Monday, 3 December 2012

HỮU NGHỊ DÂN TỘC VIỆT - TRIỀU:TỪ GÓC ĐỘ LỊCH SỬ - VĂN HÓA (Trần Trọng Dương)



HỮU NGHỊ DÂN TỘC VIỆT - TRIỀU:TỪ GÓC ĐỘ LỊCH SỬ - VĂN HÓA


Bài đã đăng trên: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=42&News=5800

Trần Trọng Dương



Quan hệ ngoại giao Việt - Hàn bắt đầu từ năm 1992, trong khi quan hệ ngoại giao Việt - Triều có trước đó 42 năm (1950). Đây là những quan hệ song phương giữa các nhà nước. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử- văn hóa, quan hệ Việt - Hàn và quan hệ Việt - Triều đã hòa nhập trong tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Triều. Mối quan hệ hữu nghị này dài hơn rất nhiều so với mối quan hệ ngoại giao giữa các nhà nước hiện nay. Quan hệ Việt Nam và Triều Tiên thời Trung đại, trước nay vẫn là một đề tài được giới Đông Phương học trong nước cũng như quốc tế quan tâm và triển khai trên nhiều bình diện từ lịch sử cho đến văn học và văn hóa. Bài viết này chủ yếu mang tính chất giới thiệu những thành quả mới nhất trong nhiều năm qua về mối quan hệ đặc biệt này.

1. Việt - Triều trong đối ứng Trung Hoa

Vị trí địa lý hẳn nhiên là một yếu tố tiên quyết cho mối quan hệ Việt- Triều. Việt Nam nằm ở phía Đông Nam, Triều Tiên nằm ở phía Đông Bắc Trung Hoa.

Cái làm nên hằng số văn hóa cho cả hai dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử không gì khác chính là vị trí “sát nách” cận kề với một đại quốc đầy tinh thần bành trướng. Và chính hằng số này đã kéo gần hai dân tộc lại với nhau. Thử điểm lại vài mốc lịch sử quan trọng. Năm 207 tcn An Dương Vương và nước Âu Lạc bị Triệu Đà tiêu diệt, sự kiện này mở đầu cho 10 thế kỷ đấu tranh chống đô hộ phương Bắc tại Việt Nam. Tương đương với thời kỳ đó, vào năm 108 tcn, nhà Hán đem đại quân xâm lược bán đảo phía Đông Bắc, nhà nước cổ Cho Son của Wi Man (Vệ Mãn) bị thôn tính. Ở Việt Nam xảy ra các cuộc khởi nghĩa của hàng loạt thủ lĩnh người Việt như Triệu Thị Trinh, Trưng Trắc, Lý Bí, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng... chống lại các lực lượng quân sự đô hộ. Ở Triều Tiên là các cuộc chiến tranh của các tiểu quốc Koguryo (Cao Cú Lệ), PecChê (Bách Tế) và Shilla (Tân La) chống lại các nhà Hán, Tùy, Đường. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa ở Việt Nam nhanh chóng bị dập tắt, và phải đến thế kỷ X với hàng loạt các nỗ lực của các họ Khúc, Dương, Ngô, Lê thì Việt Nam mới giành được độc lập. Trong khi đó, ở bán đảo Triều Tiên nhà Tùy từng hai lần thất bại trước Koguryo. Và sau đó, nhà Đường bị đẩy lui khỏi bán đảo này bởi nhà nước Shilla vào năm 676. Nhưng những cái tên An Nam đô hộ phủ và An Đông đô hộ phủ mà người Hán đặt đã đi vào lịch sử hai dân tộc như những lời cảnh báo.

Trong giai đoạn Trung đại, cả hai nước đều tồn tại thiết chế trung ương tập quyền. Ở Việt Nam, các triều Khúc, Dương, Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn thay nhau cai trị từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX. Ở Triều Tiên là hai triều đại Koryo (918 - 1392) kéo dài gần 474 năm, triều đại Cho Son (1392 - 1910) kéo dài 518 năm. Cũng trong 1000 năm này, nhân dân Việt - Triều cũng đã nhiều lần tiến hành các cuộc chiến tranh vệ quốc vỹ đại. Nếu như triều Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, thì Koryo (trong vòng 30 năm từ năm 1231 đến năm 1259) cũng có 6 cuộc chiến tranh chống trả đế quốc này, trong đó có những chiến thắng vang dội tại thành Chơ- In năm 1232. Đến năm 1259, nhà Nguyên buộc phải ký hiệp ước giảng hòa. Nếu như triều Tây Sơn làm nên đại thắng quân Thanh vào thời thịnh trị bậc nhất của triều đại này vào năm 1789. Thì Triều Tiên cũng hai lần chiến thắng quân xâm lược từ Mãn Châu vào các năm 1627 và 1636.

Phác qua vài dòng như vậy để thấy lịch sử hai nước Việt - Triều ít nhiều có nhiều điểm tương đối gần nhau qua các chặng đường lịch sử. Nếu so sánh với hàng loạt các quốc gia cổ bị thôn tính, sáp nhập vào lãnh thổ Trung Hoa như Đại Lý, Liêu, Kim, Thổ Phồn... ta sẽ phải đặt ra câu hỏi rằng, điều gì đã khiến cho Việt Nam- Triều Tiên có thể vượt qua những thử thách lịch sử liên quan đến sự tồn vong của dân tộc? Tinh thần quật cường hẳn là một đáp số chung. Nhưng cũng cần phải tính đến ở đây chính là vị trí địa lý đủ xa để các triều đại phong kiến Trung Hoa dù đầy tham vọng nhưng qua nhiều lần cố gắng thì vẫn phải công nhận rằng đây là những mảnh đất “gân gà”- đánh cũng khó mà giữ càng không phải dễ. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên dẫu sao cũng an bình hơn bởi lẽ phía Đông Bắc ngoài Nhật Bản ra thì đó được coi như là ngả cụt của con đường bành trướng. Trong khi đó, Việt Nam nằm ở vị trị trọng yếu ở phía Nam- nối liền với hàng loạt các quốc gia cổ đại như Champa, Phù Nam, Khmer, Xiêm La,... và được coi như là “cửa ngõ” để người Trung Hoa có thể tiếp tục mở rộng tham vọng của mình đến những miền đất mới. Chính vì thế, các cuộc chiến tranh của Trung Hoa dành cho các triều đại ở Việt Nam luôn khốc liệt và có tần số cao hơn. Và mảnh đất này, ở mọi thời điểm, luôn tồn tại như một tiền tuyến chịu mọi phong ba bão táp, là nơi chà đi xát lại của các tham vọng lịch sử.

Và cũng chính từ đây đã có những va đập giữa các nền văn minh, trong đó một mẫu số chung giữa hai dân tộc Việt- Triều là cách ứng xử với nền văn hóa Hán.

2. Cơ tầng bản địa và yếu tố văn hóa Hán hay phương thức sinh tồn

Những cuộc đọ sức giữa các quốc gia thường được thể hiện qua các cuộc chiến tranh vũ lực, và chiến tranh thì chỉ có thời điểm- thời đoạn nào đó. Nhưng cuộc chiến văn hóa để một dân tộc tồn tại thì luôn diễn ra dai dẳng, bền bỉ, nó cần một tầm nhìn viễn kiến và mang tính sống còn. Ở điểm này, cả hai dân tộc Việt- Triều cũng đã có một mẫu số chung để tồn tại, đó là công thức: cơ tầng bản địa kết hợp với yếu tố văn hóa Hán.

Trước một thế lực mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần, hai dân tộc Việt- Triều (cũng phải kể thêm cả Nhật Bản vào đây nữa) đã lựa chọn chính sách song ngữ- song văn hóa trong suốt quãng một ngàn năm: tiếng bản địa được dùng trong đời sống thường nhật, trong các tầng lớp bình dân, và tiếng Hán được sử dụng trong hành chính, thi cử và ngoại giao. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất để Việt - Triều được coi như là những nước đồng văn. Nhưng điểm quan trọng ở đây qua bài học của người xưa chính là việc “lấy ngôn ngữ văn tự và văn hóa của người Hán để chống lại mọi sự xâm thực của người Hán”. Cho đến nay, bài học này vẫn được các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore thực hiện một cách nhất quán.

Cũng từ chữ Hán, hai dân tộc Việt - Triều đã xây dựng và phát huy thêm các yếu tố văn hóa bản địa của riêng mình. Vào thời Lý, chữ Nôm đã được người Việt sáng tạo ra trên cơ sở tự hình chữ Hán dùng để ghi chép lại tiếng Việt, và thứ văn tự này cho đến nay vẫn là hệ thống chữ viết duy nhất do chính người Việt sáng tạo trong lịch sử[1]. Trong khi đó, ở Triều Tiên là chữ Hangưl - một loại văn tự do vua Thế Tông (Sejong) và các triều thần sáng tạo và đưa vào sử dụng từ năm 1446 qua tác phẩm Huấn dân chính âm. Cũng từ đó, văn chương truyền thống của Việt Nam và Triều Tiên chia làm hai dòng chính là văn chương Hán văn và văn học bản ngữ (ở Việt Nam là văn học chữ Nôm, ở Triều Tiên là văn học chữ Hangưl). Việc sử dụng chung chữ Hán đã khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn. Có thể thấy điều này qua các đánh giá của sứ thần hai bên, cũng như lời nhận định của Minh Mệnh năm 1840 coi Triều Tiên cũng là một nước văn hiến[2] giống như Việt Nam. Như thế, văn tự Hán và văn hiến được coi như là một công cụ của chính trị của ngoại giao, nó là công cụ để hiểu rõ người Hán và chống lại mọi mưu đồ của người Hán.




Tác phẩm Phật thuyết (tk XII) đan xen Hán và Nôm.




