Showing posts with label trang phục. Show all posts
Showing posts with label trang phục. Show all posts

Wednesday, 15 February 2017

Nguyên Bí thư Hà Nội: 'Hở bình thường không cấm, hở hang mới cấm' (Hoàng Phong - Tiền Phong)

Nguyên Bí thư Hà Nội: 'Hở bình thường không cấm, hở hang mới cấm'

TPO - "Như thế nào là phản cảm? Nếu lấy tiêu chí riêng của mỗi người thì phản cảm khác nhau nhưng tiêu chí của số đông là quá ngắn, quá lôi thôi, lếch thếch, hở hang”, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa
Phát biểu tại cuộc họp vào chiều 14/2, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có những chia sẻ về Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan của Hà Nội và ứng xử nơi công cộng.
Ông Nghị cho biết, theo những thông tin ông nắm được thì đa phần  mọi người đều đón nhận, hoan nghênh và mong muốn có bộ quy tắc này dù nó chưa thực sự hoàn hảo.
"Tôi chắc rằng, sự vật ngay từ đầu chẳng thể hoàn hảo. Thế nên quá trình thực hiện bộ quy tắc nếu có vấn đề phát sinh chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện bổ sung”, ông Nghị nói.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ, rất nhiều người bày tỏ ý kiến với ông về quy tắc không được mặc quần áo hở hang, phản cảm nêu trong Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức Hà Nội.  
"Họ cũng hỏi như thế nào là phản cảm? Nếu lấy tiêu chí riêng của mỗi người thì phản cảm khác nhau nhưng theo tiêu chí của số đông, phản cảm là quá ngắn, quá lôi thôi, lếch thếch, hở hang.
Khi tôi còn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin, thảo luận vấn đề này ở Quốc hội, cũng có người hỏi: "Thế nào là hở hang?". Tôi nói hở bình thường người ta không cấm, còn hở hang mới cấm.
Chúng ta chẻ ra hở bao nhiêu phần trăm, hở ở chỗ nào nhưng ăn mặc là các vấn đề về phạm trù văn hóa không thể mô tả chính xác như toán học được...", ông Nghị nói.
(http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguyen-bi-thu-ha-noi-ho-binh-thuong-khong-cam-ho-hang-moi-cam-1121085.tpo)

Sunday, 22 June 2014

Lính dù trên chiến trường Đông Dương trước 1954 đội mũ gì?



