Monday, 10 June 2013

Về Địa Danh Vịnh Vân Phong (Nguyễn Man Nhiên)

Về Địa Danh Vịnh Vân Phong
Nguyễn Man Nhiên
Những năm gần đây, địa danh vịnh Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Là một trong những vịnh biển lớn và sâu nhất của nước ta, với cảnh quan tuyệt đẹp trong môi trường lý tưởng hiếm có, Vân Phong đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước công nhận là một kỳ quan thiên nhiên và là nơi có tiềm năng rất to lớn về du lịch sinh thái biển và kinh tế hàng hải mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

VÂN PHONG HAY VĂN PHONG?

Xưa nay, bên cạnh cách gọi và viết phổ biến là Vân Phong, cũng cần ghi nhận một thực tế nữa là còn khá nhiều người dân địa phương vẫn quen gọi và viết tên vịnh này là Văn Phong. Kể cả đây đó trên một số sách, báo, đài, thậm chí trên nhiều bản đồ, hải đồ hiện đang lưu hành vẫn thấy ghi là vịnh Văn Phong.

Trong bài báo “Vịnh Văn Phong hay vịnh Vân Phong - nên gọi thế nào?” đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ & Môi trường Khánh Hòa số Xuân Quý Mùi 2003, tác giả T.Đ.T cho rằng: “…có sự nhầm lẫn giữa hai chữ Văn và Vân. Xem các bản đồ xưa và nay, kể cả các hải đồ do nước ngoài lập, chưa thấy bản nào ghi tên Vân Phong”. Sau khi dẫn chứng rằng Văn Phong mới là cách gọi theo tập quán và truyền thống của người dân địa phương hay chí ít là của người dân huyện Vạn Ninh, tác giả đề nghị: “Nếu gọi sai tên cúng cơm tí xíu mà không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới thì nên gọi tên quen thuộc cho thân thiết và gần gũi”.

Ở khía cạnh chữ nghĩa, trên báo Văn Hóa Chủ Nhật số 1073 (25-28/2/2003) có bài “Đại Lãnh-Văn Phong hay Đại Lãnh-Vân Phong?” của nhà thơ H.C. Tác giả viết: “Mới đây nghe nói Đại Lãnh-Văn Phong lại được đổi ra gọi là Đại Lãnh-Vân Phong??? Tôi giật mình, lòng không khỏi phân vân!!! Địa danh Văn Phong do người xưa đặt. Người nay đổi ra thành Vân Phong. Vân là mây - Phong là gió, đều là hai thứ trời làm ra cả. Nhưng Văn là Người, Văn cũng là Lắng nghe. Văn Phong là Nghe Gió. Tức là Người nghe Trời bảo (muốn nghe được gió thì phải tìm nơi nước sâu, sóng êm mà neo đậu thuyền bè trước khi ra khơi). Vì vậy hầu hết tất cả Hải đồ đi biển quốc tế trên các con tàu lớn nhỏ vượt Đại dương đều đã ghi nhận trên đó có một địa danh vịnh Văn Phong…”.
Vậy nên viết thế nào cho đúng?

ĐI TÌM GIẤY KHAI SINH

Để xác định nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Vân Phong, chúng tôi đã cẩn thận tra cứu rất nhiều sử liệu và bản đồ cổ trong kho sách Hán-Nôm Việt Nam, đặc biệt là bộ sách “Đại Nam nhất thống chí” (ĐNNTC) do Quốc Sử quán biên soạn - được xem là tài liệu địa dư quan trọng nhất của nước ta dưới triều Nguyễn.

Thật vậy, trong sách ĐNNTC quyển XI viết về tỉnh Khánh Hòa có ghi các địa danh: Vân Phong dữ (hòn/đảo Vân Phong), Vân Phong úc (vũng/vịnh Vân Phong), Vân Phong đại hải tấn (tấn Vân Phong lớn)), Vân Phong tiểu hải tấn (tấn Vân Phong nhỏ).
Về vịnh Vân Phong, ĐNNTC viết như sau:

Vũng Vân Phong: ở cách huyện Quảng Phước (nay là huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa - NMN) 27 dặm về phía đông bắc, chu vi hơn 200 dặm, nước mênh mông, ba mặt có nhiều hòn đảo vây quanh, phía nam là hòn My, hòn Gà, hòn Lăng, hòn Lý, phía bắc là hòn Điệp, hòn Chim lớn, hòn Chim nhỏ, hòn Khô, hòn Độc, hòn Tranh, lại trong biển về phía nam vũng này có hòn Đỏ, có vũng Mỹ Giang.(1)
Phần Quan Tấn (tấn: đồn binh trấn thủ nơi địa đầu, có chức năng quân sự kiêm kiểm soát thuế quan - NMN), sách cũng chép về hai cửa khẩu trong vùng vịnh này là:

Tấn Vân Phong lớn: ở cách huyện Quảng Phước 27 dặm về phía đông bắc, cửa lạch rộng 1100 trượng, sâu 12 trượng, đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ.

Tấn Vân Phong nhỏ: ở cách huyện 25 dặm về phía đông bắc, cửa lạch rộng 514 trượng, sâu 3 trượng, phía ngoài cửa tấn lệch về phía đông có 4 cồn đá hình trâu nằm lềnh bềnh ở mặt nước.(2)
Còn lai lịch của tên gọi Vân Phong được tìm thấy trong đoạn văn sau:
Hòn Vân Phong: ở cách huyện Quảng Phước 28 dặm về phía đông bắc, tục gọi Hòn Khói (nguyên văn chữ Hán là Yên Cương (煙崗)- NMN), đầu đời trung hưng thuyền nhà vua tiến đóng ở Hòn Khói tức là chỗ này. Năm Minh Mạng thứ 6 đổi tên hiện nay.(3)

Qua các tư liệu trên, có thể xác định rằng địa danh Vân Phong đã ra đời vào năm 1825 dưới triều vua Minh Mạng, là tên mới của Hòn Khói - một ngọn núi ở phía bắc bán đảo Hòn Hèo nhìn xuống vịnh Vân Phong, nay thuộc xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Trong tác phẩm “Xứ Trầm Hương”, khi viết về Hòn Khói/Vân Phong, nhà thơ-nhà nghiên cứu Quách Tấn có nêu một nhận xét đáng chú ý: “Không biết vịnh do tên núi mà ra hay núi theo tên vịnh mà cải”.(4)

Chúng tôi thiên về ý kiến thứ nhất: vịnh là do tên núi mà ra, vì những lẽ sau:
- Về mặt tự dạng, hai chữ Vân Phong (Hán tự) ghi trong sách ĐNNTC cũng như trên các bản đồ thời Nguyễn như Khánh Hòa toàn đồ (trong sách “Thông quốc duyên cách hải chử”), bản đồ tỉnh Khánh Hòa thời Đồng Khánh, bản đồ tỉnh Khánh Hòa thời Duy Tân (xem ảnh minh họa) … đều nhất quán được viết như sau: 雲峯

Căn cứ vào tự dạng trên, hai chữ này phải đọc theo âm Hán-Việt là Vân Phong chứ không thể là Văn Phong.

- Về mặt ý nghĩa, chữ Vân () ở đây có nghĩa là “mây”. Riêng chữ Phong () ở đây không phải là “gió” như nhiều người đã giải thích, mà phải hiểu là “đỉnh núi” (chữ Phong này có bộ sơn (): núi).
Như vậy nghĩa của địa danh Vân Phong là “đỉnh mây”, ban đầu là mỹ tự của nhà Nguyễn đặt cho núi Hòn Khói, sau cũng được dùng chính thức để gọi vịnh Vân Phong (nguyên văn chữ Hán là Vân Phong úc) - một vịnh biển lớn mà giới hạn phía đông là bán đảo Hòn Gốm, phía tây là bờ biển huyện Vạn Ninh, phía nam là bờ biển bán đảo Hòn Hèo của tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Từ những cứ liệu văn bản học và bản đồ học như đã trình bày, thiết nghĩ tên khai sinh của vịnh biển này chính là Vân Phong chứ không phải Văn Phong như cách gọi, cách viết quen thuộc của một số người dân địa phương cũng như trên một số sách, báo, bản đồ đang lưu hành. Cho dù hai chữ Văn Phong trong Hán tự có ý nghĩa hay, đẹp đến đâu thì ở đây cũng chỉ là một cái tên sai. Và vì sai nên không có chuyện đời nay tùy tiện đổi tên Văn Phong thành Vân Phong như một số người lầm tưởng mà chỉ là vấn đề gọi đúng và viết đúng một địa danh như lịch sử đã ghi nhận./.


Ảnh trên: Ninh Hòa Phủ đồ trong Khánh Hòa toàn đồ (bản đồ trong sách “Thông quốc duyên cách hải chử”). Phiên âm các địa danh được đóng khung trên bản đồ:  Vân Phong .

CHÚ THÍCH:
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (Tập III), bản dịch của Viện Sử học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, trang 100.
(2) Sách đã dẫn ở mục (1), trang106.
(3) Sách đã dẫn ở mục (1), trang 97.
(4) Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Hội Văn Học Nghệ Thuật Khánh Hòa tái bản, trang 59.



Nguyễn Man Nhiên
Ngày đăng: 20.05.2010

No comments:

Post a Comment