Sunday, 3 June 2012

Vật tổ và tô-tem (Năng Lượng Mới số 93 , 10-2-2012, An Chi)


  Bạn đọc : Xin ông cho biết vật tổ là gì và có khác với totem không. Trên Kiến Thức Ngày Nay Xuân Nhâm Thìn (2012), trong bài “Năm rồng nhắc chuyện Con Rồng Cháu Tiên” (tr. 30-32 & 110), tác giả Nguyễn Công Thuần đã viết tại cước chú số 4: “Vật tổ của Trung Quốc là Rồng, Hoa Kỳ là Chim Ưng, Anh là Sư Tử, Ấn Độ là Voi, Pháp là Gà Trống, còn Việt Nam là phức thể «Con Rồng cháu Tiên».” Xin cho biết có đúng như thế không.
                                                   (Tô Thạnh & Đặng Thị Tuyết Ánh, 6/1 Cách mạng Tháng Tám, Q.1, TPHCM)
        An Chi : Vật tổ là một khái niệm mà ta dịch từ tiếng Pháp hoặc tiếng Anh totem, có khi cũng phiên âm thành tô tem, có khi để nguyên (totem); còn Tàu thì phiên âm sang tiếng Hán thành đồ đằng 圖騰(âm Bắc Kinh là túténg). Xin chú ý rằng vật tổ ở đây là một danh ngữ đặt theo cú pháp tiếng Việt, trong đó vật là danh từ trung tâm và tổ là thành phần bổ nghĩa; còn trong tiếng Hán thì vật tổ 物祖 có nghĩa là tổ của muôn loài, trong đó vật là định ngữ và tổ mới là trung tâm (bị định ngữ).
Totem là một thuật ngữ mà tiếng Anh đã mượn từ một ngôn ngữ của người bản địa Châu Mỹ. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia  do Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thuỵ, Nguyễn Đức Dương biên soạn (Nxb Văn hoá Sài Gòn, 2005) giảng totem là “động vật, cây cỏ , đồ vật hoặc hiện tượng tự nhiên mà tộc người nguyên thuỷ coi là biểu tượng thiêng liêng của bộ tộc mình và tin rằng những thứ đó có mối liên hệ siêu tự nhiên, và có sự gần gũi máu thịt”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) cũng giảng tô tem là: “Động vật hay thực vât người nguyên thuỷ sùng bái, coi là tổ tiên của thị tộc: Tô tem của người Việt nguyên thuỷ là con cá sấu.” Trang mạng http://vi.oldict.com đã dùng từ tô-tem một cách chính xác khi khẳng định rằng “Tô-tem của người Việt nguyên thuỷ là con cá sấu.” Còn tác giả Nguyễn Công Thuần thì đã nhầm lẫn nên mới đánh đồng biểu tượng (thông thường) với totem, tức vật tổ. Những thứ mà ông Thuần đưa ra, từ Chim Ưng (Hoa Kỳ), Sư Tử (Anh), Voi (Ấn Độ), Gà Trống (Pháp) cho đến cái phức thể “Con Rồng cháu Tiên” đều không phải là vật tổ.
        Con gà trống, chẳng hạn, chỉ là biểu tượng quốc gia (symbole national) của nước Pháp chứ không phải vật tổ của người Pháp, nhưng cũng không chính thức như trường hợp Chim Ưng đối với Hoa Kỳ. Vả lại, người ta cũng không nói “con gà trống” mà phải nói đầy đủ là “con gà trống Gô-loa” (coq gaulois). Dĩ nhiên là trong một ngữ cảnh xác định thì người ta có thể tỉnh lược “Gô-loa”, chẳng hạn trong câu mà Allain Jules chửi Nicolas Sarkozy trên blog của mình: “Ôi, như thường lệ, hai chân vẫn đứng trên bãi phân của mình, con gà trống gáy như một tên tay sai của Washington.   ” (“Syrie – Bachar 1 Sarkozy 0 : Paris a-t-il un satellite à Damas ?”, allainjules.com, 29-12-2011).
Việc lấy con gà trống Gô-loa làm biểu tượng có bao hàm một sự chơi chữ ý nhị ở trong đó. Biểu tượng này cũng chỉ ra đời từ thời Trung đại rồi mới trở nên đắc dụng từ thời Phục Hưng, đặc biệt là vào thời Cách mạng Pháp 1789. Còn vật tổ thì …có tuổi thọ cao hơn nhiều. Tổ tiên của người Pháp là người Gô-loa (Gaulois). Người Gô-loa, tiếng La Tinh gọi là Gallus. Danh từ riêng  Gallus trong tiếng La Tinh lại có một từ đồng âm tuyệt đối là danh từ chung gallus, có nghĩa là gà trống. Thế là cái vỏ ngữ âm galluscủa tiếng La Tinh vừa biểu hiện khái niệm “người Gô-loa” lại vừa biểu hiện khái niệm “gà trống”. Vậy cứ theo ngôn ngữ này, người ta có thể chơi chữ bằng hình thức calembour (song quan) mà hiểu rằng: Người Gô-loa (Gallus) = con gà trống (gallus).
Đó là lý do tại sao người Pháp lại lấy con gà trống Gô-loa làm biểu tượng của dân tộc mình. Nếu ta biết rằng tiếng Pháp hiện đại là do tiếng La Tinh thông tục (latin populaire) mà ra thì ta cũng sẽ không lấy làm lạ tại sao người Pháp lại căn cứ vào tiếng La Tinh để chọn biểu tượng cho quốc gia, dân tộc của mình như thế.
Đến như cái con chim ưng mà lại bảo là vật tổ của dân Hoa Kỳ thì chẳng oan cho cả con dã cầm đó lẫn cái quốc gia này hay sao? Vật tổ là một khái niệm về xã hội và tâm linh từ thời đại thị tộc mà nếu tính từ ngày tuyên bố độc lập là 4-7-1776 thì Hợp Chúng Quốc Châu Mỹ cũng chỉ mới “hưởng dương” được 236 năm. Moi ở đâu ra vật tổ? Còn ngày nay thì nó là một melting-pot – mà ta có thể dịch đùa là “món hổ lốn” – với đủ các màu da và các nền văn hoá. Thế thì nó có lắm vật tổ chăng? Nói cho khách quan, nghĩa là cho hoàn toàn đúng với sự thật lịch sử, thì “vật tổ” của nó chỉ là bọn thực dân Tây Âu sang đó ăn cướp vàng bạc, của cải và dĩ nhiên là cả đất đai của người da đỏ để lập quốc.
        Còn “Con Rồng cháu Tiên” mà lại là vật tổ của Việt Nam ư? Thật là loạn ngôn mất rồi! Nếu quả thật có cái gì đó dính dáng đến khái niệm “vật tổ” trong cái thành ngữ bốn tiếng này thì đó chỉ là Rồng và Tiên mà thôi. Còn con Rồng cháu Tiên thì chính là chúng ta ngày nay đấy! Ông Nguyễn Công Thuần muốn biến tất cả chúng ta thành vật tổ thì chẳng phải là xấc xược lắm ru?

Friday, 1 June 2012

Vì sao báo chí không thích bị gọi là lá cải?


Không một tờ lá cải nào thích bị gọi là lá cải. Lá cải là kết quả dịch sao phỏng từ feuille de chou của tiếng Pháp, dùng để chỉ thứ báo chí nhảm nhí. Cải là thứ rau dễ trồng lấy lá, để làm thức ăn cho bình dân. Báo chí nhảm nhí, rẻ tiền bị xem là không đáng một cái lá cải.