Những đơn vị nhảy dù đầu tiên đến Sài Gòn là lính mũ (bê rê) đỏ của bán lữ đoàn SAS. Bọn này được tổ chức thành các đội biệt kích để phù hợp với điều kiện chiến tranh du kích ở Nam Bộ khi đó.
Lính SAS trước đội mũ đen, nhưng từ tháng 11-1944 thì đã chuyển qua mũ đỏ. Ngày 1-8-1945 hai trung đoàn số 3 và số 4 (của Pháp) biệt phái trong lực lượng SAS (của Anh) được chuyển thành các trung đoàn bộ binh nhẹ nhảy dù (RCP) số 2 và số 3 nằm trong biên chế của lục quân Pháp. Sau đó hai đơn vị này được gộp lại thành trung đoàn bộ binh nhẹ nhảy dù số 2 (mũ đỏ). Rồi trung đoàn này lại bị giải thể: quân số được chia cho trung đoàn bộ binh nhẹ nhảy dù (RCP) số 1và trung đoàn bộ binh xung kích không vận (RICAP) số 1, nhưng truyền thống và quân kỳ, gồm cả chiếc mũ đỏ, thì giao cho bán lữ đoàn SAS Đông Dương.
Tháng 2-1947 có thêm ba tiểu đoàn dù do trung tá Sauvagnac chỉ huy được gửi sang Đông Dương. Đó là các tiểu đoàn 1 xung kích, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 bộ binh nhẹ nhảy dù (RCP).
Kể từ năm 1948 thành phần tổng trừ bị của đạo quân viễn chinh có bảy tiểu đoàn nhảy dù, gồm hai tiểu đoàn lê dương (BEP mũ kê pi trắng, từ An-giê-ri đưa qua), ba tiểu đoàn thuộc địa (BCCP và BPC mũ bê rê đỏ, kế thừa truyền thống của SAS, từ Bretagne đưa qua) và ba tiểu đoàn chính quốc (BPCP mũ bê rê đen). Sau năm 1951 có thêm các tiểu đoàn nhảy dù Việt Nam (BPVN). Tuy nhiên sự phân biệt về danh xưng này không có ý nghĩa mấy:
Tiểu đoàn bộ binh nhẹ nhảy dù (BPCP) số 10, thành lập ở Maroc năm 1947, sang Đông Dương năm 1950, dự các trận Vĩnh Yên và Nghĩa Lộ rồi được chuyển giao cho quân đội Việt Nam với phiên hiệu tiểu đoàn 3 dù Việt Nam (BPVN). Đổi lại, năm 1953, tiểu đoàn 10 dù thuộc địa (BPC) trở thành tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 bộ binh nhẹ nhảy dù (RCP) để lính dù chính quốc vẫn có mặt trong thành phần lính dù tham chiến ở Đông Dương. Trong năm 1953 một tiểu đoàn dù thuộc địa khác (tiểu đoàn 3) cũng được cải danh thành tiểu đoàn 5 nhảy dù Việt Nam.
Tháng 3-1951 tướng De Lattre quyết định cho tất cả lính dù ở Đông Dương đội mũ bê-rê đỏ ; riêng lê dương nhảy dù vẫn giữ mũ kê-pi trắng và các đại đội lê dương nhảy dù người Đông Dương có mũ bê rê trắng với ruy-băng xanh đỏ.
Năm 1952 lính dù lê dương bắt đầu dùng mũ bê-rê xanh lục (nhưng chưa chính thức thành quy định). Lính dù lê dương vẫn dùng mũ này cho tới nay. Tất cả các đơn vị không vận trong mọi binh chủng, ngoại trừ lê dương, sau ngày 3-9-1957, đều phải đội mũ bê rê đỏ.

Wednesday, 19 March 2014

Hàng phếch là gì?


Hàng phếch là hàng nhái, hàng giả. Gốc của phếchfake của tiếng Anh.
Các cô nàng đều có một búi tóc cao vút giữa đỉnh đầu, lông mi giả dày cộp, váy ngắn, áo lệch vai, tay nhất định là phải xách thêm chiếc túi hàng "phếch", guốc cao mười mấy phân, đi đứng giống hệt các cô ca sĩ, người mẫu cỡ Hoàng Thùy Linh, thỉnh thoảng lại bắt gặp một hình xăm 3D quả sơ ri đậu trễ nải ngay trên bầu ngực.
“Choáng với trà chanh “chém gió, khoe hàng””, Dân Trí, 16/08/2011

Monday, 16 December 2013

Tăng ga là từ mượn âm tiếng nước nào?


Quần tăng ga là một thứ đồ lót cốt chỉ che lấy mu, để lộ gần như toàn bộ vùng mông của người mặc. Trong các tiếng châu Âu mà người Việt có cơ hội tiếp xúc, tên gọi cái quần này đều được viết là tanga. Tăng ga gần với cách phát âm của tiếng Pháp hơn cả mặc dù người Pháp không đem tăng ga vào Việt Nam. Các nhãn hiệu thời trang danh tiếng hiện nay như Triumph, Victoria’s Secret... đều làm ăn bằng tiếng Anh. Tất cả các giả thuyết sau đây đều có lý:
-Người Việt dùng âm Pháp để đọc một từ tiếng Anh;
-Người Việt dùng âm Pháp để đọc một từ quốc tế;
-Người Việt đọc một từ tiếng Anh theo kiểu Việt Nam;
-Người Việt đọc một từ quốc tế theo kiểu Việt Nam.
Nhưng không cách giải thích nào có căn cứ đủ sức thuyết phục.

