Đặc điểm địa danh A Lưới
Trần Nguyễn Khánh Phong*
I. Đặt vấn đề
Vùng phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế với địa hình vùng gò đồi, thung
lũng, núi cao đã được cộng đồng người Tà Ôi, Pacô, Pahy, Cơ Tu và Bru -
Vân Kiều chọn làm địa bàn cư trú lâu đời. Khởi thủy của vùng đất A Lưới
nói riêng và vùng núi Thừa Thiên - Huế nói chung vốn là nơi hội tụ nhiều
nền văn hóa thời tiền sử và sơ sử. Trên địa bàn huyện A Lưới qua các
phát hiện về khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những chiếc rìu
đá, bôn đá ở các thôn La Ngà (xã Hồng Thủy), ở núi Mèo (xã Hồng Vân) và
ở các xã Bắc Sơn, Hồng Bắc và Hồng Hạ([1]).
Những di tích, di chỉ khảo cổ học này đã cho chúng ta biết được rằng
nơi đây đã từng là địa vực cư trú của tầng lớp cư dân cổ và đã tạo nên
lớp văn hóa cổ. Đã có nhận định cho rằng “…những phát hiện rải rác
các loại rìu, bôn đá ở Huế, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền và A Lưới cho
phép đặt ra một giả thiết đầy triển vọng về khả năng phát hiện các di
tích thời đại đồ đá ở Thừa Thiên -Huế”([2]).
Điều này chứng tỏ ở A Lưới đã, đang và sẽ là cái nôi văn hóa quan trọng
của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đóng góp một phần quan trọng vào sự hội nhập
với văn hóa Huế hiện nay.
Từ trước đến nay việc nghiên cứu địa danh ở Thừa Thiên - Huế chỉ
dừng lại ở cấp độ phân loại như sau: Nhóm địa danh tiếng Việt, Nhóm địa
danh hành chính - cư trú, Nhóm địa danh công trình xây dựng, Nhóm địa
danh chỉ đối tượng địa hình tự nhiên. Địa bàn nghiên cứu địa danh ở đây
chỉ dừng lại ở đối tượng là người Việt và phạm vi chủ yếu ở đồng bằng
thể hiện qua một số công trình địa chí, địa danh hoặc từ điển lịch sử([3]). Riêng đối với địa danh vùng núi hoặc nhóm địa danh dân tộc thiểu số (có 485 địa danh tiêu biểu) thì mới được manh nha([4]).
Nghiên cứu địa danh ở Thừa Thiên - Huế cần theo hướng tiếp cận liên
ngành ngôn ngữ - văn hóa học về một vùng địa lí hội tụ nhiều lớp, nhiều
tầng văn hóa có sự giao thoa, tiếp biến giữa các dân tộc chung sống trên
địa bàn. Chúng tôi xin nêu ra những điều lí giải thú vị về đặc điểm địa
danh huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế để bổ sung những thông tin về
địa danh học thuộc nhóm địa danh dân tộc thiểu số ở địa bàn Thừa Thiên -
Huế mà bấy lâu nay đang thiếu trong các công trình địa chí, địa danh
nơi đây.
II. Sơ lược về lịch sử hình thành vùng đất A Lưới
Vào buổi bình minh của lịch sử dân tộc, vùng đất A Lưới thuộc phần
đất của bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang thời Hùng
Vương, sau thuộc châu Ô, châu Lý của vương quốc Chămpa cổ.
Đến đầu thế kỷ XIV thuộc về vùng đất Đại Việt và dân chúng quần tụ
ngày càng nhiều hình thành nên những cộng đồng dân cư có nguồn gốc cư
trú lâu đời.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân ở các
địa phương được thành lập. Tiếp theo là 9 năm kháng chiến chống thực dân
Pháp nhất là sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, vùng Nam Đông nằm trong
khu dinh điền của Ngô Đình Cẩn, vùng A Lưới cùng vùng Ba Lòng (Quảng
Trị) tạm thời bị o ép bởi lực lượng ly khai nhà đương cục Sài Gòn lúc
bấy giờ.
Tháng 5 năm 1958, Bộ trưởng Nội vụ chính quyền Sài Gòn dưới thời Ngô
Đình Diệm ra Nghị định cải biến huyện thành quận hành chính, đặt thêm
một số quận mới của tỉnh Thừa Thiên: Nha Thượng Du đổi thành quận Thượng
Du sau đổi lại thành quận Nam Hòa. Lúc này đây, vùng đất A Lưới thuộc
vùng núi quận Phong Điền. Quận Phong Điền gồm có các xã: Phong An, Phong
Bình, Phong Hiền (Phong Nhiêu), Phong Hòa, Phong Lộc, Phong Nguyên,
Phong Sơn, quận lỵ đặt tại Phong Nguyên([5]).
Năm 1967 huyện miền núi A Lưới và một phần đất của huyện Nam Đông
(Nam Hòa) thuộc vùng giải phóng chiến khu cách mạng, được chia làm 3
quận gồm: Quận 1, Quận 3 và Quận 4.
Quận 1 gồm các xã: Bắc Sơn, Tây Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, A Ngo, A Đớt, A Roàng, Nhâm.
Quận 3 gồm các xã: Hồng Quảng, Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Hạ, Hồng
Trung, Hồng Tiến, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Nam, Hồng Bắc (1/2 diện
tích), Hồng Kim.
Quận 4 gồm các xã: Hồng Bắc (1/2 diện tích còn lại), Hương Sơn,
Hương Nguyên, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Lộ, Hương Lâm([6]).
Sau Hiệp định Paris thì bỏ quận 4 chuyển thành quận 2 đều trực thuộc Ủy
ban nhân dân cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho đến ngày giải phóng
tháng 3 năm 1975([7]).
Tháng 3 năm 1973, Thường vụ Tỉnh ủy họp, ra Nghị quyết về xây dựng
căn địa miền núi. Lúc này, miền núi Thừa Thiên - Huế có 3 quận, 27 xã,
138 thôn, dân số khoảng 150.000 người, với diện tích vùng giải phóng
khoảng 4000km2 (gần ¾ diện tích toàn tỉnh). Cũng thực hiện
Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng bộ các quận đã đưa dân về Đằm xây dựng thôn
xóm, chuyển hướng sản xuất, xây dựng cuộc sống mới và nơi ở mới hình
thành nên vùng đất A Lưới ngày nay.
Đi tiên phong trong việc chuyển dân từ phía sau ra phía trước([8])
là chính quyền và nhân dân của các xã quận 3 như sau: Hồng Kim về A
Tia, Hồng Bắc về A Ninh, Hồng Trung về Đụt, Hồng Nam về A Rum, Hồng Thuỷ
về sông Tà Rụt, Hồng Vân về Hồng Bắc, Hồng Hạ về đường 12, Hồng Thượng
về Tà Pát, Căn Tôm, Hồng Quảng về Pi Đu và Hồng Thái về A Rí. Đồng bào
Hương Lâm về chỗ cũ và Hương Nguyên về A Rí. Ra quân sớm nhất toàn huyện
là xã Hương Lâm. Chỉ trong 3 ngày 100% dân đã được di chuyển về phía
trước([9]).
Sau khi đã ổn định dân cư và địa hình từ thung lũng A Lưới đến thung
lũng A So cũng là lúc huyện A Lưới chính thức được thành lập vào tháng 3
năm 1976 gồm có 22 xã: Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Trung, Bắc Sơn, Hồng
Kim, Hồng Bắc, Hồng Nam, A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng
Thượng, Phú Vinh, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn, A Roàng, A Đớt, Hồng
Hạ, Hương Nguyên và Hồng Tiến([10]).
Tháng 4 năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất gồm tỉnh Quảng Bình,
khu vực Vĩnh Linh (ở miền Bắc) và tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên (ở
miền Nam). Tỉnh Bình Trị Thiên gồm có 20 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố,
trong đó có huyện A Lưới.
Tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Bình Trị
Thiên phân vạch địa giới hành chính của một số xã và phường ở các huyện A
Lưới, Bố Trạch, Bến Hải và thành phố Huế. Tháng 5 năm 1981, theo đề
nghị của tỉnh Bình Trị Thiên, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 187 -
CP chấp thuận về điều chỉnh địa giới một số xã của các huyện Bến Hải,
Hướng Hóa, Triệu Hải, Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc, A Lưới và thị xã
Đông Hà.
Từ ngày 01/07/1989, tỉnh Thừa Thiên - Huế được tái lập, các đơn vị
hành chính cũng được thay đổi. Sau một quá trình dài chia tách, đơn vị
hành chính toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được ổn định. Tính đến ngày
30/04/2005, toàn tỉnh có 8 huyện và 1 thành phố, đến ngày 30/04/2010
toàn tỉnh có 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện. Trong đó huyện A Lưới có
20 xã và 1 thị trấn, với 131 thôn, làng, dân số 43609 người, 9998 hộ,
2541 lao động([11]).
Như vậy qua nhiều lần diên cách giữa các đơn vị hành chính cấp huyện
trở lên từ quận Phong Điền, quận 1, quận 3 và quận 4 đến huyện A Lưới
ngày nay cơ bản vẫn giữ nguyên thành phần dân cư là cộng đồng dân tộc
thiểu số Tà Ôi, Pacô, Pahy, Cơ Tu và Bru - Vân Kiều. Chính những cư dân
này đã lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của mình trong đó tên gọi và
nguồn gốc các địa danh đã gắn liền với phương diện văn hóa, ngôn ngữ,
dân tộc học của họ.
III. Đặc điểm địa danh huyện A Lưới
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, đã có các công trình nghiên cứu địa
danh học Việt Nam, trong đó địa danh A Lưới được nhắc đến trong các
công trình này dù ít dù nhiều cũng đã nói lên được vai trò về vị trí địa
lí của A Lưới trong hệ thống địa danh Việt Nam.
