Wednesday, 7 August 2013

Lư Thoa là ai?


Lư Thoa là Rousseau, được người Việt đầu thế kỷ 20 biết đến qua tác phẩm Xã ước (Du contrat social,
nay dịch là Rút-xô Bàn về khế ước xã hội). Trên tân thư chữ Hán, tên Rousseau được người Trung Quốc phiên là 盧梭 (âm Hán Việt là Lư Thoa).
Ngồi buồn ta nhớ ông Lư Thoa
Dân ước nhân quyền ông xướng ra
Ông sinh thế kỷ thứ mười tám
Hai trăm năm nay đời đã qua
Tiếng ông còn ở trên thế giới
Tượng ông còn đứng bên Lãng-sa
Sau lúc ông chết, tỏ danh giá
Ông còn đương sống, không vinh hoa
Vinh hoa danh giá, ông không tưởng
Thương đời bao quản đời coi ta
Tượng đồng còn đó, ông còn đó
Nghìn thu gió táp cùng mưa sa
Mưa sa gió táp ông không quản
Ông đứng lo đời còn lâu xa
Nhớ ông bao nhiêu kính lại mến
Học trò xin có bài thơ ca

(Tản Đà, Hữu Thanh 1921)

Tuesday, 6 August 2013

Phong nhũ phì đồn có gì xấu xa?


Phong nhũ phì đồnvú to mông nở. Người Việt dịch Phong nhũ phì đồn (丰乳肥) của Mạc Ngôn phải đổi tựa lại thành Báu vật của đời để khỏi ai nghĩ đến... vú to mông nở.

Phùng Nguyên (báo Tiền Phong) bảo phong nhũ phì đồn vốn không xấu:


Có lẽ dân gian ngày xưa phải nhìn thấy (phong nhũ phì đồn kiểu) Bà Tưng thì nhục cảm, nhục dục mới trỗi dậy. Nhưng các cụ mà sống dậy được sẽ hỏi:
-Phùng Nguyên ơi, Bà Tưng thả rông thế kia để thể hiện ước vọng gì đấy?

Monday, 5 August 2013

ƯƠNG, VIỆT, VÃN, VÃNG (An Chi / Huệ Thiên - Năng Lượng Mới số 244 ,2-8-2013).


ƯƠNG, VIỆT, VÃN, VÃNG (Năng Lượng Mới số 244 ,2-8-2013).

