Thursday, 6 June 2013

PHẠM QUỲNH DƯỚI ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH (Nguyễn Văn Khoan)


PHẠM QUỲNH

DƯỚI ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Đại tá Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan
Ngày 26 tháng 12 năm 1920, trong lần tham dự Đại hội Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tán thành đi theo đường lối của Quốc tế Cộng sản (còn gọi là Quốc tế III, Đệ tam Quốc tế), và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Tán thành “đi theo Quốc tế Cộng sản”, có lẽ Nguyễn Ái Quốc nghĩ nhiều về đường lối ủng hộ các dân tộc thuộc địa giành độc lập, trong đó có tổ quốc Việt Nam, về một điểm tựa một hậu phương lớn mạnh, duy nhất bấy giờ cho cách mạng Việt Nam.
Năm 1930, với Chính cương, Điều lệ tóm tắt khi thống nhất ba đảng, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam “chia giai cấp địa chủ ra đại, trung, tiểu”, lôi kéo các tầng lớp trí thức vào hàng ngũ Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã bị “phê bình” là “quốc gia chủ nghĩa”.
Bất đồng ý kiến với Nguyễn Ái Quốc, Quốc tế Cộng sản lo lắng cho chặng đường tiếp sau.
Cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc đã xin được phép rời Matxcơva, không được phụ cấp tài chính, không cấp giấy giới thiệu.
Qua nhìn nhận tình hình Đông Dương trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới sắp xảy ra do chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Đức khởi xướng, Quốc tế Cộng sản cuối cùng cũng đã thay đổi ý kiến, tức là chấp thuận quan điểm mới, chính xác của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề các dân tộc thuộc địa đấu tranh cách mạng giành giải phóng dân tộc.
Từ ngày 25 tháng 7 đến 20 tháng 8 năm 1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản đã đề ra và chủ trương “cần phải thành lập mặt trận thống nhất của giai cấp vô sản để tập hợp các khuynh hướng chính trị, xã hội, tín ngưỡng khác nhau để chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh. Mặt trận thống nhất sẽ có những hình thức khác nhau ở các nước, những nét riêng của từng nước mà trình độ, đặc điểm kinh tế xã hội, quan hệ giai cấp và phong trào quần chúng khác nhau.” (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tập I, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, 2004, tr. 116).
Tình hình thực tiễn ở Việt Nam cho phép kết luận rằng: “Năm 1935 là năm “khai tử”, chấm hết quan điểm đấu tranh giai cấp kiểu phương Tây trong xã hội phương Đông, cụ thể là ở Việt Nam, trong một xứ thuộc địa đế quốc cai trị, đang tiến hành cuộc đấu tranh giành giải phóng dân tộc (Năm 1950, trong bài Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đăng trên tờ Sinh hoạt nội bộ ở Việt Bắc, ký tên X.Y.Z, Bác Hồ viết: “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc (Nguyễn Văn Khoan, Đi tới một mùa xuân tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2007))
Tháng 9 năm 1937, Hội nghị mở rộng Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương “kiểm điểm, đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào qua hai năm thực hiện Mặt trận Dân chủ” đã phê bình “các đồng chí mắc phải bệnh thiên về thợ thuyền lao động quá, có khi chỉ biết có đám người ấy thôi mà quên hết cả quyền lợi của các tầng lớp giai cấp khác”. (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr 201-262).
Ngày 26 tháng 6 năm 1940, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, khoá này do Nguyễn Văn Cừ làm Tổng bí thư (Trường Chinh được cử vào Ban chấp hành Trung ương, tại hội nghị lần thứ 7, tháng 11 năm 1940) đã ra lời kêu gọi “toàn dân đứng dậy đấu tranh trong hàng ngũ mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”. Lời kêu gọi – tuyên ngôn này ra đời sau khi đế quốc Pháp quy hàng Hít-le. Trung ương Đảng coi đây là “cơ hội tốt có một không hai để đánh đổ đế quốc thuộc địa” và kêu gọi “tinh thần đoàn kết rộng rãi từ các bậc thượng lưu trí thức (chúng tôi nhấn mạnh vì Phạm Quỳnh là thành viên của các “bậc” này) đến các hàng viên chức, hội tề, cho đến các công, nông, binh, các lớp dân chúng cần lao và các chị em phụ nữ và các giới, tất cả những ai yêu nước (chúng tôi nhấn mạnh, vì theo lời Hồ Chí Minh: “Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước và mỗi người yêu nước theo cách của họ chứ không phải chỉ có đảng viên cộng sản mới yêu nước hoặc cộng sản là người yêu nước hơn.” -NVK)
Sau khi Nguyễn Ái Quốc về nước (đầu năm 1941), Hội nghị Trung ương lần 8 họp tại Pác Bó (Cao Bằng) vào tháng 5 ngày 19 năm 1941 đã xác định: “Cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc (bao gồm cả sĩ, nông, công, thương binh, các tôn giáo, dân tộc… NVK) còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Do đó, “Hội nghị đặt ra yêu cầu cần có những thay đổi căn bản trong chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới và chỉ rõ: phải thống nhất lực lượng cách mạng toàn Đông Dương, tất cả các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư sản, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất thành mặt trận cách mạng chung”.
Để thực hiện đường lối đoàn kết rộng rãi ấy, đường lối đại đoàn kết, hội nghị đã thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh kêu gọi: “nông dân phải vào Nông dân cứu quốc hội; phụ nữ phải vào Phụ nữ cứu quốc hội; trẻ em vào Nhi đồng cứu quốc hội; binh lính vào Binh lính cứu quốc hội; các bậc văn sĩ phú hào vào Việt Nam cứu quốc hội.”
Nhân dịp Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.”
Tháng 8 năm 1943, nhận định rằng sau thất bại nặng nề ở Stalingrát, phát xít Đức đang đứng trước nguy cơ thua trận cuối cùng, thời cơ khởi nghĩa sắp đến gần, phải tập trung, thống nhất lực lượng đông đảo hơn nữa, cần một lần nữa nói rõ quan điểm của Việt Minh, báo Việt Nam Độc Lập số ra ngày 21 tháng 8 năm 1943, dưới khẩu hiệu: “Tiến lên vũ trang khởi nghĩa” đã nhắc nhở: “chúng ta phải nhớ rằng lực lượng chúng ta là ở chỗ đoàn kết, đoàn kết toàn dân, đoàn kết đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, đoàn kết người làm ruộng, làm thợ, bán buôn, người làm việc cho Tây (tức thực dân, đế quốc Pháp), người đi lính cho Tây” (Chúng tôi nhấn mạnh-NVK) (Bản gốc lưu trữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).
Như vậy là đã quá rõ ràng: Phạm Quỳnh, một nhà viết báo, viết văn, một người “vào bậc thượng lưu trí thức”, một người “đã làm việc cho Tây”, cũng đã được Đảng Cộng sản Đông Dương và Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh cũng như Ban chấp hành Trung ương Đảng từ 1935, đưa vào diện đoàn kết – đoàn kết rộng rãi – đại đoàn kết, để cùng đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hai năm sau khi bài báo này công bố – bài viết mà nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử Đảng, nghiên cứu Hồ Chí Minh nghĩ rằng “chỉ có Bác, với tư cách của mình mới viết được rõ ràng như vậy”- cũng đúng vào tháng 8 – tháng 8 năm 1945, nhân dân ta đã tổng khởi nghĩa giành được chính quyền, thắng lợi to lớn, bước đầu rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất cuối cùng sẽ đến vào năm 1975.
Có thể cho phép chúng ta suy luận là khi ở khu căn cứ Việt Bắc, Khu Giải phóng – nơi đã thành lập Uỷ ban Nhân dân – Hồ Chí Minh đã nghĩ tới một chính phủ của nước Việt Nam mới trong tương lai gần. Và một trong những thành phần của chính phủ ấy là sự có mặt của các bậc “thượng lưu, trí thức, văn sĩ, phú hào”, cả những người “đã đi lính cho Tây, làm việc cho Tây”. Lịch sử sau này đã ghi lại một danh sách dài những vị đó, từ vua Bảo Đại, khâm sai đại thần Phan Kế Toại đến các thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Phạm Phú Tiết… và các bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Anh, Trịnh Đình Thảo… cùng rất nhiều trí thức tư sản khác như Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Phúc Thông, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, kể cả những tổng đốc đã có một thời “đàn áp cộng sản” như Vi Văn Định…
Như vậy, công bằng mà xét, Phạm Quỳnh cũng được đứng vào hàng ngũ những người kể trên.
Nhưng không phải riêng Phạm Quỳnh, mà nhiều người khác, trước tháng 8 năm 1945 đã bị quy tội là “theo Pháp”, “phản động”… “làm cho Pháp”. Đúng là vậy, nhưng Phạm Quỳnh vẫn được xếp trong “danh sách” những người “làm việc cho Tây, đi lính cho Tây”, để được thu hút vào Việt Minh, để đoàn kết với mọi “giai tầng” khác. Phạm Quỳnh “phản động” nhưng chưa có chứng cứ gì trực tiếp đàn áp phong trào cộng sản, làm chỉ điểm. Còn như giữ hai chức thượng thư Bộ Học, Bộ Lại thì cũng chỉ để làm vì, để lấy cớ làm việc khác mà mình muốn thực hiện thôi.
Phạm Quỳnh yêu nước theo cái cách của ông là làm “quân chủ lập hiến”. Ngoài ra ông viết báo, viết sách “mở tai, mở mắt” cho đồng bào, tài sản trí tuệ của ông để lại cho dân, cho nước không phải là nhỏ. Ý kiến của Phạm Quỳnh về mặt tư tưởng đã không thống nhất với các đảng viên cộng sản. Xin nhớ rằng trên báo Thanh Niên, từ năm 1925, Lý Thuỵ (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) có căn dặn các hội viên Thanh Niên: “phải tôn trọng ý kiến người khác”, “phải biết hy sinh ý kiến”.
Nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Phạm Quỳnh cần được làm rõ, vì tư thù cá nhân, vì “vô chính phủ”, vì e ngại khi bọn Pháp vào Thuận An hỏi về Phạm Quỳnh (trong khi chưa có chứng cứ gì là Phạm Quỳnh liên lạc với chúng).
Có một thực tế là các người con của Phạm Quỳnh đều rất “ôn hoà”. 13 người trai, gái thì cô Phạm Thị Giá vợ Tôn Thất Bình, hiệu trưởng điều hành trường Thăng Long (nơi quy tụ những Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Quang Đạm…), cô Phạm Thị Thức là vợ Giáo sư Đặng Vũ Hỷ giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1), cô Phạm Thị Ngoạn, vợ Nguyễn Tiến Lãng. Ông Lãng từng là “trợ thủ” của tướng Nguyễn Sơn ở Liên khu 4. Bà Ngoạn là tiến sĩ văn chương Việt Nam ở Pháp. Còn Nhà giáo Nhân dân, giáo sư Phạm Khuê là viện trưởng Viện Lão khoa, ông Phạm Tuyên là “Nhạc sĩ của nhân dân” với bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Còn phải kể đến cô Phạm Thị Hoàn, vợ nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, tác giả bài hát mà thời đầu Cách Mạng Tháng Tám các anh Vệ Túm thường hát: Một đi là không trở về…  Mà ông Châu lại là cháu nội cụ cử Lương Văn Can. Cũng có thể nghiêm khắc hay thông cảm mà nói rằng: trong số hơn 10 người con của Phạm Quỳnh cũng có người vì nhiều lý do đã “hồi cư”, rồi ra nước ngoài… Nhưng gia đình này đã không trực diện làm gì hại đến dân tộc, tổ quốc. Họ đã ít nhiều nghe theo lời dặn của Hồ Chí Minh. “Cụ Phạm (Phạm Quỳnh) là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng”.
Cũng nên đối chiếu thêm việc các con trai, con gái Phạm Quỳnh mất cha, cùng chung một lần với Ngô Đình Diệm mất anh (Ngô Đình Khôi) và cháu (Ngô Đình Huân, con trai Ngô Đình Khôi). Trong lần tiếp Ngô Đình Diệm năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói” “Khi dân chúng bị ức hiếp nổi dậy, lỗi lầm không thể tránh khỏi và chuyện bi thảm đã xảy ra. Nhưng tôi vẫn luôn luôn tin rằng hạnh phúc của nhân dân vượt lên trên những lỗi lầm đó. Ông (Ngô Đình Diệm) có những điều oán hận chúng tôi, ta hãy nên quên đi” (Theo Hanleng Karnow, Viet Nam: A History (Lịch sử Việt Nam) New York, 2003 bản dịch của Lê Xuân Khoa). Nhưng Ngô Đình Diệm, dù vẫn là một người yêu nước, yêu nước theo cách của ông ta, vẫn không vượt qua được oán hận của gia đình (với anh, với cháu) để vì “hạnh phúc” của nhân dân (Sổ tiếp khách của Hồ Chủ tịch, lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ghi: “Ngày 15/1/1946, tiếp Ngô Đình Diệm”).
Khi được tin Phạm Quỳnh không còn nữa, có thông tin cho rằng Bác Hồ nói: “Các chú làm hỏng việc rồi”. “Việc” có thể là “việc” của Bác đã suy nghĩ về cách mời Phạm Quỳnh ra làm gì đó cho “việc” dân, “việc” nước chăng?
Dù sao cũng đã lỡ rồi, nhưng cũng rất cần “lịch sử đánh giá lại” Cụ Phạm như lời Hồ Chí Minh…
N.V.K.

No comments:

Post a Comment