Showing posts with label thành ngữ & tục ngữ. Show all posts
Showing posts with label thành ngữ & tục ngữ. Show all posts

Monday, 5 December 2022

Sao gọi là "công tử bột"? (Lê Minh Quốc - Người Lao Động)

28-11-2021 - 07:19 | Văn nghệ
(https://nld.com.vn/van-nghe/sao-goi-la-cong-tu-bot-20211127192813731.htm)

Kho tàng thành ngữ tiếng Việt có câu: "Công tử bột". "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ" của Viện Ngôn ngữ học (NXB Khoa học Xã hội - 1999) giải thích: "Công tử bột là ai mà hễ chàng nào ít am hiểu xã hội, vẻ béo tốt, trắng trẻo, ăn mặc sạch sẽ cứ ngơ ngơ ngác ngác trước cuộc sống, vụng về trong công việc, thích ăn chơi, lười biếng hoặc yếu ớt trong lao động đều bị liệt vào hạng người này" (tr.104).

Tại sao thành ngữ này xuất hiện? Cũng theo "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ": 1. "Chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp. Thuở ấy các quan chức này thường ăn diện quần áo trắng, bảnh bao, chạy như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn"; 2. "Và từ bột là cách đọc chệch âm từ poste trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép)" (tr. 105).

Tuy nhiên, theo "Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp" của Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân (Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM - 1992): "Chữ poste nếu có phiên sang tiếng Việt thì cũng đọc là "bót", bốt" chứ không ai đọc là "bột" cả"; và cho rằng: "Có thể "công tử bột" chỉ được dùng để chế nhạo các anh chàng nhà giàu làm dáng cũng thoa phấn lên mặt. Phấn được làm bằng một thứ bột mịn. Thế thì chữ "bột" ở đây chỉ là một danh từ chung nên người ta mới đem "công tử bột" để đối với "tiểu thư vôi" (tr. 85).

Trước hết, xin nói ngay 2 điều:

1. Nếu "các anh chàng nhà giàu làm dáng cũng đem phấn thoa lên mặt" ắt phải gọi "công tử phấn". Vì phấn là phấn; bột là bột. Phấn và bột không thể hoán đổi cho nhau, nhất là khi nó gắn với từ mặt. "Biết thân chạy chẳng khỏi trời/Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh" (Truyện Kiều); "Cô kia đen thủi đen thui/Phấn đánh vô hồi, đen vẫn hoàn đen"; Mặt hoa da phấn; Má phấn môi son... Không thể đổi phấn qua bột trong ngữ cảnh này - cho dù phấn trong chừng mực nào đó cũng là loại bột dùng trang điểm nhưng người ta vẫn gọi đánh phấn, phấn trang điểm chứ chẳng thể nào nói bột!

2. Nếu nói so sánh với "tiểu thư vôi", người ta không dùng "công tử bột" mà phải là "công tử vỏ". Ta hãy đọc lại câu văn trên báo chí thập niên 1930 do nhà nghiên cứu Trần Đức Anh sưu tập: "Không những thế, chúng ta lại còn vẽ vời đi đền kia phủ nọ, nói rằng năm mới đi lễ cầu phúc cầu tài; nhưng xem ra số người thành tâm đi lễ thì ít, còn phần đông là bọn công tử vỏ, tiểu thư vôi giả dạng đi lễ cầu lộc cầu tài mà kỳ thực chỉ để khoe giòn, khoe đẹp" ("Bàn về chơi xuân trên báo xưa", Báo Ngày Nay ra ngày 26-2-2012). Rõ ràng, đã công tử vỏ ắt "sánh duyên" tiểu thư vôi. Vỏ và vôi hàm nghĩa giả dạng hình thức, chưng diện, tô phết cái mã bề ngoài - nói như Tú Mỡ là "Để che đậy cái sơ sài bên trong".

Nói tóm lại, sự ra đời của thành ngữ "công tử bột" không liên quan gì đến những cách giải thích vừa nêu.

Căn cứ vào "Hát bội Théâtre traditionnel du Viet Nam" (NXB Nam Chi tùng thư - 1970) của Huỳnh Khắc Dụng, "Bến Nghé xưa" của Sơn Nam (NXB Văn Nghệ - 1981), ta biết cụm từ này gắn liền với hát bội. Trước đó nữa, trong bài khảo cứu "Hát bội" in trong Tạp chí Phổ Thông số 35 (15-6-1960), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Quý cho biết trong hát bội có điệu hát tên gọi là "Bài thằng Bột": "Dân gian thường gọi con quan ở trong triều là công tử bột, học hành chẳng ra hình, ở không nên nết, tụ năm tụ ba, hiếp kẻ cô đơn, nịnh người quyền thế, có một tài chim gái mà thôi, không giúp ích cho gia đình, chẳng làm lợi cho xã hội. Sân khấu cổ truyền trình diễn những nhân vật đó làm trò cười cho khán giả, cho nói giọng trọ trẹ, đầu bịt khăn gò, mặt cho giồi phấn mốc, mắt mang kiếng giọng vàng, chơn đi giày Tàu, tay cầm quạt lông, mình mặc áo gấm, ra vẻ sang trọng, có nét ăn chơi, ăn nói ngược ngạo láo xấc".

Rất khó giải thích vì sao dân gian lại gọi con cái hư đốn của nhà quan là bột? Theo nhà văn Sơn Nam, Hoa Bột, Ba Bột là tên riêng của nhân vật trong tuồng hát xưa. "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) cũng ghi rõ: "Hoa Bột, Ba Bột - tên riêng. Người không biết điều mà hay nói phách, hay ỷ thị cũng gọi thằng bột".
(https://nld.com.vn/van-nghe/sao-goi-la-cong-tu-bot-20211127192813731.htm)

Wednesday, 20 April 2022

Mình hạt sương mai hay mình hạc xương mai?

Phú Đức (Lữa lòng cuốn thứ tư, trang 104) đối xương mai với vóc liểu. Trong cùng một câu Phú Đức có năm lỗi chính tả theo chuẩn thời nay, nhưng người đọc năm 1928 không thấy vấn đề gì (cạng, giãi, liểu, lữa, thõa). Người Nam thời ấy khi nói về thân thể có thể viết xương mai / sương mai không phân biệt, nhưng đều hiểu đó là khung cốt chứ không hiểu là hạt sương.


 

Tuesday, 7 July 2020

Có phải người Việt tự nghĩ ra câu Gieo gió gặt bão?



Nguyễn Lân bảo người Việt dịch tục ngữ tiếng Pháp. Người học tiếng Pháp tự nhiên nghĩ ngay tới câu Qui sème le vent récolte la tempête.

Hoàng Tuấn Công bảo không phải thế.

Không có căn cứ nào để nói rằng, “Gieo gió gặt bão” là “dịch một tục ngữ Pháp”. Nếu có giống với tục ngữ Pháp cũng nên cẩn trọng xem xét, bởi trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ của nhân loại, nhiều câu có nghĩa đen và nghĩa bóng giống nhau, nhưng chưa hẳn là vay mượn trực tiếp của nhau. Đây là một câu tục ngữ về luật nhân quả rất phổ biến, với nhiều dị bản đồng nghĩa: Gieo gì gặt nấy; Cấy gió, chịu bão; Cấy gió, gặt bão; Gieo vạ nhỏ rước vạ lớn…

(http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tu-dien-tieng-viet-cua-gs-nguyen-ln-ph-bnh-v-khao-cuu-ky-20/)

Nhưng không có văn bản nào làm căn cứ để nói rằng người Việt tự nghĩ ra câu Gieo gió gặt bão.

