Thursday, 27 June 2013

Tánh và Tính (An Chi - Năng Lượng Mới số 220 ,10-5-2013)



Tánh và Tính (Năng Lượng Mới số 220 ,10-5-2013).

by An Chi (Notes) on Friday, May 10, 2013 at 3:36am
 Bạn đọc : Tôi xem sách Phật,thấy chữ [性] được đọc không thống nhất giữa các sách với nhau, nơi thì “tính”, chỗ lại “tánh”. Nay ta đã có Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ra đời từ năm 1981, hợp nhất các tổ chức Phật giáo đã có trước đó. Lẽ nào ta lại không thống nhất các thuật ngữ mà cứ vô tình duy trì sự khác biệt đó mãi. Xin ông An Chi cho biết ý ông thế nào. Thỉnh thoảng ông có nhắc tới khái niệm “điệp thức”. Xin ông cho biết “tánh” và “tính” có phải là điệp thức không. Xin cám ơn.
                                                                            Nguyễn Đức Nhuận, Đống Đa, Hà Nội.
An Chi : Trước nhất, chúng tôi xin hoan nghênh sự quan tâm của bạn đến tính thống nhất trong các thuật ngữ tôn giáo. Nhưng vấn đề bạn đã nêu thì không phải là một biểu hiện của sự bất nhất về thuật ngữ vì đây chỉ là chuyện biến thể mang tính địa phương mà thôi.
Vâng, “tánh” và“tính” là hai biến thể địa phương: “tánh” của Miền Nam đối với (đv)  “tính” của Miền Bắc theo tương ứng ngữ âm -ANH đv -INH , như: – “đanh” (Bắc, xưa) đv “đinh” (Nam); – “lãnh [lương]” (Nam) đv “lĩnh [lương]” (Bắc); – “sanh [đẻ]” (Nam) đv “sinh [đẻ]” (Bắc); – “thạnh [vượng] ”(Nam) đv “thịnh [vượng]” (Bắc); v.v.. Hiện tượng này đương nhiên cũng thể hiện cả trong từ điển: chữ [性] đã được Huình-Tịnh Paulus Của đọc thành “tánh” với chú thích “tính” trong ngoặc đơn tại Đại Nam quấc âm tự vị nhưng Khai trí Tiến đức thì tại mục từ  “tánh” trong Việt Nam tự điển , đã chuyển chú nó về mục từ “tính” vì tác giả trước đại diện cho phương ngữ Miền Nam còn nhóm tác giả sau lại đại diện cho phương ngữ Miền Bắc. “Tính” đv “tánh” có thể xem là trường hợp điển hình mà ta có thể thấy cả trong từ điển Phật giáo: Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn, lấy phương ngữ Miền Nam làm nền tảng đọc [性] thành “tánh” còn Từ điển Phật học Hán Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên, mặc nhiên được xem là đại diện cho tiếng Việt toàn dân, mà cái lõi là phương ngữ Miền Bắc (lấy Hà Nội làm đại diện), thì đọc thành “tính”, một cách đọc đã được ghi nhận từ thời Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes (Roma, 1651), được xem là lấy tiếng Đàng Ngoài làm nền tảng.
               Sự tương ứng trên đây thực ra đã phát sinh từ xa xưa với những hình vị Hán Việt thuộc các vận bộ “canh”[庚], “canh”[耕], “thanh”[清], “thanh”[青], trong đó rất nhiều chữ bây giờ đọc theo vần -INH: “đinh”[丁], “đình”[庭] “hình”[形], “kinh”[經], “linh”[靈], v.v. Rất nhiều.
“Tánh” và “tính” không phải là điệp thức.Trong bài “Điệp thức khác với từ láy”, đăng trên Năng lượng mới số 189 (11-1-2013), chúng tôi đã nói về điệp thức, mà tiếng Pháp là doublet, như sau:
“Nó (doublet) đã được Dictionnaire de l'Académie française (8ème édition) định nghĩa: “En termes de linguistique, il se dit de mots ayant la même étymologie et ne différant que par quelques particularités d'orthographe et de prononciation, mais auxquels l'usage a donné des acceptions différentes.”(Về mặt ngữ học thì điệp thức chỉ những từ cùng từ nguyên và chỉ khác nhau ở vài đặc điểm chính tả và phát âm nhưng được gán cho những nghĩa khác nhau trong việc sử dụng.)
        Chẳng hạn, “tích”[] có ba điệp thức là “tách”, “tếch”và “tác”. “Tích” có thể được thấy trong “phân tích”, “phẫu tích”, v.v., với nghĩa là làm cho rời ra. “Tách” có thể dùng một mình, cũng với nghĩa là làm cho rời ra. “Tếch” thì có nghĩa là bỏ mà đi, rời đi: Một gánh càn khôn quẩy tếch ngàn. “Tác” đi chung với “tan” (thành “tan tác”) để chỉ ý tả tơi, rời rã, v.v.. Bốn điệp thức trên đây có nghĩa và công dụng riêng và không thể thay thế cho nhau được. Ngay cả đối với “tích” trong “phân tích”, tuy ta thấy “tích” có thể được thay bằng “tách” (thành “phân tách”) nhưng trường hợp này phải được xếp vào cách diễn đạt mang tính phương ngữ (chứ không phải là ngôn ngữ toàn dânvà/hoặc ngôn ngữ văn học). Đến như “phẫu tích”, nếu thay “tích” bằng “tách” thì sẽ thực sự bất thường vì đây đã là một thuật ngữ y học chứ không còn là một cấu trúc phổ thông như “phân tích”. Trong khi đó thì những biến thể ngữ âm địa phương có thể thay thế cho nhau một cách bình thương, nếu ta không bị ràng buộc vì yêu cầu của ngôn ngữ toàn dân và/hoặc văn học.
        Tóm lại, ở đây, sự tồn tại song song của“tánh” và “tính” với cùng một nghĩa chỉ là biểu hiện của sự đối lập giữa hai biến thể địa phương về ngữ âm chứ không phải là sự bất nhất về thuật ngữ tôn giáo.

No comments:

Post a Comment