Showing posts with label thuật ngữ quân sự. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ quân sự. Show all posts

Saturday 24 May 2014

Trung đội thứ sáu làm gì ở Điện Biên Phủ?





Ngoài việc tăng cường cho Điện Biên Phủ về sinh lực, vật lực, thực dân Pháp còn xây dựng ở đây một trung tâm tổ chức và chỉ huy hoạt động tình báo, gián điệp, do thám, biệt kích và chiến tranh tâm lý. Pháp đã tăng cường một số sĩ quan, nhân viên tình báo để xây dựng một bộ phận do thám tình báo khá mạnh ở khu vực này. Trong đó gồm ba hệ thống: một hệ thống phòng nhì (2B), hai trung đội thứ sáu và lực lượng biệt kích GCMA, do các sĩ quan tình báo có kinh nghiệm chỉ huy. Đây là một trong những vấn đề tác động lớn đến công tác giữ bí mật, phòng gian của các đơn vị tham gia chiến dịch, đồng thời cũng là một khó khăn, thách thức lớn đối với cơ quan bảo vệ chiến dịch.
Đỗ Thanh Dũng , “Công tác bảo vệ-an ninh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi theo lời kể của đồng chí Thiếu tướng Trần Kinh Chi, Đại tá Lưu Công Tiền, Thiếu tá Nguyễn Bảo Đối, Đại tá Vũ Ước-nguyên cán bộ bảo vệ, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, 10:55 | 31/03/2004


Trung đội thứ sáu là cách các cán bộ bảo vệ - an ninh quân đội của ta thời 1953-1954 dịch section 6 của tiếng Pháp, sau đó được các nhà sử học quân sự lưu truyền qua sách vở (Lịch sử cục bảo vệ - an ninh quân đội nhân dân Việt Nam 1950-2000).

Từ section có nhiều nghĩa. Trong quân sự là trung đội bộ binh. Trong hình học đó là mặt cắt / thiết diện. Trong một tổ chức nào đó nó có thể là một ban hay một tiểu ban. Trong trường hợp đang xét, đó là ban 6 của SDECE (cơ quan tình báo đối ngoại và phản gián của Pháp). Ban này chiêu mộ người Mèo làm công việc do thám cho Pháp. Ở Điện Biên Phủ có một toán như vậy:
The French used Hmong extensively for intelligence gathering. There was a detachment of Hmong at Dien Bien Phu who worked for the French equivalent of the CIA – called section 6.
(Gary Cook, 1980, Thesis, Dissertations, Professional Papers, Paper 3626, p.20)

Đoạn văn của Đỗ Thanh Dũng (chép lại từ sách Lịch sử cục bảo vệ - an ninh quân đội nhân dân Việt Nam 1950-2000) phải diễn đạt lại như sau cho chính xác:
Trong đó gồm hai hệ thống: một hệ thống phòng nhì (2B), hai là ban 6 và lực lượng biệt kích GCMA, do các sĩ quan tình báo có kinh nghiệm chỉ huy.

Ban 2 / phòng nhì nằm trong cơ quan tham mưu quân đội ; ban 6 và GCMA thuộc quyền cơ quan tình báo đối ngoại và phản gián. Đó là hai hệ thống khác nhau.

Sunday 27 April 2014

Thế nào là định nghĩa lòng vòng?



Văn Tân (1994:826)  định nghĩa trung đoànđơn vị quân đội trên tiểu đoàn, dưới sư đoàn.
Muốn biết tiểu đoàn là gì, ta phải đi tìm tiếp ở Văn Tân (1994:787): đơn vị quân đội trên đại đội, dưới trung đoàn.
Định nghĩa của sư đoàn cũng vòng trở lại với trung đoàn: tổ chức quân đội Việt Nam gồm có từ ba trung đoàn trở lên (Văn Tân, 1994:705).

Wednesday 26 February 2014

Đơ Bê là gì?



Tiểu thuyết viết về cuộc kháng chiến chín năm hay nhắc đến đơ bê:
Orion cầm máy điện thoại và gọi sang văn phòng của viên sĩ quan Đơ bê Giô dép Mai:
(Tô Đức Chiêu, 2008:78)
Từ đó Thanh Tùng gia nhập làng báo, hắn bộ hắn bộ quân phục, không lái xe Jeep, không dùng cái tên nhà binh Đại úy “Đơ Bê” hắn lấy bút hiệu Mão Đen. 
(Nhị Hồ - Điệp viên giữa sa mạc lửa – chương 13)
Đơ Bê là cách phát âm tiếng Pháp của 2B, tức deuxième bureau, nghĩa là phòng hai hay phòng nhì, bộ phận chuyên trách quân báo trong cơ quan tham mưu Pháp


Với thằng Thiêm, bọn “Đơ-bê Zốt” đã nhẵn mặt, nhưng khi nghe được tin báo thì đã muộn, không xoay chuyển được tình thế nữa, chúng liền cho câu pháo lên để trả thù.
Đơ-bê Zốt (2B/ZOT) là phòng nhì khu chiến Bắc Kỳ (Zone Opérationnelle du Tonkin).

Friday 21 February 2014

Đơn vị nào đóng trong trại Xê-da-ri (Thái Nguyên) khi Đội Cấn làm binh biến?



Trong quyển tiểu thuyết viết về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, Hà Ân (1977:66) viết:
Xê-da-ri do trung đoàn Mác-xoanh (Marsouins) thuộc bán lữ đoàn lê dương thuộc địa thứ 9 đóng giữ.
Bán lữ đoàn (demi-brigade) cũng là trung đoàn (régiment). Bởi vậy không thể có chuyện trung đoàn nằm trong thành phần của bán lữ đoàn.