KHẢO CỨU VỀ DANH XƯNG “CẦN HÚC” - Huỳnh Công Bá

4.Khảo cứu về danh xưng “CẦN HÚC” (TBHNH 2002)
Cập nhật lúc 23h23, ngày 03/04/2007

HUỲNH CÔNG BÁ

Trường Đại học Sư phạm Huế

      Sau khi được vua Lê cho vào trấn thủ Thuận Hóa và sau đó được giao kiêm quản cả Quảng Nam, năm 1602 chúa Tiên Nguyễn Hoàng thực hiện chuyến kinh lý đầu tiên thăm thú Quảng Nam, và kết quả của chuyến đi này là 2 năm sau, năm 1604, Chúa Tiên cho tách huyện Điện Bàn thời Lê trực thuộc dinh Thuận Hoá, nhập vào dinh Quảng Nam, thăng Điện Bàn lên làm phủ cùng với phủ Thăng Hoa và đặt dinh trấn của dinh Quảng Nam tại đây. Đó là sự kiện lịch sử mang ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp phát triển của đất Quảng, vì từ đây hai nửa Bắc Nam của Quảng Nam được hợp nhất thành một chỉnh thể địa hành chính tồn tại cho đến ngày nay.

      Song trong Đại Nam thực lục tiền biên, bộ sử biên niên của triều Nguyễn biên soạn về thời kỳ các chúa Nguyễn đã chép: cùng với sự kiện này, Chúa Tiên cho xây dựng dinh trấn Quảng Nam tại xã Cần Húc thuộc huyện Duy Xuyên (1). Nhưng địa danh “Cần Húc” ở đâu trên thực địa? Phải chăng là ở huyện Duy Xuyên hiện nay? Tại huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam xưa nay không hề có một làng xã nào mang tên Cần Húc cả. Đây cũng chính là câu hỏi đặt ra cho các sử gia trong và ngoài nước hơn một thế kỷ nay. Sách Đại Nam nhất thống chí triều Duy Tân viết: “Thời quốc sơ dựng dinh trấn Quảng Nam tại xã Cần Húc”, nhưng không cho biết Cần Húc ở đâu (2), vì các tác giả của nó không tìm được Cần Húc ở đâu trên thực địa. Sách Tiên nguyên loát yếu phổ, bản phổ hệ của dòng họ Nguyễn dưới thời các chúa, do Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân biên soạn, ra đời vào năm 1920 cũng viết: “Người ta không biết đích xác về tên làng này và cũng không rõ thuộc tổng nào” (3). Mặc dù trước đó, hồi nửa sau thế kỷ XIX, trong sách Đại Nam nhất thống chí triều Tự Đức có nói: “Cần Húc nay là xã Văn Đông, huyện Diên Phước (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – HCB), tiếp giáp xã Thanh Chiêm (nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – HCB)” (4). Nhưng tại đây, xưa nay không hề có một xã Cần Húc nào cả. Chính sách Ô châu cận lục, ra đời vào năm năm 1553, ngay trước ngày Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, không thấy chép tên xã Cần Húc trong số 66 xã của huyện Điện Bàn lúc bấy giờ; mà như chúng tôi đã có lần chứng minh, huyện Điện Bàn thời Lê vào đến tận sông Hương An, tức gồm cả đất huyện Duy Xuyên và Quế Sơn hiện nay, trong đó có địa bàn của “xã Cần Húc” (5). Đến sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn biên soạn vào nửa sau thế kỷ XVIII cũng không thấy chép tên xã Cần Húc trong danh mục tổng xã của phủ Điện Bàn và phủ Thăng Hoa. Cả hai văn bản, viết vào hai thời điểm khác nhau đều không thấy chép tên xã Cần Húc. Vậy đây không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

      Ở sách Phủ biên tạp lục, hai lần Lê Quý Đôn khi nói đến nơi đặt dinh trấn Quảng Nam đều có nhắc đến địa danh này, một là khi nói về lộ trình trên đất Quảng Nam và hai là khi nói về số quan thuộc các trấn dinh ở Thuận - Quảng, nhưng tại hai nơi chữ viết lại khác nhau và do đó ở các bản dịch đọc âm khác nhau. Ở đoạn thứ nhất văn bản viết 勤 旭 và Đào Duy Anh phiên âm là “Cần Húc” (6), còn Phạm Đình Khiêm phiên âm là “Cần Hốc” (7). Ở đoạn thứ hai văn bản lại viết 勘 殽 và Đào Duy Anh phiên âm là “Cần Hào” (6), trong khi Lê Xuân Giáo phiên âm là “Khám Hào” (8). Rõ ràng, trong sự ký âm Hán tự địa danh này có điều gì đó thiếu thống nhất, phải chăng là do người viết nắm không thật chắc về nó, hay nghe không rõ âm mà người địa phương đã gọi? Tình hình đó tiếp tục tồn tại cho đến năm 1958, khi ông Phạm Đình Khiêm quyết định tiến hành một cuộc nghiên cứu thực địa kỹ lưỡng tại hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên để tìm kiếm xã Cần Húc, nhưng kết quả ông cũng không tìm được một địa phương nào ở đây mang địa danh “Cần Húc” (7). Đến những năm 70, các ông Phan Khoang (9), Phan Du (10) và Vũ Lang (11), khi biên khảo các tác phẩm sử học và địa chí có liên quan đến Quảng Nam, cũng chỉ y theo thư tịch cổ cho dinh trấn Quảng Nam đầu tiên được lập tại xã Cần Húc thuộc huyện Duy Xuyên, và không chỉ ra Cần Húc ở đâu tại huyện Duy Xuyên. Năm 1992, Li Tana, một nhà nghiên cứu người nước ngoài, trong một bản đồ trình bày ở luận án Tiến sĩ “Xứ Đàng Trong Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII” đệ trình tại Đại học Quốc gia Australia, cũng đã chú thích dinh trấn Quảng Nam nằm ở phía nam sông Thu Bồn (12).

      Tại cuộc Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Dinh trấn Quảng Nam” tổ chức vừa qua (8/2002) tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), vì không tìm được địa điểm Cần Húc nên có người đã cho rằng Cần Húc và Thanh Chiêm chỉ “là một” mà thôi (13), hoặc “có lẽ sau khi dựng dinh trấn chúa thấy danh xưng Cần Húc không hợp nghĩa nên đã cải danh là Thanh Chiêm cho hợp với hoài bão của chúa” (14). Lại có ý kiến dựa trên chú dẫn của thư tịch cổ và chỉ dẫn lộ trình của Lê Quý Đôn tìm kiếm Cần Húc tại huyện Duy Xuyên và kết luận rằng “xã Cần Húc xưa chính là một phần của xã Mỹ Xuyên về sau, nay là địa phận của các thôn Tiệm Rượu, Xuyên Đông, Mỹ Hạt của thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên” (15). Cũng có người cho xã Cần Húc “có thể là địa bàn của làng Long Xuyên (xã Long Phước) thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên” (16). Lại có người dựa vào Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức, kết hợp với khảo sát thực địa, cho rằng “làng Cần Húc, với tên mới là làng Văn Đông”, “có thể là một địa danh gọi theo tiếng Champa”, vì “nằm về phía Đông so với dinh trấn Thanh Chiêm, nên người Việt gọi xã này là xã Vạn Đông và về sau được biến đổi thành Văn Đông” (17).

      Ngay từ năm 1994, trong bài viết “Điện Bàn phủ dưới thời Tiên Chúa Nguyễn Hoàng” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 274, dựa trên kết quả nghiên cứu từ sách Việt Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Khoa Chiêm, chúng tôi đã khẳng định Cần Húc chỉ là “hành điện” của Nguyễn Hoàng, chứ chưa phải là dinh trấn Quảng Nam, nó là nhà làm tạm để Chúa Tiên nghỉ lại trong chuyến kinh lý Quảng Nam vào năm 1602 mà thôi. Còn dinh trấn Quảng Nam đầu tiên được Nguyễn Hoàng cho lập là vào năm 1604 và đó chính là dinh trấn Thanh Chiêm mà Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến (4), và được ông Phạm Đình Khiêm khảo cứu, chỉ ra những dấu vết còn lại, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (7).

