chúng không cho anh có thời gian suy nghĩ. Câu hỏi nối tiếp câu hỏi cứ quấn lấy nhau thành một mớ lộn xộn trong đầu. Đến lúc, cơ thể đã "nhờn" với các đợt tra tấn thì Trí không còn ý thức được là mình đang bị đánh hay không. Anh sợ lúc mê man có thể sẽ buột miệng nói ra nên đã nghĩ đến cái chết. Dù sao nhiệm vụ cũng hoàn thành rồi, chỉ có chết mới giữ được điều bí mật đang cất giấu trong lòng. Nghĩ vậy, anh đặt lưỡi giữa hai hàm răng, nghiến mạnh. Để không bị phát hiện, anh nuốt tất cả máu trào ra vào bụng. Vừa lúc đó một tên lính vào, hắn bóp miệng anh và hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vậy là ý định tự vẫn không thành.
Để dập tắt tư tưởng muốn chết trong anh, chúng đưa một cây sắt bắc ngang miệng anh chống hai hàm răng cao lên để khỏi đụng lưỡi. Từ đó, bọn chúng ít đánh đập anh hơn. Không phải là sợ anh tự tử lần nữa mà dường như những lời khai của anh suốt một tháng 3 ngày qua vẫn không hề thay đổi. Và để chắc chắn cho kết luận điều tra, chúng cho anh lên máy kiểm tra sự thật do một người Mỹ hỏi cung. Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi không ngoài mục đích khai thác thông tin từ anh đều vô hiệu hóa, anh đã học thuộc lòng bản hỏi cung những lần trước. Và, dù có máy đo sự thật đi chăng nữa vẫn không thể thắng được ý chí và tinh thần kiên gan của người cộng sản.
Phạm nhân đặc biệt
Hà Minh Trí không ngờ lời khai của mình lại có tác dụng sâu sắc đối với chính quyền Ngô Đình Diệm đến như vậy. Ngay khi hoàn tất phần thẩm tra, lấy lời khai của người ám sát Tổng thống đúng một tháng 3 ngày, Ngô Đình Nhu (cố vấn của anh trai Ngô Đình Diệm) tìm cách "loại bỏ" bớt quyền bính trong tay một số nhân vật có liên quan đến lời khai của Hà Minh Trí. Vốn tính đa nghi, để "sạch sẽ" bộ máy, Diệm loại luôn một số tay chân có hơi hướng với kẻ "dính dáng". Nhiều tên tỏ thái độ bất mãn, chán nản ra mặt, chính quyền Diệm đang tự đào hố chôn sống mình.
Về phần Hà Minh Trí, chúng đưa anh về tổng nha Cảnh sát giam giữ biệt lập với các phòng giam khác. Đây là một căn phòng đặc biệt dành cho phạm nhân đặc biệt. Chúng có hẳn 10 điều áp dụng cho phạm nhân này mà từ lính canh đến trưởng ngục đều phải thuộc lòng: "Canh gác nghiêm ngặt, không để phạm nhân tự tử, vượt ngục; ghi sổ cụ thể giờ giấc những người đưa cơm, dẫn phạm nhân đi vệ sinh; không trò chuyện với phạm nhân và không để phạm nhân trò chuyện với bất kì ai; chìa khóa phòng phạm nhân do giám đốc Tổng nha giữ"... Mỗi lần anh muốn đi vệ sinh thì một tên lính gác ấn chuông điện báo hiệu cho giám đốc xuống mở cửa và đến giờ cơm giám đốc trại tận tay đưa cơm, kiểm tra thức ăn trước.
Thời gian ở tổng nha Cảnh sát không bị tra tấn và hỏi cung, lại không được nói chuyện với bất kì ai khiến Trí thấy trống vắng vô cùng. Anh nung nấu ý định vượt ngục để về gặp anh em trong chiến khu. Sau này, ở khu vực gần phòng giam của anh, bọn chúng xây thêm một dãy phòng B làm nơi giam cầm những người tù chính trị khác, anh được chuyển sang giam ở phòng số 10. Chỗ ở mới dễ thở hơn, không có lính giám sát như phòng cũ, anh được gặp gỡ, nói chuyện vời các bạn tù. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, khi buồn anh hát, thấy đồng chí mình bị tra tấn, anh cũng hát động viên họ. Giọng hát của anh bay bổng, ấm áp len lỏi vào các phòng giam của anh chị em để khích lệ, động viên các bạn tù kiên trung, giữ khí tiết.