Ngoài ra, không có đơn vị nào mang danh lê dương thuộc địa cả. Lê dương là lê dương. Thuộc địa là thuộc địa. Hai loại lính đó thuộc quyền quản trị của những cơ quan khác nhau.

Các me tây còn phân biệt được:
Các me đã chia chồng Tây ra làm ba hạng: Xi-vin, ca-lô-nhần và lê dương.
Vũ Trọng Phụng (2006k:17)
Vì sao nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử lại có thể bất cẩn như thế?

Mác-xoanh (marsouin) là bộ binh hải quân, tức thủy quân lục chiến, là quân thuộc địa (armée coloniale), không phải là quân lê dương (légion étrangère).
Nhưng Hà Ân (1977:66) nhất dịnh cho đó là lính lê dương:
Đây là một điểm hiểm hóc trong kế hoạch khởi nghĩa của binh lính trại khố xanh Bô-dông. Hai loại lính khác nhau hoàn toàn về sung ống, về khả năng tác chiến và cả về uy thế nữa. Giá thầm hổ thẹn thú nhận rằng lính khố xanh sợ lính lê dương hơn sợ cọp.

Thursday 20 February 2014

Bán lữ đoàn là gì?



Năm 1789 Cách Mạng Pháp thành công, tiếp thu quân đội của chế độ cũ. Đội quân này gồm nhiều trung đoàn (régiment) với thành phần chỉ huy gồm toàn các nhà quý tộc bảo hoàng và một đội ngũ binh lính nhà nghề. Năm 1794 Hội Nghị Quốc Ước (Convention) giải thể tất cả trung đoàn đó, thành lập các đơn vị mới, gọi là bán lữ đoàn tác chiến (demi-brigade de bataille). Mỗi bán lữ đoàn có hai tiểu đoàn quân tình nguyện (tức dân tay ngang mới đi theo cách mạng) kèm cặp một tiểu đoàn lính (chế độ) cũ. Năm 1796 do quân số hao hụt, hai bán lữ đoàn tác chiến được gom lại thành một bán lữ đoàn chuẩn (demi-brigade de ligne). Năm 1803 các bán lữ đoàn này lại được gọi là trung đoàn (régiment). Mèo lại hoàn mèo.
Trong quân đội Pháp hiện nay chỉ còn một đơn vị mang danh bán lữ đoàn là bán lữ đoàn lê dương số 13 (13e DBLE).

Thursday 12 December 2013

BVN là gì?



BVNtiểu đoàn Việt Nam (Bataillon Vietnamien) trong quân đội quốc gia thời Bảo Đại. Tiểu đoàn Việt Nam đầu tiên được thành lập năm 1949. 

Không như các tiểu đoàn khinh quân, BVN có quân số và trang bị giống như một tiểu đoàn bộ binh Pháp. Mỗi tiểu đoàn có 1 bộ chỉ huy, một đại đội chỉ huy và bốn đại đội tác chiến với 829 quân nhân (23 sĩ quan, 110 hạ sĩ quan và 696 binh sĩ), 30 súng lục, 433 tiểu liên Mat 49, 624 súng trường Mas 36, 36 súng phóng lựu, 41 trung liên 24 X 29, 8 đại liên M 30, 8 súng cối 60 ly, 4súng cối 81 ly, 4 súng không giật, 12 súng phóng hỏa tiễn, 10 xe Jeep, 10 xe Dodge, 13 xe GMC, 1 xe hồng thập tự. Tiếng là tiểu đoàn Việt Nam nhưng trang bị là của Pháp, cán bộ chỉ huy (thường) là người Pháp: tiểu đoàn 14 Việt Nam (nguyên là tiểu đoàn dã chiến Viễn Đông số 7 - 7ème BMEO) có 86 quân nhân người Pháp biệt phái trong khi tiểu đoàn 18 Việt Nam hoàn toàn là người Việt Nam.

Saturday 9 November 2013

Khinh quân là gì?



Tiểu đoàn khinh quân trên các tài liệu tiếng Pháp viết về chiến trang Đông Dương thời 1953-1954 được ghi là bataillon léger de commandos / bataillon léger / bataillon d’infanterie légère.
Tiểu đoàn khinh quân đầu tiên được thành lập năm 1953. Mỗi tiểu đoàn được biên chế 737 quân (ban đầu là 625) hoàn toàn là người Việt, lấy từ số thanh niên quân dịch. Quân số luôn luôn thiếu: các tiểu đoàn khinh quân thưởng được gọi là tiểu đoàn 500 quân (bataillon de 500). Khinh quân sử dụng vũ khí và quân trang do Mỹ cung cấp (JM Le Page, 2007).

Tiền thân của khinh quân là các đại đội com-măng-đô, một loại phụ lực quân thời bấy giờ. Vào đầu năm 1953 có 91 đại đội như vậy trong tổng số 595 đại đội phụ lực quân (Lê Văn Dương, 1972:195). 



Ngày 24/2/1953 trước nguy cơ mất trọn vùng Thái, Pháp và chính quyền Bảo Đại gom các đại đội com-măng-đô vào 54 tiểu đoàn com-măng-đô, đổi tên là khinh quân. Kế hoạch dự trù phát triển quân số đến mười vạn  nhưng trong năm 1953 chỉ gọi bốn vạn (chia làm bốn đợt bắt lính ngày 1/7/1953, 1/8/1953, 1/9/1953 và 1/10/1953) (Lê Văn Dương, 1972:195).

