Thursday 20 June 2013

Từ cu li xuất hiện trong tiếng Việt từ khi nào?




Từ cu li có lẽ đã xuất hiện trên văn bản bằng tiếng Việt từ trước năm 1909:
Chực đường có trẻ cu-li (coolie),
Kêu đâu sảng đó đem đi lẹ làng. (Nguyễn Liên Phong, 1909:30)
Năm 1936 từ cu-li được đưa vào từ điển của Đào Duy Anh (1950:335), cùng nghĩa với phu và tương đương với coolie của tiếng Pháp.

Lịch sử của từ coolie trong tiếng Pháp có thể được tóm tắt như sau:
Tiền thân của từ coolie trong tiếng Pháp là colles/ coles (mượn từ tiếng Bồ Đào Nha, được dùng trong tiếng Pháp lần đầu năm 1638, chỉ người kuli, một tầng lớp thấp hèn ở vùng Goudjerate/Gujurati thuộc miền Tây Ấn Độ), colys (năm 1666), coulis (năm 1758). Người Bồ Đào Nha là những người đầu tiên dùng từ coles để ghi nhận nghĩa 1 là người kuli. (năm 1554). Đến năm 1581 thì từ coles của tiếng Bồ có nghĩa thứ hai là phu khuân vác. Người ta chưa rõ vì sao lại có sự chuyển nghĩa này.
Do ảnh hưởng quan trọng của Bồ Đào Nha ở châu Á thời đó, các dạng coles (năm 1548), kolis (năm 1584) của tiếng Anh với nghĩa 1 cũng chuyển thành coolie (năm 1638) với nghĩa 2. Có nhiều khả năng từ coolie của tiếng Anh được người Pháp mượn. Từ coolie này (với nghĩa là phu) được sử dụng trong tiếng Pháp lần đầu vào năm 1857, trước khi người Pháp đánh Việt Nam không lâu. Trước đó, để chỉ nghĩa 2 (phu), người Pháp đã dùng koully (1699) và kuli trong tiếng crê-ôn ở đảo Maurice.
Từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19 rất nhiều người Trung Hoa được mộ đi phu ở nước ngoài: sang Mỹ đào vàng, sang Cuba trồng mía... Trong giai đoạn 1847-1862 có năm số phu mộ được lên đến 60 vạn người. Từ coolie vì vậy trở nên rất quen thuộc với người Trung Hoa. Những người phu Trung Hoa đi “hợp tác quốc tế” thời đó  được gọi là   (pinyin: kǔlì, âm Hán Việt: khổ lực), tiếng Quảng ghi là   (âm Việt Bính là gu lei). Nói chung thì phát âm kiểu nào thì cũng na ná với coolie của tiếng Anh.
Khi lên kế hoạch đánh Nam Kỳ, do nhu cầu đài tải vũ khí, lương thực, tản thương, đào đắp công sự...  Pháp phải mộ cu li Trung Hoa tháp tùng đạo quân viễn chinh. Trong trận đánh đồn Kì Hòa (đại đồn Chí Hòa) sáng 24 tháng 2 năm 1861, có 600 cu li người Trung Hoa đi trong đội hình tấn công. (Léopold Pallu de La Barrière, 1888:62)
Người Việt chắc chắn nghe được hai tiếng cu li từ sau trận giặc đó. Và cũng có điều chắc chắn là cả người Pháp và người Trung Hoa cùng góp phần phổ biến từ cu li ở Việt Nam. Do đó rất khó có thể cho rằng cu li chỉ có một nguồn gốc duy nhất là tiếng Pháp. 

Wednesday 19 June 2013

Đá trứng cá là đá gì?


Đá trứng cá có tên Hán Việt là ngư noãn thạch và tên mượn âm tiếng Pháp là ô-ô-lít (oolite / oolithe):
* Trong sự tiến hóa của chất ô-ô-lít ở khoáng sắt có nhiều điều lạ kỳ mà khoa hóa-học vô-cơ không sao giảng nổi, phải nhờ đến sức hoạt động của Vi-Trùng.Thanh Nghị số 98 (1945:17, Ư. M.)
Từ  oolite của tiếng Pháp được cấu tạo từ các gốc Hy Lạp ôon, nghĩa là trứng, và lithos, nghĩa là đá

Monday 17 June 2013

Tiếng Tây bồi là gì?



Khi xưa những người Việt đi làm bồi, không được học tiếng Pháp có bài có bản, phải dùng một thứ tiếng hổ lốn để nói với chủ Tây.
Một anh bồi tả con cọp như vầy mà ông chủ Tây hiểu được nhưng đồng bào anh chịu chết:

Lúy cẩm bớp me ba bớp.
Tí tí giôn,
Tí tí noa.
Luý gầm, luý gừ.
Luý măng-giê me-xừ.
Luý măng giê cả moa.

(Lui comme bœuf mais pas bœuf
tí tí jaune
tí tí noir
lui gầm, lui gừ
lui manger monsieur
lui manger cả moi)

Dịch ra tiếng Việt là:
Nó giống con bò nhưng không phải bò.
Tí tí vàng,
Tí tí đen.
Nó gầm, nó gừ.
Nó ăn ông.
Nó ăn cả tôi.)


