Làm reo vốn nghĩa là bãi công. Bãi công là từ Hán Việt có mặt trong tiếng Việt từ đầu thế kỷ 20 (Khội Khai Trí Tiến Đức, 1931:25). Làm reo là từ mượn của tiếng Pháp cùng thời đó (faire [la] grève).
* Cu-ly sở cao-su Michelin làm reo. (Nam Phong Tạp Chí số 179, 1932:651)
Từ grève trong tiếng Pháp chỉ cái bãi cát bên sông. Bên bờ sông Seine thời xưa có một bãi cát thoai thoải rất thuận tiện cho việc bốc dỡ hàng hóa; thợ thuyền thất nghiệp hay rủ nhau ra chỗ đó kiếm việc; chủ cần thợ cũng ra đó kiếm người. Cái chợ cơ bắp đó vì vậy mà có tên là Place de Grève. Đầu thế kỷ 19 Place de Grève thành nơi tụ tập của công nhân khi họ bãi công chống áp bức bóc lột. Từ đó faire [la] grève trong tiếng Pháp có nghĩa là bãi công. Quảng trường này được đổi tên từ năm 1830 thành Place de l’Hôtel de Ville và công nhân có thể bãi công ở nhiều nơi khác nhưng faire [la] grève vẫn cứ có nghĩa là bãi công.
Faire là grève ngay khi vào tiếng Việt thành làm reo đã không có được sắc thái trang trọng của bãi công. Làm reo là bãi công đã đành nhưng phải có reo hò ầm ĩ nữa. Ở đây reo gốc Pháp vô tình trùng âm với reo của reo hò:
* Hồi chiều này, khi tới sông Mã Đà, dân công họ làm reo om sòm, như là một cuộc biểu tình thị uy. (Kim Nhật, 1971 :551)
* Lại mấy con muỗi đã khéo chui vào màn lúc nào, cứ “làm reo” bên cạnh tai để quấy rối cuộc trị an. (Nguyễn Công Hoan, 2005:299)
Nói dân công làm reo thì hiểu được chứ muỗi mà cũng làm reo là làm sao?
bài quá thú vị, xin cám ơn tác giả
ReplyDelete