Saturday, 1 June 2013

Tư liệu của NV Sơn Tùng (Mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh)-P1 (Phạm Tôn)



thu-son-tung-revisedTrang đầu và trang cuối (có con dấu và chữ ký của tác giả) tập bản thảo của nhà văn Sơn Tùng.
Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhà văn Sơn Tùng có nhã ý “ký thác” toàn bộ những sưu tầm của ông trong nhiều năm “Về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh” mà ông trân trọng gọi là “bậc danh nhân văn hóa” cho “nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình kính quí”. Tập tư liệu chép tay quý giá này tròn 20 trang, viết xong ngày 8/12/2008, tức 12/11 Mậu Tý, tại Hà Nội – Chiếu Văn.
Nay, nhà văn đã đồng ý với đề nghị của nhạc sĩ Phạm Tuyên, cho công bố những trang viết của ông trên blog của chúng tôi.
Từ hôm nay, chúng tôi xin trích đăng tập tư liệu với tiêu đề từng phần và lời dẫn, lời bình của chúng tôi.
Xin chân thành cảm ơn thâm tình của nhà văn và xin mời bạn đọc bắt đầu theo dõi tập tư liệu có một không hai này.
MẤY LỜI KÝ THÁC
nv-son-tungNhà văn Sơn Tùng trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Văn Nghệ, tháng 3/2009
Thân gửi: Nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình kính quí.
Thưa Anh,
Đời cầm bút của tôi: viết báo, viết văn, chí thành với đề tài lịch sử và danh nhân Bác Hồ.
Sống trước viết.
Từ sau Cách mạng tháng 8-1945 đến năm 1970, tôi dấn thân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước; xông pha khắp ba miền Bắc-Trung-Nam tìm tòi, tích lũy vốn sử liệu về các nhân vật lịch sử ,sự kiện, khảo sát, khảo chứng,… Năm 1971, tôi bị thương nặng trong trận giặc Mỹ đánh phá quyết liệt vùng hậu cứ miền Đông Nam Bộ. Sau gần một năm cáng thương qua Trường Sơn, tôi được về lại Thủ đô Hà Nội.
Pham Tuyen_Son Tung
Chiến tranh có kết thúc. Vết thương chiến tranh trên cơ thể chỉ khép lại khi người mang vết thương ấy tắt nghỉ! Gần 40 năm qua, vừa vật lộn với vết thương mỗi khi tái phát hành hạ, vừa moi cái vốn tích lũy được mà viết, viết cho vơi bớt nỗi đau! Cho đến ngày hôm nay, tôi mới viết được trên 20 đầu sách, đã xuất bản. Bản thảo còn đang viết tiếp, vốn có rồi mà chưa viết được bao nhiêu; một số bậc danh nhân trong đó có danh nhân văn hóa Thượng Chi – Phạm Quỳnh đã chuẩn định mà chưa thực hiện được. Giờ đây, tôi đã ngoài tám mươi, liệu còn làm xong được những chuẩn định? Vì vậy tôi thành tâm chép lại những điều tôi sưu tầm được về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh, xin trân trọng ký thác tới gia đình bậc danh nhân văn hóa Phạm Quỳnh.
MINH CHỨNG
I. Ghi theo lời Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh
CỤ VŨ ĐÌNH HUỲNH-số 5 – Hai Bà Trưng, Thủ đô Hà Nội. Cụ xuất thân trong gia đình Thiên Chúa giáo yêu nước. Là nhà trí thức yêu nước dấn thân trong các phong trào đấu tranh Cách mạng kiên cường bất khuất, bị tù qua Hỏa Lò, ngục Sơn La…Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16,17/8/1945, cụ Nguyễn Lương Bằng đưa cụ Vũ Đình Huỳnh đến giới thiệu với Cụ Hồ ở nhà sàn làng Kim Lung tên mới là Tân Trào. Cụ Hồ “kết” ngay cụ Vũ Đình Huỳnh là tâm phúc. Tổng khởi nghĩa – Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Cụ Hồ về Hà Nội tại “Đại bản doanh”48 Hàng Ngang ngày 25/8/1945; Cụ Hồ sở cầu ngay cụ Vũ Đình Huỳnh làm Bí thư cho Chủ tịch nước, từ việc “Cầu hiền”để lập chính phủ lâm thời; đặc phái viên của Hồ Chủ tịch đến Phát Diệm “thuyết khách” Giám mục Lê Hữu Từ và về Yên Mô (Ninh Bình) mời Linh mục Phạm Bá Trực, rồi đến Liên Bạt (Hà Đông) trao thư Hồ Chủ tịch vời cựu Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, xuống Thái Bình chuyển giao nhiệm vụ cho đồng chí Ba Ngọ, cựu chính trị phạm ở Thái Bình – nay là phái viên của Hồ Chủ tịch mời cụ Vi Văn Định, cựu Tổng đốc Thái Bình ra gánh vác việc nước. Cụ Vũ Đình Huỳnh làm Bí thư – tâm phúc của Bác Hồ cho tới cuối năm 1953…
Ho Chi Minh_Vu Dinh Huy
PHẦN 1: “BẤT TẤT NHIÊN”
Bác Hồ rời Tân Trào, Tuyên Quang, Việt Bắc ngày 22 tháng 8 năm 1945. Ngày 25/8/1945, Người về nhà 48 Hàng Ngang, Thủ đô Hà Nội, lúc thành phố lên đèn.
Ngày 26/8, Người triệu tập và điều hành phiên họp đầu tiên Thường vụ Trung ương Đảng tại đây. Quyết định lớn: Thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa, các thành viên chính phủ lâm thời thật tiêu biểu của dân tộc, của nhân dân; phải có Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và thế giới với một cuộc mít tinh lớn hàng mấy chục vạn người ở Thủ đô Hà Nội. Chính phủ ra mắt nhân dân và cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.