August 2, 2013 at 12:12pm
    Bạn đọc : Xin ông cho biết chữ “ương” trong “trung ương” nghĩa là gì và chữ “việt” trong “Bách Việt” có liên quan gì đến âm “vượt” trong “vượt biên”, “vượt tuyến”, v.v., hay không. Xin cám ơn ông.
                                                                       Thanh Dung, Cầu Giấy, Hà Nội.
        An Chi : 1.- Chữ “ương” trong “trung ương” là một hình vị Hán Việt mà Hán tự là []. Đây là một chữ hội ý, gồm có chữ “đại”[], được phân tích là hình của một người, trong chữ “quynh”[], được phân tích là một vật thể, có thể là một cái khung. Với cái ý được hội này (một người trong một cái khung) thì “ương’ có nghĩa là “trong”, là “giữa”.
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã giảng về chữ “ương” như sau:
         “Ở giữa: Dạ-ương (giữa đêm – AC), trung-ương // (Rộng) a/Giốt, gần chín: Ổi ương – b/ Lình-bình, dở ròng, dở lớn: Con nước ương. – c/ Lỡ dở, gàn bướng, nửa khôn nửa dại: Lương-ươngtính ương.”
        Còn nhà thơ Thành Nam thì có câu:
        Vị Xuyên có Tú Xương,
Dở dở lại ương ương.
Chữ “ương” này còn có mấy chữ đồng âm, đáng chú ý, nhất là ba chữ sau: 1.- Chữ viết với bộ “đãi”[歹] thành [殃], có nghĩa là “xấu”, “có hại”, “tai hoạ” (như: tai ương). 2.- Chữ viết với bộ “hoà”[禾] thành [秧], có nghĩa là “mạ (lúa)”, “cây cối mới mọc”, “cá con mới nở”, v.v.. 3.- Chữ viết với bộ “điểu”[鳥] thành [鴦], có nghĩa là con mái của chim uyên.
2.- Chúng tôi sẽ không đi vào nội dung của chữ “Việt” trong “Bách Việt” – chuyện này thì phức tạp – mà chỉ bàn đến hiện tượng tương ứng ngữ âm do bạn nêu ra.
Ở đây, “vượt” là một điệp thức (cùng từ nguyên) của “việt” mà chữ Hán là [越]. Về mối quan hệ giữa hai nguyên âm đôi IÊ và ƯƠ (đi với phụ âm cuối là N, M, T, P), ta có hàng loạt dẫn chứng:
–     yêm [淹], ngâm lâu trong nước ↔ ươm (tơ);
–     yển [偃](ngã ra, ngã ngửa) ↔ ưởn (ngực);
–     yên [菸], không còn tươi tốt, mới mẻ ↔ (cá) ươn;
–     yếp [腌] ↔ ướp;
–     kiếm [劍] ↔ gươm;
–     kiếp [劫] ↔ cướp;
–     liễm [斂], thu góp, thu vén ↔ (hái) lượm;
–     liệt [列], thứ tự, hàng lối ↔ (lần) lượt;
–     niếp
–     phiếm [汎], trôi nổi ↔ (bay) bướm;
–     tiêm [纖] ↔ tươm (tiêm tất [纖悉] ↔ tươm tất);
–     tiết [泄], đại tiện ra máu ↔ tướt (có chuyển nghĩa: trẻ con tiêu chảy lúc mọc răng);
–     thiết[切], (hai vật) cọ, quẹt vào nhau; gần gũi; đứng gàn; v.v. ↔ (lướt) thướt;
–     triêm [沾], ngấm, thấm vào ↔ chườm;
–     triếp [鮿], cá khô ↔ chượp;
–     viên [援] dắt, kéo ↔ vươn (tới, lên);
–     viên [園] ↔ vườn;
–     viên [猿] ↔ vượn; và cuối cùng là
– việt [越] ↔ vượt.
Cứ như trên thì xét theo từ nguyên, “việt” và “vượt” là hai từ có liên quan với nhau về mặt ngữ âm và là hai điệp thức.
Bạn đọc : Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển hoc do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng – Vietlex, 2007) thì hai cách viết “vãn cảnh” và “vãng cảnh” đều có chung ý nghĩa. Xin ông cho biết có phải cả hai cách viết này đều đúng và đồng nghĩa?
                                                                                                      Huỳnh Ngọc Lâm trên FB.
An Chi : Chính những người biên soạn quyển từ điển này đã ghi chú cho chữ “vãn” và chữ “vãng” trong hai mục từ đang xét bằng hai chữ Hán khác hẳn nhau: với “vãn cảnh” là chữ [晚] còn với “vãng cảnh” thì lại chữ [往].
“Vãn”[晚] là buổi chiều nên “vãn cảnh”[晚景] là cảnh chiều hôm, rồi hiểu theo nghĩa bóng là cảnh già, tuổi già. Còn “vãng”[往] là đến, là tới nhưng tiếng Hán không có từ tổ cố định “vãng cảnh”[往景]. Đây cũng chẳng phải là một từ tổ phi Hán Việt vì tiếng Việt không hề có một từ “vãng” độc lập có nghĩa là tới, là đến. Chẳng hạn ta không thể nói *Tôi vãng Bệnh viện 115 thăm bạn hoặc *Hôm anh vãng nhà tôi thì lại đi vắng. Vậy “vãng cảnh”[往景], với nghĩa “đến đê thăm cảnh”, chỉ là một cấu trúc Hán Việt do ta đặt ra theo cách của ta.
Nhưng dù cho từ tổ “vãng cảnh”[往景] có chính cống do Tàu đặt ra hay là đặc sản của riêng ta thì, với hai chữ Hán khác hẳn nhau chẳng những về tự dạng mà còn cả về ngữ nghĩa như “vãn”[晚] và “vãng”[往] mà chính thức thừa nhận rằng hai mục từ “vãn cảnh”[晚景] và “vãng cảnh”[往景] đồng nghĩa với nhau là đã làm một thao tác từ điển học cực kỳ vô lý. Có người đã chủ trương rằng “ngôn ngữ có sự chuẩn hóa, nhưng cũng có quy luật khách quan, không phải ai quy phạm thì có thể chống lại được thái độ ngôn ngữ của người khác”. Thật là một sự định hướng khôn ngoan nhưng nó chỉ có thể xài được với điều kiện “thái độ ngôn ngữ của người khác” không xuất phát từ sự ngu dốt.

