Theo thuyết trình ngày 3/3/1883 của Petiton, kỹ sư trưởng của sở Mỏ
(service des Mines) ở Nam Kỳ, ta
biết rằng cư dân Sài Gòn thời đó đông nhất là người An Nam (Annamite), kế đến
là người Trung Hoa (Chinois) rồi đến người Âu (Européen), người Ấn (Indien) còn
gọi là người Ma la bà (Malabar), người Mã Lai và sau cùng là rất ít người Miên
(Cambodgien). (Petiton, 1883:19)
Trong số những người An Nam làm việc cho Tây, Petiton (1883:19) có kể ra hai hạng. Một hạng là bọn mã tà, lính bảo an người bản xứ (le matas qui constitue la garde arborigène).
Hạng kia là bọn đi bồi.
Bồi là từ mà người
Âu dùng để gọi những người đàn ông bản xứ phục dịch, hầu hạ họ:
Ce nom de boy
vient évidemment de l’anglais. (Petiton, 1883:19)
Bồi ở đây không phải
là từ Hán Việt (陪, nghĩa là tiếp giúp, phụ thêm...). Đàn bà con gái
An Nam có thể làm công trong nhà Tây nhưng không được gọi là bồi.
Bồi Tây có hai loại là thằng bồi (boy) và thằng này (nay):
-Thằng bồi (đúng nghĩa thằng bồi) thường là đàn ông
con trai từ 15 đến 25 tuổi, làm gia nhân.
-Thằng này còn gọi là thằng ba nhe (tiếng Pháp panier,
có nghĩa là thúng, rổ). Này đích thị
là tiếng Việt:
Le mot nay vient
de l’annamite et veut dire là-bas, c’est le terme qu’on emploie quand on
appelle quelqu’un.
(Petiton, 1883:19)
Đó là những đứa nhỏ 7-8 tuổi, có khi 12-15 tuổi,
chuyên cắp rổ chầu chực ở bến đò, cửa hiệu để xin mang vác ăn công. Người (Tây)
nào cần chỉ việc ngoắc và gọi một tiếng Này
là đủ:
Chực đường có trẻ
cu-li (coolie),
Kêu đâu sảng
đó đem đi lẹ làng. (Nguyễn Liên Phong, 1909:30)
Petiton (1883:20-21) chê người An Nam làm bồi (trong
nhà) nói chung là không được việc vì tính cách xấu, ăn bơ làm biếng, hay nói
láo, ham chơi bời. Việc chính của bồi (gia nhân) người An Nam là hầu phòng
(valet de chambre), có khi kiêm việc đánh xe hay nấu bếp, nhưng hai khoản sau
này thì người Nam không thể sánh với các xà ích người Mã Lai hay người Ma La Bà
và các đầu bếp người Trung Hoa.
No comments:
Post a Comment