Sunday, 18 November 2012
Sáng lạn hay sáng lạng?
Sáng lạn không
đúng, sáng lạng cũng không đúng. Chỉ
có xán lạn, (chữ Hán: 燦爛 ) nghĩa
là rực rỡ (Đào Duy Anh, 2005:988 ; Nguyễn
Kim Thản, 2005:1835).
Luang Prabang và Viêng Chăn (An Chi - Năng Lượng Mới số 171 ,9- 11 - 2012).
Luang Prabang và Viêng Chăn (Năng Lượng Mới số 171 ,9- 11 - 2012).
by An Chi on Thursday, November 15, 2012 at 11:56pm ·
Bạn đọc : Trước kia ta gọi thủ đô của Lào là Vạn Tượng còn bây giờ lại gọi là Viêng Chăn; vậy hai tên này có cùng một gốc? Có người còn nói kinh đô xưa của Lào là Luang Prabang, có đúng không, thưa ông; và Luang Prabang có phải là tiếng Sanskrit?
An Chi : Luang Prabang là cách ghi theo Phương Tây tên kinh đô xưa của nước Lào, mà tiếng Lào làLuổng Phạ Bang. Đây là một danh ngữ tiếng Lào, gồm ba hình vị : một gốc Hán, một gốc Sanskrit và một thì gốc … Tày-Thái.
“Luổng” có nghĩa gốc là to, lớn, và là một từ Tày-Thái mà ta còn có thể thấy ở từ “luông” trong tiếng Tày, tiếng Nùng và tiếng Thái ở Tây Bắc. Còn xét về nguồn gốc sâu xa thì đây lại là một từ Tày-Thái gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [隆] mà âm Hán Việt hiện đại là “long”, có nghĩa là to lớn, hưng thịnh, tốt đẹp, v.v.. Nhưng trong tiếng Lào thì, từ nguồn gốc tính từ, “luổng” cũng đã chuyển biến từ loại thành một danh từ riêng biệt để chỉ nhân vật cao cả, người có chức quyền cao, và có thể dịch sang tiếng Việt thành “đấng”, “đức”, như trong danh ngữ đang bàn.
“Phạ” là một từ dùng để chỉ Đức Phật hoặc nhà sư và nếu đứng trước một danh từ chỉ người thì nó chỉ tính chất thiêng liêng, cao cả của nhân vật đó. Đây là một từ Lào gốc Sanskrit, bắt nguồn ở từ “vara”, như đã được ghi chú trong Dictionnaire laotien-français của Marc Reinhorn (Centre National de la Recherche Scientifique, tome II, Paris, 1970, p.1515). “Vara” có nghĩa là ưu việt, xuất sắc, thượng hạng, tốt nhất, v.v.. Đi vào tiếng Lào từ tiếng Khmer thông qua tiếng Xiêm (Thái lan), “vara” đã trở thành “phạ”.
Còn “bang” là một từ “thuần Lào”, đã được Wikipedia tiếng Việt (dẫn chiều 5-11-2012) viết thành “băng” và giảng trong đoạn văn ngắn dưới đây :
“Luangprabang (phiên âm kiểu Việt Nam là Luông Pra Băng, hay Luông Pha Băng, Luông Phá Băng (nghĩa là Phật Vàng Lớn) (phiên âm Latinh kiểu phương Tây: Luang Prabang, hay Louangphrabang), là một huyện ở miền Bắc Lào.”
Nhưng giảng “Luông Phá Băng” là “Phật Vàng Lớn” thì rất sai. “Luông” ở đây không còn mang nghĩa gốc là “lớn” nữa, mà tương đương với “đấng”, “đức”, như đã nói ở trên. Còn “bang” thì càng không có nghĩa là “vàng”, mà là “mỏng” (nghĩa gốc), “mảnh mai”, “mảnh khảnh”, như còn có thể thấy ở nhiều ngôn ngữ Tày-Thái quen thuộc khác (Xiêm [Thái Lan], Thái Tây Bắc [Việt Nam], Tày, Nùng, v.v.). Dịch cho sát thì ba tiếng“Luổng Phạ Bang” chỉ có nghĩa là “Đức Phật mảnh khảnh”.
