Sunday, 1 December 2024

Bi kịch ở đâu?

Học Viện Quốc Gia Nghệ Thuật Sân Khấu và Điện Ảnh (National Academy of Theatre and Film Arts) ở Sofia (Bun-ga-ri) có hai chuyên ngành bậc tiến sĩ là Sân Khấu Học và Nghệ Thuật Sân Khấu (mã số 05.08.01) và Điện Ảnh Học, Điện Ảnh và Truyền Hình (mã số 05.08.03). Văn bằng tiến sĩ số 24248 cấp ngày 15 tháng 8 năm 1996 thuộc mã ngành nào? Dĩ nhiên mã ngành có thể thay đổi vì ranh giới giữa các ngành có thể biến động, nhưng luận án ở NATFA không thể không có mã ngành.

Nghiên cứu sinh ở NATFA phải học tập, nghiên cứu và trình bày luận án bằng tiếng Bun. NATFA không có chương trình nghiên cứu sinh bằng tiếng Anh và cũng không có chế độ đào tạo cá nhân hay hàm thụ. Bạch Tuyết đã có mặt ở NATFA trong thời kỳ nào ? Chị học tiếng Bun đến trình độ nào ? Có thể đi shop bằng tiếng Bun được không ? Và ai viết bản luận án được cấp bằng số 24248? 

Theo báo Pháp Luật (và nhiều báo khác):

Vì đồng bảo vệ luận án ở cả Viện Sân khấu và Điện ảnh quốc gia Sofia nên Viện này đã trao bằng Tiến sĩ (số 24248) vào ngày 15-8-1996 cho NS Bạch Tuyết.

Theo phía NS Bạch Tuyết, ngày 31- 10 -1995, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Bungaria có công văn báo cáo cho Bộ Văn hóa Thể thao và Thành ủy TP.HCM xác nhận NS Bạch Tuyết đã bảo vệ luận án nói trên và được các thành viên của Học viện Hàn lâm Kịch nghệ Anh (và Sofia, Bungaria) đánh giá cao.

Đồng bảo vệmột khái niệm rất lạ, chỉ Bạch Tuyết mới nghĩ ra được. Không nghiên cứu sinh nào vác một công trình đi bảo vệ hết chỗ này sang chỗ khác. Đó là gian lận. Làm sao tác giả và giám khảo có thể chỉ ra cái mới trong luận án nếu nội dung đó đã được công bố ở một nơi khác?

Khi giữa hai cơ sở đào tạo có thỏa thuận đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh chỉ cần bảo vệ luận án ở một nơi (nhưng vẫn tuân thủ mọi quy định hành chính ở cả hai nơi) và nhận bằng ở cả hai nơi. Trong trường hợp trường RADA và trường NATFA có thỏa thuận đồng hướng dẫn thì luận án đã bảo vệ thành công ở RADA bằng tiếng Anh đương nhiên được công nhận kết quả ở NATFA. Đồng bảo vệ (lại) để làm gì? Nhưng, có hay không một thỏa thuận như vậy giữa RADA và NATFA lại là một câu chuyện khác. Cả trăm năm nay RADA chưa từng đào tạo tiến sĩ thì thỏa thuận làm gì cho rách việc? Bây giờ hỏi Bạch Tuyết số hiệu của bằng tiến sĩ RADA chắc bà lại đẩy người đại diện ra tuyên bố:
Từ một bài viết của một cá nhân để xảy ra vụ việc ồn ào như trên, chúng tôi cũng đành chịu, không biết giải thích gì thêm. Chúng tôi đã cung cấp giấy tờ, bằng chứng, còn việc tin hay không là của dư luận" - đại diện NSND Bạch Tuyết nói.

Ông gì đó đã nói rằng một người nghệ sĩ tài danh mà trình độ học vấn không tương đương với cái văn bằng mình mơ ước thì sự chông chênh ấy thật sự là một bi kịch. Đúng quá. 


Saturday, 30 November 2024

Có phải là mục hạ vô nhân không?

Bạch Tuyết nổ chuyện viết luận án tiến sĩ ở đây. Ngay trong mấy phút đầu của video, Bạch Tuyết đã nhắc đến tựa luận án bằng tiếng Anh (dịch ra tiếng Việt là Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á...) và tên trường Royal Academy of Dramatic Arts (RADA). Bà không tường thuật chi tiết chuyện bảo vệ luận án ở Anh, nhưng bà nói rõ rằng hội đồng chấm luận án ở Bun-ga-ri có những mười bốn vị tiến sĩ (không có tên họ nào đáng nhớ). Đặc biệt đáng lưu ý là các giáo sư ở cả hai trường đều mù tịt về lĩnh vực mà bà nghiên cứu và viết luận án. Bà không tiết lộ cho cử tọa biết luận án ở Bun-ga-ri viết bằng tiếng gì và được trình bày bằng tiếng gì.


Người học tiến sĩ thường kiếm chỗ nào có uy tín trong lĩnh vực cần nghiên cứu, có chuyên gia (đầu ngành càng quý) hướng dẫn, có sách vở tham khảo... Nhiều khi mình chỉ cần khoe cái tên ông thầy dạy mình hay ông thầy ngồi hội đồng cho mình là người ta đủ hiểu rồi, chưa cần hỏi tới luận án của mình nói cái gì. Bà Bạch Tuyết không chọn những chỗ như thế. Lạ không?

Người học tiến sĩ thường thu hẹp đề tài đến mức không thể thu hẹp hơn nữa. Phạm vi đề tài cần rất hẹp để nghiên cứu sinh có thể xử lý đủ sâu trong thời hạn quy định. Tên đề tài mà bà Bạch Tuyết nêu trong video là tên của một lĩnh vực đủ cho nhiều người nghiên cứu trong nhiều kiếp. Thế mà cũng được công nhận là đề tài luận án. Sợ không?


À, hồi năm 95, trường RADA không có bậc tiến sĩ. Trường chỉ mới bắt đầu đào tạo bậc cao học (MA) từ năm 2010 và hiện giờ cũng chưa có bậc tiến sĩ. Không có thầy nào dạy tiến sĩ nhưng có một trò bậc tiến sĩ. Người duy nhất trong lịch sử cả trăm năm của nhà trường. Và lại là người Việt Nam. Đáng tự hào không?

Friday, 29 November 2024

Sao Bạch Tuyết chỉ trưng ra ba tờ giấy ấy?

Trên mạng đang lưu truyền mấy tờ giấy này, được cho là bằng chứng không thể tranh cãi về bằng tiến sĩ nghệ thuật học của Bạch Tuyết. Ba tờ giấy này không dùng được vào việc gì cả.

Tờ giấy số 1 được cấp cho một nhân vật nào đó tên Nguyen Thi Bach Tuyet. Không có dấu hiệu nào cho thấy đó là Bạch Tuyết cải lương chi bảo, sinh ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, ở nơi ấy. Các ông bà fan cuồng của Bạch Tuyết gào rằng Tây nó thế, rằng mỗi trường có cái đặc thù của nó, muốn ghi sao là quyền của nó. Khổ nỗi Tây nó không mập mờ chuyện quyền lợi và nghĩa vụ. Trường nào cấp một văn bằng cho bất cứ ai tên Nguyen Thi Bach Tuyet đều có thể dùng được? Và văn bằng nào (từ tiểu học trở lên) không kèm với một tệp hồ sơ dày cộp để chống gian lận?

Tờ giấy số 2 và số 3 còn ngáo hơn và cũng chẳng có một giá trị nào với các cơ quan có thẩm quyền về bằng cấp.
Các ông bà fan cuồng của Bạch Tuyết lại gào rằng Bạch Tuyết không cần cơ quan nào công nhận. Chỉ là nói phét cho sang thôi, kiểu nho còn xanh lắm, ta đây đếch thèm. Thôi thì, nói phét cũng chẳng chết ai. Có điều tiến sĩ không ở đâu công nhận (ngoại trừ sứ quán, thành ủy và Wikipedia) là tiến sĩ gì?


 


 

Friday, 11 October 2024

Câu phức trong phiếu điều tra

Trích luận án của Vương Tấn Việt (aka Thích Chân Quang) năm 2021, trang 189:

Câu 1. Điều 15 Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Công dân có trách nhiệm thực thi Nghĩa vụ đối
với Nhà nước và xã hội”, “Quyền công dân không tách rời Nghĩa vụ công dân.” Quý vị đã
biết đến những quy định này chưa? (Chỉ chọn 01 phương án trả lời)
1.
73,75% Biết rất rõ, vì đây là quy định rất cơ bản, thông dụng
2.
21,68% Biết mơ hồ, chỉ nghĩ rằng mình có Quyền thì phải có Nghĩa vụ mới công bằng
3.
3,89% Chưa từng nghe, vì từ trước đến giờ cứ nghĩ rằng Quyền mới thiêng liêng
4.
0,68% Ý kiến khác

Việt à,
Nếu biết rất rõ vì nghĩ rằng mình có quyền thì phải có nghĩa vụ mới công bằng thì sao? Nếu chưa từng nghe chỉ vì chưa từng nghe thì quẹt vào đâu? Người có học không viết câu hỏi điều tra kiểu ấy nghe Việt.
Bây giờ mình hỏi Việt thế này:

Việt có biết luận án của Việt do ai viết không? (Chỉ chọn 01 phương án trả lời)

1. Biết rất rõ, vì ai cũng biết là học tắt thì biết cái gì mà viết. 

2. Biết mơ hồ, vì thầy hướng dẫn không nói cho Việt biết ai viết.

3. Chưa từng biết, vì bộ giáo dục điều tra chưa ra ai viết.

4. Ý kiến khác.

Việt trả lời được thì mình khen Việt giỏi.

Saturday, 10 August 2024

Về tên gọi môn học Ngữ văn cũng như mô hình CT và SGK mà chúng ta đang triển khai (Bùi Mạnh Hùng)

 Cách đây mấy hôm, anh Thái Hạo, nguyên là một nhà giáo dạy Ngữ văn và hiện là một cây bút được rất nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, có nêu một ý kiến quan trọng trên trang FB của anh ấy: Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt.

