Saturday, 1 June 2013

BÁO CÁO TÌNH HÌNH CÔNG TÁC SỬA CHỮA SAI LẦM VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ CHỈNH ĐỐN TỔ CHỨC (Do ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính, Phủ Thủ tướng trình bày tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội)



BÁO CÁO
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC SỬA CHỮA SAI LẦM
VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ CHỈNH ĐỐN TỔ CHỨC(Do ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính, Phủ Thủ tướng trình bày tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội)1

Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong khóa họp thứ 6 của Quốc hội, chúng tôi đã trình bày bản báo cáo của Chính phủ về công tác cải cách ruộng đất chỉnh đốn tổ chức và về công tác sửa sai. Quốc hội đã thảo luận, xác nhận thành tích căn bản của cải cách ruộng đất và đã nghiêm khắc phê phán những sai lầm nghiêm trọng của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Đồng thời, Quốc hội đã thông qua nhiệm vụ, đường lối, phương châm chính sách và kế hoạch chung, để sửa chữa sai lầm, phát huy thắng lợi.
Trong khoảng thời gian 9 tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, các cấp và các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tập trung lực lượng tiến hành công tác sửa sai một cách kiên quyết và toàn diện. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã trực tiếp tham gia công tác sửa sai, hoặc đã góp ý kiến với Chính phủ xây dựng chính sách và lãnh đạo công tác sửa sai.
Đến nay công tác sửa sai ở nhiều địa phương đã căn bản hoàn thành, ở những địa phương khác tuy chưa kết thúc. Song nhìn chung có thể nói rằng công tác sửa sai về căn bản đã đạt được yêu cầu đã đề ra, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.
Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về tình hình và kết quả công tác sửa sai, những vấn đề tồn tại và những công tác trước mắt của nông thôn hiện nay.
I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC SỬA SAI
Tháng 9 năm ngoái, khi Đảng và Chính phủ mới phát hiện sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, tình hình ở nông thôn không được ổn định. Những người bị quy sai thành phần hoặc bị xử trí sai trong cải cách ruộng đất có dịp nói lên những điều oan ức của mình. Một số ít người vì quá uất ức, đã có những hành động trái với chính sách và pháp luật của Chính phủ, như đánh đập những người đã tố sai hoặc tự ý đi đòi lại tài sản, tranh chấp với những người được chia. Anh chị em nông dân lao động, nhất là bần cố nông được chia ruộng đất, trâu bò, nhà cửa, vì bị dư luận đả kích sinh ra hoang mang, lo lắng, không yên tâm sản xuất. Một số người đã bán chạy hoặc phá hủy những tài sản được chia. Tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở nông thôn tỏ ra kém hiệu lực, nhiều nơi hầu như tê liệt, không hoạt động. Trong cán bộ, đảng viên ở nông thôn, giữa những người bị xử trí sai với những người đã tố sai có thành kiến với nhau khá sâu sắc; đoàn kết nông thôn giảm sút rõ rệt.
Lợi dụng tình hình nông thôn không ổn định, một số phần tử địa chủ ngoan cố và bọn lưu manh, côn đồ đã trỗi dậy, có những hành động khiêu khích trả thù, đánh đập cốt cán bần cố nông, hòng xóa tội lỗi của chúng. Ở một số vùng có nhiều đồng bào công giáo, bọn phản động đội lốt tôn giáo có âm mưu phá hoại, ra sức hoạt động nhằm xóa bỏ thành quả của cải cách ruộng đất và ngăn cản việc sửa sai. Có nơi chúng lợi dụng nhân quyền giáo lý để mê hoặc quần chúng, buộc nông dân công giáo phải trả lại ruộng đất, nộp tô và trả lại những của đấu tranh được. Trắng trợn hơn nữa, có nơi bọn phản động đã thúc đẩy một số người trong quần chúng công giáo gây rối loạn ở nông thôn, chống lại chính quyền nhân dân (Quỳnh Yên), hoặc gây ra những cuộc xung đột giáo lương (Diễn Bích, Diễn Vạn ở tỉnh Nghệ An)
Trong tình hình không ổn định nói trên, một số người đã không nhận rõ đúng sai, nhận xét thiếu khách quan và toàn diện chỉ thấy sai lầm mà không thấy thành quả của cải cách ruộng đất, ý thức giai cấp bị lu mờ, cảnh giác bị tê liệt, tinh thần đấu tranh bị giảm sút. Vì chỗ sơ hở ấy, những tư tưởng xấu và lạc hậu được dịp nẩy nở thêm, những đồi phong bại tục được dịp phục hồi, bọn phá hoại và những phần tử xấu được dịp gây cho ta thêm khó khăn.
Từ tháng 9-1956, Chính phủ quyết định trả lại tự do cho những người bị giam giữ oan trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Đến tháng 11-1956, sau khi có chính sách và kế hoạch cụ thể thì công tác sửa sai mới được coi là công tác trung tâm đột xuất và tiến hành một cách toàn diện. Diện sửa sai bao gồm 3.653 xã thuộc các miền đồng bằng, trung du, miền biển đã trải qua cải cách ruộng đất và các vùng miền núi đã qua giảm tô.
Sau khi Đảng và Chính phủ đề ra chính sách và kế hoạch sửa sai và tổ chức học tập trong toàn Đảng, toàn dân, tình hình nông thôn bắt đầu có chiều hướng ổn định. Những sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức dần dần được sửa chữa, thành quả của cải cách ruộng đất được giữ vững và phát huy, ranh giới giữa nông dân với địa chủ rõ rệt hơn; âm mưu thâm độc của bọn phản động và những hành động khiêu khích, phá hoại của những phần tử xấu ở nông thôn dần dần bị bộc lộ và bị đập tan trước sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Tuy nhiên, có nơi chúng còn đang ngấm ngầm hoạt động phá hoại. Nhân dân cần phải cảnh giác và giúp đỡ cơ quan chính quyền kịp thời trấn áp chúng.
Hiện nay, nhiều nơi đã căn bản hoàn thành công tác sửa sai. Các tỉnh miền núi đã qua giảm tô như Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Thái Nguyên, rồi đến khu Hồng Quảng2, khu vực Vĩnh Linh3, các vùng ngoại thành Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Đông, Sơn Tây đã làm xong. Từ nay đến hết tháng 9, phần lớn các tỉnh còn lại có thể sẽ kết thúc công tác sửa sai; riêng vài tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ kết thúc chậm hơn.
Nhìn chung, công tác sửa sai ở các địa phương tiến hành không đều và kéo dài thời gian. Sở dĩ có tình trạng đó là vì công tác sửa sai có nhiều khó khăn phức tạp, mức độ sai lầm chính sách đã được bổ sung dần dần, song có nhiều chính sách cụ thể bổ sung hơi chậm. Mặt khác, trong thời gian qua, có nhiều công tác quan trọng và cấp bách phải làm như chống hạn, phòng lụt để đảm bảo sản xuất, thu thuế nông nghiệp, v.v. cho nên có lúc đã phải tạm hoãn công tác sửa sai để tiến hành các công tác đó, làm cho thời gian bị kéo dài thêm.
Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo về kết quả cụ thể của từng mặt công tác sửa sai.
1. Trả lại tự do cho những người bị xử trí sai trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
Tháng 9-1956, sau khi kiểm điểm công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định trả lại tự do cho những cán bộ, nhân viên và những đồng bào không có tội nhưng bị quy sai là phản động, bị giam giữ hoặc bị quản chế, bao vây ở nông thôn. Đó là một biện pháp quan trọng và gấp rút để bước đầu sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, giảm bớt tình trạng căng thẳng, bước đầu ổn định tình hình nông thôn.
Việc trả lại tự do nói chung làm được kịp thời và có kết quả tốt, được tiến hành từng bước một cách thận trọng, chắc chắn, theo đúng nguyên tắc thủ tục pháp lý của Nhà nước và có sự chuẩn bị về tư tưởng cho những người được trả lại tự do cũng như cho quần chúng ở địa phương. Tính đến nay, có 23.748 người đã được ra khỏi trại giam, phần lớn là những người không có tội, cũng có một số có tội không lớn được hưởng khoan hồng, được phóng thích. Nhiều người được xóa án quản chế ở nông thôn.
Phần đông những người được trả lại tự do, tư tưởng được thông suốt, đã gây được tác dụng tốt trong quần chúng, góp phần làm dịu tình hình. Nhiều cán bộ bị xử trí sai, sau khi được giao lại công tác, mặc dầu đời sống túng thiếu, khó khăn, sức khỏe giảm sút, nhưng đã tích cực tham gia sửa sai, góp phần củng cố đoàn kết nội bộ, củng cố sự lãnh đạo của Đảng và của chính quyền ở nông thôn. Cá biệt có những người vì tư tưởng chưa thông, cho nên về địa phương đã gây ra những chuyện báo thù đáng tiếc.
Tuy nhiên ở một số nơi, việc trả lại tự do đã có những thiếu sót, lệch lạc.
- Lúc đầu, có thiên hướng vội vàng, thiếu thận trọng, chưa nắm vững tiêu chuẩn những người đáng được trả lại tự do trong từng bước, thiếu điều tra chu đáo, quá tin vào lời khai của người bị giam giữ, cho nên có nơi đã đưa ra khỏi trại giam hàng loạt, tha lầm cả một số phần tử phản động có tội ác. Do đó, có những tên phản động được tha về đã tìm cách phá hoại sửa sai, phá rối trật tự trị an ở nông thôn. Qua việc kiểm tra tình hình ở một vài nơi thì những phần tử phản động có tội ác đã tha lầm chiếm tỷ lệ trên 2% tổng số người được trả lại tự do, có nơi đến 4% (Vĩnh Linh).
- Việc thi hành thủ tục pháp lý còn thiếu sót, nhất là ở cấp xã, không phân biệt những người không có tội được trả lại tự do với những người có tội ít nhiều được khoan hồng, được phóng thích. Do đó, quần chúng hoài nghi, hoang mang, không phân rõ sai và đúng, không phân biệt ranh giới giữa ta và địch.
Những thiếu sót, lệch lạc kể trên đang được tiếp tục uốn nắn, sửa chữa.
2. Kiện toàn các tổ chức cấp xã, huyện, tỉnh:
Trên cơ sở học tập thông suốt phương châm chính sách của Đảng và Chính phủ về sửa sai và củng cố đoàn kết nội bộ, các tổ chức Đảng, Chính, Dân các cấp xã, huyện, tỉnh đã dần dần được kiện toàn, nhờ đó đã tăng thêm khả năng và hiệu lực lãnh đạo.
Ở nhiều xã, chất lượng của các tổ chức được tăng thêm sinh hoạt và công tác bắt đầu có nền nếp hơn trước. Theo sự điều tra sơ bộ của Bộ Nội vụ ở một số địa phương thì tình hình Ủy ban hành chính xã sau khi được kiện toàn có thể phân loại như sau:
Khu III: Trong 726 xã, có 246 xã khá (33%), 316 xã trung bình (44%) và 164 xã kém (23%).