Tác giả Đinh Xuân Vịnh (1996) trong công trình của mình có 7 mục từ
liên quan đến địa danh ở A Lưới: A Bia, A Lưới (thung lũng), A Lưới
(huyện), A Phia (núi), A Sáp (sông), A Sầu (thung lũng), A So([12]).
Trong đó tác giả đã có sự nhầm lẫn về địa danh, thực tế thì A Bia và A
Phia chỉ là một tên gọi, và phổ biến nhất là A Bia, A Sầu và A So chỉ là
một tên gọi và phổ biến nhất là A So.
Tác giả Nguyễn Văn Tân (1998) trong công trình nghiên cứu đồ sộ của
mình đã đưa vào 7 mục từ về các địa danh liên quan đến A Lưới: A Bia
(vùng rừng núi hiểm trở), A Lưới (điểm du lịch), A Lưới (huyện), A Phia
(ngọn núi ở biên giới Việt - Lào ở thung lũng A Sầu), A Sầu (thung
lũng), A Bia (vùng hiểm trở), A So([13]). Những địa danh này với cách giải thích tương tự như Đinh Xuân Vịnh và cũng lặp lại cái nhầm lẫn về tên gọi như trên.
Tập thể các tác giả ở Huế trong công trình của mình đã đưa vào sách
23 mục từ liên quan đến địa danh A Lưới gồm: A Đớt (xã), A Lưới (huyện),
A Ngo (xã), A So (trận địa), Bắc Sơn (xã), Bắc Sơn (di tích thời đá
mới), Hồng Bắc (xã), Hồng Hạ (di tích đá mới), Hồng Hạ (xã), Hồng Kim
(xã), Hồng Nam (xã), Hồng Quảng (xã), Hồng Thủy (di tích đá mới), Hồng
Thượng (xã), Hồng Trung (xã), Hồng Vân (di tích đá mới), Hồng Vân (xã),
Hương Lâm (xã), Hương Nguyên (xã), Tà Pát([14]).
So với hai công trình địa danh trên thì công trình này đã thống kê
khá nhiều địa danh ở A Lưới dưới các khía cạnh lịch sử, khảo cổ học, văn
hóa và cách mạng. Đồng thời, tránh được sự trùng lặp hoặc thiếu sót ở
những người đi trước.
Điểm qua ba công trình địa danh học tiêu biểu, cho chúng ta thấy
được rằng các địa danh ở A Lưới có phương diện riêng của nó. Đây là cơ
sở để chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm địa danh của
huyện khi mà địa bàn lại là chủ nhân đồng bào các dân tộc thiểu số.
Địa danh huyện A Lưới thuộc đặc điểm địa danh nhóm các dân tộc thiểu
số cho nên mỗi tên địa danh đều gắn liền với phong tục tập quán, truyện
cổ tích, hoa văn trang trí, tên động thực vật tạo nên một mảng văn hóa
liên hoàn khó một nơi nào có được.
1. Địa danh theo tên gọi hệ thống thực vật
Khi nghiên cứu thực vật học dân tộc Tà Ôi, chúng ta đã bắt gặp được
các chủ đề, chủ điểm về lĩnh vực này như: Hệ thống thực vật dùng để làm
các loại nhà cửa, phương tiện cư trú, trang trí kiến trúc, Hệ thống thực
vật dùng làm thức ăn, thức uống và Hệ thống thực vật để làm dược liệu
chữa bệnh. Vậy, không chỉ có trong truyện cổ, trong hoa văn trang trí
trên vải dzèng([15]), mà ngay cả tên các địa danh ở A Lưới cũng mang tên các loài thực vật. Cụ thể như:
Stt
|
Tên địa danh
|
Đặc điểm
|
Thuộc xã
|
Ý nghĩa của địa danh
|
1
|
A Roh
|
Thôn
|
Xã A Đớt
|
Lá tơi
|
2
|
A Ho
|
Thôn
|
Xã A Đớt
|
Cây trúc
|
3
|
La Ngà
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
|
Cây tre vàng
|
4
|
A Ngo
|
Thôn, xã
|
Xã A Ngo
|
Cây thông
|
5
|
A Sam
|
Thôn
|
Xã Đông Sơn
|
Cây rau dền
|
6
|
Ta Vi
|
Núi
|
Xã Hồng Bắc
|
Cây giang (họ tre)
|
7
|
A Túc
|
Núi
|
Xã Hồng Kim
|
Cây gỗ trường
|
8
|
Cruôih
|
Cầu, suối
|
Xã Phú Vinh
|
Cây chôm chôm
|
9
|
Ta Lo
|
Thôn
|
Xã Hồng Vân
|
Cây cọ
|
10
|
Y Ri
|
Thôn
|
Xã Hồng Thái
|
Cây đa
|
11
|
A Năm
|
Thôn
|
Xã Hồng Vân
|
Cây rong rêu ở suối
|
12
|
A Min
|
Thôn
|
Xã A Roàng
|
Cây mây dại
|
13
|
Tâm Mù
|
Thôn
|
Xã Hồng Quảng
|
Cây đào rừng
|
14
|
A Bung
|
Thôn
|
Xã Nhâm
|
Cây tre
|
15
|
A Chét
|
Núi
|