Văn bản Huấn dân chính âm (tk XV) đan xen Hán và Hangưl.



3. Những mốc son trong quan hệ dân tộc Việt – Triều

Có thể nói rằng, trong suốt dọc dài lịch sử, các triều đại phong kiến của cả hai nước Việt - Triều gần như không có mối quan hệ bang giao, thương mại chính thức nào bởi lẽ khoảng cách địa lý cùng với hạn chế của điều kiện giao thông. Thế nhưng, từ những đoạn sử rời, chúng ta còn lần ra được những mốc son trong quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Triều.

Năm 1958, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc là Lý Thừa Vãn, viếng thăm miền Nam Việt Nam. Trong dịp này ông đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Thông tin này khiến cho các nhà sử học giật mình. Liền ngay sau đó, các nghiên cứu được đào sâu để vén lộ bức màn huyền bí của lịch sử. Nhân vật thủy tổ của dòng họ Lý trên đất Triều Tiên lạ lùng thay lại chính là Kiến Bình Vương Lý Long Tường một vị hoàng thân triều Lý của đất Việt, con thứ sáu của vua Lý Anh Tông (1138-1175). Vào đầu thế kỷ XIII, Lý Long Tường cùng thuộc tướng và những người trong họ tộc đã di cư sang Cao Ly để thoát khỏi sự truy sát của nhà Trần. Hiện nay, con cháu các chi họ Lý vẫn đang định cư tại Hoàng Hải, Hán Thành và Đông Hỏa, ở cả hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc. Tại đây, dòng họ Lý vẫn còn bảo lưu được các địa danh cổ của tổ tiên như cửa sông Phú Lương (huyện Bồn Tân)- nơi Kiến Bình Vương cập bến, địa danh Ung Tân- nơi họ Lý định cư cắm đất dựng nhà, đồi Julhang nơi có lăng của Kiến Bình Vương, Vọng Quốc đài tại Quảng Đại sơn- nơi vương đứng ngóng mỗi khi nhớ về quê hương. Theo các tư liệu Hán văn hiện còn như Hoa Sơn Quân bản truyện, Hoa Sơn Lý thị tộc phả, Cao Ly sử còn có nhiều thông tin về nhân vật này. Văn bia Thụ Hàng môn kỷ tích bi ghi : « Năm Bính Tuất niên hiệu Bảo Khánh (đời Tống), trong nước có loạn, việc thờ cúng tổ tiên ở nhà tông miếu bị hủy bỏ. Ông là chú vua, khóc ở miếu Nam Bình rồi đem các đồ thờ ở bàn thờ tổ tiên chạy về phía Đông… Ông vượt biển đến sông Phú Lương huyện Bồn Tân nước Cao Ly, ẩn ở Trấn Sơn tại phía Nam phủ thành, đặt hiệu là Vi Tử động». Văn bia này cũng ghi, Lý Long Tường được coi là anh hùng của nước Cao Ly trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông vào năm 1253, ông được vua Cao Ly phong làm Hoa Sơn Quân, ban 30 dặm đất, lập biển ghi công trạng, cho làm thái ấp để phụng thờ tổ tiên và con cháu đời đời được nhập tịch ở Hoa Sơn. Con cháu Kiến Bình Vương Lý Long Tường hiện nay sống ở cả Triều Tiên và Hàn Quốc, riêng ở Hàn Quốc có khoảng 200 hộ với trên 600 người. Gia phả dòng họ ghi chép 32 đời kể từ đời Lý Thái Tổ, trong đó 6 đời ở Việt Nam và 26 đời ở Hàn Quốc[3].




Trung Hiếu đường do hậu duệ Lý Long Tường xây theo kiểu kiến trúc mái đình Đại Việt tại Bong-hwa (Hàn Quốc)




Thụ hàng môn tại Hoa sơn, Bắc Hàn



Theo nghiên cứu của giáo sư Pyon Hong Kee (Phiến Hoàng Cơ) cho biết: dựa trên gia phả dòng họ mang tên Tinh Thiện Lý thị tộc phả được tàng trữ tại thư viện Quốc gia Seoul, ông đã phát hiện thêm một dòng họ Lý gốc Việt thứ hai thường gọi là Lý Tinh Thiện mà ông tổ của dòng họ này là Kiến Hải Vương Lý Dương Côn- hoàng tử (con nuôi)[4] của vua Lý Nhân Tông đã sang Cao Ly từ đầu thế kỷ XII. Theo Cao Ly sử, cháu đời thứ 6 của Lý Tinh Thiện là Lý Nghĩa Mân (Lee Ui Min) được vua Cao Ly là Nghị Tông (Ui Jong, 1146- 1170) phong làm Biệt tướng, sau đó khi làm phụ tá cho Lý Trọng Phu, ông còn được phong làm Trung lang tướng, Tướng quân, Đại tướng quân (1173), Thượng tướng quân (1174), Tây Bắc lộ binh mã sứ (1178). Đến đời vua Minh Tông, ông được phong làm Tư không tả bộc xạ, rồi Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự nắm quyền như Tể tướng Cao Ly trong 6 năm (1190- 1196). Sau đó, ông và ba con trai bị phái Thôi Chung Hiến (Choi Chung Heon) sát hại để đoạt quyền. Dòng họ Lý tại Tinh Thiện (thuộc đạo Giang Nguyễn, Hàn Quốc ngày nay) sau đó được nối kế bởi một người chú của Lý Nghĩa Mân[5].




Hình : ông Lý Xương Căn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TT&VH

Còn theo con số thống kê tổng thể, thì hiện nay có khoảng 3600 người là hậu duệ của hai nhánh nhà Lý đang sinh sống tại Hàn Quốc[6]. Con cháu họ Lý, từ năm 1994 đến nay, đã nhiều lần về thắp hương cho tổ tiên tại Bắc Ninh, và họ là những thành viên chủ chốt của Hội giao lưu văn hóa Hàn- Việt. Đặc biệt, năm 2010, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, ông Lý Xương Căn và gia đình, đã chính thức được nhập tịch trở thành công dân Việt Nam [7]. Cũng nhân dịp này, cuốn tiểu thuyết lịch sử « Hoàng thúc Lý Long Tường » của tác giả Khương Vũ Hạc (xuất bản năm 1967 tại Hàn Quốc) đã được tái bản lần thứ hai tại Việt Nam. Ước nguyện hồi hương sau 800 lưu lạc đã trở thành hiện thực. Ông Căn cùng với những người con dòng họ Lý đang viết tiếp những trang sử hữu nghị giữa hai dân tộc.





Hình 3: Sách Cao Ly sử

Ngoài hai dòng họ Lý trên, giới nghiên cứu còn đề cập đến dòng họ Mạc – hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi (1293-1324) ở Cao Ly. Có một số nguồn thông tin cho biết, Mạc Đĩnh Chi từng được vua Trần Anh Tông cử đi sứ sang nhà Nguyên, trong thời gian này ông gặp được một vị chánh sứ của Cao Ly và trở thành đôi bạn tâm giao, nhiều lần cùng nhau xướng họa thơ văn. Sau đó, Mạc Đĩnh Chi được mời sang thăm kinh đô Hán Thành của Cao Ly, ở đây ông đã lấy một người cháu gái của sứ thần Cao Ly nọ và sinh được một trai một gái. Đây chính là thủy tổ của họ Mạc ở Cao Ly. Rất tiếc cho đến nay, chúng tôi chưa từng được tiếp cận sử liệu gốc của những thông tin trên. Tuy nhiên, theo Lê Khắc Hòe, năm 1926, ông đã từng gặp một hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi- đang trên đường hồi hương về Hưng Yên tìm lại nguồn gốc họ tộc. Theo như lời kể của hậu duệ 20 đời của họ Mạc Cao Ly, người con trai của Mạc Đĩnh Chi làm quan võ, sinh được 12 người con: 8 trai, 4 gái… Ngành trưởng này phần đông là người giàu có, làm nghệ thương nhân. Ngành thứ, sau này sinh ra nhiều nhân tài có những đóng góp nhất định cho lịch sử văn hóa Cao Ly. Ông cũng khoe rằng, ông thuộc thế hệ ngành trưởng, thân ở Cao Ly mà hồn ở Việt Nam. Cao Ly là nơi chôn rau cắt rốn nhưng đất Việt mới là quê cha đất tổ. Hồn thiêng sông núi đất Việt luôn luôn gọi ông trở về[8].

Mặc dù, những thông tin trên chưa thực sự được kiểm định bằng các sử liệu khả tín. Song nó có ý nghĩa gợi mở lớn cho những hợp tác khoa học giữa hai dân tộc trong thời gian tới. Không chỉ thế, nhiều hiện tượng văn hóa tương đồng, cho đến nay vẫn còn là một đề tài để ngỏ đầy thú vị. Ví dụ như, Truyện Nàng Xuân Xương (- một truyện cổ tích Việt Nam sao có nhiều tình tiết với Truyện Xuân Hương của Triều Tiên đến vậy ? Hay như, có dư luận cho rằng nhạc điệu của ca trù có những tương tự về làn điệu như một số loại hình âm nhạc truyền thống của Triều Tiên? Liệu chúng có liên quan, ảnh hưởng gì đến nhau trong lịch sử?[9] Câu trả lời vẫn ở phía trước.