Tỉnh Quảng Bình: Trong 131 xã, có 41 xã khá (31%) 66 xã trung bình (50%) và 24 xã kém (11%).
Vĩnh Linh: Trong 22 xã có 5 xã khá (23%), 12 xã trung bình (54%) và 5 xã kém (23%).
Ở cấp huyện và cấp tỉnh, kể cả những nơi đã trải qua chỉnh đốn tổ chức, việc kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của chính quyền đã đạt được kết quả tốt. Nhiều cán bộ tốt bị xử trí sai đã được trở lại công tác cũ; đồng thời, một số cán bộ khác đã được đề bạt và bổ sung; nhờ đó việc chỉ đạo về sửa sai và về các mặt công tác khác được tăng cường hơn.
Việc kiện toàn tổ chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng từ cấp tỉnh đến cấp xã đã tăng cường được vai trò của chính quyền chuyên chính dân chủ nhân dân, giữ vững được trật tự trị an, trấn áp được bọn phản động và bọn địa chủ ngoan cố có những hành động phá hoại. Đối với nhân dân chính quyền nói chung đã giải quyết được ổn thỏa các vụ tranh chấp tài sản, hoa mầu, ngăn chặn được một số vụ xung đột, đã động viên, giáo dục quần chúng tham gia sửa sai, đồng thời đã vận động quần chúng tham gia đắp đê chống lụt, chống bão, đẩy mạnh sản xuất, đóng thuế nông nghiệp và bán nông sản cho nhà nước.
Tuy nhiên, việc kiện toàn tổ chức cũng còn thiếu sót: lẻ tẻ ở nhiều xã, có tình trạng trả lại chức vụ cho một số cán bộ đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng, hoặc những cán bộ thành phần địa chủ, phú nông được quần chúng tín nhiệm. Có nơi vì thành kiến với những cán bộ mới được đào tạo trong cải cách ruộng đất, cho nên đã gạt quá nhiều cán bộ mới, nhất là những cốt cán phụ nữ, ra khỏi các cơ quan lãnh đạo ở xã, mặc dù họ không phạm sai lầm nghiêm trọng. Có nơi chưa quán triệt đường lối nông thôn trong việc kiện toàn các tổ chức chủ yếu ở xã, cho nên có những Ủy ban hành chính và Ban chấp hành nông hội xã không được đảm bảo đúng tỷ lệ 2/3 là bần cố nông và 1/3 là trung nông (ví dụ 1/2 là bần cố nông, 1/2 là trung nông).
Những thiếu sót đó cần được khắc phục để tránh những trở ngại về sau trong việc cải tạo nông thôn theo chủ nghĩa xã hội.
Một hiện tượng khá phổ biến đáng chú ý hiện nay là tư tưởng cán bộ xã chưa thật ổn định, đoàn kết nội bộ chưa chặt chẽ, tinh thần công tác thiếu phấn khởi.
Một số khá đông cán bộ tỏ ra mệt mỏi, có ý định xong sửa sai sẽ xin nghỉ công tác, một số vì gia đình neo túng, cũng muốn nghỉ việc để giải quyết đời sống. Một số cán bộ mới, trước khối lượng công việc quá nhiều, bi quan với khả năng của mình, lo không làm nổi, sợ làm sai sẽ bị xử trí, bị nhân dân đả kích. Một số cán bộ cũ trước bị xử trí sai còn thắc mắc về việc đền bù tài sản và đãi ngộ vật chất. Trong cán bộ, giữa một số người bị xử trí sai và người đấu tố sai, nhất là giữa những cán bộ cũ, vẫn còn thành kiến với nhau.
Tình hình tư tưởng trên đây là do nhiều mặt: những sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã được căn bản giải quyết nhưng không thể giải quyết triệt để và thỏa mãn hoàn toàn mọi người được; trong công tác sửa sai, còn tồn tại một số vấn đề về chính sách đang gây ra thắc mắc, tư tưởng của cán bộ đảng viên chưa được nâng cao, chưa nhận rõ tình hình thực tế một cách khách quan và toàn diện, chưa thống nhất được yêu cầu và khả năng, chưa chuyển kịp với nhiệm vụ của giai đoạn mới. Nguyên nhân về tư tưởng sau này là vấn đề chủ yếu nhất. Cho nên đi đôi với việc Đảng và Chính phủ tiếp tục giải quyết những vấn đề về chính sách có thể giải quyết, cần tăng cường giáo dục, nâng cao giác ngộ của cán bộ đảng viên, đoàn kết chặt chẽ mọi người hơn nữa để cùng nhau khắc phục các khó khăn còn lại, ra sức thực hiện nhiệm vụ mới.
3. Sửa thành phần và đền bù tài sản:
Sửa thành phần và đền bù tài sản là công tác mấu chốt, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ công tác sửa sai. Đó lại là một công tác khó khăn phức tạp, vì nó liên quan đến quyền lợi của mọi tầng lớp ở nông thôn, đòi hỏi mọi người phải đoàn kết nhân nhượng với nhau thì mới giải quyết tốt được.
Việc sửa thành phần nhằm sửa cho những nông dân lao động hoặc những người thuộc các thành phần khác trong cải cách ruộng đất bị quy lầm là địa chủ, phú nông. Nhưng trong dịp này một số địa chủ, phú nông muốn lẩn trốn thành phần, đã lôi kéo họ hàng, bà con để hạ thành phần cho mình, gây nên tình trạng sửa đúng thành sai.
Một số người được chia và lo phải trả lại tài sản, cho nên tư tưởng bảo thủ, không muốn sửa thành phần cho người bị quy sai.
Một số khá đông người khác không được chia và cũng không bị quy sai, thường có thái độ bàng quan, hoặc sợ thù oán mà không kiên quyết bảo vệ chân lý.
Về đền bù tài sản thì có tình trạng:
Những người bị quy sai muốn được đền bù đầy đủ những tài sản đã bị tịch thu hoặc trưng mua trong cải cách ruộng đất. Có người tự ý đi đòi lại tài sản của mình, gây chuyện tranh chấp tài sản, hoa màu với những người được chia.
Những người được chia thì có người vui lòng trả lại một phần tài sản cho người bị quy sai, song cũng có người không muốn đền bù cho người bị quy sai theo đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, hoặc chỉ trả lại những ruộng xấu, ruộng xa.
Trước tình hình phức tạp đó, Đảng và Chính phủ đã đề ra yêu cầu của việc sửa thành phần và đền bù tài sản là:
- Phân rõ ranh giới giữa nông dân và địa chủ;
- Ổn định quyền sở hữu ruộng đất và củng cố vai trò làm chủ nông thôn của nông dân lao động.
- Tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết nông thôn, đẩy mạnh sản xuất;
- Chấp hành đúng đường lối nông thôn của Đảng và của Nhà nước, phát động tư tưởng quần chúng sửa sai theo đúng chính sách.
Để đạt yêu cầu đó, Đảng và Chính phủ đã đề ra phương châm chính sách như sau:
- Trong việc sửa thành phần, không để một người nào bị quy sai là địa chủ, nhưng cũng không để cho một địa chủ lọt vào hàng ngũ nông dân lao động.
- Trong việc đền bù tài sản, phải:
+ Đảm bảo quyền lợi của nông dân lao động (kể cả người bị quy sai và người được chia), đồng thời chiếu cố thích đáng đến quyền lợi của các tầng lớp khác nhằm tăng cường đoàn kết nông thôn, đoàn kết bần cố trung nông.
+ Đền bù cho những người bị quy sai có đủ điều kiện làm ăn sinh sống, đồng thời phải chú ý đảm bảo quyền lợi của người được chia, làm cho mọi người nhận rõ Đảng và Chính phủ quan tâm đến đời sống của họ, do đó mà củng cố lòng tin tưởng của họ, để họ yên tâm sản xuất.
+ Đền bù tài sản cho người bị quy sai phải dựa vào sự thương lượng, bàn bạc và nhân nhượng của nông dân lao động là chính, ngoài ra Chính phủ giúp đỡ đền bù một phần đối với những trung nông và những người lao động khác bị quy sai để họ đỡ bị thiệt thòi quá nhiều.
- Căn cứ vào phương châm chính sách kể trên, các địa phương đã giáo dục sâu rộng trong Đảng và trong quần chúng, nhằm củng cố lập trường giai cấp nâng cao tinh thần đoàn kết hữu ái, bảo thủ, bao che, muốn sửa tràn lan, muốn đền bù sòng phẳng, hoặc không muốn đền bù…
Trên cơ sở củng cố lập trường và nâng cao tư tưởng của cán bộ và quần chúng, việc sửa thành phần và đền bù tài sản đã được tiến hành và nói chung đã đạt được kết quả tốt.
Về sửa thành phần:
Theo báo cáo của các khu và các tỉnh đã sửa xong thành phần thì trong số 2.033 xã có 63.113 hộ trong cải cách ruộng đất đã bị quy là địa chủ, nay sửa cho 31.844 hộ (tỷ lệ 50,4%). Những người bị quy sai này được sửa lại thành phần phần lớn thuộc tầng lớp trung nông. Số đúng là địa chủ có 31.269 hộ, chiếm tỷ lệ 2,2% tổng số hộ ở nông thôn.
Về địa chủ cường hào gian ác, trong cải cách ruộng đất đã quy 14.908 người, nay đã sửa lại còn 3.932 người.
Về địa chủ kháng chiến, trong cải cách ruộng đất chỉ có 461, nay là 2.696 người.
Qua kiểm tra tình hình ở một số xã thuộc Liên khu 3, Liên khu 4 và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương thì việc sửa thành phần căn bản là đúng và đại bộ phận những người bị quy sai đều đã được sửa lại. Tuy nhiên, có những trường hợp có người bị quy sai chưa được sửa, hoặc có người là địa chủ lại hạ lầm xuống trung nông hoặc phú nông. Phần nhiều đó là những trường hợp nhập nhằng, có những khó khăn trong việc vận dụng tiêu chuẩn chính sách, trong việc tính lao động chính, tính công bóc lột, tính vợ lẽ, con nuôi… Cá biệt cũng có trường hợp có người rõ ràng đúng là địa chủ nhưng vì anh em họ hàng bao che mà sửa lầm thành phần, hoặc có người không phải địa chủ, song vì một số cán bộ có tư tưởng bảo thủ, ngại khó cho nên không sửa thành phần cho họ.
Về đền bù tài sản:
Việc đền bù tài sản là một vấn đề rất khó khăn phức tạp. ruộng đất, tài sản của những người bị quy sai trong cải cách ruộng đất đã đem chia cho nông dân lao động; các tài sản đó có thứ vẫn còn trong tay người được chia, có thứ đã bị tiêu dùng hết, có thứ đã bị chuyển dịch sang tay người khác.
