Thursday, 10 May 2012

Con chuột nào được ăn bởi con mèo?


Nhớ hồi cấp II học tiếng Pháp, một trong những nội dung trọng tâm kỳ thi nào, năm nào cũng gặp là voix passive (thuật ngữ hiện nay gọi là thái bị động), học sinh tha hồ sai. Năm lớp 8 thoát được nỗi sợ truyền kiếp đó nhờ học với cô giáo Liên luyện cho đổi tới đổi lui, đổi xuôi đổi ngược rồi cứ bám theo câu tiếng Pháp mà ghi nhớ mẹo luật. Hễ chiều này là Con mèo ăn con chuột thì chiều kia phải là Con chuột được ăn bởi con mèo. Được có thể thay thành bị nhưng cứ nhớ ít cho dễ. Bắt buộc phải có bởi; nếu không, lúc viết câu tiếng Pháp, thiếu từ par, sẽ sai. Phức tạp hơn một chút, và thường gặp trong đề thi, là động từ ở thì này thì nọ: Con mèo đã ăn con chuột tương đương với Con chuột đã được ăn bởi con mèo... Cắc cớ hơn nữa có thể có dạng phủ định hoặc  nghi vấn hoặc cả hai: Con chuột đã không bị ăn bởi con mèo phải không?
Nếu chỉ là chuyện xài tiếng Việt để ghi nhớ cấu trúc tiếng Tây thì cũng chưa có gì đáng nói mấy. Cả khi dịch xuôi từ tiếng Pháp ra tiếng Việt cũng phải bám lấy cái cấu trúc ấy. Chỉ có thể dịch Con chuột đã được ăn bởi con mèo, hay cùng lắm là Con chuột đã bị ăn bởi con mèo chứ Con chuột đã bị con mèo ăn là không sát, càng không thể dịch Con chuột bị con mèo ăn mất rồi.
Ba bốn chục năm qua, từ bởi đã trở nên quen mắt đến nỗi dường như viết một câu văn mà thiếu nó là không xong: Chương trình này được tài trợ bởi Nokia... Chương trình kia được thực hiện bởi các bộ có liên quan của các nước.... Cho nên một câu như Quyển sách này do giám đốc nhà máy sản xuất giày dép thành phố Hồ Chí Minh viết mới bị chê là không thuận tai, được sửa thành Quyển sách này được viết bởi giám đốc nhà máy sản xuất giày dép thành phố Hồ Chí Minh, cứ như thể là không có bởi thì không còn cách nào viết lại cái câu bị chê kia.

Wednesday, 9 May 2012

Tiếng Việt bây giờ sao lắm sự thế?


Năm 1981 tôi học dịch Việt Pháp với bà Nguyễn Thị Phương Dung. Bà cho dịch câu gì quên rồi, nhưng tôi nhớ có một cụm từ là trên bầu trời mênh mông (hay mênh mang, bao la gì đấy). Tôi dịch là dans l’immense firmament, được bà khen vì không dùng từ ciel quá tầm thường mà dùng một từ firmament nên thơ hơn nhiều. Nhưng bà vẫn sửa:
-Nên dịch là dans l’immensité du firmament.
Bà giáo lấy cái sự mênh mông (immensité) làm thành phần trung tâm, bầu trời (firmament) trở thành yếu tố phụ nghĩa. Tây nói sự mênh mông của bầu trời thì hay nhưng Việt thì phải nói bầu trời mênh mông mới đúng với kiểu tư duy của người Việt. Viết tiếng Pháp mà quá ít danh ngữ kiểu immensité du firmament, quá nhiều immense firmament là biết ngay Việt viết tiếng Tây chưa thạo. Tương tự, không viết bầu trời mênh mông lại viết sự mênh mông của bầu trời thì có thể biết ngay đó là Tây viết tiếng ta.
Nhiều người dịch hiện nay cứ đụng tới danh từ của tiếng Tây là nhất loạt chuyển thành sự: sự im lặng của bầy cừu, sự thiếu quan tâm của lãnh đạo, đừng chết vì sự thiếu hiểu biết... Có lẽ họ nghĩ rằng cần phải sự... sự... thật nhiều để thể hiện (sự) tư duy đặc thù của người Tây chăng? 

Tuesday, 8 May 2012

Mặt đỏ như vang có phải là vì/như rượu vang không?


Vang là thứ cây có vỏ màu đỏ, dùng làm thuốc nhuộm (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:624; Nguyễn Kim Thản, 2005:1765). Tục ngữ có câu Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ là nói đến màu đỏ của cây vang này, không phải màu đỏ của rượu vang. Rượu vang (do tiếng Pháp vin, nghĩa là rượu nho) có thứ đỏ (vin rouge), thứ trắng (vin blanc), thứ hồng (vin rosé), không cứ rượu vang là phải màu đỏ.

Monday, 7 May 2012

Nước Suy-ét ở đâu?

Đó là nước Thụy Điển. Hồi đầu thế kỷ 20 tên nước này được phiên âm qua tiếng Pháp (Suède) là Suy-ét.
* Quan Léon Bourgeois Nghị-trưởng Thượng-nghị-viện nước Phờ-răng là một nhà có công chiến-tranh với lao-chứng mới được phần thưởng Nobel (là một giải-thưởng phổ-thông cho nhân-tài cả toàn thế-giới do người Suy-ét (Suède) khi chết di-chúc gửi vào một nhà ngân-hàng chắc-chắn bên Mĩ sinh-tức hàng năm đem thưởng cho những nhà phát-minh trong khoa-học. Nam Phong Tạp Chí số 62 (1922:113, Trần Quán-Chi)
Về sau người ta phiên qua tiếng Hán, dùng âm Hán Việt thành Thụy Điển. Âm này đến nay vẫn thông dụng. Trong khi Chí Lợi được đổi thành Chi-lê, Á Căn Đình thành Ác-hen-ti-na, Ba Tây thành Bra-xin, Nguy Địa Mã Lập thành Goa-tê-ma-la... cho sát với tên gốc (hay cho xa với âm Hán cũng thế) thì Thụy Điển vẫn cứ là Thụy Điển. Không ai nghĩ đến chuyện phải đổi tên nước này theo tên gốc là Sverig. Hiện nay để phân biệt Thụy Điển với Thụy Sĩ, nhiều người xài thẳng tiếng Anh cho nó lành và không phiên âm (Sweden)

Saturday, 5 May 2012

Nghĩa gốc của ba hoa là gì?

Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:17) cắt nghĩa:
Ba hoa. Tiếng đánh kiệu, mỗi thứ ba quân. Nghĩa bóng là nói bâng quơ, có ý khoe khoang.
kiệu là Lối đánh bài lá, tính phân hơn kém (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:266)
Trò chơi này dùng bộ bài tổ tôm; hai, ba, bốn người chơi đều được.
Đơn giản thế thôi!

Phụ âm /v/ của tiếng Pháp có thể chuyển thành h khi vào tiếng Việt không?


Nhiều người tin bavard của tiếng Pháp là nguyên từ của ba hoa tiếng Việt (Lê Ngọc Trụ, 1992:465; Hồ Lê (1997:126), Đặng Thái Minh (2011:57). Có nhiều ý kiến hoài nghi mức độc xác đáng của thuyết này. Tuy nhiên ý kiến phản biện nhiều khi lại khiến cho giả thuyết đó thêm vững chắc. Một trong số những ý kiến như vậy là việc cho rằng phụ âm /v/ của tiếng Pháp không thể chuyển thành h khi vào tiếng Việt.
Trước hết, việc một âm của tiếng này chuyển thành một âm lạ hoắc trong tiếng khác không phải là việc hiếm thấy. Lính tráng đi ắc ê, nay gọi là đi một, hai thì từ ắcê đều rất khó truy nguyên đến unedeux của tiếng Pháp bởi vì không thể tìm ra điểm chung nào giữa âm gốc và âm tiếng Việt. Âm chuẩn không phải là âm thực tế của cai đội Tây; âm này lại tiếp tục biến dạng qua tai và miệng của những người lính Việt ít học rồi cứ thế tiếp tục biến đổi: ắng đê, ắc đê, ắc ê.
Như vậy việc chuyển /v/ thành bất kỳ âm nào là điều không có gì lạ. Trên thực tế việc chuyển thành h không phải là hiếm. Giấy hoảnh là giấy hai chục bạc (vingt). Diện áo u hoe, tay lo le điều xì gà tàn hay diện áo u ve cũng thế; tiếng Tây gọi là veston ouvert. Valise thành va-li ai cũng biết rồi, nhưng cũng có thể thành hoa li / hoa ly (Nguyễn Quảng Tuân, 1992:200; Lê Ngọc Trụ, 1993:802; Nguyễn Như Ý, 1999:813). Vanille thành va ni và cả hoa ni (Lê Ngọc Trụ, 1993:803)... Có lẽ vì hiện tượng chuyển đổi này khá phổ biến nên nếu có việc ngộ nhận bavard là nguyên từ của ba hoa thì đó cũng là điều tự nhiên, dễ hiểu.

Nguồn gốc của hai tiếng "ba hoa" (An Chi - Bách Khoa Tri Thức)

          ĐỘC GIẢ: Tại một bài viết in trong tập kỷ yếu của Hội nghị khoa học về vấn đề ''Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt'', (TP.HCM 3.1997) tác giả Hồ Lê có khẳng định rằng từ ''ba hoa'' của tiếng Việt là do tiếng Pháp ''bavard''' mà ra (tr.126). Xin cho biết có phải từ nào của tiếng Việt có âm na ná với âm của một tiếng Pháp nào thì đều do tiếng Pháp đó mà ra hay không?
            AN CHI: Trên KTNN 107, khi nhận xét về ý kiến của Lê Trung Hoa cho rằng tên đệm ''Văn” của nam giới và “Thị” của nữ giới trong tiếng Việt có thể là do hai tiếng ''ben'' và ''binti” do các chú lái buôn người Ả-rập đem đến, chúng tôi có viết: ''Nói ben có thể cho ra văn còn binti có thể cho ra thị chẳng khác nào nói rằng tiếng Pháp petit đã cho ra tiếng Việt bé tí còn colosse thì đã cho ra khổng lồ, chẳng khác nào nói rằng tiếng Ý ciao đã cho ra tiếng Việt chào còn tiếng Tây Ban Nha niño thì đã cho ra "nhỏ nhí". Trên KTNN 170 chúng tôi cũng đã chứng minh rằng từ ba (trong ''ba má'') không phải do tiếng Pháp papa mà ra, mà lại bắt nguồn ở danh từ pá  của tiếng Quảng Đông. Vậy vấn đề không phải ở chỗ thuần túy có sự trùng hợp về ngữ âm. Cái thí dụ đã trở thành cổ điển trong ngữ học so sánh là tính từ bad của tiếng Anh và tính từ bad trong tiếng Ba Tư hoàn toàn không có liên quan gì đến nhau mặc dù đó là những từ cùng nghĩa và hơn thế nữa, mặc dù tiếng Anh và tiếng Ba Tư có họ hàng với nhau.
            Bây giờ trước khi nói về hai tiếng ba hoa, chúng tôi xin nói một chút về hai tiếng láp mà một số người biết tiếng Pháp cũng cho là do tiếng Pháp palabre (= cuộc nói chuyện dông dài) mà ra. Palabre > bá láp là chuyện xem ra rất có lý. Nhưng sự thật lại hoàn toàn chẳng phải như thế vì trước khi người Việt Nam chính thức tiếp xúc với tiếng Pháp thì hai tiếng bá láp đã tồn tại trong tiếng Việt... tự bao giờ. Và tiếng Việt chẳng những có bá láp mà còn có: láp, tam láp, láp giáp, đều là những hình thức có liên quan với nó về mặt ngữ nghĩa cũng như về mặt cấu tạo từ (Dẫn theo: Hoàng Dũng, Các tổ hợp phụ âm tắc bên trong tiếng Việt, luận án Phó tiến sĩ khoa học ngữ văn, bản đánh máy, Hà Nội, 1992, tr.40). Hoặc như từ đía (= phét lác, lắm mồm) trong phương ngữ Nam Bộ thì nhiều người biết tiếng Pháp cũng cho là do động từ dire (= nói) mà ra. Thực ra, đó là một từ Việt gốc Hán cận đại bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ , có nghĩa là nói nhiều, nói luôn mồm, mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là điệp còn âm Bắc Kinh là dié.
            Trở lại với hai tiếng ba hoa, và nếu không cần đếm xỉa đến những điều kiện khác, thì bavard > ba hoa có vẻ như rất có lý. Nhưng tính hữu lý sẽ lung lay khi người ta xét từ ba hoa về mặt trọng âm của từ này được thể hiện theo mô hình [11] mà Cao Xuân Hạo gọi là spondée trong khi một từ hai âm tiết phiên âm từ tiếng Pháp sẽ phải có mô hình [01] mà Cao Xuân Hạo gọi là iambe, thí dụ: ét-xăng; ga-ra; xú-chiêng; xi-măng; đều nhận thức rằng ba hoa có mô hình trọng âm [11] và không phải là kết quả của một sự phiên âm từ tiếng Pháp nên chẳng có ai dùng gạch nối (-) mà viết thành ''ba-hoa” cả. Trong khi đó thì những từ song tiết phiên âm từ tiếng Pháp đều được viết có gạch nối. Ngoài những thí dụ đã thấy ở trên, còn có thể kể ra hàng loạt thí dụ khác: ty-pô, li-tô, cà-rốt, ca-rô, đề-pô, v.v… (Ở đây không kể đến những người chủ trương không dùng gạch nối một cách “đại trà” và vô nguyên tắc, cái gì cũng nối!). Đó là điểm thứ nhất.
            Điểm thứ hai, nếu ba hoa là một từ phiên âm từ tiếng Pháp thì khó mà có được những kiểu kết hợp như: ba hoa chích chòe, ba hoa thiên địa, ba hoa xích đế, vốn là những lối nói đã có từ lâu đời trong khẩu ngữ của dân gian. Cũng giống như nếu bá láp là một hình thức phiên âm từ tiếng Pháp thì chẳng làm sao có được kiểu kết hợp như bá xàm bá láp hoặc bá láp bá xàm, có khi cũng biến đổi thanh điệu mà nói thành ba láp ba xàm, vốn là những lối nói lâu đời đã có từ trước khi tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Pháp.
            Điểm thứ ba là v- của tiếng Pháp vẫn được phiên âm một cách bình thường thành v- của tiếng Việt chứ không thành hw-. Thí dụ: vaccin > vắc-xin; valise > va-li; valse > (điệu) van; vareuse > va-rơi; vecteur > véc-tơ, veine > ven; vert > ve; vernis > véc-ni; veste > (áo) vét; vin > (rượu) vang, vitamine > vi-ta-min; volée > vô-lê; v.v… Vậy (ba)vard không thể thành (ba) hoa.
            Vì ba điểm trên đây nên chúng tôi khẳng định rằng ba hoa không phải do bavard mà ra. Đó có thể là một danh ngữ đẳng lập gồm có hai thành tố gốc Hán cận nghĩa (nên mới có mô hình trọng âm [11]) mà quá trình thành hình có thể đã diễn ra như sau. Thoạt đầu người ta có từ láy Hán Việt ba ba , cũng viết 巴巴, có nghĩa là nói nhiều, ba hoa (Mathews' Chinese-English Dictionary: ''loquacious"). Bên cạnh ba ba, người ta còn có từ ghép Hán Việt huyên hoa, cũng có nghĩa là nói nhiều (hoặc ồn ào). Chúng tôi cho rằng ở đây đã xảy ra một kiểu sự cố ngôn ngữ (accident linguistique) là sự đan xen hình thức (croisement de formes), như đã có lần nói đến trên KTNN 106, nên mới tạo ra một từ mới là ba hoa để diễn đạt cái nghĩa đang dùng hiện nay, trong đó ba vấn là của ba ba còn hoa vốn là của huyên hoa. Hoặc cũng có thể, nếu không phải là kết quả của một sự đan xen hình thức, thì đây là một từ tổ mà tự người Việt Nam đã cấu tạo bằng hai thành tố ba và hoa của tiếng Hán nên ba hoa mới không có trong thư tịch của Trung Hoa.
            Nhưng dù con đường sản sinh ra từ ba hoa trong tiếng Việt có như thế nào, thì từ này, theo chúng tôi, cũng không thể do tiếng Pháp bavard mà ra.