Sunday, 15 July 2012

Cam Bốt là bung xung của Tàu Khựa (Phạm Vũ Lửa Hạ)

Mấy bữa nay, dân ta bức xúc vì bọn Cam Bốt chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lại là kỳ đà cản mũi, không chịu đưa ra thông cáo chung về tình hình biển Đông. Bình luận của Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, có lẽ phản ánh rõ nhất bản mặt của bọn lừa thầy phản bạn này: “Cambodia is showing itself as China’s stalking horse.” (Campuchia lộ rõ là bung xung của Trung Quốc.)
Dịch nghĩa vậy đã rõ, nhưng từ “bung xung” của ta chưa thể hiện hết ẩn ý của câu tiếng Anh.Theo Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê (2004), “bung xung” là “vật để đỡ tên đạn khi ra trận ngày xưa, thường dùng để ví người chịu đỡ đòn thay cho người khác (hàm ý chê)“.
Thử coi qua định nghĩa của từ “stalking horse” trong tiếng Anh:
1. (Individual Sports & Recreations / Hunting) a horse or an imitation one used by a hunter to hide behind while stalking his quarry
2. Something used to cover one’s true purpose; a decoy; something serving as a means of concealing plans; pretext;
3. (Government, Politics & Diplomacy) a candidate put forward by one group to divide the opposition or mask the candidacy of another person for whom the stalking-horse would then withdraw
Vậy nghĩa 1 (ngựa thật hoặc giả làm bình phong che chắn cho thợ săn trong lúc rình mồi) và nghĩa 2 (chim mồi, vật nghi trang che giấu mục đích thật) khá khớp với ý trong câu trên. Nghĩa 3 thì chỉ ai quen với bầu cử trong những nền dân chủ thật sự mới hiểu; dùng để chỉ ứng cử viên hình thức, được đưa ra để phân tán phiếu của phe đối lập, hoặc để phe đối lập không để ý tới ứng viên thực sự (chỉ lộ diện khi ứng cử viên hình thức rút lui).
Phần mở đầu mục từ “stalking horse” của Wikipedia có mấy ý mà nếu đọc kỹ thì càng hiểu rõ thâm ý của Carl Thayer.
stalking horse is a figure that tests a concept with someone or mounts a challenge against someone on behalf of an anonymous third party. If the idea proves viable or popular, the anonymous figure can then declare its interest and advance the concept with little risk of failure. If the concept fails, the anonymous party will not be tainted by association with the failed concept and can either drop the idea completely or bide its time and wait until a better moment for launching an attack.
Nếu diễn dịch đoạn văn trên và thay thế các danh từ / đại từ bằng các nước liên quan trong vụ này, ta có một viễn cảnh đáng lo.
Cam Bốt là lá bài được dùng để nhân danh nước lạ ẩn danh thăm dò phản ứng đối với ý định tiếm đoạt Biển Đông hoặc bày tỏ thách thức đối với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Nếu ý định đó khả thi, nước lạ khi ấy có thể công khai quyền lợi / lợi ích của mình và xúc tiến ý định mà không sợ thất bại. Nếu ý định bất thành, nước lạ sẽ không bị mất mặt và có thể hoàn toàn từ bỏ ý định hoặc nằm chờ cơ hội tốt hơn để tấn công.
Tờ New York Times dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên nói toạc móng heo: “China bought the chair, simple as that.” (Trung Quốc mua cái ghế chủ tịch [của Campuchia], đơn giản thế thôi). Nhà ngoại giao này cũng đề cập tới một bài báo của Tân Hoa Xã ra hôm thứ Năm 12/7/2012, trích dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cảm ơn thủ tướng Campuchia ủng hộ những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Chẳng biết thằng lõi con Cam Bốt được quan thầy Tàu khựa hứa cho bao nhiêu để chấp nhận vai trò bung xung này. Chắc cũng chỉ vài cắc lẻ thôi, vì cỡ Chí Phèo quốc tế Bắc Hàn mà Tàu cũng chỉ tốn có một tỉ đô mỗi năm để đỡ đầu (theo Foreign Policy).
Mà đâu chỉ bọn Cam Bốt. Ngay ở ta cũng lắm kẻ đáng liệt vào hạng stalking horse như vầy. Nhiều lắm, gom lại không chừng cả trường đua Phú Thọ ở Sài Gòn cũng không đủ chỗ nhốt.

