Thursday 23 August 2012

Do đâu có tên cây cọ căng?

Cọ căng là một chi thực vật có hoa thuộc họ Cau, có nhiều loài được đem từ Úc về châu Âu trồng làm cây cảnh trong nhà. Tên của cọ căng trong tiếng La Tinh, tiếng Anh và tiếng Pháp là kentia, theo tên của William Kent, một nhà thực vật học người Anh. Không có bằng chứng xác nhận người Pháp mượn kentia từ tiếng Anh hay tiếng La Tinh. Cách đọc không thống nhất [kεntja], [kε ̃tja], [kε ̃sja]. Năm 1973  Martinet-Walter tiến hành kiểm tra thì thấy đa số người tham gia thí nghiệm đọc là [kɑ ̃sja]. Các nhà thực vật học Việt Nam chắc chắn biết cả tiếng La Tinh và tiếng Pháp nhưng cách đọc là căng cho thấy ảnh hưởng của tiếng Pháp rất rõ.

Wednesday 22 August 2012

Từ cô dắc vào tiếng Việt bằng đường nào?


Tại một phiên hội thảo của Réseau Asie & Pacifique (Paris, 14-16/9/2011), Lê Thị Xuyến cho rằng cô dắc là từ mượn của tiếng Nga (http://www.reseau-asie.com/userfiles/file/I06_xuyen_lexique_vietnamien.pdf
). Thật ra cô dắc là cách những người biết tiếng Pháp phát âm từ Cosaque để thay thế từ Kha Tát Khắc mà người biết chữ Hán đã mượn của tiếng Hoa. Từ cô dắc vào tiếng Việt trước khi xảy ra tiếp xúc ngôn ngữ Việt Nga:
* Lê-nin chống lại quyết liệt chủ nghĩa sô-vanh đại quốc và chủ nghĩa quốc gia địa phương ông đã phê bình kịch liệt những do dự và những sai lầm quốc gia chủ nghĩa của phái Bun, của bọn Liên minh Cô-dắc, của bọn Xã hội – Dân chủ Uy-cờ-ren , v.v. (Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 22, 1956:36, Hướng Tân).
* Vì nền độc lập của sứ (sic) Balan, Bình vốn là một người đa cảm, một nghệ sĩ đã làm quen với đủ hạng người: từ một tên Cô dắc (Kozak) ở những đồng cỏ nước Nga đến bọn cướp lông thú, từ tên thợ săn người Nam Tư Lạp Phu đến những thổ dân Tây Bá Lợi Á. Tạp Chí Tuổi Hoa số 54 (1966:39, Minh Quân)
Khi có nhiều người biết tiếng Nga thì tiếng Việt có thêm Ca-dắc (Казак).

Tuesday 21 August 2012

NGUỒN GỐC ĐỊA DANH SÀI GÒN (Bình Nguyên Lộc)


Ngay từ đầu thế kỷ hai mươi, người Pháp đã nỗ lực để tìm biết nguồn gốc của địa danh Sài Gòn, tên của một thành phố mà qua phong cách lãng mạn tây phương họ biến nó thành “Hòn Ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrêm Orient), một cái tên đã được thông dụng từ lâu nhưng họ, và cả ta nữa, đều không biết nghĩa.
Vì thiếu tài liệu, tôi không thể trích dẫn tên của nhà học giả tiên phong đó, chỉ biết đại khái các điều sau đây. Ông ấy cho rằng Sài Gòn, người Cao Miên, chủ đất cũ của miền Nam nước Việt, gọi Là Prây Nokor. Prây là Rừng, Nokor là Quốc gia. Có thể Sài Gòn do âm của Prây Nokor mà ra chăng? Đây chưa hẳn là giả thuyết đáng tin cậy. Prây cũng có thể biến thành Sài. Nhưng Nokor có hơi khó biến thành Gòn lắm.
Riêng tôi thì tôi thấy giả thuyết này không đứng vững. Tôi biết cơ cấu của ngôn ngữ Cao Miên (tức Cam Bu Chia), nó không có khác cơ cấu Việt Ngữ, trừ một chi tiết nhỏ. Ta nói “ba con cá” thì họ nói cá ba con. Theo cơ cấu đó thì “Quốc Gia rừng” phải là “Nokor Prây”, chớ không thể là Prây Nokor được. Mặt khác, người Chàm gọi Sài Gòn của ta là Prây Kor, chớ không hề là Prây Nokor. Prây Kor, cũng cứ là tiếng Cao Miên mà người chàm vay mượn, có nghĩa là Rừng Bò. Có lẽ xưa kia ở đó người ta nuôi bò nhiều, trong rừng, hoặc là ở đó nhiều bò rừng.
Một ông Tây thứ nhì, cũng biết cơ cấu ngôn ngữ Cam Bu Chia như tôi, xác nhận rằng địa danh phải là Prây Ko, hoặc Prây Kor, chớ không thế nào mà là Prây Nokor được hết. Rừng quốc gia là cái gì? Người Cao Miên xưa đâu có biết khoanh rừng để tạo ra những cái National Forest như người Mỹ ngày nay. Nhưng cũng có đưa vào thuyết một điều mới lạ. Ông ấy cho là Ko, hoặc Kor, không phải chỉ có nghĩa là Bò, mà là có nghĩa là cây gòn, một thứ cây có công dụng y hệt như cây gạo của Bắc Việt.
Cambuchia: Ko(r); Lào: Gòn; Phù Nam: Gòn; Nam Kỳ xưa nay: Gòn.
Và ông ấy kết luận rằng Sài Gòn do Prây Kor biến ra. Prây biến ra Sài thì có thế chấp nhận được, nhưng Kor, sao không biến ra Cò, mà biến ra Gòn. Dịch chăng? Khó lòng mà có lý. Nếu dịch, thì dịch cả hai từ, chớ sao lại chỉ lấy âm từ thứ nhứt thôi, còn từ thứ nhì thì lại dịch?
Thế nên thuở ấy các nhà học giả ta mới xía vào, cho rằng xưa kia ta chặt cây gòn ở đó để làm củi chụm, mà Củi thì chữ nho là Sài. Thuyết của ta là cố gắng giúp cho thuyết thứ nhì của Tây có lý mà thôi, tức ta dịch cả hai từ, từ đầu Rừng, gượng gọi củi dịch ra chữ nho là Sài, còn từ sau Kor thì dịch ra tiếng Phù Nam là Gòn mà Nam Kỳ vay mượn.
Thiên hạ làm thinh sau thuyết của ta, vì không ai biết phải giải thích cách nào cho ổn hơn hai ông Tây và vài ông Việt nói trên. Nhưng nửa thể kỷ sau, sau năm 1954, thì có Vương Hồng Sển lên tiếng, không phải bằng một bài báo, mà bằng một quyển sách, quyển “Sài Gòn năm xưa”. Cụ Vương bác bỏ ba thuyết không vững trên kia. Theo cụ thì mọi việc xảy ra như sau, và có lấy tài liệu ở bộ sử địa Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức:
Trịnh Hoài Đức viết rằng sau khi Tây Sơn tàn phá thành phố lớn Nông Nại Đại Phố, ở Biên Hòa, thì người Tàu sống sót, trong đó có họ Trịnh, người Tàu lai, chỉ mới lên tám, chạy xuống phía dưới để lập ra một thành phố khác, nay truy ra là thành phố ấy là vùng Chợ Lớn ngày nay. Đa số người Tàu sống sót là người Quảng Đông. Họ đặt tên thành phố mới ấy là Đề Ngạn Thành. Đề Ngạn có nghĩa là “Nắm (vững) bờ sông”. Sông ở đây, chỉ là sông con, trỏ tả ngạn của con rạch Cầu ông Lãnh, đoạn nằm ở đại lộ Đồng Khánh ngày nay. Người Quảng Đông phát âm Đề Ngạn là Thầy Ngồl, và Thầy Ngồl bị Việt Hoá ra là Sài Gòn.
Đây là thuyết hữu lý nhất, so với ba thuyết trên, nhưng mà rồi lại sai, khi ta nghiền ngẫm sâu vấn đề. Những gì mà cụ Vương Hồng Sển nói ra đều đúng cả, chớ không phài là nói liều, bằng chứng là mãi cho đến ngày nay, người Tàu vẫn tiếp tục gọi Chợ Lớn là Thầy Ngồl, viết ra chữ là Đề Ngạn.
Nhưng tại sao rồi thì địa danh Sài Gòn, đáng lý gì chỉ trỏ Chợ Lớn thôi, mà lại trỏ Sài Gòn chớ không trỏ Chợ Lớn bao giờ? Đồng hóa chăng vì hai thành phố đó chỉ là một? Không, không có vấn đề đồng hóa. Dưới đây là những gì mà kẻ viết bài nầy đã thấy vào năm 1928. Xin nhắc lại vài chi tiết về đời sống cá nhân riêng tư của người viết bài.
Cha mẹ tôi làm nghề buôn gỗ. Thể nên từ năm lên bảy (1920) tôi đã được dịp theo cha mẹ để đi chơi Sài Gòn. Nhưng chưa biêt rõ Sài Gòn đâu. Mãi cho đển năm 1928 tôi mới rời làng, sống hẳn ở Sài Gòn để theo học Trung học (Làng của tôi là làng huyện lỵ nhưng dưới thời Pháp thuộc, trong làng chưa có trường trung học như dưới thời ông Ngô Đình Diệm).
Vào năm 1928 thì tôi đã lớn xác và biết thật rõ về Sài Gòn. Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố khác nhau, cách biệt nhau bằng một vùng đất gần như là hoang vu, bề rộng của vùng đất hoang ấy ước đến sáu miles chớ Không phải ít. Sài Gòn chỉ tiến đến cái nơi mà nay là rạp hát Nguyễn Văn Hảo. Đại lộ Trần Hưng Đạo đã có rồi, tên cũ là đại lộ Galliéni. Có đường xe điện nối liền hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Từ rạp Nguyễn Văn Hảo (thuở ấy chưa xây cât) đi mãi cho tới chợ Hòa Bình (thuở ấy cũng chưa xây cất) là đồng không mông quạnh, thỉnh thoảng mới thấy một nhà gạch nằm giữa đồng. Trường Trương Vĩnh Ký mà tôi theo học, cũng cho nằm giữa đồng trống minh mông.
Thế thì làm sao mà có sự đồng hóa hai thành phố làm một trước năm đó được, vì trước năm đó hằng trăm năm, Sài Gòn đã được gọi là Sài Gòn rồi, mà khoảng cách thì lại còn xa hơn là vào năm 1928 nữa.
Đành là không thể biết sự thật, và tạm chấp nhận thuyết Vương Hồng Sển vậy.
