Tuesday 29 October 2019

Anh Sáu Thọ trên đường ra trận (Phan Hàm - Báo Bình Định)



Kỷ niệm 36 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2011):
Anh Sáu Thọ trên đường ra trận
10:15', 22/4/ 2011 (GMT+7)
Ngày 18.3.1975, Bộ Chính trị họp tại thủ đô Hà Nội. Tình hình chiến trường miền Nam dồn dập diễn tiến. Trong ngày 18, trên mặt trận Nam Tây Nguyên, lực lượng trinh sát mặt đất của ta trông thấy có nhiều đám khói cả trên đường 14 và đường 7. Triệu chứng gì đây? Quân địch rút lui chăng? Trung đoàn 16 lập tức cho một bộ phận đón đầu xuống nam Cheo Reo, còn phần lớn thì vòng qua đường 7, từ sau đuôi đồn tới. Mấy vạn quân địch ở Tây Nguyên đang bị kẹt lại trên đường lui quân về đồng bằng.


Đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện của Bộ Chính trị gặp gỡ các đồng chí Khu ủy Khu 6. Ảnh tư liệu


Cùng trong ngày 18 này, có tin quân địch ở Đường 9 rút khỏi Quảng Trị.
Cả hai nguồn tin trên đã đưa đến một quyết định mới của Bộ Chính trị. Anh Ba Lê Duẩn kết luận hội nghị "Có phải chăng, đây là sự báo hiệu thời cơ để cho quân ta tổng tiến công giải phóng toàn bộ miền Nam? Các đồng chí hãy suy nghĩ đi". Và ngay tại phiên họp, Bộ Chính trị đã quyết định luôn: Anh Lê Đức Thọ lập tức vào miền Nam.
Thế là chỉ sau vài ngày chuẩn bị, anh Sáu lên đường ngay. Anh đến Huế đúng vào ngày thành phố này được giải phóng. Khi vào tới Quảng Nam, anh mời anh Võ Chí Công lên Kon Tum làm việc. Nhưng chưa đến nơi, anh Võ Chí Công lại phải lo về, vì Quảng Nam được giải phóng vào ngày 29.3.
Bốn ngày sau đó, anh đã đến Buôn Ma Thuột. Địa điểm đón tiếp anh là căn cứ huấn luyện của Trung đoàn 45 ngụy, ở phía đông thị xã. Đây là nơi tương đối an toàn nhất, vừa đảm bảo bí mật và trông bề ngoài có vẻ khang trang hơn các nơi.
Ai dè, trong lúc đang dọn quét phòng đón "ông khách quý", thì một tiếng nổ to đã phát ra gần đấy. Thì ra, trong khi anh em đang đốt rác bên ngoài, không ngờ trong đó có một quả lựu đạn và nhiều viên đạn nhỏ. Thế là lại phải cấp tốc tung người đi tìm chỗ khác. Chỉ còn non một tiếng đồng hồ nữa là "ông khách" sẽ đến.
Cuối cùng phải chọn nhà là cơ quan làm việc của ngụy quyền để lại, nhưng cũng chỉ có một phòng là còn nguyên lành. Cảnh vật xung quanh xơ xác. Khi đoàn vừa đến nơi, đã thấy đồng chí Bùi San và các đồng chí trong Tỉnh ủy Đắc Lắc kéo đến. Lại làm việc, mất cả giấc ngủ trưa. Được gặp cấp trên để xin chỉ thị, trong lúc này còn gì bằng. Cho nên, tuy biết là "ông khách" đi đường xa, mệt, nhưng chúng tôi vẫn cứ phải tranh thủ. Đồng chí bác sĩ đi theo đoàn cho biết sức khỏe của "ông già" chưa tốt lắm. Vì nóng lòng muốn vào sớm, nên luôn luôn phải vượt cung. Đã thế, đến địa phương nào cũng phải làm việc chẳng kể ngày đêm. Căng thẳng vô cùng.
Đường vào Nam Bộ lúc này đi lại khó khăn. Không phải vì đèo cao, dốc đứng, cũng không phải vì có suối sâu. Nhưng đường thì hẹp mà các đơn vị binh khí kỹ thuật, tên lửa, xe tăng choán hết cả mặt đường, cho nên phải đi theo đường 14 đầy bom mìn của hai bên ngụy và ta. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn xe của "ông khách", tôi phải cho hai xe tải chở gạo đi trước (vì xe chở gạo không sợ mìn) và bản thân tôi dẫn đoàn đi, vì tôi cũng vào Nam Bộ (nhưng tôi không chở gạo).  
Trạm đón tiếp của Trung ương Cục nằm dưới một lùm cây rậm. Gọi là trạm, nhưng lèo tèo chỉ có một cái lán nhỏ và một cái lán con. Trông qua dấu vết cũng biết xe qua lại nơi này rất nhiều. Nhác trông cũng thấy kỷ luật chiến trường ở đây rất nghiêm. Tất cả xe cộ đều núp kín, rải rác xung quanh. Từ đây vào Trung ương Cục đi lại chỉ bằng một phương tiện duy nhất là xe Honda ôm, bất cứ khách là cấp gì.
Vừa đưa tay lên vành mũ chào, anh "lái xe ôm" đã ôm chầm lấy "ông khách" trước con mắt ngạc nhiên của mọi người.
- Anh Sáu, anh có khỏe không, anh Sáu. Anh Bảy (đồng chí Phạm Hùng) cho tôi ra đón anh đây! Mấy hôm nay,  anh Bảy trông anh hết nói.
Đồng chí Lê Đức Thọ vỗ nhẹ vào vai "anh giải phóng". Lần thứ hai, mọi người ngạc nhiên.
- Ủa, Tư. Dạo này công tác ở đây à? Đã gặp vợ con chưa?
Vừa nói, anh Sáu Thọ vừa quàng xà cột vào vai, rồi nhanh nhẹn leo lên chiếc Honda, ngồi gọn sau lưng "anh giải phóng" rất tự nhiên.
- Ta đi thôi!
Anh Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng và các cán bộ Trung ương Cục đã đợi sẵn từ ngoài đứng đón. Vừa xuống xe, anh Sáu Thọ chạy đến ôm choàng lấy anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng. Họ hôn nhau lâu hơn mọi lần, nghẹn ngào, chẳng nói nên lời. Mới xa nhau chỉ hơn 100 ngày mà tình hình đổi thay hơn cả một đời người, như những người vừa ra khỏi giấc mơ.
Suốt cả một đời, vào tù, ra tội, biết bao nhiêu lần đứng dưới máy chém nhìn lên, hay trong ngục tối nhìn ra, tính mệnh như nghìn cân treo sợi tóc, có ai trong họ nghĩ rằng có ngày họ cùng đứng bên nhau như thế này để nhìn đời xán lạn như hôm nay và tràn trề hy vọng về những ngày sắp đến. Trong cuộc đời làm cách mạng, mỗi người đều gánh vác nhiều trọng trách, nhưng có nhiệm vụ nào lớn hơn trách nhiệm mà Đảng đặt lên vai họ trong những ngày sắp đến: Chỉ huy một chiến dịch quy mô nhất, quan trọng nhất để kết thúc thắng lợi sau 120 năm cả dân tộc sống trong đêm dài nô lệ. Chiến dịch này còn thai nghén, nhưng thắng lợi gần như nắm chắc trong tay. Trong những cái hôn mặn nồng (đắm đuối?), thắm thiết, còn bộc lộ một ý chí sắt đá, một quyết tâm cao độ và một sự nhất trí cao.
Ngày hôm sau bắt tay vào làm việc. Thượng tá Võ Quang Hồ cùng đi trong đoàn anh Sáu Thọ, có hé cho tôi biết hai điểm:
1. Quyết tâm của Bộ Chính trị đánh Sài Gòn-Gia Định rất cao.
2. Kế hoạch phải vững chắc. Nếu cần, có thể tăng thêm lực lượng phía sau lên và phải kết thúc Chiến dịch sớm.
- Bao giờ?
- Mùa khô.
Hôm thông qua kế hoạch tác chiến, có hai điểm mà cả ba anh Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng đã nhắc đi nhắc lại: Làm thế nào đánh vào một thành phố lớn hơn 3 triệu dân mà tránh cho được cảnh tên bay, đạn lạc cho đồng bào (hồi Mậu Thân không có bàn mấy chuyện này). Quân địch hãy còn quá đông, có thể đếm hơn 300.000 tên. Làm thế nào để tránh bớt máu cho Sài Gòn.
Qua trao đổi, cả ba anh đều nhất trí đánh Sài Gòn không như đánh Buôn Ma Thuột, mà cũng chẳng giống như đánh Điện Biên Phủ. Mặc dù quân địch đông, đóng nhiều nơi, cả cái vỏ cũng rất cứng: Xuân Lộc, Nước Trong, Đồng Dù, Lai Khê, v.v..  và cái ruột không yếu vì địch vừa có Quân khu 5, Khu 6, (ở đâu vậy?) Trị Thiên kéo về. Cho nên không thể đánh bóc vỏ như kiểu Điện Biên Phủ, vì địch sẽ lùi dần vào trung tâm, kịch chiến dứt điểm ở đấy thì thế nào cũng đổ nát nhiều. Cũng không thể thọc thẳng vào trung tâm thành phố, bỏ qua bên ngoài được như ở Buôn Ma Thuột. Phải vừa đánh vòng ngoài, bao vây chúng lại, đồng thời có lực lượng mạnh đột phá vào trung tâm, mà ở đây cũng chỉ đánh mấy mục tiêu chủ chốt thôi: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, còn các nơi khác thì quần chúng nổi dậy, dùng chính trị, binh vận làm cho địch tan rã, giành quyền làm chủ. Cho nên lực lượng chính trị, binh vận phải phối hợp chặt chẽ. Đây là nhiệm vụ của anh Nguyễn Văn Linh và các anh trong Trung ương Cục.
Ngoài Sài Gòn ra thì không dùng quân chủ lực để đánh các nơi khác. Chỉ cần đánh các đoàn quân đi tiếp viện, đi tăng cường trên đường hành quân, còn vây chặt các nơi. Sài Gòn rã thì các nơi sẽ rã theo thôi. Bàn về kế hoạch tác chiến cụ thể. Theo yêu cầu của anh Sáu Thọ, các anh Võ Chí Công và Chu Huy Mân trực tiếp xuống các kho hậu cần đôn đốc. Quân đoàn do tướng Nguyễn Hòa chỉ huy, được Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho Chiến dịch thần tốc hành quân bằng ô tô đang vào đến vùng tập kết nhận nhiệm vụ chuẩn bị xuất kích khi có lệnh.
Ngày mở màn Chiến dịch không còn lâu mà mưa sớm đã bắt đầu ảnh hưởng đến vận chuyển đạn dược và hành quân cơ động của bộ đội. Chúng tôi thấy anh Sáu Thọ tỏ ra lo lắng, sốt ruột. Anh đã nói lên tâm trạng của mình trong một bài thơ (con cóc) ngắn, bài Mưa rơi:
Suốt đêm qua không ngủ,/Nằm đếm tiếng mưa rơi,/Lo cho anh bộ đội,/Lầy lội quãng đường dài..../Hết tăng rồi lại pháo,/Mong chẳng thấy tăm hơi,/Chiến trường chờ từng phút,/Đừng mưa nữa, mưa ơi!/Để đường mau khô ráo,/Cho xe vào tới nơi. Mưa lâu thêm chút nữa / Là thơ anh hết hơi
(Lộc Ninh, 9.4.1975)
Khi kết thúc hội nghị xác định những vấn đề lớn để chuẩn bị gấp trước ngày thông qua lần cuối cùng 22.4.1975, anh Phạm Hùng luôn luôn tươi cười, thân ái nhìn mọi người. Trong bài phát biểu, anh đã nói lên tiếng nói của đồng bào Nam Bộ:
- Ở trong này, được tin quân ta thắng lớn ở Tây Nguyên, ai nấy đều vui mừng vì thấy có thể giải phóng cả miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong năm nay. Từ khi thành lập Đảng đến nay, đây là giờ phút lịch sử vinh quang nhất, Đảng ta có truyền thống đoàn kết, nhân dân và quân đội ta có truyền thống đoàn kết, Nam Bắc một nhà. Chúng tôi hoan nghênh sự có mặt kịp thời của các đồng chí trên chiến trường miền Nam.
Anh Phạm Hùng vừa ngồi xuống, mở hộp thuốc lá sợi vàng ra, anh Văn Tiến Dũng tiếp lời:
- Làm sao để chậm nhất đến ngày sinh nhật Bác Hồ, chúng ta có mặt ở Sài Gòn.
Anh Sáu Thọ bổ sung ngay:
- Trung ương giao cho Đảng bộ miền Nam, toàn thể các lực lượng vũ trang của ta phải hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4 này. Lúc ra đi, tôi có gặp riêng anh Ba Lê Duẩn, anh nói đại ý: Chúng ta nhất định thắng, nhưng cũng phải đề phòng có gì trắc trở thì ở luôn trong đó, làm xong nhiệm vụ rồi hãy về. Đó là quyết tâm của Bộ Chính trị.
Cuộc họp như có một luồng gió mới thoảng qua. Bầu không khí khác hẳn, anh Lê Đức Thọ móc từ trong túi áo một mảnh giấy nhỏ, rồi đọc: "Anh dặn: Ra đi thắng mới về,/Phút giây cảm động nói năng chi,/Lời anh là cả lời non nước,/Ngàn dặm Trường Sơn há ngại gì." Và thế là một bài thơ nữa được đưa vào chương trình văn học lớp 12 phổ thông.  
. Theo Thiếu tướng Phan Hàm (Tham mưu phó Chiến dịch Hồ Chí Minh)/QĐNDO

No comments:

Post a Comment