Khinh quân là bộ binh nhẹ, được sử dụng cho mục tiêu bình định lãnh thổ (Lê Văn Dương, 1972:197), giành lại quyền kiểm soát đất đai: tháng 3-1952 5000/7000 làng ở miền Bắc nằm trong tay Việt Minh (Le Page, 2007:116-117).  Nếu rảnh tay không phải lo giữ đất, các đơn vị tinh nhuệ có thể được tập trung lại thành những binh đoàn cơ động mạnh, sẵn sàng đối phó với chủ lực của ta.


Đó là một âm mưu hết sức nguy hiểm. Vì vậy Việt Minh không ngại sử dụng chủ lực để đánh khinh quân vừa để gây khó khăn cho kế hoạch tập trung lực lượng tinh nhuệ của địch, vừa để chứng tỏ rằng các tiểu đoàn mang danh com-măng-đô nảy trên thực tế com-măng-đô không ra com-măng-đô, tiểu đoàn không ra tiểu đoàn.

Ngày 19-10-1953 Trung đoàn tập kích bốt Văn Lý - Xương Điền ở xã Hải Lý (Hải Hậu), tiêu diệt hai tiểu đoàn khinh quân 701, 703 là lực lượng chủ lực cơ động thuộc đặc khu Phát Diệm - Bùi Chu của địch, mở rộng vùng du kích Hải Hậu - Nghĩa Hưng.
Tổng cộng có bảy  tiểu đoàn khinh quân bị trung đoàn 46 và trung đoàn 50 của Việt Minh đánh tan ở Bùi Chu. Pháp phải điều hai binh đoàn cơ động (GM)  đến giải tỏa (Le Page, 2007).

Monday 4 November 2013

Tán binh là gì?



Tán binhlính đi rải rác nhiều nơi, không tập hợp lại một chỗ (Lê Văn Đức, 1970b:1348). 

Đào Duy Anh (1950:1770)  mượn từ tán binh散兵của tiếng Hán để dịch từ tirailleur của tiếng Pháp.

Lê Khả Kế (2001:1654) phân biệt hai loại tirailleur 1) lính biệt kích, lính phân tán 2) lính bản xứ (ở các thuộc địa Pháp). Nghĩa 1 thời Napoléon chỉ tán binh, tức thứ lính đi trước đội hình chính, làm nhiệm vụ bắn quấy rối địch quân (Soldat détaché en avant d'une colonne pour tirer à volonté sur l'ennemi). Nghĩa 2 (bộ binh nhẹ người bản xứ ở các thuộc địa của Pháp - Soldat de certaines troupes d'infanterie, recruté parmi les populations autochtones des anciens territoires ou protectorats français d'outre-mer, encadré par des officiers français) ở nước ta còn có tên gọi nôm na là lính tập. Không nên dùng từ tán binh để gọi loại tirailleur này.

Sunday 3 November 2013

Tây rạch mặt là bọn nào?



Một số Tây đen, tức lính châu Phi da đen (Afrique Noire) trong đoàn quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông có tục rạch mặt vằn vện, trông rất dữ dằn. Người Việt gọi chúng là Tây rạch mặt / Tây gạch mặt / Tây mặt gạch hay lính Xê-nê-ga-le (tirailleur sénégalais).



Bữa nó đưa bố sang gặp thầy Lư tôi mới được nhìn kỹ khuôn mặt người lính viễn chinh này. Môi ông dày và đặc biệt hai bên má đều có vết gạch sâu vào. Ở quê tôi người ta gọi là Tây gạch mặt! 

Tô Đức Chiêu - Đứa con lai


Sau khi Nhật chiếm một thời gian, thì Tây chiếm trở lại. Nhưng lần nầy có nhiềâu "Tây đen Phi châu" như người Maroc và Senegal (còn có biệt danh là "cột nhà cháy" vì nước da đen tuyền, hay "Tây gạch mặt" vì trên mặt của họ có những lằn giống như thẹo do phong tục gạch mặt làm duyên của họ).


GS Nguyễn Hữu Phước - Dòng Sông Định Mạng




Loại lính này thoạt kỳ thủy được chiêu mộ ở Xê-nê-gan năm 1857, do đó có tên gọi là tirailleur sénégalais. Về sau từ tirailleur sénégalais được dùng để chỉ chung bộ binh nhẹ người da đen châu Phi (trừ khu vực Bắc Phi).


Vì giá rẻ nên lính Tây đen được tuyển mộ để đưa sang chiến đấu ở Đông Dương từ tháng 4-1947. Đợt đầu tiên chỉ có 167 người, nhưng đến cuối năm đó đã có 2260 anh Tây đen trên chiến trường Đông Dương. Năm 1948 nhiều tiểu đoàn Xê-nê-ga-le dã chiến (BMTS) được tổ chức và huấn luyện riêng cho chiến trường Đông Dương. Tiểu đoàn 1/24 và tiểu đoàn 2/24 đến Hải Phòng ngày 1/1/1949, tiểu đoàn 26 đến ngày 16/4/1949, tiểu đoàn 27 đến ngày 18/4/1949, tiểu đoàn 28 đến ngày 23/4/1949, tiểu đoàn 29 đến ngày 25/7/1949, tiểu đoàn 30 đến ngày 17/8/1949, tiểu đoàn 32 đến ngày 28/9/1949, tiểu đoàn 31 đến ngày 19/10/1949. Tổng cộng là 12090 người. Khi đến nơi lính Xê-nê-ga-le được phân phối cho các đơn vị có sẵn ở chiến trường như các trung đoàn bộ binh thuộc địa (RIC) số 2, số 6 và số 43, các trung đoàn pháo binh thuộc địa (RAC) số 4 và số 10... và cả trung đoàn bộ binh Ma-rốc (Bắc Phi, không đen). Năm 1951 tuyển được 14600 lính Xê-nê-ga-le. Khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ, số lính Xê-nê-ga-le có mặt ở Đông Dương lên đến 19570 tên, trong đó có khoảng 1000 tên phục vụ trong không quân.

