Thursday 29 August 2013

Duyên nợ của Bác với báo chí (Hồ Chí Minh - Tuổi Trẻ)


Duyên nợ của Bác với báo chí (*)

20/06/2007 19:38 (GMT + 7)
Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân. Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ... nên có đặc điểm của nó...

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở chiến khu Việt Bắc
Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hòa bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã cố gắng làm việc. Gần đây, sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương, các đồng chí đã thấy rõ công việc báo chí là rất quan trọng, và đã thấy được những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Như thế là tiến bộ.
Bệnh dùng chữ
Ưu điểm của các cô, các chú không ít. Nhưng khuyết điểm thì còn nhiều. Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị được chắc chắn. Nói về văn nghệ, Bác thú thật có ít thì giờ xem các bài văn nghệ. Có lẽ vì thế mà có lúc xem đến thì thấy cách viết thường ba hoa, dây cà, dây muống; và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy.
Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài. Cái bệnh dùng chữ, là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái ngược lại báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: những chữ kinh tế, chính trị... thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ “độc lập”. Nếu “Việt Nam độc lập” mà nói “Việt Nam đứng một” thì không thể nghe được.
Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: vì sao không nói “đường to” mà lại nói “đại lộ”, không nói “người bắn giỏi” mà lại nói “xạ thủ”, không nói “hát múa” mà lại nói “ca vũ”?... Những ví dụ như vậy nhiều lắm, nhiều lắm. Các báo Nhân dân, Thời mới, Quân đội nhân dân... đều dùng chữ nhiều lắm.
Tóm lại chúng ta dùng chữ nhiều quá, có khi lại còn dùng sai nữa. Mong rằng báo chí cố gắng sửa đổi cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi.
Khoa học ngày càng phát triển, có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta phải mượn. Ví dụ: ta phải nói “kilô”, vì nếu nói chữ “cân”, thì không đúng nghĩa là 1.000 gram. Song những chữ dùng tiếng ta cũng đúng nghĩa thì cứ dùng tiếng ta hơn. Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nói xấu hổ thế nào ấy! Họ làm cho các cháu học sinh cũng bị lây bệnh nói chữ, như “phụ đạo”, “giáo cụ trực quan”... Thật là tai hại!
Nghề báo - khó như mọi nghề khác
Mấy khuyết điểm nữa: Sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương về báo chí, có một số đồng chí tiến bộ, những cũng có một số vì trình độ văn hóa chính trị còn kém thì đâm ra bi quan và muốn đổi làm nghề khác. Họ không biết rằng nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có ý chí tự lập, tự cường, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt được khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn. “Không có việc gì khó, có chí thì làm nên”. Câu nói đó rất đúng.
Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bất kì việc gì mà mình là tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang. Trong các anh hùng, chiến sĩ lao động có người là công nhân, là nông dân, có người làm thầy thuốc, có người đánh giặc giỏi… và có người dọn cầu xia cũng trở thành chiến sĩ. Tóm lại, trong lao động không có nghề gì là hèn, chỉ có lười biếng mới là hèn. Làm tròn nhiệm vụ thì công tác nào cũng vẻ vang.
Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội nhà báo mới làm tròn nhiêm vụ của mình, và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng.
Viết báo - là viết cho nhân dân
Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai?
Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy đúng không. Ví dụ: Các báo Pháp như báo Figaro, báo Nước Pháp buổi chiều... một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp. Mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư bản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền... Tất cả báo chí ấy đều phục vụ lợi ích cho giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không? Không! Ví dụ  báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó khăn về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu...
Báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, vv.) phải cólập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.
Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.
Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ... nên có đặc điểm của nó. Về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán.
Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập tốt chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công.
Trong nghề báo ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài.
…Trên đây nói nhiều về người viết báo. Nhưng trong nghề làm báo còn có nhiều ngành khác, như ngành in mà các cô, các chú thích nói chữ gọi là ngành "ấn loát" cũng rất quan trọng. Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu dấu, thiếu nét, hoặc in lờ mờ không rõ. Người viết bài thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là "ngư dân", rồi người đi in lại in thiếu dấu ở chữ u, hóa ra "ngu dân". Đấy chỉ là một ví dụ để thấy rằng việc in cũng phải làm cho tốt.
Việc phát hành cũng rất quan trọng. Phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem. Giá tiền báo cũng cần phải đúng mức. Trong công tác, người viết, người in, người sửa bài, người phát hành... đều phải khớp với nhau.
Bác học viết báo
Có đồng chí hỏi kinh nghiệm làm báo của Bác. Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam. Còn học thì một là học trong đời sống của mình, hai là học ở giai cấp công nhân.
Lúc ở Paris, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu được. Một đồng chí công nhân ở tòa báo Đời sống thợ thuyền (La vie ouvrière) cho Bác biết báo ấy có mục "tin tức vắn", mỗi tin chỉ năm ba dòng thôi, bà bảo Bác có tin tức gì, thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn. Mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng. Mỗi lần đều đem tin đã đăng trên báo so sanh với bài mình đã viết, xem sai chỗ nào. Về sau đồng chí ấy bảo Bác cố viết dài thêm vài dòng nữa, rồi lại vài dòng nữa... Cứ thế kéo dài đến 15, 20 dòng rồi đến cả một cột dài. Lúc đó đồng chí ấy lại bảo: "Thôi, bây giờ phải rút viết ngắn lại, cũng những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn".
Các báo đăng bài của mình đều là báo phái "tả", đều nghèo, không trả cho mình đồng tiền nào. Mình ngày thì đi làm, tối đi mít tinh, tuy khá vất vả, nhưng vẫn cố gắng viết để nêu tội ác của bọn thực dân.
Khi đã biết viết báo, mình lại muốn viết tiểu thuyết. Nhưng lại e rằng biết chữ Tây võ vẽ như mình thì viết tiểu thuyết sao được. Tình cờ đọc một truyện ngắn của L. Tônxtôi thấy viết một cách rất giản dị, dễ hiểu, thì cho rằng mình cũng viết được. Từ đó mình bắt đầu viết truyện ngắn.
Lúc đó mình sống ở khu phố công nhân nghèo, hiểu rõ đời sống của họ, mình cứ viết những điều mắt thấy tai nghe. Viết xong đưa đến Nhân đạo và nói với đồng chí phụ trách về văn nghệ: "Đây là lần đầu tiên tôi thử viết truyện ngắn, nhờ đồng chí xem và sửa lại cho". Đồng chí ấy xem xong rồi bảo: "Được lắm, chỉ cần sửa lại một vài chỗ thôi". Cách mấy hôm sau, thấy mấy truyện ngắn của mình được đăng báo  thì sướng lắm. Sướng hơn nữa là nhà báo trả cho 50 phờrăng tiền viết bài. Chà! Lần đầu tiên được trả tiền viết báo! Với 50 phờrăng có thể sống 25 ngày không phải đi làm, tha hồ tham gia mít tinh, tha hồ viết báo, tha hồ đi xem sách....
Kinh nghiệm học viết báo của Bác là như thế.
Bác làm chủ bút
Có một thời gian mình làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo của tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Các đồng chí thuộc địa Á - Phi viết bài và quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết. Cách bán báo; bán cho anh em công nhân Việt Nam, họ không biết chữ Pháp nhưng họ vẫn mua vì họ biết báo này chửi Tây, mua rồi họ nhờ anh em công nhân Pháp đọc cho họ nghe.
Một cách nữa là: ở Paris có những chỗ bán báo lấy hoa hồng. Là đồng chí với nhau cả, các anh chị ấy bán hộ cho mình mà không lấy hoa hồng, và họ bán được khá nhiều. Vì các số báo Le Paria vừa ra đều "được" Bộ Thuộc địa Pháp mua gần hết. Còn báo gửi đi các thuộc địa thì mấy chuyến đều bị tịch thu và người đưa báo thì bị bắt bỏ tù. Về sau, anh em thủy thủ Pháp bí mật chuyển hộ, thì không xảy ra việt gì. Nhưng rồi bọn thực dân cũng dò ra. Sau cùng phải dùng đồng hồ có chuông mà gửi. Cách gửi như vậy đắt lắm, nhưng báo đều đến được các thuộc địa.
Cách thứ tư: trong những cuộc mít tinh, mình đưa báo ra phát, rồi nói: "Báo này nói cho các đồng chí biết bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo này để biếu thôi, nhưng đồng chí nào có lòng giúp cho báo, thì chúng tôi cảm ơn". Kết quả là: nếu đem bán thì 100 tờ báo được 5 phờrăng, nhưng "biếu không" thì có khi được tới 10, 15 phờrăng. Vì anh em công nhân có một, hai xu hoặc một, hai phờrăng cũng cho cả.
Khi đi qua Liên Xô đồng chí L. phóng viên báo Tiếng còi bảo mình viết bài và dặn phải viết rõ sự thật: việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào... và viết phải ngắn gọn. Cách đây mấy năm, mình trở lại Liên Xô. Đồng chí L. lại bảo mình viết. Nhưng L. lại bảo: chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chỉ muốn biết những việc thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc.
Khi đến Hoa Nam, mình lại tập viết báo Trung Quốc. Mỗi lần viết xong, mình sửa đi sửa lại mấy lần rồi mới gửi đến Cứu vong nhật báo.... Thấy bài minh đã được đăng lại được đóng khung, điều đó khuyến khích mình tiếp tục viết. Nói tóm lại, mình phải học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn.
Đến ngày Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ra tờ báo Thanh niên thì mình lại học viết tiếng ta. Lúc ấy, vấn đề khó khăn là làm thế nào để gửi báo về nước cho đến tay người đọc.
Năm 1941, mình bí mật về nước. Theo lời dạy của Lênin: tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay, và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói, bữa no. Làm báo thì phải có đá in. Mấy đồng chí đi lấy trộm những tấm bia đá, rồi mài mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là phải có một đồng chí phải hì hục tập viết chữ trái. Mấy số báo đầu, ba, bốn anh em cùng làm, nhưng in cứ toe toét, chỉ in được ít và xấu xí. Nhưng về sau cứ tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số. Phải đặt bia đá "nhà in" ở ba chỗ khác nhau. Khi động chỗ này thì chạy đến chỗ khác mà in, và báo vẫn ra đúng kì. Địch chịu không làm gì được.
Vấn đề giấy cũng gay. Lúc bấy giờ ai mua nhiều giấy địch cũng nghi, và theo dõi. Các chị em mỗi người đi chợ mua năm, mười tờ, nói dối là mua cho con cháu học, rồi góp lại để in báo.
In bản đá, muốn sửa chữa phải dùng a xít, Mà a xít thì mua đâu được? Có đồng chí đã nghĩ ra cách dùng chanh thay a xít. Chị em lại mua chanh để ủng hộ báo.
Còn việc phát hành: Để báo ở các hang đá bí mật Các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh cứ đến đó mà lấy. Báo bán hẳn hoi, chứ không biếu.
Thế là mọi việc đều dựa vào quyết tâm của mình, dựa vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng.
Đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết điều gì cũng thắm thía với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo. Đồng bào lại tìm đến cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm "binh vận".
Đề tài duy nhất
Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là "đề tài", thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy đó.
Kết luận: kinh nghiệm của 40 năm là: không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố học thì nhất định học được. Bây giờ các cô, các chú có điều kiện học tập dễ dàng hơn Bác trước kia. Mong các cô, các chú cố gắng và tiến bộ!
HỒ CHÍ MINH
Trích bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam, 16-4-1959
Hồ Chí Minh toàn tập