Do đó không thể giải quyết đơn giản bằng cách rút lại tất cả những thứ tài sản đó để trả lại cho người bị quy sai. Cũng không thể nhất loạt đem chia lại ruộng đất, vì như thế sẽ gây ra xáo trộn lúng túng, động chạm đến quyền lợi của số đông quần chúng nông dân lao động, ảnh hưởng không tốt đến việc củng cố khối Liên minh công nông. Vì thế, việc đền bù tài sản phải tiến hành trên cơ sở thương lượng, điều chỉnh quyền lợi giữa những người được chia và người bị quy sai, giải quyết thích đáng quyền lợi và điều kiện làm ăn sinh sống của cả hai bên.
Do việc giáo dục trong cán bộ và đảng viên, do việc vận động sâu rộng trong quần chúng, cho nên những nơi đã đền bù tài sản nói chung đã thực hiện đúng chính sách của Đảng và Chính phủ. kết hợp với việc đền bù tài sản cho những người bị quy sai, nhiều nơi đã thi hành chính sách ưu đãi đối với thương binh, quân nhân cách mạng và gia đình liệt sĩ.
Theo tài liệu thống kê trong 421 xã của các tỉnh thì có 4.777 hộ bị quy sai, được đền bù tài sản. Trong cải cách ruộng đất đã tịch thu, trưng thu và trưng mua của họ 18.856 mẫu 5 sào 10 thước ruộng đất, 5.048 trâu bò và 3.772 nhà cửa. Nay sửa sai đã đền bù cho họ 3. 857 mẫu, 3 thước, cộng với 4.742 mẫu 9 sào 6 thước trong cải cách ruộng đất đã để lại cho họ, như vậy các hộ nói trên hiện có 8.599 mẫu 9 sào 9 thước; số còn thiếu của họ là 10.256 mẫu 6 sào 01 thước.
Về trâu bò, đã đền bù được 1.708 con, còn thiếu 3.340 con.
Về nhà cửa, đã trả lại nhà cũ cho 2.263 hộ, ngoài ra có 975 hộ được trả lại nhà cũ, nhưng lại vui lòng nhường lại một phần cho bần cố nông thiếu nhà ở.
Đối với số ruộng đất và trâu bò còn thiếu của những người là trung nông bị quy sai, Chính phủ đã quyết định sẽ trích ngân sách nhà nước giúp đỡ đền bù một phần để họ đỡ bị thiệt thòi quá đáng; số Chính phủ giúp đền bù sẽ được trả dần trong thời hạn 5 năm.
Trong việc đền bù tài sản, đồng bào nông dân lao động đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, thương yêu giai cấp rất đáng quý. Nhiều người nhận rõ những khó khăn của việc đền bù tài sản, nghĩ rằng “của đã đổ, bốc không đầy”, đã vui lòng chịu thiệt một phần, không đòi đền bù đầy đủ. Có được trả lại ruộng đất, nhà cửa, nhưng vì có đủ nhà ở và tương đối đủ ruộng làm, đã tự nguyện nhường lại cho anh em bần cố nông thiếu nhà, thiếu ruộng. Có những đồng bào trung nông không được chia, nhưng thông cảm với khó khăn của việc sửa sai, đã vui vẻ giúp một phần tiền của để đền bù cho những người bị quy sai. Những cử chỉ cao quý đó về tình đoàn kết, thương yêu giai cấp rất đáng được biểu dương. Tuy nhiên, trong việc đền bù tài sản, bên cạnh những kết quả và ưu điểm nói trên, vẫn có những thiếu sót, lệch lạc:
- Có nơi không đi đúng đường lối quần chúng, cán bộ không chịu khó đi sâu giáo dục, vận động quần chúng, cho rằng đối với người bị quy sai thì trả lại cho họ được bao nhiêu hay bấy nhiêu cho nên đền bù toàn ruộng xấu, ruộng xa và dùng mệnh lệnh ép buộc họ phải nhận; có nơi không trả lại một phần ruộng nguyên canh và không trả lại ruộng hương hỏa cho người bị quy sai vì thiếu cố gắng giải quyết hoặc có khi vì thực tế có nhiều khó khăn trong việc giải quyết.
- Có nơi không chú ý đảm bảo quyền lợi của những người được chia, dùng mệnh lệnh buộc những người được chia phải trả hết ruộng đất, trâu bò, nhà cửa và các thứ tài sản khác cho người bị quy sai, làm cho một số bần cố nông không có ruộng cày và nhà ở, có người phải ra đình, ở điếm, hoặc phải đi nơi khác kiếm ăn.
Tóm lại, trong việc đền bù tài sản, nhìn chung kết quả đạt được căn bản là tốt; nhưng có những thiếu sót, lệch lạc cần được tiếp tục uốn nắn và sửa chữa.
4. Điều chỉnh diện tích và sản lượng:
Việc điều chỉnh diện tích và sản lượng đã được đề ra và tiến hành từ bước 1 của công tác sửa sai, song vì lãnh đạo không chặt chẽ và thiếu giáo dục kỹ cho quần chúng, cho nên ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh thuộc Liên khu 3, diện tích và sản lượng đã sụt xuống quá thực tế khá nhiều. Những nơi đã điều chỉnh diện tích và sản lượng nói chung kết quả chưa được tốt, do đó năm vừa qua thuế nông nghiệp đã thất thu hàng chục vạn tấn thóc, gây khó khăn cho ngân sách nhà nước.
Hiện nay Đảng và Chính phủ chủ trương tạm hoãn việc điều chỉnh diện tích và sản lượng; sau khi sửa sai xong sẽ tập trung lực lượng giáo dục và lãnh đạo quần chúng đặng công tác này cho tốt hơn.
5. Kết hợp với sửa sai, đẩy mạnh các công tác sản xuất thu thuế nông nghiệp, thu mua nông sản:
Trong việc chỉ đạo công tác sửa sai, Đảng và Chính phủ đã đặc biệt nhắc nhở các cấp phải chú ý thực hiện các công tác quan trọng như chống hạn, phòng và chống bão lụt để đảm bảo sản xuất, thu thuế nông nghiệp, thu mua nông sản, v.v.. Các công tác nói trên đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, vì trong công tác sửa sai còn tồn tại một số vấn đề, tình hình nông thôn chưa thực sự ổn định, cho nên quần chúng chưa thật yên tâm và phấn khởi sản xuất, ý thức tương trợ, hợp tác và tinh thần tham gia các công tác lợi ích chung ở nông thôn chưa được phát huy mạnh mẽ.
6. Vài nét về tình hình sửa sai ở những vùng có những đặc điểm khác nhau:
a) Vùng ngoại thành:
Công tác sửa sai ở các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, Hải Phòng cũng được tiến hành đồng thời với các vùng nông thôn khác và đã kết thúc vào tháng 7 năm 1957.
Tình hình ở các vùng này ngoài những điểm chung của nông thôn, còn có những đặc điểm như sau:
- Ruộng đất ít, ngoài số ruộng trồng lúa, còn là đất trồng rau, trồng hoa để cung cấp cho thành phố.
- Nhân dân các vùng ngoại thành, ngoài nghề làm ruộng, còn làm nhiều nghề khác, ở những xã sát nội thành càng có nhiều người không làm ruộng như công nhân, dân nghèo, tiểu thương, người làm nghề thủ công, v.v..
- Nhiều người ở trong thành phố làm nghề công thương, viên chức, tiểu thương, công nhân, cũng có ít nhiều ruộng đất ở ngoại thành cho phát canh hoặc thuê người làm; Phần lớn những ruộng đất đó đã được trưng mua đem chia cho nông dân.
- Trong cải cách ruộng đất, ngoài số địa chủ quy đúng, ta đã quy sai lên địa chủ một số trung nông và một số người làm nghề công thương, viên chức, tiểu thương, công nhân có ít nhiều ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm.
Khi tiến hành sửa sai ở các vùng ngoại thành, Đảng và Chính phủ đã bổ sung chính sách cụ thể, chú ý đúng mực đến tình hình và đặc điểm nói trên.
Nay kiểm điểm lại, công tác sửa sai ở các vùng ngoại thành đã căn bản đạt được yêu cầu.
Những người thuộc thành phần nhân dân lao động bị quy sai là địa chủ, phú nông đều đã được sửa thành phần. Một số người làm nghề công thương, viên chức, có ít nhiều ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm trong cải cách ruộng đất bị quy là địa chủ hoặc là người làm nghề khác kiêm địa chủ, nay cũng đã tùy từng trường hợp cụ thể mà được sửa lại hoặc được thay đổi thành phần.
Việc đền bù tài sản cho những người bị quy sai đã được giải quyết trên cơ sở thương lượng điều chỉnh giữa những người được chia và người bị quy sai, theo phương châm đảm bảo điều kiện làm ăn sinh sống của người bị quy sai, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người được chia. Đối với những người làm nghề khác bị quy sai thành phần đã vận động nông dân trả lại các tài sản chính thuộc là những công cụ sản xuất. Song có một số tài sản khác của người bị quy sai như đồ dùng trong nhà, thóc lúa, tiền bạc, v.v.. thì nay đã hư hỏng hoặc không còn nữa, không thể đền bù đầy đủ được, cho nên đã vận động những người bị quy sai cố gắng bằng lòng chịu thiệt.
Đối với những người bị quy sai thành phần mà hoàn cảnh khó khăn của nông thôn không thể đền bù tài sản cho họ một cách thỏa đáng, nay nếu xét họ quá túng thiếu thì Chính phủ giúp đỡ một phần để họ có điều kiện sinh sống và sản xuất.
Các tổ chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở xã cũng được bước đầu kiện toàn. Trong các Uỷ ban hành chính xã, có đủ đại biểu các tầng lớp nhân dân lao động tham gia, chú ý công nhân và bần cố nông.
Sau sửa sai tình hình nông thôn ngoại thành đã ổn định hơn trước, nhân dân đoàn kết và hăng hái tham gia sản xuất. Tuy nhiên, việc sửa sai ở đây cũng còn lại một số vấn đề như các nơi khác cần được tiếp tục giải quyết.
b) Vùng có đông đồng bào công giáo:
Ở miền Bắc nước ta hiện nay có trên 70 vạn đồng bào công giáo; có 3 nơi đồng bào công giáo ở đông nhất là Bùi Chu, Phát Diệm (Liên khu 3) và Xã Đoài (Liên khu 4).
Trong cuộc phát động quần chúng cải cách ruộng đất, trình độ giác ngộ chính trị của đồng bào nông dân công giáo đã được bước đầu nâng cao; giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ, ruộng đất, tài sản của địa chủ đã được tịch thu, trưng thu, trưng mua và một phần ruộng đất của nhà chung đã được trưng thu, trưng mua đem chia cho nông dân. Bên cạnh những thành quả ấy, cải cách ruộng đất ở các vùng có đông đồng bào công giáo cũng phạm sai lầm như các vùng khác, ngoài ra, còn phạm một số sai lầm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo.