Friday, 25 October 2013

Lính lê dương đội mũ gì?



Loại mũ che gáy mà trẻ con đi học đội để che nắng còn được gọi là lê dương.

Lính lê dương đội mũ che gáy để chống nắng khi đi trận ở An-giê-ri và Ma-rốc. Mũ bạc phếch chứng tỏ thâm niên nơi sa mạc nắng lửa. Mảu trắng trở thành màu mũ kê-pi của lính lê dương. Tuy nhiên hiện nay sĩ quan lê dương đội kê-pi đen. Hạ sĩ quan có trên 15 năm phục vụ trong đội quânlê dương cũng được đội kê-pi đen.

Khi hành quân lính lê dương không đội kê-pi mà đội mũ bê-rê xanh lục. Mũ này xuất hiện lần đầu tiên năm 1948 ở tiểu đoàn lê dương nhảy dù số 1 (1er BEP ). Năm 1959 nó trở thành mũ chiến đấu của toàn quân lê dương và kê-pi trắng chỉ được dùng khi hành lễ hoặc xuất trại đi phố...

Saturday, 7 September 2013

Kính so lét là kính gì?

Nguyễn Quảng Tuân (1992:386) cho rằng kính so lét là một loại kính đi nắng và nguyên từ của sô létsoleilleux tiếng Pháp. Thật ra so lét là phiên âm của Solex, một hiệu kính dành cho những người sành điệu và dĩ nhiên là rất đắt tiền.

Wednesday, 3 July 2013

Từ Ngàn năm áo mũ, nghĩ về chiếc áo bà ba (Phạm Hoàng Quân - Tuổi Trẻ)


30/06/2013 16:29

Từ Ngàn năm áo mũ, nghĩ về chiếc áo bà ba

TTCT - Ngàn năm áo mũ (1) xuất hiện và được chào đón nồng nhiệt giữa lúc việc viết sử, học sử, nghiên cứu sử bị kêu ca chưa từng thấy. Điều này không chỉ là sự ghi nhận đối với một công trình nghiên cứu có giá trị mà còn là dấu hiệu cho thấy sự mong mỏi chờ đón những nghiên cứu thiết thực, gần gũi với cuộc sống.

Áo bà ba (miền Bắc thường gọi là áo cánh) là loại trang phục thường ngày của người dân nhiều vùng miền. Trong ảnh: Người dân dọn dẹp đổ nát sau trận đánh bom tại Gia Lâm, Hà Nội, năm 1965 - Ảnh: tư liệu TTXVN

