Tuesday, 11 March 2014

VỀ HAI CHUYẾN ĐI BÍ MẬT CỦA HỒ CHÍ MINH ĐẾN LIÊN XÔ NĂM 1950 VÀ NĂM 1952 (Nguyễn Thị Mai Hoa - Văn Hóa Nghệ An)



VỀ HAI CHUYẾN ĐI BÍ MẬT CỦA HỒ CHÍ MINH ĐẾN LIÊN XÔ NĂM 1950 VÀ NĂM 1952

  •   NGUYỄN THỊ MAI HOA
  • Thứ năm, 06 Tháng 2 2014 05:55
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Đối với Hồ Chí Minh, nước Nga Xô viết gắn liền với những chặng đường hoạt động cách mạng đầu tiên. Đây cũng là mảnh đất mà Hồ Chí Minh nhiều lần đặt chân đến và mỗi lần đến với mỗi cương vị, sứ mệnh khác nhau. Trong hai năm 1950 và 1952, Hồ Chí Minh có hai chuyến đi bí mật đến Liên Xô. Những diễn biến xung quanh hai chuyến đi phản ánh nhận thức, quan điểm của Đảng Cộng sản Liên Xô về cách mạng Việt Nam và một phần diện mạo quan hệ Việt - Xô thời gian này.
1. Chuyến đi bí mật năm 1950
Năm 1950, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam có những thay đổi căn bản, thế và lực dần vững mạnh hơn. Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, nhất là trong những ngày vấn đề công nhận và thiết lập quan hệ song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết đang được đặt ra, Hồ Chí Minh quyết định sang thăm Liên Xô và đề nghị Lưu Thiếu Kỳ[2] truyền đạt cho I.V.Staliný định nói trên. Ngày 1-2-1950, thông qua Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh Shibaevvà Lưu Thiếu Kỳ, I.V.Stalingửi điện trả lời. Nội dung bức điện như sau: “Gửi đồng chí Hồ Chí Minh. Vài ngày trước, đồng chíMao Trạch Đôngđã chuyển tới tôi đề nghị của đồng chí muốn được đếnMoscowtheo con đườngbí mật. Khi đó tôi trả lời rằng không phản đối. Nay Liên Xô đã công nhận Việt Nam, nếu đồng chí không thay đổi ý định, tôi sẽ rất vui mừng được đón tiếp đồng chí tạiMoscow”[3].
Ngày 7-2-1950, Hồ Chí Minh gửi điện phúc đáp, giải thích về  ý định bí mật đến Liên Xô: "Thứ nhất, ở Việt Nam, chỉ có một vài Ủy viên Trung ương Đảng và hai thành viên Chính phủ biết về chuyến đi của tôi. Thứ hai, tôi nghĩ rằng, nếu người Pháp biết về việc tôi rời khỏi Việt Nam, họ có thể có những hành động chính trị - quân sự bất lợi”[4]. Hồ Chí Minh viết tiếp: “Nếu đồng chí Stalin tìm thấy lý do để chuyến thăm của tôi đến Moscowmang tính chính thức, tôi tin rằng, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ nhất trí với đồng chí”[5].
Khoảng chừng giữa tháng 2-1950, Hồ Chí Minh tới Moscow. Cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và lãnh đạo Nhà nước Xô viếtkhông diễn ra tại Điện Cremlin như thông lệ đón tiếp các chính khách đứng đầu Nhà nước. Khảo sát kỹ toàn bộ danh sách các vị khách I.V. Stalin đã gặp gỡ, tiếp đón tại Điện Creml năm 1950, đặc biệt trong ba tháng 1,2,3 (Nhật ký các cuộc gặp gỡ, tiếp đón của I.V. Stalin tại Điện Creml từ năm 1924 đến năm 1953, dự án “Tư liệu lịch sử”[6]), song không tìm thấy bất kỳ một ghi chép nào về cuộc đón tiếp vị khách có tên là Hồ Chí Minh hoặc Din[7]. Theo hồi ký “Bên cạnh Stalin” của vệ sĩ A.T. Rybin, nhiều khả năng cuộc gặp diễn ra tại khu biệt thự ngoại ô có tên Kunxevo[8]. Tham dự cuộc gặp, phía Liên Xô có I.V.Stalin, Molotop và một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô viết. Về nội dung cuộc gặp gỡ, đến nay tài liệu lưu trữ của phía Việt Nam, cũng như Liên Xô chưa được giải mật và công bố đầy đủ; do vậy, việc phục dựng hết sức khó khăn. Các hình dung có được chủ yếu qua con đường gián tiếp và nguồn tư liệu thứ cấp.
Theo nhà nghiên cứu I.V.Gaiduk – người có điều kiện tiếp xúc với một số tài liệu lưu trữ chưa được công bố củaLưu trữ Tổng thống Liên bang Nga, hội đàm với Hồ Chí Minh, I.V.Stalinnhận ra rằng, cần quan tâm hơn nữa đến cách mạng Đông Dương; tuy nhiên, liên quan đến việc giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (1945), vấn đề cải cách ruộng đất, I.V. Stalinkhuyến cáo Hồ Chí Minh không nên có những hành động quá cấp tiến[9]. Phân tích tư liệu lưu trữ tại Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga (phông Stalin) có liên quan gián tiếp đến cuộc gặp gỡ, nhà sử học I.A. Konoreva khẳng định trong hội đàm, tình hình Đông Dương, khả năng viện trợ quân sự của Liên Xô qua lãnh thổ Trung Quốc, đặc điểm công tác tư tưởng và công tác vận động quần chúng nhân dân ở một nước nông nghiệp lạc hậu.... là những vấn đề được Hồ Chí Minh và lãnh đạo Liên Xô đề cập, trao đổi và thảo luận[10]. Trong hồi ký "Đường đến Điện Biên Phủ" của Võ Nguyên Giáp có một số thông tin về cuộc hội đàm giữa Hồ Chí Minh và lãnh đạo Liên Xô. Theo Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh thông báo cho Liên Xô tình hình Việt Nam, đường lối chính trị, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương, yêu cầu Liên Xô viện trợ vật chất, đặc biệt vũ khí, đạn dược. Về yêu cầu viện trợ của Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Trung Quốc Lý Kiện cho biết: I.V.Stalin dùng dằng chưa trả lời ngay, muốn sau khi thương lượng với Mao Trạch Đông sẽ quyết định[11]. Tại cuộc gặp, I.V.Stalin hứa với Hồ Chí Minh sẽ viết một cuốn sách cho Việt Nam. Bức thư của Hồ Chí Minh gửi I.V.Stalinngày 14-10-1950 đã nói lênđiềuđó: “Tôihyvọngsẽnhậnđượccuốnsáchmà đồngchí đã hứalà sẽviếtriêngchochúngtôi. Tôisẽthânchinhdịchcuốnsáchđó. Đâysẽlà mónquá hếtsứcquý báumà đồngchí tặngchochínhĐảngcònnontrẻcủachúngtôi”[12].
Vào khoảng cuối tháng 2-1950, Hồ Chí Minh rời Moscowvề Bắc Kinh. Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cử N.Timofeev – một lãnh đạocấp caocủa Ban Chấp hànhTrung ươngCộng sản Liên Xôcùng đi với Hồ Chí Minh. Ngày 2-4-1950, N.Timofeev gửi thư cho I.Mosetov[13] báo cáo về tình hình chuyến tháp tùng Hồ Chí Minh, trong thư có đoạn: “Trong thời gian ở Moscow, Din rất hài lòng và trở về với tâm trạng thoải mái. Trước khi rời Bắc Kinh, Din nhờ tôi chuyển tới đồng chí lòng biết ơn chân thành về tất cả sự quan tâm, chăm sóc mà các đồng chí đã dành cho Din trong thời gian ở Moscow”[14]. Bức thư của N.Timofeev xác nhận thông tin và là chứng cứ thuyết phục khẳng định sự biến mất của cuốn Tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng" có thủ bút[15] của I.V. Stalin và những nhà lãnh đạo Xô viết có mặt trong cuộc hội đàm: "Din nhờ tôi viết thư hỏi và làm sáng tỏ một vấn đề luôn cánh cánh bên lòng, liên quan tới sự biến mất đầy bí ẩn của tờ tạp chí “Liên Xô trên công trường xây dựng” ở khu biệt thự – tờ tạp chí có chữ ký của đồng chí Stalin, Molotov và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô-viết khác; đề nghị thông báo kết quả qua đồng chí Phương (Фын), đại diện Đảng Lao động Việt Nam ở Bắc Kinh”[16]. Theo như mô tả của N.Timofeev, trên đường quay về, không chỉ một lần, Hồ Chí Minh luôn trăn trở không hiểu tại sao chuyện đó có thể xảy ra, vì “ở khu nghỉ dưỡng, nơi có điều kiện vật chất tương ứng với điều kiện của xã hội cộng sản, mọi cái đều tốt đẹp, chỉ có tờ tạp chí với bút tích là biến mất”[17]. N.Timofeev viết thêm: “Din hồi tưởng về những người phục vụ tại nhà nghỉ và kết luận rằng, tất cả những người phục vụ đều hết sức trung thực, không một ai có thể lấy tờ tạp chí, có lẽ tờ tạp chí “vô tình” bị đồng chí Mosetov hoặc đồng chí Kazlov cầm lẫn với những tài liệu khác mà họ đem đến cho Din rồi sau đó mang đi”[18]. N.Timofeev tỏ ra hết sức áy náy vì thắc mắc của Hồ Chí Minh, khẩn thiết đề nghị Mosetov “nếu không quá khó khăn, hãy hỏi ý kiến lãnh đạo và thông báo cho tôi biết phải trả lời câu hỏi đó thế nào”[19].
N.Timofeev cũng tường thuật rằng, trước khi chia tay, Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh đã tặng Hồ Chí Minh một khẩu súngsăn, đạn, ống nhòm vàmột số vật dụng đi đường cần thiết khác. Về phần mình,Hồ Chí Minh tặng lại một số ảnh lưu niệm, trong đó có ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – những bức ảnh này, như Hồ Chí Minh viết cho I.Mosetov và Kazlov sau đó (8-3-1950) “có thể sử dụng làm tài liệu tuyên truyền, vì chúng không phải ảnh bí mật”[20].
2. Chuyến đi bí mật năm 1952
Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, tăng cường sự hiểu biết giữa Đảng Lao động Việt Nam và  Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dịp Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô chuẩn bị khai mạc, Hồ Chí Minh hoạch định chuyến thăm bí mật lần thứ hai đến Liên Xô.
Ngày 30-9-1952, từ Bắc Kinh, Hồ Chí Minh gửi thư cho I.V.Stalin,trình bày: “Tôi rất mong muốn đượcMoscow dự Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô (b). Tuy nhiên, tôitính rằng, nếu đến Moscowbằng con đường chính thức, thì: Một là, kẻ thù sẽ nhân cơ hội đó để tấn công Việt Nam về chính trị; hai là, có thể nảy sinh những bất tiện trong việc tiếp đón tôi. Vì vậy, tôi có ý địnhđến Moscowdưới một cái tên khác. Nếu như tôi không thể đến dự Đại hội, Đảng Lao động Việt Nam sẽ cử Đại sứ Nguyễn Lương Bằng ở Moscowlàm đại biểu”[21]. Ngày 1-10-1952, I.V. Stalin,gửi điện trả lời: “Chúng tôi đã nhận được điện tín của đồng chí. Nhìn chung, chúng tôi nhất trí để đồng chí đến Moscow không chính thức. Đại hội sẽ khai mạc ngày 5-10-1952. Hãy thông báo thời gian đồng chí đến”[22]. Đến Moscow theo hình thức bí mật, có mặt tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô, Hồ Chí Minh không có trong khách mời phát biểu, Đoàn đại biểu chính thức của Đảng Lao động Việt Nam không có tên trong danh sách. Lời chào mừng của Đảng Lao động Việt Nam gửi đến Đại hội được giao cho Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Azerbaijan M.E.Bagirovđọc thay[23]. Sau Đại hội, ngày 17-10-1952, Hồ Chí Minh viết thư gửi I.V. Stalin. Nội dung bức thư cho thấy Hồ Chí Minh chưa có cuộc gặp riêng với I.V. Stalin: "Tôi vẫn đợi ý kiến của đồng chí để có thể đến gặp, ôm hôn và chuyển tới đồng chí bản báo cáo về tình hình Việt Nam"[24]. Hồ Chí Minh đề nghị: "Trong cuộc gặp, khi tôi báo cáo tốt hơn cả nếu có mặt của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ"[25]. Có lẽ đề nghị này của Hồ Chí Minh xuất phát từ việc từ năm 1950, sau khi Việt Nam – Liên Xô thiết lập quan hệ về mặt Nhà nước, Liên Xô "đồng ý để Trung Quốc đại diện cho quyền lợi của mình tại Việt Nam"[26], còn Trung Quốc cử Lưu Thiếu Kỳ phụ trách liên lạc và phối kết hợp hoạt động với Đảng Cộng sản Đông Dương.
 Ngày 15-11-1952, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô V. Grigoryanchuyển đến I.V. Stalin yêu cầu của Hồ Chí Minh: "Đồng chí Hồ Chí Minh dự định trở về Việt Nam trong thời gian gần đây và trước khi trở về mong muốn được gặp đồng chí I.V. Stalin một vài phút. Đồng chí Hồ Chí Minh nói thêm rằng, nếu đồng chí I.V. Stalin không có thời gian cho cuộc gặp, đồng chí Hồ Chí Minh hoàn toàn hiểu và thông cảm với sự bận bịu của đồng chí I.V. Stalin, sẽ không làm tốn thời gian của đồng chí, ra về và sẽ gửi lại thư cho đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh sẽ về nước trên chuyến bay đặc biệt sau hai ngày nữa"[27]. Hồ Chí Minh đã không bay vào ngày 17-11 như V. Grigoryanđã báo với I.V. Stalin mà bay vào ngày 19-11-1952. Cùng ngày, trước chuyến bay đến Bắc Kinh để trở về Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi thư cho I.V. Stalin: "Hôm nay tôi về nước. Nhiệt thành cám ơn về tất cả những gì đồng chí đã làm cho tôi. Xin hứa với đồng chí sẽ thực hiện tốt chương trình nông nghiệp và tiến hành tốt cuộc chiến tranh yêu nước. Hy vọng rằng, sau hai hoặc ba năm nữa tôi có thể trở lại và báo cáo về kết quả công việc“[28].
Căn cứ vào nội dung các lá thư Hồ Chí Minh gửi cho I.V. Stalin, nhất là lá thư ngày 19-11, có lẽ Hồ Chí Minh đã rời Moscowvẫn chưa kịp diện kiến vị lãnh tụ người Gruzia lạnh lùng, cứng rắn, đầy hoài nghi, không ngờ rằng, sau này và mãi mãi không còn dịp gặp lại.
3. Tìm câu trả lời…
Hai chuyến thăm bí mật của Hồ Chí Minh đến Liên Xô cho thấy một hiện thực: Dù cùng chung ý thức hệ, song thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam khá thận trọng, không mấy mặn mà. Lý giải nghịch lý đó, cần ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ những sự kiện sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Ngay sau khi giành độc lập (9-1945), Việt Nam tìm mọi cách liên lạc với Liên Xô. Thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh liên tiếp gửi mật điện, công hàm thông báo về sự ra đời của Chính phủ cách mạng ở Việt Nam, đề nghị Liên Xô giúp đỡ, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng, “Moscow tiếp nhận những bức điện khẩn của lãnh đạo Việt Nam với thái độ khá dè dặt”[29]. Việt Nam và Đông Dương chưa phải là mối quan tâm thực sự của Liên Xô bởi vị trí địa lý xa xôi của nó[30]; đồng thời, tin tức về Việt Nam và về Hồ Chí Minh đến với Moscow chậm chạp, không được đầy đủ.
Những năm 1947-1948, Việt Nam đẩy mạnh tiếp xúc bí mật với Liên Xô qua hai ngả Thailand và Paris, song hai bên chủ yếu thăm dò, tìm hiểu lẫn nhau. Đại sứ Liên Xô tại Paris A.E. Bogomolov, người có ít nhiều hiểu biết về Đông Dương báo cáo về Moscowý tưởng giải quyết vấn đề Đông Dương thông qua “cơ chế đồng minh giám hộ” - giành cho Đông Dương quyền độc lập dưới sự bảo hộ của Uỷ ban An ninh Quốc tế (gồm Mỹ, Anh, Liên Xô, Pháp và Trung Quốc), tuy nhiên, đề xuất này không phù hợp với I.V. Stalin - người coi thế cuộc châu Âu là mối quan tâm ưu tiên hàng đầu. I.V. Stalin không thể “đi nước cờ đòi độc lập cho Việt Nam để chuốc lấy nguy cơ phải hy sinh một số quyền lợi của Liên Xô trên đất Pháp”[31]. Do vậy, đến năm 1948, sự liên hệ của Việt Nam với Liên Xô tương đối lỏng lẻo. Khảo sát về ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Nam Á, Văn phòng Nghiên cứu tình báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận: “Âm mưu đạo diễn của Kremlin được tìm thấy trong hầu hết tất cả các nước, ngoại trừ Việt Nam[32]. Trong sự lựa chọn giữa hai nước: Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp và Indonesia đấu tranh chống lại Hà Lan, Liên Xô ngày càng thiên về ủng hộ Indonesia – sự lựa chọn khiến Liên Xô dễ dàng đảm bảo chính sách châu Âu, tránh đụng độ với Pháp.
Ít tháng trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Lưu Thiếu Kỳ có một vài chuyến đi bí mật tới Liên Xô. Tại cuộc hội đàm với Lưu Thiếu Kỳ (7-1949), I.V.Stalin nhiệt thành khuyến khích Trung Quốc có một vai trò lớn hơn trongthúc đẩy làn sóngcách mạng ởchâu Á và đồng ý để Trung Quốc giữ vai trò đầu tàu đối với cách mạng Phương Đông[33]. Trong khi đó, cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam đã có quan hệ khá chặt chẽ và đầu năm 1950, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc gồm 79 người do Vi Quốc Thanh đứng đầu được cử sang giúp Việt Nam chống Pháp. Các cố vấn Trung Quốc kiên trì quan điểm “nếu không thực hành giảm tô, giảm tức, phát động hơn nữa nhiệt tình của nông dân tham gia chiến đấu thì muốn kiên trì cuộc chiến tranh chống Pháp lâu dài đến thắng lợi cuối cùng là có khó khăn”[34]. Trung Quốc bắt đầu hối thúc các đồng chí Việt Nam thực thi cải cách ruộng đất ngay từ cuối năm 1949, khi Lưu Thiếu Kỳ gặp Hồ Chí Minh[35], song Hồ Chí Minh không đồng ý. Lưu Thiếu Kỳ đem thái độ của Hồ Chí Minh phản ánh với I.V.Stalin, “vì chuyện này, các lãnh đạo Trung Quốc, Liên Xô đã quy cho ông Hồ là kẻ cơ hội cánh hữu lạc hậu”[36]. Cùng với sự kiện Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, I.V.Stalin càng thêm thiếu tin tưởng ở cách mạng Việt Nam, nghi ngại Hồ Chí Minh không phải người cộng sản, mà là một nhà dân tộc chủ nghĩa. Đến tháng 1-1950, sau khi có thêm thông tin về Việt Nam, về Hồ Chí Minh, I.V.Stalin mới đồng ý để Hồ Chí Minh đến Moscow đầu năm 1950. Bức điện I.V.Stalin gửi cho Mao Trạch Đông ngày 6-1-1950 đã nói lên điều đó: "Tôi đã đọc những tài liệu về Việt Nam và đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng, đồng chí Hồ Chí Minh là một người cộng sản kiên trung, đang thực hiện tốt trọng trách của mình và rất xứng đáng được ủng hộ"[37]. Tuy nhiên, sự "bốc hơi" của cuốn tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng" (1950), một số vấn đề về thể thức ngoại giao đối với Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô và sự im lặng của I.V. Stalin trước đề nghị gặp mặt của Hồ Chí Minh (1952) là những chứng cứ thuyết phục về việc các nhà lãnh đạo Liên Xô "cần thêm bằng chứng về lòng trung thành của cá nhân Hồ Chí Minh"[38]. Là một người luôn ảm ảnh bởi quyền lực tuyệt đối, có tính cách đầy mâu thuẫn với sự đa nghi ngày càng lớn dần vào những năm cuối đời, I.V. Stalin không mấy ưa và luôn dè chừng với những gương mặt lãnh tụ tự tin, có chủ kiến. Không cần hỗ trợ từ bên ngoài, dựa vào thực lực, Hồ Chí Minh lãnh đạo thành công cuộc cách mạng ở một nơi xa xôi – đối với I.V. Stalin, đó là điều cần phải đối phó, phán quyết, hơn là ủng hộ.
Những phân tích trên đây có thể là chưa đầy đủ, song bước đầu luận giảicho những biểu hiện “bất thường” của lãnh đạo đất nước Xô viết đối với hai chuyến thăm của Hồ Chí Minh đến Liên Xô; đồng thời, soi chiếu, mở ra những góc nhìn, những cách tiếp cận thực tế đối với các mối quan hệ quốc tế xưa và nay của Việt Nam.