Mặc dù bọn phản động đội lốt tôn giáo ra sức phá hoại, công tác sửa sai ở các nơi có đông đồng bào công giáo gặp nhiều khó khăn, nhưng nói chung, do sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và Chính phủ, cán bộ có tinh thần chịu đựng gian khổ, đi sâu vận động giáo dân, cho nên cuối cùng đã tranh thủ được quần chúng, và tiến hành sửa sai tương đối có kết quả. Những sai lầm về thực hiện chính sách tôn giáo đã được sửa chữa; Những người không có tội lỗi đã được trả lại tự do, những người có ít nhiều tội lỗi với giáo dân cũng đã được hưởng khoan hồng (cá biệt có một số thật sự tội ác không nhỏ nhưng vì lẽ này hay lẽ khác cũng được hưởng khoan hồng). Việc trả lại nội tự cho Nhà chung, Nhà chùa, trả lại đồ thờ cúng bị trưng thu nhầm trong cải cách ruộng đất được các địa phương cố gắng giải quyết. Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã giúp đồng bào công giáo sửa chữa một số nhà thờ và tổ chức chu đáo những ngày lễ lớn. Hiện nay, ở các vùng có đông đồng bào công giáo, đang tiến hành việc sửa thành phần và đền bù tài sản. những công việc ấy đã được số đông đồng bào công giáo đồng tình.
Tuy nhiên, nhìn chung, công tác sửa sai ở các vùng có đông đồng bào công giáo gặp nhiều khó khăn, lúc đầu có nơi bị động, rụt rè, không kiên quyết đối phó với những phần tử phản động đội lốt tôn giáo trắng trợn ngăn cản và phá hoại sửa sai, phong trào tiến chậm so với các nơi khác, sự chỉ đạo của các cấp Đảng và Chính quyền ở những nơi đó chưa được vững và kịp thời. Hiện nay các thiếu sót ấy đang được sửa chữa.
c) Miền biển:
Miền biển miền Bắc nước ta chạy dài hơn 700 cây số, gồm có 195 xã, trong đó 154 xã đã qua cải cách miền biển. Tình hình ở đây rất phức tạp: đồng bào làm nhiều nghề nghiệp khác nhau, trình độ giác ngộ của quần chúng không được đều so với các vùng nông thôn ở trung du và đồng bằng. Trong cải cách miền biển, giai cấp địa chủ và bọn cường hào gian ác đã bị đánh đổ, song đã phạm sai lầm đánh địch tràn lan và quy sai thành phần nhiều. (Theo báo cáo một số nơi đã sửa xong thành phần thì tỷ lệ quy sai thành phần ở miền biển trung bình là 70%). Trong sửa sai, miền biển có những khó khăn đặc biệt hơn các nơi khác: ruộng đất trồng trọt ít, đất ở cũng ít, thuyền lưới của những người bị quy sai đã đem chia cho các tập đoàn đánh cá, không thể rút ra được.
Hiện nay, những xã miền biển ở Hải Phòng, Hồng Quảng, Vĩnh Linh đã sửa sai xong; phần lớn các xã khác ở miền biển đang tiến hành đền bù tài sản. Một số xã đã đền bù xong, nói chung đạt được kết quả; nhờ phát động tư tưởng quần chúng tương đối tốt, cho nên đã thực hiện được phương châm “sửa sai trên cơ sở đảm bảo sản xuất”.
Việc thực hiện chính sách sửa sai về thành phần và đền bù tài sản đối với những người làm nghề nghiệp khác ngoài nghề nông đã tranh thủ được sự đồng tình của nhiều người. Mặc dù không rút lại các thuyền lưới đã chia cho các tập đoàn để trả lại cho những người bị quy sai, nhưng ở đây, nhờ quần chúng đã quen với lối làm ăn tập đoàn, cho nên việc thương lượng, nhân nhượng giữa tập đoàn đánh cá được chia thuyền lưới với người bị quy sai đã được giải quyết tương đối ổn thỏa.
Về các tổ chức thì ở một số nơi, hội dân đánh cá đã củng cố được sinh hoạt từ tiểu tổ lên cấp xã, nhưng vì quan niệm về tổ chức chưa thống nhất, cho nên công tác của hội còn lúng túng.
Tình hình sửa sai miền biển nói chung tương đối ổn, vì chính sách sửa sai được bổ sung cụ thể, cán bộ tích cực công tác, quần chúng sẵn có tinh thần tin tưởng và đoàn kết tương trợ.
Mặc dù những người bị quy sai bị thiệt thòi một phần, những người được chia phải trả lại một phần tài sản để đền bù cho người bị quy sai, nhưng đời sống mọi người nói chung không bị ảnh hưởng nhiều. Nhờ sản xuất được đẩy mạnh, đời sống đồng bào miền biển được cải thiện hơn trước.
d) Miền núi:
 Khu tự trị Việt Bắc và khu Lào - Hà - Yên có 535 xã đã qua giảm tô trong đó có 49 xã đã qua cải cách ruộng đất. Ở đây, tình hình có nhiều vấn đề phức tạp, hiện nay chưa được kết luận; phải chờ cuộc điều tra nông thôn ở miền núi có kết quả mới xác định được đường lối nông thôn và chính sách ruộng đất ở miền núi.
Công tác sửa sai ở các địa phương lại tiến triển không đều nhau song nhìn chung, đã thu được những kết quả nhất định. Việc sửa thành phần, đền bù tài sản trong phạm vi sửa sai về giảm tô và cải cách ruộng đất căn bản đã làm xong. Tuy vậy, đôi nơi có trường hợp hạ lầm thành phần hoặc chưa đền bù xong một số tài sản đặc biệt như những đồ dùng có quan hệ đến phong tục, tập quán của đồng bào miền núi.
Theo báo cáo thì ở 393 xã thuộc khu tự trị Việt Bắc trong cải cách ruộng đất đã quy 2.245 hộ là địa chủ, nay đã sửa cho 1.861 hộ, chỉ còn 384 hộ là địa chủ.
Hiện nay, ở những vùng miền núi đã sửa sai xong, nói chung các tổ chức ở xã vẫn còn yếu, nội bộ chưa được đoàn kết nhất trí, có nơi xích mích giữa dân tộc này và dân tộc khác vẫn chưa được dàn xếp; vẫn để đền bù tài sản chưa được giải quyết thỏa đáng, nên có nơi vẫn xảy ra tranh chấp tài sản, ảnh hưởng không tốt đến đoàn kết và sản xuất. Đó là một số vấn đề phải tiếp tục giải quyết.
II. NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ KHUYẾT ĐIỂM TRONG VIỆC LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC SỬA SAI
Nhìn chung công tác sửa sai qua các bước và các vùng khác nhau đã thu được kết quả tốt.
Sở dĩ đạt được kết quả đó là vì:
1. Nhân dân ta rất tốt, có truyền thống đoàn kết và tin tưởng vững chắc. Trong những lúc khó khăn, nhân dân ta đã gắn bó chặt chẽ với Đảng và Chính phủ. Trước những sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đại đa số đồng bào đã nhận rõ tình hình chung, tỏ thái độ đúng mức và nhận rõ trách nhiệm của mình là phải tích cực góp phần vào việc sửa sai. Những đồng bào bị quy sai thành phần bị xử trí sai, tuy bị thiệt thòi về tinh thần và vật chất thậm chí có một số gia đình có người bị thiệt mạng, nhưng nói chung đồng bào đã nén đau thương và cố gắng tham gia công việc chung.
Nhờ có truyền thống đoàn kết và tin tưởng ấy của nhân dân, công tác sửa sai đã tiến triển thuận lợi, đồng thời chúng ta đã đánh bại được âm mưu thâm độc của bọn phản động trong nước và ngoài nước định gây chuyện rối ren trong thời gian vừa qua.
2. Cán bộ của ta phần lớn là tốt, căn bản đã giữ vững được đoàn kết, nhất trí, kiên quyết bảo vệ thành quả của cách mạng và lợi ích của nhân dân; đã tận tụy, tích cực công tác, chịu đựng gian khổ đi sát quần chúng và chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.
Cán bộ đảng viên bị xử trí sai, sau khi được trả lại tự do nhận lại công tác, đã đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, giữ vững đoàn kết nội bộ, tích cực công tác, phục vụ nhân dân.
3. Chính sách và kế hoạch sửa sai của Đảng và Chính phủ căn bản là đúng. Đảng và Chính phủ lại kiên quyết tập trung lực lượng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành công tác sửa sai. Trong quá trình công tác, Đảng và Chính phủ đã theo dõi chặt chẽ, bổ sung các chính sách và kế hoạch cụ thể để hướng dẫn các cấp. Đồng thời, sau khi cân nhắc các mặt và tính toán kỹ, Chính phủ đã quyết định trích một phần ngân sách giúp đền bù cho những trung nông và thành phần lao động khác bị thiệt thòi quá nhiều, để đảm bảo thực hiện đúng đường lối nông thôn của Đảng và của Nhà nước. Kết hợp với sửa sai, việc lãnh đạo thực hiện các công tác khác ở nông thôn, nhất là công tác sản xuất, đã thu được những kết quả tương đối tốt.
Tuy nhiên về mặt lãnh đạo, từ Trung ương đến các địa phương có những khuyết điểm như sau:
Về lãnh đạo tư tưởng:
Trong việc phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp tháng 10 năm ngoái, trên nhận thức và tư tưởng của một số cán bộ và nhân dân có những lệch lạc, như cho cải cách ruộng đất là thất bại, hoặc chỉ thấy sai lầm của cải cách ruộng đất mà không thấy hoặc phủ nhận thành quả của cải cách ruộng đất; hoặc cho đường lối nông thôn và chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất của Đảng và Chính phủ là sai lầm, v.v.. Nhưng về mặt lãnh đạo tư tưởng, Trung ương cũng như các địa phương đã không kịp thời và thiếu kiên quyết đấu tranh uốn nắn các lệch lạc đó. Trái lại, có nơi đã buông lỏng việc lãnh đạo tư tưởng, để cho những tư tưởng sai lầm, lạc hậu có cơ hội nảy nở. Thậm chí đối với những hành động vô tổ chức, vô kỷ luật của một số ít cán bộ và nhân dân, cũng không kiên quyết, không kịp thời giáo dục và ngăn chặn. Những nhận thức, tư tưởng lệch lạc đó chậm được uốn nắn, đã ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các công tác trả lại tự do, giữ vững trật tự an ninh, kiện toàn tổ chức, sửa thành phần và đền bù tài sản,v.v..
Về lãnh đạo chính sách:
Nói chung, các chính sách cụ thể về sửa sai đề ra chậm, có chính sách thiếu cụ thể hoặc thiếu cơ sở điều tra thực tế đầy đủ, phải bổ sung nhiều lần, làm cho cán bộ nhất là ở xa khó nắm vững.