Là một thành phố nằm ở miền Bắc nước Lào, nay là thị xã của một tỉnh cùng tên, Luổng Phạ Bang vốn là kinh đô của vương quốc Lạn Xang từ thế kỷ XIV cho đến năm 1946. Còn Vạn Tượng [萬象] có nghĩa là “mười ngàn voi”, dùng để chỉ thủ đô Viêng Chăn của Lào, thì vốn là tên cũ bằng tiếng Hán của vương quốc Lan Xang, là nước mà cái tên có nghĩa là “triệu voi” (Lan = triệu; Xang = voi). Về từ nguyên, Vạn Tượng không có liên quan gì đến Viêng Chăn, mà tiếng Anh và tiếng Pháp đều phiên thành Vientianecòn Tàu ở Singapore, Mã Lai, Indonesia, Đài Loan, Hongkong và Úc thì phiên bằng hai chữ [永珍], mà âm Hán Việt hiện đại là “Vĩnh Trân”.
Vậy “Viêng Chăn” có nghĩa là gì? Wikipedia tiếng Việt (chiều 5-11-2012) giảng như sau:
“Tên gọi của thành phố bắt nguồn từ tiếng Pali, ngôn ngữ diễn đạt văn chương của Phật giáo tiểu thừa, và những nghĩa ban đầu của nó là “Khu rừng đàn hương của nhà vua”, loại cây quý vì mùi hương của nó theo kinh điển Ấn Độ. Nghĩa của Viêng Chăn là “Thành (phố) Trăng” trong tiếng Lào. Cách phát âm và phép chính tả hiện đại Lào không phản ánh rõ ràng từ nguyên tiếng Pali này. Tuy nhiên tên gọi trong tiếng Thái เวียงจันทน์ vẫn giữ được nguyên gốc từ nguyên, và “Thành Đàn hương” là nghĩa gốc của tên gọi này.”
Thực ra, địa danh “Viêng Chăn” được đặt bằng những đơn vị sẵn có trong từ vựng của tiếng Lào chứ không trực tiếp dính dáng gì đến tiếng Pali cả. Đây là một danh ngữ tiếng Lào trong đó “viêng” là trung tâm còn “chăn”, bổ nghĩa cho nó, là một từ tiếng Lào gốc ở từ Sanskrit/Pali “candana” – nghĩa là một từ đã bị “Lào hoá” – có nghĩa là “(cây) đàn hương”. Cho nên nói tên gọi của nó bắt nguồn từ tiếng Pali là hoàn toàn trái ngược với sự thật. Huống chi, “viêng” cũng không phải vốn có nghĩa là “khu rừng”, như Wikipedia đã suy luận. Trong tiếng Xiêm và tiếng Lào, nó có nghĩa là “thành phố” nhưng đây là một cái nghĩa “tiến triển” theo thời gian chứ ban đầu vốn không phải là thế. Ban đầu nó cũng chỉ có nghĩa như từ “viềng” của tiếng Thái Tây Bắc (Việt Nam) mà quyển Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái (Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977) đã giải thích như sau: “Thành đắp bằng đất hay rào bằng nhiều lớp tre để chống cự với giặc. Viềng thường ở trong những chiềng, là nơi thủ phủ một mường.” (tr. 479). Và ở Viêng Chăn ngày xưa, thay vì rào bằng tre thì người ta rào bằng cây đàn hương. Cho nên giảng “Viêng Chăn” là “Thành Trăng” thì cũng sai. Dân Lào hồi đó đâu có lãng mạn như thế. Wikipedia đã đúng khi giàng “Viêng Chăn” là “Thành Đàn hương”.