Sunday, 4 August 2013

Vẫn cứ là cái đa đa (An Chi - Tạp chí ĐƯƠNG THỜI số 11-2009)



Vẫn cứ là cái đa đa (Tạp chí ĐƯƠNG THỜI số 11-2009)

by An Chi (Notes) on Monday, May 6, 2013 at 11:18pm
                                                           Đưa lên theo yêu cầu của bạn Công Trực Nguyễn.
  Để phản bác ý kiến của ông Nguyễn Quảng Tuân trên Hồn Việt số 19 (01-2009) về hai tiếng “gia gia”, chúng tôi đã có bài “Cái gia gia không là cái gì cả” trên Đương thời số 2(26) năm 2009 . Ông Nguyễn Quảng Tuân đã có bài trả lời trên Hồn Việt số 22 (04-2009). Để trao đổi kỹ hơn với ông, chúng tôi lại có bài “Không thể không là cái đa đa”, đăng liên tiếp trên hai kỳ Đương thời số 5(29) và số 6(30) năm 2009. Mới đây, trên Hồn Việt  số 29 (11-2009), để tiếp tục khẳng định ý kiến của mình, ông Nguyễn Quảng Tuân lại có bài “Đúng là cái gia gia”, kèm theo là bài ca trù “Kính gửi ông An Chi”, gọi là để “tạ quá” với chúng tôi. Vậy chúng tôi xin kính đáp như sau.
 Trở lại bài của mình trên Hồn Việt số 22, ông Nguyễn Quảng Tuân viết:“ Việc trả lời ấy đã rõ ràng vì cách hiểu đó không phải là ý kiến riêng của chúng tôi, mà là ý kiến chung của cả giới văn học từ xưa đến nay và nó cũng đã thành một pháp lệnh.”Rồi để dẫn chứng về pháp lệnh này, ông đưa ra hai câu thơ đang xét của Bà HuyệnThanh Quan với lời giảng về từ ngữ của hai câu này trong sách Văn học lớp 9 của nhóm Đỗ Quang Lưu-Nguyễn Lộc-Nguyễn Sĩ Cẩn (Nxb Giáo dục, 2003).
 Ông Nguyễn Quảng Tuân viện đến “ý kiến chung của giới văn học từ xưa đến nay”, cứ ngỡ rằng đây là một thứ rào cản mà người khác không thể vượt qua được nhưng nào có phải như thế! Huống chi, như Roman Jakobson đã khẳng định một cách chí lý, “việc vận dụng sự biểu quyết và sự phủ quyết là (chuyện) xa lạ với việc thảo luận học thuật” (The use of votes and vetoes is alien to scholarly discussion  Language in Literature). Còn cái thời gian “từ xưa đến nay” của ông thực chất chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi: từ ngày bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan được ghi bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên tính đến nay chưa chắc đã đầy 100 năm. Mà cứ cho là đã hơn một thế kỷ thì đây cũng dứt khoát không phải là cái lý để ta không thể đổi “gia gia” thành đa đa. Cũng thuộc chuyện “từ xưa đến nay” là vấn đề “cổ  hay là ” trong câu thứ 8 của Truyện Kiều. “Từ xưa đến nay”, hầu như “cả giới văn học” đều đọc câu này thành Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh. Dẫn chứng:
 “ Bản Kiều quốc ngữ đầu tiên phiên âm thành Phong tình cổ lục là bản Noóc-đờ-man, in năm 1897. Sau đó bản Nguyễn Văn Vĩnh, in lần thứ hai, năm 1912(…) Bản Kiều dịch sang Pháp văn do nhà A-lếc-dăng đờ Rốt Hà-nội xuất bản năm 1943 (…) Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim trong cuốn Truyện Thuý Kiều, xuất bản lần thứ I năm 1925 cũng in bốn chữ trên trong ngoặc kép nhỏ:“Phong tình cổ lục” (…) Các sách quốc ngữ về sau hầu hết đều bắt chước mà chép và chú thích như thế, cho nên đến nay hầu hết mọi người đều thuộc lòng là:
              Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.”
