Theo Lễ kinh 禮經, hôn nhân là một trong 04 nghi lễ quan trọng của đời người. Đó là Quan, Hôn, Tang, Tế. Quán 冠 là lễ gia quan (đội mũ), biểu thị sự trưởng thành của nam nhân, bởi lẽ ngày xưa con trai hai mươi tuổi thì phải làm lễ đội mũ. Vì thế, theo Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển, con trai trong hai mươi tuổi còn gọi là nhược quan 弱冠.Hôn 婚 (tức nghi lễ thành gia lập thất, duy trì lễ pháp tông đường), Tang 喪 là nghi lễ kết thúc chu trình vòng đời một con người và Tế 祭 là nghi lễ tôn thiên kính địa, lễ bái tiền nhân, tổ tiên của dòng họ, đây là một sự việc cực kỳ trọng đại và liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh của con người. Trong chu trình của một đời người, 04 nghi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của con người xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu và lý giải nguồn gốc nghi lễ thứ hai của hai từ góc độ từ nguyên văn hoá.
Trong văn tự cổ Trung Hoa, hai chữ Hôn nhân 婚姻 vốn trước đây được viết không có bộ Nữ 女, bộ thủ này là do người đời sau thêm vào để nhằm giải thích rõ hơn ý nghĩa nội hàm của nó. Trịnh Huyền 鄭 玄, một học giả đời Hán 漢, khi chú thích sách Nghi Lễ 儀禮, thiên Sĩ Hôn Lễ 士 婚禮 đã viết:“ Sĩ thú thê chi lễ dĩ hôn vi kỳ. Nhân nhi danh yên 士娶妻之禮以昏為期因而名焉” (Lễ kết hôn của kẻ sĩ, lấy buổi hoàng hôn làm thời gian. Nhân đó mới đặt tên là Hôn). Hứa Thận 許慎, nhà văn tự, từ nguyên học cổ đại đời Hán 漢, khi soạn bộ Thuyết văn giải tự 說文解字, ngay tại mục chữ Hôn 婚, ông cũng cho rằng: “Thú phụ dĩ hôn thời, cố viết Hôn, tùng nữ tùng hôn 娶 婦 以 昏 時 故 曰 婚 從 女 從 昏…” (Lễ kết hôn lấy buổi hoàng hôn làm thời gian tổ chức nên gọi là Hôn, có chữ hôn và chữ nữ).
Theo các tài liệu khảo chứng về văn hoá cổ đại Trung Hoa, chúng ta có thể nhận biết rằng trong quá khứ, suốt một thời kỳ dài, nghi thức hôn thú đều lấy thời điểm hoàng hôn làm thời gian tổ chức. Ở một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ở Trung Quốc ngày nay vẫn còn giữ tập tục cổ xưa đó. Như vậy, hôn lễ vì sao lại tổ chức vào lúc hoàng hôn? Các nhà nghiên cứu văn hoá Trung Quốc về cơ bản đều căn cứ vào học thuyết Âm – Dương để giải thích tất cả các vấn đề. Họ cho rằng muôn vật trong vũ trụ đều có sự thống nhất trong sự đối lập và khái quát thành hai khái niệm cơ bản là Âm 陰 và Dương 陽. Địa 地 (Đất) là âm, thiên 天 (trời) là dương, Nguyệt 月 (mặt trăng) là âm, Nhật 日 (mặt trời) là dương, Dạ 夜 (ban đêm) là âm, Trú 晝 (ban ngày) là dương, nữ 女 là âm và nam 男 là dương. Theo quan niệm cổ xưa, hoàng hôn là lúc mặt trời lặn xuống núi, mặt trăng bắt đầu mọc lên. Ban ngày sắp hết, màn đêm bắt đầu buông xuống và đó cũng chính là lúc âm dương giao hòa với nhau. Cử hành hôn lễ vào lúc này và việc chọn thời điểm âm dương tương giao, hài hòa với nhau là hoàn toàn hợp lý.