Saturday, 17 November 2012
Văn Lang và Gò Mun - An Chi (Người Đô Thị Xuân Nhâm Thìn, 2012).
Về hai chữ 文郎 dùng để ghi tên nước Văn Lang, chúng tôi cho rằng đây là hai chữ Nôm.
Âm HV chính thống hiện đại của văn 文 là vân (vô phân thiết 無分切 = v[ô] + [ph]ân = vân), còn âm HV xưa của nó là mun. Mối quan hệ về phụ âm đầu ( V nay ~ M xưa) giữa văn/vân ~ mun còn có thể thấy được qua nhiều trường hợp khác:
– âm HV xưa của vãn 晚 là muộn;
– âm HV xưa của vạn 萬 là muôn;
– âm HV xưa của vị 未 là mùi;
– âm HV xưa của vị 味 cũng là mùi;
– âm HV xưa của vọng 望 là mong và mòng (trong chốc mòng);
– âm HV xưa của vũ 舞 là múa; v.v..
Còn về vần -ăn/-ân ~ -un, thì ta cũng có:
– âm HV xưa của phấn 粉 là bún;
– âm HV xưa của sấn 齔 (= mất răng) là sún;
– âm HV xưa của vân 耘 ( = cào, bừa) là vun trong vun xới; v.v.
Vậy chẳng có gì lạ nếu âm HV xưa của văn 文 là mun. Như trên đã nói, đây là một chữ Nôm. Chữ này dùng để ghi từ *Mun của ngôn ngữ Việt-Mường cổ xưa, có nghĩa là “người”. Đây là một từ mà, cho đến nay, người Mường ở các tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá vẫn còn dùng để tự gọi, với những biến thể ngữ âm khác nhau, như Mol, Mon, Moăn, Mwal, v.v.. Từ điển Mường-Việt của Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2002) có một mục từ thú vị:
“Mõl : 1. người Mường. Nả là Mõl: Nó là người Mường. 2. người. (…)”
Kiểu đặt tộc danh như trên không phải là chuyện lạ. Tác giả Nguyễn Linh khẳng định: “Thông thường tộc danh, nhất là những tộc danh cổ đều xuất phát từ những danh từ chung có nghĩa là “người”. Trên thế giới, loại tộc danh như thế hiện còn gặp rất nhiều, đặc biệt ở những dân tộc thiểu số.” (Nhiều tác giả, Thời đại Hùng Vương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr.66). Còn lang 郎 là gì? Ý kiến truyền thống thì cho rằng trong tiếng Hán, lang là chàng, là đàn ông, nói rộng ra là người. Trong vài thập kỷ gần đây, lại có ý kiến cho rằng lang là một từ cùng gốc với từ có nghĩa là người trong một số ngôn ngữ ở phía Nam Trung Quốc, chẳng hạn ý kiến của Nguyễn Linh (Sđd, tr. 65-69). Chúng tôi nghĩ khác và cho rằng chữ này không liên quan gì đến khái niệm “người”. Đây là một trong những chữ Nôm thuộc loại cổ xưa nhất: chữ làng trong xóm làng. Xin chú ý rằng những yếu tố Hán Việt có phụ âm đầu l-, hiện nay mang thanh điệu 1 (không dấu) thì xưa có thanh điệu 2 (dấu huyền):
– la 羅(trong la ỷ) xưa đọc là (xđl) là (trong lụa là);
– lan 瀾(= sóng to) xđl làn (trong làn sóng, làn gió);
– lâm ly 淋漓(buồn rầu thảm thiết) xđl lầm lì (nay dùng theo nghĩa khác);
– lâu 樓(trong lâu đài) xđl lầu (trong nhà lầu);
– liêm 鐮 xđl liềm; v.v..