Tôi lục từ điển của Génibrel (1898), Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), Gustave Hue (1937), không thấy từ điển nào dẫn câu ấy. Có khi nào các nhà soạn từ điển lại bỏ sót một câu rất phổ biến trong tiếng Việt?

Chỉ tìm thấy một đoạn như sau trong Kinh Thánh tiếng Việt in năm 1934:

Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc. Chúng nó không có lúa đứng; cây lúa sẽ không sanh ra bột; mà dầu có sanh ra nữa, thì dân ngoại sẽ nuốt lấy.


Người Pháp chắc chắn không nghĩ ra câu Qui sème le vent récolte la tempête. Các từ điển tiếng Pháp đều nói rõ nguồn gốc của câu tục ngữ ấy là Kinh Thánh (origine biblique). Và câu ấy cũng xuất hiện trong nhiều thứ tiếng khác (xem ảnh). Có đụng đến Kinh Thánh ắt phải dịch ra tiếng nước mình thành thế ấy. Tôi rất muốn tin người Việt tự nghĩ ra câu Gieo gió gặt bão chứ không dịch của tiếng nào hết. Nhưng họ nghĩ ra câu ấy từ khi nào?

Tuesday, 8 August 2017

CẬU ẤM, CÔ CHIÊU (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)

3 thg 6, 2017

CẬU ẤM, CÔ CHIÊU

(http://tuancongthuphong.blogspot.com.au/2017/06/cau-am-co-chieu.html)


Ảnh:ST
HOÀNG TUẤN CÔNG

Sách “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia), mục “Cậu ấm cô chiêu – Cậu ấm sứt vòi”, tác giả Lê Gia giảng như sau:

Chữ “ấm” (cũng đọc là “âm”): Bóng mát. Sự che chở cho. Chữ “ấm” (cũng đọc là “ẩm”): Cho uống nước. Cho nên ta cũng gọi cái bình tích thuỷ, cái nồi nấu nước là “cái ấm”. Chữ “chiêu”: Cái ấm để nấu nước trà. Có người nói: “Chiêu từng miếng nước”; “cô chiêu”: Con gái nhà quan lớn nhưng vì là con gái nên không được tập ấm. Nhưng vì chữ “ấm” có nghĩa là bóng che và là cái ấm, cùng nghĩa với chữ “chiêu” là cái ấm, nên dù cô gái không được “tập ấm”, không được gọi là “cô ấm”, thì nay gọi tạm là “cô chiêu”, nó cũng có nghĩa là “cô ấm” (có danh, không có thực); “Cậu ấm sứt vòi”: Như trên, cậu con trai này mang hai cái tên là “tập ấm” và “cái ấm”, nên nếu cậu là người hư hỏng, bất tài thì ví cũng như cái ấm bị sứt mẻ mất cái vòi thành ra đồ bỏ”.(*)


Theo chúng tôi, lời “bàn thêm” của ông Lê Gia có một số điểm cần phải bàn lại như sau:

- Tác giả Lê Gia không chú chữ Hán, nên không rõ ông nói về một chữ “ấm” với hai âm đọc, hay là hai chữ khác nhau. Tuy nhiên, chữ “ấm” (mà Lê Gia giảng là “Bóng mát. Sự che chở cho”), có tự hình , nghĩa là: Bóng cây, bóng rợp. Phàm được nhờ ơn của người khác đều gọi là ấm. Như tổ ấm 祖蔭 nhờ phúc trạch của tổ tiên để lại. Phép ngày xưa cứ ông cha làm quan to, con cháu được tập ấm ra làm quan, gọi là ấm sinh 蔭生, ấm tử 蔭子, ấm tôn 蔭孫, v.v.; trong khi chữ “ẩm” (Lê Gia giảng với nghĩa “cho uống nước”) lại có tự hình , nghĩa là: Đồ uống. Như rượu, tương gọi là ẩm. Uống. Như ẩm tửu 飲酒 uống rượu, ẩm thuỷ 飲水 uống nước, v.v. Ngậm nuốt. Như ẩm hận 飲恨 nuốt giận, nghĩa là mang mối hận âm thầm ở trong không lộ ra ngoài. Một âm là ấm. Cho uống. Như ấm chi dĩ tửu 飲之以酒 cho uống rượu (“Hán Việt tự điển” – Thiều Chửu).
- Dù thế nào, thì cả hai chữ “ấm” và “ẩm” , đều không có nghĩa nào chỉ “cái ấm”, mà “ấm” trong “cậu ấm” nghĩa là cháu con nhà quan được “tập ấm” (như Thiều Chửu đã giảng). Bởi vậy, ông Lê Gia cho rằng, chữ “ấm” (trong “cậu ấm”) đọc là “ẩm” nghĩa là uống nước, nên nó cũng có nghĩa là “cái ấm” là hoàn toàn suy diễn.

-Chữ “chiêu” trong “cô chiêu” cũng không phải là “cái ấm để nấu nước trà” (vì có người nói “chiêu từng miếng nước”, như Lê Gia suy diễn), mà do chữ “chiêu” trong “Chiêu văn quán” 昭文館 (“chiêu” = “hiển dương” 顯揚 (sáng sủa, rạng rỡ). “Việt Nam tự điển” (Hội khai trí Tiến đức) giảng như sau: “chiêu: Tên gọi con ông tiến-sĩ đời Lê, con các ông tiến-sĩ thì được dự vào học-sinh chiêu-văn-quán <> Cậu chiêu, cậu ấm, v.v..”.

Triều Lê, (đời Hồng Đức) đặt ra Sùng văn quán, Tú lâm cục. Con các quan từ Tam phẩm trở lên được tuyển vào Sùng văn quán. Con các quan từ ngũ phẩm trở lên tam phẩm được tuyển vào Tú lâm cục (Trạng lường Lương Thế Vinh từng được thăng Thị thư viện Hàn lâm, kiêm Sùng văn quán và Tú lâm cục). Sau đời Hồng Đức, Sùng văn quán 崇文館, đổi làm Chiêu văn quán 昭文館. Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514) chép: “Phụng trực đại phu Lại bộ Thượng thư Tri Chiêu văn quán, Tú lâm cục Tư chính Thượng khanh Đàm Thận Huy…”.

