Showing posts with label từ trắc học. Show all posts
Showing posts with label từ trắc học. Show all posts

Sunday 17 April 2022

Phong cách chính là người vậy

Buffon nói rằng phong cách chính là người vậy (Le style, est l'homme même / Le style, c'est [tout] l'homme).

Đọc đoạn văn sau đây có thể thấy bút lực của người viết thật đáng sợ: 

Ils étaient accoutumés à  boire   un   alcool   qui   présentait    un   certain   goût empyreumatique agréable, dû à la quantité des matières premières que, eux , ils employaient et, parmi lesquelles, un riz des plus délicats : la drogue qu'on ingurgite de force aux Annamites, est fabriquée avec des riz à bon marché, des ingrédients chimiques et a un sale goût.

(Nguyen Ai Quac – Le Procès de la Colonisation Française)

 

Empyreumatique tiếng Pháp nghĩa là khét. Đồng nghĩa với nó là brûlé. Đồng nghĩa nhưng phạm vi sử dụng khác nhau: empyreumatique là từ dùng trong hóa học ; brûlé là từ phổ thông. Tần số sử dụng cũng khác nhau: empyreumatique  chỉ xuất hiện đúng hai (2) lần trong khi brûlé xuất hiện 2123 lần trên các văn bản văn chương của TLF - Trésor de la Langue Française (tổng kích thước khối ngữ liệu là 150 triệu lượt từ). Kết quả thống kê này cho thấy rằng nếu đi hỏi một người Pháp học vấn phổ thông empyreumatique là gì, ta có thể chắc chắn là người đó không trả lời được trong khi xác suất để người đó đã từng nghe/gặp và hiểu brûlé là khá cao (cao hơn cả từ savon, nghĩa là xà bông / xà phòng, có tần số trên các văn bản văn chương là 452).

 

Một người không học hóa học khó có khả năng tiếp xúc với từ empyreumatique, càng không có lý do gì phải sử dụng từ đó để nói với những người không học hóa học, nhất là khi có sẵn một từ ai cũng hiểu là brûlé. Tuy nhiên hai khả năng sau đây có thể xảy ra ở một câu văn dùng từ empyreumatique:

1)     Một người ngoại quốc (Việt Nam chẳng hạn) tra từ điển Việt Pháp thấy mục từ khét = brûlé, empyreumatique chọn hú họa một từ với niềm tin rằng cả hai cách dịch tương đương với nhau. Chuyện này vẫn thường xảy ra ở những người học ngoại ngữ chưa đến nơi đến chốn. Đầu thế kỷ 20 chưa có từ điển Việt Pháp nên nếu phải đi qua nhiều chặng trung gian Việt Hán, Hán Pháp hay Việt Nhật, Nhật Pháp thì khả năng dùng từ ngữ sai phạm vi phong cách càng dễ xảy ra hơn.

2)     Người viết dùng từ ngữ bác học với một ý đồ phong cách nào đó. Một là khoe chữ. Hai là tạo cho câu văn một dáng vẻ khoa học, khách quan với ý định giễu nhại. Hoặc cả hai. Nhưng muốn gì thì cũng phải là người có hiểu biết về hóa học (như Nguyễn Thế Truyền) mới dùng chữ kiểu này được.

 

Lẽ thường phải là như thế. Dĩ nhiên không đúng với các trường hợp thiên tài xuất chúng, không cần học hóa học, không cần học cả tiếng Pháp nhưng vẫn viết được tiếng Pháp như các kỹ sư hóa học.

Sunday 21 June 2020

Sách cũ, mới tìm được trên mạng


Nhatbook-Nhập môn thống kê Ngôn Ngữ học-Nguyễn Đức Dân-1998

Cảm ơn những người đã bỏ công scan sách.

https://nhatbook.com/2020/06/01/nhap-mon-thong-ke-ngon-ngu-hoc/

Thursday 22 May 2014

Từ ngữ có gì giống với cục pin?