Áo bà ba của người Nam bộ xưa - Ảnh: tư liệu TTXVN
Trong một phát biểu gần đây, GS Đỗ Thanh Bình (ĐH Sư phạm Hà Nội) nói rằng: "Ta chưa có một chuẩn quốc gia về kiến thức, kỹ năng. Không có chuẩn, người viết sách (giáo khoa lịch sử) không có điểm tựa" (2). Giá trị của Ngàn năm áo mũ có thể liệt vào loại "chuẩn kiến thức" mà GS Bình cho là đang thiếu, một khi người ta cần tra cứu tham khảo ở góc độ chuyên môn.
Cũng có thể nói rằng Ngàn năm áo mũ có dáng vóc của một "điểm tựa" khi người ta cần giải quyết những rắc rối chập chùng khi bàn về trang phục cung đình trong lịch sử Việt Nam. Khối tư liệu nhiều và đa dạng suốt ngàn năm ở rải rác nhiều nơi được tác giả thu thập và xử lý có hệ thống, dịch giải cẩn thận công phu, đối chiếu rõ ràng... là những ưu điểm nổi bật, khẳng định tính khoa học của công trình và sự nghiêm túc của tác giả.
Ngàn năm áo mũ phân khảo về trang phục năm triều đại: Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Trong mỗi triều đại khảo luận về ba loại hình trang phục: cung đình, quân đội và dân gian.
Tuy nội dung được phân kỳ theo lịch đại (lần lượt các triều đại) - vốn là cách làm phổ biến trong biên soạn/nghiên cứu lịch sử chính trị - nhưng vài điểm mốc quan trọng liên quan đến sự biến đổi trang phục được nêu khá rõ, như cuộc cải cách quan phục năm 1396 thời Hồ Quý Ly, cuộc cải cách y phục Đàng Trong năm 1744, đánh dấu sự ra đời của áo dài năm thân.
Mảng trang phục bình dân
Tiếc là phần viết về chiếc áo bà ba cho người đọc cảm giác hụt hẫng. Chiếc áo này được định nghĩa trong phần "Tiểu từ điển trang phục Việt Nam" như sau: "Áo bà ba: loại áo vạt ngắn không bâu, xẻ giữa, cài bằng cúc, phổ biến ở Nam bộ" (tr.381). Trong một khảo cứu chuyên sâu về y phục, định nghĩa này so với từ điển ngôn ngữ thông dụng có lẽ không khá hơn.
Trong chương V, sau phần mô tả quần áo dân gian miền Bắc, tác giả viết và dẫn: "Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng vào đầu thế kỷ 19, trong giới phong lưu nho nhã đã sử dụng loại áo bà ba, loại áo có nguồn gốc từ đảo Penang ở Malaysia, nơi có tộc người Bà Ba sinh sống".
Tác giả chú nguồn thông tin này từ bài Diện áo bà ba đón khách Tây trong tạp chí Hồn Việt (số 3, tháng 6-2006) và viết tiếp: "Dựa vào một số bức họa trong An Nam quốc giang phiêu lưu phong tục tả sinh đồ do người Nhật Bản vẽ vào năm 1794 tại vùng Đàng Trong, có thể thấy ngay từ cuối thế kỷ 18, loại áo vạt ngắn không bâu, xẻ giữa, cài bằng cúc đã xuất hiện tại vùng Đàng Trong Việt Nam, nhiều khả năng đây chính là tiền thân của loại áo bà ba.
Tuy nhiên, nguồn gốc của loại áo này có phải xuất phát từ đảo Penang (Malaysia) hay không hiện chưa có tư liệu nào có thể kiểm chứng được" (tr.351). Các trích dẫn trên là toàn bộ phần khảo về áo bà ba trong Ngàn năm áo mũ, không có hình ảnh nào minh họa về chiếc áo/bộ đồ này.
Chúng tôi thấy trong Văn minh miệt vườn (1970) (3), nhà văn Sơn Nam nói đến bộ đồ bà ba ít nhất ở ba đoạn, trích hai đoạn như sau:
"Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho miệt vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học, là nơi có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba)" (tr.43)
"Ở miệt vườn, ở miệt Hậu Giang thời Pháp thuộc, cái áo dài đàn ông không được thông dụng cho lắm. Kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhứt, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu... Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc" (tr.201)
Sơn Nam viết khá dài, chúng tôi không thể dẫn toàn văn, càng không phải dựa vào đó mà xác định vấn đề niên đại hay nguồn gốc bộ đồ bà ba. Vấn đề ở đây muốn nói đến là cách xác định giá trị những tư liệu hiện diện, những hình vẽ do người Nhật thực hiện năm 1794 mà Trần Quang Đức được Tô Lan cung cấp quả thật rất quý và độc đáo, chúng cho thấy một phần quá trình diễn biến của mẫu y phục đặc trưng của miền Nam, và Trần Quang Đức đã kết nối chúng một cách thật là "vừa khéo" (4).
Lời kể không rõ nguồn cơn của nhà văn Sơn Nam lại có giá trị ở chỗ chứa nhiều thông tin, kích thích những ai có nhu cầu tìm kiếm.
Trong một nghiên cứu gần đây của Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp về sách Vãng An Nam nhật ký (1890) của một người Mã Lai gốc Hoa là Trần Cung Tam, nội dung ghi chép cho biết rằng ông Trần đến Sài Gòn và nói đến sự có mặt của cộng đồng người Babas, họ sống thành nhóm ở cùng một con đường và người xung quanh gọi hẳn con đường ấy là "đường Babas" (/ Ba Ba nhai) (5).
Theo Li Tana, người Babas là người gốc Hoa sinh trưởng tại vùng eo biển Malaca (Straits born Chinese) (6), nguồn tin này khác với Sơn Nam một tí, cho thấy địa bàn cư trú của người Babas rộng hơn và về huyết thống thì có thể lai hoặc không lai. Khá lý thú là trong một nghiên cứu về Thiên Địa Hội ở Đông Dương, Nola Cooke đã dẫn một bức ảnh từ nguồn Nguyễn Tấn Lộc, trong ảnh là ba thương gia người Hoa trong phòng khách ở ngôi nhà trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), cả ba người đều mặc áo bà ba màu trắng, theo ghi chú thì bức ảnh được chụp vào những năm 1890 (7).
Cho dù đến từ con đường nào và còn nhiều nghi vấn về năm tháng xuất hiện và diễn biến kiểu mẫu, áo bà ba hay nói đúng và đủ là bộ đồ bà ba đã trở thành loại trang phục biểu trưng cho người Việt mọi tầng lớp suốt dãy Trung và Nam bộ đã hơn 100 năm và vẫn tồn tại.
Nguồn tư liệu liên đới về nó không thể coi là hiếm, liệu có mối quan hệ nào khác và xa xưa hơn về kiểu áo này trước khi nó mang tên áo bà ba, tức là trường hợp người Hoa sinh trưởng ở vùng eo biển Malaca đã bị ảnh hưởng bởi người bản địa, đã sử dụng áo này do sự tiện dụng, do phù hợp với phong thổ, khí hậu... và người Việt qua tiếp xúc đã lấy một cái tên nhánh là bà ba, thay vì một tên gốc khác của người Mã Lai.
Quan sát y phục một số dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo ở Việt Nam như Chu Ru hoặc Raglai, chúng ta thấy những phụ nữ lớn tuổi vẫn mặc áo giống hệt kiểu áo bà ba. Ngay trong sách Ngàn năm áo mũ, tại bức hình ở trang 148 được chú thích là: "Cụ bà tại làng cổ Đường Lâm vấn khăn trắng", tuy Trần Quang Đức đang nói về màu sắc cái khăn, nhưng nếu nhìn cái áo sẽ thấy chiếc áo bà cụ mặc không khác áo bà ba.
Người làng Đường Lâm mặc áo kiểu này từ lúc nào, có phổ biến không và liệu nó có liên hệ gì với áo bà ba hoặc khăn áo của người Mường?
Áo bà ba thời nay - Ảnh: Minh Đức
Cần lấp khoảng hở về tiếp biến văn hóa
Những điều vòng vo về bộ đồ bà ba buộc chúng ta phải nghĩ đến mấy thuật ngữ mà học giới gọi là dân tộc học, xã hội học, nói cách khác, phong tục tập quán, tín ngưỡng, điều kiện địa lý, khí hậu, điều kiện kinh tế, tình hình mua bán, giao thông, sự tiếp xúc... đều có thể tác động đến trang phục, đặc biệt là trang phục dân gian.
Đặc trưng của đồ bà ba ở chỗ dù chiếc áo may bằng vải ú màu đen của người nghèo hay bộ đồ may bằng satanh trắng hoặc gấm lụa thêu hoa của người giàu đều mang một tên chung là đồ bà ba. Và những chiếc áo cùng kiểu mẫu của người Nam Đảo hay người Babas không có hẳn một bộ vận bà ba gồm các món áo bà ba tay dài (có hai túi hoặc không túi), áo trong (tay lỡ hoặc ngắn, luôn có hai túi), quần đáy nem cột dây hoặc luồn thun, khăn vuông trùm đầu, nón lá, khăn rằn.
Đối với trang phục đặc trưng có lịch sử gần - mà áo bà ba là một thí dụ, hình như Ngàn năm áo mũ đã vô tình để hở một khiếm khuyết, sự tiếp biến và giao thoa giữa các nền văn hóa trên đất Việt chưa được khảo xét một cách cân đối...
PHẠM HOÀNG QUÂN
____________

(1): Trần Quang Ðức, Ngàn năm áo mũ- Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945, NXB Thế Giới, 2013
(2): TTCT, 9/6/2013, tr.19
(3): Sơn Nam, 
Văn minh miệt vườn, NXB Văn Hóa, 1992
(4): chữ của Trần Quang Ðức dùng trong bản dịch 
Trường An loạn
(5): Claudine Salmon and Tạ Trọng Hiệp, Wang Annan riji: A Hokkien Literatus Visits Saigon (1890), Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.74-88)
(6): Li Tana, 
In Search of Chinese Rice Merchants in French Cochinchina, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.189-201)
(7): Nola Cooke, 
The Heaven and Earth Society Upsurge in Early 1880s French Cochinchina, Chinese Southern Diaspora Studies, Vol. 4, 2010. (tr.42-73)

Saturday, 30 March 2013

Tại sao chỉ có nội y gợi cảm mà không có nội y khiêu dâm?

Các từ tiếng Pháp lingerie érotique, lingerie sexy, lingerie suggestive, lingerie de séduction (tương ứng với tiếng Anh là erotic lingerie, sexy lingerie, suggestive lingerie, seductive lingerie) cùng chỉ các loại trang phục lót mà người Việt gọi là nội y gợi cảm hay nội y quyến rũ. Không có cái gọi là nội y khiêu dâm. Báo đăng ảnh khiêu dâm có thể bị phạt hành chính, nhưng đăng ảnh gợi cảm thì bình yên vô sự.

Friday, 27 January 2012

Váy ngắn sơ vin với áo phông là làm sao?


Từ civil tiếng Pháp có nghĩa là dân sự, vào tiếng Việt thành xi vin. Tây xi vin là Tây dân sự, không phải lính tráng:
Một số tây “xi vin” cũng bị bắt. (Ngô Văn Phú, 2004b:17)
Mặc đồ xi vin là mặc quần áo dân sự. Từ xi vin này đã vào từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý, 1999:1861). Xi vin gần đây biến thành sơ vin, khá phổ biến cả trong Nam ngoài Bắc nhưng chưa được từ điển công nhận:
Trưởng xóm Mai, dẫn anh Công an mặc “sơ-vin” đến nhà “cựu dân quân” Dược. (Hoàng Huệ Thụ, 2007:155)
Dần dần mặc sơ vin thu hẹp nghĩa lại so với mặc xi vin, không chỉ có nghĩa là mặc đồ dân sự mà còn phải lịch sự nữa, cụ thể là áo phải bỏ trong quần (nam) hoặc váy (nữ) như ở công sở, trường học vậy. Thêm một bước nữa, phạm vi sử dụng của sơ vin được mở rộng trở lại. Bây giờ mặc bất cứ cái gì không phải quần áo lính mà áo nhét vào quần hoặc váy đều là sơ vin. Váy ngắn vẫn có thể sơ vin (nhưng không thể xi vin) với áo phông là vậy.

Friday, 18 November 2011

Áo tô là áo gì?

