Showing posts with label thuật ngữ quân sự. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ quân sự. Show all posts

Wednesday 9 October 2013

Quân cảnh lê dương nào ở Điện Biên Phủ?




Quân cảnh Pháp ở Điện Biên Phủ có một phân đội thuộc đơn vị có phiên hiệu là 3e légion de marche/garde républicaine gendarmerie mobile (viết tắt là 3 LM/GRGM).

Légion có nhiều nghĩa. Trong lĩnh vực quân sự từ này có thể chỉ 1) quân đoàn cổ La Mã 2) quân lê dương Pháp (tức légion étrangère) 3) (trung) đoàn hiến binh. Nghĩa của légion trong phiên hiệu 3 LM/GRGM là nghĩa thứ 3, chỉ một đơn vị cấp trung đoàn của vệ binh cộng hòa & hiến binh cơ động.

Quân cảnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của hiến binh Pháp ở hải ngoại (gendarmerie prévôtale). Cái mà sách vở Việt Nam quen gọi là một bộ phận thuộc tiểu đoàn 3 quân cảnh lê dương ở Điện Biên Phủ thật ra chỉ là một bót quân cảnh / đồn hiến binh (poste prévôtal) ngay bên cạnh bộ chỉ huy của đại tá de Castries. Tháng 1/1954 họ chỉ có 10 người, chỉ huy là viên trung sĩ nhất Salaün. Trước tháng 3/1954 nhiệm vụ của họ rất đơn giản, chỉ là kiểm soát quân nhân, tuần tiễu loanh quanh, điều tra vớ vẩn. Sau đó đồn được bổ sung một hiến binh thuộc địa (gendarme colonial) tên Couetmeur và tám vệ binh cộng hòa (garde républicain) từ trung đoàn 3 dã chiến (3ème légion de marche). Nhiệm vụ của những người này là quản lý tù Việt (gồm cả tù binh Việt Minh), huy động tù đi đào hầm hào, củng cố công sự... Ngoài ra còn có hai hiến binh không quân đến làm công tác điều tra ngày 13/3 rồi kẹt lại luôn. Từ đầu đến cuối không có hiến binh/quân cảnh lê dương nào cả.

Tuesday 8 October 2013

Đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là khi nào?


Đợt phong quân hàm đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam là khi nào?
Để trả lời câu hỏi này ta cần xác định rõ nghĩa của từ quân hàm.
Ngày 22 tháng 3 năm 1946 chủ tịch chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra sắc lệnh số 33/SL minh định các cấp bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu [...] để tổ chức quân đội. Theo sắc lệnh này quân nhân có thể được ban một cấp bậc từ binh nhì đến đại tướng.

Từ quân hàm chính thức xuất hiện lần đầu trong sắc lệnh số 116/SL ngày 25 tháng 1 năm 1948 của chủ tịch chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về việc đặt một hệ thống quân hàm cho các nhân viên thuộc bộ quốc phòng không phải là quân nhân (điều 1). Hệ thống quân hàm này gồm có các cấp bậc từ hạ sĩ đến trung tướng (điều 2). Về phương diện danh vị và kỷ luật, những nhân viên có quân hàm được quyền hạn và có nhiệm vụ như những quân nhân cùng cấp bậc trong Quân Đội Quốc Gia (điều 3).

Chiếu sắc lệnh 116 này, ông Trần Đại Nghĩa, quân giới cục trưởng, nay thụ cấp quân hàm thiếu tướng (điều 1 sắc lệnh số 117 25 tháng 1 năm 1947), phải được hiểu là được đồng hóa với cấp (bậc) thiếu tướng trong quân đội (tiếng Pháp là assimilé au grade de général de brigade). Ở đây quân hàm thiếu tướng là một tổ hợp Hán Việt với trung tâm là thiếu tướng và thành phần phụ là quân hàm, cùng kiểu tổ chức với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nước cộng hòa theo chế độ dân chủ), quân giới cục trưởng (nay là cục trưởng quân giới)...

Trong khi đó Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn đều là quân nhân và là thiếu tướng (thiệt thọ) chứ không phải quân hàm thiếu tướng. Điều 1 sắc lệnh 111 ngày 20 tháng 1 năm 1948 của chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi rõ:
Các quân nhân có tên dưới đây thụ cấp thiếu tướng kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1948
Ông Hoàng Văn Thái Tổng tham mưu trưởng Quân đội quốc gia Việt Nam
Nguyễn Sơn Khu trưởng Chiến khu 4
Chu Văn Tấn Khu trưởng Chiến khu 1
Hoàng Sâm Khu trưởng Chiến khu 2

Quân hàm hiện nay có nghĩa là cấp bậc trong quân đội (Hoàng Phê, 2006:805). Có nghĩa này là do quân đội nhân dân Việt Nam từ sau năm 1950 học tập cách tổ chức của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Chế độ quân hàm (cấp bậc trong quân đội) được chính thức áp dụng trong quân đội Trung Quốc năm 1955. Ba năm sau đó Quốc Hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong phiên họp ngày 31-5-1958 biểu quyết thông qua Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, chính thức sử dụng từ quân hàm. Trong luật này hai từ quân hàmcấp bậc là tuyệt đối đồng nghĩa.


Đôi khi quân hàmcấp bậc được sử dụng trong cùng một câu để tránh lặp từ:
Hệ thống quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm các cấp bậc sau đây:
...
Vì nhu cầu công tác hoặc vì lý do sức khoẻ một sĩ quan có thể được giao cho giữ một chức vụ thấp hơn chức vụ tương đương với quân hàm của mình. Nhưng trường hợp này không phải là giáng chức, sĩ quan vẫn giữ nguyên cấp bậc cũ.
Lại có khi cấp bậcquân hàm được ghép thành cấp bậc quân hàm:
Việc xét phong cấp bậc quân hàm cho cán bộ căn cứ vào phẩm chất chính trị, năng lực nghiệp vụ, cấp bậc và chức vụ hiện tại, thành tích phục vụ trong Quân đội và công lao đối với Cách mạng của cán bộ.
Việc xét thăng cấp bậc cho sĩ quan căn cứ vào niên hạn ở cấp bậc quân hàm hiện tại, phẩm chất chính trị, năng lực nghiệp vụ, thành tích chiến đấu và công tác.
Mỗi cấp bậc quân hàm có một chức vụ tương đương trong biên chế.
Hệ thống chức vụ trong biên chế của Quân đội do Chính phủ ấn định căn cứ vào tình hình tổ chức cụ thể của Quân đội trong từng giai đoạn.


Khái niệm quân hàm của sắc lệnh 116 (ngày 25 tháng 1 năm 1948) bị thủ tiêu bằng điều 47 của Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.


Kể từ đây quân hàm thiếu tướng (đồng nghĩa với cấp bậc thiếu tướng) là một tổ hợp với trung tâm là quân hàm thiếu tướng đóng vai trò định ngữ:
 Ngay sau khi nhận quân hàm Thiếu tướng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức buổi lễ gặp mặt, chúc mừng các đồng chí được nhận quân hàm Thiếu tướng.
(Hoàng Anh, “Trao quân hàm Thiếu tướng cho 2 cán bộ cao cấp của lực lượng BĐBP”, http://bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/349/349/17427/Trao-quan-ham-Thieu-tuong-cho-2-can-bo-cao-cap-cua-luc-luong-BDBP/bbp.aspx)

Monday 7 October 2013

Cấp đại tướng, hàm đại tướng hay chức vụ đại tướng?



Sắc lệnh số 110/SL ngày 20 tháng 1 năm 1958 của chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi:
Ông Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ, nay thụ cấp Đại tướng kể từ ngày ký Sắc lệnh.

Ngày 20-1-1948, Bác ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Tôi được trao quân hàm Đại tướng.
...
Bác nói: “Hôm nay, thay mặt Chính phủ và nhân dân...” rồi bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Bác trao cho tôi sắc lệnh.
(Nhớ lễ phong tướng 60 năm trước – Quân Đội Nhân Dân 01/02/2008)



Nhậtký của bộ trưởng Lê Văn Hiến cũng ghi lại việc Hồ chủ tịch sử dụng cụm từ chức vụ đại tướng:
Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”... Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi xung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ


Bài Tại buổi lễ thụ phong hàm đại tướng đầutiên của quân đội ta - 14/09/2009 trên báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam kể lại sự việc với từ ngữ hơi khác:
Tiếp đó, Bác giao bản Sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: ''Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho''.

Tuesday 1 October 2013

Thiết giáp binh Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức như thế nào?

Thiết giáp binh Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức như thế nào?
Thiết giáp binh Việt Nam Cộng Hòa thoát thai từ các đơn vị thiết giáp của quân đội Quốc Gia Việt Nam do Pháp tổ chức và trang bị trước 1954. Người Pháp chia một régiment blindé (trung đoàn thiết giáp) thành nhiều escadron (chi đoàn), trong đó có một vài chi đoàn chỉ huy và/hoặc tham mưu và/hoặc công vụ. Thời xa xưa thì một chi đoàn kỵ binh (đơn vị chiến thuật) có thể có hai đại đội (compagnie,  đơn vị hành chính), nhưng sau 1815 trong kỵ binh không còn compagnie nữa. Mỗi escadron có một số peloton (chi đội). Mỗi peloton thường có 3-5 xe, 20-30 quân, do thượng sĩ hoặc thiếu úy chỉ huy.

Một chi đội thiết giáp, chiến xa hay thiết quân vận tương đương một trung đội bộ binh. Một chi đoàn tương đương một đại đội bộ binh ; cả hai đều do sĩ quan cấp đại úy (capitaine) chỉ huy.


Có lúc giữa trung đoàn (régiment blindé) và chi đoàn (escadron) còn một cấp trung gian là là liên chi đoàn (groupe d’escadrons). Chỉ huy chi đoàn là chef d’escadron (chi đoàn trưởng) ; chỉ huy liên chi đoàn là chef d’escadrons (thiếu tá / liên chi đoàn trưởng), tương đương với commandant / chef de bataillon (thiếu tá / tiểu đoàn trưởng) bên bộ binh. Nhưng cả Pháp và Việt Nam Cộng Hòa trước 1963 đều đã bỏ cấp trung gian đó trong kỵ binh. 

Trước năm 1963 Việt Nam Cộng Hòa có bốn trung đoàn thiết giáp: trung  đoàn 1 (vùng 3 chiến thuật), trung đoàn 2 (vùng 4 chiến thuật), trung đoàn 3 (vùng 2 chiến thuật) và trung đoàn 4 (vùng 1 Chiến thuật). Mỗi trung đoàn có bốn chi đoàn tác chiến (0-1 chi đoàn chiến xa M24, 1 chi đoàn trinh sát M114, 2-3 chi đoàn cơ giới M113). Sau năm 1963 tất cả bốn trung đoàn thiết giáp của Việt Nam Cộng Hòa được gọi là thiết đoàn, phiên ngang với squadron của Mỹ, thực chất là giáng cấp về mặt tổ chức. Squadron trong kỵ binh Mỹ (tương đương với escadron của tiếng Pháp thời xưa) lại tương đương với tiểu đoàn (battalion) bộ binh ; cả hai đơn vị này đều do sĩ quan cấp trung tá chỉ huy.

Ta đã tiêu diệt những tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp nào của ngụy ở đường 9 - Nam Lào 1971?



PGS, TS Nguyễn Tuấn Dũng (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) (cấp chức quá dài) viết trong tham luận gửi Hội thảo khoa học: 
"Chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971: Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử":
Trong chiến dịch, ta đã tiêu diệt 2 Lữ đoàn, 1 Trung đoàn, 5 Tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp; đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn và 3 tiểu đoàn khác.

Nhưng xe tăng và thiếtgiáp của Việt Nam Cộng Hòa không được tổ chức theo hệ thống tiểu đội - trung đội- đại đội - tiểu đoàn... Vậy 4 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp nào của địch đã bị tiêu diệt trong báo cáo khoa học của ta?

Monday 30 September 2013

Lữ đoàn biệt động quân nào bị đánh thiệt hại nặng ở đường 9 Nam Lào 1971?


Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tuấn Dũng (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) (cấp chức quá dài) viết trong tham luận gửi Hội thảo khoa học: "Chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971: Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử":
Trong chiến dịch, ta đã tiêu diệt 2 Lữ đoàn, 1 Trung đoàn, 5 Tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp; đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn và 3 tiểu đoàn khác.
Nhưng biệt động quân của Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ được tổ chức thành lữ đoàn. Vậy lữ đoàn nào của địch đã bị đánh thiệt hại nặng trong báo cáo khoa học của ta?

Thursday 26 September 2013

Thiếu tá Bréchignac chỉ huy đơn vị nào ở Điện Biên Phủ?



Đơn vị của Bréchignac mang phiên hiệu 2e bataillon du 1er Régiment de Chasseurs Parachutistes, viết tắt là 2/1 RCP.

Có người hiểu chữ Ccolonial, dịch thành thuộc địa:
Đối với Bréchignac , thời điểm của mọi vấn đề đã đến. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn nhảy dù thuộc địa số 1 lao ra khỏi cửa máy bay, nhảy vào khoảng không

Có người biết C không phải là colonial mà chính là chasseur, nhưng lại không biết tiếng Việt là gì.

Trang Đoàn Kết ở Pháp dịch chasseur parachutistekỵ binh nhảy dù:
Tướng Navarre ra lệnh thành lập Liên Ðoàn 5 Nhảy Dù VN, Tiểu Ðoàn 2/1 Kỵ Binh Nhảy Dù, và Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, mà Tiểu Ðoàn Trưởng Thiếu Tá Begeard, là một đơn vị trưởng nổi tiếng từ những năm kháng chiến ở vùng Ðức chiếm đóng. 



Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia gọi lính của Bréchignac là tiểu đoàn dù tiêm kích số 2:
Phía quân địch, Brêsinhắc, vẫn đặt sở chỉ huy trên Êlian 4. Brêxinhắc quyết định đưa đại đội 3 của tiểu đoàn dù tiêm kích số 2 lên thay thế cho đại đội Clêđích đã bị tiêu hao, đồng thời ra lệnh cho đại đội 1 sẵn sàng tham gia phản kích.



Thuật ngữ dù tiêm kích có lẽ là sáng tạo của ông Võ Nguyên Giáp, tác giả quyển hồi ký Điểm Hẹn Lịch Sử:
Chỉ sau 5 phút, ta đã chiếm được Cột Cờ. Đại đội dù tiêm kích số 3 mới thay thế choáng váng trước đòn tiến công chớp nhoáng và quyết liệt.

Dù tiêm kích là thứ lính gì? Không thấy từ điển nào định nghĩa. Nó khác gì với các lính dù mang danh biệt kích hay xung kích? Nó có gì giống với các thứ lính dù ấy ngoài chuyện mang súng, đeo dù lích kích? Đã có lính dù tiêm kích thì lính dù cường kích ở đâu?

Máy bay tiêm kích tiếng Pháp là avion de chasse  / chasseur, không quân tiêm kíchavation de chasse, phi công tiêm kích pilote de chasse... nhưng máy móc chuyển chasseur parachutiste thành dù tiêm kích thì chẳng ai hiểu thực chất đó là lính gì. Những người lính Việt Minh trước khi xông vào đánh nhau với dù tiêm kích có biết chúng là ai không?

Chasseur tiếng Pháp khi chỉ cái máy bay thì dịch là máy bay tiêm kích. Khi không nói chuyện máy bay nhưng vẫn nói chuyện lính tráng thì chasseur à pied nghĩa là (lính) bộ binh (nhẹ và linh hoạt hơn bộ binh thường), chasseur à cheval là (lính) kỵ binh. Người Pháp thường chỉ nói gọn thành chasseur nhưng người đọc cần tìm hiểu xem đó là thứ chasseur nào mới có thể dịch chính xác. Tiểu đoàn của Bréchignac từ ngày thành lập đến lúc tan hàng chẳng biết ngựa xe là gì, toàn lội bộ hộc xì dầu, sao có thể mang danh kỵ binh được?

Trong lính chasseur (à pied, hiểu ngầm), người Pháp chia ra chasseur mécanisé (cơ giới hóa), chasseur porté (thiết vận), chasseur cycliste (xe đạp), chasseur aéroporté  (không vận), chasseur parachutiste (nhảy dù) chasseur alpin (sơn cước / sơn chiến). Đơn vị của Bréchignac là tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 bộ binh nhẹ nhảy dù.


Tuesday 24 September 2013

Bép là gì?



Bép, bép. Họ ngứa ngáy chân tay. Có thế chứ! Ngồi cho nó bắn từ sáng đến giờ rồi. Mắt mở không bỏ sót một cử chỉ nào của tụi tây đang lên đồi, mỗi anh đội viên đứng im như tượng, nhằm sẵn một thằng. Kha nín hơi, đợi trông rõ những vai áo ca-na-điên to cộm cúi về đằng trước, những bộ mặt căng thẳng của những tên da trắng, những con mắt trắng dã của những tên da đen. Một tiếng pách ở đồi bên cạnh. Súng tay súng máy cùng bật lên khắp dãy đồi. Quả moóc-chi-ê nổ giữa đám mấy tên sĩ quan, trong đám khói, mũ vành, súng, ba toong một ống tay tung lên. Một tên da trắng lảo đảo ngay trước mặt Kha, mặt đầm đìa máu. Năm sáu đứa ngã rụng như có một lưỡi liềm phạt xuống. Những hàng phía sau xô nhau chạy trở lại, lăn lông lốc trên sườn đồi. Một chiếc máy bay sạt qua. Giác nhảy lên miệng hố, cắp khẩu súng máy rung cánh tay lia liên hồi. Tiểu đội trưởng Na chồm lên như bay, miệng hét:
“Anh em theo tôi”.
Một anh đội viên đứng trên miệng hố, buông rơi súng ôm ngực ngã ngồi xuống. Kha vung súng lục, quát:
“Lên!”. Súng máy quét từng mảng trong đám Pháp rối loạn dưới ruộng. Xung kích vừa chạy xuống vừa reo vỡ quả đồi. Hơn một tiểu đoàn Bép trong nửa giờ đã bị ta tiêu diệt.
(Nguyễn Đình Thi – Xung Kích)

Béptiểu đoàn lê dương nhảy dù (tiếng Pháp: BEP – Bataillon Etranger de Parachutistes). Lực lượng lê dương vốn không có lính dù vì lối đánh hùng hục của bộ binh xung kích không phù hợp với tính cách uyển chuyển, linh hoạt của quân nhảy dù. Đến năm 1949 do nhu cầu của chiến trường Đông Dương (bao vây quân địch bằng cách đổ bộ đường không), một đại đội nhảy dù được thành lập trong nội bộ của trung đoàn 3 lê dương bộ binh (3ème REI). Ngày 1/7/1949 tiểu đoàn lê dương nhảy dù số 1 (1er BEP) được thành lập ở Khamisis (An-giê-ri). Ngày 1/10/1949 một tiểu đoàn khác (2e BEP) được thành lập ở Sétif. Ngày 11 tháng 11 năm 1949 tiểu đoàn số 3 (3e BEP) được thành lập ở Mascara từ đại đội 7 huấn luyện nhảy dù (7ème Compagnie d’Instruction de Parachutistes, thành lập tháng 4-1949)  và đóng quân ở Sétif, làm hậu trạm tuyển mộ và huấn luyện tân binh lê dương bổ sung cho Viễn Đông.


BEP số 1 đến Hải Phòng ngày 12 tháng 11 năm 1948, đóng hậu cứ gần ga Gia Lâm. Tiểu đoàn này bị tiêu diệt ngày 18 tháng 9 năm 1950 khi nhảy xuống Thất Khê trong cuộc hành quân sơ tán Cao Bằng, mất 21 sĩ quan, 42 hạ sĩ quan và 420 lính. Số chạy thoát chỉ có 3 sĩ quan, 3 hạ sĩ quan, 23 lính. Ngày 1 tháng 3 năm 1951 BEP số 1 được tái lập tại Hà Nội, chỉ có 1 đại đội dã chiến với 4 sĩ quan 11 hạ sĩ quan, 69 lính lấy từ tiểu đoàn 2 lê dương nhảy dù qua. Ngày 15 tháng 3 quân bổ sung đến Hà Nội (13 sĩ quan, 32 hạ sĩ quan, 441 lính). Ngày 18/3 tiểu đoàn có đủ 3 đại đội, trong đó có 1 đại đội người bản xứ và hoạt động lại từ đầu tháng 4-1951. Đến cuối cuộc chiến tiểu đoàn 1 có mặt ở Điện Biên Phủ từ ngày 21 tháng 11 năm 1953.

Tiểu đoàn lê dương nhảy dù số 2 đến Sài Gòn ngày 9 tháng 2 năm 1949, thời kỳ đầu hoạt động ở Trung bộ, đến ngày 8 tháng 10-1950 mới ra Bắc. Lẽ ra nó được thả tiếp xuống đường 4 và chịu chung số phận với tiểu đoàn 1 nhưng cuối cùng lại được giữ làm thành phần tổng dự bị cho Bắc Kỳ. Đến cuối cuộc chiến tiểu đoàn 2 được thả xuống Điện Biên Phủ trong hai đêm 9-10 tháng 4 năm 1954 và nhanh chóng bị đánh quỵ. Ngày 25 tháng 4, những thành phần còn lại của BEP 1 và 2 được gom lại thành một tiểu đoàn tạm (BMEP – Bataillon de Marche Etranger de Parachutistes). Tiểu đoàn này bị xóa sổ nốt khi Điện Biên Phủ thất thủ.

Tiểu đoàn 3 rời Sétif để sang Đông Dương ngày  4 tháng 5 năm 1954 khi chiến sự ở Điện Biên Phủ đến hồi nguy kịch. Ngày 25 tháng 5 tiểu đoàn 3 đến Hải Phòng thì màn đã hạ. Quân số được chuyển qua cho tiểu đoàn 2 tái lập. Bản thân tiểu đoàn 3 lại hồi sinh ở Sétif với một lớp tân binh và đội ngũ cán bộ khác.

Như vậy trước sau Pháp chỉ có 2 trong tổng số 3 tiểu đoàn lê dương nhảy dù tham chiến ở Việt Nam. Nói chung lính Bép chết nhiều vì phải ra trận liên tục: tổng số tử sĩ của tiểu đoàn 2 trong mấy năm ở Đông Dương lên đến 1500 người, gồm cả tiểu đoàn trưởng (thiếu tá Raffalli). Tuy nhiên trước năm 1951 mà chỉ nửa giờ đã diệt được hơn một tiểu đoàn Bép như Nguyễn Đình Thi nói trong Xung kích thì khó quá: khi tiểu đoàn 2 ra Bắc thì tiểu đoàn 1 đã tan rã rồi, làm sao cùng có mặt tại một chỗ để quân ta đánh trong vòng nửa tiếng?

Nguyễn Đình Thi kể: Tôi viết Xung kích khi đi chiến dịch Trần Hưng Đạo đánh vào Vĩnh Yên nhưng chưa chiếm được thị xã Vĩnh Yên. Trận kết thúc là trận núi Đanh. Trận đánh đồn chính là trận đánh đồn Thằn lằn do Nguyễn Quốc Trị chỉ huy (Hà Minh Đức - ). Chiến dịch Trần Hưng Đạo diễn ra trong khoảng thời gian từ 15/12/1950 đến 17/02/1951. Phải đến tháng 5-1951 BEP số 1 (tái lập được một tháng) và và BEP số 2 mới hành quân chung với nhau ở Phát Diệm.  Như vậy việc diệt hơn một tiểu đoàn Bép chỉ có thể là sản phẩm của hư cấu. Đánh ác thế thì còn đâu lính Bép cho Việt Minh diệt ở Điện Biên Phủ mà phải đánh những mấy tháng trời chứ không phải nửa giờ.

Sunday 22 September 2013

Bộ binh nhẹ là gì?


Trong bảng cấp số (table of organization and equipment) của Mỹ, đơn vị không có hay có ít súng nặng, thiết giáp, xe cộ thì được gọi là nhẹ (light). So với các đơn vị nặng, đơn vị bộ binh nhẹ có trang bị hỏa lực và khả năng cơ động chiến thuật thấp hơn, nhưng lại hoạt động tốt hơn ở chiến trường có địa hình và thời tiết không thuận tiện cho cơ giới. Chỉ có điều để có thể sinh hoạt và chiến đấu được, bộ binh nhẹ thường phải mang vác rất... nặng.

Saturday 21 September 2013

Khinh binh là gì?

Khinh Hán Việt () là nhẹ. Khinh binhthứ quân được trang bị nhẹ, dễ cơ động trong chiến đấu. (Nguyễn Kim Thản, 2005:842). Binh lính xài súng nhẹ mới được gọi là khinh binh (Lê Văn Đức, 1970a:724). Trung đội có thể được trang bị vũ khí nặng, súng cộng đồng... nhưng người lính đi đầu nhất định phải là khinh binh. Người trong tiểu đội súng nặng dù có muốn cũng không được gọi là khinh binh.

Friday 20 September 2013

Tiểu đoàn nào chẳng đi bộ?



Marcher trong tiếng Pháp là đi bộ. Danh từ marche và động từ marcher có cùng căn tố, nhưng bataillon de marche không có nghĩa là tiểu đoàn bộ binh.

Trong quân đội Pháp, một đơn vị được/bị gọi là de marche nếu nó được thành lập cho một cuộc hành quân nhất định hay chỉ hoạt động trong một giai đoạn nhất định, xong nhiệm vụ thì giải tán. 

Có nhiều cách tổ chức những đơn vị lâm thời như vậy:

Một là ghép các đơn vị bị thương vong nặng lại thành một đơn vị khác. Năm 1914 sư đoàn 32 bộ binh bị tổn thất nặng trong trận Morhange. Không trung đoàn nào còn ra hồn một trung đoàn. Người ta phải tạm lập ra một chiến đoàn (régiment de marche) từ thành phần sống sót của hai trung đoàn 53 và 143. Chiến đoàn này kết thúc nhiệm vụ khi viện binh đến.Tương tự như vậy cả hai tiểu đoàn lê dương nhảy dù (1er et 2ème B.E.P.) ở Điện Biên Phủ bị đánh tơi tả đến nỗi ngày 25/4/1954 bộ chỉ huy Pháp phải tạm thời gom bọn họ lại thành một đơn vị mang danh tiểu đoàn lê dương nhảy dù dã chiến (Bataillon de Marche de la Légion étrangère / B.M.L.E.). Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi nó là tiểu đoàn bộ binh lê dương nhảy dù (!):
Sau trận phản kích ở sân bay Mường Thanh ngày 23 tháng 4, viên chỉ huy tiểu đoàn dù 2 Lixăngphen (Liesenfelt) bị mất chức. Các tiểu đoàn lê dương dù số 1 và số 2 lừng danh đã bị xóa sổ. Những binh linh còn lại của hai tiểu đoàn này được sáp nhập với nhau dưới một cái tên mới: "Tiểu đoàn bộ binh lê dương dừ'' (bataillon de marche du B.E.P.)
(Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử, chương 11)


Đơn vị bị thương vong nặng có thể lâm thời bị giáng cấp. Tháng 3/1945 Nhật bất thần hất chân Pháp ở Đông Dương. Tàn quân của trung đoàn 5 lê dương bộ binh (5e REI) kéo qua đất Trung Hoa được gom lại thành một tiểu đoàn lấy tên là tiểu đoàn dã chiến số 5 (Bataillon de marche N° 5). Tiểu đoàn này trở lại miền Bắc Việt Nam năm 1946 và đến tháng 11/1949 được phục hồi thành trung đoàn 5 lê dương bộ binh (5e REI) như hồi trước thế chiến.e

Một cách khác là tạm thời ghép một số đơn vị hoàn chỉnh sẵn có thành một đơn vị mới cho phù hợp với tình hình chiến sự:
Biên chế một trung đoàn lính Du-a (zouave) có ba tiểu đoàn. Khi có chiến tranh, mỗi tiểu đoàn này sẽ hợp với một tiểu đoàn bộ binh nhẹ và một tiểu đoàn dự bị động viên thành một régiment de zouaves de marche.
Bán lữ đoàn nhảy dù hỗn hợp (demi-brigade de marche parachutiste / DBMP) được thành lập để tham chiến ở Đông Dương năm 1947-1948 là một ví dụ nữa về việc ghép tạm một số đơn vị còn nguyên vẹn (tiểu đoàn 1 của trung đoàn 1 bộ binh nhảy dù I/1er RCP, tiểu đoàn 3 của trung đoàn 1 bộ binh nhảy dù III/1er RCP và tiểu đoàn 1 nhảy dù xung kích 1erBPC) thành một đơn vị lâm thời. Vì là đơn vị lâm thời nên DBMP không có phù hiệu. Binh lính, sĩ quan đeo phù hiệu của đơn vị gốc, sau năm 1948 lại trở về đơn vị gốc.
Tương tự như vậy năm 1947 trong thành phần của trung đoàn 110 (110ème RI ) có một tiểu đoàn dã chiến (bataillon de marche) gồm tiểu đoàn 1 của chính trung đoàn110, được tăng cường một số thành phần của trung đoàn 1 bộ binh (1er RI) và đại đội chỉ huy của liên đoàn bộ binh số 11 (Groupement d’Infanterie n°11) và một số bộ binh sơn chiến. Tiểu đoàn tăng cường này hoạt động chủ yếu ở Huế và Đà nẵng từ 4 tháng 2 năm 1947 đến 15 tháng 11 năm 1947 thì giải thể.

Cũng có khi đơn vị mang danh de marche là một đơn vị hoàn chỉnh về tổ chức ngay từ đầu:
-Trong cuộc chiến Pháp Phổ 1870, nhiều trung đoàn Pháp bị bắt trọn gói, xem như mất phiên hiệu. Chính phủ Cộng Hòa lên, lấy lại các phiên hiệu đó đó để dùng cho các đơn vị tái/tân lập kèm thêm cụm từ de marche (53e régiment de marche của tập đoàn quân sông Loire).
-Tiểu đoàn dã chiến số 1 (bataillon de marche No 1) tham gia các chiến dịch Gabon và Syrie năm 1942 là cải danh của phân đội bổ sung số 4 (détachement de renfort No 4) được thành lập ở trại Archambault.

Nói tóm lại, các đơn vị được/bị gọi là de marche trong quân đội Pháp là những đơn vị thường có tính cách hỗn hợp về mặt lực lượng và mang tính lâm thời trong lịch sử hoạt động. Một tiểu đoàn mang danh de marche có thể là tiểu đoàn ghép hoặc tiểu đoàn hỗn hợp hay tiểu đoàn dã chiến, có thể được tăng cường hoặc không. Đó cũng có thể là một tiểu đoàn đang tái chỉnh trang và bổ sung quân số, thậm chí là tái lập hoàn toàn.

Thursday 19 September 2013

Có lính tập người Ma-rốc ở Việt Nam không?



Lính tập là từ người Việt dùng để chỉ người Việt đi lính khố xanh, khố đỏ. Người Pháp gọi lính tập khố đỏ ở Bắc Kỳ là tirailleur tonkinois, tức bộ binh nhẹ (người) Bắc Kỳ. Tirailleur của tiếng Pháp khi không nói về lính Việt và không có ý định coi thường ai thì không thể dịch là lính tập. Như vậy không nên dịch phiên hiệu 1er Régiment de Tirailleurs Marocainstrung đoàn 1 lính tập Ma-rốc. Nên gọi họ là trung đoàn 1 bộ binh (nhẹ) Ma-rốc hay trung đoàn bộ binh (nhẹ) Ma-rốc số 1. Đây là một đơn vị thuộc loại tinh nhuệ của lục quânPháp, thành lập năm 1912, giải thể năm 1965, nhiều lần được tuyên dương công trạng trước toàn quân và được gắn bắc đẩu bội tinh lên quân kỳ năm 1949. Không phải là thứ lính tập đi ắc ê ta vẫn gặp trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.

Wednesday 18 September 2013

Lính tập là gì?



Người Việt  đúng tuổi bắt thăm trúng, đi lính cho binh đội Pháp thời xưa gọi là lính tập (Lê Văn Đức, 1970a:806). Từ này chỉ thứ lính tuyển mộ từ người Việt Nam phục dịch cho người Pháp thời Pháp thuộc  (hàm ý coi khinh) (Nguyễn Kim Thản, 2005:953)

Lính khố xanh đeo thắt lưng màu xanh, chỉ giữ vai trò bảo an, giống bộ đội địa phương bây giờ. Tiếng Pháp là milicien à ceinture bleue hay garde provincial (vệ binh tỉnh)

Lính tập đeo thắt lưng màu đỏ buộc ở bụng, dân gian gọi là lính khố đỏ (tiếng Pháp là milicien à ceinture rouge), thuộc hạng dữ dằn, chuyên làm nhiệm vụ việc đánh dẹp phiến loạn, tương đương bộ đội chủ lực ngày nay. Người Pháp gọi thứ lính này là tirailleur (bộ binh nhẹ, dùng súng). 

Tuesday 17 September 2013

Tấn công phẫu thuật là gì?

Tấn công phẫu thuật (dịch sao phỏng tiếng Anh: surgical strike, tiếng Pháp: frappe chirurgicale) là đánh vào các mục tiêu chính đáng (tiếng Anh: legitimate target), thường là các mục tiêu quân sự, đồng thời cố gắng hạn chế các thiệt hại ngoài dự kiến (tiếng Anh: collateral damage) như sinh mạng thường dân, nhà cửa, xe cộ... Cách đánh này cũng giống như công việc của bác sĩ phẫu thuật là chỉ cắt bỏ bộ phận cần cắt bỏ, không đụng gì đến các cơ quan khác.

Wednesday 28 August 2013

Chủ tịch Hồ Chí Minh sao có thể không hiểu thủy vũ là gì?



Năm 1959 chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm tuyến đảo Đông Bắc.
()
Thủy vũ, liệt xa, hỏa xa, xa trường, xa viễn... đều là từ ngữ mượn của Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sao có thể hiểu thủy vũnhảy múa dưới nước? Chẳng qua là Người thấy từ đó không phù hợp, cần có từ  ngữ khác cho nó mới, nó phù hợp. Từ ngữ của dân tộc ta không thiếu đâu.
Thủy vũ do Trung Quốc viện trợ, cố vấn Trung Quốc dạy cách sử dụng.
()
Bác Hồ  không thích từ thủy vũ nên từ này về sau được thay bằng vũ khí dưới nước chứ năm năm trước đó hải quân Việt Nam sang Trung Quốc chỉ có thể học thủy vũ và sử dụng từ thủy vũ ít ra là cho đến khi Bác ra thăm các đảo Đông Bắc.

Cũng trong năm 1955 hàng ngàn công nhân Trung Quốc tham gia thi công tuyến đường sắt Hà Nội – Hữu Nghị Quan. Chỉ trong vòng bốn tháng, họ đã làm xong 167 km đường ray. Ngày 28/2/1955 chuyến tàu tốc hành đầu tiên nối Hà Nội – Bắc Kinh – Mạc Tư Khoa – Bá Linh rời ga Hà Nội. Trung Quốc. Trung Quốc cũng giúp Việt Nam làm tuyến đuờng sắt Hà Nội – Vân Nam dài 386 km với 713 cây cầu) (Fall, 1960:122). Đó là lý do vì sao thuật ngữ đường sắt Việt Nam thời ấy toàn lấy từ tiếng Trung Quốc, khiến Bác Hồ phải bực mình.

Lệ thuộc ra mặt không phải là điều hay ho gì.

Tuesday 27 August 2013

Bác Hồ thăm tuyến đảo Đông Bắc (Nguyễn Thế Trinh - Quân Đội Nhân Dân)


Đầu năm 1959 Bộ Chính trị đề xuất để Bác đi nghỉ một thời gian. Bác đề nghị đi vùng đảo Đông Bắc thăm bộ đội và nhân dân một số đảo.
Chuyến đi được ấn định vào cuối tháng 3. Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị phương tiện và tổ chức đưa Bác đi thăm đảo. Đồng thời phối hợp với Bộ Công an bảo đảm an toàn cho chuyến đi của Người.
Ngày 18-3-1959, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi (Nguyễn Thế Trinh), lúc đó là Hiệu trưởng trường huấn luyện Hải quân Việt Nam, tổ chức phương tiện và tổ chức kế hoạch đi.
Thời kỳ đó, Trường huấn luyện Hải quân là đơn vị trực thuộc Cục Hải quân. Nhà trường có một phân đội tàu, biên chế thành ba đại đội C1, C2, C3. Bốn tàu sắt của C3 là 524, 526, 528, 530 được chọn làm nhiệm vụ đưa đón Bác. Trừ tôi, các đồng chí lãnh đạo chỉ huy khác của trường và anh em, chỉ được phổ biến nhiệm vụ chuẩn bị đưa đón khách đặc biệt.
Theo kế hoạch, đi cùng Bác có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phó chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Khai (Ủy viên Trung ương), đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Bác); đồng chí Bảo, bác sĩ bảo vệ sức khỏe. Khi xuống Hải Phòng có thêm đồng chí Hoàng Hữu Nhân, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đến Quảng Ninh có đồng chí Vũ Tuân, Bí thư khu ủy Hồng Quảng. Ngoài ra còn có đồng chí Loan, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Bộ Công an.
8 giờ 00 ngày 30 tháng 3, cán bộ chiến sĩ, học viên nhà trường đội ngũ chỉnh tề hai bên đường từ cổng trường đến cầu cảng để chuẩn bị đón khách.
Đúng 8 giờ 30 phút, hai xe con từ Hà Nội xuống đứng trước cầu tàu. Bác và đoàn xuống xe. Tôi trực tiếp báo cáo:
- Thưa Bác, tàu chúng cháu đã chuẩn bị xong, xin ý kiến Bác!
Bác bảo:
- Chuẩn bị xong thì đi.
Nói rồi tôi mời Bác xuống cầu tàu, đi qua tàu 526 sang 524. Đến lúc đó, anh em mới biết là Bác Hồ. Mọi người ùa xuống kín cầu cảng, reo hò, hoan hô “Hồ Chủ tịch muôn năm… muôn năm…!”. Bác quay về phía mọi người trên cầu cảng nói: Hôm nay Bác đi công tác cùng với một số chú trên tàu Hải quân của trường. Bác gửi lời hỏi thăm tất cả cán bộ giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên của Trường Hải quân.
Tiếng vỗ tay, reo hò vang động cả khu vực cảng, Xưởng 46, Bác dặn tiếp:
- Các chú muốn thực hiện tốt nhiệm vụ, bây giờ phải thi đua. Hiện nay trong quân đội đang có phong trào thi đua “Ba nhất”, các chú đã tổ chức thi đua chưa?
Tất cả đồng thanh: “Thưa Bác có ạ!”, “Thưa Bác, chúng cháu đang thực hiện ạ!”.
Bác bảo:
- Nếu thực hiện thi đua như thế là rất tốt. Bác sẽ theo dõi thành tích thi đua của các chú, các chú có đồng ý không?
Tất cả lại đồng thanh: “Thưa Bác, chúng cháu quyết tâm thực hiện lời Bác dạy!”.
Tàu từ từ rời bến. Anh em trên cầu cảng nhìn theo Bác, tiếc ngẩn ngơ, vì nhìn thấy Bác ít quá, có nhiều người chưa kịp trông rõ Bác.
Tàu 524 đi trước, 526 đi sau, lần lượt qua cảng Xưởng 46, cảng Hải Phòng, qua sông Đào, lượn ra sông Bạch Đằng, rẽ vào sông Chanh, qua Quả Xoài vào Vịnh Hạ Long, ngay đảo Tuần Châu. Bác nhắc đồng chí Vũ Kỳ cho đồng chí Tổng công trình sư lên đảo, chuẩn bị mọi mặt để khi Bác lên đảo sẽ báo cáo với Bác thiết kế xây dựng một khu nhà nghỉ của Quốc hội trên đảo Tuần Châu.
Khi tàu rời cảng, Bác bảo dẫn Bác đi xem tàu. Tôi giới thiệu với Bác lần lượt vị trí của các ngành kỹ thuật chiến đấu trên tàu, đến ngành vũ khí dưới nước. Tôi thưa với Bác đây là ngành “thủy vũ”. Bác hỏi:
- Thủy vũ” là ngành nhảy múa dưới nước phải không chú?
- Thưa Bác đây là ngành sử dụng vũ khí dưới nước, gọi tắt là “thủy vũ” ạ. Tôi trả lời.
Bác cười vui:
- Chú mà nói “thủy vũ”, thì Bác cũng chỉ hiểu là nhảy múa dưới nước. Các chú đã học Hải quân và nhất là công tác ở nhà trường, các chú phải nghiên cứu từ ngữ của Hải quân, cho nó mới, nó phù hợp. Từ ngữ của dân tộc ta không thiếu đâu.
Bác quay lại nói với đồng chí Nguyễn Lương Bằng:
- Ngành đường sắt còn dùng các từ “liệt xa”, “hỏa xa”, “xa trường”, “xa viễn”… nữa đấy.
Rồi quay lại anh em chúng tôi, Bác bảo:
- Các chú đã dốt lại hay dùng chữ.
Tàu đưa Bác đi là tàu chiến cỡ nhỏ, hoạt động ở biển, trong sông và biển gần; lượng giãn nước khoảng 50 tấn. Thân vỏ do Trung Quốc đóng; lắp máy và trang thiết bị của Liên Xô. Một số bảng chỉ dẫn toàn bằng chữ Trung Quốc. Thấy thế Bác nói: “Phải viết bằng chữ Việt”. Bác hỏi tôi:
- Đi từ đây đến Bãi Cháy, mấy giờ thì tới nơi hả chú?
- Thưa Bác, chúng cháu dự kiến 12 giờ thì tới ạ! Tôi thưa.
- Tàu gì mà chạy chậm như rùa? Bác nhận xét.
Tôi lúng túng:
- Báo cáo Bác, đưa Bác đi công tác, cấp trên quy định chỉ đi với tốc độ ấy thôi ạ.
Bác chỉ tay vào ngực Bác, Bác hỏi:
- Thế tôi có phải là cấp trên của chú không?
- Thưa Bác, có ạ! Tôi vội thưa.
Bác cười vui vẻ. Tôi tranh thủ hỏi đồng chí Vũ Kỳ:
- Tôi ít đi với Bác nên chưa có kinh nghiệm, anh đi với Bác nhiều, có kinh nghiệm gì phổ biến cho tôi với.
Đồng chí Vũ Kỳ nói:
- Cậu nhớ rằng, Bác là con người luôn luôn chủ động. Không hiểu Bác, thì chúng ta luôn luôn bị động. Ta phải giành chủ động của ta. Bác hỏi thế nhưng kế hoạch đã duyệt thì cứ quyết tâm mà thực hiện. Khi Bác hỏi, biết rõ thì nói, không biết thì thôi.
Trên boong mũi tàu, anh em căng bạt che mái, kê một chiếc bàn và một số ghế để Bác và các đồng chí trong đoàn ngồi nghỉ. Bác không lúc nào ngồi yên một chỗ, mà đi hết mũi, xuống lái tàu rồi lại vòng lên mui. Có hai đồng chí thủy thủ được phân công luôn đi theo Bác để đảm bảo an toàn. Bác bảo: “Các chú cứ làm như Bác từ bé đến giờ chưa xuống tàu bao giờ ấy”. Bác tranh thủ trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Lần đầu tiên được gặp Bác, vị lãnh tụ tối cao gần gũi vô cùng, ai cũng cảm động đến nghẹn ngào. Anh em ngồi quây quần xung quanh Bác, trò chuyện với Bác ấm cúng như đàn con vây quanh người cha. Tôi thầm nghĩ, không biết có nơi nào trên thế giới có cảnh tượng diễn ra tương tự như vậy không!? Có đồng chí sờ chân tay Bác, quần áo Bác và sung sướng với phút giây hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời mình.
Gần trưa, anh em múc chậu nước ngọt mời Bác rửa tay, Bác hỏi:
- Dưới tàu các chú mỗi người dùng bao nhiêu lít nước ngọt một ngày?
- Thưa Bác, mỗi người chúng cháu dùng 50 lít một ngày ạ. Nhưng đi công tác với Bác, chúng cháu chuẩn bị nhiều nước ngọt nên dùng thoải mái ạ-Anh em thưa.
Bác bảo:
- Khi đã xuống tàu phải chấp hành mọi quy định của tàu, ai cũng phải thế. Nếu các chú bảo nhiều nước dùng thoải mái, ít nước dùng ít thì còn gì là quy định nữa.
Anh em nhìn nhau thấm thía.
Bác nói thêm:
- Nước ngọt trên tàu khi đi biển là rất quý. Để bảo đảm đủ nước sinh hoạt phải có quy định. Đến tối rửa một thể. Cuối cùng Bác không rửa, kể cả khi lội xuống nước vào đảo và từ đảo lên tàu Bác cũng không rửa nước ngọt. Đó là bài học sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ trên tàu 524.
Theo kế hoạch, tàu sẽ cập cảng Bãi Cháy và ăn trưa ở đó. Nhưng khi qua đến Quả Xoài vào Vịnh Hạ Long khoảng 11 giờ trưa, Bác gọi tôi đến bảo:
- Bây giờ, từ đây đến Bãi Cháy, chú xem có đảo nào có thể lên được ta lên ăn cơm trên đảo.

- Ta đã hoàn thành kế hoạch ngày hôm nay. Bây giờ chuẩn bị ăn cơm. Bữa cơm chiều được dọn ra trên boong tàu. Tôi quan sát thấy chủ yếu là món cá song hấp và kho, món rau cải luộc, một đĩa cà và ít ớt tỏi, hành đơn giản.
Một ngày làm việc vừa mệt, vừa đói nên hầu như ai cũng ăn ngon, khỏe. Thấy có vẻ ít món, tôi mời đồng chí phục vụ Bác để hỏi:
- Sao thực phẩm tàu có nhiều mà đồng chí nấu ít món thế? Đồng chí ấy mỉm cười nói:
- Đồng chí chưa biết tính Bác. Tôi nấu như thế là đúng quy định, đúng khẩu vị của Bác: “Ít món nhưng ngon và không được thừa cơm. Nấu cơm phải thiếu một ít. Bác ăn như thế là đúng tiêu chuẩn đấy!”. Đồng chí yên tâm đi.
Tôi nghe mà thấm thía một điều, vừa giản dị, vừa khoa học, vừa sâu sắc và thật vĩ đại.
8 giờ tối, tàu cập cảng Bãi Cháy. Bác đã chỉ thị cho khu ủy Hồng Quảng tập trung các cán bộ chủ chốt ở hội trường của trung đoàn 244 (hiện giờ là khu an dưỡng Đoàn 22 Hạ Long của Hải quân) ở Bãi Cháy. Đồng chí Phan Huy Thứ lúc đó là chính ủy trung đoàn cho xe đưa Bác từ cảng Bãi Cháy về trung đoàn. 8 giờ 30 phút tối tới nơi. Bác vào nghỉ ở nhà khách, đúng 9 giờ 30 phút tối Bác vào hội trường, các đồng chí cán bộ chủ chốt khu ủy Hồng Quảng đã có mặt đầy đủ. Cả hội trường phấn khởi, náo nhiệt hẳn lên.
Đồng chí Vũ Tuân giới thiệu và báo cáo với Bác. Bác nói chuyện, cả hội trường im lặng lắng nghe. Bác hỏi:
- Ở đây, khu ủy chú nào phụ trách tuyên huấn?
Dưới hàng ghế gần đó, một đồng chí đứng lên thưa với Bác rất to: Báo cáo Bác, cháu ạ!
Bác hỏi luôn:
- Thế chú làm tuyên huấn thì chú tuyên cái gì, huấn cái gì nào? Chú nói Bác nghe.
Đồng chí khu ủy viên đó chưa kịp hiểu ý Bác định nói gì thì Bác nói tiếp:
- Ở dưới cơ sở các chú cho viết khẩu hiệu như thế nào thì ai mà đọc được, có khẩu hiệu hàng năm không xóa để viết khẩu hiệu mới. Công tác tuyên truyền thì không thiết thực, nói đến các chú lại bảo thiếu kinh phí…
Sau đó, Bác hỏi, ai phụ trách nông nghiệp? Một đồng chí đứng dậy thưa nhỏ nhẹ. Bác hỏi rất cụ thể về giống, về phân bón, về nước và thâm canh thế nào… Đồng chí này trả lời ấp úng vì tuy có chuẩn bị trước, nhưng những điều Bác hỏi lại không nắm được. Bác phê bình “Thế thì các chú chỉ đạo ai, nói ai nghe… ai theo các chú?”.
Rồi Bác hỏi đến công nghiệp, để sản xuất than, đến phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm… toàn chuyện chưa làm tốt.
Cuối cùng Bác nói:
- Bác nghe dân kêu các chú lãnh đạo Quảng Ninh là bạc như vôi. Bác xuống thấy cũng có phần đúng… (Quảng Ninh lúc đó chưa có nghĩa trang liệt sĩ). Bây giờ các chú phải kiểm điểm nhau, lấy tự phê bình, xem xét mình có khuyết điểm gì? Cũng như người ta rửa mặt ấy mà, hằng ngày phải rửa, có chú nào hàng tuần mới rửa không? Phải thi đua, học tập bộ đội thi đua. Bác mong các chú sửa chữa thiếu sót của mình mà phấn đấu vươn lên.
Đồng chí Vũ Tuân hứa với Bác sẽ quyết tâm thực hiện lời Bác dặn. Sau đó khu ủy Hồng Quảng mở một đợt kiểm điểm sâu sắc và chuyển biến rõ rệt.
Đêm đó Bác ngủ tại doanh trại Trung đoàn 244.
7 giờ sáng ngày 31 tháng 3 năm 1959, từ doanh trại Trung đoàn 244, Bác xuống tàu 524 đi thăm đảo Hòn Rồng. Trên đường đi, Bác tranh thủ nghe báo cáo về tình hình ở đảo Hòn Rồng. Ở đó, ta tổ chức một đảo quan sát, anh em ở đây còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần đều thiếu thốn. Đảo không có nước ngọt, bộ đội dùng nước mưa hoặc phải tiếp tế từ đất liền ra. Báo thì sau một tuần mới đến nơi, đài không có, nhiều đồng chí đã lâu không được về thăm gia đình…
Tàu cập gần chân đảo. Chân đảo Hòn Rồng có nhiều hoa đá vướng lối, xuồng đi theo một cái lạch nhỏ, lúc vướng đá phải lội xuống đẩy. Thấy anh em cầm sào đẩy xuồng còn nhiều lúng túng, Bác ngồi trên xuồng đã bày cách dùng sào, hay nói đúng hơn là Bác hướng dẫn nghệ thuật chống đẩy xuồng cho anh em. Bác vừa nói vừa làm động tác thuần thục như người đi biển thực thụ. Như thế, đã thấy Bác rất am hiểu công việc này. Bác còn nói đại ý là: Cách huấn luyện ở trường cũng phải kết hợp thô sơ với hiện đại, phải biết nhiều cách sử dụng phương tiện. Khi xuồng đến gần bờ, muốn cho nhanh phải kết hợp vừa đẩy sào vừa kéo dây, nhưng đứng trên xuồng quăng dây khó hơn, không quăng xa được. Bác lại hướng dẫn cách quăng dây, muốn góc độ nào cũng quăng được thì phải thuần thục. Bác nói: Đó là nghệ thuật, một môn nghệ thuật thủy nghiệp cơ bản của Hải quân.
Anh em trên đảo đã tập hợp đón Bác. Xuồng cập bờ. Bác đi trước lên đảo. Bác bảo dẫn Bác đi thăm nơi ở, làm việc. Bác hỏi tỉ mỉ ăn, ở thế nào, đời sống ra sao, đảo có nước ngọt không?
Lúc ấy anh em có một bể chứa nước mưa khoảng 2m3. Một đồng chí thưa:
- Thưa Bác, ở đây nước ngọt khó khăn phải chở từ đất liền ra, bể chứa lại nhỏ.
Bác chỉ vào đồng chí Vũ Tuân bảo:
- Chính quyền địa phương phải giúp các chú ấy xây thêm một bể chứa nước nhé.
- Vâng ạ – Đồng chí Tuân thưa.
Bác hỏi tiếp luôn:
- Thế bao giờ làm xong.
- Thưa Bác sau một tháng nữa sẽ xong.
Bác hỏi về đài nghe tin tức, không có. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy cái đài của Bác gửi cho các chú ngoài này để nghe tin tức. (Hơn một tuần, sau khi Bác về tới Hà Nội đài đã đến tay anh em trên đảo).
Bác động viên:
- Các chú ở đây khó khăn, xa gia đình, các chú phải cố gắng khắc phục khó khăn. Ở đây mát, nhưng không phải nghỉ mát mà làm nhiệm vụ.
Khí tài quan sát lúc đó còn thô sơ. Bác bảo sau này sẽ trang bị kỹ thuật hiện đại hơn, tầm nhìn sẽ xa hơn. Cuối cùng Bác hỏi:
- Nhiệm vụ quân đội giao như thế, các chú thấy có làm được không?
- Thưa Bác được ạ! Tất cả đồng thanh.
Bác nói tiếp:
- Bác đến thăm thấy tình hình các chú như thế, Bác cũng phấn khởi. Bác cũng phải đi nơi khác tiếp. Bây giờ ta chụp ảnh.
Nói rồi Bác chủ động ngồi xuống bãi cát, anh em trên đảo ngồi xung quanh. Anh em dưới tàu lên thì đứng phía sau (bức ảnh hiện còn lưu ở phòng truyền thống Học viện Hải quân).
Anh em trên đảo có quà biếu Bác. Đó là hai chục quả trứng gà, một chai nước mắm, một gói ruốc khô. Những thứ này đều do anh em làm ra. Bác nhận quà rất phấn khởi.
- Quà của các chú tặng Bác có rất nhiều ý nghĩa, các chú không được dựa vào cung cấp mà tranh thủ tăng gia cải thiện sinh hoạt. Bác rất vui và cảm ơn các chú.
Rời đảo Hòn Rồng đến thăm đảo chính, có trận địa pháo của Trung đoàn 244 phòng thủ từ Cửa Vạn vào Vịnh Hạ Long. Anh em vô cùng phấn khởi. Bác thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ. Bác nhắc nhở phải cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Bác nói: “có khi 24 giờ sẵn sàng, nhưng chỉ còn mấy phút lơ là thì 24 giờ sẵn sàng ấy cũng mất giá trị”. Bác tạm biệt anh em rồi xuống tàu đi về Cát Hải. Đến Cát Hải, Bác tới thẳng hội trường của hợp tác xã đánh cá mới thành lập. Cán bộ, xã viên và nhân dân trên đảo đã tập trung đông đủ. Bác đến, cả hội trường đứng dậy, hoan hô nồng nhiệt. Bà con ở đây chủ yếu là người Việt, Bác thăm hỏi sức khỏe, tình hình sản xuất, đời sống nhân dân và Bác dặn đồng bào phải phối hợp với bộ đội Hải quân cảnh giác bảo vệ vùng biển đảo.
Bác hỏi một ông già đứng cạnh Bác:
- Bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Ông già kính cẩn:
- Thưa Bác cháu năm nay 58 tuổi ạ!
- Như thế, bác cũng còn khỏe mạnh đấy!
Một chị đứng cạnh đấy, mạnh dạn thưa chuyện:
- Thưa Bác, chúng cháu thấy Bác cao tuổi hơn ông này nhưng còn khỏe mạnh hồng hào lắm ạ!
Bác cười:
- Cô lại nịnh Bác rồi phải không?
Mọi người cười vang, không khí thật chan hòa vui vẻ. Bác nói chuyện tiếp về vấn đề xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Bác hỏi:
- Các cô, các chú có hiểu xã hội chủ nghĩa là thế nào không?
Bác chỉ một người đàn ông trạc 40 tuổi, anh ta ấp úng nói không rành mạch.
Bác lại chỉ một phụ nữ kế bên, chị ta trả lời:
- Thưa Bác cháu hiểu xã hội chủ nghĩa là mang lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân ạ!
Bác bảo:
- Hiểu được như vậy là khá rồi.
Và Bác giải thích thêm về xã hội chủ nghĩa, những điều thật dễ hiểu và sâu sắc.
Sau đó Bác chia tay mọi người đi huyện đảo Cát Bà. Dân trên đảo Cát Bà đa số là người Quảng Đông, đến Cát Bà nhiều đời. Khi hai tàu đến gần cảng Cát Bà, tàu neo lại, chờ đồng chí Đông, trưởng Phòng bảo vệ sở công an Hải Phòng lên đảo làm công tác chuẩn bị. Bác ngồi đợi trên boong. Tôi báo cho đồng chí Nguyễn Từ Trường, thuyền trưởng tàu 524 chuẩn bị phòng ngủ ở khoang thuyền trưởng. Tôi đến bên Bác thưa:
- Thưa Bác trong khi chờ đợi mời Bác xuống khoang nghỉ một chút cho khỏe.
Bác bảo:
- Việc chưa xong nghỉ sao được.
Mời mãi Bác mới đồng ý, nhưng giao hẹn:
- Bác chỉ nghỉ 15 phút thì chú phải thức Bác dậy.
Tôi thưa: Vâng.
Trong phòng đã bật quạt và trải tấm chăn hoa trên giường. Bác bảo gấp tấm chăn hoa lại để Bác nằm trực tiếp xuống giường, tắt quạt đi và Bác đặt mình xuống giường là ngủ ngay.
Mười lăm phút đã qua, chưa thấy đồng chí Đông quay lại tàu, tôi định cứ để Bác nghỉ thêm chút nữa, nhưng Bác đã chủ động dậy. Bác trách: bảo chú 15 phút mà chú không đánh thức Bác.
Tôi đành phải chống chế:
- Thưa Bác đồng hồ cháu bây giờ mới đúng 15 phút ạ. Bác mỉm cười độ lượng.
Mãi tới 14 giờ 30 phút, thuyền ở cảng Cát Bà mới đưa đồng chí Đông ra báo cáo chuẩn bị xong. Tôi lệnh cho hai tàu nhổ neo cơ động vào cảng.
Quần chúng nhân dân tập hợp rất đông trên bến cảng Cát Bà. Ý định các đồng chí ở Cát Bà là đón Bác ở doanh trại tiểu đoàn pháo trước rồi từ đó mới ra chỗ mít tinh. Nhưng khi lên đảo, Bác đi đầu được một đoạn chỉ tay vào một ngõ phố nhỏ nói:
- Ta đi vào phố này.
Rồi Người rẽ vào mấy nhà người Hoa. Bác nói tiếng Quảng Đông thăm hỏi tình hình vài gia đình, rồi Bác ra chỗ mít tinh, đồng bào vỗ tay hoan hô Bác hồi lâu. Bác đứng trên bục sát cầu cảng nói chuyện với đồng bào bằng tiếng Quảng Đông, đồng bào rất ngạc nhiên và xúc động. Nói chuyện khoảng 30 phút, Bác chào từ biệt đồng bào rồi xuống tàu đi về Hải Phòng. Bộ đội Cát Bà đứng thành hàng dài hai bên đường từ chỗ mít tinh xuống bến tàu.
Kết thúc chuyến thăm một số đảo vùng Đông Bắc, lúc đó là 15 giờ 30 phút. Tôi điện báo cho trường dự kiến giờ Bác về và đề nghị với Bác:
- Thưa Bác, hôm Bác xuống đơn vị vì bận đi công tác nên Bác chưa nói chuyện được với anh chị em trong trường. Giờ về trường, cháu xin phép mời Bác gặp nói chuyện với anh chị em ít phút ạ! Bác nói: Chú lại “đột kích” Bác rồi đấy và Bác đồng ý.
Hai tàu cập bến xong, cán bộ, chiến sĩ tập hợp cả trên boong. Bác đi bắt tay một số anh em đứng trước. Bác cảm ơn anh em của hai tàu đã phục vụ chuyến đi công tác của Bác được tốt đẹp. Bác lên cầu cảng vào thăm Trường. Bác vào thăm chỗ ăn, ở của cán bộ, chiến sĩ cơ quan hiệu bộ. Bác nói:
- Các chú ăn ở thế này cũng gọn ghẽ, sạch sẽ đây. Nhưng ngày thường có được như thế này không, hay hôm nay có Bác đến mới khá thế này.
Tôi thành thực trả lời:
- Thưa Bác, hôm nay Bác đến có khá hơn một chút ạ!
Bác bảo:
- Như thế không được. Lúc nào cũng cần phải như thế này và hơn thế này nữa. Các chú phụ trách ở một trường đào tạo chính quy, các chú phải mẫu mực thành thói quen, mới rèn bộ đội thành người có bản lĩnh và thói quen tốt. Nếu có con người tốt sau này mới có cán bộ tốt, Hải quân mới mạnh được.
Sau đó Bác nói chuyện với toàn thể cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên nhà trường. Bác động viên, căn dặn, nói rõ vị trí của trường: Nhà trường là nơi đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật cung cấp cho cả Quân chủng Hải quân non trẻ. Bây giờ còn ít, sau này sẽ nhiều. Có cán bộ và nhân viên kỹ thuật tốt, thì mới có hải quân tốt được. Nhà trường ngoài việc đào tạo ra còn phải nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Các chú phải vừa học tập vừa mò mẫm nghiên cứu, phải mang màu sắc của Hải quân Việt Nam. Thủy quân của ông cha ta trước đây có một lịch sử, truyền thống oanh liệt lắm, các chú phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành. Muốn làm tốt nhiệm vụ thì người cán bộ phải gương mẫu chăm lo cho mọi người ở cấp dưới, phải đoàn kết, phải thi đua mới biết người nào làm việc nhiều, người nào làm việc ít.
Cuối cùng Bác kết luận:
- Trong chuyến đi công tác, các chú đã tạo điều kiện cho Bác công tác tốt. Bác cảm ơn.
Đồng chí Lê Nghĩa đại đội trưởng đại đội học viên lên phát biểu hứa hẹn, sẽ quyết tâm thực hiện những điều Bác dặn và tặng quà lưu niệm (quà là một bông hoa đá đẹp lồng trong một hộp kính có khắc chữ).
Bác nhận quà, nhưng nói:
- Các chú tặng Bác bông hoa đá rất đẹp, nhưng tiếc rằng không ăn được. Dịp khác Bác đến các chú có tặng quà, thì quà tặng Bác ăn được ấy nhé!
Tất cả cười ran, không khí tràn ngập niềm vui. Bác lên xe ra thành ủy Hải Phòng. Toàn trường lưu luyến tiễn đưa Người. Nhiều tiếng hô vang “Bác Hồ muôn năm, muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm-muôn năm”.
Chuyến đi công tác của Bác Hồ tới thăm vùng đảo Đông Bắc và thăm Trường Hải quân Việt Nam đã để lại trong tôi và trong lòng mỗi cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên nhà trường những kỷ niệm sâu sắc không phai. Đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trên tàu 524 và 526, những người trực tiếp đưa đón gần gũi Bác trong suốt chuyến đi của Người.
Được ở bên Bác, tôi mới thấy hết được tình cảm yêu thương lớn lao của Người, sự vĩ đại của một tâm hồn cách mạng, sự sát sao, tỉ mỉ, chu đáo của một vị Chủ tịch tối cao mà vô cùng gần gũi thân thiết cảm thông với chiến sĩ đồng bào.
Không bao giờ tôi quên kỷ niệm quý báu nhất của cuộc đời mình đó là chuyến đi cùng Bác năm đó.
NGUYỄN THẾ TRINH