Vậy chẳng có gì lạ nếu chữ lang 郎 xưa đọc là làng. Chữ Nôm này xuất hiện muộn nhất cũng là vào đời Trần (1225 – 1400) còn cái từ Việt-Mường cổ mà nó ghi thì chắc chắn phải trên 2.000 năm tuổi. Ngày nay, nó chỉ một đơn vị hành chính tương đương với hương 鄉 trong tiếng Hán nhưng ngày xưa có thể nó đã có thêm một cái nghĩa rộng hơn, là vùng, miền, v.v. trong tiếng Việt-Mường cổ (nên mới đi chung với nước trong danh ngữ đẳng lập làng nước?). Và Mun Làng là “vùng của những người tự gọi là Người”. Điểm tế nhị cần lưu ý ở đây là kiểu cú pháp ngược (định ngữ – bị định ngữ) của danh ngữ Mun Làng. Thực ra, đây không phải là chuyên lạ vì trong truyền thuyết vế nguồn gốc và cổ sử của dân tộc, nhiều chi tiết đã được nhìn và kể thông qua lăng kính của tiếng Hán. Ngay Hạc (Lạc) Long Quân cũng là một cấu trúc đặt theo cú pháp “ngược”.
Trở lại với từ Việt-Mường cổ Mun, chúng tôi cho rằng đây cũng chính là chữ Mun trong địa danh Gò Mun, di chỉ khảo cổ học ở xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Gò Mun là gò mà người Mun, tức người Việt-Mường xưa, lấy làm nơi cư trú. Đây cũng là một địa điểm liên quan đến nơi đặt kinh đô xưa của nước Văn Lang và niên đại của di chỉ này là khoảng dưới 3.000 năm, còn niên đại chính xác là khoảng 700 năm tr.CN, trùng với khởi thuỷ của Thời đại Hùng Vương.
Friday, 16 November 2012
Ai là người đầu tiên dùng thuật ngữ chỉ tệ với nghĩa là đồng tiền, không nhất thiết phải là tiền giấy?
Không rõ vì lý do gì một số trang Web bằng tiếng Việt ở hải ngoại thường dùng chỉ tệ để dịch từ currency của tiếng Anh. Một trong dấu vết sớm nhất của từ này trên Internet là một bài viết ở trang Vietcatholic vào tháng 2/2003.
Thursday, 15 November 2012
Thấy gì qua luật về chỉ tệ Trung Hoa?
Cuối năm 2011 Thượng Viện Mỹ thông qua một dự luật nhằm gây sức ép Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ (renminbi). Tên tiếng Mỹ của luật đó là Yuan Bill, báo chí Việt dịch là luật về nhân dân tệ. Cùng lúc đó một hotboy của thế giới ảo nằng nặc đổi tên cái luật đó thành luật về chỉ tệ Trung Hoa. Theo cái lô-gích ấy, đồng phơ-răng dù in bằng giấy hay đúc bằng kim loại nhất định phải là chỉ tệ (Pháp, Bỉ hay Thụy Sĩ thì chưa thể xác định được), đồng đô la cũng phải là chỉ tệ (tùy theo trường hợp sẽ là chỉ tệ Mỹ, Hồng Kông, Úc..), đồng ơ-rô chắc là chỉ tệ Âu châu...
Wednesday, 14 November 2012
Chỉ tệ là gì?
Chỉ Hán Việt (紙) nghĩa là giấy. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (2005:158) cắt nghĩa chỉ tệ là Các tiền giấy được lưu-hành được Chính-phủ chuẩn-hứa (monnaie de papier). Chỉ tệ được ghi trong các từ điển xuất bản ở miền Nam trước 1975 (Lê Văn Đức, 1970a:289; Vũ Văn Mẫu, 1970:611; Ban Tu Thư Khai Trí, 1971:194) và tiếp tục được định nghĩa trong một số từ điển xuất bản gần đây:
Tiền giấy được lưu hành thay tiền thật được chính phủ chuẩn y (Nguyễn Như Ý, 1999:351)
Nhưng hiện nay nói tiền giấy dễ hiểu hơn chỉ tệ. Thỉnh thoảng có người vác chỉ tệ ra xài, nhưng dường như không có ý định nói về tiền giấy mà cũng chẳng rõ là định nói về cái gì.