4. Danh nhân Việt- Triều: tình anh em bốn bể

Như trên đã viết, các triều đại phong kiến Việt- Triều chưa từng có quan hệ bang giao chính thức. Song, qua các đợt ngoại giao với các triều đại Trung Hoa tại Yên Kinh, các sứ thần hai nước đã nhiều lần gặp gỡ, xướng họa với nhau trên đất Trung Hoa. Mối quan hệ thuần túy học thuật, thuần túy thi ca này khiến chúng ta có thể đi đến nhận định rằng tình hữu nghị dân tộc Việt- Triều là một mối quan hệ hữu nghị thuần khiết và thanh tao. Theo thống kê hiện nay, tổng cộng số thơ văn xướng hoạ giữa sứ thần hai nước (từ đợt tiếp xúc Phùng Khắc Khoan- Lý Túy Quang năm 1597 đến chuyến đi sứ của Nguyễn Tư Giản- Nam Đình Thuận năm 1868 tính ra là 371 năm) đã có trên dưới 10 lần hai đoàn sứ bộ Việt Nam - Hàn Quốc gặp nhau xướng hoạ ở Yên Kinh với 33 sứ thần - tác gia, (Việt Nam: 12 người, Hàn Quốc: 21 người) và 92 bài thơ, văn (thơ: 81 bài, văn: 11 bài)[10]. Nếu tính cả đợt đi sứ của Mạc Đĩnh Chi thì các con số có lẽ còn khác nữa. Các tác phẩm này được chép trong hàng chục tập thơ hiện còn lưu trữ được tại Việt Nam (chủ yếu tại Viện NC Hán Nôm) và Hàn Quốc, Triều Tiên.

Vài chục tác giả còn lại thi văn xướng họa với nhau đó là những đại biểu tinh hoa, những trí thức hàng đầu của hai dân tộc. Như ta biết, sứ giả thời xưa đều phải là những người tài năng lỗi lạc, khoa bảng đứng đầu, họ giữ những chức vị trọng yếu trong triều đình, và khi đi sứ họ cần phải có đủ cả tài năng, chí khí, để thể hiện “phương diện quốc gia”, trong đó “đặc biệt phải lầu thông kinh sử, uyên thâm Hán học, cái vốn tri thức cần thiết trong bối cảnh quan hệ bang giao giữa các nước đồng văn”[11]. Chúng ta có thể liệt kê ra đây một số danh nhân tiêu biểu của Việt Nam như: Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đề, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Tư Giản,... và các danh nhân của Triều Tiên như Lý Toái Quang, Du Tập Nhất, Hồng Khải Hy, Lý Hiệu Lý, Từ Hữu Phòng, Nam Đình Thuận,... Những sứ giả- nhà thơ này đã viết nên những trang sử hữu nghị thấm đẫm chất văn chương và tinh thần học thuật giữa hai dân tộc Việt- Triều, trong nó điểm nổi bất nhất được thể hiện qua từng câu thơ ấy chính là tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”:

古云四海皆兄弟

相濟同舟出共車

Xưa rằng: bốn bể anh em,

Chung thuyền cùng giúp, chung xe cùng ngồi

Câu thơ trên của Phùng Khắc Khoan là dành tặng cho Kim Tiêu Dật sĩ (Triều Tiên). Trong cuộc gặp gỡ năm 1597 này, Phùng Khắc Khoan cùng với các sử thần Triều Tiên đã có đến trên 30 tác phẩm bút đàm, trao đổi học thuật. Theo đánh giá của Gs Bùi Duy Tân, cuộc gặp gỡ này được coi như là mốc son mở đầu trong lịch sử hữu nghị Việt- Triều.

彼 此 雖 殊 山 海 域

淵 源 同 一 聖 賢 書

Núi sông tuy đó đây có khác,

Nguồn sâu cùng một sách thánh hiền. (Phùng Khắc Khoan)

Hoặc như: 我 居 東 國 子 南 鄉

文 軌 由 來 共 百 王

Tôi ở nước Đông, ông nước Nam,

Lịch triều văn hiến vốn sánh ngang. (Lý Toái Quang)

Các trạng nguyên- thi sĩ này cũng tỏ rõ sự hữu hảo cũng như hiểu biết về đất nước của nhau qua những áng thơ văn. Sứ giả Cao Ly Lý Tuý Quang từng có những ghi chép như sau về con người và đất nước Đại Việt: "Chuyến đi có 23 người đều vấn búi tóc. Người cao quý thì nhuộm răng, người thấp kém thì mặc áo ngắn đi chân không... Nơi nằm thì phải ở trên giường không có hầm sưởi, ăn uống giống như người Trung Hoa..., ăn mặc phần nhiều là the lụa, không mặc gấm vóc và áo bông. Dáng người đại để sâu mắt, thấp bé... tính nết hiền lành, có biết chữ biết viết, thích tập múa kiếm..." hay “tôi nghe nói Giao Châu là nơi cực Nam, có nhiều của lạ châu báu, vàng, ngọc lâm lang, đồi mồi, ngà voi, tê giác. Thế cho nên cái khí tinh anh trong lành đặc biệt chung đúc ở đó, có người tài sinh ra ở đấy, há chỉ những của lạ mà thôi đâu”. Đặc biệt là đối với Phùng Khắc Khoan, Lý Tuý Quang miêu tả khá tỉ mỉ: "Sứ thần họ Phùng, tên là Khắc Khoan, tự hiệu là Nghị Trai, tuổi ngoài 70, hình dáng kỳ lạ, răng nhuộm đen, tóc vận thành búi, áo dài, ống tay rộng, khăn đội trên đầu thì lấy cả khổ vải đen trùm lên đầu như dáng khăn ông sư, để một nửa rủ về đằng sau xuống quá vai. Ông họ Phùng tuổi tuy đã già nhưng sức còn khoẻ, thường đọc sách viết sách luôn luôn". Những ghi chép trên cho thấy sứ giả Cao Ly rất trọng thị đối với Trạng Bùng của Đại Việt.

Vào thời Lê trung hưng, Lê Quý Đôn sau khi có tiếp xúc với sứ Cao Ly đã viết mấy lời trong sách Kiến văn tiểu lục như sau: “Nước Cao Ly về thời Đường thuộc An Đông đô hộ phủ... Người dân hiền lành cẩn thận, ham đọc sách, thạo văn học, trọng nghi lễ. Sứ thần nước Việt ta trong thời gian đi sứ Bắc Kinh, cùng với sứ nước họ có qua lại, tặng thơ xướng họa cho nhau... bày tiệc bút đàm, càng tăng thêm tình hữu hảo, sau khi về quán, lại sai 2 vị thiếu khanh mang thổ sản đến tặng”. Sau đó, các sứ giả Triều Tiên có thư lại cảm ơn và biếu tặng sản phẩm đặc biệt của Cao Ly là quạt giấy[12]. Sách Đồng văn vựng khảo bổ biên có phần chép của Chánh sứ Hồng Khải Hi và Phó sứ Triệu Vinh Tiến về phong tục tập quán nước ta như sau: “Nước An Nam, Nam Chưởng (quan lại nước Nam) đã có chế độ về mũ áo. Người An Nam lấy lụa mỏng làm mũ áo, hơi giống với nước ta. Chỉ có điều họ búi tóc. Nam Chưởng vốn là đất cũ của họ Việt Thường, họ lấy tơ vàng làm mũ áo, chế độ rất khác thường. Mũ làm bằng gấm vàng như Thác Tử (đeo thêm một đoạn đuôi), trang điểm thêm vàng để rủ ra phía sau, tóc buông như người An Nam. Cách ăn mặc của người phương Nam đại thể khác xa như thế.”

Các nhà thơ- sứ giả hai nước cũng “tranh thủ” giới thiệu về văn hóa và sản vật quê hương mình. Trong đó, có nhiều câu thơ hay đã đi vào lịch sử của hai dân tộc. Ví như đoạn thơ sau đây của Phùng Khắc Khoan:

閭巷 開 書 墊

旗亭 賣 酒 船

雨晴 添 象 跡

風暖 送 龍 涎

thôn xóm mở ra trường lớp học,

tửu lâu rượu đế chất đầy thuyền.

mưa tạnh chân voi in lối vắng,

gió nồng thổi dậy vị long diên.

Hay đôi câu thơ:

傘圓概似松山秀

鴨錄應同珥水長

Xanh tốt Tùng Sơn ngang núi Tản,

Đua dài sông Áp sánh sông Hồng

Có thể nói, thơ văn xướng họa xung quanh những chuyến tao ngộ giữa các sứ giả Việt- Triều đều là các tác phẩm ngôn từ có sức lay động mạnh mẽ. Các tác phẩm ấy đều được viết bằng tiếng Hán- quốc tế ngữ vào thời bấy giờ, nhưng vẫn đậm đà phong vị dân tộc Việt- Triều. Quả đúng như lời thơ của Nam Đình Thuận (Triều Tiên) đã viết: “núi sông tuy có khác, bút mực cũng như nhau” (san hà ưng hữu dị, hàn mặc tư tương đồng). Đường đi sứ của những danh nhân đồng thời cũng là con đường thơ ca- con đường của mối quan hệ hòa hiếu. Và các sứ giả- các thi nhân tài hoa đồng thời cũng là sứ giả bang giao hữu nghị ngàn đời giữa hai dân tộc[13].



[1] Trần Trọng Dương. Phật thuyết có phải là bản dịch ở thế kỷ XII?. Tạp chí Ngôn ngữ. 4 (2011), 31-48.

[2] Murasova G.Ph. Quan hệ Việt Nam- Triều Tiên trong các thế kỷ XVII-XIX. M. 1973. tr.126 [Chuyển dẫn. N. Niculin. Quan hệ văn học Việt Nam- Triều Tiên cuối thế kỷ XVI- giữa thế kỷ XVIII. Lưu Liên dịch. Tc Văn học. 2-1987. tr. 78.

[3] Phan Huy Lê. tb 2011. Họ Lý Hoa Sơn- Một họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc. Trong “Tìm về cội nguồn”. Nxb. Thế giới. H. tr.1023-1029.

[4] Ông là con đẻ của Sùng Hiền hầu- một tông thất của nhà Lý.