Có thâm nhiên là có cái gì?



Thâm niênlâu năm (Lê Văn Đức, 1971b:1528). Thời bao cấp chỉ tính thâm niên cho người đi làm công nhân viên nhà nước. Vì vậy thâm niên được định nghĩa trong từ điển là khoảng thời gian (tính bằng năm) làm việc liên tục trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là liên tục trong một nghề (Nguyễn Kim Thản, 2005:1497 ; Hoàng Phê, 2006:921). Nhưng cũng vì vậy nhiều người, nếu không dính dáng đến nhà nước, không biết thâm niên là cái gì (cả đời không nghe nói đến chuyện thâm niên).
Hậu quả là hôm nay người ta có thể hồn nhiên viết có thâm nhiên mà không biết là sai. Hôm nay (29/07/2013) Google cho biết có số trang đúng chính tả (có thâm niên) là 8.560.000. Chỉ  21.000 trang viết sai có thâm nhiên. Tất cả đều là trang Web trong nước. Trong số đó phần nhiều là báo mạng danh tiếng (VnExpress, Dân Trí, Người Lao Động...). Không có trang tiếng Việt nào ở hải ngoại viết sai trong trường hợp này. Lạ không?

Wednesday 28 August 2013

Chủ tịch Hồ Chí Minh sao có thể không hiểu thủy vũ là gì?



Năm 1959 chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm tuyến đảo Đông Bắc.
()
Thủy vũ, liệt xa, hỏa xa, xa trường, xa viễn... đều là từ ngữ mượn của Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sao có thể hiểu thủy vũnhảy múa dưới nước? Chẳng qua là Người thấy từ đó không phù hợp, cần có từ  ngữ khác cho nó mới, nó phù hợp. Từ ngữ của dân tộc ta không thiếu đâu.
Thủy vũ do Trung Quốc viện trợ, cố vấn Trung Quốc dạy cách sử dụng.
()
Bác Hồ  không thích từ thủy vũ nên từ này về sau được thay bằng vũ khí dưới nước chứ năm năm trước đó hải quân Việt Nam sang Trung Quốc chỉ có thể học thủy vũ và sử dụng từ thủy vũ ít ra là cho đến khi Bác ra thăm các đảo Đông Bắc.

Cũng trong năm 1955 hàng ngàn công nhân Trung Quốc tham gia thi công tuyến đường sắt Hà Nội – Hữu Nghị Quan. Chỉ trong vòng bốn tháng, họ đã làm xong 167 km đường ray. Ngày 28/2/1955 chuyến tàu tốc hành đầu tiên nối Hà Nội – Bắc Kinh – Mạc Tư Khoa – Bá Linh rời ga Hà Nội. Trung Quốc. Trung Quốc cũng giúp Việt Nam làm tuyến đuờng sắt Hà Nội – Vân Nam dài 386 km với 713 cây cầu) (Fall, 1960:122). Đó là lý do vì sao thuật ngữ đường sắt Việt Nam thời ấy toàn lấy từ tiếng Trung Quốc, khiến Bác Hồ phải bực mình.

Lệ thuộc ra mặt không phải là điều hay ho gì.

Tuesday 27 August 2013

Những hành vi độc hại của một khuynh hướng tư tưởng sai lầm (Trần Hữu Phước - Sài Gòn Giải Phóng)

CHÍNH TRỊ


Kể chuyện làm phim “Việt Nam” của Roman Karmen (Thanh Hằng - Công An Nhân Dân)

