Tuesday, 2 August 2011

Đậu cô ve và đậu que có phải là một?

Cô ve là phiên âm của haricot vert tiếng Pháp. Đậu cô ve còn được gọi là đậu ve. Người miền Nam đọc trại thành đậu que (chuyển tính môi của phụ âm /v/ vào bán nguyên âm /w/)

Đậu bi, đậu bo, đậu tí bo, đậu boa và đậu bi bo là mấy thứ đậu?

Đậu boa, còn gọi là đậu Hòa Lan, là một loại đậu hạt tròn có tên khoa học là  Pisum sativum L. được người Pháp đem vào Việt Nam. Từ boa là phiên âm của từ pois bên tiếng Pháp. Có khi đậu boa được gọi là đậu bo, cũng như tiền boa hay tiền bo đều là một thứ.
Trong số các giống đậu Hòa Lan có giống bơ-ti-boa (cũng viết là pơ-ti-poa), phiên âm của từ petit-pois tiếng Pháp. Nhưng dạng rút gọn thông dụng hơn là tí bo.
Đậu bi là từ mới xuất hiện do ảnh hưởng của tiếng Anh (pea). Để cho rõ nghĩa của bi người ta cho nó kèm với một từ đã có sẵn trong tiếng Việt là bo. Vì vậy mà có tên gọi đậu bi bo.

Monday, 1 August 2011

Xà lách xoong không phải là xà lách?

Toàn bộ cụm xà lách xoong, cũng viết xà lách xon, là phiên âm của từ cresson tiếng Pháp. Từ tiếng Pháp này vào tiếng Việt còn sinh ra các biến thể khác như cách xonkét xông, nhưng thông dụng hơn cả là (cải) xoong hay (cải) xon. Đây là một một loại rau mọc trôi nổi trên mặt nước và có tên khoa học là Nasturtium officinale.

Saturday, 30 July 2011

Tạp dề là cái gì?

 Tạp dề, gốc tiếng Pháp là tablier, là tấm vải dùng để buộc trước bụng để giữ cho quần áo khỏi bẩn khi làm bếp.

Súng ghít là súng gì?

Ghít là từ gốc Anh (grease). Súng ghít (grease gun) là tiểu liên M3, được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng từ cuối năm 1942.

Friday, 29 July 2011

Luật bốt uyn là luật gì?

Bốt uyn do both win bên tiếng Anh có nghĩa là cả hai đều được lợi. Nhân viên ăn hối lộ là xài luật bốt uyn, có lợi cho đương sự và người đưa hối lộ.

Wednesday, 27 July 2011

Thánh Pha Pha là thánh gì?

Thánh Pha Pha Thánh Cha, tức giáo hoàng La Mã. Gốc của Pha pha là từ papa của tiếng La Tinh có nghĩa là giáo hoàng. Cụm từ Thánh Pha Pha chỉ thấy xuất hiện trên văn bản xưa.
Tôi mà lại có lầm hay sao ? – Ấy, chớ nên nói thế ! Người ta muốn cho không lầm, chỉ có đức thánh Pha-pha mới không lầm mà thôi !  (Phan Khôi, Nói chuyện cùng ông Lệ Thiên, Thần chung, Sài Gòn, số 253 ngày 22.11.1929)

Sách Thuật Tích Việc Nước Nam của linh mục Đặng Đức Tuấn (chép năm Canh Thìn 1880) gọi giáo hoàng là pa pa:
Rô Ma có một giáo hoàng
Cội đầu hội thánh mối mang đạo trời
Tuy là đạo ở khắp nơi
Giáo hữu chốn chốn vâng lời pa pa.