Áo tốt nghiệp, áo cử nhân, áo thạc sĩ, áo tiến sĩ... các kiểu lụng thụng với một dải vải vắt qua vai, buông lòng thòng trước ngực chính là áo tô. Áo tô nguyên là y phục của công dân La Mã, được cải biên thành áo choàng của giáo sư, quan tòa, luật sư. Học sinh, sinh viên trong ngày tốt nghiệp cũng được phép mặc áo tô.
Tiếng Việt có từ tô ga gần âm với toga trong tiếng La Tinh, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng châu Ấu khác (tiếng Nga là тога phát âm cũng giống như thế). Khó có thể xác định tô ga được mượn từ tiếng nào trước.
Ngoài ra tiếng Việt cũng có tô-giơtô-jơ chắc chắn là từ toge của Pháp (Lê Ngọc Trụ, 1993:780). Trong từ điển này cũng có từ , được xem là rút gọn của tô-giơtô-jơ.
Tuy nhiên do áo tô đã biến mất khỏi đời sống ở Việt Nam một thời gian khá dài cùng lúc với sự suy tàn của tiếng Pháp, từ hiện nay rất có thể được xem là kết quả rút gọn của tô ga.

Thursday, 10 November 2011

Tại sao người ta gọi cái túi vải hình chữ nhật có quai đeo vai là túi dết?

Cái túi này được người Pháp đem vào Việt Nam. Tiếng Pháp là musette [myzεt]. Người Việt chỉ giữ lại âm tiết cuối.
Ra ngoài làm việc rừng, lúc nào túi dết Lịnh cũng có sách vở, nhưng chặt xong phần cây hoặc cuốc xong phần đất của mình rồi anh mới chui vào bụi khuất mà đọc mà viết (Nguyễn Tuân, 2006c:229)

Sunday, 16 October 2011

Mũ bo là mũ gì?

Mũ bo là mũ rộng vành. Gốc tiếng Pháp là chapeau à bord.

Friday, 7 October 2011

Bạc đà là cái gì?

Từ bạc đà được các từ điển Nguyễn Như Ý (1999:94), Hoàng Phê (2006:24) giải thích là cái ba lô (lính).
Chỗ này hồi trước có cái tượng thằng lính Tây đen xì đeo bạc đà đứng lù lù như uy hiếp cái cột cờ trong thành cổ (Ma Văn Kháng, 2003VI:583)
Gốc Pháp là barda, có nghĩa là quân trang.

Saturday, 10 September 2011

Mũ ca nô là mũ gì?


Từ điển chỉ có ca nô với ý nghĩa là thuyền máy cỡ nhỏ, có mạn cao, khoang có nhiều ngăn chia làm buồng máy, buồng lái,... dùng chạy trên quãng đường ngắn (Hoàng Phê, 2006:112). Đây là một từ gốc Pháp (canot).
Một từ Pháp khác là calot (tức cái mũ chào mào của lính khố đỏ thời xưa; lính này vì vậy còn được gọi là lính chào mào) vào tiếng Việt bằng con đường mượn âm thành ca lô, cà lồca nô. Ca lô là dạng đã ổn định từ lâu và được ghi nhận chính thức trong các từ điển (Thanh Nghị,  1967:172, Nguyễn Như Ý, 1999:220). Cà lồ có sắc thái thân mật. Ca nô nguyên là biểu hiện của những người mắc tật lẫn lộn /n/ và /l/, về sau thành ra phổ biến do người sử dụng không nhận thức được mối liên hệ giữa gốc Pháp và từ Việt:
Anh Nguyễn Công Hoan mặc quân phục, mũ ca-nô tím sao tròn cẩn thận. (Lê Minh, 2008:258)

Tuesday, 23 August 2011

Quần côn là quần gì?

