Thursday, 16 June 2016

Áp đặt, quy chụp là dội nước lạnh vào nhiệt huyết bảo vệ Tổ quốc (Trần Công Trục - Giáo Dục)

 

Áp đặt, quy chụp là dội nước lạnh vào nhiệt huyết bảo vệ Tổ quốc

14/06/2016 10:43 Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chỉ có một "động cơ" duy nhất và xuyên suốt là đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia về Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh lập trường của Nga về Biển Đông qua bài bình luận "Nga chưa bao giờ thay đổi lập trường về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông" của Đại tá Lê Thế Mẫu đăng trên Báo điện tử Infonet ngày 13/6.

Tôn trọng những tiếng nói đa chiều ngõ hầu làm sáng tỏ không chỉ nội dung tranh luận làm sao bảo vệ tốt nhất độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, mà còn cả cách thức tranh luận và trao đổi sao cho đúng trọng tâm học thuật và không chính trị hóa các vấn đề pháp lý, làm sai lệch bản chất câu chuyện, Tòa soạn gửi tới bạn đọc bài viết này của Tiến sĩ Trần Công Trục.

Nội dung và văn phong bài viết thể hiện tiếng nói, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Ban Biên tập đặt.

Hiện nay dư luận đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai các quy định của UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Việt Nam là một bên liên quan trực tiếp và rất có lợi nếu PCA bác bỏ đường yêu sách “lưỡi bò” trên biển vô lý của Trung Quốc. Trong lúc đó thì cá nhân tôi cảm thấy ngỡ ngàng, bất ngờ khi đọc bài viết "Nga chưa bao giờ thay đổi lập trường về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông" của Đại tá Lê Thế Mẫu trên Infonet ngày 13/6.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Ngỡ ngàng không chỉ bởi những lập luận của Đại tá Lê Thế Mẫu về bài viết "Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông" của tác giả Hồng Thủy đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/6, mà bởi cách nhận xét, đánh giá theo phương cách quy kết, áp đặt một chiều, có vẻ phản ánh tư duy duy ý chí, chính trị hóa các vấn đề pháp lý.

Điều đó khiến cho dư luận có thể sẽ gặp những khó khăn trong tiếp cận và nhận thức bản chất của các vấn đề phức tạp và nhạy cảm hiện nay.

Trong khi đó, như mọi người đều đã biết, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền chống phá quyết liệt phán quyết của PCA hàng ngày, hàng giờ.

Vì vậy, chúng ta nên bình tĩnh lắng nghe và trân trọng những tiếng nói bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, cũng như luật pháp quốc tế mà tác giả Hồng Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã công khai thể hiện trong thời gian gần đây trước những bức xúc trong dư luận về một số động thái có liên quan đến tình hình Biển Đông.

Thiết nghĩ những bài báo đó hầu hết đều là những nội dung nghiên cứu nghiêm túc, khách quan, kịp thời và với động cơ tích cực, trong sáng và xuyên suốt là bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam với lập luận, luận cứ chắc chắn, mang tính xây dựng…. 

Với tư cách một công dân Việt Nam và từng có thời gian nghiên cứu Luật Biển Việt Nam, UNCLOS cũng như từng tham gia các hoạt động đàm phán phân định biên giới trên bộ cũng như trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng, cá nhân tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ của mình để làm sáng tỏ vấn đề, sau khi tác giả Hồng Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có phản hồi đối với bài viết của Đại tá Lê Thế Mẫu:

Về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông

Tác giả Hồng Thủy đã phân tích khá kỹ "vấn đề Biển Đông" hiện nay đang tồn tại nhiều loại tranh chấp phức tạp, trong đó có những tranh chấp xuất phát từ việc giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982 và những hành động phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ là một loại tranh chấp nổi bật, nhưng không phải tất cả các tranh chấp đang tồn tại trong Biển Đông.

Việc phân loại các tranh chấp này với diễn biến và đánh giá khác nhau sẽ có liên quan đến chủ trương và cách ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc cũng như với các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là với các “siêu cường”. 

Mục đích, nội dung và lập luận của Hồng Thủy trong bài "Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông" cũng chỉ xoay quanh việc nhấn mạnh, làm rõ rằng:

Các tranh chấp hàng hải, tranh chấp về việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982, khiến dư luận quan tâm và có nhiều quan niệm lệch lạc, do vô tình hay cố ý, nhất là nhận thức về bản chất các tranh chấp này thành "tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ", trong đó có những tuyên bố gây tranh cãi từ Liên bang Nga gần đây.