Trong suốt cuộc chiến có khoảng 5500 Tây đen tử trận, mất tích hoặc đào ngũ và 1000 tên khác bị Việt minh bắt. Tây đen có sức khỏe tốt nên thường phải gánh những việc nặng nhọc nhất trong trại tù binh. Khoảng 800 người được trao trả vào năm 1954.
Sau chiến tranh Đông Dương, chỉ một số lính Xê-nê-ga-le đáng tin cậy được chuyển qua các trung đoàn bộ binh thuộc địa (RIC) hoặc pháo binh thuộc địa (RAC). Số còn lại bị cho về vườn.

Tuesday 29 October 2013

Kỵ binh nào đánh nhau với Việt Minh ở Vĩnh Yên?



Đêm ngày 14, tại Vĩnh Yên, ngoài tiểu đoàn Mường bị thiệt hại nhẹ, Vanuyxem chỉ còn thu thập được 240 lính ky binh Angiêri và 280 lính Ma rốc, đều kiệt sức, đạn dược đã cạn, thấp thỏm chờ đợi từng phút một đợt tiến công mới của bộ đội ta.

(Võ Nguyên Giáp – Đường tới Điện Biên Phủ)

Trong thành phần của binh đoàn cơ động / liên đoàn lưu động số 3 (GM3) của trung tá Vanuxem có một đơn vị kỵ binh mang phiên hiệu 8e G(E)SAP. Về thực chất, đó là một đơn vị bộ binh tương đương tiểu đoàn. Phiên hiệu đầu tiên của 8e G(E)SAP  lúc đổ bộ lên Đông Dương (18/4/1949) là 8ème Groupe (d’Escadrons) de Spahis Algériens à Pieds họ không cưỡi ngựa cũng chẳng có xe pháo gì và mang danh là kỵ binh nhưng toàn đi bộ (tiếng Pháp là à pieds, tiếng Anh gọi là dismounted) và cho tới tháng 12/1951 chiến đấu không khác gì bộ binh (Michel Bodin, 2000:22 ; Michel Bodin, 2007:63-79). Các đơn vị khác rất ngán hành quân chung với 8e G(E)SAP vì bọn này có huông đánh đâu thua đó (une réputation de scoumoune tenace). Trong trận Bảo Chúc (Vĩnh Yên, ngày 14/1/1951)  8e G(E)SAP mất 40% lực lượng (8 sĩ quan, 24 hạ sĩ quan và 163 binh lính). Tàn quân được tổ chức lại thành 2 chi đoàn tạm (escadron de marche) cầm cự cho đến khi quân của tướng Giáp rút lui.

Sau trận Vĩnh Yên 8e G(E)SAP được bổ sung một chi đoàn người Mường và ba biệt đội phụ lực quân, nhưng vẫn giữ phiên hiệu 8e G(E)SAP của kỵ binh xpahi An-giê-ri. Tên mới đầy đủ là 8ème Groupe (d’Escadrons) de Spahis Algériens Portés (liên chi đoàn số 8 [kỵ binh] xpa-hi An-giê-ri thiết vận). Nhiệm vụ mới là làm bộ binh tùng thiết cho hai chi đoàn chiến xa Chaffee M-24 của thiết đoàn  số 1 (1er Chasseurs).

Tháng 1-1953 8e G(E)SAP trở thành 8e RSA (régiment de spahis algériens – trung đoàn kỵ binh xpahi An-giê-ri số 8, một phiên hiệu đã bị xóa bỏ vào tháng 5-1946) để trở thành một trung đoàn kỵ binh thực thụ. Thành phần mới có 1 chi đoàn chiến xa (4 chi đội, mỗi chi đội 4 xe tăng M24), 3 chi đoàn bộ binh cơ giới ngồi xe GMC (mỗi chi đoàn có 4 chi đội bộ binh và 1 chi đội trợ chiến), 1 chi đoàn thiết vận (4 chi đội, mỗi chi đội 4 xe háp-trắc + 1 chi đội súng cối 81), 1 chi đoàn văn phòng.

Sunday 27 October 2013

Lính lê dương nào đội mũ đỏ?

Lính lê dương chưa bao giờ đội mũ đỏ. Nghe các nhân chứng lịch sử thuật chuyện đánh nhau với bọn lính lê dương mũ đỏ, con cháu đâm ra hoang mang. Thật ra các cụ đã đánh nhau với bọn nào? Vì sợ mang tội bất kính nên không dám hỏi sự thật là các cụ có đánh nhau hay không. Nhưng nhân chứng đã kể như thế thành ra sách báo đời sau cứ ghi như thế. Cứ biết như thế. Chẳng chết thằng Tây nào cả.

Saturday 26 October 2013

Lính cô-lô-nhần là lính gì?



