http://www.thesaigonposts.net/2018/11/ve-y-nghia-cua-danh-tu-linh-ma-ta-la-gi.html
Về ý nghĩa của danh từ lính Ma Tà là gì ?
Nếu bạn đọc trên mạng, bạn thấy có vài bài viết phân tích lính ma tà là dạng cảnh sát người Việt thời Pháp thuộc, hoặc lính đánh thuê Mã Lai, hoặc đủ thứ gì đó.
Ví dụ ở đây >> http://tunguyenhoc.blogspot.com/2013/07/linh-ma-ta-khac-gi-la-linh-ma-ta.html hoặc ở đây >> https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/n/nguyen-du/tim-hieu-tu-ma-ta---linh-ma-ta.
Còn mình đọc trong bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ tứ kỷ quyển XXV, năm Tân Dậu Tự Đức 14 [1861], có đoạn giảng nghĩa liên quan đến danh từ ma tà như sau
****
Lĩnh án sát Định Tường là bọn Nguyễn Văn Nhã đánh bại quân Tây ở các xứ Cái Bè, Cai Lậy, được thưởng phẩm hàm kỷ lục và gia cấp, cộng 20 viên nhân. (Từ khi có việc đánh nhau với quân Tây dương, dân đạo theo Tây dương, người Tây dương dồn làm lính ma tà. Lần này bắn chìm 2 chiếc thuyền của lính ma tà, giết chết lính Tây dương và lính ma tà 50 tên).
****
Chữ ma tà ở đây viết theo Hán ngữ là 麻邪.
Như vậy không biết cụ Huỳnh Tịnh Của đã dựa vào đâu mà viết trong bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị rằng Ma Tà là chỉ cho "lính canh tuần. Tiếng Malais, kêu theo đã quen".
Chứ mình đọc trong bộ Đại Nam Thực Lục đoạn văn trên, thì viết rất rõ lính Ma Tà chính là các binh lính họ đạo theo quân Pháp, được tuyển làm lính. Các dân đạo này có phải 100% là người Việt (người Kinh) không thì chúng ta không rõ, vì có khi có cả người Hoa, người Khmer, người Mã Lai, hoặc những ai đó theo đạo mà theo quân Pháp ở miền Nam Việt Nam cũng nên. Và họ cùng với các sĩ quan, binh sĩ Pháp ra trận đánh nhau như binh lính ở chiến trường, chứ không phải là lính canh tuần hoặc giả các ông phú lít như những gì người ta đã giảng trên mạng cả.
Như vậy, ít nhất theo bộ Đại Nam Thực Lục, nghĩa của từ Ma Tà 麻邪 là dùng để chỉ cho người họ đạo mà theo quân Pháp làm lính, đi đánh nhau, chứ không là lính canh tuần hay phú lít như người ta thường giảng há bạn.
Còn sự kết luận trên mạng "Mã tà thời 1861 là một thứ địa phương quân (dân quân thì đúng hơn) kiêm cảnh sát không cần biết chữ." thì mình xin được miễn bàn, vì có khi các ông lớn khi xưa như Tổng đốc Trần Bá Lộc cũng từ hàng lính ma tà mà ra, và chắc vị Tổng đốc Lộc này cũng biết chữ chứ không là dân chăn vịt đâu đúng không bạn ?
Còn Ma Tà có là từ ngôn ngữ Mã Lai hay Pháp ngữ mata hay không thì lại là một chủ đề khác. Bạn muốn phân tích, cần dựa sử kiện hay văn bản, chứ không lại đi thực địa hỏi những cụ bô lão ở hóc bà tó nào đó mà kiến thức về lịch sử / ngôn ngữ học của các cụ chưa quá cái ao làng.
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
P.S: Và chưa thấy thầy học giả Việt Nam nào viết chữ Ma Tà trong Hán ngữ ra sao cả, dù họ đoán rất nhiều từ ngôn ngữ Mã Lai qua tới Pháp ngữ.
No comments:
Post a Comment