Về lãnh đạo tổ chức:
Trong thời gian đầu, không kịp thời tăng cường bộ máy giúp việc chỉ đạo sửa sai ở các cấp và chậm động viên cán bộ tham gia sửa sai. Kế hoạch sửa sai lúc đầu thiếu cụ thể, các địa phương tiến hành không thống nhất. Có nơi điều chỉnh diện tích và sản lượng trước, có nơi vội vàng sửa thành phần và đền bù tài sản trong khi Đảng và Chính phủ chưa công bố chính sách cụ thể, cho nên đã phạm nhiều lệch lạc, sau mới uốn nắn theo một kế hoạch chung. Một vài nơi, cấp lãnh đạo thiếu ý thức tổ chức và kỷ luật, tự ý đặt ra chính sách, không báo cáo và xin chỉ thị, nhưng Đảng và Chính phủ đã chậm phát hiện và sửa chữa kịp thời.
Những khuyết điểm ấy một phần đã làm cho công tác sửa sai bị kéo dài. Tuy nhiên, những khuyết điểm ấy xảy ra trong thời gian đầu, về sau Đảng và Chính phủ đã kiểm điểm và có uốn nắn, sửa chữa.
III. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRƯỚC MẮT CỦA NÔNG THÔN HIỆN NAY
Nhìn chung, từ khi bắt đầu tiến hành công tác sửa sai đến nay, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn và trong từng bước công tác cụ thểmắc nhiều thiếu sót, khuyết điểm, song công tác sửa sai căn bản đã đạt được kết quả tốt, đồng thời vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.
Ở những nơi đã hoàn thành công tác sửa sai, tình hình nông thôn đã chuyển biến tốt và căn bản. Khi mới phát hiện sai lầm, tư tưởng của cán bộ và nhân dân căng thẳng, nay dần dần được ổn định. Nhiều người đã thống nhất nhận định về thắng lợi căn bản cũng như về sai lầm của cải cách ruộng đất và đã thông suốt đường lối, phương châm, chính sách sửa sai của Đảng và Chính phủ, do đó đã hăng hái tham gia sửa sai có kết quả.
Những người bị quy sai đã được sửa thành phần và được đền bù tài sản, tương đối có điều kiện làm ăn sinh sống.
Quyền sở hữu ruộng đất của nông dân lao động được xác định, quyền làm chủ nông thôn của nông dân lao động được củng cố.
Nói chung, tình đoàn kết trong nông dân lao động được giữ vững, trật tự, trị an được củng cố, sản xuất được phát triển.
Cơ sở tổ chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở nông thôn được kiện toàn hơn trước, nội bộ đoàn kết hơn, tác dụng về hiệu lực lãnh đạo đã tăng thêm.
Tuy nhiên, tình hình nông thôn hiện nay không phải đã mười phần tốt đẹp cả, không phải không còn có khó khăn và khuyết điểm. Một số nơi tuy đã sửa sai xong, nhưng vì làm chưa tốt cho nên trong quần chúng còn có người thắc mắc, chưa yên tâm và phấn khởi sản xuất, vẫn còn xảy ra xích mích, pháp luật chưa được tôn trọng triệt để. Ngay ở những nơi đã sửa sai xong tương đối tốt, tình hình đoàn kết trong nông dân lao động vẫn chưa được thật chặt chẽ, nhất là giữa một số người bị quy sai với những người có tham gia đấu tố và những người được chia, vẫn chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhau. Nạn cờ bạc, rượu chè, đình đám, mê tín… vẫn còn lẻ tẻ ở một số địa phương. Trong cán bộ đảng viên vẫn còn một số chưa thật yên tâm và phấn khởi công tác. Hiện tượng mỏi mệt, muốn xin nghỉ công tác còn khá phổ biến. Đoàn kết nội bộ chưa thật vững chắc.
Sau cải cách ruộng đất, trong công tác nông thôn lại có nhiều vấn đề mới phải giải quyết: ý thức làm ăn tương trợ, hợp tác trong nông dân chưa được nâng cao; tình trạng mua bán ruộng đất, cho vay nặng lãi, lẻ tẻ đã thấy xuất hiện; một số khá đông người ít muốn bán nông sản cho Nhà nước theo giá quy định, chậm trả nợ ngân hàng, chậm đóng thuế nông nghiệp, không sốt sắng tham gia các công tác lợi ích chung như giữ đê, phòng lụt, chống hạn….
Về giai cấp địa chủ, sau khi bị đánh đổ, số đông đã chịu lao động cải tạo, nhưng còn một số ít phần tử địa chủ ngoan cố vẫn âm mưu ngóc đầu dậy hoạt động phá hoại, gây chia rẽ ở nông thôn. Nhất là ở những nơi có đông đồng bào công giáo, bọn phản động đội lốt tôn giáo vẫn tiếp tục dùng mọi thủ đoạn thâm độc trắng trợn hòng khống chế giáo dân ly gián quần chúng công giáo với Đảng và Chính phủ, âm mưu xóa bỏ thành quả của cải cách ruộng đất.
Ngoài ra còn một số công tác trong sửa sai chưa làm hoặc làm chưa được tốt, cần được nghiên cứu và tiếp tục giải quyết như:
- Điều chỉnh diện tích và sản lượng.
- Tiếp tục kiểm tra các vụ án còn lại, trả lại tự do cho một số người có đủ tiểu chuẩn, đồng thời theo dõi và có thái độ xử trí thích đáng đối với những phần tử có tội ác đã tha lầm.
- Nâng cao cảnh giác, đề phòng và ngăn ngừa mọi hành động của bọn phá hoại.
- Tiếp tục giải quyết một số trường hợp sửa thành phần và đền bù tài sản chưa đúng chính sách.
Căn cứ vào tình hình trên đây, để tiếp tục củng cố nông thôn, đưa nông thôn tiến dần lên con đường làm ăn có tổ chức, đẩy mạnh sản xuất, chúng tôi nhận thấy hiện nay có mấy việc chính phải làm như sau:
1. Hoàn thành tốt công tác sửa sai và xúc tiến tổng kết cải cách ruộng đất:
Những nơi chưa hoàn thành công tác sửa sai cần tập trung lãnh đạo để hoàn thành được tốt và gọn.
Những nơi đã sửa sai xong cần kiểm điểm toàn bộ công tác sửa sai, đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề tồn tại để tiếp tục giải quyết.
Đi đôi với việc hoàn thành công tác sửa sai, cần xúc tiến chuẩn bị tổng kết toàn bộ cuộc vận động cải cách ruộng đất và nghiên cứu đường lối tiến lên của nông thôn sau cải cách ruộng đất nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác nông thôn, thống nhất tư tưởng của cán bộ và nhân dân trong công cuộc tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp.
2. Đẩy mạnh các công tác kinh tế tài chính ở nông thôn:
Trước mắt, cần ra sức chống hạn, chống úng thủy, phòng lụt, phòng bão, trừ sâu, phòng dịch để hoàn thành tốt vụ mùa và chuẩn bị tốt vụ chiêm.
Kết hợp với sản xuất và để đẩy mạnh sản xuất, cần ra sức củng cố và phát triển các tổ đổi công, nhất là các tổ đổi công thường xuyên.
Đối với các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, cần tiếp tục củng cố và tùy theo tình hình từng nơi mà có kế hoạch phát triển một cách vững chắc.
Rút kinh nghiệm để củng cố những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiện có.
Đồng thời tiếp tục điều chỉnh diện tích và sản lượng tương đối sát với tình hình ruộng đất để làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách thuế nông nghiệp.
Thực hiện tốt chính sách thu mua nông sản và thu nợ cho Nhà nước góp phần quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ.
3. Phát triển các công tác văn hóa xã hội:
Phát triển bình dân học vụ theo đúng kế hoạch của Nhà nước, tăng cường công tác vệ sinh, phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe của nhân dân, nhất là những nơi bị lụt, bão, hạn.
4. Giữ vững trật tự trị an ở nông thôn:
5. Tăng cường các công tác tổ chức và tư tưởng:
Tiếp tục củng cố các tổ chức cấp xã như thường lệ để kiện toàn hơn nữa việc lãnh đạo các mặt công tác ở nông thôn; chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp để tăng cường chính quyền Nhà nước.
Tăng cường giáo dục trong Đảng và trong quần chúng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ nhiệm vụ cách mạng hiện nay, để tăng cường đoàn kết nhất trí, nâng cao chí khí phấn đấu và tinh thần phấn khởi, hăng hái cách mạng của mọi người đang hoàn thành tốt những nhiệm vụ trước mắt.
Từ nay đến cuối năm, các công tác trên đây đều phải tiến hành song cần phải nắm vững mấy công tác quan trọng nhất là:
- Hoàn thành tốt công tác sửa sai và xúc tiến tổng kết cải cách ruộng đất.
- Đẩy mạnh các công tác kinh tế:
·       Chống hạn, phòng lụt, đẩy mạnh sản xuất;
·       Củng cố và phát triển các tổ đổi công;
·       Điều chỉnh diện tích và sản lượng;
·       Thu mua nông sản và thu nợ ngân hàng.
- Tăng cường giáo dục trong Đảng và trong nhân dân về nhiệm vụ của nông thôn sau cải cách ruộng đất.
Thưa các vị đại biểu !
Trên đây, chúng tôi đã báo cáo về tình hình và kết quả công tác sửa sai từ khi bắt đầu đến nay, những vấn đề tồn tại cần được tiếp tục giải quyết và nhiệm vụ công tác trước mắt của chúng ta ở nông thôn.
Những kết quả đạt được của công tác sửa sai có một tác dụng quan trọng trong việc hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Qua công tác sửa sai, chúng ta càng nhận rõ những thắng lợi của cải cách ruộng đất, đồng thời cũng nhận rõ thêm những sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, song thắng lợi của cải cách ruộng đất là căn bản.
Hiện nay công tác sửa sai sắp kết thúc, tình hình nông thôn đang đi tới căn bản ổn định. Trong điều kiện thuận lợi ấy chúng ta sẽ đưa nông thôn tiến dần lên con đường làm ăn có tổ chức, nhằm phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn: có những khó khăn tất nhiên do sự phát triển của nông thôn sau cải cách ruộng đất, trong quá trình chuyển từ nền sản xuất cá thể sang sản xuất tập thể. Nhưng mặt khác, có những khó khăn do hậu quả của những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức chưa được thanh toán hết, của những vấn đề tồn tại sau công tác sửa sai chưa được giải quyết xong xuôi.
Chúng ta không chủ quan tự mãn với kết quả đã đạt được của công tác sửa sai, trái lại cần nhận rõ những khó khăn, phức tạp của tình hình nông thôn để ra sức động viên cán bộ và nhân dân tiếp tục nỗ lực phấn đấu đặng khắc phục mọi khó khăn, bắt tay thực hiện những nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của giai đoạn mới.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, Báo Nhân dânsố 1290 ra ngày 20-9-1957.



1. Bản gốc không ghi cụ thể ngày trình bày báo cáo (BT).
2. Nay là tỉnh Quảng Ninh (BT).
3. Nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (BT).

Tư liệu của NV Sơn Tùng (Mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh)-P1 (Phạm Tôn)



thu-son-tung-revisedTrang đầu và trang cuối (có con dấu và chữ ký của tác giả) tập bản thảo của nhà văn Sơn Tùng.
Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhà văn Sơn Tùng có nhã ý “ký thác” toàn bộ những sưu tầm của ông trong nhiều năm “Về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh” mà ông trân trọng gọi là “bậc danh nhân văn hóa” cho “nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình kính quí”. Tập tư liệu chép tay quý giá này tròn 20 trang, viết xong ngày 8/12/2008, tức 12/11 Mậu Tý, tại Hà Nội – Chiếu Văn.
Nay, nhà văn đã đồng ý với đề nghị của nhạc sĩ Phạm Tuyên, cho công bố những trang viết của ông trên blog của chúng tôi.
Từ hôm nay, chúng tôi xin trích đăng tập tư liệu với tiêu đề từng phần và lời dẫn, lời bình của chúng tôi.
Xin chân thành cảm ơn thâm tình của nhà văn và xin mời bạn đọc bắt đầu theo dõi tập tư liệu có một không hai này.
MẤY LỜI KÝ THÁC
nv-son-tungNhà văn Sơn Tùng trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Văn Nghệ, tháng 3/2009
Thân gửi: Nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình kính quí.
Thưa Anh,
Đời cầm bút của tôi: viết báo, viết văn, chí thành với đề tài lịch sử và danh nhân Bác Hồ.
Sống trước viết.
Từ sau Cách mạng tháng 8-1945 đến năm 1970, tôi dấn thân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước; xông pha khắp ba miền Bắc-Trung-Nam tìm tòi, tích lũy vốn sử liệu về các nhân vật lịch sử ,sự kiện, khảo sát, khảo chứng,… Năm 1971, tôi bị thương nặng trong trận giặc Mỹ đánh phá quyết liệt vùng hậu cứ miền Đông Nam Bộ. Sau gần một năm cáng thương qua Trường Sơn, tôi được về lại Thủ đô Hà Nội.
Pham Tuyen_Son Tung
Chiến tranh có kết thúc. Vết thương chiến tranh trên cơ thể chỉ khép lại khi người mang vết thương ấy tắt nghỉ! Gần 40 năm qua, vừa vật lộn với vết thương mỗi khi tái phát hành hạ, vừa moi cái vốn tích lũy được mà viết, viết cho vơi bớt nỗi đau! Cho đến ngày hôm nay, tôi mới viết được trên 20 đầu sách, đã xuất bản. Bản thảo còn đang viết tiếp, vốn có rồi mà chưa viết được bao nhiêu; một số bậc danh nhân trong đó có danh nhân văn hóa Thượng Chi – Phạm Quỳnh đã chuẩn định mà chưa thực hiện được. Giờ đây, tôi đã ngoài tám mươi, liệu còn làm xong được những chuẩn định? Vì vậy tôi thành tâm chép lại những điều tôi sưu tầm được về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh, xin trân trọng ký thác tới gia đình bậc danh nhân văn hóa Phạm Quỳnh.
MINH CHỨNG
I. Ghi theo lời Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh
CỤ VŨ ĐÌNH HUỲNH-số 5 – Hai Bà Trưng, Thủ đô Hà Nội. Cụ xuất thân trong gia đình Thiên Chúa giáo yêu nước. Là nhà trí thức yêu nước dấn thân trong các phong trào đấu tranh Cách mạng kiên cường bất khuất, bị tù qua Hỏa Lò, ngục Sơn La…Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16,17/8/1945, cụ Nguyễn Lương Bằng đưa cụ Vũ Đình Huỳnh đến giới thiệu với Cụ Hồ ở nhà sàn làng Kim Lung tên mới là Tân Trào. Cụ Hồ “kết” ngay cụ Vũ Đình Huỳnh là tâm phúc. Tổng khởi nghĩa – Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Cụ Hồ về Hà Nội tại “Đại bản doanh”48 Hàng Ngang ngày 25/8/1945; Cụ Hồ sở cầu ngay cụ Vũ Đình Huỳnh làm Bí thư cho Chủ tịch nước, từ việc “Cầu hiền”để lập chính phủ lâm thời; đặc phái viên của Hồ Chủ tịch đến Phát Diệm “thuyết khách” Giám mục Lê Hữu Từ và về Yên Mô (Ninh Bình) mời Linh mục Phạm Bá Trực, rồi đến Liên Bạt (Hà Đông) trao thư Hồ Chủ tịch vời cựu Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, xuống Thái Bình chuyển giao nhiệm vụ cho đồng chí Ba Ngọ, cựu chính trị phạm ở Thái Bình – nay là phái viên của Hồ Chủ tịch mời cụ Vi Văn Định, cựu Tổng đốc Thái Bình ra gánh vác việc nước. Cụ Vũ Đình Huỳnh làm Bí thư – tâm phúc của Bác Hồ cho tới cuối năm 1953…
Ho Chi Minh_Vu Dinh Huy
PHẦN 1: “BẤT TẤT NHIÊN”
Bác Hồ rời Tân Trào, Tuyên Quang, Việt Bắc ngày 22 tháng 8 năm 1945. Ngày 25/8/1945, Người về nhà 48 Hàng Ngang, Thủ đô Hà Nội, lúc thành phố lên đèn.
Ngày 26/8, Người triệu tập và điều hành phiên họp đầu tiên Thường vụ Trung ương Đảng tại đây. Quyết định lớn: Thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa, các thành viên chính phủ lâm thời thật tiêu biểu của dân tộc, của nhân dân; phải có Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và thế giới với một cuộc mít tinh lớn hàng mấy chục vạn người ở Thủ đô Hà Nội. Chính phủ ra mắt nhân dân và cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.
ho-chi-minhHồ Chí Minh – Năm 1945
Ngày 28/8/1945, Hồ Chủ tịch đến làm việc tại Bắc Bộ phủ, 12 phố Ngô Quyền. Một phái đoàn Trung ương – ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Huy Liệu, ông Cù Huy Cận đã vào Huế dự lễ vua Bảo Đại thoái vị. Hôm phái đoàn lên đường rồi, Hồ Chủ tịch mới về Hà Nội, như chợt nhớ Người nói với ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng – Tổng chỉ huy quân đội – Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Giản- Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam, Vũ Đình Huỳnh: “Chú Bằng (Nguyễn Lương Bằng), chú Liệu (Trần Huy Liệu), chú Cận (Cù Huy Cận) vô Huế rồi mình mới về thì đã trễ, giờ chú Nam (Hoàng Hữu Nam) hoặc xem có ai thay được chú Nam vô Huế gặp Cụ Phạm Quỳnh, trao thư tôi mời Cụ…” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT).
Hai hôm sau, ông Hoàng Hữu Nam đến báo cáo với Hồ Chủ tịch: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt (Chúng tôi nhấn mạnh – PT)hai người con gái của ông ở Hà Nội, gặp tôi thổ lộ việc này”. Hồ Chủ tịch để điếu thuốc đang hút dở xuống gạt tàn, nói lửng: “Bất tất nhiên”!* (Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Người hỏi ông Hoàng Hữu Nam:
- Hai chị ấy tên là gì?
Ông Hoàng Hữu Nam trình bày:
- Dạ…Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức, thưa Bác.
- Chú mời hai chị em cô ấy gặp tôi, chú Tư (Vũ Đình Huỳnh) sẽ sắp xếp ngày giờ gặp…
Ông Hoàng Hữu Nam tươi cười kể lại với Bác là chị Giá, chị Thức bày tỏ xin được gặp Cụ Hồ, nhưng chưa dám hứa chắc vào lúc nào…
Sau buổi làm việc này, ông Vũ Đình Huỳnh trao đổi với ông Hoàng Hữu Nam, Hồ Chủ tịch sẽ tiếp “thân nhân Cụ Phạm” vào cuối buổi sáng ngày 31/8/1945 tại phòng khách Bắc Bộ phủ.
Ngày 31/8/1945, buổi sáng Hồ Chủ tịch rà xét lần cuối bản thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 và bốn người nữa đến báo cáo với Hồ Chủ tịch về công việc chuẩn bị cho ngày lễ…
Đến 10 giờ 30 phút, ông Hoàng Hữu Nam báo với ông Vũ Đình Huỳnh: “Đã mời thân nhân Cụ Phạm đến, đang ở phòng khách…”. Cụ Vũ Đình Huỳnh khi kể lại với tôi sự việc này, cụ nói trầm trầm như tâm sự: “Tôi nghe danh ông Phạm Quỳnh từ một bỉnh bút, chủ nhiệm, chủ bút báo Nam Phong và Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức. Có đôi lần nhìn thấy ông khăn xếp áo the, kính trắng đi từ trụ sở Nam Phong phố Hàng Da, qua Hàng Bông đến trụ sở Khai Trí Tiến Đức, phố Hàng Trống, bên hồ Hoàn Kiếm. Tôi có biết chị Phạm Thị Giá, vợ giáo sư Tôn Thất Bình dạy Pháp văn ở trường Thăng Long cùng với cụ Phó bảng Bùi Kỷ, dạy Hán văn; các giáo sư Hoàng Minh Giám dạy Pháp văn, giáo sư Đặng Thai Mai dạy Pháp văn, giáo sư Võ Nguyên Giáp dạy văn, sử, địa, giáo sư Vũ Đình Hòe dạy văn, giáo sư Nguyễn Xiển dạy toán, lý… Còn chị Phạm Thị Thức là vợ bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, cùng quê Nam Định với tôi, lại còn thân thuộc nữa. Cho nên, cái phút giây tháp tùng Hồ Chủ tịch đến gặp chị Giá, chị Thức tôi bùi ngùi thấy hai chị rụt rè, sợ sệt, chỉ một thoáng, hai chị xúc động mạnh trước cử chỉ Hồ Chủ tịch cầm tay hai chị thân tình, an ủi và mời ngồi vào ghế đối diện với Người. Người nói:
- “Tôi ở chiến khu Việt Bắc mới về Hà Nội, nghe tin chẳng lành về Cụ nhà ở Huế…”. Hồ Chủ tịch ngừng giây lát, nói tiếp: “Trong lúc cuộc khởi nghĩa bùng nổ khó tránh được sự lầm lẫn. Rất tiếc khi ấy tôi đang trên đường về Hà Nội (ngày 22/8/1945, Hồ Chủ tịch rời Tân Trào, Tuyên Quang). Chị Phạm Thị Giá trình bày sự việc cha bị bắt trong lúc đang làm việc tại nhà…Chị Phạm Thị Thức hai tay nâng phong thư lên Bác, Người nhận và chuyển sang tay cho tôi, dặn: “Chú chuyển sang Bộ Nội vụ”. Bác thân mật hỏi han hai chị em về tình hình gia đình ở trong Huế, ở Hà Nội…Người dặn: “Những việc hai cháu vừa đề đạt, hai cháu sẽ trực tiếp gặp ông Hoàng Hữu Nam, Bộ Nội vụ nhá…”.