Saturday, 14 July 2012

Nét đẹp văn hóa là gì?


Câu 2 trong đề thi đại học môn văn, khối D năm 2012 "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là một thảm họa” có nhiều chỗ tào lao. Một trong những cái tào lao đó là lạm dụng những từ ngữ kêu boong boong nhưng mơ hồ về nghĩa. Tạm thời hãy để khái niệm văn hóa sang một bên cho một ghi chú khác, chỉ thử hỏi xem nét đẹp văn hóa là gì.
Cấu trúc bề mặt của cụm từ nét đẹp văn hóa có thể tương ứng với một trong các cấu trúc chiều sâu sau đây:
1) nét đẹp của văn hóa (văn hóa gì? văn hóa của ai?).
2) nét đẹp trong văn hóa (văn hóa gì? văn hóa của ai?),
3) nét đẹp có tính văn hóa (không phải là nét đẹp có tính giả tạo hay nét đẹp có tính tự nhiên...).
Google cho gần 3,5 triệu trang với từ khóa nét đẹp văn hóa, nhưng chỉ có khoảng 65 ngàn trang với nét đẹp văn hóa là (tính luôn cả dấu câu giữa hóa). Có vẻ như người Việt quen dùng từ ngữ không cần định nghĩa. Định nghĩa cho nét đẹp văn hóa được Google đưa lên vị trí số 1 lại chính là định nghĩa được nêu ra trong đáp án của đề thi: Là một khía cạnh đáng được tôn trọng, ngợi ca trong đời sống văn hóa, tức là cái cấu trúc chiều sâu số 2 đã nêu trên. Thí sinh nào lỡ triển khai theo hướng số 1 hay hướng số 3 xem như lạc đề mặc dù không sai. Nếu cần chấm phúc khảo, có thể dẫn lại ghi chú này để hỏi giám khảo tại sao chỉ có hướng số 2 được xem là đúng.

Alexandre de Rhodes có “đạo” công trình? (Chân Luận)

Alexandre de Rhodes có “đạo” công trình?

Chân Luận
Trên báo Người Lao Động ngày 7-1-2006 có bài “Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” của GS-TS Phạm Văn Hường (ĐH Bordeaux). Có thể tóm gọn ý chính của bài nghiên cứu này là: Alexandro Rhodes (theo cách của GS-TS Hường) không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ; và Alexandro Rhodes đã “đạo” công trình của hai giáo sĩ khác là Antonio Barbosa, Gaspar de Amaral.

Về vấn đề Alexandre de Rhodes (ảnh) không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ

Alexandre de Rhodes
Có thể nói rằng: cho đến nay, những công trình nghiên cứu về sự phát triển của chữ quốc ngữ cả trong và ngoài nước (VN) đều không ai coi Alexandro Rhodes là “ông tổ” của chữ quốc ngữ, hay là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Nhưng vì sao khi nhắc đến chữ quốc ngữ, người ta lại nghĩ ngay đến Alexandre de Rhodes?
Lý do rất đơn giản là vì ba công trình: Từ điển Việt – Bồ - La (Dictionnarium Annamitcum Lusitanum et Latinum), Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đông Kinh (Linguae annamitcae seu Tunkinensis Brevis Declaratio), Phép giảng tám ngày (Cathechismus proiuo qui voluat sulcipere baptisnum in octo dies divisus – Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào (bèao) đạo thánh đức Chúa blời), được Alexandre de Rhodes cho in ở Rome năm 1651 là những tài liệu về chữ quốc ngữ được phát hiện sớm nhất, và trong một thời gian dài, ngoài ba tài liệu trên, người ta không biết đến tài liệu nào khác.
Nhưng, qua các tư liệu sưu tầm được về sau này, tất cả các nhà nghiên cứu chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ 20 như: Đào Trinh Nhất (Người có công với chữ quốc ngữ từ 300 năm trước, Cha Alexandre de Rhodes, Phụ nữ Tân Văn, số Xuân 1923), linh mục Thanh Lãng (Những chặng đường chữ quốc ngữ, Đại học Huế, số 1, 1961), linh mục Nguyễn Khắc Xuyên (Giáo sĩ A lịch sơn Đắc Lộ với chữ quốc ngữ, Việt Nam khảo cổ tập san, số 2, 1961), linh mục Đỗ Quang Chính (Lịch sử chữ quốc ngữ (1620 - 1659), Sài Gòn 1972)… cho đến các nhà Việt ngữ học sau này như: Nguyễn Thị Bạch Nhạn (Tìm hiểu sự biến đổi hình thức chữ quốc ngữ từ “Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes” đến “từ điển Việt-La” của Pigneaux de Béhaine,Tạp chí Ngôn ngữ số 1, 1994), Lý Toàn Thắng (Về vai trò của Alexandre de Rhodes đối với sự chế tác và hoàn chỉnh chữ quốc ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ số 1, 1996), Nguyễn Đình Đầu (Dinh trấn Quảng Nam với sự sáng tạo chữ quốc ngữ, Tạp chí Xưa và Nay số 124, 2002)… đều công nhận rằng: Alexandre de Rhodes là người có công lớn đối với việc đưa chữ quốc ngữ lên một mức hoàn chỉnh. Và năm Alexandre de Rhodes xuất bản ba công trình nói trên, năm 1651, được tính như một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của chữ quốc ngữ.
Cho nên, nếu có ai đó cho rằng Alexandre de Rhodes là người sáng tạo chữ quốc ngữ, thì quả là đã không công nhận sự nỗ lực của những nhà Việt ngữ học trong suốt thế kỷ 20.
Alexandre de Rhodes có “đạo” công trình của hai giáo sĩ Atonio Barbosa và Gaspar de Amaral hay không?
Có thể khẳng định ngay rằng: không! Cho tới nay, tất cả những nghiên cứu trực tiếp hay gián tiếp về Từ điển Việt-Bồ-La đều luôn làm rõ một điều rằng: từ điển ấy là một sự kế thừa, một sự tổng hợp… những thành tựu của các công trình đi trước, và nỗ lực học hỏi, tìm tòi, quan sát, phân tích… của chính Alexandre de Rhodes.
Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp trong công trình “Lược sử Việt Ngữ học” (Nxb Giáo dục, 2004) đã cung cấp cho chúng ta những cứ liệu chính xác về tính minh bạch của vấn đề này qua việc trích dẫn lời tựa của Alexandre de Rhodes trong Từ điển Việt – Bồ - La như sau:
Trong lời tựa cuốn Từ điển Việt-Bồ-La, Alexandre de Rhodes kể lại: “Trong công việc này (tức việc biên soạn cuốn từ điển Việt-Bồ-La - NV), ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần hai mươi năm, thời gian tôi lưu lại xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu, tôi đã học với cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn…” (Sđd, tr.114). Ở đoạn khác, giáo sư trích dẫn tiếp lời của Alexandre de Rhodes: “Tôi lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc dòng Tên, nhất là Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa. Cả hai ông này đều làm mỗi người một cuốn từ điển. Ông Gaspar de Amaral làm cuốn Annamiticum – Lusitanum (từ điển Việt-Bồ - NV), ông Antonio Barbosa làm cuốn Lusitanum – Annamiticum (từ điển Bồ - Việt -NV). Nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của cả hai ông để viết ra cuốn từ điển mới, có chua thêm tiếng Latin, mục đích để giúp người bản xứ học tiếng Latin theo lệnh của các Đức Hồng y” (sđd tr.116).