Món cua chiên được mô tả như sau:

Luý to cẩm manh.
Luý a uýt cẳng đơ càng.
Luý cắp đau chết cha.
Rô-ti luý thơm cẩm nước hoa.
Măng-giê luý bố-cu bồng quên chết.

lui to comme main
lui a huit cẳng deux càng
lui cắp đau chết cha
rôti lui thơm comme nước hoa
manger lui beaucoup bon quên chết
Ý muốn nói là:
Nó to bằng bàn tay.
Nó có tám cẳng hai càng.
Nó cắp đau chết cha.
Chiên nó thơm như nước hoa.
Ăn nó rất ngon quên chết.


Không ít người An Nam ít học đi lính, làm bếp, làm thợ, bán dâm... cũng nói với Tây bằng thứ tiếng pha tạp đó. Số này có thể đông hơn cả số làm bồi. Tuy nhiên người ta vẫn gọi thứ tiếng Tây giả cầy đó là tiếng Tây bồi.

Sunday 16 June 2013

Bồi Tây, họ là ai?



Theo thuyết trình ngày 3/3/1883 của Petiton, kỹ sư trưởng của sở Mỏ (service des Mines) ở Nam Kỳ, ta biết rằng cư dân Sài Gòn thời đó đông nhất là người An Nam (Annamite), kế đến là người Trung Hoa (Chinois) rồi đến người Âu (Européen), người Ấn (Indien) còn gọi là người Ma la bà (Malabar), người Mã Lai và sau cùng là rất ít người Miên (Cambodgien). (Petiton, 1883:19)
Trong số những người An Nam làm việc cho Tây, Petiton (1883:19) có kể ra hai hạng. Một hạng là bọn mã tà, lính bảo an người bản xứ (le matas qui constitue la garde arborigène). Hạng kia là bọn đi bồi.
Bồi là từ mà người Âu dùng để gọi những người đàn ông bản xứ phục dịch, hầu hạ họ:
Ce nom de boy vient évidemment de l’anglais. (Petiton, 1883:19)
Bồi ở đây không phải là từ Hán Việt (, nghĩa là tiếp giúp, phụ thêm...). Đàn bà con gái An Nam có thể làm công trong nhà Tây nhưng không được gọi là bồi.
Bồi Tây có hai loại là thằng bồi (boy) và thằng này (nay):
-Thằng bồi (đúng nghĩa thằng bồi) thường là đàn ông con trai từ 15 đến 25 tuổi, làm gia nhân.
-Thằng này còn gọi là thằng ba nhe (tiếng Pháp panier, có nghĩa là thúng, rổ). Này đích thị là tiếng Việt:
Le mot nay vient de l’annamite et veut dire là-bas, c’est le terme qu’on emploie quand on appelle quelqu’un.
(Petiton, 1883:19)
Đó là những đứa nhỏ 7-8 tuổi, có khi 12-15 tuổi, chuyên cắp rổ chầu chực ở bến đò, cửa hiệu để xin mang vác ăn công. Người (Tây) nào cần chỉ việc ngoắc và gọi một tiếng Này là đủ:

Chực đường có trẻ cu-li (coolie),
 Kêu đâu sảng đó đem đi lẹ làng. (Nguyễn Liên Phong, 1909:30)
Petiton (1883:20-21) chê người An Nam làm bồi (trong nhà) nói chung là không được việc vì tính cách xấu, ăn bơ làm biếng, hay nói láo, ham chơi bời. Việc chính của bồi (gia nhân) người An Nam là hầu phòng (valet de chambre), có khi kiêm việc đánh xe hay nấu bếp, nhưng hai khoản sau này thì người Nam không thể sánh với các xà ích người Mã Lai hay người Ma La Bà và các đầu bếp người Trung Hoa.

Thursday 13 June 2013

Tên làng xã Khánh Hoà hồi đầu thế kỷ XIX qua sưu tập địa bạ triều Nguyễn (Nguyễn Man Nhiên)

Tên làng xã Khánh Hoà hồi đầu thế kỷ XIX qua sưu tập địa bạ triều Nguyễn
Nguyễn Man Nhiên
ĐỊA BẠ - NGUỒN TƯ LIỆU ĐỒ SỘ VÀ QUÝ BÁU CỦA DÂN TỘC

Đối với xã hội nông nghiệp Việt Nam thời phong kiến, công cuộc đạc điền và lập địa bạ là một khâu rất quan trọng trong việc quản lý ruộng đất. Đến triều Nguyễn, đất nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau đã thống nhất về hành chính, việc lập địa bạ mang tính quy mô và nhất quán trên toàn quốc. Từ năm Gia Long thứ 4(1805) đến năm Minh Mạng thứ 17(1836), nhà Nguyễn đã tiến hành thực hiện nhiều đợt bao đạc (lập địa bạ) ở 29 tỉnh trên toàn quốc, trước tiên bắt đầu ở các phủ huyện từ Quảng Bình đến Bình Hòa, rồi dần dần tiến ra miền Bắc. Các sổ địa bạ được ghi chép bằng chữ Hán và theo một thể thức thống nhất: mỗi mảnh ruộng, đất phải ghi rõ diện tích, vị trí, cách sử dụng, loại hạng và sở hữu chủ.

