Saturday, 8 June 2013

Từ vựng NGHỀ LƯỚI ĐĂNG – Một vốn quý trong kho tàng NGÔN NGỮ, TRI THỨC, VĂN HÓA DÂN GIAN của ngư dân KHÁNH HÒA (Nguyễn Man Nhiên)

Từ vựng NGHỀ LƯỚI ĐĂNG – Một vốn quý trong kho tàng NGÔN NGỮ, TRI THỨC, VĂN HÓA DÂN GIAN của ngư dân KHÁNH HÒA
Nguyễn Man Nhiên
Trước đây, lưới đăng là nghề biển có quy mô lớn, có năng suất và lợi tức cao nhất trong các nghề đánh cá ở Khánh Hòa. Cùng với những tục lệ thờ cúng kỳ lạ, những tập quán kiêng cữ đặc biệt, trong quá trình giao tiếp cũng như khi hành nghề, ngư dân lưới đăng đã sáng tạo và sử dụng một hệ thống từ vựng rất phong phú và độc đáo, phản ánh đặc trưng nghề nghiệp và mang đậm sắc thái dân gian. Trải qua thời gian, hệ thống từ vựng này đã trở thành một vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống của địa phương.

A
Ăn dọn (còn gọi là dọn nghề): Khâu chuẩn bị trước khi xuất hành ra biển làm mùa, từ việc bày dọn giàn lưới ra một bãi cát rộng để tu sửa, đan vá, kết lại cho hoàn chỉnh đến việc sửa ghe, trét ghe hay xảm thuyền. Thời gian ăn dọn bắt đầu từ trung tuần tháng 11 âm lịch, tùy giàn nghề lớn nhỏ mất khoảng 15 đến 25 ngày để hoàn tất. Trong thời gian ăn dọn, bạn nghề ăn ngủ ngay ngoài bãi.
B
Bạn lưới (còn gọi là Bạn trên): thuyền viên kéo neo, kéo lưới, làm việc trên ghe là chính. Số lượng khoảng 20 - 28 người, chia đều cho 2 chiếc thuyền đăng, thuyền neo.
Bạn nằm thuyền: thuyền viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, lo việc tát nước, nấu ăn và những việc nặng đòi hỏi tay nghề cao (như nhảy xuống nước kết giải, làm mé làm gót...). Mỗi bên thuyền đăng, thuyền neo đều có từ 1 đến 2 bạn nằm thuyền.
Bao hầu: cá cờ lớn cỡ ba bốn tạ trở lên gọi là bao hầu.
: phao lưới, giúp giàn lưới nổi theo chiều thẳng đứng từ mặt nước xuống đáy biển. Ngày xưa, bè được làm bằng những ống tre kết lại, ngày nay bè làm bằng xốp, lại dùng ống tre bọc xung quanh để bảo vệ xốp khỏi bị vỡ. Lưới đăng có 2 bè chính là bè cái và bè dọc, còn lại là những bè nhỏ. Vị trí của bè được gắn liền với dây neo, có bao nhiêu neo trên một giàn lưới thì có bấy nhiêu bè.
Bề dạu (còn gọi là bề đứng, bề thâm): chiều cao của tấm lưới tính từ mặt nước xuống đáy biển.
Bên đăng: bên thuyền đăng (đậu giữa neo thứ 10 và thứ 9 từ bè cái tính vào).
Bên đốc: bên cọc chèo bánh của ghe (bên trái).
Bên lái: bên cọc chèo mũi của ghe (bên phải).
Bên neo: bên thuyền neo (đậu bên giàn lưới hôm giữa 2 bộ neo nhì tráng tây và nhất tráng tây).
Biển đói: đánh không được cá trong nhiều ngày hoặc mất mùa cá.
Biển no: được mùa cá.
Biện: thư ký, có nhiệm vụ ghi chép, tính toán, quản lý sổ sách thu chi. Làm việc trên thuyền có biện nước, trên bờ có biện bờ.
Bộ: gọi tắt từ bộ neo. Khi khép lưới bửng nhốt cá vào rọ, mỗi bên thuyền đăng và thuyền neo kéo theo một đầu lưới rồi đi qua 5 hoặc 6 bộ để làm mé làm gót.
Bồng đỏ mũi: phần đầu mũi thuyền đăng và thuyền neo có cây xỏ mũi sơn màu đỏ.
C
Cá ăn đầu (còn gọi là cá tá): thuở nghề đăng còn sơ khai, thu nhập của ngư dân được tính theo lối ăn chia chứ không trả công ăn lương như sau này. Để chuyên chở cá về bến, các chủ đầm phải sắm hoặc thuê ghe phiên. Nếu thuê, cứ mỗi tá cá (12 con) chủ đầm thu hoạch được thì chủ ghe phiên được hưởng 1 con.
Cá chạy bãi: mấy tháng biển động sóng to gió lớn, nước đục, nhiều loại cá như cá chét, cá chột lớn cỡ bắp vế, từ ngoài khơi vô bờ lúc nước lớn, chạy dọc theo bãi để kiếm ăn.
Cá dài: tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá thu.
Cá lái lợi: số cá ngư dân trả cho chủ nợ thay tiền lãi.
Cá lại: từ cuối tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, các loài cá di cư từ vùng biển phía bắc bắt đầu trở vô nam, ngư dân gọi là cá lại. Mùa này cá đi chậm, gặp vật cản thường xoay tròn lòng chảo và nép vào chân các gành đảo trong lộng.
Cá lên: từ tháng Giêng đến đầu tháng 5 âm lịch, từng đàn cá nổi di cư theo mùa như cá thu, cá ngừ, cá bò... từ vùng biển phía nam bắt đầu di chuyển ra phía bắc, ngư dân gọi là cá đi hoặc cá lên. Thời gian này cá thường chạy khơi, xa gành nên đi nhanh và thẳng đường. Đây là mùa khai thác chính của nghề lưới đăng.
Cá nhập đất: cá biển có tập tính thường đi sát đáy ngày 2 lần: lúc chạng vạng và mới rạng đông.
Cá tròn: tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá ngừ, bò, chù, chấm, dưa gang.
Các bác: là những người khuất mặt, chết ngoài biển hoặc trên đảo.
Cần khấu: cần ngắn khoảng 1m, gắn lưỡi câu lớn không ngạnh, dùng móc vào mình cá lớn cho dễ bắt.
Câu chạy: nghề câu cổ truyền, thả mồi nổi trên mặt nước, dùng xuồng kéo chạy nhanh, cá lớn rượt theo đớp sẽ bị dính câu. Nghề này hoạt động ban ngày trong lông, dùng xuồng nhỏ, trước kia gắn buồm, về sau gắn động cơ để chạy nhanh, thuận tiện lúc ngược gió. Nhợ câu ngày trước là nhợ se bằng tơ tằm, sau dùng cước 70 hoặc 80, mỗi ống 100m, cột ít nhất 2 lưỡi câu. Mồi là lông gà loại mềm, tùy theo tháng và con nước mà dùng lông màu trắng, vàng, vàng lợt, xám... Mồi lông gà kéo chạy nhanh trên mặt nước làm cá lớn lầm tưởng là cá con. Cá ăn mồi nổi là các loại cá ngừ, chù, chấm, bò, thu, cá cờ, cá gòn. Nghề lưới đăng cũng đánh bắt các loại cá này nên các xuồng câu chạy có mặt trong vùng gần sở đầm từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, hết mùa lưới họ câu tiếp đến tháng 8 âm lịch thì nghỉ.
Câu giăng: nghề câu cổ truyền, hoạt động trong lông, mỗi giàn câu gồm 1500 - 2000 lưỡi câu cột cách nhau 7, 8 tấc, với một số phao để giữ lưỡi câu cách rạng lối 1m. Mồi là cá nục, cá cơm trỏng, mực tươi xắt miếng. Ngư dân giăng câu buổi chiều chung quanh đảo hoặc nơi có rạng lố, tùy con nước họ thăm câu thay mồi mỗi đêm 3 - 4 lần. Sau này do nạn bắn cá bừa bãi bằng chất nổ, cá ở rạng lố bị tiêu diệt, những ghe câu giăng dần dần đổi sang nghề khác.
Câu kiều: nghề câu cổ truyền, hoạt động trong lông, câu cá mà không có mồi. Ngư dân dùng nhiều giàn câu giăng, mỗi giàn cột 1000 - 1500 lưỡi câu lớn, mỗi lưỡi câu cách nhau 3 - 4 tấc, không gắn mồi, thả xuống đáy biển, lưỡi câu thòng tòn ten cách mặt đất lối 1 tấc, cá lớn nhập đất đi ngang qua vướng lưỡi câu, vùng vẫy thì các lưỡi câu gần bên móc thêm vào mình, không còn lối thoát. Về sau nghề giã cào phát triển, cào sát đáy biển, kéo bứt giàn câu kiều nên họ dẹp nghề.
Cây chong: miếng gỗ nhỏ hình đồng xu dùng để móc tua chì của mỏ neo cái với vòng nhiếp chì.
Cây gang: cây gỗ lớn dùng móc vào phần đầu dây song gang để mặt lưới tránh cọ xát với đá nhọn.
Cây giang: những thanh đà ở hai bên be thuyền.
Chao lưới: đoạn lưới rất thưa, sợi lớn, nối nạp con với giàn lưới đăng.
Chắp bả: đan lưới, vá lưới.
Chèo dọc: tức đội trưởng (nếu là chèo dọc bên ghe đăng) hoặc đội phó (nếu là chèo dọc bên ghe neo), là người chỉ huy, điều khiển, quyết định phương án đánh bắt cụ thể cho từng giác lưới.  
Chính đầm, phụ đầm: Mỗi sở đầm lớn (đầm chính) thường lãnh thêm một sở đầm nhỏ gọi là đầm phụ, vì vậy tên của các sở đầm này thường được ghép chung, ví dụ: Xưởng Dự - Táo Chỉ, Lam Dự -Châu Dự, Tiểu Cảng - Suối Châu, Thạch Dự - Bút Chử...                                                                                                                                                                                                                                                  
Chủ đầm: là người hay nhóm người được lãnh khoán hoặc trúng thầu khai thác một sở đầm đăng nào đó, còn gọi là chủ nghề, nghiệp chủ hoặc chủ nhiệm (hợp tác xã).
Chủ nậu: những người giàu có, cho các chủ phương tiện đánh bắt vay vốn và nhận bao tiêu sản phẩm (mỗi chủ nậu có thể cho vay và bao tiêu cho từ 2 đến 10 tàu đánh cá) rồi bán lại cho những người làm nghề rổi.
Chủ vựa: những người chuyên thu mua cá với số lượng lớn, sau đó bán dần cho những người làm nghề rổi.
Chuyến chính, chuyến phụ: cá lưới đăng đi phiên mỗi ngày 2 chuyến, chuyến chính về bến lúc 2 - 3 giờ chiều, chuyến phụ về bến lúc 6 - 7 giờ tối.
Chửng cá: cách chia cá giữa chủ đầm và bạn lưới thuở nghề đăng còn sơ khai.
Coi nước: quan sát số lượng cá đã có trong rọ lưới để quyết định khóa hom và thu hoạch. Người coi nước ôm ống tre hay phao bơi trong rọ lưới, dùng kính lặn nhìn sâu xuống đáy xem cá đã vào rọ thì báo hiệu cho trên thuyền đóng cửa bửng để cá không chạy thoát ra ngoài.
Con nước thủy triều: mỗi tháng thường có 3 hoặc 4 ngày nước thủy triều, cứ nước lớn một lúc rồi ròng một lúc, lừng chừng như vậy cả ngày.
Con trân (còn gọi là nhợ cúi): cuộn nhợ đan lưới có chiều dài 100 sải.
Cốt gang: là sợi dây lớn ràng, buộc quanh hòn đá kết gang. Từ cốt gang phân ra hai sợi nhánh bằng cáp là tay rượng đồi và tay rượng chì. Tay rượng đồi cột mặt trên của lưới, tay rượng chì cột mặt đáy.
Cụi lưới: lưới đã cuộn lại thành từng ôm.
Cúng cầu ngư: cúng vào lúc năng suất sở đầm quá thấp.
Cúng Dàng (còn gọi là cúng Thập nhị Nhang Dàng): lễ cúng ảnh hưởng theo tục lệ của người Chăm xưa, tổ chức vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư âm lịch hàng năm.
Cúng hạ đăng: ngày xưa nghề đăng dùng lưới đan bằng vỏ cây mấu trên rừng hoặc bằng xơ dừa nên lưới mau hư mục, mỗi tháng sở đầm phải nghỉ một hai ngày để ráo lưới - tức vá lưới, phơi lưới. Khi bủa lại giàn lưới, phải làm lễ này.
Cúng kết gang: lễ cúng xin phép Thần linh cho cột một đầu lưới (móc gang) vào gành đá.
Cúng khai sơn: lễ cúng xin phép chư vị Thần linh cho sử dụng gành đảo để đặt gang lưới.
Cúng lịch y: hàng năm vào khoảng hạ tuần tháng 2 âm lịch (tháng này còn gió đông bắc, thỉnh thoảng biển động mạnh, cá thường đi khơi), các phường lưới đăng làm lễ dâng cúng các đồ y trang, vàng mã... để cầu xin chư vị thần linh dẫn dắt cá chạy gành sớm. Nhân dịp này ngư dân rước thầy chùa làm lễ cầu siêu và lễ phóng đăng để siêu độ vong hồn Các Bác và những đồng nghiệp tử nạn ngoài biển.
Cúng mừng rau: khi năng suất tăng vọt trong nhiều ngày, ngư dân làm gỏi cá cúng tạ ơn chư vị Thần linh (tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá là “rau”).
Cúng ra mắt: lễ cúng xin phép Thần linh để bắt đầu hành nghề.
Cúng ráp xương quẹo: nghi thức ráp lưới thưa và lưới tư ở một góc 90 độ, chỗ sẽ đặt neo cái (so sánh chỗ ráp hai đầu lưới như cùi chỏ). Việc này do chủ nghề hoặc đại diện và ông chèo dọc thực hiện.
Cúng tạ: ngày mãn mùa cá, sở đầm làm lễ cúng tạ ơn chư vị Thần linh đã phù hộ cho ngư dân trong mấy tháng hành nghề. Biển no họ cúng trọng thể, biển đói thì cúng đơn giản hơn nhưng cũng đầy đủ phẩm vật thường lệ.
Cúng tết thuyền: lễ cúng tại thuyền đăng, thuyền neo vào ngày Tết Nguyên Đán.
Cúng tổ nghề (còn gọi là cúng Tam vị thánh tổ): lễ cúng trọng thể tại nhà chủ nghề hoặc nhà chung của phường lưới đăng (nhà đoàn).
Cữ: kích thước tiêu chuẩn của tấm lưới.
D
Dây cốt hôm: dùng cột một đầu lưới hôm qua trung gian là giây xiềng xiềng.
Dây cửa (còn gọi là dây mé nhảy): một đầu buộc vào đầu dây còn trống của bửng, một đầu buộc tại chỗ gần với góc lót. Người ta có thể đặt dây cửa theo nhiều cách khác nhau tùy theo vị trí của thuyền neo.
Dây đòi: sợi dây dài cột hòn đồi.
Dây giằng dọcdây giằng gótdây nhồi mé: 3 tên khác nhau của cùng một sợi dây giăng dọc theo chiều dài dây giềng của lưới bửng
Dây giằng hômdây giằng tây: cùng một sợi dây mà phần giữa được nối với dây giềng của lưới bửng, còn hai đầu nối trên dây nạp cái của dây cốt hôm.
Dây khóa dọc: được kéo thẳng từ đầu mút lưới bửng đến bè neo dọc.
Dây khóa hôm: nối lưới hôm bằng cách nối với giềng đồi của lưới lưng.
Dây khóa sau: dây nối vành neo, có vai trò như dây giằng tây và dây giằng hôm.
Dây khóa trước: vừa giữ điểm cuối của lưới bửng vừa chống lại những dây giềng của lưới hôm.
Dây kình: dây nối giềng kình và giềng đồi.
Dây mồi: dùng để buộc phao và mỏ neo.
Dây muối: đóng vai trò trung gian khi người ta muốn buộc chung các dây lại.
Dây song gang: dùng để buộc đầu lưới gang vào mặt lưới, gồm 2 phần: phần đầu gọi là dây cốt gang dùng để cột vào hòn đá nơi gành, phần sau gọi là tay rượng chia làm 2 nhánh: một nhánh buộc vào đầu giềng đồi của lưới gang gọi là tay rượng đồi, một nhánh buộc vào đầu giềng chì gọi là tay rượng chì.
Dây xiềng xiềng: nối với dây cốt hôm qua một ròng rọc, từ đó chia ra 2 nhánh, một nhánh móc vào giềng đồi gọi là tua đồi, một nhánh móc vào giềng chì gọi là tua chì.
Dây xôm (còn gọi là dây làm lưới): dùng cột vào 2 dây chão lớn của các đầu dây tráng. Khi kéo lưới, một trong hai thuyền dùng dây xôm như dây chão để buộc mũi bè thích hợp.
Dinh Ông: lăng thờ Ông Nam Hải (cá Voi).
Dò nước: ông chèo dọc sau khi nghe người coi nước hô “Lui” thì quan sát dòng nước chảy mà đề ra phương án đánh bắt  thích hợp.
Dời: đơn vị tính cổ truyền, 1 dời = 20 sải.
Dúng: đơn vị tính cổ truyền, cứ 5 sợi loại dài 4 sải = 1 dúng.
Đ
Đại diện: người thay mặt nghiệp chủ quản lý sở đầm ngoài biển.
Đầm đăng: vị trí đặt lưới đăng. Qua theo dõi nhiều năm, ngư dân đã xác định được một số vị trí tương đối chính xác để đặt giàn lưới đăng đánh bắt cá hiệu quả. Vì thế, tuy bờ biển dài nhưng những nơi có thể làm đầm đăng rất ít, thời kỳ cao nhất toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có khoảng trên 30 sở đầm, trong đó nhiều nhất thuộc hải phận Nha Trang (13 đầm). Hiện nay, TP. Nha Trang chỉ còn 5 sở đầm hoạt động là Hòn Nọc, Sông Hồng, Hòn Xưởng, Thạch Dự và Lam Dự.
Đầm hải đông: tên gọi các ngư trường phân bố dọc ven bờ biển và các gành đảo trong tỉnh (ví dụ vùng biển từ Hòn Đỏ đến mũi Cù Hin thuộc TP. Nha Trang trước đây phân chia thành các hải đông Cù Lao, hải đông Xương Huân, hải đông Bích Đầm, hải đông Trường Đông, hải đông Trường Tây). Ngày xưa, ngư dân hành nghề trong các vùng biển này phải đóng thuế gọi là thuế hải đông, do ông xã lạch ở làng thu.
Đầm úc: vùng biển gần bờ, gần cửa sông, nước không sâu.
Đi bạn: đi làm công cho chủ nghề.
Đi khơi (còn gọi là đi kinh): đánh cá ở vùng biển nước sâu, xa bờ.
Đi lộng (còn gọi là đi ốp): đánh cá ở vùng biển gần bờ.
Đi phiên: chở cá từ sở đầm về bến bằng ghe phiên. Cá lưới đăng bán ra ở ghe phiên phần lớn là cá ngon, lại là cá “tươi dong”.
Đi tớiđi tráng đôngđi xây: 3 phương án đánh bắt chính của lưới đăng. Tùy theo hướng nước chảy, người chèo dọc sẽ quyết định phương án cụ thể cho từng giác lưới. Đi tới là cách thông thường khi không gặp nước chảy (nước êm). Đi xây khi dòng nước ngoài biển chảy vô. Đi tráng đông khi dòng nước từ trong gành chảy ra.
Đường neo: Lưới đăng sử dụng rất nhiều bộ neo để giằng giữ giàn lưới. Neo lại phải thả lài ra cho vững nên sử dụng rất nhiều dây chạc hoặc dây ny-lon lớn. Cứ khoảng 10m lưới thì đặt một mỏ neo và 50m là một đường neo. Có hai cách đặt đường neo là neo chiếc và neo đôi. Neo chiếc là một neo cố định bằng một dây. Đây là đường neo sử dụng ở những phần biên lưới nơi có độ căng rất lớn. Neo đôi là một neo cố định bằng hai dây.