Vì con các ông tiến sĩ gọi là “chiêu”, nên Thi hào Nguyễn Du (con thứ bảy của Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm), thời đi học còn gọi là “cậu Bảy Chiêu”; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (con thứ bảy của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu) cũng được gọi là “cậu Bảy Chiêu”. 
Như vậy, “ấm” trong “cậu ấm” chỉ về lệ “tập ấm” do triều đình ban cho con cháu các quan. Như “ấm tử” 蔭子 (con quan); “ấm tôn” 蔭孫 (cháu quan)…Còn “chiêu” lại chỉ riêng các nho sinh con ông Tiến sĩ, được vào học ở Chiêu văn quán. Và “chiêu”, trong “cậu chiêu”, vốn dùng để chỉ con trai các ông Tiến sĩ. Sau này, thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu” nhằm để chỉ cả con trai, con gái nhà quan nói chung. Thành ngữ “cậu ấm sứt vòi” chẳng qua chỉ là cách chơi chữ, đồng nghĩa “ấm” (trong “tập ấm” 襲蔭), với “ấm” (trong “ấm nước”) để chế giễu, mỉa mai con cái nhà quan, được hưởng ân đức, bổng lộc của cha ông mà dốt nát, hư hỏng, hoặc lớn lên khi gia cảnh đã thất thế (giống như “đích tôn”, giễu thành “đít tôn”, “đít vại”…).

Ngày nay, “cậu ấm cô chiêu” còn được dùng với nghĩa con cái các quan chức lãnh đạo, hoặc nhà giàu sang, quyền quý, có địa vị, tiếng tăm trong xã hội.
Hoàng Tuấn Công

(*) “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia - NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2009), là cuốn sách mà trong đó, tác giả Lê Gia làm công việc “bàn thêm” để chỉ ra cái chưa đúng của các soạn giả đi trước. Điều này rất cần thiết. Tiếc rằng, rất nhiều điều “bàn thêm” của Lê Gia nặng về suy diễn chủ quan, kiến giải vô căn cứ, khiến vấn đề có khi đang đúng lại trở thành sai. Cách giảng “Cậu ấm cô chiêu – Cậu ấm sứt vòi”, là một ví dụ. (Chúng tôi sẽ có bài riêng viết về vấn đề này).



Tuesday, 21 January 2014

“THÀNH NGỮ CÁCH NGÔN GỐC HÁN”- CUỐN SÁCH DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG CÓ NHIỀU SAI SÓT (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Năm, ngày 05 tháng 9 năm 2013