Tuesday, 13 November 2012
CHỮ HÚY ĐỜI LÊ SƠ - Ngô Đức Thọ
Tiếp tục chuyên đề nghiên cứu chữ húy trên văn bản Hán Nôm Việt Nam(1), trong bài viết này chúng tôi trình bày kết quả khảo sát, nghiên cứu thể lệ kiêng húy chữ viết thời Lê sơ (1428-1527), tức là từ đời Lê Thái Tổ đến trước khi Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê). Phương pháp của chúng tôi vẫn là sưu tập, lý giải những điều lệnh kiêng húy của triều đình, phối kiểm với những cứ liệu văn bản hiện có trong từng thời gian tương ứng. Từ đó rút ra những nhận xét có thể dùng làm cơ sở cho việc giám định các văn bản thời Lê sơ. I. Danh mục các chữ húy 1. Từ đời Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông: Đại Việt sử ký toàn thư(2) ghi khá đầy đủ các chữ húy đã được triều đình ban bố trong giai đoạn này: Lê Thái Tổ ban bố 7 chữ (Tháng 5-1428), Lê Thánh Tông bán bố 1 chữ (3-1435), Lê Nhân Tông ban bố 2 chữ (4-1443), Lê Thánh Tông ban bố 2 chữ (2-1461). Cộng 12 chữ. Nhìn chung, điều lệnh tháng 5-1428 là quan trọng hơn cả, trong đó quy định miếu húy đến đời ông bà nội của Lê Thái Tổ. Các đời vua sau tiếp tục ban bố thêm tên húy của vua đương triều và tên húy của mẹ vua. Ngoài việc ban bố tên húy vua đương triều, điều lệnh 4-1443 thời Nhân Tông nhắc lại miếu húy của các đời trước gồm 7 chữ (Toàn thư, BK11,59a), soát lại từ đầu, thấy thiếu 1 chữ. Điều lệnh tháng 2-1461 thời Lê Thánh Tông, cùng lúc với việc ban bố tên húy của vua và mẹ vua, cũng nhắc lại các chữ miếu húy, gồm 9 chữ. Xem lại các chữ húy và quan hệ các bậc tiên thế trong gia đình Lê Thái Tổ, chúng ta có thể nhặt ra chữ 學 (Học) đã thôi kiêng húy từ thời Lê Nhân Tông (Lê Học là anh cả của Lê Lợi, tức là cửa nhà bác, đến đời Nhân Tông không thờ ở Thái Miếu nữa). 2. Từ đời Lê Hiến Tông đến Lê Cung Hoàng: giai đoạn này có 6 đời vua, nhưng Toàn thư chỉ ghi 2 lần có lệnh kiêng húy. Chúng ta lưu ý điều lệnh về mùa xuân năm 1517: cùng với việc ban bố ngự danh, Lê Chiêu Tông sai Lễ bộ Thượng thư Đàm Thận Huy sửa định để ban bố miếu húy, gồm 20 chữ, nhưng Toàn thư không ghi rõ là những chữ nào. Vì vậy, để lên bảng chữ húy thuộc giai đoạn này, chúng ta cần biết rõ 20 chữ miếu húy do nhóm Đàm Thận Huy sửa định. Trong khoảng hơn một chục năm (1505-1516) trước khi Chiêu Tông lên ngôi, triều đình nhà Lê đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng do việc tranh giành quyền bính trong hoàng tộc, nhất là dưới thời Lê Uy Mục. Chính Uy Mục đã