Chợ LớnLịch sử địa lý, kinh tế và văn hóaPhần 1
Nguyễn Đức Hiệp
Chợ Lớn, cách Sài Gòn khoảng 6km, trước
đây từng được coi là thủ đô lúa gạo của toàn Đông Dương. Vai trò của Chợ
Lớn là cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Nam Kỳ xưa kia và ngay cả
ngày nay. Lịch sử Sài Gòn gắn liền với lịch sử Chợ Lớn. Chợ Lớn được
thành lập trước Sài Gòn. Sài Gòn thật ra là tên trước đây đặt cho khu
Chợ Lớn và chính tên Sài Gòn có thể có nguồn gốc từ “Tai Ngon” hoặc
‘Tin-Gan” (Hán Việt là Đề Ngạn, chỉ thành phố gần đê dọc kênh tàu Hủ) mà
người Quảng Đông đọc là “Thầy Ngòn” hay “Thì Ngòn” (4).
Bài này có mục đích giới thiệu lịch sử
địa lý, kinh tế và văn hóa thành phố Chợ Lớn trong hơn 200 năm qua từ
lúc người Hoa đến định cư đông đảo từ Cù Lao phố, Biên Hòa. Sự thăng
trầm của Chợ Lớn trực tiếp gắn liền với lịch sử Việt Nam trong các thế
kỷ đã qua. Chủ yếu là trung tâm thương mại, không có quyền lực và ảnh
hưởng chính trị, Chợ Lớn không được đánh giá đúng mức về tiềm lực văn
hóa, kinh tế trong các nỗ lực ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế, hạ
tầng cơ sở xứng đáng với tầm vóc của thành phố này, cũng như phát triển
văn hóa và bảo tồn các đặc trưng mà con người, trong đó người Hoa và
Minh hương là chủ đạo, đã góp phần tạo thành đặc tính con người văn hóa
Nam bộ.
Trong các năm gần đây, cảnh quan đô thị
thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đã thay đổi thật nhanh chóng qua sự bùng nổ
dân số và kinh tế cùng các cơ sở hạ tầng và sự phình rộng đô thị với
nhiều quận mới được thành lập. Không cần một bản báo cáo nghiêm túc về
tình hình phát triển và quản lý đô thị vùng Sài Gòn-Chợ Lớn, hỏi bất cứ
cư dân và của những khách viếng thăm về tổng quan về môi trường sinh
thái, văn hóa thành phố Hồ Chí Minh thì tất cả đều có cùng nhận xét như
người viết :
- Phát triển thiếu bền vững : quá tải, ô
nhiểm môi trường khí, nước, vấn đề xử lý chất thải rắn. Giao thông ùn
tắc, thiếu cây xanh, nước ngập do lấp kênh rạch (Sài Gòn - Chợ Lớn lịch
sử là thành phố sông nước)
- Bảo tồn di sản và phát huy giá trị văn
hóa lịch sử : sự biến mất gần đây của nhiều kiến trúc, cảnh quan có giá
trị văn hóa lịch sử (Bến Bình Đông, Chương Dương, Hàm Tử) qua lợi ích
trước mắt chứ không đặt trên cơ sở tìềm năng lâu dài.
Phong thái, phong cách kiến trúc, cảnh
quan văn hóa và sinh thái của một thành phố làm nên cá tính của thành
phố ấy. Chưa nói đến vấn đề sinh thái, cây xanh (đứng trên tòa nhà cao
tầng ở quận 4, chỉ thấy nhà là nhà mới mọc chen chúc mà không có cây
xanh nào trong toàn quận), tác giả đã đi qua và ghi lại những gì đã thay
đổi trong các năm qua và qua bài này dóng lên tiếng báo động về sự biến
mất của những khu phố cổ, những cảnh quan đô thị có giá trị văn hóa
được thay bằng những tòa nhà không đồng bộ, nhếch nhác không có đặc thù
kiến trúc qua sự thiếu hoạch định các khu phố của chính quyền địa
phương.
Đặc biệt nhất là dọc theo rạch Bến Nghé,
kênh Tàu Hủ trên đại lộ Đông Tây vừa xây và các đường tiếp cận gần đại
lộ đi Chợ Lớn. Những nơi này là nơi mà sự thay đổi đã làm các khu phố
thay đổi hầu như toàn diện. Các hình ảnh xưa trong bài có nguồn từ (6)
và hình ảnh gần đây là của tác giả và nhiếp ảnh gia Kinh Luân, báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Sự thành lập và phát triển Chợ Lớn
Người Hoa, từ Cù Lao phố, Biên Hòa, đã
kéo về đây thành lập khu định cư mới vào năm 1778 sau khi Cù Lao phố bị
Tây Sơn đánh phá. Họ là hậu duệ những người theo nhà Minh chạy khỏi
Trung Hoa thời nhà Thanh đến miền Nam lập nghiệp ở Cù Lao Phố và Mỹ Tho
vào năm 1680 sau khi được chúa Nguyễn cho phép.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí (1) nói về vùng Chợ Lớn là nơi phố thị buôn bán sầm uất, sinh hoạt văn hóa, kinh tế nhộn nhịp cuối thế kỷ 18 như sau :
“ Phố chợ Sài Gòn :
Cách
trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố
lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một
đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá
liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng
hóa trong phố bày bán có : gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang
sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc
bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có
miếu Quan Đế và 3 hội quán : Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia
đứng hai bên tả hữu ; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần
phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có
hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng
một thì treo đèn đặt án, tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu
sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là
một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa,
nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc
cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng,
đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường
lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban
đêm còn thắp đèn mua bán ”.
Khi từ Cù Lao Phố đến vùng nay gọi là
Chợ Lớn cũ, đã có làng Minh Hương của người Việt gốc Hoa thành lập trước
từ năm 1698 cũng do người Hoa nhà Minh đến định cư. Nhưng chỉ 4 năm
sau, năm 1782, Tây Sơn Nguyễn Nhạc vào trở lại đánh thành Phan Yên
(Phiên An, thành Sài Gòn sau này) ở Gia Định và sau đó đánh luôn Chợ Lớn
khu người Hoa ở, tàn sát họ rất nhiều.
Theo Vương Hồng Sển (4) :
“ Sau
trận giặc 1782, theo Trịnh Hoài Đức thuật lại, thì hàng hóa các tiệm
buôn Tàu như trà, vải lụa, thuốc men, hương liệu, giấy má đủ loại bị
tuôn ra bỏ bừa bãi lềnh khên ngập đường sá, hèn lâu như vậy mà không ai
dám rớ dám mót lượm về xài. Qua năm 1783, giá hàng hóa vụt lên mà ngợp :
kim may mỗi cây một lượng bạc, trà Tàu tám quan tiền một cân,... Còn
nói chi số binh sĩ và thường dân Tàu bị chết đâm chết lụi kể trên số
muôn, thậm chí thây ma lớp nằm chật đất, ngổn ngang từ vàm Bến Nghé đến
tận kinh Chợ Lớn, lớp khác bị chuồi xuống nước, xác ma da, thằng chỗng
kẹo lềnh một khúc sông, làm cho ngót ba bốn tháng trường, dân nghe nhắc
mà ớn xương sống không dám rớ đến miếng thịt xương thịt cá ! Nhưng người
Tàu quả là giống dân giàu tính nhẫn nại nhất thế giới : tính coi họ
thất bại to tát làm vậy mà họ không bỏ cơ sở làm ăn. Ít lâu sau họ gầy
dựng lại cơ sở Chợ Lớn, có mòi sung túc thịnh vượng hơn trước bá bội.