“THÀNH NGỮ CÁCH NGÔN GỐC HÁN”- CUỐN SÁCH DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG CÓ NHIỀU SAI SÓT



Trong một nhà sách tự chọn ở Thành phố Thanh Hoá, tôi tìm thấy cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” của Nguyễn Văn Bảo-Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội-1999. Sách tập hợp 725 câu thành ngữ cách ngôn thường dùng, với nhiều tên tuổi, học vị đáng nể xuất hiện trong phần giới thiệu, hiệu đính. Tuy nhiên, khi về nhà, có thời gian xem lại, tôi ngạc nhiên bởi cuốn sách có quá nhiều sai sót, non kém. Việc giải thích nhiều câu thành ngữ chứng tỏ tác giả chỉ hiểu lờ mờ, nên dịch sai, dùng sai...Thậm chí tôi có cảm tưởng chính tác giả cũng không hiểu thành ngữ nói gì nhưng vẫn giải thích bừa. Xin liệt kê sự sai sót làm mấy loại:
1.Dịch sai, hiểu sai nguyên văn chữ Hán:
-Câu “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Chữ “tứ mã” Nguyễn Văn Bảo dịch là: “ngựa tứ” là chưa chính xác. Bởi chỉ có “ngựa kỳ”, “ngựa ký” và chữ “tứ” là cỗ xe bốn ngựa chứ không có giống ngựa nào là “ngựa tứ”. “Tứ mã” ở đây là  cỗ xe bốn ngựa, chỉ sức mạnh, nhanh của bốn ngựa hợp lại. Lời đã nói ra thì sức mạnh của 4 con ngựa cũng không thể kéo lại, đuổi theo được.
 -Câu “Vong dương bổ lao”, phần giải tích từng từ, tác giả viết “Dương: con bò”. Điều đó sai hoàn toàn. Chúng ta đều biết, “dương” nghĩa là con dê. “Vong dương bổ lao”  nghĩa là “Mất dê mới làm chuồng”. Đây là câu thành ngữ gốc Hán. Trung Quốc ở về xứ lạnh, do đó, xưa kia con bò không phải là vật nuôi phổ biến ( bởi loài bò không chịu được giá rét). Con dê mới là vật nuôi đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá của họ(1). Người Trung Quốc không có chữ riêng để chỉ con bò mà mượn chữ “hoàng ngưu”= con trâu (lông) vàngđể chỉ con bò, thuỷ ngưu để chỉ con trâu (loài vật thích đầm mình dưới nước). Không thấy tài liệu hay từ điển nào lấy chữ “dương” = con dê để chỉ con bò. Mặc dù mượn văn tự Hán, nhưng người Việt không gọi con bò là “hoàng ngưu”, mà sáng tạo ra chữ “lao”  (để chỉ con bò.(2)Câu thành ngữ gốc Hán“Vong dương bổ lao” (Mất dê mới làm chuồng) được Việt hoá thành “Mất bò mới lo làm chuồng” cho phù hợp. Bởi vì con bò là vật nuôi phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá  của làng quê Việt Nam.
-Khi giải thích tứ đức: “Công dung ngôn hạnh” Nguyễn Văn Bảo cho rằng “công” ở đây có nghĩa là “công việc làm ăn” (!). Thực ra “công” trong “Công, dung, ngôn hạnh” nghĩa là sự khéo léo của người con gái. Có lẽ ông Bảo hiểu lầm và cho rằng tiêu chuẩn của người con gái, người vợ là phải có “công việc làm ăn” ổn định (!) ?
-Câu “Hiếu tử sự thân”, phần giải nghĩa từng từ, ông Bảo cho rằng “sự” ở đây có nghĩa “sự việc” là sai. Bởi, chữ “sự” trong câu “hiếu tử sự thân” nghĩa là thờ phụng (Con có hiếu phải thờ phụng cha mẹ).
-Câu “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”, phần giải nghĩa từng từ, ông Nguyễn Văn Bảo viết “Tương trì: con trai (nhuyễn thể)”. Sai! Hai chữ “tương trì” có nghĩa là níu kéo, nắm giữ lấy nhau, chỉ việc con cò mổ vào ruột con trai, con trai khép vỏ lại, ông lão bắt cá dễ dàng chộp được cả hai.
-Câu “Bàng nhược vô nhân”. (Coi như không có ai ở bên mình) Chữ “bàng” có nghĩa là ở bên, bên cạnh. Nhưng phần giải nghĩa từng từ, (thật không thể hiểu nổi) ông N.V.B lại viết “Bàng” là “bàng quang”-một bộ phận trong hệ bài tiết của động vật có vú (!)
2.Giải thích sai ý nghĩa câu thành ngữ:
-Câu “Nhất tiếu thiên kim” (Nụ cười đáng nghìn vàng), xuất phát từ tích U Vương vì muốn có được nụ cười của nàng Bao Tự mà tìm đủ mọi cách như đem hết vải vóc trong kho ra để hàng ngày xé cho Bao Tự nghe, rồi đốt lửa làm hiệu lệnh giả như có giặc đến để các nước chư hầu đến ứng giúp, cuối cùng Bao Tự đã mỉm cười. Đến khi có giặc thật, U Vương đốt lửa gióng trống nhưng không một nước nào tới cứu viện. U Vương phải bỏ mạng vì đơn thương độc mã. Câu thành ngữ ý nói việc phải trả giá quá đắt cho một hành động điên rồ của kẻ hiếu sắc, đồng thời cũng nói lên cái sức mạnh ghê gớm của sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” có thể làm hỏng cả cơ đồ, sự nghiệp. Nhưng ông N.V.B lại cho rằng “Nhất tiếu thiên kim” là một lời khen đối với người phụ nữ đẹp và ông giải thích: “Khi đã khen người phụ nữ là “Nhất tiếu thiên kim” thì người ta cũng coi cái đẹp của người đó chỉ là mua bán”.(?) (!)
- Câu “Nhất tự đáo công môn, thiên ngưu khiên bất  xuất”.Có nghĩa: một chữ đã đưa đến cửa quan thì sức ngàn con trâu kéo cũng không ra. Ý nói, khi đã trót đệ đơn kiện lên quan, thì không có cách gì có thể rút lại được, dù chỉ một chữ. Bởi vì quan lại tham lam, thường vin vào các đơn kiện để bắt bẻ từng chữ nhằm đòi ăn của đút, không của nguyên đơn thì bị đơn (thành ngữ Việt Nam có câu “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”). Câu thành ngữ trên nhắc nhở người ta nên thận trọng khi đệ đơn lên quan, bởi kiện tụng chỉ thêm khốn đốn. (Cho nên người Việt Nam thường nhắc nhau: “Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc”). Thật khó hiểu, ông N.V.B lại đưa ra cách giải thích rất xa lạ và hoàn toàn không có cơ sở: “Đơn từ khiếu kiện của người dân, khi đã gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết thì không có trở lực gì làm cho tác dụng của những đơn từ ấy thành vô dụng”(?!) Và ông lấy ví dụ : “Bác đã gửi đơn khiếu nại lên cấp trên rồi thì rất yên tâm,nhất tự đáo công môn, thiên ngưu khiên bất xuất. Sớm muộn gì cũng được giải quyết” (?!)
- Câu Kim thị tạc phi” nghĩa là ngày hôm nay là đúng, ngày hôm qua là sai. Ý nói phải có sự linh hoạt trong việc nhìn nhận, đánh giá sự vật hiện tượng. Ví như có những giá trị đạo đức, hay quan niệm, lối sống, sự việc, luật lệ,v.v... luôn thay đổi theo hoàn cảnh, thời cuộc, ngày hôm nay cho là đúng, nhưng ngày hôm trước lại quan niệm là sai. Rất kỳ lạ, ông NVB lại giải thích: “Hiện nay là đúng, những ngày qua là sai. Hàm ý hối tiếc.” Không hiểu ý tác giả nói “hối tiếc” cái gì?
- Câu “Khẩu tụng tâm duy” (miệng đọc, lòng suy nghĩ). Chữ “tụng” có nghĩa là đọc thuộc. Ý nói người đọc không chỉ thuộc làu làu, đọc một cách vô thức, mà thành tâm, vừa đọc vừa suy nghĩ về ý nghĩa, đạo lý của điều mình đang đọc (như tụng kinh, niệm Phật). Thật bất ngờ và khó hiểu, ông NVB lại giải thích “Khẩu tụng tâm duy” là “Không thực lòng” và lấy ví dụ: “Đã là người khẩu tụng tâm duy thì không nên trở thành bạn hữu”. Không hiểu câu ví dụ này ông lấy ở đâu hay tự mình nghĩ ra rồi nói bừa lấy được?
-Câu “Sở quốc vong viên, hoạ diên lâm mộc”. (nước Sở mất con vượn mà hoạ lây đến cả cây rừng) Do tích: Vua nước Sở mất con vượn quý, tìm mãi không thấy, liền ra lệnh chặt trụi hết rừng cây để vượn không có chỗ trú sẽ trở lại với vua. Ý nói đến những tai hoạ khôn lường, tai bay vạ gió, những kẻ tưởng chừng không liên quan gì cũng phải hứng chịu (hoạ diên lâm mộc=hoạ lây đến cây rừng). Thành ngữ cũng hàm ý về quyền uy quá lớn của một con người sẵn sàng làm tất cả, để đạt được ý muốn cá nhân. Không hiểu sao, ông NVB lại giải thích rằng: “Báo cho mọi nơi không ai chứa chấp. Đói không nơi nương tựa rồi sẽ phải về”.(?!)
-Câu “Duy ngã độc tôn”. Ông Nguyễn Văn Bảo đã đúng khi dịch là “Chỉ có ta là tôn quý”. Tuy nhiên ông đã sai lầm khi giải thích đó “là lời nói của Phật Thích Ca “thái độ duy kỷ, chỉ biết tôn trọng mình mình”. Lẽ nào ông không biết câu chuyện Phật Thích Ca khi mới sinh ra, bước đi 7 bước và nói như sư tử gầm: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là tôn quý) ? Câu nói như lời “tự sấm” báo hiệu trên thế gian sẽ xuất hiện một nhân vật siêu quần. Câu “Duy ngã độc tôn” không phải nguyên văn lời Đức Phật, và được dùng với cách hiểu hoàn toàn khác. Do đó không thể chú giải là lời Phật Thích Ca được. Nếu theo cách giải thích của ông Bảo, hoá ra, chính Phật Thích Ca tự lên án “thái độ duy kỷ, chỉ biết tôn trọng mình mình” của Đức Phật hay sao?
3.Giải thích không rõ ý, tiền hậu bất nhất:
-Câu “Lão sinh thường đàm” sau khi giải nghĩa hai từ “lão sinh” là “người học trò già”, ông N.V.B lại giải thích cả câu“Lão sinh thường đàm”  là: “Chuyện tầm phào của người già”. Và rồi ông lấy một ví dụ sử dụng câu thành ngữ này cũng rất mâu thuẫn, khó hiểu: “Phải hết sức lắng nghe các cụ vì lão sinh thường đàm”. Như thế, ta cần phải hết sức lắng nghe những “câu chuyện tầm phào” của các cụ hay sao? Theo “Từ điển thành ngữ, điển cố Trung Quốc” thì “Tam quốc chí: Nguỵ thư: Quản Lộ truyện viết: “Thử lão sinh chi thường đàm”. Lão sinh là chỉ thư sinh già. Đời sau dùng “lão sinh thường đàm” biểu thị những lời bình thường cứ nhai đi nhai lại mãi, không có ý gì mới”(3)
-Câu Khu ngư vi uyên khu tước vi tùng”. Ông Bảo không sai khi dịch: “Đuổi cá xuống vực, xua chim về rừng”. Nhưng, câu này nói về một việc làm phản tác dụng, bởi vì nước sâu và cây rừng đều là môi trường sống lý tưởng của cá và chim. Khi xua đuổi chúng về chốn này khác nào làm cho kẻ bị mình đánh đuổi trở nên mạnh thêm (giống như câu “Thả hổ về rừng”). Lạ thay, NVB lại giải thích câu thành ngữ này là “Không biết tập hợp lực lượng quần chúng, thậm chí lại làm cho tan rã ra”(!)
-Câu “Tích cốc, phòng cơ” (Có nghĩa là để dành thóc lúa phòng khi đói) ông N.V.B lại dịch: “Ăn khi no, lo khi đói”. Tại sao lại đem chuyện “ăn khi no” ví với câu “Tích cốc” ? Thật tối nghĩa ! Thậm chí vô nghĩa !
-Câu “Nhân bất thông cổ kim ngưu mã nhi khâm cư”Thành ngữ này không có phần nguyên văn chữ Hán như những câu khác. Do đó, rất khó kiểm chứng khi ông Bảo dịch chữ “khâm” là “vải bọc thây”, chữ “cư” là “vạt của áo”; sau đó ông giải thích: “Người không thông hiểu việc xưa nay thì cũng như trâu ngựa được mặc áo quần”. Chẳng biết có phải do kiến văn hẹp hòi, nông cạn hay không, nhưng tôi chưa bao giờ nghe câu thành ngữ được xếp vào loại “thường gặp” này. Liệu ở trên thế gian, những kẻ thông hiểu việc xưa nay được mấy người? Và không thông hiểu việc “cổ kim” phải đâu là tội lỗi hoặc điều xấu xa, sao lại xem những người đó giống như “trâu ngựa được mặc áo quần”?
4. Biên soạn thiếu thống nhất, khoa học:
Cuốn sách tập hợp 725 câu thành ngữ cách ngôn “thường gặp”, lại được dùng trong nhà trường, nhưng nhiều câu rất “mù mờ”, không hiểu nguồn gốc ở đâu, “thường gặp” trong văn cảnh nào, cách dùng ra sao, tác giả, sách nào đã từng dùng ? Phần lớn những ví dụ, dẫn chứng về cách sử dụng các thành ngữ, cách ngôn đều do ông N.V.B tự đặt ra một cách chung chung, vô căn cứ và rất khó hiểu. Sách nói “được giải nghĩa và phiên âm tiếng Trung văn, chú thích chữ Hán” để “qua phần phiên âm và chú giải Hán tự, bạn đọc sẽ tiện lợi hơn trong việc tra cứu, tham khảo và sử dụng” nhưng soạn giả rất tuỳ tiện. Nhiều câu không có phần nguyên văn chữ Hán. Ví dụ các câu: “Bỉ sắc tư phong, Khuyển mã chí tình, Khu ngư vi uyên khu tước vi tùng, Khởi (cải) tử hồi (hoàn) sinh, Nhân bất thông cổ kim ngưu mã nhi khâm cư”,v.v...khiến cho người cần tìm hiểu nguyên văn chữ Hán để đối chiếu không biết đâu mà lần !
Như vậy, chỉ mới dừng ở mức “Cưỡi ngựa xem hoa” thôi nhưng có thể thấy, những sai sót trong cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” của Nguyễn Văn Bảo là khá nghiêm trọng. Điều đáng nói, đây là “sách dùng trong nhà trường”, nhằm “giới thiệu rộng rãi với bạn đọc, với thầy cô giáo và nhất là với các em học sinh” một cuốn “Sổ tay sử dụng những từ gốc Hán” (như lời soạn giả). Sách đã tái bản lần thứ hai, đủ thời gian, cơ hội để chỉnh lý, bổ sung, hiệu đính, nhưng soạn giả vẫn để nguyên tình trạng “dĩ hư truyền hư”.  Sách lại được PTS Đỗ Thị Hảo-Viện nghiên cứu Hán Nôm-Uỷ viên ban chấp hành hội văn nghệ Dân gian Việt Nam” giới thiệu(4). Và theo “lời tác giả”, sách cũng được bà Đỗ Thị Hảo, phó tiến sĩ Hán Nôm, ông Đinh Văn Minh, Chuyên viên Hán Nôm, đặc biệt là nhà Hán học Lê Bầu “hiệu đính toàn bộ nội dung và phần chú giải chữ Hán”. Bản thân tác giả (phần tự giới thiệu “cùng tác giả”) cho biết từng biên soạn những cuốn như “Từ và ngữ Hán Việt trong sách văn phổ thông” (NXB Văn học-1992) “Mở rộng vốn từ Hán Việt” (Đồng tác giả NXB Đại học Quốc gia Hà Nội-1997). Cuối cùng, sách ra đời từ một địa chỉ có uy tín: Nhà xuất bản đại học Quốc gia Hà Nội. Lẽ nào ngần ấy những tên tuổi, học vị, thương hiệu, vẫn không đủ để đảm bảo cuốn sách tránh được những sai sót đáng tiếc nói trên?  Liệu đã có bao nhiêu thầy giáo, học sinh dạy nhầm, học nhầm, hậu quả là tiền mất, tật mang ?
 Năm 2008, tôi đã có bài viết góp ý những sai sót của cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” trên tạp chí Nguồn Sáng (Hội văn nghệ dân gian Việt Nam”. Tuy nhiên năm 2010, trong chuyên mục “Gõ cửa ngày mới” của Đài TH Việt Nam, lại thấy ông NVB xuất hiện với tư cách Nhà giáo khách mời và tiếp tục “quảng cáo” cho cuốn “Thành ngữ cách ngôn  gốc Hán”, coi đây là đóng góp quan trọng trong cuộc đời soạn giả !


                                                                                      H.T.C
Chú thích:
(1)-Con dê là một trong “lục súc” (6 loài vật nuôi trong nhà ) và là con vật quý dùng để tế thần của người Trung Quốc.
 (2)-Chữ “lao” nghĩa gốc là chuồng nuôi súc vật, chuồng nhốt con vật trước khi đem giết để tế thần (gồm bộ miên là nhà, dưới là bộ ngưu). Người Việt Nam đã mượn chữ “lao” này để chỉ con bò. Tôi còn giữ được một văn tự bán bò niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3, chủ bò là Lê Văn Vi-người thôn Văn Đoài, tổng Văn Trinh, huyện Quảng Xương – Thanh Hoá, trong đó có câu: “gia hữu tẫn hoàng lao nhất đầu niên phương nhị tuế” ( nghĩa là: nhà có một con bò cái lông vàng tròn hai năm tuổi). Núi Đồng Cổ thờ thần Đồng Cổ (thuộc huyện Yên Định-Thanh Hoá) vốn tên là núi Khả Lao. Chữ “lao” là con bò. Dân gian trước kia cũng gọi là núi Con Bò.
(3)- “Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc”-Nhà xuất bản Khoa học xã hội-2001
(4)-Uỷ viên ban chấp hành Hội văn nghệ dân gian Việt Nam không phải là chức vụ kh oa học.

Monday, 13 January 2014

CHÀNG hay TRÀNG, VẠT ÁO hay CỔ ÁO ? (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Tư, ngày 11 tháng 9 năm 2013

CHÀNG hay TRÀNG, VẠT ÁO hay CỔ ÁO ?


                               Hoàng Tuấn Công
Áo dài ngày xưa
                                                                Ảnh: Internet
 Tục ngữ Việt Nam có câu “Áo cứ tràng, làng cứ xã” hoặc “Áo cứ tràng, làng cứ lý trưởng”. Tuy nhiên trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt NamGS Nguyễn Lân lại đưa ra một dị bản rất lạ: “Áo cứ CHÀNG, làng cứ xã” và giải thích:“(Xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình”.Cách giải thích này bị không ít nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển phản đối:
1. Đầu tiên, Học giả Huệ Thiên 
(An Chi) phải thốt lên: “Thật là chuyện quá đỗi bất ngờ khi mà một quyển từ điển lại có thể viết sai chính tả và giảng sai nghĩa đến thế; hình thức chính xác của câu đang xét là “Áo cứ TRÀNG, làng cứ xã”. (Tại sao một số thành ngữ tục ngữ lại khó hiểu - An Chi).Trong bài Đọc lướt “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân An Chi một lần nữa cho rằng Tràng là vạt trước của áo dàivà đây là một cách hiểu hoàn toàn đúng với cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của câu tục ngữ đang xét”.
2. Trong Từ điển tục ngữ Việt, Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương cũng lên tiếng phê phán: “Do tra cứu chưa kỹ nghĩa từ vựng của TRÀNG  trong câu Áo cứ tràng, làng cứ xãTừ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989-10) đã đánh đồng nó với CHÀNG và đinh ninh rằng CHÀNG này cũng chính là từ được “phụ nữ hay dùng để gọi chồng hoặc người yêu còn trẻ (với hàm ý thân thiết)”...Sơ suất đáng tiếc ấy đã đẩy tác giả tới chỗ phải đưa ra cho một lời diễn giải hoàn toàn “xa lạ” với cảm thức của bao người”. Rồi, TS Nguyễn Đức Dương khẳng định “TRÀNG là một từ cổ dùng để chỉ cái vạt trước của chiếc áo dài”.
3. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào tuy không tranh luận gì với GS Nguyễn Lân nhưng cũng đưa ra dị bản giống An Chi, Nguyễn Đức Dương và chú giải “(tràng: tràng áotức vạt áo; xã; xã trưởng, người đứng đầu xã).
Như vậy, An Chi, Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung đều có hai điểm tương đồng, thống nhất cao: 1. Công nhận dị bản TRÀNG chứ không phải CHÀNG; 2. Khẳng định TRÀNG là vạt trước của chiếc áo dài.
Vậy ai đúng, ai sai ? Và sai, đúng như thế nào ?
Có thể khẳng định ngay: An Chi, Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung đã đúng khi lựa chọn TRÀNG chứ không phải CHÀNG. GS Nguyễn Lân đã sai hoàn toàn khi nhầm “tràng”, một bộ phận của chiếc áo thành “chàng”  là chồng, người yêu và đưa ra cách giải thích không thể chấp nhận. Có lẽ GS cho rằng: việc giặt giũ, vá may quần áo lẽ ra người phụ nữ phải đảm đương, đằng này ỷ lại, “cứ”(để cho) “chàng” (chồng) phải lo, phải làm, (nên gọi là“áo cứ chàng”); còn công việc của làng “người dân trong thôn xóm” “cứ”(ỷ lại) cho ông xã trưởng mà “không thấy vai trò làm chủ của mình”( nên gọi “làng cứ xã”) chăng ? !
Tuy nhiên, liệu An Chi, Nguyễn Đức Dương, nhóm Vũ Dung đã đúng khi cho rằng TRÀNG trong câu tục ngữ là cái vạt trước của chiếc áo dài ? Theo tôi, ở ý thứ hai, các nhà khảo cứu, biên soạn đã thay cái sai này bằng cái lầm khác. TRÀNG trong câu tục ngữ có nghĩa là cái cổ áo, không phải cái vạt trước của chiếc áo dài. Để đến được kết luận ấy, ta cần phải đi đường vòng. Tức xét nghĩa Hán Việt của từ lĩnh領 (cổ áo) trong một số cuốn từ điển, tự điển:

4.Khang Hy tự điển:
領:(...) 里整切音嶺。領,頸也。(...)。亦言總領衣體,爲端首也:Lĩnh (...) Lý chỉnh thiết, âm lĩnh (...) “Lĩnh, cảnh dã (...), diệc ngôn tổng lĩnh y thể, vi đoan thủ dã” nghĩa là: Chữ Lĩnh - thiết âm là lý chỉnh, âm đọc là lĩnh. Lĩnh-cái cổ (...) cũng chỉ bộ phận thống lĩnh đối với chiếc áo; là cái đầu mối vậy”.
    2. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: “Lĩnh 領. Cái cổ... Cái cổ áo, một cái áo cũng gọi là [b]nhất lĩnh[/b] 一領. Xóc áo thì phải cầm cổ, cầm tay thì áo mới sóng, vì thế nên người nào quản lí một bộ phận, một nhóm gọi là [b]lĩnh tụ[/b] 領袖 (đầu sỏ)”.
  3. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích: “Lãnh領-Cái cổ-Cổ áo-Một cái áo-Thống suất cả…”“Lãnh tụ - Cổ áo và tay áo. Khi cổi áo tất trước cầm cổ áo và tay áo-Ngb. Người có tài xuất chúng làm thủ-lãnh cho nhân-chúng”.
Trong 3 cách giải thích, Thiều Chửu rõ ràng hơn cả. Tuy nhiên, hai từ “xóc áo” và “sóng” có vẻ hơi khó hiểu. Việt Nam tự điểncủa Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: “2.Xóc: Xách lên mà lắc để cho xuống đều: Xóc cổ áo”; “Sóng: Trơn óng, thẳng, không rối”.Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH- A.de Rhodes giải thích“Xóc: Xóc áo: Xóc áo đã mặc để cho thẳng”.
Như vậy, từ lĩnh với nghĩa cổ áo-bộ phận thống lĩnh, chức năng thâu tóm cả cái áo tỏ ra rất “đắt”, rất hợp với nghĩa của chữ TRÀNG trong câu tục ngữ đang bàn. Thế nhưng, tục ngữ nói tràng, đâu có nóilĩnh ? Dựa vào đâu để nói rằng tràng chính là cách gọi nôm của lĩnh? Câu trả lời có trong các sách:
1. Tam thiên tự - Đoàn Trung Còn viết: “ ÁoLãnh 領 -Tràng”.
2. Ngũ Thiên Tự  (bản Hán, Việt, Pháp) Đoàn Trung Còn chú rõ hơn: “領-Lãnh (lĩnh) - Tràng (cổ áo) - Col”.
3. Việt ngữ tinh nghĩa từ điển - Long Điền Nguyễn Văn Minh (tr.133) giải thích: “Lãnh"  mục “c, là tràng áo, như “lãnh tụ” tràng áo và ống tay áo, chỉ dùng với nghĩa bóng nói người đứng đầu một đảng phái.”
4. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức: “領-Lĩnh.Tràng áo (không dùng một mình). Lĩnh tụ  袖 tràng áo và tay áo. Chỉ dùng nghĩa bóng để nói người đứng đầu một đảng- phái:Lĩnh - tụ đảng xã hội”.
5. Đại Nam quấc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của: “Lãnh:Tràng;(...) Áo viên lãnh: Áo cổ tròn, áo cổ trịt”. (Trịt ở đây có nghĩa là bệt, bẹt xuống, tức không phải áo cổ đứng-HTC).
Như vậy, ít nhất 5 cuốn từ điển, tự điển Hán Việt thích nghĩa chữlĩnh nghĩa nôm trực tiếp là tràng (cổ áo). Kết luận: lĩnh tràng - cổ áo - bộ phận quan trọng nhất của cái áo. Cách kết cấu ngữ pháp, ngữ nghĩa của dân gian rất rõ ràng, đăng đối chặt chẽ: tràng (cổ áo) là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo, giữ vị trí thống lĩnhđối với cả cái áo; xã (xã trưởng, lý trưởng) là cấp chủ chốt, quản lý cao nhất của làng. Muốn “xóc” (cầm, túm,) để giũ cái áo cho phẳng cứ nắm lấy phần cổ áo là chắc chắn, gọn gàng nhất. (Thực tế, trong sinh hoạt hàng ngày, khi cầm chiếc áo, ta đều chọn vị trí cổ áo, thậm chí khống chế một người nào đó, người ta vẫn hay nắm lấy vị trí cổ áo); cũng như gặp việc ở trong làng (phu phen, tạp dịch, bắt rượu lậu…) cứ nắm lấy người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất “xã” (trưởng) mà “gõ” xuống. (Bởi thế, dân gian có câu: Đục đến chạm thì chạm đến khăng, Đòn đánh lý trưởng thì văng cả làng là vậy).
Trở lại cách lý giải của các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển. Vì chọn nghĩa TRÀNG là vạt trước của áo dài nên tất cả đều rất lúng túng khi đưa ra lý giải tại sao lại “cứ tràng” (cứ vạt áo). Cái vạt áo (vốn chỉ đáng được “vinh danh” ở một số chức năng “sáng tạo tự phát” ngoài trang phục như: lau nước mắt, lau, chùi, đùm, đựng, vân vê làm dáng...) đã bị các nhà ngữ học, biên soạn gán ghép cho một số chức năng rất “hoang đường”:
1. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung giải nghĩa: “Áo cứ tràng...” là “muốn tìm ai thì cứ túm lấy vạt áo”. Thế nhưng, nếu hiểu như vậy lại thành “Người cứ tràng...” (người thì cứ tràng (vạt áo) mà túm) chứ không phải “Áo cứ tràng...” nữa. Vả lại, còn đang đi “tìm ai” đó thì làm sao túm được “vạt áo” của người ấy ?
2. Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương giải thích: “Áo thì nên lấy tràng làm chỗ dựa (khi cắt may) làng thì nên lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)”. Nếu giải thích như vậy, tục ngữ này lại đưa đến cho ta một kinh nghiệm khác, đó là cách cắt may áo mất rồi ! Và không biết Nhà ngữ học đã tiếp thu cái “kinh nghiệm” này ở đâu ? Vạt áo không bao giờ là chỗ dựa khi cắt may. Bởi bộ phận này dẫu ngắn - dài, hay rộng - hẹp một chút cũng không sao, nhưng cổ áo, vai áo mà chật thì mặc không nổi. Nói lấy vạt áo“làm chỗ dựa (khi cắt may)” là một kiểu gán ghép rất phi lý. Ấy là chưa kể đến “kinh nghiệm ngoại giao” “lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)” cũng có “vấn đề”. Bởi “bình phẩm” về làng xã mà chỉ dựa vào mỗi ông lý trưởng thì làm sao chính xác ? Không lẽ mỹ tục thuần phong của làng xã tập trung cả nơi ông xã, ông lý chăng ?
3. Riêng Nhà từ nguyên học An Chi thật khôn khéo khi không cố giải thích tại sao lại “áo cứ tràng” mà chỉ dừng ở chỗ khẳng định TRÀNG là vạt trước của áo dài. Đúng là Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH A.de Rhodes có giải nghĩa Tlàng áo: phần trên chiếc áo che cổ” (Tlàng là cách phát âm xưa của tràng-TC). Tuy nhiên, A.de Rhodes chỉ giải nghĩa từ vựng mà không giải thích ý nghĩa hàm ẩn của từ tràng (cổ áo). Chính vì vậy nên ngay cả khi An Chi tiếp cận với dữ liệu này, ông vẫn lựa chọn nhầm TRÀNG trong câu tục ngữ đang bàn với nghĩa cái vạt trước của chiếc áo dài, chứ không phải là chiếc cổ áo trứ danh ?
Đến đây, ta thấy thêm một thực tế: từ TRÀNG với nghĩa là cổ áovà TRÀNG với nghĩa là vạt trước của chiếc áo dài thường bị đánh đồng làm một (theo nghĩa thứ hai vạt áo) ngay cả đối với các nhà làm từ điển. Ví dụ:
1. Chữ  lĩnh (lãnh), Việt Nam tự điển và Đại Nam quấc âm tự vị đều giải nghĩa là tràng (cổ áo). Nhưng cũng chính trong hai cuốn tự điển này, ở mục từ tràng lại chỉ thấy thích nghĩa vạt trước của áo dài mà không hề nhắc đến nghĩa cổ áo đã được chú ở mục từlãnh, lĩnh.
2. Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện,Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên và nhiều cuốn từ điển khác đều cho rằng tràng là từ cổ, chỉ duy nhất có một nghĩa liên quan đến trang phục là vạt trước của chiếc áo dài.
3. Cuốn từ điển cổ xưa Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, mục Y quan bộ đệ cửu, chữ tràng với nghĩa cổ áo cũng bị người phiên âm chú giải thành vạt áo:
Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng.
Yểm Lý danh rằng lụa vuốt mồ hôi
Trần Xuân Ngọc Lan chú thích “Tràng: vạt áo”. Tuy nhiên, chữ領-lĩnh có một số nghĩa: cổ, cổ áo, một cái áo... Chữ “lĩnh” trong“hộ lĩnh” phải được hiểu là cái cổ“hộ” là bảo vệ, che chắn, “hộ lĩnh” = vật bảo vệ cái cổ (tức cái khăn quàng cổ). Tên gọi này xuất phát từ chức năng của cái khăn quàng cổ, ban đầu chỉ có ý nghĩa thực dụng là bảo vệ cái cổ (hộ lĩnh). Sau này, cái “hộ lĩnh” mới trở thành phục sức, (nghĩa là thêm cả chức năng trang điểm, làm dáng) và được gọi là lĩnh cân (khăn quàng cổ). Cách giảng giải của tác giả Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa hiểu theo ngôn ngữ ngày nay là: Vật bảo vệ cái cổ (hộ lĩnh) được buộc che ở bên ngoài cái cổ áo (tràng). Hai câu:Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng,Yểm Lý danh rằng lụa vuốt mồ hôiđều nói về hai mảnh vải: một là khăn quàng cổ buộc che bên ngoàitràng (cổ áo) và một là mảnh lụa “vuốt”(lau, thấm) mồ hôi, được lót ở phía trong áo. Điều này hoàn toàn phù hợp với văn cảnh và cách trình bày của Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa: xếp từ theo chủ đề, theo cặp từ, loại từ cùng chỉ về sự vật, hiện tượng nào đó. Ví như cặp nói về hai loại áo của vua: “Long Cổn” và “Hoàng bào”:
Long Cổn hiệu là áo rồng,
Hoàng bào Tống tổ mặc phong mạ vàng
Hoặc cặp nói về hai loại áo “Sa y” và “Hiệp y”:
Sa y mặc mát áo the.
Hiệp y áo kép kéo dê càng dài.
Rồi cặp từ nói về hai loại đai (dải):
Kê Đới tơ điều thắt ngoài.
Hộ Đới dải áo hằng cài tương liên.
Nếu hiểu tràng là vạt áo theo cách chú giải của Trần Xuân Ngọc Lan, thì “lĩnh” ở đây có nghĩa là một cái áo“hộ lĩnh” là vật bảo vệ cái áo? Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng là Vật bảo vệ cái áo được buộc che ngoài vạt áo. Diễn giải này hết sức vô lý. Vì ta không thấy có bộ phận hay một thứ trang phục nào lại có thêm một vật đảm nhận chức năng bảo vệ cái áo và nằm ở vị trí buộc che ngoài vạt áo như vậy. Mặt khác, vị trí xung yếu, thường bị rách, rách trước tiên của áo cần được “hộ” (bảo vệ) là vai áo, chứ không phải vạt áo.
Thực tế trên buộc ta phải nhìn nhận lại một số cách giải thích, cách hiểu về từ “tràng”. Trong các câu thơ: Giọt châu tầm tã đẫmtràng áo xanh (Truyện Kiều-Nguyễn Du), Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư - mã đượm tràng áo xanh. (Tỳ - bà - hành). Thì “tràng” ở đây chính là vạt trước của áo dài thấm những “giọt châu”, giọt lệ “tầm tã”, “chứa chan”. Tuy nhiên câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” thì tràng lại là cổ áo chứ không phải vạt áo? Bởi vì, cái cổ áo là bộ phận quan trọng nhất của cái áo nên dù áo có rách (ở đâu) chăng nữa cũng phải giữ được cái cổ áo lành lặn. Cũng giống như cái lề của tờ giấy rất quan trọng nên dù rách ở đâu cũng phải giữ lấy cái lề (Trong câu đồng nghĩa “Giấu rách phải giữ lấy lề”). Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển lâu nay vẫn nhầm lẫn khi cho rằng trong câu tục ngữ Áo rách phải giữ lấy tràng thì tràngnghĩa là vạt áo:
1. An Chi trong bài phê bình GS Nguyễn Lân viết: “Tràng” (...) được hiểu là cái vạt trước của chiếc áo dài. (Tục ngữ còn có câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” mà chính Nguyễn Lân cũng đã có ghi nhận)”.
2. Nguyễn Đức Dương trong Từ điển tục ngữ Việt chú thíchtràng là vạt trước của áo dài và giải thích: “Áo dù có rách chăng nữa thì cũng phải cố giữ cho được cái tràng (để còn dùng được vào việc khác). Hay dùng với ẩn ý: nh. Giấy rách phải giữ lấy lề”.
3. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức, mục từ “lĩnh”chú nghĩa "tràng (cổ áo)" nhưng mục “tràng” lại chỉ ghi nhận“Tràng: Vạt dài trong áo: Tràng áo” Rồi trích dẫn: “Văn liệu: Áo rách thì giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi (C-d). Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư - mã đượm tràng áo xanh. (Tỳ - bà - hành). Như thế Việt Nam từ điển đã sai khi đánh đồng chữ tràng (cổ áo) trong câu tục ngữ Việt và chữ tràng (vạt áo) trong câu thơ dịch Tỳ bà hành làm một.
Riêng Nguyễn Đức Dương đã dấn sâu vào sai lầm khi giải thích“Áo dù có rách chăng nữa thì cũng phải cố giữ cho được cái tràng (để còn dùng được vào việc khác). Xin hỏi, “việc khác” ở đây là gì, nếu không phải là để “tận dụng” làm miếng vá vào chỗ rách của chiếc áo khác, hoặc làm giẻ lau ? Nếu chỉ với mục đích như vậy thì liệu có cần “cố sống cố chết” mà giữ cho được cái vạt áo của chiếc áo rách bỏ đi không ? Tục ngữ đang nói cái áo rách nhưng vẫn mặc, vẫn dùng cơ mà ? Nếu đủ cả lục bát “Áo rách phải giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi, ta sẽ hiểu: Áo (mặc trên người) dù có rách ở đâu thì cũng phải giữ lấy phần quan trọng nhất là cái tràng (cổ áo); Cũng như dù khó khăn nghèo túng đến mấy cũng phải cố gắng đủ đóng đủ góp nghĩa vụ với làng.
Có thể nói câu tục ngữ Áo cứ tràng, làng cứ xã có “niên đại” rất sớm. Sớm đến mức từ tràng (với nghĩa cổ áo) đã trở nên mờ nhạt, thậm chí biến mất hoàn toàn trong sách vở và ngôn ngữ thời hiện đại. Chỉ khi trả lại cho chữ tràng trong câu Áo cứ tràng, làng cứ xã (vàÁo rách phải giữ lấy tràng) nghĩa chính xác là cái cổ áo vấn đề mới được sáng tỏ. Đây chính là bài học kinh nghiệm điển hình đối với các nhà sưu tầm biên soạn từ điển thành ngữ, tục ngữ. Nhiều trường hợp không thể chỉ tra cứu kỹ nghĩa từ vựng của từ nôm trong câu tục ngữ (như cách Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương từng chỉ giáo GS Nguyễn Lân) rồi đoán định, áp đặt cách hiểu. Trong khi ý nghĩa đích thực của nó lại nằm trong từ vựng từ Hán Việt./.

Những sách đã dẫn và tham khảo:
1,Đại Nam quấc âm tự vị (Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của-Sài Gòn 1895.
2,Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa -Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm chú giải (NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1985).
3,Ngũ thiên tự Đoàn Trung Còn (Nhà xuất bản Thanh Niên-1999)
4, Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) A.de Rhodes  - NXB Khoa học xã hội-1991.
5,Việt Ngữ Tinh nghĩa từ điển-Long Điền Nguyễn Văn Minh (-NXB Quảng Vạn Thành- Hà Nội 6/1950).
6.Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam -GS Nguyễn Lân (NXB Văn hóa - 1989)
7.Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức - Nhà in Trung Bắc Tân Văn - 1931. 
8. Từ điển từ Việt Cổ-Nguyễn Ngọc San- Đinh Văn Thiện-NXB Văn hóa thông tin-2001(Cần nói thêm từ tràng vốn gọi đầy đủ làtràng vạt (trường vạt-vạt dài), sau này mới biến đổi và gọi tắt làtràng (trường) với nghĩa mặc định là vạt trước của áo dài. (Đúng như Đào Duy Anh giải thích trong Từ điển Truyện Kiều). Theo đó, từ tràng vạt có sớm hơn, cổ hơn từ gọi tắt tràng).
9. Một số bài viết của Huệ Thiên (An Chi) được đăng lại trêne.cadao.com và ngonngu.edu.vn