Có thể thấy rằng đây là tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" khi PCA và dư luận quốc tế đang đấu tranh bảo vệ UNCLOS 1982, bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông. Đây cũng chính là bảo vệ các quyền và lợi ích chung của khu vực và quốc tế.

Đại tá Lê Thế Mẫu, ảnh: Infonet.

Trong khi đó, để lẩn tránh nghĩa vụ của mình, Trung Quốc tìm mọi cách ngụy biện rằng đó là "tranh chấp chủ quyền" để lấy đó làm cớ "không tham gia, không chấp nhận phán quyết của PCA".

Đúng lúc đó Nga lại liên tục lên tiếng về "tranh chấp chủ quyền" ở Biển Đông, đặc biệt là việc chống quốc tế hóa, chống bên thứ ba can thiệp.

Đánh giá, nhận định những tuyên bố, phát biểu của Nga về các loại tranh chấp trong Biển Đông mà dư luận đang quan tâm, theo người viết, việc này nên được đặt trong bối cảnh chung rộng hơn.

Đó là, thời gian gần đây phải chăng vì những lý do về địa- chiến lược, địa- chính trị, địa-kinh tế …mà khu vực Biển Đông không còn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga khiến Moscow không nắm rõ bản chất các tranh chấp?

Và phải chăng những thông tin Biển Đông mà phía Nga tiếp nhận gần đây không phản ánh đúng bản chất vấn đề, bị thiên lệch, chủ yếu là do phía Trung Quốc cố ý cung cấp thiếu khách quan?

Như mọi người đã biết, Trung Quốc không ngừng rêu rao rằng: Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay thực chất là "tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ", nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế.

Không riêng Nga, ngay cả một số quốc gia ASEAN trực tiếp hay gián tiếp liên quan, cũng vẫn còn có những nhận thức lệch lạc về bản chất của các tranh chấp trong Biển Đông.

Những quốc gia này vẫn còn mơ hồ về các loại tranh chấp trong khi quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình bị xâm hại trực tiếp hay gián tiếp bởi những hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra ngày càng trắng trợn ở bên trong đường “lưỡi bò”…

Do đó trách nhiệm giải thích cho các bạn Nga và bạn bè khu vực và quốc tế hiểu thực chất vấn đề Biển Đông hiện nay thuộc về chính chúng ta.

Tôi tin rằng những bài phân tích về lập trường của Nga trong quan hệ quốc tế nói chung, vấn đề Biển Đông nói riêng, sẽ thường xuyên được Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam cập nhật và báo cáo về nước, bởi đó là một trong những công việc và nhiệm vụ của họ.

Qua phân tích của Đại tá Lê Thế Mẫu và qua một số ý kiến, quan điểm của một số học giả, kế cả một số cán bộ làm công tác quản lý liên quan của Việt Nam mà tôi có may mắn được tiếp xúc, thì có thể nói rằng vẫn còn đánh giá khá mơ hồ, lẫn lộn khái niệm về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của mình trong phán quyết của PCA có liên quan đến Việt Nam.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc Việt Nam sẽ ứng xử như thế nào trước việc Philippines kiện Trung Quốc để có thể bảo về các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta và góp phần thượng tôn pháp luật, bảo vệ hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không quốc tế.

Đồng thời cũng là cách góp phần thực hiện một cách hiệu quả phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang ra sức tìm cách vận động lôi kéo, gây sức ép, mua chuộc và đang cố tình khai quật chính sách “cây gậy và cũ cà rốt” đã bị chôn vùi trong nấm mồ “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” để vận dụng cho kế hoạch của họ, thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông.

Làm rõ lập trường của Moscow về Biển Đông không có nghĩa là chống lại Nga

(GDVN) - Chúng ta cứ ứng xử với nhau một cách minh bạch và sòng phẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế là cách bảo vệ tình hữu nghị tốt nhất, lâu bền nhất.

Trong khi đó, chính trong nội bộ chúng ta, đội ngũ tham mưu và nghiên cứu vẫn còn những quan điểm mơ hồ về giải pháp pháp lý, lại còn vương vấn tư duy duy ý chí lỗi thời, chính trị hóa vấn đề pháp lý.

Có lẽ đây cũng chính là hiện tượng mà chúng ta không thể không suy ngẫm, nêu không muốn nói là đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay.

Tất nhiên không loại trừ khả năng Nga có những tính toán của riêng mình trong bối cảnh quốc tế hiện nay khi đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về Biển Đông.

Đặc biệt là cạnh tranh Nga- Mỹ ngày càng gay gắt, Nga chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria và cần có tiếng nói, sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc.

Đặt trong bối cảnh cụ thể ấy, chúng ta mới có thể trao đổi rõ ràng với các bạn Nga về lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tránh những phát biểu và hành vi làm tổn hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông chỉ vì thiếu thông tin, thiếu trao đổi hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Còn riêng vấn đề chủ quyền đối với các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa, thì Nga, Mỹ, Nhật, EU...đều đã nói rõ, họ trung lập, chúng ta không thể đòi hỏi gì hơn.

Lập luận của Đại tá Lê Thế Mẫu trong bình luận thứ (2), (3) của ông về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga theo cá nhân tôi chỉ phản ánh suy nghĩ của cá nhân ông Mẫu.

Bởi lẽ từ khi ông Lavrov lên tiếng cho đến khi bà Maria Zakharova giải thích thêm, truyền thông quốc tế vẫn hiểu rằng dường như Moscow có xu hướng bênh vực Trung Quốc. Ông Mẫu nói:

"(2) Quan điểm của Nga về việc “các lực lượng thứ ba tham gia vào các cuộc tranh chấp này chỉ có thể khiến cho tình tình trong khu vực này căng thẳng thêm”.

Quan điểm của Nga phản ánh một thực tế là, từ trước tới nay, tất cả các cuộc đàm phán về DOC, hay COC, hay tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đều chỉ được tiến hành trong khuôn khổ song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác có tranh chấp, hoặc trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc."

Tôi cho rằng điều này không chính xác. DOC là thành quả của quá trình đàm phán và ký kết giữa ASEAN với Trung Quốc về ứng xử của các bên trên Biển Đông với tư cách một tập thể, không phải cá nhân riêng rẽ từng nước như Đại tá Lê Thế Mẫu nói.

Quá trình đàm phán COC cũng vậy. Không có chuyện "đàm phán song phương" giữa Việt Nam với Trung Quốc hay giữa các nước khác trong ASEAN với Trung Quốc.

Nói như vậy sẽ làm bạn bè quốc tế hiểu sai về chính chúng ta.

Đại tá Mẫu lập luận: "(3) Theo quan điểm của Nga,“các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc không sử dụng sức mạnh, thông qua các giải pháp chính trị-ngoại giao, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là UNCLOS, theo tinh thần của DOC.

Nga sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”. 

Quan điểm này của Matxcơva đã gián tiếp lên án Trung Quốc bởi hành động của Bắc Kinh xây cất, tôn tạo các bãi đá ở Trường Sa do họ chiếm đoạt của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng DOC và UNCLOS.

Hơn nữa, khi Nga nói tới “luật pháp quốc tế” thì trong đó không loại trừ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Như vậy, quan điểm của Nga hoàn toàn phù hợp với quan điểm của ASEAN, quan điểm của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. 

Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông

(GDVN) - Nga đang hùa theo Trung Quốc, cố tình đánh tráo, trộn lẫn khái niệm, lập lờ đánh lận con đen trong vấn đề Biển Đông hòng né tránh...

Đương nhiên, xuất phát từ quan hệ Nga-Trung Quốc, Matxcơva chỉ yêu cầu “các bên tranh chấp tuân thủ DOC và UNCLOS”, mà không chỉ đích danh Trung Quốc.

Cũng tương tự như vậy, các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, EU cũng chỉ yêu cầu “các bên kiềm chế”, “không thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông, chứ không chỉ đích danh Trung Quốc."

Lập luận này là ví dụ điển hình cho việc nhầm lẫn các khái niệm. Một là tranh chấp lãnh thổ thì không thể dựa vào UNCLOS, DOC hay COC để giải quyết, mà phải thông qua hệ thống luật pháp và án lệ quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ.

Hai là, "Quan điểm này của Matxcơva đã gián tiếp lên án Trung Quốc bởi hành động của Bắc Kinh xây cất, tôn tạo các bãi đá ở Trường Sa do họ chiếm đoạt của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng DOC và UNCLOS" chưa chắc đã phải Nga nói Trung Quốc như Đại tá Mẫu nghĩ.

Bởi Nga cũng có thể ám chỉ Hoa Kỳ lắm chứ? Chẳng phải Trung Quốc đang hoặc công khai lộ liễu, hoặc ám chỉ Hoa Kỳ "quân sự hóa Biển Đông" thông qua các hoạt động duy trì tự do hàng hải, hàng không và hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông đó sao? Nhưng điều đó chưa phải vấn đề lớn.

Cách giải thích của ông Mẫu rằng: "Hơn nữa, khi Nga nói tới “luật pháp quốc tế” thì trong đó không loại trừ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Như vậy, quan điểm của Nga hoàn toàn phù hợp với quan điểm của ASEAN, quan điểm của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế" một lần nữa nhầm lẫn về khái niệm.

