Showing posts with label thuật ngữ Công giáo. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ Công giáo. Show all posts

Thursday 20 November 2014

Tại sao nhà chùa phải sống phúc âm?


Người Thiên Chúa Giáo coi lời Chúa dạy là Phúc Âm (tiếng Anh là Good News). Con dân Chúa sống Phúc Âm là sống (và hành động) theo lời Chúa, như công dân sống (và hành động) theo pháp luật. Nhà chùa cần sống (và hành động) theo lời Phật dạy, sống phúc âm làm gì? Nhưng có vẻ như các ông sư bây giờ không phân biệt được khẩu hiệu nào dùng ở chỗ nào, cho ai:

Hoà thượng Thích Giác Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cảm ơn về sự quan tâm của Đảng, Chính quyền các cấp đối với các hoạt động của Phật giáo và sẽ luôn luôn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, sống phúc âm trong lòng dân tộc.
(TTXVN, “Ban Dân vận Trung ương thăm Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế nhân Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2555”, Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, http://cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=10007&cn_id=459101, 12/5/2011.)

Hòa thượng Thích Gia Quang bày tỏ trách nhiệm đồng hành của Phật giáo đối với thế giới nhân sinh, của tăng ni và phật tử, quyết đem những lời dạy của Phật để góp phần giải quyết hữu hiệu những vấn đề thời sự của thế giới đương đại, sống phúc âm trong lòng dân tộc. 
(Kim Xoa & Vũ Tiệp, "Đại lễ Phật đản Phật lịch 2558 - Dương lịch 2014, Cao Bằng Online, http://baocaobang.vn/Thoi-su/Dai-le-Phat-dan-Phat-lich-2558-Duong-lich-2014/25643.bcb, 12/5/2014)

Thượng tọa cho biết, sống phúc âm trong lòng dân tộc, nhưng cả dân tộc nói hoặc không nói ra, người dân đều thấm thía cái giá của hòa bình ổn định.
(Hoàng Thủy, "Thủ tướng: 'Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là vừa hợp tác vừa đấu tranh'", VnExpress, 19/11/2014. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-tuong-quan-he-viet-nam-trung-quoc-la-vua-hop-tac-vua-dau-tranh-3109351.html)

Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói: “Cả nước yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Đồng bào các dân tộc, các tôn giáo cả nước nhất tâm cùng Chính phủ xây dựng cuộc sống đạo pháp dân tộc, sống phúc âm trong lòng dân tộc. Nhưng cả dân tộc, nói hoặc không nói ra đều thấu hiểu cái giá của hòa bình, ổn định. Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự kiên quyết đồng tâm là tín hiệu tốt cho vượng khí nước nhà. Nhưng cử tri muốn được nghe từ tim khẩu của Thủ tướng, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề Biển Đông và Trung Quốc một cách dễ nghe, dễ hiểu, súc tích nhưng đầy đủ nhất”.
(Đào Tuấn, "Thủ tướng nói về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Vừa hợp tác vừa đấu tranh", Lao Động, 19/11/2014, http://laodong.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-noi-ve-quan-he-viet-namtrung-quoc-vua-hop-tac-vua-dau-tranh-270064.bld)

Friday 17 May 2013

Trưởng nam hay trưởng nữ?


Trưởng nam hay trưởng nữ?
Người Công Giáo thường gọi nước Pháp là trưởng nữ của Giáo Hội. Danh xưng này là kết quả dịch sao phỏng từ tiếng Pháp fille aînée de l’Église, được ghi nhận lần đầu trong một bài diễn văn của linh mục Henri-Dominique Lacordaire (14/02/1841). Nguyên do là Clovis đệ nhất được xem (sự thật không phải như vậy) là vị vua man tộc đầu tiên rửa tội theo Công Giáo và các vua Pháp được xem là hậu duệ trực tiếp của Clovis đệ nhất nên danh xưng fils aîné de l’Église (dịch sát là trưởng nam của Giáo Hội) được dùng để chỉ vua Pháp trong mối quan hệ “huyết thống tinh thần” với Giáo Hội. Trong tiếng Pháp roi (vua) là một từ giống đực nên khi đặt vua ở vai con của Giáo Hội phải dùng từ fils giống đực (nói chung nghĩa là con và không phải lúc nào cũng chỉ con trai). Tương tự nước Pháp trong tiếng Pháp được gọi là la France, một từ giống cái nên muốn đặt nước Pháp ở vai con của Giáo Hội, người Pháp phải viết la France, fille aînée de l’Église.
Đây là một vấn đề thuần túy ngữ pháp tiếng Pháp, khi được sao chép nguyên xi sang tiếng Việt, danh xưng trưởng nữ của Giáo Hội tự nhiên gây ra nhiều thắc mắc không đáng có:
-Giáo Hội có con trai không? Nếu có, trưởng nam là nước nào ? Nhưng sao trưởng nam lại là vua Pháp mà không là một nước nào quan trọng tương đương nước Pháp?
-Thứ nữ của Giáo Hội là (những) nước nào?
-Quý nữ của Giáo Hội là nước nào? v.v. và v.v.
Nam hay nữ không phải là chuyện quan yếu. Không ai dịch Le silence des agneaux thành sự im lặng của bầy cừu đực Dieu le FilsĐức Chúa Con, không phải Chúa Con TraiHà cớ gì nước Pháp cứ phải là con gái?

Friday 14 September 2012

Vì sao không nên dịch từ cardinal của tiếng Pháp thành hồng y giáo chủ?



Từ cardinal trong tiếng Pháp (cardinalis trong tiếng La Tinh) được dùng để chỉ những vị giáo sĩ cao cấp nhất trong giáo hội Công giáo La Mã. Phẩm phục của các vị này có màu đỏ nên người Việt gọi họ là các vị Hồng Y. Có ba bậc Hồng Y: Hồng Y Giám Mục, Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Phó tế.
Hồng Y Giám Mục là tước hiệu dành cho bảy giáo phận xung quanh La Mã. Tiếng Pháp là cardinal-évêque, tiếng Anh là cardinal-bishop, tiếng Trung Quốc là主教級樞機 (chủ giáo cấp xu cơ).
Hồng y Linh mục là tước hiệu gắn với một giáo xứ La Mã (tổng giám mục giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Mẫn là Hồng Y Linh Mục Thánh Ðường Thánh Justino tại La Mã). Tiếng Pháp gọi Hồng Y Linh Mục là cardinal-prêtre, tiếng Anh là cardinal-priest, tiếng Trung Quốc là 司鐸級樞機 (tư đạc cấp xu cơ)
Bậc cuối cùng là Hồng y Phó tế, tiếng Pháp là cardinal-diacre, tiếng Anh là cardinal-deacon và tiếng Trung Quốc là  和執事級樞機 (hòa chấp sự cấp xu cơ).
Như vậy dịch cardinalhồng y giáo chủ hay chủ giáo đều không chính xác và rất bất tiện khi ta cần dịch các từ ngữ thể hiện thứ bậc của các vị Hồng Y.

Thursday 2 August 2012

Xin cho biết “lâm bô” là gì hoặc là ai.(An CHi - Huệ Thiên)

An Chi: Nếu “là ai” thì phải viết hoa thành “Lâm Bô”. Lâm Bô là người Tiền Đường, đời nhà Tống, vì không cầu danh lợi nên đã ẩn cư ở Tây Hồ, Cô Sơn. Ông không có vợ con, chỉ trồng mai nuôi hạc làm bạn, do đó người đời mới có câu “mai thê hạc tử (mai là vợ, hạc là con) để chỉ cảnh sống của ông. Ông cũng giỏi làm thơ và thơ vịnh mai của ông có hai câu đặc sắc vẫn được người đời ưa thích:
“Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoành hôn”,
nghĩa là bóng (mai) thưa nằm nghiêng trên mặt nước cạn trong và hương thầm của nó thì phảng phất trong ánh trăng buổi hoàng hôn.
Còn hai tiếng “lâm bô” kia, mà ông hỏi “là gì”, thì đã được giảng trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của là “Chỗ hồn ở gởi, mồ mả”. (X. chữ “bô”), và “Chỗ giam cầm hồn con nít, thường hiểu là cái hòm giả (X. chữ “lâm”). Dictionnaire annamite français của J.F.M. Génibrel thì dịch là “Les limbes. Catafalque”, tương tự với lời giảng của Huình-Tịnh Paulus Của. Điều cần nhấn mạnh là hai tiếng lâm bô ở đây không phải là những yếu tố Hán Việt và nó đã có mặt trong tiếng Việt muộn nhất cũng là vào năm 1772 vì nó đã được Pigneaux de Béhaine ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum (1772-1773).
Vậy đâu là xuất xứ của hai tiếng lâm bô? Dĩ nhiên đó không phải là danh từ limbes của tiếng Pháp vì ở thời điểm đó thì tiếng Việt chưa có quan hệ tiếp xúc với tiếng Pháp như trong thế kỷ XX. Nhưng từ cuối thế kỷ XVI thì tiếng Bồ Đào Nha đã là một ngôn ngữ “quốc tế” ở Đông Á vì đó là thứ tiếng mà các thương gia và các giáo sĩ phương Tây dùng để giao thiệp với dân các nước sở tại. Chúng tôi đã có dịp nêu tại CĐCT rằng tiếng Bồ cũng đã đem đến cho tiếng Việt một vài từ ít ỏi như:
- (cây) câu rút < cruz;
- (dây) cót < corda;
- (thêu) ren < renda;
- xà bông < sabão.
Còn bây giờ thì:
- lâm bô < limbo.
Xin chú rằng cả tiếng Bồ limbo và tiếng Pháp limbe(s) đều do tiếng La Tinh limbus mà ra. Cũng xin chú ý rằng mặc dù từ tương ứng của tiếng Anh cũng là limbo nhưng tiếng Việt tuyệt đối không có liên quan gì đến tiếng Anh trong trường hợp này cả. Tóm lại thì lâm bô (tương ứng với tiếng Pháp limbes và tiếng Anh limbo) là một từ Việt mà nguyên từ (etymon) là danh từ limbo của tiếng Bồ Đào Nha.

Saturday 24 December 2011

Lễ mi xa là lễ gì?


Lễ mi xa là lễ dâng thánh thể Chúa Giê-su để cứu rỗi nhân loại. Khi thánh lễ kết thúc, chủ tế tuyên bố "Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an". Khi hành lễ bằng tiếng La Tinh, câu này là Ite, missa est. Từ missa trong câu đó trở thành tên lễ (trong tiếng La Tinh). Tiếng Bồ Đào Nha gọi là misa. Không biết người Việt mượn âm mi xa từ nguồn nào.

Sunday 27 November 2011

Đã gọi là liệt sao còn nhúc nhích được?


Trong tiếng Việt hiện nay liệt có nghĩa là không có khả năng cử động được (Nguyễn Kim Thản, 2005:948; Hoàng Phê, 2006:569). Người mắc chứng liệt dương là người mà dương vật không làm ăn gì được nữa. Người bệnh nằm liệt giường không thể bò dậy đi đâu.
Liệt xưa nghĩa là ốm đau (Huình Tịnh Paulus Của, 1896:567; Vương Lộc, 2001:99); Génibrel (1898:401) dịch ra tiếng Pháp là être malade, infirme. Nhà liệt thời xưa là bệnh xá hay y xá thời nay (Vương Lộc, 2001:119); Génibrel (1898:401) dịch là infirmerie.
Kẻ liệt với nghĩa là kẻ đau ốm, bệnh hoạn chỉ được ghi nhận trong các từ điển xưa (Huình Tịnh Paulus Của, 1896a:567;  Génibrel, 1898:401), hiện nay chỉ được sử dụng trong nội bộ Công giáo: dầu kẻ liệt là dầu thánh được ban cho người bệnh nặng với mong ước Chúa ra ơn trợ giúp người bệnh (tiếng Pháp là huile des malades, tiếng La Tinh là oleum infirmorum). Một số người tìm cách thay dầu kẻ liệt bằng dầu bệnh nhân để tránh sự lệch pha giữa ngôn ngữ của đạo và ngôn ngữ đời thường nhưng xem ra cố gắng này chưa có kết quả mấy. Bởi vậy dịch dầu kẻ liệt hay dầu bệnh nhân sang tiếng Pháp thì dễ nhưng dịch huile des malades sang tiếng Việt là cả một vấn đề nhức đầu.

Tuesday 8 November 2011

Tại sao mùa Vọng còn được gọi là mùa Át?


Vọng nghĩa là mong đợi: hòn Vọng Phu là hòn đá hình người đàn bà đợi chồng. Mùa Vọng là mùa dân Chúa mong đợi Chúa đến (thời gian bốn tuần trước lễ Giáng Sinh). Mùa Vọng trong tiếng La Tinh là adventus, tiếng Bồ Đào Nha là advento. Từ advento của tiếng Bồ Đào Nha được phiên sang âm Việt thành át biên tô/át ven tồ. Át rất có thể là dạng rút gọn của át biên tô / át ven tồ.

Wednesday 27 July 2011

Thánh Pha Pha là thánh gì?

Thánh Pha Pha Thánh Cha, tức giáo hoàng La Mã. Gốc của Pha pha là từ papa của tiếng La Tinh có nghĩa là giáo hoàng. Cụm từ Thánh Pha Pha chỉ thấy xuất hiện trên văn bản xưa.
Tôi mà lại có lầm hay sao ? – Ấy, chớ nên nói thế ! Người ta muốn cho không lầm, chỉ có đức thánh Pha-pha mới không lầm mà thôi !  (Phan Khôi, Nói chuyện cùng ông Lệ Thiên, Thần chung, Sài Gòn, số 253 ngày 22.11.1929)

Sách Thuật Tích Việc Nước Nam của linh mục Đặng Đức Tuấn (chép năm Canh Thìn 1880) gọi giáo hoàng là pa pa:
Rô Ma có một giáo hoàng
Cội đầu hội thánh mối mang đạo trời
Tuy là đạo ở khắp nơi
Giáo hữu chốn chốn vâng lời pa pa.

Monday 25 July 2011

Tại sao không nên nói “đóng đinh câu rút trên cây thập giá”?

Câu rút bắt nguồn từ cruz của tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là thập tự giá. Đóng đinh câu rút chính là đóng đinh lên thập tự giá.

Monday 27 June 2011

Lễ di súp trong Công giáo là lễ gì?

Trước Công đồng lễ hát trọng còn được gọi là lễ di-súp. Hai bên cha chủ sự có một cha giữ địa vị thầy sáu (tiếng La Tinh diaconus, viết tắt là di) và một cha làm thày phụ phó tế, tức thầy năm (tiếng La Tinh subdiaconus, viết tắt là sub). Bây giờ hầu như không có lễ di-súp, mà chỉ có lễ đồng tế.