ho-chi-minhHồ Chí Minh – Năm 1945
Ngày 28/8/1945, Hồ Chủ tịch đến làm việc tại Bắc Bộ phủ, 12 phố Ngô Quyền. Một phái đoàn Trung ương – ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Huy Liệu, ông Cù Huy Cận đã vào Huế dự lễ vua Bảo Đại thoái vị. Hôm phái đoàn lên đường rồi, Hồ Chủ tịch mới về Hà Nội, như chợt nhớ Người nói với ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng – Tổng chỉ huy quân đội – Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Giản- Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam, Vũ Đình Huỳnh: “Chú Bằng (Nguyễn Lương Bằng), chú Liệu (Trần Huy Liệu), chú Cận (Cù Huy Cận) vô Huế rồi mình mới về thì đã trễ, giờ chú Nam (Hoàng Hữu Nam) hoặc xem có ai thay được chú Nam vô Huế gặp Cụ Phạm Quỳnh, trao thư tôi mời Cụ…” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT).
Hai hôm sau, ông Hoàng Hữu Nam đến báo cáo với Hồ Chủ tịch: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt (Chúng tôi nhấn mạnh – PT)hai người con gái của ông ở Hà Nội, gặp tôi thổ lộ việc này”. Hồ Chủ tịch để điếu thuốc đang hút dở xuống gạt tàn, nói lửng: “Bất tất nhiên”!* (Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Người hỏi ông Hoàng Hữu Nam:
- Hai chị ấy tên là gì?
Ông Hoàng Hữu Nam trình bày:
- Dạ…Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức, thưa Bác.
- Chú mời hai chị em cô ấy gặp tôi, chú Tư (Vũ Đình Huỳnh) sẽ sắp xếp ngày giờ gặp…
Ông Hoàng Hữu Nam tươi cười kể lại với Bác là chị Giá, chị Thức bày tỏ xin được gặp Cụ Hồ, nhưng chưa dám hứa chắc vào lúc nào…
Sau buổi làm việc này, ông Vũ Đình Huỳnh trao đổi với ông Hoàng Hữu Nam, Hồ Chủ tịch sẽ tiếp “thân nhân Cụ Phạm” vào cuối buổi sáng ngày 31/8/1945 tại phòng khách Bắc Bộ phủ.
Ngày 31/8/1945, buổi sáng Hồ Chủ tịch rà xét lần cuối bản thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 và bốn người nữa đến báo cáo với Hồ Chủ tịch về công việc chuẩn bị cho ngày lễ…
Đến 10 giờ 30 phút, ông Hoàng Hữu Nam báo với ông Vũ Đình Huỳnh: “Đã mời thân nhân Cụ Phạm đến, đang ở phòng khách…”. Cụ Vũ Đình Huỳnh khi kể lại với tôi sự việc này, cụ nói trầm trầm như tâm sự: “Tôi nghe danh ông Phạm Quỳnh từ một bỉnh bút, chủ nhiệm, chủ bút báo Nam Phong và Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức. Có đôi lần nhìn thấy ông khăn xếp áo the, kính trắng đi từ trụ sở Nam Phong phố Hàng Da, qua Hàng Bông đến trụ sở Khai Trí Tiến Đức, phố Hàng Trống, bên hồ Hoàn Kiếm. Tôi có biết chị Phạm Thị Giá, vợ giáo sư Tôn Thất Bình dạy Pháp văn ở trường Thăng Long cùng với cụ Phó bảng Bùi Kỷ, dạy Hán văn; các giáo sư Hoàng Minh Giám dạy Pháp văn, giáo sư Đặng Thai Mai dạy Pháp văn, giáo sư Võ Nguyên Giáp dạy văn, sử, địa, giáo sư Vũ Đình Hòe dạy văn, giáo sư Nguyễn Xiển dạy toán, lý… Còn chị Phạm Thị Thức là vợ bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, cùng quê Nam Định với tôi, lại còn thân thuộc nữa. Cho nên, cái phút giây tháp tùng Hồ Chủ tịch đến gặp chị Giá, chị Thức tôi bùi ngùi thấy hai chị rụt rè, sợ sệt, chỉ một thoáng, hai chị xúc động mạnh trước cử chỉ Hồ Chủ tịch cầm tay hai chị thân tình, an ủi và mời ngồi vào ghế đối diện với Người. Người nói:
- “Tôi ở chiến khu Việt Bắc mới về Hà Nội, nghe tin chẳng lành về Cụ nhà ở Huế…”. Hồ Chủ tịch ngừng giây lát, nói tiếp: “Trong lúc cuộc khởi nghĩa bùng nổ khó tránh được sự lầm lẫn. Rất tiếc khi ấy tôi đang trên đường về Hà Nội (ngày 22/8/1945, Hồ Chủ tịch rời Tân Trào, Tuyên Quang). Chị Phạm Thị Giá trình bày sự việc cha bị bắt trong lúc đang làm việc tại nhà…Chị Phạm Thị Thức hai tay nâng phong thư lên Bác, Người nhận và chuyển sang tay cho tôi, dặn: “Chú chuyển sang Bộ Nội vụ”. Bác thân mật hỏi han hai chị em về tình hình gia đình ở trong Huế, ở Hà Nội…Người dặn: “Những việc hai cháu vừa đề đạt, hai cháu sẽ trực tiếp gặp ông Hoàng Hữu Nam, Bộ Nội vụ nhá…”.
Đồng chí Bảy (Luật sư Phan Mỹ) Đổng lý văn phòng vào thỉnh thị Chủ tịch… Người đưa tay cầm chặt bàn tay chị Giá, chị Thức: – “Hai chị em về nhá, tôi có việc khẩn…”
* Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội 1992) thì Bất tất nhiên có nghĩa là: “Không nhất định phải như thế, có thể ra cách khác được.”

Lời bình của Phạm Tôn: Việc hai người con gái đầu của Phạm Quỳnh xin và được Hồ Chủ tịch tiếp từ 11 giờ sáng ngày 31/8/1945 đã được chính người chị là cụ Phạm Thị Giá sau này thuật lại tỉ mỉ trong bài Phạm Quỳnh, Người nặng lòng với nước, đăng trên nguyệt san Công giáo và Dân tộc, cơ quan của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, số 140, tháng 8/2006, từ trang 99 đến trang 116, và bài Người nặng lòng với nước, đăng trên tạp chí Xưa và Nay, cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 267, tháng 9/2006, từ trang 15 đến trang 20.
Điều này chứng tỏ đã là sự thật thì trước sau gì cũng được xác nhận từ các góc nhìn của những nhân chứng rất khác nhau. Thời đầu Cách mạng thật trong sáng. Chính quyền và nhân dân thật gần gũi. Người đứng đầu chính quyền Cách mạng lúc ấy dẫu bận trăm công nghìn việc, vẫn sẵn sàng, chân tình tiếp và lắng nghe tiếng nói của người dân, dù họ “thuộc diện có vấn đề”, không hề né tránh, để những bức xúc của người dân rơi vào “sự im lặng đáng sợ” như sau này.

No comments:

Post a Comment