Showing posts with label sưu tầm trên mạng. Show all posts
Showing posts with label sưu tầm trên mạng. Show all posts

Monday 5 December 2022

Sao gọi là "công tử bột"? (Lê Minh Quốc - Người Lao Động)

28-11-2021 - 07:19 | Văn nghệ
(https://nld.com.vn/van-nghe/sao-goi-la-cong-tu-bot-20211127192813731.htm)

Kho tàng thành ngữ tiếng Việt có câu: "Công tử bột". "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ" của Viện Ngôn ngữ học (NXB Khoa học Xã hội - 1999) giải thích: "Công tử bột là ai mà hễ chàng nào ít am hiểu xã hội, vẻ béo tốt, trắng trẻo, ăn mặc sạch sẽ cứ ngơ ngơ ngác ngác trước cuộc sống, vụng về trong công việc, thích ăn chơi, lười biếng hoặc yếu ớt trong lao động đều bị liệt vào hạng người này" (tr.104).

Tại sao thành ngữ này xuất hiện? Cũng theo "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ": 1. "Chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp. Thuở ấy các quan chức này thường ăn diện quần áo trắng, bảnh bao, chạy như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn"; 2. "Và từ bột là cách đọc chệch âm từ poste trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép)" (tr. 105).

Tuy nhiên, theo "Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp" của Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân (Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM - 1992): "Chữ poste nếu có phiên sang tiếng Việt thì cũng đọc là "bót", bốt" chứ không ai đọc là "bột" cả"; và cho rằng: "Có thể "công tử bột" chỉ được dùng để chế nhạo các anh chàng nhà giàu làm dáng cũng thoa phấn lên mặt. Phấn được làm bằng một thứ bột mịn. Thế thì chữ "bột" ở đây chỉ là một danh từ chung nên người ta mới đem "công tử bột" để đối với "tiểu thư vôi" (tr. 85).

Trước hết, xin nói ngay 2 điều:

1. Nếu "các anh chàng nhà giàu làm dáng cũng đem phấn thoa lên mặt" ắt phải gọi "công tử phấn". Vì phấn là phấn; bột là bột. Phấn và bột không thể hoán đổi cho nhau, nhất là khi nó gắn với từ mặt. "Biết thân chạy chẳng khỏi trời/Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh" (Truyện Kiều); "Cô kia đen thủi đen thui/Phấn đánh vô hồi, đen vẫn hoàn đen"; Mặt hoa da phấn; Má phấn môi son... Không thể đổi phấn qua bột trong ngữ cảnh này - cho dù phấn trong chừng mực nào đó cũng là loại bột dùng trang điểm nhưng người ta vẫn gọi đánh phấn, phấn trang điểm chứ chẳng thể nào nói bột!

2. Nếu nói so sánh với "tiểu thư vôi", người ta không dùng "công tử bột" mà phải là "công tử vỏ". Ta hãy đọc lại câu văn trên báo chí thập niên 1930 do nhà nghiên cứu Trần Đức Anh sưu tập: "Không những thế, chúng ta lại còn vẽ vời đi đền kia phủ nọ, nói rằng năm mới đi lễ cầu phúc cầu tài; nhưng xem ra số người thành tâm đi lễ thì ít, còn phần đông là bọn công tử vỏ, tiểu thư vôi giả dạng đi lễ cầu lộc cầu tài mà kỳ thực chỉ để khoe giòn, khoe đẹp" ("Bàn về chơi xuân trên báo xưa", Báo Ngày Nay ra ngày 26-2-2012). Rõ ràng, đã công tử vỏ ắt "sánh duyên" tiểu thư vôi. Vỏ và vôi hàm nghĩa giả dạng hình thức, chưng diện, tô phết cái mã bề ngoài - nói như Tú Mỡ là "Để che đậy cái sơ sài bên trong".

Nói tóm lại, sự ra đời của thành ngữ "công tử bột" không liên quan gì đến những cách giải thích vừa nêu.

Căn cứ vào "Hát bội Théâtre traditionnel du Viet Nam" (NXB Nam Chi tùng thư - 1970) của Huỳnh Khắc Dụng, "Bến Nghé xưa" của Sơn Nam (NXB Văn Nghệ - 1981), ta biết cụm từ này gắn liền với hát bội. Trước đó nữa, trong bài khảo cứu "Hát bội" in trong Tạp chí Phổ Thông số 35 (15-6-1960), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Quý cho biết trong hát bội có điệu hát tên gọi là "Bài thằng Bột": "Dân gian thường gọi con quan ở trong triều là công tử bột, học hành chẳng ra hình, ở không nên nết, tụ năm tụ ba, hiếp kẻ cô đơn, nịnh người quyền thế, có một tài chim gái mà thôi, không giúp ích cho gia đình, chẳng làm lợi cho xã hội. Sân khấu cổ truyền trình diễn những nhân vật đó làm trò cười cho khán giả, cho nói giọng trọ trẹ, đầu bịt khăn gò, mặt cho giồi phấn mốc, mắt mang kiếng giọng vàng, chơn đi giày Tàu, tay cầm quạt lông, mình mặc áo gấm, ra vẻ sang trọng, có nét ăn chơi, ăn nói ngược ngạo láo xấc".

Rất khó giải thích vì sao dân gian lại gọi con cái hư đốn của nhà quan là bột? Theo nhà văn Sơn Nam, Hoa Bột, Ba Bột là tên riêng của nhân vật trong tuồng hát xưa. "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) cũng ghi rõ: "Hoa Bột, Ba Bột - tên riêng. Người không biết điều mà hay nói phách, hay ỷ thị cũng gọi thằng bột".
(https://nld.com.vn/van-nghe/sao-goi-la-cong-tu-bot-20211127192813731.htm)

Monday 26 September 2022

BÁO CÁO CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TẠI PHIÊN HỌP BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI, NGÀY 23-1-1959 VỀ VỤ THẢM SÁT PHÚ LỢI (VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960 )

 

VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO
CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT,
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
TẠI PHIÊN HỌP BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI, NGÀY 23-1-1959 VỀ VỤ THẢM SÁT PHÚ LỢI

 

Thưa các vị đại biểu,

Tôi rất lấy làm đau đớn và căm phẫn báo cáo trước Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có mặt ở Hà Nội một tội ác mới mà đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng là tập đoàn Ngô Đình Diệm đã phạm ở miền Nam, một tội ác vô cùng dã man mà nói đến ai cũng phải ghê tởm, mà người có một chút lương tâm không thể tưởng tượng được. Tức là vụ đầu độc ở trại tập trung Phú Lợi giết hại hơn một ngàn chính trị phạm – một ngàn đồng bào ruột thịt của chúng ta – trong ngày 1-12-1958 vừa qua.

*

*      *

Trại tập trung Phú Lợi thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay chúng đổi tên là Bình Dương) cách thị xã tỉnh 4 cây số và cách Sài Gòn 33 cây số ở một vùng rừng hẻo lánh. Trại rộng 120 mẫu tây, xung quanh có tường cao 3 thước. Có một hệ thống đồn bốt gồm 12 tháp canh với một tiểu đoàn bảo an vũ trang đầy đủ và mật thám, cảnh sát bao vây xung quanh.

Số đồng bào cả nam lẫn nữ (nữ có trên 1.000) cả già lẫn trẻ, có những em 2, 3 tuổi nữa, cả thảy gần 6.000 người gồm đủ các thành phần xã hội: lao động, trí thức, giáo sư, học sinh, tư sản dân tộc, các giáo phái, các nhân sĩ đã tham gia phong trào hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1954 và phong trào cứu tế nạn nhân năm 1955, cũng có những đồng bào không hề tham gia kháng chiến trước.

Ở miền Nam Việt Nam có hàng ngàn nhà giam và trại tập trung thì trại Phú Lợi là trại lớn nhất.

Để lừa bịp dư luận, che đậy những hành động khủng bố tàn sát đồng bào yêu nước ở miền Nam, bọn Mỹ - Diệm gọi các nơi này là “Trung tâm huấn chính” hoặc lớp “huấn chính”. Trại tập trung Phú Lợi được chúng gọi là “Trung tâm huấn chính trung ương”.

Sát cạnh trại tập trung này Mỹ - Diệm đã tổ chức một sân tập bắn, hàng ngày có tiếng súng nổ, để che mắt nhân dân khi chúng bắn chết người hàng loạt.

Hầu hết số đồng bào bị tập trung ở đây đều đã bị giam ở các nơi Côn Lôn, Biên Hòa, Chí Hòa, Thủ Đức, Bà Chiểu, Phú Quốc, Phú Lâm nay bị dồn về đó.

Vì không có lý do để đưa ra tòa án xử tội anh chị em, nên chính quyền miền Nam đã áp dụng chính sách giam giữ lưu niên, đánh đập tàn nhẫn, ai chết thì bỏ. Chế độ trại tập trung vô cùng cực khổ. Mỗi ngày mỗi người chỉ được phát một ít cơm gạo mục ngâm nước vôi với một nhúm muối và cá khô mục nát. Nước uống bị hạn chế, chỉ phát từng lon nước lạnh. Có người hàng tháng không được tắm giặt một lần. Chỗ giam thì chật hẹp, xung quanh bị bít kín. Người nằm, ngồi, chen chúc nhau rất là nghẹt thở. Các bệnh nguy hiểm phát ra thường xuyên: kiết lỵ, phù thũng, sốt rét, ho lao. Thuốc men thiếu thốn, gia đình phạm nhân có gửi thuốc đến cũng bị tịch thu; ngày nào cũng có 5, 7 người chết, có tháng chết đến trên dưới 200 người.

Thế mà bọn cảnh sát gác lại hàng ngày chửi mắng đánh đập các người bị giam giữ.

Ở trong các trại giam chính quyền miền Nam lại tổ chức ra các cuộc “tố cộng” để tìm cớ đánh đập hãm hại đồng bào.

Mặc dù ăn ở cực khổ, mặc dù bị hành hạ hàng ngày, mặc dù bị đe dọa dụ dỗ đủ cách, các anh chị em vẫn kiên quyết không chịu khuất phục Mỹ - Diệm, mà vẫn đoàn kết đấu tranh, giữ lấy tư cách con người, chống lại bọn phản bội quyền lợi dân tộc, quyền lợi Tổ quốc.

Thấy không thể phá hoại được tinh thần anh chị em, và chưa thỏa mãn với cách để anh chị em chết hao chết mòn dần dần, bọn Mỹ - Diệm đã âm mưu giết chết hàng loạt anh chị em. Đó là nguyên nhân vụ thảm sát ngày 1-12-1958. Hôm đó như thường lệ, đến bữa ăn anh chị em cùng nhau ra ăn cơm. Nhưng vừa ăn xong thì ai nấy đều ôm bụng kêu la, nằm xuống dẫy dụa, có người thể chất yếu hoặc trúng độc mạnh thì chết lịm ngay.

Cảm biết là nhà cầm quyền miền Nam bỏ thuốc độc, cả trại náo động kêu la ầm ỹ đòi bọn chúng mở cửa nhà giam cứu chữa.

