ĐỘC GIẢ: Tại một bài viết in trong tập kỷ yếu của Hội nghị khoa học về vấn đề ''Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt'', (TP.HCM 3.1997) tác giả Hồ Lê có khẳng định rằng từ ''ba hoa'' của tiếng Việt là do tiếng Pháp ''bavard''' mà ra (tr.126). Xin cho biết có phải từ nào của tiếng Việt có âm na ná với âm của một tiếng Pháp nào thì đều do tiếng Pháp đó mà ra hay không?
AN CHI: Trên KTNN 107, khi nhận xét về ý kiến của Lê Trung Hoa cho rằng tên đệm ''Văn” của nam giới và “Thị” của nữ giới trong tiếng Việt có thể là do hai tiếng ''ben'' và ''binti” do các chú lái buôn người Ả-rập đem đến, chúng tôi có viết: ''Nói ben có thể cho ra văn còn binti có thể cho ra thị chẳng khác nào nói rằng tiếng Pháp petit đã cho ra tiếng Việt bé tí còn colosse thì đã cho ra khổng lồ, chẳng khác nào nói rằng tiếng Ý ciao đã cho ra tiếng Việt chào còn tiếng Tây Ban Nha niño thì đã cho ra "nhỏ nhí". Trên KTNN 170 chúng tôi cũng đã chứng minh rằng từ ba (trong ''ba má'') không phải do tiếng Pháp papa mà ra, mà lại bắt nguồn ở danh từ pá 爸 của tiếng Quảng Đông. Vậy vấn đề không phải ở chỗ thuần túy có sự trùng hợp về ngữ âm. Cái thí dụ đã trở thành cổ điển trong ngữ học so sánh là tính từ bad của tiếng Anh và tính từ bad trong tiếng Ba Tư hoàn toàn không có liên quan gì đến nhau mặc dù đó là những từ cùng nghĩa và hơn thế nữa, mặc dù tiếng Anh và tiếng Ba Tư có họ hàng với nhau.
Bây giờ trước khi nói về hai tiếng ba hoa, chúng tôi xin nói một chút về hai tiếng bá láp mà một số người biết tiếng Pháp cũng cho là do tiếng Pháp palabre (= cuộc nói chuyện dông dài) mà ra. Palabre > bá láp là chuyện xem ra rất có lý. Nhưng sự thật lại hoàn toàn chẳng phải như thế vì trước khi người Việt Nam chính thức tiếp xúc với tiếng Pháp thì hai tiếng bá láp đã tồn tại trong tiếng Việt... tự bao giờ. Và tiếng Việt chẳng những có bá láp mà còn có: láp, tam láp, láp giáp, đều là những hình thức có liên quan với nó về mặt ngữ nghĩa cũng như về mặt cấu tạo từ (Dẫn theo: Hoàng Dũng, Các tổ hợp phụ âm tắc bên trong tiếng Việt, luận án Phó tiến sĩ khoa học ngữ văn, bản đánh máy, Hà Nội, 1992, tr.40). Hoặc như từ đía (= phét lác, lắm mồm) trong phương ngữ Nam Bộ thì nhiều người biết tiếng Pháp cũng cho là do động từ dire (= nói) mà ra. Thực ra, đó là một từ Việt gốc Hán cận đại bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 喋, có nghĩa là nói nhiều, nói luôn mồm, mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là điệp còn âm Bắc Kinh là dié.
Trở lại với hai tiếng ba hoa, và nếu không cần đếm xỉa đến những điều kiện khác, thì bavard > ba hoa có vẻ như rất có lý. Nhưng tính hữu lý sẽ lung lay khi người ta xét từ ba hoa về mặt trọng âm của từ này được thể hiện theo mô hình [11] mà Cao Xuân Hạo gọi là spondée trong khi một từ hai âm tiết phiên âm từ tiếng Pháp sẽ phải có mô hình [01] mà Cao Xuân Hạo gọi là iambe, thí dụ: ét-xăng; ga-ra; xú-chiêng; xi-măng; đều nhận thức rằng ba hoa có mô hình trọng âm [11] và không phải là kết quả của một sự phiên âm từ tiếng Pháp nên chẳng có ai dùng gạch nối (-) mà viết thành ''ba-hoa” cả. Trong khi đó thì những từ song tiết phiên âm từ tiếng Pháp đều được viết có gạch nối. Ngoài những thí dụ đã thấy ở trên, còn có thể kể ra hàng loạt thí dụ khác: ty-pô, li-tô, cà-rốt, ca-rô, đề-pô, v.v… (Ở đây không kể đến những người chủ trương không dùng gạch nối một cách “đại trà” và vô nguyên tắc, cái gì cũng nối!). Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, nếu ba hoa là một từ phiên âm từ tiếng Pháp thì khó mà có được những kiểu kết hợp như: ba hoa chích chòe, ba hoa thiên địa, ba hoa xích đế, vốn là những lối nói đã có từ lâu đời trong khẩu ngữ của dân gian. Cũng giống như nếu bá láp là một hình thức phiên âm từ tiếng Pháp thì chẳng làm sao có được kiểu kết hợp như bá xàm bá láp hoặc bá láp bá xàm, có khi cũng biến đổi thanh điệu mà nói thành ba láp ba xàm, vốn là những lối nói lâu đời đã có từ trước khi tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Pháp.
Điểm thứ ba là v- của tiếng Pháp vẫn được phiên âm một cách bình thường thành v- của tiếng Việt chứ không thành hw-. Thí dụ: vaccin > vắc-xin; valise > va-li; valse > (điệu) van; vareuse > va-rơi; vecteur > véc-tơ, veine > ven; vert > ve; vernis > véc-ni; veste > (áo) vét; vin > (rượu) vang, vitamine > vi-ta-min; volée > vô-lê; v.v… Vậy (ba)vard không thể thành (ba) hoa.
Vì ba điểm trên đây nên chúng tôi khẳng định rằng ba hoa không phải do bavard mà ra. Đó có thể là một danh ngữ đẳng lập gồm có hai thành tố gốc Hán cận nghĩa (nên mới có mô hình trọng âm [11]) mà quá trình thành hình có thể đã diễn ra như sau. Thoạt đầu người ta có từ láy Hán Việt ba ba 吧吧, cũng viết 巴巴, có nghĩa là nói nhiều, ba hoa (Mathews' Chinese-English Dictionary: ''loquacious"). Bên cạnh ba ba, người ta còn có từ ghép Hán Việt huyên hoa, cũng có nghĩa là nói nhiều (hoặc ồn ào). Chúng tôi cho rằng ở đây đã xảy ra một kiểu sự cố ngôn ngữ (accident linguistique) là sự đan xen hình thức (croisement de formes), như đã có lần nói đến trên KTNN 106, nên mới tạo ra một từ mới là ba hoa để diễn đạt cái nghĩa đang dùng hiện nay, trong đó ba vấn là của ba ba còn hoa vốn là của huyên hoa. Hoặc cũng có thể, nếu không phải là kết quả của một sự đan xen hình thức, thì đây là một từ tổ mà tự người Việt Nam đã cấu tạo bằng hai thành tố ba và hoa của tiếng Hán nên ba hoa mới không có trong thư tịch của Trung Hoa.
Nhưng dù con đường sản sinh ra từ ba hoa trong tiếng Việt có như thế nào, thì từ này, theo chúng tôi, cũng không thể do tiếng Pháp bavard mà ra.