Trong kho tàng di sản văn hóa và lịch sử Hán-Nôm của dân tộc ta, có thể nói các sổ địa bạ được thực hiện dưới triều Nguyễn là phần đồ sộ nhất còn lưu lại. Trước năm 1945, sưu tập này để tại Tàng Thư Lâu trong kinh thành Huế. Năm 1959 tất cả tài liệu, thư tịch của triều đình Huế được chuyển lên Văn Khố Đà Lạt. Năm 1975 số tư liệu này lại được đưa về bảo quản  tại Kho Lưu trữ Trung ương 2 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1991, sưu tập Châu Bản và Địa Bạ cùng các tư liệu khác thuộc Tàng thư triều đình Huế lại được chuyển ra Hà Nội. Sau bao tang thương khói lửa, hiện nay, theo thống kê của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu - là tác giả công trình “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn  được GS Trần Văn Giàu đánh giá là “một trong những công trình lớn nhất về khoa học lịch sử ở cuối thế kỷ XX của chúng ta”(1), Cục Lưu trữ quốc gia còn bảo tồn được khoảng 16.000 quyển địa bạ cho 16.000 xã thôn trong tổng số 18.000 xã thôn thuộc 29 tỉnh  toàn quốc đương thời. Số địa bạ này được nhà Nguyễn thực hiện trong suốt 31 năm, từ 1805 đến 1836, mới hoàn thành. Mỗi sổ địa bạ được chép tay bằng chữ Hán trên giấy tốt thành 3 bản: bản Giápđể ở Kinh, bản Ất để ở tỉnh và bản Bính để ở làng. Nếu so sánh với những loại tài liệu hành chính khác cũng của triều Nguyễn như Châu bản (những sớ tấu có ghi bút phê bằng son của vua) mà nay đã mười phần mất tám thì sưu tập địa bạ còn lại khá đầy đủ. Đó là cả một kho tư liệu phong phú ghi chép khá chính xác về địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, cách sử dụng đất đai, tình hình chiếm hữu ruộng đất, sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt nông nghiệp, địa danh, nhân danh... giúp ta hiểu được sâu sắc về nhiều mặt hệ thống làng xã Việt Nam ở thế kỷ XIX.

TÊN LÀNG XÃ Ở KHÁNH HÒA HỒI ĐẦU THẾ KỶ XIX QUA ĐỊA BẠ

Trong số 16.000 quyển địa bạ đang được lưu trữ, hiện còn 275 quyển địa bạ của các làng xã thuộc tỉnh Khánh Hòa thời Nguyễn. So với số liệu ghi trong hồ sơ kiểm kê trước đây của Trung tâm Lưu trữ quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh là còn bảo quản được 306 quyển thì nay mất 31 quyển. Các sổ địa bạ ở Khánh Hòa được lập vào năm Gia Long thứ 10 (1811). Về sau, do có lẽ bị mối mọt nên phải sao chép lại nhiều lần để sử dụng. Hiện nay còn lại phần lớn là các bản truy dụng thực hiện năm Minh Mạng thứ 11 (1830) và các bản tái sao năm Tự Đức thứ 26 (1873).
Số 275 quyển địa bạ này thuộc 132 , 130 thôn, 3 xóm, 3 ấp, 3 lạch, 2xứ, 1 phường, 1 sách. Ngoài ra, khi điều tra tứ cận còn thấy thêm được tên 15 xã thôn mất địa bạ. Như vậy, tổng số tên làng xã ở Khánh Hòa hồi đầu thế kỷ 19 còn bảo lưu được qua địa bạ là 290, số lượng tên làng xã bị mất chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ là 5,2% (16/306).

Qua sưu tập địa bạ triều Nguyễn, ta thấy làng Việt xưa thường có 2 loại tên gọi:
Tên Hán-Việt (còn gọi là tên chữmỹ danh): được dùng làm tên chính thức, được ghi chép vào danh sách làng xã do chính quyền các cấp quản lý. Đa số các tên gọi này là các mỹ tự (có ý nghĩa đẹp, tốt) nhưng lại không phản ánh những đặc điểm của làng xã hoặc vùng cư  trú (nên có thể đặt cho bất cứ làng nào cũng được). Có những làng xã có nhiều tên gọi chính khác nhau trong suốt quá trình tồn tại của nó. Sự thay đổi này có nhiều nguyên nhân: do kiêng húy vua chúa, do làng bị di dời buộc phải thay tên cũ, do tên cũ không phù hợp nên đổi tên khác...
Tên Nôm (còn gọi là tên tụctục danh): được xem là tên phụ (tuy lúc đầu có thể là tên chính), chỉ lưu truyền trong nhân dân, không được ghi vào sổ sách làng xã hoặc nếu có được ghi thì cũng không phải ở vị trí chính. Tên tục của làng thường xuất hiện cùng với việc lập làng, có nội dung mộc mạc, cụ thể, thường để chỉ phương vị, tính chất, nguồn gốc, đặc điểm của làng. Tên tục của làng thường xuất hiện trước tên chữ, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện sau khi có tên chữ, nhất là với những làng có nghề thủ công phát triển hoặc đặc sản nổi tiếng. Tên tục của làng là tên gọi thân quen của dân làng, khó thay đổi, phần nhiều còn tồn tại dai dẳng trong ký ức dân gian đến ngày nay.