Họ lấy đất đắp thêm bờ kinh chỗ mới tạo
lập, cẩn đá thêm cao ráo và kiên cố. Và có lẽ để ghi nhớ công trạng này
họ đặt tên chỗ mới là “Tai-Ngon”, hoặc “Tin-Gan”, mà phát âm theo giọng
Quảng Đông thì nghe ra “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Xét theo mặt chữ, thì
“Tai-Ngon”, “Tin-Gan”, “Thầy Ngồn”, “Thì Ngòn” đọc theo giọng Việt là
“Đề Ngạn” :
Đề, Đê : là cái bờ, cái đê ngăn nước.
Đề : cũng có nghĩa là nắm lấy (Đề cương
khiết lãnh là nắm lấy cái dây lớn của cái lưới, tức nhiên cả cái lưới sẽ
trương ra ; kéo cái cổ áo thì cả chiếc áo nhấc lên. Nghĩa bóng : nắm
lấy chỗ chủ yếu. Kể ra khi đi lựa địa thế, đã là đặt cả một hy vọng lớn
rồi.)
Ngạn : bờ sông cao dốc.
Đề Ngạn là vùng Chợ Lớn cũ ngày nay vậy (truy ra là xóm Quảng Đông Nhai chỗ miếu Quan Đế, miếu Tam Hội) ”.
Khu cổ nhất ở vùng Chợ Lớn là xóm người
Khmer chung quanh chùa Cây Mai và Phú Lâm. Chùa Cây mai, sau này thành
đồn Cây Mai từ lúc Pháp đến đánh Sài Gòn đến ngày nay, nằm ở khu vưc gần
các đường Nguyễn Trãi, Hồng Bàng và Nguyễn Thị Nhỏ. Chợ Lớn lúc đầu chỉ
là tập hợp của nhiều làng, xóm chung quanh các kinh rạch. Nhiều làng
xóm chuyên làm những nghề thủ công nghệ, sản xuất,.. mang tên đặc trưng
của xóm đó như Xóm Dầu (sản xuất dầu dừa, dầu đậu phọng), Xóm Củi, Xóm
Than, Xóm Lò Gốm,…
Ta hãy đọc tiếp theo, trên đường đi từ Sài Gòn đến Chợ Lớn, đoạn Trương Vĩnh Ký viết về Chợ Lớn (2) :
“ Chợ
ở Chợ Lớn xưa là chợ ở vùng Chợ Rẫy ngày nay. Vùng ở giữa đường Đồng
Khánh (rue des Marins) cho đến rạch Chợ Lớn (arroyo de Cholon) là nơi cư
ngụ của người Minh hương, người Hoa lai Việt, mặc đồ như người Việt và
có làng được đặc quyền riêng. (Chú thích : khu này gọi là làng Minh
Hương, hiện nay còn lại ngôi nhà xưa nhất Sài Gòn-Chợ Lớn gọi là Minh
Hương Gia Thạnh xây năm 1789. Làng Minh Hương đã có từ năm 1698. Ở Phú
Thọ Hòa còn có chùa Giác Lâm, ngôi chùa cổ xây năm 1744).
Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là những nhà kho
lớn xây bằng gạch, gọi là "Tàu khậu". Những "Tàu khậu" này được cho
những người Hoa từ Trung Quốc đến mướn. Họ đến một lần mỗi năm trên
những ghe thuyền vượt biển. Họ mang và chứa những hàng vào các kho này.
Từ những kho này, họ bán sỉ hay lẻ trong lúc họ tạm trú ở Sài Gòn. Cầu
dẫn đến khu chợ lớn (Chợ Rẫy ngày nay) gọi là "Cầu đường", gọi vậy là vì
tại đây họ bán đủ loại đường như viên, hủ đường etc..
Trên
bờ của rạch chảy qua trước nhà của ông tổng đốc (tổng đốc Đỗ Hữu
Phương, một người Minh hương) là con đường "Phố xếp" (rạch này cũng gọi
là rạch Phố xếp sau này được lấp đi thành đường Tổng đốc Phương, nay gọi
là Châu Văn Liêm), và cây cầu trên đường đi Cây Mai có tên là "Cầu
phố". Ở góc hai kinh (Chợ Lớn và Phố xếp), từ chợ cho đến cầu sắt, là
làng Quới đước và chợ "Chợ kinh".
Hình 1: Chợ Lớn 1874 – Cho thấy rõ, Kênh Tàu hủ, rạch Bãi sậy
và rạch Chợ Lớn chảy qua khắp khu vực thành phố Chợ Lớn
(ngày nay rạch Chợ Lớn đã lấp)
Hình 2 : Bản đồ Chợ Lớn 1893 (nguồn : Tour du Monde 1893)
Các rạch ở trung tâm Chợ Lớn đều còn (rạch Chợ Lớn, rạch Lò Gốm)
Hai bên rạch Chợ Lớn từ Cầu Đường cho
đến Cầu Khâm Sai và Lò Gốm là nhà cửa san sát nhau. Chợ Lò rèn, ngay tại
nhà thờ Chợ Lớn ngày nay (thời Trương Vĩnh Ký, tức nhà thờ Cha Tam ngày
nay) là nơi ở của các thợ rèn và những thợ làm thanh sắt (Quân mậu
tài). Trong lúc đi đến chùa Cây Mai, người ta gặp một cầu gọi là Cầu Ông
Tiều.
Chùa Cây Mai ngày xưa là chùa Cao Miên,
bao bọc tứ phía bởi đầm lầy. Trong các đầm này có các cuộc đua thuyền
trong ngày lể Phật. Chùa này đã được người Việt phục hồi lại. Dưới thời
Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương đến Nam Kỳ cùng với Phan Thanh Giản, đã cho
xây một tầng nhà cảnh. Tên chùa và đồi nhỏ ở đây là từ cây mai, một
loại cây có bông trắng rất được ưa chuộng và cho là quý bởi người Hoa và
người Việt.
Nhà kiểm tra (tòa hành chánh) ở Chợ Lớn trước kia là nơi ở của tri huyện Tân Long ”.
Hình 5 : Nhà người Hoa ở Chợ Lớn 1872
nguồn: Bs Albert Morice – La revue Tour du Monde 1875 (6) (7)
(Đây có thể là khu gần chùa Cây Mai vì kiến trúc nhà
là Khmer có mái cong, không phải là nhà theo kiến trúc người Hoa)
Hình 6 : Phòng thanh tra (Bureau de l’Inspection) Chợ Lớn 1910.