[1]Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2]Lưu Thiếu Kỳ là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được phân công theo dõi hoạt động và liên lạc trực tiếp với Đảng Cộng sản Đông Dương. Lưu Thiếu Kỳ đề nghị Mao Trạch Đông (lúc này đang ở Moscow thương thuyết về việc ký kết Hiệp ước liên minh tương trợ Trung – Xô) chuyển yêu cầu của Hồ Chí Minh đến I.V. Stalin.
[3]Pоссийский государственный архив социально-политической истории  (РГАСПИ), ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1.
[4]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1.
[5]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1.
[6]На приеме  у Сталина. Тетради (журналы) записей лиц, принятых И. В. Сталиным (1924-1953 гг)(Проект "Исторические Материалы"), М. Новый хроног­раф, 2008.
[7]Din là bí danh Hồ Chí Minh sử dụng trong thời gian thăm Moscow năm 1950. Trong bức thư, bí danh này được viết bằng tiếng Nga là “Дин”, dịch ra tiếng Việt có thể là Din, Đin, Dinh, Định. Tác giả lựa chọn từ “Din” theo cách phát âm tiếng Nga.
[8]I.V.Stalin có tất cả 4 biệt thựngoại ô-Kunxevo, Semenopxki, Lipki, Zubalovo. Sau cái chết của vợ vào năm 1932, Stalinhầu như không đến Lipki và Zubalovo. Nơi đó chủ yếu dành cho các nhà lãnh đạocác Đảng Cộng sản nhưMao Trạch Đông,Maurice Thorez, Walter Ulbricht, Hồ Chí Minh, Palmiro Togliatti, Harry Pollitt(Nguồn: И. Бенедиктов, А. Рыбин, Рядом со Сталиным,Изд. Алгоритм, 2010).
[9]DẫntheoИ.А.Конорева: “Тайные поездки дядюшки Хо”, Жур. Родина,№ 7, 2008, C.122.
[10]Конорева И.А: Тайные поездки дядюшки Хо, Указ. Соч, C. 123.
[11]Lý Kiện (biên soạn): Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr. 527.
[12]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 3-6.
[13]I.Mosetov và N.Timofeev cùng với Kazlov là những  lãnh đạo cấp cao của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được phân công tiếp đón, giúp đỡ Hồ Chí Minh trong thời gian ở Moscow.
[14]“Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г, Жур.Bестник архивиста, №2, 2010, C. 17.
[15]Trong cuộc gặp của Hồ Chí Minh với lãnh đạo Liên Xô, có một chi tiết thường được đề cập đến, song chủ yếu qua hồi ký: Cuối cuộc gặp, Hồ Chí Minh đề nghị I.V.Stalin và những nhà lãnh đạo Xô viết cùng đi cho xin cho xin chữ ký lên bìa cuốn tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng", song khi rời Liên Xô về nước, Hồ Chí Minh đã không thể tìm thấy cuốn tạp chí.
[16]“Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, C.17.
[17]“Письмо от Н. Тимофееваиз советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, C.17.
[18]“Письмо от Н. Тимофееваиз советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, C.17.
[19]“Письмо от Н. Тимофееваиз советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, C.17.
[20]РГАСПИ, ф, 17, оп.137, д. 425, л. 27.
[21]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 10-11.
[22]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 12.
[23]Приветствия XIXсъезду Коммунистической партии Советского Союза от зарубежных коммунистических и рабочих партий, М, 1952, С. 47-48.
[24]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 13-1.
[25]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 13-1.
[26]РГАСРИ, Ф.17, оп.3,д. 1080.л.55.
[27]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л.16.
[28]РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 17-18.
[29]Бухаркин И.ВКремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Жур.Новая и новейшая история, № 3, 1998, C. 29.
[30]И.А.Конорева:“Геополитические интересы СССР и США в Юго-Восточной Азии в контексте Первой индокитайской войны (середина 40-х – начало 50-х годов ХХ в)”, Жур. Ученые записки Курского государственного университета, №1, 2008, C. 99.
[31]Christopher E. Goscha:“Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Journal of Vietnamese StudiesBerkeley 11-2006.
[32]The Pentagon Papers Gravel Edition, Volume 1, Chapter I, "Background to the Crisis, 1940-50", pp. 1-52.
[33]Chen Jian: China's Road to the Korean War: The Making of the Sino-American Confrontation, New York, Columbia University Press, 1994, pp.74-75.
[34]Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb. Lịch sử Đảng Cộng sảnTrung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch), tr.143.
[35]Yinghong Cheng:“Not only Moscow: The Impact of the Chinese in Eastern Europe and North Vietnamese post-Stalin era”, Modern China Studies, USA, 2007, p.48.
[36]Yinghong Cheng: “Not only Moscow: The Impact of the Chinese in Eastern Europe and North Vietnamese post-Stalin era”, Ibid, p. 49.
[37]АВП РФ, ф.45, оп.1,д.334,л.16.
[38]И.А.Конорева: Тайные поездки дядюшки Хо, Указ. Соч, C. 123. 

Monday, 10 March 2014

"Xét lại lịch sử" như vậy để làm gì? (Cẩm Khê - Nhân Dân)


Bình luận - phê phán
"Xét lại lịch sử" như vậy để làm gì?
Thứ hai, 10/03/2014 - 10:32 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Xét lại lịch sử để rút ra bài học cho hiện tại, đó là một trong những biểu hiện của sự trưởng thành của ý thức dân tộc trong khi tự đánh giá về mình, để qua đó phát huy các giá trị tích cực, khắc phục các hạn chế.
Nhưng xét lại lịch sử để đề cao một số nhân vật, triều đại vốn không được khẳng định với ý nghĩa tích cực, thậm chí khơi dậy một số xu hướng tinh thần trong quá khứ để phủ nhận hiện tại là hiện tượng cần phải xem xét, bởi nếu không sẽ đưa tới sự ngộ nhận...
Hơn 60 năm về trước, trên khu đất cạnh đền Bà Kiệu (Hà Nội) có đặt tấm bia liên quan tới A. de Rhodes (Ðắc Lộ) - nhà truyền giáo người Pháp, đã được một số người xác định là "có công chế tác chữ Quốc ngữ". Về sau, tấm bia không còn và cũng không thấy ai nhắc tới. Vậy mà năm trước, tấm bia cùng "công ơn" của A. de Rhodes đã trở lại. Có người còn yêu cầu phải tạc tượng, đặt tên đường mang tên A. de Rhodes. Thậm chí có người coi tấm bia thất lạc là "do tư tưởng hẹp hòi không phù hợp với đạo đức của dân ta", và "vào thập niên 80 trên vị trí này đã dựng tượng đài Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh và người ta cũng quên luôn nhà bia đó"! Một số tác giả đã cố chứng minh, khẳng định "công lao" A. de Rhodes, nhưng hầu như không ai nhắc tới vai trò của những người đi trước ông này. Thí dụ, dù là tham khảo thì vẫn nên lưu ý mục từ A. de Rhodes trên Wikipedia cho biết vào năm 1961, trên nguyệt san MISSI của các linh mục dòng Tên người Pháp từng viết: "Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Ðắc Lộ khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai dòng Tên người Bồ Ðào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự la-tinh rồi", và A. de Rhodes cũng đã thừa nhận: "Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế... Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi". Nghĩa là trước A. de Rhodes đã có người phương Tây hiểu và nói được tiếng Việt.
Các nhà nghiên cứu có thể còn bàn thảo về việc chữ Quốc ngữ hình thành thế nào, phát triển ra sao,... nhưng dù vậy khó có thể bác bỏ điều nhà báo Phan Quang đã viết trong bài Quá trình hình thành chữ quốc ngữ: "Tuyệt đại bộ phận các nhà nghiên cứu phương Tây cũng như Việt Nam từ trước tới nay không ai quy công đầu cho một tác giả đơn nhất mà đều khẳng định chữ quốc ngữ là sáng tạo tập thể, mỗi người góp phần một ít; những vị đi trước mở đường, những người kế tiếp hoàn thiện, nâng cao. Hình thành chữ quốc ngữ là một quá trình. Hoàn thiện nó cũng là một quá trình chỉ có thể tạm ngừng chứ không kết thúc, vì nó là một cơ thể sống đang phát triển".
Thời gian gần đây việc "đánh giá lại" một số người vốn không được đề cao trong lịch sử đang được một số tác giả quan tâm như kết quả của "nhận thức mới"!? Ðề cập việc đánh giá một triều đại chỉ trong hơn thế kỷ từng xảy ra hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân, một nhà sử học đã cho rằng "chưa thỏa đáng, chưa khách quan" vì đó là "thời kỳ mà nền sử học Mác-xít đang hình thành nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức buổi đầu là không tránh khỏi". Ðánh giá như thế, phải chăng ông đã quên các câu nói lưu truyền hằng trăm năm nay về việc "mãi quốc, khi dân", "Vạn niên là Vạn niên nào",... mà các câu nói đó đâu phải là kết quả nghiên cứu của nền sử học "đang hình thành nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức"? Hơn nữa nói như vậy, chẳng lẽ mấy năm trước, một số nhà nghiên cứu chỉ dựa vào một cuốn sách không có tác giả, không rõ niên đại để khẳng định lai lịch một ngôi đền ở Hà Nội, hay một nhà sử học lên vô tuyến truyền hình nói như đinh đóng cột rằng: "Trần Hưng Ðạo là một trong tứ bất tử của văn hóa truyền thống Việt Nam"(!) cũng là kết quả nghiên cứu của nền sử học "đang hình thành"? Nhưng có lẽ nổi trội trong xu hướng "xét lại lịch sử" là việc một vài người sử dụng thủ pháp hiện đại hóa quá khứ để làm sống lại vấn đề "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", rồi khẳng định "vấn đề lãnh thổ, khôi phục lãnh thổ quốc gia, tức vấn đề độc lập, được coi như là một bộ phận cần thiết nhưng không phải là cứu cánh của chương trình dài hạn rộng lớn, cơ bản hơn nhiều"! Và lập tức có tác giả hùa theo, như năm 2010, PGS, TS PVC nói: "Tôi từng phát biểu ngay trong lễ trao giải Phan Chu Trinh: "Khẩu hiệu của chúng ta là "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh"; phương châm ấy thua xa các cụ ngày xưa đã chủ trương là "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Dân sinh là vấn đề cuối cùng, tuy rất quan trọng nhưng vẫn phải đặt khai dân trí, chấn dân khí lên hàng đầu, rồi hậu dân sinh sẽ đến như hệ quả tự nhiên. Còn dân giàu đâu phải là giá trị tự thân, nước mạnh cũng không phải là giá trị tự thân. Nếu lấy tiêu chí đó làm đầu thì ta suốt đời thua thiệt, chạy đuổi nước khác cũng không lại. Mà mạnh thì mạnh đến đâu, phải bằng Mỹ, Nhật, Pháp hay Trung Quốc? Mà mạnh làm gì? Không những thế, ta lại đặt những ba tiêu chí: công bằng, dân chủ, văn minh trên một mặt bằng xã hội là bất khả thi. Chúng ta cần phải tìm những giá trị cao nhất, nhưng giá trị ấy là gì, ở đâu?... Ðã đến lúc cần sắp xếp lại hệ giá trị, dân giàu nước mạnh là những phương tiện, nhưng không phải là mục đích"!
Ý kiến trên đây không phải là kết quả của suy nghĩ chín chắn, thấu đáo. "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" là hệ thống yếu tố được xác định là mục tiêu mà nước Việt Nam hiện tại cần vươn tới, còn "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" là các biện pháp Phan Châu Trinh đề ra ở đầu thế kỷ 20 với hy vọng qua đó có thể chấn hưng dân tộc. Với phương pháp khoa học và nhãn quan tỉnh táo, không ai so sánh mục tiêu cụ thể mà một xã hội xác định cần phấn đấu đạt tới với các biện pháp có tính cách là giả định của một xu hướng tinh thần. Là hệ thống yếu tố nên mục tiêu có tính đồng bộ, toàn diện, không xác định mục tiêu nào phải đạt trước, mục tiêu nào sẽ đạt sau. Còn biện pháp của Phan Châu Trinh, vì thấy chữ "hậu" của nó, PGS, TS mới đặt vấn đề việc gì làm trước, việc gì làm sau. Không phân biệt sự khác nhau nên vị PGS, TS đã đi xa hơn người khởi xướng, từ đó phủ nhận các mục tiêu mà cả dân tộc Việt Nam đang phấn đấu vươn tới. Nên PGS, TS mới không muốn "nước mạnh, dân giàu", vì theo ông "mạnh làm gì?", và ông coi "dân sinh là vấn đề cuối cùng... sẽ đến như hệ quả tự nhiên" của "dân trí, dân khí"! Nói cách khác, ông không quan tâm tới việc đồng bào có cơm ăn, áo mặc, được học hành hay không, ông coi có "dân trí, dân khí" là sẽ có tất cả! Thử hỏi với tinh thần duy thức luận duy tâm chủ quan như vậy, ông PGS, TS muốn đưa đất nước này đi đến đâu. Phải chăng theo ông Nhà nước không cần phải triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo, không cần phải hỗ trợ kinh tế cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,... chỉ cần "khai dân trí, chấn dân khí" là có cuộc sống ấm no?! Lịch sử nhân loại cho thấy từ xưa đến nay chưa có một đất nước, dân tộc nào bị cướp đoạt chủ quyền, bị nước ngoài đô hộ, lại có thể tự phát triển, giành lại độc lập qua việc "khai dân trí, chấn dân khí". Các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân đô hộ chỉ có thể phát triển sau khi tự mình đấu tranh giành độc lập hay được trao trả độc lập vào lúc chủ nghĩa thực dân đã không thể đương đầu với phong trào giải phóng dân tộc. Từ lịch sử của đất nước có thể nói "dân trí, dân khí" có vai trò rất quan trọng, và ngày nay, trước rất nhiều thách thức, trước sự tha hóa một số giá trị văn hóa, cần phải tiếp tục nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, nhưng không thể vì thế mà xao nhãng chăm lo phát triển đời sống mọi mặt của toàn xã hội. Mặt khác, trong một thế giới đã có rất nhiều thay đổi, việc Nhà nước chủ động kết hợp đồng bộ những biện pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hợp tác với các quốc gia, dân tộc khác cùng phát triển,... không chỉ là kết quả của quá trình tự ý thức, mà còn là một biểu thị cụ thể cho tư cách làm chủ một đất nước độc lập, có chủ quyền.
Xem xét lại quá khứ, đánh giá lại quá khứ là nhu cầu chính đáng của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, vì đó là một trong các yếu tố giúp con người và cộng đồng có suy nghĩ, hành động đúng đắn hơn trong hiện tại, tương lai. Tuy nhiên, việc một số người nhân danh "nhận thức mới" nhưng bỏ qua quan điểm lịch sử - cụ thể để đánh giá một số cá nhân và triều đại đã đưa tới sự hồ nghi về động cơ, mục đích thật sự của sự xem xét? Bởi không ngẫu nhiên gần đây, một blogger đã công bố entry Khi nghề xuyên tạc lịch sử lên ngôi để cảnh báo. Ðánh giá nghiêm túc về hiện tượng này là thái độ đối với quá khứ - thái độ khách quan, khoa học và công bằng.
CẨM KHÊ

Có phải là lỗi mo-rát không?



Nguyễn Như Ý (1999:1307) có mục từ ốp-ti-nan, cắt nghĩa là tối ưu, quy gốc là optinal, không biết của tiếng nào.
Đúng ra phải là ốp-ti-man, do tiếng Pháp là optimal (Lê Ngọc Trụ, 1993:671)

Sunday, 9 March 2014

"Văn chương mạng" và những dấu hỏi... (Việt Quang - Nhân Dân)

Bình luận - Phê phán
Từ sự xuất hiện một số tác phẩm văn chương trên internet và sự ra đời của khái niệm "văn học mạng", gần đây có một số ý kiến dự đoán rằng, "văn học mạng" sẽ là xu thế tất yếu của văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, từ diễn biến của các hiện tượng "văn học mạng" có thể thấy, cơ sở bảo đảm cho dự đoán ấy vẫn còn rất xa vời.
Ở Việt Nam, thành quả đầu tiên của "văn học mạng" mới chỉ dừng lại ở phạm vi lý luận, phê bình văn học. Internet đã góp phần kết nối môi trường học thuật trên thế giới với Việt Nam, và giúp các nhà phê bình, lý luận văn học có thể tiếp cận, tiếp nhận, trực tiếp đánh giá các trường phái, lý thuyết, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đang thịnh hành trên thế giới. Ðã qua thời kỳ các nhà phê bình, lý luận văn học Việt Nam phải trăn trở vì chỉ được tiếp nhận các lý thuyết nghiên cứu, phê bình một cách muộn mằn. Hiện tại, giới lý luận, phê bình đã có thể so sánh, có cái nhìn toàn diện hơn về lý luận, phê bình văn học của các nước khác, cũng như nhận định các khuynh hướng có thể ra đời của văn học nước nhà và thế giới ở tương lai gần. Khi chưa có điều kiện xuất bản, đã có một số công trình dịch thuật lý luận văn học được một số nhà nghiên cứu, phê bình đăng tải trên internet và giúp người yêu văn học tiếp xúc với tư liệu. Cũng từ đó, dường như không ít nhà phê bình văn học đã tìm được "công cụ" còn thiếu cho công việc của họ, đó là internet. Với một số người, internet là nơi họ đối thoại về phê bình văn học cũng như kiểm định suy nghĩ của mình với "người đọc lý tưởng" khác và "lý luận, phê bình văn học mạng" dường như đã bắt đầu định hình hướng đi? Tuy nhiên, không phải nhà phê bình nào cũng giữ được sự tỉnh táo và luôn ước muốn truy cầu các giá trị chân - thiện - mỹ. Vì có nhà phê bình viết tiểu luận như chỉ để khoe kiến thức, áp đặt những giá trị không thể có cho tác phẩm mà họ tiếp cận. Thậm chí để chứng minh cho lý thuyết, quan điểm mà mình theo đuổi, có người sẵn sàng xuyên tạc tác phẩm theo chiều hướng có lợi cho bài viết. Rồi tác giả khác lại sử dụng phê bình để tán dương tác phẩm phi giá trị nghệ thuật, phi giá trị đạo đức, thay vì lẽ ra cần giúp nghệ sĩ nào đó có xu hướng tinh thần mông lung, hoặc bị tha hóa, tìm đến với con đường đúng. Bằng cách mớm đặt suy nghĩ phù phiếm dưới cái vỏ hoa mỹ, cao đạo, hình như các "anh hùng bàn phím" này đang ngấm ngầm khiêu khích, kích động một số nhà văn, nhà thơ vốn chứa sẵn "cái tôi" ảo tưởng về tài năng của mình thành người quá khích, và gây nguy hiểm cho xã hội.
Có một điều là trong khi lý luận, phê bình văn học đã đặt được một số dấu ấn trên internet, thì sáng tác văn chương trên mạng vẫn cần thêm thời gian để khẳng định. Thực tế của sự tồn tại các tác phẩm được coi là văn chương trên mạng cho thấy dường như chỉ có "văn chương thị dân" (định nghĩa do một số nhà phê bình định danh cho sáng tác trên mạng) phục vụ nhu cầu giải trí và sự tò mò của một nhóm độc giả nhất định là vẫn "sống khỏe". Dù vậy, nhìn chung các tác phẩm này vẫn chưa có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với một số tác phẩm ngoại nhập. Như với truyện Ngôn tình chẳng hạn, một số trường hợp có vẻ là hấp dẫn người đọc thì vẫn không giấu được tình trạng rập khuôn, "mì ăn liền", chưa thấy tác giả có khả năng sáng tạo dồi dào. Trào lưu viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết như một tập "nhật ký mạng" lúc đầu được một số độc giả đón đợi, giờ đây như trở thành một "món ăn" khá nhàm chán. Ðáng tiếc là tác phẩm kiểu này vẫn ra đời, và càng ngày càng cho thấy tác giả viết như không cần sáng tạo, thiếu ngôn từ độc đáo, thiếu dụng công, và nổi lên là tình trạng "đạo văn" dưới các hình thức tinh vi.
Dẫu sao thì internet vẫn chưa phải là mảnh đất lành cho các sáng tác có đầu tư về mặt tư tưởng - nghệ thuật, nếu không nói nó còn tạo ra sự lười nhác, bất cẩn khi tác giả viết rồi trực tiếp đưa lên mạng mà không tự biên tập (chí ít về câu chữ), hay nhờ đồng nghiệp đọc giúp. Rất ít người viết lựa chọn internet như một phương tiện đưa sáng tác đến với độc giả; cho dù có tác giả quyết định sáng tác tiểu thuyết trên internet, và lựa chọn "ngôn ngữ mạng" là một trong các ngôn ngữ chính trong tiểu thuyết của mình. Trên một số website được cho là ủng hộ "văn học ngoại biên, văn chương xuyên biên giới" tình hình có vẻ sôi động hơn về số tác phẩm, tác giả gửi bài. Nhưng giá trị đích thực của các tác phẩm này vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ðã có không ít sáng tác thơ ca được người ta tán tụng là "ngoại biên" thực chất chỉ là một văn bản liên tục cách dòng với ý tứ thô thiển, lời lẽ tục tĩu nhằm xuyên tạc, bôi nhọ văn hóa và xã hội, tạo nên những hình tượng méo mó. Với định danh "ngoại biên", mục đích của họ như chỉ để lao vào một thế giới hư danh, với các lợi ích phù phiếm hoặc tư lợi chính trị, yêu sách cá nhân chứ không phải do nhu cầu vì sự sống của văn chương, như họ hô hào.
Vài năm gần đây, một số nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình như đang nhầm tưởng vì ngỡ internet là "thế giới lý tưởng" cho sáng tác. Về "văn chương mạng thuần túy", một nhà thơ định nghĩa đó là văn chương của "tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng. Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của internet, xử lý thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hy vọng hay thất vọng cũng trên mạng...". Ðịnh nghĩa này, suy cho cùng chỉ là một định nghĩa không tưởng, xét trên một số phương diện. Dẫu sinh động hoặc hấp dẫn đến thế nào thì internet vẫn không thể tách khỏi đời sống, không phải là một thế giới khác mà chúng ta quen gọi là "thế giới ảo", như trong các phim khoa học viễn tưởng, để phân biệt với cuộc sống thực. Trước sau với văn chương, internet vẫn chỉ là một phương tiện truyền thông hiện đại, một công cụ giao tiếp thông tin linh hoạt, nhanh nhạy giữa nhà văn và bạn đọc. Còn việc lựa chọn bảo vệ hoặc công khai danh tính có lẽ lại là một vấn đề khác chứ không chỉ là đặc trưng riêng của "văn học mạng".
Một nhầm lẫn khác mà một số người sáng tác văn chương trên mạng đang lầm tưởng là quá trình "đồng sáng tác" giữa người viết và bạn đọc, coi đó là sự triệt tiêu dần "cái tôi" của nhà văn để đem một tác phẩm văn chương mẫu mực đến với số đông. Người đưa ra định nghĩa này cho rằng, văn chương mạng khác văn chương chính thống ở chỗ nó luôn trong quá trình vận động dang dở. Hiểu như vậy, cũng là sản phẩm của cái nhìn có phần phiến diện. Không chỉ đến khi có internet, nhà văn mới có quá trình giao lưu với bạn đọc để "đi tìm nhân vật" cũng như "con đường" cho "đứa con tinh thần" của mình. Trên thực tế, quá trình giao lưu giữa nhà văn với độc giả đâu chỉ diễn ra khi có internet. Ian Fleming, cha đẻ bộ truyện trinh thám nổi tiếng về điệp viên James Bond từng thừa nhận: Ông đã có nhiều ý tưởng mới cho anh chàng có bí danh 007 này sau khi nhận được góp ý thư từ của những bạn đọc. Trước Fleming rất lâu, Tolstoy cũng đã từng đăng Anna Karenina thành truyện dài kỳ trên báo trước khi ấn bản tác phẩm nhưng kiên quyết không thay đổi số phận của nữ nhân vật chính bất chấp thư yêu cầu độc giả để dẫn đến kết cục bi thảm trong tiểu thuyết như chúng ta đã biết. Như vậy, trước sau dù độc giả có thể can thiệp một phần nào đó vào tác phẩm, tác giả vẫn là người duy nhất có quyền định đoạt số phận "đứa con tinh thần" của mình ra sao, bất chấp lời đăng đàn xin lỗi của họ đối với độc giả, trường hợp gần đây nhất là J.K.Rowling với bộ truyện Harry Potter nổi đình đám. Còn ý kiến khác cho rằng, nhà văn hòa mình vào với bạn đọc là tạo ra một hình thức văn học dân gian mới, thì hoàn toàn là nhận định phi thực tế, đi ngược với sự vận động của văn học. Thử hỏi ở Việt Nam, chúng ta đã thu được bao nhiêu giá trị đích thực từ sáng tác văn học dân gian sau vài nghìn năm so với số tác phẩm văn chương thành văn của thế kỷ 20, 21 cộng lại? Nhân nhắc tới văn học dân gian, bài học của các nhà văn thích sáng tác như vậy làm liên tưởng tới trường hợp người "đẽo cày giữa đường"!
INTERNET đã tạo thêm cơ hội để tác phẩm đến với người đọc một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian, mở rộng không gian trao đổi của nhà văn đối với xã hội. Nhưng điều quyết định vẫn là tài năng, là đạo đức nghề nghiệp, và yêu cầu sáng tác vẫn phải là: viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào và sau cùng vẫn phải hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Dù trên internet, thì tác phẩm chỉ được coi là tác phẩm văn chương khi đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về tư tưởng - nghệ thuật. Internet không thể biến bộ óc bất tài trở thành nhà văn, nhà lý luận, phê bình, hay biến các sản phẩm "phản văn chương" thành nghệ thuật. Có chăng là với internet, trong một số trường hợp, chỉ là liều thuốc an thần an ủi người hư danh, thích sống trong ảo vọng được cưng chiều, ca ngợi, bợ đỡ của những cá nhân có xu hướng tinh thần tương tự. Vì vậy trước khi nghĩ tới việc các trang web, diễn đàn có thể "nuôi sống" "nhà văn mạng" khiến họ yên tâm sáng tác, tạo ra một kênh sách điện tử, truyện điện tử cạnh tranh với thị trường sách in (xa hơn là viễn cảnh một mạng văn học thay thế hoàn toàn văn học chính thống!), các nhà phê bình, lý luận cũng như nhà văn, nhà thơ hãy cố gắng rèn luyện tài năng, đạo đức của mình và tạo ra mọi cơ hội có thể để nghệ thuật đích thực đến được với người đọc.
VIỆT QUANG

Saturday, 8 March 2014

Alexandre Dumas có xuyên tạc lịch sử không?



Ba chàng ngự lâm pháo thủ (Alexandre Dumas) là câu chuyện về d’Artagnan và ba người bạn ra sức phò trợ hoàng hậu Anne, chống lại hồng y Richelieu. Vua Louis 13, hoàng hậu Anne, hồng y Richelieu, quận công Burkingham... đều là những nhân vật lịch sử, nhưng câu chuyện ly kỳ liên quan đến họ là hoàn toàn bịa đặt. Không có việc hoàng hậu Anne tư thông trăng gió với quận công Burkingham, tể tướng nước Anh. Do đó chẳng ai phải nhọc công vượt biển sang Anh thu hồi chuỗi hạt kim cương làm gì. Chuỗi hạt đó cũng là do Alexandre Dumas tưởng tượng ra nốt, lấy cảm hứng từ một việc có thật liên quan tới hoàng hậu Marie Antoinette thời Louis XVI. Louis 13 được mệnh danh là Louis Công Chính (Louis le Juste), trong thì trấn áp được loạn đảng đại quý tộc, ngoài thì phá vỡ vòng vây của dòng họ Habsbourg, không phải một ông vua ngu ngơ, nhu nhược như Dumas vẽ ra.

Alexandre Dumas không chỉ tùy tiện với lịch sử. Tiểu thuyết Ba chàng ngự lâm pháo thủ còn xem nhẹ đạo đức, không chú trọng giáo dục lối sống lành mạnh cho người đọc. Hiệp sĩ d’Artagnan tư tình với Constance là gái đã có chồng, cưỡng dâm Milady de Winters, tiếp tay cho dâm phụ (hoàng hậu Anne) liên lạc với kẻ thù của quốc gia (quận công de Buckingham). Kiểu nhân vật ấy đời nào được quy hoạch vào chính diện trong dòng tiểu thuyết lịch sử nước ta. Vì thế ta chẳng bao giờ có nổi Ba chàng ngự lâm pháo thủ. Ta có thể có rất nhiều Việt Quang mà không có được một Alexandre Dumas.

Sáng tác về đề tài lịch sử không được xuyên tạc lịch sử! (Việt Quang - Nhân Dân


Bình luận - phê phán
Thứ năm, 06/03/2014 - 10:21 PM (GMT+7)

Sáng tác về đề tài lịch sử không phải là vấn đề mới mẻ của văn học Việt Nam. Nhìn lại chặng đường phát triển văn học có thể nhận thấy các nỗ lực của nhiều tác giả đem lại sức sống cho các tác phẩm viết về đề tài này. Nhưng gần đây, đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng đề tài này để xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử...
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sự đa dạng và phong phú của sự kiện - con người trong nhiều giai đoạn của lịch sử đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhà văn. Một số lối viết có tính thể nghiệm, một số thủ pháp mới đã được các tác giả vận dụng trong sáng tác, thái độ trân trọng lịch sử cũng thể hiện rất rõ trong một số tác phẩm qua nguồn tư liệu nhà văn dày công sưu tầm, tham khảo. Một số sáng tác được độc giả yêu mến, trân trọng, nhận được sự tán thưởng - ở mức độ khác nhau, của nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, nỗ lực thử nghiệm, cố gắng đổi mới không đồng nghĩa với hứa hẹn thành công, vì một số tiểu thuyết lịch sử có độ dày lớn, được viết công phu, nhưng như bị sa vào một lối viết mô phỏng, phục dựng, viết thêm từ tài liệu lịch sử có sẵn mà không tạo nét riêng, thiếu dấu ấn với tính cách là sáng tạo của tác giả. Nhân vật lịch sử trong các tác phẩm này chưa được tô đậm để trở thành điểm sáng, mà chỉ là cái bóng mờ nhạt.
Ngược lại một số nhà văn, vì quá mải mê sáng tạo nhân vật lịch sử mà bỏ qua tính hợp lý trong quan hệ giữa nhân vật và bối cảnh lịch sử, văn hóa. Như có tác giả "khoe" trong tiểu thuyết của mình có chuyện Lý Thường Kiệt... đồng tính và mối tình đồng giới với Vua Nhân Tông (!); rồi quan hệ tình ái phức tạp giữa Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ với Lê Thái Tông (!), cháu trai của Nguyễn Trãi có võ công thâm hậu (!)... "Phát hiện" đó liệu có gì khác "chuyện lá cải" mà một vài nhà báo vẫn soi mói, dựng lên quanh người nổi tiếng? Bởi người viết quên rằng một số chi tiết họ đưa vào tác phẩm vốn chỉ là giả thuyết do người nghiên cứu lịch sử hiện đại đặt ra, không có ý nghĩa là chỉ dấu cho sáng tác văn học. Sử dụng các giả thuyết đó một cách sống sượng chỉ làm cho câu chuyện, tình tiết trở nên phản cảm, không thuyết phục người đọc. Trong một số trường hợp, có lẽ vì mải mê mô tả, "vẽ thêm" chi tiết hiện đại cho nhân vật lịch sử nhằm "hoàn chỉnh" bức chân dung của danh nhân thời trước, mà vô tình nhà văn lại làm hỏng cả bức chân dung. Ðể rồi quảng cáo quá đà của giới xuất bản, truyền thông đã đưa người đọc đi từ háo hức đến... thất vọng!
Một xu hướng khác là tiểu thuyết, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử theo lối bình dân hóa. Nói thế nào thì tiểu thuyết võ hiệp, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử vẫn chỉ là sản phẩm giải trí của một bộ phận người đọc, nhưng được một vài nhà phê bình ca ngợi là khuynh hướng "ngoại biên" trong văn học Việt Nam. Mà khó có thể tin các nhà phê bình ấy lại không biết tại sao tiểu thuyết võ hiệp, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử ít được đánh giá cao, bởi tính giải trí của tác phẩm loại này thường lấn át các phương diện quan trọng khác của văn học như tính thẩm mỹ, tính giáo dục. Tất nhiên, không nên xem nhẹ tính giải trí của tác phẩm văn học trong xã hội hiện đại, và không nên phê phán nếu cuốn sách không chứa đựng yếu tố chệch hướng với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, không thể hiện một chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi, nhưng không thể tùy tiện ca ngợi, gán cho tác phẩm những giá trị mà bản thân không có, khiến người đọc có thể nhầm lẫn về năng lực cảm thụ thẩm mỹ. Nhưng không thể chấp nhận việc lợi dụng đặc trưng tưởng tượng, hư cấu trong văn chương để xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật. Có người trong số họ tự nhận mình "nhân danh những người khác, nhân danh tự do và quyền con người", nhưng thực chất những gì họ viết không khác gì dày xéo lên quá khứ, dày xéo lên công lao của những người đã hy sinh rồi than vãn đó là "oan hồn" họ "mắc nợ"!
Gần đây, một cây bút từng được biết tới với tư cách tác giả của một số truyện ngắn về đề tài chiến tranh kể trên blog cá nhân việc tiểu thuyết của mình vì sao bị cấm xuất bản tại Việt Nam, vì... "những vấn đề của cuộc sống và thời đại hiện tại đang được phản ánh mãnh liệt, da diết trong đó"! Tuy nhiên, đọc cuốn sách này lại thấy tràn ngập luận điệu xuyên tạc quá khứ, phóng đại lịch sử theo xu hướng tiêu cực. Liệu có thể coi là một con dân nước Việt khi tác giả này viết về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ như sau: "Khi xuống biển, năm mươi người mọc vẩy. Người dẫn đầu thì mọc sừng. Khi lên núi, năm mươi người mọc lông. Người dẫn đầu biến thành một con vượn. Con vượn hú khóc mỗi chiều tà. Và hai tay vuốt lấy vuốt để dọc bầu vú, dồn những giọt sữa trong vắt cho đàn con bú. Những người trên núi thì chệnh choạng đi về phía biển, còn những người dưới biển thì chệnh choạng đi về phía núi. Chẳng mấy khi gặp nhau vì hễ gặp thì họ lại đánh nhau. Cung nỏ và gậy gộc, ném đá, ném lao. Khi đánh nhau thì họ cười, sứt đầu mẻ trán thì khóc. Những xác chết rải rác. Người đi lượm xác khi thì là người có sừng, khi là con vượn. Ðôi khi, họ không nhận ra đâu là con của họ"?
Không chỉ viết về lịch sử một cách xuyên tạc, tác giả còn khiến sản phẩm của mình trở thành văn bản chứa đầy sự hằn học với thứ ngôn từ "bẩn", tục tĩu, trần trụi. Cũng cần nói rằng, trước đó, một nhà văn tham gia chương trình đầu tư sáng tác văn học về đề tài sử thi lại viết một tác phẩm mà không có nhà xuất bản nào nhận in, cuối cùng, cuốn sách ra đời ở nước ngoài! Bằng thủ pháp "cào bằng lịch sử", nhà văn này đã công khai đặt ngang hàng giá trị cao cả của những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ thời Lý Thường Kiệt đến nay với sự trả thù phi nghĩa của nhà Nguyễn, với hành động thảo khấu của các toán cướp. Chứng cứ là tác giả để nhân vật thổ phỉ ngang nhiên nói rằng: "Chúng mày vì nghèo khổ mà đi làm cách mạng. Chúng tao vì nghèo khổ mà đi ăn cướp. Thế là giống nhau"! Và lập tức một số kẻ lưu vong đã lợi dụng cuốn tiểu thuyết để tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam, suy diễn thành ý thức hệ lịch sử rằng... bản chất thuần túy, chân thật nhất của dân tộc là phỉ(?).
Bước vào thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, trước yêu cầu của sự phát triển, từ đòi hỏi của tiến trình văn học, các nhà văn được tạo điều kiện để khai thác mọi góc khuất của cuộc sống, từ quá khứ đến hiện tại, để tôn vinh các giá trị cao đẹp trong phẩm chất của con người Việt Nam, cũng như phê phán các yếu tố tiêu cực. Ðối với các tác phẩm về đề tài lịch sử, văn học Việt Nam đã có những thành công cần ghi nhận như các tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải),... Một số tác phẩm cho thấy người Việt Nam không bao giờ ngủ quên sau chiến thắng của các cuộc chiến tranh, mà nhìn thẳng vào sự thật để nhận thức khó khăn còn tồn tại, nhắc nhở phải biết vượt qua mọi nỗi đau số phận, khắc phục hạn chế, để phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, với đề tài lịch sử, nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật không có nghĩa là chìm đắm trong nỗi đau, không có nghĩa trượt ngã để đánh mất bản thân, tự cho mình quyền đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc. Cần lên án hơn là khi nhà văn bóp méo sự thật lịch sử, phóng đại sự thật lịch sử theo hướng tiêu cực, xây dựng nhân vật như là nạn nhân của lịch sử, lấy tác phẩm làm lý do "bảo vệ nạn nhân lịch sử" để chỉ trích nhà nước. Không phân biệt các giá trị cơ bản có tính nhân văn để phân biệt đúng - sai, không đủ độ lượng đánh giá quá khứ, người viết không thể tri ân với người mà họ thấy "còn mắc nợ". Và nếu "trả nợ" từ nhận thức lệch lạc, lợi dụng việc này để xuyên tạc sự thật thì sản phẩm họ làm ra chỉ phù hợp với mấy kẻ vong thân, vong bản không chịu chấp nhận thất bại, vẫn nuôi mối hận thù, vẫn cố tình thực hiện hành vi chống phá đất nước. Ðối với những người này, sự thật hay nghệ thuật đều vô nghĩa, mà văn chương chỉ để họ chuyển tải "thông điệp chính trị" hòng kích động, gây hấn, thù địch với dân tộc, đất nước. Họ nhằm nhà văn nào ở trong nước còn chưa vững bản lĩnh chính trị để tán dương, bảo trợ, làm cho nhà văn đó tự huyễn hoặc rồi làm ra loại sản phẩm có nội dung, nghệ thuật thấp kém, mà họ thừa biết giá trị đích thực của loại tác phẩm này đến mức độ nào. Cho nên, có điều gì đó không bình thường khi có nhà văn lại tỏ ra hãnh diện vì "có tác phẩm xuất bản ở nước ngoài" mà không biết nơi xuất bản sách của họ chỉ là cơ sở vô danh ở chính nước sở tại, mỗi năm in vài ba đầu sách mà vẫn ế ẩm. Với thứ mạo danh văn chương, giả danh lịch sử, dù có tự định vị là văn chương "ngoại biên" thì cũng chỉ là thủ đoạn né tránh tiếng đời chứ không phải là "xu thế tất yếu" của văn chương Việt Nam như họ khoe khoang, tâng bốc lẫn nhau trên RFA, RFI, hay vài ba website, diễn đàn của những kẻ đỡ đầu.
Sáng tác văn học về đề tài lịch sử là nguồn cảm hứng hấp dẫn song cũng là thách thức lớn đối với nhà văn. Ðặc biệt, khi sáng tác về đề tài lịch sử, nhà văn không chỉ phải có trách nhiệm với độc giả đương đại và tương lai, mà cần có trách nhiệm với quá khứ. Ðề tài lịch sử trong văn học không đòi hỏi người viết đi tìm sự chân xác như trong khoa học lịch sử, tuy nhiên lại đòi hỏi người viết phải là người yêu lịch sử, tôn trọng lịch sử, tự hào với những trang sử vẻ vang của dân tộc, biết chia sẻ với những trang sử bi thương khi đất nước bị kẻ thù xâm lược, chia rẽ, con người rơi vào hoàn cảnh bi thương, không được làm chủ số phận... Chỉ có như vậy diễn ngôn lịch sử trong sáng tác mới có thể tồn tại lâu bền trong người đọc.
VIỆT QUANG

Cuộc chiến Việt-Trung trong "Xe lên xe xuống" - tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương (Thụy Khê - RFI)


Cuộc chiến Việt-Trung trong "Xe lên xe xuống" - tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương

Bìa tiểu thuyết Xe lên xe xuống của Nguyễn Bình Phương
Bìa tiểu thuyết Xe lên xe xuống của Nguyễn Bình Phương
Người Việt

Thụy Khuê
Sự giáo dục chiến thắng chỉ tạo nên những thánh nhân nhưng "không một bà mẹ nào muốn con là thánh". Hệ thống mây ngũ sắc chụp lên toàn lãnh thổ khiến con người không thể thoát khỏi vòng phong toả để tìm đến một chân trời khác. Thế hệ thanh niên ngụp lặn trong vùng đất thánh, gây tội ác, bị rình rập, rượt bắt, chạy lên đỉnh, bị sập lưới. Họ chưa từng ý thức được thế nào là tội ác, trước khi lìa đời.

Trong tiểu thuyết Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương kể chuyện một đứa nhỏ mỗi lần nghe thấy tiếng rao của ông thiến lợn là nó hoảng sợ, hai chân chụm lại giấu chim, nhắm mắt tự hỏi:ai là người đẻ ra những ông thiến lợn? Một giọng ôn tồn bảo: khi người ta tìm ra mẹ của kẻ thù thì kẻ thù mất sức mạnh. Câu nói bí ẩn, dĩ nhiên thằng nhỏ chẳng hiểu gì, bởi đó là bí quyết tồn tại của nhà văn trong một xã hội niêm phong: muốn yên thân thì chớ có loay hoay điều tra ai làmẹ của những ông thiến lợn. Tìm đến cội rễ của ung thư, đào mả các đại trùng hiển nhiên là hiểm nguy có thể kề tính mệnh. 
Tiểu thuyết Xe lên xe xuống của Nguyễn Bình Phương (do Diễn Đàn Thế Kỷ phát hành, địa chỉ:diendantheky.net) dẫn ta vào cái xã hội niêm phong đó, đường đi hiểm trở như đường vào hang Văn Dú, nhưng Thế Lữ có hai người Thổ dẫn đường. Lối vào tác phẩm mới nhất của Bình Phương cũng kỳ quặc huyễn hoặc trong trận đồ bát quái, là một thử thách cho những kẻ mạo hiểm, dù lọt được vào vẫn có khả năng bị tẩu hoả nhập ma bởi những phù phép yểm trong chữ nghĩa, để ám kẻ nào tìm ra rường mối của chiến tranh, rường mối của bạo lực, rường mối của một xã hội mà con người đã bị thiến tư tưởng. 
Xe lên xe xuống là một cạm bẫy kiểu Vàng và Máu như thế trên mạn ngược, ở Việt Bắc, biên giới Việt-Hoa.
Chìa khoá mở vào không gian niêm phong này nằm trong mấy trang đầu, nếu tìm thấy mã số của chữ nghiã, bạn có thể đi suốt tác phẩm, bởi Bình Phương là một đạo diễn rất hiện đại (hoặc nói theo thời thượng: rất hậu hiện đại), cho máy quay hai kịch bản song song rồi chiếu cùng một lúc lên màn ảnh. Nội dung hai kịch bản này cũng lại bị cắt thành từng khúc, những mẩu đời đứt đoạn, những suy tư chặt đôi, đảo lộn trật tự, chắp lại thành một chuỗi liên tục những sự kiện không liên tục, hệt như con đường mòn nổi tiếng ở miền Trung đã bị bom đạn phá tan nát, được đắp bằng những mảnh xác không tên, và nó tồn tại như một lịch sử vĩ đại anh hùng. Bình Phương dẫn ta vào những trang sử anh hùng ấy, nhưng không đi xe ca máy lạnh trên đại lộ như du khách ngoại quốc, Việt kiều, mà đi chân đất xuống địa đạo, xuyên vào lớp xi măng và các chất liệu đã được nghiền nát trộn trạo để làm đường, xem trong có gì. Sau một chuyến đi như vậy, không ai có thể toàn vẹn.

Sự thực là hai chuyến đi, được kể bằng hai thoại của hai anh em đã chết. Thoại một, của người em, chia làm hai trường đoạn: phần in nghiêng, xẩy ra sau khi chết. Phần in đứng, xẩy ra trước khi chết. Thoại hai, của người anh, sau trận Tám Tư,bị điên và chết thuật lại cho em về các trận đánh trong nhật ký. Hai thoại cũng là hai chuyến đi: một về tương lai và một về quá khứ, cùng phát xuất ở đỉnh Tà Vần, mồ chôn hai anh em và cũng là mộ phần của tất cả những đỉnh cao loài người, bởi đỉnh đi cùng với vực như Mai Thảo đã kinh qua trong bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời.

Tiểu thuyết bắt đầu bằng những dòng in nghiêng, trên chiếc xe gồm có một phụ nữ tên Trang,một người lái xe và "đám người mặt lạnh đanh". Đám mặt lạnh đanh này chính xác có ba: một người cầm bộ đàm, một người cao lớn và một người thấp bé; lái xe chính xác là phó công an tỉnh. Đó là những kẻ thực thụ hiện diện, những kẻ đang sống, đang cầm cân "công lý".

Trong xe còn chở một thế giới thứ nhì, thế giới những người đã chết, đại diện là kẻ xưng mình(sau sẽ biết tên là Hiếu), là người kể chuyện, là bồ của Trang, hắn có người anh là lính đánh nhau với Tàu trong hai trận Bẩy Chín, Tám Tư, chết vì điên loạn. Câu chuyện hắn kể rút trong nhật ký của người anh.

Nguyễn Bình Phương nén các dữ kiện trong một số chữ tối thiểu giống như cái máy ép rác: nếu ta bỏ vào đó lổn nhổn tất cả rác rưởi cuộc đời thải ra hàng ngày, nó chỉ ép một phút là dẹp cứng thành vài mi-li-mét. Vậy chỉ cần đọc vài dòng Xe lên xe xuống thì mọi sự sẽ được bình phươnglên thành vài chục trang tiểu thuyết.

Lời kể của mình nhân vật chính trong truyện, đi cùng với lời kể của anh, anh ruột mình và lời nhiều nhân vật khác: như lời cậu, cậu ruột của mình; lời hắn, bạn học cũ và guide dẫn mìnhđến Tà Vần, lãnh địa bí mật, cạm bẫy cuộc chiến Bẩy Chín của ta với khựa (Tàu) và cũng là hãm địa con người trong thời điểm cú vọ hôm nay... Lối viết này, thuật ngữ phê bình gọi là đa âm.

Lời của những kẻ không tên cất lên về những nhân vật thần kỳ của các đội ngũ anh hùng, thổ phỉ; về những cuộc săn (người) đêm trên đỉnh Lũng Tẩu; về những vụ bán cao bành trướng ăn vào người phình lên như quả bóng; về vụ bà phó chủ tịch huyện anh hùng Tám Tư ăn thịt người chết để mong trẻ mãi; về hai cuộc chiến Bẩy Chín, Tám Tư giữa hai nước anh em hữu nghị -nuốt chửng không biết bao nhiêu nhân mạng- đã bị lịch sử chôn sống, không ma chay, không bát âm, không điếu văn, không giỗ chạp.

Những kẻ không tên được chỉ định bằng những: mình, anh, cậu, chú, hắn... (riêng mình, nếu để ý lắm, mới nghe thấy có người gọi là Hiếu) bên cạnh mấy người có tên như Trang, Thu, Hằng, Vân Ly, ... tạo ra một thế giới mà người nữ hình như có chút ưu đãi, nghiã là có tên; họ có chút địa vị cá nhân hơn người nam chăng? Chưa chắc, bởi những người có tên như bọn thằng Quých, thằng Hiệp, thằng Thuỷ... cũng chỉ là bọn tép riu, tòng phạm, hoặc chết lãng nhách như thằng Quých, hoặc chết oan như Vân Ly. Tóm lại đàn bà con gái trong cái xã hội này cũng chỉ là cây kiểng, tên để trưng; thực sự nữ cũng như nam, không ai có một địa vị cá nhân nào.

Sự các nhân vật không có tên, có phải là do trường phái tiểu thuyết mới của Alain Robbe-Grillet chăng? Tôi đồ rằng không. Ở đây không hề có cái lo lắng cách tân cách điệu, trường môn, trường phái gì cả, mà chỉ là để thể hiện một xã hội tập thể, con người đã mất hết danh vị cá nhân, đã thuần thục trong đời sống đội ngũ như: đội ngũ nhà văn, đội ngũ giáo sư, đội ngũ thổ phỉ, đội ngũ bác sĩ, đội ngũ công an, đội ngũ ma tuý, đội ngũ buôn lậu,... tất cả đều đã được phân loại rõ ràng. Tính chất binh bị thấm vào ngôn ngữ, phản ánh toàn bộ tổ chức xã hội mà chiến tranh là lẽ sống, mà cá nhân con người đã trở thành phi danh tánh, như con giun con dế, một mặt nó giúp cho những anh, những mình, những hắn kia, khó bị lộ diện trong những trận phục kích hay buôn lậu; một mặt, nó giúp cho đám người có phận sự rượt bắt họ không bị lộ danh tánh hình tích. Xã hội, trở thành nặc danh, thả dàn cho những tội ác, ở cả bên này và bên kia công lý.

Với bút pháp trinh thám đầy mật mã, tác giả thám hiểm nhiều cuộc đời, nhiều lớp thời gian, trùng lấp, chồng chất lên nhau, vẽ nên nhiều chân dung độc đáo trong cảnh kháng chiến đánh phỉ, cảnh chiến tranh Bẩy Chín-Tám Tư, cảnh làm tình, cảnh thanh toán, buôn lậu, ma tuý, cảnh lùng bắt, cú vọ... Nhiều mặt trận, nhiều thực tại được giấu sâu trong lòng đất, ở những địa đạo, dưới những nấm mồ, không ai dám nhắc đến trong "sử sách" vì tính chất "tiêu cực" của nó. Qua những mật mã, chúng đội mồ hiện lên như những bóng ma người người lớp lớp lũ lượt chồng chéo lên nhau như một định mệnh, một nhân quả về tội ác, không phân biệt ranh giới âm dương.

Tác phẩm là thiên điều tra về tội ác và trừng phạt, tìm đến mẹ của bạo lực để giải mã tại sao dân tộc ta đạt "kết quả" như ngày nay: Bạo lực cổ đại từ thời Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu (tháng 1/1075), sắp đầu người thành đống, mỗi đống 100 đầu, cả thảy 580 đống. Bạo lực trung đại với Tây Sơn-Nguyễn Ánh. Bạo lực kháng chiến với Thổ Phỉ-Cách Mạng. Bạo lực hiện đại với Bẩy Chín-Tám Tư. Bạo lực hậu hiện đại với Ma Tuý-Buôn lậu-Sex, trong một xã hội tập thể, mà mỗi người đều có ám vọng muốn nhìn xem bên trong của kẻ khác chứa những gì.

 Bạo lực nguyên thuỷ được trình bầy qua động tác chặt; dụng cụ thớt; sản phẩm đầu người.
"Phỉ nó chặt...
Mình nghĩ nếu xét thuần về mặt hành động thì phỉ là loại chạm tới cái cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của con người. Vì phỉ hay dùng hình thức chặt, thứ hình thức mang lại khoái cảm và uy quyền. Phỉ chặt đầu, chặt tay, chặt chân, chặt ngang người. Các loài khác không biết chặt, chỉ cắn, xé, móc. Giết một con gà mà không vang lên tiếng chặt nào thì chỉ là giết một con giun. Vào quán thịt chó mà không nghe tiếng chặt côm cốp thì dứt khoát chỉ có cảm giác ăn đậu phụ. Tiếng chặt tạo ra sự hưng phấn ghê ghớm. Dọc theo lịch sử dằng dặc của đường biên này luôn luôn là những tiếng băm chặt nhau chí chát. Khi triệt hạ thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt đã cho chặt đầu tất cả những kẻ trong thành rồi xếp thành năm trăm tám mươi đống, mỗi đống một trăm cái đầu. Tiếng chặt đầu côm cốp của Thái uý vẫn còn làm cho họ run rẩy, đau đớn đến tận bây giờ. Năm một tám tám sáu, khi phái đoàn phân định biên giới Hoa-Pháp bắt tay vào việc, toàn bộ gia quyến của viên quan được triều đình Nguyễn bổ nhiệm để cai quản và thu thuế vùng Bạch Long đã bị phỉ giết chết, hàng chục sinh mạng, không phân biệt trẻ con, người già, đều bị chặt nhỏ (...) Phỉ đặt người ta lên phiến đá và nhẩn nha chặt như chặt thịt lợn. Có người bị chặt đứt phăng hai tay, hai chân mà vẫn còn sống, mồm miệng loe máu kêu gào. Mình nhớ không nhầm thì chùa Trăm tháp ở Bình Định còn giữ lại tảng đá lớn mà Nguyễn Ánh dùng làm thớt chặt hàng nghìn người thuộc phe Tây Sơn thất trận. Tất nhiên, Nguyễn Ánh làm thế vì trước đó ông ta đã chứng kiến tận mắt cảnh bố mình bị anh em nhà Tậy Sơn chặt đôi người".

Có lần Trùm phỉ Chu Chồ Sền bảo Chu Văn Tấn: "Chúng mày vì nghèo khổ mà đi làm cách mạng. Chúng tao vì nghèo khổ mà đi ăn cướp. Thế là giống nhau".
Ông ngoại của mình cũng là trùm phỉ. Vậy Phỉ là người Việt nguyên thủy nhất, thành thật nhất, có gì nói thẳng, chưa hề biết giữ mồm giữ miệng, chưa hề biết các sự nhạy cảm, chưa hề biết phân biệt tiêu cực và tích cực.

Văn hoá chặt nằm trong văn hoá ẩm thực của ta từ thời nào, những nhà nghiên cứu nên chú ý khai quật, có điều chắc chắn đó là văn hoá phỉ, là cỗi rễ Việt được phỉ giữ lại và bảo tồn đến chết. Đó cũng là yếu tố đặc thù của dân Việt (ta học được của Tàu rồi Việt hoá đi như tất cả những thứ khác) bởi vì cơm Tây, cơm Mỹ chẳng có món nào chặt như món gà luộc hay thịt chó của người mình.

Khi Lỗ Tấn nói người Trung Hoa ăn thịt người, thiên hạ đã rần rần phản đối, có thể vì cái vụ đó mà Lỗ Tấn một dạo cũng bị đem vào tủ lạnh, may nhờ lý lịch A.Q xuất thân bần cố, đã cứu và đưa Lỗ trở lại văn đàn như một chiến sĩ vô sản trăm phần trăm.

Nguyễn sinh sau đẻ muộn mà lại có mòi thâm thúy hơn Lỗ: không ăn nói hồ đồ, vô bằng chứng, mà lấy ngón trỏ chỉ thẳng vào mâm cơm bảo đấy cái dân tộc tính của mình đấy: rặt các món chém chặt. Đố ai chối được.
Từ nguồn văn hóa chém chặt, sinh ra bọn trẻ ngày nay, không chặt mà đốt như Trang, Quých, Hiệp ... Và mình bề ngoài có vẻ hiền lành, bên trong hồn nhiên là trùm phỉ hậu hiện đại.

Nếu bạo lực cổ điển có danh nghiã tốt đẹp bảo vệ xứ sở, thống nhất đất nước, những chân lý tuyệt đối không ai cãi được, thì bây giờ bọn trẻ không thèm đếm xỉa đến những khẩu hiệu lẩm cẩm quá đát ấy nữa, bạo lực hậu hiện đại coi việc đốt người như chuyện vặt, như uống coca, như làm tình, và dường như họ cũng không ý thức được tay mình có máu, bởi có chém chặt gì đâu, chỉ cần bình xăng và một que diêm là xong trong nháy mắt, tay không bẩn, quần áo vẫn lượt là láng coóng.

Hai chuyến đi song song diễn ra trước mắt người đọc, như hai cuộc vận chuyển thời gian ngược chiều, như hai thời đại gặp nhau ở đỉnh Tà Vần, trong cùng một huyệt tại vùng địa đầu biên giới có cái tên huyền thoại Việt Bắc.
Bọn trẻ đã hiểu: làm gì có lý tưởng, làm gì có tình hữu nghị anh em, cậu ơi, làm chó gì có sự tử tế giữa hai quốc gia, toàn thổ phỉ cả, mà trần trụi chỉ là chém và chặt, là ác giả ác báo, là hận thù xuyên nòi giống, là sự rình rập, giam hãm, giăng bẫy, báo thù. Từ một quá khứ hiển vinh như thế làm gì chúng không can trường phóng xe vào ma tuý, sex và tội ác. Từ đời cha đến đời con, tất cả đều đã nhập tiệc thịt người, bà phó chủ tịch xã nói: nếu ăn thịt người chết thì sẽ trẻ mải mãi. Bà là vị nữ anh hùng trong cuộc chiến với khựa.

Những đám mây ngũ sắc giống chiếc nơm úp thẳng xuống bí mật phong toả, càng làm nặng ký chính sách niêm phong, cấm địa, chôn vùi lịch sử, dìm tội ác xuống vùng sâu, để tạo một huyền thoại anh hùng không bao giờ hiện hữu.

Trong suốt cuộc hành hương của mình, Hiếu luôn luôn tìm cách chụp hình những đám mây với ảo giác chụp được nội dung và hình thức sự phong toả con người.
Trong suốt hành trình ngược chiều quá khứ và phóng về tương lai, Hiếu gặp toàn một loạt cỏ cây, đồi núi, con người, đã bị các vết chém chặt bằm nát.

Núi Bạc tốn máu như núi Đất. Pháo của họ đã nã nát nhừ ngọn núi không lấy gì làm cao ấy, đào xới tung nó lên đến cả nửa ngày trời, sau đó mới cho bộ binh dùng súng phun lửa và hơi cay lao lên. Núi bạc không có những trận giáp lá cà kinh hoàng đến mức những ai còn sống sót sau trận ấy, dù ta hay họ đều hoá điên như ở Núi Đất, nhưng lại đầy rẫy những huyền thoại về các linh hồn.
Sông ngòi cũng một mầu: Sông Nho Quế lại đỏ, sông Bằng đỏ máu... Từ anh hùng đến thổ phỉ, từ ta đến Tàu, ở hai bờ sông chia ranh, cùng một tiếng gọi đòi thủ cấp.

Cách đây hơn 20 năm, Bảo Ninh mô tả chiến tranh như một bộ máy nghiền nát tất cả, trừ tình yêu.
Nguyễn Bình Phương tiến thêm một bậc: chiến tranh nghiền nát cả tình yêu chỉ để lại tội ác, không cho con người một hy vọng nào. Bình Phương chiếu ống kính vào tội ác của một dân tộc được giáo huấn thường trực trong các bài học chiến thắng và anh hùng, mà bản chất sâu xa chỉ là thổ phỉ. Chiếu vào hậu quả của các chiến thắng từ thời Lý, thời Tây Sơn-Gia Long, đến thời Cách Mạng-Thổ Phỉ, cuộc chiến Việt-Trung... Văn hoá chặt đã thấm vào máu, nằm trong mâm cơm: dân ta mải chặt mà quên sống. Vùng đất biên giới anh hùng nằm trên những xác người, chỉ tạo nên những hệ gia đình thui chột như gia đình Hiếu: Ông ngoại trùm phỉ bị chặt đầu; mẹ buôn lậu vào tù; chú ngớ ngẩn; anh chiến sĩ đánh Tàu, chết vì điên, bị chuột gặm mắt và hai cánh mũi; em trùm phỉ hiện đại, bị phục kích chết ở đỉnh Tà Vần...

Sự giáo dục chiến thắng chỉ tạo nên những thánh, nhưng "không một bà mẹ nào muốn con là thánh".Nền tảng đầu tiên của con người là gia đình đã bị hủy diệt. Hệ thống mây ngũ sắc chụp lên toàn lãnh thổ, khiến con người không thoát ra được vòng phong toả để tìm đến một chân trời mới. Thế hệ thanh niên, ngụp lặn trong vùng đất thánh, gây tội ác, bị rình rập, chạy lên đỉnh, bị sập lưới, đẩy xuống vực sâu. Họ chưa từng ý thức được thế nào là tội ác, trước khi lìa đời.