[5] Chuyển dẫn theo Phan Huy Lê. tb 2011. Họ Lý Tinh Thiện- một họ Lý gốc Việt mới phát hiện ở Hàn Quốc. Trong “Tìm về cội nguồn”. Nxb. Thế giới. H. tr.1030-1034.

[6] Phan Hiển. Thêm một chi thuộc dòng họ Lý ở Hàn Quốc tìm về Việt Nam. http://dantri.com.vn

[7] Kate Jellema. 2007. Returning home: Ancestor Veneration and the Nationalism of Đổi Mới Vietnam. Modernity and Re-Enchantment: Religion in Post-Revolutionary Vietnam (Philip Taylor edited). Institute of Southeast Asian Studies. Singapore. P. 80- 89.



[8] Lê Khắc Hòe. An Nam tạp chí số 4, tháng 8/ 1926, trang 14 -17. Chuyển dẫn theo Vũ Hiệp. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có hậu duệ ở Cao Ly từ thế kỷ XIV đến nay? Nghiên cứu Lịch sử số 2 (285)- 1996, tr. 76-81). Xem thêm Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hoá Việt – Triều trong lịch sử. Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Hà Nội. 1997, tr.75- 82.

[9] Bùi Duy Tân. 2005. Tứ hải giai huynh đệ: Những cuộc tao ngộ sứ giả- nhà thơ Việt- Triều trên đất nước Trung Hoa thời Trung đại. trong “Theo dòng khảo luận văn học Trung đại Việt Nam”. Nxb. ĐHQGHN. Tr.244.

[10] Lý Xuân Chung. Nghiên cứu, đánh giá thơ văn xướng họa của các sứ thần hai nước Việt Nam - Hàn Quốc (Luận án Tiến sĩ). Viện Nc Hán Nôm. Hà Nội. 2009.

[11] Bùi Duy Tân. 2005. bdd. Tr.250.

[12] Shimizu Taro. Cuộc gặp gỡ của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên ở Trung Quốc trọng tâm là chuyện xảy ra trong thế kỷ XVIII. Lương Thị Thu dịch, Nguyễn Thị Oanh hiệu đính, TC Hán Nôm, 3/2001.

[13] Lời của cố Gs. Bùi Duy Tân. 2005. bdd. Tr. 279.

Sunday, 2 December 2012

Trao đổi thêm về bài viết Câu chuyện phiên âm (Mathilde Tuyết Trần)

Trao đổi thêm về bài viết Câu chuyện phiên âm (*)

Mathilde Tuyết Trần

Hình ảnh của Trao đổi thêm về bài viết Câu chuyện phiên âm (*)
1. Trong ngôn ngữ Pháp có những địa danh hay tên người không thể phát âm theo cách độc âm “một là một” được, vì nhiều lý do.

Tiếng Pháp phát triển qua nhiều thế kỷ, nên còn những cách viết của tiếng Pháp cổ, có ảnh hưởng của tiếng La tinh, Hy Lạp hay tiếng Đức, tiếng Anh. Nước Pháp cũng còn nhiều thổ ngữ, nên người dân mỗi vùng từ Bắc xuống Nam, từ Đông qua Tây đều có những sự khác biệt trong cách phát âm, mà họ có thể nhận ra gốc tích của nhau, chẳng khác gì ở Việt Nam có nhiều giọng Bắc, Trung, Nam.
Trong một số từ có những mẫu tự “câm” không được phát âm, như mẫu tự h, s, t, z, e, p... Thí dụ như từ huit (chữ “h”  không được phát âm), hay địa danh Braisnes-sur-Aronde (cả hai chữ “s” trong Braisnes đều không được phát âm), hay các địa danh Betz, Metz, Matz (mẫu tự “z” không được phát âm). Trong tên Georges Deschamps thì các mẫu tự “s” và “p” đều là câm, hai mẫu tự “eo” cũng không được phát âm riêng rẽ. Ngay cả mẫu tự “s” trong Paris cũng là mẫu tự câm.
Nhiều người, không phải là người Pháp hay không thông thạo cách viết và cách nói tiếng Pháp, thì cũng phát âm sai những từ nhưMargny-lès-Compiègne hay docteur ès sciences, “lès” và “ès” thuộc về tiếng Pháp cổ.
Hoặc, có những mẫu tự nguyên âm viết a, e, i, o, u, y (và15 nguyên âm nói i, é, è, a, â, o, ô, ou, œu, eu, u, un, on, in, an) đứng kề cận nhau mà không được phát âm riêng rẽ từng mẫu tự một, thí dụ như chữ coeur chẳng hạn.
Những chữ đứng cuối trong tiếng Pháp thường bị “nuốt” hay phát âm rất nhẹ, thí dụ như chữ “e” trong từ cercle. Chỉ khi hát thì tùy theo giai điệu người Pháp bị bắt buộc phải phát âm theo nốt nhạc, khác với tiếng Đức là các âm cuối đều được phát âm rõ ràng, nên tiếng Đức nghe như là mệnh lệnh, dễ gằn giọng ở cuối từ, cuối câu. 
pic
2. Trường hợp tên của Leconte de Lisle thì như thế này: nhà thơ có nguyên tên là Charles Marie René Leconte de Lisle. Nguyên cụm từ Leconte de Lisle là họ của gia đình từ đời ông, cha. Leconte là từ bị viết tắt bởi Le Conte thành Leconte. Lisle là địa danh trong vùng Bretagne, thuộc Pleine-Fougères. Mẫu tự “s” trong từ Lisle không được phát âm. 
Trường hợp tên của Louis de Broglie thì người Việt mình có khuynh hướng phát âm theo độc âm tiếng Việt là “Brơi” nhưng điều này không chính xác. Họ “de Broglie” (viết theo tiếng Pháp từ năm 1654) xuất phát từ Ý, tên gốc là “di Broglia” thuộc vùng Chieri gần Turin (Ý), được phát âm theo thổ ngữ piémontais thành ra là “de Breuj”. Một thành phố được mang tên là Broglie, thuộc địa phận Eure và Haute-Normandie, nhưng người Pháp vẫn phát âm là “brogli” (mẫu tự “e” câm).
Trường hợp tên của tướng de Castries, người bại trận ở Điện Biên Phủ năm 1954 thì ông có nguyên tên là Christian de La Croix de Castries, người Pháp vẫn phát âm nguyên vẹn là de Castries (hai mẫu tự “es” câm). Nhưng tại Việt Nam, Christian de Castries thường được viết là tướng Đờ Cát, hay Đờ Ca-xtơ-ri. Tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ độc âm, nên cách phát âm tiếng Việt cũng theo dạng độc âm, trong mỗi chữ chỉ có một âm được viết và được phát âm mà thôi.
Điểm yếu của việc phiên âm tiếng nước ngoài (địa danh, tên người…) ra tiếng Việt là sự tùy tiện, không có tiêu chuẩn, rất khó hiểu, ngang tai.
Các phiên âm như cà phê (café), nhà ga (gare), nốt (note) nhạc, áp phích (affiche), băng rôn (bandes-rolls), rượu vang (vin), rượu cồn (alcool), phở (pot-au-feu), xe rờ moọc (remorque)… cho thấy tiếng Pháp được phiên âm theo tiếng Việt qua dạng độc âm và nhiều từ ngữ tiếng Pháp đã trở thành thông dụng trong tiếng Việt. Nhưng nếu phiên âm tiếng Đức, thí dụ như từ “Bundesversicherungsgesellschaft” hay“Krankenversicherungsgese lschaft”, “Mutterschaftsurlaub”, “Schauinsland”, “Hochschwarzwald”… ra tiếng Việt thì phiên âm như thế nào đây?
Nếu các tác giả sử dụng phiên âm, thì xin vui lòng để kèm nguyên văn tiếng gốc trong ngoặc để người đọc có thể tìm lại gốc tích, biết là nói về ai, ở đâu, về gì. 

Câu chuyện phiên âm (Nam Văn)

Câu chuyện phiên âm

Nam Văn

Hình ảnh của Câu chuyện phiên âm
HỎI:
Gần đây tôi có đọc trên nhật báo Thanh Niên một bài tên là Loạn phiên âm, trong đó ông nhà báo than phiền rằng các nhà soạn sách giáo khoa hiện nay có lối làm ăn vừa phản khoa học vừa tùy tiện khi phiên âm các từ quốc tế (những nhân danh và những địa danh…) khiến cho các giáo viên và các học sinh đều kêu khổ vì không còn biết đường nào mà lần.
Vấn đề phiên âm các từ quốc tế hình như không phải là một vấn đề mới mẻ gì mà đã có từ lâu và là một vấn đề chung cho các sách, các báo chí chứ không riêng gì cho sách giáo khoa. Nghe nói là ngày trước các nhà dịch sách đã áp dụng nhiều cách phiên âm khi gặp những từ nước ngoài có dính dáng đến tên người, tên đất. Không biết những cách phiên âm ấy ra sao? Có khác với cách trong sách giáo khoa của chúng ta ngày nay không?
(Huỳnh Văn Cứ - đường D2, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh)

ĐÁP:
Ngày xưa, tức là từ thế kỷ XVIII trở về trước các cụ của chúng ta tiếp xúc thẳng với nền văn hóa Trung Quốc nên công việc phiên âm không thành vấn đề với các cụ. Các cụ viết bằng chữ Trung Quốc, chỉ có cách đọc là khác với Trung Quốc thôi, vì các cụ đọc với giọng Việt. Chữ 天 nghĩa là trời, Trung Quốc đọc là thín thì các cụ đọc là thiên, chữ 人 nghĩa là người, Trung Quốc đọc là dành thì các cụ đọc là nhân.
Câu đầu của bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung, Trung Quốc đọc là Xây di dầu dầu nòi lọ hò, thì các cụ đọc là Thế sự du du nại lão hà. Khi dịch Tỳ bà hành, ngay câu một đã gặp tên đất là Tầm Dương thì các cụ đọc và dịch luôn là Tầm Dương chứ không phải phiên âm lôi thôi gì cả. “Bến Tầm Dương canh  khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”. Các cụ không bị mệt óc như chúng ta bây giờ.
Nhưng từ cuối thế kỷ XVIII trở về sau người nước ngoài bắt đầu đến Đàng Trong và Đàng Ngoài khá đông, nhất là đám quan binh do Giám mục Pigneau de Béhaine (sau này được gọi là Đức cha Bá Đa Lộc) đưa từ Pháp, từ Poudichéry (Ấn Độ) sang để giúp sức cho Nguyễn Ánh đánh với nhà Tây Sơn thì câu chuyện phiên âm trong lịch sử ngôn ngữ của chúng ta cũng bắt đầu.
Tên của cai đội Manuel đánh nhau với Tây Sơn và hy sinh trong trận thủy chiến ở cửa Thị Nại được Nguyễn Ánh phiên âm là Mạn Hòe. Về sau có lẽ thấy phiên âm mệt quá, khó khăn quá nên vua Gia Long (lúc này Nguyễn Ánh đã lên ngôi) cho một số sĩ quan Pháp được theo họ của vua và đặt cho họ những cái tên Việt. Chaigneau được mang tên là Nguyễn Văn Thắng hay Nguyễn Văn Chấn gì đấy.
Tên của viên quan ba Francis Garnier, người sau này bị quân Cờ Đen “chặt mất sỏ” (theo văn tế của cụ Tam Nguyên Yên Đổ), sau khi Tổng đốc Hoàng Diệu tử tiết và thành Hà Nội thất thủ, cũng được người dân Hà Nội phiên âm là Ngạc Nhi. Đó là thời kỳ phôi thai của câu chuyện phiên âm.
Mấy chục năm sau, khi các nhà Nho yêu nước của Việt Nam đọc được loại sách của Lâm Thư dịch của phương Tây thì những tên người, tên đất của Anh, của Đức, của Pháp, của Hà Lan được phiên âm theo lối Trung Quốc chứ không theo cách đọc trài trạiManuel thành Mạn HòeGarnier thành Ngạc NhiFrançais thành Pha Lang Sa như thời Gia Long, thời tiền Đông Kinh nghĩa thục nữa.
Jean-Jacques Rousseau sẽ là Lư ThoaMontesquieu sẽ thành Mạnh Đức Tư CưuChristophe Colomb sẽ là Kha Luân BốKarl Marx sẽ là Mã Khắc TưDarwin sẽ là Đạc Nhĩ VănDeustchland sẽ là nước ĐứcWashington sẽ là Hoa Thịnh ĐốnParis sẽ làBa Lê, thủ đô nước Nga sẽ là Mạc Tư KhoaSibérie sẽ là Tây Bá Lợi ÁHimalaya sẽ là Hi Mã Lạp Sơn, và còn nhiều nữa. Đó là thời kỳ thứ hai của câu chuyện phiên âm.
pic
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thời kỳ thứ ba có lẽ bắt đầu từ nhóm Nam Phong của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Học, từ nhóm Đông Dương Tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh. Vở kịch thơ Le Cid của Corneille được phiên âm là Lôi Xích, là Lôi Địch. Ông Nguyễn Văn Vĩnh vừa nằm đong đưa trên võng vừa dịch miệng Ba chàng ngự lâm pháo thủ cho người khác chép đã dùng cách riêng của ông để phiên âm d’Artagnan thànhĐắc Ta Nhan, Aramis thành A La Mĩ, Athos thành A TốPorthos thành Bô Tố.
Sau ông có Vũ Ngọc Phan cũng theo lối riêng phiên âm Tristan et Yseult thành Tiêu Nhiên và Mị Cơ. Khi dịch Tolstoi từ một bản dịch của Pháp, ông Vũ phiên âm Anna Karénine thành An Na Kha Lệ Ninh, nhân vật Urousky thành Vương Kỳ. Một dịch giả khác mà tôi không nhớ tên phiên âm Le comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas là Bá tước Kích Tôn Sơn. Thời kỳ thứ ba không theo trọn cách phiên âm của Trung Quốc mà chỉ theo có một nửa, phần còn lại là của ta tức là theo trí tưởng tượng bay bổng của người dịch.
Thời kỳ sau 1945 là thời kỳ thứ tư của câu chuyện phiên âm và kéo dài có lẽ cho đến mấy năm gần đây, trước khi xảy ra vụ mà báoThanh Niên gọi là Loạn phiên âm. Trong thời kỳ này công việc phiên âm được tổ chức và được tiến hành tương đối có phương pháp, có quy tắc hơn, nhưng cũng còn một chỗ hơi phiền là người ta cẩn thận và chi ly quá, đến nỗi phiên âm theo cách đọc của từng nước một.
Dịch một tác phẩm của Tây Ban Nha thì phiên âm theo cách đọc của Tây Ban Nha, một tác phẩm của Đức thì theo cách đọc của Đức. Thú thật là tôi hơi là lạ khi cầm đến tác phẩm lừng danh của Miguel de Cervantes và đọc thấy bốn chữ Đông Ki Hô Tê. Trước giờ tôi chỉ quen với Đông Ki Sốt. Tôi thấy bên Pháp hay bên Anh người ta theo một tiêu chuẩn quốc gia của riêng người ta để phiên âm.
Thủ đô của nước Nga được cả Pháp, cả Anh, cả Mỹ phiên âm là Moscou, là Moscow chứ không theo âm đọc Matxcơva. Nếu phải tùy theo cách đọc của mỗi nước thì dễ mệt lắm, dễ thành lung tung lắm. Pháp đã bị một vố với con sông Thames chảy qua thủ đôLondres của Anh (Londres là theo Pháp chứ theo người Anh thì là London). Thames người Anh đọc là “Tê mi dzơ”. Pháp nghe ba chớp ba nháng như thế nào không biết mà cho đến ngày nay đa số người Pháp không biết sông Thames là con sông nào mà chỉ biết con sông Tamise chảy qua London thôi. Chỉ trừ một vài trường hợp hơi hiếm người ta mới phiên âm theo giọng đọc của người khác.
Trường hợp Trung Quốc chẳng hạn. Trước kia những nhân danh, địa danh Trung Quốc đều được phiên âm theo kiểu của trường Viễn Đông Bác cổ. Bắc Kinh phiên âm là Pékin, Peking. Mao Trạch Đông là Mao Tse Tung. Nhưng bây giờ theo giọng đọc mới của Trung Quốc các nước phương Tây đã phiên âm lại là Beijing, là Mao Zei Dong.
Ngoài ra ở nhiều nước lại có chuyện chữ viết một đằng mà giọng đọc lại một nẻo. Ở Pháp có nhà bác học tên viết là Louis de Broglienhưng lại đọc là Louis de “Brơi”, có ông tướng thua trận Điện Biên Phủ tên viết là De Castries mà đọc là De “Cát” (không có“tri”), có ông nhà thơ tên viết là Leconte de Lisle mà đọc là Leconte de “Lile”.
Ở Anh có nhà văn nổi tiếng là William Somerset Maugham nhưng phải đọc là William Somerset “Mom”. Nếu căn cứ theo cách phiên âm để tìm những cái tên như thế này trên sách, trên báo thì có tìm đến bảy ngày cũng không tìm thấy.
Để kết luận, chúng ta mong mỏi các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, các nhà soạn sách giáo khoa Việt Nam nên cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc thật kỹ càng để tìm cho Việt Nam một phương pháp phiên âm vừa khoa học vừa hiện đại, vừa tiến bộ, vừa hợp lý hợp tình.

Saturday, 1 December 2012

Vùng Lĩnh Nam lập quốc từ thời Đường Ngu ? (Phan Anh Dũng - Việt Hán Nôm)


Vùng Lĩnh Nam lập quốc từ thời Đường Ngu ?

Trên diễn đàn viethoc, trong chủ đề http://www.viethoc.org/phorum/read.php?11,33998,59292,quote=1#REPLY, bác huongho vừa dẫn sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801):
通典卷第一百八十四 – 州郡十四
http://ishare.iask.sina.com.cn/f/23826745.html
Lướt qua mấy trang đầu tại hạ chợt đọc thấy một thông tin hết sức quan trọng:

自嶺而南當唐虞三代為蠻夷之國
Tự Lĩnh nhi nam đương Đường Ngu Tam Đại vi man di chi quốc.