Kế bên trái Phòng thanh tra là Tòa đô chánh (Hotel de ville) Chợ Lớn.
Chợ Lớn lúc này là tỉnh lỵ của tỉnh Chợ Lớn.
Hình 7 : Nhà hát Trung hoa – đường Phùng Hưng (rue de Paris) – Chợ Lớn.
Trên đường Phùng Hưng, chủ yếu là người gốc Phúc Kiến ở,
cũng có một nhà thờ đầu tiên xây năm 1866 dành cho người Hoa,
nay là văn phòng báo Sài Gòn Giải phóng.
Trong thời gian Pháp còn đang đánh chiếm
Sài Gòn-Chợ Lớn, chuẩn đề đốc (contre-amiral) Page đã nhanh chóng cho
xây dựng các kho hàng và mở cửa cảng Sài Gòn-Chợ Lớn cho việc buôn bán
với bên ngoài. Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại, tiếp viện hàng,
thực phẩm cho quân Pháp. Cũng chính vì yếu tố này mà Nguyễn Tri Phương
từ đồn Kỳ Hòa đã cho quân đánh cắt đường của Pháp từ đồn Cây Mai vào Chợ
Lớn, những trận chiến lớn ban đầu là giữa đồn Cây Mai, đồn clochetons (hình
tháp chuông) và chiến tuyến chiến hào mà người Pháp gọi là đồn Redoute
của quân triều đình cách đó không xa khoảng 400 hay 500m giữa đầm ruộng
đầy mồ mả quanh đồn (chùa) Cây Mai (17).
Nắm được Chợ Lớn là nắm vị trí chiến
lược. Rạch trong Chợ Lớn chằng chịt và vì thế các tàu chiến Pháp đều đến
án trong các rạch. Tàu Jaccaréo, một loại chiến thuyền “Lorcha” gốc Bồ
Đào Nha của hải quân Pháp đã tải súng đạn và tiếp viện cho đồn Cây Mai.
Sau này trong Chợ Lớn, người Pháp đặt tên con đường Jaccaréo nơi chiến
hạm Jaccaréo đã vào án ngự (Tản Đà ngày nay). Theo Leopold Pallu (17),
trong khi đoàn quân Pháp đánh Sài Gòn thì người Pháp đã mở cảng, buôn
bán với người Hoa trong Chợ Lớn trong giai đoạn này và đã thu được lợi
nhuận khổng lồ :
“ Bảy
mươi tàu và một trăm ghe thuyền chuyên chở sáu mươi ngàn tấn gạo trong
vòng bốn tháng cho thị trường Hồng Kông và Singapore, đem đến một lợi
tức khổng lồ cho ta. Đồn Cây Mai giúp cho việc buôn bán dễ dàng, người ở
một số làng đổ đến vì thấy cái lợi lớn mà người Pháp đã đem tới cho họ ;
số người Pháp trong đồn ít và không làm khó dễ họ gì cả. Người Hoa tiếp
tục theo tính cách của họ, tìm cách bảo vệ việc buôn bán bằng cách lấy
lòng cả hai bên An Nam và Pháp. ”
“ Thành phố người Hoa (tức Chợ Lớn, ghi chú người dịch) là chìa khóa của tất cả thương mại ở Nam Kỳ miền dưới (basse Cochinchine) (tức miền Tây, ghi chú người dịch). Ai kiểm soát được thành phố này là nắm hết khả năng sinh hoạt của người dân trong phần đất An Nam này ”.
Pallu nói về người Hoa ở Chợ Lớn :
“ Nhiều
người thật giàu có ; một số trong họ thuê trực tiếp các tàu người Âu để
liên hệ với Ấn Độ, đảo Réunion hoặc Trung Quốc. Phải xác nhận là ngày
nay tình thế khó khăn do sự chiếm đóng của người Pháp, gây nên sự bất
định về thông tin mà các thương gia ở Sài Gòn thì phải dựa vào giá cả ở
thị trường HongKong và Thượng Hải, vì thế người Hoa họ đã lập hẳn một hệ
thống chuyển thư riêng của họ giữa Sài Gòn và Quảng Châu....
Trung
tâm mà người Hoa vào An Nam là thành phố Chợ Lớn, chỉ cách Sài Gòn có
hai dặm. Đó là thành phố hoàn toàn người Hoa cư ngụ. Người Hoa ở đây gồm
có bảy bang, mỗi bang có một người lãnh đạo gọi là Hong Phoo ; các
người Hong Phoo đều đeo một nút màu vàng biểu hiện cho sự khoan dung và
uy quyền. Sau trận đánh ở chùa Clochetons vào năm 1860, ta thấy hết sức
rõ ràng là thị trường người Hoa sẽ vĩnh viễn lọt vào tay ta, cho nên các
người Hong Phoo đều đến xin ta bảo trợ, và ta đã chấp thuận ”.
Chỉ vài năm sau khi Pháp đánh chiếm Sài
Gòn - Chợ Lớn, Chợ Lớn đã thay đổi nhanh chóng. Lúc phái bộ Phan Thanh
Giản trở về Sài Gòn năm 1864 sau khi qua Pháp điều đình, đại úy Boresse
đã dẫn Phan Thanh Giản và một số tùy tùng đến bến cảng Chợ Lớn dọc kênh
Tàu Hủ tham quan. Dưới ô lọng che, Phan Thanh Giảng đã chứng kiến sự
biến dạng cảng thương mại to lớn tột cùng. Trong lòng ông, đã thay đổi,
nhưng còn triều đình ?
