17 thg 8, 2019
NGHĨA CỦA “XẨU” TRONG TỪ “XƯƠNG XẨU”
Phở gánh Hà Nội Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Có lẽ, các nhà biên soạn từ điển cho rằng, “xẩu” chỉ là yếu tố láy âm của “xương”, nên đã xếp “xương xẩu” vào
diện “từ láy” và giải nghĩa như sau:
“Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên): “XƯƠNG XẨU
I. dt. Phần xương (nói khái quát); thường dùng để ví với cái khó làm, khó ăn. Trâu bò gầy, xương xẩu nhô cả ra. Phải nhận phần đất xương xẩu nhất. II. Gầy
đến mức nhô cả xương ra. Người gầy gò,
xương xẩu”.
-"Từ điển từ láy dành cho học sinh" (Th.S. Bùi Thanh Tùng - Ngô Thu Phương - Nguyễn Huy Hoàn): "Xương xảu d. tt. id. Như xương xẩu"; "xương xẩu 1. dt. Xương (nói khái quát), thường dùng để ví với cái khó làm, khó ăn. 2. tt. Gầy đến mức nhô cả xương ra".
-"Từ điển tiếng Việt thông dụng" (Có chú thông tin từ láy - Vietlex): "xương xẩu (láy) d.t.; d. 1 xương của thú vật hoặc phần xương còn lại sau khi đã ăn hết thịt [nói khái quát]: con bò gầy xương xẩu nhô ra. 2 ví cái người khác đã vứt bỏ, chẳng mang lại lợi lộc bao nhiêu: ruộng ngon đã chia hết, chỉ còn toàn xương xẩu; t. gầy đến nhô xương, nổi xương lên: khuôn mặt xương xẩu".
Vậy, có phải “xẩu”
láy âm của “xương” không?
Trong hàng chục
cuốn từ điển tiếng Việt (kể cả từ điển phương ngữ) chúng tôi có trong tay, duy
nhất “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) thu thập và dành cho
“xẩu” riêng một mục từ: “xẩu • dt. Như Xương <> Những xương cùng xẩu”. Câu “Những xương
cùng xẩu” mà cuốn từ điển này lấy làm ví dụ, chính là trích dẫn từ bài đồng
dao “Rồng rắn lên mây”: “Những xương cùng xẩu”/“Những máu cùng me”.
Trong thực tế, không hẳn
“xẩu” cũng giống “như xương”,
hoặc chính
là “xương”, mà còn có nghĩa rộng hơn, được dùng để chỉ các loại “phụ
phẩm” của gia súc, trâu bò sau khi mổ thịt, như xương vụn, gân thịt vụn
lẫn với da,
hoặc chút lòng, lá sách… bán theo mớ, nấu chung thành một món. Ví dụ món
"xẩu bò nấu khế" chẳng hạn.
Xương phở Ảnh: ST |
Nghĩa
riêng của “xẩu” được thể hiện rõ nhất là khi chỉ phần xương bao gồm nhiều loại,
đang còn dính chút thịt, bạc nhạc, gân, da...mà người ta thường hầm để lấy nước
dùng. Sau đó, phần “xẩu” đã hầm nhừ lại trở thành món gặm riêng.
Trong bài “Phở”, Nguyễn Tuân đã ngạc nhiên khi nhận ra “xẩu” không phải là “tiếng đệm” (tức láy âm) của “xương”. Ông viết: “Vì hay la cà với phở, mà tiếng nói của tôi được chính xác và giầu có thêm lên. Trước kia tôi cứ tưởng chữ “xương xẩu” là một tiếng đôi, và chữ “xẩu” chỉ là một tiếng đệm. Ông hàng phở đã làm cho từ ngữ tôi hôm ấy thêm lên một danh từ: xẩu khác với xương, dùng để chỉ những cái đầu xương phở có dính thịt và gân róc chưa hết. Tôi đã thấy những người phu xe kéo vào hiệu phở gọi một chén rượu với một bát “xẩu”...”
Trong bài “Phở”, Nguyễn Tuân đã ngạc nhiên khi nhận ra “xẩu” không phải là “tiếng đệm” (tức láy âm) của “xương”. Ông viết: “Vì hay la cà với phở, mà tiếng nói của tôi được chính xác và giầu có thêm lên. Trước kia tôi cứ tưởng chữ “xương xẩu” là một tiếng đôi, và chữ “xẩu” chỉ là một tiếng đệm. Ông hàng phở đã làm cho từ ngữ tôi hôm ấy thêm lên một danh từ: xẩu khác với xương, dùng để chỉ những cái đầu xương phở có dính thịt và gân róc chưa hết. Tôi đã thấy những người phu xe kéo vào hiệu phở gọi một chén rượu với một bát “xẩu”...”
Dân
nhậu
hoặc những người khoái món “xẩu” (phụ phẩm của nồi nước dùng) còn đặt
thêm cho nó những cái tên nghe thật kinh khủng: "hài cốt", “bốc mả”!
Nhiều cuốn từ điển thu thập và giải nghĩa
“xương xẩu” phần nào cho thấy tính chất hợp nghĩa của “xương” và “xẩu”:
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “xương
xẩu • dt. (đ) Tiếng gọi chung bộ xương: Xương-xảu gì nhỏ quá. • tt.
Cứng rắn, rắn-rỏi: Vẻ mặt xương-xảu”.
-Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “xương xẩu •
t. 1 Có nhiều xương <> Cá
này xương xảu lắm. 2 Gầy gò quá <> Người xương xảu. 3 Đem lại quá ít quyền lợi, khó khai thác
<> Mảnh đất xương xảu”.
-Từ
điển tiếng Việt (Vietlex): “xương
xẩu • I
d. 1 xương của thú vật hoặc phần xương còn lại sau khi đã ăn hết thịt
[nói khái quát]: con bò gầy, xương xẩu nhô ra ~ xương xẩu vãi đầy ra chiếu.
Đn: xương xóc. 2 ví cái người khác đã vứt bỏ, chẳng mang lại lợi lộc bao
nhiêu: ruộng ngon đã chia hết, chỉ còn toàn xương xẩu. • II t. gầy
đến nhô xương, nổi xương lên: “Mắt Nghĩa tối sầm lại khi nhìn kỹ vào gương
mặt ông Xung quắt lại xương xẩu.” (Dương Hướng).
-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “xương xẩu • I
dt. Xương của thú vật hoặc xương vứt bỏ lại sau khi ăn nói chung: Con bò gầy quá, chỉ toàn xương xẩu <>
vứt xương xẩu ra hố rác. • II tt. 1 Gầy guộc, dường như giơ hết
xương ra: người xương xẩu gầy gò. 2 Thuộc loại vứt bỏ, không mang lại
lợi lộc gì: Những việc xương xẩu mới đến
lượt mình <> Người ta chỉ bỏ
lại những mảnh ruộng xương xẩu thôi”.
Như vậy, trong từ “xương xẩu”,
thì “xương” nghĩa là phần cứng làm
khung, cốt cho da thịt, thân thể, vật thể…; “xẩu” cũng có nghĩa là xương, hoặc là những bộ phận cứng, dai, “khó
nhằn” giống như xương nói chung. Theo đó, “xương xẩu” không phải là từ láy, mà
là từ ghép đẳng lập, được hợp nghĩa bởi hai từ “xương” và “xẩu”.
HTC/8/2019