Kỷ lục gia số 2: Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, người tìm ra tội phản quốc lớn nhất, hiện hành của Phạm Quỳnh.
Dân Thường
Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam là nhà nghiên cứu chỉ chuyên “nghiên cứu” những gì ông cho là Phạm Quỳnh phạm tội. Năm 2008, tạp chí Hồn Việt có tổ chức cuộc thảo luận về Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, diễn ra trong bốn tháng, với bốn số nguyệt san, vỏn vẹn chỉ có sáu bài viết riêng về Phạm Quỳnh được đăng, của các tác giả Đặng Minh Phương, Thái Vũ, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Tôn; trong đó, riêng Phạm Tôn được đăng nhiều nhất, đến hai bài trong các số 15 và số 17. Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, không biết sao, lại được vinh dự lấy bài của ông viết nhan đề Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh trong Hồn Việt số 17 (tháng 11/2008) làm kết luận cho cuộc thảo luận trên tạp chí Hồn Việt; mặc dù bài đó lẽ ra phải là của Mai Quốc Liên, người mở ra cuộc thảo luận. Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm Quốc học Việt Nam, đồng thời cũng là Tổng biên tập báo, lại chỉ có một bài rất ngắn so với bài của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn nhan đề là Lời kết cho một cuộc thảo luận ký tên Hồn Việt đăng vào số cuối cùng của cuộc thảo luận. Nhưng chủ yếu chỉ để nhấn mạnh chính bài của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn mới là bài kết thúc.!?
Giống hệt nhà văn Thái Vũ, đăng bài Về cái chết của ông chủ bút tạp chí Nam Phong trên báo Tiền Phong chủ nhật năm 2005, rồi sau 3 năm suy nghĩ, sửa chữa chút ít, lại đăng trên Hồn Việt một bài nữa nhan đề Về cái chết của ông Phạm Quỳnh với nội dung giống hệt bài năm 2005. Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn cũng thế. Nhưng không đủ kiên nhẫn chờ đến 3 năm, mà cho đăng ngay sau bài Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh của ông tham gia cuộc thảo luận. Chúng tôi tin chắc chắn rằng bài đăng sau này trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (tháng 11/2008) nhan đề Góp thêm một ít tư liệu chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh là bản gốc, bài đã bị Tổng biên tập Mai Quốc Liên đục bỏ nhiều đoạn mà Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn tâm đắc nhất. Chúng tôi dám khẳng định như vậy sau khi đã so sánh từng chữ của hai bài, cứ gạch bỏ đi một số đoạn, một số dòng của bài đăng trong tạp chí Nghiên cứu Văn Học (tức bài đăng sau) thì sẽ thành bài trước đó đăng trên Hồn Việt. Điều này chứng tỏGiáo sư tin tưởng chắc chắn vào những gì mình đã viết là tuyệt đối đúng. Rõ ràng ông rất không hài lòng với việc đục bỏ khiến ông đau đớn của Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên. Đáng chú ý nhất là hai đoạn sau đây:
- Phần trích bài Phạm Quỳnh và bản án tử hình đối với ông của Nhật Hoa Khanh đăng trên Xưa và Nay số 269, phát hiện ra tờ báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung Bộ, đăng toàn văn thông báo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương
“Phạm Quỳnh, một tay cộng sự của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mại quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9-3-1945, nhiều triệu chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta”.
- Và đoạn văn đã đưa Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, lên hàng kỷ lục gia số 2 sau nhà văn lão thành Thái Vũ chuyên viết về lịch sử là “Việc quân Nhật và Phạm Quỳnh âm mưu liên lạc, cấu kết với nhau là nguyên do đầu tiên đưa đến việc Phạm Quỳnh bị bắt giữ”
Ông đã mất công sưu tầm, dẫn ra các bài của Phạm Trọng Nhân, Thanh Lãng, Nguyễn Vạn An, rồi Xuân Ba, Phạm Tôn để lên án những người này đã bao che cho Phạm Quỳnh là sau cuộc đảo chính của Nhật, Phạm Quỳnh với chức danh Thượng thư Bộ Lại tức có quyền hành Thủ tướng, đã thảo bản Tuyên bố Độc lập ngày 13/3/1945, rồi cùng Bảo Đại và toàn thể nội các ký tên dưới đó. Sau đó ông thanh thản lui về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường xinh đẹp, nằm bên con sông nhỏ hiền hoà lặng lẽ chảy, nơi có cái bến đò An Cựu, được nhân dân yêu mến gọi là “Bến Cụ Phạm”.
Quả thực, ông đã rút về sống ẩn dật để trở lại với văn chương, công việc ông yêu thích nhất và cũng tỏ ra giàu tài năng nhất. Chỉ trong thời gian từ 14/3 đến 22/8/1945, ông đã cặm cụi sưu tầm tư liệu, tra cứu sách cổ, nhiều từ điển cổ, rồi bắt đầu viết bản sơ thảo giới thiệu Đỗ Phủ và tuyển chọn 51 bài thơ, rồi dịch và chú thích rất kỹ càng cho người đọc đời sau dễ hiểu Đỗ Phủ. Ông chú thích ngắn gọn, dễ hiểu nhưng tuyệt đối chính xác, theo phong cách vốn có của ông. Ông dịch thơ Đường theo cách dịch mà các nhà Nho sành thơ Đường đều công nhận là khó khăn nhất. Thơ Đường ngũ ngôn thì dịch ra thơ Việt năm chữ, đặc biệt khó nhất là thơ Đường thất ngôn cũng dịch ra thơ Việt bảy chữ.
Bao nhiêu tâm huyết đã đổ vào công trình “sơ thảo tuyển thơ Đỗ Phủ.”… Viết xong, ông gửi ngay cho người bạn cộng tác viên thân thiết của Nam Phong, nhà tuyên truyền trung thành tư tưởng và nghệ thuật của Nam Phong, duy nhất ở toàn miền Nam. Mở cả trường Trí Đức học xá để chuyên dạy quốc ngữ, dựa trên các tài liệu gốc là Nam Phong, bấy giờ đã tròn 210 số. Người đó là thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác, bạn thân thiết, tri kỷ của ông và cũng là người bạn thân thiết nhất mà học giả Vương Hồng Sển nhận xét là “Sống ở nơi khỉ ho cò gáy, mà có học thức hơn người”.
Sau những ngày miệt mài dịch thơ Đỗ Phủ, như để lấy đà cho bước đầu trở lại với văn đàn, ông bắt đầu viết trong quyển vở học trò bằng cây bút máy Waterman, tập Hoa Đường tuỳ bút – Kiến Văn, Cảm Tưởng I, theo phong cách tạp văn Lỗ Tấn. Hoa Đường là bút danh ông thường dùng những năm cuối viết Nam Phong. Mới viết được đến hơn mười bài trong buổi làm việc sáng định mệnh 23/8/1945 ấy, ông còn để mở quyển vở và đặt cây bút máy Waterman nằm ngang ở trên, chắc là để chiều viết tiếp mạch văn, về đề tài thân thiết nhất với ông suốt mấy chục năm: Cô Kiều với tôi.
Nhưng, 2 giờ chiều hôm ấy, ông được hai sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến – Huế, ăn mặc quân phục chững chạc, đến nói là “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc”. Ông thản nhiên đứng dậy, mặc quần áo ra đi lên Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa để rồi không bao giờ về nữa.
Trong quyển vở học trò có 11 tên bài, bài cuối Cô Kiều với tôi. còn viết dở dang. Đặc biệt trong đó có bài số 6, Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Văn Hoàn “ăn theo” cái chú thích số 5 của Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong bài Từ suy tôn Phạm Quỳnh đến đề cao thực dân thời hậu thuộc địa đăng trên báo Đi Tới, tháng 9/1999 (XB Montreal, Canada) lặp lại điều giáo sư đã nêu 24 năm trước trong tập Trường hợp Phạm Quỳnh, xuất bản ở Sài Gòn năm 1975. Trong hai bài cách nhau 24 năm ấy, Giáo sư Nguyễn Văn Trung vẫn chỉ mới dè dặt nhận xét đó “có thể là nguyên nhân quyết định bắt giữ” và chỉ đưa vào một chú thích. Nhưng, 33 năm sau, trong hai bài có nội dung cơ bản giống nhau đăng trên Hồn Việt và tạp chí Nghiên cứu Văn học, Giáo sư nguyên Viện trưởng Nguyễn Văn Hoàn đã nâng lên thành bản án tử đối với Phạm Quỳnh: “Việc quân Nhật và Phạm Quỳnh âm mưu liên lạc cấu kết với nhau là nguyên do đầu tiên đưa đến việc Phạm Quỳnh bị bắt giữ”.
Rất tiếc là lâu nay, không được đọc bài viết nào của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn. Dân Thường tôi và những dân thường khác ở nước ta, mong ngóng được đọc các bài mới của giáo sư để biết rõ giáo sư có thực sự là nhà nghiên cứu văn học không. Và nếu đúng là nhà nghiên cứu văn học thì không lẽ chỉ là ở đẳng cấp “kỷ lục gia số 2 về nghiên cứu Phạm Quỳnh.” ???!!!
8.2009
D.T.
Phòng mổ – Phòng dịch vụ 209 (giường 39)
Bệnh viện Nhân Dân Gia Định
Lời bình của Phạm Tôn: Đọc xong hai bài của bạn Dân Thường viết về các “kỷ lục gia số 1” Thái Vũ và “kỷ lục gia số 2” Nguyễn Văn Hoàn về nghiên cứu Phạm Quỳnh, có lẽ ta dễ buột miệng thốt ra câu nói cửa miệng của dân ta là “Rõ thật bảo hoàng hơn cả nhà vua…”
Nhưng, riêng chúng tôi lại nhớ đến Lỗ Tấn. Lỗ Tấn là người rất ghét…chó, từng viết nhiều bài tạp văn rất sâu sắc về tính cách… chó của chúng.
Có lần, ông viết đại ý thế này: Một biệt thự nọ có hàng rào sắt cao vây quanh. Một kẻ lang thang rách rưới đi qua bên ngoài hàng rào ấy. Thế là mấy con chó trong biệt thự xông ra cắn, sủa loạn xạ, chõ cả mõm ra ngoài khe hàng rào sắt. Hết sức dữ dằn, hết sức cuồng nộ… Rồi thỉnh thoảng lại lo lắng quay về đằng sau, nơi người chủ biệt thự đứng đó.
Và Lỗ Tấn kết luận lạnh lùng: “Nào phải chủ nó muốn thế…”.
No comments:
Post a Comment