Thị trưởng thành phố Chợ Lớn trong thời
gian 1880-1884 là ông Antony Landes. Ông Landes còn là hội viên Hội
nghiên cứu Đông Dương (Société des études indochinoises), tác giả nhiều bài viết và sách về văn hóa, văn minh Việt Nam và Chăm nổi tiếng (như Contes Tjames 1887, 1886, Contes et légendes annamitesNotes sur les moeurs et superstitions populaires annamites 1880, dịch tác phẩm Nhị Độ mai ra tiếng Pháp, Les pruniers refleuris ; poème Tonkinois,
1883). Ông mất lúc còn trẻ cùng với vợ và một cô bạn gái trong một tai
nạn đụng tàu trên sông Sài Gòn ngày 23 tháng 2 năm 1893. Tàu Donnai
(Đồng Nai) trong chuyến dạo thăm Biên Hòa, lúc trở về vào gần giữa đêm
đụng phải tàu hơi nước Le Mouhot của công ty vận tải đường sông
(Messageries fluviales), tàu Donnai chìm làm cả ba chết đuối, không tìm
được xác (10). Hội nghiên cứu Đông Dương mất đi một nhà nghiên cứu văn
hóa xuất sắc. Tất cả sách vở, bản thảo, tư liệu của ông sau này được gia
đình người em trai của ông tặng cho Hội Á Châu (Société Asiatique) ở
Paris (12). Gần đây, nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho biết là năm 1998,
một chiếc tàu chìm được khám phá ở thượng lưu sông Sài Gòn như sau :
“ Một
di chỉ khác nằm cách thượng lưu sông Sài Gòn khoảng 1km, có niên đại
khá muộn, được Bảo tàng Quân Khu 7 phát hiện năm 1998. Đó là một con tàu
đắm có vỏ bọc bằng sắt, bên trong chứa nhiều hiện vật như : thanh gươm
có khắc tên chủ nhân là người Pháp ; một chiếc gậy chống bằng gỗ bịt bạc
ở đoạn cuối, đoạn tay cầm là một chiếc răng nanh heo rừng nối với thân
gậy bởi một khoen bằng bạc chạm hình rồng, một thùng rượu bằng gỗ được
ghép bằng vành đai kim loại, một đồng xu lớn đề chữ Indochine Française
(Đông Dương thuộc Pháp) phát hành năm 1886, một bình bông treo tường đáy
nhỏ, miệng loe bằng gốm men xanh trắng (Phúc Kiến) có đắp nổi hình một
ông tiên, trên đầu là hình cây đào, cành mai chạm lộng ; một nồi Supde
có đường kính thân 170cm, cao 200cm, bằng sắt đã bị hư hỏng nặng. Theo
lời kể của các thợ lặn, còn có 2 sọ người nằm ở vị trí con tàu nhưng
không được vớt lên. Vỏ tàu cũng đã bị rỉ sét, mục nát nhiều.
Theo
các nhà nghiên cứu, đây có thể là một con tàu tuần tiễu trên sông bằng
sắt, chạy bằng hơi nước của chính quyền Pháp tại Sài Gòn. Thời điểm tàu
chìm là trong khoảng thời gian từ 1886 đến đầu thế kỷ XX.”
Như vậy khả năng rất lớn là chiếc tàu
chìm được khám phá vào năm 1998 chính là tàu Donnai bị chìm năm 1893 mà
ông Landes đã đi dạo trên thuyền cùng với vợ và bạn tháng 2 năm 1893.
Hình 8 :
Tòa đô chánh thành phố Chợ Lớn (ngày nay không còn), trước kia nằm trên
khu đất mà ngày nay là khuôn viên Đại học Y Khoa Sài Gòn. Tòa nhà nhìn
ra đường Cây Mai (Nguyễn Trãi) và Avenue de Jaccaréo (Tản Đà) (ngay ngã
ba đường Cây Mai và Jaccaréo, đường Jaccaréo đâm thẳng vào là đụng tòa
đô chánh. Trong bản đồ 1893 Tour du Monde, đường Jaccaréo từ rạch Tàu Hủ
đến đường Cây Mai là chấm dứt, chưa thông qua đường Charles Thomson) và
đường xe tramway Chợ Lớn - Sài Gòn, bên phải là rue des Clochetons (Phù
Đổng Thiên Vương) và phía sau là Boulevard Charles Thomson (Hồng Bàng)
và đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Đường Jaccaréo được người Pháp đặt
theo tên một chiến hạm Jaccaréo, trong chiến dịch vây đánh Sài Gòn - Chợ
Lớn năm 1859, đã đậu trên con rạch dẫn vào Chợ Lớn và đồn Cây Mai (nay
đã lấp trên đường Tản Đà) thông với kênh Tàu Hủ.
Hình 9 : Cây cổ thụ góc đường Tản Đà và Nguyễn Trãi, trong khuôn viên bệnh viện,
là vết tích duy nhất cạnh tòa đô chính Chợ Lớn còn lại.
Từ năm 1889, tỉnh Chợ Lớn được thành lập
gồm thành phố Chợ Lớn, huyện Bình Chánh, một phần của tỉnh Long An ngày
nay (Gò Đen, Đức Hòa,..) trong khi Sài Gòn thuộc tỉnh Gia Định. Sự độc
lập làm thành phố Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ hơn. Sau khi sáp nhập tỉnh
sau 1975, thì Sài Gòn - Chợ Lớn trở thành một phần của địa phận thành
phố Hồ Chí Minh, Chợ Lớn không còn trở thành cái nôi kinh tế như trước
đó. Tuy vậy sức mạnh kinh tế trong Chợ Lớn vẫn đa số nằm trong tay người
Hoa.
Các thương gia người Hoa ở Chợ Lớn cũng
thường tiếp xúc, lên hệ với các người Hoa ở Đông Nam Á : họ đã có những
liên hệ thương mại mật thiết với các cộng đồng người Hoa ở Indonesia,
Singapore và Mã Lai. Ở Chợ Lớn có hai câu lạc bộ của người Hoa
Singapore, một thiết lập năm 1878 tọa lạc ở số 64 đường Paris (Phùng
Hưng kế đường Phúc Kiến) và một thành lập năm 1886 ở số 105 đường Rue
des marins (Đồng Khánh sau này là Trần Hưng Đạo nối dài) sau khi có sự
đòi hỏi từ lãnh sự Anh ở Sài Gòn năm 1885 (5). Chủ yếu họ mua bán lúa
gạo, nông phẩm, thầu xây dựng địa ốc, sản xuất thuốc phiện. Lúa gạo và
các sản phẩm nông nghiệp từ các tỉnh miền tây mang vào Chợ Lớn - Sài Gòn
và xuất khẩu qua nhiều nước ở Đông Nam Á.
Có từ hai mươi đến ba mươi gia đình
người Hoa ở Malacca và Singapore trú tại Chợ Lớn, phần lớn trên đường
Phúc Kiến, vì thế đường này được họ gọi là “đường Baba” (rue des Baba).
Baba là tên những người Hoa ở vùng Strait Settlement (Singapore và
Malaysia) tự gọi (5). Qua sự liên hệ thương mại giữa người Hoa ở Chợ Lớn
và các thành phố khác ở Đông Nam Á như Singapore, Hong Kong, ta cũng
không lạ gì nhiều nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn nhập máy xay bằng hơi nước
hiệu “Barley Mill” từ Anh qua Singapore hay Hong Kong mặc dầu có sự phàn
nàn từ người Pháp do không mua máy của Pháp (11). Các thương gia nổi
tiếng người Hoa từ Singapore là ba anh em Tan Keng Ho (Trần Khánh Hòa),
Tan Keng Hoon (Trần Khánh Vân), Tan Keng Sing (Trần Khánh Tinh) và ông
Gan Wee Tin (Nhan Vĩ Thiên) đều có nhà máy xay lúa hay phần hùn trong
đó.
Người Pháp gọi ông Gan Wee Tin (Nhan Vĩ
Thiên) bằng tên Ban-hap (Vạn Hòa). Vạn Hòa là tên công ty mà ông Wee Tin
lập ra ở các tỉnh miền Nam trồng và buôn bán thuốc phiện, lúa gạo trong
các năm ở thập niên 1850, trước khi người Pháp đến (5)(14). Công ty Vạn
Hòa sau đó làm ăn phát đạt mở rộng đến Cam Bốt với các đặc quyền từ vua
nước này cho phép trồng, sản xuất thuốc phiện năm 1869 và ở Nam Kỳ năm
1869 được chính quyền Pháp tiếp tục cho phép độc quyền mặc đầu bị sức ép
của các thương gia và công ty Pháp muốn cạnh tranh ở Cam Bốt. Ban-hap
còn có độc quyền ở Cam Bốt sản xuất bán vé số, mở các tiệm cầm đồ, sòng
cờ bạc, trại nuôi và bán thịt heo. Ông Trần Khánh Hòa cũng thành công và
có thế lực kinh tế không kém ông Vạn Hòa. Ngày 8/7/1869, đề đốc Ohier
đổi tên Ủy ban thành phố (Commission municipale) mà trước đó vào năm
1867 thống đốc de la Grandière đã thành lập sau khi Pháp vừa chiếm Sài
Gòn, thành tên chính thức Hội đồng thành phố Sài Gòn (Conseil municipal
de la ville de Saigon), gồm 1 thị trưởng và 13 hội đồng viên với nhiệm
kỳ 2 năm (7 người được bầu và 6 người được thống đốc chọn), trong đó có
Trương Vĩnh Ký và Tang keng Ho (Trần Khánh Hòa). Đây là Hội đồng thành
phố đầu tiên của Sài Gòn (16).
Nhà máy xay lúa bằng hơi nước đầu tiên ở
Việt Nam được thành lập ở Chợ Lớn vào năm 1874. Đó là nhà máy của ông
Spooner bỏ tiền ra đầu tư, hầu hết các xưởng nhỏ còn lại dùng cối xay
lúa gạo là của người Hoa ở Chợ Lớn.
Nhưng không lâu sau, các người Hoa cũng
xây các nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước. Cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Chợ
Lớn bắt đầu. Năm 1897, có 9 nhà máy xay lúa (8 ở Chợ Lớn và 1 ở Khánh
Hội), trong đó có 7 nhà máy là vốn của người Hoa và 2 nhà máy vốn của
người Pháp, Đức và Hoa. Đến đầu thế kỷ 20, năm 1900 thì cả thảy 9 nhà
máy ở Chợ Lớn đều là của chủ người Hoa, với giám đốc điều hành là người
Pháp (8).
14 : Một nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn. Hình ảnh của ông Nadal,
nhiếp ảnh người Pháp xuất bản trong sách Album illustré de 456 gravures sur cuivretựa đề La Cochinchine (Nam Kỳ), xuất bản năm 1926, nguồn La Belle Indochine.
Tất cả các nhà máy xay lúa đều ở gần bờ
sông rạch để tiện mang lúa xuống từ các ghe, thuyền ở các tỉnh miền Tây
đến và để mang gạo mới xay đi xuất cảng ra các nước khác. Nước dùng cho
máy xay bằng hơi nước lấy từ nguồn rất thuận lợi ngay tại sông, rạch dọc
nhà máy. Nhiên liệu được dùng để đốt chạy máy hơi nước là vỏ trấu.
Có 3 loai gạo : gạo “Baixau” hột dài và
thon (giá cao nhất), gạo Vĩnh Long hột dài và to và gạo Gò Công hột
ngắn, to mập (11). Bốn nhà máy của người Hoa có bắt điện ban đêm và họ
thiết lập các cột đèn (arc lamp) có độ sáng cực mạnh dọc bến tàu để hoạt
động và chuyển lúa gạo lên xuống suốt đêm
Nhà máy hoạt động xay lúa cho riêng chủ
hay xay lúa cho các nguời khác qua hợp đồng xay. Trong lúc xay riêng,
nhà máy mua thẳng lúa từ nông dân vào lúc đầu mùa gặt vào khoảng tháng
12 và tháng 1 và được chứa trong kho để xay khi có nhu cầu xuất khẩu hay
mua lúa từ các nhà buôn trong các tháng khác. Vì mua với số lượng
nhiều, số vốn của nhà máy vì vậy bỏ ra rất lớn. Một vài nhà máy có trong
kho trữ luợng lúa trị giá đến 1,5 triệu dollar (11).
Đường Phùng Hưng (rue de Paris) và đường
Triệu Quang Phục (rue de Canton) là hai con đường chính buôn bán sầm
uất, được coi là trung tâm sinh hoạt thương mại và văn hóa chính của
người Hoa ở cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Xưa kia ông Vương Thái
(Wang-Tai), một triệu phú người Hoa gốc Quảng Đông từ Hồng Kông, có một
nhà ở đường Triệu Quang Phục. Hai con đường này nằm ở hai bên khu chợ
Chợ Lớn cũ nằm giữa. Sau này chợ Chợ Lớn được dời đến chợ Bình Tây.
Nhà văn Marguerite Durras đã có đề cập đến sinh hoạt của người Hoa ở đường Phùng Hưng trong tác phẩm L'Amant của
bà. Đường Phùng Hưng là nơi nhiều người Hoa gốc Phúc Kiến đến định cư.
Cũng không lạ gì mà trước đây các thương gia Singapore và Mã Lai gốc
Phúc Kiến đã tụ tập ở đường Phùng Hưng. Tại đây ở số 203 Phùng Hưng là
tòa nhà lớn của Tổng Thương hội Hoa kiều mà trước đây có đề cập nhiều
trong sách Hoa Kiều Chí của
các nhà nghiên cứu Đài Loan hồi thập niên 1960s (thông tin do bác Trần
Đại Tân ở Hội Văn học Nghệ thuật người Hoa cho tác giả biết). Sau này
trong thập niên 1990 là trụ sở của Ngân hàng Việt-Hoa, và ngày nay là
trụ sở của báo Sài Gòn Giải Phóng.
Đường Triệu Quang Phục xưa là đường
Canton (Quảng Đông) trong thời Pháp và được coi là trung tâm Chợ Lớn.
Nhà Xã Tây (Hotel de Ville) ở cạnh đây (gọi là Xã Tây vì là tòa nhà hành
chính của Pháp chuyên lo chuyện nhập, xuất cảnh và giấy tờ). Vùng này
ngày xưa cũng được gọi là Minh Hương xã.
Rạch Bãi Sậy (còn gọi là kinh hay rạch
Hàng Bàng) xưa rất trù phú, nhà cửa hai bên san sát. Rạch nối với rạch
Lò Gốm và xa nữa là Rạch Cát. Rạch Bãi Sậy sau đó (bắt đầu từ năm 1968)
dần bị người dân xây lấn nhà quanh rạch, và hiện nay hầu như hoàn toàn
bị lấp để trở thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn Khỏe. Trước đây, dọc theo
rạch Bãi Sậy là nhà cửa người Hoa san sát nhau và hai bên có trồng các
cây bàng rất đẹp mắt và cho nhiều bóng mát (vì thế gọi là kinh Hàng
Bàng). Năm 1945, quân Nhật đã chặt các cây bàng để làm hầm núp phía cầu
Bình Điền gần đó (4).
Hình 17 :
Bến Bãi Sậy và cầu Ba Cẳng (phần phía trên của hình), cầu Palikao ở
giữa hình. Ngày nay rạch bãi Sậy đã hầu như bị lấp hoàn toàn. Cầu
Palikao trở thành đường Ngô Nhân Tịnh. Cầu Ba Cẳng đã sập, không còn và
rạch phía sau chợ Kim Biên đã bị lấp. Cầu Palikao được người Pháp đặt
tên theo một câu gần Bắc Kinh, gọi là Bát lí kiều (cầu tám dặm),
nơi liên quân Anh-Pháp vào năm 1860 đánh với quân nhà Thanh. Quân Thanh
thua và Bắc Kinh bị chiếm và cung điện mùa hạ bị đốt cháy. Hòa ước
Thiên Tân sau đó được ký kết. Lúc này cũng là lúc quân Pháp cùng với đề
đốc Page và Charner rút quân chủ lực ở Sài Gòn qua Trung Quốc, chỉ để
lại số ít cầm cự với quân triều đình do Nguyễn Tri Phương chỉ huy ở đại
đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa), phản công để lấy lại Sài Gòn-Chợ Lớn.
Theo bác Nguyễn Thành Long trong ban
quản trị Nghĩa Nhuận hội quán gần rạch Bãi Sậy, mà tác giả đã có dịp
tiếp xúc, thì giữa cầu Ba Cẳng và cầu Palikao xưa kia có 5 kiosque bán
trà, chuối, nước giải lao cho các tàu đi trên rạch Bãi Sậy. Cầu Palikao
bị dẹp và trở thành đường Ngô Nhân Tịnh vào năm 2003, cùng khoảng thời
gian cầu Ba Cẳng bị sập và phá bỏ hoàn toàn.
Hình 19 : Rạch Bãi sậy còn sót lại, trên Đường bến Bãi Sậy ngày nay
– hình chụp từ trên “cầu Gò Công” (cầu nhỏ chỉ xe gắn máy đi được)
Gần cuối rạch bãi Sậy, nơi rạch rẽ quẹo
phải vào kênh Tàu Hủ có cầu Ba Cẳng (phía sau chợ Kim Biên), hai chân
nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng.
Đoạn cuối rạch này vẫn chưa lấp, và cầu tồn tại đến năm 1990 thì bị sập.
Gần cầu Ba Cẳng, ở ngã ba rạch Bãi Sậy từ kênh Tàu Hủ và rạch chạy đến
đường Kim Biên (tiếng Quảng Đông nghĩa là Cao Miên, vì trước đây gọi là
đường Cao Miên hay rue de Cambodge) là đường Gò Công, đây là đường từ
Chợ Lớn đi xuống Gò Công (cầu Ba Cẳng có bậc đi xuống đường Gò Công).
Trụ sở và xưởng sản xuất “xà bông Việt Nam” nổi tiếng của ông Trương Văn
Bền trong những thập niên giữa thế kỷ 20 nằm ngay trên đường Kim Biên.
Hình 21 : Pont des 3 arches (Cầu Ba Cẳng) xây bởi công ty Brossard et Mopin
(công ty này cũng xây Chợ Bến Thành ở Sài Gòn vào năm 1914). Nhà báo
Nguyễn Văn Sâm và nhà bên vợ (em gái ông Trương Văn Bền) bỏ tiền đứng ra xây cầu.
Hình 22 : Khu vực cầu Ba Cẳng (góc rạch trước kia nối rạch Bãi Sậy ở phía trái và rạch Tàu Hủ).
Chợ Kim Liên ở đằng sau hình. Nay hoàn toàn nghẽn.
Hình 23 : Đoạn này trên Đại lộ Đông-Tây, trước kia nối kênh Tàu Hủ
với rạch Bãi Sậy qua đoạn cầu Ba Cẳng.
Rạch Chợ Lớn (cũng gọi là rạch Cầu
Đường) từ kênh Tàu Hủ đi lên trung tâm Chợ Lớn ngày nay, sau đó lên tận
đến rạch Lò Gốm gần đồn Cây Mai. Khúc gần Cầu Đường là bến Gaudot (quai
de Gaudot) nơi có trụ sở nhà buôn Thông Hiệp của Quách Đàm. Gaudot là
tên của một trung úy hải quân Pháp, chỉ huy một nhóm thủy binh đánh đồn
Kỳ Hòa ngày 25/2/1861, sau làm phó quản trị thành phố Chợ Lớn và năm
1868 chỉ huy cảng thương mại Sài Gòn. Gaudot mất ở Côn Đảo vì bệnh năm
1872 (13). Rạch Chợ Lớn chảy từ Kênh Tàu Hủ lên bến Gaudot, kế đó là đến
bến Foukien (quai de Foukien, nay là đường Trang Tử - bến xe Chợ Lớn)
và cho đến đoạn gần rạch Lò Gốm ngày nay (đoạn này bây giờ là đường Lê
Quang Sung).
Sau khi rạch Chợ Lớn bị lấp, bến Gaudot
trở thành đường Quai de Gaudot (năm 1955 là đường Khổng Tử, ngày nay là
đường Hải Thượng Lãn Ông). Tương truyền Quách Đàm rất mê tín, tin phong
thủy được thầy bói Tàu nói là nơi trụ sở bến Gaudot là nơi “đầu một con
rồng” mà khúc đuôi nằm ở biển cả. Vì thế Quách Đàm không bao giờ đổi trụ
sở dù là nhà mướn, đi nơi khác sau khi rất giàu có thành công trên
đường làm ăn. Nên khi xảy ra sự việc lấp kinh thành đường thì ông tin
rằng cơ sản làm ăn lụn bại vào lúc thời khủng hoảng kinh tế thế giới
1929 là do việc lấp kinh Chợ Lớn này (4). Rạch Chợ Lớn trên khúc Quai de
Gaudot là Quai de Fou-kien (bến Phúc Kiến) sau khi lấp đi làm thành
đường Trang Tử trước bến xe Chợ Lớn ngày nay. Khu đường Hải Thượng Lãn
Ông, Trang Tử và Phùng Hưng là khu mà ngày nay vẫn còn nhiều người Hoa
gốc Phúc Kiến cư ngụ. Ở đây, góc đường Hải Thượng Lãn Ông và Phùng Hưng,
có miếu Nhị Phủ (chùa ông Bổn) của người Phúc Kiến và kế miếu là trường
trung học Trần Bội Cơ (trước gọi là Ecole de Foukien). Trường, nằm
trong một phần đất của miếu, được xây từ đầu thế kỷ 20 (1907) rất đẹp
với kiến trúc Pháp. Gần đấy ở góc đường Hải Thượng Lãn Ông và Đỗ Ngọc
Thanh ngày nay có một kênh nhỏ (nay đã bị lấp) gọi là kinh Bến tắm ngựa
vì nơi đây các ngựa xe thổ mộ làm chổ nghĩ ngơi và tắm ngựa.
Đường Hãi Thượng Lãn Ông, ngày nay bắt
đầu từ Đại lộ Đông Tây ở kênh Tàu Hủ, là con đường chính ở Chợ Lớn. Ở
đường này vẫn còn một ít các tòa nhà cổ, to lớn và có thể được coi là
đẹp nhất ở Chợ Lớn. Xưa kia, trong thập niên 1960, “vua bột ngọt”, ông
Trần Thành cư ngụ trên con đường này.
Hình 24 : Tòa nhà cổ vẫn còn ở đường Hãi Thượng Lãn Ông giữa sự thay đổi nhanh chóng
(ảnh Kinh Luân : Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Hình 25 : Đường Hãi Thượng Lãn Ông đang thay đổi với các tòa nhà cổ bị áp lực
(ảnh Kinh Luân : Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Từ Sài Gòn vào Chợ Lớn vào đầu thế kỷ 19 có hai con đường chính : Nguyễn Trãi (route haute) và đường dọc theo rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ (route basse).
Sau này đầu thế kỷ 20, con đường Avenue Galliéni (Trần Hưng Đạo) và Rue
des Marins (Trần Hưng Đạo nối dài) mới được thành lập nối chợ Sài Gòn
vào Chợ Lớn.
Cảnh
quan đường Trần Hưng Đạo ngày nay hầu hết đều biến dạng thay đổi. Các
tòa nhà đầu thế kỷ 20 gần như biến hết, chỉ còn một số ít cuối đường
Trần Hưng Đạo nối dài ở Chợ Lớn.
Theo Eugene Bonhoure (8), năm 1900 dân
số Chợ Lớn là 121 987 người, trong đó có 41 588 người Hoa, 80 061 người
Việt, 166 người Âu (trong đó có 135 người Pháp, số còn lại là người
Miên, Ấn, Mã Lai, Nhật và Tagal (gốc Phi Luật Tân)). Lúc này Chợ Lớn
thông thương với Sài Gòn qua 1 đường xe lửa chính, 2 đường xe lửa (tram)
chạy bằng hơi nước và các đường bộ và có 9 nhà máy xay lúa sản xuất gạo
mà chủ là người Hoa. Số lúa xay là 96 000 picul (1 picul, hay tạ Trung
quốc là 68kg), sản xuất được 44 000 piculs gạo “cargo” (không trắng và
láng) và 24200 piculs gạo trắng.
Người Hoa nổi tiếng ở Sài Gòn - Chợ Lớn
cuối thế kỷ 19 là ông Cheung Ah Lum (Trương Á Lâm, hay Zhang Peilin,
Trương Bội Lâm). Cũng như ông Ban-hap (Vạn Hòa, tên thật là Gan Wee Tin
hay Nhan Vĩ Thiên), người Pháp gọi ông là Wang-Tai (Vương Thái).
Wang-Tai là tên công ty ông lập ở Sài Gòn sau khi ông đến từ Hồng Kông
vào năm 1862 để giao các tàu buồm (junks) mà một sĩ quan người Pháp, đại
diện cho chính quyền Pháp mới thành lập ở Sài Gòn, đã đến Macao trước
đó vào năm 1860 để đặt hàng đóng các tàu từ công ty của ông ở Macao
(14). Sau khi giao tàu xong, ông quyết định ở lại định cư hẳn tại vùng
Sài Gòn - Chợ Lớn. Có kinh nghiệm ở Hồng Kông khi người Anh đến ở đó để
lập thuộc địa, công ty Wang-Tai đi ngay vào kỹ nghệ xây cất, thiết lập
các xưởng gạch và xây các nhà kiểu Âu châu khi người Pháp còn chân ướt
chân ráo. Các nhà này được cho mướn cho chính quyền Pháp và Phòng Thương
mại mà ông là một hội viên từ lúc ban đầu. Ông trở thành phát đạt và
giàu có còn hơn lúc ở Hồng Kông.
Lúc còn ở Hồng Kông, có lần ông suýt bị
rơi vào vòng lao lý khi một hôm, vào ngày 15/1/1857, công ty làm bánh mì
của ông (Esing Bakery) sản xuất bánh mì có chứa độc tố arsenic làm
nhiều người bị ói mửa ngày đó. Trong số rất nhiều thợ mà ông không kiểm
soát được, có một số đã bỏ arsenic để đầu độc đa số các người Anh ở Hồng
Kông. Ông bị đưa ra tòa, nhưng vì không có chứng cớ và với luật sư giỏi
ông được tha bổng, nhưng không được lui tới ở Hồng Kông trong 5 năm. Vì
thế ông đến Macao (nơi ông học buôn bán lúc còn nhỏ với chú ông) mở
tiệm và xưởng sau biến cố này, và chính ở Macao ông gặp đại diện Pháp
nhờ ông đóng tàu (15).
Công ty Wang-Tai đi vào các lãnh vực
khác của kinh tế như mua bán, sản xuất gạo. Ông Zhang Peilin (Trương Bội
Lâm) sau được chọn bầu vào công ty China Merchants’ Steam Navigation
Company (Công ty hàng hải tàu hơi nước của thương nhân Trung Hoa) để
xuất khẩu gạo sang Trung quốc. Đến các năm của thập niên 1880, ông là
chủ của nhiều đất đai nhà cửa ở Sài Gòn, trong đó có khu Wang-Tai (la
cité Wang-tai), một khu nghèo và dơ mà các người di dân Trung quốc đến
Sài Gòn - Chợ Lớn lúc ban đầu cư ngụ chung với gà, vịt, trái cây và các
đồ nhập khẩu (14). Năm 1879, ông gởi con ông và một người Hoa Quảng Đông
khác là Lưu Chap (Pháp gọi là A Chap hay “Taokhe” Tào Kê Chap) sang Cam
Bốt mở tiệm cầm đồ ở Nam Vang. Sau này Lưu Chap là một người giàu có
khét tiếng có thế lực ở Nam Vang.
Ông Trương Bội Lâm (Wang-Tai, hay Vương
Thái) mất năm 1900, thọ 73 tuổi (sinh năm 1827). Các con trai và cháu
nội ông ở Chợ Lớn mang quan tài ông về quê hương, làng Ya-kang, huyện
Hoàng Sơn ở Quảng Đông để chôn cất. Rất nhiều người Hoa, Pháp, Việt và
quan chức, chức sắc ra bến tàu để tiễn ông.
Sau ông Trương Bội Lâm, ở thế kỷ 20 có
nhiều nhà kỹ nghệ và doanh nghiệp nổi tiếng ở Chợ Lớn và có ảnh hưởng
khắp miền Nam như các ông Quách Đàm, Trương Văn Bền, Hứa Văn Bon, Trần
Thành, Vương Đạo Nghĩa… Tinh thần thương mại, đầu óc mở đường, kiên
trường và gan dạ trong thương trường của những người Hoa và người Việt
gốc Hoa đã đóng góp to lớn vào sự hưng thịnh không những cho thành phố
Chợ Lớn mà cho cả nền kinh tế Việt Nam trước kia và cho đến ngày nay.