Từ ngữ mang nghĩa như cục pin mang điện. Nghĩa tích (tiếng Pháp: charge sémantique) của từ ngữ giống điện tích (tiếng Pháp: charge électrique) của cục pin. Pin mới thì điện mạnh cũng như từ ngữ mới mẻ có thể gây cảm xúc mãnh liệt, lôi cuốn người đọc, người nghe. Pin dùng lâu ngày, điện yếu dần; từ ngữ dùng tới dùng lui mọi lúc, mọi nơi thành ra sáo mòn, không khác gì những cục pin cũ. Pin cũ rồi đem sạc lại vẫn không thể mạnh như pin mới; sạc nhiều lần quá thì bị chai, không còn khả năng tích điện nữa, phải thải. Từ ngữ cũng thế: khi tần số sử dụng vượt quá một giới hạn nào đó, sẽ xảy ra hiện tượng mất nghĩa, tức là nghĩa tích xuống đến tận cùng bằng không và ở đó luôn, không nhúc nhích, bất chấp mọi cố gắng định nghĩa lại, lý giải lại.

Khi theo dõi các diễn ngôn chính trị hiện nay, ta thấy rất khó nhận ra sự khác biệt giữa các phe nhóm. Một chiến lược ngôn từ được tất cả các bên đồng loạt triển khai là tận dụng, thâm dụng, tái sử dụng triệt để vốn từ ngữ giúp phe mình giành lấy vị thế chính thống. Người đứng ra phản đối luật biểu tình bảo rằng nhân dân không muốn biểu tình; người ủng hộ luật biểu tình cũng dựa vào nhân dân để đập lại phe kia. Rồi họ xoay nhau bắt bẻ định nghĩa của từ ngữ, nội hàm của khái niệm... như thể là việc sạc lại nội dung cho cục pin từ ngữ vẫn còn có tác dụng. Vì vậy mới có anh bộ trưởng nọ dụ dân như dỗ con nít ăn kẹo “Đóng thêm nhiều phí là yêu nước”. Mấy chục nghìn tỷ đồng của dân bốc hơi, anh Tư gọi là “sai phạm”, anh Ba chống chế là “khuyết điểm”, chung quy vẫn là những từ ngữ giữ cho các anh yên ổn giương cao ngọn cờ chính nghĩa.
Chiến lược tái sử dụng pin cũ cho thấy bản chất của diễn ngôn chính trị hiện nay là (họ, những người nắm giữ quyền lực) “nói cho nhau nghe”. Không phe nhóm hay cá nhân nào có ý định tìm kiếm sự ủng hộ từ phía những người đứng ngoài hệ thống quyền lực nên không cần phải dụng công tìm kiếm những từ ngữ mới mẻ, đủ sức lôi cuốn những người thấp cổ bé họng. Anh bộ trưởng kêu gọi dân đóng thêm phí là thể hiện lòng yêu nước, không dè là người dân đã quá mệt mỏi qua nhiều năm dài với rừng khẩu hiệu huy động sức dân: Thi đua là yêu nước / Mua công trái là yêu nước / Đóng thuế là yêu nước... Đồng tiền dính liền khúc ruột.  Người móc tiền ra nộp cần biết đồng tiền đó đi đâu, về đâu. Nhưng vốn từ của bộ trưởng quanh đi quẩn lại chỉ có thế thôi, không nói khác được. Chẳng riêng gì anh, anh nào cũng thế.

Thursday 29 August 2013

Có thâm nhiên là có cái gì?



Thâm niênlâu năm (Lê Văn Đức, 1971b:1528). Thời bao cấp chỉ tính thâm niên cho người đi làm công nhân viên nhà nước. Vì vậy thâm niên được định nghĩa trong từ điển là khoảng thời gian (tính bằng năm) làm việc liên tục trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là liên tục trong một nghề (Nguyễn Kim Thản, 2005:1497 ; Hoàng Phê, 2006:921). Nhưng cũng vì vậy nhiều người, nếu không dính dáng đến nhà nước, không biết thâm niên là cái gì (cả đời không nghe nói đến chuyện thâm niên).
Hậu quả là hôm nay người ta có thể hồn nhiên viết có thâm nhiên mà không biết là sai. Hôm nay (29/07/2013) Google cho biết có số trang đúng chính tả (có thâm niên) là 8.560.000. Chỉ  21.000 trang viết sai có thâm nhiên. Tất cả đều là trang Web trong nước. Trong số đó phần nhiều là báo mạng danh tiếng (VnExpress, Dân Trí, Người Lao Động...). Không có trang tiếng Việt nào ở hải ngoại viết sai trong trường hợp này. Lạ không?

Friday 17 August 2012

Giùm hay dùm?

Từ điển xưa nay chỉ có giùm, không có dùm. Nhưng hiện nay trên Internet số trang viết sai đã nhiều gấp đôi số trang viết đúng.





Monday 11 June 2012

Ngôn ngữ học thống kê và thống kê ngôn ngữ học có gì khác nhau?


Tháng 8/1999 tôi ra bảo vệ luận án cấp nhà nước (từ ngữ cũ là bảo vệ chính thức). Một trong hai câu hỏi của thầy Đào Thản (phản biện 1) từ Hà Nội gửi vào  là:
Luận án này, theo tác giả, có nhất thiết phải thuộc chuyên ngành mã số là ngôn ngữ học so sánh không? Tại sao không thể thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học thống kê, ngôn ngữ học ứng dụng,  ngôn ngữ học toán học...?
Câu hỏi có vẻ hiền lành. Nhưng tôi thi ngành này thì không thể nộp bài của ngành khác được.
Tôi chọn cách trả lời là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê. Vừa nói đến đó thì thầy Trần Ngọc Thêm, thư ký hội đồng,  lập tức giễu:
-Anh ấy và thẩy của anh ấy là giáo sư Nguyễn Đức Dân viết chung hai quyển sách về ngôn ngữ học thống kê thế mà bây giờ lại bảo là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê.
Hội đồng và cử tọa cười ồ vui vẻ rồi chuyển sang tiết mục khác.
Nhưng quyển sách in ở nhà xuất bản Giáo Dục có tựa là Thống kê ngôn ngữ học. Tập 1 là Nhập môn in năm 1998. Tập 2 là Một số ứng dụng in năm 1999. Không phải ngôn ngữ học thống kê.
Năm 1984 thầy Dân ra quyển Ngôn ngữ học thống kê ở nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp. Thuật ngữ ngôn ngữ học thống kê đã được giới chuyên môn chấp nhận mấy chục năm rồi. Thầy Dân dạy ngôn ngữ học thống kê ở đại học Tổng Hợp Hà Nội từ đầu những năm 70. Tôi thay thầy dạy môn này ở đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994. Tên môn học trong chương trình vẫn là ngôn ngữ học thống kê. Bảo là không có ngôn ngữ học thống kê, người ta thấy buồn cười là phải.
Năm 1996 tôi sang Pháp học, thấy người ta bảo rằng thuật ngữ linguistique statistique (tiếng Việt là ngôn ngữ học thống kê) có chỗ không ổn. Việc áp dụng phương pháp thống kê trong nghiên cứu ngôn ngữ không thể là lý do duy nhất để hình thành một chuyên ngành hẹp trong ngôn ngữ học. Ngay cả một số người làm ngôn ngữ học thống kê cũng không gọi các nghiên cứu của mình là linguistique statistique. Họ thích được công nhận là một nhà ngôn ngữ học chân chính, hay là thành viên của một chuyên ngành nào đó đã có uy tín. Charles Muller, tiên sư của ngôn ngữ học thống kê ở Pháp, là một ví dụ. Sách của thầy Dân in năm 1984 trên căn bản dựa vào quyển sách kinh điển của Muller (Larousse xuất bản năm 1968) có tựa là Initiation à la statistique linguistique (Nhập môn thống kê ngôn ngữ học).
Khi nhà xuất bản Giáo Dục đề nghị viết lại quyển sách năm 1984, tôi bàn với thầy Dân đổi cái tựa cũ (Ngôn ngữ học thống kê) thành Thống kê ngôn ngữ học. Thầy vui vẻ chấp nhận sự thay đổi đó. Nhưng xem ra với giới chuyên môn, đây chỉ là một sự lạm phát từ ngữ. Để cho các bên cùng vui vẻ, có lẽ nói thế này thì ổn hơn: Ngôn ngữ học thống kê là một chuyên ngành sử dụng thống kê ngôn ngữ học. Có điều những người bác bỏ tư cách chuyên ngành hẹp của ngôn ngữ học thống kê không khi nào chấp nhận định nghĩa đó.
Ngành của tôi còn vài chục cặp thuật ngữ như vậy: xã hội-ngôn ngữ học / ngôn ngữ học xã hội, thần kinh ngôn ngữ học / ngôn ngữ học thần kinh... Nghe mà phát thần kinh luôn. Nhưng đó là câu chuyện khác ở một dịp khác.

Friday 30 March 2012

Ấn tượng Hán Việt là gì?


Ấn tượng Hán Việt là mức độ đậm nhạt của nguồn gốc Hán của một từ ngữ Việt trong nhận thức của người Việt.  Khái niệm và thuật ngữ ấn tượng Hán Việt được nhóm nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của ông Bùi Khánh Thế sử dụng lần đầu trong công trình Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001). Nhóm này (Nguyễn Hoài Thu Ba & Trần Thị Kim Anh, sđd. tr. 151-175) tiến hành điều tra trên 285 sinh viên năm thứ hai khoa Ngữ Văn Anh (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh, sau đây sẽ gọi là “nhóm sinh viên”) và 167 học sinh lớp 10 trường Phổ Thông Trung Học Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, sau đây sẽ gọi là “nhóm học sinh trung học”) thì thấy:
- 52% học sinh trung học và 74,2% sinh viên cho rằng xa lộ là một từ Hán Việt. Trong danh sách 15 từ ghép được đưa ra khảo sát, xa lộ là từ tạo được ấn tượng Hán Việt cao nhất ở cả hai nhóm. Đồng hạng 2 ở cả hai nhóm là ngôn ngữ (48% học sinh trung học và 74% sinh viên).
-Thường xuyên là một từ Hán Việt chân chính nhưng số người chọn câu trả lời đúng không nhiều: 17,9% học sinh trung học (xếp hạng 13/15) và 29,8% (?) sinh viên (xếp hạng 9/15).
-Hiện naybắt đầu được xếp hạng giống nhau ở cả hai nhóm. Chỉ 5,3 % học sinh trung học và 8,7% sinh viên cho rằng hiện nay là từ Hán Việt (đồng hạng 14/15). Trong khi đó 3% học sinh trung học và 4% sinh viên thấy bắt đầu là một từ Hán Việt (đồng hạng 15/15).
Nói chung, các từ được xếp hạng giống nhau khá nhiều: thủ môn (đồng hạng 4), chương trình truyền hình (đồng hạng 10), lý do (đồng hạng 11), yêu thương (đồng hạng 12). Sự chênh lệch, nếu có, thường không đáng kể: tiêu dùng xếp hạng 6 ở nhóm học sinh và hạng 5 ở nhóm sinh viên; vận động viên hạng 5 ở nhóm học sinh xuống hạng 6 ở nhóm sinh viên; điểm yếu hạng 7 ở nhóm học sinh nhưng xuống hạng 8 ở nhóm sinh viên.
- Có 12,5%  học sinh trung học nghĩ rằng tham gia là một từ Hán Việt (xếp hạng 8) trong khi chỉ 9,8% sinh viên đồng ý với điều này (hạng 13/15). Chênh lệch hạng cũng đáng chú ý ở từ nguyên nhân (hạng 3 ở nhóm học sinh trung học và hạng 7 ở nhóm sinh viên), thế giới (hạng 9 ở nhóm học sinh trung học và hạng 3 ở nhóm sinh viên).

Wednesday 28 March 2012

Từ Hán Việt chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong vốn từ tiếng Việt?