Đạo luật ngày 7 tháng 7 năm 1900 chuyển thủy quân lục chiến Pháp (troupes de Marine) khỏi bộ Hải Quân, giao cho bộ Chiến Tranh quản lý và đổi tên thành Quân Thuộc Địa (Troupes Coloniales), với nhiệm vụ (ban đầu) là bảo vệ tất cả các thuộc địa của Pháp trừ khu vực Bắc Phi (thuộc trách nhiệm của Quân Phi Châu (Troupes d’Afrique / Armée d’Afrique). Quân Thuộc Địa sau đó được chia thành  bộ binh thuộc địa (infanterie coloniale) và pháo binh thuộc địa (artillerie coloniale). Khi các thuộc địa của Pháp đều giành được độc lập, Quân Thuộc Địa (bộ binh thuộc địa và pháo binh thuộc địa) lại phải đổi tên thành Quân Hải Ngoại (Troupes d’Outre-Mer ,1958), rồi lại trở thành Thủy Quân Lục Chiến (troupes de Marine) nhưng vẫn nằm trong tổ chức của lục quân.
Quân Thuộc Địa có hai loại đơn vị:
-Bộ binh thuộc địa và pháo binh thuộc địa trong thời gian từ 1900 đến 1958 được gọi là Coloniale blanche » (quân thuộc địa (da) trắng, người Việt gọi là Tây cô-lô-nhần) vì chủ yếu là quân nhân từ mẫu quốc đưa sang. Lính (soldat) Tây được người Việt gọi là lính sơn đá /san đá / săng đá / sang đá.  
-Bộ binh nhẹ (tirailleur) người bản xứ do sĩ quan Pháp chỉ huy. Loại bộ binh này ở Bắc Kỳ được dân chúng gọi là lính tập Bắc Kỳ (tirailleur tonkinois).

Thursday 24 October 2013

Sao có quá đông pháo thủ An-giê-ri ở Điện Biên Phủ trong ngày 20 tháng 12 năm 1953?



Trích Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp (bản dịch của Bùi Trân Phượng, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1994):
Chủ nhật ngày 20 tháng 12 
Tướng Navarre rời Hà Nội.

Việt Minh tiến quân vào sâu hơn với đại đoàn 325 trong khu vực Nà Phao.

LỆNH CHIẾN ĐẤU

Hai tiểu đoàn dù thuộc đội quân của Bigeard đã quay về Hà Nội và, trong khi chờ đợi xây dựng trung tâm đề kháng Hồng Cúm ở phía Nam tạm thời do tiểu đoàn Tabor số 2 chiếm lĩnh, khu căn cứ Điện Biên Phủ gồm có Him Lam ở Đông Bắc, Bản Kéo ở Tây Bắc, do tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam giữ, Claudine ở cạnh đáy phía Tây do tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn 13 lê dương giữ; đồi C ở cạnh đáy phía Đồng, do tiểu đoàn 3 lính Thái giữ; cao điểm 206, ở trung tâm phía Tây, do các đơn vị Thái và lê dương giữ; cuối cùng là đồi D, ở trung tâm phía Đông, do tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 pháo thủ Angiêri giữ. Một binh đoàn cơ động gồm tiểu đoàn 8 xung kích và tiểu đoàn 1 lính dù lê dương chuẩn bị đi Sốp Nao. Người ta đợi tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 pháo thủ Angiêri và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 lê dương, để hình thành Hồng Cúm.

 Các đơn vị mang danh An-giê-ri tham chiến ở Đông Dương đều là bộ binh nhẹ chính quy. Hồng Cúm (tức Isabelle) do một đơn vị như vậy thiết lập ngày 15/12/1953. Đơn vị đó mang phiên hiệu là 2e BM/1er RTA (2e bataillon de marche du 1er régiment des tirailleurs algériens), tức là tiểu đoàn dã chiến số 2 của trung đoàn bộ binh nhẹ (chính quy) An-giê-ri số 1.

Dịch tirailleur thành pháo thủ dễ gây ngộ nhận. Pháo thủ từ hơn một thế kỷ nay đã được xem là cũng nghĩa như pháo binhpháo binhlính chuyên coi về việc bắn đại bác (Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:431). Génibrel (1898:596) dịch là artilleur. Vì lý do này, tiểu thuyết Les Trois Mousquetares có thời được dịch là Ba chàng ngự lâm pháo thủ, sau phải đổi lại thành Ba người lính ngự lâm vì mút-kê không phải là súng lớn.

Wednesday 23 October 2013

Lệnh chiến đấu đâu?



Trích Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp (bản dịch của Bùi Trân Phượng, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1994):

Chủ nhật ngày 20 tháng 12 
Tướng Navarre rời Hà Nội.

Việt Minh tiến quân vào sâu hơn với đại đoàn 325 trong khu vực Nà Phao.

LỆNH CHIẾN ĐẤU

Hai tiểu đoàn dù thuộc đội quân của Bigeard đã quay về Hà Nội và, trong khi chờ đợi xây dựng trung tâm đề kháng Hồng Cúm ở phía Nam tạm thời do tiểu đoàn Tabor số 2 chiếm lĩnh, khu căn cứ Điện Biên Phủ gồm có Him Lam ở Đông Bắc, Bản Kéo ở Tây Bắc, do tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam giữ, Claudine ở cạnh đáy phía Tây do tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn 13 lê dương giữ; đồi C ở cạnh đáy phía Đồng, do tiểu đoàn 3 lính Thái giữ; cao điểm 206, ở trung tâm phía Tây, do các đơn vị Thái và lê dương giữ; cuối cùng là đồi D, ở trung tâm phía Đông, do tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 pháo thủ Angiêri giữ. Một binh đoàn cơ động gồm tiểu đoàn 8 xung kích và tiểu đoàn 1 lính dù lê dương chuẩn bị đi Sốp Nao. Người ta đợi tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 pháo thủ Angiêri và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 lê dương, để hình thành Hồng Cúm.

Ở Điện Biên Phủ, vị linh mục cũ của Lai Châu trở thành cha tuyên úy của Hồng Cúm tìm cách dùng xe tải phục vụ các nông dân chưa kịp mang lúa đã gặt về nhà. Mỗi buổi chiều, một đại úy quân y chăm sóc dân tản cư.