Xã Hồng Thái
|
Cây tranh
|
16
|
Priêng
|
Thôn
|
Xã Hồng Quảng
|
Cây ổi
|
17
|
A Đâng
|
Thôn
|
Xã Hồng Thái
|
Cây rau cải rừng
|
18
|
A Xôm
|
Suối
|
Xã Hồng Thái
|
Cây A Xôm
|
19
|
Tà Rá
|
Thôn
|
Xã Hương Nguyên
|
Cây đa
|
20
|
A Pát
|
Đồi
|
Xã Hồng Vân
|
Cây cỏ
|
Theo cách lí giải của người dân nơi đây, thì ngày trước khi còn sống
ở vùng phía sau, địa bàn cư trú của mỗi dòng họ hoặc mỗi vel (làng) đều
tập trung ở một khu vực cố định và theo tập quán họ dùng tên gọi các
loài cây quanh vùng để đặt tên cho mỗi vel theo đặc trưng của mình. Cho
nên, trong quá trình trao đổi buôn bán với làng khác, khi nghe gọi tên
vel thì sẽ biết người đó ở vùng có những cây gì đặc trưng, đặc biệt và
đặc sản của cộng đồng.
Hoặc giữa người Tà Ôi và người Pacô tùy theo không gian cư trú mà người Pacô có cách gọi riêng cho mình theo công thức:
Tên tộc người + tên địa danh = Pacô Târ Renh, Pacô Đắckrông, Pacô Paxieng.
Tên tộc người + tên sản vật = Pacô Alôong, Pacô Ale.
Trong đó, Tà Rình là tên con sông chảy từ đỉnh núi Đông Ngải về nhập
vào sông A Sáp, sông Tà Rình chảy qua các xã có người Pacô cư trú.
Alôong là tên loài hoa đỗ quyên mọc ven sông Tà Rình cùng các hệ suối
nhỏ khác. Ale là loại tre nhỏ bằng cán chổi mọc ven sông suối Tà Rình,
Đăckrông. Đăckrông là con sông bắt nguồn từ phía Tây Trường Sơn hướng A
Lưới, chảy qua địa phận các xã Hồng Thủy, A Bung, A Ngo, Tà Rụt và A
Vao. Pacô Paxieng thuộc các xã Ta Lo, A Hố (huyện Tù Muội, nước Cộng hòa
dân chủ nhân dân Lào)([16]).
Chính vì có nét đặc biệt trong không gian cư trú nên địa danh ở A Lưới
cũng mang dấu ấn gắn liền với tên gọi thực vật, vừa là thứ sản vật không
thể thiếu trong đời sống hằng ngày, vừa là nét văn hóa đặc trưng.
2. Địa danh theo tên gọi hệ thống động vật
Cũng giống như trên, người Tà Ôi, Pacô lấy đề tài động vật làm chủ thể
sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình ở kiến trúc nhà cộng đồng, nhà ở, cột
lễ đâm trâu, hoa văn trang trí trên vải dzèng, trên đồ đan, trên đồ gỗ
và động vật còn xuất hiện trong các câu truyện cổ, câu dân ca, ca dao,
câu đố với tần số lớn.
Một điều đặc biệt là, tín ngưỡng tôtem giáo của người dân nơi đây mang
đậm dấu ấn nguyên thủy rõ nét được thể hiện ngay trong tên gọi các địa
danh:
Stt
|
Tên địa danh
|
Đặc điểm
|
Thuộc xã
|
Ý nghĩa của địa danh
|
1
|
Vien
|
Cầu
|
Xã Hồng Vân
|
Con chó
|
2
|
Kê
|
Thôn
|
Xã Hồng Vân
|
Con sóc
|
3
|
A Har
|
Núi
|
Xã Hồng Vân
|
Con ếch
|
4
|
A Ling
|
Sông
|
Xã Hồng Trung
|
Con kiến
|
5
|
Hu
|
Thôn, khe
|
Xã Hồng Vân
|
Con lợn (đầu lợn chân chó)
|
6
|
Pling
|
Suối
|
Xã Hồng Vân
|
Chim phượng
|
7
|
Ka Leng
|
Thôn
|
Xã Nhâm
|
Chim thiên nga
|
8
|
Cà Xình
|
Khe
|
Xã Hồng Trung
|
Con rắn
|
9
|
A Hươr
|
Thôn
|
Xã Nhâm
|
Con ếch ộp
|
10
|
A Rur
|
Núi
|
Xã Nhâm
|
Cá trắm
|
11
|
A Bia
|
Núi
|
Xã Hồng Bắc
|
Con sóc
|
12
|
La Lay
|
Núi
|
Xã Hồng Thủy
|
Con sóc
|
13
|
A Ạ
|
Suối
|
Suối xã Hồng Vân
|
Con quạ
|
14
|
A Đớt
|
Thôn, xã
|
Xã A Đớt
|
Con khỉ
|
15
|
A Lim
|
Sông
|
Xã Hồng Vân
|
Con châu chấu
|
16
|
Ki Kaal
|
Núi
|
Xã Hồng Vân
|
Con rắn không có nọc độc
|
17
|
A Ka
|
Thôn
|
Xã A Roàng
|
Cá chép
|
Hệ thống địa danh mang yếu tố động vật này hiện đang hiện hữu trên bản
đồ A Lưới là những chi tiết đã từng được nhắc đến trong kho tàng truyện
cổ của người Tà Ôi - Pacô như: Ya Vien, Ya Kê, Ya La Lay, Ya Hu, Chàng Aleng Noi, Sự tích các loài rắn ở núi Kikaal.
Qua đặc điểm địa danh động vật này, một lần nữa cho chúng ta thấy,
người Tà Ôi, Pacô rất sáng tạo trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa
truyền thống, là một sự hóa thân vào địa danh để lưu lại dấu ấn tô tem
giáo cổ truyền.
3. Địa danh mang yếu tố tự nhiên
Là loại hình địa danh mang ý nghĩa là tên các khe, suối, núi, ao, hồ.
Hệ thống địa danh này chiếm một tỷ lệ lớn trong địa danh ở A Lưới. Gồm:
Stt
|
Tên địa danh
|
Đặc điểm
|
Thuộc xã
|
Ý nghĩa của địa danh
|
1
|
Tà Roi
|
Thôn
|
Xã A Ngo
|
Suối Tà Roi
|
2
|
Pâr Nghi
|
Thôn
|
Xã A Ngo
|
Suối Pâr Nghi
|
3
|
Câr Mai
|
Thôn
|
Xã A Ngo
|
Suối Câr Mai
|
4
|
Ân Sao
|
Thôn
|
Xã A Ngo
|
Suối Ân Sao
|
5
|
Pa Hy
|
Thôn
|
Xã Hồng Hạ
|
Làng Pa Hy
|
6
|
Ka Lô
|
Thôn
|
Xã A Roàng
|
Suối Ka Lô
|
7
|
Tà Renh
|
Sông
|
Xã Hồng Trung
|
Sông Tà Renh
|
8
|
A Rưm
|
Thôn
|
Xã Hồng Nam (cũ)
|
Suối A Rưm
|
9
|
Ca Cú
|
Thôn
|
Xã Hồng Vân
|
Suối Ca Cú
|
10
|
A Tát
|
Hồ
|
Xã Hồng Quảng
|
Hồ A Tát
|
4. Địa danh thuộc nhóm dòng họ và những kiêng cữ
Ngoài tên địa danh mang yếu tố tôtem giáo mà chúng tôi đã nêu ra ở phần
địa danh động vật. Thì ở đây, có hệ thống địa danh mang ý nghĩa kỉ niệm
nơi mình cư trú lâu năm nên họ đã lấy tên địa danh để đặt cho tên dòng
họ:
Stt
|
Tên địa danh
|
Đặc điểm
|
Thuộc xã
|
Ý nghĩa của địa danh
|
1
|
Cân Sâm
|
Thôn
|
Xã Hồng Hạ,
Xã Hồng Thượng
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
2
|
Cân Tôm
|
Thôn
|
Xã Hồng Hạ
Xã Hồng Thượng
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
3
|
Pê Tru
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
4
|
A Pi
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
5
|
A Deeng
|
Thôn
|
Xã Bắc Sơn
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
6
|
Pe A Cơ
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
7
|
Pe Kêr
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
8
|
Pi Ker
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
9
|
Pa Lor
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
10
|
Cân Te
|
Thôn
|
Xã Hồng Thượng
|
Được người dân đặt làm dòng họ của mình
|
11
|
A Hố
|
Thôn
|
Xã Hồng Vân
|
Tên dòng họ kiêng làm cối giã gạo
|
12
|
Vean
|
Khe
|
Xã Hồng Vân
|
Tên dòng họ kiêng ăn thịt chó
|
13
|
Pa ring
|
Sông
|
Xã Hồng Trung
|
Tên dòng họ kiêng ăn thịt con sóc
|
14
|
Kêr
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
Xã Hồng Vân
|
Tên dòng họ kiêng ăn thịt con bìm bịp
|
15
|
Pi âi
|
Suối
|
Xã Hồng Quảng
|
Tên dòng họ kiêng ăn thịt chó
|
16
|
I Reo
|
Thôn
|
Xã Hồng Quảng
Xã Hồng Thái
|
Tên dòng họ kiêng ăn thịt con bìm bịp
|
17
|
Ta
|
Thôn
|
Xã Hồng Trung
|
Tên dòng họ kiêng làm tấm ván thưng vách nhà
|
18
|
Pi Re
|
Thôn
|
Xã Hồng Thủy
|
Tên dòng họ kiêng làm cối giã gạo
|
19
|
Tu Vay
|
Thôn
|
Xã Hồng Thái
|
Tên dòng họ kiêng chặt cây mây nước
|
5. Địa danh có trong truyện cổ tích
Trong kho tàng truyện cổ Tà Ôi, Pacô có những câu chuyện kể về sự tích
các địa danh gắn liền với những mối tình hết sức lí tưởng như Truyền thuyết sông Đắckrông, Dốc tình yêu bất tử, Sự tích sông A Sáp, Sự tích hồ A Co, Kooh Seam Sai, San Lai. Và nhiều câu chuyện thắm đượm tính nhân văn khác mà người dân nơi đây đã gửi gắm.
Ngày nay, với sự hiện diện của hệ thống các địa danh nói trên đã cho
chúng ta thấy được rằng “Mỗi địa danh đều được hình thành bằng những kết
quả của mối tình trai gái, mối quan hệ cha mẹ với con cái, mối quan hệ
anh em với nhau nhưng chung quy lại đều thể hiện sự đùm bọc, yêu thương
và nguyện sống chết với nhau”([17]).
Stt
|
Tên địa danh
|
Đặc điểm
|
Thuộc xã
|
Tên truyện cổ
|
1
|
Kooh Seam Sai
|
Núi
|
Xã Hồng Kim
|
Kooh Seam Sai
|
2
|
Ông Nai
|
Núi
|
Xã Hồng Kim
|
Kooh Seam Sai
|
3
|
A Túc
|
Núi
|
Xã Hồng Kim
|
Tiếng sáo hạnh phúc
|
4
|
A Liêng
|
Suối
|
Xã Hồng Trung
|
Tiếng sáo hạnh phúc
|
5
|
Đắckrông
|
Sông
|
Xã Hồng Thủy
|
Truyền thuyết sông Đắckrông
|
6
|
Parsee
|
Núi
|
Xã Nhâm
|
Dốc Parsee
|
7
|
Ntrool
|
Khe
|
Xã Nhâm
|
Chàng Nơơâi
|
8
|
Trôn
|
Khe
|
Xã Nhâm
|
Chàng Nơơâi
|
9
|
Nhâm
|
Thôn
|
Xã Nhâm
|
Chàng Nơơâi
|
10
|
Mút
|
Sông
|
Xã Nhâm
|
Chàng Phuật Nà
|
11
|
Ca Dương
|
Suối
|
Xã Hồng Trung
|
Châu chấu và dế
|
12
|
A Roàng
|
Thôn
|
Xã A Roàng
|
Chàng Côn Tưi nhanh trí
|
13
|
A Sáp
|
Sông
|
Xã A Đớt
|
Truyền thuyết sông A Sáp
|
14
|
Ki kaal
|
Suối
|
Xã Hồng Vân
|
Sự tích các loài rắn ở núi Ki kaal
|
6. Địa danh theo tên người
Stt
|
Tên địa danh
|
Đặc điểm
|
Thuộc xã
|
Ý nghĩa của địa danh
|
1
|
Prók
|
Đồi
|
Xã A Đớt
|
Nhân vật huyền thoại của cộng đồng người Tà Ôi riêng ở xã A Đớt qua những lời kể của già làng Quỳnh Hiêm.
|
2
|
Quỳnh Trên
(Kooh Trên)
|
Núi
|
Thị trấn A Lưới
(xã Hồng Nam cũ)
|
Tên nhà cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND huyện A Lưới
|
3
|
A Nôr
|
Thác
|
Xã Hồng Kim
|
Tên nhân vật trong sử thi Tà Ôi
|
4
|
A Lưới
|
Thôn
|
Xã Hồng Quảng
|
Tên nhân vật trong sử thi Tà Ôi
|
5
|
Cân Nông
|
Thôn
|
Xã Hồng Quảng
|
Tên nhân vật trong truyện cổ Pacô
|
6
|
Kăn Rơn
|
Đồi
|
Xã Hồng Thượng
|
Tên nữ dân công Pacô
|
7
|
Quỳnh Trên
|
Khe
|
Thị trấn A Lưới
(xã Hồng Nam cũ)
|
Tên nhà cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND huyện A Lưới
|
7. Địa danh thuộc nhóm thuần Việt/Hán Việt
Bên cạnh địa danh thuộc nhóm dân tộc thiểu số chúng tôi tiến hành
nghiên cứu một bộ phận quan trọng góp phần hình thành nên đặc điểm địa
danh huyện A Lưới, đó là nhóm địa danh thuần Việt. Nguồn gốc hình thành
do các đặc điểm sau:
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa bàn huyện A Lưới
là căn cứ địa cách mạng của toàn tỉnh và Quân khu Trị Thiên. Nơi đây,
cán bộ chiến sĩ người Kinh lên hoạt động bí mật, nằm vùng nên đã mang
theo yếu tố Việt để đặt tên cho các xã ở nơi đây theo kiểu:
+ Tính từ: chợ Bốt Đỏ, đồn Bốt Đỏ, hồ Lâm Ly.