Một hôm, Trí được đưa lên văn phòng tổng nha mà ở đó có đầy đủ bộ dàn lãnh đạo cao nhất của Tổng nha Cảnh sát. Tại đây, khi anh còn chưa kịp định hình được điều gì sẽ xảy ra với mình thì một tên đại tá đưa ra những câu hỏi dồn dập: "Tại sao anh giết Tổng thống? Sau khi hành động, biết Tổng thống không chết anh có tiếc không? Anh có vợ chưa?”. Câu trả lời cũ được anh lặp lại.
Vẫn ba câu hỏi quen thuộc, chúng lại đưa anh trở lại phòng giam. Anh không thể hiểu tại chúng gọi anh lên trước một bộ sậu lãnh đạo cao cấp như vậy lại chỉ hỏi có ba câu chẳng đâu vào đâu. Về tới phòng, anh kể lại cho mọi người nghe. Một số anh em có kinh nghiệm biết ngay đó là Tòa án quân sự đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tòa án bí mật, không thầy cãi, không tranh luận. Chúng muốn kết án bao nhiêu năm hay tử hình đều được. Không cần căn cứ vào bất cứ thứ luật nào, tội mưu sát Tổng thống của Hà Minh Trí thì chỉ có tử hình thôi.

**

Người tù không số trong "địa ngục trần gian"
Tàu chở tù binh đáp vào Côn Đảo, các tù nhân được lệnh tập trung ngoài sân để phân phát số hiệu vào buồng giam. Khi mọi người đã vào hết, chỉ còn Trí là không thấy gọi tên và cũng không có số hiệu. Anh đứng chơ vơ ngoài sân một mình tự hỏi: "Sao cùng ra đây mà mình không có tên, hay bọn chúng nhầm"? Ngay cả bọn cai ngục cũng không hiểu, bọn chúng chạy đôn chạy đáo để tìm thông tin. Cuối cùng, trưởng ngục mới thông báo anh thuộc diện dẫn giải bằng điện chứ không có lệnh.
Cuộc đảo chính ở Dinh Gia Lòng (Sài Gòn) năm 1963.
Sau đó, Hà Minh Trí bị giam trong chuồng cọp cùng một số tử tù khác. Mỗi phòng chỉ có một cửa sắt vừa lọt một thân người luôn khóa chặt. Phía trên song sắt có hành lang giám thị đi tuần liên tục. Trên cao có cửa sổ lớn để thoáng khí, ban đêm gió từ cửa sổ thốc xuống chuồng cọp làm người tù khổ sở. Bọn chúng bắt tù nhân ở trần, thỉnh thoảng xối nước từ trên xuống ướt nhẹp mình mẩy. Chúng cho tù nhân ăn như cho cọp ăn bằng cách đưa thực phẩm từ trên xuống.
Đã mấy mùa xuân trôi qua, Trí sống trong bóng tối ở khắp các nhà giam, chịu tất cả những "trò chơi" thân xác của bọn cai ngục. Những lúc đau đớn hay buồn chán nhất thì nỗi nhớ da diết tổ chức và các đồng chí ùa về. Càng nhớ, Trí càng nung nấu ý định vượt ngục. Bởi vì anh nghe đâu đó, người ra xem tướng bảo mình trời đánh không chết. Thế nên anh tin mình không thể bị tù đày mãi được.
Suốt thời gian ở chuồng cọp, Hà Minh Trí có cơ hội được học khí tiết cách mạng của những đồng chí cộng sản kiên trung. Sự tra tấn của cai ngục ở chuồng cọp khỏi phải nói cũng biết được mức độ dã man như thế nào. Những đợt "hỏi cung" dẫn đến cái chết của phạm nhân là chuyện bình thường, chuyện cơm bữa. Biết bao nhiêu chiến sĩ đã chấp nhận hy sinh nhất quyết không chịu ly khai. Bọn cai ngục nghe danh tử tù Hà Minh Trí dám cả gan ám sát Ngô Đình Diệm, chúng vừa nể phục vừa dè chừng. Sở dĩ, chúng dành phần quan tâm đến anh bởi trong trại giam vì có một lực lượng Cao Đài không mặn mà gì với Diệm.
Cho đến thời điểm này, Trí chưa bị lộ mình là Việt cộng nên lính Cao Đài rất tôn sùng anh. Bọn chúng vẫn tưởng anh là một tên Cao Đài vì giáo chủ mà liều mình giết Diệm. Ngày ấy, chúng thường lân la đến trò chuyện, hỏi han về người hùng gan to hơn cọp này. Hết sức dè chừng về thân phận mình, anh khôn khéo khai thác những thông tin trong nội bộ chính quyền Diệm từ những tên cai ngục. Nhờ những thông tin mật báo của Hà Minh Trí từ chuồng cọp gửi về, cách mạng đã chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch tác chiến khi biết rõ, chính quyền Ngô Đình Diệm đang bước tới vực thẳm.
"Viên đạn ngầm" sáu năm chạm đích
Ngày 1/11/1963, tiếng súng đảo chính Ngô Đình Diệm bắt đầu nổ theo sự sắp đặt của các quan thầy Mỹ tại Sài Gòn. Sau một ngày, quân đảo chính chiếm được Dinh Độc Lập. Anh em Diệm, Nhu hết đường định "tẩu thoát", bị tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho lính bắt lại. Chính tay Mai Hữu Xuân tóm được hai anh em tổng thống thất sủng và mối tư thù sáu năm trước y bị truất quyền do lời khai của Hà Minh Trí đã đến lúc trả nợ. Sau cuộc trả thù tổng thống của mình, bọn đảo chính bắt đầu tranh giành nhau địa vị, chức quyền nên chưa có thời gian kiểm tra tù chính trị đang bị giam giữ từ thời chế độ Diệm. Nhờ vậy, nhiều đồng chí của ta tìm cách đưa hối lộ để được ra tù.
Trước đó, một nhóm tướng lĩnh ra mắt bằng tên gọi "Hội đồng quân nhân cách mạng" "yêu nước thương dân" quyết tâm lật đổ chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm. Cuộc ra mắt gồm các nhân vật chóp bu như: Trung tướng Dương Văn Minh - chủ tịch hội đồng; Trung tướng Trần Văn Đôn - phó chủ tịch; Trung tướng Mai Hữu Xuân cùng các tướng lĩnh khác làm ủy viên.
Như vậy, sau sáu năm kể từ ngày Hà Minh Trí bóp cò súng về phía Diệm, hầu hết những nhân vật có trong lời khai của Trí đều tham gia cuộc đảo chính với vai trò chủ chốt. Có nghĩa là viên đạn của Hà Minh Trí đã chạm đích 6 năm dài đằng đẵng.
Biết tin, Trí rưng rưng khóc âm thầm trong nhà ngục, khóc vì sung sướng. Anh khóc vì nhiệm vụ lịch sử của mình đã hoàn thành sau bao nhiêu năm trong tù ngục. Ông trời không bắt anh chết để ngày hôm nay, anh được chứng kiến cảnh chính quyền tay sai bắn giết lẫn nhau suốt nhiều năm liền. Anh tin tưởng tuyệt đối vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Rồi đây, hòa bình sẽ về ta, độc lập sẽ trở lại, sự thật không phải là giấc mơ nữa rồi.
Giữa lúc Sài Gòn đang sôi động chính trị thì ngụy đưa Hà Minh Trí từ Côn Đảo về đất liền. Sau đó, anh Trí bị giam tại Tổng nha Cảnh sát. Tuy nhiên, báo chí lúc đó nô nức đưa tin người ám sát Ngô Đình Diệm đã được trả tự do. Tại trại giam Tổng nha, Trí được gặp một người bạn tù đặc biệt là anh Mười Hương (tức Trần Quốc Hương, người chỉ huy mạng lưới tình báo của ta ở Sài Gòn).
