Sunday, 15 September 2013

Học giả An Chi: Bình thường và khác thường (Phan Hoàng - Văn Nghệ Công An)

Học giả An Chi: Bình thường và khác thường
8:00, 21/03/2013


Học giả An Chi trong phòng làm việc của mình.

Cuối năm 2012, bộ phim tài liệu "An Chi - hành trình thầm lặng" do Lư Trọng Tín viết kịch bản và đạo diễn, được TFS sản xuất trình chiếu đã gây xúc động giới học thuật và những người trọng kiến thức, chữ nghĩa. Được mời tham gia viết lời bình cho bộ phim, với riêng tôi, đó là một vinh dự lớn.
Nhiều người bảo, An Chi không có học hàm học vị cao, chưa từng giữ bất cứ chức vụ gì trong cơ quan nhà nước, lại được làm phim, ắt là khác thường. Thực ra, con người An Chi chẳng có gì bí ẩn cả, chỉ có hành trình cuộc đời lận đận cùng sự dung nạp tri thức và lý luận, kiến giải của ông về học thuật là khác thường mà thôi. Đó cũng là lý do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng sinh thời trong một bài viết về giới trí thức Việt Nam đương đại đăng trên Báo Tuổi Trẻ, cái tên duy nhất ông nhắc tới là An Chi, với tư cách một người không có bằng cấp cao nhưng lao động khoa học nghiêm túc, chuẩn mực, mang lại niềm tin cho đời sống học thuật nước nhà vốn có lúc thật giả lẫn lộn.
Học giả An Chi còn có bút danh Huệ Thiên. Bút danh này là do ông chơi chữ từ tên thật Võ Thiện Hoa mà đặt thành. Quê ông ở xã Bình Hoà, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1935, thời chống Pháp là học sinh kháng chiến. Ông vốn mang hai quốc tịch Việt và Pháp, nên còn có tên Pháp là Emile Pierre Lucatos. Đây là một "sản phẩm" của lịch sử, bây giờ nghe thấy lạ, nhưng với thế hệ ông điều đó là bình thường.
Hồi nhỏ cậu bé Võ Thiện Hoa thường lẽo đẽo theo ông nội đi thăm một người bạn của nội. Ông này là vị sư trụ trì trong một ngôi chùa nhỏ, hành nghề bốc thuốc Nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông nội mất, cậu bé họ Võ vẫn theo mẹ đến thăm nhà sư. Lần nọ, vị sư già nhìn cậu bé rồi trầm ngâm quay sang mẹ anh nhỏ nhẹ nói đại ý rằng: Cậu bé này dù có làm gì đi chăng nữa cũng sẽ quay về con đường của chữ "sĩ". Câu nói bất chợt ấy của vị sư già đã "vận" đúng vào đời ông.
Năm 1954, không thuộc diện cán bộ đi tập kết, nhưng vì lòng yêu nước, ông đã vượt tuyến ra Bắc bằng đường hàng không. Ông được một cán bộ lãnh đạo hoạt động bí mật ở miền Nam viết thư giới thiệu với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhưng ông cố ý không liên lạc để phải chịu mang tiếng "được tiến cử".  Thay vào đó, ông hăm hở tham gia xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, rồi lại chuyển sang Nhà máy chè Phú Thọ, vừa làm công nhân, vừa nuôi giấc mơ được theo đòi việc học. Ước mơ thành hiện thực, ông ghi danh học lớp sư phạm trung cấp, ra trường được bổ nhiệm về dạy học ở Thái Bình. Chính trong thời gian vật lộn với nghề gõ đầu trẻ đầy gian khó giữa nơi heo hút, ông đã bắt đầu tự học, tích lũy kiến thức làm nền tảng văn hoá cho mình. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, người gốc Thái Bình hiện sống ở Tp HCM cho biết, ngày ấy ở Thái Bình giới văn nghệ trí thức không ai không biết Võ Thiện Hoa. "Ông ấy là "đặc sản" của Thái Bình đấy. Uyên bác thì khỏi nói rồi, mà dường như vẫn giữ được cái khí phách của người quân tử"!

Đất nước thống nhất, ông lên tàu hoả xuyên Việt về Nam đoàn tụ với mẹ già và người thân, tiếp tục dạy học và nghiên cứu, từ chối mọi đề bạt làm quản lý trong ngành Giáo dục. Sự vượt khó tự học, tinh thông nhiều ngoại ngữ, niềm đam mê chữ nghĩa, nghiên cứu đã đưa con người nhỏ thó, rắn rỏi, điềm đạm này từ vô danh, không học vị học hàm, trở thành tên tuổi quen thuộc đáng kính. Mọi người tìm đọc Huệ Thiên - An Chi qua những bài phản biện sâu sắc, thuyết phục được đăng tải trên chuyên mục "Chuyện Đông chuyện Tây" của Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay và "Từ chữ đến nghĩa" của Tạp chí Đương Thời, rồi tập hợp in thành nhiều tập trong công trình "Chuyện Đông chuyện Tây", "Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm".
Những phản biện về ngôn ngữ và lịch sử của An Chi đề cập từ những vấn đề căn bản, phổ cập của đời sống tới những vấn đề nan giải của học thuật. Ông không ngại đụng chạm đến những kiến giải sai lầm của các "cây đa cây đề" mà trước đó khá lâu giới nghiên cứu dường như tránh đề cập đến. Bản lĩnh hiếm có ấy của An Chi cùng kiến thức sâu rộng, luận chứng cụ thể, được trình bày khúc chiết, dễ hiểu đã được đông đảo bạn đọc cùng giới nghiên cứu đồng tình.
Chẳng hạn ông chỉ ra những chỗ sai trong "Từ điển Truyện Kiều" của GS. Đào Duy Anh và cả những điểm mà GS. Phan Ngọc sửa chữa "nâng cấp" không đúng về cuốn từ điển này. Rồi trong 2 cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" đều của GS. Nguyễn Lân, ông chỉ ra chính xác những "chỗ sai khó ngờ". Ông cũng chứng minh thuyết phục về sự nhầm lẫn của GS. Hoàng Xuân Hãn trong việc dùng thuyết "tự nhiên" lý giải ngôn ngữ "Truyện Kiều"…
Về lịch sử, An Chi cũng có những công trình đáng chú ý khi kiến giải: "Hùng Vương hay Lạc Vương?", "Vấn đề "thành" của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng", "Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?"… Đặc biệt, về vấn đề Mạc Đăng Dung, sau khi đưa ra những sử liệu để phản biện một cách minh bạch, An Chi đã đi đến kết luận: "Vậy thì không làm gì có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của quốc gia Đại Việt để dâng cho nhà Minh; chỉ có việc sử thần của nhà Lê đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi". Đặt lại vấn đề này, An Chi còn mong muốn "nhấn mạnh đến lương tâm và trách nhiệm của các sử gia và nhà nghiên cứu lịch sử trong việc ghi chép và việc bình phẩm về hành động của các nhân vật lịch sử".
Sự quan tâm lớn nhất của An Chi là từ nguyên học, một bộ môn vốn còn khá mới mẻ và chưa được chú ý lắm ở Việt Nam. Cũng nhờ đó, ông được giới ngôn ngữ học trân trọng. Giáo sư Cao Xuân Hạo chính là người viết lời tựa cho bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" nổi tiếng của An Chi. Các nhà ngữ học nổi tiếng hiện nay như Nguyễn Đức Dương, Hoàng Dũng, Lý Việt Dũng cũng luôn đánh giá cao những cống hiến khoa học của ông.
Dù tuổi đã gần bát tuần, nhưng hiện nay An Chi vẫn hăng say làm việc. Phần lớn tiền nhuận bút sách báo ông dành dụm để mua sách. Tủ sách của An Chi chứa đầy sách quý và đây là một trong những thư viện gia đình hiếm có ở nước ta. Giữa thế giới sách được sắp xếp ngăn nắp, học giả An Chi thường lặng lẽ cô đơn đi lại ngẫm ngợi. Trước đây ông chỉ quen dùng bút giấy. Bây giờ ông lại đăm chiêu với máy tính, để viết và kết nối với bạn bè, đồng nghiệp cùng những người đồng điệu chia sẻ với mình.
Học giả An Chi may mắn có được người vợ hiền, đảm đang, chỗ dựa tin cậy và luôn chia sẻ với ông từng trang viết, từng vấn đề khó khăn nảy sinh trong cuộc sống. Bà vốn cũng công tác trong ngành Giáo dục. Ông thổ lộ: "Tôi rất sung sướng và hãnh diện về sự hỗ trợ của gia đình cho công việc của mình. Sau khi tôi phụ trách "Chuyện Đông chuyện Tây" trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay một thời gian thì mẹ tôi, vợ tôi, mẹ vợ tôi và dì tôi đều gọi tôi là An Chi một cách thân thương, chứ không gọi tên thật hoặc dùng một từ trực chỉ nào khác. Riêng cậu tôi thì gọi bằng bút hiệu đầu tiên của tôi là Huệ Thiên. Lúc mẹ tôi còn khoẻ thì ngày nào bà cũng quét dọn bàn làm việc của tôi, sắp xếp sách vở, giấy tờ cho ngay ngắn. Mỗi khi có "Chuyện Đông chuyện Tây" số mới, mẹ tôi đều đem ra băng đá trước sân ngồi đọc, bất chấp có hiểu hay không hoặc hiểu đến đâu. Tôi mới dùng máy tính chừng 5 năm trở lại đây. Trước kia, tôi viết tay, thường thì 9 tờ A4 theo cỡ chữ của tôi là vừa một kỳ "Chuyện Đông chuyện Tây". Có khi gần đến ngày nộp bài mà chưa xong, bà nhìn kỹ trên bàn rồi nói nhỏ với vợ tôi: "Mới có mấy tờ hà, con". Bà không muốn con trai mình bị toà soạn trách móc. Vợ tôi cũng không để cho tôi phải bận tâm gì về công việc nhà cửa, kể cả những việc thường lẽ ra phải do người đàn ông lo liệu. Cô ấy lo cho tôi từ cái ăn đến viên thuốc, tóm lại là mọi thứ liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của chồng. Vợ tôi không trực tiếp giúp đỡ tôi trong công việc viết lách nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhờ cô ấy cân nhắc, lựa chọn từ, ngữ hoặc đọc hộ bản thảo để góp ý...".
Vào mỗi cuối tuần, gia đình An Chi hay đón bạn bè, đồng nghiệp đến thăm. Đồng thời, ông cũng tranh thủ đến thăm bạn bè. Học giả An Chi từng phải ngậm ngùi tiễn đưa những người bạn thân thiết ra đi, như Giáo sư Cao Xuân Hạo hoặc thi sĩ Bùi Giáng láng giềng... Ông cũng luôn nâng niu tình bạn với những người còn lại như Nguyễn Đức Dương, Hoàng Dũng, Lý Việt Dũng, Lê Nguyễn,…
Trước đây, mỗi dịp đến chúc Tết gia đình học giả An Chi, tôi cũng qua thăm người bạn láng giềng của ông là thi sĩ tài danh Bùi Giáng. Số phận đã đưa hai "quái kiệt" Sài Gòn ở cạnh nhau. Bây giờ, bậc tiền bối họ Bùi đã "bay" về trời, chỉ còn lại An Chi cặm cụi với chữ nghĩa. Gặp nhau, những hồi ức đẹp và kỳ dị về đàn anh Bùi Giáng sống lại trong lòng ông…
Bộ phim tài liệu "An Chi - hành trình thầm lặng" là một thành công của đạo diễn Lư Trọng Tín và ê kíp làm phim. Sau những bậc thức giả đáng kính như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn,… qua bộ phim này, khán giả hiểu sâu hơn về một An Chi đã và đang để lại dấu ấn của mình cho đời sống học thuật nước nhà, đặc biệt là từ nguyên học. Hành trình thầm lặng miệt mài từ Võ Thiện Hoa đến Huệ Thiên - An Chi cũng mang lại cho những thế hệ đi sau một tấm gương đáng kính về sự tự học không ngừng, niềm say mê lao động và biết vượt lên số phận khắc nghiệt...