Qua khảo cứu thực tế trong thư tịch, chúng tôi cho rằng phương thức giải thích như trên cũng chỉ là một trong số khá nhiều cách lý giải, biện minh cho hiện tượng “Hôn thời hành lễ 昏時行禮” (Tổ chức hôn lễ vào buổi hoàng hôn) của người xưa. Bởi lẽ, bản thân hiện tượng lịch sử này còn mang những nội hàm văn hoá và tư tưởng khác, trước hết nó góp phần phản ánh một tập tục đã có từ rất lâu đời. Thứ đến, nó còn có một nguyên nhân sâu xa khác từ tục cướp hôn có từ xa xưa, do nam nữ không cùng một tập đoàn mà kết hôn với nhau. Ban đầu, người con trai “bị gả” (Giá 嫁) cho thị tộc của cô gái, trở thành thành viên của thị tộc đó. Cả nam và nữ đều mang họ mẹ, và sau khi chết đi mới được đem táng ở nghĩa địa của thị tộc cũ của mình. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc, khi khảo sát các di chỉ cổ đã phát hiện, nghĩa địa của thị tộc có hai khu rõ rệt : một khu dành cho nữ giới, một khu dành cho nam giới, ngay cả anh chị em trong một gia đình với nhau cũng không được chôn kề nhau, con gái đã xuất giá sau khi chết cũng không được chôn cùng với chồng mà phải chôn riêng ở nghĩa địa của thị tộc. Khi xã hội nguyên thủy từ thị tộc mẫu hệ quá độ sang thị tộc phụ hệ, lễ tục hôn nhân cũng có sự biến chuyển, thay đổi. Tập tục con trai sang ở rể nhà con gái đã chuyển sang tục mới là đem cô dâu sang nhà trai và có lẽ ngay lúc đó đã vấp phải sự phản ứng của phụ nữ nên mới sinh ra tục “đoạt hôn 奪婚”.
Nghi thức hôn lễ được tổ chức vào lúc hoàng hôn vì trời lúc này bắt đầu nhá nhem tối, ánh sáng không còn rõ nên rất tiện cho việc cướp cô dâu. Chữ Thú 娶(lấy vợ) vốn có nghĩa là Thủ 取 (nhận lấy, cướp lấy). Chữ này vốn được viết từ một chữ hựu 又 (cánh tay) và chữ Nhĩ 耳 (cái tai). Đó là dấu hiệu văn tự phản ánh hiện tượng bịt tai (tức là không nghe những lời của nhà gái) mà cướp hôn. Sách Thuyết văn giải tự, khi bàn về chữ Thú cũng có viết:“Thú phụ dã, tòng nữ tòng thủ娶婦也從女從取” (chữ thú trong từ giá thú, có chữ nữ và chữ thủ). Căn cứ vào tài liệu trên, chúng ta có thể ước đoán rằng, hôn nhân đối ngẫu ra đời vào thời kỳ quá độ tòng phụ cư 從婦居 sang chế độ tòng phu cư 從夫居. Về sau, cùng với sự củng cố và ràng buộc chế độ lễ nghi phong kiến, hình thức hôn nhân này càng ngày càng phong phú, phức tạp hơn về nội dung và quy trình thực hiện hôn lễ đỗi ngẫu.
Hôn nhân đối ngẫu ra đời đánh dấu một bước phát triển mới về nhận thức xã hội, chấm dứt quá trình tạp hôn, đồng thời mang lại những cơ sở sinh lý đảm bảo chắc chắn cho việc tăng trưởng và phát triển của các thế hệ mai sau. Sự ổn định trong quan hệ hôn nhân cũng có những hiệu quả tích cực đối với tâm sinh lý con người. Và khi đó hôn nhân và cuộc sống ổn định sẽ có tác dụng thúc đẩy tốc độ phát triển của văn hoá, xã hội của một cộng đồng dân tộc nói riêng và văn minh nhân loại nói chung.
ThS. Võ Minh Hải
(GV, Khoa Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn)
Tài liệu tham khảo chính
- Đàm Gia Kiện (1993), Lịch sử văn hoá Trung Quốc, NXB KHXH, H.
- Hứa Thận, Thuyết văn giải tự, Giang Tô Quảng Lăng cổ tịch khắc ấn xã , Giang Tô (bản Trung văn).
- Ngô Vinh Chính (2004), Đại cương lịch sử văn hoá Trung Quốc, NXB VHTT, H.