Tạm dịch: Từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam, ngang với đời Đường Ngu và Tam Đại là (một) nước man di.
===
Đường Ngu tức là vua Nghiêu họ Đào Đường ( 2337 TCN–2258 TCN) và vua Thuấn họ Hữu Ngu.
Tam Đại tức 3 đời Hạ (bắt đầu từ vua Vũ), Thương, Chu .
Như vậy truyền thuyết về thời đại Hồng Bàng – Hùng Vương của người Việt đâu phải là chuyện bịa đặt, do Trần Thế Pháp “bịa ra” trong Lĩnh Nam Trích Quái, rồi sử quan đô tổng tài thời Lê là tiến sĩ Vũ Quỳnh “ghi bậy” vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ?
Để ý Thông Điển (801) có trước Việt Sử Lược và Lĩnh Nam Trích Quái đến khoảng nửa thiên niên kỷ.
Dẫu sách Tàu đã viết theo kiểu miệt thị gọi nước của người Việt là “man di” đi nữa thì vẫn là một “quốc” chứ không viết là một “xứ” hay một bộ lạc, hơn nữa ngay câu sau lại nhắc tới “quân” tức là “vua” của “man di chi quốc” này nên hiển nhiên phải hiểu theo nghĩa “quốc gia” … Thông tin này cũng phù hợp với thông tin của TS Nguyễn Việt cho biết đã tìm thấy nha chương bằng ngọc, biểu hiện của quyền lực, trên đất nước ta với niên đại khoảng 3500-3800 năm trước trong một ngôi mộ cổ ở Xóm Rền (Phù Ninh, Phú Thọ), khoảng 3800 năm trước là khoảng gần cuối nhà Hạ  (thế kỷ 21 TCN – 16 TCN). Nha chương này có cùng chất liệu với các vòng ngọc tìm thấy trong ngôi mộ cổ đó nên có khả năng lớn là được chế tác tại chỗ, chứ không phải là từ TQ truyền sang qua con đường giao lưu buôn bán.
Phiên âm trang sách Thông Điển ở trên:
——–
CỔ NAM VIỆT
Tự Lĩnh nhi nam đương Đường Ngu Tam Đại vi man di chi quốc, thị Bách Việt chi địa, diệc vị chi Nam Việt.
Hoặc vân Nam Việt chi quân diệc Hạ Vũ chi hậu ? Án Âu Việt (U Việt?), Mân Việt Vũ hậu Thiếu Khang chi thứ tử sở phong chi địa, tức Nam Việt phi kì chủng dã. Cố Dư địa chí vân: đông nam hữu nhị Việt kì nghĩa vị tường. Hoặc viết tự Giao Chỉ chí ư Cối Kê thất bát thiên lý Bách Việt tạp xứ các hữu chủng tính, cố bất đắc tận vân Thiếu Khang chi hậu.
Cổ vị chi Điêu Đề.
vị điêu đề khắc kì ngạch dã, Lễ ký Vương chế viết: Nam phương viết Điêu Đề.
Phi Vũ Cống cửu châu chi vực, hựu phi Chu lễ chức phương chi hạn.
Tấn thư, Tùy thư tịnh vị Giao Quảng chi địa, vi Vũ Cống Dương Châu vực, kim kê kì phong lược khảo kì trấn sổ tắc Vũ Cống chức phương giai bất cập thử, cố liệt ư cửu châu chi ngoại.
Tại thiên văn Khiên Ngưu Vụ Nữ tắc Việt chi Nam phận dã.
Vị Hán chi Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam giai kì phân dã. Kim Nam Hải, Nghĩa Ninh, Hải Phong, Ân Bình, Nam Lăng, Chiêu Nghĩa, Lâm Giá, Cao Yếu, Trạch Giang, Cảm Nghĩa, Lâm Giang, Phù Nam, Tấn Khang, Lâm Phong, Khai Dương, Cao Lương, Thủy An chi nam cảnh. Bình Lạc,
Mông Sơn, Chính Bình, Khai Giang …
=======
Tại hạ tạm dịch theo vốn hiểu biết hạn hẹp của mình:
ĐẤT NAM VIỆT CỔ
Từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam ngang với đời Đường Ngu và Tam Đại là một nước man di, nằm trong đất Bách Việt, cũng gọi là Nam Việt.
Có kẻ nói quân trưởng của Nam Việt là dòng dõi của vua Hạ Vũ ? Nhưng xét Âu Việt, Mân Việt mới là đất phong của con thứ của Thiếu Khang, đời sau của Vũ, thì Nam Việt không phải dòng giống ấy đâu. Xưa sách Dư Địa Chí có viết: đông nam có hai Việt, nghĩa ấy còn chưa rõ. Lại có sách viết từ Giao Chỉ tới Cối Kê bảy tám ngàn dặm, dân Bách Việt cư trú nhiều nơi đều có dòng có họ, như vậy không thể quy kết tất cả là hậu duệ của Thiếu Khang được.
Thời cổ gọi là (người) Điêu Đề.
Nói điêu đề nghĩa là chạm trổ nơi trán.
Sách Lễ ký phần Vương chế viết: (người) phương Nam gọi là (người) Điêu Đề.
Không nằm trong phạm vi Chín Châu của sách Vũ Cống, cũng không nằm trong giới hạn phân phong của sách Chu Lễ.
Tấn thư, Tùy thư đều gọi là đất Giao Quảng, cho là thuộc vào Dương Châu của sách Vũ Cống, nay thống kê các đất phong, khảo qua nhiều trấn trong sách Vũ Cống hay sách phân phong mà đều không khớp, vì vậy phải kể là nằm ngoài phạm vi chín châu.
Theo thiên văn địa phận sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ ứng với địa phận phía nam của đất Việt.
Thời Hán gồm địa phận các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam.
Nay (tức thời Đường) là đất Nam Hải, Nghĩa Ninh, Hải Phong, Ân Bình, Nam Lăng, Chiêu Nghĩa, Lâm Giá, Cao Yếu, Trạch Giang, Cảm Nghĩa, Lâm Giang, Phù Nam, Tấn Khang, Lâm Phong, Khai Dương, Cao Lương, Thủy An, Bình Lạc,
Mông Sơn, Chính Bình, Khai Giang .v.v.
——-
Chú thích:
1. Thiếu Khang 少康 là vua thứ 6 nhà Hạ trị vì từ 2079 TCN – 2058 TCN
2. Nhà Hạ có: Vua Vũ , Vua Khải , Thái Khang , Trọng Khang , Hậu Nghệ (cướp ngôi nhà Hạ) , Thiếu Khang (khôi phục nhà Hạ) …
3. Vũ Cống : sách địa lý xưa , chia Trung Nguyên làm 9 châu : Ký , Duyện , Thanh , Từ , Dương , Kinh , Dự , Lương , Ung (trong đó không có phần đất của người Bách Việt ),  nói về hình thể địa lý, sông ngòi, núi non, thổ nhưỡng …  của từng châu một .
4. Âu Việt: Đây là một tên phiên âm, có lẽ chỉ vùng đất U-Việt, Vu-Việt cổ nằm ngay cạnh đất Mân-Việt, tức vùng đất Ngô, Việt thời Chiến Quốc, đừng nhầm với “Âu” trong tên nước “Âu Lạc” của An Dương Vương.

Trao đổi với bà Mathilde Tuyết Trần về Câu chuyện phiên âm (Nam Văn)

Trao đổi với bà Mathilde Tuyết Trần về Câu chuyện phiên âm

Nam Văn

Hình ảnh của Trao đổi với bà Mathilde Tuyết Trần về Câu chuyện phiên âm
Tôi viết bài Câu chuyện phiên âm (Hồn Việt số 62, tháng 9/2012) là để trả lời một bạn đọc hỏi tôi là ngày trước các nhà dịch sách đã phiên âm như thế nào khi gặp những từ nước ngoài có dính dáng đến tên người, tên đất và những cách phiên âm của ngày trước có chỗ nào khác với cách phiên âm của chúng ta ngày nay không?

Bà Mathilde Tuyết Trần trong bài Trao đổi thêm về bài viết Câu chuyện phiên âm (Hồn Việt số 63, tháng 10/2012) đã góp ý về cách đọc các tên Louis de Broglie và de Castries. Hai cái tên ấy là hai trong ba cái tên tiếng Pháp mà tôi đã đưa ra để minh họa cho một câu nói trong bài viết của tôi: “Ngoài ra ở nhiều nước lại có chuyện chữ viết một đằng mà giọng đọc lại một nẻo”. Bài Câu chuyện phiên âm là một bài báo có tính cách phổ thông hóa (vulgariser) kiến thức, được viết để trả lời riêng cho một bạn đọc nhưng cũng nhắm chung đến những bạn đọc khác thuộc mọi thành phần, mọi tầng lớp trong xã hội. Chính vì vậy mà tôi phải viết sao cho thật giản dị, cho thật dễ hiểu, cho thật dễ tiếp thu. Vì vậy mà tôi đọc tên de Castries là Đờ Cát vì hai chữ Đờ Cát bất cứ ai ở Việt Nam khi nghe đến đều biết đó là ông tướng thua trận Điện Biên Phủ năm xưa.
Tên của nhà bác học Louis de Broglie tôi đọc là đờ Brơi, tên của nhà thơ Leconte de Lisle tôi đọc là Đờ Lile. Đó là do ngày xưa khi còn là một học sinh trung học tôi đã nghe những ông thầy, bà thầy người Pháp của tôi đọc như thế và bây giờ nhớ lại tôi cũng đọc như thế. Có thể là qua một thời gian dài mấy chục năm trí nhớ của tôi không còn tinh tường sắc bén như hồi còn trẻ và tôi đã đọc hơi sai. Nhưng cái đó không ảnh hưởng gì đến bài viết của tôi cả. Broglie mà đọc là Brơi, là Brới hay là Brời gì đi nữa thì cũng vẫn minh họa được cho sự việc “viết một đằng mà lại đọc một nẻo”. Bài Câu chuyện phiên âm không có tham vọng vươn đến tính cách chuyên môn, không phải là một bài giảng về cách phát âm trong tiếng Pháp, cũng không phải là một báo cáo khoa học trước một viện hàn lâm ngôn ngữ học.
Bây giờ xin trao đổi lại với bà T.T. đôi điều.
Nói phải có sách, mách phải có chứng. Sách thì có lẽ bà T.T. cũng nghe nói đến quyển từ điển Robert des noms propres (từ điểnRobert chuyên về các danh từ riêng) rất có uy tín ở Pháp. Chúng ta hãy giở ra để xem ở mục từ Broglie. Dòng họ de Broglie có gốc gác từ một nhà quý tộc Ý miền Piémont tên là Francesca Maria Broglia. Sau đó dòng họ này sang sống bên Pháp và đổi họ thành de Broglie. Từ điển ghi luôn cách đọc chữ Broglie bằng mẫu tự phiên âm quốc tế IPA là bRɔj. Nếu đọc lên thì là Brôi chứ không phải Brơi. Tôi đọc Brơi là sai, bà bảo là sai. Bà lại còn bảo là: “Phát âm theo thổ ngữ piémontais thành ‘de Breuj’” (Breujmà đọc lên thành tiếng thì cũng là Brơi). Bà và tôi, cả hai đều đọc sai như nhau cả.
Giở qua mục từ Castries. Từ điển không nói gì về tướng Christian de La Croix de Castries cả mà chỉ nói đến một ông tổ xa đời của dòng họ de Castries thôi. Đó là ông Charles Eugène Gabriel de La Croix de Castries (1727-1801). Những người soạn từ điểnRobert des noms propres cũng cẩn thận dùng mẫu tự phiên âm quốc tế IPA ghi cách đọc chữ Castries là KastR. Nếu đọc lên làCast trơ (âm trơ chỉ đọc nhẹ như hơi thở, có thể nói là gần như không phát lên thành tiếng). Như thế tên của tướng Christian de La Croix de Castries phải được đọc đúng như từ điển Robert đã chỉ. Bà T.T. bảo là “người Pháp vẫn phát âm nguyên vẹn là de Castries (hai mẫu tự “es” câm)”. Tôi phải tin bà hay phải tin từ điển Robert? Kết luận là bà đã đọc sai và tôi đọc đúng khi tôi bảo làkhông có “tri”.
pic
Còn một cái tên thứ ba là tên của nhà thơ Leconte de Lisle. Bà T.T. cũng đồng ý đọc là Leconte de Lile nhưng lại bảo là bởi vì “mẫu tự s trong từ Lisle là một mẫu tự không được phát âm”. Tôi thì nghĩ khác. Đó là bởi vì ngày xưa từ île (hòn đảo) có dạng chính tả là isle và được đọc là ile. Cách đọc ấy ngày nay người Pháp còn giữ cho những nhân danh, địa danh có từ île viết theo lối cổ. Do vậy mà tên của nhà văn Villiers de L'Isle Adam cũng được đọc là Villiers de L'Ile Adam.
Bà T.T. thường nhắc đến mẫu tự s câm. Không biết bà đã lấy cái định luật s câm không được phát âm từ quyển ngữ pháp nào! Tên của thủ đô Paris của Pháp bà cũng bảo phải đọc là Pari vì mẫu tự s trong Paris cũng là mẫu tự câm. Bà cứ nói thế chớ không chứng minh gì cả. Còn tôi sẽ chứng minh với những nhân danh, địa danh có hai chữ cuối là is như trong Paris. Chữ Alexis trong tên của bác sĩ Alexis Carrel (tác giả quyển L’homme, cet inconnu), chữ Leiris trong tên của nhà văn Michel Leiris, chữ Aramis trong tên của một trong bốn nhân vật của Ba chàng ngự lâm pháo thủ đều có hai chữ cuối là is như Paris, thế mà tại sao chúng ta lại không đọc là Alexi, Leiri và Arami mà phải đọc là Alơxítx, Lâyrítx và Aramítx?
Tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras phải đọc là Dura. Nếu bảo là bởi vì mẫu tự s của Duras là một mẫu tự câm, vậy thì tại sao tên của ông Charles Henri Havas người sáng lập ra Agence Havas ở bên Pháp năm xưa, tên của le chevalier d’Assascũng có hai chữ cuối là as như Duras mà lại được đọc với cái âm cuối là átx? Tên của nhà văn Albert Camus đọc là Camu, nhưng tại sao tên của nhân vật Charlus trong À la recherche du temps perdu của Marcel Proust cũng có hai chữ cuối là usnhư Camus mà lại phải đọc là Sạclútx?
Ngần ấy chứng cớ có lẽ cũng đã đủ để chứng minh rằng không có chuyện câm và s không câm.
Trong bài Trao đổi của mình bà T.T. còn đưa ra những quan điểm về chuyện phát âm, phiên âm các từ trong tiếng Pháp (bà dùng hai từ phiên âm và phát âm mà không phân biệt, lúc thì bảo là phát âm, lúc thì bảo là phiên âm làm như hai từ ấy là hai từ đồng nghĩa. Cũng cần nhắc lại nếu dịch từ phiên âm ra tiếng Pháp thì là transcription phonétique des mots, dịch từ phát âm thì là prononciation des mots), về cách người Việt phát âm tiếng nước ngoài ra tiếng Việt – những quan điểm mà tôi thấy có vẻ áp đặt cần phải được mang ra thảo luận lại, xét lại.
Điều làm tôi ngạc nhiên là ngay trong câu mở đầu bà đã khẳng định: “Trong ngôn ngữ Pháp có những địa danh hay tên người không thể phát âm theo cách độc âm ‘một là một’ được”. Câu nói hơi khó hiểu nhưng tôi đoán có lẽ bà muốn nói tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm (monosyllabique) nên không thể phát âm được tiếng Pháp. Tôi không đồng ý với bà T.T. ở điểm này vì tiếng Việt khi nói hay khi viết đều có thể diễn tả hết những modulations của tiếng Pháp. Bằng cớ là nếu bà muốn, tôi có thể phiên âm địa danh Braisnes-sur-Aronde của bà và đọc lên để bà nghe. Cả địa danh Margny-lès-Compiègne nữa vì lès hay leshay lez chỉ là tiếng để cho thấy là thị trấn Margny nằm gần vùng Compiègne mà thôi.
Bà T.T. còn nhấn mạnh đến cách phát âm các tiếng Pháp và có vẻ như có khuynh hướng đưa định luật phát âm các danh từ chung (noms communs) vào áp dụng cho các danh từ riêng (noms propres). Đang nói về cách phát âm các địa danh, nhân danh mà khi đưa ra thí dụ thì bà lại đưa những huitdocteur ès sciencescoeurcercle… tất cả đều là những từ không phải là danh từ riêng, không phải là địa danh hay nhân danh.
Một điều cần nói nữa là không có một quyển Grammaire nào có thể ấn định cách viết và cách đọc những danh từ riêng cả. Nếu có thể có thì cũng chỉ là một vài ước lệ lỏng lẻo mà người ta có thể theo hoặc không theo. Ngay trong trường học, ngoài những danh từ riêng thông dụng thường gặp hàng ngày, học sinh cũng không bị bắt buộc phải biết viết biết đọc tất cả những danh từ riêng xa lạ. Khi đọc bài chính tả cho học sinh viết, gặp những danh từ riêng biết là khó viết người thầy dạy nào cũng đều biên lên bảng đen để học sinh nhìn thấy mà viết theo.
Thành thử những danh từ riêng trong tiếng Pháp thường được phát âm theo thói quen, theo tục lệ của từng dòng họ, từng gia đình, từng thời đại, từng miền, từng địa phương và có khi còn phải phát âm dựa theo “đất lề quê thói” của từng xã, từng làng chớ không phát âm theo một định luật bắt buộc nào. Chính bà T.T. cũng đã vô tình và gián tiếp nhìn nhận như thế khi bà cho biết là “cái tên ‘de Broglie’ theo thổ ngữ piémontais đọc là “de Breuj’”và nói thêm “một thành phố được mang tên là ‘Broglie’, thuộc địa phận Eure và Haute-Normandie, nhưng người Pháp vẫn phát âm là ‘brogli’ (mẫu tự ‘e’ câm)”.
Cùng là chữ Broglie cả nhưng khi là tên của dòng họ de Broglie thì đọc là “de Breuj” còn khi là tên thành phố Broglie thì đọc là “brogli”. Như thế là đúng với điều tôi vừa nói trên kia, “những danh từ riêng trong tiếng Pháp thường được phát âm theo thói quen, theo tục lệ của từng dòng họ… của từng miền, của từng địa phương chớ không phát âm theo một định luật bắt buộc nào”.
Về chuyện bà T.T. cho rằng những từ như cà phê (café), nhà ga (gare), áp phích (affiche), băng rôn (banderole, trong tiếng Pháp vốn có nghĩa là lá cờ đuôi nheo nhưng không hiểu sao khi chuyển sang tiếng Việt thành băng rôn lại có nghĩa là tấm biểu ngữ), rượu vang (vin), rượu cồn (alcool), phở (pot-au-feu) là những từ phiên âm thì tôi nghĩ là không phải vậy. Đúng ra phải gọi chúng là những từ mượn của tiếng nước ngoài (ở Việt Nam phần lớn là mượn của tiếng Pháp) rồi viết lại bằng tiếng Việt và đọc bằng giọng Việt. Từ fil à plomb của Pháp cho ta dây lập lòncellule cho ta xà limgendarme cho ta lính sen đầm,caporal cho ta cặp rằng, cụm từ faire à la va-vite cho ta làm qua quít
Người Pháp cũng đã từng mượn tiếng của nhiều nước khác để tạo ra những từ mới. Họ mượn ba chữ “was ist das?” (cái gì đấy?) của tiếng Đức để tạo ra từ vasistas (để chỉ loại cửa sổ nhỏ trổ trên cánh cửa lớn để mở ra xem người khách gõ cửa là ai, là quen hay lạ rồi mới dám mở cửa mời vào nhà). Họ cũng mượn từ “packet-boat” của tiếng Anh để tạo ra từ paquebot(chỉ loại tàu biển chở hành khách), mượn từ đại phong của Trung Quốc để tạo ra từ typhon (bão tố).

Màu hoa hiên là màu gì?

Cây hiên, tức huyên thảo, kim trâm, lê lô, lộc thông, cùng họ với hành tỏi, có tên khoa học là Hemerocallis fulva, là cây thân thảo. Cây ra hoa vào mùa hạ và mùa thu, có mùi thơm, ăn được (xào hoặc nấu canh), có thể dùng làm thuốc hoặc làm màu nhuộm (vì vậy mà có tên màu là màu hoa hiên)
Ngày nay ít người nhìn thấy hoa hiên. Nói màu hoa hiên không dễ hình dung bằng màu cà rốt.

Trăng xanh chỉ có ở Nga / Than biến thành củi, cóc ra con mèo (Phạm Vũ Lửa Hạ)


Trăng xanh chỉ có ở Nga / Than biến thành củi, cóc ra con mèo

27/04/2012
Hổm rày, cái dòng kẻ chấm cỏn con khiến thiên hạ tranh cãi kịch liệt cả trên báo chính thống lẫn trên mạng. Kẻ chê dịch sai, người khen dịch đúng. Thiết nghĩ, vấn đề không phải là “đúng / sai”, mà là “hay/dở”.  Nhân vụ này chợt nghĩ tới chuyện dịch thành ngữ. Trước khi đi xa hơn, thử coi vài ví dụ sau.
  • Một blogger là phiên dịch và biên dịch cho cặp ngôn ngữ Ba Lan–Anh có một bài viết khá lý thú về chuyện dịch thành ngữ. Ví dụ, “once in a blue moon” (nghĩa đenmột lần trong kỳ trăng màu xanh) nếu dịch sát từng chữ thành “raz na niebieski księżyc” thì người Ba Lan không hiểuThay vì thế, “raz na ruski rok” (nghĩa đen: một lần trong năm Nga) là thành ngữ trong tiếng Ba Lan sát nghĩa nhất. Còn trong tiếng Việt là “năm thì mười họa” hoặc “năm thuở mười thì”.  Không biết thành ngữ Ba Lan còn có ẩn ý văn hóa gì do lịch sử giữa hai nước Ba Lan và Nga, nhất là thời kỳ Liên Xô chiếm đóng / cai trị Đông Âu sau Chiến tranh Thế giới Thứ Hai? Đoán mò như vậy vì trong tiếng Anh có nhiều cụm từ với thành tố Dutchvới nghĩa tiêu cực / mỉa mai / miệt thị … (tỉ như Dutch couragego Dutch hoặc Dutch treat /date, và Dutch disease) được xem là xuất phát từ mối hiềm khích Anh–Hà Lan trong những cuộc chiến tranh giữa hai nước hồi thế kỷ 17 và 18.
  • Ta sẽ mạnh dạn dịch “carry (take) coals to Newcastle” thành “chở than về Newcastle” nếu giả định là người Việt biết Newcastle là xứ chuyên sản xuất than. Bằng không, lại phải chua thêm một lời giải thích. (Người Việt không chừng biết nhiều hơn về đội Newcastle United, chí ít là qua danh thủ Alan Shearer). Do vậy, có lẽ người dịch giỏi nghề sẽ chọn “chở củi về rừng”.
  • Hôm nọ có bạn hỏi cách dịch “bắt cóc bỏ đĩa”. Trong khi chưa nghĩ ra lối nói nào thật sát nghĩa trong tiếng Anh, mình tạm đề xuất “to square a circle”. Chưa hài lòng, mình hỏi thêm vài người đi trước, thì được chỉ một cách nói tương đương về cả nghĩa lẫn hình tượng: “to herd cats”. (Ví dụ:Managing volunteers from fourteen different organizations is like herding cats.”) Định nghĩa của Wikipedia: “An idiomatic saying that refers to an attempt to control or organize a class of entities which are uncontrollable or chaotic. Implies a task that is extremely difficult or impossible to do, primarily due to chaotic factors.” Như vậy rất gần với định nghĩa “bắt cóc bỏ đĩa” trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên: “ hành động tập hợp mãi mà không đạt được kết quả, được người nọ lại mất người kia” (Ví dụ: “Tìm được đứa nọ thì đứa kia lại đi đâu mất, chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa.”)
  • Quả là khó dịch tựa phim “The Bucket List” nếu không biết thành ngữ “kick the bucket” nghĩa là “chết”. Dịch là “Niềm sống” kể cũng đạt vì phim kể về hai ông bạn già sắp chết vì bệnh muốn tận hưởng quãng đời còn lại với những cuộc chơi trước nay chưa từng thử. Trở lại với “kick the bucket”, chắc chẳng ai dịch “đá cái xô”, để rồi phải giải thích dông dài về từ nguyên. (Có một giả thuyết [chưa ngã ngũ] là người treo cổ tự tử thường đứng trên cái xô úp ngược, đá cái xô là xong.) Cũng chẳng ai dịch đơn giản là “chết”. Khái niệm này ở xứ nào cũng có, và ngôn ngữ nào cũng có nhiều cách diễn đạt từ trang trọng tới thông tục. Bước tiếp theo là tìm cụm từ tương đương về cả nghĩa lẫn văn phong. Có người đề nghị dịch sang tiếng Pháp là “casser sa pipe” (làm/cắn bể cái tẩu), tuy nhiên cần lưu ý “kick the bucket” là lối nói thông tục của người Mỹ. Về ấn tượng hình ảnh và âm thanh thì cụm từ tiếng Pháp gần với kiểu nói của người Anh “pop one’s clogs” (làm gãy đôi guốc). Qua tiếng Đức, một câu như “John kicked the bucket” được đề nghị dịch thành “John biss ins Gras” (John cắn cỏ”). Cách nói này lại gần với một thành ngữ tiếng Anh khác cùng nghĩa là “bite the dust”(nghĩa đen “cắn bụi”, hay gần với từ lóng “ăn đất” của ta). Còn tiếng Việt thì sao? Theo Bằng Giang (Tiếng Việt phong phú, Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1997, trang 20), khái niệm “chết” có hơn 1,001 cách diễn đạt. Vậy chỉ còn việc tìm cách nói phù hợp nhất thể hiện hàm ý hơi suồng sã. “Ngoẻo / ngủm củ tỏi / đi bán muối …” có lẽ thích hợp hơn các uyển ngữ mang màu sắc tôn giáo như “về với Chúa / về miền cực lạc” (cách này có lẽ gần với “meet one’s maker”), hay kiểu nói nặng ảnh hưởng lịch sử hay ý thức hệ như “đi gặp cụ Các Mác và cụ Lê-nin”. Ngoài ra, ngữ cảnh (context) sẽ giúp quyết định lựa chọn nào thích hợp nhất trong tổng thể toàn văn bản.
  • Trong một bài trên Better Bibles Blog, tác giả Mike Sangrey yêu cầu độc giả thử dịch [sang tiếng Anh] thành ngữ tiếng Estonia “sääsest elevanti tegema” (to make an elephant out of a gnat; biến muỗi thành voi), và thành ngữ tiếng Phần Lan “tehdä kärpäsestä härkänen” (to make a bull out of a fly; biến ruồi thành bò). Thành ngữ sát nghĩa nhất trong tiếng Anh là “to make a mountain out of a molehill” (biến đụn đất thành núi). Yếu tố tương đương ở đây là “từ chuyện nhỏ / không đáng bàn biến thành chuyện lớn / tranh cãi ầm ĩ”. Và hẳn nhiên, trong tiếng Việt ta nghĩ ngay tới “chuyện bé xé to”.
Thành ngữ đa phần là kết tinh của bao thế hệ trong nền văn hóa sử dụng thứ tiếng đó, nên đừng nghĩ là sáng tạo riêng của một tác giả nào đó rồi gắng suy diễn ẩn ý này nọ để dịch. Tất nhiên, cũng có một số ngoại lệ khi tác giả là người đi tiên phong về một lối diễn đạt về sau trở nên phổ biến. (Mình không nghĩ Nabokov sáng chế ra thành ngữ “on the dotted line”.)
Dịch thuật nói chung là tìm cách diễn đạt tương đương giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích; tương đương về từ vựng, văn phạm, cú pháp, và văn phong sao cho thể hiện sát nhất ý tưởng trong bản gốc. Để được vậy, lắm khi ta phải chấp nhận hy sinh ít nhiều. Riêng dịch thành ngữ càng hy sinh nhiều hơn. May mắn lắm mới tìm được cái tương đương về cả cú pháp lẫn ẩn dụ như trong ví dụ “bắt cóc bỏ đĩa” nói trên. Ta thường gặp may khi dịch xuôi (sang tiếng mẹ đẻ) hơn khi dịch ngược (sang thứ tiếng khác). Người dùng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ dịch cụm từ “to herd cats” sang tiếng Việt thì sẽ dễ liên tưởng hình ảnh mèo chạy loạn xạ với cóc nhảy tứ tung, hơn là ngược lại.
Dịch thành ngữ tựu chung là tìm tòi lối nói sao cho thanh thoát, tự nhiên, và dễ hiểu nhất với người đọc. Đối đế lắm mới dịch sát từng từ, và phải giải thích ẩn ý. Mượn thuật ngữ của John Rawls, người dịch nên lấy tấm mạng vô minh (veil of ignorance) phủ lên bản dịch, nên giả định là người đọc không biết ngoại ngữ. Việc này đòi hỏi người dịch có kiến thức nền tảng về văn hóa của cả hai ngôn ngữ, kỳ công tra cứu nhiều nguồn khác nhau, và một chút may mắn như nói trên. Không người dịch nào muốn bị chê là dịch máy móc như … Google. Công cụ Google Translate có siêu cỡ nào cũng không bao giờ thay thế được con người. Nếu không tin, thử lấy vài ví dụ trong bài này cho vô đó dịch xuôi dịch ngược sẽ thấy. (Nhân tiện, có bài này khá hay về những trường hợp Google Translate dịch ngô nghê từ tiếng Đức sang tiếng Anh.)
Disclosure: Mình chỉ biết tiếng Anh và một chút tiếng Pháp, còn mấy ngoại ngữ khác đề cập trong bài thì không. Chỉ sử dụng ví dụ (có giảng giải qua tiếng Anh) ở những nguồn dẫn trong bài, nên có thể có độ chênh ngữ nghĩa.