( Nguyễn Du, TruyệnKiều, Nhóm nghiên cứu văn bản Truyện Kiều, Nxb Văn học, Hà Nội, 1965,tr.LXIX).
Tuy sự thật là như thế nhưng trong sách đã dẫn, nhóm nghiên cứu trên đâyvẫn không ngần ngại đổi “cổ” thành cho hợp lý. Rồi trong Từ điển Truyện Kiều  (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974), Đào Duy Anh cũng phiên câu Kiều thứ 8 thành:
            Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
Bây giờ thì hầu như có đã đánh bật “cổ”. Vậy thì chẳng có gì trở ngại để cho ta không thể đổi “gia gia” thànhđa đa trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan.
 Còn về chuyện “gia gia đã thành pháp lệnh” thì chắc là ông Nguyễn Quảng Tuân đã quên đi hoặc không hề quan tâm đến bao nhiêu lời chê trách đối với sách giáo khoa môn Văn. Mà ngay trên Hồn Việt số 29 là số có đăng bài của ông, thì “pháp lệnh” vẫn bị chê đó thôi. Ông cứ vui lòng đọc bài “Những bất cập trong việc dạy và học môn Lịch sử bậc phổ thông” ở trang 4-6 thì sẽ thấy tác giả Bùi Thiết chê nó như thế nào. Ta chẳng những không nên, mà cũng không thể, đưa pháp lệnh ra để làm hậu thuẫn cho việc thảo luận khoa học. Vậy thì, mặc dù ông khẳng định rằng “việc trả lời ấy đã rõ ràng”, nhưng rõ ràng là nó không thể đứng vững.
 Về bốn câu thơ của Trần Danh Án,ông Nguyễn Quảng Tuân viết:“ (…) Trong Hồn Việt số 19 (…) ở câu thứ ba tôi đã đánh máy thừa chữ 國 (quốc) nên đã dịch sai, nhưng trong bài “Trả lời ông An Chi về hai chữ gia gia” đăng trên Hồn Việt  số 22 tôi đã sửa lại rồi, sao ông (An Chi) lại không biết?” Chúng tôi biết lắm chứ. Nhưng ông đã sửa rồi mà chúng tôi vẫn nhắc lại là tại ông đấy. Trên Đương thời số 2(26),chúng tôi có nói đến đâu. Nhưng trên Hồn Việt  số 22, ông cho rằng chúng tôi đã cố tình cắt đi câu viết của Trần Danh Án mà ông đã dẫn ; ý của ông là như thế thì người ta không thấy được lập luận chặt chẽ của ông còn chúng tôi thì sẽ bắt bẻ ông dễ dàng hơn. Vì thế nên trên Đương thời số 5(29), chúng tôi mới trả lời rằng sở dĩ chúng tôi “cố tình cắt đi” câu của Trần Danh Án mà ông đã dẫn là vì muốn tránh cho ông cái đoạn trong đó ông đã phạm những cái lỗi quá tệ về cách hiểu tiếng Hán. Những cái lỗi quá tệ đó (liên quan đến chữ quốc 國 thừa ra) là gì thì chúng tôi buộc lòng phải nêu ra; nếu chúng tôi không nêu, ông lại bảo chúng tôi vu khống thì chúng tôi còn biết làm thế nào.
 Ông Nguyễn Quảng Tuân lại viết tiếp:“ Còn nữa, ở câu thứ tư, chữ  () tôi đã đánh máy sai thành chữ(khả) nhưng ông (An Chi) cũng không nhận ra mà lại cho rằng chữ (khả) ấy có dị bản chép là chữ  () và ông cho rằng vô cực là “không hết”, “không dứt”, “không nguôi”, “không vơi”. Thực ra câu thứ tư ấy phải chép là  臣 對 此 情  極 (Cô thần đối thử tình hà cực), và có thể hiểu là: Kẻ cô thần đối trước cảnh ấy thấy lòng mình sao mà khổ cực đến thế?” Ở đây, ông Nguyễn Quảng Tuân đã không trung thực: làm gì có chuyện ông đánh máy sai chữ hà  thành chữ khả . Trong ý thức của mình, chính ông đã chọn chữkhả nên trong cả hai lần, trên Hồn Việt  số 19 cũng như  số 22, ông đều đọc cái chữ mà ông cho là mình đã đánh máy sai thành “khả”. Nếu là do