Phía Đông Bắc Thà Khẹt, lợi dụng thời tiết xấu, quân địch từ rừng núi đổ ra những con đường tồi tệ để tấn công binh lính ta mà không quân không thể yểm trợ.
 

Không thấy cái lệnh chiến đấu nào cả. Cả đoạn văn chỉ nói về tình hình bố trí lực lượng. Nghi bản gốc là ordre de bataille. Có người còn dịch ordre de bataillechiến lệnh.

Từ ordre có mười mấy nghĩa. Lệnh là một. Cái nghĩa căn bản nhất là thứ tự và là nghĩa của ordre trong thuật ngữ ordre de bataille, chỉ sự bố trí lực lượng (rang, position assigné(e) aux différents corps de l'armée pour se présenter au combat). Đào Duy Anh (1950:1185) mượn陣列tiếng Trung Quốc, dịch là trận liệt. Thuật ngữ này được sử dụng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Đỗ Thiếu Liệt, 1957:274).

Saturday 19 October 2013

Lính ta-bo là lính gì?



Ta-bo là từ người Việt gọi một loại bộ binh nhẹ người Ma-rốc thuộc đạo quân châu Phi (Armée d’Afrique). Gốc tiếng Pháp là tabor, chỉ đơn vị cấp tiểu đoàn của thứ lính này.

Mỗi tabor có ba goum tác chiến (tương đương đại đội bộ binh) và một goum chỉ huy – trợ chiến. Mỗi goum tác chiến có 181 quân, trong đó có 2 sĩ quan và 10 hạ sĩ quan. Cán bộ các cấp đều là người Pháp.

Về mặt hành chính, tabor là đơn vị thường trực cấp cao nhất. Tùy theo nhu cầu của chiến trường, một số tabor được ghép lại thành liên đoàn (binh đoàn) mang danh G.T.M. (groupement de tabors marocains).  Tuy nhiên, về mặt tổ chức, goum mới là hạt nhân tạo nên bản sắc của đơn vị:

Trong tiếng Ả Rập Ma-grếp, gum vốn có nghĩa là bộ lạc, sau đó được dùng để chỉ những đội kỵ binh mà bộ lạc đóng góp cho quân đội của nhà vua. Pháp chiếm Ma-rốc, dùng từ goum để gọi các đội quân phụ lực người bản xứ được chiêu mộ theo kiểu này. Vì vậy người Pháp gọi lính ta-bo là goumier (lính của goum). Từ goumier cũng được phổ biến trong tiếng Anh (goumier unit, goumier battalion...) trong khi người Việt chỉ chú ý đến đặc điểm hành chính (đơn vị quân ta-bo, tiểu đoàn ta-bo...).

Như thế là sau bảy ngày chiến đấu ròng rã trên chặng đường số 4, từ Đông Khê đến Thất Khê, quân ta tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Lơ Pagiơ, gồm có tiểu đoàn Tabo thứ nhất (1er Tabor), tiểu đoàn Tabo thứ mười một (11ème Tabor), một tiểu đoàn lính Marốc trong trung đoàn Marốc thứ tám và một tiểu đoàn quân nhảy dù lê dương (BEP), bắt sống tên quan nǎm Lơ Pagiơ và Bộ tham mưu của hắn ở gần Đông Khê. Làm xong nhiệm vụ quân ta quay lại bao vây và tiêu diệt đạo quân Sáctông gồm có ba tiểu đoàn tinh nhuệ: tiểu đoàn Tabo thứ ba (3ème Tabor), tiểu đoàn thứ ba của trung đoàn lê dương thứ ba và một tiểu đoàn ngụy binh, bắt sống quan nǎm Sáctông và Bộ tham mưu của hắn.




Cùng là bộ binh nhẹ người Ma-rốc nhưng goumier, tức lính ta-bo, sang Đông Dương chiến đấu theo hợp đồng, khác với tirailleur (marocain) là lính quân dịch. Do nguồn gốc xuất thân,  lính ta-bo chiến đấu rất giỏi ở địa hình rừng núi. Có người căn cứ vào đặc điểm này để gọi chúng là lính sơn cước Ma-rốc:


Trung tá Le Page, tư lệnh Chiến đoàn Tabor (Groupement des Tabors Marocains G.T.M) bao gồm các tiểu đoàn sơn cước Ma-rốc: 1er Tabor, 3ème Tabor, 8ème Tabor, 10ème Tabor, 11ème Tabor.
...
Trung tá Charton, tư lệnh phó Trung đoàn 3 Lê Dương (3ème REI), quân trấn trưởng Cao Bằng, tư lệnh Chiến đoàn Charton bao gồm các tiểu đoàn 3 Lê Dương (III/3 REI), tiểu đoàn 3 sơn cước Ma-rốc (3ème Tabor), tiểu đoàn phụ lực quân nhẹ (Bataillon Léger de Supplétifs Militaires B.L.S.M) và pháo đội 105 ly.


Lính Ta-bo nổi tiếng từ Tây sang Đông vì lì lợm khi xung trận, đặc biệt là vô kỷ luật số một và đi đến đâu hiếp dâm đến đó.  Chuyện lính ta-bo cướp bóc, cưỡng hiếp phụ nữ Ý và Đức cuối chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ (tiểu thuyết La Ciociara của Alberto Moravia và bộ phim cùng tên năm 1960,  tiểu thuyết Point of Honor của Mortimer R. Kadish...). Vì lý do đó, phần lớn các đơn vị ta-bo bị giải tán sau năm 1945, từ 4 liên đoàn chỉ còn lại 3 tiểu đoàn (tabor) và 50 đại đội (goum). Khi bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương liên tục xin tăng viện bằng quân ta-bo, bên chính quốc cương quyết từ chối. Mãi đến mùa thu năm 1948 yêu cầu này mới được đáp ứng (Michel Bodin, 2000:20). Từ 1948 đến 1954 có 9 tiểu đoàn ta-bo được gửi sang chiến đấu ở Đông Dương (Michel Bodin, 2000:26).

Ghê như lính Ta-bo của Pháp, ác hơn hổ mà lạc rừng đói lả, ta chỉ cơm nguội nhử cũng ra hàng. 

Friday 18 October 2013

Lính sơn đá là lính gì?



Sơn đá là lính (soldat) của các đơn vị chính quy người Pháp hồi họ mới đến Việt Nam.

Sơn-đá (soldat) chỗ thành bộ binh,
Ba từng lầu cất phân minh vững bền.
(Nguyễn Liên Phong,1909:32)

Sơn đá là một trong khoảng 100 từ gốc Pháp đầu tiên trong vốn từ tiếng Việt:
Thử xem tiếng Tây là một tiếng rất khác với tiếng ta, tây thì có nhiều vần (polysyllabe, ta thì một vần (monosyllabe), mà trong năm sáu mươi năm nay còn có trên tám mươi tiếng Tây thành tiếng Annam thay! Tỉ như: “xấp-lê” (siffler), nhà “ga” (gare), xà-lúp (chaloupe), xà-lang (chaland), “sơn-đá” (soldat), áo “bành-tô” (paletot), vân vân..., huống chi Tàu với ta nói năng một cách.
(Đông-thành Võ Thanh-Tân, Nam Phong Tạp Chí số 27, 1919:263)

Từ sơn đá có các biến thể là san đá, săn đá, săng đá, sang đá...

Thursday 17 October 2013

Trung đoàn hành quân hay trung đoàn tân lập?


Sách Bí mật đội quân Lê Dương Pháp của Đào Ngọc Ninh (nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2007) nhiều lần nhắc đến các trung đoàn hành quân của quân Lê Dương Pháp:
Tháng 10/1915, sư đoàn Ma-rốc rời khỏi tuyến một do bị thiệt hại nặng và do thiếu lính bổ sung, toàn bộ lính Lê dương còn lại được tổ chức thành trung đoàn hành quân Lê dương (Regiment de la March de la Legion Etrangere-RMLE) do trung tá Cot chỉ huy. Trung đoàn RMLE gồm 71 sĩ quan và 3115 binh lính.
...
Các đơn vị Lê dương được cải tổ lại thành các đơn vị chiến đấu hiện đại. Lực lượng chính gồm trung đoàn hành quân Lê dương RMLE (lấy lại phiên hiệu của trung đoàn RMLE thời Đại chiến thế giới thứ nhất) và thành lập lại các trung đoàn 2, 3, 4 và 6 Lê dương tại Si di bel Abbes tháng 7/1943.

RMLE - Régiment de Marche de la Légion Étrangère nguyên thủy là phiên hiệu của một đơn vị tạm lập ngày 11 tháng 11 năm 1915 từ tàn quân của hai trung đoàn lê dương. Bản thân hai trung đoàn này cũng là những dơn vị có tính cách lâm thời. Đó là:
- Phần lớn số 38 sĩ quan và 1233 quân còn lại từ 2e régiment de marche du 1er régiment étranger. Đơn vị này được tổ chức bằng cách lấy quân (2 bán tiểu đoàn, mỗi bán tiểu đoàn có 2 đại đội) từ trung đoàn lê dương số 1 cộng với quân mới tuyển để tạm lập ra một trung đoàn khác mang số 2 (gồm 2 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 4 đại đội). Trung đoàn mẹ (số 1) còn đẻ ra thêm hai đơn vị tạm thời khác mang số 3 và 4. Cả ba đơn vị con đều chỉ tồn tại trong thời gian trên dưới một năm (1914-1915).
- Phần lớn số quân còn lại (39 sĩ quan và 1910 binh lính) của 2e régiment de marche du 2e régiment étranger. Đơn vị này là đứa con thứ hai của trung đoàn lê dương số 1 (lấy 782 quân, hai tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gồm hai đại đội, khi đến mặt trận được bổ sung quân số thành 1947 người).. Đơn vị này chỉ tồn tại khoảng một năm (1914-1915).  Đứa con mang số 1 của trung đoàn 1 là 1er régiment de marche  thọ hơn (1907-1918).
RMLE khi mới thành lập có đủ 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 4 đại đội, khoảng 3000 người. Chỉ sau năm ngày chiến đấu trên sông Somme (4-9/7/1916) đã mất 1368 người. Trận Aubérive (tháng 4/1917) lại mất thêm phân nửa số còn lại. Tháng 9/1918 RMLE được bổ sung quân gần như đầy đủ trở lại (48 sĩ quan và 2540 quân). Sau chiến tranh, phiên hiệu RMLE bị xóa bỏ và được thay bằng 3e régiment étranger, trung đoàn lê dương số 3 (ngày 20/9/1920).

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, một lần nữa các đơn vị đã có tổ chức ổn định lại bị chia tách để thành lập nhiều đơn vị mới. Ngày 15/12/1942, trung đoàn 3 góp hai tiểu đoàn (I/3e REI, III/3e REI), cộng với một tiểu đoàn trộn quân của trung đoàn 3 và trung đoàn 2 để lập ra một trung đoàn mới lấy phiên hiệu 3e REIM (3e régiment étranger d'infanterie de marche). Ngày 1 tháng 7 năm 1943, trung đoàn 3 (mới) 3e REIM sau khi được bổ sung quân số và tái chỉnh trang bằng vũ khí Mỹ, được đổi tên thành trung đoàn lê dương (mới) – RMLE. Phiên hiệu (mới) này đã từng được (tạm) sử dụng gần hai mươi năm trước. Sau chiến tranh, phiên hiệu tạm bị xóa bỏ và trung đoàn lấy lại phiên hiệu chính thức là trung đoàn 3 -3e REI (1/7/1945).