Tại đây, người "ăn gan hùm" được đồng chí Mười Hương hướng dẫn cho cách gửi đơn khiếu nại đến chính quyền ngụy về việc anh vẫn còn bị giam giữ trong khi báo chí đưa tin đã thả ra rồi. Cũng trong thời gian này, nữ luật sư Ngô Bá Thành cùng một số nhà báo bị bắt trong phong trào Trí thức biểu tình đòi quyền tự quyết đuổi Pháp, Mỹ ra khỏi đất nước Việt Nam. Họ ra sức ủng hộ và giúp sức cho anh. Những người này tiếp tục hướng dẫn Hà Minh Trí viết đơn gửi chính quyền ngụy. Trong đơn ghi rõ: "Tôi là người chống Diệm, nay Diệm không còn tại sao tôi chưa được thả".
Sau một thời gian Diệm, Nhu bị "thanh toán", Mỹ giật mình nhận ra rằng các tướng lĩnh đảo chính năm 1963 toàn là phe thân Pháp. Chúng nhận ra bọn thân Pháp đang xài tiền của Mỹ để thực hiện cuộc đảo chính cho Pháp. Tức giận, Mỹ xúi Nguyễn Khánh tổ chức tiếp một cuộc đảo chính để sàng lọc nội bộ hòng gỡ gạc lại tiền đã vung vãi ra.
Nhận lệnh, Nguyễn Khánh đã lọc những tên thân Pháp ra khỏi bộ máy tay sai của Mỹ tại miền Nam qua cuộc đảo chính ngày 31/1/1964. Liên tục trong hai năm, miền Nam chóng mặt với những vở kịch chính trị của chính quyền ngụy tại Sài Gòn. Chúng nháo nhào tranh giành lật đổ lẫn nhau. Cuộc đảo chính cuối cùng trong bộ máy chính quyền có một chức sắc trong giáo phái Cao Đài lên làm Quốc trưởng nên Trí được thả. Bởi vì lúc ấy, anh vẫn mang danh là người của giáo phái.
Sau này ra tù anh Trí mới biết, sở dĩ Diệm chết rồi mà anh vẫn bị giam là vì đám tay sai của Ngô Đình Nhu còn núp trong bộ máy cảnh sát đã ém hồ sơ anh lại. Chúng không lén lút thủ tiêu Hà Minh Trí là một sự may mắn đối với anh. Bởi đám này vẫn đang nuôi mộng lập lại chế độ họ Ngô. Một cái may với Trí nữa là nếu Mai Hữu Xuân không bị đồng bọn lật đổ thì hắn đã cho gọi Trí lên để trả món nợ ngày trước anh đã vu oan cho hắn. Đó là những thông tin chân thật của tên giám đốc Trung tâm thẩm vấn tiết lộ trước khi làm thủ tục cho Hà Minh Trí ra tù.
Vậy là sau gần chục năm bị tra tấn, hành hạ, giam cầm hết nhà lao này đến nhà tù khác, Hà Minh Trí được trả tự do. Bước ra cổng ngục tối, anh đứng thẳng người hít một hơi thật đầy cái không khí tự do ngoài đời. Ánh nắng ban mai chiếu rọi khuôn mặt nhợt nhạt, xanh xao của người tù thiếu ăn. Tuy nhiên, nụ cười tự do vẫn hiện hữu trên khuôn mặt hà Minh Trí. Anh muốn hét thật to, cười thật lớn vì hạnh phúc tưởng chừng như vĩnh viễn không bao giờ trở lại với anh nay đã nằm gọn trong trái tim. Anh tự nhủ trong lòng: "Tổ quốc ơi! Đảng ơi! Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và vẫn còn sống trở về với các đồng chí, đồng đội thân yêu đây".

**




No comments:

Post a Comment