"Luật pháp quốc tế" theo cách hiểu của Nga chưa chắc đã là "luật pháp quốc tế" theo cách hiểu của ASEAN, Việt Nam hay Hoa Kỳ.

Trung Quốc cũng đang dùng "luật pháp quốc tế" theo cách hiểu bóp méo của họ để chống lại luật pháp quốc tế thực chất và phổ quát đó thôi.

Ví dụ, PCA xét xử 7/15 nội dung Philippines khởi kiện liên quan đến áp dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS 1982 theo đúng tinh thần, quy định, trình tự, thủ tục trong Phụ lục VII, UNCLOS 1982 thì Trung Quốc có nghĩa vụ phải chấp hành với tư cách một thành viên UNCLOS 1982, cho dù muốn hay không. 

Nhưng họ vẫn cứ ra rả rằng "luật pháp quốc tế" không chấp nhận giải quyết "tranh chấp chủ quyền" / "tranh chấp lãnh thổ" thông qua cơ quan tài phán. Nói nôm na, người ta hỏi "anh ăn cơm chưa" thì Trung Quốc lại trả lời "tôi đi tắm rồi". Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại câu trả lời không ăn nhập và liên quan gì đến câu hỏi.

Không chính trị hóa các vấn đề pháp lý

Cá nhân người viết cảm thấy bất ngờ khi Đại tá Lê Thế Mẫu không tập trung làm rõ hay phản biện những lập luận của tác giả Hồng Thủy xung quanh việc nhầm lẫn hoặc đánh tráo khái niệm giữa "các tranh chấp ở Biển Đông" thành "tranh chấp chủ quyền" / "tranh chấp lãnh thổ" ở Biển Đông, nhầm lẫn giữa tranh chấp hàng hải, tranh chấp ứng dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông với "tranh chấp lãnh thổ" / "tranh chấp chủ quyền" mà lại đi "truy tìm động cơ".

Đây chính là vấn đề Hồng Thủy đặt ra đối với các bạn Nga, vừa là phân tích để phía Nga cũng như dư luận quan tâm hiểu và phân biệt rạch ròi các loại tranh chấp này, từ đó mới có nhận thức và phản ứng phù hợp với phán quyết của PCA cũng như bảo vệ, củng cố lòng tin chiến lược và quan hệ hợp tác song phương.

Đại tá Lê Thế Mẫu không làm điều này, mà ông vẫn tiếp tục đi theo tư duy nhầm lẫn các khái niệm, gây tranh cãi của phía Nga, cũng như tư duy ngụy biện Trung Quốc đang theo đuổi. Hơn thế nữa, vị Đại tá Lê Thế Mẫu lại “đấu tố” Hồng Thủy rằng:

"Đây là nhận định có tính chất xuyên tạc quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga, gây hoang mang trong dư luận và làm tổn hại đối với quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga mà vừa qua trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga Thủ tướng nước ta Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định:

“Cá nhân tôi, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng tuyệt đối vào nước bạn Nga”.

Và: "Thật khó giải thích về động cơ của những ai, không biết vì lý do gì, lại cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm của Nga về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, gây hoang mang trong dư luận, làm tổn hại tới quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh chúng ta đang tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng".

Là người theo dõi thường xuyên các bài viết của tác giả Hồng Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cũng như thường xuyên cộng tác, trao đổi cùng với Báo, tôi nhận thấy rằng Hồng Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chỉ có một "động cơ" duy nhất và xuyên suốt là đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

Trong quan hệ quốc tế, Hồng Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thường xuyên đấu tranh với những quan điểm sai trái gây tổn hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.

Đồng thời tác giả và tòa soạn cũng góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, trong đó có bạn bè truyền thống hay đối tác chiến lược toàn diện như Nga và Trung Quốc, trên tinh thần thực sự khách quan, cầu thị và căn cứ trên luật pháp quốc tế hiện đại, thể hiện đúng tinh thần chừng mực, vừa hợp tác vừa đấu tranh.

Tuyệt đối không có chuyện Hồng Thủy hay Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam "chống phá quan hệ Việt - Nga" hay "chống phá quan hệ Việt - Trung".

Lúc này guồng máy truyền thông nhà nước Trung Quốc, các Đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài liên tục có bài chống phá phán quyết của PCA, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam hàng ngày hàng giờ.

Thiết nghĩ những tiếng nói kịp thời, hợp lý hợp tình và hợp pháp như nhà báo Hồng Thủy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thể hiện là rất cần thiết, mặc dù thực tế chúng ta cần làm nhiều hơn thế, cần nhiều chuyên gia và nhiều cơ quan truyền thông nắm chắc luật pháp quốc tế lên tiếng hơn nữa.

Vì vậy mặc dù Hồng Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết trao đổi lại về những lập luận của ông Lê Thế Mẫu xung quanh các nội dung học thuật và pháp lý, nhưng cá nhân người viết cảm thấy cần phải có thêm tiếng nói.

Người viết hy vọng cách thức trao đổi, đối thoại các vấn đề học thuật trong chính cộng đồng người Việt Nam chúng ta diễn ra sao cho đúng trọng tâm, đạt mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và thượng tôn pháp luật, trên tinh thần khách quan, cầu thị, sòng phẳng và đặc biệt là không chụp mũ, không chính trị hóa các vấn đề học thuật, không áp đặt quan điểm cá nhân lên người khác, không "độc quyền chân lý".

Bởi lẽ về cả đối nội cũng như đối ngoại, tư duy chính trị hóa các vấn đề pháp lý, lập trường hóa, hình sự hóa các vấn đề học thuật, nâng cao quan điểm, suy diễn và quy chụp có thể gây ra những tác động tai hại đến nhận thức và hành vi, thậm chí có thể tạo ra bạo loạn xã hội như chúng ta đã thấy trong lịch sử cận hiện đại.

Vì vậy, trong tình hình hiện nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần thật sự bình tĩnh lắng nghe, học tập lẫn nhau, tránh hiện tượng “đấu tố”,  cố tình sử dụng, trích dẫn các phát biểu của các vị lãnh đạo để răn đe các ý kiến khác với quan điểm của mình phục vụ cho động cơ riêng.

Thiết nghĩ điều đó có lẽ không chỉ là một sự xúc phạm đối với cá nhân tác giả và tòa soạn mà còn là một gáo nước lạnh dội lên lòng yêu nước, làm tổn thương nhiều người muốn nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, xúc phạm các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam./.

Lời Tòa soạn: Liên quan đến loạt bài viết của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam được ông Lê Thế Mẫu trích dẫn đăng trên Báo điện tử Infonet, Tòa soạn có quan điểm như sau:

Khi thực hiện các bài viết này, chúng tôi mong muốn góp tiếng nói nhằm thống nhất nhận thức, quan điểm trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp của Tổ quốc Việt Nam mà cha ông đã đổ bao xương máu để gầy dựng và bảo vệ.

Các căn cứ, lập luận nêu ra đều có căn cứ khoa học, dựa trên chuẩn mực, quy định, định chế pháp luật quốc tế cũng như chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước Việt Nam.

Ban Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định luôn bám sát và tuân thủ lập trường đối ngoại của Đảng, Nhà nước rằng Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới; không liên minh, liên kết với bất cứ bên nào để chống lại một bên cụ thể; lập trường ngoại giao hòa bình, thân thiện, tranh thủ sự ủng hộ và đôi bên cùng có lợi...

Việc làm rõ quan điểm của Nga về Biển Đông không phải là chống lại Nga mà là để nhận thức rõ ràng rằng, đây là cuộc đấu tranh pháp lý chống lại đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Trong phạm vi bài viết của chúng tôi được ông Lê Thế Mẫu Trích dẫn hoàn toàn không bàn về khía cạnh tranh chấp lãnh thổ, mà nhấn mạnh và làm rõ các tranh chấp hàng hải, ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982, trọng tâm vụ kiện của Philippines.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, nhận xét của ông Lê Thế Mẫu là quy chụp, thiếu khách quan, một chiều, là “gắp lửa bỏ tay người” gây hiệu ứng xấu, trực tiếp làm ảnh hưởng tiêu cực đến lòng yêu nước của người Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chưa nhận được bất kỳ trao đổi nào của ông Mẫu cũng như của Báo điện tử Infonet về sự việc.

Trên bình diện nhận thức và góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, luật pháp và công lý quốc tế cũng như quan hệ hữu nghị Nga-Việt nói riêng, chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẵn sàng mở bàn tròn thảo luận với sự tham gia của Bộ Ngoại giao; các cơ quan quản lý báo chí; các chuyên gia, nhà khoa học, ông Lê Thế Mẫu về các vấn đề này.

Nội dung và tinh thần trao đổi được nhấn mạnh là khoa học, tử tế, nghiêm túc và cầu thị.

Ts Trần Công Trục
(https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/lam-ro-lap-truong-cua-moscow-ve-bien-dong-khong-co-nghia-la-chong-lai-nga-post168650.gd)

No comments:

Post a Comment