giết chú ruột là Kiến vương Lê Tân và ba con của ông này, trong đó có Cẩm Giang vương Lê Sùng. Vì vậy, dễ hiểu rằng sau khi được lập làm vua, Chiêu Tông (con Lê Sùng) không chấp nhận tên húy của Uy Mục trong danh sách miếu húy(3). Mặt khác, đối với Chiêu Tông, chúng ta có thể xác định được những chữ miếu túy quan trọng nhất: Tên cha, Lê Sùng; tên mẹ, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Loan; ông nội Chiêu Tông là Kiến vương Lê Tân (được phong là Kiến Hoàng đế); bà nội là Huy từ Hoàng thái hậu Trịnh Thị Tuyên, tên húy của Trường Lạc Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Huyên (mẹ Hiến Tông). Cộng là 9 chữ, thêm 11 chữ miếu húy thuộc giai đoạn trước, vừa đúng 20 chữ miếu húy ban bố thời Chiêu Tông. Tiếp đến, chúng ta bổ sung những chữ húy đời Lê sơ chưa nêu trong bản thẩm định miếu húy năm 1517: 2 chữ về đời Lê Uy Mục, 1 chữ về đời Lê Cung Hoàng. 3. Tập hợp cả hai giai đoạn, chúng ta có thể lên một bảng Danh mục chữ húy đời Lê sơ gồm 25 chữ như sau: |
Số | Chữ | Quan hệ | Xuất xứ | ||
Lê Thái Tổ(5-1428) | 1 | 汀 | ĐINH | - Ông nội vua | Toàn thư, BK10, 58 |
2 | QUÁCH | - Bà nội vua | -Nt- | ||
3 | 曠 | KHOÁNG | - Cha vua | -Nt- | |
4 | 蒼 | THƯƠNG | - Mẹ vua | -Nt- | |
5 | 利 | LỢI | - Tên vua | -Nt- | |
6 | 陳 | TRẦN | - Phạm Hoàng hậu (Cung Từ) | -Nt- | |
7 | 學 | HỌC | - Anh cả của vua | -Nt- | |
Lê Thái Tông (3-1435) | 8 | 龍 | LONG | - Tên vua | Toàn thư, BK11,1a |
Lê Nhân Tông (4-1443) | 9 10 | 基 英 | CƠ ANH | - Tên vua - Tên mẹ vua (Tuyên Tử) | Toàn thư, BK11,59a -nt- |
Lê Thánh Tông(2-1461) | 11 | 誠 | THÀNH | - Tên vua | Toàn thư, BK12,7a |
12 | 瑤 | DAO | - Mẹ vua (Quang Thục) | -nt- | |
Lê Hiến Tông | 13 | 錚 | TRANH | - Tên vua | Toàn thư, BK13,8a |
(3-1497) | 14 | 咺 | HUYÊN | - Mẹ vua (Trường Lạc) | -nt- |
Lê Thúc Tông | 15 | 淳 | THUẦN | - Tên vua | Toàn thư, BK14,35b |
16 | 環 | HOÀN | - Mẹ vua (Trang Thuận) | Toàn thư, BK14,36a | |
Lê Uy Mục | 17 | 濬 | TUẤN | - Tên vua | Toàn thư, BK14,39a |
18 | 瑾 | CẨN | - Mẹ vua (Chiêu Nhân) | -nt- | |
Lê Tương Dực | 19 | 瀅 | OANH | - Tên vua | Toàn thư, BK15,1a |
Lê Chiêu Tông | 20 | 鑌 | TÂN | - Ông nội vua | Toàn thư, BK15,34a |
(Xuân, 1517) | 21 | 瑄 | TUYÊN | - Bà nội (Huy Từ) vừa là mẹ Tương Dực) | -nt- |
22 | 崇 | SÙNG | - Cha vua | -nt- | |
23 | 鸞 | LOAN | - Mẹ vua (Đoan Từ) | ||
24 | 椅 | Ỷ | - Tên vua | -nt- | |
Lê Cung Hoàng | 25 | 春 | XUÂN | - Tên vua | Toàn thư, BK15,61a |
Subscribe to:
Posts (Atom)