G
Gạn: động tác vừa kéo lưới vừa thu hẹp vòng rọ.
Ghe lòi: thuyền nhỏ chở cá trên sông rạch hoặc vùng biển nước không sâu.
Giã cào: nghề biển sử dụng công cụ lưới hình ống, có cánh hai bên, dùng ghe kéo để đánh bắt cá và các loại hải sản khác ở tầng đáy. Ghe giã cào hành nghề vào những tháng biển động, hoạt động cả ngày lẫn đêm, giàn lưới thả sát đáy, miệng giã rà trên mặt bùn, càn quét tất cả các loại hải sản vào một đảy lưới thật dầy. Nghề giã cào thường hoạt động ở vùng biển có mực nước sâu từ 6 hoặc 7m trở ra, ở những vùng không có rạng lố, đáy biển chỉ toàn cát và bùn.
Giác lưới: một mẻ lưới đăng, gồm các công đoạn thả lưới, nhổ lưới, thu hoạch cá.
Giàn nghề lưới đăng: một giàn nghề lưới đăng gồm 6 tấm lưới (ganglưngrọtránghômbửng) kết vào nhau bố trí thành thế trận lừa cá vô rọ. Ngoài ra còn một giàn lưới rút để sẵn trên thuyền, khi cá đã vào rọ thì thả xuống thu hoạch.
Giềng chì: dây cạp chân lưới.
Giềng đồi: dây cạp phần trên cùng của lưới, gắn với chao lưới.
Giềng kình: phần ngoài cùng của cạp giềng.
Giềng miệng: phần giữa của cạp giềng.
Gió nam đò: gió tây nam từ vùng núi huyện Ninh Hòa thổi tạt ra biển.
Gió cây khô: trận bão khủng khiếp xảy ra vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch năm Thìn (không rõ năm nào, nhưng cũng cách đây trên cả trăm năm) khiến 32 ngư dân quê ở Phường Mới (Bình Định) bị thiệt mạng tại một điạ điểm lưới đăng thuộc Hòn Xưởng ở Bích Đầm ngoài khơi biển Nha Trang.
H
Hai lòng nước: Lưới đăng phân biệt hai loại dòng chảy ở biển là nước mặt và nước đất.
Hèo: đơn vị đo lường trong nghề đăng (1 hèo = 1 sải = 1 thước ta = 1,7m).
Hòn chì: lưới đăng dùng những hòn đá lớn nhỏ khác nhau hoặc được đúc bằng xi-măng cốt sắt để cột vào dậu lưới, giữ cho lưới không bị hổng chân khi gặp sức nước chảy mạnh.
Hòn đồi (hoặc đòi theo âm địa phương): hòn đá lớn nhất, nặng nhất trong các hòn chì, dùng để buộc hai đầu lưới của giềng miệng.
Hôi cá: gỡ cá sót trong lưới và thừa dịp ăn cắp cá.
K
Kết gang: cột các dây đầu gang lưới vào hòn đá trên gành. Khi tiến hành việc này phải làm lễ cúng gà, chè, xôi... gọi là cúng kết gang.
Kết giải: cột giàn lưới bửng vào giàn lưới hôm và cột phần đồi của giàn lưới rút vào phần đồi của các giàn lưới rọ.
Khoá mũikhóa lái: dùng một sợi dây lớn bằng bắp tay kết hình số 8 tròng vào mũi thuyền hoặc móc vào đuôi thuyền đăng và thuyền neo để giữ cho hai thuyền này không bị tách ra.
Khoang: lòng thuyền đăng ngày xưa được chia thành nhiều khoang: khoang trấu, khoang phát, khoang tráng chì, khoang lòng, khoang lòng giác, khoang đốc, bồng nhì, bồng nhứt, ngăn với nhau bằng các đà dừng và then.
Kiện: đơn vị tính cổ truyền, cứ 100 dúng = 1 kiện (kiện dây).
L
Lái phiên: tài công điều khiển ghe phiên chở cá từ sở đầm về bến.
Làm mé làm gót: người nằm thuyền cột đầu lưới bửng vào lưới rọ bằng hai dây mé và hai dây gót.
Lầm: số đếm bằng 100 (lầm mây, lầm cá).
Lặn cá đóng: nghề phụ chuyên lặn gỡ cá đóng lưới, ăn chia 5/5 với chủ đầm.
Lòng cốt: lòng thuyền đăng được đóng ghép bằng nhiều miếng ván dài. Lòng cốt là miếng ván dài nhất ở giữa thuyền.
Lỗ Lường: tiếng gọi trại bộ phận sinh dục nữ. Trước đây, một vài sở lưới đăng ở Khánh Hòa có tục thờ cúng Lỗ Lường. Tại sở đầm Hòn Đỏ (Ninh Hòa) có một cái miễu nhỏ trong thờ một khe đá gọi là Lỗ Lường, bên cạnh có để một “bộ đồ” tạc bằng gỗ như “của thật”, sơn đỏ. Theo tục lệ cổ truyền, mỗi năm phường lưới đăng tới đây hành nghề đều phải cúng vái và tiến hành nghi thức cầm bộ đồ chọc ba lần vào khe đá để cầu được trúng mùa.
Lộng (hoặc lọng theo âm địa phương): vùng biển gần bờ.
Lút ống: khi dòng nước chảy quá mạnh nhấn chìm các bè phao.
Lưới bửng: loại lưới thưa, chiều dài khoảng 38 hèo (65m), giăng từ neo thứ 10 bên đăng chếch sang phía lưới hôm tạo thành một góc hình tam giác, có chừa một khoảng trống (cửa bửng) cho bầy cá vào rọ.
Lưới cản: nghề biển nhỏ, đánh bắt vào ban đêm khi các loại cá thu, cá bò… đi ở lưng chừng nước. Ngư dân thả lưới xuống cách mặt nước chừng bảy tám sải hoặc sâu hơn theo chiều nước chảy. Cá không thấy bóng lưới, đâm đầu vào rồi tự quấn mình vào lưới.
Lưới quát: nghề lưới quát giống lưới rùng nhưng giàn lưới lớn hơn, khi kéo lưới vào gần bờ, một người lặn tóm chân chì và tóm hai đầu lưới rồi kéo lên ghe chứ không kéo lên bãi như lưới rùng.
Lưới quây: nghề biển di chuyển khắp nơi, chuyên đánh các loại cá đi nổi trên mặt nước như cá Ngừ, cá Ồ, cá Chù, cá Chấm... Lưới quây là lưới đi tìm cá, khác với lưới đăng là loại lưới cố định, đóng tại những địa điểm cố định chờ cá đến.
Lưới rùng: nghề biển cổ truyền sử dụng giàn lưới hình ống có cánh hai bên, vây bắt cá kéo vào bờ.
Lưới rút: tấm lưới lớn có hình thang, dài khoảng 40 sải, rộng 40 sải, để sẵn trên thuyền. Khi cá đã vô rọ thì trên thuyền cho đóng lưới bửng và thả giàn lưới rút xuống để bắt.
M
Mành: loại nghề đánh cá biển dùng công cụ như chà rạo thả xuống biển tạo thành bóng râm hoặc ban đêm dùng ánh sáng đèn măng-sông, đèn điện để nhử cá tập trung lại rồi dắt chúng vào lưới, phổ biến nhất là các nghề mành đèn, mành chong pha xúc, mành mực, mành trủ. Đối tượng đánh bắt là các loài cá, mực thích theo bóng râm của rạng hoặc chà rạo, hoặc thích theo ánh sáng đèn như cá nục, cá cơm, cá chù, cá ồ, cá sơn đỏ, mực thẻ, mực đất, mực trũng... Mùa chính nghề mành từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, mùa phụ từ tháng 8 đến tháng 9 âm lịch.
Mành chà: nghề biển cổ truyền, hoạt động ban ngày, đánh bắt các loại cá nhỏ như cá nục, cá cơm, cá sơn, cá thằn lằn, mực vv... Người ta thả chà bằng lá dừa kết lại thành nhiều bó to, để cá tụ dưới bóng lá. Cá luôn luôn đứng hóng mồi dưới dòng nước. Ngư dân thả lưới dưới dòng nước, ghe đậu trên hướng nước chảy, từ từ gạn giàn mành lên ngược giòng nước bao đàn cá. Hai đầu lưới vừa giáp cây chà, một người lội xuống nước, khuấy động đuổi cá chạy xuôi giòng nước chun vào đảy.
Mành chong (còn gọi là mành đèn): hoạt động ban đêm, đánh các loại cá nhỏ. Khi lưới đã thả xong, ngư dân chong đèn măng-sông hoặc đèn điện trên bè phao lớn thả trên mặt nước cho cá tụ dầy dưới ánh sáng, kéo bè đèn đến chỗ thả lưới, cá theo ánh sáng đi vào miệng mành. Các động tác thả lưới, đặt đèn, bơi thúng dắt đèn đều phải tuyệt đối nhẹ nhàng. Khi thúng dắt cá xuống được 1/4 giàn lưới thì bắt đầu kéo lưới.
Mành đăng: nghề biển cổ truyền tương tự lưới đăng nhưng là nghề nhỏ, có thể xê dịch và đánh cá ở những nơi nước không quá sâu. Thường thường ngư dân ghe mành hành nghề tại vùng hậu bối (sở phụ) của đầm đăng với điều kiện trả cho chủ đầm một số tiền trong suốt mùa cá.
: một trong hai kẽ lù (điểm nối) của giềng miệng (phần giữa của cạp giềng).
: đầu mút giềng đồi của lưới bửng.
Miễu Hội Đồng: ngôi miễu thờ chư vị Thần linh biển cả do ngư dân lập trên đảo gần chỗ đặt giàn lưới đăng.
Muôn: số đếm bằng 10.000.
N
Nạp cái: dây ny-lon lớn nối từ kết gang ra đến bè cái. Đây là sợi dây dài nhất và chịu lực mạnh nhất trong giàn lưới đăng. Một dây khác chạy song song để chia lực với nạp cái gọi là nạp con.
Neo: lưới đăng sử dụng rất nhiều loại neo. Ngoài 4 neo chính là neo cái, neo cổ, neo dọc, neo ngang, còn có 6 neo phụ là nhất rượng, nhì rượng (ở giữa lưới rọ), nhất tráng tây, nhì tráng tây, nhất hôm, nhì hôm (ở lưới hôm) và hàng chục neo lưng giữ giàn lưới lưng. Ngày xưa neo làm bằng gỗ, hiện nay phần nhiều làm bằng sắt đúc, có hình lưỡi cày.
Neo rạng lộng: loại neo này chỉ có một mỏ neo, dùng để thả vùng đáy biển có đá ở sát gành.
Ngà: tấm gỗ hình trăng khuyết sơn đỏ đóng ở mũi thuyền đăng.
Nghề bọt nước: chỉ nghề biển giã.
Ngọc cốt: bộ xương cá Voi (cá Ông), còn gọi là cốt Ông Nam Hải. Ngư dân một số tỉnh ven biển Trung bộ và Nam bộ hiện nay vẫn còn giữ tục thờ cúng cá Ông. Khi cá Ông “lỵ” (chết) ngoài biển, ngư dân đưa xác vào bờ, đăng lại để thịt rã hết rồi vớt xương cho vào hòm (quách) đem để trong Lăng để phụng thờ.
Nhà chồ: nhà cao cẳng như nhà sàn, dựng bằng tre, gỗ... trên bãi cát, mặt nước ven sông, biển.
Nhà đoàn: một gian nhà rộng do sở đăng cất, vừa làm nơi thờ cúng, vừa làm kho chứa tất cả dụng cụ làm nghề.
Nhổ lưới: kéo giàn lưới rút lên để thu hoạch.
Nhờ Ông Bà: lời nói cửa miệng của ngư dân địa phương mỗi khi được mùa cá.
Nhợ: cuộn sợi mấu để đan lưới đăng dài 20 sải.
Nước đất (còn gọi là nước dưới): dòng chảy dưới đáy biển.
Nước giữa: ngoài dòng chảy trên mặt biển và dưới đáy biển, thỉnh thoảng lại có dòng chảy thứ ba xuất hiện giữa hai dòng này.
Nước lừa: lúc sắp trở trời, nước ở đáy biển chuyển động mạnh làm cho nước trên mặt dao động bất thường.
Nước mặt: dòng chảy trên mặt biển.
Nước ra: nước từ trong gành chảy ra.
Nước vô: nước từ ngoài biển chảy vô.
O
Ông Nam Hải: Từ bao đời nay, người dân làm nghề biển giã rất sùng kính cá voi, coi đó là một vị thần tối cao luôn cứu giúp họ khi gặp hoạn nạn trên biển cả. Cá voi được dân gian gọi bằng nhiều danh xưng trân trọng như: Ông Khơi, Ông Lộng, Ông Sứa hoặc Ông Nam Hải, được các vua nhà Nguyễn sắc phong là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần.
Ống: trước đây phao của lưới đăng làm bằng ống tre. Các phao cột vào các giàn lưới gang, lưng, rọ, hôm gọi chung là ống lưới đăng, các phao của giàn lưới tráng gọi là ống tráng, các phao của giàn lưới bửng gọi là ống lưới bửng. Các bè phao cũng được làm bằng ống tre kết lại, bè neo cái gồm khoảng 14 - 16 ống tre, bè neo dọc từ 10 - 12 ống tre.
P
Phái: gọi tắt từ phái bướm, là biên bản ghi số lượng cá thu hoạch được tại sở đầm, gởi theo ghe phiên mỗi chuyến chở cá về bến.
Phăn cá thu: nghề phụ, neo thuyền vào một giàn lưới quanh vòng rọ rồi cứ quăng câu phăn nhanh về để câu cá thu. Nghề phăn không phải ăn chia, chỉ cần xin phép đội trưởng, vì nó cũng giúp cho người chỉ huy biết trong rọ lưới có cá khi nước đục
Q
Qua lồ: như quá giang, chỉ người rảnh việc hoặc tình cờ đúng dịp  đi theo ghe để phụ kéo lưới, xong việc được thưởng công ít nhiều tùy theo kết quả của giác lưới (thường là một cặp cá tròn hay một con cá dài).
R
Rạn: vùng đá ngầm hoặc những ám tiêu san hô dưới biển, nơi sinh sống và kiếm ăn lý tưởng của rất nhiều loại cá (ở vùng biển Vạn Ninh có các địa danh Rạn Trào, Rạn Tướng)
Ráo lưới: ngày xưa lưới đăng đan bằng sợi dừa, sợi mấu nên rất nặng, thấm nước, mau mục. Vì thế mỗi tháng sở đầm nghỉ đánh cá một hai ngày để vá lưới và phơi lưới, gọi là ráo lưới.
Ráp xương quẹo: nghi thức ráp giàn lưới thưa với lưới tư ở một góc 90 độ, chỗ sẽ đặt neo cái (như hai đầu xương cánh tay ráp ở cùi chỏ). Ngư dân lưới đăng xem việc này rất hệ trọng đến kết quả đánh bắt trong mùa cá sắp đến nên làm lễ cúng gọi là cúng ráp xương quẹo, lễ vật có chè, xôi, gà..., tổ chức ngay trong thời gian ăn dọn.
Rau: tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá. Khi bạn lưới ôm ống nổi lội xem cá trong rọ, trên thuyền hỏi: “Rau nhiều ít?” hoặc lúc được năng suất cao trong nhiều ngày, sở lưới đăng làm gỏi cá cúng thần linh gọi là cúng mừng rau.
Rổi: những người gánh cá đi bán dạo. 
Rổi bờ: những người mua bán cá trên bờ. Họ mua lại của các chủ tàu - thường là với số lượng nhỏ, các chủ nậu, vựa hoặc của những người rổi nước rồi đem bán lại. Những người đem  cá đi bán ở các chợ lân cận trong vùng gọi là rổi bán lẻ, những người chuyển cá đi bán ở các chợ nơi xa gọi là rổi đường dài.
Rổi nước: những người chèo thuyền ra xa cảng cá, đón các tàu đánh cá trở về mua cá của họ ngay trên biển đem về đất liền bán lại cho những người làm rổi bờ.
Rượn: kề bên neo cổ là 2 neo nhứt rượn, nhì rượn. Sở dĩ có tên như thế vì 2 neo này không bao giờ đứng yên mà cứ giựt lên, giựt xuống như heo nái rượn đực.
S
Sương lưới: ráp các tấm lưới theo chiều dài.
T
Tiền bối: người thuộc lớp trước, có công sáng lập nghề lưới đăng hoặc khai khẩn các sở đầm.
Thả neo dắt: Để giăng lưới từ gành ra khơi, cần phải kéo một sợi dây được cố định ngoài biển bằng một chiếc neo lớn nhất gọi là neo dắt. Độ dài của dây neo dắt tương ứng với chiều dài giàn lưới.
Thiên: số đếm bằng 1000.
Thu: gọi tắt từ cá thu, thuộc loài cá nổi di cư theo mùa, đối tượng khai thác chính của nghề lưới đăng. Cá thu có nhiều loại: thu ảo, thu chấm, thu ngàng, thu hủ, thu lộng, thu mùa..., nhiều kích cỡ: thiên cố đại, thị đại, dài kịch, dài đại, dài trung, dài hàng, dài tiểu.
Thuyền đăng (còn gọi là ghe đăng): loại thuyền lớn đặc dụng, đóng bằng gỗ tốt, chiều dài trung bình khoảng 18m, có trọng tải trên dưới 10 tấn, di chuyển bằng chèo, đậu ở vùng tiếp giáp giữa lưới lưng, lưới rọ và lưới bửng. Thuyền đăng chở lưới đăng và một nửa số thuyền viên. Thuyền đăng khác thuyền neo ở chỗ có gắn miếng gỗ sơn đỏ gọi là ngà ở mũi thuyền.
Thuyền neo (còn gọi là ghe neo): một trong hai thuyền đặc dụng của lưới đăng. Thuyền neo thường ngắn và nhỏ hơn một chút so với thuyền đăng, đậu ở vị trí tiếp giáp giữa lưới bửng và lưới hôm, trên thuyền chở toàn bộ neo và số thuyền viên còn lại.
Thuyền phiên (còn gọi là ghe phiên): loại thuyền có trọng tải vừa (trên dưới 5 tấn), xưa là thuyền buồm kết hợp với chèo, nay là thuyền máy để chạy cho nhanh, lo việc chuyên chở cá từ sở đầm về chợ để bán (mỗi ngày từ 2 đến 3 chuyến). Thuyền phiên có thể tự đóng, mua lại hoặc thuê vì đây không phải thuyền đặc dụng.
Thuyền thúng (còn gọi là thúng chai): phương tiện di chuyển cơ động trên biển, hình cái thúng, chu vi trên dưới 5m, đan bằng nan tre già trét dầu rái.
Trệt: các tấm lưới kết thành một giàn lưới đăng. Tùy theo vị trí của giàn lưới trên biển, người ta chia ra trệt gang, trệt lưng, trệt rọ, trệt tráng, trệt hôm.
Trệt hom (hoặc hôm theo âm địa phương): đoạn lưới giăng từ bè dọc về hướng đảo, dài khoảng 45 hèo (= 76,5m)
Trệt gang: đoạn đầu của giàn lưới đăng kết vào hòn đá trên gành, còn gọi là gang lưới.
Trệt lưng: đoạn lưới kéo từ chỗ kết gang ra đến thuyền đăng, dài từ 180 hèo đến 360 hèo (= 300 - 600m) tùy mùa đánh cá lên hay cá lại. Mục đích của lưới lưng là chặn đường bầy cá đang đi tới dọc theo gành đá, buộc chúng chuyển hướng vào rọ lưới đã đón sẵn.
Trệt rọ: đoạn lưới kéo từ thuyền đăng đến bè cái, dài khoảng 50 hèo (= 85m).
Trệt trán (hoặc tráng theo âm địa phương): đoạn lưới giăng từ bè cái đến bè dọc, dài khoảng 17 hèo (= 28m).
V
Vạn: làng chài dọc theo vịnh biển, cửa sông.
Vào giềng: nối giàn lưới với các dây giềng.
Vuốt nạp: nối nạp cái với dây giềng.
X
Xã lạch: người quản lý và thu thuế nghề biển ở mỗi thôn làng.
Xỏ lái: thanh gỗ làm sống đuôi thuyền.
Xỏ mũi: thanh gỗ làm sống mũi thuyền.
Xô lưới: thả lưới rút xuống.
Xôm: động tác tiến tới của thuyền đăng. Khi người coi nước hô “Lui” thì thuyền neo lui còn thuyền đăng đi tới cho giàn lưới bửng cong lại, nhập vào giàn lưới hôm.
Xuồng sai: loại xuồng chèo nhỏ, cơ động, dùng để di chuyển khi chỉnh neo, sửa nạp hoặc thông tin liên lạc tại đầm, có khi còn dùng để bạn nghề chèo vào làng đảo chơi vào ban đêm.

Nguyễn Man Nhiên
Ngày đăng: 21.03.2007

Ngữ Phan có biết hệ thống D là gì không?



Đoạn dưới đây được trích từ bản điện tử (đang lưu hành trên mạng) của quyển Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp (nguyên bản Les hommes de Dien Bien Phu của Roger Bruge, Ngữ Phan dịch, nhà xuất bản Thông Tấn 2004):
Tiếp theo sau là những dòng vô cùng âu yếm kết thúc bức thư phát đi từ Hà Nội, trong lúc tử thần đã đến đấy gõ cửa...  Quân dù của Biga đào hầm, hào và tiếc những cái họ đã làm trong thời gian đầu ở đây, sau cuộc hành quân Hải li. Không còn vấn đề thả dù các tấm ván và phiến gỗ xuống nữa, và người ta chẳng tìm được cái gì để bảo vệ các hầm trú ẩn mới. Người của tiểu đoàn 6 chỉ có hệ thống D (độ lệch từ) để chống đỡ vị trí của họ ở chân cứ điểm Élian 4. Không có bê tông, không có tháp xe tăng cải tạo, không có lô cốt, vị trí có hình một cái hào vòng tròn nối liền các vị trí chiến đấu giới hạn bằng các vị trí vũ khí nặng. Không có vách ngăn, các lối vào được bảo vệ, mới ở dạng dự án và các nắp che bằng các vật liệu hỗn tạp nhất. Thậm chí người ta còn thấy người của tiểu đoàn 6 đánh nhau dưới những chiếc dù rơi tự do để thu hồi những tấm phên và những cuộn dây kẽm gai. Sở chỉ huy của Biga được đào nhanh và mái của nó được làm bằng những tấm ván không dày, đến nỗi người ta tự hỏi làm sao mà nó chịu đựng được đống đất đắp lên để bảo vệ. Các đại đội của ông cũng không hơn gì. 
Câu Người của tiểu đoàn 6 chỉ có hệ thống D (độ lệch từ) để chống đỡ vị trí của họ ở chân cứ điểm Élian 4 là một câu rất khó hiểu đối với người Việt. Hệ thống D, tiếng Pháp là système D, trong đó chữ D là dạng tắt cho cả họ débrouillard (giỏi xoay xở) hay débrouillardise (tài xoay xở), động từ se débrouiller (xoay xở). Ý câu đã dẫn muốn nói là lính (hommes = người) của tiểu đoàn 6 phải tự xoay xở để xây dựng trận địa.
Trang Web về tiểu đoàn của Bigeard (bataillonbigeard.wifeo.com/1954.php) có đề cập chuyện này, bằng một câu như sau:
Les paras creusent abris et tranchées et non que le système D pour étayer leur position, au pied d'ELIANE 4.
(Anh Tây này định viết n’ont que, gõ lộn thành non que)

Vẫn không thể hiểu hệ thống D (độ lệch từ) trong bản tiếng Việt là cái quỷ ma gì.

Friday, 7 June 2013

Kỷ lục gia số 2: Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, người tìm ra tội phản quốc lớn nhất, hiện hành của Phạm Quỳnh. (Dân Thường)


Kỷ lục gia số 2: Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, người tìm ra tội phản quốc lớn nhất, hiện hành của Phạm Quỳnh.

Dân Thường
Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam là nhà nghiên cứu chỉ chuyên “nghiên cứu” những gì ông cho là Phạm Quỳnh phạm tội. Năm 2008, tạp chí Hồn Việt có tổ chức cuộc thảo luận về Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, diễn ra trong bốn tháng, với bốn số nguyệt san, vỏn vẹn chỉ có sáu bài viết riêng về Phạm Quỳnh được đăng, của các tác giả Đặng Minh Phương, Thái Vũ, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Tôn; trong đó, riêng Phạm Tôn được đăng nhiều nhất, đến hai bài trong các số 15 và số 17. Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, không biết sao, lại được vinh dự lấy bài của ông viết nhan đề Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh trong Hồn Việt số 17 (tháng 11/2008) làm kết luận cho cuộc thảo luận trên tạp chí Hồn Việt; mặc dù bài đó lẽ ra phải là của Mai Quốc Liên, người mở ra cuộc thảo luận. Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm Quốc học Việt Nam, đồng thời cũng là Tổng biên tập báo, lại chỉ có một bài rất ngắn so với bài của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn nhan đề là Lời kết cho một cuộc thảo luận ký tên Hồn Việt đăng vào số cuối cùng của cuộc thảo luận. Nhưng chủ yếu chỉ để nhấn mạnh chính bài của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn mới là bài kết thúc.!?
Giống hệt nhà văn Thái Vũ, đăng bài Về cái chết của ông chủ bút tạp chí Nam Phong trên báo Tiền Phong chủ nhật năm 2005, rồi sau 3 năm suy nghĩ, sửa chữa chút ít, lại đăng trên Hồn Việt một bài nữa nhan đề Về cái chết của ông Phạm Quỳnh với nội dung giống hệt bài năm 2005. Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn cũng thế. Nhưng không đủ kiên nhẫn chờ đến 3 năm, mà cho đăng ngay sau bài Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh của ông tham gia cuộc thảo luận. Chúng tôi tin chắc chắn rằng bài đăng sau này trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (tháng 11/2008) nhan đề Góp thêm một ít tư liệu chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh là bản gốc, bài đã bị Tổng biên tập Mai Quốc Liên đục bỏ nhiều đoạn mà Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn tâm đắc nhất. Chúng tôi dám khẳng định như vậy sau khi đã so sánh từng chữ của hai bài, cứ gạch bỏ đi một số đoạn, một số dòng của bài đăng trong tạp chí Nghiên cứu Văn Học (tức bài đăng sau) thì sẽ thành bài trước đó đăng trên Hồn Việt. Điều này chứng tỏGiáo sư tin tưởng chắc chắn vào những gì mình đã viết là tuyệt đối đúng. Rõ ràng ông rất không hài lòng với việc đục bỏ khiến ông đau đớn của Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên. Đáng chú ý nhất là hai đoạn sau đây:
  1. Phần trích bài Phạm Quỳnh và bản án tử hình đối với ông của Nhật Hoa Khanh đăng trên Xưa và Nay số 269, phát hiện ra tờ báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung Bộ, đăng toàn văn thông báo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương
Phạm Quỳnh, một tay cộng sự của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mại quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9-3-1945, nhiều triệu chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta”.
  1. Và đoạn văn đã đưa Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, lên hàng kỷ lục gia số 2 sau nhà văn lão thành Thái Vũ chuyên viết về lịch sử là “Việc quân Nhật và Phạm Quỳnh âm mưu liên lạc, cấu kết với nhau là nguyên do đầu tiên đưa đến việc Phạm Quỳnh bị bắt giữ
Ông đã mất công sưu tầm, dẫn ra các bài của Phạm Trọng Nhân, Thanh Lãng, Nguyễn Vạn An, rồi Xuân Ba, Phạm Tôn để lên án những người này đã bao che cho Phạm Quỳnh là sau cuộc đảo chính của Nhật, Phạm Quỳnh với chức danh Thượng thư Bộ Lại tức có quyền hành Thủ tướng, đã thảo bản Tuyên bố Độc lập ngày 13/3/1945, rồi cùng Bảo Đại và toàn thể nội các ký tên dưới đó. Sau đó ông thanh thản lui về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường xinh đẹp, nằm bên con sông nhỏ hiền hoà lặng lẽ chảy, nơi có cái bến đò An Cựu, được nhân dân yêu mến gọi là “Bến Cụ Phạm”.
Quả thực, ông đã rút về sống ẩn dật để trở lại với văn chương, công việc ông yêu thích nhất và cũng tỏ ra giàu tài năng nhất. Chỉ trong thời gian từ 14/3 đến 22/8/1945, ông đã cặm cụi sưu tầm tư liệu, tra cứu sách cổ, nhiều từ điển cổ, rồi bắt đầu viết bản sơ thảo giới thiệu Đỗ Phủ và tuyển chọn 51 bài thơ, rồi dịch và chú thích rất kỹ càng cho người đọc đời sau dễ hiểu Đỗ Phủ. Ông chú thích ngắn gọn, dễ hiểu nhưng tuyệt đối chính xác, theo phong cách vốn có của ông. Ông dịch thơ Đường theo cách dịch mà các nhà Nho sành thơ Đường đều công nhận là khó khăn nhất. Thơ Đường ngũ ngôn thì dịch ra thơ Việt năm chữ, đặc biệt khó nhất là thơ Đường thất ngôn cũng dịch ra thơ Việt bảy chữ.
Bao nhiêu tâm huyết đã đổ vào công trình “sơ thảo tuyển thơ Đỗ Phủ.”… Viết xong, ông gửi ngay cho người bạn cộng tác viên thân thiết của Nam Phong, nhà tuyên truyền trung thành tư tưởng và nghệ thuật của Nam Phong, duy nhất ở toàn miền Nam. Mở cả trường Trí Đức học xá để chuyên dạy quốc ngữ, dựa trên các tài liệu gốc là Nam Phong, bấy giờ đã tròn 210 số. Người đó là thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác, bạn thân thiết, tri kỷ của ông và cũng là người bạn thân thiết nhất mà học giả Vương Hồng Sển nhận xét là “Sống ở nơi khỉ ho cò gáy, mà có học thức hơn người”.
Sau những ngày miệt mài dịch thơ Đỗ Phủ, như để lấy đà cho bước đầu trở lại với văn đàn, ông bắt đầu viết trong quyển vở học trò bằng cây bút máy Waterman, tập Hoa Đường tuỳ bút – Kiến Văn, Cảm Tưởng I, theo phong cách tạp văn Lỗ Tấn. Hoa Đường là bút danh ông thường dùng những năm cuối viết Nam Phong. Mới viết được đến hơn mười bài trong buổi làm việc sáng định mệnh 23/8/1945 ấy, ông còn để mở quyển vở và đặt cây bút máy Waterman nằm ngang ở trên, chắc là để chiều viết tiếp mạch văn, về đề tài thân thiết nhất với ông suốt mấy chục năm: Cô Kiều với tôi.
Nhưng, 2 giờ chiều hôm ấy, ông được hai sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến – Huế, ăn mặc quân phục chững chạc, đến nói là “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc”. Ông thản nhiên đứng dậy, mặc quần áo ra đi lên Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa để rồi không bao giờ về nữa.
Trong quyển vở học trò có 11 tên bài, bài cuối Cô Kiều với tôi. còn viết dở dang. Đặc biệt trong đó có bài số 6, Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Văn Hoàn “ăn theo” cái chú thích số 5 của Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong bài Từ suy tôn Phạm Quỳnh đến đề cao thực dân thời hậu thuộc địa đăng trên báo Đi Tới, tháng 9/1999 (XB Montreal, Canada) lặp lại điều giáo sư đã nêu 24 năm trước trong tập Trường hợp Phạm Quỳnh, xuất bản ở Sài Gòn năm 1975. Trong hai bài cách nhau 24 năm ấy, Giáo sư Nguyễn Văn Trung vẫn chỉ mới dè dặt nhận xét đó “có thể là nguyên nhân quyết định bắt giữ” và chỉ đưa vào một chú thích. Nhưng, 33 năm sau, trong hai bài có nội dung cơ bản giống nhau đăng trên Hồn Việt và tạp chí Nghiên cứu Văn học, Giáo sư nguyên Viện trưởng Nguyễn Văn Hoàn đã nâng lên thành bản án tử đối với Phạm Quỳnh: “Việc quân Nhật và Phạm Quỳnh âm mưu liên lạc cấu kết với nhau là nguyên do đầu tiên đưa đến việc Phạm Quỳnh bị bắt giữ”.
Rất tiếc là lâu nay, không được đọc bài viết nào của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn. Dân Thường tôi và những dân thường khác ở nước ta, mong ngóng được đọc các bài mới của giáo sư để biết rõ giáo sư có thực sự là nhà nghiên cứu văn học không. Và nếu đúng là nhà nghiên cứu văn học thì không lẽ chỉ là ở đẳng cấp “kỷ lục gia số 2 về nghiên cứu Phạm Quỳnh.” ???!!!
8.2009
D.T.
Phòng mổ – Phòng dịch vụ 209 (giường 39)
Bệnh viện Nhân Dân Gia Định
Lời bình của Phạm Tôn: Đọc xong hai bài của bạn Dân Thường viết về các “kỷ lục gia số 1” Thái Vũ và “kỷ lục gia số 2” Nguyễn Văn Hoàn về nghiên cứu Phạm Quỳnh, có lẽ ta dễ buột miệng thốt ra câu nói cửa miệng của dân ta là “Rõ thật bảo hoàng hơn cả nhà vua…”
Nhưng, riêng chúng tôi lại nhớ đến Lỗ Tấn. Lỗ Tấn là người rất ghét…chó, từng viết nhiều bài tạp văn rất sâu sắc về tính cách… chó của chúng.
Có lần, ông viết đại ý thế này: Một biệt thự nọ có hàng rào sắt cao vây quanh. Một kẻ lang thang rách rưới đi qua bên ngoài hàng rào ấy. Thế là mấy con chó trong biệt thự xông ra cắn, sủa loạn xạ, chõ cả mõm ra ngoài khe hàng rào sắt. Hết sức dữ dằn, hết sức cuồng nộ… Rồi thỉnh thoảng lại lo lắng quay về đằng sau, nơi người chủ biệt thự đứng đó.
Và Lỗ Tấn kết luận lạnh lùng: “Nào phải chủ nó muốn thế…”.

Thursday, 6 June 2013

PHẠM QUỲNH DƯỚI ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH (Nguyễn Văn Khoan)


PHẠM QUỲNH

DƯỚI ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Đại tá Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan
Ngày 26 tháng 12 năm 1920, trong lần tham dự Đại hội Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tán thành đi theo đường lối của Quốc tế Cộng sản (còn gọi là Quốc tế III, Đệ tam Quốc tế), và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Tán thành “đi theo Quốc tế Cộng sản”, có lẽ Nguyễn Ái Quốc nghĩ nhiều về đường lối ủng hộ các dân tộc thuộc địa giành độc lập, trong đó có tổ quốc Việt Nam, về một điểm tựa một hậu phương lớn mạnh, duy nhất bấy giờ cho cách mạng Việt Nam.
Năm 1930, với Chính cương, Điều lệ tóm tắt khi thống nhất ba đảng, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam “chia giai cấp địa chủ ra đại, trung, tiểu”, lôi kéo các tầng lớp trí thức vào hàng ngũ Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã bị “phê bình” là “quốc gia chủ nghĩa”.
Bất đồng ý kiến với Nguyễn Ái Quốc, Quốc tế Cộng sản lo lắng cho chặng đường tiếp sau.
Cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc đã xin được phép rời Matxcơva, không được phụ cấp tài chính, không cấp giấy giới thiệu.
Qua nhìn nhận tình hình Đông Dương trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới sắp xảy ra do chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Đức khởi xướng, Quốc tế Cộng sản cuối cùng cũng đã thay đổi ý kiến, tức là chấp thuận quan điểm mới, chính xác của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề các dân tộc thuộc địa đấu tranh cách mạng giành giải phóng dân tộc.
Từ ngày 25 tháng 7 đến 20 tháng 8 năm 1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản đã đề ra và chủ trương “cần phải thành lập mặt trận thống nhất của giai cấp vô sản để tập hợp các khuynh hướng chính trị, xã hội, tín ngưỡng khác nhau để chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh. Mặt trận thống nhất sẽ có những hình thức khác nhau ở các nước, những nét riêng của từng nước mà trình độ, đặc điểm kinh tế xã hội, quan hệ giai cấp và phong trào quần chúng khác nhau.” (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tập I, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, 2004, tr. 116).
Tình hình thực tiễn ở Việt Nam cho phép kết luận rằng: “Năm 1935 là năm “khai tử”, chấm hết quan điểm đấu tranh giai cấp kiểu phương Tây trong xã hội phương Đông, cụ thể là ở Việt Nam, trong một xứ thuộc địa đế quốc cai trị, đang tiến hành cuộc đấu tranh giành giải phóng dân tộc (Năm 1950, trong bài Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đăng trên tờ Sinh hoạt nội bộ ở Việt Bắc, ký tên X.Y.Z, Bác Hồ viết: “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc (Nguyễn Văn Khoan, Đi tới một mùa xuân tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2007))
Tháng 9 năm 1937, Hội nghị mở rộng Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương “kiểm điểm, đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào qua hai năm thực hiện Mặt trận Dân chủ” đã phê bình “các đồng chí mắc phải bệnh thiên về thợ thuyền lao động quá, có khi chỉ biết có đám người ấy thôi mà quên hết cả quyền lợi của các tầng lớp giai cấp khác”. (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr 201-262).
Ngày 26 tháng 6 năm 1940, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, khoá này do Nguyễn Văn Cừ làm Tổng bí thư (Trường Chinh được cử vào Ban chấp hành Trung ương, tại hội nghị lần thứ 7, tháng 11 năm 1940) đã ra lời kêu gọi “toàn dân đứng dậy đấu tranh trong hàng ngũ mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”. Lời kêu gọi – tuyên ngôn này ra đời sau khi đế quốc Pháp quy hàng Hít-le. Trung ương Đảng coi đây là “cơ hội tốt có một không hai để đánh đổ đế quốc thuộc địa” và kêu gọi “tinh thần đoàn kết rộng rãi từ các bậc thượng lưu trí thức (chúng tôi nhấn mạnh vì Phạm Quỳnh là thành viên của các “bậc” này) đến các hàng viên chức, hội tề, cho đến các công, nông, binh, các lớp dân chúng cần lao và các chị em phụ nữ và các giới, tất cả những ai yêu nước (chúng tôi nhấn mạnh, vì theo lời Hồ Chí Minh: “Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước và mỗi người yêu nước theo cách của họ chứ không phải chỉ có đảng viên cộng sản mới yêu nước hoặc cộng sản là người yêu nước hơn.” -NVK)
Sau khi Nguyễn Ái Quốc về nước (đầu năm 1941), Hội nghị Trung ương lần 8 họp tại Pác Bó (Cao Bằng) vào tháng 5 ngày 19 năm 1941 đã xác định: “Cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc (bao gồm cả sĩ, nông, công, thương binh, các tôn giáo, dân tộc… NVK) còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Do đó, “Hội nghị đặt ra yêu cầu cần có những thay đổi căn bản trong chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới và chỉ rõ: phải thống nhất lực lượng cách mạng toàn Đông Dương, tất cả các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư sản, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất thành mặt trận cách mạng chung”.
Để thực hiện đường lối đoàn kết rộng rãi ấy, đường lối đại đoàn kết, hội nghị đã thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh kêu gọi: “nông dân phải vào Nông dân cứu quốc hội; phụ nữ phải vào Phụ nữ cứu quốc hội; trẻ em vào Nhi đồng cứu quốc hội; binh lính vào Binh lính cứu quốc hội; các bậc văn sĩ phú hào vào Việt Nam cứu quốc hội.”
Nhân dịp Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.”
Tháng 8 năm 1943, nhận định rằng sau thất bại nặng nề ở Stalingrát, phát xít Đức đang đứng trước nguy cơ thua trận cuối cùng, thời cơ khởi nghĩa sắp đến gần, phải tập trung, thống nhất lực lượng đông đảo hơn nữa, cần một lần nữa nói rõ quan điểm của Việt Minh, báo Việt Nam Độc Lập số ra ngày 21 tháng 8 năm 1943, dưới khẩu hiệu: “Tiến lên vũ trang khởi nghĩa” đã nhắc nhở: “chúng ta phải nhớ rằng lực lượng chúng ta là ở chỗ đoàn kết, đoàn kết toàn dân, đoàn kết đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, đoàn kết người làm ruộng, làm thợ, bán buôn, người làm việc cho Tây (tức thực dân, đế quốc Pháp), người đi lính cho Tây” (Chúng tôi nhấn mạnh-NVK) (Bản gốc lưu trữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).
Như vậy là đã quá rõ ràng: Phạm Quỳnh, một nhà viết báo, viết văn, một người “vào bậc thượng lưu trí thức”, một người “đã làm việc cho Tây”, cũng đã được Đảng Cộng sản Đông Dương và Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh cũng như Ban chấp hành Trung ương Đảng từ 1935, đưa vào diện đoàn kết – đoàn kết rộng rãi – đại đoàn kết, để cùng đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hai năm sau khi bài báo này công bố – bài viết mà nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử Đảng, nghiên cứu Hồ Chí Minh nghĩ rằng “chỉ có Bác, với tư cách của mình mới viết được rõ ràng như vậy”- cũng đúng vào tháng 8 – tháng 8 năm 1945, nhân dân ta đã tổng khởi nghĩa giành được chính quyền, thắng lợi to lớn, bước đầu rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất cuối cùng sẽ đến vào năm 1975.
Có thể cho phép chúng ta suy luận là khi ở khu căn cứ Việt Bắc, Khu Giải phóng – nơi đã thành lập Uỷ ban Nhân dân – Hồ Chí Minh đã nghĩ tới một chính phủ của nước Việt Nam mới trong tương lai gần. Và một trong những thành phần của chính phủ ấy là sự có mặt của các bậc “thượng lưu, trí thức, văn sĩ, phú hào”, cả những người “đã đi lính cho Tây, làm việc cho Tây”. Lịch sử sau này đã ghi lại một danh sách dài những vị đó, từ vua Bảo Đại, khâm sai đại thần Phan Kế Toại đến các thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Phạm Phú Tiết… và các bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Anh, Trịnh Đình Thảo… cùng rất nhiều trí thức tư sản khác như Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Phúc Thông, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, kể cả những tổng đốc đã có một thời “đàn áp cộng sản” như Vi Văn Định…
Như vậy, công bằng mà xét, Phạm Quỳnh cũng được đứng vào hàng ngũ những người kể trên.
Nhưng không phải riêng Phạm Quỳnh, mà nhiều người khác, trước tháng 8 năm 1945 đã bị quy tội là “theo Pháp”, “phản động”… “làm cho Pháp”. Đúng là vậy, nhưng Phạm Quỳnh vẫn được xếp trong “danh sách” những người “làm việc cho Tây, đi lính cho Tây”, để được thu hút vào Việt Minh, để đoàn kết với mọi “giai tầng” khác. Phạm Quỳnh “phản động” nhưng chưa có chứng cứ gì trực tiếp đàn áp phong trào cộng sản, làm chỉ điểm. Còn như giữ hai chức thượng thư Bộ Học, Bộ Lại thì cũng chỉ để làm vì, để lấy cớ làm việc khác mà mình muốn thực hiện thôi.
Phạm Quỳnh yêu nước theo cái cách của ông là làm “quân chủ lập hiến”. Ngoài ra ông viết báo, viết sách “mở tai, mở mắt” cho đồng bào, tài sản trí tuệ của ông để lại cho dân, cho nước không phải là nhỏ. Ý kiến của Phạm Quỳnh về mặt tư tưởng đã không thống nhất với các đảng viên cộng sản. Xin nhớ rằng trên báo Thanh Niên, từ năm 1925, Lý Thuỵ (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) có căn dặn các hội viên Thanh Niên: “phải tôn trọng ý kiến người khác”, “phải biết hy sinh ý kiến”.
Nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Phạm Quỳnh cần được làm rõ, vì tư thù cá nhân, vì “vô chính phủ”, vì e ngại khi bọn Pháp vào Thuận An hỏi về Phạm Quỳnh (trong khi chưa có chứng cứ gì là Phạm Quỳnh liên lạc với chúng).
Có một thực tế là các người con của Phạm Quỳnh đều rất “ôn hoà”. 13 người trai, gái thì cô Phạm Thị Giá vợ Tôn Thất Bình, hiệu trưởng điều hành trường Thăng Long (nơi quy tụ những Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Quang Đạm…), cô Phạm Thị Thức là vợ Giáo sư Đặng Vũ Hỷ giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1), cô Phạm Thị Ngoạn, vợ Nguyễn Tiến Lãng. Ông Lãng từng là “trợ thủ” của tướng Nguyễn Sơn ở Liên khu 4. Bà Ngoạn là tiến sĩ văn chương Việt Nam ở Pháp. Còn Nhà giáo Nhân dân, giáo sư Phạm Khuê là viện trưởng Viện Lão khoa, ông Phạm Tuyên là “Nhạc sĩ của nhân dân” với bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Còn phải kể đến cô Phạm Thị Hoàn, vợ nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, tác giả bài hát mà thời đầu Cách Mạng Tháng Tám các anh Vệ Túm thường hát: Một đi là không trở về…  Mà ông Châu lại là cháu nội cụ cử Lương Văn Can. Cũng có thể nghiêm khắc hay thông cảm mà nói rằng: trong số hơn 10 người con của Phạm Quỳnh cũng có người vì nhiều lý do đã “hồi cư”, rồi ra nước ngoài… Nhưng gia đình này đã không trực diện làm gì hại đến dân tộc, tổ quốc. Họ đã ít nhiều nghe theo lời dặn của Hồ Chí Minh. “Cụ Phạm (Phạm Quỳnh) là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng”.
Cũng nên đối chiếu thêm việc các con trai, con gái Phạm Quỳnh mất cha, cùng chung một lần với Ngô Đình Diệm mất anh (Ngô Đình Khôi) và cháu (Ngô Đình Huân, con trai Ngô Đình Khôi). Trong lần tiếp Ngô Đình Diệm năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói” “Khi dân chúng bị ức hiếp nổi dậy, lỗi lầm không thể tránh khỏi và chuyện bi thảm đã xảy ra. Nhưng tôi vẫn luôn luôn tin rằng hạnh phúc của nhân dân vượt lên trên những lỗi lầm đó. Ông (Ngô Đình Diệm) có những điều oán hận chúng tôi, ta hãy nên quên đi” (Theo Hanleng Karnow, Viet Nam: A History (Lịch sử Việt Nam) New York, 2003 bản dịch của Lê Xuân Khoa). Nhưng Ngô Đình Diệm, dù vẫn là một người yêu nước, yêu nước theo cách của ông ta, vẫn không vượt qua được oán hận của gia đình (với anh, với cháu) để vì “hạnh phúc” của nhân dân (Sổ tiếp khách của Hồ Chủ tịch, lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ghi: “Ngày 15/1/1946, tiếp Ngô Đình Diệm”).
Khi được tin Phạm Quỳnh không còn nữa, có thông tin cho rằng Bác Hồ nói: “Các chú làm hỏng việc rồi”. “Việc” có thể là “việc” của Bác đã suy nghĩ về cách mời Phạm Quỳnh ra làm gì đó cho “việc” dân, “việc” nước chăng?
Dù sao cũng đã lỡ rồi, nhưng cũng rất cần “lịch sử đánh giá lại” Cụ Phạm như lời Hồ Chí Minh…
N.V.K.

Wednesday, 5 June 2013

Cường đô la sắp cho Hà Hồ cái gì?



Không phải tiền mà là một danh phận. Báo nói như thế.
Danh phận (名分) trong các từ điển tiếng Việt có nghĩa là:
-danh nghĩa và phận sự (obligation) (Đào Duy Anh, 2005:186)
-danh giá, chức phận. Ví dụ: Lo xong danh phận rồi sẽ cưới vợ (Lê Văn Đức, 1970a:350)
-tiếng tăm và việc làm. Ngày nay chỉ địa vị xã hội (Nguyễn Quốc Hùng, 1975:160)
Nói tóm lại, danh phận là một từ cũ chỉ danh nghĩa và chức phận. (Hoàng Phê, 2006:241)


Danh phận hiểu theo nghĩa ấy thì Hà Hồ đã có rồi. Vậy Cường đô la sẽ cho Hà Hồ cái danh phận gì?

Nhà báo xem nhiều phim Tàu, đọc nhiều truyện Tàu qua bản dịch của những người lười biếng, chỉ biết phiên âm Hán Việt các từ ngữ Trung Quốc trong bản gốc. Xã hội bây giờ không ít cặp nam nữ sống chung không giấy hôn thú và vì luật pháp xem nam nữ bình đẳng nên không người đàn ông nào đủ tư cách ban cho người đàn bà bất cứ cái gì. Nhà báo ít học và vô ý thức đã mô tả Cường đô la như một người đàn ông nước Trung Hoa thuở nào có quyền nâng một người đàn bà lên hàng chính thê hay tiểu thiếp hay cứ để đấy chơi bời cho thỏa thích.

Góp thêm một ít tư liệu chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh (Nguyễn Văn Hoàn)



Góp thêm một ít tư liệu chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh
          Sau khi gia đình Ngô Đình Diệm tìm được ngôi mộ chôn chung Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân và Phạm Quỳnh ở khu rừng Hắc Thú, gần Hiền Sĩ, thuộc tỉnh Quảng Trị (1956) thì báo chí Sài Gòn trước 1975, báo chí tiếng Việt ở hải ngoại thỉnh thoảng khơi lại cái chết của Phạm Quỳnh với những dụng ý khác nhau, chẳng hạn tháng 5 năm 1999 bốn tờ báo Thế kỷ 21, Người Việt, Ngày nayXây dựngphối hợp tổ chức Ngày Phạm Quỳnh ở California. Người tường thuật cho biết: "Giới truyền thông xoáy mạnh vào ký ức của gia đình trong thời điểm học giả Phạm Quỳnh bị Việt Minh bắt đi và sau đó thủ tiêu vào năm 1945, đã gợi lại mối xúc cảm thương tâm của những người con, nhiều câu trả lời đã nghẹn ngào cùng với tiếng khóc cố nén lại"(1).
        Gần đây báo chí trong nước ta cũng có một số bài khơi lại vấn đề này, có một vài bài đi theo một hướng mới: hoặc cố phát hiện "những uẩn khúc" trong cuộc đời Phạm Quỳnh, hoặc ra sức chiêu tuyết cho Phạm Quỳnh là "người nặng lòng với nước".
Trong bài này chúng tôi xin góp một ít tư liệu liên quan đến cái chết của Phạm Quỳnh để mong làm rõ nguyên do, hoàn cảnh diễn ra sự việc đó, nhằm tạo cơ sở cho việc nhận định nhân cách chính trị và hoạt động học thuật của ông.
I. TẠI SAO NĂM 1945 PHẠM QUỲNH LẠI BỊ BẮT?
Trên tạp chí Xưa và Nay (số 267, tháng 9-2006), Phạm Tôn viết: "Qua nửa năm làm Thượng thư kiêm Ngự tiền văn phòng, chín năm làm Thượng thư Bộ Học và gần ba năm làm Thượng thư Bộ Lại, sau đảo chính Nhật 9-3-1945, Phạm Quỳnh thanh thản từ nhiệm, về sống ẩn dật tại biệt thự Hoa Đường bên bờ con sông nhỏ An Cựu... Ông lặng lẽ chuẩn bị trở lại với hoạt động Văn học (Do chúng tôi nhấn mạnh - N.V.H), dịch và chú giải 51 bài thơ Đỗ Phủ, bắt đầu viết tập Kiến văn cảm tưởng: Hoa đường tuỳ bút"(2).
Phạm Trọng Nhân, trong lời tựa cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tập và Di cảo in ở Paris năm 1992, cũng đã viết: "Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Cuốn sử sang trang. Việt Nam tuyên bố độc lập. Phạm Quỳnh xin về hưu trí, sống đời ẩn dật nơi biệt thự Hoa đường bên bờ sông đào Phủ Cam hiền hậu hài hoà. Ông ôm ấp hoài bão trở lại với sinh hoạt văn chương đã bị gián đoạn tạm thời vì số mạng (Do chúng tôi nhấn mạnh - N.V.H.). Ông khởi viết một số bài, gom dưới đề Kiến văn cảm tưởng, trong đó mặc nhiên và tế nhị ký thác cả một tâm sự phong phú và đa dạng của một nhà văn phong nhã hào hoa, lạc lõng nơi bể hoạn sinh bất phùng thời"(3).
Thanh Lãng trong bài Trường hợp Phạm Quỳnh, viết để phản bác lại những luận điểm của Nguyễn Văn Trung phê phán Phạm Quỳnh trong cuộc diễn thuyết Văn học và chính trị - Một quan điểm mới về cuộc tranh luận Phạm Quỳnh - Ngô Đức Kế qua Truyện Kiềutại trường Quốc gia Âm nhạc, Sài Gòn ngày 7-10-1962, đã viết: "Làm sao hiểu được tâm sự của Phạm Quỳnh. Thực là khó khăn! Tuy nhiên, thái độ có vẻ chán chính trị, được bộc lộ qua thái độ sống rút lui, ẩn dật trên bờ sông An Cựu hình như biện minh phần nào cho Phạm Quỳnh.
Phạm Quỳnh lúc ấy không tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, không chạy theo thực dân Pháp, không theo một phe phái cách mạng nào mà cũng chẳng gia nhập Mặt trận Việt Minh"(4). (Các dòng in nghiêng là do chúng tôi nhấn mạnh - N.V.H.)
Nhà báo Xuân Ba trong bài Những uẩn khúc trong cuộc đời ông Chủ bút Nam Phong, đăng liền trên ba số Tiền Phong chủ nhật(10-2005) cũng nhấn mạnh theo Phạm Trọng Nhân: Sau ngày 9-3-1945 Phạm Quỳnh "xin về hưu trí, sống ẩn dật ở biệt thự Hoa đường bên bờ sông đào Phủ Cam hiền hoà. Ông ôm hoài bão trở lại với văn chương!"(5).
Tóm lại, theo Phạm Tôn, Phạm Trọng Nhân, Thanh Lãng, Xuân Ba thì từ sau đảo chính Nhật 9-3-1945 Phạm Quỳnh đã dứt khoát rời bỏ chính trường, an nhiên ngâm bài Quy khứ lai từ, trở lại vui thú bút nghiên!.
Ngay bản thân Phạm Quỳnh cũng tuyên bố như thế. Sau ngày đảo chính Nhật, có một nhà báo lặn lội từ Hà Nội vào Huế, bằng đủ loại phương tiện giao thông: xe lửa, xe hơi, đi thuyền, xe kéo và cả đi bộ, để đến biệt thự Hoa đường ở An Cựu, phỏng vấn Phạm Quỳnh.
Hỏi: Chúng tôi muốn biết rồi đây cụ có hoạt động về chính trị nữa không, hay trở về với văn học giới ?
Đáp: - Suốt một đời tôi đã phụng sự cho văn học thì ngày nay không vì lẽ gì tôi lại không muốn trở lại cái đời cầm bút đã bị một thời gian bỏ dở(6).
Hơn thế nữa, trong cuốn truyện có tính chất hồi ký nhan đề Những con đường phản kháng, con rể Phạm Quỳnh là Nguyễn Tiến Lãng đã báo cho vợ (bà Phạm Thị Ngoạn): "Sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945 cờ mới (tức cờ đỏ sao vàng - N.V.H. chú) đã được treo trước cửa nhà.
Khi thức dậy cha nói với người bồi phòng: Nếu trẻ con phải cầm cờ đi mít tinh, anh đi mua cho chúng. Sau bữa ăn, tất cả thanh niên con cháu bồi bếp đều đi mít tính, chỉ có cha và anh ở nhà với đàn bà con gái"(7).
Như vậy là vào sáng ngày 23-8-1945, ngày nhân dân thành phố Huế mít tinh, khởi nghĩa cướp chính quyền, gia đình Phạm Quỳnh cũng đã tỏ thái độ quy phục cách mạng, tại sao đến 14 giờ chiều hôm ấy Phạm Quỳnh lại bị bắt?
Trong bài báo mà chúng tôi đã trích dẫn ở đầu bài này, Phạm Tôn, để chứng minh Phạm Quỳnh là "người nặng lòng với nước" đã dùng lại tư liệu và lập luận của Nguyễn Phúc Bửu Tập trong Ngày Phạm Quỳnh ở California, Mỹ. Theo Nguyễn Phúc Bửu Tập thì Phạm Quỳnh, về văn hoá, có một địa vị siêu đẳng trong nền văn học nước ta, về chính trị, thật xứng đáng được xếp ngang hàng với các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh để gọi là Chí sĩ Phạm Quỳnh, Chiến sĩ Ái Quốc Phạm Quỳnh. Cả hai người - Nguyễn Phúc Bửu Tập và Phạm Tôn - để chứng minh "tấm lòng son" của Phạm Quỳnh đều dẫn ra bản báo cáo mật của Haelewyn, Khâm sứ Trung Kỳ, gửi cho Toàn quyền Đông Dương Decoux, tố cáo Phạm Quỳnh đã trách cứ Pháp trưng dụng lúa gạo để cung ứng cho Nhật và vẫn kiên trì đòi Pháp trả quyền cai trị Bắc Kỳ cho Nam Triều nhưng cả hai đều bỏ qua ý kiến này trong bản mật báo "Phạm Quỳnh sẽ có thể trở thành kẻ đối địch bất khả quy của chúng ta nếu như một khi ông ta bị lôi cuốn bởi lời hứa hẹn của Nhật Bản cho một chủ thuyết Đại Đông Á"(8).
Lời cảnh báo này chứng tỏ bộ máy mật thám Trung Kỳ của Pháp rất thính, đã tiên đoán ra khả năng thay đổi thái độ chính trị của Phạm Quỳnh, một khi Nhật thắng thế và bây giờ - sau đảo chính Nhật 9-3-1945 - khả năng đó đang trở thành hiện thực.
Trong cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tập và Di cảo do gia đình Phạm Quỳnh xuất bản ở Paris năm 1992 nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Phạm Quỳnh (1892-1992) (Phạm Thị Hoàn, người con thứ tám của Phạm Quỳnh giữ bản quyền, người cháu là Phạm Trọng Nhân đề tựa), mở đầu phần Di cảo (tức Hoa đường tuỳ bút) đã viết: "Chúng tôi cho in lại trọn vẹn phần Di cảo này coi như một sử liệu tốt cho những ai muốn nghiên cứu về Phạm Quỳnh sau này".
Nói như thế nhưng không làm đúng như thế!
Cuối năm 1982 trong một chuyến tôi sang Paris công tác, tại phòng làm việc của ông, giáo sư Pierre - Bernard Lafont, Chủ nhiệm Trung tâm Lịch sử và Văn minh bán đảo Đông Dương của trường Cao học thực hành thuộc Đại học Sorbonne, đã giới thiệu tôi với bà Phạm Thị Ngoạn. Không hiểu có được thông tin từ nguồn nào mà ông đã nói:
- Đây là giáo sư Hoàn, mới từ Hà Nội sang, trước đây có thời gian cùng làm việc với chồng bà ở Khu IV, Việt Nam.
P.B. Lafont là giáo sư hướng dẫn bà Phạm Thị Ngoạn làm luận án Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong (1917-1934)(9). Trong luận án này bà Ngoạn đã giới thiệu lại đầy đủ danh mục các bài trong Di cảo: Bài thứ nhất, nhan đề Thế thái nhân tình; bài thứ 11, bài cuối cùng, nhan đề Cô Kiều với tôi; bài thứ 6, nhan đề Chuyện một đêm một ngày (9-10 tháng 3 năm 1945). Đây là bài cố ý bị bỏ quên, không được in lại trong cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tập và Di cảo, nhưng năm 1973 ở Sài Gòn Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã được bà Phạm Thị Hảo, người con thứ năm của Phạm Quỳnh, cho mượn và chụp lại một bản. Theo Nguyễn Văn Trung trong bài này "Phạm Quỳnh kể lại vụ đảo chính Nhật 9-3 ở Huế và người ta thấy Phạm Quỳnh là nhân vật chính mà Nhật tìm đến để liên lạc, đề nghị thương thảo để thuyết phục nhà vua cộng tác với Nhật"(10).
Về việc này còn có một nhân chứng khác. Trong hồi ký Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc, Phạm Khắc Hoè, nguyên Chánh văn phòng của Bảo Đại cho biết: Sáng ngày 10-3-1945 ông đi vào Đại Nội làm việc như thường lệ, đến cửa Thượng Tứ thì bị lính Nhật chặn lại và dẫn đến trước mặt một viên quan Nhật. Viên quan này thấy ông đeo bài ngà Ngự tiền văn phòng Tổng lý thì chào một cách kính cẩn và nói bằng tiếng Pháp: "Quân đội Thiên hoàng chỉ truất quyền của thực dân Pháp thôi, chứ không đụng chạm gì đến Nam Triều, còn lệnh thiết quân luật thì đến 6 giờ sáng mai mới hết", sau đó viên quan Nhật thân dẫn ông Hoè về đến tận nhà!
Sáng hôm sau, 7 giờ, ông Hoè vào điện Kiến Trung, nơi Bảo Đại ở và làm việc. Một lính thị vệ chạy lại: "Dạ bẩm, Hoàng đế chưa tánh (chưa dậy) còn các cụ Cơ mật đã vào chầu Đức Từ (mẹ Bảo Đại)". Ông Hoè vào cung Diên Thọ, thấy sáu vị thượng thư đang đàm luận sôi nổi với bà Từ Cung về thú đánh mạt chược! Thấy ông Hoè, bà ấy nói mát:
- Hôm nay ông Tổng lý mới vào à!
Ông Hoè thanh minh:
- Tâu, từ tờ mờ sáng hôm qua chúng tôi đi đến cửa Thượng tứ thì bị lính Nhật chặn lại và cho biết đến sáng nay mới hết giờ thiết quân luật!
Bà Từ Cung bắt bẻ:
- Quân luật là đối với người thường, chứ đâu đối với các ông. Chứng cớ là hôm qua ông Lại vẫn vào chầu được!
Ông Hoè hỏi nhỏ một anh thị vệ:
- Hôm qua cụ Lại vào chầu lúc mấy giờ ?
- Dạ bẩm, cụ Lại vào lúc hơn 10 giờ, đi cùng một ông Nhật chắc là quan to lắm !
Sau đó Hội đồng Cơ mật họp. Bảo Đại bảo: "Thầy Lại bắt đầu đi!"
Phạm Quỳnh nói:
- Nhờ quân đội Thiên Hoàng nước ta đã được độc lập. Hôm qua quan Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Yokohama đã vào chầu Hoàng đế, tâu bày nhã ý của Chính phủ Nhật sẵn sàng công nhận nền độc lập của nước ta. Hôm nay Hội đồng Cơ mật họp, thông qua bản "Tuyên bố độc lập"; để cho gọn việc, chúng tôi đã trộm phép dự thảo bản đó. Nói xong Phạm Quỳnh trịnh trọng đọc bản tuyên bố bằng tiếng Việt và bản dịch chữ Hán(11).
Phạm Quỳnh bị bắt chiều ngày 23-8-1945 thì sáng 29-8 một nhóm sáu sĩ quan Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, tự xưng là "Phái bộ Đồng minh". Trong lúc Phan Tử Lăng, Chỉ huy trưởng còn đi thỉnh thị cấp trên thì nhóm Thanh niên tiền tuyến tức tối về thái độ láo xược của bọn Pháp, đã bất ngờ tấn công bắt gọn. Theo tài liệu thu được thì nhóm này có nhiệm vụ liên lạc với các quan lại bản xứ để lập lại chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.
Gần một tuần sau các báo ở Hà Nội đã đưa tin này để tố cáo âm mưu xâm lược của Pháp. Lê Thiệu Huy, con cụ Lê Thước, một đội viên Thanh niên tiền tuyến, hàng ngày học tiếng Anh qua đài BBC, cho biết: đài BBC cũng đưa tin này. Mười ngày sau một đơn vị lính Pháp khác lại tìm cách đổ bộ vào cửa biển Thuận An, để thực hiện nhiệm vụ giống như nhóm nhảy dù xuống Hiền Sĩ.
Tóm lại, việc quân Nhật và Phạm Quỳnh âm mưu liên lạc, cấu kết với nhau là nguyên do đầu tiên đưa đến việc Phạm Quỳnh bị bắt giữ. Sau đó việc quân Pháp tìm cách trở lại Huế, thực hiện âm mưu tái chiếm Đông Dương của Chính phủ De Gaulle lại khẳng định sự đúng đắn và cần thiết của việc bắt giữ đó.
II- DIỄN BIẾN SỰ VIỆC Ở HIỀN SĨ
Đầu năm 1962, Viện Văn học trình lên cấp trên dự kiến kế hoạch kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965. Cuối năm đó Văn phòng ông Tố Hữu chuyển đến Viện một bản tiểu luận, 91 trang đánh máy, nhan đề Trách nhiệm và giá trị Nguyễn Du về Truyện Kiều. So sánh Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), bản tiểu luận cho rằng công của Nguyễn Du chỉ là ở tài phỏng dịch:
Rằng hay thì thật là hay,
Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra!
Tác giả là ông Tôn Quang Phiệt. Kèm theo còn có một bức thư viết tay gửi ông Tố Hữu, yêu cầu được công bố bản tiểu luận. Dưới góc trái bức thư có lời ghi: "Ý anh Lành: Do Viện quyết định".
Ban lãnh đạo Viện Văn học đã cử tôi đi gặp ông Tôn Quang Phiệt. Tôi biết ông Tôn Quang Phiệt trước Cách mạng là Hiệu trưởng Trường Thuận Hoá - Huế, hoạt động Việt Minh ở Huế, sau Cách mạng làm Chủ tịch Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên; trong tiểu luận có đoạn ông phê phán ý kiến đề cao Truyện Kiều của "tên bồi bút thực dân Phạm Quỳnh" nên tôi đã hỏi ông về vụ Phạm Quỳnh bị bắt ở Huế năm 1945.
Ông cho biết: Ngày 14 tháng 8 năm 1945 Nhật tuyên bố đầu hàng nhưng lúc đó ở Huế còn gần năm ngàn lính Nhật chưa bị tước vũ khí. Có tin báo: chúng đang liên lạc với Phạm Quỳnh... Nhằm mục đích ngăn chặn, trưa ngày 23-8-1945, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Trung bộ Trần Hữu Dực ra lệnh bắt khẩn cấp Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi... đem về giam ở nhà lao Thừa Phủ. Một tên hiến binh Nhật đến đập cửa nhà lao đòi vào thăm "bạn", ta từ chối, chúng lại tìm cách đột nhập nhà lao bằng cổng sau nhưng lại bị ngăn chặn. Chính phủ Trung ương chỉ thị đưa ngay nhóm bị bắt ra Hà Nội. Vì xe chật nên Nguyễn Tiến Lãng bị bỏ lại. Biết tin, hiến binh Nhật cho xe đuổi theo. Đến Hiền Sĩ chúng đuổi gần kịp. Tổ áp giải bất ngờ cho xe rẽ vào rừng. Bọn Nhật mất mục tiêu, rất tức tối, chúng bắn chết hai người ăn xin đang nấu cơm ở chợ rồi quay về Huế.
Gần đây, cuốn Trường Thanh niên tiền tuyến Huế - 1945 đã cung cấp hồi ức của nhiều nhân chứng về các sự kiện xẩy ra ở Huế, trước và sau Tổng khởi nghĩa, nhưng để hiểu cụ thể hơn, tôi đã tìm gặp ông Đặng Văn Việt, Trưởng Ban liên lạc cựu học sinh trường Thanh niên tiền tuyến Huế - 1945. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông nhưng có cảm tưởng như gặp lại một người quen cũ. Ông xuất thân từ một gia đình nổi tiếng của huyện Diễn Châu, cạnh huyện tôi, thuộc tỉnh Nghệ An. Ông nội của ông, đậu Hoàng giáp, từng làm Tế tửu Quốc tử giám. Thân sinh của ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng, ngay trước Cách mạng là Tổng đốc tỉnh Nghệ An, sau Cách mạng được Hồ Chủ tịch mời làm Bộ trưởng không bộ (1946-1952), phụ trách ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh. Những năm 1950-1951, trong các lớp học chính trị "rèn cán chỉnh cơ" ở Quân khu IV tôi đã được nghe tên ông, một Trung đoàn trưởng kiệt xuất của Chiến dịch biên giới, chiến binh Pháp gọi ông là con hùm xám đường số 4. Còn bây giờ, ngồi bệt xuống sàn nhà của một căn hộ nhỏ, khiêm tốn, trong khu lao động Quỳnh Mai (Hà Nội), trước mặt tôi là một cựu chiến binh đã gần 90 tuổi, nhưng thân hình vạm vỡ, nói chuyện linh hoạt, hóm hỉnh.
Ông giới thiệu với tôi về trường Thanh niên tiền tuyến. Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật không có bộ Quốc phòng mà chỉ có bộ Thanh niên. Bấy giờ Đại học Đông Dương ở Hà Nội đóng cửa, nhiều sinh viên miền Trung rủ nhau về Huế. Đặng Văn Việt, quê ở Nghệ An nhưng là cựu học sinh trường Khải Định nên cũng vui bầu vui bạn về Huế. Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng bộ Thanh niên và Giáo sư Tạ Quang Bửu, lãnh đạo tổ chức Hướng đạo sinh, Đặc uỷ viên của Bộ Thanh niên, liền tổ chức Trường Thanh niên tiền tuyến, gồm 43 học viên. Ban đầu trong số này đã có 5 người gia nhập Việt Minh, dần dần tất cả đều "Việt Minh hoá" và trở thành một lực lượng tự vệ vũ trang của Uỷ ban Khởi nghĩa ở Huế. Đặng Văn Việt nói: "Thanh niên tiền tuyến như một con dao pha được huy động ở mọi nơi cần thiết". Ngày 23-8-1945, Đặng Văn Việt và Cao Pha được phái đi bắt cha con Ngô Đình Khôi – Ngô Đình Huân. Phan Hàm và Võ Quang Hồ đi bắt Phạm Quỳnh và Nguyễn Tiến Lãng. 
Trong hồi ức Những ngày giành chính quyền ở Huế, Phan Hàm, về sau là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, mất năm 2004, đã kể lại việc đi bắt Phạm Quỳnh như sau: "Chúng tôi đi một chiếc Jeep, vào ngay giữa sân, gặp Nguyễn Tiến Lãng bước ra. Ông Lãng đoán biết, bỏ chạy. Tôi bắn theo một phát, súng không nổ, thật hú vía cho cả người bắn và người bị bắn. Chúng tôi đưa những người bị bắt về lao Thừa Phủ "(12).
Bà Phạm Thị Hoàn, người chứng kiến, cũng đã kể lại vụ việc này(13).
Gần đây tôi đã hai lần đến gặp ông Hoàng Ngọc Diêu tại nhà riêng của ông ở Hà Nội. Lần đầu đến cùng ông Đặng Minh Phương. Năm nay ông Diêu 83 tuổi. Năm 1986 ông được phong hàm Trung tướng, làm Tổng cục trưởng Hàng không dân dụng Việt Nam, về hưu năm 1990. Năm 1945, khi xe của nhóm Phạm Quỳnh bị kẹt lại ở Hiền Sĩ thì ông đang công tác tại đây, làm Uỷ viên Chấp hành Việt Minh kiêm Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Phong Điền. Lúc đầu nhóm Phạm Quỳnh bị giam ở Lò Tràm đang bỏ hoang (tức một xưởng ép lá tràm lấy dầu)(14). Khi có toán sĩ quan Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ thì tỉnh chỉ thị "di chuyển ngay nhóm bị bắt". Sau đó ông Diêu được điều về Huế làm Đội trưởng một đội cảm tử, nên không biết những việc cuối cùng xẩy ra ở Hiền Sĩ với nhóm bị bắt trong bối cảnh tình hình giữa ta và Pháp ngày càng căng thẳng, nhưng ông có được xem phiên toà xử Nguyễn Tiến Lãng ở Đại Nội, Huế. Ông còn nhớ Nguyễn Tiến Lãng đã tự bào chữa, đại ý nói: nước mất tôi cũng đi tìm thuốc nhưng lại gặp phải liều thuốc độc!
Về sau hai gia đình Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi có đơn khiếu nại. Uỷ ban Cách mạng lâm thời đã trả lời: Những việc trước đây là thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Khởi nghĩa, sau đó có cho công bố một văn bản trên báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung bộ, do Lê Chưởng làm Chủ nhiệm.
Tôi đã đưa bản thông báo của Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương (tức Thừa Thiên) gửi Tòa án quân sự Thuận Hoá (tức Huế), đã đăng trên báo Quyết Thắng tháng 12-1945 mà Nhật Hoa Khanh sưu tầm được cho ông Diêu đọc(15). Ở tuổi 83, không cần đeo kính, ông vẫn đọc được rất nhanh rồi gật đầu bảo tôi: Đúng văn bản này! Thông báo đó đánh giá tổng quát tội trạng của Phạm Quỳnh như sau: "Phạm Quỳnh, một tay cộng sự của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mại quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9-3-1945, nhiều triệu chứng chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta".
Bản thông báo cho biết: "Cả ba tên Việt gian đại bợm (chỉ Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân - N.V.H chú) đã bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền (2 giờ ngày 23-8-1945) ở Thuận Hoá và đã bị Uỷ ban Khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật".
Xin nói thêm về Nguyễn Tiến Lãng, bị kết án 8 năm tù, sau được giảm án và được Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Khu trưởng Khu IV bảo lãnh, đưa về làm công việc sửa bản in thử cho tờ báo địch vận bằng tiếng Pháp của Liên khu tại một xưởng in, đặt trong chiến khu Như Xuân (Thanh Hoá), về sau được điều về dạy tiếng Pháp, rồi làm Trưởng ban Giáo dục của trường Thiếu sinh quân Liên khu IV.
Cùng thời gian này, từ 1949 đến 1951, tôi học Trung học chuyên khoa rồi ở lại làm cán bộ của trường Thiếu sinh quân. Trong không khí đoàn kết, cởi mở của trường hồi đó Nguyễn Tiến Lãng không hề bị phân biệt đối xử. Về phần ông, tận tâm với học sinh, cố gắng chịu đựng gian khổ, luôn giữ quan hệ tốt với nhân dân nơi đóng quân. Học sinh Thiếu sinh quân có nhiều cảm tình với “Thầy Lãng”.
Trong thời gian này tôi hay trò chuyện, trao đổi ý kiến với ông, từ vụ ông bị bắt ở Huế đến Tạp chí Nam Phong và Phạm Quỳnh. Có vài ý kiến ông nói hồi đó, tôi không hiểu rõ lắm nhưng cũng không tiện hỏi thêm, chẳng hạn, theo ông, Phạm Quỳnh là một người rất kín đáo và khó hiểu, ông thú nhận là không thể hiểu nổi Phạm Quỳnh; thứ hai trong chuyến xe đi Hà Nội, sở dĩ ông bị bỏ lại vì ông là người ít quan trọng nhất!.
Hồi đó tôi đã nghĩ: So với Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi thì đúng là Nguyễn Tiến Lãng ít quan trọng hơn, nhưng so với Ngô Đình Huân thì tại sao một người đã kế tục Phạm Quỳnh làm Chủ bút Nam Phong, đã làm quan Thừa Thiên Phủ doãn như Nguyễn Tiến Lãng lại ít quan trọng hơn?
Về sau đọc các sách báo, chẳng hạn cuốn Con Rồng Việt Nam của Bảo Đại(16) tôi mới biết đích xác Ngô Đình Huân hồi đó là bí thư của Đại sứ Nhật bản Yokohama tại Đông Dương.
Trong thời gian ở trường Thiếu sinh quân, Nguyễn Tiến Lãng đã được về phép, thăm quê (Vân Đình, Hà Đông) hai lần. Lần thứ nhất vào hè 1950, ông đi đến nơi về đến chốn và còn mua làm quà tặng cho học sinh một bản nhạc trữ tình lành mạnh mà đến nay một số Thiếu sinh quân đã lên tuổi 70 vẫn còn nhớ và hát lại được. Lần thứ hai về phép vào hè 1951, ông đã "dinh tê" vào Hà Nội, rồi sang Pháp và mất ở Paris năm 1976.
Xin có vài lời kết thúc: Tháng 7 năm 2008 tỉnh Hà Tĩnh tổ chức kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh nhà Chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế. Tôi có bản tham luận Nhà Chí Sĩ Ngô Đức Kế, từ tù nhân Côn Đảo đến một nhà báo(17). Đề cập đến Ngô Đức Kế, Chủ bút Tạp chí Hữu Thanh, tôi không thể không nói đến Phạm Quỳnh, Chủ bút Tạp chí Nam Phong, trong "vụ đụng độ" về Truyện Kiều năm 1924, từ đó tôi không thể không khẳng định "ngòi bút Đổng Hồ" của Ngô Đức Kế là ở phía chính nghĩa dân tộc, còn ngòi bút của Phạm Quỳnh là ở phía ngược lại. Một bạn đồng nghiệp, giáo sư Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi đọc bản tham luận của tôi, đã hỏi:
- Nếu như năm 1945, chiếc xe chở Phạm Quỳnh ra Hà Nội được trót lọt, rồi ông sẽ cộng tác với Chính phủ Cụ Hồ như cựu đồng liêu Bùi Bằng Đoàn của ông thì đến nay chúng ta nói về ông có khác không?
Thảo luận lịch sử trên cơ sở chữ nếu thì thật là thiếu căn cứ, đối với lịch sử thì tốt hơn là hãy tìm hiểu xem tại sao một sự kiện đã xảy ra như thế! Cách mạng đã chìa tay ra với Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam, Ngô Đình Diệm... nhưng rút cục họ có đi với Cách mạng đâu! Dù sao câu hỏi trên vẫn làm tôi nhớ lại câu chuyện sau đây: Một hôm Hồ Chủ tịch đã hỏi một nhà báo: “- Này, sao cứ mỗi lần kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thì báo, đài lại đưa "Cụ Phan" ra mà réo?”. Nhà báo của chúng ta hơi ngớ ra, vì trong trí nhớ thường trực của ông thì chỉ có hai "Cụ Phan", đó là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Nhưng Hồ Chủ tịch đã nói tiếp: "- Cụ Phan nay đã ở trong Chính phủ, trong Mặt trận Tổ quốc, có đóng góp rất quý. Các chú phải bảo nhau viết lách sao cho có lý, có tình!"
Thì ra Hồ Chủ tịch nói về Phó Thủ tướng Phan Kế Toại(18).
Tôi có đọc được ở đâu đó một câu cách ngôn - hình như của La Mã - đại ý khuyên rằng: đối với người đã khuất thì tốt nhất là đừng đụng chạm đến, nếu bất đắc dĩ phải nói đến thì tốt nhất chỉ nên ca ngợi. Tinh thần câu cách ngôn này cũng gần gũi với câu tục ngữ quen thuộc của nhân dân ta: "Nghĩa tử là nghĩa tận". Tôi tiếp nhận hàm nghĩa của hai lời khuyên này - theo nghĩa rộng - là khi nói về người đã chết thì phải hết sức thận trọng, phải hết sức khách quan và trung thực, không được vì một động cơ cá nhân nào mà cố ý nói sai sự thật, dù theo hướng tô hồng hay bôi đen; hơn nữa, cần nhớ rằng: trong lĩnh vực lịch sử và khoa học xã hội nói chung, dù có thiện chí, cũng rất khó nắm bắt được chân lý chính xác trăm phần trăm. Trên tinh thần đó tôi thành thật mong nhận được sự giám định và bổ sung tư liệu của đông đảo bạn đọc1
(1) Cam Vũ: Ngày Phạm Quỳnh, Tạp chí Thế kỷ 21, California, số 122, tháng 6-1999.
(2) Phạm Tôn: Người nặng lòng với nước, Tạp chí Xưa và Nay, Hà Nội, số 267 tháng 2-2006.
(3) Phạm Trọng Nhân: Tựa cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tập và Di cảo, Paris, An Tiêm, 1992, tr.13.
(4) Thanh Lãng: Trường hợp Phạm Quỳnh, Tạp chí Văn học, Sài Gòn, số 3, 4, 5, 6, tháng 1 đến tháng 4 năm 1963.
(5) Xuân Ba: Những uẩn khúc trong cuộc đời ông Chủ bút Nam PhongTiền Phong chủ nhật, Hà Nội, số 44, 45, 46, tháng 10 và 11-2005.
(6) Nguyễn Văn An, báo Tin điện ngày 23-3-1952 in lại trong Phạm Quỳnh - Tuyển tập và Di cảo, Sđd, tr.400.
(7) Nguyễn Tiến Lãng: Les chemins de la révolte, Nxb, Amiot - Dumont, Paris, 1953, tr.22.
(8) Nguyễn Phúc Bửu Tập trong bài Tư tưởng chính trị của Phạm Quỳnh, Tạp chí Thế kỷ 21, California, số 122, tháng 6-1999.
(9) Phạm Thị Ngoạn: Introduction au Nam Phong (1917-1934) đăng Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Sài Gòn, số 2 và 3-1973.
(10) Nguyễn Văn Trung: Trường hợp Phạm Quỳnh, Nam Sơn, Sài Gòn, 1975, tr.194.
(11) Phạm Khắc Hoè: Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc. Nxb Hà Nội, 1983 (lược thuật các tr.10-15).
(12) Phan Hàm: Những ngày giành chính quyền ở Huế trong cuốn Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.124.
(13) Phạm Thị Hoàn: Thầy tôi, Tạp chí Thế kỷ 21, California, số 122 tháng 6-1999.
(14) Trong luận án, bà Phạm Thị Ngoạn viết: "Les deux Ngô Đình et Phạm Quỳnh furent gardés au secret dans un pressoir abandonné aux environs de Hiền Sĩ" là rất chính xác. Thái Vũ, trong bài Về cái chết của ông Chủ bút Tạp chí Nam Phong, (Tiền Phong số 51, 18-12-2005) nghi vấn về chữ "pressoir" là không đúng.
(15) Nhật Hoa Khanh: Phạm Quỳnh và bản án tử hình đối với ông, Tạp chí Xưa và Nay, Hà Nội, số 269, 10-2006.
(16) Bảo Đại "Con Rồng Việt Nam", bản dịch của Nguyễn Phước tộc, Paris, 1990 (đoạn nói về thời gian 1945-1946 Bảo Đại ở Hà Nội).
(17) Nguyễn Văn Hoàn: Nhà Chí sĩ Ngô Đức Kế, từ tù nhân Côn Đảo đến một nhà báo, đăng Tạp chí Văn hoá Nghệ An, số 128-129, tháng 7-2008, và Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Hà Nội, số 9-2008.
(18) Lê Việt Thảo: Một vài kỷ niệm trong những năm tháng làm phóng viên phục vụ Hồ Chủ tịchHồn Việt, tập 6, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.220.

Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 11.2008
Nguồn: http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=535&m