Cụ thể, anh Thái Hạo cho rằng, lâu nay trong dạy, học và thi cử, tiếng Việt đã bị xem thường và bỏ qua. Đây là một tai họa. Nó dẫn đến thực tế rằng đa số HS (và cả GV) không biết viết (và nói) tiếng Việt một cách thông thạo và hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, theo anh, môn Tiếng Việt (Việt ngữ/ Quốc ngữ) cần được dạy xuyên suốt chương trình (CT) phổ thông và đánh giá năng lực tiếng Việt trên phương diện quốc gia (ví dụ như đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT). Còn Văn học/ Văn chương thì nên đối xử như đang đối xử với Âm nhạc, Mỹ thuật,... Tách môn Văn học ra khỏi Ngữ văn, lúc này, nó sẽ được những HS có năng khiếu hoặc có đam mê hoặc có nhu cầu chọn học để thỏa chí hoặc để theo đuổi nghề nghiệp.
Anh Thái Hạo là người có nhiều trải nghiệm về lĩnh vực dạy học Ngữ văn, viết văn rất có nghề và đặc biệt là rất sắc sảo trong việc phân tích, đánh giá nhiều vấn đề về giáo dục, văn hóa, xã hội,…. Do vậy, ý kiến đề xuất trên của anh Thái Hạo được hàng ngàn người bấm like, hàng trăm ý kiến thể hiện sự đồng tình. Với tư cách là “người trong cuộc”, tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp, bạn bè và những ai quan tâm một số ý kiến về vấn đề được anh Thái Hạo nêu ra. Việc trao đổi này nhằm đáp ứng mong muốn của anh Thái Hạo là “thấy một cuộc thảo luận sâu rộng về vấn đề này, với sự tham gia của nhiều thầy cô và chuyên gia”. Vấn đề được bàn có thể coi là hệ trọng. Nếu chấp nhận giải pháp mà anh đề xuất thì môn Ngữ văn ở Việt Nam sẽ thay đổi hoàn toàn, có thể tốt hẳn lên hoặc kém hẳn đi. Nên nó xứng đáng được quan tâm và trao đổi thấu đáo.
Trước hết nói về tên gọi. Đúng như anh Thái Hạo nói trong một ý kiến trao đổi ngắn với tôi trên trang FB của anh ấy, cái môn mà ta gọi là Ngữ văn thì nhiều nước gọi bằng tên gọi tiếng mẹ đẻ. Ta có thể dẫn ra một số ví dụ như: Tiếng Anh (Anh, Australia, Canada, New Zealand), Tiếng Pháp (Pháp), Tiếng Đức (Đức), Tiếng Nhật (Nhật Bản),... Một số nước khác gọi bằng những cái tên tương tự, ví dụ Hàn Quốc gọi là Quốc ngữ, Hoa Kỳ gọi là Language Arts (đôi khi gọi đầy đủ hơn là Language Arts and Literature), có thể tạm hiểu là Kĩ năng ngôn ngữ (một số người dịch là Ngôn ngữ nghệ thuật, không biết vì sao lại có sự nhầm lẫn như vậy!). CT và SGK 2018 của chúng ta lần này thiết kế theo mô hình CT và SGK của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Anh,... (Tôi không có điều kiện nghiên cứu kinh nghiệm của Pháp vì không biết tiếng Pháp và được biết gần đây Pháp không có đổi mới gì đáng kể về CT và SGK). Thật ra, khi xây dựng CT Ngữ văn 2018, phương án gọi tên môn học này là Tiếng Việt (bên cạnh một số tên khác như Quốc ngữ, Quốc văn, Việt văn,…) thay cho tên Ngữ văn đã từng được đặt ra, nhưng phương án đó bị gạt đi nhanh chóng, vì chắc chắn sẽ bị phản đối do nhiều người nghĩ rằng môn Văn bị loại bỏ. Công cuộc đổi mới CT và SGK không tạo được sự đồng thuận chỉ vì cái tên môn học thì rất “thất sách”. Có thể CT mới chết từ trong trứng nước chỉ vì cái tên mới của môn học. Vì vậy, tên gọi Ngữ văn đã được giữ nguyên như chúng ta thấy.
Thứ hai là nói về cách tiếp cận. Không phải ngẫu nhiên mà các nước phát triển đều thiết kế CT và SGK theo cách tích hợp như CT và SGK Ngữ văn 2018 của Việt Nam. Nói chính xác là chúng ta học hỏi kinh nghiệm của họ. Nếu tách Tiếng Việt và Văn học thành hai môn riêng biệt thì Việt Nam sẽ "không giống ai" trong thế giới tiến bộ mà lại rất giống với ta đã cách đây mấy chục năm. Việt Nam từng có hai môn riêng biệt như thế (có một khác biệt đáng kể là có cả môn Tập làm văn). Nhiều người cứ chỉ trích GS. Nguyễn Đăng Mạnh và GS. Trần Đình Sử đã làm hỏng môn học này vì gộp Văn và Tiếng Việt vào một môn chung là Ngữ văn. Nghĩ vậy là chưa hiểu thực tế xây dựng CT, biên soạn SGK và dạy học Ngữ văn ở Việt Nam và oan cho các ông. Chất lượng của môn học này trong nhà trường phổ thông không phải vì cái tên. Việc tích hợp hai “mảng” Tiếng Việt và Văn học là tất yếu, còn cái tên là Ngữ văn hay Tiếng Việt không làm thay đổi bản chất của môn học. CT Ngữ văn được triển khai như hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển CT trên thế giới; cho đến nay tôi chưa thấy có cách nào khác tốt hơn. Các nội dung anh Thái Hạo hình dung cho môn Tiếng Việt (nếu được tách thành môn độc lập) như dạy về nghĩa và cách dùng từ ngữ (Hán Việt, tục ngữ, thành ngữ,...); dạy về cách viết câu, viết đoạn, viết các loại văn bản; dạy về cách đọc các loại văn bản khác nhau (hành chính, chính luận, nghệ thuật,...); dạy về cách bình luận, tranh luận, bút chiến, hùng biện,... thì đều đã có trong CT Ngữ văn 2018. Theo CT Ngữ văn mới này, hoạt động thực hành đọc, viết, nói và nghe được triển khai dựa trên nguồn ngữ liệu đa dạng, có văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin (nghĩa là đủ các loại văn bản thông dụng mà con người tiếp xúc hằng ngày). Việc đọc tác phẩm văn học không chỉ giúp HS phát triển năng lực thẩm mỹ (chẳng lẽ có những người không cần đến năng lực này?), giáo dục cho các em nhiều phẩm chất quan trọng (tình yêu gia đình, lòng nhân ái, niềm trắc ẩn đối với tha nhân,...) mà còn giúp HS học hỏi được cách sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế; giúp HS mở rộng vốn sống, trải nghiệm để các em có cái để viết, để trao đổi, tranh biện,...; qua đó phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Khó mà kể hết những tác dụng của việc học văn học. Nhưng chỉ chừng ấy thôi thì cũng đủ để khẳng định rằng, không thể coi Văn học chỉ là môn tự chọn, là môn năng khiếu hay môn có vị trí "ngang bằng" với Âm nhạc, Mỹ thuật,... được. Tách Tiếng Việt thành môn riêng còn có nguy cơ dạy nhiều kiến thức ngôn ngữ học, biến môn học này thành một món rất hàn lâm. Còn nếu đưa một phần Văn học vào đây thì có khác gì cách xây dựng CT 2018 như hiện nay đâu? Lại có thêm câu hỏi đặt ra: Vậy thì phần văn học nào thì đưa vào môn Tiếng Việt (bắt buộc), phần văn học nào thì làm thành nội dung của môn Văn học (tự chọn)? Lưu ý là CT Ngữ văn 2018 cũng đã có hệ thống chuyên đề (3 chuyên đề/năm) cho HS lựa chọn, trong đó có tám chuyên đề về văn học dành cho HS có năng khiếu, sở thích hay định hướng nghề nghiệp có liên quan đến môn Ngữ văn.
Tôi đồng tình với đánh giá sau của anh Thái Hạo: Trong thi cử, tiếng Việt đã bị xem thường và bỏ qua khi đánh giá chất lượng của bài thi, bằng chứng là tỉ lệ điểm dành cho kĩ năng diễn đạt của HS trong các bài thi theo đáp án chấm bài của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các sở lâu nay là không đáng kể. Nói rằng cách ứng xử đó đối với tiếng Việt góp phần dẫn đến tình trạng sử dụng tiếng Việt yếu kém đến mức “thảm họa” như hiện nay cũng không sai. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề không phải là tách Tiếng Việt thành môn riêng như anh đề xuất.
Tiện thể, xin chia sẻ một ý nhỏ: Có người cho rằng Tiếng Việt là môn khoa học còn Văn học là môn nghệ thuật. Nói như vậy là hiểu chưa đúng về vai trò, vị trí của môn học này ở phổ thông. Chỉ có Việt ngữ học (học ở đại học) mới là môn khoa học. Chỉ có sáng tác văn chương (có thể học ở trường viết văn) mới thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Còn môn Ngữ văn (hiểu nôm na là gồm Tiếng Việt và Văn học) ở phổ thông trước hết là môn học công cụ giúp HS phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, đúng tính chất là môn học công cụ như anh Thái Hạo kì vọng. Thành công của việc đổi mới CT và SGK Ngữ văn lần này tùy thuộc vào rất nhiều thứ, nhưng riêng cách tiếp cận về CT và SGK mà chúng ta lựa chọn thì có thể khẳng định là đúng đắn. Dĩ nhiên, cách tiếp cận đúng đắn không đảm bảo sản phẩm chắc chắn sẽ tốt. Cụ thể, CT và các bộ SGK Ngữ văn kì này tốt hay chưa tốt cần chờ thêm thời gian, không ai dám quả quyết trước điều gì.
Vấn đề này nói cho hết nhẽ thì cần có một cuộc hội thảo như anh Thái Hạo mong muốn (thật ra đã từng có những cuộc trao đổi rộng rãi). Tuy vậy, hi vọng những gì tôi nêu ở trên sẽ là thông tin hữu ích cho những ai quan tâm và bàn luận về tên gọi môn học Ngữ văn cũng như mô hình CT và SGK mà chúng ta đang triển khai.
(Facebook của tác giả: https://www.facebook.com/hung.bui.3975012)

Saturday, 2 March 2024

Không phải bắt nạt thì là gì?

Làm dữ quá nên người ta sợ chứ sao? Hay ho gì mà tự hào?

Cái xì líp các KOL đang mặc có phải là quần lót không? Các KOL đang mặc xi líp hay quần lót? Có thể trên người các vị không mặc gì cả nên các vị không biết.

 

Cây láp, trục láp, trục lấp, trục láitrục truyền động có gì khác nhau? Xin đừng bảo rằng trục láp của các cụ thời Pháp khác trục lái của mình thời nay. Đã cây lại còn láp (P. l'arbre), đã láp lại còn trục. Chặt bớt thành trục lái, trục truyền động cho nó trong sáng nhỉ! Trục lái vẫn còn một nửa hơi Tàu. Trục truyền động rặt Tàu là Tàu. Chỉ có cây lái là thuần Việt mà chưa ai dám nói thế. Buồn ơi là buồn.

Nên gọi dây ký ninh hay dây thần thông hay dây cóc? Các KOL không biết hay các KOL chưa rảnh để lôi ra đấu tố? Đấu tố mà không giết được doanh nghiệp nào thì cũng chẳng nên phí sức nhỉ? Hãy đợi ai đó kinh doanh dây ký ninh rồi xông đến bắt họ đổi dây ký ninh thành dây cóc thì mới sướng.


Người Pháp phân biệt rất rành mạch soutien-gorgecorset mà bao nhiêu năm nay nhiều người Việt cứ gọi xu-chiêng là coóc xê. Sao mấy người Việt đó không bắt chước các cụ xi líp ra xi líp, quần lót ra quần lót, xu chiêng ra xu chiêng và coóc xê ra coóc xê? Có áo vú, áo ngực, nịt vú, nịt ngực rồi còn mượn thêm tiếng Tây làm gì? Khi nào các KOL sẽ xem xét vấn đề bức thiết này để các nhà tạo mẫu và chị em còn biết phải bán cái gì, mua cái gì và mặc cái gì khi ra đường? À, sơ chiên, xơ chiên, xu chiên, xu chiêng, xú chiêng, xu cheng, xú cheng ... phải viết sao cho đúng, cho hay và trong sáng?

 

À, a xít mạnh có phải là cường toan trước 1975 không? Ai chẳng biết toan chính là a-xít? Người thay toan bằng a-xít có phải là một anh dốt không?