Tên làng xã ở Khánh Hòa cũng mang những đặc điểm chung của hệ thống địa danh làng xã cổ truyền Việt Nam. Những xã thôn ở các tổng (nơi thị tứ) thường lấy mỹ danh (tên Hán-Việt) làm địa danh hành chính chính thức, còn những làng ở các thuộc (vùng sâu vùng xa) vẫn giữ tục danh(tên Nôm). Tuy nhiên, đến thời kỳ thực hiện các sổ địa bạ này (nửa đầu thế kỷ 19), phần lớn tên làng ở Khánh Hòa đã là tên Hán-Việt mang ý nghĩa hoa mỹ.

Trong 290 tên làng ở Khánh Hòa, theo thống kê của chúng tôi có hơn 80% là tên Hán-Việt, gồm:
- 35 tên làng bắt đầu bằng chữ Phú (như Phú Lộc xã, Phú Mỹ xã, Phú Thạnh thôn, Phú Hội Tây thôn, Phú Vinh xã...)
- 28 tên làng bắt đầu bằng chữ An (như An Định xã, An Hòa  thôn, An Phú Lộc Sơn thôn, An Thành xã...)
- 17 tên làng bắt đầu bằng chữ Phước (như Phước Hải thôn, Phước Toàn phụ lũy xã, Phước Thọ xã...)
- 12 tên làng bắt dầu bằng chữ Mỹ (như Mỹ An thôn, Mỹ Cang thôn, Mỹ Chánh thôn...)
- 9 tên làng bắt đầu bằng chữ Xuân (như Xuân Mỹ thôn, Xuân Sơn ấp...), chữ Tân (như Tân An xã, Tân Lập thôn, Tân Thủy thôn...)
- 8 tên làng bắt đầu bằng chữ Vạn (như Vạn An Hương Thạnh thôn, Vạn Xuân xã...)
- 7 tên làng bắt đầu bằng chữ Đại (như Đại An xã, Đại Bình xã...).
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Bình (như Bình An xã, Bình Hòa xã...)
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ  (như Hà Mai xã, Hà Diễn ấp)
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Hội (như Hội Bình xã, Hội Sơn thôn...)
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Thạnh (như Thạnh Mỹ phụ lũy xã, Thạnh Toàn xã...)
- 6 tên làng bắt đầu bằng chữ Vĩnh (như Vĩnh Lâm thôn, Vĩnh Phước thôn...)
- 5 tên làng bắt đầu bằng chữ Hoa (như Hoa Diêm thôn, Hoa Nông thôn...)
- 5 tên làng bắt đầu bằng chữ Trường (như Trường Lộc xã, Trường Cảnh Long thôn...)
- 4 tên làng bắt đầu bằng chữ Trung (như Trung An thôn, Trung giang xã...)
- 4 tên làng bắt đầu bằng chữ Diêm (như Diêm Điền thôn)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ  (như Cù Lao thôn)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Hương (như Hương Thạnh xã...)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Thạch (như Thạch Thành xã...)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Tứ ( như Tứ Chánh thôn)
- 3 tên làng bắt đầu bằng chữ Võ (như Võ Cạnh Trung xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Hòa (như Hòa Vinh xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Lâm (như Lâm Toản thôn)
- 2 tên làng bắt đầu bằng Lương (như Lương Triều xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Sơn (Sơn Điền thôn)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Thanh (như Thanh Châu xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Thuận (như Thuận An xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Thủy (như Thủy Tú xã)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Toàn (như Toàn Lộc thôn)
- 2 tên làng bắt đầu bằng chữ Triều (như Triều Sơn xã).
- Các tên chỉ xuất hiện 1 lần bắt đầu bằng chữ Bản (Bản Điền Tứ Chánh Tân Lập thôn), Bằng (Bằng An xã), Bích (Bích Đàm thôn), Cường(Cường Lễ thôn), Đàm (Đàm Môn thôn), Định (Định An xã), Hải (Hải An thôn), Lộc (Lộc An thôn), Minh (Minh An thôn), Ngọc (Ngọc An thôn),Phụng (Phụng Toàn thôn), Quan (Quan Đông xã), Quang (Quang Hiện thôn), Tây (Tây An thôn), Thái (Thái An xã), Tiên (Tiên An thôn), Tiền(Tiền Cang thôn), Tuân (Tuân An thôn), Tư (Tư điền tứ chánh thôn).

Số tên Nôm là địa danh hành chính chính thức được ghi trong địa bạ chỉ chiếm 18,6% (54/290), đa số là tên làng, xã ở  các thuộc (các nơi gần núi rừng, dọc sông biển). Tuy nhiên, bên cạnh các tên làng Hán-Việt, người lập địa bạ vẫn ghi thêm tên Nôm vốn là tục danh của các làng ấy mà nay đã bị các tên gọi chính thay thế trong danh sách làng xã. Mỗi tên làng Hán-Việt (tên chính) đều có ghi kèm từ 1 đến 2, 3 tên Nôm (tên phụ). Nhờ vậy số tên Nôm làng xã ở Khánh Hòa hồi đầu thế kỷ XIX còn bảo lưu được qua địa bạ là rất lớn. Đây là nguồn tư liệu cực kỳ quý báu để tìm hiểu sự hình thành và quá trình diễn biến các tên làng Việt cổ truyền ở Khánh Hòa cũng như mối quan hệ giữa tên Nôm và tên Hán-Việt qua cứ liệu địa danh làng xã.