Nếu bây giờ lại có chiến tranh...

Saturday 12 October 2013

Xpahi là lính gì?

Xpahi (tiếng Pháp là spahi, đọc theo giọng Pháp là [spai], chữ h không đọc) nguyên thủy là kỵ binh bản xứ (cavalerie indigène) thuộc đạo quân châu Phi (Armée de l’Afrique). Lính xpahi lúc đầu được tuyển ở An-giê-ri (spahis algériens), sau đó có cả người Tuy-ni-di (spahis tunisiens) và Ma-rốc (spahis marocains).


Lính Xpahi An-giê-ri từng tham gia đoàn quân đánh chiếm Bắc Kỳ (1885) với ba (đại) đội kỵ binh.

Khi trở lại Đông Dương sau thế chiến thứ 2, trong các đơn vị Xpahi An-giê-ri và Ma-rốc có cả binh lính người Việt do tình hình quân số thiếu hụt và do nhu cầu da vàng hóa cuộc chiến tranh.

Năm 1962 chấm dứt sự tồn tại của các đơn vị kỵ binh người Bắc Phi. Hiện nay chỉ còn một trung đoàn mang danh xpahi nhưng toàn người Pháp (860 quân nhân, trong đó có 50 sĩ quan). Đó là trung đoàn 1 Xpahi – 1er RS, nằm trong binh chủng kỵ binh thiết giáp) đóng quân ở ngay trên đất Pháp (Valence).

Friday 11 October 2013

Hiến binh sen đầm là gì?


Hoàng Phê (2006:437) định nghĩa hiến binhcảnh sát vũ trang trong quân đội một số nước trong khi sen đầm được Hoàng Phê (2006:856) xem là lực lượng vũ trang đặc biệt chuyên giữ gìn an ninh chính trị ở các nước đế quốc, thuộc địa.

Nhưng cả hai từ hiến binhsen đầm đều tương ứng với từ gendarme của tiếng Pháp. Hiến binhLính giữ hiến pháp. Tức là lính “sen-đầm” (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:236). Sen-đầm chẳng qua chỉ là một từ Việt mượn âm Pháp (gendarme). Hiến binh có sắc thái trang trọng hơn, nhưng vẫn chỉ lính sen đầm mà thôi.

Thursday 10 October 2013

Quân đoàn tác chiến là gì ?

Với sự giúp đỡ có hạn từ bên ngoài, "quân đoàn tác chiến" (corps de bataille) của đối phương sẽ không vượt qua con số 6 đại đoàn bộ binh đơn thuần.
(Võ Nguyên Giáp – Điểm hẹn lịch sử)

Không phải cứ chỗ nào người Pháp viết corps là chỗ đó người Việt phải dịch thành quân đoàn.


Từ corps trong tiếng Pháp lĩnh vực quân sự có nghĩa là quân đoàn (corps d’armée) chỉ khi nói về một đại đơn vị gồm nhiều sư đoàn. Đây chỉ là một trường hợp riêng của nghĩa lực lượng (được đoàn ngũ hóa).


Corps de garnisonlực lượng / đơn vị đồn trú. Nếu căn cứ nhỏ thì lực lượng này có thể chỉ ở cấp đại đội, tiểu đoàn.

Corps de bataillelực lượng tác chiến, tiếng Anh là field forces. Hồi mới kháng chiến chống Pháp corps de bataille của Việt Minh chỉ có mấy trung đoàn chủ lực. Đến tháng 4 năm 1975 lực lượng đó đã có nhiều quân đoàn. Nói Quân đoàn tác chiến của ta khi đó có quân đoàn 1, quân đoàn 2, quân đoàn 3, quân đoàn 4, binh đoàn 232... là ngớ ngẩn.


Coprs de réservelực lượng / quân dự bị, khác với corps actiflực lượng hiện dịch / quân thường trực. Tương tự, corps d'artillerie không phải là quân đoàn pháo binh mà chỉ toàn bộ quân nhân thuộc lực lượng / binh chủng pháo binh. Corps d'infanterie không phải là quân đoàn bộ binhCorps sanitaire hay corps de santé chỉ toàn bộ lực lượng / ngành quân y.

Corps des auxiliaires féminins chỉ toàn bộ nữ trợ tá trong quân đội, thời Bảo Đại gọi là đoàn nữ trợ tá / phụ tá, sang thời Việt Nam Cộng Hòa là đoàn nữ quân nhân.

Corps expéditionnairelực lượng / đạo quân / đoàn quân viễn chinh. Quy mô của đoàn quân này có thể là một quân đoàn, nhưng cũng có thể chỉ chừng một vài nghìn người như hồi giữa thế kỷ 19 ở Gia Định.

Corps de gardeđội vệ binh / lính canh, không phải quân đoàn vệ binh nào cả.
Corps des officiersbộ khung sĩ quan. Cũng có thể dịch là đội ngũ sĩ quan.

Corps [des officiers] de l'Intendance bộ khung / đội ngũ cán bộ của cục quân nhu.

 
Toàn bộ sĩ quan trong ban tham mưu của một sĩ quan cao cấp được gọi là corps d’état major.
Sau cùng vì việc phong tướng của Pháp rất chặt chẽ, đâu ra đó cho nên người ta có thể nói về đội ngũ tướng lĩnh trong quân đội Pháp (corps des officers généraux) có quy củ, có tổ chức.