      Trên cơ sở kết quả phân tích tư liệu thư tịch, khi đi khảo sát điền dã tại vùng hạ lưu Thu Bồn vào năm 1995, chúng tôi đặt giả thiết công tác rằng có khả năng “Cần Húc” là hai mã chữ Hán được dùng để ký âm một địa danh Nôm nào đó trên đường tuần du của Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam và theo lộ trình đường thuỷ từ cửa Đại lên Câu Lâu. Dựa trên đặc điểm địa văn hoá của xứ Quảng và cả mảnh đất Trung Trung Bộ là xứ sở của “văn hoá cồn-bàu”, chúng tôi dự đoán có thể chữ “Cần” ở đây chính là ký âm không chuẩn về từ “Cồn” (danh từ dùng để chỉ một bãi cát hay một gò đất cao hơn so với xung quanh). Từ đó, trên đường thực địa, chúng tôi đã hỏi dân địa phương ở đây có “cồn ốc” (từ Cần Hốc) hay “cồn hàu” (từ Cần Hào) gì không? Và được trả lời là không có, nhưng họ cho biết ở đây có một cồn hến rộng, trải dài từ Phú Triêm lên đến Thanh Chiêm tiếp giáp với Văn Đông và trên đó có cả địa danh Bến Hến, có khả năng là nơi dừng thuyền của Tiên Chúa Nguyễn Hoàng khi đi kinh lý Quảng Nam năm 1602.

      Dựa vào những kết quả khảo cứu thư tịch và thực địa trên đây, tại cuộc Hội thảo khoa học ở Tam Kỳ, chúng tôi đã khẳng định rằng dinh trấn Quảng Nam không thành lập vào năm 1602 mà là năm 1604. Cần Húc không phải là dinh trấn đầu tiên của Quảng Nam, mà chỉ là hành điện được Nguyễn Hoàng cho dựng tạm để nghỉ lại khi đi kinh lý Quảng Nam vào năm 1602. Còn dinh trấn đầu tiên của Quảng Nam đã được xây dựng tại xã Thanh Chiêm vào năm 1604, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sở dĩ thư tịch cổ (như Đại Nam thực lục tiền biên, Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí...) đều chép Cần Húc thuộc huyện Duy Xuyên là vì vào năm 1604 cùng với việc sáp nhập huyện Điện Bàn vào Quảng Nam và nâng cấp huyện Điện Bàn lên làm phủ thì Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã có việc cắt bớt đất của huyện Điện Bàn thời Lê đem sáp nhập vào phủ Thăng Hoa, và do đó Cần Húc vốn là đất của huyện Điện Bàn bây giờ hệ thuộc vào huyện Duy Xuyên phủ Thăng Hoa, và đến thời Gia Long, Cần Húc lại trở về với huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hành điện “Cần Húc” do Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1602 có khả năng nằm trên Cồn Hến, là một cồn cát rộng ở giữa sông Chợ Củi, một nhánh phía bắc của Thu Bồn.

      Những vì chưa chỉ ra được địa điểm cụ thể nơi đặt “hành điện Cần Húc” của chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào năm 1602, nên ngay sau Hội thảo, chúng tôi đã trở lại khảo sát vùng Phú Triêm, Thanh Chiêm và Văn Đông. Tại đây, chúng tôi đã phát hiện thêm các địa danh Cồn “Dinh” và Cồn Xưởng nằm ở bờ nam sông Chợ Củi, trong đó địa danh “Cồn Dinh” được đặc biệt tìm hiểu kỹ lưỡng. Nhưng theo người dân ở đây, không hề nghe có một cái dinh nào ở phía nam sông Chợ Củi cả, mà chỉ có lăng Ông (cá ông) ở Văn Đông mà thôi.

      Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng, đến chiều ngày 29/8/2002, chúng tôi đã tìm được tên thực của địa danh “Cần Húc”, đó chính là “Cồn Úc” (do sự ký âm bằng chữ Hán không đúng chuẩn mà ra địa danh “Cần Húc”), nó nằm ngay ở phía trên Cồn Hến. Sở dĩ gọi là Cồn Úc vì thời xưa người dân xóm chài nơi đây đã đem cá úc phơi trên cồn. Cá úc là một loại cá nước ngọt, thân giống cá trê hoặc cá tràu, nhưng da có màu đen mốc giống cá chuồn. Tên gọi Cồn Úc ra đời từ đó, chứ không phải là địa danh có nguồn gốc Champa gì cả.

      Cồn Úc lúc đầu có diện tích khoảng 7 mẫu nổi lên ở vùng hạ lưu Thu Bồn, được tổ tiên các tộc họ của một nhóm dân chài nơi đây trưng làm nơi phơi lưới, về sau trở thành một xứ đất của xã Văn Đông, được dùng để trồng khoai và trồng dương. Tuy có lở và bồi, nhưng hiện nay xứ đất Cồn Úc vẫn còn nguyên vẹn cùng với nền đình Văn Đông, nhà ông Thầy Phú họ Lê và các cột mốc của làng tiếp giáp với các xã lân cận. Vậy đúng như sách Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức chép: “Cần Húc nay là xã Văn Đông huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm” (4). Hiện nay, về đại thể, Cồn úc cách Thanh Chiêm bởi một nhánh sông Thu Bồn là sông Chợ Củi, nhưng do đất lở ở bờ bắc và bồi ở bờ nam nên có một bộ phận đất Thanh Chiêm nằm tiếp giáp ngay với đất Cồn úc ở phía bắc.

      Cư dân Văn Đông vốn lúc đầu làm nghề chài lưới, nhưng về sau chia thành hai bộ phận: một bộ phận sống bằng nông nghiệp và một bộ phận sống bằng nghề buôn cá (không làm chài lưới nữa). Bộ phận buôn bán cá sử dụng ghe bầu, ghe rồi và tập trung ở nơi vạn, là một bãi sông giáp giới giữa các làng Văn Đông, An Nhơn, Xuân Mỹ, Phú Triêm và Thanh Chiêm từ Bến Lội đi ra, gọi là Vạn Đông, được người dân địa phương giải thích có nghĩa là xóm vạn của làng Văn Đông. Vạn Đông trước sau chỉ là một xóm nhỏ, chưa bao giờ được gọi là làng cả. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì giữa Vạn Đông và Văn Đông là hai địa danh hoàn toàn khác nhau, không phải là sự đổi tên từ làng Vạn Đông ra làng Văn Đông. Giữa chúng không đồng nhất với nhau về địa bàn đất đai. Vạn Đông nằm trong địa bàn Văn Đông và chỉ là một xóm nhỏ của Văn Đông. Nhưng giữa Văn Đông và Vạn Đông lại có quan hệ với nhau về tên gọi. Cư dân Văn Đông lúc đầu chỉ là một xóm vạn chài ở chỗ sau này gọi là Vạn Đông và tổ tiên của họ đã chiếm cứ vạt cồn đối diện ở phía nam (tức là Cồn Úc sau này) làm nơi phơi lưới và phơi cá, từ đó ra đời thêm xứ đất Cồn Úc, mà cho đến trước ngày Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào đây, Cồn Úc vẫn chưa phải là một xã nên trong Ô châu cận lục không thấy chép tên và cả sau này trong Phủ biên tạp lục cũng không thấy có tên của nó với tư cách là một làng xã của Quảng Nam. Sau khi dinh trấn Quảng Nam được thành lập trên chỗ đất về sau gọi là xã Thanh Chiêm thì xóm vạn chài này mới có biệt danh là xóm Vạn Đông, vì nằm ở phía đông của dinh trấn, nhưng trước sau Vạn Đông vẫn không phải là tên làng. Về sau, có một bộ phận dân chài của xóm Vạn Đông lên sinh sống ở trên bộ, họ trồng khoai và làm nông nghiệp tại Cồn Úc, nhưng từ đó về sau Cồn Úc cũng vẫn không phải là tên xã. Tên xã hiện ra đời ở đây, ngay từ đầu, đã là Văn Đông. Và tên làng Văn Đông phải ra đời từ sau thế kỷ XVIII nên trong Phủ biên tạp lục ta không thấy ghi tên làng Văn Đông. Có khả năng là Văn Đông ra đời ở đầu triều Nguyễn, và không muộn hơn năm 1811 vì chúng tôi đã tìm được một văn bản vào năm Gia Long 10 đã thấy có tên xã Văn Đông. Cư trú ở làng Văn Đông gồm 5 tộc họ, trong đó những tộc họ lâu đời cũng chỉ khoảng 13 đời trở xuống, tức gần 3 thế kỷ rưỡi trở lại đây. Tuy không phải là sự đổi tên từ xã Vạn Đông ra xã Văn Đông, nhưng tên gọi Văn Đông vẫn có mang dấu ấn cư dân của địa danh Vạn Đông cũ.

      Chính tại Cồn Úc của làng Văn Đông, mà lúc bấy giờ chưa có tên là làng Văn Đông, chỉ mới là một cồn cát dùng để phơi lưới và phơi cá của một xóm vạn chài, vào năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho dừng thuyền ngự tại đây để thăm thú mảnh đất Quảng Nam và cũng do đó tại đây đã ra đời một nhà làm tạm để Chúa nghỉ ngơi, tức “hành điện Cần Húc” (chính xác phải là hành điện Cồn Úc”). Vì là nhà tạm nên về sau người ta không tìm thấy dấu tích của chúng, “cả trong lòng đất (tư liệu khảo cổ học) lẫn trong lòng người (tư liệu folklore)”. Và cũng chính vì vậy mà chỉ sau 300 năm chúng đã “biệt tăm”, khiến các sử gia triều Nguyễn, sử gia thời Pháp thuộc và cả sử gia hiện đại về sau phải đặt dấu hỏi “tồn nghi”, phải tốn hao công sức và giấy mực nhưng vẫn không tìm ra Cồn Úc ở đâu cả.

      Tuy đã tìm được nguồn tư liệu thực địa và truyền ngôn về địa điểm và tên gọi thực của địa danh “Cồn Húc”, nhưng chúng tôi vẫn chưa thoả mãn và quyết tâm tìm thêm cho được nguồn tư liệu thư tịch. Sau mọt hồi kiếm tìm tại nhiều nơi ở Thanh Chiêm, Phú Triêm, Văn Đông, Cầu Mống, Hội An, Gò Sài... cuối cùng chúng tôi đã tìm được nguồn tư liệu đó. Trong một bản cổ chỉ của tộc Nguyễn và tộc Dương, chúng tôi đã tìm thấy địa danh “xứ Cồn Úc” 土群thuộc xã Văn Đông 文 東. Văn bản đề năm Tự Đức thứ 20. Ở một số văn bản khác thuộc các năm Gia Long, Tự Đức, chữ ‘Cồn Úc” còn được viết là 土群hoặc là 土群. Và chúng đều cho biết hệ thống hành chính lúc bấy giờ là: “Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện (sau là Diên Phước huyện), An Nhơn trung tổng, Văn Đông xã, Cồn Úc xứ”.

      Như vậy là cuộc hành trình truy tìm địa điểm, nguồn gốc và tên thực của địa danh “Cần Húc” suốt một thế kỷ nay đến đây đã kết thúc. Cần Húc chính là sự ký âm lệch chuẩn từ Cồn Úc mà ra và đây chỉ là nơi đặt hành điện của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào năm 1602, đó là một bãi bồi ở hạ lưu Thu Bồn, giữa sông Chợ Củi, thuộc địa phận làng Văn Đông về sau này, vốn là đất cũ của huyện Điện Bàn thời Lê, có một thời hệ thuộc vào sự quản lý của huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa từ sau năm 1604, về sau thuộc tổng An Nhơn trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, rồi tổng An Nhơn trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, và nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cũng từ đây, công tác chú thích địa danh Cần Húc khi dịch thuật các thư tịch cổ về lịch sử và địa chí nước nhà có nói đến địa danh Cần Húc đã có đủ cơ sở khoa học để giải quyết. Trước mắt, trong công tác tái bản các bản dịch Đại Nam thực lục tiền biên, Phủ biên tạp lục Đại Nam nhất thống chí, chúng ta cần sửa chữa và bổ sung lại các chú thích nói trên.

Chú thích:

(1) Quốc Sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục (tiền biên) Bản dịch của Viện Sử học, Tập I, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, trang 42.

(2) Quốc Sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí . Bản in đời Duy Tân, Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hoá - Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1964, Văn hoá tùng thư, Tập 21, tr. 58.

(3) Tôn Thất Hân – Tiên nguyên loát yếu phổ (Tiền biên). Bản dịch của Ưng Bình và Ưng Tôn. Nhà in Tiếng Dân, Huế, 1935.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí. Bản in đời Tự Đức. Bản dịch, Tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 1970, trang 325.

(5) Huỳnh Công Bá - Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII. Luận án Tiến sĩ Sử học, Hà Nội, 1996.

(6) Lê Quý Đôn – Phủ biên tạp lục. Trong Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, trang 117, 145

(7) Phạm Đình Khiêm - Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII. Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960

(8) Lê Quý Đôn – Phủ biên tạp lục. Bản dịch của Lê Xuân Giáo, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 274

(9) Phan Khoang – Việt sử: Xứ Đàng Trong (1558-1777). Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1970

(10) Phan Du – Quảng Nam qua các thời đại. Quyển thượng, Cổ học tùng thư xuất bản, Đà Nẵng, 1974

(11) Vũ Lang - Đây Quảng Nam. Thời mới xuất bản, Đà Nẵng, 1973

(12) Li Tana – Xứ Đàng Trong Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. Bản dịch của Nguyễn Nghị, Nxb Trẻ, Sài Gòn, 1999, trang 13

(13) Nguyễn Q. Thắng – Lị sở dinh Thanh Chiêm – Quảng Nam

(14) Nguyễn Thiếu Dũng – Thanh Chiêm: Trấn sở dinh Quảng Nam

(15) Ngô Văn Minh – Thương xác về nơi đặt lị sở dinh Quảng Nam 400 năm trước

(16) Lê Duy Anh – Dinh trấn Quảng Nam – Lịch sử và vai trò phát triển xứ Đàng Trong

(17) Nguyễn Phước Tương – Dinh trấn Thanh Chiêm, vị thế ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.35-45

Thursday, 31 May 2012

Vì sao các nhà soạn từ điển bất công với phụ nữ?


Tiếng Hán có (âm Hán Việt là kỹ), ứng với tiếng Việt là đĩ. Kỹ nữcon đĩ. Kỹ việnnhà thổ (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:269). Đây là nguồn gốc của cách đối xử bất công với phụ nữ khi các nhà soạn từ điển định nghĩa từ đĩ.

Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:269) định nghĩa đĩhạng đàn bà làm nghề rước khách làng chơi. Đến Thanh Nghị (1967:875) đĩ vẫn là gái chơi bời, gái rước khách đàn ông để lấy tiền. Lê Văn Đức (1970a:445) định nghĩa đĩ là điếm, đàn bà làm nghề bán dâm cho khách làng chơi. Gần đây hơn là Nguyễn Kim Thản (2005:555), đĩ vẫn là người đàn bà làm nghề mại dâmđĩ điếmphụ nữ làm nghề mại dâm, nói chung. Hoàng Phê (2006:315) lịch sự hơn thì đĩ  là người phụ nữ làm nghề mại dâm.

Người xưa có câu:
Con sâu bỏ rầu nồi canh,
Một người làm đĩ, xấu danh đàn bà.
Nhưng đó là chuyện đời xưa. Từ nhiều năm nay ai cũng biết là không chỉ có đàn bà bán dâm cho đàn ông mà có cả đàn ông bán cho đàn bà, đàn bà bán cho đàn bà và đàn ông bán cho đàn ông. Vậy tại sao từ điển vẫn không thoát nổi nguyên nghĩa?

Với tư cách là một công cụ chuẩn hóa, từ điển góp phần củng cố một cấu hình tư tưởng được các lực lượng thống trị xã hội ủng hộ. Các quan hệ xã hội (trong đó có quan hệ giữa người bán và người mua trên thị trường nhục dục) bị ép phải lọt qua cái khuôn mẫu đã được từ điển định sẵn, trước khi chạm đến ý thức của người sử dụng ngôn ngữ . Ý thức vì vậy không thể phản ánh hiện thực một cách chân thực. Nhưng đó là cái ý thức mà thế lực thống trị xã hội mong muốn.
Còn mày, mày là con cái đứa đánh đĩ thập phương, là con thằng khố rách áo ôm, cu-li poóc-tê. (Ma Văn Kháng, 2003V:535)
Cái đứa đánh đĩ thập phương chỉ có thể là phụ nữ. Vì vậy khi Ngọc Trinh, nữ hoàng nội y, tuyên bố Tôi còn phải chừa một phương lấy chồng chứ, người ta liên tưởng ngay lập tức đến nghề làm đĩ mặc dù có thể cô không làm nghề ấy. Đây không phải là thiên hạ ghen ăn tức ở gì với cô người mẫu. Chẳng qua chỉ vì chưa đến lúc việc bán dâm được xem như một nghề nghiệp chân chính và Ngọc Trinh lại phải thể hiện suy nghĩ trong khuôn khổ những từ ngữ khinh miệt chính phái tính của mình.

Wednesday, 30 May 2012

Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… với vấn đề “kiêng húy” (Cao Tự Thanh)

Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… với vấn đề “kiêng húy”


Trước nay, không ít người vẫn coi hiện tượng các từ Việt Hán có hai âm đọc song vẫn không thay đổi ý nghĩa từ vựng và chức năng ngữ pháp như Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… là kết quả của việc kiêng húy các vua chúa phong kiến. Đáng tiếc là đến nay quan niệm sai lầm ấy vẫn được nhiều trí thức trong đó có cả một số nhà ngôn ngữ học chính thức thừa nhận và công khai phổ biến. Cho nên cần phải có một sự đính chính trước khi người ta kéo nhau đi tìm tên vợ con và bà con nội ngoại của các vua chúa để giải thích bằng được và bằng hết những Cương – Cang, Cảnh – Kiểng, Chính – Chánh hay Uy – Oai, Tiến – Tấn, Tùng – Tòng…
Nếu thống kê chi tiết toàn bộ những An – Yên, Bách – Bá, Càn – Kiền, Chân – Chơn, Dũng – Dõng, Đương – Đang, Giới – Giái, Hợp – Hiệp, Khỉ – Khởi, Lã – Lữ, Mệnh – Mạng, Nhật – Nhựt, Trường – Tràng, Thịnh – Thạnh, Súy – Soái, Vũ – Võ…, thì con số các từ Việt Hán bị đọc chệch âm nói trên sẽ vượt xa tất cả đồng thời chẳng có gì ăn khớp với những cái tên vua chúa Việt Nam (chẳng hạn gần đây có người cho rằng vì kiêng húy các chúa Trịnh Tùng, Trịnh Cương nên dân Việt ở miền Bắc đọc Tùng, Cương ra Tòng, Cang như tam tòng, tam cang (1), song người ta không hiểu vì sao hai ông chúa ấy lại cứ để yên cho thiên hạ lếu láo đọc tên Trịnh Kiểm là Kiểm không có chút gì là kiêng húy…). Thứ nữa, quan sát địa bàn phân bố của các cặp âm bị đọc chệch ấy qua chứng cứ lịch sử là các địa danh Việt Nam, có thể thấy rằng phần lớn những Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Thái Lai, Nghĩa Xá là ở miền Bắc còn Phước An, Bình Phước, Tân Thới, Quảng Ngãi là ở miền Nam, điều này cho thấy đây là sản phẩm của một tiến trình lịch sử. Sau cùng, sự chệch âm ở nhiều cặp vần loại Chính – Chánh, Đỉnh – Đảnh, Lĩnh – Lãnh, Sinh – Sanh (Anh = Inh), Du – Do, Phù – Phò, Vũ – Võ (O = U) hay Uy – Oai, Súy – Soái, Thụy – Thoại (Oai = Uy)… lại mang tính hệ thống khác hẳn việc kiêng húy vài ba cái tên vua chúa lẻ tẻ, tình hình này chỉ có thể là kết quả của các quy luật ngữ âm. Tóm lại, hiện tượng đọc chệch hay nói chính xác là chuyển âm nói trên không thuộc về phạm trù sở thích tự trọng lố lăng của các vua chúa ngày trước và nhiệt tình tôn quân lạc lõng của các nhà Kiêng Húy học hiện đại, mà là một vấn đề ngôn ngữ học trên hai phương diện phương ngữ và ngữ âm.
Thời Bắc thuộc, dân Việt học chữ Hán như một sinh ngữ, nghĩa là phải đọc đúng theo cách phát âm (âm chuẩn) đương đại ở Trung Hoa. Nhưng từ khi nước ta giành được độc lập thế kỷ X trở đi, cách đọc ấy đã bị tách rời với những thay đổi ngữ âm ở Trung Quốc. Cái ranh giới Việt Hán – Hoa Hán trên lãnh vực này dần dần xuất hiện và định hình: về cơ bản người Việt vẫn bảo lưu cách đọc thời Đường (Đường âm) trong khi qua các thời Tống Nguyên Minh Thanh người Trung Quốc đã lần lượt trải qua nhiều cách đọc khác. Chẳng hạn vào khoảng cuối Minh đầu Thanh, ngôn ngữ Trung Quốc đã bắt đầu mất phụ âm đầu D khiến Dân (nhân dân), Diểu (xa) chuyển thành Mín, Miểu hay hiện nay thì nó đã hoàn toàn mất phụ âm đầu Đ để Đả (đánh), Đông (phía đông) trở thành Tả, Tung đẩy một bộ phận lớn những Tiểu (nhỏ), Tịch (chiều tối) qua dãy phụ âm đầu X như Xẻo, Xi song người Việt vẫn đọc là Dân, Diểu, Đả, Đông, Tiểu, Tịch… như thường. Cố nhiên sự thay đổi nói trên không diễn ra một cách đồng bộ và thống nhất ở Trung Quốc, chẳng hạn khi tiếng Bắc Kinh – Quan thoại hiện nay đã mất hẳn phụ âm cuối -m để Điểm tâm (Ăn sáng) chuyển thành Tẻn xin, thì người Quảng Đông vẫn nói là Tỉm xắm, hay họ nói Tài xỉu (Đại tiểu = lớn nhỏ) chứ không phải là Ta xẻo, tóm lại có thể tìm thấy vô số khác biệt tương tự giữa tiếng Bắc Kinh – Quan thoại với các phương ngữ ở Hải Nam, Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu mà ở đây tạm gọi là nhóm phương ngữ Hoa Nam. Và nếu nhớ lại tình hình chia cắt đất nước thế kỷ XVII-XVIII đã làm tiếng Việt ở Đàng Trong – Đàng Ngoài phát triển khác nhau một cách đáng kể, nếu nhớ lại thực tế đa dân tộc ở thương cảng Hội An đã làm hình thành ở đây một thứ ngôn ngữ lai pha trộn cả tiếng Việt lẫn các phương ngữ Hoa Nam (2), nếu nhớ lại sự kiện nhóm di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch cầm đầu tới tỵ nạn chính trị được cho vào khai phá Biên Hòa, Mỹ Tho cuối thế kỷ XVII, nếu nhớ lại việc Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên thu hút nhiều văn nhân Hoa Nam tới ngâm vịnh xướng họa đầu thế kỷ XVIII…, người ta sẽ thấy ở đây một đợt tiếp xúc ngôn ngữ Việt Hoa có quy mô và phạm vi rộng lớn, có thể nói là quan trọng bậc nhất sau khi người Việt giành được độc lập thế kỷ X. Đây mới thực sự là lý do làm phát sinh hệ thống những Huỳnh, Phước, Võ… trong cách đọc Việt Hán ở Đàng Trong mà đặc biệt là trên địa bàn từ Quảng Nam tới Nam Bộ, cách đọc chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm qua trung gian là nhóm phương ngữ Hoa Nam. Quá trình tiếp thu, cải biến, chấp nhận… những cách đọc mới này của người Việt nhìn chung rất phức tạp, vì từ thế kỷ XIX trở đi thì việc đất nước được thống nhất trở lại đã xóa bỏ đi phần nào những khác biệt ngôn ngữ trước đó, mặt khác ngay trong nhóm phương ngữ Hoa Nam cũng có những khác biệt dẫn tới sự đấu tranh với nhau để giành ảnh hưởng một cách tự phát trên địa bàn nói trên. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng trong đợt tiếp xúc ngôn ngữ này người Việt hoàn toàn bình đẳng về chính trị và văn hóa với Trung Hoa, nên ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, toàn bộ sự chuyển âm nói trên chỉ diễn ra trong khuôn khổ ngữ âm vốn có của các từ Việt Hán. Chẳng hạn hệ thống phụ âm đầu Việt Hán vẫn được giữ vững, nó đẩy những Mín, Miểu, Tả, Tung, Xỉu, Xi trở lại mảng từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ, và ngay mảng từ ấy cũng phải Vi�
��t hóa theo ngữ pháp Việt như nhỏ xíu (Xíu = Tiểu = nhỏ), đồ xịn (Xịn = Tân = mới) mới bước được vào ngôn ngữ Việt Nam ở địa phương.
Điều đáng phàn nàn là nhiều trong các trí thức coi Huỳnh, Phước, Võ… là “kiêng húy” hiện nay đã không biết chữ Hán mà lại không chịu tìm hiểu cả lịch sử việc kiêng húy nên cứ suy diễn rồi phát ngôn không cần địa chỉ nếu không nói là vô trách nhiệm! Thứ nhất, Hán tự có nhiều chữ hoàng, phúc, vũ… và không phải chữ nào cũng chuyển âm thành huỳnh, phước, võ…, chẳng hạn không ai nói kinh hoàng, thần Thành hoàng thành kinh huỳnh, thần Thành huỳnh cả, mà chữ bị đọc chệch âm ra huỳnh (họ Huỳnh) là chữ hoàng (vàng) lại không phải là tên Nguyễn Hoàng – tên ông Thái tổ của nhà Nguyễn này là hoàng (vàng) + chấm thủy. Thứ hai, đã gọi là húy vua chúa thì dân đen có thể vì muốn làm giặc nên không thèm kiêng, chứ quan lại hay đám kẻ sĩ toan làm quan lại thì nhất định phải kiêng cho sáng đạo cương thường, thế nhưng đầu thế kỷ XVIII Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tích vẫn hiên ngang đặt tên con trưởng của mình là Mạc Tử Hoàng với chữ hoàng (vàng) + chấm thủy hiện vẫn còn trên bia mộ Mạc Tử Hoàng ở núi Lăng, Hà Tiên: rõ ràng dân Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII chẳng phải kiêng húy tên vua chúa nào cả. Thứ ba, đã gọi là chữ húy thì hoặc là không được dùng, tức không được viết ra (đối với chữ trọng húy) hoặc là phải viết thêm nét bớt nét đổi nét, thế nhưng mấy trăm năm nay dân Việt ở miền Nam vẫn viết Hoàng, Phúc, Vũ… như người miền Bắc hay người Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và viết khắp nơi, vậy việc họ đọc chúng là Huỳnh, Phước, Võ… chỉ là vấn đề ngữ âm. Thứ tư, là triều nào húy nấy, chẳng hạn anh em Thái Đức – Quang Trung không hơi đâu kiêng húy các chúa Nguyễn còn cha con Gia Long – Minh Mạng chẳng ngu gì kiêng húy các vua Lê chúa Trịnh, nếu thần dân nào cứng cổ kiêng húy không hợp thời thì giữ cho còn nguyên được đầu cũng đã khó chứ đừng nói tới chuyện rủ rê quần chúng cùng kiêng. Thứ năm, đã gọi là “quốc húy” thì phải có thông báo bằng văn bản cụ thể theo đúng thủ tục hành chính và có hiệu lực pháp lý hẳn hoi cho dân biết dân làm, không phải chuyện bí mật quốc gia hay hoạt động bí mật để thông báo nội bộ hay rỉ tai nhau trong giới quan lại mà kiêng húy. Và riêng dân Nam Bộ thì đến 1861 có nhận được chỉ dụ cuối cùng của Tự Đức phổ biến về 47 chữ “quốc húy” (từ 1862 – 1867 Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm làm thuộc địa rồi), trong đó có 20 chữ đã được Minh Mạng thông báo trong chỉ dụ kiêng húy vào loại đầu tiên của triều Nguyễn năm 1825. Ai muốn biết rõ về 47 chữ ấy xin cứ tìm bộ Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn mà đọc, xem có những Hoàng (vàng), Phúc, Vũ, Cảnh, Cương, Chính… và hàng trăm chữ khác mà các nhà Kiêng Húy học trước nay vẫn gán bừa cho tổ tiên ta không.
Đi tìm lai lịch cụ thể của từng âm Việt Hán đọc chệch so với Đường âm là một công việc phức tạp, nếu chưa định hướng được thì đừng nên thao tác. Chẳng hạn nhiều người Nam Bộ trước đây vẫn đọc Hớn Cao tổ, Hớn Sở tranh hùng chứ không đọc là Hán Cao tổ, Hán Sở tranh hùng, mà việc chuyển An – Ơn như San – Sơn, Đàn – Đờn thì lại chưa đủ để coi là có hệ thống. Nhưng vì ngữ âm Nam Bộ vẫn nhất hóa cặp phụ âm cuối -n, -t vào với cặp -ng, -c (như ran rát nói là rang rác) – với lối phát âm ấy mà đọc phò Hán, hảo hán thì nghe kỳ quá nên người ta phải chuyển âm để kiêng một sự húy trong đời thường đấy, các học giả thích kiêng húy vua chúa đừng đi tìm ở cái “quốc húy” nào đó trong cung đình cho mất công!
Tháng 11. 1993
(1) Xem Phan Trọng Hiền, Tên húy và việc phạm húy, báo Phụ nữ Thànn phố Hồ Chí Minh số ra ngày 20. 11. 1993. Tuy nhiên đây rõ ràng là một sự suy diễn khiên cưỡng, vô căn cứ và rất tùy tiện. Thứ nhất, hiện tượng đọc chệch Tùng, Cương ra Tòng, Cang kia chủ yếu xảy ra ở miền Nam chứ không phải ở miền Bắc. Thứ hai, chẳng có bằng chứng lịch sử dù là gián tiếp hay nhỏ mọn nào cho phép nghĩ rằng vào thế kỷ XVI – XVIII thần dân của triều Lê trung hưng bị bắt buộc phải kiêng húy các chúa Trịnh: ngay cả các bộ chính sử được biên soạn bởi các sử thần của Lê Trịnh cũng viết thẳng tên các chúa Trịnh từ Trịnh Kiểm trở đi, chứ chẳng hề tỏ ra tôn kính đặc biệt gì các chữ ấy trên văn bản cả. Thứ ba, tác giả của phát hiện độc đáo nói trên dường như không biết cả chữ Hán lẫn quy ước trong gia tộc họ Trịnh, nên đã đánh đồng tên Trịnh Tùng với Tòng trong tam tòng và tên Trịnh Cương vớiCang trong tam cang, chứ thật ra tên hai ông chúa này được viết với bộ mộc. Nếu đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, người ta sẽ thấy ngay tất cả các chúa Trịnh đều có tên viết với bộ mộc và tất cả các chúa Nguyễn đều có tên viết với bộchấm thủy. (2) Xem thêm Hoàng Thị Châu, bài trong Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 161 – 166

Tuesday, 29 May 2012

Thấy gì qua số phận của từ pa?


Trong một tác phẩm xuất bản cách đây chưa lâu, Tô Hoài (2006g:107) có câu :
Anh ra đi với em vài pa.
Người Việt hiện nay chỉ có thể dựa vào ngữ cảnh để phỏng đoán  ý nghĩa của từ pa. Đứng một mình chữ ấy (có muốn) hoàn toàn trong sáng, và trong sạch cũng không được vì không có từ điển tường giải nào thu nhận nó để giảng cho ta biết cái nghĩa trong sáng và trong sạch của nó là gì. Chỉ dân sành ăn chơi, thạo nhảy đầm biết nghĩa của pa và nếu không là dân học tiếng Pháp, thì chắc không biết gốc của nó là từ pas, nghĩa là bước.
Lạ một điều là từ pa đã có mặt trong quyển từ điển Nga Việt xuất bản ở Mát-xcơ-va hơn ba mươi năm trước. Alikanôv (1977b:9) đã dùng từ này để dịch từ па của tiếng Nga.
Phải chăng па vì của tiếng Nga nguyên là pas của tiếng Pháp được nhập vào qua đường mượn âm mà các nhà biên soạn từ điển Nga Việt ở Mát-xcơ-va nghĩ là tiếng Việt cũng nên phiên thành pa? Nếu trong tay các soạn giả ấy không có quyển từ điển Việt nào và cũng không có tác phẩm nào sử dụng từ pa thì pa phải được xem là một từ tân tạo, mượn âm tiếng Nga.
Tuy nhiên ta cũng biết là trong ba người đứng tên tác giả từ điển Nga Việt có ít nhất một người Việt là ông Nguyễn Minh Cần, nguyên phó chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội tỵ nạn ở Liên Xô từ năm 1964. Ông này lấy bút danh là Alikanôv. Ông Nguyễn Minh Cần, tức Alikanôv, có thể biết từ pa từ khi còn ở Việt Nam. Các đồng soạn giả kia có thể cũng biết hoặc có thể không. Nhưng dù tất cả cùng biết hay chỉ một người biết thì họ chỉ có thể biết qua khẩu ngữ của dân nhảy đầm và có học chữ Pháp. Vậy vì lý do gì một từ chưa được chính thức chấp nhận trong các từ điển của Việt Nam lại được đưa vào từ điển Nga Việt?

Monday, 28 May 2012

Từ Việt Hán và từ Hoa Hán (Cao Tự Thanh)