+ Số từ: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, tổ 1, cụm 6, Đường 71, Đường 72 - 14B, Đường 73…
+ Phương hướng: Hồng Bắc, Hồng Nam, Hồng Trung, Hồng Thượng, Hồng Hạ, Tây Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn.
+ Yếu tố tự nhiên: Hồng Thủy, Hồng Vân, Bình Sơn, Hồng Kim.
Sau năm 1975, vùng đất A Lưới lại đón nhận bộ phận dân cư ở đồng bằng
đi kinh tế mới. Làn sóng này lại một lần nữa tạo nên đặc điểm mới cho
các địa danh ở A Lưới. Cụ thể:
+ Kết hợp địa danh nơi đi và nơi đến của bộ phận dân cư chủ yếu trong
vùng để tạo thành địa danh mới trên quê hương mới: thôn Quảng Mai (Quảng
Điền và làng Câr Mai), thôn Hợp Thành, Hợp Thượng, Hồng Hợp, Phú Thượng
(Phú Vinh và Hồng Thượng), thôn Liên Hiệp (xã Hương Lâm)([18]).
+ Lấy nguyên địa danh gốc nơi đi để đặt cho nơi đến: Thôn Quảng Ngạn,
Quảng Phú, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng Lộc, Quảng Hợp (xã
Sơn Thủy), Phú Thành, Phú Tân, Phú Xuân (xã Phú Vinh), Hương Thịnh,
Hương Phú (xã Hương Phong).
+ Lấy nguyên địa danh và tên danh nhân nơi đi để đặt cho nơi đến: Xã
Hương Phong (Hương Thủy và anh hùng liệt sĩ của quê hương là Nguyễn Viết
Phong).
IV. Kết luận
Qua việc tìm hiểu đặc điểm địa danh huyện A Lưới chúng tôi thấy địa
danh nơi đây phản ánh nhiều khía cạnh địa lí, lịch sử, văn hóa, dân tộc
học, kinh tế, phong tục, tín ngưỡng từ khi nó hình thành cho đến ngày
nay. Song một thực tế hiện nay cho thấy, nhiều địa danh ở A Lưới đang bị
dần mất đi gốc tích của nó bởi các lí do sau:
+ Không thống nhất chuẩn từ tên gọi thôn, làng, xã. Lối viết và phát âm
một cách tùy tiện giữa cán bộ và nhân dân, giữa nói và viết: A Deeng
thành A Đềng, A Đền thành A đền, A Năm thành A Nam, A 5, Năm… Vậy nên
chăng các nhà ngôn ngữ học văn hóa phối hợp cùng với địa phương thống
nhất chuẩn từ trong giao tiếp hành chính cho người dân nơi đây.
+ Sự gán ép các số thứ tự cho các đơn vị hành chính cấp thôn vô tình
làm quên mất tên gốc vốn có từ ngàn xưa. Xã A Ngo với tên các thôn
truyền thống rất hay như Ân Sao, Tà Roi, Pâr Nghi, A Ziel… nay được thay
bằng số thứ tự từ thôn 1 đến thôn 10. Các xã khác như Bắc Sơn, Hồng
Thủy, Hồng Quảng, Hồng Kim, thị trấn A Lưới cũng rơi vào trường hợp
tương tự.
+ Sự hiện hữu các công trình giao thông (cầu, cống, đường, ngầm), các
công trình công cộng (công viên, chợ) đã vô tình gắn lên đó những tên
vừa mới lạ, vừa sai nghĩa, sai lỗi chính tả như: cầu Cruôih (xã Phú
Vinh), cầu Ta Ho (thị trấn A Lưới), cầu ông Dự (xã Hồng Thượng - Quốc lộ
49), cầu BTCT (bê tông cốt thép), dốc Nấu Nhựa (xã A Ngo).
Đặc điểm địa danh huyện A Lưới cũng chính là địa danh Tà Ôi nằm trong
miền địa danh Nam Á, khu địa danh Môn - Khơme và thuộc vùng địa danh Ba
Na - Tà Ôi([19]).
Qua việc nghiên cứu địa danh ở đây chúng tôi thấy cần có sự hội nhập
giữa bản địa với đồng bằng, giữa văn hóa Việt với văn hóa Tà Ôi, Pacô,
giữa cũ và mới. Những sự giao thoa và tiếp xúc này đã làm nên diện mạo
văn hóa của một vùng đất mà cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây cũng đã
giàu trí tưởng tượng khai sinh cho những vùng đất có bề dày văn hóa tên
gọi.
Chính vì thế, việc nghiên cứu địa danh vùng A Lưới nói riêng và vùng
dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế nói chung cần có sự phối hợp với
nhiều ban ngành, nhiều đối tượng để trả lại sự trong sáng cho tên gọi
các địa danh vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của những người già - chủ
nhân đã khai sinh ra những địa danh, vì nghiên cứu địa danh chúng ta nên
hiểu:“Với tư cách là một lĩnh vực của ngôn ngữ học, địa danh học
phải nghiên cứu địa danh theo quan điểm của ngôn ngữ học, nghĩa là phải
nghiên cứu cả đặc điểm cấu tạo của địa danh, các phương thức đặt địa
danh lẫn ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh. Có nghiên cứu một cách toàn
diện như thế, địa danh học mới thực sự là một lĩnh vực nghiên cứu đầy
hấp dẫn, thú vị, đem lại nhiều lợi ích thiết thực đối với nhiều ngành
khoa học khác”([20]).
* Giáo viên Trường THPT A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
1. Đỗ Bang (Chủ biên), Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 534, 612, 613 và 615.
2. Phạm Xuân Phượng, Nguyễn Thị Hảo, Khảo cổ học Thừa Thiên - Huế, thành tựu 15 năm hợp tác nghiên cứu. Bản tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, 2005, số 3, trang 10.
1. Xem thêm: a. Đỗ Bang (Chủ biên), Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000; b. Trần Thanh Tâm, Huỳnh Đình Kết, Địa danh thành phố Huế. Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2011; c. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Địa chí Thừa Thiên - Huế. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005; d. Triều Nguyên (Chủ biên), Địa chí Hương Thủy. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998; đ. UBND huyện Phong Điền, Địa chí Phong Điền. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
2. Trần Văn Sáng, Các phương diện văn hóa của địa danh ở Thừa Thiên - Huế. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, số 1 (78), 2010, trang 95 - 96.
1. Dương Phước Thu, Qua sông nhìn lại bến bờ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 146.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới, Lịch sử Đảng bộ huyện A Lưới, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, trang 104.
3. Dương Phước Thu, Qua sông nhìn lại bến bờ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 146.
1. Ở vùng A Lưới, cư dân Tà Ôi, Pacô cho rằng thủy tổ của họ là ở
vùng mạn phía Tây dãy Trường Sơn. Sau này do chiến tranh và định canh
định cư nên họ di chuyển qua Trường Sơn Đông nên được gọi là phía trước.
Ngày nay đại bộ phận cư dân Tà Ôi vẫn về phía sau để canh tác nương rẫy
và thăm họ hàng.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới, Lịch sử Đảng bộ huyện A Lưới, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, trang 132.
3. Trần Nguyễn Khánh Phong, Địa danh huyện A Lưới, Bản thảo
đánh máy vi tính, khổ A4, trang 215. Theo đó đến năm 1995 xã Hồng Tiến
được cắt về cho huyện Hương Trà và năm 1996 xã Hồng Nam được thành lập
thành thị trấn A Lưới.
1. UBND huyện A Lưới, Phòng LĐ, TB&XH, Tình hình dân số, lao động, tỷ lệ hộ nghèo phân theo thành phần dân tộc năm 2010, 2010, trang 1.
1. Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1996, trang 15, 16.
2. Nguyễn Văn Tân, Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, trang 35, 36, 37.
3. Đỗ Bang (Chủ biên), Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 497, 498, 499, 534, 546, 582, 612, 613, 614, 615, 616, 617, 627, 628, 762.
([15]) Trong truyện cổ Tà Ôi có các dòng họ mang yếu tố
thực vật như: Ya Aviét, Ya Piriu, Ya Riêh. Trong phức hệ hoa văn trang
trí trên vải dzèng thì những nghệ nhân Tà Ôi đã thể hiện trên đó 20 hoa
văn mang đề tài thực vật, điều này chứng tỏ thực vật có ảnh hưởng to lớn
đến đời sống văn hóa của cư dân Tà Ôi.
([16]) Trần Nguyễn Khánh Phong, “Vài ý kiến về vấn đề xác định thành phần dân tộc Tà Ôi, Pacô ở Thừa Thiên - Huế”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, 2008, số 5 (70), trang 35.
1. Trần Nguyễn Khánh Phong, Bước đầu tìm hiểu truyện cổ Tà Ôi. Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên - Huế, tháng 12/2005, trang 58 - 71.
1. Trần Nguyễn Khánh Phong, Có một Quảng Điền trên A Lưới, Báo Thừa Thiên Huế, số 2517, ra ngày 30/12/2002, trang 2.
1. Nguyễn Văn Âu, Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 43, 44, 46.
2. Hoàng Tất Thắng, Địa danh học và việc nghiên cứu địa danh các tỉnh Trung Trung Bộ, Tạp chí Sông Hương, số 3(121), 1999, trang 59.
(Theo: Thông báo văn hóa 2010, Nhiều tác giả, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011).
No comments:
Post a Comment