Quần [ống] côn là kiểu quần thắt ống từ mông xuống mắt cá chân. Quần côn được nhiều phụ nữ ưa thích vì nó dễ tạo ấn tượng chân dài miên man.
Quần côn được dịch từ cone pants tiếng Anh. Tiếng Pháp có pantalon cône, nhưng không chắc là người Việt có tham khảo tiếng Pháp khi tạo ra từ quần côn.
Côn là từ gốc Pháp (cône), nghĩa là hình nón. Từ này vào tiếng Việt đã lâu, rất thông dụng trong lĩnh vực cơ khí: côn di động (cône mobile), côn định tâm (cône de centrage), côn giảm tốc (cône de réduction), côn kép (cône double), côn lăn (cône de roulement), côn ngoài (cône extérieur), côn siết (cône de serrage), côn thẳng (cône droit), côn trong (cône intérieur), côn vòng (cône circulaire), bạc côn (douille conique),  dao doa côn (alésoir conique), dây côn (cône d’embrayage),  ren côn (filet conique), vòng côn (bague conique)...

Saturday, 13 August 2011

Tại sao bộ phận áo ngực che bầu ngực được gọi là cái cúp?

Từ gốc ở tiếng Anh là cup, đọc theo kiểu Việt Nam là cúp. Tiếng Việt có một từ tương đương là quả áo ngực, nhưng chỉ người Bắc dùng từ này thôi. Ở Sài Gòn mà ra chợ hỏi quả áo ngực thì không ai biết là cái gì.

Thursday, 11 August 2011

Chít ben là làm gì?


Chít ben (và cả chích ben) vốn từ chiết ben mà ra. Chiết trong nghề may có nghĩa là thu hẹp lại (như chiết ống tay áo chẳng hạn). Từ ben không được ghi nhận trong từ điển nào cả. Gốc của nó pince tiếng Pháp, có nghĩa là đường chiết.

Tuesday, 9 August 2011

Tại sao áo nịt ngực phụ nữ được gọi là xu chiêng?

Xu chiêng là phiên âm của từ soutien-gorge tiếng Pháp. Từ này vào tiếng Việt có các biến thể khác như xu chiên, xu cheng, xú cheng, xú chiêng....
Thanh Nghị (1967) không ghi nhận dạng nào cả mặc dù thời đó xu chiêng đã phổ biến lắm rồi. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999), Hoàng Phê (2006) chỉ ghi nhận dạng xu chiêng. Nói chung, từ này nghe không được tao nhã bằng áo (nịt) ngực mặc dù không phải loại áo nịt ngực nào cũng là xu chiêng.
Cũng chính vì cái tên gọi mơ hồ này mà xu chiêng còn được gọi là cọc xê (hay coọc xê / coóc xê) trong khi đúng ra cọc xê (tiếng Pháp là corset) là loại trang phục lót nịt cả bụng và ngực:
* Cô thò tay trong yếm (năm 1910, cô Ba mặc yếm cũng như các bạn gái ta đời nay mặc coóc-xê vậy) cô rút ra phong thư bằng giấy Tây, mà cô đã viết đêm qua, và đã gấp lại thật nhỏ. (Nguyễn Vỹ, 2006:18)
* Mùa hè, ở bên đó, thiếu nữ toàn mặc váy ngắn, áo hở cổ, lại không có coóc xê. (Bùi Việt Sỹ, 2009:287)
Xu hướng bây giờ gọi xu chiêngáo bra, nghe “sang trọng” hơn.  Các tiệm thời trang chỉ quảng cáo áo bra thôi, không ai rao bán xu chiêng cả.

Saturday, 30 July 2011

Tạp dề là cái gì?

 Tạp dề, gốc tiếng Pháp là tablier, là tấm vải dùng để buộc trước bụng để giữ cho quần áo khỏi bẩn khi làm bếp.

Monday, 18 July 2011

Giày cô xư ghin là giày gì?

Cô xư ghin là tên của một vị thủ tướng Liên Xô (Косы́гин). Tên này được dùng để gọi một loại giày da do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong chiến tranh, cấp phát cho sĩ quan quân đội.