Đồng chí Bảy (Luật sư Phan Mỹ) Đổng lý văn phòng vào thỉnh thị Chủ tịch… Người đưa tay cầm chặt bàn tay chị Giá, chị Thức: – “Hai chị em về nhá, tôi có việc khẩn…”
* Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội 1992) thì Bất tất nhiên có nghĩa là: “Không nhất định phải như thế, có thể ra cách khác được.”

Lời bình của Phạm Tôn: Việc hai người con gái đầu của Phạm Quỳnh xin và được Hồ Chủ tịch tiếp từ 11 giờ sáng ngày 31/8/1945 đã được chính người chị là cụ Phạm Thị Giá sau này thuật lại tỉ mỉ trong bài Phạm Quỳnh, Người nặng lòng với nước, đăng trên nguyệt san Công giáo và Dân tộc, cơ quan của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, số 140, tháng 8/2006, từ trang 99 đến trang 116, và bài Người nặng lòng với nước, đăng trên tạp chí Xưa và Nay, cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 267, tháng 9/2006, từ trang 15 đến trang 20.
Điều này chứng tỏ đã là sự thật thì trước sau gì cũng được xác nhận từ các góc nhìn của những nhân chứng rất khác nhau. Thời đầu Cách mạng thật trong sáng. Chính quyền và nhân dân thật gần gũi. Người đứng đầu chính quyền Cách mạng lúc ấy dẫu bận trăm công nghìn việc, vẫn sẵn sàng, chân tình tiếp và lắng nghe tiếng nói của người dân, dù họ “thuộc diện có vấn đề”, không hề né tránh, để những bức xúc của người dân rơi vào “sự im lặng đáng sợ” như sau này.

Friday, 31 May 2013

Tìm hiểu sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1964) (Nguyễn Văn Quyền - Quân Đội Nhân Dân)



Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là kết quả hợp thành của một loạt nhân tố chủ quan và khách quan, trong nước và trên thế giới, dân tộc và thời đại. Hơn 30 năm sau ngày kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhìn lại, càng thấy rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nguyên nhân làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc mà một trong số đó là sự giúp đỡ đầy nghĩa tình của bạn bè khắp năm châu, của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Liên Xô và Trung Quốc. Bài viết này, trình bày một cách khái quát về viện trợ mà Trung Quốc dành cho Việt Nam trong những năm đầu Việt Nam chống Mỹ (1954-1964).
Công hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) là quốc gia sớm nhất và đầu tiên có quan hệ, giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (ngày 18-1-1950, nước CHND Trung Hoa công nhận Việt Nam). Và ngược lại, Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng là một trong những nước đầu tiên công nhận và đặt quan hệ chính thức với nước CHND Trung Hoa (ngày 15-1-1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra tuyên bố công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Ngay sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngày 5-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện tới đồng chí Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Điện văn có đoạn nêu rõ: "Tôi rất vui mừng được tin Chính phủ nước CHND Trung Hoa được thành lập. Thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam, tôi kính mừng ngài, Chính phủ và nhân dân Trung Hoa. Hai dân tộc Việt-Nam có mối quan hệ trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tư do, hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài". Tiếp ngay sau đó, ngày 2-1-1950, Hồ Chủ tịch chính thức thăm nước CHND Trung Hoa và đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ Trung Quốc.
Những hoạt động tích cực trên của Hồ Chủ tịch đã góp phần vào việc mở ra một trang sử mới trong quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt-Trung. Hai nước đã chính thức công nhận nhau, tỏ rõ sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Và cũng thông qua chuyến thăm này của Hồ Chủ tịch, Đảng, Chính phủ Trung Quốc chính thức nhận sẽ giúp đỡ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam theo lời đề nghị của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và hiệu quả của Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là từ sau chiến thắng Biên Giới Thu Đông (1950). Chiến thắng này đưa sự nghiệp khắng chiến chống Pháp của nhân dân ta vượt qua giai đoạn khó khăn, bị kẻ thù bao vây 4 mặt. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã mở thông với quốc tế trên nhiều hướng, hậu phương ta trực tiếp nối liền với Trung Quốc, qua đó nối với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ khi biên giới phía Bắc được khai thông đến hết năm 1950, Việt Nam đã tiếp nhận từ Trung Quốc 1.020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang quân dụng, 2.630 tấn gạo, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 800 tấn hàng quân giới, 30 xe ô tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô tô. Ngoài ra, Trung Quốc còn cử một đoàn gồm 79 đồng chí cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn cùng La Quý Ba, Trần Canh sang giúp Việt Nam; nhận huấn luyện, trang bị cho Đại đoàn 308 (thiếu), Trung đoàn 174, Trung đoàn pháo binh hạng nặng 45, Trung đoàn pháo cao xạ 367, hai tiểu đoàn công binh, trường sĩ quan lục quân… của Việt Nam. Tuy rằng, sự ủng hộ giúp đỡ ban đầu chưa nhiều, nhưng đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, kế thừa quan hệ truyền thống, chúng ta tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở với tất cả các nước nhằm không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tranh thủ sự giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, dự trữ chiến lược cho sự nghiệp kháng chiến lâu dài.
Quán triệt đường lối đối ngoại đó, Đảng và Chính phủ ta liên tiếp cử nhiều đoàn đại biểu, đại diện đi thăm hỏi, trao đổi, làm việc với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa trong đó có Trung Quốc. Đầu tiên phải kể tới chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô của Hồ Chủ tịch vào tháng 7 năm 1955-một chuyến đi có ý nghĩa đặt nền móng cho việc tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, thiết lập quan hệ đồng minh chiến lược với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, trước hết là với hai nước Liên Xô và Trung Quốc khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Tiếp đó, cuối năm 1955, đoàn đại biểu quân sự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu quân Giải phóng Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, theo Báo cáo tình hình viện trợ của Tổng cục Hậu cần cho biết: "Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã giúp Việt Nam đặt Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và đã giúp Việt Nam trang bị kỹ thuật cũng như huấn luyện đào tạo cán bộ để thực hiện Kế hoạch này". Gần 2 năm sau, tháng 6-1957, Hồ Chủ tịch dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hội lên đường thăm Trung Quốc, Liên Xô. Sau đó, lần lượt là các đoàn đại biểu do các đồng chí Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan… dẫn đầu sang thăm và làm việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Qua các cuộc tiếp xúc trao đổi, chúng ta đều bày tỏ mong muốn tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với bạn, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong các hoạt động quốc tế và đấu tranh ngoại giao; mong muốn Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Việt Nam về vốn, vật chất, kinh nghiệm cho sự nghiệpx ây dựng miền Bắc và củng cố nâng cao tiềm lực quốc phòng, thực hiện đấu tranh hòa bình giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Về cơ bản, các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hoàn toàn nhất trí và có những ý kiến đóng góp rất thiết thực vào những đề xuất về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam đề ra; hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành. Chính vì vậy, mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc giúp đỡ khá lớn cả về viện trợ quân sự lẫn kinh tế. Nguồn vốn này cùng với nguồn vốn do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác viện trợ đã góp phần quan trọng bảo đảm cho miền Bắc Việt Nam hoàn thành thắng lợi các kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh ngay từ những năm đầu sau giải phóng.
Cuối năm 1954, đầu năm 1955, ngay khi miền Bắc vừa được giải phóng, nhân dân gặp khó khăn về mọi mặt (theo thống kê chưa đầy đủ đến tháng 10 năm 1954, miền Bắc đã có gần nửa triệu người bị đói) thì Tổng hội cứu tế Trung Quốc đã kịp thời gửi 10.000 tấn gạo, 5 triệu thước vải cho nhân dân Việt Nam. Tuy số lượng không lớn, nhưng sự giúp đỡ kịp thời ấy có ý nghĩa rất lớn. Đó là nguồn động viên và trực tiếp góp phần giúp nhân dân miền Bắc Việt Namvượt qua những ngày đầu khó khăn sau giải phóng. Đánh giá cao về sự kiện này, Đảng và Nhà nước ta ghi nhận "Trong lúc chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nạn đói và phục hồi sản xuất, việc giúp đỡ của Tổng hội cứu tế Trung Quốc đối với nhân dân ta có một ý nghĩa rất quan trọng. Nó chứng tỏ sự ủng hộ không vụ lợi và tinh thần quốc tế cao cả của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam".
Những năm tiếp sau, Trung Quốc tổ chức nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Việt Namtrong công cuộc khôi phục phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội… Nhận đào tạo ngắn hạn và dài hạn hàng nghìn học viên Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực quân sự, đã có các lớp thực tập sinh sau:
Về vũ khí mới: Việt Nam đã cử 74 đồng chí do đồng chí Tạo làm trưởng đoàn sang học từ tháng 12-1956 đến tháng 6-1958;
Về sản xuất vũ khí: phục vụ trực tiếp cho nhà máy Z1 và Z2 là 80 người do đồng chí Phan Văn Dán và Đặng Hữu Thập làm trưởng đoàn sang học từ tháng 2-1960 đến tháng 6-1961;
Về sửa chữa đạn dược, hóa nghiệm, thuốc nổ: 12 đồng chí sáng học từ tháng 8-1956 đến tháng 4-1958.
Về mạ huân, huy chương: 4 đồng chí sang học từ tháng 6-1958 đến tháng 9-1959.
Quản lý xe máy có 3 người; Quân nhu gồm 6 người sang học từ tháng 8-1956; Xăng dầu có 6 người đi năm 1960.
Có thể nói, với đường lối đối ngoại đúng đắn, ngay trong 10 năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1964), Việt Nam đã nhận được sự dủng hộ giúp đỡ tận tình, quý báu của Trung Quốc. Trung Quốc đã bảo đảm việc huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ ban đầu, xây dựng lực lượng, cung cấp vật tư trang thiết bị và hậu cần, bảo đảm vận chuyển; dành cho Việt Nam các khoản viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi.
Về viện trợ kinh tế: Từ năm 1954 đến năm 1964, Chính phủ Trung Quốc giúp vốn khôi phục hệ thống đường sắt, bến tàu, tu sửa cầu đường, xây dựng nhà máy dệt, nhà máy thuộc da, nhà máy giấy, một số nông trường… với trị giá 1.224 nghìn triệu đồng trong 5 năm (1955-1960).
Ngày 31-1-1961, tại Bắc Kinh, thay mặt Chính phủ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Duy Trịnh, Phó Thủ tướng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước đã cùng đồng chí Bạc Nhất Ba, Phó Thủ tướng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước nước CHND Trung Hoa ký Hiệp định Trung Quốc cho Việt Nam vay dài hạn 141.750.000 Rúp chuyển đổi trong 7 năm (1961-1967) để thanh toán các khoản viện trợ kỹ thuật trong xây dựng và mở rộng 28 xí nghiệp gồm luyện kim, công nghiệp nhẹ, đường sắt. Ngoài ra, Trung Quốc còn giúp Việt Nam khảo sát, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện cùng toàn bộ vốn cây, con giống, tài liệu khoa học kỹ thuật phục vụ cho việc xây dựng 8 nông trường chăn nuôi, trồng trọt đầu tiên của quân đội… Có thể nói nhiều cơ sở công nghiệp đầu tiên trên miền Bắc đều đã được xây dựng từ nguồn vốn này.