Thứ Hai, 18/03/2013 - 9:05 AM
Gần 10 năm trước, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, người dân Việt Nam đã được tái ngộ những thước phim vô cùng quí giá của bộ phim tài liệu nghệ thuật “Việt Nam” của đạo diễn: Roman Karmen, nhà quay phim tài liệu - thời sự kiệt xuất của Liên Xô.
Gói gọn trong 70 phút phim, mà R. Karmen đã rất tài tình khi giới thiệu về Việt Nam, một đất nước văn hiến với những con người kiên cường, bất khuất. Cho đến nay, bộ phim vẫn còn nguyên giá trị, cả về nội dung lẫn hình thức, với những hình ảnh vô cùng quí báu của Việt Nam một thời, cho thấy tầm vóc anh hùng của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên phủ. (Nhiều người đã được xem bộ phim này, nhưng là bản đen trắng với cái tên "Việt Nam trên đường thắng lợi").
Cùng với các nhà làm phim người Nga, bộ phim còn có các nhà làm phim Việt Nam phối hợp thực hiện: Mai Lộc, Hồng Nghi, Quang Huy, Tiến Lợi và nhà văn Nguyễn Đình Thi với vai trò cố vấn văn học. Cho đến nay, hầu hết những người tham gia vào bộ phim đều đã mất.
Nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi, cho biết: Trong số những người cùng với các nghệ sĩ người Nga rong ruổi nhiều tháng trời ở nhiều miền đất nước, góp phần làm nên bộ phim lịch sử này, có NSND Nguyễn Khắc Lợi, khi đó là phụ quay của một nhóm. Chúng tôi đã tìm đến đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi, ông đã ở tuổi 82, nhưng người đạo diễn vốn đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho điện ảnh CAND, một nhân chứng quan trọng của bộ phim “Việt Nam” vẫn rất minh mẫn, khi cùng chúng tôi ngược dòng ký ức.
Theo lời NSND Nguyễn Khắc Lợi, năm 1954, R. Karmen và đoàn làm phim Liên Xô đã đến Việt Nam, giúp Việt Nam ghi lại những giờ phút hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, tái hiện một giai đoạn lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà làm phim người Nga. Họ chia làm 3 nhóm, trước khi hội tụ về Hà Nội quay cảnh đại quân ta tiếp quản Thủ đô: R. Karmen làm phim ở chiến khu Việt Bắc, gặp gỡ và quay cảnh về các lãnh tụ Việt Nam. Nhóm do ông Isurin phụ trách, chuyên về cuộc sống của nhân dân Việt Nam, đến Nghệ An, còn nhóm của Mukhin, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi và quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi, chuyên quay về quân sự, lên Điện Biên và nhiều tỉnh khác.
Chặng đường từ Thái Nguyên lên Sơn La vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhóm chủ yếu đi ban đêm để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Giao thông bị phá hủy, nên hầu như mọi người phải đi bộ.
Cảnh trong phim “Việt Nam” của Roman Karmen.
Dẫu đã gặt hái không ít thành công trong điện ảnh, từng được thưởng thức nhiều bộ phim tài liệu của các nước, mà NSND Nguyễn Khắc Lợi vẫn phải ngưỡng mộ trước cách làm phim đầy sáng tạo của R. Karmen: Dù là phim tài liệu, nhưng không phải cảnh nào cũng thật, mà được dàn dựng. Nhưng quan trọng là, cách dàn cảnh và xử lý giữa các cảnh thật - giả của ông rất tài tình, để khán giả xem và tin. Đó là những cảnh quay mà đến hôm nay, vẫn khiến mọi người xúc động, như trận chiến giữa ta và địch ở Điện Biên Phủ, cảnh kéo pháo, cảnh quân ta mang máy móc rời Thủ đô đi kháng chiến v.v…
Để có những thước phim quí giá này, không chỉ những người làm phim vất vả, gian truân, mà những người lính tham gia cũng phải chịu hy sinh. Cảnh bộ đội ta kéo pháo ở Điện Biên trong phim, được R. Karmen cho dàn dựng và quay tại Tuyên Quang. NSND Nguyễn Khắc Lợi nhớ lại: Để lột tả cảnh bộ đội ta kéo pháo lên Điện Biên vất vả, lại giữa làn bom đạn của kẻ thù, Mukhin bố trí bên cạnh đoàn quân một số người lính trú sau bụi cây làm nhiệm vụ ném thủ pháo. Khi bộ đội đã kéo pháo, phim đã quay, mà thủ pháo vẫn không nổ.
Thì ra, khi đó chưa có kíp điện tử, phải dùng dây cháy chậm, nên lẽ ra phải đốt dây rồi mới ném, nhưng mấy anh lính chưa đốt đã vội ném. Sau 2 lần, Trung đội trưởng liền bảo mấy cậu lính ra để mình làm thay. Anh rút bật lửa, đốt dây cháy chậm, không ngờ, dây cháy chậm cắt quá ngắn, nên đã nổ ngay khi anh chưa kịp ném, khiến cả đống thủ pháo trước mặt cùng nổ tung. Người Trung đội trưởng đã hy sinh cho những thước phim quý giá…
Tháng 10/1954, trước khi ta tiếp quản Thủ đô vài ngày, cả 3 nhóm làm phim “Việt Nam” đều kéo về Hà Nội. NSND Nguyễn Khắc Lợi tự hào: Về Hà Nội sớm, nên nhóm của Mukhin may mắn ghi lại được hình ảnh quân đội Pháp rút khỏi Thủ đô ở cầu Long Biên, nơi có một đoàn quốc tế giám sát. Hình ảnh này hơn mọi lời bình về sự thảm bại của Pháp.
Bộ phim “Việt Nam” có lẽ là duy nhất đã ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội năm 1954.
Ở Nghệ An, để có cảnh quay một con hổ sống, các lãnh đạo địa phương rất bối rối. Nhưng Isurin nói rằng: Các anh cần tin vào nhân dân, họ sẽ làm được điều đó. Thế mà đúng. Những người dân báo tin có hổ về, rồi tổ chức vây chặt con hổ trên đồi, cắm nứa vót nhọn xung quanh, để con hổ phải nằm im chịu trận. Đợi 2 ngày sau, khi con hổ khát nước, người dân lại mở một lối nhỏ để con hổ xuống suối uống nước. Cảnh quay con hổ đắt giá trong phim đã được chính những người dân “dàn dựng” như thế.
Tài tình của R. Karmen là đã đan xen giữa cảnh thật với cảnh dựng, nhưng đều dựa trên sự thật lịch sử: Cảnh bắt sống tướng Đờ-cát được dựng lại ở núi rừng Tuyên Quang, nhưng đi kèm đó là cảnh quân Pháp kéo cờ hàng ở Điện Biên phủ là phim tư liệu thật. Hình ảnh đầy ý nghĩa của đoàn tù binh Pháp được R. Karmen bố trí quay ở khu vực Trại giam Lý Bá Sơ (Tuyên Quang), nhưng cái thật chính là hàng dài tù binh với cận cảnh những gương mặt vô hồn vì khiếp đảm. Và đó là câu trả lời đanh thép mà R. Karmen đưa ra: Họ chiến đấu không có lý tưởng, vì chỉ là những người lính đánh thuê cho một cuộc chiến phi nghĩa.
NSND Nguyễn Khắc Lợi.

Nhớ về những ngày đầu tiên bước chân vào điện ảnh, đã được làm việc cùng những nghệ sĩ danh tiếng của nước ngoài, NSND Nguyễn Khắc Lợi chia sẻ: Điều mà tôi quan sát và học được từ R. Karmen qua chuyến làm phim “Việt Nam” chính là phải tôn trọng sự thật và phản ánh tất cả những gì sự thật có. Nếu được phép hư cấu, cũng vẫn phải dựa trên nền sự thật, mới có sức thuyết phục để khán giả tin vào tác phẩm.
Ông cho quay dựa trên ý đồ có sẵn, nhưng điều rất quan trọng là việc dựng phim đã nêu bật được ý đồ của tác giả. Về sau, tôi học và làm về phim truyện, nhưng tôi vẫn ấn tượng về cách làm phim của R. Karmen, nên phim của tôi thường không theo bố cục, từ cái nọ sang cái kia, mà làm như đời thực, để khán giả thấy cuộc sống trong tác phẩm chứ không phải là bố cục. Và tính nghệ thuật, tính chân thực, giàu sức biểu cảm mà tôi ấn tượng ở phim, còn là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam cuộn bay trước khi xòe tung ở ngay phút mở đầu bộ phim - sự sáng tạo rất Roman Karmen!

Đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết Đại gia (Nguyễn Vinh - Sài Gòn Tiếp Thị)


SGTT.VN - Ông Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books), đơn vị liên kết với NXB Lao động đầu tư in hai tập tiểu thuyết Đại gia (tác giả Thiên Sơn) vừa gửi thông báo đến các đối tác phát hành trong nước đề nghị ngưng phát hành, gỡ bỏ quảng cáo và thu hồi tác phẩm trên về kho Alpha Books.
Bìa bộ tiểu thuyết gồm hai cuốn của nhà văn Thiên Sơn.
Trước đó, công văn số 2896 / CXB – QLXB ngày 31.7.2013 do ông Chu Văn Hòa, cục trưởng cục Xuất bản ký, gửi đến NXB Lao Động và Alpha Books, đã đề nghị hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”, “chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách trên” và yêu cầu “có văn bản gửi về cục Xuất bản trước ngày 25.8.2013”.
Theo công văn trên, sau khi “kiểm tra nội dung” bộ tiểu thuyết Đại gia (gồm 2 tập: Tam giác ngầm và Quyền lực đen), cục Xuất bản đưa ra ý kiến: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.
Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”
Hai tập tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn dày hơn 1.100 trang, được in với số lượng 1.000 bản theo quyết định xuất bản của giám đốc NXB Lao động số 77/QĐLK-LĐ ngày 28.5.2013; sách in xong và nộp lưu chiểu quý 3/2013.
Theo nhận định của nhà văn Võ Thị Hảo được trích dẫn trên bìa 4 của hai tập sách: “Tác giả đã đau đớn để nhận biết, để đồng hành, để cập nhật với nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực đen. Một khát vọng cháy bỏng muốn hành động để sự bóp méo này, ung hoại này được cắt bỏ và những vết thương lành lại”.
Tác giả Thiên Sơn, tên thật Nguyễn Xuân Hoàng, sinh năm 1972 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, là hội viên Hội nhà văn VN, hiện công tác tại Tạp chí Điện Ảnh Việt Nam. Trước tiểu thuyết Đại gia, ông đã có 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết đã được xuất bản và từng dành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn VN (2006-2010) với tiểu thuyết Dòng sông chết.
TIN, ẢNH: NGUYỄN VINH