Hình 1: Chợ Lớn 1874 – Cho thấy rõ, Kênh Tàu hủ, rạch Bãi sậy
và rạch Chợ Lớn chảy qua khắp khu vực thành phố Chợ Lớn
(ngày nay rạch Chợ Lớn đã lấp)
và rạch Chợ Lớn chảy qua khắp khu vực thành phố Chợ Lớn
(ngày nay rạch Chợ Lớn đã lấp)
Hình 2 : Bản đồ Chợ Lớn 1893 (nguồn : Tour du Monde 1893)
Các rạch ở trung tâm Chợ Lớn đều còn (rạch Chợ Lớn, rạch Lò Gốm)
Các rạch ở trung tâm Chợ Lớn đều còn (rạch Chợ Lớn, rạch Lò Gốm)
Hình 5 : Nhà người Hoa ở Chợ Lớn 1872
nguồn: Bs Albert Morice – La revue Tour du Monde 1875 (6) (7)
(Đây có thể là khu gần chùa Cây Mai vì kiến trúc nhà
là Khmer có mái cong, không phải là nhà theo kiến trúc người Hoa)
nguồn: Bs Albert Morice – La revue Tour du Monde 1875 (6) (7)
(Đây có thể là khu gần chùa Cây Mai vì kiến trúc nhà
là Khmer có mái cong, không phải là nhà theo kiến trúc người Hoa)
Hình 6 : Phòng thanh tra (Bureau de l’Inspection) Chợ Lớn 1910.
Kế bên trái Phòng thanh tra là Tòa đô chánh (Hotel de ville) Chợ Lớn.
Chợ Lớn lúc này là tỉnh lỵ của tỉnh Chợ Lớn.
Kế bên trái Phòng thanh tra là Tòa đô chánh (Hotel de ville) Chợ Lớn.
Chợ Lớn lúc này là tỉnh lỵ của tỉnh Chợ Lớn.
Hình 7 : Nhà hát Trung hoa – đường Phùng Hưng (rue de Paris) – Chợ Lớn.
Trên đường Phùng Hưng, chủ yếu là người gốc Phúc Kiến ở,
cũng có một nhà thờ đầu tiên xây năm 1866 dành cho người Hoa,
nay là văn phòng báo Sài Gòn Giải phóng.
Trên đường Phùng Hưng, chủ yếu là người gốc Phúc Kiến ở,
cũng có một nhà thờ đầu tiên xây năm 1866 dành cho người Hoa,
nay là văn phòng báo Sài Gòn Giải phóng.
Hình 9 : Cây cổ thụ góc đường Tản Đà và Nguyễn Trãi, trong khuôn viên bệnh viện,
là vết tích duy nhất cạnh tòa đô chính Chợ Lớn còn lại.
là vết tích duy nhất cạnh tòa đô chính Chợ Lớn còn lại.
14 : Một nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn. Hình ảnh của ông Nadal,
nhiếp ảnh người Pháp xuất bản trong sách Album illustré de 456 gravures sur cuivretựa đề La Cochinchine (Nam Kỳ), xuất bản năm 1926, nguồn La Belle Indochine.
nhiếp ảnh người Pháp xuất bản trong sách Album illustré de 456 gravures sur cuivretựa đề La Cochinchine (Nam Kỳ), xuất bản năm 1926, nguồn La Belle Indochine.
Hình 17 :
Bến Bãi Sậy và cầu Ba Cẳng (phần phía trên của hình), cầu Palikao ở
giữa hình. Ngày nay rạch bãi Sậy đã hầu như bị lấp hoàn toàn. Cầu
Palikao trở thành đường Ngô Nhân Tịnh. Cầu Ba Cẳng đã sập, không còn và
rạch phía sau chợ Kim Biên đã bị lấp. Cầu Palikao được người Pháp đặt
tên theo một câu gần Bắc Kinh, gọi là Bát lí kiều (cầu tám dặm),
nơi liên quân Anh-Pháp vào năm 1860 đánh với quân nhà Thanh. Quân Thanh
thua và Bắc Kinh bị chiếm và cung điện mùa hạ bị đốt cháy. Hòa ước
Thiên Tân sau đó được ký kết. Lúc này cũng là lúc quân Pháp cùng với đề
đốc Page và Charner rút quân chủ lực ở Sài Gòn qua Trung Quốc, chỉ để
lại số ít cầm cự với quân triều đình do Nguyễn Tri Phương chỉ huy ở đại
đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa), phản công để lấy lại Sài Gòn-Chợ Lớn.
Hình 19 : Rạch Bãi sậy còn sót lại, trên Đường bến Bãi Sậy ngày nay
– hình chụp từ trên “cầu Gò Công” (cầu nhỏ chỉ xe gắn máy đi được)
– hình chụp từ trên “cầu Gò Công” (cầu nhỏ chỉ xe gắn máy đi được)
Hình 21 : Pont des 3 arches (Cầu Ba Cẳng) xây bởi công ty Brossard et Mopin
(công ty này cũng xây Chợ Bến Thành ở Sài Gòn vào năm 1914). Nhà báo
Nguyễn Văn Sâm và nhà bên vợ (em gái ông Trương Văn Bền) bỏ tiền đứng ra xây cầu.
(công ty này cũng xây Chợ Bến Thành ở Sài Gòn vào năm 1914). Nhà báo
Nguyễn Văn Sâm và nhà bên vợ (em gái ông Trương Văn Bền) bỏ tiền đứng ra xây cầu.
Hình 22 : Khu vực cầu Ba Cẳng (góc rạch trước kia nối rạch Bãi Sậy ở phía trái và rạch Tàu Hủ).
Chợ Kim Liên ở đằng sau hình. Nay hoàn toàn nghẽn.
Chợ Kim Liên ở đằng sau hình. Nay hoàn toàn nghẽn.
Hình 23 : Đoạn này trên Đại lộ Đông-Tây, trước kia nối kênh Tàu Hủ
với rạch Bãi Sậy qua đoạn cầu Ba Cẳng.
với rạch Bãi Sậy qua đoạn cầu Ba Cẳng.
Hình 24 : Tòa nhà cổ vẫn còn ở đường Hãi Thượng Lãn Ông giữa sự thay đổi nhanh chóng
(ảnh Kinh Luân : Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
(ảnh Kinh Luân : Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Hình 25 : Đường Hãi Thượng Lãn Ông đang thay đổi với các tòa nhà cổ bị áp lực
(ảnh Kinh Luân : Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
(ảnh Kinh Luân : Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Cảnh quan đường Trần Hưng Đạo ngày nay hầu hết đều biến dạng thay đổi. Các tòa nhà đầu thế kỷ 20 gần như biến hết, chỉ còn một số ít cuối đường Trần Hưng Đạo nối dài ở Chợ Lớn.