Câu hỏi nhảm, nên chỉ có thể trả lời nhảm thôi: Ai đếm được, ta xin gọi là thầy.
Vấn đề đặt ra trên đây có liên quan đến vài vấn đề con nan giải:
1)      Từ là gì? Anh hùng là một từ hay hai từ? Chủngtrong Hợp Chủng Quốc có phải là chủng của chủng tộc không, hay phải đếm chung nó với chúng của quần chúng, chúng mày, chúng nó?  Nếu công nhận tiếng Việt có từ ghép thì thống kếthống kê sẽ được gom chung vào một từ vị hay sẽ được tính như hai đơn vị riêng biệt? Nói tóm lại là tùy quan niệm của người nghiên cứu, kết quả đếm được sẽ rất khác nhau, dẫn đến những phân số khác nhau.
2)      Từ Hán Việt là gì? Có người hiểu đơn giản là “từ Việt gốc Hán”. Có người hiểu hẹp hơn là “từ Việt gốc Hán trên cơ sở Đường âm”. Trong nhiều trường hợp, xác định gốc Hán cho một từ Việt không phải chuyện dễ; khẳng định đó là âm Hán thượng cổ, trung cổ, hậu Hán Việt... càng phức tạp hơn.
3)      Tiếng Việt là tiếng Việt nào? Người ta thường hiểu ngầm là tiếng Việt hiện đại, không phải tiếng Việt của Nguyễn Trãi hay Quang Trung. Nhưng tiếng Việt hiện đại bắt đầu từ năm nào? Gia Định Báo hay Nông Cổ Mín Đàm có được xem là thuộc về giai đoạn hiện đại không? Tiếng Việt của bọn phản động có được tính đếm không? Nếu chỉ tính xuất bản phẩm dưới một chế độ chính trị nhất định, trong một quãng thời gian nhất định thì có gom tất cả các thể loại không hay chỉ giới hạn ở một phong cách nào đó (thơ, truyện ngắn, truyện dài, luận án...)?
4)      Vốn từ là gì? Chỉ là tập hợp tất cả các đơn vị từ vựng nhận diện được trên văn bản thực (giả sử vấn đề con số 1 đã được giải quyết) hay kể luôn cả những đơn vị có khả năng xuất hiện nhưng ta chưa gặp? Không có cái bộ phận tiềm tàng ấy thì sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là “từ mới”, nhưng làm thế nào đo đếm hay ước lượng cái phần chìm của tảng băng?
5)      Ta có sống đủ lâu để nhìn thấy cách giải quyết các vấn đề con đã nêu không?

Sunday 8 January 2012

Cứu cánh là cái gì? Nó cứu ai?


Câu tiếng Pháp La fin justifie les moyens thường được dịch ra tiếng Việt là Cứu cánh biện minh cho phương tiện, cũng có khi được dịch là Mục đích biện minh cho phương tiện, có khi lại được dịch là Mục đích cuối cùng biện minh cho phương tiện hay Kết quả biện minh cho phương tiện.
Hán Việt từ điển giản yếu định nghĩa cứu cánh (chữ Hán là  ) là cuối cùng, kết quả và cho  ví dụ cứu cánh mục đíchcái mục đích cuối cùng (Đào Duy Anh, 2005:142). Như vậy dịch finmục đích hay mục đích cuối cùng hay cứu cánh đều được. Chỉ có điều là ai cũng hiểu ngay mục đíchmục đích cuối cùng (ít phổ biến hơn), nhưng lại hiểu cứu cánh không giống nhau. Người thì bảo nó phải cùng nghĩa với mục đích (vì cứu cánhmục đích từ cùng một câu tiếng Tây mà ra). Người lại bảo cứu cánh phải là cái gì đó cứu được mình mặc dù chẳng ai hiểu được cái phương tiện cứu mình biện minh cho phương tiện nào.
Tháng 3/1998, nhóm nghiên cứu của ông Bùi Khánh Thế (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh) điều tra trên 285 sinh viên năm thứ hai của khoa Ngữ Văn Anh (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh) và 167 học sinh lớp 10 trường phổ thông trung học Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả thu được, theo báo cáo của Nguyễn Hoài Thu Ba và Trần Thị Kim Anh (2001:172) cho thấy:
-Đa số chọn câu trả lời sai (45,5% sinh viên và 88% học sinh) hoặc không trả lời (25,2% sinh viên và 0,8% học sinh).
-Rất ít người chọn câu trả lời đúng (29,3% sinh viên và 11,3% học sinh).Kết quả thu được với các từ ngữ Hán Việt khác trong cùng đợt khảo sát khiến ta có quyền nghi ngờ rằng câu trả lời đúng rất có thể chỉ là một kết quả may rủi. Số người thật sự hiểu nghĩa của cứu cánh có lẽ còn thấp hơn rất nhiều.

Wednesday 4 January 2012

Xoay xở hay xoay sở?

Cách đây khoảng mười năm, một nhóm nghiên cứu ở Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của ông Bùi Khánh Thế đã lưu ý rằng “hiện tượng sai chính tả đã phổ biến, và đang trở thành một tranh chấp thực sự” (Đặng Thái Minh & Nguyễn Vân Phổ, 2001:99). Từ một kho ngữ liệu 14 triệu lượt từ, nhóm này tìm được 19 xoay xở và 10 xoay sở.
Sự phân bố về mặt thể loại càng thú vị hơn. Cả hai dạng đều không có mặt trong công văn, giấy tờ hành chính (dĩ nhiên). Trên hầu hết các thể loại, tỷ lệ sai chính tả xấp xỉ 50%. Trên các văn bản có tính cách cá nhân (thư tín, nhật ký), sai đúng ngang nhau. Trong khi đó người ta hầu như không viết sai trên các văn bản phổ biến khoa học (kiểu tạp chí Kiến Thức Ngày Nay...).
Số liệu thống kê (tần số) phần nào cho thấy chính tả phải được xem xét và cân nhắc từng trường hợp cụ thể chứ không thể là quy định nhất loạt cứng nhắc. (Đặng Thái Minh & Nguyễn Vân Phổ, 2001:99)
Hiện nay trên Google dạng sai chính tả đã phổ biến gấp mười lần dạng chuẩn.

Friday 25 November 2011

Dông tố hay giông tố?

Các từ điển xưa chỉ có dông với nghĩa là gió lớn trong lúc chuyển mưa (Huình Tịnh Của, 1896a: 243; Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:156; Lê Văn Đức, 1970a:377). Một số từ điển hiện nay cũng coi dông là dạng duy nhất đúng chính tả (Nguyễn Như Ý, 1999:548). Tuy nhiên cũng có một số từ điển hiện nay chấp nhận cả dônggiông, xem như hai biến thể của cùng một từ (Nguyễn Kim Thản, 2005: 474 và 689; Hoàng Phê, 2006: 263 và 403). Trên thực tế tần số của giông tố đè bẹp khả năng xuất hiện của dông tố. Cỗ máy tìm kiểm Google cũng khuyến cáo người dùng nên tìm kiếm giông tố thay vì dông tố.

Có vẻ như dạng sai chính tả bắt đầu ngoi lên kể từ khi Vũ Trọng Phụng cho xuất bản quyển tiểu thuyết  lấy nhan đề là Giông tố vào năm 1937. Tác phẩm như Giông tố và nhà văn tầm cỡ Vũ Trọng Phụng nhất định phải có vai trò quan trọng trong việc phổ biến cách viết sai. Tuy nhiên cái lỗi chính tả đó cũng phải phù hợp với cảm thức của người Việt nên nó mới dễ dàng được chấp nhận như ta thấy hiện nay.

Wednesday 26 October 2011

Rừng có mạch không?

Trung bình cứ 81 người viết tai viết mạch rừng mới có 1 người viết tai vách mạch dừng và người này bị coi là viết sai chính tả! Nhưng từ điển Lê Văn Đức (1970b:309) chỉ ghi nhận tai vách mạch dừng, không có tai vách mạch rừng.


Một quyển từ điển hồi đầu thế kỷ 20 là Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:161) có hai mục từ dứngdừng, xem là cùng nghĩa, và giải thích là nan để làm cốt vách và cho ví dụ là rút dây động dừng (không phải động rừng). Câu tục ngữ Tai vách mạch dừng được ghì ở trang 504 của cuốn từ điển ấy. 


Bây giờ kỹ thuật xây cất nhà cửa đã khác nên dừng trở nên vô nghĩa, rừng nghe hợp lý hơn. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:1482) ghi nhận cả tai vách mạch dừngtai vách mạch rừng. Hoàng Phê (2006:883) chỉ có tai vách mạch rừng.

Wednesday 28 September 2011

Xe ba lua là xe gì?

Xe ba lua là xe tải hạng nặng. Gốc Pháp là poids lourd, vào tiếng Việt thành boa luaba lua. Ba lua thông dụng hơn. 

Monday 8 August 2011

Nên viết là xốt cà chua hay sốt cà chua?

Từ điển Nguyễn Như Ý (1999) chấp nhận cả sa bôxa bô (gốc Pháp là sabot), sa lôngxa lông (gốc Pháp là salon), sa tanhxa tanh (gốc Pháp là satin) nhưng chỉ công nhận xốt (gốc Pháp là sauce).
Trên thực tế cách viết sốt cà chua lại phổ biến hơn.
Đối với người Bắc, viết xốt hay sốt đều phát âm như nhau và khá gần với phát âm gốc tiếng Pháp. Nhưng không có luật nào bắt buộc từ vay mượn phải phát âm giống hệt từ gốc cho nên nếu có ai viết là sốt và phát âm theo kiểu Nam Bộ thì đó cũng không phải là một cái tội đáng để lên án. Cách giải quyết tốt nhất có lẽ là chấp nhận cả xốtsốt.