đánh máy sai chữ Hán  thành  thì văn bản chữ quốc ngữ của ông phải là . Đằng này, đến hai lần, trên cả số 19 lẫn số 22 của Hồn Việt, ông đều viết “khả”. Đây là một chữ dùng có chủ định hẳn hoi. Huống chi, trong phần mềm gõ chữ Hán, nếu dùng âm Hán Việt thì ông phải gõ “khả” mới ra được chữ , chứ nếu gõ “hà” thì làm sao ra? Còn nếu dùng pinyin thì phải gõ “kě”, chứ không thể gõ “hé” mà lại ra được chữ . Vậy dứt khoát không thể có chuyện “đánh máy sai” trong trường hợp này. Chẳng qua ông Nguyễn Quảng Tuân phải nói trớ ra như thế để chuyển từ khả  sang   một cách quanh co nhằm “hợp thức hoá” cái cách hiểu sai lệch của ông mà thôi. Rồi ngay cả chữ   cũng là một chữ mà sự tồn tại rất mơ hồ chứ chữ   của chúng tôi mới là một chữ chính thức mà đa số tác giả thừa nhận và ghi chép. Thế mà ông lại còn chê chúng tôi:“ Chữ  () tôi đã đánh máy sai thành chữ (khả) nhưng ông (An Chi) cũng không nhận ra mà lại cho rằng chữ (khả) ấy có dị bản chép là chữ ().” Sao chúng tôi lại cần phải biết đến chữ “hà” của ông?
 Vậy câu thơ hữu quan của Trần Danh Án là:
Cô thần đối thử tình vô cực,
như đại đa số tác giả đều chép. Nó có nghĩa là: Trước cái thực tế đó thì lòng thương nhớ của kẻ cô thần này đâu có nguôi được. Tiếc rằng cho đến Hồn Việt số 29 (11-2009), ông Nguyễn Quảng Tuân vẫn còn hiểu cực là “khổ sở”. Thực ra, đây chỉ là cái nghĩa của chữ này trong tiếng Việt, do từ nguyên dân gian mà ra, chứ không phải trong tiếng Hán. Nghĩa của nó trong câu thơ tiếng Hán đang xét là “hết”, là “chấm dứt”. Bĩ cực thái lai là “vận xui chấm dứt (thì) vận may (lại) đến”, chứ cực ở đây cũng không phải là “rất, hết sức”,như ông Nguyễn Quảng Tuân đã giảng trong Lục Vân Tiên do ông phiên âm và chú thích (Nxb Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2008, tr. 306). Vậy, đúng như chúng tôi đã khẳng định trên Đương thời số 5(29), vô cực ở đây là “không hết”, “không dứt”, “không nguôi”, “không vơi”. Đây là nghĩa văn cảnh. Còn theo nghĩa thông thường đã cho trong từ điển thì vô cực  極 là “không có chỗ nào cuối cùng” (Hán-Việt từ-điển của Đào Duy Anh), “không có chỗ hết” (Hán-Việt tân từ-điển của Nguyễn Quốc Hùng),v. v.. Đây mới đích thực là nghĩa của chữ cực  trong câu thơ của Trần Danh Án.
      Về thực tế thì phần quan trọng nhất trong bài của ông Nguyễn Quảng Tuân là phần mà ông căn cứ vào chữ Nôm, rồi cả chữ quốc ngữ để phân tích mấy tiếng “quốc quốc”, “gia gia”, mà ông vẫn tiếp tục cho là từ tượng thanh. Ông ghi hai câu thơ đang xét thành:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái da da.
Rồi ông cho biết ông căn cứ vào quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Trần Văn Kiệm mà viết “da da” thành  [家鳥]  [家鳥]. Thực ra thì hai chữ Nôm này đã được tác giả Trần Văn Kiệm dùng để ghi hai tiếng “gia gia” chứ không phải “da da” (Xin x. bản của NxbThuận Hoá, Huế, 1999, tr.372 & 451). Nhưng ngay cái chữ Nôm này của Trần Văn Kiệm , ta cũng không biết tác giả lấy từ đâu ra hay là do chính ông “sáng chế”. Còn quyển tự điển có uy tín nên đáng tin cậy về chữ Nôm là Tự điển chữ Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm, do Nguyễn Quang Hồng chủ biên (Nxb Giáo dục, 2006) thì không hề ghi nhận cái chữ của ông Trần Văn Kiệm. Lý do rất dễ hiểu: Trong từ vựng của tiếng Việt, làm gì có giống chim nào gọi là “gia gia” hay “da da”. Vậy nếu có thật là ông đã lấy nó từ một nguồn nào đó thì cái nguồn này chắc chắn cũng chỉ là một nguồn ăn theo câu thơ đã bị đọc chệch và hiểu lệch của Bà Huyện, nghĩa là một cái nguồn hậu-Thanh Quan mà thôi. Tự điển chữ Nôm chỉ căn cứ theo Tam thiên tự giải âm của Ngô Thì Nhậm in năm Minh Mệnh Tân Mùi (1831) và Đại Nam quốc ngữcủa Nguyễn Văn San in năm Thành Thái Kỷ Hợi (1899) để ghi nhận cái tên chính xác của giống chim đó là đa đa bằng hai chữ Nôm giả tá loại C1 là  , với ghi chú “cũng đọc gia”. Sở dĩ có điều ghi chú này thì chẳng qua cũng là vì còn kể đến lối đọc chệch câu thơ của Bà Huyện mà thôi. Còn Ngũ thiên tự (chưa xác định được tác giả) cũng dịch giá cô là đa đa  .
      Nhưng điều đáng nói nhất là ở chỗ ông Nguyễn Quảng Tuân không hề quan tâm đến phương pháp tranh luận. Chúng tôi đã phân tích và chứng minh kỹ càng rằng “gia gia” không phải là từ tượng thanh cả về ngữ pháp lẫn trong thực tế. Chúng tôi đã nói rõ ràng rằng theo cái tai nghe của người Trung Quốc thì tiếng kêu của đa đa là “Hành bất đắc dã ca ca” còn với người Việt thì đó là “Bát cát quả cà”, hoặcCách ca ca, bốc chép cho cha”, hoặcĐánh chác đầu ra! Bạc ác đa đa!”, hoặc Tiếc rổ tép đa đaTiếc rổ tép đa đa!” Để khẳng định cái gọi là từ tượng thanh “gia gia” của mình, lẽ ra ông Nguyễn Quảng Tuân phải bác bỏ những thực tế trên đây, rằng chim đa đa không hề kêu như thế, mà kêu “gia gia” cơ! Nhưng ông không hề làm, vì làm thế nào được! Vì thế nên hai tiếng “gia gia” của ông chỉ là những tiếng kêu ảo mà thôi. Ông không cần quan tâm đến phương pháp. Chúng tôi nói rằng “từ tượng thanh chỉ ghi âm chứ không biểu niệm”; ông Nguyễn Quảng Tuân chỉ nói rằng mình “không cho là như thế và sẽ giải thích ở phần sau”. Vậy ở phần sau, ông đã giải thích như thế nào? Ông phân tích việc Bà Huyện Thanh Quan chơi chữ bằng từ tượng thanh, một hiện tượng ngôn ngữ mà chính chúng tôi đã bác bỏ bằng lý luận ngữ học chặt chẽ. Huống chi, chính sự phân tích của ông lại càng chứng tỏ rằng ông không nắm được vấn đề. Ông viết:“ Nếu viết (…) cái đa đa theo như ông An Chi thì khi viết sang chữ  Nôm sẽ là (…)  [鳥多] [鳥多] thì tuy cũng rất đối nhau nhưng trong chữ đa [鳥多] không còn chữ gia để gợi ý thương nhà nữa như Bà Huyện Thanh Quan muốn chơi chữ.” Ông Nguyễn Quảng Tuân quên bẵng đi rằng, cũng để chỉ con “chim gia gia”, quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Trần Văn Kiệm còn có một chữ nữa, nhưng không hài thanh bằng chữ gia  là “nhà”, mà bằng chữ gia  là “thêm”. Vậy nếu Bà Huyện không dùng chữ kia, mà lại dùng chữ này, thì lấy ở đâu ra chữ gia  là “nhà” để cho ông dựa dẫm? Rõ ràng việc ông Nguyễn Quảng Tuân cố công chuyển cái tên con “chim gia gia” sang chữ Nôm để phân tích là một việc hoàn toàn vô ích. Vì rất dị ứng với ngữ học, như chúng tôi đã nói trên Đương thời số 6(30), nên ông Nguyễn Quảng Tuân cũng tỏ ra rất hệch hạc trong phương pháp tranh luận. Ông chẳng cần gì đến lý thuyết. Chúng tôi xin nhắc lại rằng, nếu không có lý thuyết ngữ học cần thiết thì rất khó làm văn học.
      Bây giờ, để ông Nguyễn Quảng Tuân, bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh và các vị khoái “cái gia gia” yên tâm rằng Bà Huyện cũng có chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm, chúng tôi xin phân tích như sau. Ba tiếng mà các vị thường đọc thành “con quốc quốc” trong câu 5 của bài “Qua Đèo Ngang” thì xin thưa rằng, muốn cho chính xác, ta phải sửa thành con cuốc cuốc, như chính chúng tôi đã phiên khi kết thúc câu trả lời cho ông Huỳnh Văn Gấm (Cai Lậy, Tiền Giang) trên Hồn Việt số 17 (11-2008). Tại sao à? Thưa rằng chẳng những vì đó là âm chính xác của phương ngữ Bắc Bộ, trong đó có địa phương quê hương của Bà Huyện, mà đó còn là âm chuẩn của từ đang xét trong tiếng Việt toàn dân đầu thế kỷ XXI này nữa. Các vị cứ lật Từ điển tiếng Việt 2007củaTrung tâm từ điển học  do Hoàng Phê chủ biên ra kiểm tra thì sẽ thấy chỉ có cuốc để chỉ giống chim mà Bà Huyện đã nghe tiếng kêu khi “bước tới Đèo Ngang” chứ không có “quốc”. Chữ cuốc này đồng âm với chữcuốc là nước, trễ nhất cũng là từ giữa thế kỷ XVII, như có thể thấy trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của A. de Rhodes (Roma, 1651), cho đến nửa đầu thế kỷ XX ở Miền Bắc. Cho đến hiện nay, ở Miền Bắc,ta vẫn còn có thể gặp nhiều người phát âm quốc gia thành “cuốc gia”. Vậy, rõ ràng là Bà Huyện đã chơi chữ:
Con cuốc cuốc = con nước nước.
Bây giờ xin chuyển sang cái đa đa. Trong bài “Cái ‘gia gia’ chẳng là cái gì cả” trên Đương thời số 2(26), cũng như trong bài giải đáp trên Hồn Việt số 17 (11-2008), chúng tôi đã có nói kỹ về mối quan hệ giữa Đ với D nên      bây giờ chỉ xin nhắc rằng đây vốn là hai phụ âm đầu có cấu âm rất gần nhau. Vì vậy nên âm tiết đa dễ gợi cho người ta liên tưởng đến âm tiết da. Đồng thời, lúc bấy giờ, trong phương ngữ Miền Bắc, quê hương của Bà Huyện, phụ âm đầu D và phụ âm đầu GI cũng đã hoà lẫn với nhau về phát âm. Do đó, da  và gia cũng phát âm như nhau. Hệ quả liên hoàn là âm tiết đa cũng dễ gợi cho người ta liên tưởng đến âm tiết gia. Cho nêncái đa đa cũng dễ gợi cho người ta liên tưởng đến cái gia gia” nghĩa là cái “nhà nhà”. Đấy, nếu Bà Huyện có chơi chữ thì cũng chỉ chơi đến mức ấy thôi chứ không thể chơi đến bẻ cong bóp méo con chim từ đa đathành “gia gia”.
Tóm lại, ở đây chẳng làm gì có chuyện từ tượng thanh. Chỉ có hai ngữ danh từ con cuốc cuốc và cái đa đa, trong đó con và cái  là danh từ đơn vị còn cuốc cuốc và đa đa là danh từ khối. Và hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan là:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái đa đa.
Cuối cùng, xin có đôi lời về bài ca trù của bác Nguyễn Quảng Tuân. Bác nhắn nhủ:
Lẽ nào vì chữ “gia gia”,
Mà ông quên cả bạn già tình xưa.
Không đâu, tôi không hề quên đâu, bác Tuân. Tôi chỉ thẳng thắn trong học thuật mà thôi. Nếu gặp bác, tôi vẫn tay bắt mặt mừng như xưa. Tôi vẫn chờ bác gọi điện thoại đến hỏi vợ tôi:
 Sao, ông ấy đang làm gì đấy? Ông ấy đã dậy chưa?
Tôi vẫn chờ điện thoại của bác đấy!