  Phan Hoàng

PSG Phan Ngọc: Học nhi bất yếm (Khải Đăng - An Ninh Thế Giới)

Trang nhất > An Ninh Thế Giới Cuối Tháng > Nhân vật
PSG Phan Ngọc: Học nhi bất yếm 
2:35 PM, 10/09/2013



Cuộc đời PGS Phan Ngọc luôn đúng với lời dạy của người xưa: “Học nhi bất yếm” (Học không biết chán). Đã bước sang tuổi 89, người được coi là nhà bách khoa cuối cùng của thế kỷ 20 vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi những cái mới.
1. Ở tuổi 87, ông hoàn thành tác phẩm mà ông tự nhận là cuối đời của mình: Hình thái học trong từ láy tiếng Việt, đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành cuối năm 2012. Nhưng mới đây, đến thăm ông, tôi lại vẫn thấy ông miệt mài với những tập vở đã được vợ ông - bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - mua sẵn. May mắn được gần ông, bao giờ tôi cũng thấy ông bận rộn với những suy nghĩ về công việc đang làm. Chỉ có mảnh bằng chính thức là tú tài thời Pháp thuộc nhưng với kiến thức uyên thâm nhờ tự học, ông khiến nhiều người phải kiêng nể.
Tôi còn nhớ, ngày 18/11/2008, tại Lễ kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Giáo sư - Nhà văn Trương Tửu (1913-1999), tôi ngồi cạnh ông. Tôi chú ý thấy ông cứ loay hoay với cây bút bi Thiên Long. Thì ra, ông đã quen dùng loại bút đầu bấm thẳng (TL023 ball point pen, 0.8mm), nay ông thấy bấm mãi không được. Tôi chỉ cho ông nút bấm cạnh ngang (loại TL027, 0.5mm).
Ông có vẻ thích thú. Và ông đã hí hoáy tháo tháo, lắp lắp với cây bút loại bấm cạnh ngang này đầy vẻ miệt mài. Đoạn ông quay sang, ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh thấy chưa, người làm khoa học cũng phải vậy, phải chịu khó tìm tòi, thử nghiệm”. Tính ông là vậy, không biết thì thôi, muốn biết cái gì cũng phải biết đến nơi đến chốn, học hành cũng phải đến nơi đến chốn.
Đã có lần ông kể cho tôi nghe về chuyến sang Pháp năm 1990 của mình. Lần đó, ông dành nhiều thời gian đi xem các cửa hàng của người Pháp và tới thăm các gia đình Việt kiều làm nghề buôn bán ở Paris. Mục đích của ông là muốn tìm hiểu xem phương pháp làm giàu của người Pháp và của Việt kiều. Bằng sự tìm tòi, tự mày mò của mình, ông đã rút ra những kết luận về tầng lớp thương nhân Việt Nam nói chung và thương nhân Việt kiều nói riêng.
Trong mọi công trình nghiên cứu của mình, không chỉ nêu ra những ưu điểm, ông còn thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm. PGS Phan Ngọc vẫn thường nói với tôi: “Việc gì cũng có hai mặt của nó, mặt ưu điểm và mặt khuyết điểm. Làm khoa học mà chỉ khen thì ai cũng làm được, đó là thứ khoa học kiếm ăn”. Ông không ngần ngại chỉ ra những khuyết điểm, cố tật của các sự việc, các vấn đề mà không ngại đụng chạm.

2. Ngôi nhà của cụ Phó bảng Phan Võ - Thượng thư triều Nguyễn - ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhìn thẳng ra cồn Thiên. Người già trong làng kể lại, cồn Thiên trước năm 1925 cứ 5 giờ chiều là có tiếng học chữ Nho râm ran kéo dài đến đêm. Thực dân Pháp cứ tưởng những nghĩa binh yêu nước của phong trào Đông Du, Duy Tân trốn trong đó nên cho quân lính canh gác xung quanh, rồi chúng lùng sục khắp cồn ấy nhưng chẳng thấy có ai.
Càng về sáng, tiếng đọc sách lại càng to. Đến tháng 10 năm 1925,  cụ bà Phan Võ trở dạ sinh người con trai thứ ba, đặt tên là Phan Ngọc thì tiếng đọc sách từ trong cồn Thiên mất tiếng. Người làng truyền tụng ứng vào Phan Ngọc và từ đó gọi ông là thần đồng.
Lên 5 tuổi, Phan Ngọc được cha dạy chữ Hán. “Cha dạy con thì kỹ lưỡng lắm. Cho nên tôi học chu đáo. Bởi vì thấy con chăm học, không ham chơi, ông cụ lại càng ra sức dạy tôi”. Thông minh, ham học, chỉ sau vài năm Phan Ngọc đã học xong toàn bộ chương trình của một sĩ tử khiến cụ Phan Võ phải than rằng: “Giá mà còn thi cử Nho học, con đi thi, ít nhất cũng đỗ Tiến sĩ, rửa được cái nhục cho cha, chỉ được Phó bảng”.
Bên cạnh việc học chữ Hán với cha ở nhà, đến lớp học ở trường Thiên Hựu (Huế); Phan Ngọc học tiếng Pháp, tiếng Latinh với những ông thầy tài ba người Pháp; học Toán và tiếng Anh với thầy Tạ Quang Bửu - người được mệnh danh là giỏi tiếng Anh nhất Đông Dương; học Việt văn với thầy Đào Duy Anh. Chính thầy Đào về sau khi Phan Ngọc đi bộ đội, làm lính Sư đoàn 304, ông lên gặp Sư đoàn trưởng Hoàng Minh Thảo để xin Phan Ngọc về cơ quan làm việc. Đào Duy Anh nói với Phan Ngọc: “Tôi cần một môn đệ. Trong tất cả mọi người tôi chỉ thấy anh là kế nghiệp tôi được. Tôi cần anh”.
Nhờ phương pháp học đặc biệt là phân tích tiếng Pháp ở trường Thiên Hựu, trong khi những người khác học từng chữ, đã giúp Phan Ngọc có những thành công vượt trội về ngôn ngữ học sau này. “Tôi may mắn, nếu không học trường Thiên Hựu, tôi không trở thành nhà ngôn ngữ học”.
Nhưng để đạt được những thành tựu hơn người khác và được giới khoa học xã hội đánh giá là nhà bách khoa chủ yếu vẫn là tính tự học của Phan Ngọc. Ông được họa sĩ Tô Ngọc Vân dạy về hội họa, nhạc sĩ Văn Cao giảng cho nghe về cái hay của nhạc. Vị ngự sử văn đàn Phan Khôi có giảng một ít về điển cố.
Thấy Phan Ngọc là người thèm học, chịu khó học, lại học nghiêm chỉnh nên những bậc thầy trong các lĩnh vực đều nhiệt tình chỉ bảo. Còn bản thân Phan Ngọc tự nhận thấy mình không được đi học đại học, mà học bất đắc dĩ để lấy bằng thì không tiến nhanh nên ông càng ra sức mày mò, cần công tự học. Ông học tiếng Nga với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn, học tiếng Đức và triết học phương Tây với Thạc sĩ Trần Đức Thảo.
Đổi lại, nằm trên sạp nứa ở Việt Bắc, đêm đêm Phan Ngọc nói chuyện về triết học cổ đại phương Đông, mà chủ yếu là triết học Trung Hoa với những học thuyết của Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử... cho Trần Đức Thảo nghe. Thầy nào cũng dạy ông hết lòng. Họ nói thẳng với ông những điều họ không nói với ai. Và ông tâm niệm: “Có những người dạy tôi như thế, thì mình dốc hết cả năng lực quyết tâm vào học”.
3. Ba mươi tuổi, nhờ sự giới thiệu của Trần Đức Thảo, Phan Ngọc rời khỏi Ban Liên hiệp đình chiến về công tác tại Trường Đại học Sư phạm Văn khoa mới thành lập sau ngày giải phóng (1954).
Trường Đại học ngày ấy với những nhà khoa học được coi như những “ông trùm văn hóa” sáng danh một thời: Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Trần Đức Thảo,… Toàn bộ lớp giáo sư, giáo viên ngày ấy giờ đây đều đã rời xa thế giới. Chỉ còn lại duy nhất PGS Phan Ngọc cũng sắp đến tuổi 90.
Ban đầu, Phan Ngọc được cử làm trợ giảng cho Hiệu trưởng Đặng Thai Mai. Những gia đình nhà Nho xứ Nghệ như gia đình Phan Ngọc đều biết tiếng họ Đặng làng Lương Điền, huyện Thanh Chương của vị Hiệu trưởng. Đó là dòng họ được người Pháp liệt vào hàng “cừu gia tử đệ”, con nối gót cha, cháu tiếp bước ông đứng lên chống thực dân dẫu phải chịu tù đày cũng không run sợ.
Không chỉ có vậy, Đặng Thai Mai còn được học trò kính trọng và sợ sệt vì thầy Mai “đen” có một bộ óc cường ký, đọc thiên kinh vạn quyển. Cho nên chuyện Phan Ngọc làm trợ giảng cho Đặng Thai Mai cũng là một việc ly kỳ nhuốm vẻ kiêu ngạo. Một hôm, GS Đặng Thai Mai cho gọi Phan Ngọc lại và hỏi: “Anh dạy được môn nào?”.
Không ngần ngại, người trợ giảng trả lời: “Thưa bác, bác giao môn gì con xin dạy môn ấy”. Đặng Thai Mai cười hỏi: “Thế anh có dạy được văn học Trung Quốc không?”. Phan Ngọc thưa: “Nếu bác cho dạy thì con dạy”. Đặng Thai Mai nhìn Phan Ngọc vẻ ngờ vực: “Anh đọc Kinh thi chưa?”. “Con không những đọc mà còn thuộc”. “Anh thuộc bài nào?”. Biết thầy Mai rất thuộc sách nên Phan Ngọc coi đây là để dịp chứng minh: “Con thuộc gần như toàn bộ Quốc phong. Còn Nhã và Tụng con không thích nên không thuộc mấy”.
Đặng Thai Mai hỏi bốn bài trong Quốc phong. Phan Ngọc đọc vanh vách. Thầy lại hỏi về Sở từ, Ly Tao, Hán phú… từng bài trong từng đoạn cụ thể, Phan Ngọc đều đọc thuộc lòng. Đặng Thai Mai thích chí thốt lên: “Anh đúng không hổ là con cụ Phan Võ”.
Và giờ lên lớp đầu tiên với bài giảng Hồng môn yến (Bữa tiệc hồng môn) trong Sử ký của Tư Mã Thiên, Phan Ngọc đã chinh phục được không chỉ riêng những sinh viên Trường Đại học Sư phạm Văn khoa mà ngay cả vị Hiệu trưởng khó tính là Đặng Thai Mai.
Năm 1956, Bộ giáo dục ra Nghị định số 324/NĐ quy định các kì thi lên lớp và thi tốt nghiệp ở Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (niên khóa 1955-1956) sẽ mở bắt đầu từ ngày thứ sáu, 22 tháng 6 năm 1956. Thành phần Hội đồng giám khảo gồm 18 thành viên, với những tên tuổi lẫy lừng như nhà cách mạng Hà Huy Giáp, GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Cao Xuân Huy, GS Trương Tửu, GS Phạm Huy Thông, TS Đào Bá Cương,... do GS Đặng Thai Mai làm Chủ tịch, GS Trần Đức Thảo làm Phó chủ tịch, người cao tuổi nhất là nhà địa lý học Lê Xuân Phương, người trẻ tuổi nhất là Phan Ngọc.
Trong kỳ thi kiểm tra văn hóa vào Trường Đại học Sư phạm ngày 15 tháng 8 năm 1957, Phan Ngọc tiếp tục được cử tham gia vào Hội đồng giám khảo thuộc Ban Văn học do GS Đặng Thai Mai làm Trưởng ban, cùng với các GS Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc, Đinh Gia Khánh và Hoàng Ngọc Hiến.
Từ người trợ giảng của Hiệu trưởng Đặng Thai Mai, Phan Ngọc đã đứng lớp giảng 6 bộ môn thay các vị giáo sư bậc thầy, trong đó có môn Văn học Trung Quốc, Văn học phương Tây, Ngôn ngữ học, Lý luận văn học... Học trò của ông hiện nay, đã trở thành những nhà khoa học tên tuổi: PGS.NGND Dương Viết Á, GS.NGND Nguyễn Đình Chú, GS.NGND Nguyễn Kim Đính, GS Phong Lê, GS.NGƯT Nguyễn Khắc Phi, GS.NGƯT Phùng Văn Tửu, GS.VS Hồ Sĩ Vịnh...
Hà Nội, 14/7/2013
PGS Phan Ngọc tung hoành đủ cả các ngành văn học, ngôn ngữ, dịch thuật, văn hóa học… Sau những công trình nghiên cứu đã được Giải thưởng Nhà nước (năm 2001): Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều và Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới, còn phải kể đến nhiều công trình xuất sắc khác của ông: Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với Pháp, Thức nhận về Văn hóa Việt Nam, Giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Thi Thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ,…
  Khải Đăng

Saturday, 14 September 2013

Tín ngưỡng thờ "Ông Tà" của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (Trần Ngu Lạc - Báo Cần Thơ)

Tín ngưỡng thờ "Ông Tà"
của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ bảy, 11/06/2011 20 giờ 34 GMT+7


Một điểm thờ “Ông Tà”.
Đối với đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, NeakTa (Ông Tà) là vị thần có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Đây là vị thần gần gũi, dân dã gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Dân gian tin là NeakTa có quyền uy tối thượng khiến cho những kẻ làm ác phải kiêng dè.
Về nguồn gốc của vị thần này cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. “(...) Moura (1883) cho rằng NeakTa là những vị thần các cánh đồng hay khu vực mà người ta cầu xin khi có công việc và NeakTa có nguồn gốc Bà La Môn giáo. Ông đặt các vị thần này trong vũ trụ quan của tôn giáo đó: Những NeakTa có từ khi các xứ sở được thành lập và chính Preak In (Indra) đã giao cho họ công việc trông coi các xứ sở này. Adhémar Lecclère (cuối thế kỷ XIX) cho NeakTa là hồn của những người đã chết từ lâu. Monod (1931) lại cho NeakTa là các vị thần đồng áng hay thần ở trong rừng mà người ta phải cầu xin khi có công việc liên quan đến khu vực này. Quan niệm cho rằng NeakTa có nguồn gốc Bà La Môn giáo cũng được L.Malleret (1946) tán thành. Ông lấy vị thần Neang Khmau (Bà Đen) trong tín ngưỡng của người Khmer làm minh chứng. Éveline Porée Maspéro khác những ý kiến trên và dẫn chứng có trường hợp NeakTa là con vật. Theo Phan An thì có thể tục thờ NeakTa ở người Khmer là tàn dư của tín ngưỡng thờ đá có ở Nam Á”1.
Tuy có những quan niệm về NeakTa khác nhau nhưng tất cả các ý kiến trên đều có chung một nhận định: NeakTa là vị thần bảo hộ nhân dân. Đồng bào Khmer cho rằng: “NeakTa là một vị nam thần đứng tuổi, có trách nhiệm bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực (tương tự như loại tín ngưỡng Thành Hoàng của người Kinh). Đối với người Khmer, NeakTa có nhiều xuất xứ khác nhau, có thể là linh hồn của một người đã chết từ lâu, một vị thần ở trong rừng thẳm, hoặc một vị thần ở nơi đồng ruộng được chỉ định để coi sóc một địa phương hoặc một khu vực nào đó” 2.
NeakTa còn có nhiệm vụ trông coi sức khỏe và sự thịnh vượng ở những nơi mà ông giữ gìn. Ông chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở đó, nên mỗi khi có bệnh dịch, địa phương bị loạn lạc, nhất là khi hạn hán, người ta đều làm lễ cầu khẩn “Ông Tà”.
Người ta căn cứ vào những đặc điểm, chức năng, truyền thuyết... để phân chia NeakTa ra thành nhiều loại, vì vậy tên gọi NeakTa trong đời sống của người Khmer rất đa dạng. “Loại dùng tên của một vật trong thiên nhiên, hoặc dùng địa danh để đặt tên, loại mang tên nhân vật trong truyền thuyết, loại căn cứ vào màu sắc để gọi tên, cũng có loại tên có nguồn gốc từ đạo Bà La Môn như NeakTa Day Khmau, NeakTa Kocohom, NeakTa Buôn Muk, NeakTa Pottobol, NeakTa Neang Khmau, NeakTa Neang Khiu. Riêng các NeakTa Day Khmau, Kocohom được thờ cúng rất nhiều ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long được người ta xem như những hóa thân của các thần Vishnou và Siva trong các truyền thuyết xa xưa. Các NeakTa này thường được thờ cúng ở chùa” 3.
Nơi thờ cúng NeakTa thường là những ngôi miếu nhỏ, đơn sơ được làm bằng cây lá dựng ở khúc quanh con đường, ở ngã ba sông hay dưới gốc cây to trong mỗi ấp, cũng có khi miếu thờ được xây to hơn bằng gạch được đặt trong khuôn viên chùa, hay ở một vị trung tâm nào đó trong phum sóc. Trên bệ thờ mỗi miếu thường là những viên đá cuội bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân của NeakTa mà người Kinh thường gọi là “Ông Tà” và gọi các miếu đó là “miếu Ông Tà”.
“Lễ cúng ông Tà hằng năm được tổ chức vào tháng 4, tháng 5 dương lịch, tức là trong vòng một tháng đầu mùa hạ trước khi làm đồng áng. Vào những ngày này, người Khmer họp nhau làm lễ theo từng sóc để cúng ông Tà, và cũng để xin nước mưa làm ruộng rẫy trong năm. Họ kính trọng Ông Tà, coi như vị thần trực tiếp bảo hộ và giúp họ thu hoạch tốt trong công việc đồng áng và trong đời sống hàng ngày. Vị thần này đã cho nước mưa và đuổi các sâu rầy không cho phá lúa, màu”4.
Người ta đến miễu Ông Tà còn để làm lễ xin nước mưa. Các lễ vật cúng Ông Tà thường là đầu heo, gà, vịt luộc, rượu... Tuy nhiên, các lễ vật này không chỉ dùng để cúng Ông Tà, mà nhân tiện người ta cũng cúng luôn các vị Thổ thần và cả ma quỷ ngoài đồng mà người ta quan niệm rằng đều là con cháu của Ông Tà. Các ma quỷ được ăn uống sẽ dẫn nhau đi bảo vệ ruộng rẫy cho họ.
Ở một số nơi, người ta còn cúng cho mỗi loại Ông Tà bằng mỗi loại thức cúng khác nhau. “Cúng NeakTa phum sóc bằng thịt heo, cúng NeakTa rạch, bưng, giồng bằng thịt gà, vịt. Hoặc không cứ thời gian, gia đình nào gặp chuyện chẳng lành, sửa lễ đến miếu cúng NeakTa. Các sư sãi trong chùa bị ốm đau, cũng cúng lễ tại miếu thờ NeakTa trong khuôn viên chùa. Đồng thời NeakTa còn là quan tòa xử kiện việc người, trong phum sóc cần thề thốt điều gì. Hai bên đưa nhau đến miếu cúng NeakTa, với cách đem con gà đang sống đến miếu cắt cổ cho chảy máu rồi thả gà ra. Nếu gà sống hoặc chết là thể hiện lời thề của hai bên đúng sai”5.
Trên đường đến miễu Ông Tà làm lễ, người ta đi vòng quanh nhà ông ba vòng theo chiều kim đồng hồ tượng trưng cho sự xin nước mưa. Đi đầu là người chủ lễ, tiếp sau là những người cùng trong phum sóc. Đến miễu Ông Tà, họ vào đốt nhang, cầu khẩn Ông Tà bảo vệ cho xóm làng được bình yên, cơm no áo ấm, nhà nhà đầy tiếng cười, và cầu cho được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong lúc làm lễ, nhạc cụ dân tộc hòa vào lời ca tiếng hát được cất lên như là sự thỉnh mời các vị thần đến thưởng thức.
Nếu đã thực hiện đầy đủ các nghi thức trên mà vào mùa hạ năm ấy, trời vẫn không mưa thì người ta tiếp tục làm thêm một lễ nữa gọi là Lễ xin nước mưa. “Họ đưa mười nhà sư ra đứng phơi nắng tụng kinh để động lòng trời; bên cạnh, họ để một con cá lóc vào cái thau khô, hoặc vào một hố đất khô để ông Trời thấy con cá cũng như nông dân đều cần nước mưa để sống và làm ruộng nên sẽ ban nước mưa cho họ. Sự tích này có nguồn gốc từ Phật giáo. Kinh Sôphôntôn có nói con cá lóc là tiền thân của đức Phật Thích Ca, trong các kiếp luân hồi, sống trong một hồ thật lớn tên là Anôtlah. Từ khi ngài sinh ra không bao giờ sát sanh, chỉ biết ăn rong rêu và cây cỏ mục để sống. Qua thời gian hạn hán 12 năm, mọi nơi đều khô cạn kể cả hồ Anôtlah. Mọi người và mọi sinh vật như tôm tép, cá lớn cá bé đều chết, muôn vàn tai họa đưa đến rất khủng khiếp. Cá lóc bèn suy gẫm: Ta đây, từ sinh ra đến giờ không làm hại ai, chỉ biết trầm tư mặc niệm làm lành lánh dữ, tại sao trời nỡ sát hại muôn loài và sát hại cả bản thân ta. Nghĩ vậy, cá bèn chui đầu lên khỏi bùn và kêu trời: Thưa Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng có thấy thế gian đau khổ chẳng? Ta đây 12 năm tu tâm tham thiền hầu kiếp sau đắc đạo cứu chúng sanh. Vậy giờ đây, ta kêu gọi ngài hãy cứu lấy muôn loài dưới thế gian này bằng cách ban cho những giọt mưa lành. Tiếng kêu ấy động đến trời. Ngọc Hoàng nhìn xuống thấy cá lóc đúng là hiện thân của Phật Thích Ca Mâu Ni tương lai, nên ban mưa xuống cứu rỗi cho thế gian và muôn loài”6.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ NeakTa của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long là một tín ngưỡng mang lễ nghi nông nghiệp tồn tại trong nhiều thế kỷ qua. Tín ngưỡng này đã ăn sâu vào tâm thức của đồng bào Khmer, đã trở thành chỗ dựa tinh thần không chỉ đối với người lao động nghèo mà gần như tất cả các giai tầng trong xã hội. Đó là ước mơ về một cuộc sống bình an, có được nước mưa để sinh hoạt và làm ruộng, có được một vụ mùa bội thu để còn có cái ăn cái mặc, và đôi khi đó chỉ là một ước mơ về công lý được thực thi... Tín ngưỡng thờ NeakTa còn thể hiện niềm tin của đồng bào Khmer vào tổ tiên dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, để xin được cứu giúp mỗi khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, tai nạn...
Trong quá trình cộng cư với các dân tộc Việt, Hoa, tín ngưỡng thờ NeakTa đã có sự giao lưu trong văn hóa của các dân tộc anh em. Giờ đây, Ông Tà không chỉ được đồng bào Khmer tin tưởng, xem là chỗ dựa tinh thần mà các dân tộc Việt, Hoa cũng tin vào sức mạnh siêu nhiên của Ông Tà. Tuy nhiên, dù Ông Tà có quyền năng tuyệt đối nhưng ông lại khá gần gũi với dân gian nên cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đã có một giai thoại thú vị về sự tranh chấp của Ông Tà và Ông Địa như sau:
“Xưa kia, Ông Tà được nhiều người mến mộ, cúng bái nhưng từ khi Ông Địa vào nhà, bao nhiêu đồ cúng đều về tay Ông Địa, Ông Tà dần dần bị thất sủng, lại còn bị thỉnh ra ngồi dưới gốc cây hoặc bìa ruộng, bìa vườn. Vì vậy ông đã nhờ một vị thần phân xử.
Sau khi xem xét, vị thần ấy phán rằng: Địa suốt ngày cần mẫn chăm lo họa phúc cho dân tình nên được mọi người kính nể, còn như Tà thích rong chơi, hay ngao du sơn thủy, ít gần gũi xóm giềng nên người đời xao lãng, đó cũng là lẽ thường tình. Kể từ bây giờ, các ngươi hãy siết chặt tay nhau, người nào việc nấy để cùng chăm lo cho dân lành theo sự phân công của ta, ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng. Thế là Ông Tà mãn nguyện, sẵn sàng ngụ ở bất cứ nơi nào, dù ngoài đồng, bờ ruộng, gốc cây hay hang đá vẫn cứ vui lòng”7.
TRẦN NGU LẠC

(1) Lâm Quang Vinh, Tín ngưỡng thờ NeakTa trong cộng đồng người Khmer tỉnh Trà Vinh. In trong Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4 năm 2010. Tr.59.
(2) Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ - thực trạng và những vấn đề đặt ra. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2004. Tr.179-180.
(3) Trần Văn Bính (chủ biên). Sđd .Tr.180.
(4) Viện Văn hóa, Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ. NXB Tổng hợp Hậu Giang - 1988. Tr.126.
(5) Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh Nam Bộ. NXB Hà Nội - 1997. Tr.246.
(6) Viện Văn hóa. Sđd. Tr.127-128.
(7) Theo Hoài Phương, Ông Tà trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Báo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần số Xuân 2009.

Friday, 13 September 2013

Âm gốc của khoái trá là quái chá (An Chi Huệ Thiên - Năng Lượng Mới số 238 ,12-7-2013).


Âm gốc của khoái trá là quái chá (Năng Lượng Mới số 238 ,12-7-2013).

Bạn đọc : Tại mục “Quán mắc cỡ” , Tuổi trẻ cười số 479 (1-7-2013) do Cô Tú phụ trách, độc giả Dương Văn Long (Thái Nguyên) có đặt câu hỏi:
Trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt của GS Nguyễn Lân (Nxb Văn học, 2007), có đoạn viết: “Khoái chá nghĩa là thích thú lắm (nghĩa đen là “thức ăn làm cho thích thú”). Vì “khoái” nghĩa là vui thích, vui sướng, còn “chá” nghĩa là “chả”… Tác giả còn trích dẫn thơ của Tố Hữu như sau: “Hắn khoái chá cười điên sằng sặc…”. Cô Tú nghĩ sao?”
Cô Tú đã trả lời:
“ Từ đúng ở đây tất nhiên là khoái trá, còn khoái chá là kiểu nói ngọng thường thấy ở một số người. Ngoài đời, nói ngọng một chút thì chả ai thèm để ý bắt bẻ, nhưng làm từ điển mà “viết ngọng”, “trích ngọng”, lại còn suy diễn kiểu “khoái chá nghĩa là khoái ăn chả”, thì Tú tôi xin bó tay… chấm cơm!”
Tôi có tra nhiều từ điển cũng thấy có sự bất nhất. Vậy xin ông An Chi cho ý kiến nhận xét về câu trả lời của cô Tú, cũng như cho biết từ nào đúng và tại sao lại có sự bất nhất giữa các từ điển ? Xin cảm ơn ông.
                                                                                               Nguyễn Cương Trung, Sa Đéc.
An Chi : Hai tiếng của ông Nguyễn Lân (khoái chá) và Cô Tú (khoái trá) thì chữ Hán là [膾炙] và cách đọc của cả hai chữ này đều có chuyện cần nói.
Về chữ trước, chữ [膾], thì âm Hán Việt thông dụng hiện nay của nó là “khoái”, như cũng có thể thấy ghi nhận trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp,Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh, Từ điển Hán-Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên, v.v.. Nhưng âm chính xác của nó lại là “quái”, như cũng đã được ghi nhận trongHán-Việt tự điển của Thiều Chửu, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng. Thiết âm của nó trong Từ hải (bản cũ) và Từ nguyên (bản cũ) đều là “cố ngoại thiết”[固外切], trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) là “cổ ngoại thiết” [古外切]. Cả “cố”[固] lẫn “cổ”[古] đều thuộc thanh mẫu “kiến”[見], nghĩa là đều có phụ âm đầu K-, nên âm chính thống của chữ đang xét đương nhiên phải là “quái”. Chữ “quái” này có một điệp thức “bình dân” là “gỏi” trong “gỏi gà”, “gỏi cá”, “trộn gỏi”, v.v.., theo mối tương ứng ngữ âm quen thuộc “K- ~ G-”, mà ta có không ít dẫn chứng: – can ~ gan; – các (trong “đài các”) ~ gác; – cương (cang) ~ gang; – cẩm (trong “cẩm tú”) ~ gấm; – cân ~ gân; – cận ~ gần; – cấp ~ gấp; – cô[箍= buộc bằng lạt] ~ (trói) gô; v.v..
Nhưng tại sao lại xảy ra hiện tượng “quái” thành “khoái” một cách quái lạ như thế? Theo chúng tôi, đó là do những sự cố ngôn ngữ gọi là sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa mà chúng tôi đã có nói đến tại chuyên mục này. Ở đây chữ “quái” [膾] đã mang âm của chữ “khoái”[快], có nghĩa là vui vẻ, thích thú, như trong “khoái chí”[快志], “khoái khẩu”[快口], v.v.., rồi bị nó truất nghĩa để trám nghĩa của nó vào, như sẽ nói thêm ở một phần dưới.
Về chữ sau mà bạn hỏi (chữ “chá/trá”[炙]), xét theo thói quen hiện hành thì Cô Tú có lý nhưng xét theo từ nguyên thì cách viết của tác giả Nguyễn Lân cũng hoàn toàn không sai. Mặc dù tác giả Nguyễn Lân đã phạm nhiều cái sai về kiến thức trong khi làm từ điển – mà chúng tôi cũng từng vạch ra – nhưng trong trường hợp này thì ông đã viết đúng (tuy không biết có phải là do có ý thức rõ rệt hay không). Đây là chuyện đáng chú ý vì ông Nguyễn Lân làm Từ điển từ và ngữ Hán Việt, mà âm Hán Việt chính thống của chữ [炙] lại là “chá”. Thiết âm của nó trong Từ hải (bản cũ) là “chí dạ thiết”[至夜切]; trong Từ nguyên (bản cũ) cũng y như thế; trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) là “chi dạ thiết”[之夜切]. Đây chính là âm đã được cho từ hơn 1000 năm trước trong Quảng vận (1008); tại đây, nó vẫn chỉ được đọc là “chá”[柘]. Tất cả các chữ “chí”[至], “chi”[之] và “chá”[柘] đều thuộc thanh mẫu “chiếu”[照], nghĩa là có phụ âm đầu CH-. Điều này chứng tỏ rằng âm Hán Việt chính thống của chữ [炙] hiển nhiên là “chá” chứ không phải “trá”. Và với âm này từ thư tịch, “chá” đã có một điệp thức rất quen thuộc trong tiếng Việt phổ thông là “chả”, trong “chả cá”, “chả giò”, “bún chả”, v.v..
Nguyễn Lân cũng không hoàn toàn sai khi viết “thức ăn làm cho thích thú” trong lời giảng. Có điều là ông đã quá dễ dãi trong cách diễn đạt của mình. Tiếng Hán có thành ngữ “quái chá nhân khẩu”[膾炙人口], mà nghĩa xét theo từng thành tố là “làm cho người ta cảm thấy thích thú như được xơi quái, xơi chá là hai món ăn làm cho ngon miệng. Còn nghĩa bóng – và nó thường được dùng theo nghĩa bóng – là “văn thơ hay, làm cho khi đọc thì người ta cảm thấy thích thú như đang xực khoái, xực chá vậy”. Nghĩa bóng này đã được Hán Đại thành ngữ đại từ điển giảng là: “Tỉ dụ hảo đích thi văn hoặc sự vật vi chúng sở xưng”[比喻好的詩文或事物为众所称] (Ám chỉ thơ văn hay hoặc đồ vật tốt khiến người ta khen). Cô Tú đòi “bó tay chấm cơm!” vì ông Nguyễn Lân suy diễn kiểu “khoái chá nghĩa là khoái ăn chả” chứ thực ra chỉ cần “gú gồ chấm com” bốn chữ Hán [膾炙人口] (quái chá nhân khẩu) là cô có thể … nhúc nhích tay ngay.
Đặc biệt là chữ đầu (“quái”[膾]) và chữ cuối (“khẩu”[口]) của thành ngữ “quái chá nhân khẩu” đã đan xen với từ tổ “khoái khẩu”[快口],  nên mới sanh ra cái chuyện “quái”[膾] biến thành “khoái”[快], như đã nói ở trên. Chứ riêng chữ “quái” [膾] (đã bị đọc thành “khoái”), thì không bao giờ có nghĩa là vui thích. Vì vậy nên, trong từ tổ “khoái trá” hiện hành thì “khoái” là một chữ tiếm vị (của “quái”[膾])  còn “trá” trở thành một từ ký sinh vì nó chẳng có vai trò gì về mặt tạo từ và ngữ nghĩa.
Cuối cùng, xin nói một tí về chữ “chá” [炙] trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh. Chữ này còn có một âm nữa là “chích” nhưng vì không trực tiếp liên quan đến vấn đề đang bàn nên chúng tôi không nhắc đến ở trên. Tại mục “chích 炙”, Đào Duy Anh đã viết: “Nướng trên lửa – Cũng đọc là chá, như chá-khoái, hoặc đọc là cứu, như châm-cứu.” Đào Duy Anh đã sai khi viết rằng chữ này cũng “đọc là cứu, như châm-cứu”. Thực ra, chữ “cứu” viết khác; tự dạng của chữ này là [灸], ở trên là chữ “cửu”[久], ở dưới là chữ “hoả”[火]. Còn chữ “chá/chích”[炙] thì bên dưới là chữ “hoả”[火] nhưng bên trên là chữ “nhục”, viết giống như chữ “tịch”[夕] nhưng có thêm một nét ngang nhỏ nữa ở giữa. Chính Đào Duy Anh cũng đã viết đúng chữ “cứu” tại mục “cứu 灸” và giảng là “đốt lá ngải để chữa bệnh”. Nhưng lạ một điều là tại mục này, ông vẫn còn xem hai chữ là một nên mới chuyển chú “Xem chữ Chích và Chá”.
Trở lại vấn đề chính, theo quan điểm của chúng tôi thì trong tiếng Việt phổ thông, ta vẫn dùng “khoái trá” nhưng hễ nói đến âm Hán Việt của hai chữ hữu quan thì đó nhất định phải là QUÁI CHÁ.

Thursday, 12 September 2013

Chuyện Cây Cỏ và Địa Danh (Phạm Đình Lân - Cái Đình)



Bài Chuyện Cây Cỏ và Địa Danh tiếp nối những loạt bài về địa danh mang tên thảo mộc – cây giá và Rạch Giá (Giá Khê), Lavang (tiếng Hindi) là cây đinh hương hay Champa (Chiêm Thành) là hoa sứ (tiếng Hindi) – vì ở Việt Nam có rất nhiều địa danh mang tên cây cỏ, nhất là ở miền Nam. Trong bài nầy chúng tôi ghi lại một số địa danh ít được biết đến mang tên các loại thảo mộc cũng ít được biết đến hay trên đà tuyệt chủng.

Cái Nhum và cây nhum
Cây nhumCái Nhum là tên của một quận trong tỉnh Vĩnh Long dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Hiện nay đó là thị xã huyện lỵ của huyện Mang Thít trong tỉnh Vĩnh Long. Cái Nhum nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 10' và dòng kinh tuyến 106 độ 30'. Huyện Mang Thít chỉ rộng 158 km2 với trên 100.000 dân nên Cái Nhum là một thành phố trù phú nhưng nhỏ hẹp và không đông dân theo cái nhìn của người sống ở các thành phố rộng lớn và đông dân ở Hoa Kỳ và các nước kỹ nghệ có tỷ lệ thị dân cao trên thế giới. Cái Nhum nằm cách tỉnh lỵ Vĩnh Long 17 km về phía đông nam. Kinh tế Cái Nhum dựa vào nông nghiệp và trái cây nhiệt đới tương tự như Cái Mơn, Bình Nhâm, Nhị Bình là những vùng có tỷ lệ tín đồ Thiên Chúa Giáo cao và là vùng có nhiều vườn cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm mà các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo mang giống từ Penang về. Từ năm 1800 Dòng Mến Thánh Giá được thành lập tại Cái Nhum.
Địa danh Cái Nhum được đặt từ tên của cây nhum (Cái: rạch <arroyo>; Cái Nhum: cây nhum mọc dọc theo rạch).
Cây nhum mang tên khoa học Areca tigillaria hay Oncosperma tigillaria thuộc gia đình Arecaceae của cây cau, cây dừa. Cây cao nhất có thể đo được 25m. Cây phủ đầy tàu lá dài từ 2m đến 3m. Tàu lá giống như tàu cau, tàu dừa nhưng dầy đặc. Cây mọc theo các dòng nước, hà khẩu các sông. Hoa cái màu đỏ, hoa đực màu vàng. Trái tròn. Người Mã Lai gọi là Nipung. Dân hải đảo Thái Bình Dương gọi là Gendiwung. Cây nhum có nhiều liên hệ với dừa nước Nypa fruticans.  Cây có gỗ cứng dùng làm nhà. Lá dùng để lợp nhà hay phơi khô để nhúm lửa, gỗ tạp làm củi đốt hay làm dụng cụ săn và bắt cá. Cổ hủ cây nhum được ăn như cổ hủ cây dừa. Cây nhum còn được tìm thấy nhiều ở Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân và các hải đảo Thái Bình Dương. Nhưng nó tương đối xa lạ với người Việt Nam mặc dù ở Nam Bộ có thành phố Cái Nhum.

Xuyên Mộc và cây xoan mộc
Trước năm 1975 Xuyên Mộc nằm trong tỉnh Bình Tuy. Ngày nay Xuyên Mộc là một huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là một huyện miền duyên hải nối liền với duyên hải tỉnh Bình Thuận. Năm 1954 là một trong ba vùng tập trung quân Việt Minh ở Nam Bộ (Xuyên Mộc, Cao Lãnh, Cà Mau) tập kết ra miền Bắc theo hiệp ước đình chiến ký ở Genève ngày 20-07-1954 giữa đại tá Delteil và Tạ Quang Bửu, thứ trưởng bộ Quốc Phòng của chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong chiến khu. Huyện Xuyên Mộc rộng 642km2 với 12 xã. Huyện lỵ là Phước Bửu nằm gần Bình Châu, nơi có suối nước nóng. Xuyên Mộc có 132.000 dân. Kinh tế địa phương trước kia dựa vào ngư nghiệp. Ngày nay Xuyên Mộc trở thành khu du lịch quan trọng nhờ có bãi biển đẹp, suối nước nóng. Trong những năm gần đây Xuyên Mộc có đổ trường và nhiều khách sạn được xây lên để tiếp đón khách du lịch.
Cây xoan mộcĐịa danh Xuyên Mộc là tiếng âm trại của cây xoan mộc hay xương mộc. Tên khoa học của cây xoan mộc làToon sureni, Toona febrifuga, Cadrela sureni thuộc gia đình Meliaceae. Người Anh gọi cây xoan mộc hay xương mộc là Red Cedar (cây bá hương đỏ), Pháp gọi là Cèdre de Cochinchine (cây bá hương Nam Kỳ), Indonesia: suren, Thái Lan: surian, Mã Lai: surian wangi, Trung Hoa: Zi Chun (Tứ Xuân Mộc) v.v.
Cây xoan mộc là một loại cây cao từ 15 đến 40m. Đây là một loại thảo mộc vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Nó được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương và bắc Úc Đại Lợi. Hoa nhỏ li ti mọc thành chùm. Trái có nắp. Hột có hai cánh. Vỏ cây có mùi thơm. Vỏ có nhiều tannins. Gỗ mềm dễ cưa và bào. Người ta dùng gỗ cây xoan mộc để đóng thuyền, bàn ghế, tủ hay làm sàn nhà.
Vỏ và rễ cây xoan mộc dùng sắc nước uống trị kiết lỵ, tiêu chảy. Hoạt chất lấy từ lá cây xoan mộc có tính sát trùng Staphylococcus. Ở Việt Nam trong dân gian người ta dùng lá cây xoan mộc để trị tê thấp (đắp), điều kinh, cầm máu, trị tiêu chảy, kiết lỵ.
Ở Ấn Độ hoa cây xoan mộc dùng để làm thuốc nhuộm màu đỏ và màu vàng.
Ở miền ôn đới và bán nhiệt đới như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Âu Châu, Taiwan (Đài Loan),...có cây xuân mộc Ailanthus glandulosa thuộc gia đình Simaroubaceae. Cây nầy toát mùi dầu phọng lên men nên người Anh gọi là Stink tree và người Trung Hoa gọi là Chouchun (xú xuân mộc). Những âm xuânxoanxương,xuyên đều giống nhau trên 60%. Theo tiếng Trung Hoa cây xoan mộc được gọi là Zi Chun (tử xuân mộc) và cây xuân mộc được gọi là Chou Chun (xú xuân mộc). Nhưng chúng tôi không dám quả quyết địa danh Xuyên Mộc do cây xuân mộc mà ra vì cây xuân mộc Ailanthus glandulosa là thảo mộc miền ôn đới. Trái lại cây xoan mộc hay xương mộc được tìm thấy nhiều ở Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á quần đảo. Chữ Sureni trong tên khoa học của cây xoan mộc hay xương mộc xuất phát từ tên gọi Suren của người Indonesia và Mã Lai dành cho loại thảo mộc nầy. Xưa kia vùng Xuyên Mộc ngày nay là vùng kiểm xoát của người Khmer và Chàm. Người Chàm có quan hệ chủng tộc với người Mã Lai và Indonesia và tất cả cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trước khi theo Hồi Giáo. Người Khmer cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ và có quan hệ lịch sử với Indonesia.

Gò Quao và cây quao
Gò Quao là một huyện của tỉnh Kiên Giang. Huyện nằm trên bắc vĩ tuyến 9 độ 45' và đông kinh tuyến 105 độ 59'. Huyện Gò Quao rộng 425 km2 (20,6 km x 20,6 km) với 145.000 dân vào năm 2003. Gò Quao nằm trong nội địa chớ không nằm trên Vịnh Thái Lan. Huyện nầy có 11 xã: Thị trấn Gò Quao, Thủy Liễu, Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Phước A, Vĩnh Phước B, Định An, Định Hòa, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng, Thới Quản. Gò Quao có sông Cái Lớn chảy ngang qua.
Trong tỉnh Bến Tre có Chợ Cái Quao nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 05' và đông kinh tuyến 106 độ 22'.
Địa danh Gò Quao và Chợ Cái Quao xuất phát từ tên của cây quao, một loại thảo mộc khá xa lạ với người Việt Nam.
Cây quao mang nhiều tên khoa học khác nhau như:Dolichandrone spathacea, Dolichandrone longissima, Bignonia javanica, Bignonia longiflora, Spathodea longiflora thuộc gia đình Bignoniaceae. Cây quao là một cây mọc dọc theo các dòng nước, vùng ẩm ướt hay hà khẩu các sông. Cây quao cao đến 20 m. Hoa trổ trên một cuống dài thẳng đứng. Hoa màu trắng, nở và tàn trong một ngày mà thôi. Trái quao dài từ 50 - 60 cm tựa như trái ô môi. Cây quao được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, các nước Đông Nam Á lục địa và quần đảo và ở các hải đảo Thái Bình Dương.
Người Anh gọi cây quao là mangrove trumpet tree (cây kèn rừng sát), người Tamil (nam Ấn Độ) gọi là Pannir, Sri Lanka:Dyia danga.
Gỗ cây quao nhẹ được dùng làm guốc (Phi Luật Tân), phao lưới cá, mặt nạ (Indonesia), đóng thùng, bàn, ghế, tủ.
Lá dùng làm nước súc miệng khi bị nhiễm trùng vùng miệng, đắp trên bụng trị chứng sình bụng của phụ nữ mới sinh con. Vỏ dùng để thuốc cá.
Một trong 12 xã của huyện Gò Quao có xã Thủy Liễu là tên gọi Hán-Việt của cây bần Sonneratia alba, một loại cây miền rừng sát, trái có đầu nhọn, khi rớt xuống nước đầu nhọn ghim dưới sình và mọc lên cây bần con. Trái bần ăn được. Gỗ dùng hầm than rất tốt (than bần, than đước).

Làng Cây Gáo và cây gáo
Làng Cây Gáo nằm trong huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa), là một trong những thí điểm trồng cao su của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Huyện Trảng Bom rộng lối 326 km2 (18 x 18 km). Đó là nơi đường hỏa xa Xuyên Việt chạy ngang qua trước khi vào Biên Hòa.
Cây gáo là một cây to có gỗ vàng. Nó còn được gọi là huỳnh bá. Tên khoa học của cây gáo là Nauclea officinalis hay Sarcocephalus officinalis thuộc gia đìnhRubiaceae. Người Mã Lai và Indonesia gọi là Batang, Borneo: Katung, Kambala.
Cây gáo được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, các quốc gia Đông Nam Á lục địa và quần đảo, các hải đảo Thái Bình Dương. Cây cao từ 15 đến 20 m, lá hình bầu dục. Trái tròn màu hung đỏ nhạt. Gỗ vàng dùng để đóng bàn ghế, làm nhà, đóng thuyền. Cây gáo có alkaloids naucleatonins A & B kháng trùng và kháng viêm dùng để trị sốt rét nhưng không mạnh lắm.
Có một loại cây gáo vàng mang tên khoa học Nauclea cordifolia hay Adina cordifolia thuộc gia đình Rubiaceae như cây huỳnh bá (cây gáo).Người Anh gọi cây gáo vàng là yellow teak (gỗ teak vàng), Ấn Độ: Karam.
Cây gáo vàng nầy có umbelliferone, skimmin. Vỏ cây gáo vàng được dùng để trị tiêu chảy, kiết lỵ, thuốc bổ, kích dục, trục lãi. Vỏ cây gáo vàng kết hợp với vỏ cây núc nắc tức sò đo thuyền Oroxylum indicum và đường sắc với nước uống trị chứng tiểu gắt, tiểu xón. Cây gáo vàng nầy có thể cao từ 30 đến 40 m.

Giồng Riềng và củ riềng
Giồng Riềng là một huyện rộng lớn và đông dân cư trong tỉnh Kiên Giang, diện tích rộng lớn 634 km2 (25,17 km x 25,17 km) với gần 200.000 dân. Huyện nằm trên bắc vĩ tuyến 9 độ 54' và đông kinh tuyến 105 độ 19'. Huyện có đến 17 xã. Kinh tế dựa vào nông, ngư nghiệp và kỹ nghệ du lịch.
Giồng là vùng đất cao ít nước nên việc trồng trọt tương đối khó khăn hơn những vùng đất màu mở và có đầy đủ nước. Trong ca dao miền Nam có câu:
Mẹ mong gả thiếp về giồng,
Thiếp than phận thiếp gánh gồng chẳng kham.
Riềng là một loại củ giống như củ gừng. Đó là một loại hương liệu quan trọng như gừng, hành, tỏi trong nhà bếp Việt Nam và các nước Á Châu khác. Riềng có vị nồng và có mùi long não và dầu tràm. Người Việt Nam thường bỏ riềng vào mắm để khử bớt mùi mắm. Người ta cho riềng giã nhuyễn vào tré làm từ da và thịt heo trộn chung với thính. Những người nhậu rượu ăn cẩu nhục với riềng, lá mơ lông và rau om.
Ở Ấn Độ người ta dùng riềng để cất nước hoa. Dân du mục ở miền nam nước Nga uống nước trà riềng. Người Nga ngâm riềng trong giấm và rượu mạnh.
Riềng được trồng bằng củ. Bụi riềng cao từ 60 - 80 cm, lá dài, láng, màu xanh mướt. Hoa riềng và hoa nghệ được xem là hoa đẹp.
Tên khoa học của riềng là Alpinia officinarum, Alpinia sinensis, Alpinia galanga thuộc gia đình Zingiberaceae. Người Trung Hoa gọi riềng là Kao leang k'ang(thảo lương khương), Á Rập : Khanlanjan, Anh: galangal. Những tên gọi có âm hao hao như nhau. Chữ galangal có thể nhạy từ tiếng Á Rập Khalanjan vì người Anh tiếp xúc với người Ấn Độ và Á Rập trước khi tiếp xúc với Trung Hoa. Nhưng giữa thảo lương khương (Kao leang k'ang) và Khalanjan tên gọi nào xuất hiện trước? Người Âu Châu biết đến riềng vào thế kỷ XVII qua trung gian người Á Rập. Mãi đến hậu bán thế kỷ XIX người ta mới thấy các sách y dược của Á Rập đề cập đến riềng gọi theo người Trung Hoa là Lương Khương (leang k'ang:gừng ngọt). Chữ Khalanjan âm từ Kao leang k'ang (thảo lương khương) và được người Anh âm thành galangal. Người Anh còn gọi riềng là colic root vì tác dụng trị đau bụng của riềng.
Riềng có cineol, eugenol, cadinene, methylcinnamate. củ riềng dùng để trị đau bụng, chướng hơi, nôn mửa, đau ruột, tiêu chảy, kiết lỵ, kinh phong. Dùng nhiều bị ảo giác. Flavonol galangin của riềng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Riềng được ca dao Việt Nam nhắc đến trong câu:
Chim quyên nó đậu bụi riềng
Dẫu bà con ruột không tiền cũng xa.

Bến Lức và cỏ lức
Trong tỉnh Long An có hai địa danh Bến Lức:
1- Cầu Bến Lức.
2- Huyện Bến Lức.
Trước năm 1975 chỉ có cầu Bến Lức. Dưới thời CHXHCNVN mới có huyện Bến Lức trong tỉnh Long An.
Cầu Bến Lức bắt ngang qua sông Vàm Cỏ Đông.
Huyện Bến Lức là một trong 13 huyện thuộc tỉnh Long An, tỉnh bao quanh bởi hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Huyện Bến Lức nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 39' và đông kinh tuyến 106 độ 29'. Diện tích lối 290 km2 (17 km x 17 km) với lối 130.000 dân (2003) sống trên 14 xã: Mỹ Yên, Phước Lộc, Long Hiệp, Nhựt Chánh, Thanh Đức, Bình Đức, An Thạnh, Thạnh Phú, Tân Bửu, Tân Hòa, Lương Hoa, Thạnh Hòa, Lương Bình, Thạnh Lợi. Huyện Bến Lức giáp ranh với huyện Đức Hòa,  Đức Huệ ở phía Bắc; Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh) ở phía đông; Cần Giờ, Cần Giuộc, Tân Trụ ở phía nam và Thủ Thừa ở phía tây. Kinh tế dựa vào việc canh tác lúa, thơm và ngư nghiệp lục địa. Vị trí địa lý của Bến Lức rất quan trọng vì nằm giữa đoạn đường nối liền Sài Gòn-Mỹ Tho và  nằm trong vùng Đồng Tháp Mười gần biên giới Cambodia. Hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Cambodia.
Tên gọi Bến Lức do tên của một loại cỏ có hoa và là một loại cây thuốc: cỏ lức. có hai loại cỏ lức khác chính tả:  Đó là CỎ LỨC Pluchea indica và CỎ LỨTBupleurum chinense. Cả hai đều không cùng một gia đình thảo mộc. Chúng tôi lần lượt trình bày cả hai loại thảo mộc để xem loại thảo mộc nào thích hợp với tên Bến Lức quen thuộc với phần lớn những người miền Nam sống trên châu thổ sông Đồng Nai và sông Cửu Long.

1- Cỏ Lức - Cúc Tần - Sài Hồ Nam Pluchea indica
Tên khoa học của loại cỏ lức nầy là Pluchea indica (chỉ gốc ở Ấn Độ). Pluchea foliosa thuộc gia đình Astraceae của hoa cúc. Nó cũng được gọi là sài hồ namdưới tên khoa học Pluchea pteropoda, Pluchea leptophylla. Loại thảo mộc nầy được tìm thấy ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á. Cây cao từ 60 cm đến 1 m. Lá bầu, rìa lá có răng cưa. Hoa chùm màu trắng-hồng nhạt hay màu hồng. Trái nhỏ. Loại thảo mộc nầy thường mọc ở vùng ẩm ướt, đầm lầy, cửa sông v.v. Lá vò có mùi thơm long não. Vì vậy người Anh gọi là Indian camphorweed (cỏ long não Ấn Độ), Thái Lan: Nuat ngua, Lào: Nuat luat, Mã Lai và Indonesia: Beluntas, Trung Hoa: Guang geng kuo bao ju (Quảng canh quốc bảo cúc). Người Trung Hoa không gọi cỏ lức nầy là chai hu (sài hồ) như họ gọi cỏ lứt Bupleurum chinense mà chúng tôi sẽ đề cập sau.
Cỏ lức có ác xít quinicê-tequercetin. Người ta hái lá và cọng để xông khi bị sốt. Người Khmer giã lá cỏ lức hòa với rượu đắp vào cột xương sống khi bị đau thắt lưng và xương cụt. Cỏ lức kháng viêm và kháng trùng được dùng để trị đường tiểu bị nhiễm trùng. Ca dao miền Nam nói về cỏ lức như sau:
Ngó vô đám lức ngũ sắc còn có con ong vàng,
Anh coi đi coi lại duyên nàng còn không.

2- Cỏ Lứt - Bắc Sài Hồ Bupleurum chinense
Tên khoa học của cỏ lứt hay bắc sài hồ là Bupleurum chinense (gốc ở Trung Hoa), Bupleurum faleatum, Bupleurum scorzoneraefolium thuộc gia đìnhUmbelliferae có hoa như tàng dù. Cây cao từ 80 cm đến 1m. Lá giẹp và dài. Hoa nhỏ và tụ thành chùm như tàng dù màu vàng. Loại thảo mộc nầy có nhiều ở Trung Hoa, Triều Tiên, Taiwan (Đài Loan), Nhật Bản.
Người Anh gọi cỏ lứt bắc sài hồ nầy là Hare's ear root (thố nhĩ căn), red thorowax root; Trung Hoa: chai hu hay bei chai hu (bắc sài hồ); Nhật: Saiko; Triều Tiên: Siho.
Bắc sài hồ kháng viêm, kháng ung thư. Củ có saikosaponins, các ác xít béo, oleic, palmitic, quercetin, nacissin. Nó được dùng để trị viêm gan, cổ trướng (cirrhosis), bất lực sinh lý, tiểu đường, viêm lá lách, viêm thận, sạn thận, viêm phế quản, ho gà, suyễn, béo phì, tiểu đường v.v... Dược tính trị liệu của cỏ lứtBupleurum chinense kiến hiệu và đa dạng hơn cỏ lức Pluchea indica rất nhiều.
Chúng ta có hai loại dược thảo: cỏ lức và cỏ lứt. Loại nào thích hợp cho địa danh Bến Lức?
Cỏ lức 1 tức Pluchea indica có vẻ thích hợp hơn vì các lý do sau đây:
a- Xuất xứ Ấn Độ (Nam Á) của loại thảo mộc Pluchea indica tức cỏ lức. Bến Lức nằm ở Nam Á và trong vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Cỏ lứt 2Bupleurum chinense hay bắc sài hồ là thảo mộc vùng khí hậu ôn đới và bán nhiệt đới. Sài hồ có nghĩa là củi nhúm lửa của rợ Hồ, tức người ở phương Bắc nước Trung Hoa. Sài hồ được nhập cảng dưới tên thương mãi thảo dược Radix Bupleuri.
b- Chúng ta gọi Pluchea indica là nam sài hồ để đối lại với bắc sài hồ (Bei Chai Ho) tức cỏ lứt 2 Bupleurum chinense. Trung Hoa gọi cỏ lức 1 Pluchea indica làGuang Geng Kuo Bao Ju (Quảng Canh Quốc Bảo Cúc) chớ không gọi là Nan Chai Ho (nam sài hồ). Nai Chai Ho (nam sài hồ) của người Trung Hoa chỉ cỏ lứt 2  Bupleurum scorzoneraefolium cùng dược tính trị liệu của Bupleurum chinense chớ không phải cỏ lức 1 Pluchea indica hay Pluchea leptophylla.
c- Về chánh tả chữ LỨC trong cỏ lức 1 Pluchea indica giống chữ LỨC trong địa danh Bến Lức.

Chợ Lách và cỏ lách
Chợ Lách là một huyện của tỉnh Bến Tre. Huyện rộng 190 km2 (13, 78 km x 13, 78 km) với lối 135.000 dân. Chợ Lách nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 16' và đông kinh tuyến 106 độ 07'. Làng Cái Mơn nằm trong huyện Chợ Lách. Đó là sinh quán của nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký và là nơi có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo sùng đạo. Cái Mơn nổi tiếng với những vườn cây ăn trái. Kinh tế huyện chợ Lách dựa vào ruộng lúa, vườn cây ăn trái, ngành trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi gà đá, gà thịt và ấp trứng để sản xuất gà con. Hiện nay Chợ Lách cũng là một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch.
Cỏ láchĐịa danh Chợ Lách xuất phát từ sự hiện diện của cỏ lách.
Cỏ lách là thân thuộc của cây mía nhưng không có mật, thân cây nhỏ và yếu, cao từ 1 - 3 m, mọc thành bụi. Lá dài và bén như lá mía. Hoa mọc thẳng đứng như cây mía trổ cờ hay bông cây lau nhưng màu hồng nhạt trông đẹp mắt. Cỏ lách thường mọc ở những vùng ẩm thấp, gần các dòng nước. Nó có tác dụng giữ đất chống xâm thực nhưng đó là loại thảo mộc lấn đất.
Tên khoa học của cỏ lách là Saccharum arundinaceae thuộc gia đình Poaceae. Người Anh gọi là reedy sugar cane (mía sậy), hardy sugar cane, devil sugar cane; Trung Hoa: Ban mao; Ấn Độ: Ramsar; Sanskrit (Phạn): Shara.
Các nhà làm vườn trổng cỏ lách làm cảnh trong vườn. Trong trạng thái thiên nhiên người ta chặt cây lách đem về nhà làm chất đốt để nấu nướng. Lá cỏ lách có thể dùng để lợp nhà như tranh, lá mía, lá dừa.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ người ta dùng rễ cỏ lách làm thuốc nhuận tiểu, cây dùng để cầm máu, trị bịnh về máu hay bịnh về đường tiểu.
Người Việt Nam dùng hình ảnh lau, lách, sậy để mô tả cảnh hoang dã, hẻo lánh như câu ca dao phổ biến ở miền Nam sau đây:
Đường đi những lách cùng lau,
Cha mẹ tham giàu gả ép duyên con.

Xóm Rạch Cui và cây cui tức cây huỳnh long
Ở miền Nam có rất nhiều địa danh mang tên cui như Cái Cui, Rạch Cui, Xóm Rạch Cui, Giồng Cui, Cầu Cây Cui, v.v.
Xóm Rạch Cui trong tỉnh Sóc Trăng nằm trong xã Long Đức , huyện Long Phú trên bắc vĩ thuyến 9 độ 42' và đông kinh tuyến 106 độ 04'. Phía tây của xóm là sông San Tard và phía đông là sông Hậu Giang.
Xóm Rạch Cui trong tình Cà Mau (An Xuyên, Minh Hải) nằm trong huyện Trần Văn Thới trên bắc vĩ tuyến 9 độ 08' và đông kinh tuyến 105 độ 02'.
Trong tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa) có Ấp Giồng Cui nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 05' và đông kinh tuyến 106 độ 24'. Ấp nằm trong huyện Mỏ Cày, phía đông của ấp là sông Hàm Luông.
Vậy cây cui là cây gì?
Cây cui, còn gọi là cây huỳnh long, là một loại cây cao từ 20 - 30 m. Cây cui được tìm thấy nhiều ở các nước Đông Nam Á lục địa và quần đảo. Tên khoa học làHeritiera javanica (gốc ở Java, Indonesia), Tarrietia javanica, Tarrietia cochinchinensis (gốc ở Nam Kỳ) thuộc gia đình Sterculiaceae của cây trôm. Người Indonesia và Mã Lai gọi cây cui hay huỳnh long là mengkulang jari, Khmer: dong chem, Thái Lan: thong suk, Borneo: kayu lisang, Phi Luật Tân: lumbayao. Người Anh gọi cây cui là menkulang dựa theo người Mã Lai. Đó cũng là tên gỗ thương mại ngoài thị trường quốc tế. Họ cũng gọi câu cui là cambodia mahogany(cây dái ngựa Cambodia). Người Pháp gọi là Acajou du Cambodge. Qua cách gọi tên ta thấy cây cui được tìm thấy nhiều ở Mã Lai, Indonesia và Cambodia. Ngày xưa Chân Lạp (Chenia) bao gồm Cambodia bây giờ và Nam Bộ (Thủy Chân Lạp - Water Chenia). Cây cui hay huỳnh long được tìm thấy nhiều ở Nam Bộ, nơi có nhiều địa danh nhỏ mang tên loại thảo mộc nầy như đã thấy ở phần trên.
Gỗ cây cui màu vàng-đỏ nhạt. gỗ nhẹ được dùng để đóng thuyền, làm nhà, đóng bàn ghế, tủ có giá trị trung bình. Cây cui cho bóng mát dọc theo các kinh rạch ở thôn quê miền Nam. Cành cây là một nguồn củi chụm. Cây cui giúp cho bờ kinh rạch chống sạt lở vì bị nước xói mòn.

Xóm Cây Sanh và cây sanh
Trong tỉnh Bình Dương và Đồng Tháp có Xóm Cây Sanh. Khu đất gần trường Mỹ Thuật Gia Định dọc theo đường Chi Lăng cũ được gọi là Xóm Hàng Sanh. ChữSanh được viết thành Xanh tức màu xanh chớ không phải cây sanh.
Cây sanh là cây đa Ficus indica thuộc gia đình Moraceae. Chúng tôi đã nói qua về cây đa trong phần nói về Bạc Liêu. Ở Việt Nam người ta nô nức trồng cây sanhbonsai. Nghe đâu có một cây sanh cảnh bonsai ở Bình Định được bán cả tỷ đồng Việt Nam!

 Ấp Cây Gừa hay cây gừa
Cây gừa
Ấp Cây Gừa là tên của hai ấp trong tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hai ấp nầy mang tên của một loại cây mọc theo các dòng sông. Cây có nhiều rễ và cùng dòngFicus như cây đa. Đó là cây gừa.
Cây gừa hay cây si mang tên khoa học Ficus benjamina, Ficus comosa, Ficus nuda, Ficus pendula, Ficus papyrifera, Urostigma nudum, Urostigma benjaminum thuộc gia đình Moraceae. Cây da cũng thuộc dòng Ficus như cây sung, cây si (cây gừa), cây bồ đề và được biết dưới tên khoa học Ficus indica. Câ si hay cây gừa còn được gọi là cây sung tròn vì trái tròn màu đỏ-vàng ăn được.
Người Anh gọi cây si là weeping fig (cây sung rũ), Java fig (sung Java). Ở Borneo cây si hay cây gừa được gọi là Ara hay dunuk.  Người Khmer gọi là chrey pren. Cây gừa có thể cao đến 25 m, rễ lia chia. Cây to có hình dáng như cây da vì rễ to trở thành thân cây. Gốc như được cấu tạo bằng nhiều thân nhỏ họp lại. Lá dầy và láng. Trái tròn, nhỏ màu vàng cam khi chín. Cây gừa là một nguồn benzoin.
Ở Việt Nam người ta trồng cây gừa để cho rễ bám chặt vào hòn non bộ. Ngày nay cây gừa được dùng để làm cây cảnh bonsai. ỞẤn Độ người ta giã nát lá gừa hòa với dầu phết vào vết thương. Ở Việt Nam người ta dùng nhựa cây gừa hòa với lá của nó giã nát, hòa với rượu để đắp vào vết thương. Ở Ấn Độ người ta dùng nhựa và nước vắt của lá gừa hòa với sữa mẹ nhỏ mắt trẻ em khi giác mạc bị đục!

Bến Tranh và cỏ tranh
Địa danh Bến Tranh và có rất nhiều ở Nam Bộ như quận Bến Tranh (trước 1975) trong tỉnh Định Tường (Tiền Giang), xã Bến Tranh trên đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, Xóm Bến Tranh trong tỉnh Bình Dương. Địa danh có chữ Bến cho thấy có sự hiện diện của một dòng nước khá sâu cho ghe thuyền đến chở hàng và bốc dỡ hàng như Bến Cỏ, Bến Củi v.v... Địa danh Bến Tranh có liên hệ đến cỏ tranh.
Cỏ tranh được tìm thấy khắp nơi trên thế giới ở những vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Người Anh gọi cỏ tranh là Japanese blood grass vì có loại cỏ tranh màu đỏ như máu, blady grass vì lá bén. Tiếng Hán việt của cỏ tranh là bạch mao căn (rễ lông trắng). Cỏ tranh cao từ 1 - 2 m. Lá dài và bén nhu lá sả. Hoa màu trắng. Đất có cỏ tranh là đất khô cằn, khô hạn và không màu mõ. Vì rễ cỏ tranh bám sâu dưới đất cả thước nên rất khó diệt. Người ta dùng lửa đốt để diệt cỏ tranh, nhưng rễ của nó bám sâu dưới đất nên chỉ cần trời mưa xuống thì tranh non mọc lên.
Rễ tranh có 18% đường, các loại ác xít citric, malic, tartatric, oxalic, triterpene methylethers, arundoin và cylindrin.
Tranh dùng để lợp nhà. Rễ tranh kết hợp với lá mã đề, mía lau nấu nước uống giải nhiệt. Nước rễ tranh lợi tiểu, hữu ích cho các bịnh về thận, phù thũng, huyết tiện, xuất huyết, thổ huyết, cao huyết áp, trĩ, máu cam, hoàng đản.
Ở Cambodia người ta kết hợp rễ tranh với vài loại thảo mộc khác để trị bịnh trĩ.
Ở Trung Hoa rễ tranh được xem như nhuận tiểu, hạ sốt, trị nôn mửa, phù thũng.
Người Phi Luật Tân dùng rễ tranh và cọng để trị kiết lỵ.
Ở Phi Châu cỏ tranh được dùng để trị lâm lậu, tiểu tiện khó khăn.

Sông Tra và cây tra
Sông Tra và Rạch Tra là hai địa danh mang tên cây tra bồ đề. Sông Tra nằm trong tỉnh Long An. Rạch Tra nằm trong xã Đông Thânh, huyện Hóc Môn. Rạch Tra ăn thông với sông Sài Gòn.
Cây tra
Cây tra bồ đề là một loại thảo mộc vùng khí hậu nhiệt đới và đại dương. Nó được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và các hải đảo Thái Bình Dương. Cây cao từ 10 - 15 m, lá hình trái tim như lá bồ đề. Hoa hình ly, cánh to và mỏng màu vàng nhạt hay màu hồng giống như hoa cây bông vải. Trái nhỏ. Ở Ấn Độ người ta trồng cây tra quanh đền và xem đó là thiêng mộc. Ý niệm nầy cũng được tìm thấy trên các hải đảo Thái Bình Dương
Tên khoa học của cây tra là Thespesia populnea thuộc gia đình Malvaceae như hoa dâm bụt, bông vải. Người Pháp gọi cây tra là motel debout (lữ điếm đứng), Anh: Pacific rosewood, Portia tree, Indian tulip tree. Ở Hawaii người ta gọi là Milo.
Trái, lá non và hoa cây tra ăn được.
Hột là nguồn dầu và gossypol rất độc cho người lẫn thú vật. Gossypol C30H30O8 trong dầu hột bông vải gây chứng vô tự cho nam giới trong tỉnh Jangxi (Giang Tây) vào cuối thập niên 1920. Theo những nghiên cứu hiện hành nó lại có tính năng chống ung thư. Dầu dùng để thấp đèn, thoa bóp tê thấp, trị ghẻ. Hột là chất nhuộm màu vàng-xanh.
Gỗ là màu nhuộm vàng cho len (laine). Gỗ cây tra dùng để đóng thuyền, làm đàn (Ấn  Độ), đóng thùng và các vật dụng có giá trị tầm thường.
Sợi lấy từ vỏ cây tra dùng để làm dây.
Lá làm màu nhuộm đen.
Trái non có nhiều tannins được vắt nước trị côn trùng cắn, lâm lậu, hắc lào, nhức đầu, ghẻ, vết chai, v.v…

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

Wednesday, 11 September 2013

Ai có đủ tư cách phê bình một bản dịch?



Trên mạng Talawas có một loạt bài liên quan đến vụ Phan Ngọc không biết tiếng Đức đi dịch Hegel. Đầu tiên là Sấm Hegel (PhạmThị Hoài). Phan Ngọc đợi một thời gian khá lâu mới trả lời Phạm Thị Hoài bằng Câu chuyện dịch “Mỹ học” của Hegel. Bài trả lời này gây ra những phản ứng trái ngược nhau ở người đọc: talawas có thực sự hướng đến cộng đồng không?(N. Xu), Vài ý kiến nhận xét thư trả lờiPhạm Thị Hoài của Phan Ngọc (Phạm Việt Vinh).
N. Xu khen:
Bài viết của Phan Ngọc để trả lời Phạm Thị Hoài theo tôi có thể đưa vào sách giáo khoa đạo đức dành cho người lớn.
Phan Ngọc cũng được N. Xua khen là  biết cách dừng lại một cách lịch sự khi ông phát biểu rằng Việc hiểu Hegel cho đúng quả là rất vất vả và phải có chân truyền, nếu không chỉ cãi lộn nhau mãi mà thôi. N. Xu thấy Phan Ngọc chỉ trách nhẹ Phạm Thị Hoài thấy cây không thấy rừng (chị là người đầu tiên (theo tôi biết?) đã cho rằng chỉ cần biết tiếng Ðức thông thường là hiểu được Hegel).
Phạm Việt Vinh chỉ ra rất xác đáng những chỗ trật đường ray trong chiến lược tự biện hộ của Phan Ngọc và phê là ông đã cố tình lừa dẫn chúng ta vào một trận đồ bát quái. Cách ông kết thúc bài trả lời bằng một hình ảnh liêm chính, đạo đức chứng tỏ ông thành thực tin vào những điều mình nói. 
Phong thái đĩnh đạc, trưởng thượng của Phan Ngọc khiến người đọc dễ bị mắc lừa.
Chiến lược tự biện hộ của ông dựa trên hai thủ đoạn chính:
Một là dùng người khác (Trần Đức Thảo, Trương Tửu) chống đỡ thay cho mình. Phạm Việt Vinh chê thủ đoạn này là ngờ nghệch. Chắc là chỉ mỉa mai thôi vì hàm ý sâu xa của Phan Ngọc là không ai có thể dịch được Hegel: tôi không, Trần Đức Thảo cũng không, chị càng không.
Để vô hiệu hóa sự công kích của đối phương, Phan Ngọc còn dùng một thủ đoạn khác là lấy tấn công thay cho phòng ngự. Thay vì loay hoay chống đỡ ở những điểm mình sai mười mươi, Phan Ngọc tìm mọi cách chứng minh là Phạm Thị Hoài không đủ tư cách để nói bất cứ chuyện gì.
 Phạm Việt Vinh thấy Phan Ngọc đã dùng một phần lớn bài trả lời nhằm chỉ ra cái quấy khi Phạm Thị Hoài chê bai cụm từ "tha hóa". Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Điều Phan Ngọc muốn nói đơn giản chỉ là không rành từ Hán Việt là không giỏi tiếng Việt mà tiếng Việt đã dốt thì nói gì đến tiếng Đức cho cao sang. Người đọc tự hiểu ai là người không có quyền bàn chuyện dịch Hegel.
Để đạt được mục đích này Phan Ngọc cần một điểm tựa từ đó có thể triển khai sức mạnh công kích:
May mà ở chú thích (4), chị giải thích cách chị hiểu chữ tha trong tha hóa như sau :"Nhiều người cho rằng "tha" trong "tha hoá" cùng một nghĩa như trong "thối tha"
May mà người đọc không cần dốt nát lắm cũng có thể nhận ra là chẳng có chỗ nào trong bài viết của mình Phạm Thị Hoài đã hiểu từ tha theo cách ấy cho nên việc Phan Ngọc thuyết giảng tràng giang đại hải về nghĩa của từ tha thật là vô duyên. 

Vài ý kiến nhận xét thư trả lời Phạm Thị Hoài của Phan Ngọc (Phạm Việt Vinh - Talawas)


1.1.1990
Phạm Việt Vinh
Tự xen vào cuộc đối thoại của người khác là một điều khá vô duyên. Nhưng ở đời, ai cũng duyên dáng cả, thì sẽ rất buồn! Sau khi có lý do bào chữa như vậy, tôi mới dám dũng cảm đưa ra một vài nhận xét sau đây về bài trả lời Phạm Thị Hoài của Phan Ngọc. Rồi tôi lại giật mình: làm việc này, còn là một sự "dại" nữa. Mất thời gian nói về những điều mà ai cũng biết, thậm chí,có lẽ cả đối tượng mà mình muốn cùng tranh luận cũng thừa hiểu như vậy, thì rõ ràng là "dại". Tôi tin mình như thế, vì nghĩ:" Chẳng lẽ một người như Phan Ngọc mà không nhận thấy rằng: tất cả những ý trả lời của ông đều không hề trúng đích?".

Ngay lúc đầu, khi cho rằng:"Cái khó ở đây không phải là nội dung của câu chuyện mà ở thái độ: nói thế nào để khỏi mang tiếng là người "hộ đoản", tác giả của bài trả lời đã nhầm lẫn nặng. Nếu đã đọc nhận xét của Phạm Thị Hoài thì không ai có thể kết luận rằng bàn về "nội dung của câu chuyện" này là một sự dễ. Nhưng điều làm giật mình nhất ở đây là Phan Ngọc coi thái độ "nói thế nào để không mang tiếng" trọng hơn phần học thuật. Trong thế giới ngày nay, bàn về khoa học mà cứ nơm nớp "tiên lễ, hậu văn", sao có thể gọi là sáng suốt ?

Tôi không thể tin rằng Phan Ngọc lại ngờ nghệch đến mức bảo vệ cách dịch và thuật ngữ dịch của mình bằng những câu:"Cách dịch này không phải của tôi", hay:"Phần lớn các thuật ngữ này tôi lấy của...". Chẳng lẽ Phạm Thị Hoài chỉ nên "gay gắt" với Phan Ngọc, còn khi nghe tới Trương Tửu, Trần Ðức Thảo hay Chu Quang Tiềm thì tốt hơn hết là phải "kính nhi viễn chi", vì chỉ có khùng điên, hỗn hào, mới dám cãi lời "thánh" dạy? Tuy nhiên, người "ngoan cố" vẫn cứ tưởng mình đang được tìm hiểu Hegel. Còn nếu như cứ phải tâm niệm đây là Hegel của Trương, của Trần, của Chu hay của Phan, thì chắc sẽ đến lúc chữ "Hegel" sẽ trở lên thừa vướng.

Phan Ngọc đã dùng một phần lớn bài trả lời nhằm chỉ ra cái quấy khi Phạm Thị Hoài chê bai cụm từ "tha hóa". Khó có thể tin được là Phan Ngọc khi dùng chữ chỉ quan tâm đến nghĩa gốc, nghĩa khởi thủy, còn khi chữ đó sau bao cuộc bể dâu nay mang thêm ý mới, diện mạo mới, thì là điều ông không chấp nhận. Nếu như vậy, liệu rằng Phan Ngọc có dám gọi một cô nhân viên mậu dịch là kẻ "tiểu nhân"? Tôi nghi là Phan Ngọc không hề có cảm giác "may" khi nói rằng Phạm Thị Hoài hiểu chữ "tha" hay "tha hóa" như "nhiều người cho rằng...". Có thể, khi dùng "Chú thích" để đưa ra cách nghĩ của "nhiều người", sự khiêu khích của Phạm Thị Hoài đã đi quá xa và làm mờ đi tính thuyết phục; nhưng kết luận được như Phan Ngọc thì quá là giản tiện.

Chưa cần biết Phạm Thị Hoài bình luận chí lý đến đâu, nhưng qua hơn một trang giấy, Phan Ngọc đã hình như cố tình đưa thêm minh chứng cho những lời phê phán. Ðọc câu: "Cho nên các bản dịch (...) đều có những điểm không theo bản tiếng Ðức" chắc chắn nhiều người sẽ chới với: Dịch Hegel mà không theo bản tiếng Ðức thì theo ai? Hay là có những phát biểu của Hegel chỉ được chép lại bằng tiếng Nga, tiếng Hán? Tiếp theo, câu:" Phần lớn những lời chị chê trách tôi nhìn chung đều có trong các bản dịch kể trên." rõ ràng là một đòi hỏi tư duy cao. Ở đây, ta lại được nghe một câu sấm. Tôi cũng không thể tin được rằng sau khi đọc câu:"...công bỏ ra cho đến khi hiểu nổi Hegel trong nguyên tác chắc chắn không bằng công đọc bản dịch của Phan Ngọc trong tiếng Việt", Phan Ngọc lại kết luận là Phạm Thị Hoài"cho rằng chỉ cần biết tiếng Ðức thông thường là hiểu được Hegel". Hay có lẽ, Phan Ngọc cho rằng, sự hiểu tiếng Ðức của Phạm Thị Hoài chỉ ở bậc "thường"?

Hình như, nguyên do những cú "trật đường ray" liên tục của Phan Ngọc nằm ở chính "thái độ cần phải có" hoàn toàn mang tính chính trị, tính ý thức hệ của ông khi "làm việc" với Hegel.Chẳng lẽ Phan Ngọc không thể nhận ra rằng, từ xưa tới nay, chiếc kính chiết màu ý thức hệ hoàn toàn không có khả năng phản ánh một cách trung thực một tác phẩm khoa học nhân văn. Dùng kính đó vào việc dịch, nơi mà tính trung thực là tiêu chí tối cao, thì sự thất bại là lẽ dĩ nhiên.

Ðó là những ngờ vực mà tôi cứ dại dột nêu ra. Với những ngờ vực này, trong chúng ta, hầu như ai cũng đã rõ câu trả lời. Nhưng phần đa chúng ta sẽ không nói. Im lặng, biết mà không nói, mà điều nói ra cũng không nhất thiết phải trùng với điều mình nghĩ- đang là sự khôn ngoan, là tính trí sỹ thời thượng hiện nay. Chỉ có điều : nếu tiếp tục mãi, thì sẽ đến lúc trí thức Việt nam ai cũng tưởng người khác "khôn ngoan" giống mình.Và chúng ta cứ tiếp tục vui vẻ chơi trò ú tim với nhau, trước mắt là trí thức, sau cùng là toàn dân tộc! Ðương nhiên, người mình cũng có những bậc "chân tu"; và có những người lầm lỗi một cách thật lòng.

Mặc dù không thể tin rằng Phan Ngọc không biết phân rõ phải sai, nhưng tôi không muốn nghĩ là ông đã cố tình lừa dẫn chúng ta vào một trận đồ bát quái. Cách ông kết thúc bài trả lời bằng một hình ảnh liêm chính, đạo đức chứng tỏ ông thành thực tin vào những điều mình nói.
Nhưng chính phương pháp kết thúc đó, chính sự thành tâm đó, lại mang đến cho tôi một nỗi buồn nặng nề, khó tả.