Đưa lên theo yêu cầu của bạn Công Trực Nguyễn.
Để phản bác ý kiến của ông Nguyễn Quảng Tuân trên Hồn Việt số 19 (01-2009) về hai tiếng “gia gia”, chúng tôi đã có bài “Cái gia gia không là cái gì cả” trên Đương thời số 2(26) năm 2009 . Ông Nguyễn Quảng Tuân đã có bài trả lời trên Hồn Việt số 22 (04-2009). Để trao đổi kỹ hơn với ông, chúng tôi lại có bài “Không thể không là cái đa đa”, đăng liên tiếp trên hai kỳ Đương thời số 5(29) và số 6(30) năm 2009. Mới đây, trên Hồn Việt số 29 (11-2009), để tiếp tục khẳng định ý kiến của mình, ông Nguyễn Quảng Tuân lại có bài “Đúng là cái gia gia”, kèm theo là bài ca trù “Kính gửi ông An Chi”, gọi là để “tạ quá” với chúng tôi. Vậy chúng tôi xin kính đáp như sau.
Trở lại bài của mình trên Hồn Việt số 22, ông Nguyễn Quảng Tuân viết:“ Việc trả lời ấy đã rõ ràng vì cách hiểu đó không phải là ý kiến riêng của chúng tôi, mà là ý kiến chung của cả giới văn học từ xưa đến nay và nó cũng đã thành một pháp lệnh.”Rồi để dẫn chứng về pháp lệnh này, ông đưa ra hai câu thơ đang xét của Bà HuyệnThanh Quan với lời giảng về từ ngữ của hai câu này trong sách Văn học lớp 9 của nhóm Đỗ Quang Lưu-Nguyễn Lộc-Nguyễn Sĩ Cẩn (Nxb Giáo dục, 2003).
Ông Nguyễn Quảng Tuân viện đến “ý kiến chung của giới văn học từ xưa đến nay”, cứ ngỡ rằng đây là một thứ rào cản mà người khác không thể vượt qua được nhưng nào có phải như thế! Huống chi, như Roman Jakobson đã khẳng định một cách chí lý, “việc vận dụng sự biểu quyết và sự phủ quyết là (chuyện) xa lạ với việc thảo luận học thuật” (The use of votes and vetoes is alien to scholarly discussion – Language in Literature). Còn cái thời gian “từ xưa đến nay” của ông thực chất chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi: từ ngày bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan được ghi bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên tính đến nay chưa chắc đã đầy 100 năm. Mà cứ cho là đã hơn một thế kỷ thì đây cũng dứt khoát không phải là cái lý để ta không thể đổi “gia gia” thành đa đa. Cũng thuộc chuyện “từ xưa đến nay” là vấn đề “cổ hay là có” trong câu thứ 8 của Truyện Kiều. “Từ xưa đến nay”, hầu như “cả giới văn học” đều đọc câu này thành Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh. Dẫn chứng:
“ Bản Kiều quốc ngữ đầu tiên phiên âm thành Phong tình cổ lục là bản Noóc-đờ-man, in năm 1897. Sau đó bản Nguyễn Văn Vĩnh, in lần thứ hai, năm 1912(…) Bản Kiều dịch sang Pháp văn do nhà A-lếc-dăng đờ Rốt Hà-nội xuất bản năm 1943 (…) Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim trong cuốn Truyện Thuý Kiều, xuất bản lần thứ I năm 1925 cũng in bốn chữ trên trong ngoặc kép nhỏ:“Phong tình cổ lục” (…) Các sách quốc ngữ về sau hầu hết đều bắt chước mà chép và chú thích như thế, cho nên đến nay hầu hết mọi người đều thuộc lòng là:
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.”
( Nguyễn Du, TruyệnKiều, Nhóm nghiên cứu văn bản Truyện Kiều, Nxb Văn học, Hà Nội, 1965,tr.LXIX).
Tuy sự thật là như thế nhưng trong sách đã dẫn, nhóm nghiên cứu trên đâyvẫn không ngần ngại đổi “cổ” thành cócho hợp lý. Rồi trong Từ điển Truyện Kiều (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974), Đào Duy Anh cũng phiên câu Kiều thứ 8 thành:
Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
Bây giờ thì hầu như có đã đánh bật “cổ”. Vậy thì chẳng có gì trở ngại để cho ta không thể đổi “gia gia” thànhđa đa trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan.
Còn về chuyện “gia gia đã thành pháp lệnh” thì chắc là ông Nguyễn Quảng Tuân đã quên đi hoặc không hề quan tâm đến bao nhiêu lời chê trách đối với sách giáo khoa môn Văn. Mà ngay trên Hồn Việt số 29 là số có đăng bài của ông, thì “pháp lệnh” vẫn bị chê đó thôi. Ông cứ vui lòng đọc bài “Những bất cập trong việc dạy và học môn Lịch sử bậc phổ thông” ở trang 4-6 thì sẽ thấy tác giả Bùi Thiết chê nó như thế nào. Ta chẳng những không nên, mà cũng không thể, đưa pháp lệnh ra để làm hậu thuẫn cho việc thảo luận khoa học. Vậy thì, mặc dù ông khẳng định rằng “việc trả lời ấy đã rõ ràng”, nhưng rõ ràng là nó không thể đứng vững.
Về bốn câu thơ của Trần Danh Án,ông Nguyễn Quảng Tuân viết:“ (…) Trong Hồn Việt số 19 (…) ở câu thứ ba tôi đã đánh máy thừa chữ 國 (quốc) nên đã dịch sai, nhưng trong bài “Trả lời ông An Chi về hai chữ gia gia” đăng trên Hồn Việt số 22 tôi đã sửa lại rồi, sao ông (An Chi) lại không biết?” Chúng tôi biết lắm chứ. Nhưng ông đã sửa rồi mà chúng tôi vẫn nhắc lại là tại ông đấy. Trên Đương thời số 2(26),chúng tôi có nói đến đâu. Nhưng trên Hồn Việt số 22, ông cho rằng chúng tôi đã cố tình cắt đi câu viết của Trần Danh Án mà ông đã dẫn ; ý của ông là như thế thì người ta không thấy được lập luận chặt chẽ của ông còn chúng tôi thì sẽ bắt bẻ ông dễ dàng hơn. Vì thế nên trên Đương thời số 5(29), chúng tôi mới trả lời rằng sở dĩ chúng tôi “cố tình cắt đi” câu của Trần Danh Án mà ông đã dẫn là vì muốn tránh cho ông cái đoạn trong đó ông đã phạm những cái lỗi quá tệ về cách hiểu tiếng Hán. Những cái lỗi quá tệ đó (liên quan đến chữ quốc 國 thừa ra) là gì thì chúng tôi buộc lòng phải nêu ra; nếu chúng tôi không nêu, ông lại bảo chúng tôi vu khống thì chúng tôi còn biết làm thế nào.
Ông Nguyễn Quảng Tuân lại viết tiếp:“ Còn nữa, ở câu thứ tư, chữ 何 (hà) tôi đã đánh máy sai thành chữ可(khả) nhưng ông (An Chi) cũng không nhận ra mà lại cho rằng chữ 可(khả) ấy có dị bản chép là chữ 無 (vô) và ông cho rằng vô cực là “không hết”, “không dứt”, “không nguôi”, “không vơi”. Thực ra câu thứ tư ấy phải chép là 孤 臣 對 此 情 何 極 (Cô thần đối thử tình hà cực), và có thể hiểu là: Kẻ cô thần đối trước cảnh ấy thấy lòng mình sao mà khổ cực đến thế?” Ở đây, ông Nguyễn Quảng Tuân đã không trung thực: làm gì có chuyện ông đánh máy sai chữ hà 何 thành chữ khả 可. Trong ý thức của mình, chính ông đã chọn chữkhả nên trong cả hai lần, trên Hồn Việt số 19 cũng như số 22, ông đều đọc cái chữ mà ông cho là mình đã đánh máy sai thành “khả”. Nếu là do đánh máy sai chữ Hán 何 thành 可 thì văn bản chữ quốc ngữ của ông phải là hà. Đằng này, đến hai lần, trên cả số 19 lẫn số 22 của Hồn Việt, ông đều viết “khả”. Đây là một chữ dùng có chủ định hẳn hoi. Huống chi, trong phần mềm gõ chữ Hán, nếu dùng âm Hán Việt thì ông phải gõ “khả” mới ra được chữ 可, chứ nếu gõ “hà” thì làm sao ra? Còn nếu dùng pinyin thì phải gõ “kě”, chứ không thể gõ “hé” mà lại ra được chữ 可. Vậy dứt khoát không thể có chuyện “đánh máy sai” trong trường hợp này. Chẳng qua ông Nguyễn Quảng Tuân phải nói trớ ra như thế để chuyển từ khả 可 sang hà 何 một cách quanh co nhằm “hợp thức hoá” cái cách hiểu sai lệch của ông mà thôi. Rồi ngay cả chữ hà 何 cũng là một chữ mà sự tồn tại rất mơ hồ chứ chữ vô 無 của chúng tôi mới là một chữ chính thức mà đa số tác giả thừa nhận và ghi chép. Thế mà ông lại còn chê chúng tôi:“ Chữ 何 (hà) tôi đã đánh máy sai thành chữ 可(khả) nhưng ông (An Chi) cũng không nhận ra mà lại cho rằng chữ 可(khả) ấy có dị bản chép là chữ 無(vô).” Sao chúng tôi lại cần phải biết đến chữ “hà” của ông?
Vậy câu thơ hữu quan của Trần Danh Án là:
Cô thần đối thử tình vô cực,
như đại đa số tác giả đều chép. Nó có nghĩa là: Trước cái thực tế đó thì lòng thương nhớ của kẻ cô thần này đâu có nguôi được. Tiếc rằng cho đến Hồn Việt số 29 (11-2009), ông Nguyễn Quảng Tuân vẫn còn hiểu cực極 là “khổ sở”. Thực ra, đây chỉ là cái nghĩa của chữ này trong tiếng Việt, do từ nguyên dân gian mà ra, chứ không phải trong tiếng Hán. Nghĩa của nó trong câu thơ tiếng Hán đang xét là “hết”, là “chấm dứt”. Bĩ cực thái lai là “vận xui chấm dứt (thì) vận may (lại) đến”, chứ cực ở đây cũng không phải là “rất, hết sức”,như ông Nguyễn Quảng Tuân đã giảng trong Lục Vân Tiên do ông phiên âm và chú thích (Nxb Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2008, tr. 306). Vậy, đúng như chúng tôi đã khẳng định trên Đương thời số 5(29), vô cực ở đây là “không hết”, “không dứt”, “không nguôi”, “không vơi”. Đây là nghĩa văn cảnh. Còn theo nghĩa thông thường đã cho trong từ điển thì vô cực 無 極 là “không có chỗ nào cuối cùng” (Hán-Việt từ-điển của Đào Duy Anh), “không có chỗ hết” (Hán-Việt tân từ-điển của Nguyễn Quốc Hùng),v. v.. Đây mới đích thực là nghĩa của chữ cực trong câu thơ của Trần Danh Án.
Về thực tế thì phần quan trọng nhất trong bài của ông Nguyễn Quảng Tuân là phần mà ông căn cứ vào chữ Nôm, rồi cả chữ quốc ngữ để phân tích mấy tiếng “quốc quốc”, “gia gia”, mà ông vẫn tiếp tục cho là từ tượng thanh. Ông ghi hai câu thơ đang xét thành:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái da da.
Rồi ông cho biết ông căn cứ vào quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Trần Văn Kiệm mà viết “da da” thành [家鳥] [家鳥]. Thực ra thì hai chữ Nôm này đã được tác giả Trần Văn Kiệm dùng để ghi hai tiếng “gia gia” chứ không phải “da da” (Xin x. bản của NxbThuận Hoá, Huế, 1999, tr.372 & 451). Nhưng ngay cái chữ Nôm này của Trần Văn Kiệm , ta cũng không biết tác giả lấy từ đâu ra hay là do chính ông “sáng chế”. Còn quyển tự điển có uy tín nên đáng tin cậy về chữ Nôm là Tự điển chữ Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm, do Nguyễn Quang Hồng chủ biên (Nxb Giáo dục, 2006) thì không hề ghi nhận cái chữ của ông Trần Văn Kiệm. Lý do rất dễ hiểu: Trong từ vựng của tiếng Việt, làm gì có giống chim nào gọi là “gia gia” hay “da da”. Vậy nếu có thật là ông đã lấy nó từ một nguồn nào đó thì cái nguồn này chắc chắn cũng chỉ là một nguồn ăn theo câu thơ đã bị đọc chệch và hiểu lệch của Bà Huyện, nghĩa là một cái nguồn hậu-Thanh Quan mà thôi. Tự điển chữ Nôm chỉ căn cứ theo Tam thiên tự giải âm của Ngô Thì Nhậm in năm Minh Mệnh Tân Mùi (1831) và Đại Nam quốc ngữcủa Nguyễn Văn San in năm Thành Thái Kỷ Hợi (1899) để ghi nhận cái tên chính xác của giống chim đó là đa đa bằng hai chữ Nôm giả tá loại C1 là 多 多, với ghi chú “cũng đọc gia”. Sở dĩ có điều ghi chú này thì chẳng qua cũng là vì còn kể đến lối đọc chệch câu thơ của Bà Huyện mà thôi. Còn Ngũ thiên tự (chưa xác định được tác giả) cũng dịch giá cô là đa đa 多 多.
Nhưng điều đáng nói nhất là ở chỗ ông Nguyễn Quảng Tuân không hề quan tâm đến phương pháp tranh luận. Chúng tôi đã phân tích và chứng minh kỹ càng rằng “gia gia” không phải là từ tượng thanh cả về ngữ pháp lẫn trong thực tế. Chúng tôi đã nói rõ ràng rằng theo cái tai nghe của người Trung Quốc thì tiếng kêu của đa đa là “Hành bất đắc dã ca ca” còn với người Việt thì đó là “Bát cát quả cà”, hoặc“Cách ca ca, bốc chép cho cha”, hoặc“Đánh chác đầu ra! Bạc ác đa đa!”, hoặc “Tiếc rổ tép đa đa! Tiếc rổ tép đa đa!” Để khẳng định cái gọi là từ tượng thanh “gia gia” của mình, lẽ ra ông Nguyễn Quảng Tuân phải bác bỏ những thực tế trên đây, rằng chim đa đa không hề kêu như thế, mà kêu “gia gia” cơ! Nhưng ông không hề làm, vì làm thế nào được! Vì thế nên hai tiếng “gia gia” của ông chỉ là những tiếng kêu ảo mà thôi. Ông không cần quan tâm đến phương pháp. Chúng tôi nói rằng “từ tượng thanh chỉ ghi âm chứ không biểu niệm”; ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ nói rằng mình “không cho là như thế và sẽ giải thích ở phần sau”. Vậy ở phần sau, ông đã giải thích như thế nào? Ông phân tích việc Bà Huyện Thanh Quan chơi chữ bằng từ tượng thanh, một hiện tượng ngôn ngữ mà chính chúng tôi đã bác bỏ bằng lý luận ngữ học chặt chẽ. Huống chi, chính sự phân tích của ông lại càng chứng tỏ rằng ông không nắm được vấn đề. Ông viết:“ Nếu viết (…) cái đa đa theo như ông An Chi thì khi viết sang chữ Nôm sẽ là (…) 丐 [鳥多] [鳥多] thì tuy cũng rất đối nhau nhưng trong chữ đa [鳥多] không còn chữ gia 家để gợi ý thương nhà nữa như Bà Huyện Thanh Quan muốn chơi chữ.” Ông Nguyễn Quảng Tuân quên bẵng đi rằng, cũng để chỉ con “chim gia gia”, quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Trần Văn Kiệm còn có một chữ nữa, nhưng không hài thanh bằng chữ gia 家 là “nhà”, mà bằng chữ gia 加 là “thêm”. Vậy nếu Bà Huyện không dùng chữ kia, mà lại dùng chữ này, thì lấy ở đâu ra chữ gia 家 là “nhà” để cho ông dựa dẫm? Rõ ràng việc ông Nguyễn Quảng Tuân cố công chuyển cái tên con “chim gia gia” sang chữ Nôm để phân tích là một việc hoàn toàn vô ích. Vì rất dị ứng với ngữ học, như chúng tôi đã nói trên Đương thời số 6(30), nên ông Nguyễn Quảng Tuân cũng tỏ ra rất hệch hạc trong phương pháp tranh luận. Ông chẳng cần gì đến lý thuyết. Chúng tôi xin nhắc lại rằng, nếu không có lý thuyết ngữ học cần thiết thì rất khó làm văn học.
Bây giờ, để ông Nguyễn Quảng Tuân, bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh và các vị khoái “cái gia gia” yên tâm rằng Bà Huyện cũng có chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm, chúng tôi xin phân tích như sau. Ba tiếng mà các vị thường đọc thành “con quốc quốc” trong câu 5 của bài “Qua Đèo Ngang” thì xin thưa rằng, muốn cho chính xác, ta phải sửa thành con cuốc cuốc, như chính chúng tôi đã phiên khi kết thúc câu trả lời cho ông Huỳnh Văn Gấm (Cai Lậy, Tiền Giang) trên Hồn Việt số 17 (11-2008). Tại sao à? Thưa rằng chẳng những vì đó là âm chính xác của phương ngữ Bắc Bộ, trong đó có địa phương quê hương của Bà Huyện, mà đó còn là âm chuẩn của từ đang xét trong tiếng Việt toàn dân đầu thế kỷ XXI này nữa. Các vị cứ lật Từ điển tiếng Việt 2007củaTrung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên ra kiểm tra thì sẽ thấy chỉ có cuốc để chỉ giống chim mà Bà Huyện đã nghe tiếng kêu khi “bước tới Đèo Ngang” chứ không có “quốc”. Chữ cuốc này đồng âm với chữcuốc là nước, trễ nhất cũng là từ giữa thế kỷ XVII, như có thể thấy trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của A. de Rhodes (Roma, 1651), cho đến nửa đầu thế kỷ XX ở Miền Bắc. Cho đến hiện nay, ở Miền Bắc,ta vẫn còn có thể gặp nhiều người phát âm quốc gia thành “cuốc gia”. Vậy, rõ ràng là Bà Huyện đã chơi chữ:
Con cuốc cuốc = con “nước nước”.
Bây giờ xin chuyển sang cái đa đa. Trong bài “Cái ‘gia gia’ chẳng là cái gì cả” trên Đương thời số 2(26), cũng như trong bài giải đáp trên Hồn Việt số 17 (11-2008), chúng tôi đã có nói kỹ về mối quan hệ giữa Đ với D nên bây giờ chỉ xin nhắc rằng đây vốn là hai phụ âm đầu có cấu âm rất gần nhau. Vì vậy nên âm tiết đa dễ gợi cho người ta liên tưởng đến âm tiết da. Đồng thời, lúc bấy giờ, trong phương ngữ Miền Bắc, quê hương của Bà Huyện, phụ âm đầu D và phụ âm đầu GI cũng đã hoà lẫn với nhau về phát âm. Do đó, da và gia cũng phát âm như nhau. Hệ quả liên hoàn là âm tiết đa cũng dễ gợi cho người ta liên tưởng đến âm tiết gia. Cho nêncái đa đa cũng dễ gợi cho người ta liên tưởng đến cái “gia gia” nghĩa là cái “nhà nhà”. Đấy, nếu Bà Huyện có chơi chữ thì cũng chỉ chơi đến mức ấy thôi chứ không thể chơi đến bẻ cong bóp méo con chim từ đa đathành “gia gia”.
Tóm lại, ở đây chẳng làm gì có chuyện từ tượng thanh. Chỉ có hai ngữ danh từ con cuốc cuốc và cái đa đa, trong đó con và cái là danh từ đơn vị còn cuốc cuốc và đa đa là danh từ khối. Và hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan là:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái đa đa.
Cuối cùng, xin có đôi lời về bài ca trù của bác Nguyễn Quảng Tuân. Bác nhắn nhủ:
Lẽ nào vì chữ “gia gia”,
Mà ông quên cả bạn già tình xưa.
Không đâu, tôi không hề quên đâu, bác Tuân. Tôi chỉ thẳng thắn trong học thuật mà thôi. Nếu gặp bác, tôi vẫn tay bắt mặt mừng như xưa. Tôi vẫn chờ bác gọi điện thoại đến hỏi vợ tôi:
– Sao, ông ấy đang làm gì đấy? Ông ấy đã dậy chưa?
Tôi vẫn chờ điện thoại của bác đấy!