Saturday, 3 August 2013

Bây giờ là thời buổi nào?




Cẩm nang sinh hoạt đạo đức gia đình của linh mục Đan Vinh (nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2009) ở trang 69-70 ra điều kiện cho các cặp vợ chồng rối đạo (vợ chồng chưa hoặc không thể chịu phép hôn phối ở nhà thờ) như sau:
Họ cần tiếp tục giữ các bổn phận cầu nguyện sớm tối, dự lễ Chúa nhật, ăn chay hãm mình đền tội, chu toàn bổn phận giáo dục đức tin cho con cái.
Thôi thì qua sông phải lụy đò là chuyện đương nhiên.
Đổi lại linh mục chính xứ có thể cho họ xưng tội kín đáo và rước lễ một lần tại một nhà thờ xa lạ (tránh rước lễ ngay tại nhà thờ giáo xứ vì sẽ gây thắc mắc và nên cớ vấp phạm cho nhiều người trong xứ). Thân có tội, bị đối xử như vậy cũng là chuyện có thể hiểu được.
Khó hiểu nhất là câu cuối cùng:
Họ phải tránh giao hợp vợ chồng trước khi được rước lễ một lần ấy.
Thế nào là giao hợp vợ chồng thì người đọc tự hiểu, sách không giải thích thêm cũng không quy định rõ các kiểu giao hợp phù hợp với đạo đức Công giáo. Sách không nói rõ phải tránh giao hợp vợ chồng trước khi được rước lễ bao lâu: 15 phút? một giờ ? một tuần ? Một tuần trước khi rước lễ lần này có gì khác với 51 tuần sau khi rước lễ lần trước ?

Friday, 2 August 2013

Nghị định số 88/2011/NĐ-CP của Chính phủ : Về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ

Nghị định số 88/2011/NĐ-CP của Chính phủ : Về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ


CHÍNH PHỦ
____
Số: 88/2011/NĐ-CP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________
Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH
Về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
______________

CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Nghị định này quy định chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.
Điều 2. Quyền lợi của gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
1. Học sinh là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.
2. Gia đình và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được trợ cấp khó khăn đột xuất, trong các trường hợp sau đây:
a) Gia đình của hạ sĩ quan, binh sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc gia đình phải di dời chỗ ở thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/suất/lần.
b) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/suất/lần.
Chế độ trợ cấp quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện không quá 2 lần trong một năm đối với một đối tượng.
c) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích thì được trợ cấp mức 1.000.000 đồng/suất.
Điều 3. Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này; lập dự toán và chi trả chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại Nghị định này.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này.
3. Những người thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này thôi hưởng chế độ khi hạ sĩ quan, binh sĩ thôi phục vụ tại ngũ, hy sinh, từ trần hoặc vi phạm kỷ luật bị tước danh hiệu quân nhân.
4. Những người có hành vi làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2011 và thay thế Nghị định số 106/2007/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (5b)
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng

Nghị định 87/2013/NĐ-CP ngày 30/7/2013 quy định chế độ đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ


Nghị định 87/2013/NĐ-CP ngày 30/7/2013 quy định chế độ đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ


Nghị định số 87/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân

CHÍNH PHỦ
------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 87/2013/NĐ-CP
Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH, THÂN NHÂN HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ ĐANG PHỤC VỤ CÓ THỜI HẠN TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân,
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Nghị định này quy định chế độ, chính sách trợ cấp khó khăn đột xuất, miễn học phí đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân (sau đây gọi là hạ sĩ quan, chiến sĩ).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ.
2. Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ (là nơi hạ sĩ quan, chiến sĩ thường xuyên sinh sống trước khi phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân).
Điều 3. Chế độ đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ
1. Gia đình và thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp sau:
a) Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất/lần.
b) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ bảy ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.
Chế độ trợ cấp quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này được thực hiện không quá hai lần trong một năm đối với một đối tượng.
c) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị từ trần, mất tích được trợ cấp 1.000.000 đồng/suất.
2. Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ miễn, giảm học phí.
Điều 4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 9 năm 2013.
Bãi bỏ Nghị định số 54/2008/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này; lập dự toán và thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với gia đình, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ quy định tại Nghị định này.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ miễn học phí quy định tại Nghị định này đối với con của hạ sĩ quan, chiến sĩ cư trú trên địa bàn.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng