Trong Tam thiên tự, chữ (chữ thứ 176) được xem là một chữ Hán, âm Hán Việt là du, và được giảng bằng một chữ Nôm cùng tự dạng, đọc là dù (trong ô dù). Trong một bài viết, chúng tôi có khẳng định rằng đây là một chữ (Hán) nguỵ tạo: không một quyển từ điển hoặc một nguồn thư tịch nào của Trung Quốc có ghi nhận nó cả.
Sau khi chúng tôi đưa bài lên facebook, một bạn trên mạng xã hội này (sẽ gọi là bạn FB) có góp ý :
“ Trong cuốn Lê triều thiện chính điển lệ, trích dẫn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đoạn viết về nghi vệ của hoàng tử và các quan triều Lê, có nói hành nghi của hoàng tử, vương tử được phong tước quận công, hành nghi gồm có Võng ba đòn, ngoài ra còn có ô dù, lọng, yên ngựa, nguyên văn 行儀輞三扛,餘雨��、蓋、馬鞍. Trong đó từ dù được viết là Cân + Du. Bản thân chữ này trong tiếng Hán cũng có nghĩa là cái ô, nên không cần phải băn khoăn về nguồn gốc Hán của từ dùtrong tiếng Việt nữa.”
Chúng tôi đã bày tỏ với bạn FB rằng mình chưa yên tâm về cái chữ Hán “dù được viết là Cân + Du” mà lại có nghĩa là “ô (dù)” của bạn thì được bạn trả lời:
“ Tôi đinh ninh là tiếng Hán cũng có từ này, vì chợt đọc đến đó, tôi nhớ là tra rồi, nhưng hóa ra nhầm. Quả thật “chưa” thấy từ điển của Tàu nào thu nhập chữ này cả. Tuy nhiên, tôi đồ rằng nó đến từ một phương ngôn nào đó của tiếng Hán.”
Để chúng tôi yên tâm, bạn FB đã bổ sung :
“ Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, ký hiệu AB-372 , tờ 47a ghi: 雨��固号��炎欎撑 (tạm phiên: Vũ du? cố hiệu du? viêm nhiễm xanh). Cuốn Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa do bà Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải, Nxb Khoa học Xã hội, 1985, tr.179, phiên thành: Vũ dư có hiệu dù diềm nhuộm xanh. Ông Nguyễn Quang Hồng Viện Hán Nôm cũng đọc như vậy. Từ dữ kiện này, cộng với dữ kiện trong cuốnTam thiên tự, chưa cần biết người sau này đã phiên chuẩn xác chưa, nhưng ta biết được rằng, người viết sách Chỉ Nam ngọc âm và Tam thiên tự đều cho rằng chữ [Cân+Do] là từ Hán.”
Rồi để cho chặt chẽ hơn nữa, bạn FB lại thêm :
“ Đại Việt sử ký toàn thư ghi (tra theo năm), năm 1123, tháng 2, lần đầu làm chiếc lọng che mưa cán cong 曲柄雨蓋 (vũ cái). Năm 1376, tháng 4, định lại quy chế về thuyền, xe, kiệu, lọng, nghi trượng, quần áo 申定舟車轎傘儀仗衣服之制; từ lọng ở đây, nguyên văn là 'tản' 傘. Năm 1427, tháng 6, Lê Lợi ban cho những người lập công lớn, mỗi người một chiếc lọng, 賜傘各一柄, lọng ở đây nguyên văn lại là 'tản'. Năm 1527, tháng 4, vua sai mấy vị quan mang kim sách, mũ áo, ô lọng, đai ngọc, quạt hoa, tán tía đến làng Cổ Trai ở Nghi Dương 金册、烏龍、冠服、玉帶、紫轎、畫扇、紫傘往宜陽古齋, ở đây nguyên văn có “ô long” và “tử tản”, các bản dịch đều dịch là “ô lọng” và “tán tía”, nếu phiên vậy là đúng thì 'ô long' ở đây hẳn là chữ Nôm, cũng tức là, trong tiếng Việt thời Lê đã tồn tại từ ô và từ lọng, và các cụ bấy giờ hẳn phân biệt rõ ràng từ cái và từ tản. Ở câu trên xuất hiện cùng lúc từ ô, lọng và tản.”
Cuối cùng bạn FB gút lại :
“ Qua 2 cuốn sách kể trên, có thể thấy rằng, ngay từ thời Lê đã tồn tại những từ như: ô, lọng, dù,tản, cái; trong đó từ ô và lọng được coi là Nôm, tản, cái, dù được coi là Hán, và sau này từ tảncòn phái sinh ra một từ khác, gọi là tán. Vậy mối liên hệ giữa tất cả những từ này thế nào, từ nào là Hán từ nào là Việt, còn cần phải khảo sát kỹ, chưa thể có kết luận gì vội được.”
Để đáp lại ý kiến của bạn FB, chúng tôi xin phát biểu như sau:
Thứ nhất, bạn FB đã không có lý khi “đồ rằng chữ du(?) đến từ một phương ngữ nào đó của tiếng Hán.” Chính bạn đã khẳng định rằng nó có mặt trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa với tư cách là một chữ Hán nhưng bạn lại quên rằng “ngọc âm” là thứ chữ, thứ tiếng cao quý (“ngọc” mà lại!) của triều đình phương Bắc mà ta phải dùng để giao tiếp với nó. Thứ tiếng đó cho đến mãi gần đây vẫn còn được gọi là “quan thoại” thì chúng tôi e rằng một chữ xa lạ nào đó của phương ngữ khó lòng lọt được vào quyển “ngọc âm” đó. Mà nếu nó có lọt vào được, như ở tờ 47a của bản mang ký hiệu AB-372 mà bạn FB đã nêu, thì vấn đề cũng chưa thể trót lọt được. Bạn nghi ngờ không biết bà Trần Xuân Ngọc Lan căn cứ vào bản nào mà lại phiên chữ đang xét ra âm dư. Nhưng bà Lan đã thông báo rõ (sách bạn FB đã dẫn, tr. 14) rằng bà đã dùng chính bản AB-372 (và hai bản in khác nữa là bản từ thư viện của Société Asiatique và bản Nguyễn Tài Cẩn). Cùng một chữ, ở ngay một trang mà bạn FB đọc thế này còn bà Lan lại đọc thế kia thì người khác phải xét kỹ xem ai đúng, ai sai, hoặc cả hai đều sai chứ không nên nghe ngay theo bạn FB mà bảo là bà Lan sai. Huống chi, như chúng tôi đã nói ở bài trước, Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993), công trình cấp quốc gia của nước CHND Trung Hoa, tập đại thành toàn bộ các chữ Hán từ cổ chí kim, cũng không hề ghi nhận nó sau khi đã đào vét mọi ngóc ngách của rừng văn biển chữ. Ví thế cho nên, ngay cả khi ta có được chứng cứ rành rành rằng cái chữ đang xét vốn thật là và đây chính là cái tự dạng vốn do tác giả gốc của nó đưa vào Chỉ nam ngọc âm giải nghĩavới cái ý thức rõ rệt rằng đây là một chữ Hán, thì ta cũng phải thẳng tay bác bỏ nó vì đó là một chữ Hán nguỵ tạo. Về mặt văn bản học, ta chỉ có thể xử lý theo cách này mà thôi.
Thứ hai, bạn FB đã hoàn toàn đúng khi khẳng định rằng các cụ ngày xưa phân biệt rõ ràng từ cái 蓋 với từ tản 傘. Nhưng chính bạn lại không phân biệt vì, cùng một chữ tản 傘, nhưng không biết căn cứ vào đâu mà chữ của năm 1527 thì bạn hiểu đúng là “tán” còn chữ của năm 1376 và năm 1427 thì bạn lại hiểu thành “lọng”. Bạn cũng đã hiểu sai hai chữ ô long 烏龍 của năm 1527 mà bạn cho là Nôm nên đã đọc thành “ô, lọng”. Ta nên nhớ rằng đây là chính sử của triều đình do các vị quan là những bậc túc Nho biên soạn, đâu phải muốn xen Nôm vào lúc nào thì xen, nhất là với những khái niệm mà Hán ngữ đã sẵn từ, sẵn chữ. Làm sao mà hai tiếng Nôm “ô, lọng” có thể chen vai thích cánh với những cặp từkim sách 金册, quan phục 冠服, ngọc đái 玉帶, tử kiệu 紫轎, họa phiến 畫扇 và tử tản 紫傘? Văn phong của Đại Việt sử ký toàn thư đâu có giống với của bi ký hay hương ước. Nhưng để chứng tỏ mình đúng, bạn FB đã khẳng định rằng các bản dịch đều dịch/đọc 烏龍 (ô long) thành “ô lọng”. Sự thật không phải như thế. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, t. IV, in lần thứ hai có sửa chữa (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr. 117), Cao Huy Giu (phiên dịch) và Đào Duy Anh (hiệu đính) đã quan niệm rằng bốn chữ ô long quan phục 烏龍冠服 là tiếng Hán nên đã dịch là “mũ áo ô long”. Theo cách dịch này thì đó là một danh ngữ chính phụ mà quan phục 冠服 là trung tâm còn ô long 烏龍 là định ngữ chỉ loại. Ta chưa
biết cách dịch này có sai hay không; chỉ biết chắc chắn rằng ở đây, cụ Cao và cụ Đào đã hoàn toàn đúng khi xác định 烏龍 (ô long) là chữ Hán. Vâng, đây dứt khoát chỉ có thể là chữ Hán mà thôi.
Trở lên là đôi điều chúng tôi mạo muội trao đổi cùng bạn FB. Kể ra thì cũng còn vài điều nữa nhưng lại sợ là đi xa đề.