Như thế, chẳng những Alexandre de Rhodes không “đạo” công trình của hai giáo sĩ Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa, mà còn trân trọng nhắc đến hai ông cùng những giáo sĩ khác, cũng như những người bản xứ trong việc giúp Alexandre de Rhodes hoàn thành cuốn từ điển nổi tiếng này.
Học giả Roland Jacques, người Pháp, một người cũng có nhiều chuyên khảo về tiếng Việt và chữ quốc ngữ, đã tìm thấy ở Lisbon tài liệu “Manuductio al linguam Tunckinensen – Dẫn luận về tiếng Bắc Kì” mà ông cho rằng của giáo sĩ Onofre Borges, người đã truyền giáo tại Bắc kì từ năm 1643 đến 1663. Sau khi so sánh công trình “Manuductio al linguam Tunckinensen – Dẫn luận về tiếng Bắc Kì” và “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đông Kinh - Linguae annamitcae seu Tunkinensis Brevis Declaratio” đã kết luận: “Rhodes và Borges đã làm việc riêng rẽ trên cùng một văn bản cơ sở, vốn là di sản chung của các giáo sĩ Dòng Tên trong giáo đoàn ở Việt Nam, và mỗi người đã điều chỉnh và bổ sung theo cách riêng của mình.”
Và nếu đọc lại các công trình nghiên cứu về chữ quốc ngữ nói chung và về Từ điển Việt-Bồ-Lanói riêng, của các nhà Việt ngữ học trong và ngoài nước, chúng ta đều bắt gặp những đoạn trích dẫn lời tựa của Alexandre de Rhodes nhằm làm sáng tỏ rằng: chữ quốc ngữ được hình thành trong một thời gian dài với công sức của rất nhiều giáo sĩ phương Tây và người bản xứ, đến thời Alexandre de Rhodes thì đạt đến một mức độ hoàn chỉnh nhất định. Điều đó hoàn toàn trái ngược với luận điểm “Alexandre de Rhodes đã “đạo” công trình”.
Chữ “de” trong Alexandre de Rhodes có “kệch cỡm”?
Thiết tưởng cũng cần phải nói đến chữ “de” mà GS-TS Phạm Văn Hường cho là “kệch cỡm”. Trong cuốn “Divers Voyages et Missions” (Hành trình và truyền giáo)[1] xuất bản tại Pháp năm 1653, người ta thấy cái tên Alexandre de Rhodes đường hoàng đứng ở vị trí tác giả. Ở mấy trang đầu của cuốn sách này, có bản “trích đặc quyền” mà Nhà vua, Hoàng hậu nước Pháp thời bấy giờ, cùng với Hội đồng quản trị thành phố Paris cho phép nhà xuất bản Cramoisy được phép in hay cho in cuốn sách nhan đề “Các Hành trình và Truyền giáo của Cha Alexandre de Rhodes tại Trung Quốc, và các Vương quốc khác với việc ông trở lại Âu châu nga qua Ba Tư và Armênia”. Liền ngay sau trích đặc quyền này là phép của cha Francois Annat, Bề trên Giám tỉnh Dòng Tên tại Pháp, “cho phép ông Sébastien Cramoisy, thương gia chủ hiệu sách và chủ ấn quàn thường trực của Vua, Cựu thành viên Hội đồng Quản trị và Thẩm phán Lãnh sự của thành phố Paris in cuốn “Các Hành trình và Truyền giáo của CHA ALEXANDRE DE RHODES tại Trung Quốc, và các Vương quốc khác.v.v.” mà ba trong số các cha Dòng chúng tôi đã đọc và chấp thuận”. Chắc hẳn Nhà Vua, Hoàng hậu, Hội đồng quản trị thành phố Paris, và các cha Dòng Tên tại Pháp thời đó đủ tỉnh táo để nhận ra tính chân thực hay không của cái tên Alexandre de Rhodes.
Có lẽ điều này cũng đủ để trả lại lại tư cách cho chữ “de” của con người Alexandre de Rhodes.
Còn những vấn đề khác trong bài (như phụ âm (chứ không phải phụ ngữ), vấn đề tám ngày), chúng ta có thể tìm đọc trong những công trình nghiên cứu về chữ quốc ngữ rất chi tiết và xác thực của các nhà Việt Ngữ học trong suốt thế kỷ 20 ./.
[1] Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ (Nguyễn Khắc Xuyên), bản Pháp ngữ của Nxb Cramoisy năm 1653. Sách do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp.HCM xuất bản năm 1994, có sao chụp nguyên vẹn bản Pháp ngữ năm 1653.

Friday, 13 July 2012

Mê muội cái gì thì tốt?


Câu 2 trong đề thi đại học môn văn, khối D năm 2012 "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là một thảm họa” có nhiều chỗ vớ vẩn. Một trong những chỗ vớ vẩn đó là định hướng cách trả lời quá lộ liễu cho một câu hỏi (gọi là) mở.
Mê muộiMất tỉnh táo, mất sáng suốt đến mức không còn nhận biết đâu là đúng, đâu là sai (Nguyễn Kim Thản, 2005:1044). Các từ điển xưa nay có thể cắt nghĩa mê muội với lời lẽ khác nhưng vẫn chỉ là cái nghĩa ấy:
-dại dột, vô tâm, vô tri, mất trí khôn (Huình Tịnh Của (1896b:28))
-sai lầm mờ tối (Đào Duy Anh, 2005:491)
-cùng nghĩa như mê mẩn.mê mẩnsay mê đắm đuối (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:341)
Bản thân từ mê muội mang sắc thái tiêu cực. Không phải chỉ mê muội thần tượng mới là thảm họa. Bảo rằng học trò đi thi có thể có ý kiến trái ngược, nhưng thật ra chỉ em nào ngu muội lắm mới dám bảo mê muội thần tượng (từ thần tượng hiẻu theo nghĩa nào cũng được và có thể thay thần tượng bằng bất cứ từ nào của tiếng Việt: lý tưởng, tiền tài, danh vọng, bằng cấp... ) là tốt. Em đó mà được chấm đạt, ắt là có sự ám muội ở đâu đây.

Thursday, 12 July 2012

Thần tượng là gì?


Câu 2 trong đề thi đại học môn văn, khối D năm 2012 "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là một thảm họa” có nhiều chỗ nhảm nhí. Một trong những cái nhảm đó là giả định rằng có những từ ngữ được người ra đề, người làm bài và người chấm thi hiểu giống nhau, không sai chạy đi đâu được.
Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) không có thần tượng.
Vào quãng thời gian đó (đầu thế kỷ 20), thần tượng được mượn từ tiếng Hán với nghĩa là Di tượng của người chết (Đào Duy Anh, 2005:832)
Đến giữa những năm 60 ở miền Nam, nhiều từ điển ở miền Nam vẫn định nghĩa thần tượng khác với cách hiểu thông thường hiện nay. Đào Đăng Vỹ (1965:1263) ghi nhận hai nghĩa: tượng thần ( statue d’un génie) và ảnh người quá cố (portrait d’un défunt). Đến Thanh Nghị (1967b:1323), ta thấy có một sự biến chuyển quan trọng: nghĩa cơ bản của thần tượng vẫn là Tượng được tôn thờ như vị thần, nhưng có thêm nghĩa rộng là Người được tôn thờ, hoan nghênh như một vị thần; ghi chú tương đương tiếng Pháp là idole.
Nghĩa căn bản của Idole trong tiếng Pháp và idol trong tiếng Anh (tượng được tôn thờ như vị thần) trước đó đã được dịch là ngẫu tượng (Đào Duy Anh, 1950:810;. Nguyễn Văn Khôn, 1959:778) còn nghĩa mở rộng thì chưa có từ riêng mà chỉ được miêu tả dông dài là Người hay vật được người ta sùng bái, hoan nghinh. Thanh Nghị (1967a:760) dứt khoát dịch nghĩa căn bản của idolengẫu tượng và nghĩa bóng là thần tượng. Cái nghĩa bóng này hiện nay là nghĩa thông dụng nhất:
Thứ tượng của các vị thần; thường dùng để chỉ cái được tôn sùng, chiêm ngưỡng (Nguyễn Kim Thản, 2005:1503)
Tượng thần; thường dùng để ví cái được tôn sùng, chiêm ngưỡng. (Hoàng Phê, 2006:926)
Một từ điển còn ghi nhận tất cả các nghĩa của thần tượng trong lịch sử là Đại Từ Điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1999:1545):
1. Hình hoặc ảnh người đã chết. 2. Hình một đấng thiêng liêng được tôn sùng. 3. Người hay vật được đề cao, tôn sùng.
Nghĩa thứ ba trong từ điển Nguyễn Như Ý chính là cái nghĩa thường dùng nhất hiện nay, áp dụng cho chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được mà dùng để chi Maria Ozawa cũng không sai vì cái danh hiệu Japanese AV Idol hiện nay chỉ có thể dịch ra tiếng Việt là thần tượng phim người lớn Nhật Bản. Ngưỡng mộ thần tượng Maria Ozawa có đương nhiên là nét đẹp văn hóa không? Người ra đề có lường trước chuyện thí sinh đặt vấn đề mê muội thần tượng Hồ Chí Minh không?
Sau cùng, nếu thí sinh chọn nghĩa 1 hay nghĩa 2 của thần tượng trong từ điển Nguyễn Như Ý (1999), tức là nghĩa căn bản của các từ điển Nguyễn Kim Thản (2005), Hoàng Phê (2006), để làm bài thì có bị xem là hiểu sai đề không? Ai bảo là sai? Tại sao sai?

Wednesday, 11 July 2012

Là hai hay là một?



Từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:1834) có xạc (vị từ khẩu ngữ) nghĩa là mắng gay gắt.
Nguyễn Kim Thản (2005:1372) cũng có vị từ sạc, gốc Pháp charger và có nghĩa là nạp điện. Sạc này còn có nghĩa thứ hai dùng trong khẩu ngữ là quát mắng, phê bình nặng nề.

Hợp lý hơn có lẽ nên xem:
Sạc (gốc Pháp là charger) chỉ có một nghĩa là nạp:
Cái bình hơi 12kg được nối với máy tàu để sạc hơi. (Quốc Việt, 2006:17).
 Sạc với nghĩa này thỉnh thoảng bị viết thành xạc:
 Ông Trình ngập ngừng, lộ vẻ không cần, nhưng mắt không rời chiếc máy để trong cái hộp giấy, có tai nghe nho nhỏ, xinh xinh, bộ đồ xạc pin chỉ bằng nửa củ khoai tây.  (Lê Thành Chơn, 2005:730)

Trong khi đó xạc, gốc Pháp là sacrer, chỉ có một nghĩa là quát mắng:
Tôi vừa gọi bà Xinh lên xạc cho một trận. (Lê Thành Chơn, 2005:199)
Xạc với nghĩa này thỉnh thoảng bị viết thành sạc:
Đừng để nó chạy mất, về cao ủy sạc thấy mẹ. (Hoàng Chính, 1994:94)
Đây là lý do vì sao mục từ sạc trong từ điển của Nguyễn Kim Thản 2005 có hai nghĩa không liên quan gì với nhau.

Hợp lý hơn cả có lẽ nên xây dựng hai mục từ sạc, mỗi mục từ đều có biến thể là xạc, không nhất thiết phải phân biệt sạc (charger) với xạc (sacrer). Người Việt vẫn viết không phân biệt các từ gốc Pháp lò xo / lò so (ressort), sà lan / xà lan (chaland), sà lúp / xà lúp (chaloupe), su chiêng / xu chiêng (soutien-gorge), súp / xúp (soupe)... 

Tuesday, 10 July 2012

Ai dám gọi lịch sử là con điếm?

Lục tung Google chỉ tìm được một trang có câu này: Lịch sử là con điếm mà các chính khách ôm ngủ hằng đêm. Tác giả khoe là trích dẫn Napoléon Bonaparte. Lại lục tung tổng tập Napoléon Bonaparte (5 quyển), nhưng không tìm thấy câu nào như vậy. Mấy quyển Dictionnaire des Citations chỉ dẫn một câu có ý nghĩa rất khác với câu đã dẫn trên đây ( L'histoire est une suite de mensonges sur lesquels on est d'accord). Ai biết được nguồn gốc của việc lịch sử trở thành con điếm, xin chỉ giúp và sẽ có hậu tạ.