Từ ma giáo không có mặt trong các từ điển Thanh Nghị (1967), Lê Văn Đức (1970). Các từ điển hiện nay chỉ ghi một nghĩa của ma giáo là gian xảo, bịp bợm (Hoàng Phê, 2006:602), gian manh xảo trá (Nguyễn Như Ý, 1999:1080).
Từ ma giáo (viết thường) thật ra là Ma giáo (viết hoa) mà đông đảo người Việt biết đến nhờ các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, được dịch và phổ biến ở miền Nam vào những năm 70. Nhiều nhân vật của Ma giáo bị Kim Dung mô tả như là những kẻ bất chính, đáng khinh. Dân mê truyện chưởng sau đó gọi những kẻ gian xảo, bịp bợm là bọn Ma giáo.
Ma giáo, thật ra là Ma-ni giáo, một tôn giáo xuất phát từ Ba Tư trên cơ sở hỗn dung các yếu tố của đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Pác-xi, không có liên quan gì đến ma quỷ cả. Tiếng Anh là manicheism/manichaeism, tiếng Pháp là manichéisme, tiếng Nga là манихеизм, tiếng Trung là 摩 尼 教 móníjiào ... đều có nghĩa là đạo của ông Ma-ni (216-276).
Đời Đường thế lực lan khắp ra các nước láng giềng, nên có giao-thông với các nước cũng nhiều, bởi thế mới truyền đến nhiều tông-giáo mới, như là: Yêu-giáo, Cảnh-giáo, Ma-ni giáo, Do Thái giáo. (Đông Châu, 1934, “Khảo về luân-lý học-sử nước Tàu, Nam Phong Tạp Chí, số 210, trang 337)
No comments:
Post a Comment