Nhưng bọn cai ngục đã được chỉ thị ra lệnh cho lính khóa chặt các cửa nhà giam, đồng thời bủa lính bao vây trại, canh giữ nghiêm ngặt các ngả đường ra vào.

Một số ít anh chị em đã cố đu người lên xà nhà dỡ nóc nhà
trèo lên kêu cứu, đòi chính quyền miền Nam phải đem thuốc men cứu chữa. Nhưng bọn Mỹ - Diệm đã cho lính bắn xả vào giết chết một số.

Tính ra chỉ trong ngày 1-12 hơn 1.000 anh chị em đã bị chết rất thê thảm. Số còn lại thì nằm mê man bất tỉnh.

Trong lúc anh chị em trong các trại giam kêu la ầm ĩ thì đồng bào xung quanh dò hỏi biết tin rất kinh hoảng và căm phẫn, nhiều người kéo nhau tản cư về phía Sài Gòn, Chợ Lớn.

Đến ngày 2-12 thêm một số anh chị em nữa bị chết. Hơn 4.000 anh chị em còn lại đã nhất tề tuyệt thực đấu tranh đòi Mỹ - Diệm phải cứu chữa những người còn lại. Nhiều anh em cố gượng leo lên dỡ nóc nhà kêu cứu. Tiếng la thét vang dậy cả khu trại.

Bọn Mỹ - Diệm lập tức điều động thêm về Phú Lợi một trung đoàn bộ binh bao vây chặt chẽ trại tập trung, lùng khắp các xóm làng lân cận, hạ lệnh giới nghiêm, cấm nhân dân tụ họp bàn tán.

Chúng lại cho xe vòi rồng đến phun nước đàn áp cuộc đấu tranh. Từ sân tập bắn, hàng loạt súng liên thanh nổ dồn vào phía các nhà giam. Anh chị em đã yếu sức bị chết thêm một số, có anh chị em bị nước phun ngã từ trên xà nhà xuống gẫy tay chân hay vỡ sọ mà chết lập tức.

Bọn Mỹ - Diệm muốn làm cho phi tang đã đưa dầu xăng phun vào trại và ném bùi nhùi đốt. Có một nhà giam bốc cháy, một số anh chị em còn sống bị chết thiêu. Nhiều xác chết từ hôm 1-12 đã bị cháy tiêu.

Đồng bào xung quanh châu thành rất căm phẫn Mỹ - Diệm và thương xót cho các nạn nhân, đã mua thuốc men kéo đến đòi được giúp đỡ những người bị nạn. Các gia đình có thân nhân bị giam giữ rất là xao xuyến đã đòi các báo chí Sài Gòn cho biết tin tức. Nhưng bọn Mỹ - Diệm cố tình bưng bít không cho các báo đả động đến việc này.

Muốn đánh lừa dư luận bọn Mỹ - Diệm cho tung tin là ở Bình Dương có bệnh ôn dịch, tù nhân bị bệnh mà chết.

Nhưng ai cũng biết là nói láo, vì sau khi vụ này xảy ra, người ta đã đem cơm cho chó ăn thì chó chết, bỏ cho cá ăn thì cá chết. Cuối cùng chính quyền miền Nam lại tung tin là các tù nhân uống thuốc độc tự tử để đánh lừa dư luận. Nói láo nữa! đồng bào chúng ta ở miền Nam là những người yêu nước đã có một truyền thống anh dũng bất khuất, dẫu bị khổ sở dưới sự khủng bố của Mỹ - Diệm vẫn đấu tranh để sống, để đuổi Mỹ - Diệm ra khỏi miền Nam, để thống nhất nước nhà, không khi nào có cái tư tưởng tự sát. Luận điệu Mỹ - Diệm nhất định không lừa dối được ai, không lừa dối được nhân dân ta, không lừa dối được dư luận thế giới.

*

*           *

Thưa các vị đại biểu,

Những hành động điên cuồng của bọn Mỹ - Diệm chứng tỏ điều gì?

Nó chứng tỏ rằng bọn đế quốc Mỹ cướp nước, bọn Ngô Đình Diệm bán nước không từ một thủ đoạn gì mà không dùng để duy trì quyền thống trị của chúng. Mấy năm nay do Mỹ xúi giục Ngô Đình Diệm đã gây ra rất nhiều tội ác. Những vụ tàn sát người kháng chiến cũ và đồng bào ta ở Vĩnh Trinh, Hướng Điền, Ngân Sơn, Chí Thanh, Mỏ Cày, Bình Thành, những cuộc khủng bố tra tấn đến chết người ở các trại tập trung Hòa Vang, Đại Lộc, ở các nhà lao Côn Đảo, Chí Hòa… đã gây căm thù sôi sục trong đồng bào cả nước. Những hành động dã man đối với chị Trần Thị Nhâm mà mọi người chúng ta đều biết đã phơi bày rõ rệt bản chất bất nhân phi nghĩa của bọn độc tài thống trị ở miền Nam. Đến vụ thảm sát Phú Lợi thì bộ mặt ghê tởm của Mỹ - Diệm đã đến cực độ. Tìm những ví dụ trong lịch sử chúng ta phải nghĩ đến thời Hítle với các trại tập trung như: Anschwitz – Birkenau Pawiack ở Ba Lan, Dachau ở Đức. Có khác là Hítle đã giết người trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng Ngô Đình Diệm đã giết người hàng loạt trong thời kỳ hòa bình lập lại đã hơn 4 năm!

Những hành động điên cuồng ấy không phải nói lên sức mạnh của Mỹ - Diệm đâu. Trái lại nó làm cho mọi người thấy thái độ của một kẻ yếu thế hoảng sợ làm liều mà thôi. Mỹ càng thâm nhập vào miền Nam, tình hình miền Nam càng bế tắc, nhân dân miền Nam càng căm thù mà đấu tranh thêm mãnh liệt. Thấy dư luận miền Nam và cả nước phản đối, Mỹ - Diệm đã báo thù bằng cách giết những người tay không, không những tay không, mà lại đã bị mất tự do, bị giam hãm trong trại tập trung. Có cái hành động nào hèn bằng cái hành động giết người ở trong nhà tù mà lại giết bằng cách bỏ thuốc độc vào bữa ăn!

Chúng ta hãy tưởng tượng hàng nghìn đồng bào ruột thịt của chúng ta vì yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, muốn thống nhất đất nước mà đã chịu giam cầm bấy lâu nay, đang cố chịu đựng mọi gian khổ để sống, để rồi được về với gia đình, góp phần xây dựng Tổ quốc, mong có ngày được thấy mặt Hồ Chủ tịch để thỏa lòng mong ước mấy lâu nay. Mà nay bỗng nhiên ăn phải thuốc độc của Mỹ - Diệm, ôm bụng kêu la, người thì trợn mắt, người thì sùi bọt miếng, ỉa đái lan tràn, nằm xuống giẫy giụa trên cứt đái, trên đồ ăn mửa ọe ra, rồi nằm chết gục ngay, xác này sắp trên xác khác. Kẻ ở trên sạp, kẻ ở dưới nền, kẻ còn thoi thóp thì cố bò ra cửa để kêu cứu! Ai mà cầm lòng được trước tình cảnh thê thảm như thế! Chúng ta tự hỏi: Mỹ - Diệm còn tàn ác đến mức nào nữa? Các đồng bào ta bị giam ở trại Phú Lợi còn sống lại đã có một số bị Mỹ - Diệm chuyển đi nơi khác nay còn sống hay đã chết? Rồi các đồng bào ta ở hàng ngàn nhà giam khác thì sao? Và toàn thể nhân dân miền Nam đang ở dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm thế nào. Mối lo âu của chúng ta bao giờ mới hết, lòng căm phẫn của chúng ta lên đến mức nào?

Chúng ta quả quyết rằng: những hành động tàn ác bỉ ổi của Mỹ - Diệm không làm nhụt trí đấu tranh của đồng bào miền Nam mà chỉ gây căm phẫn thêm cho đồng bào miền Nam, cho đồng bào toàn quốc.

Hơn bốn năm nay Diệm theo lệnh của Mỹ đã bày ra trò tố cộng để tàn sát đồng bào miền Nam. Nhưng kết quả là càng tố cộng thì nhân dân ta càng đoàn kết đấu tranh và Diệm càng bị cô lập.

Vụ thảm sát Phú Lợi cùng với các cuộc tàn sát khác chẳng những không cứu vãn được tập đoàn Ngô Đình Diệm, không dập tắt nổi phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam, mà trái lại nhất định càng làm cho lửa căm thù của nhân dân ta bốc cháy thêm mạnh, phong trào tố cáo tội ác Ngô Đình Diệm thêm kịch liệt.

Nhân dân ta thấy thêm rõ Mỹ - Diệm đã hết bày trò giả nhân giả nghĩa, đã lòi mặt đại gian đại ác, đối với Mỹ - Diệm chỉ có một cách là tích cực và bền bỉ đấu tranh để đi đến tiêu diệt chúng.

Ở đây chúng ta không nói đến việc tập đoàn Ngô Đình Diệm vi phạm Hiệp định Giơnevơ, chúng đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ nhiều lần, chúng ta không lấy làm lạ nữa. Chúng ta cũng thừa hiểu Ngô Đình Diệm chỉ có thể duy trì thế lực bằng lừa phỉnh và đàn áp, lừa phỉnh không được thì đàn áp, điều đó cũng là tất nhiên. Điều mà chúng ta không thể tưởng tượng được là cũng là người, cũng là người Việt Nam mà lại mất lương tri đến chỗ dùng thủ đoạn hèn mạt giết hại đồng bào đã lọt vào trong tay mình rồi, đang bị giam giữ chặt chẽ với bộ đội, công an, cảnh sát vòng trong vòng ngoài, mà lại giết một lần đến hơn ngàn người!

Trước cái tang đau đớn này, nhân dân cả nước ta biến đau thương thành sức mạnh càng phải quyết tâm đoàn kết chống lại dã tâm phản nước hại dân của Ngô Đình Diệm, phản đối đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam nước ta.

Chúng ta kêu gọi dư luận thế giới kịch liệt lên án hành động phản nhân đạo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Bọn đế quốc Mỹ và tay sai của chúng càng hung hãn thì càng bị đông đảo nhân dân ta phản đối và nhất định càng mau đi đến chỗ thất bại nhục nhã.

Để tỏ lòng thương tiếc các đồng bào ta đã bị nạn ở trại tập trung Phú Lợi, tôi đề nghị các vị đứng dậy mặc niệm một phút.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
(https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=600)


Wednesday 21 September 2022

Lời kêu gọi của Tổng thống Nga V.Putin

Điện Kremlin, Moscow
Ngày 21 tháng 9 năm 2022
Các bạn kính mến!
Chủ đề bài phát biểu của tôi hôm nay là tình hình ở Donbas và tiến trình chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm giải phóng Donbass khỏi chế độ tân quốc xã thuộc chính quyền Ukraine sau cuộc đảo chính nhà nước có vũ trang vào năm 2014.
Tôi xin gửi lời tới tất cả công dân đất nước chúng ta, những người thuộc các thế hệ, lứa tuổi và dân tộc khác nhau, nhân dân của Tổ quốc vĩ đại của chúng ta, tất cả những ai gắn bó bởi lịch sử nước Nga vĩ đại, những người lính và sĩ quan, những người tình nguyện hiện đang chiến đấu trên tiền tuyến, đang ở trên vị trí chiến đấu, các anh chị em của chúng ta là các cư dân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, các vùng Kherson và Zaporozhye và các khu vực khác đã được giải phóng khỏi chế độ tân quốc xã.
Tôi đang nói về những bước cần thiết, cấp bách để bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nga; về việc ủng hộ khát vọng và ý nguyện của đồng bào ta có quyền tự xác định tương lai của mình; về chính sách hiếu chiến của một bộ phận trong giới tinh hoa Phương Tây đang bằng mọi thủ đoạn và lực lượng duy trì quyền thống trị của họ. Để đạt được mục đích đó, họ ngăn chặn, chế áp bất kỳ trung tâm phát triển độc lập có chủ quyền nào nhằm tiếp tục áp đặt thô bạo ý chí của họ lên các quốc gia và dân tộc khác và gieo rắc những giá trị giả tạo của họ.
Mục đích của bộ phận Phương Tây này là làm suy yếu, chia rẽ và cuối cùng là hủy diệt đất nước chúng ta. Họ đã công khai nói điều này vào năm 1991 rằng họ đã làm tan rã Liên bang Xôviết và giờ đây đã đến lúc họ sẽ phải làm tan rã nước Nga thành nhiều vùng và khu vực thù địch tiêu diệt lẫn nhau.
Họ đã hoạch định những kế hoạch như vậy từ rất lâu. Họ khuyến khích các băng nhóm khủng bố quốc tế ở Kavkaz và triển khai cơ sở hạ tầng tấn công của NATO sát biên giới của chúng ta. Họ thổi bùng và sử dụng tâm lý bài Nga làm vũ khí. Trong nhiều thập kỷ, họ ra sức nuôi dưỡng lòng căm thù đối với nước Nga, chủ yếu ở Ukraine-nơi họ đang chuẩn bị địa bàn chống Nga và biến người dân Ukraine thành bia đỡ đạn và đẩy họ vào cuộc chiến tranh với đất nước chúng ta. Cuộc chiến tranh này được khởi đầu vào năm 2014, trong đó họ sử dụng các lực lượng vũ trang chống lại dân thường, tổ chức hoạt động diệt chủng, phong tỏa và khủng bố chống lại những người từ chối thừa nhận chính quyền phi pháp ở Ukraine sau một cuộc đảo chính nhà nước.
Sau khi chế độ hiện tại ở Kiev thực sự công khai từ chối giải pháp hòa bình cho vấn đề Donbass và thế hơn nữa tuyên bố sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân, thì không thể tránh khỏi một cuộc tấn công quy mô lớn mới như đã từng xảy ra hai lần trước đó nhằm vào Donbass. Dĩ nhiên, tiếp theo sau đó sẽ là một cuộc tấn công nhằm vào Crimea, nghĩa là tấn công Nga.
Hiện nay Cộng hòa Nhân dân Luhansk đã gần như được giải phóng hoàn toàn khỏi chủ nghĩa phát xít mới. Giao tranh ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk vẫn tiếp diễn. Tại đây, trong tám năm, chế độ chiếm đóng Kiev đã xây dựng tuyến công sự vững chắc theo chiều sâu. Cuộc tấn công trực diện vào họ sẽ dẫn đến tổn thất nặng nề.
Vì vậy, các đơn vị của chúng ta, cũng như các đơn vị quân đội của các nước cộng hòa Donbass, phải hành động một cách có hệ thống, chuyên nghiệp, sử dụng thiết bị, bảo vệ nhân lực và từng bước giải phóng vùng đất Donetsk, xóa sổ các lực lượng tân quốc xã ra khỏi các thành phố và thị trấn, giúp đỡ và hỗ trợ người dân mà chế độ Kiev đã biến họ thành con tin và thành lá chắn sống.
Như các bạn đã biết, tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt là quân nhân chuyên nghiệp phục vụ theo hợp đồng. Cùng sát cánh chiến đấu với họ là các đội tình nguyện gồm những người thuộc các dân tộc, ngành nghề, lứa tuổi khác nhau và đều là những người yêu nước chân chính. Theo tiếng gọi của trái tim, họ đã đến để bảo vệ Nga và Donbass.
Về vấn đề này, tôi đã chỉ thị cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng trong thời gian ngắn nhất xác định quy chế hợp pháp đầy đủ nhất của các tình nguyện viên cũng như các chiến binh thuộc các đơn vị của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Quy chế đó cũng giống như đối với các quân nhân thường trực của quân đội Nga, bao gồm hỗ trợ vật chất, y tế và bảo hiểm xã hội. Đặc biệt chú ý đến việc tổ chức cung cấp mọi trang bị và khí tài cho các đơn vị tình nguyện và các phân đội dân quân nhân dân Donbass.
Trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ Donbass, các đơn vị của chúng ta căn cứ vào các kế hoạch và quyết định của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu về chiến lược hành động chung, đã giải phóng các vùng lãnh thổ đáng kể của Kherson, Zaporozhye và một số khu vực khác thoát khỏi ách chiếm đóng của tân phát xít. Kết quả là, một tuyến giao tranh giữa hai bên được hình thành kéo dài hơn một nghìn km.
Đây là điều hôm nay tôi muốn nói công khai lần đầu tiên. Ngay sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, trong đó có các cuộc đàm phán tại Istanbul, các đại diện của Kiev đã phản ứng rất tích cực với các đề xuất của chúng ta. Những đề xuất này chủ yếu liên quan đến việc đảm bảo an ninh của Nga và lợi ích của chúng ta. Nhưng rõ ràng là giải pháp hòa bình không phù hợp với Phương Tây. Do đó, sau khi đạt được một số thỏa thuận nhất định, Kiev nhận được lệnh trực tiếp phá bỏ mọi thỏa thuận.
Ukraine bắt đầu được trang bị vũ khí nhiều hơn. Chế độ Kiev đã thành lập các băng nhóm mới gồm lính đánh thuê nước ngoài và những người theo chủ nghĩa dân tộc, các đơn vị quân đội được đào tạo theo tiêu chuẩn NATO và dưới sự chỉ huy của các cố vấn Phương Tây.
Đồng thời, chính quyền Kiev áp đặt chế độ đàn áp trên khắp Ukraine đối với chính công dân của họ. Chế độ đàn áp này đã từng được thiết lập ngay sau cuộc đảo chính vũ trang năm 2014. Chính sách uy hiếp, khủng bố và bạo lực có quy mô ngày càng lớn và khủng khiếp, man rợ hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta biết rằng phần lớn người dân sống trong các lãnh thổ được giải phóng khỏi chế độ tân quốc xã, trước hết là những vùng đất lịch sử của Novorossia, không chịu nằm dưới ách thống trị của chế độ tân quốc xã. Ở Zaporozhye, ở vùng Kherson, ở Lugansk và Donetsk, họ đã thấy và đang chứng kiến những hành động tàn bạo mà những người theo chủ nghĩa phát xít mới đang thực hiện tại các khu vực bị chiếm đóng của vùng Kharkov. Những kẻ thừa kế tư tưởng Bandera và những kẻ tội phạm tân quốc xã giết đã và đang giết hại, tra tấn, bỏ tù, đàn áp và hành hạ người dân.
Hơn bảy triệu rưỡi người sinh sống ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, các vùng Zaporozhye và Kherson trước khi bùng nổ chiến sự. Nhiều người trong số họ buộc phải trở thành người tị nạn và rời bỏ nhà cửa. Những người còn lại, khoảng năm triệu, ngày nay phải hứng chịu những đợt pháo kích và tên lửa bắn phá liên tục của các chiến binh tân phát xít. Chúng tấn công các bệnh viện, trường học và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào dân thường.
Chúng ta không thể và không có quyền đạo đức bỏ mặc cho những người thân của chúng ta bị những tên đao phủ sát hại.
Chúng ta không thể không đáp lại mong muốn chân thành tự định đoạt số phận của mình. Quốc hội các nước cộng hòa nhân dân Donbass, cũng như chính quyền quân sự-dân sự của các khu vực Kherson và Zaporozhye đã quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của những vùng lãnh thổ này và để nghị chúng ta, nước Nga, hỗ trợ để thực thi quyết định này.
Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ làm mọi cách để đảm bảo các điều kiện an toàn cho việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để mọi người có thể bày tỏ ý chí của mình. Chúng ta sẽ ủng hộ quyết định của đa số người dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, các vùng Zaporozhye và Kherson về tương lai của họ.
Các bạn kính mến!
Như tôi đã nói, lúc này các lượng vũ trang của chúng ta đang hoạt động trên các tuyến tiếp xúc chiến đấu, hàng xa hàng ngàn km. Họ đang phải đối đầu không chỉ với các đội quân tân phát xít mà trên thực tế là toàn bộ máy của Phương Tây.
Trước tình hình đó, tôi cho rằng cần phải đưa ra quyết định hoàn toàn phù hợp với những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt. Đó là phải bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền và toàn bộ lãnh thổ, đảm bảo an ninh cho nhân dân và con người trên các vùng lãnh thổ đã được giải phóng. Do đó, tôi cho rằng cần ủng hộ đề xuất của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu về công việc động viên từng phần.
Tôi nhắc lại, chúng ta đang nói về việc động viên từng phần, nghĩa là chỉ đông viên nhập ngũ những công dân hiện đang trong diện dự bị và trước hết là những người đã từng phục vụ trong Các lực lượng vũ trang có chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan.
Những người được gọi nhập ngũ sẽ được huấn luyện quân sự bổ sung có tính đến kinh nghiệm hoạt động quân sự đặc biệt trước khi được điều động đến các đơn vị chiến đấu.
Sắc lệnh động viên từng phần đã được ký ngày hôm nay. Theo quy định của pháp luật, Sắc lệnh này được thống báo tới các ban của Quốc hội Liên bang gồm Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia..
Các biện pháp động viên sẽ bắt đầu được thực hiện từ hôm nay, ngày 21 tháng 9. Tôi chỉ thị cho người đứng đầu các khu vực sẽ trợ giúp cần thiết cho của các ủy viên quân sự.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng các công dân Nga được gọi nhập ngũ theo diện động viên sẽ nhận được quy chế, các khoản thanh toán và mọi bảo đảm xã hội như quân nhân phục vụ theo hợp đồng.
Tôi nói thêm rằng, Sắc lệnh động viên từng phần còn quy định thêm các biện pháp bổ sung để thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng. Người đứng đầu các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết các nhiệm vụ tăng gia sản xuất vũ khí, khí tài và triển khai bổ sung năng lực sản xuất. Đến lượt mình, mọi vấn đề về vật chất, nguồn lực và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp quốc phòng phải được Chính phủ giải quyết ngay lập tức.
Các bạn kính mến!
Trong chính sách chống Nga điên cuồng của mình, Phương Tây đã vượt qua mọi giới hạn có thể. Chúng ta liên tục nghe thấy những lời đe dọa chống lại đất nước Nga, người dân Nga. Một số chính trị gia vô trách nhiệm ở Phương Tây không chỉ nói về các kế hoạch tổ chức cung cấp vũ khí tấn công tầm xa cho Ukraine. Đó là những hệ thống vũ khí cho phép Ukraina tấn công Crimea và các khu vực khác của Nga.
Hiện nay các cuộc tấn công khủng bố như vậy, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí của Phương Tây, đã được thực hiện nhằm vào các khu dân cư sát biên giới của các vùng Belgorod và Kursk. Trong thời gian thực, NATO sử dụng các hệ thống hiện đại, máy bay, tàu chiến, vệ tinh, máy bay không người lái chiến lược thực hiện trinh sát khắp miền nam nước Nga.
Lúc này Washington, London và Brussels đang trực tiếp thúc đẩy Kiev chuyển các hoạt động quân sự sang lãnh thổ của chúng ta. Không hề che giấu, họ tuyên bố rằng Nga nên bị đánh bại bằng mọi cách trên chiến trường, tiếp theo là tước đoạt chủ quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, nói chung và bất kỳ hình thức chủ quyền nào nhằm cướp đoạt hoàn toàn đất nước ta.
Lúc này người ta đã bắt đầu đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó không chỉ là các vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye được Phương Tây khuyến khích và tiềm ẩn hiểm họa gây ra thảm họa hạt nhân, mà còn về tuyên bố của một số đại diện cấp cao của các quốc gia hàng đầu NATO về khả năng chấp nhận của sử dụng vũ khí hạt nhân-một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, để chống lại Nga.
Tôi muốn nhắc nhở những ai tự cho phép mình tuyên bố như vậy về Nga rằng, đất nước chúng tôi có nhiều phương tiện hủy diệt khác nhau, trong đó có một số thành phần hiện đại hơn so với các nước NATO. Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý mình để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải là cách nói phóng đại đâu.
Tôi nhấn mạnh lại điều này: các công dân Nga có thể vững tin rằng, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc của chúng ta, nền độc lập và tự do của chúng ta sẽ được giữ vững bằng tất cả các phương tiện hiện có của chúng ta. Còn những ai đang mưu toan đe dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng đón đáp trả sẽ ngay lập tức giáng xuống đầu họ.
Truyền thống lịch sử của chúng ta và vận mệnh của dân tộc chúng ta là ngăn chặn những kẻ mưu đồ thống trị thế giới, những kẻ đe dọa chia cắt và nô dịch Đất Mẹ chúng ta, Tổ quốc của chúng ta. Chúng ta sẽ làm điều đó ngay bây giờ và sẽ là như vậy.
Tôi tin vào sự ủng hộ của các bạn.
Consulate General of the Russian Federation in Da Nang Báo Thế giới & Việt Nam Russian Foreign Ministry - МИД России Генеральное консульство России в г.Хошимине / TLSQ Nga tại tp HCM Русский Дом в Ханое/ Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội

Monday 10 January 2022

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (tiếp theo và hết) (An Chi - Năng Lượng Mới)

 

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (tiếp theo và hết)

07:30 | 21/11/2015

|
Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng có câu "Mực thước thế gian dầu có phải. Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày" (Bảo Kính 172.5)".  

AC: PAD-NCT khẳng định rằng "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa" (đây là tên của tiểu đề mục 3). Vậy đó là những nghĩa nào? Hai tác giả này cho biết như sau: "Mực bộ thổ có nghĩa là đen, tham ô, mực (viết), một hình phạt (bôi mực lên chữ thích trên mặt), đạo Mặc, một đơn vị đo lường (bằng năm thước). Các từ cá (con) mực, chó mực cho thấy cách dùng mực đã phổ thông trong tiếng Việt như mực (viết)". Nhưng những nghĩa này cho thấy tên của tiểu đề mục 3 mà PAD-NCT đã đặt ra là một cách gọi hoàn toàn không thích hợp vì "mức" trong tiếng Việt không hề có các nghĩa đó. Rồi họ lại khẳng định rằng nghĩa cổ của "mặc"

[墨] là "đo, mức độ" thì điều này cũng rất sai. "Đo" là một động từ, còn "mức độ" là một danh ngữ có nghĩa khái quát trong khi "mặc" là tên của một đơn vị đo chiều dài cụ thể. Trong 15 nghĩa của "mặc ≡ mực" [墨] đã cho trong Hán ngự đại tự điển (Thành Đô, 1993), không có nghĩa nào là "mức độ". Ta không biết PAD-NCT căn cứ vào đâu mà ghi nghĩa như trên; chỉ biết trước khi dẫn Tiểu nhĩ nhã thì ngay bên trên, Khang Hy tự điển đã ghi một cách cực kỳ súc tích rằng "(mặc [墨] là) độ danh [度名]", mà nếu dịch một cách chính xác thì "độ danh" là "tên [của đơn vị] đo lường". Thì đây: "Ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng)". Vậy "mặc" bằng 5 thước và bằng 1/2 trượng; sao lại nói "mặc" có nghĩa là "mức độ"? Thêm nữa, PAD-NCT cũng dịch không sát nghĩa câu "Bất quá mặc trượng tầm thường chi gian" trong Chu ngữ thành "chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng". Rất sai. "Tầm, thường" ở đây cũng có nghĩa cụ thể như "mặc" và "trượng". "Bát xích vi tầm, bội tầm vi thường" [八尺为尋,倍尋为常], nghĩa là "tám thước là một tầm, gấp đôi tầm là một thường". Vậy nếu đã dịch "mặc", "trượng" thành đơn vị đo lường thì cũng phải dịch "tầm", "thường" thành tên các đơn vị đo lường cho nhất quán chứ không thể dịch "tầm" và "thường" của tiếng Hán thành "tầm thường" trong tiếng Việt được. Và "bất quá" ở đây cũng không phải là "chẳng qua" (trong tiếng Việt), mà là "không bằng" (do ý "không quá" mà ra). Vậy "bất quá mặc trượng tầm thường chi gian" [不過墨丈尋常之間], là "không vượt qua khỏi cái độ dài của mặc, của trượng, của tầm, của thường", tức là nhỏ nhoi, ngắn ngủi.

Hai tác giả cũng không đúng vì cho rằng trong câu Kiều "Phong lưu rất mực hồng quần" thì chữ "mực" phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc", "phù hợp với nghĩa cổ ở trên", tức là nghĩa mà họ đã ghi là "đo, mức độ". "Mực" ở đây phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc" thì dĩ nhiên là đúng nhưng nói rằng nó liên quan đến nghĩa "đo, mức độ" thì sai vì, như đã nói, "mực" (≡ "mặc") là tên một đơn vị đo lường cụ thể chứ không phải là một từ chỉ mức độ chung chung. Cũng vậy đối với chữ "mực" trong câu "Mực thước thế gian dầu có phải" của Nguyễn Trãi. Còn nó liên quan đến cái gì thì chúng tôi sẽ nói sau.

PAD-NCT: "(…) mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt, vẫn còn giữ nghĩa cổ của mặc 墨 là mức, độ, trong khi đó ở Hán ngữ nét nghĩa này có phần mai một, đây là một điều rất đáng lưu ý khi tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, người Việt".

AC: Nhưng, như đã nói ở ngay trên đây, "mặc" [墨] không hề có nghĩa cổ là "mức, độ". Cái nghĩa "ngũ xích vi mặc" [五尺爲墨] của chữ "mặc" [墨] mà hai tác giả đã dẫn từ Tiểu nhĩ nhã là một khái niệm về đơn vị đo chiều dài cụ thể, hoàn toàn cụ thể, mà họ đã cưỡng chế thành hoàn toàn khái quát là "đo, mức độ". Ta cũng không biết được hai ông đã thống kê bằng phương pháp nào mà có thể khẳng định rằng "mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt". Còn "mực" với nghĩa là "mức" liên quan đến cái gì thì chúng tôi cũng sẽ nói đến ngay dưới đây.

PAD-NCT: "Mực còn có thể là mặc bộ mịch 纆 [……….] TVGT (Thuyết văn giải tự - AC) ghi mực là sách dã 索也 (dây thừng). Đây là một nghĩa mà rất ít người biết đến! Ta có thể tìm thấy cách dùng chữ mực (viết) thông với dây đo mực 墨 (mực viết) hay mực/mức 纆 (dây đo) đã dùng tương đương trong thư tịch Hán cổ - được ghi nhận bởi học giả nhà Hán Dương Hùng 揚雄 (53 TCN - 18 SCN) trong Giải Trào, một chuyên gia (cũng như là tác giả) "Phương Ngôn"[………]".

AC: Vậy thì cái nghĩa "dây, thừng" ("sách dã" [索也]) của chữ "mặc" [墨] và, hiện tượng chữ "mặc" [墨] bộ "thổ"

[土] cũng dùng thay cho chữ "mặc" [纆] bộ "mịch" [糸] do đâu mà ra? Xin thưa rằng "dây, thừng" (sách dã) thực chất là một cái nghĩa phái sinh từ nghĩa "mực" của chữ "mặc" [墨]. Đó là một hoán dụ đã từ vựng hoá từ danh ngữ "mặc thằng" [墨繩], tức là "dây [có thấm] mực". Nhiều nguồn thư tịch như tc.wangchao.net.cn, zhidao.baidu.com, v.v... đều cho biết rằng "trọng thùy tuyến tại cổ đại thời hậu đích khiếu pháp thị mặc thằng" [重垂线在古时候的叫法是"墨绳"], nghĩa là "vào thời cổ xưa thì mặc thằng là cách gọi dùng để chỉ dây dọi (fil à plomb [Pháp]; plumb line [Anh])". Các quyển từ điển Hán Anh trực tuyến đều dịch "mặc thằng" [墨绳] thành "inked marking string", nghĩa là "dây [có thấm] mực [dùng để] đánh dấu". Trở xuống, chúng tôi sẽ gọi "mặc thằng" là "dây mực" cho gọn. Trong cái đấu mực, tức "mặc đẩu" [墨斗], thì dây mực là bộ phận chính dùng để nảy mực lên gổ làm chuẩn cho việc cưa, xẻ theo đường thẳng. "Nảy mực", tiếng Hán xưa gọi là "phụ thằng" [負繩], mà baike.com/wiki giảng là "dụng mặc thằng đả trực tuyến vu mộc" [用墨绳打直线于木], nghĩa là "dùng dây mực [để] kẻ đường thẳng trên gỗ". Còn Tàu hiện đại thì gọi "nảy mực" (tức "phụ thằng") là "đàn tuyến"

[彈綫]. Nếu hiểu thành danh từ thì "đàn tuyến" là "dây dùng để nảy mực lên gỗ" còn ở đây, chúng tôi hiểu theo động từ, tức là "nảy mực bằng dây mực" (tiếng Việt cũng có dị bản dùng "nẻ" thay cho "nảy"). "Nảy mực bằng dây mực" thường được nói tắt thành "nảy mực", như có thể thấy trong thành ngữ "cầm cân, nảy mực". Và chính vì căn cứ vào cái thực tế cụ thể và hiển nhiên này mà chúng tôi khẳng định rằng "mực ở đây là cái chất sệt thường là màu đen, dùng để viết, vẽ, đánh dấu, v.v... chứ không phải là cái dụng cụ của nghề mộc, như PAD-NCT đã khẳng định, và như chúng tôi sẽ phê phán ngay dưới đây. PAD-NCT: Mực tàu có hiệu Đốc Thằng thẳng ngay [………] "Mực tàu" ở đây chỉ một dụng cụ của thợ mộc vì đề mục đã xác định rõ là "Mộc công bộ", có lý hơn so với nghĩa thường hiểu (hiện nay) là mực (viết) của người Tàu (người Trung Hoa). Nếu mực trong mực tàu là mực viết/vẽ, thì đây chỉ là cách dùng đơn giản hóa trong tổ hợp "mực tàu" chỉ dụng cụ gồm ba thành phần chính: (a) mực (b) dây (thằng) và (c) tàu (hũ chứa, máng chứa mực)".

AC : Vì mải miết theo đuổi cách hiểu chủ quan của họ về hai tiếng "mực tàu" nên PAD-NCT đã không quan tâm đến đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của danh ngữ này. Hai tác giả cho rằng trong "mực tàu" thì "tàu" là "hũ chứa, máng chứa mực". "Tàu" thì đúng là "máng" nhưng phải là máng có kích thước to, cỡ như máng trong chuồng ngựa, chuồng voi chứ ngay cả máng lợn thì cũng chẳng ai gọi là "tàu". Thế cho nên ta chỉ có "tàu ngựa", "tàu voi", chứ không có "tàu lợn". Vậy "tàu" là một loại máng, nhưng phải là máng to. Đến như nói "tàu" là "hũ chứa [mực]" thì chỉ là nói đùa cho vui về kích thước của cái "tàu" mà thôi. Cái "tàu" không thể nằm gọn trong cái "mực tàu" của PAD-NCT được. Đó là nói về mặt ngữ nghĩa. Còn nói về cú pháp thì, nếu được phép dùng "tàu" với nghĩa "hũ", người ta cũng sẽ phải gọi cái đồ nghề của PAD-NCT là "tàu mực", chứ không phải "mực tàu" vì đây chỉ là cách nói "ngược" của Tàu mà thôi.

TẠM KẾT LUẬN: Với những nhận xét trên đây, ta đã có thể thấy rằng bài "Tản mạn về nghĩa của 'mực tàu' 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)" của PAD-NCT có nhiều chỗ sơ hở quan trọng nên không phải là chỗ dựa đáng tin cậy để tìm hiểu về nghĩa của hai tiếng "mực tàu". "Mực tàu", với chúng tôi, vẫn là mực Trung Hoa.

 

Năng lượng Mới 475

Sunday 9 January 2022

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (An Chi - Năng Lượng Mới

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông

14:14 | 16/11/2015

|
Bạn đọc: Trong bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE”, đăng trên Báo Năng lượng Mới số 454 (4-9) & 456 (11-9-2015), ông An Chi vẫn khẳng định rằng “Tàu” trong “mực tàu” là từ dùng để chỉ nước Trung Hoa. Mới đây, www.khoahocnet.com (29-10-2015) đã đăng bài “Tản mạn về nghĩa của ‘mực tàu’  墨艚  qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)” của Phan Anh Dũng/ Nguyễn Cung Thông. Xin ông An Chi cho biết nhận xét của ông về bài này. Xin cám ơn. LVT  (Phú Yên)  

Học giả An Chi: Chắc sẽ còn ít nhất là "phần 2" nên kỳ này chúng tôi chỉ xin nhận xét sơ bộ theo trình tự: PAD-NCT (ý kiến của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông) rồi liền ngay dưới là nhận xét của AC (An Chi). Sau đây là các chữ viết tắt của PAD-NCT : - VBL là Từ điển Việt Bồ La); - HV = Hán Việt.

PAD-NCT: "Sinh thì (nghĩa là chết/VBL) so với sinh thì (sinh thời, dạng này hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX cho đến nay) nghĩa là lúc còn sống".

AC: Hai tác giả đã so sánh không đúng. VBL có hai mục từ "sinh" khác nhau. Mục trước là "sinh, sóũ [sống]" mà A. de Rhodes dịch sang tiếng Bồ là "vivo" (= sống, còn sống) và tiếng La là "vivus,a,um" (cùng nghĩa). Còn mục sau là "sinh, lên" mà A. de Rhodes dịch sang tiếng Bồ là "subir" (= lên, lên cao) và tiếng La là "ascendo, is" (cùng nghĩa). Mục sau còn có "sinh thì, giờ lên" mà "giờ lên" chính là nghĩa của "sinh thì". Vậy "sinh" trong "sinh thì" là "lên" chứ không phải là "sống" nên không thể đánh đồng "sinh thì" ở đây với "sinh thời" hiện nay được. Huống chi, chính hai tác giả đã khẳng định rằng "sinh thời" chỉ "hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX" thì nó không thể trực tiếp dính dáng gì về nguồn gốc với "sinh thì" của VBL (1651). Từ điển từ cổ của Vương Lộc và Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện đều xác định rõ ràng rằng "sinh thì" chỉ là một lối nói riêng của Công giáo. Nó không thuộc tiếng Việt toàn dân. Vậy "sinh thời" không phải là "sinh thì" mở rộng nghĩa.

PAD-NCT: "Nhân danh dùng trong Kinh Thánh (nhân danh cha...) bây giờ đã mở rộng nghĩa (nhân danh đạo đức, nhân danh con người ...)".

AC: Cũng chẳng có mở rộng nghĩa gì cả. Chẳng qua là ở đây, Kinh Thánh đã xài lối nói của tiếng Việt toàn dân.    PAD-NCT: "bơm (bơm thơm - tóc bờm xờm, bù xù) - bây giờ không còn dùng nữa mà thay thế bằng nét nghĩa ống (máy) bơm từ kỹ thuật Tây phương nhập vào. AC: Ở đây hai từ "bơm" cũng chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau cả. Trong "bơm thơm" thì "bơm" là một hình vị không rõ nghĩa của tiếng Việt hiện đại còn trong "máy bơm" thì "bơm" là một động từ có nghĩa và xuất xứ cụ thể (< "pompe" của tiếng Pháp). Thật là dị thường khi hai tác giả lại đánh đồng "bơm" này với "bơm" kia!

PAD-NCT: "Ghe nghĩa là nhiều (VBL) bây giờ không còn dùng nữa, thay bằng danh từ ghe (tàu)". AC: Ở đây ta cũng có hai từ "ghe" hoàn toàn khác nhau. Làm sao có thể nói "ghe" trong "ghe tàu" đã thay thế cho "ghe" có nghĩa là nhiều. Ta chỉ có thể nói "ghe" (= nhiều) là một từ cổ còn từ đồng âm với nó là "ghe" (= thuyền) thì vẫn còn tồn tại trong phương ngữ Nam Bộ.

PAD-NCT: "Non dạ (VBL - buồn nôn) bây giờ hàm ý thiếu suy nghĩ, còn non nớt ...".

AC: Ở mục này, ta phải nhận xét với óc phê phán rằng đây là "nôn" chứ không phải "non", nhất là khi mà chính A. de Rhodes đã liên hệ "non dạ" với "buồn nôn". Đây có thể chỉ là do lỗi in ấn mà ta có thể thấy không ít trong VBL (nên chính A. de Rhodes cũng đã phải làm bảng "Đính chính" [Appendix - Errata declarationis linguae corrige] nhưng vẫn còn để sót nhiều).

PAD-NCT: "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa. Mực là một biến âm của mặc HV, thường là chữ mặc bộ thổ 墨 [……….] Chữ Mặc 墨 vốn có một nghĩa cổ là đo, mức độ. Khang Hy Tự Điển dẫn Tiểu nhĩ nhã và Chu ngữ: 小爾雅】五尺爲墨,倍墨爲丈。【周語】不過墨丈尋常之閒。 [Tiểu nhĩ nhã] ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng). [Chu ngữ ] bất quá mặc trượng tầm thường chi gian (chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng). Truyện Kiều có câu "Phong lưu rất mực hồng quần. Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê" rõ ràng mực câu này phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc", phù hợp với nghĩa cổ ở trên.

 

Năng lượng Mới 474

 

 https://petrotimes.vn/ve-mot-bai-viet-cua-phan-anh-dung-nguyen-cung-thong-349441.html

Friday 7 January 2022

Phan Anh Dũng/ Nguyễn Cung Thông – Tản mạn về nghĩa của “mực tàu” 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1) (Phan Anh Dũng & Nguyễn Cung Thông - Khoa Học)

 

Phan Anh Dũng/ Nguyễn Cung Thông – Tản mạn về nghĩa của “mực tàu” 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_m7c4ae7f7Lịch sử hình thành tiếng Việt bao gồm nhiều giai đoạn đặc biệt, phản ánh giao lưu ngôn ngữ vùng cũng như lịch sử phát triển dân tộc qua nhiều thời kỳ: từ khi giành lại độc lập từ phương Bắc và khai phá vùng đất phương Nam (Nam Tiến). Phần này chú trọng vào phạm trù nghĩa của cụm danh từ “mực tàu” và khuynh hướng thay đổi nghĩa trong văn bản Hán, Nôm và chữ quốc ngữ hiện nay. Tìm hiểu về hai chữ này là một hoạt động rất thú vị nhưng không kém gian nan, và cũng mở ra nhiều vấn đề cần phải khảo cứu thêm nữa trong quá trình hình thành tiếng Việt. Cách ghi âm tiếng TQ trong các bài này dựa vào hệ thống pinyin (Bính âm) phổ thông hiện nay. Các tài liệu viết tắt là TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes, 1651), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/1931/1954), HV (Hán Việt), BK (Bắc Kinh).

Phần này có trọng tâm là nêu ra các liên hệ ngữ âm nhưng không nhất thiết xác định nguồn gốc (Việt cổ hay Hán cổ …) của các trường hợp này. Trước hết, ta hãy nhìn tiếng Việt từ lăng kính lớn hơn của thời gian và sau đó là tìm hiểu chi tiết hơn phạm trù nghĩa của từng chữ mực và tàu cũng như khi mực tàu được dùng chung.

1. Sự thay đổi nghĩa của tiếng Việt trong vòng 370 năm (từ thời VBL)

Từ thời VBL ra đời (1651), tiếng Việt đã thay đổi phần nào – đây chỉ là hiện tượng rất tự nhiên vì số dân gia tăng, sự ổn định sau thời gian khai phá vùng đất phía Nam (Nam Bộ) cùng với giao lưu ngôn ngữ của các dân tộc ở Nam Bộ và chữ quốc ngữ đã phát triển và trở thành văn tự chính thức thay thế chữ Hán và chữ Nôm truyền thống. Vài thí dụ tiêu biểu sau đây cho thấy một chuỗi kết quả: phạm trù nghĩa có thể hoàn toàn biến mất cho đến hoàn toàn bảo lưu nghĩa vào thời VBL

sinh thì (nghĩa là chết/VBL) so với sinh thì (sinh thời, dạng này hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX cho đến nay) nghĩa là lúc còn sống

nhân danh dùng trong Kinh Thánh (nhân danh cha …) bây giờ đã mở rộng nghĩa (nhân danh đạo đức, nhân danh con người …)

niễng (niảng – thuyền ghe đi sông) bây giờ không còn dùng nữa

giáo tiền, giáo gạo (xin tiền, xin bố thí gạo) bây giờ không còn dùng nữa

bơm (bơm thơm – tóc bờm xờm, bù xù) – bây giờ không còn dùng nữa mà thay thế bằng nét nghĩa ống (máy) bơm từ kỹ thuật Tây phương nhập vào

ghe nghĩa là nhiều (VBL) bây giờ không còn dùng nữa, thay bằng danh từ ghe (tàu)

nồng nàn (VBL – khinh dễ) bây giờ có nghĩa tích cực, yêu nồng nàn (say đắm) …

đích xác nghĩa là vụng về, lôi thôi … Bây giờ không còn nghĩa tiêu cực này nữa

non dạ (VBL – buồn nôn) bây giờ hàm ý thiếu suy nghĩ, còn non nớt …

lịch sự (vẫn còn duy trì nghĩa thời VBL) là vết tích của khóa học trong Quốc Tử Giám thời nhà Minh (những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt Trung)

…v.v…

2. So sánh một số từ trong VBL và từ điển của Béhaine và Taberd

2.1 Từ chỉ thuyền bè

Từ điển VBL có khoảng 9000 mục từ, trong đó có 7 từ chỉ thuyền bè

– tàu

– thuyền

– đò

– mảng

– niểng (niảng)

– bè

– tam bản

Sau đó khoảng 120 năm, từ điển Béhaine (1772) với khoảng 29000 mục từ (so với 31000 mục từ của từ điển Taberd/1838) có 10 từ chỉ thuyền bè

– tàu

– thuyền

– đò

– bè

– ghe

– xuồng1

– sõng

– tam bản

– đà (đại trường đà)

– tiểu điếu (ghe tiểu điếu)

Để ý là tiếng Mường Bi (Thanh Hóa) vẫn còn dùng từ mảng chỉ thuyền nhỏ, không thấy dùng trong Nam Bộ cũng như niểng (VBL). Hai LM Béhaine và Taberd đều soạn tài liệu của mình từ thời kỳ ở Nam Bộ, so với không gian và thời gian khi VBL ra đời. Điều này dẫn đến cách gọi các dân tộc đã đến Nam Bộ khai phá, trong đó có người Trung Hoa – đa phần là Triều Châu cùng với người Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Đông, Khme, Việt Nam (từ Đàng Trong hay Đàng Ngoài) …v.v…

2.2 Từ chỉ người Trung Hoa

Để chỉ nước hay người Trung Hoa, VBL đã dùng các từ:

– Ngô (nước Ngô, thằng Ngô, bí Ngô, xống Ngô)

– Đại Minh (không thấy dùng Đại Thanh trong các tác phẩm còn để lại của de Rhodes)

– Nhà Hán

So với các từ dùng trong từ điển Béhaine và Taberd:

– Ngô

– Đại Minh

– Nhà Hán

– Đại Thanh

– Chệc

– A Chệc

– Tàu

– Khách

Số từ chỉ người TQ đã tăng vọt trong vòng 120 năm từ thời VBL. Khi so sánh VBL và Béhaine, số phần trăm tăng là 267 (%) cho số từ chỉ người TH so với khoảng 322 % tổng số từ tăng: một tỷ lệ rất đáng chú ý! Điều này không làm cho ta ngạc nhiên vì từ khi vua Chân Lạp (1623) cho chúa Nguyễn di dân Việt đến Prey Kor (Sài Gòn) làm ăn, không lâu sau đó là các đợt sóng di dân từ Quảng Đông (Minh Hương) khai phá vùng đất2 chằng chịt sông ngòi và bùn lầy này. Với bản tính chuộng buôn bán, người TH cùng dân bản địa đã tạo nên sinh khí mới cho Nam Bộ với tàu bè qua lại tấp nập. Thành ra, số (danh) từ chỉ người TH dĩ nhiên cũng tăng vọt.

Sau khi đã nhìn bức tranh Nam Bộ một cách tổng quát qua 4 thế kỷ, ta hãy xem lại phạm trù nghĩa của mực, tàu và cấu trúc “mực tàu” trong cùng giai đoạn.

3. Mực (hay mức) có nhiều nghĩa

3.1 Mực là một biến âm của mặc HV, thường là chữ mặc bộ thổ (thanh mẫu minh vận mẫu đức nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

莫北切 mạc bắc thiết (TVGT, ĐV)

密北切,音默 mật bắc thiết, âm mặc (TV, VH, LT, CV, LTCN 六書正𨫠)

莫佩切,音昧 mạc bội thiết, âm muội (TV, LT)

亡北切 vong bắc thiết (TTTH)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi – thời TNAV phụ âm cuối tắc (k/c) đã tha hóa

CV (1375) ghi cùng vần 墨 默 嘿 嚜 穆 纆 冒 媢 (mặc mạo)

…v.v…

Giọng BK bây giờ là mò méi so với giọng Quảng Đông mak6 maak6 và các giọng Mân Nam 客家话:[宝安腔] met8 [梅县腔] met8 [陆丰腔] met8 [客英字典] met8 [东莞腔] met8 [客语拼音字汇] med6 [海陆丰腔] met8 [沙头角腔] miet8 [台湾四县腔] met8, giọng Mân Nam/Đài Loan bak8, tiếng Nhật boku moku và tiếng Hàn mwuk.

Để ý vần bắc có thể biến âm thành bấc (gió bấc) so với mặc và *mậc hay mực.

Mực bộ thổ có nghĩa là đen, tham ô, mực (viết), một hình phạt (bôi mực lên chữ thích trên mặt), đạo Mặc, một đơn vị đo lường (bằng năm thước). Các từ cá (con) mực3, chó mực cho thấy cách dùng mực đã phổ thông trong tiếng Việt như mực (viết).

Chữ Mặc vốn có một nghĩa cổ là đo, mức độ. Khang Hy Tự Điển dẫn Tiểu nhĩ nhã và Chu ngữ: 【小爾雅】五尺爲墨,倍墨爲丈。【周語】不過墨丈尋常之閒。[Tiểu nhĩ nhã] ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng). [Chu ngữ ] bất quá mặc trượng tầm thường chi gian (chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng).

Truyện Kiều có câu “Phong lưu rất mực hồng quần. Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” rõ ràng mực câu này phải hiểu theo nghĩa “mức”, “bậc”, phù hợp với nghĩa cổ ở trên.

Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng có câu “Mực thước thế gian dầu có phải. Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày” (Bảo Kính 172.5) 4

Mực (mức) nước trong ruộng rất quan trọng đối với nhóm cư dân làm nông nghiệp ở đồng Bằng Bắc bộ thời xưa (có câu “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”), mực nước thuỷ triều cũng rất quan trọng đối với giao thông đường thuỷ, mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt, vẫn còn giữ nghĩa cổ của mặc là mức, độ, trong khi đó ở Hán ngữ nét nghĩa này có phần mai một, đây là một điều rất đáng lưu ý khi tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, người Việt.

3.2 Mực còn có thể là mặc bộ mịch (thanh mẫu minh vận mẫu đức nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

莫北切 mạc bắc thiết (TVGT, ĐV)

密北切,音默 mật bắc thiết, âm mặc (TV, VH, LT, CV, LTCN 六書正𨫠)

莫佩切,音昧 mạc bội thiết, âm muội (TV, LT)

亡北切 vong bắc thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi

CV (1375) ghi cùng vần 墨 默 嘿 嚜 穆 纆 冒 媢 (mặc mạo)

…v.v…

Giọng BK bây giờ là mò méi so với giọng Quảng Đông mak6 maak6 và các giọng Mân Nam 客家话:[宝安腔] met8 [梅县腔] met8 [陆丰腔] met8 [客英字典] met8 [东莞腔] met8 [客语拼音字汇] med6 [海陆丰腔] met8 [沙头角腔] miet8 [台湾四县腔] met8, tiếng Nhật boku moku.

TVGT ghi mực là sách dã 索也 (dây thừng). Đây là một nghĩa mà rất ít người biết đến!

Ta có thể tìm thấy cách dùng chữ mực (viết) thông với dây đo mực (mực viết) hay mực/mức (dây đo) đã dùng tương đương trong thư tịch Hán cổ – được ghi nhận bởi học giả nhà Hán Dương Hùng 揚雄 (53 TCN – 18 SCN) trong Giải Trào 解嘲, một chuyên gia (cũng như là tác giả) “Phương Ngôn”. Thật ra trước Dương Hùng một chút Sử Ký cũng có dùng mặc (mực) thay cho mặc (dây), 史记·南越列傳論》: “成敗之轉, 譬若糾墨。” Sử kí – Nam Việt liệt truyện luận: thành bại chi chuyển , thí nhược củ mặc. Đáng chú ý là trong Quốc Ngữ (thế kỷ XI TCN đến thế kỷ VIII TCN) đã ghi mực là dây đo của thợ mộc, cũng như Thái Huyền.

4. Tàu có nhiều nghĩa

4.1 Đóng tàu (VBL – trang 207, 727)

Tàu chỉ thuyền bè, một dạng chữ Nôm là dùng tào HV – đây là một chữ hiếm trong tiếng Trung (Quốc) hiện đại với tần số dùng 555 trên 430747376 (Unicode 825A). Chữ tào (thanh mẫu tùng/tòng , vận mẫu hào , bình thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết như sau

昨勞切 tạc lao thiết (QV)

昨槽切 tạc tào thiết (NT)

財勞切 tài lao thiết (TV, LT, VH, CV, TVi) –音曹 âm tào (TTTH, TVi)

CV ghi cùng vần 曹 槽 嶆 艚 漕 嘈 螬 (tào) và vận bộ hào

才豪切 tài hào thiết (CTT) –舟名 chu danh (CTT)

v.v…

Giọng BK bây giờ là cáo so với giọng Quảng Đông cou4 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] cau2 co2 [宝安腔] cau2 [海陆丰腔] cau2 co2 [客英字典] cau2 [梅县腔] cau2 [客语拼音字汇] cau2 (tsau2) co2 潮州话:zo, tiếng Nhật sou zou và tiếng Hàn co.

Một điểm đáng chú ý là có nhiều từ Hán cổ gần âm *tao để chỉ tàu (thuyền) như

Tao (sưu) (chỉ chung các loại thuyền) có các cách đọc sau (thanh mẫu tâm , vận mẫu hào )

蘇刀反 tô đao phản (LKTG)

蘇刀切 tô đao thiết (NT, QV, TTTH)

蘇彫切 tô điêu thiết (QV)

先彫切,音蕭 tiên điêu thiết, âm tiêu (TV, VH, LT)

蘇遭切 tô tao thiết (QV, TV, LT, TVi)

蘇曹切,音騷 tô tào thiết, âm tao (VH, TVi)

蘇后切 tô hậu thiết (TG 字鑑)

疏鳩切,音搜 sơ cưu thiết, âm sưu (TVi, CV)

疏鉤切,音搜 sơ câu thiết, âm sưu (CTT)

v.v…

Giọng BK bây giờ là sōu xiāo sāo so với giọng Quảng Đông sau1 sau2 và các giọng Mân Nam [Kwangtung] seu1 seu3 siau1 [Hailu] seu1 seu3 siau1 [Siyan] seu1 seu3 siau1 [Meixian] seu1 [Bao’an] siu1.

Đao là từ hiếm với tần số dùng là 30 trên 237243358, so với thuyền là 106175 trên 434717750, chu là 22693 trên 434717750 … Ngay cả chữ đao đã từng có nghĩa là thuyền con (Kinh Thi. Bài số 61 河廣 Hà quảng: 誰謂河廣、曾不容刀 – Thùy vị Hà quảng, tằng bất dung đao – Ai nói sông Hà rộng, từng không chứa nổi cái thuyền nhỏ !).

Đao có các cách đọc (thanh mẫu đoan vận mẫu hào ):

Âm đao 音刀 (LKTG)

Âm điêu 音貂 (LKTG)

都牢切 đồ lao thiết (QV) – âm đao 音刀

都勞切 đồ lao thiết (TV, VH, LT)

都高切 đồ cao thiết (CV, TVi, CTT)

丁勞切 đinh lao thiết (NT)

都聊切 đồ liêu thiết (QV, TTTH)

先彫切 tiên điêu thiết (TV)

丁聊切 đinh liêu thiết (TVi, LT)

v.v…

Có khả năng tàu (bè) liên hệ đến đao – Nguyễn Trãi 阮廌 từng viết: “Cảng khẩu thính triều tạm hệ đao 港口聽潮暫繫舠” (Lâm cảng dạ bạc 淋港夜泊), tạm dịch ‘nơi cửa biển nghe thủy triều, tạm buộc thuyền con’.

4.2 Tàu voi, tàu ngựa (VBL – trang 727, 728)

Tàu còn có nghĩa là nhà chứa (chuồng) như tàu voi, tàu ngựa … Tàu (chuồng) có thể liên hệ đến tào bộ mộc (thanh mẫu tinh/tùng 精從 vận mẫu hào bình thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

昨牢切 tạc lao thiết (TVGT)

昨勞切 tạc lao thiết (ĐV, QV) – QV ghi tiểu vận tào

才刀切 tài đao thiết (QV)

音曹 âm tào (LKTG)

徂毫切 tồ hào thiết (NT, TTTH)

財勞切,音曹 tài lao thiết, âm tào (TV, VH, LT, CV, TVi)

QV phiên thiết còn dùng vần cửu , TV phiên thiết còn dùng vần tiêu – dẫn đến một khả năng là âm ao (lao, đao) của tào có thể thu hẹp độ mở miệng để cho ra dạng tàu (giọng Bắc), vào khoảng thế kỷ X về sau.

作曹切 tác tào thiết (ĐV, QV) – QV ghi tiểu vận tao

臧曹切,音遭 tang tào thiết, âm tao (TV, LT, TViB)

TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào

CV ghi cùng vần 曹 槽 嶆 艚 漕 嘈 螬 (tào)

在刀翻 tại đao phiên (BH 佩觿)

才毫切, 音曹 tài hào thiết, âm tào (CTT)

…v.v…

Giọng BK bây giờ là cáo so với giọng Quảng Đông cou4 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] cau2 co2 [海陆丰腔] co2 cau2 [客英字典] cau2 [台湾四县腔] co2 cau2 [客语拼音字汇] cau2 co2 [宝安腔] cau2 [东莞腔] cau2 潮州话:zo5, giọng Mân Nam/Đài Loan cho5, tiếng Nhật sou và tiếng Hàn co.

Với các nghĩa khác nhau và riêng biệt của mực và tàu như trên, ta thử tìm hiểu nghĩa của hai chữ “mực tàu”.

5. Phạm trù nghĩa của “mực tàu”

5.1 Dựa vào tài liệu “Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa”

CNNAGN5 dùng “mực tàu” một lần trong phần “Mộc công bộ đệ thập bát”; phần này ghi nhận các dụng cụ của thợ mộc như rìu, cưa, khoan, bay, đẽo, bào, chạm, đục, thước, búa và “mực tàu”:

Mực tàu có hiệu Đốc Thằng thẳng ngay

(CNNAGN Mộc công – Bộ đệ thập bát)

“Mực tàu” ở đây chỉ một dụng cụ của thợ mộc vì đề mục đã xác định rõ là “Mộc công bộ”, có lý hơn so với nghĩa thường hiểu (hiện nay) là mực (viết) của người Tàu (người Trung Hoa). Nếu mực trong mực tàu là mực viết/vẽ, thì đây chỉ là cách dùng đơn giản hóa trong tổ hợp “mực tàu” chỉ dụng cụ gồm ba thành phần chính: (a) mực (b) dây (thằng) và (c) tàu (hũ chứa, máng chứa mực). Mực hay chất lỏng có pha màu đều có thể xài cho dụng cụ này – ngay cả nước cũng có thể dùng trong trường hợp này – miễn là khi “nảy mực tàu”/VBL ta có thể thấy vết hay lằn trên gỗ cho giai đoạn tới như cưa hay bào … Có lúc cũng chẳng cần chất lỏng để ghi dấu vì có thể dựa vào sợi dây căng để thực hiện giai đoạn tới (cưa/đẽo), hay có thể dùng phấn/bột màu thay cho chất lỏng. Mực ở phần này tương ứng với mặc HV . Trích một cách nảy “mực tàu” từ trang http://www.kyomachiya.net/hazimeni/yogo/images/sumitsubo2.gif

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_62ca860f

Vài chi tiết đáng chú ý liên quan đến “mực tàu”:

– theo truyền thuyết cổ đại của TQ, Lỗ Ban thời Xuân Thu (770-476) đã chế ra các dụng cụ như “mực tàu”, cưa, khoan …v.v…

– trong giai đoạn bang giao với nhà Minh, tiếng Tagalog (thổ ngữ của Phi-Luật-Tân, một ngôn ngữ thuộc họ Nam Đảo/Austronesian) có nhập “mực tàu” vào với dạng baktaw, xem chi tiết trang này http://www.wikiwand.com/en/List_of_loanwords_in_Tagalog

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_m7c4ae7f7

Hình một “mực tàu” (mặc hồ) cổ với dây đã bị tháo bỏ – trích từ trang http://catalog.digitalarchives.tw/item/00/32/a2/c8.html

Hai thành phần chính là mực và dây (thằng) hiện diện trong cách gọi “mực thằng” là dây đo trong từ điển Béhaine (1772), Taberd6 (1838)

 

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_m63dd2d06

Taberd – trang 481

Lưu ý trong CNNAGN dùng chữ tào là quan lại, bọn lũ … chứ không dùng chữ tào là cái máng hay tàu ngựa. Đây không hẳn là cách viết ghi âm “tào” dùngthay , vì chữ tào vốn có nghĩa cổ là “quần” tức bọn, lũ, đàn. Dạng cổ của chữ tào là hai chữ đông 東東 đặt trên chữ viết , tượng hình đàn gia súc tập hợp một chỗ (quanh cái máng ?), như vậy cũng có liên quan đến nghĩa “tàu ngựa” 

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_7f049311

Nguồn: http://www.zdic.net/z/1b/sw/66F9.htm

5.2 “Mực tàu” trong VBL

VBL liệt kê khá đầy đủ các dụng cụ của thợ mộc như trong CNNAGN: như rìu, cưa, đẽo, bào, chạm, khoan, thước (kẻ), búa, dùi đục, mực tàu. LM de Rhodes dùng “mực tàu” hai lần trong các tác phẩm còn để lại (VBL, Phép Giảng Tám Ngày, Tường Trình về Đàng Trong):

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_1cd9c71d

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_1cd9c71d Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_m6c23f2

VBL – trang 501/502 ghi “nảy mực tàu” mô tả rất đúng động tác “nảy mực” của thợ mộc, tiếng Việt có thành ngữ “cầm cân nảy mực”.

VBL – trang 728

LM de Rhodes đã hiểu được hàm ý của cách dùng “mực tàu” phần nào khi giải thích là “mực thợ mộc dùng kẻ đường thẳng trên gỗ” – so với các cách giải thích khác, như “thoi mực” (VBL, trang 488) hay “bát Ngô” (VBL, trang 29/30, de Rhodes ghi rõ ràng là dùng bởi người Tàu (tiếng La Tinh là da china, hay Sinas); ông sẵn sàng ghi ‘nguồn’ trong VBL như Nhân sâm (từ Cao Ly), Đại Hồng (tơ lụa từ Damas), mẩn (loại gạo từ Nhật Bản), chữ (văn chương Trung Hoa, chữ Trung Hoa) …v.v… Nhắc lại ở đây là trong VBL, tàu chỉ được dùng trong các ngữ cảnh không chỉ người Trung Hoa:

– tàu (thuyền bè, đóng tàu – VBL trang 727)

– tàu voi, tàu ngựa (VBL – trang 727/728)

– tàu nhà (VBL – trang 728)

– mực tàu (VBL – trang 728)

– đi tàu (vượt biển – VBL trang 876)

– thụt gỗ tàu hút nước (VBL – trang 788)

– thế tàu (VBL – trang 754)

Bây giờ thì hầu như không ai hiểu được thành ngữ7 “Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ” vì không biết đến dụng cụ đặc biệt kẻ đường thẳng (mực tàu) như trên. Đây là nghĩa cổ hơn trong hai nét nghĩa đã từng được Béhaine (1772) và Taberd (1838) ghi nhận về “mực tàu”:

(a) Amussis8 (dây, thước đo)

(b) Atramentum sinicum (mực viết/vẽ của người Trung Hoa)

Nghĩa (a) rất phù hợp với các dữ kiện trong CNNAGN và VBL. Nghĩa (b) là cách hiểu của đa số trong tiếng Việt hiện đại.

Nhìn xa hơn nữa, tiếng Nhật dùng “mặc hồ” 墨壷 hay sumitsubo – sumi là than hay mực (tiếng Nhật) so với tiếng Trung (Quốc) là “mặc đẩu” 墨斗 “mặc tuyến đẩu” 墨線 hay “mặc bình” 墨坪. Các cách gọi dụng cụ thợ mộc này đều tương ứng với cách gọi “mực tàu” như đã phân tách bên trên. Chính người Nhật cũng thừa nhận “mực tàu” (mặc hồ) hay sumitsubo có gốc từ TQ – xem trang mạng của thành phố Sanjo (三条市 Tam Điều Thị) http://www.city.sanjo.niigata.jp/chiikikeiei/markinginkpot.html

Học giả Trương Vĩnh Ký9 cũng từng giải thích về chữ cordeau (tiếng Pháp) là “mực tàu”

Cordeau sm. Dây giăng mức; dây đo; mực tàu (trang 458 – Petit Dictionnaire francais annamite)

Rõ ràng, tàu trong hai chữ “mực tàu” (dụng cụ thợ mộc) không có nghĩa là người/nước Trung Hoa trong các tài liệu đã trích, hơn nữa chú ý tới dấu phảy mà LM des Rhodes đã đặt ở mục từ “tàu, mực tàu” cho thấy mực tàu có thể gọi tắt là cái “tàu” càng xác định rõ tàu ở đây không liên quan gì đến người/nước Trung Hoa ! Do đó, mực tàu là một dữ kiện quan trọng cho thấy quá trình tiến hóa của tiếng Việt, đặc biệt là phạm trù nghĩa của chữ tàu. Các danh từ chỉ người Trung Hoa đáng chú ý vì đây là những dấu ấn ngôn ngữ và lịch sử, cũng như là cánh cửa hé mở cho ta thấy phần nào tư tưởng của dân Việt trong xã hội của thời đại tương ứng.

5.3 “Tàu” chỉ người Trung Hoa

Người TH thường được gọi là Hán nhân/Đường nhân dựa vào hai thời đại cực thịnh của văn hóa TH. Người Nhật vẫn dùng Đường nhân 唐人hay Tōjin, so với Hoa kiều 華僑.

Tóm tắt các cách giải thích nguồn gốc chữ Tàu (nước/người Trung Hoa):

5.3.1 Chỉ người (dân) đi tàu sang VN hay giặc tàu ô10 – tàu hay tào là chữ hiếm chỉ thuyền bè … Chữ tào chỉ hiện diện sớm nhất là từ thời Ngọc Thiên (năm 543 SCN) nên giải thích được các cách dùng thuyền nhân, hàng nhân, chu nhân … chứ không thấy dùng *tào nhân, thêm vào đó là chữ Nôm thường dùng thanh phù tàođể chỉ tàu11 (thuyền) hay tàu (TQ). Liên hệ tàu (voi, ngựa) và tào cũng phù hợp với các dữ kiện trên.

5.3.2 Tàu có thể liên hệ đến Tào Tháo 曹操 (155-220) – theo Vương Duy Trinh/VDT (trong “Thanh Hóa Quan Phong”) cho rằng Tào là tiếng gọi nước Ngụy của Tào Tháo. VDT đỗ cử nhân năm 1870 và làm tổng đốc Thanh Hóa.

5.3.3 Tàu có thể là quan12 (một nghĩa cổ của tào ) – người Việt gọi những người Hán qua Giao Chỉ (làm quan) thời kỳ Bắc thuộc.

5.3.4 Tàu có thể là xe (như cách dùng tiếng Việt tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu khí …) hay dùng danh từ tào như động từ tào (di chuyển bằng đường thủy) – chỉ một phương pháp di chuyển đến Giao Chỉ thời trước.

5.3.5 Tàu có thể liên hệ đến Tiều: các đợt di dân đến VN từ vùng Đông Nam TQ như dân Triều Châu 潮州 (Triều vần tiêu , giọng Mân Nam đọc là tiau5, tio5 với âm đầu T-) chẳng hạn, cũng như nhà Trần từng có nguồn gốc đánh cá thuộc Mân tộc (từ tỉnh Phúc Kiến), do đó hai danh từ tàunước có phạm trù nghĩa rất đặc biệt và có vị trí quan trọng trong văn hóa ngôn ngữ VN (‘một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ’).

5.3.6 Tàu có thể là một biến âm của đậu hay đẩu. So sánh các cách dùng đậu hủ 豆腐 còn gọi là đậu phụ, tàu hủ; tàu vị yểu (nước tương), chè tàu (táu) soạn … Đẩu hay đấu có thể liên hệ đến tẩu (cái tẩu hút thuốc). Tương quan giữa phụ âm đầu hữu thanh (đ) và vô thanh (t) vẫn còn thấy trong tiếng Mường (Bi) như tà (đã), tach (đặt), tai (đai), tang (đang), tản (đoàn), tảnh (đánh), tào (đào), tau (đau), tắp (đắp), tẩu (đấu), tenh (đinh) …v.v… Có thể tàu liên hệ đến *tao/*đao (tàu bè – xem phần 4.1 bên trên) hay đậu (vì người Tàu rất chuộng các món đậu/đậu nành).

Tóm lại, cách dùng “mực tàu” là một trường hợp cho thấy sự thay đổi nghĩa trong tiếng Việt từ thời CNNAGN/VBL đến thời Béhaine và Taberd, hay chỉ trong vòng 120 năm qua con chữ La Tinh. Hiểu nghĩa cổ hơn của “mực tàu” (hay mực thằng) thì ta có thể cảm thông phần nào hàm ý của thành ngữ “thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”.

6. Phụ chú và phê bình thêm

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là cuốn từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La) in lại bởi NXB Khoa Học Xã Hội (1991); có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false

1) Xuồng có khả năng là biến âm của thuyền, một dạng chữ Nôm là (bộ) chu hợp với chữ đồng hài thanh (thật ra chữ đồng này là một chữ Hán cổ nghĩa là chiến thuyền/mông đồng 艨艟, có thể đọc là đồng, *xung/sùng hay tràng). Chữ thuyền 船 舩 (thanh mẫu thuyền vận mẫu tiên bình thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

食川切,音膞 thực xuyên thiết, âm thuần (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, LTCN 六書正𨫠)

市專切 thị chuyên thiết (NT, TTTH)

時專反 thì chuyên phản (NTLQ 玉篇零卷)

食專切 thực chuyên thiết (LT, TTTH)

淳線切 thuần tuyến thiết (TG 字鑑)

食專乀 thực chuyên phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音

重圓切 trọng viên thiết (CV)

TNAV ghi thanh mẫu xuyên 穿 vận bộ 先天 tiên thiên

CV ghi cùng vần 先 椽 傳 遄 篅 船 (tiên chuyên truyền thuyên thuyền)

重圓切, 音椽 trọng viên thiết, âm chuyên (TVi)

殊倫切, 音純 thù luân thiết, âm thuần (TVi)

重員切, 音椽 trọng viên thiết, âm chuyên (CTT)

音純 âm thuần (CTT)

: 床全切, 音船 thuyền, sàng toàn thiết, âm thuyền (*soàng > xuồng) (TViB)

…v.v…

Giọng BK bây giờ là chuán yán so với giọng Quảng Đông syun4 syun2 và các giọng Mân Nam 客家话:[陆丰腔] son3 [沙头角腔] son2 [客英字典] son2 [海陆丰腔] son2 [梅县腔] shon2 [台湾四县腔] son2 [宝安腔] son2 [东莞腔] son2 [客语拼音字汇] son2, giọng Mân Nam/Đài Loan chun5, tiếng Nhật sen và tiếng Hàn sen.

Từ thời CV (1375), phụ âm đầu lưỡi tắc đã trở thành phụ âm ngạc và xát hóa trong tiếng Việt để cho ra các dạng xuồng và xõng, tương ứng với các dạng Mân Nam (Triều Châu) đọc âm thuyền. Điều này còn phù hợp với cách phiên thiết của Tự Vị Bổ (sàng toàn thiết 床全切). Các dạng này chỉ xuất hiện sau thời VBL (1651), cho thấy ảnh hưởng của âm Mân Nam ở Nam Bộ trong giai đoạn Nam Tiến cuối cùng trong lịch sử dựng nước Việt.

2) Bản đồ Nam Kỳ (1829) cho thấy mạng lưới sông ngòi và đầm lầy phức tạp, do đó phương tiện di chuyển chính thường là tàu bè – trích từ trang https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1c_C%E1%BB%ADu

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_7c673d9f

3) con (cá) mực/octopus tiếng Trung (Quốc) còn là bát trảo ngư, bát đái ngư, bất thị ngư, chương ngư, ô tặc, mặc ngư, hoa chi, mặc đẩu ngư 墨斗魚 (so với cách gọi mực tàu là mặc đẩu) … Octopus (con mực) tiếng Anh có gốc Hi Lạp oktopous (okto- là tám, pous là chân) cũng giống như cách gọi bát trảo ngư của tiếng Hán dựa vào hình thể loài vật. Cách gọi con mực của tiếng Việt cũng dựa vào một đặc tính của loài vật này là túi mực trong cơ thể, khi gặp nguy hiểm thì phun ra để dễ tẩu thoát (tiếng HV là ô tặc/giặc đen hay mặc ngư).

4) Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ điển. Trần Trọng Dương, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2014.

5) “Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa” 1985 Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải – NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) – Viện Khoa Học Xã Hội (Thành Phố HCM).

8) Amussis: tiếng La Tinh có nghĩa là dây đo (cordeau, règle, équerre – tiếng Pháp). Cách dùng ê ke để chỉ cây thước vẫn hiện diện trong tiếng Việt (từ thời Pháp thuộc).

9) Petit dictionnaire francais annamite 1884 J. B. P Trương Vĩnh Ký – NXB Imprimerie de la Mission, à Tân Định, 1884 (Sài Gòn)

10) Quan điểm tàu (thuyền) chỉ người/nước Trung Hoa có lẽ khởi đầu từ Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16/2/1870):

“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v… Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu…”.

Ý này lặp lại bởi các học giả sau này trong các từ điển về tiếng Việt như Huỳnh Tịnh Của: ‘… Người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó là nước Tàu …’ (trang 348, ĐNQATV/1895), Génibrel (1899), J. Bonet (1899) … Cũng theo Lê Ngọc Trụ (“Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam” 1993): ‘… Tàu: chỉ người Trung Hoa, xuất xứ do ta gọi giặc tàu ô Tàu < tào …’

11) Âm phục nguyên *tau/*tu cho các dạng chữ Hán cổ để chỉ tàu (thuyền) còn có thể liên hệ đến đò (tiếng Việt) hay duk (tiếng Khme/Stiêng/Chrâu, chiếc ghe), du:k (tiếng Bahna, chiếc thuyền) mà một dạng tiếng Việt là nốc (đ > n), tiếng Mường (Bi) đốc là đò. Tiếng Hán (cổ) khi nhập các âm này vào thường tha hóa phụ âm cuối c (k). Khả năng nguồn gốc phương Nam của tàu (thuyền) không nằm trong phạm vi bài viết này. Xem thêm chi tiết trang 623/195 về ngữ căn của chu và thuyền HV, “ABC Etymological Dictionary of Old Chinese” – tác giả Axel Schuessler – NXB University of Hawai’i Press (Honolulu, 2007).

12) Xem thêm chi tiết về bài viết của học giả An Chi trên Bách Khoa Tri Thức trang này http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4324-4324-633778021918593750/Hoi-dap-Dong-Tay/Tai-sao-nguoi-Viet-Nam-lai-goi-nguoi-Trung-Hoa-la-Tau.htm hay Người Lao Động (22/11/2014) trang http://nld.com.vn/tieng-viet-tinh-tuy/co-sao-goi-nguoi-trung-quoc-la-tau-20141122214910842.htm

KS Phan Anh Dũng (Huế, Việt Nam)

Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)
(https://khoahocnet.com/2015/10/29/phan-anh-dung-nguyen-cung-thong-tan-man-ve-nghia-cua-muc-tau-%E5%A2%A8%E8%89%9A-qua-tu-dien-viet-bo-la-phan-1/)