Số tên Nôm này thường bắt đầu bằng các thành tố chung phản ánh nét đặc thù địa hình thiên nhiên nơi làng đó thành lập, như: Bãi (Bãi Lương thôn), Bàu (Bàu Than xứ), Bến (Bến Bùn thôn), Bờ (Bờ Đắp), Cát (Cát Nắm), Cây (Cây Sung thôn), Cỏ (Cỏ Bồng), Cồn (Cồn Cạn thôn), Cửa(Cửa Bé thôn), Dốc (Dốc Ké), Đá (Đá Bàn thôn), Đầm (Đầm Môn), Đầu(Đầu Cầu), Đồng (Đồng Dài thôn), Đường (Đường Đắp), Ghe (Ghe Gà xóm), Giếng (Giếng Cổng),  (Gò Muồng thôn), Hòn (Hòn Bông thôn),Hốc (Hốc Bò), Kẻ (Kẻ Thế), Láng (Láng Tràm tứ chánh xứ), Lỗ (Lỗ Mối),Luống (Luống Tranh), Lũy (Lũy Đá thôn), Mả (Mả Đắp), Mạn (Mạn Đò thôn), Mương (Mương Khai), Ngã (Ngã Ba xứ), Ngòi (Ngòi Láng thôn),Núi (Núi Sầm), Phường (Phường Câu), Quán (Quán Chùa thôn), Rừng(Rừng Cát), Sân (Sân Trâu), Sông (Sông Đá), Suối (Suối Nước thôn),Truông (Truông Chàm), Vũng (Vũng Sau), Vực (Vực Soi), Xóm (Xóm Đầm)...
Những thành tố chung được dùng nhiều nhất để đặt tên làng là:
-          Cây: 118 địa danh
-          : 108 địa danh
-          Đồng: 68 địa danh
-          Bàu: 22 địa danh
Cũng có những tên đất, tên làng mang ý nghĩa cụ thể, riêng biệt, chỉ gặp một lần, như: Măng NộiThị NhongXe NướcLẵng VàngVú Bò,Hùm VoiBồng Binh...
Nhiều tên làng nửa Nôm nửa Hán như : Hà DừaHà RaHoa Bông...
Vài tên làng có thể là tiếng dân tộc được ghi âm Hán-Việt như: Ma Cà(phụ lũy thôn), Na Cai (thôn), Tà Á (lạch).

CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Khánh Hòa, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.

Nguyễn Man Nhiên
Ngày đăng: 18.12.2006

Monday 10 June 2013

Về Địa Danh Vịnh Vân Phong (Nguyễn Man Nhiên)

Về Địa Danh Vịnh Vân Phong
Nguyễn Man Nhiên
Những năm gần đây, địa danh vịnh Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Là một trong những vịnh biển lớn và sâu nhất của nước ta, với cảnh quan tuyệt đẹp trong môi trường lý tưởng hiếm có, Vân Phong đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước công nhận là một kỳ quan thiên nhiên và là nơi có tiềm năng rất to lớn về du lịch sinh thái biển và kinh tế hàng hải mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

VÂN PHONG HAY VĂN PHONG?

Xưa nay, bên cạnh cách gọi và viết phổ biến là Vân Phong, cũng cần ghi nhận một thực tế nữa là còn khá nhiều người dân địa phương vẫn quen gọi và viết tên vịnh này là Văn Phong. Kể cả đây đó trên một số sách, báo, đài, thậm chí trên nhiều bản đồ, hải đồ hiện đang lưu hành vẫn thấy ghi là vịnh Văn Phong.

Trong bài báo “Vịnh Văn Phong hay vịnh Vân Phong - nên gọi thế nào?” đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ & Môi trường Khánh Hòa số Xuân Quý Mùi 2003, tác giả T.Đ.T cho rằng: “…có sự nhầm lẫn giữa hai chữ Văn và Vân. Xem các bản đồ xưa và nay, kể cả các hải đồ do nước ngoài lập, chưa thấy bản nào ghi tên Vân Phong”. Sau khi dẫn chứng rằng Văn Phong mới là cách gọi theo tập quán và truyền thống của người dân địa phương hay chí ít là của người dân huyện Vạn Ninh, tác giả đề nghị: “Nếu gọi sai tên cúng cơm tí xíu mà không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới thì nên gọi tên quen thuộc cho thân thiết và gần gũi”.

Ở khía cạnh chữ nghĩa, trên báo Văn Hóa Chủ Nhật số 1073 (25-28/2/2003) có bài “Đại Lãnh-Văn Phong hay Đại Lãnh-Vân Phong?” của nhà thơ H.C. Tác giả viết: “Mới đây nghe nói Đại Lãnh-Văn Phong lại được đổi ra gọi là Đại Lãnh-Vân Phong??? Tôi giật mình, lòng không khỏi phân vân!!! Địa danh Văn Phong do người xưa đặt. Người nay đổi ra thành Vân Phong. Vân là mây - Phong là gió, đều là hai thứ trời làm ra cả. Nhưng Văn là Người, Văn cũng là Lắng nghe. Văn Phong là Nghe Gió. Tức là Người nghe Trời bảo (muốn nghe được gió thì phải tìm nơi nước sâu, sóng êm mà neo đậu thuyền bè trước khi ra khơi). Vì vậy hầu hết tất cả Hải đồ đi biển quốc tế trên các con tàu lớn nhỏ vượt Đại dương đều đã ghi nhận trên đó có một địa danh vịnh Văn Phong…”.
Vậy nên viết thế nào cho đúng?

ĐI TÌM GIẤY KHAI SINH

Để xác định nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Vân Phong, chúng tôi đã cẩn thận tra cứu rất nhiều sử liệu và bản đồ cổ trong kho sách Hán-Nôm Việt Nam, đặc biệt là bộ sách “Đại Nam nhất thống chí” (ĐNNTC) do Quốc Sử quán biên soạn - được xem là tài liệu địa dư quan trọng nhất của nước ta dưới triều Nguyễn.

Thật vậy, trong sách ĐNNTC quyển XI viết về tỉnh Khánh Hòa có ghi các địa danh: Vân Phong dữ (hòn/đảo Vân Phong), Vân Phong úc (vũng/vịnh Vân Phong), Vân Phong đại hải tấn (tấn Vân Phong lớn)), Vân Phong tiểu hải tấn (tấn Vân Phong nhỏ).
Về vịnh Vân Phong, ĐNNTC viết như sau:

Vũng Vân Phong: ở cách huyện Quảng Phước (nay là huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa - NMN) 27 dặm về phía đông bắc, chu vi hơn 200 dặm, nước mênh mông, ba mặt có nhiều hòn đảo vây quanh, phía nam là hòn My, hòn Gà, hòn Lăng, hòn Lý, phía bắc là hòn Điệp, hòn Chim lớn, hòn Chim nhỏ, hòn Khô, hòn Độc, hòn Tranh, lại trong biển về phía nam vũng này có hòn Đỏ, có vũng Mỹ Giang.(1)
Phần Quan Tấn (tấn: đồn binh trấn thủ nơi địa đầu, có chức năng quân sự kiêm kiểm soát thuế quan - NMN), sách cũng chép về hai cửa khẩu trong vùng vịnh này là:

Tấn Vân Phong lớn: ở cách huyện Quảng Phước 27 dặm về phía đông bắc, cửa lạch rộng 1100 trượng, sâu 12 trượng, đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ.

Tấn Vân Phong nhỏ: ở cách huyện 25 dặm về phía đông bắc, cửa lạch rộng 514 trượng, sâu 3 trượng, phía ngoài cửa tấn lệch về phía đông có 4 cồn đá hình trâu nằm lềnh bềnh ở mặt nước.(2)
Còn lai lịch của tên gọi Vân Phong được tìm thấy trong đoạn văn sau:
Hòn Vân Phong: ở cách huyện Quảng Phước 28 dặm về phía đông bắc, tục gọi Hòn Khói (nguyên văn chữ Hán là Yên Cương (煙崗)- NMN), đầu đời trung hưng thuyền nhà vua tiến đóng ở Hòn Khói tức là chỗ này. Năm Minh Mạng thứ 6 đổi tên hiện nay.(3)

Qua các tư liệu trên, có thể xác định rằng địa danh Vân Phong đã ra đời vào năm 1825 dưới triều vua Minh Mạng, là tên mới của Hòn Khói - một ngọn núi ở phía bắc bán đảo Hòn Hèo nhìn xuống vịnh Vân Phong, nay thuộc xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Trong tác phẩm “Xứ Trầm Hương”, khi viết về Hòn Khói/Vân Phong, nhà thơ-nhà nghiên cứu Quách Tấn có nêu một nhận xét đáng chú ý: “Không biết vịnh do tên núi mà ra hay núi theo tên vịnh mà cải”.(4)

Chúng tôi thiên về ý kiến thứ nhất: vịnh là do tên núi mà ra, vì những lẽ sau:
- Về mặt tự dạng, hai chữ Vân Phong (Hán tự) ghi trong sách ĐNNTC cũng như trên các bản đồ thời Nguyễn như Khánh Hòa toàn đồ (trong sách “Thông quốc duyên cách hải chử”), bản đồ tỉnh Khánh Hòa thời Đồng Khánh, bản đồ tỉnh Khánh Hòa thời Duy Tân (xem ảnh minh họa) … đều nhất quán được viết như sau: 雲峯

Căn cứ vào tự dạng trên, hai chữ này phải đọc theo âm Hán-Việt là Vân Phong chứ không thể là Văn Phong.

- Về mặt ý nghĩa, chữ Vân () ở đây có nghĩa là “mây”. Riêng chữ Phong () ở đây không phải là “gió” như nhiều người đã giải thích, mà phải hiểu là “đỉnh núi” (chữ Phong này có bộ sơn (): núi).
Như vậy nghĩa của địa danh Vân Phong là “đỉnh mây”, ban đầu là mỹ tự của nhà Nguyễn đặt cho núi Hòn Khói, sau cũng được dùng chính thức để gọi vịnh Vân Phong (nguyên văn chữ Hán là Vân Phong úc) - một vịnh biển lớn mà giới hạn phía đông là bán đảo Hòn Gốm, phía tây là bờ biển huyện Vạn Ninh, phía nam là bờ biển bán đảo Hòn Hèo của tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Từ những cứ liệu văn bản học và bản đồ học như đã trình bày, thiết nghĩ tên khai sinh của vịnh biển này chính là Vân Phong chứ không phải Văn Phong như cách gọi, cách viết quen thuộc của một số người dân địa phương cũng như trên một số sách, báo, bản đồ đang lưu hành. Cho dù hai chữ Văn Phong trong Hán tự có ý nghĩa hay, đẹp đến đâu thì ở đây cũng chỉ là một cái tên sai. Và vì sai nên không có chuyện đời nay tùy tiện đổi tên Văn Phong thành Vân Phong như một số người lầm tưởng mà chỉ là vấn đề gọi đúng và viết đúng một địa danh như lịch sử đã ghi nhận./.


Ảnh trên: Ninh Hòa Phủ đồ trong Khánh Hòa toàn đồ (bản đồ trong sách “Thông quốc duyên cách hải chử”). Phiên âm các địa danh được đóng khung trên bản đồ:  Vân Phong .

CHÚ THÍCH:
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (Tập III), bản dịch của Viện Sử học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, trang 100.
(2) Sách đã dẫn ở mục (1), trang106.
(3) Sách đã dẫn ở mục (1), trang 97.
(4) Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Hội Văn Học Nghệ Thuật Khánh Hòa tái bản, trang 59.



Nguyễn Man Nhiên
Ngày đăng: 20.05.2010

Sunday 9 June 2013

Trong tiệm nước người Hoa (Lương Minh - T. D)


Nhận diện di sản đô thị Chợ Lớn
Mỗi lần anh tôi lên Sài Gòn đều rủ tôi đi ăn sáng tại tiệm Tân Sinh Hoạt. Có món gì ngon ở đó? Anh chỉ thích ngồi nhớ lại cái không khí cổ xưa nơi mà thuở xưa sáng nào tụi học trò chúng tôi cũng ngồi uống cà phê và nghe phổ ky truyền nhau ơi ới tiếng gọi bàn bằng thứ tiếng Hoa nói lóng rất thú vị mà người Hoa chính gốc nếu không quen cũng không hiểu được

Tân Sinh Hoạt là một trong những tiệm nước còn giữ được các nét truyền thống. Ảnh: H.T

Thế giới tiếng lóng
“Hai hoành thánh mì thoàn dách, lượng co sủi cảo tún lục”. Tiếng rao của anh phổ ky gọi cho anh đầu bếp. Từ đàng xa, người đầu bếp lặp lại tiếng kêu như rao hồi đáp là đã nghe tiếng đặt hàng. Thoàn dách là bàn số 1 ở giữa, tún lục là bàn số 6 phía bên đông. Còn sủi cảo là bánh xếp nước (hơi giống hoành thánh có hình dẹp). Xưa kia trời vừa hừng sáng, hầu hết các tiệm nước người Hoa, mở tất cả đèn sáng choang, quạt máy 5 – 7 cái quay vù vù, năm ba anh phổ ky hỏi khách dùng chi, lập tức truyền khẩu lệnh gây náo nhiệt cả tiệm. Họ quy định bên đông và bên tây của tiệm chứ không gọi bên trái và bên phải vì trái phải dễ nhầm do người đứng từ ngoài nhìn vào hay bên trong nhìn ra. Còn đông tây thì được định vị theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cứ bên đông thì gọi là tún, bên tây thì gọi là sấy. Chính giữa gọi là thoàn. Tiệm nước thường có ba dãy bàn: đông (tún), tây (sấy) và giữa (thoàn), các số thứ tự thì dùng tiếng Quảng Đông dách, dì, xám, xây, ựng, lục mà kêu tới. Hủ tiếu tô lớn thì gọi tố phảnh, tô nhỏ ít bánh thì gọi tái phảnh, tức nửa tô. Những từ ngữ dùng trong tiệm nước có cái thông dụng, nhiều người Việt trước đây đi tiệm nhiều cũng biết và nó bị Việt hoá. Thí dụ như dầu chao quảy, xíu mại, hoành thánh... Ly cà phê đen nhỏ gọi là xây chừng, cà phê đen lớn gọi là tài chừng. Ngày nay uống cà phê không còn dùng ly lớn nên từ tài chừng ít được dùng. Ly nhỏ ở dưới quê dùng uống rượu được gọi là ly xây chừng, có viền chính giữa để hai người uống dễ “cắt đôi”. Cà phê sữa thì gọi là xây nại, còn sữa nước sôi pha ít cà phê thì gọi là xây bạc sỉu, có chỗ gọi là bạc tẩy sỉu phé, tức sữa nước sôi cho một chút cà phê vào. Đúng ra từ chính thống của cà phê sữa là ca phé nại nhưng tại tiệm nước thì biến tấu thành như thế. Anh Trần Gia Kỳ, phổ ky hơn 20 năm trong nghề cho biết trong tiệm trước đây ngoài tiếng Quảng Đông, còn có tiếng lóng để gọi thức ăn. Thí dụ hủ tiếu mì gọi là xá hỏ cấm, xá hỏ là hủ tiếu, còn cấm là vàng (vàng lượng), ám chỉ sợi mì có màu vàng. Cà phê đen là hắc quẩy và cà phê đá là hắc quẩy sún lường, nghĩa đen là anh chà đi tắm. Sữa nước sôi thì hoảnh sủi nại, nhưng cũng có tiếng lóng là len chẩy (anh trai đẹp). Ngày xưa thức uống không nhiều như ngày nay, buổi sáng đi tiểm xấm (điểm tâm) với hủ tiếu, mì, hoành thánh, há cảo, bánh bao: mìn páo. Thức uống thì ngoài cà phê, cà phê sữa, sữa nước sôi và cuối cùng được dẩm xà (uống trà) miễn phí. Trà lipton thì được gọi là hùng xà, tức trà đỏ. Có nhiều người buổi sáng tiểm xấm rồi vẫn chưa thấy phục hồi công lực vì đêm qua thức quá khuya nên đòi uống sữa với tròng đỏ trứng gà. Món sữa nước sôi trứng gà khi khách kêu thì các phổ ky trong quán truyền tai nhau là len chảy tả pó (cậu trai đá banh) bởi lòng đỏ trứng gà bỏ vào nước sôi còn nguyên như trái banh pong khi đem ra bàn. Thực khách có người quậy tan, có người để nguyên trái banh nuốt trộng.
Ngày nay, khà thỏi (*) (tiệm nước) còn khá nhiều ở các thị xã, thành phố nhưng cách sinh hoạt truyền thống thì hầu như chỉ còn một vài tiệm như Tân Sinh Hoạt (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3).
Văn hoá tiệm nước
Nếu bạn là người Sài Gòn hoặc đã từng sống qua chốn này, bạn sẽ hiểu vì sao việc thức khuya dậy sớm của thị dân nơi đây có một phần quá khứ can hệ tới cái tiệm nước.
Trong những sớm mai, trời nổi gió hay thấm đẫm hơi sương, thỉnh thoảng cha tôi dắt tôi ra tiệm nước. Lần nào cũng vậy, tôi thường dụi mắt liên tục để xua cơn ngái ngủ và để thu hết vào đôi mắt thơ ngây cái ánh sáng đèn mờ hơi nước sôi, những nhộn cảnh sinh động của cái tiệm nước ở những con đường thường là trước chợ, bến xe, bệnh viện.
Tôi không hiểu vì sao những cụ ông cụ bà người Minh Hương luôn ngồi quay mặt ra đường với cái nhìn xa vắng; vì sao những người dân có mức sống khác nhau nhưng thường có cùng vẻ mặt lo âu trước một ngày mới, nhưng tất cả họ đều có chung phong cách hồn nhiên khi bưng cái dĩa nhỏ và húp ngon lành những giọt cà phê nóng hổi, cái cách uống cà phê trong dĩa trước sau tôi chỉ thấy có trong tiệm nước. Tôi không biết nguyên cớ mà cũng không cần biết làm gì. Tôi chỉ muốn lưu giữ hình ảnh dòng cà phê ngút khói, rất hào sảng, từ cái ấm sành chảy ra tràn miệng những cái cốc tuôn xuống dĩa lênh láng như lòng thật thà không cần kìm giữ.
Theo một phần nghĩa cơ bản của nó, thuật ngữ “văn hoá” là sự cải thiện hay hoàn thiện bản chất, bản chất những sinh hoạt cộng đồng để tạo ra diện mạo văn hoá của một thời. Ðối với một đô thị lớn như Sài Gòn, trong thời bình, việc đi ngủ và thức giấc là hoàn toàn tuỳ thuộc vào nền nếp của cá nhân, gia đình, chính vì thế Sài Gòn luôn có những góc không ngủ, thật ra đại bộ phận thị dân thường có nhịp thời gian bắt đầu một ngày mới vào khoảng từ 4 giờ đến 7 giờ sáng.
Ông Năm Tàu, hành nghề cố vấn về Sài Gòn – Chợ Lớn cho các ông chủ người Ðài Loan đang làm ăn ở Việt Nam, luôn miệng than thở: “Ngộ hết thì giờ! Ngộ sống như Tây, tự pha cà phê, thứ cà phê bột chua lè, vừa uống vừa tranh thủ coi ti vi, đọc báo. Ngộ thèm ra tiệm nước ngồi bàn chuyện thời sự muốn chết!”
Chị Hai Lài bán trái cây ở Chợ Lớn nói: “Tôi dọn hàng trễ hơn trước, 8 giờ người ta bưng đồ ăn sáng tới sạp. Có ngon lành gì đâu, tôi ưng ngồi tiệm nước ngắm cảnh rồng bay ngựa chạy, ngồi nghe tin giá cả, bạn hàng, nhưng thiếu ngủ quá!”
Tốc độ sống của thị dân mỗi lúc một nhanh hơn và hệ quả tất nhiên là cái khoảng không gian ban mai bình yên thư thái, trong những cái tiệm nước rất đặc trưng mà đất – nước – gió – lửa xứ này ban tặng cho họ coi như đã mất.
Lương Minh - T.D
* Khà thỏi: chính thống là cái bàn nhỏ uống trà. Nhưng dùng chỉ tiệm nước, tiệm điểm tâm.