Từ Việt Hán và từ Hoa Hán


Năm 1977, tôi làm luận văn tốt nghiệp Đại học, thời bấy giờ có mốt dùng danh ngôn đề từ cho các chương, tới một chương dịch chữ Hán, không biết trời đất run rủi hay ma quỷ xui khiến mà tôi lại bịa ra một câu đề từ “Học ngoại ngữ – đó chỉ là một lối nói. Học lại tiếng mẹ đẻ một lần nữa, phải chăng đó mới là thực chất của vấn đề?”. Giáo viên hướng dẫn là thầy Bùi Duy Tân đọc thấy bèn nhẹ nhàng hỏi “Câu này cậu lấy của ai?”. Tôi ấp úng nói là quên mất rồi, Tân sư phụ nheo nheo mắt nói “Trích dẫn thì phải ghi rõ của ai chứ, thế này là thiếu nghiêm túc”. Lúc ấy thấy sư phụ chế nhạo mình học đòi sáng tác danh ngôn, mặt mũi sượng ngắt, về sau nghĩ lại mới ngờ ngợ là trong cái nheo mắt của ông hình như có ẩn chứa một lời khen (?). Mấy vị sư phụ chữ Hán tôi được thụ nghiệp đều tinh thâm Hán học, ai cũng xử sự với đệ tử theo nguyên tắc khích lệ người nhút nhát mà đè nén kẻ hiếu thắng, nên bây giờ nghĩ lại cũng thấy tự hào, hơn 20 tuổi đã chế tạo được danh ngôn (!) được sư phụ khen ngợi kiểu chế nhạo, nhưng bỏ cái bao bì ấy đi thì vẫn là khen, há chẳng vui ru? Cách đây vài năm lại đọc một bài phỏng vấn anh Cao Xuân Hạo, thấy anh nói một câu đại ý Muốn dịch giỏi phải giỏi tiếng Việt, trong lòng quả có cảm giác Bậc trí giả kiến thức thường giống nhau. Nhưng trong bản dịch Vô ảnh đăng (Đèn không hắt bóng) của Nhật qua bản tiếng Nga thì dịch giả Chiến tranh và hòa bình lại quá trung thành với bản tiếng Nga khi cho nhân vật bác sĩ nói với viên cảnh sát “Chữ thương bộ thủ chứ không phải chữ thương bộ nhân” trong khi hoàn toàn có thể dịch là “Tổn thương chứ không phải chấn thương”. Trong một lần uống rượu với anh Hạo tôi có nhắc tới chuyện này, và vì biết tôi từng được học chữ Hán với cụ Cao Xuân Huy, nên anh buồn rầu nói “Tôi không nối nghiệp được ông cụ về chữ Hán”. Thật ra đó chỉ là một sơ suất rất nhỏ trong thao tác dịch thuật nhưng lại khiến một nhà ngữ học nổi tiếng như Cao Xuân Hạo chạnh lòng nghĩ tới cả học nghiệp lẫn gia thế của mình, đủ thấy giỏi tiếng Việt trong đó có mảng từ Việt Hán là rất cần thiết dù không phải dễ.
Mươi năm trước, nhiều người hăng hái bàn tới việc dạy lại chữ Hán cho học sinh phổ thông, nhưng dù sao thì nói vẫn dễ hơn làm, vả lại muốn dạy chữ Hán thì trước hết phải đào tạo được một đội ngũ thầy cô để dạy chữ Hán, mà thứ kiến thức này xem ra lại không dễ dạy thêm như các môn Anh văn toán lý. Cho nên dường như các nhà Về nguồn học đã chán không muốn đeo đuổi mục tiêu ít thực tế và không kinh tế ấy nữa, có điều mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt vẫn tồn tại với nhiều vấn đề khiến những người đọc sách phải quan tâm.
Phát triển nhiều năm trong môi trường văn hóa Việt Nam, mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt có rất nhiều khác biệt với mảng từ Hoa Hán. Chẳng hạn cái mà người Việt Nam gọi là sức sản xuất thì người Trung Quốc gọi là sinh sản lực, người Việt Nam gọi là sinh sản (sinh đẻ) thì người Trung Quốc gọi là sinh dục, người Việt Nam gọi là sinh dục thì người Trung Quốc gọi là tính dục. Những biến động lịch sử ở Việt Nam còn làm hình thành trong mảng từ Việt Hán những biệt sắc địa phương khác nhau, chẳng hạn người miền Bắc đọc chữ Hán theo Đường âm thế kỷ IX, X thì nói là Hoàng, Phúc, Vũ, Diến Điện còn người miền Nam từ Quảng Nam trở vào chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm theo chân các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam qua Đàng Trong tỵ nạn chính trị thế kỷ XVII, XVIII thì nói là Huỳnh, Phước, Võ, Miến Điện. Đây là chưa nói tới mảng từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ loại lạp xưởng (lạp trường), há cảo (hà giảo), xào (sao), ké (ký), xỉu (hưu)… đặc biệt phổ biến trong phương ngữ Nam Bộ, cách đọc quen thuộc này đã xóa nhòa ranh giới Hoa Hán – Việt Hán trong trường hợp tên nữ diễn viên điện ảnh Hương Cảng Trịnh Bội Bội bị đọc thành Trịnh Phối Phối ở miền Nam trước 1975. Tương tự, nếu so sánh mảng từ Việt Hán ở hai miền Nam Bắc trước 1975 cũng có thể tìm thấy nhiều nét khác biệt như miền Nam nói là hoàn tất còn miền Bắc nói là kết thúc, hay quân đội Sài Gòn có sắc lính biệt kích thì quân đội miền Bắc có binh chủng đặc công, mỗi bên lấy một nửa trong các cặp từ đặc biệt và công kích để tạo từ. Ngoài ra qua thực tế sử dụng nhiều từ Việt Hán cũng dần dần được gán thêm những ý nghĩa trang trọng như trường kỷ nghe sang hơn ghế dài cũng như các sắc thái tình cảm – tâm lý riêng biệt, chẳng hạn thương thì khen là kiên trì còn ghét thì chê là cố chấp, hoặc địch thì ngoan cố chứ ta thì nhất định phải là kiên cường… mặc dù các cặp kiên trì – cố chấp, kiên cường – ngoan cố có nghĩa đen hoàn toàn giống nhau.
Nhiều người vẫn nghĩ nếu biết chữ Hán thì sẽ sử dụng các từ Việt Hán tốt hơn, ví dụ sẽ không lầm yếu điểm ra điểm yếu nhưng thật ra không hẳn như thế hay không chỉ như thế. Phía sau chữ Hán là cả một nền văn hóa phong phú về nội dung và đa dạng về phong cách, nên để nói và viết đúng mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt hiện nay thì phải chú ý tới vấn đề từ pháp (cách cấu tạo từ). Chẳng hạn vô, bất, phi có vẻ gần nhau nhưng vô nghĩa, bất nghĩa, phi nghĩa thì hoàn toàn khác nhau. Từ trước 1975, người miền Nam đã quen với câu “Không biết thì không có tội” phổ biến trong các truyện võ hiệp. Nhưng các dịch giả đương thời vì sơ suất đã dịch sai, chứ đó vốn là thành ngữ “Bất tri giả bất tội” (Kẻ không biết thì không bắt tội). Vô tội mới là không có tội, chứ Bất tội là Không bắt tội, vì chữ tội trong Bất tội là một động từ (theo phương thức ý động pháp trong Há
n ngữ), không phải danh từ như trong Vô tội. Hay cô = độc nhưng cô + lập thì khác độc + lập, hai từ này không ai dùng sai nhưng hỏi tại sao chúng khác nhau thì ngay cả nhiều vị làm tự điển chữ Hán cũng ú ớ. Bởi cô và độc ở đây có chức năng ngữ pháp khác nhau, độc là tính từ còn cô là động từ, từ pháp khác nhau dẫn tới ngữ nghĩa khác nhau (động từ cô lập cũng có hai thể bị động và chủ động, như bị kẻ khác cô lập và làm cho kẻ khác bị cô lập).
Theo với những thay đổi trong sinh hoạt xã hội, tiếng Việt trong đó có mảng từ Việt Hán hiện nay cũng có những nét mới. Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Giáo sư Trần Quốc Vượng có một bài viết về văn hóa Việt Nam trên báo Đại đoàn kết, nội dung thì hay nhưng có người chê anh Vượng dùng những từ như Nội lực văn hóa, đó là từ ngữ của truyện võ hiệp. Nhưng hiện nay thì người ta dùng tuốt cả Trưởng lão (cách mạng), Độc chiêu (quảng cáo) mà không ai thấy chướng tai. Có điều trên cái nền đổi mớI ấy vẫn có nhiều người không hiểu hay hiểu không rõ ý nghĩa các từ Việt Hán mà cứ sử dụng bừa đi nên trong rất nhiều trường hợp lại trở thành lố lăng, thậm chí còn là sai trái. Cách đây khoảng hai ba tháng, không nhớTuổi trẻ hay Sài Gòn giải phóng gì đó đưa một cái tin làm tôi giật nảy mình, đại khái là bắt được một nhóm sát thủ 12 – 13 tuổi. Đến khi đọc xong mới biết mấy đứa nhỏ ấy giết người. Trời ạ, sao không viết là giết người hay sát nhân, mà lại viết là sát thủ? Sát thủ là kẻ giết mướn, là một yếu tố trong dây chuyền công nghệ tội ác hiện đại, Việt Nam hiện nay cũng có đám đánh mướn chém mướn và có thể cả giết mướn, nhưng trẻ em 12 – 13 tuổi mà giết mướn thì nước ta đang trong tình trạng xã hội nào vậy, các vị làm báo sao không cân nhắc? Nhiều vị làm báo thích nói chữ Hán cho sang nhưng dốt nên thành nói bậy, nghe rất chướng tai, chẳng hạn đường ống nước ở phố X bị vỡ, nước chảy lênh láng ra đường, nhân dân địa phương đã báo hai ba hôm mà đến nay Công ty cấp nước vẫn chưa có động thái gì. Sao không viết là động tác hay hành động mà lại viết là động thái? Động thái là dáng vẻ của sự vận động, là một ý niệm trừu tượng giống như Hình thái, mà có ai viết Một cô gái có hình thái bên ngoài dễ nhìn không? Đây là chưa nói tới lối tạo từ Việt Hán vô nguyên tắc dẫn tới những vụ phi luân phi loại kiểu tôn Âu Cơ là Quốc mẫu còn gọi Hùng Vương là Quốc tổ, tức mẹ sinh ra ông nội, thật chẳng biết những người đầu tiên chế tác ra cặp từ Quốc mẫu – Quốc tổ ấy thờ cúng ông bà cha mẹ của họ ra sao mà bắt nhân dân phải gánh cái tội điên đảo luân thường tày đình thế này!
Có lần anh Cao Xuân Hạo nói với tôi là đi một đám cưới thấy người ta giới thiệu nhau kiểu “Vị này là hôn phu của cô kia”, nghĩ một lúc mới biết họ muốn nói anh này là vị hôn phu của cô kia. Vị ở đây là chưa, vị hôn phu tức chồng chưa cưới, họ lại tưởng là vị trong ngôi vị, kiểu các vị khách quý, các vị lãnh đạo nên mới ăn nói tréo ngoe như thế, nghĩ mà buồn cười. Cái chữ vị này còn lắm chuyện hay, ví dụ gần đây lại có người lẫn lộn vị tất (chưa nhất định, tức chưa chắc) với hà tất (tại sao phải nhất định, tức cần gì). Dĩ nhiên dùng từ sai cũng chẳng chết ai, có điều nếu thấy người ta toan nổi giận lại can bằng câu Tiên sinh vị tất nổi giận, ai nghe xong mà không nổi giận thật luôn thì đúng là chuyện lạ.
1999 – 2007