Về viện trợ quân sự: Trong những năm này, Việt Nam đã nhận được một khối lượng vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật và hậu cần tương đối lớn. Tổng trọng lượng trang thiết bị quân sự và vật tư hậu cần mà Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam lên tới 58.953 tấn, trị giá 382 triệu NDT. Cụ thể các năm như sau: năm 1954 (tính từ ngày 1-6-1954 trở đi) 16.734 tấn; năm 1955 là 6.546 tấn, trị giá 23.316.000 NDT; năm 1956 là 1.380 tấn, trị giá 14.423.000 NDT; năm 1957 là 4.019 tấn, trị giá 22.682.000 NDT; năm 1958 là 4.410 tấn, trị giá 39.336.000 NDT; năm 1959 là 1.672 tấn, trị giá 25.608.000 NDT; năm 1960 là 1.562 tấn, trị giá 18.898.000 NDT; năm 1961 là 6.234 tấn, trị giá 30.276.000 NDT; năm 1962 là 2.717 tấn, trị giá 44.332.000 NDT; năm 1963 là 3.538 tấn, trị giá 40.150.000 NDT; năm 1964 là 10.141 tấn, trị giá 122.983.000 NDT.
Cụ thể bao gồm một số loại chính đươi đây:
STT
Tên tran bị vật tư hậu cần
Đơn vị tính
Số lượng
1
Súng bộ binh các loại
khẩu
33.854
2
Súng chống tăng, DKZ các loại
khẩu
5.421
3
Súng cối các loại
khẩu
2.486
4
Pháo mặt đất
khẩu
593
5
Súng máy cao xạ
khẩu
419
6
Pháo cao xạ
khẩu
269
7
Đạn nhỏ các loại
viên
212.414.000
8
Đạn B40, B41, DKZ
viên
254.605
9
Đạn cối
viên
706.152
10
Đạn súng và pháo cao xạ
viên
7.027.553
11
Đạn pháo mặt đất
viên
202.500
12
Thuốc nổ
tấn
1.272
13
Tầu hải quân
chiếc
04
14
Xe vận tải, xe kéo pháo
chiếc
820
15
Xe chuyên dụng
chiếc
37
16
Xe máy công trình
chiếc
101
17
Xe, máy vô tuyến điện
bộ
5.338
18
Máy tổng đài
Bộ
18.787
19
Dây điện thoại dã chiến
km
8.658
20
Xăng dầu
tấn
2.717
21
Quân trang đồng bộ
bộ
278.450
22
Thuốc, bông băng, dụng cụ y tế
tấn
125
Nguồn vũ khí trang thiết bị chiến tranh này đã được khẩn trương bổ sung, trang bị cho các đơn vị trong lực lượng vũ trang, góp phần phục vụ trực tiếp công tác huấn luyện và nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của quân đội Việt Nam. Đánh giá về kết quả viện trợ đó, Báo cáo về quan hệ giữa nước ta và các nước anh em của Việt Nam ghi nhận rằng: “Cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô, sự gúp đỡ của Trung Quốc đã có tác dụng rất quan trọng đối với việc cải tiến và tăng cường trang bị của quân đội ta, làm cho quân đội ta tiến thêm một bước trên con đường hiện đại hóa”(11).
Tuy nhiên, cũng qua các tài liệu đã được tổng hợp và thống kê trên đây đã chỉ ra, có thể do nhiều lý do mà nguồn viện trợ quân sự của Trung Quốc dành cho Việt Nam qua từng năm rất khác nhau cả về số lượng, chất lượng và chủng loại. Cụ thể từ cuối năm 1959 đến những năm đầu 1960, Việt Nam thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng ở miền Nam thì cũng là hai năm Việt Nam nhận được khối lượng và giá trị các mặt hàng viện trợ ít nhất so với các năm trước và sau đó. Vũ khí, loại phương tiện rất cần thiết cho chiến trường và trong chiến đấu thì Việt Nam nhận được rất nhỏ giọt, theo chiều hướng thường năm trước cao hơn năm sau. Chẳng hạn năm 1959, Việt Nam nhận được 429 tấn vũ khí, thì đến năm 1960 chỉ còn 229 tấn. Năm 1961 tụt xuống còn 188 tấn. Năm 1962 là 162 tấn. Sang năm 1963 chỉ còn 79 tấn, nhưng tới năm 1964 lại tăng vọt lên 753 tấn(12).
Không chỉ viện trợ vũ khí, vật tư hậu cần mà Trung Quốc còn giúp ta từ thiết kế, cung cấp nguyên vật liệu, thi công xây dựng, cung cấp máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất, tài liệu sản xuất cho hai xưởng sửa chữa pháo và khí tài quang học (Z1) tại huyện Trấn Yếu, tỉnh Yên Bái trị giá 700.116 rúp và xưởng sửa chữa đạn (Z2) tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trị giá 418.000 rúp. “Đây là hai cơ sở sản xuất vũ khí đầu tiên của ta sản xuất theo dây chuyền bằng những phương tiện hiện đại” ; sân bay Nội Bài trị giá 1.518.239 rúp (13). Các công trình công nghiệp quân sự này đã nhanh chóng đưa vào sản xuất và phát huy tác dụng. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhận đào tạo hàng nghìn học viên quân sự Việt Nam tại các trường quân sự của Trung Quốc như đã kể trên; giúp thành lập huấn luyện và trang bị trung đoàn không quân Việt Nam đầu tiên ở Mông Tự, lập các căn cứ dự phòng và chuyển tiếp vật chất ở đảo Hải Nam. Tại các lĩnh vực, ngành chủ chốt trong quân đội đều có mặt các chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn, giúp đỡ. Tuy số lượng không nhiều, tính đến ngày 26 tháng 4 năm 1961, tổng số chuyên gia Trung Quốc đã từng công tác hoặc hiện đang công tại Việt Nam là 566 người (14) nhưng cùng với sự giúp đỡ về vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh đã trực tiếp góp phần vào việc tăng cường tiềm lực quốc phòng và xây dựng một số ngành, lĩnh vực chủ chốt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm tháng buổi đầu tiên lên chính quy hiện đại. Đánh giá về sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc từ đầu năm 1956 đến đầu năm 1957, Báo cáo của Bộ tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: “Qua một năm tận tụy công tác, các đồng chí đã giúp đỡ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Tổng Quân ủy đề ra trong việc tổ chức, huấn luyện các trường, các lớp, huấn luyện bộ đội. Kết quả trên đã trực tiếp góp phần vào việc xây dựng quân đội chính quy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ chỉ huy, cơ quan nghiệp vụ, nâng cao trình độ, nề nếp công tác, thiết thực giúp Quân đội ta kinh nghiệm xây dựng quân đội thời bình, sẵn sàng chiến đấu và biết triển khai các kế hoạch phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới"(15).
Bên cạnh sự giúp đỡ về vật chất, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc còn dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn về chính trị. Trung Quốc là một trong những quốc gia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Với thái độ kiên quyết ủng hộ Việt Nam kháng chiến, các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú biểu hiện tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Năm 1958, Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ chính thức thăm Việt Nam. Ngày 6-8-1964, sau khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở đầu việc Mỹ tuyên chiến chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ nước CHND Trung Hoa ra tuyên bố lên án hành động xâm lược của Mỹ và khẳng định tình đoàn kết, trách nhiệm đối với Việt Nam:“Đế quốc Mỹ tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tức là tiến công nước CHDC Trung Hoa. Do vậy, Trung Quốc phải có trách nhiệm cùng với Việt Nam đánh Mỹ”(16). Đặc biệt, ngày 10-2-1965, hơn một triệu người dân thủ đô Bắc Kinh cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai… mít tinh tại Quảng trường Thiên An Môn để phản đối tội ác chiến tranh và quyết tâm ủng hộ Việt Nam. Tiếp đến, ngày 22-7-1966, cũng tại Thiên An Môn, Trung Quốc tổ chức một cuộc mít tinh để ủng hộ Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đọc tuyên bố: “Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam tức là xâm lược Trung Quốc. 700 triệu nhân dân Trung Quốc là hậu phương vững chắc của nhân dân Việt Nam…”.
Những hoạt động trên đã góp phần to lớn trong việc động viên tinh thần kháng chiến của toàn thể nhân dân ta trước kẻ thù mạnh, làm cho Việt Nam thêm vững tin vào thắng lợi cuối cùng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc.
Nhờ sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam, chúng ta không chỉ nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiềm lực quốc phòng được tăng cường cả về cơ cấu, chất lượng và số lượng mà vị thế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việt Nam có điều kiện mở rộng sự giao lưu hợp tác kinh tế và văn hóa với các nước. Miền Bắc tiến nhanh và thu được nhiều thành quả to lớn, toàn diện trong thực hiện các Kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế (1958-1960), 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa… đều có bước phát triển. Miền Nam từng bước chuyển mình trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài. Đặc biệt, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15 (1-1959) đã tạo ra bước ngoặt đầu tiên đối với cách mạng miền Nam, chuyển từ phương thức đấu tranh chính trị, thế giữ gìn lực lượng sang đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền cơ sở. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong công cuộc xây dựng miền Bắc và từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng ta quyết định mở đường vận tải chiến lược chi viện miền Nam (1959)-một trong những vấn đề sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của cách mạng miền Nam; thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (12-1060). Sau khi ra đời, Mặt trận đã nhanh chóng trở thành ngọn cơ tập hợp lực lượng yêu nước ở miền Nam và trở thành tổ chức chính thức đại diện cho toàn diện cho toàn thể nhân dân miền Nam trước thế giới. Tháng 9 năm 1960, Đảng tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III-Đại hội ý Đảng lòng dân-Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.
Có thể nhận thấy trong giai đoạn đầu Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, trên cơ sở tình cảm anh em và tinh thần vô sản quốc tế trong sáng, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn về cả vật chất lẫn tinh thần của các nước XHCN đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô. Chẳng những Đảng ta đã thành công trong quyết định những vấn đề trọng đại về đường lối cách mạng của Việt Nam mà còn đề ra được chủ trương và bước đi thích hợp trong quan hệ đối ngoại, vì vậy, chúng ta đã tranh thù được sự giúp đỡ tích cực, to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Sự giúp đỡ đó, có thể nói là rất quý, đặc biệt trong hoàn cảnh Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cũng còn nhiều khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa, xã hội hóa.
Ngày nay, đất nước ta được độc lập, quê hương sạch bóng quân thù, non sông thu về một dải, nhân dân ta được sống trong tự do, hạnh phúc. Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của mình, các thế hệ chúng ta thầm cảm ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống hy sinh cho nền độc lập, thầm cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình và quý báu của loài người tiến bộ trong đó có Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.
NGUYỄN VĂN QUYỀN
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam