Saturday, 10 March 2012

Ai là người đầu tiên đề nghị sử dụng thuật ngữ “dân tộc học”?


Cái tên của một môn học nhiều khi thể hiện rất rõ rệt quan điểm địch-ta. Việc giới khoa học Việt Nam chấp nhận thuật ngữ dân tộc học trong những năm 50 của thế kỷ trước là một ví dụ cho thấy tên gọi không thể là chuyện vô thưởng vô phạt:
Khoa dân tộc học mác-xít và khoa dân tộc học tư sản có nhiều điểm khác nhau về cơ bản. Khoa dân tộc học tư sản chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu các dân tộc lạc hậu, thuộc địa. Như ở đế quốc Đức trước kia, bọn học giả tư sản chia ra làm dân tục họcdân tộc học. Dân tục học (Volkskunde hoặc Folklore) nghiên cứu dân tộc bản quốc, dân tộc học (Volkerkunde) nghiên cứu các dân tộc nước ngoài, chủ yếu là dân tộc thuộc địa.
Trong dân tộc học, bọn học giả ở các nước tư sản lại chia ra làm hai ngành: Ethnologie tức dân tộc học lý luận và Ethnographie tức dân tộc học tự thuật hoặc dân tộc học miêu tả, do đó chúng tách rời lý luận với quan sát thực tế. Ở Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa, cả hai ngành này đều kết hợp làm một, và đều dùng một danh từ thống nhất là Ethnographie. Trước kia, ở Trung-quốc, người ta thường dịch chữ Ethnographie bằng nhiều danh từ khác nhau, khi là nhân chủng học, khi là nhân văn chí, khi là dân tục học, nhưng từ răm năm nay, các nhà khoa học Trung-quốc đã dùng một danh từ thống nhất là dân tộc học. Ở Việt-nam, trước đây, người ta cũng quen gọi khoa học này, bằng tiếng Pháp là Ethnologie và bằng tiếng Việt là nhân chủng học. Cả hai chữ, dùng đều không đúng. Cho nên tôi đề nghị, từ nay chúng ta cũng gọi khoa học này bằng một danh từ thống nhất là dân tộc học mà tiếng Âu châu của nó là ethnographie hay ethnografia.
(Nguyễn Lương Bích,  “Mấy nét sơ lược về dân tộc học Mác-xít” trong Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 47 (1958:16))
Trong khi đó ở miền Nam, các tên gọi cũ vẫn được lưu hành cho đến năm 1975: ethnographie được dịch là nhân chủng chí, ethnologienhân chủng học (Thanh Nghị, 1967:1002).

Friday, 9 March 2012

Vì sao các hoàng đế Nga được gọi là Sa Hoàng?


Sa Hoàng là âm Hán Việt của 沙皇 (shāhuáng).
Hoàng nghĩa là vua. Hoàng đế là danh hiệu dùng cho ông vua của một đế quốc thời xưa như đế quốc La Mã, Trung Quốc, đế quốc Nga...
Sa Hán Việt, trong tiếng Hán hiện đại là shā, phiên âm của tsar (cũng viết tzar / czar) tiếng Anh mà từ này lại là phiên âm của царь trong tiếng Nga (nghĩa là hoàng đế).
Sa Hoàng là từ [mượn của tiếng Trung Quốc qua âm] Hán Việt. Như vậy viết Xa Hoàng là sai chính tả.
Những người chủ trương phân biệt phát âm x/s cho rằng Xa [Hoàng] gần với phát âm quốc tế tức là âm trong các tiếng châu Âu (gồm cả tiếng Nga). Ngoài ra, tiếng Việt không phải là tiếng Trung Quốc nên việc kết hợp giữa một yếu tố phi Hán Việt (xa) với một yếu tố Hán Việt (hoàng) là hoàn toàn chấp nhận được (như các tổ hợp ngói hóa, mặn hóa, môi hóa, lành mạnh hóa...). Lý giải như vậy là do không biết hoặc đã quên rằng Sa Hoàng vốn là hàng nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc chứ không phải sản phẩm nội địa.

Tuesday, 6 March 2012

“Tàu” và “thâm như Tàu” (Năng Lượng Mới số 28 ,16 - 6 - 2011).

Bạn đọc : Thưa ông An Chi! Tại sao người Việt Nam ngày xưa hay gọi người Trung Quốc là người Tàu? Và tại sao lại nói thâm như Tàu? (Trần Hà Trang).
An Chi : Cách đây 18 năm, trên Kiến Thức Ngày Nay số 103 (ngày 01-3-1993), chúng tôi đã viết như sau :
“Đã có nhiều người liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huình-Tịnh Paulus Của làm dẫn chứng: “Người An nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu” (Đại Nam quấc âm tự vị, t.II, Saigon, 1896, tr.346).
Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của Vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo (Xin x. Thanh-hóa quan phong, Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn, Sài Gòn, 1973, tr.97). Nhưng nước ta, lúc bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân – chúng tôi cho là chỉ một phần thôi – lại thuộc về Đông Ngô chứ không thuộc về Bắc Ngụy (Chính vì thế mà bấy giờ người Việt đã gọi người Trung Hoa là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng “thằng Ngô con đĩ”) cho nên cách giải thích của Vương Duy Trinh xem ra vẫn chưa thỏa đáng. Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên nước là Ngụy mà phải dùng họ Tào để gọi?
Hồi 1993, chúng tôi đã viết như thế. Sau đó nhiều năm, có độc giả đã lần giở trang sách cũ, thấy An Chi nói vô lý, bèn gửi thư đến tòa soạn giảng giải rằng lai lịch của cái tên “Tàu” là ở những cuộc vượt biển sang Đại Việt để tránh sự cai trị của bọn Mãn Thanh. Họ sang bằng thuyền (= tàu); do đó có tên là “Tàu”. Mà lại đi trên ba chiếc, nên còn được gọi là “Ba Tàu”. Vị độc giả kia đã quên (hay không hề biết?) rằng việc Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đưa người sang xin làm thần dân nước Đại Việt là chuyện năm Kỷ Mùi 1679 mà “đồng bào” của họ thì đã được ta gọi là “Tàu” tự bao giờ. Bằng chứng trên giấy trắng mực đen là cái thứ mực mãi về sau mới được Vũ Đình Liên nhắc đến trong khổ thơ đầu bài “Ông đồ” :
Mi năm hoa đào n 
Li thy ông đ già
Bày mc tàu giy đ 
Bên ph đông người qua,
cái thứ mực đó đã được ghi nhận trong Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, xuất bản ở Roma từ năm 1651 (Xin x. mục “tàu, mực tàu”), trước khi họ Trần và họ Dương dẫn đầu đoàn tị nạn của họ sang Đại Việt đến gần 30 năm. Còn chính những người vượt biển kia thì đã được dân sở tại, nghĩa là người Việt Nam, gọi là người Minh Hương, nghĩa là người mà quê hương gốc là nước Minh. Đây mới thật là danh xưng chính thức và chính xác mà người Việt đã dành cho đoàn di dân của hai nhân vật Dương, Trần.
Còn lần này thì chúng tôi xin phản biện thêm như sau. Bất cứ nhà Hán ngữ học nào biết rõ tiếng Việt cũng thừa nhận rằng ngôn ngữ này còn lưu giữ trong lòng nó nhiều yếu tố của tiếng Hán thượng cổ. Với chúng tôi thì “tàu” là một trong những yếu tố đó, và, trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt, thì nó còn có nghĩa là “xe”. Tàu (trong tàu bè) là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 艚, mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “thuyền”. Chữ tào 艚 này cũng thông với chữ tào 漕, mà theo biện luận của Lưu Quân Kiệt 刘鈞杰 trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999) thì đều còn có nghĩa là “xe” (Xin x. mục “dzu 漕 : dzu 艚”, tr.55). Cái nghĩa “xe” của tàuvẫn còn trong tiếng Việt. Cứ so sánh tiếng Bắc tiếng Nam thì thấy ngay. Cái mà trong Nam gọi là tàuthì ngoài Bắc gọi là thuyền. Ngoài Bắc gọi là tàu hỏa thì trong Nam gọi là xe lửa. Thế là cái nghĩa “xe” đã thấp thoáng trong danh ngữ tàu hỏa. Rồi ngược lên đầu thế kỷ XX, cả trong Nam ngoài Bắc đều gọi là tàu bay cái mà bây giờ cả nước đều gọi là máy bay. Thế là cái nghĩa “xe”, mở rộng là “phương tiện chuyên chở”, đã nằm ngay trong danh ngữ tàu bay. Cho nên trong thành ngữ tàu bay tàu bò thì cả hai thứ tàu này chẳng qua đều cùng là “xe”! Vậy thì có lẽ ta sẽ biện luận rằng vì ngày xưa họ sang ta bằng xe nên tổ tiên ta đã gọi họ là “Tàu” chăng? Nên nhớ rằng họ đã sang ta từ xưa và sang thành nhiều đợt, lẻ tẻ có, thành đoàn có và đây là cả một câu chuyện dài.
Thực ra, phần  lớn tình tiết ly kỳ, hấp dẫn đưa ra làm lời giảng cho lai lịch của từ ngữ lại thuộc về từ nguyên dân gian (folk etymology), chứ từ nguyên học đích thực  , nghĩa là khoa học thì nhiều khi lại khô khan hơn. Chúng tôi hoàn toàn tán thành Vương Duy Trinh ở chỗ là, theo tâm thức của ông thì “Tàu” là một từ rất xưa, cụ thể là đã ra đời tự thời Tam Quốc. Và chúng tôi vẫn bảo lưu ý kiến sau đây của mình trên Kiến Thức Ngày Nay trước đây:
“ Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là “quan”. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là “tàu”, nghĩa là quan. Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là “thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan – đây là tuyệt đại đa số – cũng được “vinh dự” gọi là Tàu.”
Thế là cái danh xưng “Tàu” có một lịch sử đặc biệt và nét đặc biệt này gắn liền với sự cai trị của bọn phong kiến phương Băc đối với dân ta, nước ta. Chẳng thế mà từ xưa đến nay, nó luôn luôn mang tính xấu nghĩa (pejorative) và đã có mặt trong những thành ngữ thâm như (thằng) Tàuquân tử Tàu, v.v.. Thâm là nham hiểm một cách kín đáo khó lường, mà về mặt này thì Tàu thuộc hạng hoàn cầu đệ nhất. Bụng chúng thì toàn những đế quốc, bành trướng, xâm lược, bá quyền mà mồm chúng thì toàn những mật những đường để lừa bịp thiên hạ. Chuyện thì nhiều mà nhiều người cũng đã biết.  Ta phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn của chúng.
Ấy khi cần thâm thì rất hiểm nhưng khi cần ra mặt tác oai tác quái thì vô cùng trắng trợn, như trong chuyện đường lưỡi bò và mới nhất là chuyện tàu Hải giám của chúng cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngay trong lãnh hải Việt Nam. Trong các cuộc hội nghị thì chúng lên giọng quân tử nhưng trong thực tế thì chúng hành xử đâu có khác gì bọn cướp biển Somalia. Người Việt Nam có lạ gì cái kiểu quân tử Tàu. Quân tử Tàu chỉ là nguỵ quân tử mà thôi!
(http://petrotimes.vn/news/vn/hoc-gia-an-chi-giai-dap/tau-va-tham-nhu-tau.html)

Sunday, 4 March 2012

Mạnh Đức Tư Cưu là ai?

Người Trung Quốc phiên âm tên của nhà tư tưởng người Pháp Montesquieu thành孟德斯鳩. Người Việt dựa vào đó phiên âm Hán Việt là Mạnh Đức Tư Cưu. Cách phiên âm này rất phổ biến trên sách báo trước năm 1945. Về sau người ta phiên âm thẳng từ tiếng Pháp thành vô số dạng: Mông-tét-xki-ơ, Mông-tét-ski-ơ, Mông-te-xki-ơ, Môngteskiơ... Không ai biết viết thế nào là đúng chính tả. Nhưng cũng không còn ai nhớ Mạnh Đức Tư Cưu là ai; đọc sách vở cũ gặp cái tên Mạnh Đức Tư Cưu, không biết là đang nói về ông (Trung Quốc ) họ Mạnh nào.

Saturday, 3 March 2012

Xứ Ba Tây là xứ nào?



Ba Tây là từ mượn của tiếng Hán (巴西) hồi đầu thế kỷ 20 đế gọi một nước cộng hòa ở Nam Mỹ (Đào Duy Anh, 2005:34) mà nay ta gọi là Bra-xin (âm gần với tiếng gốc là Brasil). Người Trung Quốc phiên âm là baxi, viết là巴西; người Việt chuyển sang âm Hán Việt thành Ba Tây.

Từ Ba Tây bị khai tử ở miền Bắc sau năm 1954, được thay thế bằng từ mượn âm tiếng Pháp Bơ-rê-din (Brésil) trong một thời gian ngắn trước khi Bra-xin chính thức lên ngôi:

* Ở nơi nào mà bọn tư bản đã lập ra các kinh doanh nông nghiệp  để trục lợi một cách điên cuồng nhất, thì ở nơi đó đất bị hao mòn đến cùng; thí dụ rõ rệt là những vùng ở phía nam và phía tây nước Mỹ, các thuộc địa Phi-châu, các đồn điền cà-phê ở nước Bơ-rê-din (Brésil).
Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 20 (1956:52,  Nguyễn Việt)
Ba Tây còn được lưu hành ở miền Nam cho đến năm 1975 và trên sách báo của người Việt ở hải ngoại vài năm sau 1975 rồi mất dần vị thế độc tôn. Hiện nay chỉ một ít người lớn tuổi biết Ba Tây là nước nào. Những người trẻ hơn, từ trong nước ra chỉ biết Bra-xin. Số khác đông hơn, già có, trẻ có, lại chỉ thích viết Brazil, phát âm kiểu Mỹ. Không ai bảo ai được.

Thursday, 1 March 2012

Lý Hải ở đâu?

Lý Hải là tên khác của biển Cát-xpiên.
* Kênh Von-ga Đông đã làm nối liền bể Ban-tích phía Bắc, với Lý hải và Hắc hải phía Nam
(Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 4, 1955:64, Lê Xuân Phương)


Lý Hải là âm Hán Việt của 裡海, nay không dùng nữa.

Tuesday, 28 February 2012

Tại sao ma giáo là gian xảo, xấu xa?




Từ ma giáo không có mặt trong các từ điển Thanh Nghị (1967), Lê Văn Đức (1970). Các từ điển hiện nay chỉ ghi một nghĩa của ma giáogian xảo, bịp bợm (Hoàng Phê, 2006:602), gian manh xảo trá (Nguyễn Như Ý, 1999:1080).
Từ ma giáo (viết thường) thật ra là Ma giáo (viết hoa) mà đông đảo người Việt biết đến nhờ các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, được dịch và phổ biến ở miền Nam vào những năm 70. Nhiều nhân vật của Ma giáo bị Kim Dung mô tả như là những kẻ bất chính, đáng khinh. Dân mê truyện chưởng sau đó gọi những kẻ gian xảo, bịp bợm là bọn Ma giáo.
Ma giáo, thật ra là Ma-ni giáo, một tôn giáo xuất phát từ Ba Tư trên cơ sở hỗn dung các yếu tố của đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Pác-xi, không có liên quan gì đến ma quỷ cả. Tiếng Anh là manicheism/manichaeism, tiếng Pháp là manichéisme, tiếng Nga là манихеизм, tiếng Trung là   móníjiào ... đều có nghĩa là đạo của ông Ma-ni (216-276).
Từ Ma-ni giáo là phiên âm Hán Việt của   tiếng Trung, đã xuất hiện từ lâu trong tiếng Việt:
Đời Đường thế lực lan khắp ra các nước láng giềng, nên có giao-thông với các nước cũng nhiều, bởi thế mới truyền đến nhiều tông-giáo mới, như là: Yêu-giáo, Cảnh-giáo, Ma-ni giáo, Do Thái giáo. (Đông Châu, 1934, “Khảo về luân-lý học-sử nước Tàu, Nam Phong Tạp Chí, số 210, trang 337)