Sau khi sách của cụ Vương Hồng Sển ra mắt độc giả thì một quyền sách khác được xuất bản, đó là quyền “Lịch sử xứ Đàng Trong” mà tên của tác giả tôi đã quên mất, nhưng còn nhớ khá nhiều những chương sách đó. Tác giả của quyển sử này bác bỏ thuyết Vương Hồng Sển bằng luận cứ sau đây, mà tôi chỉ nhớ đại khái thôi, và đây là nhắc lại chớ không phải là trích sách: “Có người cho rằng địa danh Sài Gòn là do địa danh Đề Ngạn, đọc theo Tàu là Thầy Ngồi biến ra. Nhưng tôi chỉ tin theo tài liệu Cổ thôi là sử Trào Nguyễn, sử này viết tên của Sài Gòn là Sài Côn vậy Sài Gòn do Sài Côn mà ra.”
Thuyết này quá yếu về các điểm sau đây:
A) Nhưng còn Sài Côn thì do cái gì mà ra chớ? Sài Côn, chữ nho có nghĩa là Cây gậy bằng củi? Sao vua chúa ta lại đặt tên một thành phố kỳ khôi đến thế chớ ?
B) Sử trào Nguyễn viết dưới thời Tự Đức, trong khi đó thì danh xưng Sài Gòn đã cò rồi hằng trăm năm trước Tự Đức. Thế sao dùng Sài Côn thời Tự Đức để làm căn bản được? Còn Sài Gòn đã có rồi trước Tự Đức thì do cái gì mà ra? Ta nên nhớ rằng vua Tự Đức là một ông vua Việt Nam mê Tàu nhất nước. Ông vua ấykhông bao giờ cho quan của ông đặt tên một thành phố là “cây gậy bằng củi” đâu, trừ phi tên đó là tên phiên âm mà ông vua ấy đành phải chấp nhận.
Thế thì Sài Côn chỉ là phiên âm của Sài Gòn, chớ không phải Sài Gòn là phiên âm của Sài Côn. Vã lại Sài Côn đã có âm Hoa Việt là âm rất quen tai với dân ta, thì dân ta mắc chứng gì mà lại đi phiên âm Sài Côn ra là Sài Gòn?
***
Ta đành chịu bí (chỉ tạm chịu bí thôi) và còn một điều khó hiểu nữa: Người Tàu gọi Sài Gòn của ta là Xi Cống viết ra chữ thì là Tây Cống. Tây Cống do cái gì mà ra đây? Có phải Sài Gòn bị Hoa hóa thành Xi Cống không? Nhứt định là không, vì Tàu Quảng Đông vẫn có âm Sài, họ không mắc chứng gì biến Sài ra là Xi. Nếu họ không có âm Gòn thì họ cũng gọi Sài Gòn là Sài Cống, mà không bao giờ là Xi Cống cả đâu.
Tôi tạm dẹp vụ Sài Gòn lại để làm việc khác nhưng không phải là đầu hàng vĩnh viễn. Sang tới đất Huê Kỳ này thì sự thật mới chịu lòi ra, mà lại lòi nhờ sự hiểu biết của người Hoa Kỳ này thì thật là oái oăm không thể tưởng được. Số là tôi có một người láng giềng, một vị bác sĩ y khoa trước kia ở Sài Gòn, sang đây ông ấy giúp cho tiểu bang Cali tiếp coi về Á Đông sự vụ. Ông ấy góp nhặt tất cả những gì mà người Mỹ viết về Á Đông, để nghiên cứu thêm, vì ông ấy thấy rằng người Mỹ biết nhiều hơn ông ấy, nhưng ông ấy chỉ nghiên cứu lịch sử, chủng tộc học, phong tục học, tôn giáo thôi mà bỏ sót ngôn ngữ học. Chính tôi, khách láng giềng, hưởng được các sách ngôn ngữ học mà ông ấy không dùng tới.
Trong một quyển sách nhỏ, nhan là “Cantonese Speaking Students” do California State Department of Education xuất bản, soạn giả cho biết rằng trong tỉnh Quảng Đông có đến sáu phương âm khác nhau. Mỗi phương âm ăn khớp vào với một vùng đất của tỉnh ấy, và có một vùng đất kia tên là Sài Gọng (có G cuối). Sách nói trên là sách tiếng Anh, nhưng có chua chữ Tàu. Sài Gọng được chua là Tây Giang. Tây Giang là một con sông khá lớn bắt nguồn từ xứ ta, nhưng chảy lên Quảng Đông để rồi đổ ra biển, cũng trong tỉnh Quảng Đông.
Tôi có kiểm soát lại sách đó, và thấy rằng tác giả có sai ở một điểm. Trong sách có nói đến phương âm Màn, Màn là Mân-Việt đó, và chắc chắn là sách ấy trỏ bảy phủ Triều Châu. Xin nhắc rằng nước Mân-Việt thời Tần Thủy Hoàng gồm bảy nhóm Mã Lai tất cả, gọi là Thất Mân, nhưng về sau nhà nước Tàu lại đặt một trong bảy nhóm ấy là nhóm Triều Châu, vào tỉnh Quảng Đông (sáu nhóm kia là Phúc Kiến) mà như thế thì âm Mân không phải là một phương ngữ Quảng Đông, mà là một ngôn ngữ riêng biệt.
Quan Thoại: Xữa là Ăn; Quảng Đông: Xực là Ăn; Phúc Kiến: Lim là Ăn; Triều Châu: Cha là Ăn.
 (Chỉ có Quảng Đông là nói Ăn bằng tiếng Tàu, các nhóm Tàu Hoa Nam khác nói Ăn bằng tiếng Mã Lại). Nhưng điểm sai của quyển sách đó, không liên hệ đến việc tìm tòi của ta nên tôi chỉ nói qua vậy thôi, và trái lại muốn khen tác giả sách ấy là người biết nhiều, vì chỉ sai có một điểm nhỏ trong một quyển sách. Như vậy là giỏi lắm rồi.
Cái điều mà ta cần biết là đã được biết, đó là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn (không G cuối) Sài Gòn do Sài Gòng mà ra, và đó là tiếng Tàu, không bị Việt hóa theo cái lối chữ nho, mặc dầu văn tự đã bị đọc sai ra là Tây Giang.
Thế nên tôi xin trình ra một thuyết mới, mặc dầu sự phát hiện địa danh Sài Gòng (tên tàu) cũng đã khá rõ ý nghĩa rồi, khá rõ đối với một số người, nhưng còn chưa rõ đối với đa số. Trước hết xin bác bỏ thuyết Vương Hồng Sển, không, theo luận cứ của quyển “Lịch Sử Đàng Trong”, mà theo luận cứ khác. Thầy có thể biến thành Sài, nhưng Ngồl biến thành Gòn thật khả nghi, mặc dầu cha tôi, mẹ tôi đều gọi Sài Gòn là Thầy Gòn, có thể xem đó là cái móc không gian giữa Thầy Ngồl và Sài Gòn. Nhưng cũng không chắc chắn lắm về vụ âm trung gian đâu. Cha mẹ tôi buôn bán với Chợ Lớn chớ không với Sài Gòn vì thuở ẩy người mình chưa lập vựa gỗ quí tại Sài Gòn như từ sau này, tại đường Hồng Thập Tự, có thể sau hai vị sanh thành ra tôi đã lấy âm Thầy của Thầy Ngồl, nhập lại với Gòn của Sài Gòn cũng nên.
Ta có thể nghĩ rằng Trịnh Hoài Đức không biết hết sự thật. Trịnh Hoài đức đã thú nhận rằng ông chạy về vùng dưới sau khi Tây Sơn tàn phá vùng Biên Hòa. Nhưng rồi ông không sống với người Tàu, mà theo mẹ, vốn là người Việt sống riêng ở làng Hòa Hưng (vùng khám Chí Hòa nay) và học với thầy Việt là cụ Võ Trường Toản, nhờ thế mà về sau họ Trịnh mới thi hội đỗ đạt và làm quan ở Huế, chớ học với thầy Tàu thì không sao mà đỗ được, cho dầu ông thầy ấy là Khổng Tử đi nữa, vì các cuộc thi của ta có cách thức khác Tàu, chỉ giống Tàu ở điểm thi cử văn chương nhiều hơn là thi cử thực tiễn. Năm chạy loạn, họ Trịnh chỉ mới lên tám, chưa biết gì cho thật rõ lắm. Ngày nay, đi từ khám Chí Hòa vào chợ Lớn, chỉ tốn có một cuốc tắc xi, nhưng vào năm Trịnh Hoài Đức - năm 1775 - thì hoàn toàn không phải như vậy.
Chắc bạn đọc ai cũng biết chợ Trương Minh Giảng, một vùng thương mãi trù mật. Ấy thế mà vào năm 1941 tôi tên đó chơi, để hóng mát thì nơi đó đồng không mông quạnh. Tôi hỏi một ông cụ nông dân ở đó về đời của ông cụ, ông cụ kể rõ một việc, trong đó có chi tiết sau đây. Từ bé đến lớn, ông cụ chưa hề đi Sài Gòn hay đi Chợ Lớn, vì cái lẽ giản dị là con đường Trương Minh Giảng với cây cầu Trương Minh Giảng chỉ mới có từ cuối năm 1938. Trước đó. không đi đâu được hết. Hòa Hưng còn xa hơn chợ Trương Minh Giảng nữa, thì có thể chú bé Trịnh Hoà Đức chẳng biết gì về Đề Ngạn đâu.
Thuyết của tôi là như thế nầy. Cái tên đầu tiên mà người Tàu đặt ra cho cái thành phố mà nay ta gọi Chợ Lớn, không phải là Đề Ngạn mà là Sài Gòng. Tại sao họ lại đặt như vậy? Là tại họ là người Quảng Đông gốc Sài Gòng (bên Tàu). Lối đặt tên đó giúp cho họ nhớ quê hương của họ. Ta lại không đặt tên cho khu Bolsa là tiểu Sài Gòn hay sao? Và đặt như thế, có phải chăng để mà nhớ Sài Gòn của ta hay sao chớ ?
Và Đề Ngạn, chỉ là tên thứ nhì do người Quảng Đông đến sau, họ không có gốc Sài Gòng (bên Tàu) nên họ thấy Sài Gòn vô nghĩa, họ phải đặt tên lại vậy. Và họ rất có lý mà đặt tên lại, vì bấy giờ thành phố đó đã phồn thịnh phần nào rồi nên mới mang tên là “Nắm Vững Bờ Sông” chớ thuở mới lập, nó chỉ là vài trăm nếp nhà lá, có nắm vững gì đâu mà đặt là Thầy Ngồl.
Vậy địa danh đầu, bị bỏ mấy chục năm, không dùng tới, đến khi Trịnh Hoài Đức lớn lên thì ông chỉ còn biết Thầy Ngồl (Đề Ngạn) thôi nên không hề nói đến Sài Gòn bao giờ.
Sau đó non một trăm năm thì Pháp chiếm cái nơi mà nay là Sài Gòn, nhưng thuở ấy được gọi là Gia Định kinh, vì Nguyễn Ánh không chắc mình sẽ lấy lại được Huế, nên xây thành ở đó và xem nơi đó là Kinh Đô của miền Nam, và miền Nam thuở ấy mang tên là xứ Gia Định. Thế rồi người Tàu ở Thầy Ngồl tràn ra đó để hợp tác với Pháp và Pháp đang cần người mà dân ta thì bỏ đi (xin xem tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu, và các bạn sẽ thấy là dân ta bỏ Gia Định Kinh mà đi nhiều lắm). Người Tàu tràn ra đó, họ có tật đặt tên, bất kể tên của người bổn xứ. Sáng tác thì mất công lắm nên họ cứ lấy tên đầu tiên của Thầy Ngồl là Sài Gòng để gán cho thành phố thứ nhì mà họ tràn tới đông đảo và cũng thành công về sanh kế.
Tới đây thì ta cứ tưởng mọi việc đều xuôi chèo mát mái, vì thuyết này có vẻ ổn hơn thuyết Vương Hồng Sển.
Còn rắc rối ở cái điểm. Thế rồi tại sao Sài Gòn của ta không được Tàu chợ Lớn gọi là Sài Gòng, mà sao lại gọi là Xi Cống ?
Quá dễ hiểu. Khi Tàu ở Thầy Ngồl thành công rồi thì đồng bào của họ hay tin nên lại sang đây từng đợt, mà các đợt sau không đọc Tây Giang là Sài Gòng mà đọc khác, như quyển sách Hoa Kỳ đã cho ta biết khi nãy là ở tỉnh Quảng Đông có sáu phương âm (mà chúng tôi vừa loại bớt một). Họ đọc Tây Giang như sau:
a/ Sài Gòn; b/ Tsi Kiang; c/ Tsi Kang; d/ Xi Cống.
Ấy có thể nhóm sang đây đông đảo là cái nhóm đọc hai chữ Tây Giang là Xi Cống.
Nhưng vẫn chưa hết phiền đâu. Nay họ không còn viết ra chữ là Tây Giang nữa, mà là Tây Cống. Tại sao lại thế? Cũng dễ hiểu thôi. Cống là từ đồng âm dị nghĩa củ họ. Cống là sông, mà cống cũng lại trỏ nhiều thứ khác nữa. Đối với người đến sau, không có gốc ở Tây Giang. thì nói về Cống tức là Sông là chuyện vô lý, nhưng nói đến những Cống khác thì hay. Chẳng hạn, đất đó là đất mà người Tây Phương “cống” cho họ để họ nhờ đó mà làm giàu. (Thật ra thì chữ Cống về sau cũng chẳng phải là Cống sứ đâu, và nếu không có biến cố 1975, có thể Cống sẽ bị viết khác nữa, vì có rất nhiều Cống).
Tôi không còn gì dể nói về Sài Gòn nữa, nên xin phép bạn đọc viểt lạc đề vài câu. Trong quyển sách “Thời Đại Hùng Vương” của Hà nội (đây là sách hợp soạn), một tác giả đã viết đại khái: Chữ Giang của Tàu là vay mượn của dân phương Nam (ý tác giả muốn trỏ Đông Nam Á, bằng chứng là họ viết bằng chữ Công với bộ Thủy. Công có nghĩa là Sông). Tác giả ấy không hề cho biết Công là danh từ của dân tộc nào. Tôi xin trình ra danh từ của các dân tộc lớn ở Đông Nam Á thử xem sao:
lndonesia: Kali; Phù Nam: Ka-i; Nam Kỳ xưa nay: Cái (sông thật nhỏ trong Cái Mơn, Cái Thia, Cái Nhum, Cái Tàu vv… )
Mã Lai: Sungai; Việt Nam: Sông; Cam Bu Chia: Stưng; Lào: Nặm (sông nhỏ); Lào: Thađai (sông lớn, tức sông Cửu Long Gíang); Thái: Maê (sông nhỏ); Thái: Mê (sông lớn. tức sông Mênam): Chàm: Krong; lndonesia (riêng đảo Sumata): Kroeneng; Phù Nam: Bassac (sông lớn có bùn phù sa)
Chẳng thấy dân tộc nào có danh từ Công hay Kông mang nghĩa là sông. Các dân tộc nhỏ như Mạ, Sơ Đăng, Bà Na thì dùng danh từ Nước để trỏ Sông, mà cả dân tộc Lào, dã dựng nước rồi, cũng làm như thế, vì trong Lào Ngữ Nặm có nghĩa là Nước. Tác giả của quyển “Thời đại Hùng vương” có thể cải: “công” do Cống của Quảng Đông mà ra. Nói như thế thì có lý đó. Nhưng than ôi, khi đưa ra cái thuyết Công là Sông, thì tác giả ấy chưa biết rằng người Quảng Đông đã dọc Giang là Cống. Đó là điều mà tôi mới ra hôm nay, lần thứ nhất, trên quả địa cầu. Và sự thật thì Công trong tên con Sông Mê Kông, không hề có nghĩa là Sông đâu. Chính Mê mới là sông, đó là tiếng Thái, còn Kông là To, Lớn. Mà tác giả thì lại nghĩ đến MêKông .
Bình-nguyên Lộc

Friday 17 August 2012

Giùm hay dùm?

Từ điển xưa nay chỉ có giùm, không có dùm. Nhưng hiện nay trên Internet số trang viết sai đã nhiều gấp đôi số trang viết đúng.





Wednesday 15 August 2012

Huệ Thiên (An Chi) - Mười điều nhận xét về quyểnTừ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh

 Là người sinh ra tại Sài Gòn cách đây gần 70 năm, chúng tôi rất vui mừng đón nhận quyển Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh (TĐTPSGHCM) do Thạch Phương - Lê Trung Hoa chủ biên và do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001. Đây là một quyển sách cần thiết và bổ ích mà một vài tờ báo đã giới thiệu. Tuy thế chúng tôi vẫn muốn nêu lên một số điểm mà chúng tôi cho là còn sai sót hoặc chưa hợp lý để các nhà chủ biên và những người dùng sách thẩm định thêm.
 Điểm đầu tiên là ở cái tên của quyển sách. Thông thường, khi một vùng, một nước hoặc một thành phố, v.v... , được đổi tên thì người ta chỉ còn gọi nó bằng cái tên mới chứ không ai ghép với tên cũ để gọi, thí dụ: (tỉnh) Tiền Giang thay cho Mỹ Tho chứ không phải (tỉnh) «Mỹ Tho - Tiền Giang», (nước) Myanmar thay cho Miến Điện chứ không phải (nước) «Miến Điện - Myanmar», Volgograd thay cho Stalingrad chứ không phải «Stalingrad - Volgograd», v.v... Dĩ nhiên là người ta có thể ghép tên cũ với tên mới để chỉ mốc thời gian, chẳng hạn «300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh» (1698-1998) «1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), v.v... Nhưng để gọi tên, mà lại là gọi đích danh về mặt khoa học và/hoặc hành chính vào một thời điểm cụ thể thì nhất định không ai ghép như thế. Chính vì không thể ghép như thế cho nên, mặc dù được biên soạn để kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bộ sách do Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình chủ biên vẫn chỉ mang tên «Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh» chứ không phải «Địa chí văn hóa Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh».
Đặt các tên sách như hai nhà chủ biên đã có sáng kiến thì chỉ làm cho nó rườm rà một cách vô ích mà thôi, đồng thời cũng là tỏ ra không tôn trọng một sự thay đổi chính thức về mặt hành chính thực sự có hiệu lực đã hơn một phần tư thế kỷ.
Điểm thứ hai là các nhà chủ biên không nêu rõ tiêu chuẩn lựa chọn mục từ nên người đọc dễ có cái cảm giác là hoặc họ đã lựa chọn một cách tùy tiện hoặc họ chỉ đưa vào quyển từ điển những tư liệu có sẵn trong tay họ mà thôi.
Người ta không biết tại sao phần «Nhân vật» có tên của tướng Ely mà lại không có tên của tướng De Lattre de Tassigny trong khi dân Sài Gòn còn «quen» với tướng sau hơn cả tướng trước.
Người ta cũng không biết tại sao các nhà chủ biên ghi nhận tên của Đinh Xuân Nguyên (Thanh Lãng) mà lại không ghi nhận tên của Trần Kim Bảng (Thiên Giang), Phạm Văn Hạnh (Thê Húc) và Lê Nguyên Tiệp (Tam Ích). Thiên Giang, Thê Húc và Tam Ích là ba cây bút trụ cột của nhóm «Chân trời mới» mà các tác phẩm (do Nam Việt xuất bản) hồi đầu thập kỷ 1950 đã đem đến cho người đọc những tư tưởng và quan niệm tiến bộ về văn nghệ (riêng Thiên Giang thì năm 1968 đã ra vùng giải phóng rồi ra nước ngoài để tuyên truyền cho chính phủ CMLTCHMNVN).
Người ta cũng có thể thắc mắc tại sao phần «Địa danh» có rất nhiều «Cây» mà Cây Quéo và Cây Thị thì lại không trong khi nó đang tồn tại với tư cách là những tên vùng: Cây Quéo thuộc các phường 5, 6, 7 còn Cây Thị thì thuộc phường 11, cả hai đều thuộc quận Bình Thạnh.
Tất nhiên là người đọc còn có thể thắc mắc về rất nhiều thứ không được nói đến nữa chỉ vì các nhà chủ biên đã không nêu rõ những tiêu chuẩn cụ thể và tạm đủ để cho họ có thể tự mình giải đáp mà loại trừ dần dần từng thắc mắc.
Điểm thứ ba là đối với (những) biệt danh của những nhân vật nổi tiếng thì các nhà chủ biên đều nhất loạt chuyển chú về tên thật của họ cả.
Việc này hoàn toàn không phải lẽ. Thông thường, đối với những nhân vật đó, người ta chỉ chính thức ghi nhận vào từ điển cái tên được toàn thể xã hội biết đến mà thôi. Thí dụ như người ta ghi nhận «Maxime Gorki» làm mục từ chính thức thay vì «Alexei Maximovitch Pechkov» mặc dù đây mới là tên thật của nhà văn Xô viết này. Người ta chỉ ghi nhận «Molière» thay vì «Jean-Baptiste Poquelin» mặc dù đây mới là tên thật của nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ XVII, v.v... Còn trong TĐTPSGHCM thì tất cả các danh tính quen thuộc với toàn xã hội đều được chuyển chú về từng tên thật tương ứng, chẳng hạn: «Dương Tử Giang (X. Nguyễn Tấn Sĩ)» - «Đông Hồ (X. Lâm Tấn Phác)» - «Nam Quốc Cang (X. Nguyễn Văn Sinh)», v.v... Có lẽ nào các nhà chủ biên lại không biết rằng đây là chuyện xã hội chứ không phải chuyện gia đình, cũng không phải là chuyện khai lý lịch cho cán bộ tổ chức. Người đọc biết đến tác giả của tập truyện ngắn «Một vũ trụ sụp đổ» và tiểu thuyết «Tranh đấu» qua cái tên Dương Tử Giang chứ không phải Nguyễn Tấn Sĩ nên cái người mà họ muốn biết tiểu sử là nhà văn Dương Tử Giang chứ tuyệt đối không phải là anh cán bộ hay anh công dân Nguyễn Tấn Sĩ, càng không phải là ông anh, ông chú hay ông bác Nguyễn Tấn Sĩ trong gia đình họ Nguyễn.
Cũng tương tự như vậy đối với những trường hợp khác. Việc các nhà chủ biên chuyển chú các biệt danh được xã hội biết đến về từng tên thật tương ứng là một sự áp đặt đối với người đọc. Chẳng những thế, đó còn là một sự xúc phạm đối với những người có biệt danh hữu quan nữa vì chính họ đã muốn xã hội biết đến mình qua (những) biệt danh mà họ đã đặt ra chứ không phải là tên «cha sinh mẹ đẻ».
Điểm thứ tư là trong phần «Địa danh» các nhà chủ biên đã cung cấp cho người đọc một định nghĩa không dùng được về chính khái niệm «địa danh». Họ đã viết như sau: «Địa danh là những từ hoặc ngữ cố định, được dùng làm tên riêng của các địa hình tự nhiên, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều (như cầu, đường, công viên). Còn tên các công trình xây dựng thiên về không gian ba chiều (đình, chùa, nhà ở, cơ quan) không thuộc phạm trù của địa danh» (trang 289).
Với định nghĩa độc đáo trên đây, hai nhà chủ biên đã mặc nhiên xem các địa hình là những hiện tượng «thiên về không gian hai chiều» và đã ngang nhiên biến chúng thành mặt phẳng trừu tượng không hề tồn tại trong thực tế. Chỉ cần nhắc đến đỉnh cao nhất thế giới là Chomolungma (Everest), 8.848m và vực sâu nhất là Mariannes, -11.034m thì cũng đủ thấy cái thao tác «trừu tượng hóa» đó của các nhà chủ biên là hoàn toàn vô lý. Các vùng lãnh thổ cũng không phải là những mặt phẳng «thẳng băng» vì nói chung đó là những vùng có địa hình đa dạng: đồng bằng, cao nguyên, đồi núi, v.v... Đến như những cây cầu mà các nhà chủ biên cũng cho là những «công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều» thì thật oan uổng cho những thứ đó. Xin mời các vị chủ biên đọc mục «cầu Mỹ Thuận» ở trang 561 của chính các vị:
«Tổng chiều dài: 1,535m,
Chiều rộng mặt cầu: 24m,
Chiều cao trụ tháp: 116,5m,
Độ cao thông thuyền: 37,5m.»
Dài dằng dặc, rộng thênh thênh và cao vòi vọi đến như thế thì «thiên về không gian hai chiều» thế nào được! Cũng may mà quý vị còn chưa nói rằng đó là công trình «thiên về không gian một chiều» vì thấy nó nằm vắt ngang một cách thẳng băng từ bên này sang bên kia sông!
Vậy tên của đình chùa, nhà ở, cơ quan có phải là địa danh hay không là vì lý do hoàn toàn khác chứ không phải vì đó là những «công trình xây dựng thiên về không gian ba chiều» cũng như không phải vì cầu, đường công viên là những «công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều» mà tên của chúng được thừa nhận là địa danh.
Điểm thứ năm là các nhà biên soạn đã cung cấp cho người đọc nhiều chi tiết mâu thuẫn nhau và đây là một điều kiêng kỵ đối với một quyển từ điển. Sau đây là mấy dẫn chứng.
Cũng là tên của vị thống suất đã đặt nền hành chính chính thức ở Gia Định năm 1698 mà phần «Sự kiện» thì chính thức ghi «Nguyễn Hữu Kính (cũng đọc là Nguyễn Hữu Cảnh)» (trang 17) nhưng phần «Nhân vật» thì lại chính thức ghi Nguyễn Hữu Cảnh (cũng đọc là Kính)» (trang 192).
Trang 51 ghi «tháng 12-1920, năm trăm học sinh trường Chasseloup-Laubat bãi khóa» nhưng trang 53 thì lại ghi «ngày 17-8-1928 toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Lycée Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn». Vậy năm 1920 trường này đã có hay chưa?
Trang 106 ghi: «(...) người ta nghe thấy 5 tiếng nổ, Hai nhân viên CIA đã bắn vào ngực Nguyễn Thái Bình». Còn trang 203 thì lại ghi «(...) tên phi công Gene Waughn đè chặt anh xuống sàn máy bay để cho tên tình báo William Heary Mills bắn bốn phát đạn vào ngực».
Trang 85 ghi «tháng 8 năm 1954 (...) phái đoàn chính phủ VNDCCH do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn» nhưng trang 232 thì ghi là đến 20-9-1955 ông Phạm Văn Đồng mới làm Thủ tướng.
V.v... và v.v...
Điểm thứ sáu là các nhà chủ biên đã cung cấp cho người đọc rất nhiều chi tiết sai mà sau đây chỉ là vài dẫn chứng ít ỏi:
«Lê Bá Cang. Trường cấp II hoạt động ở Sài Gòn trong thời gian 1954-1975. Trường ở góc Lý Tự Trọng - Thủ Khoa Huân.» (trang 748).
Thực ra thì từ giữa thập kỷ 1950, trường Lê Bá Cang đã dời về đường Audouit (nay là Cao Thắng) chứ không còn ở đường Lagrandière (Lý Tự Trọng) nữa.
«Vĩnh Bảo (Nxb). Năm thành lập: 1970. ĐC: 66 Lê Lợi, SG» (trang 885).
Chỉ mười mấy chữ thôi mà đã có đến năm chỗ sai. Thứ nhất là ông Đào Văn Tập trước sau vẫn gọi cơ sở xuất bản của mình là «Nhà sách Vĩnh Bảo» chứ không gọi là nhà xuất bản (Nxb). Thứ hai là về thời điểm thành lập («1970»), hai nhà chủ biên đã đi trễ đến 20 năm. Dẫn chứng: Năm 1949, nhà sách Vĩnh Bảo đã ấn hành Tiền vàng và tiền giấy của Vũ Văn Hiền và Việt-nam văn-học-sử trích-yếu, t.1 của Nghiêm Toản. Thứ ba, «66 Lê Lợi» là một địa chỉ sai: thực ra là 66 ter, Bonard (bấy giờ chưa đổi thành Lê Lợi) tức là tại địa chỉ trung tâm Kim hoàn Sài Gòn hiện nay (nằm giữa hai con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Trung Trực, chứ số 66 thì còn nằm phía bên này đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tính từ đường Pasteur đi tới). Thứ tư, 66 ter Bonard (Lê Lợi) cũng là một địa chỉ muộn màng vì khi mới thành lập thì nhà sách Vĩnh Bảo đặt tại số 46 Lagrandière - 156 Pellerin (nay là góc Lý Tự Trọng - Pasteur). Thứ năm, số 66 ter Bonard ban đầu là nhà in Vĩnh Bảo về sau mới sửa lại làm nhà sách, chứ không phải là nhà sách ngay từ đầu.
«Yểm Yểm thư quán, (Nxb). Nhà sách kiêm xuất bản. Năm thành lập: 1970. ĐC: 72 Trần Văn Thạch, SG». (trang 886).
Ở đây có 4 chỗ sai. Thứ nhất, tên của hiệu sách này là «Yiễm Yiễm thư quán» (viết «Yiễm Yiễm», đọc «Diễm Diễm», theo lời giải thích của chủ nhân) chứ không phải là «Yểm Yểm». Thứ hai, đây không phải nhà xuất bản mà chỉ là một chi nhánh của Yiễm Yiễm thư trang, số 113-115, đường Kitchener (nay là Nguyễn Thái Học, Quận 1), do ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết chủ trương. Thứ ba, ngay cả Yiễm Yiễm thư trang cũng không phải là nhà xuất bản mà chỉ là nơi phát hành của nhà xuất bản Bốn phương, cũng do ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết làm chủ. Thứ tư, về thời điểm thành lập, các nhà chủ biên cũng đi trễ gần hai thập kỷ vì Yiễm Yiễm thư quán thành lập hồi thập kỷ 1950 chứ không phải năm 1970.
Những chỗ sai như trên có quá nhiều nên trong phạm vi một bài báo chúng tôi không làm sao nêu ra cho hết được.
Điểm thứ bảy là các nhà chủ biên đã bỏ quên nhiều thứ quan trọng từng góp phần tạo nên bộ mặt một thời của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Sau đây là một vài dẫn chứng.
Phần «Đường phố» dày 123 trang (trang 393-516) với khoảng 800 mục từ ghi tên đường phố nhưng không hề có tên đường Cây Mai là một con đường thuộc loại xưa nhất của thành phố mà Trương Vĩnh Ký đã nhắc đến trong quyển Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (1885). Con đường này liên quan đến gò Cây Mai, chùa Cây Mai, Bạch Mai thi xã, rồi cả đồn Cây Mai về sau nữa. Thật là oan uổng nếu nó không được nhắc đến.
Phần «Giáo dục - Khoa học» (trang 721-787) ghi nhận hơn 1000 tên của các trường tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học và các trung tâm dạy nghề nhưng lại không có tên của trường Marc Ferrando, một ngôi trường nổi tiếng khắp vùng Bà Chiểu - Gia Định hồi nửa đầu thế kỷ XX. Dĩ nhiên là các nhà chủ biên không thể trả lời rằng vì họ không biết đến nó nên nó không quan trọng và không xứng đáng được ghi nhận.
Phần «Báo chí» (trang 823-872) đã nêu tên của hơn 580 cơ quan báo viết, báo nói, báo hình mà không có tên của: Revue Indochinoise Economique et Juridique (R.I.E.J); Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (B.S.E.I.), một tạp chí nghiên cứu ra đời tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX;Đài phát thanh Pháp-Á (Radio France-Asie); v.v...
– Ở phần «Xuất bản» (trang 873-890), trong khi nâng Yiễm Yiễm thư quán từ chi nhánh của một hiệu sách lên thành nhà xuất bản thì các nhà chủ biên đã quên mất (hay không biết đến?) một cơ quan xuất bản rất quan trọng của Việt kiều (yêu nước hẳn hoi) tại Pháp do KS Nguyễn Ngọc Bích làm giám đốc: Nxb Minh Tân, ban đầu ở số 6, rue Albert Sorel, Paris XIV, sau dời về số 7, rue Guénégaud, Paris VI, mà «đại diện thẩm quyền» tại Việt Nam là Bích Vân thư xã 105 Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo, Quận 1), Sài Gòn.
Dĩ nhiên là họ còn quên nhiều thứ quan trọng khác nữa mà vì khuôn khổ bài báo nên chúng tôi không thể nêu ra cho hết được.
Điểm thứ tám là vì quá tham lam về số lượng các mục từ của nhiều phần, đặc biệt là các phần «Kinh tế», «Văn hóa - Xã hội», v.v..., nên các nhà chủ biên đã tạo cho người đọc cái cảm giác là họ muốn biến quyển từ điển của mình thành một thứ niên giám hoặc danh bạ. Nói một cách khác, hình như họ muốn thay thế tính trí tuệ của nó bằng những sự liệt kê liên miên, không cần có trọng điểm. Về thực chất, nội dung của những sự liệt kê kiểu đó rất thích hợp với loại sách danh bạ hoặc niên giám. Một quyển niên giám như The Time Almanac 2000 do Borgna Brunner biên tập, dày 1040 trang, chỉ cần dành ra 22 trang rưỡi (pp.886-908) là đã đủ để liệt kê hơn 1.500 trường đại học và cao đẳng công và tư ở 50 bang của toàn nước Mỹ, với các chi tiết tối cần thiết.
Điểm thứ chín là các nhà chủ biên đã trình bày nhiều mục hoặc nhiều phần trong quyển từ điển của mình một cách rất thiếu khoa học. Trước nhất, họ đã gộp làm một nhiều cơ sở khác nhau vì hoàn toàn không mang tính chất kế thừa (của cơ sở sau đối với cơ sở trước). Sau đây là một số dẫn chứng:
«Pháp-Hoa Đông Dương. Trường trung học do người Hoa và người Pháp thành lập trong thời gian 1907-1911. Về sau đổi tên thành trường Bác Ái. Nay là Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM» (trang 761).
Cứ như mục từ này thì về mặt tổ chức và nội dung chương trình, Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM kế thừa trường Bác Ái còn trường Bác Ái thì kế thừa trường Trung học Pháp Hoa. Thực ra, đó là ba trường hoàn toàn riêng biệt thay thế nhau để sử dụng một cơ sở «nhà đất». Xin nói thêm rằng cái mà các nhà chủ biên gọi là trường «Pháp Hoa Đông Dương» thì tên tiếng Pháp là «Lycée Franco-Chinois» còn tên tiếng Hoa thì lại là «Trung Pháp trung học» (chứ cũng không phải là «Pháp Hoa»).
Kế đến, ở nhiều chỗ, thứ tự của bảng chữ cái đã không được tuân thủ nên việc sắp xếp các mục từ trở nên lộn xộn. Chẳng hạn, đáng lẽ phải xếp theo thứ tự: Lê Sĩ Quý - Lê Thành Kinh - Lê Thị Nam - Lê Thị Phỉ - Lê Thị Riêng - Lê Thọ Xuân thì tại các trang 170-171, các nhà chủ biên lại xếp: Lê Thọ Xuân - Lê Sĩ Quý - Lê Thành Kim - Lê Thị Nam - Lê Thị Phỉ - Lê Thị Riêng. Hoặc đáng lẽ phải xếp theo thứ tự: Nguyễn Thị Lan - Nguyễn Thị Lựu - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thị Một - Nguyễn Thị Nga thì tại các trang 207-208, họ lại xếp Nguyễn Thị Lựu -Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thị Một - Nguyễn Thị Nga - Nguyễn Thị Lan v.v... Đã gọi là từ điển thì thứ tự «a, b, c» phải chính xác tuyệt đối.
Ở «Bảng đối chiếu tên đường trước năm 1954 và hiện nay (trang 510-514), các nhà chủ biên cũng gộp làm một nhiều con đường khác nhau nhưng lại cùng tên làm cho người đọc không khỏi ngỡ ngàng vì khó hiểu. Thí dụ:
«Trước năm 1954: Abattoir - Hiện nay: Cao Bá Nhạ, Huỳnh Đình Hai, Hưng Phú, Nguyễn Thái Học». (trang 510).
Người ta không hiểu tại làm sao chỉ có một con đường «Abattoir» trước năm 1954 mà hiện nay lại đồng thời có đến 4 con đường «Abattoir».
– «Abattoir de Cầu Kho» nay là Cao Bá Nhạ (Quận I).
– «Abattoir» (Bà Chiểu) nay là Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh);
– «Abattoir» (Quận 8) nay là Hưng Phú;
– «Boulevard de l’Abattoir» (gần chợ Cầu Ông Lãnh) nay là Nguyễn Thái Học (Quận I)
Cần phải nói thêm rằng mấy tiếng «trước 1954» của hai nhà chủ biên cũng không chính xác vì trước 1954 thì đường Nguyễn Thái Học mang tên Kitchener còn đường Cao Bá Nhạ thì mang tên Général Leman (chứ không phải «Abattoir»).
V.v... và v.v...
Cuối cùngđiểm thứ mười, là các nhà chủ biên đã hào phóng cống hiến cho người đọc một bảng mục lục hoàn toàn thừa thãi.
Hoàn toàn thừa thãi vì họ đã dành ra đến 70 trang để sao y toàn bộ các mục từ trong phần chính văn theo đúng thứ tự «a, b, c» mà chính họ đã sắp xếp. Bảng mục lục này là một thứ kiểu mẫu «không tiền» (vì chưa ai làm) đã đành mà cũng chắc chắn là «khoáng hậu» (vì sẽ không ai làm theo). Thay vì 70 trang – để cho người tiêu dùng phải tốn thêm tiền một cách oan uổng – các nhà chủ biên chỉ cần làm đúng một trang mục lục (nêu rõ các phần) là đủ. Trên thế giới này, đối với loại từ điển viết bằng chữ cái La Tinh, ai lại làm mục lục cho phần chính văn bao giờ?
Trở lên là mười điều nhận xét về quyển TĐTPSGHCM mà chúng tôi mạo muội nêu lên để các nhà chủ biên và độc giả thẩm định. Chúng tôi cho rằng một quyển từ điển về Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần những mục từ chọn lọc theo những tiêu chuẩn thật chặt chẽ (chứ không cần nhiều đến như đã thấy) để phác họa cho người đọc thấy được sự ra đời của Sài Gòn xưa (tức vùng trung tâm của Chợ Lớn) và sự phát triển toàn diện của nó để trở thành Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay qua các giai đoạn: - thời Nguyễn - thời Pháp - thời Mỹ - thời sau Giải phóng (30-4-1975). Trong quyển từ điển mà chúng tôi hình dung thì nhiều phần trong TĐTPSGHCM sẽ trở thành những bảng phụ lục hữu ích chứ từng mục từ của mỗi phần đó không thể – vì không xứng đáng – trở thành những mục từ chính thức. Quyển từ điển đó sẽ có một (hoặc vài) bảng sách dẫn (index) thật chi tiết và thông minh chứ không phải một bảng mục lục dài dằng dặc như đã thấy.
Đối với quyển TĐTPSGHCM, chúng tôi rất nhất trí với «Lời nhà xuất bản» rằng đây chỉ là một «tập tài liệu tra cứu» chứ chưa phải là một «công trình từ điển».●
(Tháng 4-2001)
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1-2003 (Xuân Quý Mùi).
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 501-514.

Saturday 11 August 2012

Suôn sẻ hay suông sẻ?

Suôn nghĩa là thẳng liền một đường (Nguyễn Kim Thản 2005:1421).. Nói suônnói trôi chảy, không vấp váp, khác với nói suôngnói mà không làm. Người Bắc phân biệt hai từ suônsuông rất dễ dàng. Người Nam phát âm hai từ như một và khi không biết mình muốn nói gì thì viết tuốt là suông mặc dù từ điển chỉ có suôn sẻ, không có suông sẻ.

LỐI XƯA XE NGỰA …HỒN QUÊ CŨ ! (Tôn Thất Thọ)

( Bài đã gởi đăng trên tạp chí SG Xưa&NAY, số 1/2008)
Một hình ảnh đẹp ở các tỉnh Nam Bộ đã đi vào quá khứ: hình ảnh của những chiếc xe thổ mộ rong ruổi ngược xuôi trên các néo đường quê .
Đã từ lâu, chiếc xe thổ mộ đã gắn liền với những phiên chợ sáng chiều của người dân quê Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Dầu Một...Nó không những là phương tiện đi lạithuận tiện, mà với dáng vẻ độc đáo ,chiếc xe đã tạo cho khung cảnh đồng quê Nam Bộ trở nên duyên dáng và có” hồn “hơn !
Xe thổ mộ là loại xe ngựa chở khách ,có hai càng bằng gỗ, do một con ngựa kéo. Tại sao nó có tên là thổ mộ ? .Có người giải thích vì xe có mui cong nhỏ, trông giống cái gò mã nên được gọi là “ thổ mộ”. Lại có người cho rằng, nó bắt đầu từ tên xe là “ thảo mã”. Lâu ngày đọc trại ra thành “ thổ mộ” ( theo Paulus Của ). Lại có ý kiến giải thích nó có nguồn gốc từ chữ “Tombreau” của Pháp đọc trại thành thổ mộ; điều này, cụ Vương Hòng Sển trong cuốn “Tự Vị Tiếng Việt miền Nam” đã bác bỏ và cho biết rằng , người Pháp họ không bao giờ gọi xe thổ mộ làtombreau cả mà gọi là Boite d’allumettes ( hộp quẹt ), có lẽ vì cái hình dáng nhỏ nhắn của nó như cái hộp quẹt chăng ?
Có thể ban đầu, khi người Pháp mới sang, họ dùng xe ngựa để kéo pháo. Giống ngựa họ đem từ châu Âu, châu Phi sang. Ngựa giống này cao to, có khả năng kéo nặng được. Lần lần, có nhiều con không thể kéo pháo được nữa, chúng bị dạt ra để kéo đồ vật lặt vặt, kể cả kéo cỏ cho những con kéo pháo ăn. Chính vì thế mà có tên xe là “ thảo mã’ ( xe ngựa kéo cỏ ), lâu ngày đọc thành thổ mộ ?
Cho dù nó có nguồn gốc thế nào, thì cái tên thổ mộ đẫ được người dân Nam Bộ gọi đã khá lâu, ít nhất là vào thời điểm sau khi quân Pháp đến chiếm đóng Nam Kỳ .
Người đánh xe ngựa được gọi là” xà ích “, theo nhà văn Bình Nguyên Lộc trong cuốn “ Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” thì “xà ích” là tiếng có nguồn gốc từ Phi- líp- pin.
Những người đánh xe ngựa ( xà ích ) vốn là những nông dân chất phác, phóng khoáng cởi mở. Họ nhanh chóng tiếp thu một phương tiện giao thông mới, cải tiến nó thành một loại xe chở khách có vóc dáng nhỏ, gọn,phù hợp với đường sá của nông thôn miền Nam. Hình thức xe cũng khá thẩm mỹ. Tuy giản dị với mái vòm cong cong, nhỏ nhắn nhưng khi di chuyển trên đường làng thì trông rất hài hòa với những ụ rơm, lũy tre làng của phong cảnh đồng quê.
Để hành nghề xe ngựa, việc quan trọng nhất là phải biết chọn ngựa. Lựa chọn ngựa bắt đầu từ màu lông, xái ngựa,tuổi ( xem răng ),mõm ( mõm nhọn kén ăn hơn mõm bằng ). Sau đó là huấn luyện .Việc huấn luyện ngựa do những vị cao tuổi học tập và truyền lại từ sách” Mã Kinh” của Tàu . Có người kỹ lưỡng hơn thìlại coi thêm mạng theo ngũ hành: mạng của người cần phải hợp với mạng của ngựa ! Ví dụ : người mạng Thổ chọn ngựa ô; mạng Thủy chọn ngựa Kim ( hoặc khứu) lông nâu nhạt ; mạng Mộc chọn ngựa Kim than ( ngựa trắng điểm đen); mạng Hỏa chọn ngựa Vang ( lông đỏ ).
Thời trước ,xe thổ mộ cũng hoạt động theo luật định. Ai muốn hành nghề xà ích đều phải qua một cuộc thi khảo hạch để nhà chức trách cấp bằng chứng nhận. Người lái xe phải đủ 18 tuổi, có đủ sức khỏe, trước khi thi phải thuộc 36 ký hiệu giao thông trên đường y như thi lái xe bây giờ vậy. Bởi vì lúc đó, xe thổ mộ chẳng những chở khách xuôi ngược ở các vùng nông thôn ngoại thành, mà nó còn chở hàng hóa và khách vào tận các chợ Bến Thành, Cầu Muối...Vì thế, người xà ích phải hiểu biết luật giao thông đường bộ và có tay nghề cao để đảm bảo an toàn giao thông. Trên xe phải có chuông, nút ấn chuông được đặt bên cạnh chỗ ngồi của người xà ích. Xe chạy khi trời tối phải có đèn lái ở hai bên, hai cái đèn có hình dáng là hai cánh tay người cầm hai chân đèn. Quy định này do người Pháp đặt ra. Đèn được đốt cháy bằng khí đá, nó chẳng soi sáng được bao nhiêu, cốt để cho người đi đường thấy có xe ngựa mà tránh ! Dưới gầm xe phải có bao đựng phân ngựa, không để ngựa phóng uế bừa bãi ra công lộ, Xe ngựa nào không thực hiện đủ những quy định trên sẽ bị “ phú lít” xử phạt ngay. Xem thế ta thấy xe ngựa ngày xưa cũng khá văn minh !
Có người nói rằng,lúc trước xe ngựa khi chạy trong thành thị thì xà ích che đi một phần cặp mắt của ngựa ,chỉ cho nó nhìn thấy phía trước từ 2 đến 3 mét ; mục đích là để cho ngựa khỏi bị phân tâm mà chạy “lạc hướng” dễ gây tai nạn . Mỗi xe thổ mộ được trang bị một “ bộ nhíp” giảm xóc. Tất cả các loại xe như xe bò, xe ngựa kéo, xe lừa...của ta từ trước đó chưa hề biết đến cái nhíp giảm xóc bao giờ.Cùng với sự tồn tại của chiếc xe ngựa là những nghề phụ thuộc theo nó như : nghề xén tóc và xén lông cho ngựa, nghề đóng móng sắt ngựa, nghề đóng thùng xe... Nghề đóng móng sắt do người châu Âu du nhập vào. Ngựa xứ ta trước đó chưa hề đóng móng sắt.
Thời gian khoảng nửa đầu thế kỷ 20, ở vùng Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Dầu Một cóhơn 1000 chiếc xe thổ mộ. Có lẽ nó là phương tiện di chuyển công cộng trên bộ đầu tiên ở nước ta, sau đó mới đến các loại phương tiện khác. Cũng như nhiều nghề khác, nghề xà ích cũng có tính cha truyền con nối . Ở khu Tân Định xưa ,có con đường nhỏ mang tên Mã Lộ, đó là đường xe thổ mộ chạy. Xe thổ mộ cũng có bến như xe buýt hiện nay . Ngoài ra, ở khu vực kênh Nhiêu Lộc ( khu vực gần chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay) có một khu vực gọi ’Bến tắm ngựa” , đây là nơi xà ích thường cho ngựa xuống tắm mát nghỉ ngơi sau thời gian dài rong ruổi mệt nhọc trên các ngã đường. Đối với người dân Sài Gòn- Gia Định và các vùng lân cận,những chiếc xe mui vòm khum cong như những nấm mộ xuôi ngược trên những con đường đất đỏ,( sau được rải đá rồi tráng nhựa);với hình ảnh những chú ngựa nhỏ con, gõ móng lốp cốp trên mặt đường nhựa, cùng với nhạc cổ leng keng ngày trước là một phương tiện chuyên chở rất gần gủi và thân thiện ,nhất là đối với bạn hàng các chợ và người bình dân đi lại từ nơi này sang nơi khác. Trong những ngày giáp Tết ,xe thổ mộ càng đẹp và rực rỡ hơn vì rực vàng hoa vạn thọ, hoa huệ, cúc ...từ các vùng Gò Vấp, Bà Điểm đổ vào bán ở các chợ nộithành.
Mỗi cổ xe thổ mộ đang chạy như là một bản hợp tấu giàu âm điệu. Âm điệu nền là tiếng vó ngựa lộc cộc giòn giã nện xuống đường.Tiếng khua lốc cốc của cây ví ( thanh thép nằm giữa trục bánh xe). Tiếng lục lạc leng keng ngân vang trên cổ ngựa. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng “cốc keng” ngân vang mà rời rạc từ cái chuông xe . Và cuối cùng là lâu lâu lại trỗi lên tiếng hý dài của con tuấn mã sung mãn đầysinh lực ! Tất cả như một bức họa mỹ thuật toát lên nhiều âm thanh của một bản hòa tấu sinh động, và bức họa đó đã thực sự đi vào dĩ vãng , đi vào lịch sử một vùng quê xưa...
Tôn Thất Thọ
( T/c X&N)