Tiểu thuyết ‘Đại gia’ bị ngừng phát hành vì 'cường điệu quá mức' (Hoàng Anh - VnExpress)


Theo Cục xuất bản, tác phẩm "đề cập đến một số vấn đề nhạy cảm với tính chất cường điệu quá mức", trong khi tác giả cho rằng, anh chỉ hư cấu mà hư cấu là đặc quyền của tiểu thuyết.
Phát hành cuối tháng 7, bộ tiểu thuyết "Đại gia" gồm hai cuốn - "Tam giác ngầm" và "Quyền lực đen" - của nhà văn Thiên Sơn (tên thật là Nguyễn Xuân Hoàng) lập tức bị yêu cầu ngừng phát hành để thẩm định lại.
Trong công văn của Cục Xuất bản gửi tới NXB Lao Động và Công ty Cổ phần sách Alpha - hai đơn vị liên kết phát hành - ngày 1/8, nêu: "Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối quan hệ 'làm ăn' kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cao cấp của nhà nước và những thủ đoạn mánh khóe, trong công tác tổ chức cán bộ. Qua tác phẩm, người đọc thấy một 'tam giác ngầm' mà ở đó quyền lực, tiền bạc và gái gú cấu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.
Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề 'nhạy cảm' hiện nay với tính chất cường điệu quá mức cùng với những nhận định, đánh giá chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội". 
dai-gia5-1377507629.jpg
Bìa tập 1 tiểu thuyết "Đại gia" và nhà văn Thiên Sơn.
Nhà văn Thiên Sơn - tác giả tiểu thuyết “Đại gia” - cho biết, bộ sách được anh khởi viết cuối năm 2008, hoàn thành tháng 6/2011 và in cuối tháng 7 năm nay. Nội dung cuốn sách là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu của tác giả, về mối quan hệ giữa người đẹp - đại gia, giới quan chức, về những quan hệ làm ăn có những thế lực ngầm chống đỡ phía sau. Phản ứng trước ý kiến "cường điệu quá mức" như trong công văn của Cục, tác giả Thiên Sơn cho rằng, nghệ thuật phải hướng đến cái độc đáo, phi thường và không thể đồng nhất với sự cường điệu. "Hư cấu là công việc của nhà văn và đối với văn chương, việc hư cấu là không giới hạn. Tác phẩm của tôi có đề cập những đề tài nóng của xã hội: vấn đề tham nhũng, quyền lực ngầm... nhưng trong công cuộc chống tham nhũng của cả xã hội hiện tại thì đó là vấn đề thức thời, hợp lý và không có gì sai trái", anh nói.
Nhà văn mong những người thẩm định tác phẩm hãy đọc một cách sáng tạo, đừng soi mói, đối chiếu văn chương với hiện thực để quy kết.
Công văn của Cục đề nghị tác phẩm phải được thẩm định lại. Tác giả bộ sách cho rằng, buổi thẩm định nên được công khai và để cho những người có trình độ văn chương ở các cơ quan văn học lớn như Hội Nhà văn, Viện Văn học đánh giá. Tác giả cũng đề xuất mở một cuộc điều tra độc giả, nếu cần thiết, để biết nhận định của họ, liệu có "ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội" như ý kiến của Cục hay không. Theo anh, con số những bạn đọc ủng hộ tác phẩm trên mạng xã hội khá đông, khiến anh cảm thấy vui hơn là buồn.
Tác giả cũng cho rằng, phía Cục khi ký quyết định đã không thực sự đọc kỹ tiểu thuyết của anh. Tập một của "Đại gia" có tên "Tam giác ngầm" nhưng trong công văn của Cục lại có chỗ đề "Tam giác vàng".
Phía Nhà xuất bản Lao động - bà Võ Thị Kim Thanh - cho biết, họ đã gửi công văn tới Cục xuất bản đề xuất cách xử trí và đang chờ quyết định từ phía Cục.
Hoàng Anh