 

Không nhất thiết phải vay mượn tiếng nước ngoài để tạo từ ngữ mới nhưng có vay mượn cũng chẳng sao cả. Các KOL, nếu học tiếng Pháp đủ trình độ B, hẳn phải biết gare fluviale, gare maritime, gare routière, gare aérienne, aérogare, héligare, astrogare... Từ những năm 70 của thế kỷ trước Nguyễn Tuân đã sao phỏng P. gare aérienne thành ga bay. Ông Nguyễn Tuân ba rọi hay ông ấy có may mắn nói và viết tiếng Việt trước khi các KOL nứt đất chào đời? Công ty gì đấy ở Sài Gòn ba rọi hay họ kém may mắn, trót sinh nhầm thế kỷ?

 

Nói thẳng ra, đúng sai không phải là vấn đề. Hay dở càng không phải là vấn đề. Có từ ngữ rồi rồi có thêm vài chục từ ngữ nữa cũng không phải là vấn đề. Có quần lót rồi vẫn mượn xì líp được, có thằng điên nào nhảy lên Facebook làm giặc không?

Nhờ mạng xã hội tiếp tay, các KOL có thể khua khoắng đám đông, lồng lộn sỉ vả, đấu tố người yếu thế. Người ta nhũn nhặn nghe quý vị chửi vì người ta biết đồng tiền dính liền khúc ruột. Không ai muốn đôi co với Chí Phèo để ảnh hưởng công chuyện làm ăn của người ta. Người ta chưa quên đám đông thời Cải Cách Ruộng Đất hung dữ thế nào một khi đã lên cơn cuồng loạn.

Đám đông thời nay sang trọng hơn đám khố rách áo ôm Cải Cách Ruộng Đất ở chỗ họ dám gào Các nhà ngôn ngữ học ơi ời, bận ngủ hở? Cháy nhà ở đâu mà gọi cảnh sát? Gọi như hò đò mà cảnh sát vẫn không đến. Quanh đi quẩn lại chỉ nhìn thấy các bạn Tiếng Việt là tôi, tôi là tiếng Việt; cảng cá thì được, cảng hàng không thì không.

 

Bắt nạt tư nhân kinh doanh ga tàu thuỷ dễ lắm ai ơi. Sau vụ này quý vị cứ thừa thắng xông vào bất cứ tiệm phở nào đang đắt khách ở Sài Gòn mà săm soi biển hiệu, xét nét thực đơn của người ta để cho bát phở được trong sáng. Chỉ xin quý vị chớ có dại mà động đến các thế lực đang ngồi trên đầu quý vị.

Có thể các vị chưa biết ô tô (P. voiture automobile) chính là xe hơi (do Trung Quốc gọi là khí xa), từng có lúc được gọi là xe tu bin, là ô tô mã binh ô tô mô binh (lại do tiếng Pháp là voiture automobile). Có lẽ nể cụ Hồ quá nên không ai dám bẻ hành bẻ tỏi. Giờ biết rồi, lại đang phấn khởi tột độ, quý vị thử bắt bẻ cụ Hồ xem có ai bị vả gãy răng không.

À, cục Hàng Không Việt Nam cũng không ngán các vị đâu nhé. Thử một lần đi rạch mặt ăn vạ với ga hàng không của nhà nước xem người ta có nghe mình không. Các vị không chịu ra/vào ga hàng không thì không lên/xuống tàu bay được.
Thế thôi.

Các vị đã quen sống trong một xã hội quen nhân danh cộng đồng để bắt nạt người không thể và/hoặc không muốn chống trả. Người có tí đỉnh đầu óc dễ dàng nhận ra sự bất công khi bản thân là nạn nhân. Có điều ngần ấy đầu óc không đủ để giúp quý vị sáng suốt nhận ra mình đang bất công và tàn ác với người khác bằng chính những thủ đoạn mà mình vẫn lên án.


Wednesday, 28 February 2024

Kính tặng các ông KOL đang đòi ga chỉ có thể là ga xe lửa

 ga 1 (TRANSPORT) gare / station. ~  biên giới gare frontière ; ~ chính  gare principale ; ~ chọn gare de triage ; ~ đến gare d’arrivée ; ~ đường sắt gare {ferroviaire / de chemin de fer} ; ~ gửi hàng gare d’expédition ; ~ hàng đi gare d’expédition ; ~ hàng hóa gare {de / aux} marchandises ; ~ hành khách gare [de] voyageurs ; ~  liên vận quốc tế  gare de transit international ; ~ sang xe gare de transbordement ; ~ tiếp tế gare de ravitaillement ; ~ tránh tàu gare d’évitement ; ~ trung gian gare intermédiaire ; ~ trung tâm  gare centrale ; ~ xuất phát gare de départ ;  ký ~ guichetier de gare ; ra ~ aller à la gare ; sân ~ quai de gare ; trưởng ~ chef de gare ; Tàu hỏa vào ~ Le train arrive en gare ; Tôi sẽ ra ~ đón anh Je vais vous chercher à la gare.[i]

bay aérogare / gare aérienne.[ii]

chót [gare] terminus. đi đến ~ aller jusqu’au terminus.[iii]

cuối cùng [gare] terminus. đi đến ~ aller jusqu’au terminus.[iv]

cuối đường [gare] terminus.[v]

đầu đường [gare] tête de ligne.[vi]

đầu mối [gare] tête de ligne.[vii]

máy bay lên thẳng héligare.[viii]

mê-trô [station de] métro. hẹn ở ~ Opéra rendez-vous au métro Opéra.[ix]

sân bay aérogare / gare aérienne.[x]

xép halte / point d’arrêt / arrêt voyageurs.[xi]



[i] * Chợ-hộ phong cảnh tốt thay, Chùa Minh-sư lập tại rày ga-xe. Nguyễn Liên Phong (1909:39)

* Gần tới nơi, Nghĩa-Hữu biểu ngừng xe để đợi, còn mình thì đi dài theo phố kêu trẻ nhỏ hỏi thăm ; trẻ nhỏ chỉ căn phố mới dọn hơn mười ngày rày, Nghĩa-Hữu coi số nhà rồi trở lại xe, biểu chạy xuống ga xe lửa. Lê Hoằng Mưu (1915-3:140)

* Trông thấy nhà thờ, trại lính, nhà ga. Nam Phong Tạp Chí số 4 (1917:245, Phạm Quỳnh)

* Bay liệng vào phía nhà ga. Nam Phong Tạp Chí số 4 (1917:245, Phạm Quỳnh)

** Tiếng Langsa là tiếng cai trị (langue officielle) nước ta ngày nay thiệt là rất thạnh, rất rành rẻ, lần lần nó cũng vạch cũng chung vô tiếng nước mình , cũng như những tiếng: ga (xe lửa), ba-lông, bù lòn, (boulon), đô xiê, cách son, cạt-tông, phá mách v.v., đã vạch đã chung vào tiếng Annam mình rồi cần gì phải nhọc lòng chủ-bút An-hà bắt mà nhịn mà ém, mà đút nó vào đâu! Nam Phong Tạp Chí số 16 (1918:203, Ng.-H.-V.)

** Tôi xin trả lời rằng : tất cả những tiếng mượn như thế không phải là một vài người học tiếng đọc sách nước ngoài đem dùng mà bắt người ta theo được đâu, chính là cả một bàn-dân mượn ; mà mượn thế không phải là vu-vơ mà mượn đâu, là bởi cái sự giao-thiệp (hoặc vì chính-trị như đánh nhau lấy thuộc-địa, vì kỹ-nghệ v.v.) của dân Pháp với dân ngoại-quốc : một vật mới, một ý mới phải dùng đến, phải nghĩ tới, mình không đặt được tiếng mới mà gọi, nên phải mượn tiếng nước ngoài đã có, lẽ ấy là tự nhiên ; mà mượn cũng không phải là theo y như nguyên-âm, tất có thay đổi trong cách đọc cách viết ít nhiều, sao cho gọn-ghẽ, nhã-nhặn, dễ đọc dễ nghe, có khi nguyên-âm dài làm thành ngắn, khó đọc làm thành dễ đọc, như tiếng arquebuse nguyên Italie là archibuso, tiếng calèche nguyên Đức là kalesch ; họa là chỉ có những tiếng nguyên-âm mà cũng đã gọn-ghẽ nhã-nhặn, thì mới theo y như hệt, những tiếng đó là cả một bàn-dân mượn theo lẽ tự-nhiên, nên thường thường vẫn gọn-ghẽ nhã-nhặn, dễ đọc dễ nghe, mà cũng bởi các sự giao-tiếp về đường chính-trị, thương-mại, hoặc kỹ-nghệ, v.v. ; như những tiếng Sà-phòng, ký-ninh, rượu vang, rượu sâm-banh, nhà ga, là bởi tiếng Pháp savon, quinine, vin, champagne, gare, v.v. ; màn-sế bởi tiếng Tầu, – bồi, bi-tết bởi tiếng nước Anh, v.v. Nam Phong Tạp Chí số 22 (1919:291, Dương Quảng-Hàm)

* Thế mẹ cùng ra ga một thể chứ ? -Đình-Long Phong-Di (1921:10)

** Người An-nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang Bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) vân vân... Nam Phong Tạp Chí số 59 (1922:351, Vũ Công-Nghi)

** Hay là triều đình Annam tâu cùng Đức Kim Hoàng-thượng xin ngài lập một hội Hàn-Lâm (Académie) đễ làm quyển sách ấy, hoặc thêm tiếng mới vô, như : sà-bong, nhà ga, cái son, cái tách, ô-tô, còn như king-đô các nước, các tánh danh thì đừng âm theo chữ Tàu, âm cho gần chữ gốc như : Ơ-rốp, Phơ-răng-xơ, Ba-ri, Ăn-lê, Ben-gít, Bon-ca-rê, Cờ-rít-tốp cô-lôm, Na-bô-lê-ông, Sa-rô v. v. Hồ Văn Lang (1924:166)

** Thử xem tiếng Tây là một tiếng rất khác với tiếng ta, tây thì có nhiều vần (polysyllabe, ta thì một vần (monosyllabe), mà trong năm sáu mươi năm nay còn có trên tám mươi tiếng Tây thành tiếng Annam thay ! Tỉ như : « xấp-lê » (siffler), nhà « ga » (gare), xà-lúp (chaloupe), xà-lang (chaland), « sơn-đá » (soldat), áo « bành-tô » (paletot), vân vân..., huống chi Tàu với ta nói năng một cách. Nam Phong Tạp Chí số 27 (1919:263, Đông-thành Võ Thanh-Tân)

* Một lát, xe đến ga, thằng bé chạy đến người « xếp-tanh » mà rằng :

– Thưa ông, tôi là Thomas Edison, ông cho tôi lên xe bán hàng.  Nam Phong Tạp Chí số 69 (1923:221, Vũ Công-Nghi)

* Tới nơi lấy làm lạ, không thấy ra ga đón. Nam Phong Tạp Chí số 73 (1923:19, Ph. Q.)

* Mình tuy không dự sự gì, nhưng cũng là người An-Nam, tưởng nên cùng anh em ra đón ở ga cho phải phép. Nam Phong Tạp Chí số 88 (1924:304, P. Q.)

* Bổn-báo xin biên sơ lược các quí bà và quí ông có mặt tại ga. Trung Lập Báo số 53 (1924:4)

** Kìa như tiếng ba-ton, xà-lúc, đường rầy, nhà ga, đi gát, vân vân... ấy là bởi tiếng baton, chalouple, rail, gare, garde, của Langsa mà ra đó. Trung Lập Báo số 73 (1924:1, Trương-duy-Toản)

* Khi xe tới ga Thũ-đức, ăn nem ngon miếng, thần men 50 chử giục, nên khi tên sốp-phơ ra cho xe a la de đặng trở về thần men bèn xô tuốc xe hơi số C.2185, vô nhà tên trùm kia. Trung Lập Báo số 80 (1924:4)

* Muốn bắt thì cũng lắm khó vì nếu như muốn đón đại giữa đường chận xe ngừng lại đặng lên xét thì khó bắt cho đặng vì là từ khi ra lịnh cho xe ngừng đến lúc ngừng đặng thì trên xe có ngày giờ mà làm giấy phạt cho bộ hành, còn nếu chận trước vài ga thì cũng lắm khó vì nghi sợ mấy thầy chef ga có thế thông tinh dùm cho hay trước được. Trung Lập Báo số 134 (1924:3)

* Đến ga Lăng-cô xong, lại qua luôn ba cái hầm, đến ga Bãi-ca, qua hầm thứ hai. Trung Lập Báo số 197 (1924:1, Bùi-song-Hương)

* Đến ga đã thấy các bạn quen và các ông đại-biểu Hội Khai-Trí đứng đón. Nam Phong Tạp Chí số 99 (1925:311, P.-Q.)

* Rạng ngày sau, thức dậy mặc áo quần cũ đi tuốt xuống nhà ga xe-lữa Mỹ-Tho tính kiếm đồ mà vác mướn. Hồ Văn Trung tự Biểu Chánh (1926al-01:47)

* Những người đi đón rước bà con thì đứng dọc theo mé nhà ga, còn bọn chực xách gói đứng dài theo đường xe lữa. Hồ Văn Trung tự Biểu Chánh (1926al-01:47-48)

* Ngõ ga xe lữa. Sài-Thành Nhật-Báo số 32 (1930:2, T. L.)

** Người An-Nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) v.v. Nam Phong Tạp Chí số 170 (1932:293)

* Ra đến cửa ga bà Đốc gọi xe tay mặc cả 5 su về Khâm-thiên rồi bà Đốc và con Chuột ngồi chung một xe, con ở ngồi một xe, ba người về một cái nhà ba từng rộng dãi. Phong Hóa Tuần Báo số 6 (1932:18, Nhất Chi Mai)

* Nhà ga thiếu gì cu li Bắc tê ? Phong Hóa Tuần Báo số 8 (1932:4)

* Bốn ngài từ giã bạn hữu, ra ga. Phong Hóa Tuần Báo số 23 (1932:4, Nguyễn-Văn-Cười)

* Đợi mãi mới lấy được cái vé, vừa bước chân ra cửa ga, anh phắc tơ soát vé giật ngay lại, ông chưa kịp đôi hồi đã thấy cái ô của ông sang tay người phắc tơ nọ. Phong Hóa Tuần Báo số 23 (1932:11, Nguyễn Văn Xuyên)

* Đứng trên xe trông xuống sân ga thấy vợ tôi khóc, tôi thương quá, giơ tay ôm nhà tôi để hôn thì toe-toe còi, ông xếp ga đã cho tầu chạy... Phong Hóa Tuần Báo số 46 (1933:6, N. V. Đ.)

* Nhìn lên ga thì ra ga Huế. Phong Hóa Tuần Báo số 46 (1933:6, N. V. Đ.)

* Ra ga đi về mặt nào bác bảo dùm tôi. Phong Hóa Tuần Báo số 65 (1933:2)

* Ở Ghít-sê ga xe lửa ! Phong Hóa Tuần Báo số 68 (1933:7, B-Thuy)

* Nguyên bóng « báo Phụ-Nữ » có bài của Tú-Mỡ gà ông Phan-Không : Xe đến « qua-dơ-măng » cửa Nam..., mà cũng riễu bài thơ « Xe chạy ra đến ga Lang-Cô » của ông ta nữa. Phong Hóa Tuần Báo số 75 (1933:3, Tứ-Ly)

* Không có ga nào là Chò-đóm cả. Phong Hóa Tuần Báo số 78 (1933:6, N. K. Quế)

* Ô hay ! chúng tôi vẫn thường đi về đến ga, rồi xuống đi bộ vài cột lô-mếch thì đến Chò-đóm mà. Phong Hóa Tuần Báo số 78 (1933:6, N. K. Quế)

* Nhưng xuống ga nào mới được chứ ? Phong Hóa Tuần Báo số 78 (1933:6, N. K. Quế)

* Ông ký ga bèn ung dung rút cái vé, kính cẩn hai tay đưa cho cụ lý. Phong Hóa Tuần Báo số 80 (1934:8, Minh-Chính)

** Ông thử cố tìm xem có tiếng gì thay nổi tiếng nhà ga, sà phòng, đồng su, hào ván... không. Phong Hóa Tuần Báo số 101 (1934:4, Nguyễn-cát-Tường)

* Tư Béo đi tìm đến gần ga thì gặp. Hà Thành Ngọ Báo số 2266 (1935:1, An-Thành Tử)

* Hồi 2 giờ đêm 6/2, chuyến xe lửa tốc hành Saigon – Hanoi đổ ở ga Đồng-hới, vì đến đầu ghi xe chạy còn nhanh, phanh hãm gấp quá. Phong Hóa Tuần Báo số 136 (1935:11)

* Tầu sắp đến ga. Ngày Nay số 6 (1935:7, Trọng-Lang)

* Ra ngoài ga để đợi ô-tô hàng, trước ngọn gió xuân, lòng tôi khoan khoái. Ngày Nay số 6 (1935:7, Trọng-Lang)

* Khỏi ga Hoàng-mai, xe càng chạy nhanh, càng lắc. Tam Lang (1938đs:15)

* Cho nên tôi chỉ chăm-chú chờ cho người đàn-bà nhà-quê ngồi cạnh cô con gái xuống một ga nào là tôi nộp ngay  « đờ-măng »  xin điền vào chỗ khuyết ấy. Phổ Thông Bán Nguyệt San số 17 (1938:78, Thanh Châu)

* Đến Sài-gòn, con bảo xe kéo chậm-chậm đem đồ lại nhà-ga xe-lửa ; con đi bộ theo. Dương Tử Giang (1939:69)

* Tầu vét ở ga Thanh chạy đi Vinh. Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 274 (1939:28, Nguyễn Tuân)

* Nếu muốn bán, nó chỉ được ngày thứ năm ra chợ tỉnh, rồi đến một guýt-sê (guichet) nhà băng, chìa đồng vàng lên đó, cũng như bỏ tiền ra guýt sê nhà ga mua vé xe đấy thôi. Đàn-Bà số 34 (1939:10, Ng.-Thị-Kiêm)

* Đi qua cửa ga chàng quên cả trả vé. Phan Như (1940:108)

* Xe hỏa đến ga vào lúc hoàng hôn. Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật số 17 (1940:24, Phạm Huy Cơ)

* Bà ra ga định đi tầu. Đàn-Bà số 52 (1940:8, Duyên Hà)

*  Tôi xuống tầu, gặp ông ấy ở ga. Nguyễn Khắc Mẫn (1941hc:22)

*  Sân ga Vĩnh Yên náo nhiệt khác thường Nguyễn Khắc Mẫn (1941hc:156)

* Cứ để nó chạy cho quen máy ; để xem, vài hôm nữa nó chạy đúng hơn đồng hồ ga. Thanh Nghị số 5 (1941:19 Bùi Hiển)

* Con cũng xuống ga ấy. Hồng Phong (1941c:189)

** Những tiếng theo nguyên-âm

đường rày rail

ga gare

phô-nô phono

ra-đi-ô radio

ô-tô ô-tô (sic)

ca-nô canot Tri Tân Tạp Chí số 5 (1941:23, Đào Duy Anh)

* Không ai biết cụ từ đâu đến, chỉ biết khi xuống xe hỏa ở ga Hàng cỏ, cụ lần mò hỏi thăm người ta đường lối về ngõ Hội-vũ. Hồng Phong (1941:4, Ngọc Giao)

* Đến ga Hà-nội. Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 434 (1942:4, Ngọc Giao)

* Sao ăn nói lịch sự thế ? Chẳng khác nào bọn phu  « bắt-tê » ngoài ga cả...   Phổ Thông Bán Nguyệt San số 119 (1942:114 Nguyễn Đức-Chính)

* Nhà ông bà Phán ở phố gần ga. Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 434 (1942:4, Ngọc Giao)

* Hay các ông xuống ga sau. Lê-Văn Trương (1942hn:9)

* Mai tôi với chúng nó đưa anh ra ga nhé ?  Lê-Văn Trương (1942av:164)

* Có biển viết ở tầu và đề ở cửa ga. Lê-Văn Trương (1942av:156)

* Phải chăng ông đã ra Ga ? Ngô Văn Tỵ (1942:24)

* Tuấn nhận được thư, ra ga đón Châm. Lê Văn Trương (1942sp:64)

*  Ga! Có phải tấm vé vào sân, khi đưa trả lại cho người gác là hết đâu. Tấm vé « ke », ngang chưa đầy 3 phân, dọc chừng 5 phân, từ cái cửa tò-vò nhảy ra, rồi từ bàn tay lạnh giá nào đặt vào tay người gác, hứa cả một trời tâm-sự ở trên cái diện-tích tí-hon của nó. Lê Văn Trương (1943cg:96)

* Thế để chúng em đưa anh ra ga nhé ? Lê Văn Trương (1943nm:97)

* Mỹ định đưa anh ra ga. Lê Văn Trương (1943cx:143)

* Thôi ra ga đi, kẻo nhỡ. Lê-văn-Trương (1943mđ:14)

* Tiếng còi ô-tô-ray ở ga đưa  vẳng đến. Đàn-Bà số  221 (1943:3, Trúc-Đường)

* Lúc ô-tô-ray về đến ga. Đàn-Bà số  221 (1943:3, Trúc-Đường)

* Hai giờ, chúng tôi ra ga.-Mai-Anh (1944:134)

* Bốn giờ sáng mà đi thì tất ra ga. Lê Văn Trương (1944ctc:203)

* Ga Hanoi « đổ  » xuống thành-phố một « thác » người. Lê-văn-Trương (1945nc:5)

* Điều 3. Giá vé vào sân ga định là 0 đ 50 một cái. Nghị định 846-NĐ năm 1946 về xét việc đặt lại vé vào sân ga rất cần cho những người muốn đi tiễn hay đón người quen do Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính ban hành ngày 9/10/1946.

* Đến ga, lính-tráng sấp hàng hai. Lê Văn Thử (1951:62)

* Ăn rồi có xe-hơi đúc đít cho lên để chở ra ga. Lê Văn Thử (1951:60)

* Cái cửa của nó là cái cửa nhỏ giống cái cửa bán giấy của ga xe lửa, phía trong có cái bệ để khi chúa-ngục cho mình ăn hay đưa đồ gì khác vô thì đặt trên cái bệ đó. Lê Văn Thử (1951:53)

* Đến cổng ga lại có xe đúc đít chở họ về bót. Lê Văn Thử (1951:62)

* Ra ga Hàng cỏ ! Phạm-Cao-Củng (1951:110)

* Tại nhiều ga khác, những bức họa lịch sử Liên-xô, từ những cuộc chống ngoại xâm trước kia, qua Cách mạng tháng Mười, đến trận đánh đuổi quân phát xít Đức tới tận Béc-lanh, đều lần lượt diễn ra trước mắt mọi người, ôn lại từng trang lịch sử của dân tộc. Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 4 (1955:44, Trần Huy Liệu)

*  Tôi chỉ biết đưa chị đến ga thôi. Nguyễn Vỹ (1957ht-01:127)

* Ở ga Huế vừa lên. Nguyễn Vỹ (1957ht-01:134)

* Phía sau đình Tân-Kiểng, gần trụ-sở cố-vấn quân-sự Mỹ đóng hiện nay (SAMIPIC cũ) và chỗ nhà ga Pétrus Ký đầu đại lộ Cộng-Hòa còn gò cao nghều nghệu: đây là nền cũ xóm Cờ-me, nếu đào bới ắt gặp đồ cổ-tích miên chắc hẳn. Vương Hồng Sển (1960:69-70)

* 2)- Xe đỗ ga chánh Chợ-Bến-Thành, rồi chạy vô Chợ-lớn, trạm chót là ga Bình-Tây. Vương Hồng Sển (1960:96)

* Họ tiễn nhau trên sân ga. Tạp Chí Sáng Tạo Bộ Mới số 2  (1960:43, Doãn Quốc Sỹ)

* Cái « ca » này xảy ra cho anh Hùm vào khoảng 7 giờ tối tại ga Bến-lức năm 1928. Lê Văn Thử Việt-Tha (1961:55)

* Ngày hôm ấy họ phải đến nhà ga để đưa vài người bạn Nga trở về Bỉ sau khi sang Pháp thăm bạn bè. Bạn Dân số 42 (1963:25, Bạch Y)

* Ga xe lửa nằm gọn trong thành phố. Vấn Đề số 30 & 31 (1970:58, Mặc Đỗ)

* Ông chủ chiếc ghe bầu đưa Tuấn từ Thu Xà ra Hội An, có lòng thương mến Tuấn và viết thư gửi gấm Tuấn cho thầy thông Vinh, một người cháu gọi ông bằng cậu, làm việc ở Ga xe lửa Huế. Nguyễn Vỹ (1970a:112)

* Chiếc xe lửa cũ kỹ, dơ bẩn từ ngoài đến trong, kéo gần hai chục cái toa, cái gòn (wagon), thành một đoàn dài đậu sừng sững từ đầu đến cuối sân ga, cao như một bức thành mầu nâu, bẩn thỉu. Nguyễn Vỹ (1970b:18)

* Buổi chiều, từ khoảng 5, 6 giờ, trên một khoảng đất trống trên Bờ Hồ sau ga «  tàu điện » (tramway), và đầu phố Cầu Gỗ, người ta bày la liệt những bàn vuông nho-nhỏ để bán «  kem » và « kẹo dừa » cho khách nhàn du. Nguyễn Vỹ (1970b:38)

* Xe lửa dừng ở ga Mỹ Tho vào lúc mặt trời lặn. Duyên Anh (1971c:9)

* Nhà ga nằm sát bờ sông. Duyên Anh (1971c:9)

* Tấp nập hơn ga Tân An nhưng, dường như, vẫn mang một nỗi buồn. Duyên Anh (1971c:9)

* Đó là một cái ga lớn cho xe lửa đến lấy muối và có nha Thương-Chính để kiểm soát và thâu thuế cả vùng. Lưu-Đức-Phú tự Tô-Châu (1973:106)

* Đến ga đúng mười giờ. Nhất Linh (1973:59)

* Có ga tất có tàu. Giai Phẩm Văn số 22 (1973:71, Vũ Khắc Khoan)

* Ga lớn quá . Tuổi Ngọc số 100 (1973:23, Phạm Chu Sa)

* Đây là một nhà ga khá lớn. Tuổi Ngọc số 100 (1973:23, Phạm Chu Sa)

* Ngay tuần lễ đầu của tháng tám, 7 sư đoàn quân Đức Quốc Xã đã hoàn thành kế hoạch Schwarz, các nhà ga, đường hầm, trung tâm thủy điện đều do quân Đức bảo vệ, quân Đức mua bán trên đất Ý đều trả bằng « mác » của Đức gọi là đồng « mác của quân đội chiếm đóng »  (marks d‘occupation).  Vũ Tài Lục (1974:351)

* Rồi ông dẫn quần chúng vô sản ồ ạt kéo ra ga ngăn chặn đoàn xe lửa chở quân đi. Vũ Tài Lục (1974:35)

* Tôi vẫn thường ngủ đỗ lại một nhà ga là thường kia mà. Bốn Mươi Lăm Tác Giả (1974:293, Nguyễn Đức Sơn)

* Vâng, nhưng phải ở lại trong ga, ngồi hay nằm ở những hàng ghế, thì được. Bốn Mươi Lăm Tác Giả (1974:293, Nguyễn Đức Sơn)

* Vậy tôi đi vào trong ga. Bốn Mươi Lăm Tác Giả (1974:293, Nguyễn Đức Sơn)

* Nhà chức trách sở tại đã ra thông cáo dán trước sân ga. Ông có thể xem. Bốn Mươi Lăm Tác Giả (1974:293, Nguyễn Đức Sơn)

* Ông có thể trình bày lý do và trường hợp đặc biệt với trưởng ga và trưởng xa rồi đi ngay. Bốn Mươi Lăm Tác Giả (1974:293, Nguyễn Đức Sơn)

* Thực ra ý định đổi khách sạn của chúng tôi không bắt nguồn từ sự luộm thuộm và thiếu thốn của Astoria cũng chẳng phải vì điều kiện môi sinh của khách sạn này quá tệ gần nhà ga xe lửa ngay trước khách sạn lại có bến xe điện xe buýt  và xe buýt điện (trolley-bus)  nên tối ngày sáng phải hít khói bụi, nghe tiếng xe cộ và tiếng người râm ran như họp chợ Sóng Thần số 990 (1974:4, Lê Đình Điểu)

* Nhân viên chỉ về hướng phải nhà ga. Bốn Mươi Lăm Tác Giả (1974:293, Nguyễn Đức Sơn)

* Ga xe lửa Phú Nhuận nhanh chóng mở cửa cho những đoàn tàu qua lại. Nhân Dân số 7668 (1975:3, Trần Bền)

* Ga Hà Nội như sống lại. Đặng Thanh (1976:97)

* Cậu mang ngay miếng than này lên báo cáo với trưởng ga để điện sang bên công an ngay... Đặng Thanh (1976:98)

* Tại các nhà ga và trong những ngôi nhà kính của các sân bay, bọn điệp viên, mật vụ túc trực, nhìn chằm chằm vào tất cả những ai có nét gì đó giống một người Mỹ. Đặng Lan (1979:86)

* Có tiếng còi vang lên ở ga. Trần Cao Thụy (1985:46)

* Có tiếng còi tàu vọng lại từ phía ga. Trần Cao Thụy (1985:47)

* Và đây đâu phải là một nhà ga. Trần Cao Thụy (1985:59)

* Ga Vinh một buổi tối trời mưa. Văn Học số 8-9 (1986:155, Thế Giang)

* Ngoài ga Hàng Cỏ... Văn Học số 12 & 13 (1987:130, Thế Giang)

* Trong nhà ga, toàn tụi chạy về nhà, làm sao mà cua ai. Văn Học số 32 (1988:61, Đỗ Kh)

* Họ ra khỏi nhà ga đi một vòng. Văn Học số 32 (1988:56, Đỗ Kh)

* Tôi mua vé đến ga đầm lầy. Văn Học số 41 (1989:28, Cao Huy)

* Ga xe lửa Yên Báy bị thiệt-hại nặng. Đoàn Thêm (1989-1966:219)

* Nhiều ga và đường hỏa xa bị phá hủy. Đoàn Thêm (1989-1967:97)

* Ga Phủ Lý cũng bị ném. Đoàn Thêm (1989-1967:143)

* Nhà máy điện và ga Thái Nguyên lại bị dội bom. Đoàn Thêm (1989-1967:153)

* Ga xe lửa Hải Phòng bị oanh tạc. Đoàn Thêm (1989-1968:75)

* Tàu vào ga rồi mình. Thế Kỷ 21 số 20 (1990:33, Trần Vũ)

* 2)- Xe đỗ ga chánh chợ Bến Thành, rồi chạy vô Chợ Lớn, trạm chót là ga Bình Tây. Vương Hồng Sển (1990:148)

* B. Xe chở bộ hành nhiều hơn hàng hóa, bắt đầu từ ga Chợ Cũ Sài Gòn, đổ ra Chợ Mới Bến Thành, rồi chạy cặp với đường tàu hỏa Sài Gòn - Mỹ Tho dài theo đường Phạm Viết Chánh, Nguyễn Hoàng, thẳng đến ga An Bình, chạy dọc đường Thủy Binh (nay Đồng Khánh), bọc theo đường Tổng đốc Phương trổ ra ga chót là ga Chợ Cũ Chợ Lớn (ga Rodier, nổi danh xưa điếm móc túi nhiều và tài nhứt.) Vương Hồng Sển (1990:148)

* Phi trường Tân Sơn Nhứt xây ga hàng hóa. Diễn Đàn Phụ Nữ volume 13 số 148 (1996:41)

* Ông ấy vốn làm cu ly khuân vác trên ga Hàng Cỏ, đã có vợ con. Kiến Thức Ngày Nay số 440 (2002:4, Ngô Văn Phú)

* Cháu lên vài ga trên ạ. Nguyễn Công Hoan (2002h:665)

* Xe đỗ ở thềm nhà ga. Nguyễn Công Hoan (2002h:666)

* Bẩm trên ga sẵn xe ạ. Nguyễn Công Hoan (2002h:281)

* Hoạt động xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quy định tại khoản này bao gồm thi công, xây dựng, lắp đặt: nhà mày nước, nhà máy điện, công trình truyền tải, phân phối điện; hệ thống cấp thoát nước; đường bộ, đường sát; cảng hàng không, cảng biển cảng sông; sân bay, nhà ga, bến xe; xây dựng trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, cơ sở biểu diễn nghệ thuật, cơ sở luyện tập, thi đấu thể thao; hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn; công trình liên lạc, công trình thủy lợi phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp. Nghị định 101/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 08/2011/QH13 của Quốc hội về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, ban hành ngày 4/11/2011

* Tới nơi lấy làm lạ, không thấy ra ga đón. Phạm Quỳnh (2004:135)

* Khoảng sân nhà ga. Ngô Bình Lâm & Phạm Xuân Phương (2004:53)

*  Khách sạn ga, săm Đồng Lợi ba bốn tầng, có buồng, màn tuyn, giường Hồng Kông. Tô Hoài (2004c1:294)

* Nguyễn Công Hoan kể khi anh học trường sư phạm Cửa Bắc, chỗ quanh ga Hàng Cỏ còn loáng thoáng những cánh ruộng nước. Tô Hoài (2004c1:201)

* Đoàn tàu hỏa đêm xuôi về nam, rời ga Hàng Cỏ qua ô Đồng Lầm lướt ra giữa hai bên hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu, còi tàu chào Hà Nội rúc một hồi còi dài. Tô Hoài (2004c2:30)

* Hai đứa đã thuộc đường ga Đầu Cầu, bấy giờ đương đi ra cửa chợ Đồng Xuân. Tô Hoài (2004c2:234)

* Phía sau đình Tân Kiểng, gần trụ sở cố vấn quân sự Mỹ đóng (SAMIPIC cũ) và chỗ nhà ga Pétrus Ký đầu đại lộ Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ) còn gò cao nghều nghệu: đây là nền cũ xóm Khmer, nếu đào bới ắt gặp đồ cổ tích Miên chắc hẳn. Vương Hồng Sển (2004:86)

*  Chỉ có nhà ga xe lửa, Gare Saint Charles là lớn hơn ga xe lửa Mỹ Tho tại chợ Bến Thành rất nhiều. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 84 (2005:43, Bồ Đại Kỳ)

* Tàu đã qua  những ga chính. Nguyên Hồng (2005k:467)

* Đến ga này thì chỉ còn những bọn đi hàng muối hàng đồng nát lên xuống cùng mấy khách thường, họ chạy loạn về quê hay lại ra Hà Nội. Nguyên Hồng (2005k:467)

* Không mắc điện, nhưng ở dãy hàng phố chợ, cửa ga và ngoài ghi, đèn ba dây, đèn cây, đèn bão, đèn đất thắp như có hội. Nguyên Hồng (2005k:468)

* Họ đi có phải như ô tô ray của ga Hải Phòng nhà ông đâu? Nguyên Hồng (2005k:751)

* Chúng tôi đã phải chú ý ngay đến cái quang cảnh vắng lặng thưa thớt suốt dọc đường Găm-bét-ta trước Sở mật thám qua khu Đấu Xảo ra đến cửa ga, và các ngã tư đổ về đây. Nguyên Hồng (2005b:1249)

* Nhà máy điện, máy đèn, nhà máy nước, sở Dây thép Bờ Hồ, Kho bạc, nhà băng Đông Dương, ga Hàng cỏ đều đặt súng liên thanh. Nguyên Hồng (2005k:845)

* Chợ của các tay kéo xe nhưng không bằng nghề kéo xe, của các bọn ma cô có nhiều mối nhiều khách đặc biệt, của các bọn chạy hàng lậu ở Sáu Kho, ở phố khách, ở nhà ga, của các hàng thuốc lá, nước chanh bia đá, của các thứ hàng quà, và của các đám cua cá, chẵn lẻ, cát tê mà người đánh bạc phần đông là những người làm phu khuân vác, các mẹ buôn hàng xách và lũ trẻ con bấu sấu đưa đón hàng và ăn cắp hàng. Nguyên Hồng (2005c:685)

* Thưa ông... trong ga Lạc Đạo người ta ra đường đông quá. Nguyên Hồng (2005k:476)

* Đường dây thép của nhà ga mà cũng không thông với nhau? Nguyên Hồng (2005k:474)
* Nhà ga không cho lệnh mở ghi à? Nguyên Hồng (2005k:473)

* Ai muốn ra thì ra, ai muốn vào thì vào, cửa bán vé đóng, phu nhà ga và người làm tàu nằm ngủ như chết. Nguyên Hồng (2005k:475)

* Tàu Hải Phòng đổ xuống cả ga Lạc Đạo à? Nguyên Hồng (2005k:476)

* Ngày ngày xách bộ đồ thợ cạo đựng trong một hòm gỗ như của những ông phó cạo chính cống, La đi làm hôm nay ở quãng đường gần bến ôtô, nhà ga, hôm sau ở cạnh xóm chợ hay gần bến tàu thủy, hôm khác dọc bờ sông có các thuyền buôn, thuyền đá, các sà lan, boọc chở gạo, xi măng, sắt. Nguyên Hồng (2005tk:227)

* Sao bảo đi làm ký ga bên Vân Nam rồi? Tô Hoài (2005tth:633)

* Chiếc xe lửa cũ kỹ, dơ bẩn từ ngoài đến trong, kéo gần hai chục cái toa, cái gòng (wagon), thành một đoàn dài đậu sừng sững từ đầu đến cuối sân ga, cao như một bức thành màu nâu, bẩn thỉu. Nguyễn Vỹ (2006:573)

* Thời Nhật Bản, hình như thằng cha này quen xí chỗ ở ghít-sê ga Hàng Cỏ để lấy hộ vé – ăn hoa hồng – cho người khách đi tàu tốc hành Sài Goòng. Nguyễn Tuân (2006c:348)

* Cậu giáo ra ga có việc gì đấy? Nguyễn Huy Tưởng (2006sm:930)

* Thưa cụ, tôi ra ga để tiễn đẻ tôi về Bắc. Nguyễn Huy Tưởng (2006sm:930)

* Tôi ra ga tiễn đẻ tôi về quê. Nguyễn Huy Tưởng (2006sm:952)

* Ra ga Hàng Cỏ. Nguyễn Huy Tưởng (2006sm:1071)

* Phòng giao dịch của nhà Bưu điện nhốn nháo những người là người, đông như ở một nhà ga người ta đang tranh nhau lấy vé. Nguyễn Huy Tưởng (2006sm:1348)

* Nhà ga làm giữa đồng. Đã vắng lại càng vắng. Đó là một ga xép mới làm. Nguyễn Thi (2006:879)

* Cậu vừa quyến luyến chia tay với cậu Bảy Du ở nhà ga. Đinh Trần (2006:165)

* Ði một lúc chúng tôi tới một bãi đậu của xe lửa với những đường ray dọc ngang giống như ga Hòa Hưng ở Sài Gòn. Ga chỉ chứa những đầu máy xe cũ chứ không phải là ga hành khách. Sân ga có hàng rào sắt rào lại nhưng bên trong ánh đèn leo lét không một bóng người! Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 88 (2007:115, Trịnh Hảo Tâm)

* Tít đằng xa, sát bờ xương rồng của xóm Ga, có lác đác vài cái xác mặc đồ xanh tây di của quân chính qui. Phan Tứ (2007g:602)

* Thụy nhớ hồi chiến tranh chống Mỹ có một cậu chiến sĩ đã gọi những con sông dọc đường Trường Sơn là những cái ga nước. Nguyễn Minh Châu (2007n:858)

* Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga. Nguyễn Ái Quốc (2009b:145)

* Vé này là tấm thẻ cứng, mỗi lần vào trong ga là bỏ thẻ vào máy, cổng sẽ mở và nó sẽ trả lại ở cuối cổng vào nhưng lên xe buýt không bỏ vào hộp được mà trình cho tài xế lái xe. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 93 (2009:67, Trịnh Hảo Tâm)

* Cô em chú bác Monique gặp ở Nice ngày hôm kia dặn tôi là ra ở ga cuối là ga Bibliothèque Francoise Mitterrand và bản đồ của tôi cũng ghi như vậy. Nhưng bà nhân viên của Métro mua vé giùm cho tôi nói ga cuối mới mở là ga  Olympiades và muốn đi phố Tàu ra ga này gần hơn. Monique ở Paris chắc ít khi xuống phố Tàu nên không biết đường 14 đã kéo nối dài thêm một ga. Ðể tới phố Việt Tàu nhiều người vẫn dùng đường Métro tuyến số 7 và ra ở ga Porte d'Ivry hoặc ga Porte de Choisy ở hướng Nam. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 93 (2009:67, Trịnh Hảo Tâm)

* Hệ thống RER cũng như Métro nhiều khi bị nhân viên đình công cũng là một trở ngại, điểm lưu ý thứ nhì khi sử dụng xe điện ngầm là nạn móc túi, giựt bóp xách nơi các nhà ga (nhất là khi đi thang máy chen lấn) hay trên toa tàu. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 93 (2009:67, Trịnh Hảo Tâm)

* Xe lao đi vùn vụt qua nhiều ga và mỗi nơi đều đậu lại chừng 1 phút có ngừng ở ga Lyon đèn vàng nữa. Cuối đường xe ngừng ở ga Olympiades, là ga cuối nên mọi người ra hết. Chắc đoàn xe có gắn 2 đầu máy nên nó sẽ chạy ngược về ga đầu kia là Saint Lazare cạnh khách sạn tôi ngụ. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 93 (2009:67, Trịnh Hảo Tâm)

* Lên khỏi ga xe điện ngầm ở ngã tư đường Tolbiac và Baudricourt, tôi ngơ ngác không biết đường nào đến phố Việt? Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 93 (2009:68, Trịnh Hảo Tâm)

* Từ phi trường Charles de Gaulle đi vào thành phố Paris có thể đi bằng xe điện RER (tuyến RER B3 qua ga Châtelet, Gare du Nord ở trung tâm Paris) sau đó đổi sang xe điện ngầm Métro rất nhanh chóng và rẻ hơn là dùng Taxi hay xe buýt. Các nhà ga xe điện ngầm cách nhau khoảng 500 mét nên rất thuận tiện, hành khách khỏi phải đi bộ xa. Nhiều nhà ga trang trí cũng rất đẹp như nhà bảo tàng thí dụ như các ga Louvre (Line 1), ga Varenne (Line 13), ga Abbesses (Line 12). Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 93 (2009:66, Trịnh Hảo Tâm)

* Giá vé rẻ nhất hiện nay là 1.60 Euro có thể mua ở nhà ga mỗi lần đi nhưng mua một xấp (carnet) 10 vé giá là 11.40 Euro tiết kiệm được tiền bạc và thời giờ sắp hàng mua vé. Vé này có tên là “t” dùng để đi một chuyến nhưng qua bao nhiêu ga cũng được, khi ra khỏi nhà ga thì vé hết giá trị. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 93 (2009:67, Trịnh Hảo Tâm)

* Bom gieo, súng nổ, lửa bốc. Chu Văn (2010-1:97)

* Có hai lý do để những người làm công tác tổ chức điều cô về đây, trước hết cô là người của tỉnh này, từ quê cô lên thị xã vừa đúng ba ga xe lửa, sau nữa, anh cán bộ phụ trách trạm lại vừa được gọi trở lại quân đội, làm mấy người ở lại đâm bấn lên, mỗi lần về Nha việc được đặt lên hàng đầu bao giờ cũng là xin thêm người. Đỗ Chu (2010c1:172)

* Cô đáp xe lửa và xuống ga, trạm bàn nhau khóa cửa lại rồi kéo cả xuống đón cô. Đỗ Chu (2010c1:172)

* Giữa đám đông chen chúc trên cái sân ga chật hẹp đã chịu nhiều trận bom, ngổn ngang gạch ngói và những đống hàng, họ đã nhận ra Nhiên một cách dễ dàng. Đỗ Chu (2010c1:172)

* Không ai biết cụ từ đâu đến, chỉ biết khi xuống xe hỏa ở ga Hàng Cỏ, cụ lần mò hỏi thăm người ta đường lối về ngõ Hội Vũ. Nguyễn Q. Thắng (2010đtn-03:19)

* Chúng nó lại đánh ga Trung Văn và cầu Gia Liễn rồi anh ạ. Vân Thảo (2010:280)

* Mấy chục nhà ga trên tuyến đường đều chịu chung số phận. Vân Thảo (2010:213)

* Theo ông thì chờ tàu đến nhảy lên hay vào trong ga xin xỏ đàng hoàng? Vân Thảo (2010:233)

* Đoàn tàu vận tải vào ga. Vân Thảo (2010:234)

* Dậu và Tế vội vàng gánh đôi sọt lên vai chạy về phía mấy anh bộ đội và anh nhân viên nhà ga đang đứng. Vân Thảo (2010:234)

* Ga Gia Liễn bị bom Mỹ đánh sập tanh bành, chỉ dựng lại các cột hiệu chạy tàu, còn công nhân nhà ga ở trong mấy mái lán che tạm. Vân Thảo (2010:233)

* Nhà ga kia rồi, ráng đến đó nghỉ một thể. Vân Thảo (2010:234)

* Nghỉ ở đây hay vào trong ga? Vân Thảo (2010:235)

* Vào trong ga nghỉ chuyện trò với mấy ông nhân viên nhà ga cho vui. Vân Thảo (2010:235)

* Dậu và Tế sắp đến cửa vào ga thì có mấy người mang băng đỏ trên tay đi tới. Vân Thảo (2010:235)

* Các anh kiểm tra gì thì kiểm tra đi để chúng tôi còn vào trong ga nghỉ ngơi chứ gánh bảy mươi cân đi hơn hai mươi cây số mệt muốn đứt hơi rồi. Vân Thảo (2010:235)

* Con cũng xuống ga ấy. Nguyễn Q. Thắng (2010đtn-03:130)

* Về đến ga bao nhiêu người xúm lại rầy la tôi đi đâu mà làm ba tôi xuôi ngược tìm kiếm lo âu. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 95 (2010:61, Nguyễn thái Hai)

* Về đến ga thấy ba tôi ngồi đó không có vẻ gì giận dữ cả. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 95 (2010:61, Nguyễn thái Hai)

* Con đường xe lửa này có ba cái độc đáo: nhà ga xe lửa nay đã được công nhận là di tích lich sử và văn hóa Việt Nam; đường xe lửa răng cưa (cog railroad) chỉ có tại núi Furka, Thụy Sĩ và Dalat.; cảnh đẹp nên thơ khi leo đèo Ngoạn Mục nhưng nay chỉ còn nhà ga. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 95 (2010:58, Nguyễn thái Hai)

* Nhà ga đó! Bảo Ninh (2011:182)

* Tay dẫn tôi đi ra đường, đón xe ra ga xe lửa đi về Mỹ Tho. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số  96 (2011:48, Nguyễn thị Hoàng)

* Phương-pháp thi-công đó là tuần-tự thay-thế các trà-vẹt bê-tông 2 cục với 2 lỗ cho 2 rày khổ 1000 mm., đang thông-dụng ngày nay, bằng một loại trà-vẹt mới, bê-tông một cục với 3 lỗ cho cả 3 rầy khổ 1000 mm. và 1435 mm., nằm chung nhau trên một trà-vẹt. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số  97 (2011:19, Trần Lê Quang)

* Đường nầy hiện nay là một “đường lồng”, với 3 rầy khổ 1000 mm. và 1435 mm. cùng chung trên một trà-vẹt, để có thể tiếp nhận dụng-cụ đường-sắt khổ 1435 mm. của Trung-Hoa tận tới ga Hà-Nội. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số  97 (2011:21, Trần Lê Quang)

* Tuy nhiên đường-sắt còn một ưu-thế căn-bản: là các Ga đường-sắt còn nằm gần trung-tâm các thành-phố lớn. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số  97 (2011:19, Trần Lê Quang)

* Kỹ-thuật đó sở dĩ được kết-quả là, hình như, nhờ sử-dụng một loại trà-vẹt một cục (1 bloc) bê-tông cốt-sắt “dự ứng trước” (béton armé précontraint). Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số  97 (2011:16, Trần Lê Quang)

* Nguyễn Ái Quốc vòng tới ga xe lửa. Trần Nam Tiến (2012:77)

* Điện thoại ra ga đặt vé. Nguyễn Bình Phương (2013:100)

* Chiều hôm sau, Quang Minh ra bến nhà Ga chờ đợi, chàng cảm thấy sao thời gian dài quá, nóng ruột! Cỏ Thơm số 66 (2014:91, Duy An Đông)

* Đến ga Hàng Cỏ, Chính xuống xe. Nam Dao (2014-1:73)

* Vào ga, Chính đi một vòng, lên một chiếc xe khác bảo kéo đến phố Hàm Long. Nam Dao (2014-1:73)

* Hai ngày sau, Xoan nói thác là về quê, nhưng y hẹn đến ga Hàng Cỏ gặp Chính. Nam Dao (2014-1:74)

* Ðứng cạnh hòn non bộ nay xanh rêu vì không ai chăm sóc, Nhân nhìn sang nhà ga xe lửa. Nam Dao (2014-2:503)

* Từ ga Hàng Cỏ về khu Khâm Thiên, hai bên đường toàn là người đói xin ăn. Nam Dao (2014-1:125)

* Cứ nằm đợi cho đến lúc xe ngừng, họ bồng bế nhau leo xuống, rồi lếch thếch ra khỏi nhà ga. Nam Dao (2014-1:125)

* Chiến lũy phía Nhà Ga nhộn nhịp, đường sắt gỡ ra cắm tua tủa trên những lũy đất nhô cao. Nam Dao (2014-1:375)

* Xe ngừng ở ga những tỉnh lỵ lớn, hành khách có dịp mua đồ ăn thức uống.  Nam Dao (2014-2:410)

* Trưa ngày thứ tư từ khi rời Sài Gòn, xe lửa vào ga Hàng Cỏ.  Nam Dao (2014-2:410)

* Khi Huyền xuống xe, vợ chồng Khiêm đợi trên sân ga. Nam Dao (2014-2:411)

* Tôi ra khách sạn Hoà Bình ở phòng Kỳ Vân chơi với anh em suốt chiều cho tới tận tám chín giờ sáng hôm sau tiễn ra sân ga. Trần Đĩnh (2014-1:108)

* Sáng sau tôi tiễn anh em ra ga. Trần Đĩnh (2014-1:110)

* Ra ga tiễn tôi có Hồng Linh, hai bạn biên tập viên và một chị ở văn phòng Văn Nghệ báo. Trần Đĩnh (2014-1:152)

* Thép Mới đón ở ga. Trần Đĩnh (2014-1:157)

* Chiều đầu tiên, ngừng bom, khoảng sáu giờ, tôi đến ga Hàng Cỏ. Trần Đĩnh (2014-1:429)

* Toà nhà chính của ga vẫn như một con đèo đất đỏ nằm vắt ngang giữa hai toà cánh nhà sót lại. Trần Đĩnh (2014-1:429)

* Nói xong, Tuân ngoắc can một cái chào rồi qua đường, sang đúng cửa nhà Trần Độ lúc ấy chưa “chống đảng” mới rẽ về phía ga. Trần Đĩnh (2014-1:448)

* Bảo dẫn chú đến Sở mộ phu, căn nhà gần Trường Ga có ngọn cờ đuôi nheo bẩn. Trần Đĩnh (2014-1:501)

* Vài ngày sau, bố chú, em ruột bà nội tôi, ở quê lên, khóc thảm thiết từ ga đến nhà. Trần Đĩnh (2014-1:501).

* Chúng tôi sẽ đi xe số 15 để về nhà ga trung tâm Helsinki. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 102 (2014:46, Từ Minh Tâm)

* Qua ga xe lửa. Nguyễn Vĩnh Nguyên (2016:77)

* Tiệm phở ở ga ăn cũng khá. Nguyễn Vĩnh Nguyên (2016:77)

* Ga đường sắt là nơi để phương tiện giao thông đường sắt dừng, tránh, vượt, đón, trả khách, xếp, dỡ hàng hoá, thực hiện tác nghiệp kỹ thuật và các dịch vụ khác. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Khu gian là đoạn đường sắt nối hai ga liền kề, được tính từ vị trí xác định tín hiệu vào ga của ga phía bên này đến vị trí xác định tín hiệu vào ga gần nhất của ga phía bên kia. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Khu đoạn là tập hợp một số khu gian và ga đường sắt kế tiếp nhau phù hợp với tác nghiệp chạy tàu. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Phạm vi ga theo chiều dọc được xác định bởi dải đất từ vị trí xác định tín hiệu vào ga phía bên này đến vị trí xác định tín hiệu vào ga phía bên kia; theo chiều ngang ga được xác định bởi khoảng đất phía trong tường rào ga hoặc mốc chỉ giới ga theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cấp kỹ thuật ga đường sắt. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Cửa toa xe hành khách chỉ được mở khi tàu đã dừng hẳn tại ga đường sắt. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Lái tàu thực hiện việc tránh, vượt tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng theo lệnh của trực ban chạy tàu ga; trên đường sắt đô thị theo lệnh của điều độ chạy tàu đường sắt đô thị. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Trưởng tàu tổ chức phân công nhân viên đường sắt và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của người bị nạn, đồng thời phải báo ngay cho tổ chức điều hành giao thông đường sắt hoặc ga đường sắt gần nhất. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Trường hợp dừng tàu, lùi tàu khẩn cấp, trưởng tàu, lái tàu có trách nhiệm thông báo cho nhà ga theo quy định. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Ga hành khách để đón, trả khách, thực hiện dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, tác nghiệp kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ thương mại khác;

b) Ga hàng hoá để giao, nhận, xếp, dỡ, bảo quản hàng hoá, thực hiện dịch vụ khác liên quan đến vận tải hàng hoá và tác nghiệp kỹ thuật;

c) Ga kỹ thuật để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật phục vụ chạy tàu;

d) Ga hỗn hợp có chức năng của 02 hoặc 03 loại ga quy định tại các điểm a, b và c khoản này. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Vị trí kết nối ray các tuyến đường sắt trong nước phải tại ga đường sắt. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Đến ga thì có đại diện các anh qua các năm trước ra đón và đưa về khu học xá hiện đang trống vì học sinh nghỉ hè, còn chị bạn thì về khu cư xá nữ sinh. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 109 (2018:63, Đồng Sĩ Khiêm)

* Nhà ga nằm trên đồi cao so với bãi biển. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 109 (2018:31, Từ Minh Tâm)

* Tôi chợt nhớ ra là ngay trước cửa nhà ga Rapallo có trạm xe buýt. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 109 (2018:29, Từ Minh Tâm)

* Ngoài ra còn dự trữ một điểm lập ga mới (ga Bình Phước) để tạo điều kiện cho Nhà máy xi măng Bình Phước. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 110 (2018:54, Từ Minh Tâm)

* Nhà ga Thủ Dầu Một trước 1975 là một quán cơm xã hội. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 110 (2018:52, Từ Minh Tâm)

* Từ nhà ga Thủ Dầu Một, có một nhánh đường rầy chạy ra chợ Thủ. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 110 (2018:52, Từ Minh Tâm)

* Từ ga Thủ Dầu Một, tuyến đường xe lửa theo hướng bắc (đường Võ thành Long hiện nay) chạy dưới một chiếc cầu nhỏ bắc ngang đường Bác Sĩ Yersin (cắt ngang Tiểu Khu Bình Dương – nay là Phòng Cảnh Sát Giao Thông) sau đó ra An Mỹ rồi thẳng đường lên Bến Cát, Bến Đồng Sổ, Bầu Bàng, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh. Ở Lộc Ninh, ngoài nhà ga còn có Trạm Sửa Chữa và Bảo Trì đầu máy (depot). Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 110 (2018:52, Từ Minh Tâm)

* Vị trí nhà ga Lộc Ninh hiện nay là Công Ty Cao Su Lộc Ninh. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 110 (2018:52, Từ Minh Tâm)

* Ông nói ra tới nhà ga Thủ Dầu Một thì thấy xe lửa bắt đầu chạy. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 110 (2018:52, Từ Minh Tâm)

* Theo báo trong nước, dự án nầy có tổng chiều dài của tuyến là 128,5km, khởi điểm từ ga Dĩ An (thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam) đi qua các thị trấn Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Lộc Ninh đến ga Hoa Lư tiếp giáp biên giới Campuchia. Toàn tuyến có tổng cộng 13 ga gồm: ga Dĩ An, Phù Trung, Thủ Dầu Một, Chánh Lưu, Bàu Bàng, Chơn Thành, Minh Hưng, Tân Khai, An Lư, Tân Phúc, Đồng Tâm, Lộc An, Hoa Lư. Khoảng cách bình quân giữa các ga là 11,7km; Khoảng cách dài nhất là giữa ga Bàu Bàng và Chơn Thành 14km và khoảng cách ngắn nhất là giữa ga Minh Hưng và Tân Khai 7,8km. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 110 (2018:54, Từ Minh Tâm)

* Sáng ra, họ lên xe lửa ở ga Đầu Cầu (ga Long Biên) để ngược Lào Cai theo vé tàu mà Giáo Minh đã lo sẵn. Chu Trọng Huyến (2019:41)

* Vì Giáo Minh - người tổ chức cho hai anh Đồng và Giáp vượt biên phải đi chuyến tàu sau nên khi xe hỏa chạy đến ga Yên Bái thì Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp phải tạm xuống, ngủ đêm tại đấy để chờ đi cùng khi chuyến tàu có Giáo Minh vào ngày hôm sau.   Chu Trọng Huyến (2019:42)

* Ba người cùng xuống một ga nhỏ cách trung tâm thị xã Lào Cai một ga. Chu Trọng Huyến (2019:42)

* Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ đón mừng ở sân ga rồi lên xe, trở về Bắc Bộ Phủ. Chu Trọng Huyến (2019:142)

* Các công trình phụ trợ khác của khu ga là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Quảng trường ga, đường bộ vào ga, tường rào ga, thông gió, chiếu sáng khu ga, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống đảm bảo vệ sinh môi trường, công trình phục vụ người khuyết tật, hệ thống thông tin chỉ dẫn hành khách, các công trình dịch vụ thương mại khác theo quy hoạch. Thông tư 06/2019/TT-BGTVT QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU KẾT QUẢ BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ, QUY TRÌNH BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA do Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành ngày 31/01/2019

* Nền đường sắt là hạng mục công trình đường sắt bao gồm: Nền đường sắt chính tuyến, nền đường sắt trong ga, nền đường sắt trong khu Depot, bãi hàng; rãnh biên, rãnh đỉnh, rãnh thoát nước nền đường, rãnh xương cá, rãnh thoát nước ngầm. Thông tư 06/2019/TT-BGTVT QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU KẾT QUẢ BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ, QUY TRÌNH BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA do Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành ngày 31/01/2019

* Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí đi đón Người đã tề tựu ở đấy. 15 giờ 05 phút ngày 21/10/1946, chuyến xe lửa đặc biệt từ ga Hải Phòng đưa Người và các vị trong đoàn về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Chu Trọng Huyến (2019:142)

* Cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn đại biểu của Quốc hội, Chính phủ, tiếp đến là đại diện các đoàn thể đã tập hợp, chờ đợi sẵn, cùng đồng bào các giới, đứng kín cả sân ga và các đường phố bao quanh ngóng trông. Chu Trọng Huyến (2019:142)

* Tôi chạy qua Hồ Xuân Hương, rồi Nha Địa Dư, rồi Ga Xe Lửa. Đa Hiệu 115 (2019:209, Trần Văn Hổ)

* Chúng tôi ngồi uống cà phê trên sân ga. Ngôn Ngữ số 1 (2019:66-67, Hồ Đình Nghiêm)

* Nhà ga muôn đời là sân khấu xúi người ta đóng tuồng xa nhau. Ngôn Ngữ số 1 (2019:66-67, Hồ Đình Nghiêm)

* Mục tiêu tấn công là hàng loạt các địa điểm như dinh quận trưởng, đồn cảnh sát, nhà ga... Nguyễn Thị Lan Hương & Trần Tuyết Minh & Hà Anh Dũng & Vũ Sỹ Thắng & Đoàn  Tấn Dũng & Phùng Đình Ấm & Nguyễn Huỳnh Nguyễn Công Khanh & Phạm Quốc Hùng  &  Trường Quang Phúc & Trần Văn Quân & Nguyễn Thanh Danh (2020:85)

* 4 giờ 30 sáng tới ga Hàng Cỏ. Nguyễn Long Trào (2020:239, Lê Anh Xuân)

* Điểm cuối: Tại Nhà Văn hóa khu Lán Ga, phường Cẩm Đông. Đề án (dự thảo) số / ĐA-UBND về việc đặt tên đường, tên phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đính kèm công văn số 5373/UBND-VHTT của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cẩm Phả do phó chủ tịch Đinh Ngọc Thắng ký ngày 17/09/2021

* Xe chạy qua ga Hàng Cỏ. Nguyễn Thế Quang (2021:27)

* Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi, tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 116 (2021:40, Nguyễn Đại Hoàng)

* Ra tới nhà ga hai đàng gặp nhau, tuy không hẹn trước mà Hiển Vinh cũng không lấy làm lạ. Hồ Biểu Chánh (2022c:18)

* Ra tới nhà ga xe lửa Thu Vân hỏi thăm thầy bán giấy coi chừng nào có xe. Hồ Biểu Chánh (2022c:83)

* Sắp đi hết sân ga. Thanh Châu (2022:142)

* Xe lửa dừng lại trước một ga lớn. Thanh Châu (2022:172)

* Dự định đến thăm nhà bà dì ở Ngõ Trạm, mà trước đây là phòng mạch của bác sĩ Kỳ Quan Thân, cho nên tôi quyết định đạp xe về hướng Ga Hàng Cỏ. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số  118 (2023:49, Trần Đức Thuần)

HKTTĐ (1931:201), ĐDA (1950:709), LVH (1957:116), TN (1958:462), NVK (1959:460), TĐQSVPM (1962:118), LVĐ (1970a:513), VVM (1970:457), KMA (1977b:46), HP (1988:83), TXK (1991:350), NQT (1992:179), LNT (1993:563), NTG (1994:225), TVC (1998:571), NNY (1999:695), LKK (2001b:1049), LPT (2001:453), HHT (2002:153), PHX (2002:62), HP (2003:368), HP (2006:369), TTA (2009:54)

[ii] * Đại tá trưởng đoàn và thiếu tướng cố vấn đoàn đại diện chính phủ Hoa Kỳ, cùng là cả bấy nhiêu sĩ quan Hoa Kỳ ăn nguội sơ sơ ở ngay cái tầng gác ga bay Gia Lâm. Nguyễn Tuân (2006h:821)

* 1 giờ khuya hành khách lên tàu, bay thẳng thét, 4 giờ sáng tới Karachi, nghỉ đây một giờ; mình không xuống ga, ở lại trên tàu mặc cho lao công quét dọn; kế bay qua Téhéran, thì trời vừa rạng sáng. Vương Hồng Sển (2013h:580)

[iii] * B. Xe chở bộ hành nhiều hơn hàng hóa, bắt đầu từ ga Chợ Cũ Sài Gòn, đổ ra Chợ Mới Bến Thành, rồi chạy cặp với đường tàu hỏa Sài Gòn - Mỹ Tho dài theo đường Phạm Viết Chánh, Nguyễn Hoàng, thẳng đến ga An Bình, chạy dọc đường Thủy Binh (nay Đồng Khánh), bọc theo đường Tổng đốc Phương trổ ra ga chót là ga Chợ Cũ Chợ Lớn (ga Rodier, nổi danh xưa điếm móc túi nhiều và tài nhứt.) Vương Hồng Sển (1990:148)

[iv] * Xe lao đi vùn vụt qua nhiều ga và mỗi nơi đều đậu lại chừng 1 phút có ngừng ở ga Lyon đèn vàng nữa. Cuối đường xe ngừng ở ga Olympiades, là ga cuối nên mọi người ra hết. Chắc đoàn xe có gắn 2 đầu máy nên nó sẽ chạy ngược về ga đầu kia là Saint Lazare cạnh khách sạn tôi ngụ. Lá Thư Ái-Hữu Công-Chánh số 93 (2009:67, Trịnh Hảo Tâm)

* Tuyến đường sắt là một hoặc nhiều khu đoạn liên tiếp tính từ ga đường sắt đầu tiên đến ga đường sắt cuối cùng. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

* Cứ như vậy, hai anh đã xuống tàu một cách an toàn ở ga Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam và cũng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt ấy. Chu Trọng Huyến (2019:48)

 LPT (2001:453)

[v] TĐQSVPM (1962:118)

[vi] * Tuyến đường sắt là một hoặc nhiều khu đoạn liên tiếp tính từ ga đường sắt đầu tiên đến ga đường sắt cuối cùng. Luật Đường Sắt 06/2017/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 16/06/2017

TĐQSVPM (1962:118)

[vii] KMA (1977b:490), TVC (1998:571), LPT (2001:453)

[viii] LPT (2001:453)

[ix] Hồi năm 1984 – thời kỳ pêréttroi ca của Liên Xô, tôi đang dự lớp tu nghiệp quốc tế báo chí cao cấp ở Matxcơva, anh đang làm việc với bạn ở cách 2 ga mê trô, biết tôi đang do dự trong việc làm luận văn theo một đề tài rất nhạy cảm, anh liền đến ngay số nhà 19 phố Nicolai Ốttrốpski (Matxcơva) gặp tôi và khuyên tôi cứ mạnh dạn chủ động sáng tạo. Trường Giang (2009:272)

[x] * Sân bay dã chiến lúc bấy giờ lại quá trống trải. Nhà ga không còn. Kiến Thức Ngày Nay số 233 (1997:6, Huỳnh Vạn Lý)

* Ở nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất tôi thấy người ta đón đợi ông, người ta chào mừng ông. Bảo Ninh (2011:41)

HHT (2002:32), LPT (2001:453), HHT (2002:264), HP (2003:368)

[xi] * Năm giờ hơn, xe hỏa dừng bánh ở một ga xép, trên con đường Hà-nội – Lạng-sơn. Phong Hóa Tuần Báo số 80 (1934:6, Khái-Hưng)

* Nhà hỏa xa mới xây cái ga xép ở đầu cầu Long Biên cho khách và hàng xuống chợ Đồng Xuân, khỏi phải vào ga Hàng Cỏ rồi lại phải lộn ra. Tô Hoài (2004c2:233)
* Nhà ga làm giữa đồng. Đã vắng lại càng vắng. Đó là một ga xép mới làm. Nguyễn Thi (2006:879)

* Và vậy là cái ga xép hắt hiu ngày nào, giờ bỗng trở thành ga đầu mối, phình to, chộn rộn, ồn ào như cái tổ ong, chen chúc toàn bộ đội, dân quân, dân công, thương nhân; đặc biệt là từ lúc chập tối, khi vừa ngớt tiếng máy bay. Ma Văn Kháng (2009:286)

* Các nhà ga xép. Bảo Ninh (2011:177)

* Khi gần đến nơi, nếu xuống rồi không lâu lại lên tàu giữa trung tâm thành phố Vinh thì rất dễ bị mật thám Pháp theo dõi nên anh phải dừng lại khi xe lửa đỗ ở một ga xép, là ga Thôn Thượng (Hưng Nguyên). . Chu Trọng Huyến (2019:15)

CVC (1963:716), NNY (1999:695), LPT (2001:453), HP (2003:368), HP (2006:369)