Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là kết quả hợp thành của một loạt nhân tố chủ quan và khách quan, trong nước và trên thế giới, dân tộc và thời đại. Hơn 30 năm sau ngày kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhìn lại, càng thấy rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nguyên nhân làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc mà một trong số đó là sự giúp đỡ đầy nghĩa tình của bạn bè khắp năm châu, của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Liên Xô và Trung Quốc. Bài viết này, trình bày một cách khái quát về viện trợ mà Trung Quốc dành cho Việt Nam trong những năm đầu Việt Nam chống Mỹ (1954-1964).
Công hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) là quốc gia sớm nhất và đầu tiên có quan hệ, giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (ngày 18-1-1950, nước CHND Trung Hoa công nhận Việt Nam). Và ngược lại, Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng là một trong những nước đầu tiên công nhận và đặt quan hệ chính thức với nước CHND Trung Hoa (ngày 15-1-1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra tuyên bố công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Ngay sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngày 5-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện tới đồng chí Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Điện văn có đoạn nêu rõ: "Tôi rất vui mừng được tin Chính phủ nước CHND Trung Hoa được thành lập. Thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam , tôi kính mừng ngài, Chính phủ và nhân dân Trung Hoa. Hai dân tộc Việt-Nam có mối quan hệ trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tư do, hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài". Tiếp ngay sau đó, ngày 2-1-1950, Hồ Chủ tịch chính thức thăm nước CHND Trung Hoa và đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ Trung Quốc.
Những hoạt động tích cực trên của Hồ Chủ tịch đã góp phần vào việc mở ra một trang sử mới trong quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt-Trung. Hai nước đã chính thức công nhận nhau, tỏ rõ sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Và cũng thông qua chuyến thăm này của Hồ Chủ tịch, Đảng, Chính phủ Trung Quốc chính thức nhận sẽ giúp đỡ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam theo lời đề nghị của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và hiệu quả của Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là từ sau chiến thắng Biên Giới Thu Đông (1950). Chiến thắng này đưa sự nghiệp khắng chiến chống Pháp của nhân dân ta vượt qua giai đoạn khó khăn, bị kẻ thù bao vây 4 mặt. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã mở thông với quốc tế trên nhiều hướng, hậu phương ta trực tiếp nối liền với Trung Quốc, qua đó nối với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ khi biên giới phía Bắc được khai thông đến hết năm 1950, Việt Nam đã tiếp nhận từ Trung Quốc 1.020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang quân dụng, 2.630 tấn gạo, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 800 tấn hàng quân giới, 30 xe ô tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô tô. Ngoài ra, Trung Quốc còn cử một đoàn gồm 79 đồng chí cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn cùng La Quý Ba, Trần Canh sang giúp Việt Nam; nhận huấn luyện, trang bị cho Đại đoàn 308 (thiếu), Trung đoàn 174, Trung đoàn pháo binh hạng nặng 45, Trung đoàn pháo cao xạ 367, hai tiểu đoàn công binh, trường sĩ quan lục quân… của Việt Nam. Tuy rằng, sự ủng hộ giúp đỡ ban đầu chưa nhiều, nhưng đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, kế thừa quan hệ truyền thống, chúng ta tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở với tất cả các nước nhằm không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tranh thủ sự giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, dự trữ chiến lược cho sự nghiệp kháng chiến lâu dài.
Quán triệt đường lối đối ngoại đó, Đảng và Chính phủ ta liên tiếp cử nhiều đoàn đại biểu, đại diện đi thăm hỏi, trao đổi, làm việc với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa trong đó có Trung Quốc. Đầu tiên phải kể tới chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô của Hồ Chủ tịch vào tháng 7 năm 1955-một chuyến đi có ý nghĩa đặt nền móng cho việc tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, thiết lập quan hệ đồng minh chiến lược với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, trước hết là với hai nước Liên Xô và Trung Quốc khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Tiếp đó, cuối năm 1955, đoàn đại biểu quân sự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu quân Giải phóng Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, theo Báo cáo tình hình viện trợ của Tổng cục Hậu cần cho biết: "Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã giúp Việt Nam đặt Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và đã giúp Việt Nam trang bị kỹ thuật cũng như huấn luyện đào tạo cán bộ để thực hiện Kế hoạch này". Gần 2 năm sau, tháng 6-1957, Hồ Chủ tịch dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hội lên đường thăm Trung Quốc, Liên Xô. Sau đó, lần lượt là các đoàn đại biểu do các đồng chí Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan… dẫn đầu sang thăm và làm việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Qua các cuộc tiếp xúc trao đổi, chúng ta đều bày tỏ mong muốn tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với bạn, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong các hoạt động quốc tế và đấu tranh ngoại giao; mong muốn Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Việt Nam về vốn, vật chất, kinh nghiệm cho sự nghiệpx ây dựng miền Bắc và củng cố nâng cao tiềm lực quốc phòng, thực hiện đấu tranh hòa bình giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Về cơ bản, các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hoàn toàn nhất trí và có những ý kiến đóng góp rất thiết thực vào những đề xuất về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam đề ra; hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành. Chính vì vậy, mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc giúp đỡ khá lớn cả về viện trợ quân sự lẫn kinh tế. Nguồn vốn này cùng với nguồn vốn do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác viện trợ đã góp phần quan trọng bảo đảm cho miền Bắc Việt Nam hoàn thành thắng lợi các kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh ngay từ những năm đầu sau giải phóng.
Cuối năm 1954, đầu năm 1955, ngay khi miền Bắc vừa được giải phóng, nhân dân gặp khó khăn về mọi mặt (theo thống kê chưa đầy đủ đến tháng 10 năm 1954, miền Bắc đã có gần nửa triệu người bị đói) thì Tổng hội cứu tế Trung Quốc đã kịp thời gửi 10.000 tấn gạo, 5 triệu thước vải cho nhân dân Việt Nam. Tuy số lượng không lớn, nhưng sự giúp đỡ kịp thời ấy có ý nghĩa rất lớn. Đó là nguồn động viên và trực tiếp góp phần giúp nhân dân miền Bắc Việt Nam vượt qua những ngày đầu khó khăn sau giải phóng. Đánh giá cao về sự kiện này, Đảng và Nhà nước ta ghi nhận "Trong lúc chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nạn đói và phục hồi sản xuất, việc giúp đỡ của Tổng hội cứu tế Trung Quốc đối với nhân dân ta có một ý nghĩa rất quan trọng. Nó chứng tỏ sự ủng hộ không vụ lợi và tinh thần quốc tế cao cả của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam ".
Những năm tiếp sau, Trung Quốc tổ chức nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam trong công cuộc khôi phục phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội… Nhận đào tạo ngắn hạn và dài hạn hàng nghìn học viên Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực quân sự, đã có các lớp thực tập sinh sau:
Về vũ khí mới: Việt Nam đã cử 74 đồng chí do đồng chí Tạo làm trưởng đoàn sang học từ tháng 12-1956 đến tháng 6-1958;
Về sản xuất vũ khí: phục vụ trực tiếp cho nhà máy Z1 và Z2 là 80 người do đồng chí Phan Văn Dán và Đặng Hữu Thập làm trưởng đoàn sang học từ tháng 2-1960 đến tháng 6-1961;
Về sửa chữa đạn dược, hóa nghiệm, thuốc nổ: 12 đồng chí sáng học từ tháng 8-1956 đến tháng 4-1958.
Về mạ huân, huy chương: 4 đồng chí sang học từ tháng 6-1958 đến tháng 9-1959.
Quản lý xe máy có 3 người; Quân nhu gồm 6 người sang học từ tháng 8-1956; Xăng dầu có 6 người đi năm 1960.
Có thể nói, với đường lối đối ngoại đúng đắn, ngay trong 10 năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1964), Việt Nam đã nhận được sự dủng hộ giúp đỡ tận tình, quý báu của Trung Quốc. Trung Quốc đã bảo đảm việc huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ ban đầu, xây dựng lực lượng, cung cấp vật tư trang thiết bị và hậu cần, bảo đảm vận chuyển; dành cho Việt Nam các khoản viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi.
Về viện trợ kinh tế: Từ năm 1954 đến năm 1964, Chính phủ Trung Quốc giúp vốn khôi phục hệ thống đường sắt, bến tàu, tu sửa cầu đường, xây dựng nhà máy dệt, nhà máy thuộc da, nhà máy giấy, một số nông trường… với trị giá 1.224 nghìn triệu đồng trong 5 năm (1955-1960).
Ngày 31-1-1961, tại Bắc Kinh, thay mặt Chính phủ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Duy Trịnh, Phó Thủ tướng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước đã cùng đồng chí Bạc Nhất Ba, Phó Thủ tướng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước nước CHND Trung Hoa ký Hiệp định Trung Quốc cho Việt Nam vay dài hạn 141.750.000 Rúp chuyển đổi trong 7 năm (1961-1967) để thanh toán các khoản viện trợ kỹ thuật trong xây dựng và mở rộng 28 xí nghiệp gồm luyện kim, công nghiệp nhẹ, đường sắt. Ngoài ra, Trung Quốc còn giúp Việt Nam khảo sát, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện cùng toàn bộ vốn cây, con giống, tài liệu khoa học kỹ thuật phục vụ cho việc xây dựng 8 nông trường chăn nuôi, trồng trọt đầu tiên của quân đội… Có thể nói nhiều cơ sở công nghiệp đầu tiên trên miền Bắc đều đã được xây dựng từ nguồn vốn này.
Về viện trợ quân sự: Trong những năm này, Việt Nam đã nhận được một khối lượng vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật và hậu cần tương đối lớn. Tổng trọng lượng trang thiết bị quân sự và vật tư hậu cần mà Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam lên tới 58.953 tấn, trị giá 382 triệu NDT. Cụ thể các năm như sau: năm 1954 (tính từ ngày 1-6-1954 trở đi) 16.734 tấn; năm 1955 là 6.546 tấn, trị giá 23.316.000 NDT; năm 1956 là 1.380 tấn, trị giá 14.423.000 NDT; năm 1957 là 4.019 tấn, trị giá 22.682.000 NDT; năm 1958 là 4.410 tấn, trị giá 39.336.000 NDT; năm 1959 là 1.672 tấn, trị giá 25.608.000 NDT; năm 1960 là 1.562 tấn, trị giá 18.898.000 NDT; năm 1961 là 6.234 tấn, trị giá 30.276.000 NDT; năm 1962 là 2.717 tấn, trị giá 44.332.000 NDT; năm 1963 là 3.538 tấn, trị giá 40.150.000 NDT; năm 1964 là 10.141 tấn, trị giá 122.983.000 NDT.
Cụ thể bao gồm một số loại chính đươi đây:
STT
|
Tên tran bị vật tư hậu cần
|
Đơn vị tính
|
Số lượng
|
1
|
Súng bộ binh các loại
|
khẩu
|
33.854
|
2
|
Súng chống tăng, DKZ các loại
|
khẩu
|
5.421
|
3
|
Súng cối các loại
|
khẩu
|
2.486
|
4
|
Pháo mặt đất
|
khẩu
|
593
|
5
|
Súng máy cao xạ
|
khẩu
|
419
|
6
|
Pháo cao xạ
|
khẩu
|
269
|
7
|
Đạn nhỏ các loại
|
viên
|
212.414.000
|
8
|
Đạn B40, B41, DKZ
|
viên
|
254.605
|
9
|
Đạn cối
|
viên
|
706.152
|
10
|
Đạn súng và pháo cao xạ
|
viên
|
7.027.553
|
11
|
Đạn pháo mặt đất
|
viên
|
202.500
|
12
|
Thuốc nổ
|
tấn
|
1.272
|
13
|
Tầu hải quân
|
chiếc
|
04
|
14
|
Xe vận tải, xe kéo pháo
|
chiếc
|
820
|
15
|
Xe chuyên dụng
|
chiếc
|
37
|
16
|
Xe máy công trình
|
chiếc
|
101
|
17
|
Xe, máy vô tuyến điện
|
bộ
|
5.338
|
18
|
Máy tổng đài
|
Bộ
|
18.787
|
19
|
Dây điện thoại dã chiến
|
km
|
8.658
|
20
|
Xăng dầu
|
tấn
|
2.717
|
21
|
Quân trang đồng bộ
|
bộ
|
278.450
|
22
|
Thuốc, bông băng, dụng cụ y tế
|
tấn
|
125
|
Nguồn vũ khí trang thiết bị chiến tranh này đã được khẩn trương bổ sung, trang bị cho các đơn vị trong lực lượng vũ trang, góp phần phục vụ trực tiếp công tác huấn luyện và nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của quân đội Việt Nam . Đánh giá về kết quả viện trợ đó, Báo cáo về quan hệ giữa nước ta và các nước anh em của Việt Nam ghi nhận rằng: “Cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô, sự gúp đỡ của Trung Quốc đã có tác dụng rất quan trọng đối với việc cải tiến và tăng cường trang bị của quân đội ta, làm cho quân đội ta tiến thêm một bước trên con đường hiện đại hóa”(11).
Tuy nhiên, cũng qua các tài liệu đã được tổng hợp và thống kê trên đây đã chỉ ra, có thể do nhiều lý do mà nguồn viện trợ quân sự của Trung Quốc dành cho Việt Nam qua từng năm rất khác nhau cả về số lượng, chất lượng và chủng loại. Cụ thể từ cuối năm 1959 đến những năm đầu 1960, Việt Nam thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng ở miền Nam thì cũng là hai năm Việt Nam nhận được khối lượng và giá trị các mặt hàng viện trợ ít nhất so với các năm trước và sau đó. Vũ khí, loại phương tiện rất cần thiết cho chiến trường và trong chiến đấu thì Việt Nam nhận được rất nhỏ giọt, theo chiều hướng thường năm trước cao hơn năm sau. Chẳng hạn năm 1959, Việt Nam nhận được 429 tấn vũ khí, thì đến năm 1960 chỉ còn 229 tấn. Năm 1961 tụt xuống còn 188 tấn. Năm 1962 là 162 tấn. Sang năm 1963 chỉ còn 79 tấn, nhưng tới năm 1964 lại tăng vọt lên 753 tấn(12).
Không chỉ viện trợ vũ khí, vật tư hậu cần mà Trung Quốc còn giúp ta từ thiết kế, cung cấp nguyên vật liệu, thi công xây dựng, cung cấp máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất, tài liệu sản xuất cho hai xưởng sửa chữa pháo và khí tài quang học (Z1) tại huyện Trấn Yếu, tỉnh Yên Bái trị giá 700.116 rúp và xưởng sửa chữa đạn (Z2) tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trị giá 418.000 rúp. “Đây là hai cơ sở sản xuất vũ khí đầu tiên của ta sản xuất theo dây chuyền bằng những phương tiện hiện đại” ; sân bay Nội Bài trị giá 1.518.239 rúp (13). Các công trình công nghiệp quân sự này đã nhanh chóng đưa vào sản xuất và phát huy tác dụng. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhận đào tạo hàng nghìn học viên quân sự Việt Nam tại các trường quân sự của Trung Quốc như đã kể trên; giúp thành lập huấn luyện và trang bị trung đoàn không quân Việt Nam đầu tiên ở Mông Tự, lập các căn cứ dự phòng và chuyển tiếp vật chất ở đảo Hải Nam. Tại các lĩnh vực, ngành chủ chốt trong quân đội đều có mặt các chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn, giúp đỡ. Tuy số lượng không nhiều, tính đến ngày 26 tháng 4 năm 1961, tổng số chuyên gia Trung Quốc đã từng công tác hoặc hiện đang công tại Việt Nam là 566 người (14) nhưng cùng với sự giúp đỡ về vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh đã trực tiếp góp phần vào việc tăng cường tiềm lực quốc phòng và xây dựng một số ngành, lĩnh vực chủ chốt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm tháng buổi đầu tiên lên chính quy hiện đại. Đánh giá về sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc từ đầu năm 1956 đến đầu năm 1957, Báo cáo của Bộ tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: “Qua một năm tận tụy công tác, các đồng chí đã giúp đỡ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Tổng Quân ủy đề ra trong việc tổ chức, huấn luyện các trường, các lớp, huấn luyện bộ đội. Kết quả trên đã trực tiếp góp phần vào việc xây dựng quân đội chính quy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ chỉ huy, cơ quan nghiệp vụ, nâng cao trình độ, nề nếp công tác, thiết thực giúp Quân đội ta kinh nghiệm xây dựng quân đội thời bình, sẵn sàng chiến đấu và biết triển khai các kế hoạch phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới"(15).
Bên cạnh sự giúp đỡ về vật chất, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc còn dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn về chính trị. Trung Quốc là một trong những quốc gia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam . Với thái độ kiên quyết ủng hộ Việt Nam kháng chiến, các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú biểu hiện tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam . Năm 1958, Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ chính thức thăm Việt Nam . Ngày 6-8-1964, sau khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở đầu việc Mỹ tuyên chiến chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ nước CHND Trung Hoa ra tuyên bố lên án hành động xâm lược của Mỹ và khẳng định tình đoàn kết, trách nhiệm đối với Việt Nam:“Đế quốc Mỹ tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tức là tiến công nước CHDC Trung Hoa. Do vậy, Trung Quốc phải có trách nhiệm cùng với Việt Nam đánh Mỹ”(16). Đặc biệt, ngày 10-2-1965, hơn một triệu người dân thủ đô Bắc Kinh cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai… mít tinh tại Quảng trường Thiên An Môn để phản đối tội ác chiến tranh và quyết tâm ủng hộ Việt Nam. Tiếp đến, ngày 22-7-1966, cũng tại Thiên An Môn, Trung Quốc tổ chức một cuộc mít tinh để ủng hộ Việt Nam . Tại đây, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đọc tuyên bố: “Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam tức là xâm lược Trung Quốc. 700 triệu nhân dân Trung Quốc là hậu phương vững chắc của nhân dân Việt Nam …”.
Những hoạt động trên đã góp phần to lớn trong việc động viên tinh thần kháng chiến của toàn thể nhân dân ta trước kẻ thù mạnh, làm cho Việt Nam thêm vững tin vào thắng lợi cuối cùng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc.
Nhờ sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam, chúng ta không chỉ nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiềm lực quốc phòng được tăng cường cả về cơ cấu, chất lượng và số lượng mà vị thế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việt Nam có điều kiện mở rộng sự giao lưu hợp tác kinh tế và văn hóa với các nước. Miền Bắc tiến nhanh và thu được nhiều thành quả to lớn, toàn diện trong thực hiện các Kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế (1958-1960), 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa… đều có bước phát triển. Miền Nam từng bước chuyển mình trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài. Đặc biệt, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15 (1-1959) đã tạo ra bước ngoặt đầu tiên đối với cách mạng miền Nam, chuyển từ phương thức đấu tranh chính trị, thế giữ gìn lực lượng sang đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền cơ sở. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong công cuộc xây dựng miền Bắc và từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng ta quyết định mở đường vận tải chiến lược chi viện miền Nam (1959)-một trong những vấn đề sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của cách mạng miền Nam; thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (12-1060). Sau khi ra đời, Mặt trận đã nhanh chóng trở thành ngọn cơ tập hợp lực lượng yêu nước ở miền Nam và trở thành tổ chức chính thức đại diện cho toàn diện cho toàn thể nhân dân miền Nam trước thế giới. Tháng 9 năm 1960, Đảng tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III-Đại hội ý Đảng lòng dân-Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.
Có thể nhận thấy trong giai đoạn đầu Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, trên cơ sở tình cảm anh em và tinh thần vô sản quốc tế trong sáng, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn về cả vật chất lẫn tinh thần của các nước XHCN đặc biệt là sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô. Chẳng những Đảng ta đã thành công trong quyết định những vấn đề trọng đại về đường lối cách mạng của Việt Nam mà còn đề ra được chủ trương và bước đi thích hợp trong quan hệ đối ngoại, vì vậy, chúng ta đã tranh thù được sự giúp đỡ tích cực, to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Sự giúp đỡ đó, có thể nói là rất quý, đặc biệt trong hoàn cảnh Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cũng còn nhiều khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa, xã hội hóa.
Ngày nay, đất nước ta được độc lập, quê hương sạch bóng quân thù, non sông thu về một dải, nhân dân ta được sống trong tự do, hạnh phúc. Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của mình, các thế hệ chúng ta thầm cảm ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống hy sinh cho nền độc lập, thầm cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình và quý báu của loài người tiến bộ trong đó có Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.
NGUYỄN VĂN QUYỀN
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam